Từ điển Phật học vần A-Z (2010 mục từ, ngày 02/1/2023)

Đã đọc: 716           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

TỪ ĐIỂN PHẬT HỌC VẦN A-Z

(2010 mục từ, ngày 02/1/2023)

Thích Nhật Từ

 

ác kiến (S. Mithyā-drsti, C. 惡見): cái nhìn xấu ác, quan điểm xấu ác, gọi đầy đủ là “cái nhìn xấu ác lệch lạc” (惡邪見, ác tà kiến), cái nhìn không đúng (不正見, bất chánh kiến), tức hiểu sai chân lý của đức Phật giảng dạy.

ác niệm chi phối (惡念支配): người khi bị ác niệm chi phối sẽ không có tinh thần cải thiện, không lắng nghe lời khuyên răn, cố chấp và bảo thủ với chủ trương, quan điểm, hành vi, lời tuyên bố sai lầm, gây chia rẽ tăng đoàn. Các hành vi xấu sau đây sẽ tiếp tục đeo bám người bị ác dục chi phối: (i) Khen mình chê người (自贊毁他); (ii) Bị phẫn nộ chi phối (被忿怒征服); (iii) Do phẫn nộ sinh hiềm hận (由忿生恨); (iv) Do phẫn nộ sinh ra chấp trước (由忿生执着); (v) Thốt ra lời liên hệ đến phẫn nộ (说出与忿怒有关的話); (vi) Chống đối người buộc tội mình (反對斥責者); (vii) Trách mắng người buộc tội mình (責骂斥責者); (viii) Phản bác người buộc tội mình (反駁斥責者); (iv) Né tránh không trả lời người buộc tội mình và lộ ra nét mặt phẫn nộ, sân hận, bất mãn (對斥責者避而不答, 現出忿、瞋、恼的神情); (x) Không đồng ý lời khuyên của người buộc tội (不同意斥責者的勸告); (xi) Che ác (覆惡), lừa gạt (欺瞒); (xii) Tật đố (嫉妒), xan tham (慳吝); (xiii) Gian xảo (狡猾), dối trá (欺誑); (xiv) Kiêu ngạo (傲), ngạo mạn (慢); (xv) Chấp lấy tư kiến (执着己見). Xem  “ba lần khuyên răn,” “thuận theo tà đạo,” đi theo nhóm riêng” và “kết phe phái.”

ác ngữ (P. dubbhāsita, S. dukkaṭa, 惡語): tội ác ngữ, còn gọi là “nói ác” (悪説, ác

A-la-hán (P. Arahant, S. Arhat, 阿羅漢): Thánh nhân Phật giáo, chấm dứt khổ đau, không còn tái sanh trong luân hồi. A-la-hán gồm có các nghĩa: (i) Sát tặc (殺賊), giết giặc phiền não; (ii) Ứng cúng (應供), bậc đáng cúng dường; (iii) Vô sinh (無生), người đạt được niết-bàn, ra khỏi tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới), chấm dứt sinh tử luân hồi.

a-lan-nhã (P. arañña, S. araṇya, 阿蘭若): nơi vắng vẻ trong rừng (森林中的空地), ít người lui tớ. Thuật ngữ này còn  được phiên âm thành A-luyện-nhã (阿練若), A-lan-nhướng (阿蘭攘), A-lan-na (阿蘭那), A-lan-noa (阿蘭拏).

an cư kỳ sau: dịch thoát nghĩa của “hậu an cư”(後安居) là thời gian an cư  bắt đầu từ 16/7 đến 15/9 AL theo Nam truyền hoặc từ 16/5 đến 15/8 AL theo Bắc truyền. Nếu tổ chức an cư sớm hơn 1 tháng thì gọi là “an cư kỳ trước” (前安居, tiền an cư). Xem “an cư kỳ trước.”

an cư kỳ trước: dịch thoát nghĩa của “tiền an cư” (前安居), là thời gian an cư từ 16/6 đến 15/8 AL theo Nam truyền, hoặc 16/4 đến 15/7 theo Bắc truyền. Nếu tổ chức an cư muộn hơn 1 tháng so với an cư kỳ trước thì gọi là “an cư kỳ sau” (後安居, hậu an cư). Xem “an cư kỳ sau.”

an cư mùa mưa (雨安居): dịch từ chữ “vassa” trong Pali và “varṣa” trong Sanskrit, còn gọi là “kết hạ an cư” (結夏安居), “hạ an cư” (夏安居), “tọa hạ an cư” (坐夏安居), “kết hạ” (結夏), “nhập hạ” (入夏), “tọa hạ” (坐夏), “tọa lạp” (坐臘) hay “an cư” (安居). Đây là văn hóa sinh hoạt của người xuất gia được đức Phật quy định 26 thế kỷ trước, do 3 tháng mùa mưa tại Ấn Độ, việc đi lại bất tiện, làm ướt 3 y, dễ dẫm chết nhiều côn trùng và thảo mộc, nhân đó, đức Phật dạy người xuất gia ở yên trong một ngôi chùa để chuyên tâm học Phật, tu thiền, học kinh nghiệm đối thoại tôn giáo, đối thoại triết học và làm Phật sự. Theo Phật giáo Bắc truyền tại Trung Quốc, Việt Nam, an cư mùa mưa bắt đầu vào ngày 16 tháng 4 AL và kết thúc vào ngày rằm tháng 7 AL. Theo Phật giáo Nam truyền tại Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Lào, Campuchia, an cư mùa mưa tổ chức vào ngày 16 tháng 6 đến rằm tháng 9 AL. Theo lịch Ấn Độ, mỗi năm an cư mùa mưa bắt đầu từ tháng Shraavana đến tháng Ashwan, tương đương nông lịch từ ngày 16 tháng 6 đến rằm tháng 8 thì được gọi là “an cư kỳ trước” (前安居, tiền an cư), nếu tổ chức muộn hơn 1 tháng thì gọi là “an cư kỳ sau” (後安居, hậu an cư). Khi kết thúc an cư, Tăng đoàn, Ni đoàn làm lễ tự tứ. Khi hoàn tất an cư tại một trú xứ hợp pháp thì Tăng, Ni tăng một tuổi hạ/ hạ lạp.

an cư tại chỗ: Áp dụng cho các Tự viện có ít nhất 05 Tỳ-kheo (đối với chùa Tăng) hoặc 05 Tỳ-kheo-ni (đối với chùa Ni) cư trú trong một ngôi chùa. Để an cư tại chỗ được hợp pháp, Trụ trì phải làm thủ tục đăng ký tại Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thông qua Ban Trị sự GHPGVN huyện. Số lượng Tăng Ni và chương trình sinh hoạt an cư phải được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chấp thuận thì việc an cư mới hợp pháp.

an cư tập trung: Áp dụng với trường hạ có ít nhất từ 30 Tăng hoặc Ni trở lên tập trung an cư mùa mua trong một tự viện. Đối với các tỉnh, thành miền núi, khu vực giáp tiếp biên giới, hải đảo, số lượng Tăng Ni tập chúng an cư do Ban Trị sự tỉnh quyết định. Trước khi tổ chức trường hạ an cư tập trung, Ban Trị sự tỉnh hoặc Ban Trị sự huyện phải thông báo với Cơ quan Nhà nước cùng cấp để được chấp thuận bằng văn bản.

an cư: (1) Ở yên, sống ổn định; (2) viết tắt của “an cư kiết hạ”. Xem “an cư mùa mưa.”

An Nam tứ khí

A-na-hàm (S. anāgāmin, 阿那含), không trở lại cuộc đời này nữa (不來, bất lai). Đây là quả thứ ba trong bốn Thánh quả của Thanh văn. Những người này đã chấm dứt chín phẩm phiền não trong cõi dục, không còn tái sinh trong cõi dục mà sinh vào cõi sắc giới và cõi vô sắc.

anh hùng dân tộc: Người có công lao kiệt xuất trong lịch sử đấu tranh bảo vệ và phát triển của một đất nước, được nhân dân ca ngợi và lịch sử ghi nhận, góp phần thay đổi vận mệnh của dân tộc.

áo trực chuyết (直裰): Còn gọi là “trực bi” (直襬), “trực thân” (直身) tức áo dài của nhà sư, đạo sĩ hoặc sĩ tử. Chùa Hoa ngày nay gọi là “hải thanh” (海青), tức áo dài có tay hậu của tu sĩ.

A-xà-lê (P. ācariya, S. ācārya, 阿闍梨): thầy mô phạm về đạo đức (軌範師, quỹ phạm sư), còn gọi là giáo thọ sư (教授师). Đây là vị Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni có nhiệm vụ dạy dỗ, dẫn dắt cho các học trò. Có năm loại A-xà-lê: (i) Thầy xuất gia, (ii) Thầy thọ giới, (iii) Thầy truyền dạy giáo pháp, (iv) Thầy dạy kinh điển, (v) Thầy y chỉ. Đồng học (同學), người cùng học, người học cùng lớp. Phẩm Bồ-tát (菩薩品), thuộc Kinh Duy-ma-cật (維摩詰經) ghi: “Vui gần bạn học” (樂近同學, lạc cận đồng học).

ấn (mudrā, 印): (1) Con dấu, (2) Tư thế bàn tay và ngón tay sử dụng trong Phật giáo, làm biểu tượng triết lý Phật giáo trong kiến trúc, mỹ thuật, hình tượng học, trang trí và tâm linh Phật giáo. Xem “thủ ấn.”

ấn chuyển pháp luân (S. Dharmachakra Pravartana mudrā): Ấn tướng hai bàn tay đặt trước ngực đức Phật Thích-ca trong tư thế ngồi, tay trái hướng vào thân, tay mặt hướng ra; trong mỗi tay, ngón cái và ngón trỏ tạo thành vòng tròn, ba ngón còn lại song song hơi cong và hai vòng tròn đó chạm nhau. Ban đầu, ấn chuyển pháp luân là biểu tượng của bốn chân lý thánh như giải pháp tốt nhất của các vấn nạn con người, gia đình, cộng đồng, quốc gia và quốc tế: (i) Thừa nhận khổ đau, (ii) Truy tìm nguyên nhân, (iii) Trải nghiệm hạnh phúc, (iv) Thánh đạo tám ngành. Về sau, ấn này tại Nhật Bản trước thế kỷ 9, một số tượng Phật A-di-đà gắn kết với ấn chuyển pháp luân. Ấn chuyển pháp luân rất phổ biến tại Ấn Độ và các nước Phật giáo Nam truyền, đang khi trở nên mờ nhạt trong tại Việt Nam và một số nước Đại thừa khác.

ẩn dụ cách thức: Ẩn dụ dựa vào sự tương đồng về cách thức thực hiện hành động.

ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Ẩn dụ dựa vào sự tương đồng về cảm giác.

ẩn dụ hình thức: Ẩn dụ dựa vào sự tương đồng về hình thức giữa các sự vật, hiện tượng.

ẩn dụ phẩm chất: Ẩn dụ dựa vào sự tương đồng về phẩm chấm giữa các sự vật, hiện tượng.

ẩn dụ: Cách mô tả sự vật, sự kiện trong văn học và thơ ca mà chủ yếu là lấy hình ảnh của sự vật, sự kiện khác, thể hiện qua cụm từ khác có cùng nghĩa hoặc gần sắc thái nghĩa. Ẩn dụ là hình thái so sánh hai sự vật mà không dùng những cụm từ “như”, “như là”, “giống như”. Có những ẩn dụ là ngụ ngôn, nói lái và dùng tục ngữ. Có những ẩn dụ giống nhau về hình thức, giống nhau về màu sắc, giống nhau về chức năng, giống nhau về đặc điểm bề ngoài, giống nhau về nghĩa, hoặc gọi tên con vật để chỉ người hoặc chuyển tính chất của một vật sang một vật khác.

ấn giáo hóa (S. vitarka mudrā): Ấn có tư thế cả hai lòng bàn tay hướng phía trước, tay phải chỉ lên ở vị trí ngang vai, tay trái chỉ xuống ở vị trí ngang bụng. Trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau thành vòng tròn. Dạng khác của ấn giáo hóa là lòng bàn tay trái hướng lên, để ngang bụng, tay phải ngang vai, ngón tay trỏ và tay cái làm hình tròn. Ấn này tượng trưng sự giáo hóa bằng giảng kinh, thuyết pháp, cứu độ nhân sinh.

ấn hiệp chưởng (S. añjali mudrā): Ấn chắp tay với tư thế hai bàn tay chắp trước ngực, như hình búp sen, tượng trưng khơi mở tiềm năng giác ngộ sẵn có trong mỗi người. Trong văn hóa giao tiếp của người Ấn Độ, ấn hiệp chưởng được mọi người sử dụng hằng ngày.

ấn hoằng pháp: Như “ấn giáo hóa.”

ấn kim cương hiệp chưởng (S. vajrapradama mudrā): Ấn có tư thế đầu ngón tay của hai bàn tay chắp vào nhau, tượng trưng niềm tin bất động, vững chắc như kim cương (vajra).

ấn ký hiệu sừng: Động tác hai ngón trỏ và ngón út chĩa lên, đồng thời khép hai ngón giữa và ngón áp út dưới ngón cái. Trong Phật giáo, ấn ký hiệu sừng biểu tượng của trừ tà, xua đuổi cái ác, giải nạn, loại bỏ năng lượng tiêu cực. Trong múa cổ truyền Ấn Độ, ký hiệu sừng tượng trưng con sư tử.

ấn sáu yếu tố (bodhyangi mudrā): Ấn tướng gắn kết với Phật Đại Nhật (Vairocana) có cử chỉ nắm lấy của ngón trỏ bàn tay trái với bàn tay phải, tượng trưng “nắm đấm của trí tuệ” (fist of wisdom).

ấn sấm sét (vajra mudrā): Tượng trưng cử chỉ tri thức với ấn tướng mu bàn tay phải xoay ra  ngoài, các ngón nắm lại chừa khoảng trống chính giữa, ngón cái và ngón trỏ chạm nhau; ngón trỏ của tay trái đưa vào khoảng trống chính giữa của bàn tay phải và các ngón còn lại tạo thành nắm tay.

ấn tối thượng bồ-đề (S. uttarabodhi-mudrā): Ấn có tư thế hai bàn tay chắp ngang ngực, hai ngón cái chạm nhau hay để lên nhau, hai ngón trỏ duỗi thẳng chạm vào nhau tạo thành mũi nhọn như chày kim cương, các ngón còn lại lồng vào nhau. Ấn này tượng trưng sự giác ngộ toàn mãn, đánh thức tuệ giác Phật có sẵn trong mỗi người.

ấn tướng: Còn gọi là ấn thủ, tức tư thế và vị trí của bàn tay, ngón tay, tượng trưng cho các thực hành tâm linh của Phật giáo, giúp đạt được định tâm, thiết lập mối liên hệ giữa người bắt ấn tướng với các đức Phật, Bồ-tát trong khóa lễ đang diễn ra.

