Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Lễ hội văn hóa Phật giáo châu Á - lần thứ nhất

Đã đọc: 1732           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thượng tọa Thích Đại Nguyện, trụ trì chùa Lục Tổ, trưởng ban bảo trợ đại lễ nhấn mạnh: “Lục tổ Huệ Năng chủ trương rằng Phật tính của con người không phân biệt Bắc và Nam. Do vậy, muốn phát triển Phật giáo trên toàn cầu, các lãnh tụ Phật giáo thế giới không còn phân biệt Nam tông, Bắc tông và Kim Cang thừa...

MỤC ĐÍCH CỦA LỄ HỘI

Kể từ khi thoát khỏi nạn diệt chủng của Pol Pot năm 1979, đây là lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, Bộ Tôn giáo và Tín ngưỡng của chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia long trọng tổ chức Lễ hội văn hóa Phật giáo châu Á lần thứ nhất tại thủ đô Phnom Penh ngày 14-15 tháng 12 và thành phố Siem Reap ngày 16-17 tháng 12 năm 2011.

Lễ hội văn hóa Phật giáo châu Á lần này, được sự bảo trợ của chùa Lục Tổ, Quảng Đông, Trung Quốc, đã thu hút hơn 400 đại biểu Phật giáo quốc tế đến từ 13 nước châu Á, bao gồm Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Nam Hàn, Thái Lan, Lào, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và gần 500 đại biểu nước chủ nhà. Dẫn đầu đoàn Việt Nam là TT.Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM và Phó ban Phật giáo quốc tế. Cùng đi với đoàn còn có TT.Thích Bửu Chánh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM, một số thành viên khác và đoàn nghệ thuật Bông Sen gồm 17 vũ công.

Mục đích của lễ hội này là nhằm thiết lập tình hữu nghị, giao lưu và hợp tác giữa các cộng đồng Phật giáo châu Á, thông qua đó, góp phần xây dựng tình hữu nghị và hòa bình giữa các nước trong khu vực. Thông qua lễ hội văn hóa Phật giáo này, lãnh đạo Phật giáo Cam-pu-chia muốn gửi thông điệp bảo vệ, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Phật giáo thế giới nói chung và Cam-pu-chia nói riêng, đến với tất cả cộng đồng Phật giáo toàn cầu.

LỄ RA MẮT HỌC VIỆN THIỀN LỤC TỔ

Sáng ngày 14-12, tại khuôn viên của trường Đại học Phật giáo, lãnh đạo của Bộ trưởng Bộ Tôn giáo và Tín ngưỡng đã hướng dẫn phái đoàn Phật giáo quốc tế đến tiếp kiến Hòa thượng Bour Kry, Tăng vương của Giáo hội Phật giáo Dhammayutti, và làm lễ ra mắt Học viện Thiền Huệ Năng (Hui Neng Zen Institute).

Phát biểu tại đại lễ, Tăng vương Bour Kry khẳng định: “Hòa hợp và đoàn kết vì lợi ích cho số đông là bản chất của Phật giáo. Với lịch sử 2000 năm hữu nghị giữa Cam-pu-chia và Trung Quốc, tôi muốn thông qua Lễ hội Văn hóa Phật giáo châu Á này, Phật giáo Cam-pu-chia thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác với cộng đồng Phật giáo châu Á và thế giới. Nhờ chia sẻ các giá trị văn hóa Phật giáo đậm đà bản sắc dân tộc, Phật giáo góp phần mang lại hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại.”

Thượng tọa Thích Đại Nguyện, trụ trì chùa Lục Tổ, trưởng ban bảo trợ đại lễ nhấn mạnh: “Lục tổ Huệ Năng chủ trương rằng Phật tính của con người không phân biệt Bắc và Nam. Do vậy, muốn phát triển Phật giáo trên toàn cầu, các lãnh tụ Phật giáo thế giới không còn phân biệt Nam tông, Bắc tông và Kim Cang thừa. Tôi mong rằng chúng ta có thể hợp tác và giao lưu văn hóa và giáo dục để cùng nhau phát triển Phật giáo.”

Nhân dịp này, TT.Thích Nhật Từ thay mặt Hòa thượng Thích Trí Quảng, Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM, đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục và văn hóa với TT.Thích Đại Nguyện. Cùng ký bản ghi nhớ còn có đại diện các trường đại học Phật giáo như Đại học Mahachulalongkorn, Đại học Mahamakut (Thái Lan), Đại học Truyền giáo Nguyên thủy quốc tế (Miến Điện) và một số tổ chức Phật giáo khác. (Bản ghi nhớ)

TRIỂN VỌNG HỢP TÁC QUỐC TẾ

Lúc 14h30, ngày 14-12-2011, phái đoàn Phật giáo thế giới đã tiếp kiến Hòa thượng Tep Vong, Tăng vương Giáo hội Phật giáo Mahanikaya. Ngoài phần thăm hỏi, lãnh đạo Phật giáo đã chia sẻ các hoạt động Phật sự của nước mình, bao gồm những thuận lợi và thách đố, nhằm thắt chặt mối quan hệ và hợp tác giữa Phật giáo Cam-pu-chia và các Giáo hội Phật giáo tại châu Á.

Tăng vương Tep Vong khẳng định: “Tổ chức Lễ hội Văn hóa Phật giáo châu Á tại vương quốc Cam-pu-chia là một diễm phúc đối với đất nước tôi. Như chư tôn đức và các bạn đều biết Cam-pu-chia đã trải qua và bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng. Hậu quả của chiến tranh vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của người dân. Chúng ta là nạn nhân của chiến tranh. Tôi cho rằng nếu chiến tranh hủy diệt mọi thứ trên địa cầu thì lễ hội văn hóa Phật giáo là nhịp cầu quốc tế thiết lập hòa bình khắp mọi nơi. Tôi hy vọng rằng lễ hội này góp phần làm vơi đi nỗi đau chiến tranh, mang lại hạnh phúc và bình an cho cuộc sống.”