ấn thí nguyện (S. varada mudrā): Còn gọi là dữ nguyện ấn hay thí dữ ấn, tượng trưng sự toại nguyện, lòng tay mặt hướng về phía trước, bàn tay chỉ xuống. Nếu ở tượng Phật Thích Ca là đó biểu hiện gọi trời (xem ấn xúc địa) chứng minh Phật quả. Trong dạng khác, ấn thí nguyện có tư thế ngón trỏ và ngón cái chạm nhau thành vòng tròn. Thường các tượng Phật có tay mặt bắt ấn vô úy, tay trái ấn thí nguyện.

ấn thiền (dhyāna mudrā): Còn gọi là ấn định (samādhi mudrā), ấn tướng gắn kết với đức Phật Thích-ca với tư thế lưng bàn tay đặt lên trên lòng bàn tay trái ở vị trí ngang rốn, hai ngón cái chạm nhau. Bàn tay phải tượng trưng cho tâm giác ngộ, bàn tay trái tượng trưng thế giới hiện tượng.  Ấn thiền là biểu tượng của định (samādhi) và thiền minh sát (vipassanā) do đức Phật khám phá, thể hiện sự giác ngộ vượt lên thế giới hiện tượng, có khả năng trị liệu, mang lại sức khỏe thể chất, sức khỏe cảm xúc, sức khỏe tâm trí, hướng đến sự giác ngộ, giải thoát.

ấn trí tuệ (jñāna mudrā): Tượng trưng trí tuệ và giác ngộ, là ấn tướng với lòng bàn tay phải ngửa lên trên đùi phải, ngón cái và ngón trỏ tạo thành vòng tròn, ba ngón còn lại song song song nhau cong hếch lên.

ấn trí tuệ vô thượng (S. bodhyagri mudrā): Ấn có tư thế ngón tay trỏ bàn tay phải được năm ngón của tay trái nắm lấy. Về biểu tượng, ngón tay trỏ tượng trưng sự nhất thể của vạn sự và năm ngón tay còn lại chỉ cho sự đa dạng của thế giới hiện tượng.

ấn vô úy (abhaya mudrā): Ấn tướng gắn kết với đức Phật Thích-ca trong tư thế đứng, với tư thế bàn tay cùng các ngón tay duỗi ra phía trước, cao hơn vai phải, lòng bàn tay trái hướng xuống đất, biểu tượng cho sự bảo vệ, hòa bình, xóa tan nỗi sợ hãi. Tại Ấn Độ và các nước Phật giáo Nam truyền, ấn tướng vô úy trở nên phổ quát. Đức Phật Bất Không Thành Tựu (S. amoghasiddhi) cũng được trình bày với ấn này.

ấn xúc địa (bhūmisparśa mudrā): Ấn tướng gắn kết với đức Phật Thích-ca trong tư thế ngồi, với lòng bàn tay đặt lên đầu gối với những ngón tay chỉ xuống và chạm đất; lòng bàn tay trái ngửa lên ở vị trí ngang rốn nhằm thể hiện câu chuyện đức Phật chiến thắng các loại ma quân, chứng đắc giác ngộ tuyệt đối dưới cội Bồ-đề. Về biểu tượng, ấn xúc địa tượng trưng sự  không lay chuyển về lý tưởng, cũng tượng trưng sự nhập thế, dấn thân độ sanh.

ba bộ phái: Tương đương thuật ngữ Hán “tam chúng phân hóa” (三眾分化) có nghĩa là “phân hóa thành ba bộ phái” gồm Thượng tọa bộ (上座部), Phân biệt thuyết bộ (分別說部) và Đại chúng bộ (大眾部) được tách ra từ Thượng tọa bộ trong gia đoạn đại đế Asoka vào khoảng thế kỷ 3 TTL.

bà cụ: người đàn bà già trên 70 tuổi.

ba cửa giải thoát  (S. trīni vimoksa-mukhāni, 三解脫門): Bao gồm: (i) Không môn (S. Sūniyatā, 空門), quán xét tất cả sự vật hiện tượng vốn không tự tính; (ii) Vô tướng môn (S. Animitta, 無相門), cửa vô tướng, nhận thức rõ mọi sự vật hiện tượng vốn không có tướng trạng bất biến nên lìa tướng sai biệt nhị nguyên; (iii) Vô nguyện môn (S. Apranihita, 無願門), cửa không ước nguyện do nhận thức được vô tướng trong ba cõi nên không mong cầu điều gì.

ba chỉa (trishula): (1) Biểu tượng của vũ khí tiêu diệt quân ma; (2) Biểu tượng cho Tam bảo gồm Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.

ba đàn giới (三壇大戒, tam đàn đại giới): Thuật ngữ Phật giáo Hán truyền chỉ cho nghi thức truyền trao và tiếp nhận giới của người xuất gia bao gồm: (i) Đàn thứ 1 truyền trao giới Sa-di (沙彌), Sa-di-ni (沙彌尼), (ii) Đàn thứ 2 truyền trao giới Tỳ-kheo (比丘), Tỳ-kheo-ni (比丘尼), (iii) Đàn thứ 3 truyền trao giới Bồ-tát (菩薩戒).

ba điều luật ngành Oanh: Các điều luật của Gia đình Phật tử Việt Nam dành cho mầm non và thiếu nhi gồm: (1) Em tưởng nhớ Phật, (2) Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em, (3) Em thương người và vật. Xem “Gia đình Phật tử Việt Nam.”

ba huyền ba yếu (三玄三要, tam huyền tam yếu): Phương pháp khai ngộ thiền sinh của thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨濟義玄) nhằm giúp thiền sinh vượt qua các chấp dính nhị nguyên, phát khởi nghi tình. Thiền sư Lâm Tế dạy rằng: “Mỗi câu nói cần có tam huyền môn và mỗi huyền môn phải có tam yếu, đồng thời có quyền và có dụng” (一句語須具三玄門,一玄門須具三要,有權有用). Tam huyền gồm: (i) Thể trung huyền (體中玄): Huyền trong thể tức câu nói không cần trau chuốt mà vẫn thể hiện được chân tướng (真相) và đạo lý (道理) của mọi sự vật; (ii) Cú trung huyền (句中玄): Huyền trong câu nói tức lời chân thực (實語), không dính vào tình thức phân biệt (分別情識) tức không câu nệ ngôn ngữ mà vãn tỏ ngộ được ý nghĩa sâu xa (玄奧), (iii) Huyền trung huyền (玄中玄): Huyền trong huyền, cũng gọi là dụng trung huyền (用中玄) tức câu nói sâu xa (妙句), lìa tất cả đối đãi (相待) và trói buộc của ngữ cú (語句桎梏). Trong tác phẩm Nhân thiên nhãn mục 1(人天眼目卷一), tam yếu bao gồm: (i) Không có sự phân biệt, tạo tác trong ngôn ngữ (言語中無分別造作), (ii) Ngàn thánh hiểu trực tiếp ý nghĩa sâu xa (千聖直入玄奧) và (iii) Dứt đường ngôn ngữ (言語道斷). Tham chiếu: Lâm Tế Nghĩa Huyền thiền sư ngữ lục (臨濟義玄禪師語錄).

ba lần khuyên răn (勸三次): ba lần thuyết phục, ban lần khuyên can bởi Tăng đoàn hoặc vị trưởng lão mà vẫn “kiên trì với chủ trương ban đầu” không chịu chấm dứt, từ bỏ các hạnh động ly gián Tăng đoàn thì người xuất gia đó phạm Tăng tàn. Xem “nếu không từ bỏ” và “như thế quả thực là tốt.”

ba mùa: ba mùa trong năm như tại Ấn Độ: (i) mùa nóng (tháng 1, tháng 2, tháng 3, tháng 4), (ii) mùa mưa (tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8), (iii) mùa lạnh (tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12). Xem “mùa,” “bốn mùa,” “năm mùa,” “sáu mùa.”

ba mươi sáu tổn thất (三十六失, tam thập lục thất): Kinh Phân biệt thiện ác sơ khởi liệt ranhư sau: 1) Con không kính thờ cha mẹ, 2) Nói năng lộn lạo, 3) Nói nhiều và nói hai chiều, 4) Nói việc đã giấu kín, 5) Mắng chửi trời đất và người khác, 6) Không biết đường về nhà, bỏ mất đồ đạc, 7) Không thể sửa mình chính đáng, 8) Dễ bị té ngã, 9) Đi đứng không vững vàng, 10) Dễ xúc phạm người khác, 11) Phế bỏ công việc, không lo làm ăn, 12) Tổn hao tài sản, 13) Không chăm sóc vợ con, 14) Kêu la, chửi mắng, 15)Thoát y phục trên đường, 16) Quấy rối phụ nữ, 17) Thích gây gổ, 18) Nói lớn, làm kinh động xóm làng, 19) Giết súc vật, 20) Đập phá đồ đạc, 21) Không tôn trọng vợ con, 22) Gần gũi kẻ xấu, 23) Xa lánh bậc hiền thiện, 24) Ngủ như chết, đau nhức thân thể, 25) Nôn mửa thật ghê tởm, 26) Liều mạng, không biết sợ sệt, 27) Không kính bậc hiền thiện,28) Hoang dâm vô độ, 29) Mọi người tránh xa, 30) Giống như người chết, không biết gì cả, 31) Thân thể xấu dần, 32) Thiện thần tránh xa, 33) Bạn tốt lánh xa, 34) Không kiêng sợ ai, 35) Chết đọa địa ngục, 36) Kiếp sau làm người hôn ám.

ba mươi tuổi thành đạo (三十成道, tam thập thành đạo): thành đạo ở tuổi ba mươi, phù hợp với dữ liệu Phật giáo Đại thừa, nhưng không phù hợp với Thượng tọa bộ. Nếu chịu ngồi trầm tĩnh, quán chiếu lại thì bài kinh này cho các học giả nghiên cứu có một góc nhìn nào đó về giai đoạn lịch sử tầm đạo của thái tử Tất-đạt-đa. Nếu bỏ hết những năm tháng ép xác khổ hạnh không có lợi ích gì cho việc tu tập, giải thoát mà chỉ tính từ lúc thái tử xuất gia và khoảng thời gian khi Ngài biết tu Trung đạo, biết thực tập thiền như khi Ngài con nhỏ tham dự lễ Hạ Hiền cho đến khi giác ngộ dưới cội bồ-đề thì chỉ mất có một năm hoặc một năm rưỡi là cùng (từ lúc thái tử xuất gia năm 29 tuổi đến năm 30 tuổi).

ba nương tựa (三歸): Còn gọi “tam quy y” (三歸依) nghĩa là quay về, nương tựa ba ngôi báu bao gồm: (i) Nương tựa Phật (歸依佛, quy y Phật), (ii) Nương tựa chân lý Phật (歸依法, quy y pháp), (iii) Nương tựa Tăng đoàn Phật (歸依僧, quy y Tăng).

ba nghiệp báo (三報): (i) Hiện báo (現報) tức quả báo được chịu bởi các nghiệp nhân trong hiện tại, (ii) Sinh báo (生報) tức quả báo được chịu bởi đời sau bởi nghiệp nhân của đời này, (iii) Hậu báo (後報) tức quả báo được chịu sau hơn hai kiếp bởi nghiệp nhân của đời này.

ba ngôi báu (P. tiratana, S. triratna, 三寶, tam bảo): ba ngôi tâm linh gồm: (i) Đức Phật Thích-ca, bậc đạo sư vĩ đại, (ii) Giáo pháp tuyệt vời có khả năng giải phóng khổ đau, (iii) Tăng đoàn dẫn dắt cộng đồng Phật tử tu học, hành thiện, trở thành người hữu ích.

ba nhóm giới thanh tịnh: (S. tri-vidhāni śīlāni, 三聚淨戒): ba nhóm giới thanh tịnh (三聚清淨戒, tam tụ thanh tịnh giới), còn gọi là “tam tụ viên giới” (三聚圓戒), ba nhóm giới trọn vẹn, hay đơn giản hơn “tam tụ giới” (三聚戒) là ba nhóm giới. Ba nhóm giới bồ-tát (菩薩三聚戒, bồ-tát tam tụ giới): (i) nhiếp luật nghi giới (s. sajvara-śīla, 攝律儀戒) còn gọi là “giới tự tánh” (自性戒, tự tánh giới) hay “tất cả giới bồ-tát” (一切菩薩戒, nhất thiết bồ-tát giới) gồm 10 giới nghiêm trọng và 48 giới nhẹ, có chức năng dứt trừ tất cả điều ác, (ii) giới gồm các điều lành (s. kuśala-dharma-sajgrāhaka-śīla, 攝善法戒, nhiếp thiện pháp giới), còn gọi là “giới tiếp nhận pháp lành” (受善法戒, thọ thiện pháp giới), nghĩa là tu tập tất cả pháp lành (修習一切善法) gồm sáu ba-la-mật (六波羅蜜), (iii) giới làm lợi lạc hữu tình (s. sattvārtha-kriyā-śīla, 饒益有情戒), còn gọi là “giới nhiếp tất cả chúng sanh” (攝眾生戒, nhiếp chúng sanh giới) hay “giới lợi ích chúng sanh” (眾生益戒) bao gồm các việc lợi ích (諸饒益事).

ba quán về pháp giới (法界三观): Do tôn giả Đế Tâm (帝心) chủ trương theo Kinh Hoa Nghiêm. Pháp giới là cảnh được quan sát (所觀之境). Ba quán là cái quán của chủ thể quan sát (能觀之觀). Ba quán gồm: (i) Quán chân không (真空观), (ii) Quán lý và sự vô ngại (理事无碍观), (iii) Quán châu biến hàm dung (周遍含容观). Xem “tông Hoa Nghiêm”.

ba tháng chay trường (三長齋月, tam trường trai nguyệt): Ăn chay ba tháng gồm tháng một, tháng năm, tháng chín.

ba thân Phật (佛三身, Phật tam thân): (i) Pháp thân (S. dharma-kāya, 法身) tức thân chân lý. Trong Kim cương thừa, pháp thân còn gọi là “thanh tịnh pháp thân” (清淨法身) được thể hiện qua hình ảnh đức Phật Tỳ-lô-giá-na (S. Vairocana Buddha, 毗盧遮那佛) thường được biết đến là Đại Nhật Như Lai (大日如来) với thể tánh tròn sáng, thanh tịnh, bình đẳng không hai, (ii) Báo thân (S. sajbhoga-kāya, 報身) gọi đầy đủ “viên mãn báo thân” (圓滿報身) được thể hiện qua hình ảnh đức Phật Lô-xá-na (S. Locana Buddha, 盧舍那佛) với thân tướng trang nghiêm, khi thành tựu quả vị Phật do trải qua nhiều kiếp tu sáu hoàn hảo (六度, lục độ), (iii) Ứng hóa thân (S. nirmāna-kāya, 應化身), gọi đầy đủ “thiên bách ức hóa thân” (千百億化身) qua hình ảnh đức Phật Thích-ca Mâu-ni (P.Gotama Buddha, S. Gautama Buddha, 释迦牟尼佛), với tâm nguyện thương xót chúng sinh vô minh, chìm trong sinh tử luân hồi nên Phật dùng mọi phương tiện hóa hiện đủmọi thân hình để gần gũi, nói pháp cho chúng sinh nghe.

ba trăm mười một giới: Tổng số điều khoản giới dành cho Tỳ-kheo-ni trong quyển “Phân tích Giới bổn”(P. suttavibhaṅga, 經分别) thuộc Luật tạng của Thượng bộ gồm bảy nhóm giới sau đây: (i) 8 giới trục xuất (驱摈, pārājika), (ii) 17 giới Tăng tàn (僧残, Saṅghādisesa), (iii) 30 giới xả vật (舍忏, nissaggiya pācittiya), (iv) 166 giới sám hối (忏悔, pācittiya), (v) 8 điều hối quá (悔过, pāṭidesanīya), (vi) 75 điều nên học (众学, sikkhākaraṇīya), (vii) 7 cách dứt tranh luận (灭諍, adhikaraṇa samatha). Xem “ba trăm mười một giới.”

ba việc chỉ lỗi: (三事自恣): Ba việc chỉ lỗi gồm trực tiếp thấy, nghe kể lại hoặc nghi ngờ tăng sĩ nào đó vi phạm giới luật, theo đó, giúp cho tăng sĩ đó sám hối đúng với quy định của giới luật để được tiến bộ trong tu học và hành đạo.

ba y (S. trinl civarani, 三衣): Ba y của Tỳ-kheo bao gồm: (i) Tăng-già-lê (P=S. savghātī, 僧伽梨) tức chỉ cho đại y, (ii) Uất-đa-la-tăng (P=S. uttarāsavga, 鬱多羅僧) tức chỉ cho thượng y, (iii) An-đà-hội (S. antarvāsa, P. antaravāsa, 安陀會) tức chỉ cho nội y. Đối với Tỳ-kheo-ni thì có thêm hai y: (i) Tăng-kỳ-chi (P. savkacchā, S. sajkaksikā, 僧祇支) tức chỉ cho y che nách, (ii) Quyết-tu-la (S. kusūla, 厥修羅) tức chỉ cho cái quần.

Babasaheb Ambedkar: Như Bhimrao R. Ambedkar.

bạch (白): 1. Màu trắng (白色) như trong cụm từ “bạch như tuyết” (白如雪) tức trắng như tuyết; 2. Một trong 40 đề mục thiền “chỉ” (P. samatha, 止) theo Phật giáo Nam truyền; 3. Ám chỉ “thiện” (善) hay “hảo” (好) như trong thuật ngữ “bạch pháp” (白法) tức pháp thiện, hay “bạch nghiệp” (白業) tức nghiệp thiện như trong câu “thập thiện nghiệp đạo bạch hữu bạch báo” (十善業道白有白報) có nghĩa là “trong 10 nghiệp thiện, nghiệp trắng/ nghiệp thiện thì có quả trắng/ quả thiện”; 4. Bạch (白) tức trình thưa như trong thuật ngữ “bạch Phật ngôn” (白佛言) có nghĩa là thưa với đức Phật rằng.

bách chúng học: như “một trăm điều nên học.”

Bạch Tịnh (白淨): Cách dịch khác của vua Tịnh-phạn (P. Suddhōdana, S. Śuddhodana, 淨飯王, Tịnh Phạn vương).

bạch tứ (白四): Viết tắt của “bạch tứ yết-ma”

bạch tứ yết-ma (白四羯磨): như “biểu quyết một lần bạch ba lần hỏi”.

bạch y (P. odātavasana, S. avadāta-vasana, 白衣): y phục màu trắng dàu cho Phật tử tại gia khi đến chùa sinh hoạt trong thời đức Phật và tại các nước Nam truyền.

bài ca GĐPT: Bài ca “Sen trắng” do nhạc sĩ Ưng Hội sáng tác, lời của Phạm Hữu Bình và Nguyễn Hữu Quán.

bãi nhiệm Trụ trì: Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có quyền ra quyết định bãi nhiệm và thu hồi quyết định bổ nhiệm Trụ trì đối với Tự viện khi vị trụ trì đó để xảy ra mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng tại Tự viện, vi phạm Giới luật, Hiến chương Giáo hội, các quy định của Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

bãi nhiệm Trụ trì: Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có quyền ra quyết định bãi nhiệm và thu hồi quyết định bổ nhiệm Trụ trì đối với Tự viện khi vị trụ trì đó để xảy ra mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng tại Tự viện, vi phạm Giới luật, Hiến chương Giáo hội, các quy định của Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

ba-la-di (P=S. pārājika, 波羅夷) thường được dịch là trục xuất (驅擯, khu tẩn, defeat), gồm các nghĩa sau: (i) Tội đọa (đọa tội, 墮罪) nghĩa là người phạm giới này chết đọa vào ba đường ác và các chỗ không như ý, (ii) Tội vứt bỏ (khí tội, 棄罪) nghĩa là người phạm giới này thì tất cả công đức mất hết, mãi không dự được vào dòng Thánh, cũng tức là vĩnh viễn bị loại ra khỏi Phật pháp, (iii) Chỗ để người khác giành phần thắng (他勝處法, tha thắng xứ pháp) nghĩa là người thọ giới này vốn dĩ muốn phá sạch phiền não, đẩy lùi quân Ma. Nay mình phạm giới Bồ-tát này chẳng khác nào cho giặc phiền não, quân Ma vương giành phần thắng lợi, (iv) Điều cực ác (極惡法, cực ác pháp) còn được dịch “chặt đầu” (斷頭, đoạn đầu) hoặc được dịch “chặt đứt lõi cây Đa-la” (斷多羅樹心, đoạn Đa-la thụ tâm) nghĩa là như kim xuyên thủng lỗ mũi, như tảng đá vỡ làm hai v.v… không thể trở lại như ban đầu. Theo Luật Tỳ-kheo, Tăng sĩ vi phạm sẽ bị trục xuất Tăng đoàn trọn đời và không còn cơ hội phục hồi tư cách Tăng sĩ nữa. Bên Tăng có 4 giới, đang khi bên Ni có 8 giới trục xuất, bao gồm: (i) Quan hệ tình dục với người hoặc động vật, (ii) Trộm cắp tài sản, (iii) Giết người, xúi giục, đồng lõa, ủng hộ giết người, (iv) Tuyên bố lừa dối rằng mình là thánh nhân, chứng đắc thiền định, (v) Tiếp xúc cơ thể người nam, (vi) Cho người nam chạm cơ thể, (vii) Che giấu đồng tu phạm tội trục xuất, (viii) Đi theo Tăng/Ni bị tố giác.

ba-la-di pháp (P. pārājika, 波羅夷法): người phạm giới khoản này sẽ bị trục xuất (驅擯, khu tẩn) ra khỏi Tăng đoàn vĩnh viễn, mất tư cách làm Tăng sĩ trọn đời, được ví như cây dừa khi bị chặt đứt ngọn thì không thể tiếp tục sống được.

ba-la-đề đề-xá-ni (P. pātidesanīya, S. pratidezaniya, 波羅提提舍尼): nói trước người khác (對他說, đối tha thuyết), hối lỗi trước người khác (向彼悔, hướng bỉ hối), cần bày tỏ trước người khác (對應說, đối ưng thuyết), điều hối lỗi (悔過法, hối quá pháp), điều đáng trách (可呵法, khả ha pháp). Tỳ-kheo phạm giới này phải đối trước Tỳ-kheo thanh tịnh khác để giải bày sám hối.

ba-la-đề-mộc-xoa (p. pātimokkha, s.pratimokṣa, 波羅提木叉): “giới bổn” (戒本) hoặc “giới kinh” (戒經), tức sách quy định về các điều khoản giới luật đối với Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni.

Ba-la-trại hý (S. Prāsaka, 波羅賽戲) loại cờ Song Lục (雙陸棋) của Trung Quốc.

Ban cố vấn GĐPT: Quý Tôn đức Tăng, Ni cố vấn giáo hạnh. Các Huynh trưởng cấp Dũng, cấp Tấn cố vấn chuyên môn. Số lượng thành viên Ban cố vấn không quá 1/3 số lượng thành viên Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành  đương nhiệm.

Ban Cố vấn Viện Hóa đạo: Gồm 1-3 vị Trưởng lão và Thượng tọa của GHPGVNTN do Hội đồng Giáo phẩm trung ương thỉnh mời, được Đại hội GHPGVNTN cầu cử và đức Tăng thống tấn phong.

Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo: Gồm các Trưởng lão và Thượng tọa của GHPGVNTN do Hội đồng Giáo phẩm trung ương đề cử, Đại hội GHPGVNTN cầu cử và đức Tăng thống tấn phong.

Ban Chứng minh Ban Thường trực: Ban Chứng minh cấp trung ưng của Hệ phái Khất sĩ được thành lập từ nhiệm kỳ 1991–1996 gồm có Trưởng ban, phó Trưởng ban, Thư ký (Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký), Kiểm soát, các Ủy viên.

Ban Đại diện Giáo hội quận huyện: Các vị lãnh đạo hành chánh của GHPGVNTN cấp quận huyện được Đại hội Giáo hội quận huyện bầu và được Viện Hóa đạo chuẩn y gồm: (i) 1 Chánh Đại diện, (ii) 2 Phó Đại diện, (iii) 1 Thư ký, (iv) 1 Phó Thư ký, (v) 1 Thủ quỹ, (vi) 1 Phó Thủ quỹ, (vii) 1 Đặc ủy Tăng sự, 1 Đặc ủy Hoằng pháp, 1 Đặc ủy Văn hóa, 1 Đặc ủy Giáo dục, 1 Đặc ủy Cư sĩ, 1 Đặc ủy Xã hội, 1 Đặc ủy Thanh niên, 1 Đặc ủy Tài chánh, 1 Đặc ủy Kiến thiết. Nhiệm kỳ của Ban Đại diện Giáo hội quận huyện là 2 năm và tối đa là 2 nhiệm kỳ.

Ban Đại diện Giáo hội Tỉnh: Các vị lãnh đạo hành chánh của GHPGVNTN cấp tỉnh, được Đại hội Giáo hội Tỉnh bầu và do Viện Hóa đạo chuẩn y. Ban Đại diện Giáo hội Tỉnh gồm: (i) 1 Chánh Đại diện, (ii) 2 Phó Đại diện, (iii) 1 Thư ký, (iv) 1 Phó Thư ký, (v) 1 Thủ quỹ, (vi) 1 Phó Thủ quỹ, (vii) 1 Đặc ủy Tăng sự, 1 Đặc ủy Hoằng pháp, 1 Đặc ủy Văn hóa, 1 Đặc ủy Giáo dục, 1 Đặc ủy Cư sĩ, 1 Đặc ủy Xã hội, 1 Đặc ủy Thanh niên, 1 Đặc ủy Tài chánh, 1 Đặc ủy Kiến thiết. Để tham gia các chức sự này phải là những Tăng Ni có thành tích phục vụ GHPGVNTN, được Đại hội Giáo hội Tỉnh bầu. Nhiệm kỳ của Ban Đại diện Giáo hội Tỉnh là 2 năm và tối đa là 2 nhiệm kỳ.

Ban Đại diện Giáo hội thị xã: Các vị lãnh đạo hành chánh của GHPGVNTN cấp thị xã được Đại hội Giáo hội thị xã bầu và được Viện Hóa đạo chuẩn y gồm: (i) 1 Chánh Đại diện, (ii) 2 Phó Đại diện, (iii) 1 Thư ký, (iv) 1 Phó Thư ký, (v) 1 Thủ quỹ, (vi) 1 Phó Thủ quỹ, (vii) 1 Đặc ủy Tăng sự, 1 Đặc ủy Hoằng pháp, 1 Đặc ủy Văn hóa, 1 Đặc ủy Giáo dục, 1 Đặc ủy Cư sĩ, 1 Đặc ủy Xã hội, 1 Đặc ủy Thanh niên, 1 Đặc ủy Tài chánh, 1 Đặc ủy Kiến thiết. Nhiệm kỳ của Ban Đại diện Giáo hội thị xã là 2 năm và tối đa là 2 nhiệm kỳ.

Ban Đại diện Giáo hội xã: Các vị lãnh đạo hành chánh của GHPGVNTN cấp xã được Đại hội Giáo hội xã bầu và được Viện Hóa đạo chuẩn y gồm: (i) 1 Chánh Đại diện, (ii) 2 Phó Đại diện, (iii) 1 Thư ký, (iv) 1 Phó Thư ký, (v) 1 Thủ quỹ, (vi) 1 Phó Thủ quỹ, (vii) 4 cố vấn kiểm soát.

Ban Đại diện Phật giáo phường: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni lãnh đạo hành chánh của GHPGVN cấp phường, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN ở một phường.

Ban Đại diện Phật giáo quận huyện: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni lãnh đạo hành chánh của GHPGVN cấp quận huyện, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN ở một quận huyện. Hiện nay, gọi là Ban Trị sự GHPGVN quận huyện.

Ban Đại diện Phật giáo tỉnh: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni lãnh đạo hành chánh của GHPGVN cấp tỉnh, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN ở một tỉnh. Hiện nay, gọi là Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.

Ban Đại diện Phật giáo Thành phố: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni lãnh đạo hành chánh của GHPGVN cấp thành phố, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN ở một thành phố. Hiện nay, gọi là Ban Trị sự GHPGVN thành phố.

Ban Đại diện Phật giáo thị xã: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni lãnh đạo hành chánh của GHPGVN cấp thị xã, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN ở một thị xã. Hiện nay, gọi là Ban Trị sự GHPGVN thị xã.

Ban Đại diện Phật giáo xã: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni lãnh đạo hành chánh của GHPGVN cấp xã, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN ở một xã. Hiện nay, gọi là Ban Trị sự GHPGVN xã.

Ban Đại diện Phật giáo: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni và Phật tử lãnh đạo hành chánh của GHPGVN cấp quận huyện, thị xã, phường, xã, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN. Hiện nay, gọi là Ban Trị sự GHPGVN quận huyện/ thị xã/ phường/ xã.

Bản Điều lệ (1): Văn bản dự thảo thành lập Giáo hội Khất sĩ Ni giới vào ngày tại Sài Gòn ngày 18/10/1957 gồm 30 điều. Bản Điều lệ này được Bộ Nội vụ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn duyệt y theo Nghị định số 7/BNV/NA/P5. Dựa vào Nghị định này, vào ngày 11/1/1958, Sư cô Huỳnh Liên thành lập Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam.

Bản Điều lệ (2): Văn bản pháp lý quan trọng nhất của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam được công bố ngày 04/9/1973 trong Đại hội khoáng đại toàn quốc với sự thanh dự của 5 Giáo đoàn. Bản Điều lệ đầu có 32 điều, được tu chỉnh lần 2 vào ngày 17/6/1975 gồm có 6 chương, 27 điều, là văn bản pháp lý điều hành sinh hoạt của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam đến ngày 30/4/1975.

Ban Giáo dục Phật giáo cấp Tỉnh Thành: Tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tùy nhu cầu hoạt động, vị Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni sẽ thành lập một Ban Giáo dục Phật giáo không quá 27 thành viên. Việc hình thành và hoạt động của Ban này được căn cứ theo Quy chế Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN các Tỉnh, Thành.