Chia tay với đoàn đại biểu quốc tế, Tăng vương Tep Vong nhắn nhủ: “Tôi tin rằng chư tôn đức và các bạn sẽ đến Cam-pu-chia thêm nhiều lần nữa và chúng ta cùng nhau hợp tác thêm nữa để mang thông điệp từ bi, bất bạo động và hòa bình đến với mọi dân tộc trên hành tinh này.”

Vào lúc 14h30 ngày 1, phái đoàn Phật giáo thế giới được bà Men Sam Orn, Phó thủ tướng kiêm Cam-pu-chia, tiếp đón thân mật tại Văn phòng của Hội đồng Bộ trưởng nhằm khẳng định sự ủng hộ của chính phủ nước này đối với Phật giáo Cam-pu-chia nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung. Thay mặt Thủ tướng Hun Sen, Phó thủ tướng Men Sam Orn chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên vương quốc Cam-pu-chia đăng cai tổ chức lễ hội Văn hóa Phật giáo châu Á với sự tham dự của đại biểu Phật giáo từ 13 quốc gia. Hợp tác văn hóa, nhất là văn hóa Phật giáo, là con đường ngắn nhất để truyền bá thông điệp bất bạo động và hòa bình của đức Phật. Hận thù, chiến tranh, chết chóc đã chia rẽ hành tinh này. Văn hóa mời gọi sự thân thiện và hòa bình giữa con người với con người. Chính phủ tôi cam kết ủng hộ các hoạt động văn hóa trong nỗ lực thiết lập hòa bình.”

VĂN HÓA VÀ HÒA BÌNH

Đại lễ văn hóa Phật giáo châu Á được khai mạc trọng thể vào lúc 8h30 sáng ngày 15-12 tại Trung tâm Hội nghị Chaktomuk, Phnom Penh. Đến tham dự có hai vị Tăng vương Cam-pu-chia, Tăng vương Phật giáo Lào, nhiều vị cao Tăng và học giả Phật giáo và hơn 900 đại biểu Phật giáo trong nước và nước ngoài tham dự.

Trong diễn văn khai mạc, ông Min Khin, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo và Tín ngưỡng nhấn mạnh: “Như chính bản chất của đạo Phật, vương quốc Cam-pu-chia là nước yêu chuộng hòa bình. Các lễ hội văn hóa Phật giáo như thế này sẽ mang sức truyền cảm về nền hòa bình Phật giáo cho con người đương đại.

Sau hai ngày làm việc tại Phnom Penh, biểu diễn lễ hội văn hóa Phật giáo được diễn ra tại Angkor Wat, Siem Reap vào ngày 16-17 tháng 12. Tại buổi lễ mang tính văn hóa truyền thống (Pithy Krong Pealy), Phó thủ tướng Men Sam Orn khẳng định rằng: “Văn hóa Phật giáo gắn liền và làm đẹp văn hóa dân tộc, cần được bảo tồn và phát triển trong bối cảnh cận đại nhằm góp phần giúp cho quần chúng trở về nguồn trong cơn lốc toàn cầu hóa.”

Lãnh đạo và đại diện của các đoàn đại biểu Phật giáo của 13 nước lần lượt phát biểu về nghệ thuật giải quyết xung đột, chuyển hóa tâm sân, truyền bá bất bạo động, xây dựng hòa bình thế giới trên nền tảng văn hóa Phật giáo.

Chiều ngày 16-12, hơn 20 đoàn nghệ thuật đến từ 13 quốc gia và nước chủ nhà đã biểu diễn các tiết mục múa truyền thống đặc sắc, thể hiện sự phong phú của văn hóa Phật giáo đồng hành với dân tộc. Các điệu múa đậm đà bản sắc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam của đoàn Bông Sen đã để lại các dấu ấn khó quên trong tâm người thưởng thức.

Trong lễ bế mạc vào sáng ngày 17-12, đức Tăng vương Bour Kry và TT.Thích Đại Nguyện kêu gọi lãnh đạo các đoàn Phật giáo cùng thành lập Hiệp hội thế giới về trao đổi văn hóa Phật giáo (World Union of Buddhist Culture Exchange). Các trưởng đoàn tuần tự lên sân khấu ký vào hiệp ước và trở thành những người sáng kiến thành lập Hiệp hội này.

Bản Tuyên bố Angkor về Văn hóa Phật giáo và Hòa bình thế giới (Angkor Announcement on World Peace and Buddhist Culture) đã được các đại biểu thảo luận thông qua và được tuyên đọc bằng ba thứ tiếng. Tiếng Khmer do Tăng vương Bour Kry đọc, tiếng Trung Quốc do TT.Thích Đại Nguyện đọc. Tiếng Anh do TT.Thích Nhật Từ đọc. Lãnh đạo Phật giáo và tất cả đại biểu đã thành tâm cầu nguyện cho thế giới hòa bình, các quốc gia được an lạc và mọi người được hạnh phúc trong hào quang chư Phật.

Lễ hội Văn hóa Phật giáo châu Á đã khép lại trong niềm vui mừng với cam kết “cùng nhau bảo vệ, bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa Phật giáo cấp quốc tế và quốc gia, nhằm góp phần làm giàu đẹp nền văn hóa và văn minh của nhân loại.”

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)