Ban Hộ tự: Những người được GHPGVN giao quyền sử dụng, quản lý Tự viện theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước, khi Tự viện đó chưa có Trụ trì chính thức. Ban điều hành mọi sinh hoạt tu học của một tự viện Phật giáo chưa có trụ trì, do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành ký quyết định thành lập, phù hợp với Hiến chương GHPGVN và luật pháp hiện hành. Ban Hộ tự có số lượng không quá 09 thành viên gồm 1 Trưởng ban, 1 Phó ban, 1 Thư ký, 1 Thủ quỹ, 1 Kiểm soát và 4 Ủy viên.

Ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử: Do tập thể Huynh trưởng cấp Tập trở lên bình chọn, và được Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành công nhận bằng quyết định.Nhiệm kỳ Ban Huynh trưởng Gia đình là 3 năm. Tại mỗi đơn vị Gia đình Phật tử có mời một vị tu sĩ làm cố vấn giáo hạnh và một số đạo hữu tham gia Ban bảo trợ.

Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành: Có nhiệm vụ: (i) Lập chương trình sinh hoạt tu học, hoạt động Phật sự nhiệm kỳ, hằng năm đệ trình Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành  xét duyệt, (ii) Tổ chức các cuộc trại, hội thảo chuyên đề, mạn đàm, hội nghị để trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ giáo lý và khả năng chuyên môn cho Huynh trưởng, (iii)  Tổ chức các khóa tu học dài hạn Kiên, Trì, Định, Lực cho Huynh trưởng và mở các trại huấn luyện Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang, (iv) Quản thủ sách tịch Huynh trưởng, quản lý, cập nhật tình hình sinh hoạt tu học, phục vụ của Huynh trưởng trực thuộc, (v) Tổ chức xét xếp, thọ cấp cho Huynh trưởng cấp Tập và cấp Tín. Đề nghị Trung ương xét xếp cho Huynh trưởng cấp Tấn, cấp Dũng, (vi) Thực hiện các Phật sự do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành và Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương chỉ đạo, (vii) Báo cáo 6 tháng, cuối năm và cuối nhiệm kỳ lên Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành  và Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương đúng thời hạn.

Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử trung ương: Có nhiệm vụ: (i)  Lập chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ, hằng năm đệ trình Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương xét duyệt, (ii) Tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, mạn đàm, hội nghị để trao đổi kinh nghiệm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ giáo lý, khả năng chuyên môn cho Huynh trưởng cấp tỉnh, thành  trở lên, (iii) Tổ chức các khóa tu học huấn luyện, họp bạn liên tỉnh thành cho Huynh trưởng, khảo sát bậc Lực hằng năm và cuối khóa, tổ chức trại Vạn Hạnh và các khóa hội thảo sau Vạn Hạnh, (iv) Quản thủ sách tịch Huynh trưởng, quản lý, cập nhật tình hình sinh hoạt tu học, phục vụ của hàng Huynh trưởng cấp Tấn và cấp Dũng, (v)  Cấp thẻ Huynh trưởng (cho Huynh trưởng có cấp), (vi) Tổ chức xét xếp, thọ cấp cho Huynh trưởng lên cấp Tấn và cấp Dũng, (vi) Thực hiện các Phật sự do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chỉ đạo, (vii) Báo cáo 6 tháng, cuối năm và cuối nhiệm kỳ lên Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương đúng thời hạn.

Ban Kinh tế – Tài chính: Một trong 12 ban chuyên ngành của GHPGVN gồm cấp toàn quốc (trung ương) và cấp tỉnh thành có chức năng: (i) Tổ chức hoạt động kinh tế phù hợp với luật pháp Việt Nam và đạo đức Phật giáo để bảo trợ các hoạt động của GHPGVN, (ii) Đóng góp vào việc trùng tu, kiến thiết và phát triển các cơ sở vật chất của GHPGVN.

Ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM: Thành lập tại Chùa Xá Lợi vào ngày 07/8/1975 trong một Hội nghị Phật giáo với sự tham gia của lãnh đạo 10 tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo: (i) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, (ii) Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, (iii) Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, (iv) Thiên Thai Thiền Giáo Quán Tông, (v) Hội Phật học Nam Việt, (vi) Gia đình Phật tử Việt Nam, (vii) Ni bộ Bắc tông Việt Nam, (viii) GHPGVN Thống nhất, (ix) Giáo hội Phật giáo Hoa tông tại miền Nam, (x) Giáo hội Phật giáo Mahanikay tại Việt Nam. Ban liên lạc được ra mắt tại Nhà hát lớn thành phố, theo đó, HT. Thích Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng TP.HCM, làm Chủ tịch; HT. Thích Thiện Hào và HT. Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đồng làm Phó Chủ tịch. HT. Thích Hiển Pháp làm Tổng Thư ký. Trụ sở ban đầu đặt tại chùa Xá Lợi, một năm sau được dời về chùa Vĩnh Nghiêm. Ban Liên lạc đã vận động hiệp thương, đề cao tinh thần đoàn kết giữa các Giáo hội Phật giáo và giữa các Giáo hội, tổ chức Hội, hệ phái để hướng đến việc thống nhất Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức duy nhất. Vào ngày 2–2–1980, các vị giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo đã họp tại Tp. HCM để bàn thảo kế hoạch thống nhất Phật giáo Việt Nam. Nhờ đó, Ban Vận động thống nhất Phật giáo được thành lập, do HT. Thích Đức Nhuận, Quyền Hội trưởng Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, HT. Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống GHPGVNTN làm Chứng minh; HT. Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN làm Trưởng ban. Sau hơn một năm hoạt động, được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam qua công văn số 621 ngày 19– 9–1981, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã tiến hành Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, từ ngày 4 – 7–11–1981.

bạn lữ: bạn bè, bè bạn; tương đương với chữ “bằng hữu” (朋友) trong Hán văn.

bản mệnh (本命): sinh mệnh hay số mệnh của mỗi người.

Ban ngành Giáo hội: Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành có 12 ban chuyên trách gồm: (i) Ban Tăng sự, (ii) Ban Hoằng pháp, (iii) Ban Giáo dục Phật giáo, (iv) Ban Nghi lễ, (v) Ban Văn hóa, (vi) Ban Hướng dẫn Phật tử, (vii) Ban Kinh tế Tài chính, (viii) Ban Thông tin Truyền thông, (ix) Ban Từ thiện Xã hội, (x) Ban Pháp chế, (xi) Ban Kiểm soát, (xii) Ban Phật giáo Quốc tế.

Ban Phật giáo quốc tế: Một trong 12 ban chuyên ngành của GHPGVN gồm cấp toàn quốc (trung ương) và cấp tỉnh thành có chức năng: (i) Mở rộng quan hệ Phật giáo với các tổ chức Phật giáo trên thế giới, (ii) Tham gia thành lập và điều hành các tổ chức Phật giáo trên thế giới, (iii) Xây dựng hình ảnh GHPGVN, đất nước và con người Việt Nam trên toàn cầu, (iv) Hợp tác song phương các hoạt động ngoại giao, giáo dục, văn hóa, từ thiện và các hoạt động khác giữa GHPGVN với các tổ chức Phật giáo trên thế giới.

bàn Phật: bàn thờ được sử dụng để thờ phượng (các) tượng Phật trong chùa hoặc tại tư gia, trên đó, thường có bông, trái cây, hư lương, ba chung nước sạch, nghi thức tụng niệm.

Bản Phụ đính về bản Tuyên ngôn của Phật giáo Việt Nam: Công văn của năm cấp Trị sự Phật giáo Toàn quốc, Trung phần và Thừa Thiên (Huế) gửi chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 23-5-1963 nhằm bổ sung “Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam” gửi vào ngày 10/5/1963. Nội dung Bạn Phụ đính khẳng định rõ lập trường đấu tranh của Phật giáo trong pháp nạn 1963 là thuần túy vì công bằng xã hội, không đượm màu chính trị, thể hiện nghĩa vụ công dân, đóng góp vào lịch ích quốc gia: “Đối với chính phủ, chúng tôi không chủ trương lật đổ, chúng tôi chỉ có nguyện vọng “cải thiện chính sách... Chúng tôi không nhằm mục đích tranh thủ quyền hành. Nói thế, có nghĩa chúng tôi đã và mãi mãi tranh đấu cho Phật giáo thuần túy, nhưng không phải vì vậy mà Phật giáo đồ không quan tâm đóng góp vào ích lợi quốc gia theo nghĩa vụ công dân của mình.” Để tránh tình trạng bị quy chụp vô căn cứ, xuyên tạc, vu khống từ chính phủ, cũng như những phần tử lợi dụng phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo để làm loạn, lãnh đạo Phật giáo tuyên bố: “Không chấp nhận mọi sự lợi dụng.” Nội dung của điều này được Bản Phụ đính giải thích rõ như sau: “Mục tiêu tranh đấu của Phật giáo đồ chỉ nhằm vào lý tưởng tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ lý tưởng công bình xã hội; vì lẽ đó, chúng tôi từ chối mọi sự lợi dụng không phù hợp với tôn chỉ chúng tôi, nhất là những kẻ mưu toan chức vị chính quyền.” Nói cách khác, phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 là một phong trào độc lập, thuần túy tôn giáo, không mang màu sắc chính trị, không ủng hộ hay chống đối một chính thể nào, không làm bình phông và không tạo nguyên nhân cho cuộc đảo chính diễn ra sau đó vài tháng, mà chỉ nhằm thay đổi chính sách sai lầm của chính phủ Ngô Đình Diệm, hầu góp phần mang lại công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo tại miền Nam Việt Nam.

Bản Phụ đính: như “Bản Phụ đính về bản Tuyên ngôn của Phật giáo Việt Nam.

Ban Quản trị tự viện: Ban điều hành mọi sinh hoạt tu học của một tự viện Phật giáo, do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành ký quyết định thành lập, phù hợp với Hiến chương GHPGVN và luật pháp hiện hành. Ban Quản trị tự viện có số lượng không quá 11 thành viên gồm 1 Viện chủ, 1 Trưởng ban, các Phó ban, 1 Thư ký, 1 Thủ quỹ, 1 Kiểm soát và các Ủy viên.

bàn tay hình trái tim: Như “trái tim bàn tay.”

bản tắc (本則): Quy tắc căn bản, là tên gọi khác của công án (公案), được sử dụng trong hai tác phẩm thiền quan trọng gồm (i) Bích Nham lục (碧巖錄) với 100 công án của Viên Ngộ Khắc Cần (圜悟克勤) và (ii) Vô Môn quan (無門關) gồm 48 công án của Vô Môn Huệ Khai (無門慧開).

Ban Tăng sự trung ương: Một trong 12 ban trung ương của GHPGVN có nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Tăng sự trung ương gồm: (1) Tổng hợp tình hình Tự viện, Tăng Ni GHPGVN ở trong và ngoài nước; lập các dự án, chương trình hoạt động, kế hoạch thực hiện những chủ trương, công tác Phật sự thuộc lĩnh vực Tăng sự, (2) Thường xuyên đôn đốc Ban Tăng sự tỉnh triển khai thực hiện các Nghị quyết, chương trình hoạt động của Giáo hội, (3) Lập danh bạ Tự viện, Tăng Ni và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động, sinh hoạt, tu học, hoạt động tôn giáo của Tự viện, Tăng Ni theo Giới luật, Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và Pháp luật Nhà nước, (4) Lập hồ sơ cấp giấy Chứng điệp Thụ giới, Chứng điệp An cư, Chứng nhận Tăng Ni, Chứng nhận Tu sĩ Phật giáo Nam tông, Chứng nhận Tu nữ Phật giáo Nam tông; lập hồ sơ Tăng Ni hoàn tục, (5) Lập hồ sơ Tăng Ni được tấn phong Giáo phẩm, Tuyên dương công đức trình Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hoặc Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự xét duyệt, trình Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc thông qua, (6) Thủ tục tấn phong Giáo phẩm chính thức được thực hiện tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, Đức Pháp chủ GHPGVN ban hành Giáo chỉ tấn phong Giáo phẩm, (7) Phối hợp với 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội tổ chức triển khai, thực hiện các công tác Tăng sự có liên quan, sau khi được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN thông qua. Ban Tăng sự trung ương có chức năng: (i) Giám sát, hướng dẫn các Tự viện, Tăng Ni tuân thủ Giới luật, chấp hành Hiến chương Giáo hội, các Quy chế của Giáo hội và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, (ii) Tham mưu, đề xuất trực tiếp với Ban Thường trực và Lãnh đạo Giáo hội cùng cấp nghiên cứu và có ý kiến chỉ đạo giải quyết các công tác Phật sự, giải quyết vụ việc có liên quan đến lĩnh vực Tăng sự; Đề xuất các dự án, chương trình hoạt động thuộc phạm vi hoạt động của Ban Tăng sự, trình Ban Thường trực và Lãnh đạo Giáo hội cùng cấp phê duyệt, triển khai thực hiện, (iii) Trực tiếp tham mưu cho Ban Thường trực và Lãnh đạo Giáo hội cùng cấp trong việc giám sát, đôn đốc, kiểm tra hoạt động Phật sự; ban hành cơ chế làm việc để đảm bảo cho những quy định của Giới luật, Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự được chấp hành nghiêm chỉnh; (iv) Thống nhất sự lãnh đạo và quản lý các Chùa, Tổ đình, Tịnh xá, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh thất, Niệm Phật đường (sau đây gọi là Tự viện, cơ sở tôn giáo trực thuộc) và Tăng Ni GHPGVN trong và ngoài nước theo quy định của Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và pháp luật Nhà nước, (v) Phối hợp với các Ban chuyên môn trong hệ thống GHPGVN để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Giáo hội giao phó trong việc truyền bá Chính pháp, chấn chỉnh việc sinh hoạt, tu học, hành đạo, hoạt động tôn giáo của Tự viện và Tăng Ni, (vi) Phối hợp với các Ban chuyên môn trong hệ thống Giáo hội để xây dựng, phát triển bền vững GHPGVN; chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của các Tự viện, Tăng Ni, (vii) Chỉ đạo Trụ trì các Tự viện, Tăng Ni trong sinh hoạt, tu học, hành đạo luôn kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế, tuân thủ Hiến chương Giáo hội và pháp luật nước Nhà nước. Ban Tăng sự trung ương có các phân ban: (i) Phân ban Phật giáo Nam tông Khmer, (ii) – Phân ban Phật giáo Nam tông Kinh, (iii) – Phân ban Phật giáo Khất sĩ, (iv) Phân ban Phật giáo người Hoa, (v) Phân ban Ni giới.

bàn tổ: Bàn thờ các bậc tổ sư qua các thời kỳ trong nhà tổ của một ngôi chùa thuộc Phật giáo Bắc truyền tại Việt Nam.

bản tôn (S. yidam, 本尊): Trong Kim cương thừa, bản tôn thường tương ứng với một vị Phật hay Bồ-tát siêu việt, được biểu tượng hóa bằng một pháp khí hay pháp bảo, được triết lý hóa với Phật bộ, phương vị và màu sắc tương ứng. Như Lai Đại Nhật có biểu tượng là pháp luân, có Phật bộ ở trung ương, tương ứng màu trắng. Như Lai A-súc-bệ có biểu tượng là chày kim cương, thuộc kim cương bộ, hướng đông, tương ứng màu xanh dương. Như Lai Bảo Sinh có biểu tượng là ngọc báu, thuộc Bảo sinh bộ, hướng Nam, tương ứng màu vàng. Như Lai A-di-đà có biểu tượng là hoa sen báu, thuộc Liên hoa bộ, hướng tây, tương ứng màu đỏ. Như Lai Bất Không Thành Tựu có biểu tượng là chày kim cương kép, thuộc Nghiệp bộ, hướng bắc, màu xanh lá cây. Như Lai Dược có biểu tượng là bình bát có cây thuốc, thuộc Kim cương bộ, hướng đông, tương ứng màu xanh dương. Phật Vô Lượng thọ có biểu tượng là bình báu, thuộc Liên hoa bộ, hướng tây, tương ứng màu đỏ.Phật mẫu Đỉnh Tôn Thắng có biểu tượng là chày kim cương kép, thuộc Nghiệp bộ, hướng bắc, tương ứng màu trắng. Kim Cương tát-đỏa có biểu tượng là chày kim cương, thuộc Nghiệp bộ, tương ứng màu trắng. Phật Thích-ca tương ứng màu vàng. Bồ-tát Di-lặc tương ứng màu trắng. Bồ-tát Văn Thù có biểu tượng là kiếm, thuộc Phật bộ, hướng trung ương, tương ứng màu cam hoặc trắng. Bồ-tát Phổ Hiền tương ứng màu xanh dương. Bồ-tát Quan Âm bốn tay có biểu tượng là ngọc như ý hoặc chuỗi tràng trắng, thuộc Liên hoa bộ, hướng Tây, tương ứng màu trắng. Bồ-tát Quan Âm mười hai mặt thuộc Liên hoa bộ, hướng Tây.

Bản tuyên ngôn: như “Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam.”

Ban Thông tin – Truyền thông. Một trong 12 ban chuyên ngành của GHPGVN gồm cấp toàn quốc (trung ương) và cấp tỉnh thành có chức năng: (i) Quản lý Giáo hội về hoạt động báo chí, truyền thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, (ii) Phổ biến thông tin đối ngoại và thông tin quản lý Giáo hội đối với các hoạt động Phật sự ở trong nước và nước ngoài.

Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh: Cơ quan lãnh đạo cao nhất của GHPGVN cấp tỉnh, được Ban Trị sự ủy quyền thay mặt lãnh đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của các cấp GHPGVN tại địa phương trên mọi công tác đối nội, đối ngoại. Ban này làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Trị sự và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, có trách nhiệm tuân thủ Hiến chương, Quy chế, Nghị quyết, Quyết định và các Thông bạch, Thông tư, Chỉ thị do Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành hoặc phê chuẩn. Các Ban chuyên ngành thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh là cơ quan giúp việc Ban Trị sự, chịu sự điều hành chung của Ban Thường trực Ban Trị sự và thực hiện theo chỉđạo về hoạt động chuyên ngành của Ban Trung ương. Ban này bao gồm các chức danh sau đây: (i) Trưởng Ban Trị sự, (ii) 01 Phó Trưởng Ban Thường trực, (iii) Các Phó Trưởng Ban chuyên trách, (iv) Các Trưởng Ban phụ trách các ngành theo các Ban Trung ương: Ban Tăng sự, Giáo dục Phật giáo, Ban Hoằng pháp, Ban Văn hóa, Ban Kinh tế – Tài chánh, Ban Từ thiện xã hội, Ban Phật giáo Quốc tế, Ban Thông tin – Truyền thông, (v) 01 Chánh Thư ký, (vi) 02 Phó Thư ký, (v) 01 Thủ quỹ và (vi) Các Ủy viên Thường trực. Nhiệm kỳ của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh là 05 năm tương ứng với nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp tỉnh.

Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh: Ban lãnh đạo cao nhất của Hội đồng Chứng minh GHPGVN được Hội đồng Chứng minh suy cử nhằm thực thi các chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Chứng minh giữa hai kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, đồng thời, giám sát và chứng minh các hoạt động Phật sự của các cấp GHPGVN. Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh bao gồm: (i) Đức Pháp chủ, (ii) 2 Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, (iii) 1 Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh, (iv) 9 Phó Pháp chủ, (v) 3 Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh, (vi) 11 Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh. Con số này thay đổi tùy theo tình hình sức khỏe của các Trưởng lão Hòa thượng Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự: Ban lãnh đạo cao nhất của Hội đồng Trị sự (HĐTS) được Ban Thường trực Hội đồng Pháp chủ, Hội đồng Trị sự ủy quyền để thay mặt lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động Phật sự của các cấp GHPGVN trên mọi công tác đối nội, đối ngoại; có chức năng hiện tất cả các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Trị sự. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hoạt động theo Hiến chương và Quy chế hoạt động do Hội đồng Trị sự thông qua, được Ban Thường trực Hội đồng Pháp chủ GHPGVN ấn chứng. Các ủy viên và lãnh đạo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự bao gồm: (i) Chủ tịch HĐTS, (ii) 2 Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, (iii) 1 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, (iv) 9 Phó Chủ tịch HĐTS, (v) 2 Phó Tổng Thư ký HĐTS, (vi) 39 Ủy viên Thường trực HĐTS, (vii) 5 Ủy viên Thư ký HĐTS, (viii) 1 Ủy viên Thủ quỹ HĐTS. Các ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cũng kiêm nhiệm vị trí Trưởng ban, Viện trưởng, Chánh Văn phòng và Phó Trưởng ban, Phó Viện trưởng của các ban viện trung ương.

Ban Trị sự GHPGVN cấp quận huyện: Đơn vị quản lý hành chánh của GHPGVN ở quận huyện có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn: (i) Tổ chức thực hiện chủ trương, đường hướng, chương trình hoạt động Phật sự tại địa phương theo sự hướng dẫn của GHPGVN cấp trên, (ii) Ấn định chương trình hoạt động Phật sự hằng năm theo Nghị quyết, Chương trình hoạt động của Đại hội Đại biểu GHPGVN cấp huyện đề ra, (iii) Tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình hoạt động Phật sự toàn nhiệm kỳ, chương trình hoạt động Phật sự hằng năm, chương trình chuyên biệt và những sự kiện trọng đại tại địa phương, (iv) Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, quản lý, điều hành các mặt công tác Phật sự của các thành viên GHPGVN tại địa phương, (v) Đối với những vấn đề không xử lý được, Thường trực Ban Trị sự cấp huyện đệ trình lên Ban thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh, các Ban chuyên ngành cấp tỉnh hoặc Ban, Viện Trung ương hướng dẫn giải quyết, (vi) Chuẩn y thành phần nhân sự, Nội quy hoạt động của Ban hộ tự và các đạo tràng, câu lạc bộ sinh hoạt Phật giáo tại cơ sở tự viện trong địa bàn huyện, (vii) Giới thiệu Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử tham gia các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương, (viiii) Tổng hợp ý kiến của các thành viên trong địa bàn huyện để phản ánh đến Ban Trị sự cấp tỉnh và cơ quan Nhà nước tại địa phương về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động tôn giáo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử trong địa bàn huyện, (ix) Đề xuất việc bổ nhiệm trụ trì các Chùa, Tổ đình, Tịnh xá, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh thất, Niệm Phật đường, tổ chức thành viên cơ sở lên Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh phê duyệt, quyết định sau khi được sự thống nhất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương, (x) Nếu cơ sở có liên hệ đến hệ phái, sơn môn thành viên, cần được sự trao đổi, thống nhất trước. Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định tại Quy chế hoạt động của Ban Trị sự cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh.

Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh: Cơ quan quản lý hành chánh cao nhất của GHPGVN ở 63 tỉnh thành trên toàn quốc Việt Nam, có chức năng hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự của GHPGVN trong địa bàn tỉnh. Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thực hiện theo Quy chế hoạt động của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh. Nhân sự Ban Trị sự cấp tỉnh là Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử tại địa phương có uy tín, năng lực làm việc, đạo hạnh tốt, có công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc. Trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ công cử thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Ban Trị sự cấp tỉnh. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh gồm: (i) Tổ chức thực hiện chủ trương, đường hướng, chương trình hoạt động Phật sự tại địa phương theo sự hướng dẫn của Hội đồng Trị sự GHPGVN, (ii) Ấn định chương trình hoạt động hằng năm theo Nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự của Đại hội Đại biểu GHPGVN cấp tỉnh đề ra, (iii) Tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình hoạt động Phật sự toàn nhiệm kỳ, chương trình hoạt động Phật sự hằng năm, chương trình chuyên biệt và những sự kiện trọng đại của GHPGVN tại địa phương, (iv) Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, quản lý, điều hành các mặt công tác Phật sự của các Ban trực thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh, Ban Trị sự cấp huyện và các thành viên của GHPGVN tại địa phương. Đối với các vấn đề không xử lý được, Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh đệ trình lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hoặc các Ban, Viện trung ương để được hướng dẫn giải quyết, (v) Suy cử Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh. Số lượng thành viên Ban Thường trực Ban Trị sự và các chức danh Ban Thường trực thực hiện theo Hiến chương và Quy chế hoạt động của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, (vi) Chuẩn y thành phần nhân sự các Ban chuyên ngành, Ban Giám hiệu các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh, (vii) Thông qua, Quy chế, Nội quy hoạt động của các Ban chuyên ngành, Ban Giám hiệu các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh, (viii) Giới thiệu Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử tham gia các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương. Trong trường hợp Ban Trị sự cấp huyện thiếu nhân sự, được quyền phân công, luân chuyển, bổ sung nhân sự tham gia Ban Trị sự cấp huyện với tư cách là người đứng đầu GHPGVN cấp huyện, trên cơ sở trao đổi với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương, (ix) Tổng hợp ý kiến của các thành viên trong địa bàn tỉnh để phản ánh đến Trung ương Giáo hội, cơ quan Nhà nước tại địa phương về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động tôn giáo, (x) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của GHPGVN, tổ chức, cá nhân là thành viên của GHPGVN trong địa bàn tỉnh, (xi) Quyết định bổ nhiệm trụ trì các cơ sở Giáo hội do Ban Trị sự cấp tỉnh thành lập và quản lý trên cơ sở tham vấn Ban Trị sự cấp huyện, hệ phái, sơn môn (nếu có liên hệ) và trao đổi với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, (xii) Phê chuẩn kế hoạch, chương trình hoạt động của Ban Trị sự cấp huyện, các Ban chuyên ngành, Trường Trung cấp (Cao đẳng) Phật học trực thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh, (xiii) Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định tại Quy chế hoạt động Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo do Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành.

Ban Trị sự GHPGVN phường: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni và cư sĩ của GHPGVN cấp phường, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN ở một phường.

Ban Trị sự GHPGVN quận huyện: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni và cư sĩ của GHPGVN cấp quận huyện, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN ở một quận huyện.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni và cư sĩ của GHPGVN cấp tỉnh, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN ở một tỉnh.

Ban Trị sự GHPGVN thị xã: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni và cư sĩ của GHPGVN cấp thị xã, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN ở một thị xã.

Ban Trị sự GHPGVN xã: Ban Trị sự Phật giáo gồm các vị Tăng Ni và cư sĩ của GHPGVN cấp xã, có chức năng quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động Phật sự của các tự viện và thành viên GHPGVN ở một xã.

Ban Trị sự trung ương: Ban Trị sự cấp lớn nhất của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam (nay là Hệ phái Khất sĩ) có chức năng quản lý hành chánh và chánh sách hành đạo của Tăng Ni thuộc Giáo hội này. Ban Trị sự trung ương còn có chức năng tu chỉnh bản Điều lệ của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam.

Ban Viện trung ương: Thuật ngữ hành chánh của GHPGVN chỉ Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và 12 Ban chuyên ngành ở cấp toàn quốc: (i) Ban Tăng sự Trung ương, (ii) Ban Hoằng pháp Trung ương, (iii) Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, (iv) Ban Nghi lễ Trung ương, (v) Ban Văn hóa Trung ương, (vi) Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, (vii) Ban Kinh tế Tài chính Trung ương, (viii) Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, (ix) Ban Từ thiện Xã hội Trung ương, (x) Ban Pháp chế Trung ương, (xi) Ban Kiểm soát Trung ương, (xii) Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương.

Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam: Do HT. Thích Tịnh Khiết, Hội  chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam đại diện năm cấp Trị sự Phật giáo toàn quốc, trung phần và Thừa Thiên công bố vào ngày 10/5/1963 nhân dịp cuộc Meeting lớn cửa Tăng Ni và cộng đồng Phật tử Thừa Thiên (Huế) diễn ra tại chùa Từ Đàm nhằm kêu gọi chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm tôn trọng sự bình đẳng tôn áp, chấm dứt tình trạng đàn áp Phật giáo. Bản Tuyên ngôn này được gửi đến chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm yêu cầu chính quyền chấm dứt tình trạng “máu đã chảy, nhân mạng đã bị hy sinh, cảnh khủng bố, đàn áp bất nhân, bất công xã hội, bất bình đẳng tôn giáo và vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.”  Lãnh đạo Phật giáo Việt Nam yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi 05 nguyện vọng sau đây: “(1) Yêu cầu chỉnh phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo, (2) Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Đạo dụ số 10, (3) Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo, (4) Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo, (5) Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.” Năm yêu cầu trên còn được gọi là năm nguyện vọng hòa bình của Phật giáo gồm ba phương diện sau đây. Về công bằng xã hội, chính phủ không được khủng bố và bắt bớ tín đồ Phật giáo (yêu cầu 3), phải bồi thường những kẻ bị giết oan vô tội và trừng phạt kẻ chủ mưu giết hại (điều 5). Về bình đẳng tôn giáo, chính phủ phải cho phép Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do hành đạo và truyền đạo (điều 4) và được hưởng quyền bình đẳng tôn giáo như Thiên Chúa giáo (điều 2). Về nguyên nhân đàn áp Phật giáo, yêu cầu chính phủ thu hồi công điện triệt hạ cờ Phật giáo thế giới.

bánh xe cầu nguyện (Tib. khor lo, 願輪, nguyện luân): Còn gọi là bánh xe Mani (mani-chos-'khor), là bánh xe hình trụ trên một trục chính, được làm bằng kim loại, gỗ, đá, thường đặt cạnh nhau liên tiếp và đặt xung quanh Chánh điện của các chùa Tây Tạng, hoặc xung quanh cây Bồ-tát, hoặc lan can có mái che. Tương truyền bánh xe cầu nguyện có nguồn gốc từ Bồ-tát Long Thọ, biểu tượng cho việc tích lũy trí tuệ và công đức để chuyển hóa các nghiệp xấu, giúp hành giả tiến gần với giác ngộ. Trên bề mặt của bánh xe cầu nguyện thường khắc câu thần chú “Om Mani Padme Hum” bằng chữ Sanskrit của Ấn Độ hay chữ Newari của Nepal. Tại lõi của hình trụ là “cây sự sống” bằng kim loại hoặc bằng gỗ với các câu thần chú quấn xung quanh. Đây là cách sử dụng sức quay của bánh xe nhằm nâng con số trì niệm về câu thần chú tương ứng với số vòng quay.

bánh xe gió (風輪, phong luân): Kiểu bánh xe cầu nguyện được quay bằng gió, tượng trưng cho sự giảm bớt nghiệp xấu hoặc chuyển nghiệp của người mà nó chạm vào.

bánh xe lửa (火輪, hỏa luân): Kiểu bánh xe cầu nguyện được quay bằng sức nóng của nến hoặc đèn điện. Ánh sáng phát ra từ bánh xe cầu nguyện được xem là có khả năng thanh lọc nghiệp xấu của con người và chúng sinh được nó chạm tới.

bánh xe Mani (Tib. མ་ནི་ཆོས་འཁོར་, mani-chos-'khor): Như bánh xe cầu nguyện.

bánh xe nước (水輪, thủy luân): Kiểu bánh xe cầu nguyện được quay bằng dòng nước chảy. Nước chạm vào bánh xe được xem là sự may mắn và mang lại sức mạnh thanh lọc vào sự sống trong đại dương, sông và hồ mà nó chảy vào.

bánh xe pháp điện: Kiểu bánh xe cầu nguyện được vận chuyển bằng động cơ điện (Tib. Thardo khorlo) quay cả ngày, cả đêm, quanh năm, thường chứa một nghìn bài thần chú của Chenrezig và nhiều bản sao của các câu thần chú khác. Công đức do bánh xe cầu nguyện tạo ra là do sức mạnh từ các thần chú được tàng trữ bên trong bánh xe.

bảo vật (寶物): vật quý giá gồm bảy báu: Vàng (金), bạc (銀), lưu ly (琉璃), pha lê (頗梨), xà cừ (硨磲), trân châu (珍珠), mã não (瑪瑙).

bát giới (八戒): Tám điều đạo đức.

bát kỉnh pháp: Như “tám điều cung kính.”

bát nạn: như “tám nạn”

bát phước điền: như “tám ruộng phước.”

bát tụ (八聚): như “tám nhóm giới.”

bát yếu (八要): = tám trọng yếu.

bát: như “bình bát.”

bát-đa-la (P. patta, S. pātra, 缽多羅): dụng cụ đo lường [sức ăn của người hành khất] (應量器, ứng ượng khí). Khi sử dụng bát cần chú ý 3 điều sau: (i) Về mặt chất liệu, bát chỉ được làm từ sắt hoặc sành, không được dùng bát bằng vàng, bạc, đồng, gỗ v.v… bảy thứ báu, (ii) Về màu sắc, bát được hun từ khói thuốc hoặc dầu mè, (iii) Về thể tích, dựa vào sức ăn của mỗi người mà phân ra ba loại bát: Lớn, vừa, nhỏ. Loại bát lớn nhất không được hơn ba thăng, loại nhỏ nhất không được quá nửa thăng.

bảy bộ chúng (七部眾): như “bảy cộng đồng đệ tử Phật.”

bảy bộ đệ tử (七部弟子): như “bảy cộng đồng đệ tử Phật.”

bảy cộng đồng đệ tử Phật: Còn gọi là “bảy chúng” (七眾) hay “bảy bộ chúng” (七部眾), “bảy bộ đệ tử” (七部弟子) bao gồm năm cộng đồng xuất gia và hai cộng đồng tại gia: (1) Cộng đồng Tỳ-kheo (比丘眾), (2) Cộng đồng Tỳ-kheo-ni (比丘尼眾), (3) Cộng đồng Sa-di (沙彌眾), (4) Cộng đồng Sa-di-ni (沙彌尼眾), (5) Cộng đồng Thức-xoa-ma-na (式叉摩那眾), (6) Cộng đồng thiện nam (善男眾), (7) Cộng đồng tín nữ (信女眾).

bảy chúng (七眾): như “bảy cộng đồng đệ tử Phật.”

bảy chúng Đạo, tục (道俗七眾): như “bảy cộng đồng đệ tử Phật.”

bảy chúng Tăng, tục (僧俗七眾): như “bảy cộng đồng đệ tử Phật.”

bảy đức Phật (七佛): Bao gồm: (i) Tỳ-bà-thi Phật (P.Vipassin, S.Vipaśyin, 毘婆尸佛), (ii) Thi-khí Phật (P. Sikhī, S. Śikhin, 尸棄佛), (iii) Tỳ-xá-bà Phật (P.Vessabhū, S.Viśvabhu, 毗舍浮佛), (iv) Câu-lưu-tôn Phật (P. Kakusandha, S. Krakucchanda, 拘留孫佛), (v) Câu-na-hàm Mâu-ni Phật (P. Koṇāgamana, S. Kanakamuni, 拘那含牟尼佛), (vi) Ca-diếp Phật (P. Kassapa, S. Kāśyapa, 迦葉佛), (vii) Thích-ca Mâu-ni Phật (P. Gotama Buddha, S. Śākyamuni Buddha, Gautama.

bảy năm sau khi xuất gia: Theo văn phạm thông thường, “thất tuế xuất gia” (七歲出家) có nghĩa là “bảy tuổi xuất gia”. Ngữ nghĩa này đúng với văn phạm nhưng không phù hợp với lịch sử. Ở đây, ngài Cưu-ma-la-thập có lẽ dùng phép đảo câu (倒装句) nên chúng ta có thể dịch cụm từ trên là “năm xuất gia thứ 7”. Dựa vào dữ liệu của Thượng tọa bộ, thái tử Tất-đạt-đa đi xuất gia vào năm 29 tuổi. Như vậy, “bảy năm sau khi xuất gia” thì thái tử Tất-đạt-đa được 35-36 tuổi (tùy theo cách tính năm hay tính tháng).

bảy tội nghịch ác (七逆): Bao gồm: (i) Làm thân Phật chảy máu (出佛身血, xuất Phật thân huyết), (ii) Giết cha (殺父, sát phụ), (iii) Giết mẹ (殺母, sát mẫu), (iv) Giết Hòa thượng (殺和尚, sát hòa thượng), (v) Giết A-xà-lê (殺阿闍黎, sát A-xà-lê), (vi) Phá hoại Tăng đoàn biểu quyết và quay bánh xe chân lý (破羯磨轉法輪僧, phá yết-ma chuyển pháp luân tăng), (vii) Giết thánh nhân (殺聖人, sát thánh nhân).

Bắc tông (北宗): Thuật ngữ thiền Trung Quốc, được sử dụng đồng nghĩa với thiền Bắc tông. Xem “Nam Năng Bắc Tú”, “thiền Bắc tông” và “thiền Tào Khê”.

Bắc Trung nguyên Trung phần: Miền Vạn Hạnh của GHPGVNTN.

Bằng công đức: Hình thức tuyên dương do các trụ trì các tự viện thuộc GHPGVN cấp do các Tăng, Ni, Phật tử và những người có công đóng góp đối với Phật giáo, dân tộc trong từng sự kiện Phật sự.

Bằng Quy y Tam bảo: Giấy chứng nhận do Trụ trì một ngôi chùa Phật giáo cấp cho một Phật tử sau khi Phật tử đó đã chính thức tiếp nhận ba ngôi tâm linh (nương tựa Phật, Pháp, Tăng) và phát nguyện giữ năm điều đạo đức (không giết người, không trộm cắp, không ngoại tình, không nói láo, không sử dụng ma túy và không uống rượu).

Bằng Tuyên dương Công đức: Hình thức tuyên dương các thành viêncủa GHPGVN gồm: (i) Bằng Tuyên dương Công đức của Chủ tịch Hội đồng Trị sự, (ii) Bằng Tuyên dương Công đức của Trưởng Ban của 12 ban trung ương, (iii) Bằng Tuyên dương Công đức của Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, (iv) Bằng Tuyên dương Công đức của Trưởng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành, (v) Bằng Tuyên dương Công đức của Trưởng Ban của 12 ban chuyên ngành trực thuộc GHPGVN cấp tỉnh thành, (vi) Bằng Công đức của Ban Trị sự GHPGVN cấp quận huyện, (vii) Bằng Công đức của Trụ trì các tự viện. Về quy định tặng Bằng Tuyên dương Công đức: (i) Thành viên Hội đồng Trị sự, Ban, Viện trung ương của GHPGVN được 2/3 số lượng thành viên Hội đồng Trị sự biểu quyết, chấp thuận tặng bằng Tuyên dương công đức hoặc bằng Công đức, (ii) Thành viên Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự quyết định tặng bằng Tuyên dương công đức hoặc bằng Công đức, (iii) Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh được tặng bằng Tuyên dương công đức, bằng Công đức cho tập thể, cá nhân theo từng địa phương, thể thức như Trung ương GHPGVN quy định, (iv) Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện được tặng bằng Công đức cho tập thể, cá nhân theo yêu cầu của từng cơ sở.

bắt ấn: Cử chỉ của bàn tay, ngón tay được thực hiện tạo thành một thủ ấn nào đó nhằm thể hiện thông điệp hay triết lý Phật giáo tương ứng với từng thủ ấn.

bắt tay: Động tác nắm lấy bàn tay của nhau giữa hai người, thể hiện tình hữu nghị, sự giao hảo, tượng trưng sự hòa hợp, đoàn kết và hợp tác.

bậc Cánh mềm: Một trong bốn bậc của ngành Oanh vũ thuộc Gia đình Phật tử. Ba bậc còn lại là Bậc Mở mắt, Bậc Chân Cứng, Bậc Tung bay.

bậc Chánh thiện: Một trong bốn bậc của Ngành Thiếu nam nữ. Ba bậc còn lại là Bậc Hướng thiện, Bậc Sơ thiện, bậc Trung thiện.

bậc Chân cứng: Một trong bốn bậc của ngành Oanh vũ thuộc Gia đình Phật tử. Ba bậc còn lại là Bậc Cánh mềm, Bậc Chân Cứng, Bậc Tung bay.

bậc Định: Một trong bốn bậc học của Huynh trưởng gồm 3 năm học. Ba bậc còn lại là Kiên, Trì, Lực.

bậc Hòa: Một trong bốn bậc của Ngành Thanh trong Gia đình Phật tử. Ba bậc còn lại lại là bậc Minh, bậc Kiến, bậc Trực.

Bậc học của Huynh trưởng: Huynh trưởng GĐPT có 4 bậc học: (i) Kiên (1 năm), (ii) Trì (2 năm), (iii) Định (3 năm), (iv) Lực (5 năm).

bậc Hướng thiện: Một trong bốn bậc của Ngành Thiếu nam nữ. Ba bậc còn lại là bậc Sơ thiện, bậc Trung thiện, bậc Chánh thiện.

bậc Kiến: Một trong bốn bậc của Ngành Thanh trong Gia đình Phật tử. Ba bậc còn lại lại là bậc Hòa, bậc Minh, bậc Trực.

bậc Kiên: Một trong bốn bậc học của Huynh trưởng gồm 1 năm học. Ba bậc còn lại là Trì, Định, Lực.

bậc Minh: Một trong bốn bậc của Ngành Thanh trong Gia đình Phật tử. Ba bậc còn lại lại là bậc Hòa, bậc Kiến, bậc Trực.

bậc Mở mắt: Một trong bốn bậc của ngành Oanh vũ thuộc Gia đình Phật tử. Ba bậc còn lại là Bậc Cánh Mềm, Bậc Chân Cứng, Bậc Tung Bay.

bậc Sơ thiện: Một trong bốn bậc của Ngành Thiếu nam nữ. Ba bậc còn lại là Bậc Hướng thiện, bậc Trung thiện, bậc Chánh thiện.

bậc Trì: Một trong bốn bậc học của Huynh trưởng gồm 2 năm học. Ba bậc còn lại là Trì, Định, Lực.

bậc Trung thiện: Một trong bốn bậc của Ngành Thiếu nam nữ. Ba bậc còn lại là Bậc Hướng thiện, Bậc Sơ thiện, bậc Chánh thiện.

bậc Trực: Một trong bốn bậc của Ngành Thanh trong Gia đình Phật tử. Ba bậc còn lại lại là bậc Hòa, bậc Minh, bậc Kiến.

bất cộng trụ (不共住): không được sống chung với Tăng đoàn. Đây là hình thức bị trục xuất, do phạm giới ba-la-di. Xem “không được ở chung.”

bất định (P=S. aniyata, 不定): Tội chưa xác định, chỉ áp dụng đối với Tăng (Tỳ-kheo-ni không có giới này), gồm hai trường hợp. Trường hợp 1, Tăng sĩ ngồi một mình với phụ nữ ở chỗ khuất, kín có thể hành dâm, nhưng chưa thể xác định giới đã phạm, cho đến khi có người rất đáng tin cậy (Hán văn: 住信優婆夷, trụ tín Ưu-bà-di, nữ cư sĩ rất đáng tin cậy), tố giác khả tín, làm chứng thuyết phục rằng thầy ấy vi phạm một trong ba tội, hoặc tội trục xuất, hoặc tội Tăng tàn, hoặc tội sám hối. Chính Tăng sĩ đó thú nhận mình phạm một trong ba tội trên. Trường hợp 2, Tăng sĩ ngồi một mình với phụ nữ ở chỗ trống, không thể hành dâm, nói lời thô tục. Việc này bị người rất đáng tin cậy như trên tố giác thầy ấy phạm một trong hai tội, hoặc tội Tăng tàn, hoặc tội sám hối. Chính Tăng sĩ đó thú nhận mình phạm một trong hai tội. Trên thực tế, nam cư sĩ rất đáng tin cậy cũng có thể làm việc tố giác tương tự. Theo Sớ giải Luật tạng (Vin-A.632), người đáng tin cậy (dù cư sĩ nữ hay cư sĩ nam) là người đã chứng quả dự lưu và hiểu trọn vẹn bốn chân lý thánh. Do vậy, lời tố giác của nữ cư sĩ này không phải lời vu cáo.

Bất động sản Quản trị vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Tài chánh GHPGVNTN.

bất khả đắc (不可得): Không thể được, khong thể đạt được, không thể nắm bắt được. Câu này thường được sử dụng như thông điệp nhắc nhở mọi người rằng không có thực thể thường hằng bất biến trong mọi sự vật hiện tượng  (S. nāvadhāryate, anupalabdhi), theo đó, không nên chấp mắc, luyến tiếc trong đời. Tương tự, không nên chấp thủ vào quá khứ, hiện tại và tương lai; không nên chấp dính vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và mọi sự vật trên đời, nhờ đó, tâm được cởi trói khỏi mọi chấp mắc.

bất mãn nhất tuế: như “chưa đến một năm.”

bất si tỳ-ni (P. amūḷhavinaya, S. amūdha-vinaya, 不癡毘尼), giải quyết tranh chấp bằng cách xác định đương sự không còn bị tâm thần nữa.

bất tịnh (不净): (1) sự dơ bẩn, không trong sạch, (2) tinh trùng của người nam, trong ngữ cảnh “xuất bất tịnh” (出不净) tức xuất tinh, (3) kinh nguyệt của người nữ trong chu kỳ tháng. Xem “Tăng tàn.”

bất tịnh hạnh (P. ajjhācāra, 不净行): hành vi không thanh tịnh, hành vi tính dục giữa người nam – nữ, người nam – nam, người nữ - nữ để thỏa mãn khoái lạc tính dục đối với người xuất gia là phạm tội tẫn xuất, không được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời.

bất thọ khuyến (不受勸): như “không nghe lời khuyên.”

Bhimrao R. Ambedkar (14/4/1891 - 06/12/1956): Còn gọi là tiến sĩ Babasaheb Ambedkar, là chính trị gia, Bộ trưởng Luật và Tư pháp độc lập đầu tiên của Ấn Độ, kiến ​​trúc sư của Hiến pháp Ấn Độ, cha đẻ của nước Cộng hòa Ấn Độ và nhà cải cách xã hội người Ấn Độ. Sinh ra trong một gia đình Dalit (không thể chạm tới), ông đậu tiến sĩ ở Anh, trở thành nhà thay đổi xã hội vĩ đại. Ông có công chấn hưng Phật giáo Ấn Độ, khai sinh Phật giáo Tân thừa và truyền cảm hứng cho phong trào Phật giáo Dalit, đề cao công bằng xã hội, xóa bỏ giai cấp, ủng hộ quyền của phụ nữ. Ngày 14/10/1956, ông giúp 600,000 tín đồ Ấn giáo cải đạo sang Phật giáo, nhằm đề cao thân phận của người cùng đinh. Vào năm 1935, ông bắt đầu nghiên cứu Phật giáo, tham dự hội nghị của Hội Liên hữ Phật giáo thế giới. Năm 1956, ông xuất bản tác phẩm cuối cùng của mình, Đức Phật và giáo pháp của ngài. Phật giáo Tân thừa do ông sáng lập là hình thái đạo Phật nhập thế xã hội. Hai mươi hai lời nguyện là quy định bắt buộc đối Phật tử theo Phật giáo Tân thừa. Đối với Phật giáo Tân thừa, ông được xem là Bồ-tát, thậm chí là hiện thân của đức Phật đối với những người cùng đinh.

bi kịch: Hình thức kịch dựa vào sự đau khổ, mất mát của con người, thường được vận dụng trong các loại hình hư cấu như phim ảnh, tiểu thuyết, truyện tranh nhằm tạo cho người xem những đồng cảm với nhân vật.

biến hóa sắc (变化色) gồm sắc nhẹ nhàng (色轻快性), sắc nhu nhuyến (色柔软性) và sắc nhanh nhẹn (色适业性). Xem “sắc uẩn”.

biển sam (褊衫): tương tự “trực chuyết” (直裰) áo dài, về sau chỉ cho pháp phục của nhà sư, đạo sĩ hoặc sĩ tử. Cũng gọi là “trực bi” (直襬), “trực thân” (直身). Trong chùa Hoa ngày nay gọi “hải thanh” (海青) là áo dài của tu sĩ có tay hậu.

biệt trú (P=S. parivāsa, 別住): Không được sống chung với Tăng đoàn, hình thức trị phạt bước đầu đối với Tỳ-kheo phạm 1/13 giới Tăng tàn đối với Tỳ-kheo, hoặc 1/17 điều đối với Tỳ-kheo-ni. Người phạm giới phải chịu phép “ý hỷ” (意喜) trong sáu ngày để được tiến bộ. Phép làm yết-ma hết tội (出罪羯磨) đối với Tỳ-kheo phải hội đủ 20 thành viên Tăng đoàn, đang khi giải tội đối với Tỳ-kheo-ni phải hội đủ 20 Tỳ-kheo và 20 Tỳ-kheo-ni.

biệt trú kiền-độ (P. Parivāsakkhandhaka, 别住犍度): như “Chủ đề về ở riêng.”

biểu minh yết-ma(P. pakāsanīyakamma, 表明羯磨): biểu quyết đặc biệt của Tăng đoàn tuyên bố rằng từ nay về sau hành vi của Đề-bà-đạt-đa không còn đại diện cho Tăng đoàn, không còn liên hệ gì với tăng đoàn.

biểu quyết cử tội (P. ukkhepanīyakamma, 舉罪羯磨, cử tội yết-ma): biểu quyết Tăng đoàn cử tội một vị xuất gia trong hai tình huống: (i) Tình huống thứ nhất là người xuất gia không thừa nhận sai lầm (不承認犯错), đang khi có phạm tội, (ii) Tình huống thứ hai là một vị xuất gia có phạm tội nhưng “không xả bỏ quan niệm sai lầm” (不舍弃错误观念), không lắng nghe lời khuyên nhắc để tu học tốt hơn. Phương thức: Họp tố giác, buộc Tỳ-kheo này ở riêng hay đi ở nơi khác (别住).

biểu quyết một lần bạch ba lần hỏi (白四羯磨): Còn gọi là “biểu quyết với 3 lần hỏi tăng đoàn” (白三羯磨 bạch tam yết-ma), vốn dịch nghĩa của từ “jñapticaturtha-karman” trong Sanskrit hay từ “ñatti-catuttha-kamma” trong Pali, gọi tắt là “bạch tứ” (白四) hay “bạch tứ pháp” (白四法) tức biểu quyết Tăng đoàn gồm một lần bạch và ba lần hỏi Tăng đoàn đồng thuận. Bất kỳ sự vụ nào do Tăng đoàn làm, chẳng hạn như truyền trao giới pháp, thầy yết-ma sẽ cáo bạch (告白) trước Tăng đoàn, sau đó 3 lần hỏi Tăng đoàn tán thành (三問僧眾贊). Loại biểu quyết Tăng đoàn này áp dụng cho các tăng vụ quan trọng như sám hối, quở trách, chấm dứt tranh cãi, thông tri về tăng sự… đều xin ý kiến đồng thuận của Tăng đoàn.

biểu quyết quở trách (呵責羯磨, tajjanīyakamma, ha trách yết-ma): Đối tượng bị quở trách là người gây rắc rối và người lôi kéo Tỳ-kheo cùng gây sự trong Tăng đoàn, theo đó, Tăng đoàn mở cuộc họp quở trách để chấm dứt tình trạng này.

biểu quyết trục xuất (驅出羯磨, pabbājanīyakamma, khu xuất yết-ma): Biểu quyết của Tăng đoàn không cho phép một vị xuất gia tiếp tục ở trong ngôi chùa, khi vị ấy có hành vi bất chính, khiến các cư sĩ gièm pha, mất niềm tin vào Phật, Pháp, Tăng.

biểu quyết về y chỉ (P. nissayakamma, 依止羯磨, y chỉ yết-ma): biểu quyết của Tăng đoàn áp dụng đối với một vị Tỳ-kheo không nghe lời khuyên can (不受勸告的比丘) nên Tăng đoàn bắt buộc tỳ-kheo đó phải nương tựa (依止), thân cận một bậc thiện tri thức (親近善知識) làm thầy tinh thần để dạy dỗ, cải thiện, làm mới lối sống tăng sĩ, phù hợp với giới luật Phật dạy.

biểu quyết xin lỗi (P. paṭisāraṇīyakamma, 道歉羯磨, đạo khiểm yết-ma): biểu quyết Tăng đoàn yêu cầu một vị xuất gia xin lỗi khi lỡ lời và có hành động xúc phạm một cư sĩ đoan chánh.

biểu sắc (表色) gồm thân biểu (身表) tức biểu hiện của thân thể và ngữ biểu (语表) tức biểu hiện của lời nói. Xem “sắc uẩn”.

biểu tượng màu của Phật giáo Tây Tạng: Trong nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng, có sáu màu được sử dụng làm biểu tượng, gắn liền với năm gia đình Phật, phương hướng, năm yếu tố phổ quát và năm màu (pañcavarṇa): (i) Màu trắng gắn liền với Phật Tỳ-lô-giá-na (Vairocana), tương ứng với nước, phương đông, tượng trung thanh tịnh, (ii) Màu xanh gắn liền với Phật Amoghasiddhi, tương ứng không gian, phương bắc, tượng trưng hòa bình, bất hại, (iii) Màu vàng gắn liền với Phật Ratnasaṃbhava, tương ứng với đất, phương Nam (hoặc Tây), tượng trưng nhan sắc và tài sản, (iv) Màu xanh đậm gắn liền với Phật A-súc (Akṣobhya), tương ứng với không khí, trung tâm, tượng trưng tri thức, giác ngộ, (v) Màu đỏ gắn liền với Phật A-di-đà, tương ứng với lửa, phương Tây (hay Nam), tượng trưng từ bi, (vi) Màu đen tương ứng với không khí, vô phương, tượng trưng cái chết, chấm dứt vô minh. Năm màu (trắng, xanh, vàng, xanh đậm, đỏ) được Phật giáo Tây Tạng sử dụng làm các lá cờ cầu nguyện (prayer flags) cho những điều tốt lành và hạnh phúc.

biểu tượng Phật giáo (S. pratīka, E. Buddhist symbols): Sử dụng các biểu tượng nhằm thể hiện các phương diện triết lý Phật giáo. Các biểu tượng Phật giáo sớm nhất chủ yếu là pháp luân (Dharmachakra), hoa sen, cây bồ-đề và tam bảo, dấu bàn chân Phật. Về sau Phật giáo giới thiệu thêm các biểu tượng khác gồm chày kim cương (vajra), chữ vạn, võ óc, chuông, ấn tướng, cờ Phật giáo và các vật linh như sư tử, voi, ngựa, rắn, công, chim garuda, chuông, mõ, tám cát tường v.v…

biểu tượng Phật giáo Đông Nam Á (Southeast Asian Buddhist symbols): Chủ yếu là các biểu tượng phát triển từ biểu tượng Phật giáo Nguyên thủy gồm: (i) Pháp luân (Dhammacharka), (ii) Dấu bàn chân Phật, (iii) Chữ vạn (swastika), (iv) Mandala, (v) Lộng phướn, (vi) Trượng như ý (ruyi scepter), (vii) Tích trượng (khakkhara), (viii) Đèn trường minh (changmingdeng), (ix) Cây tiền. Về biểu tượng là hình tượng gồm có:  (i) Hình Phật, (ii) Hình Bồ-tát, (iii) Hình 18 A-la-hán. Về biểu tượng là các vật linh gồm có: (i) Mõ, (ii) Rồng, (iii) Dơi.

biểu tượng Phật giáo Kim cương thừa (Vajrayana Buddhist symbols): Còn gọi là biểu tượng Mật tông phổ quát bao gồm: (i) Chày kim cương (vajra) hay khánh kim cương (vajra-ghanta) tượng trưng sự bất hoại, bất diệt, (ii) Bánh xe cuộc sống (bhavacakra), mandala, mắt Phật (mắt trí tuệ). Các biểu tượng nghi lễ Mật tông phổ biến gồm có: (i) Con dao nghi lễ (kila), (ii) Gậy mật tông (khatvanga), (iii) Ly đầu sọ (kapala), (iv) Con dao chém (kartika), (v) Trống tay (damaru), (vi) Kèn xương đùi (kangling), (vii) Bánh xe hạnh phúc (Gankyil). Các vật linh trong Phật giáo Kim cương thừa gồm: (i) Sư tử tuyết, (ii) Ngựa gió, (iii) Rồng, (iv) Chim Garuda và (v) Cọp.

biểu tượng Phật giáo Nguyên thủy (Early Buddhist symbols): Xuất hiện vào thời đại Maurya (322-184 TTL), biểu tượng phổ biến nhất gồm: (i) Pháp luân (Dhammacharka), (ii) Cây Bồ-đề, (iii) Tam bảo (Triratna), (iv) Tòa kim cương (vajra seat), (v) Hoa sen, (vi) Dấu bàn chân Phật. Về biểu tượng là vật linh gồm có: (i) Voi, (ii) Sư tử (sinha), (iii) Rắn (nāga), (iv) Nai.

biểu trưng phù hiệu bộ môn: Giáo Lý: hoa sen; Kỹ Thuật: ngọn lửa; Văn Nghệ: quả chuông.

bình (瓶): Có ba loại bình: (i) Bình sạch (淨瓶, tịnh bình) dùng để chứa nước uống, (ii) Bình mang theo dùng (隨用瓶, tùy dụng bình) dùng để chứa nước rửa tay, (iii) Bình rửa vùng kín (觸瓶, xúc bình) dùng để chứa nước rửa vùng đại tiện và tiểu tiện.

bình bát:

bình báu (S. kumbha): (1) Biểu tượng của kho châu báu và sự giàu có vô tận; (2) Biểu tượng của thần phú quý.

Bình nguyên Hoa Bắc (華北平原): Còn gọi là đồng bằng Hoa Bắc  được tạo thành từ trầm tích của Hoàng Hà và là đồng bằng phù sa tại Đông Á, còn là nơi phát nguyên của văn minh Trung Quốc. Bình nguyên Hoa Bác gồm phía bắc là Yên Sơn và phía tây là Thái Hành Sơn, phía nam tiếp giáp  với Bình nguyên Trung hạ du Trường Giang. Ở phía đông bắc đến đông nam, bình nguyên này lần lượt giáp với Bột Hải, cao nguyên của bán đảo Sơn Đông, và Hoàng Hải. 

bỏ giới (捨戒): Từ bỏ hoặc hoàn trả giới của người xuất gia. Đây là hành động chính thức phép Tăng đoàn và tuyên bố từ bỏ giới pháp của người xuất gia, do không còn thích hợp với sinh hoạt Tăng đoàn. Đối với người xuất gia gieo duyên, chỉ cần tuyên bố hoàn trả giới xuất gia, giữ lại 5 giới tại gia. Đối với các trường hợp xuất gia còn lại, người bỏ giới cần tuyên bố rõ “tôi xin hoàn trả toàn bộ giới của người xuất gia, từ nay trở đi, tôi làm cư sĩ tịnh nhân.” Theo Kinh Tăng nhất A-hàm, người xuất gia năm được phép bỏ giới 7 lần (七次舍戒), xuất gia 7 lần (七次出家) đang khi người xuất gia nữ, một khi đã bỏ giới thì không còn cơ hội xuất gia đi tu trở lại (不能再受戒).

Book of the Discipline: Luật tạng (Vinaya Piṭaka) bản dịch Anh văn của I.B. Horner năm 1938, gồm có 6 tập. Bố cục nội dung của bản này tương đồng với Đại tạng kinh Nam truyền: Tập I: Phân tích Giới bổn (經分别) (Phân tích giới Tỳ-kheo, 大分别); tập II: Phân tích Giới bổn (經分别) (Phân tích giới Tỳ-kheo, 大分别); tập III: Phân tích Giới bổn (經分别) (Phân tích giới Tỳ-kheo, 大分别) và Phân tích giới Tỳ-kheo-ni, 比丘尼分别); tập IV: Đại phẩm (大品); tập V: Tiểu phẩm (小品); tập VI: Phụ lục (附随).

bổ nhiệm Ban Hộ tự: Thủ tục và nghi thức công nhận một Ban Hộ tự ở chùa không có trụ trì nhằm điều hành mọi sinh hoạt tu học của một tự viện Phật giáo, phù hợp với Hiến chương GHPGVN và luật pháp hiện hành. Ban Hộ tự có số lượng không quá 09 thành viên gồm 1 Trưởng ban, 1 Phó ban, 1 Thư ký, 1 Thủ quỹ, 1 Kiểm soát và 4 Ủy viên.

bổ nhiệm Ban Quản trị tự viện: Thủ tục và nghi thức công nhận một Ban quản trị tự viện của Tổ đình hay tự viện của các tổ chức Giáo hội, Sơn môn, Hệ phái, hoặc danh lam thắng cảnh nhằm điều hành mọi sinh hoạt tu học của một tự viện Phật giáo, phù hợp với Hiến chương GHPGVN và luật pháp hiện hành. Ban Quản trị tự viện có số lượng không quá 11 thành viên gồm 1 Viện chủ, 1 Trưởng ban, các Phó ban, 1 Thư ký, 1 Thủ quỹ, 1 Kiểm soát và các Ủy viên.

bổ nhiệm Ban Trụ trì: Thủ tục và nghi thức công nhận một Ban Trụ trì của một chùa thuộc GHPGVN. Đối với Tự viện không bổ nhiệm được Tăng Ni làm trụ trì và không thực hiện bổ nhiệm được Ban Hộ tự thì Ban Trị sự GHPGVN huyện đề nghị Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh bổ nhiệm Ban Trụ trì. Ban Trụ trì sẽ kết thúc ngay sau khi cơ sở Tự viện được bổ nhiệm trụ trì. Ban Trụ trì có số lượng không quá 09 thành viên: (i) rụ trì do Trưởng ban hoặc Phó ban Thường trực Ban Trị sự huyện đảm nhiệm, (ii) 1 Phó ban Trụ trì do Phó ban Trị sự huyện đảm nhiệm, (iii) 1 Thư ký do Chánh Thư ký huyện đảm nhiệm, (iv) 1 Thủ quỹ do Thủ quỹ Ban Trị sự huyện đảm nhiệm, (v) 1 Kiểm soát do Kiểm soát Ban Trị sự huyện đảm nhiệm, (vi) Các Ủy viên. Ban Trụ trì được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh.

bổ nhiệm Trụ trì: Thủ tục và nghi thức công nhận một vị Tăng hay Ni chính thức làm Trụ trì và điều hành mọi sinh hoạt tu học của một tự viện Phật giáo. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh quyết định việc bổ nhiệm trụ trì tại cơ sở Tự viện có Tăng Ni cư trú. Tự viện chưa có trụ trì, Ban Trị sự tỉnh thực hiện việc đăng ký bổ nhiệm trụ trì với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh. Theo Nội quy Ban Tăng sự trung ương, việc bổ nhiệm Trụ trì cần hội đủ những tiêu chuẩn: (1) Tăng Ni có trình độ tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên, (2) Tăng Ni đã tốt nghiệp Phổ thông Trung học (tú tài) trở lên, (3) Tăng Ni có đơn phát nguyện trụ trì phải là người đã thọ giới Cụ túc từ 5 năm hoặc 5 hạ lạp trở lên, có đạo hạnh tốt, (4) Trụ trì phải là Tăng Ni có khả năng nhiếp chúng, hướng dẫn chúng tu tập, chăm lo đời sống sinh hoạt của chúng.

bộ thủ (部首): bộ phận hay bộ chữ cấu tạo nên chữ Hán và chữ Nôm. Hiện nay, chữ Hán có 214 bộ thủ, được sắp xếp theo số lượng nét viết từ 1 nét đến 17 nét và thường theo cách xếp của Từ điển Khang Hy (康煕辞典). Mỗi chữ Hán được cấu tạo bằng một hoặc nhiều bộ thủ ghép lại nhau. Trước đó, số lượng bộ thủ của chữ Hán nhiều hơn. Trong Thuyết văn giải tự của Hứa Thận (thời Đông Hán) có 9350 chữ phân làm 540 bộ thủ. Quyển Tự lâm của Lã Thầm (đời Tấn) và Loại biên của Vương Chu và Tư Mã Quang (đời Tống) cũng ghi rằng chữ Hán có 540 bộ thủ, đang khi quyển Ngọc thiên của Cố Dã Vương (đời Lương) nêu ra 542 bộ thủ. Muốn viết được chữ Hán, người học phải biết cách viết và học thuộc 214 bộ thủ để phân loại chữ Hán và dễ dàng nhớ mặt chữ và ý nghĩa của từng chữ.

bốn bậc học của Huynh trưởng: (i) Bậc Kiên (1 năm), (ii) Bậc Trì (2 năm), (iii) Bậc Định (3 năm), (iv) Bậc Lực (5 năm).

bốn bậc ngành Oanh vũ: (i) Bậc Mở mắt, (ii) Bậc Cánh mềm, (iii) Bậc Chân cứng, (iv) Bậc Tung bay.

 bốn bậc Ngành Thanh: (i) bậc Hòa, (ii) bậc Minh, (iii) bậc Kiến, (iv) bậc Trực. Trước đây chỉ có hai bậc là bậc Hòa và bậc Trực.

bốn bậc Ngành Thiếu nam nữ: (i) Bậc Hướng thiện, (ii) Bậc Sơ thiện, (iii) Bậc Trung thiện, (iv) Bậc Chánh thiện.

bốn bộ chúng (四部眾): như “bốn cộng đồng đệ tử Phật.”

bốn bộ phái: Tương đương thuật ngữ Hán “tứ chúng phân hóa” (四眾分化) có nghĩa là “phân hóa thành bốn bộ phái” gồm Phân biệt thuyết bộ (分別說部),  Đại chúng bộ (大眾部), Thuyết nhất thiết hữu bộ(說一切有部) và Độc tử bộ(犊子部) được tách ra từ Thượng tọa bộ (上座部) trong gia đoạn đại đế Asoka vào khoảng thế kỷ 3 TTL.

bốn cấp Huynh trưởng: (i) Cấp Tập chịu trách nhiệm sự thịnh suy của một Đoàn, (ii) Cấp Tín chịu trách nhiệm sự thịnh suy của một Gia đình, (iii) Cấp Tấn chịu trách nhiệm sự thịnh suy của Ban Hướng dẫn Tỉnh, Thị (ở Việt Nam); Miền (ở Hoa Kỳ) và liên đới trách nhiệm sự thịnh suy của Tổ chức, (iv) Cấp Dũng chịu trách nhiệm sự thịnh suy của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.

bốn cộng đồng đệ tử Phật (四部眾): Về cộng đồng xuất gia gồm có cộng đồng Tỳ-kheo (比丘眾) và cộng đồng Tỳ-kheo-ni (比丘尼眾). Về cộng đồng tại gia gồm có cộng đồng thiện nam (善男眾) và cộng đồng tín nữ (信女眾).

bốn chọn lựa(四料簡, tứ liệu giản): Bốn phân biệt, một trong các cách tu quan trọng của tông Lâm Tế (臨濟宗) do thiền sư Lâm Tế (臨濟) chủ trương. Có ba chữ quan trọng trong tứ liệu giản gồm: (a) chữ “đoạt” (奪) là “phủ định” (否定) hay “loại trừ” (遮除), (b) Chữ “nhân” (人) chỉ cho “chủ thể” tồn tại chủ quan (主觀存在), (c) Chữ “cảnh” (境) chỉ cho “khách thể” gồm mọi sự vật, hiện tượng tồn tại khách quan (觀存在). Bốn liệu giản gồm: (i) đoạt nhân không đoạt cảnh (奪人不奪境) là phủ định chủ thể (否定主觀) nhưng khẳng định khách thể (肯定客觀), (ii) đoạt cảnh không đoạt nhân (奪境不奪人) là phủ định khách thể (否定客觀) nhưng khẳng định chủ thể (肯定主觀), (iii) nhân cảnh đều đoạt (人境俱奪) là phủ định chủ thể (否定主觀) và phủ định khách thể (否定客觀), (iv) nhân cảnh đều không đoạt (人境俱不奪) tức không buông bỏ (放之) chủ thể và khách thể. Quan trọng nhất của tứ liệu giản là “nhân cảnh đều không đoạt”, trạng thái vượt qua thế giới nhị nguyên, không chấp dính vào chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức, nhờ đó, hiển lộ được chân như trong mọi sự vật.

bốn chúng đệ tử (四部弟子): như “bốn cộng đồng đệ tử Phật.”

bốn hướng (四向): Thuật ngữ Phật giáo nguyên thủy chỉ cho bốn bậc tiệm cận thánh nhân đang trên đường chắc chắn chứng bốn quả thánh nhân bao gồm: (i) Tu-đà-hoàn hướng (須陀洹向), (ii) Tư-đà-hàm hướng (斯陀含向), (iii) A-na-hàm hướng (阿那含向), và (iv) A-la-hán hướng (阿羅漢向). Xem “quả vị”, “bốn quả thánh” và “quả Bồ-tát”.

bốn mùa: bốn mùa chính trong năm như tại Việt Nam: (i) mùa xuân (tháng 1, tháng 2, tháng 3), (ii) mùa hạ (tháng 4, tháng 5, tháng 6), (iii) mùa thu (tháng 7, tháng 8, tháng 9), (iv) mùa đông (tháng 10, tháng 11, tháng 12). Xem “mùa,” “ba mùa,” “năm mùa,” “sáu mùa.”

bốn niềm tin bất hoại: Thuật ngữ Kinh Tạp A-hàm (các kinh 833-860 và 1121-1135) gọi là bốn niềm tin sạch (四不壞淨, tứ bất hoại tín), tức niềm tin không dao động, niềm tin không thay đổi, niềm tin không hoài nghi, niềm tin chắc chắn, bao gồm: (1) Niềm tin sạch không hoại đối với vai trò đạo sư của đức Phật (佛不壞淨, Phật bất hoại tịnh), (2) Niềm tin sạch không hoại đối với chân lý Phật (法不壞淨, pháp bất hoại tịnh) trị liệu khổ đau, (3) Niềm tin sạch không hoại đối với Tăng đoàn (僧不壞淨, Tăng bất hoại tịnh) và (4) Niềm tin sạch không hoại đối với giá trị của việc thành tựu đạo đức (聖戒成就).

bốn nguyện lớn: Bốn phát nguyện quan trọng của những người tu đạo Bồ-tát trong Phật giáo Đại thừa bao gồm: (i) Nguyện cứu độ tất cả chúng sanh nhằm thành tâm từ bi, (ii) Nguyện chấm dứt tất cả phiền não nhằm chấm dứt taart cả khổ đau, (iii) Nguyện học tất cả pháp môn tu tập nhằm hoàn mãn con đường tu học, (iv) Nguyện thành tựu Phật đạo siêu việt nhằm hoàn thành việc tu Phật.

bốn pháp giới (四法界): Pháp giới là bản thể của thân tâm của chúng sinh. Vì pháp tánh không thể biến dịch nên bản chất của chúng là hỗ tương, tạo ra lý sự vô ngại pháp giới (理事無礙法界); lấy lý dung hợp với sự, tất cả dung thông nên trở thành sự sự vô ngại pháp giới (事事無礙法界). Bốn pháp giới gồm: (i) Sự pháp giới (事法界) nghĩa là thế giới của sự vật và hiện tượng vốn khác biệt, (ii) Lý pháp giới (理法界) nghĩa là nguyên lý của thế giới là tự tính tuyệt đối, do vậy, dù thân, tâm của chúng sanh và mọi sự vật có sai biệt nhưng có cùng thể tánh (眾生色心等法,雖有差別,而同一體性), (iii) Lý sự vô ngại pháp giới (理事無礙法界) nghĩa là mối liên hệ giữa bản thể và hiện tượng, dung nhiếp nhau không chướng ngại; lý do sự mà hiển bày (謂理由事顯) nên sự mà tường lãm thì lý thành tựu (事攬理成), lý và sự tương dung (理事互融), (iv) Sự sự vô ngại pháp giới (事事無礙法界) nghĩa là tất cả sự vật dù có thiên hình, vạn trạng nhưng có tính dung thông (一切事法融通), một và nhiều tương tức (一多相即), lớn và nhỏ tương dung (大小互容), trùng trùng vô tận, tương tác và tương tức. Xem “tông Hoa Nghiêm”.

bốn quả (四果): = bốn quả thánh.

bốn quả sa-môn (四沙門果): = bốn quả thánh.

bốn quả thánh (四聖果): Gọi tắt là “bốn quả” (四果), còn gọi là “bốn quả sa-môn” (四沙門果) bao gồm: (i) Quả Tu-đà-hoàn (須陀洹果, S. Srotāpanna, P. Sotapanna) còn gọi là quả dự lưu (預流) hay quả nhập lưu (入流), (ii) Quả Tư-đà-hàm (斯陀含果, S. Sakridāgāmi, P. Sakadagami) còn lại là quả nhất hoàn (一还果), (iii) Quả A-na-hàm (阿那含果, S. Anāgāmi, P. Anagami) còn gọi là quả bất hoàn (不还果), (iv) Quả A-la-hán (阿羅漢果, S. Arhat, P. Arahant) người chấm dứt hoàn toàn phiền não, kết thúc luân hồi, trở thành bậc vô học (無學) và đáng được cúng dường (應供). Nghe pháp mà tu hành, giác ngộ thành thánh nhân thì gọi là Duyên Giác (緣覺). Tu bốn chân lý thánh mà giác ngộ thì gọi là Thanh Văn (聲聞). Giác ngộ trong thời kỳ không có Phật thì gọi là Bích-chi Phật (辟支佛) hoặc Phật độc giác (獨覺). Kinh Trung A-hàm (中阿含經) dạy rằng người chứng quả A-la-hán thì lậu hoặc đã hết (諸漏已盡), tâm đã giải thoát (心解脫), giải thoát bằng trí tuệ (慧解脫), đối với các pháp thì tự tri, tự giác (於現法中自知自覺), tự tác chứng thành tựu (自作證成就); tái sanh đã hết (生已盡), hạnh thánh đã thành (梵行已立), việc nên đã làm (所作已辦), không sanh tử nữa (不更受有), thấu rõ chân như (知如真). Xem “quả vị”, “quả Bồ-tát”.

Bổn tôn: Như “bản tôn.”

bốn tu học của GĐPT: Các Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT phải tu học: (i) Phật pháp, (ii) Hoạt động thanh niên, (iii) Hoạt động xã hội, (iv) Văn nghệ.

bốn Trại đào tạo Huynh trưởng: Được Gia đình Phật tử quy định từ thấp lên cao: (i) Trại Lộc Uyển (đào tạo Đoàn phó), (ii) Trại A-dục (đào tạo Đoàn trưởng), (iii) Trại Huyền trang (đào tạo Liên Đoàn trưởng), (iv) Trại Vạn Hạnh (đào tạo Ban viên Ban Hướng dẫn).

bốn uy nghi (四威儀): Còn gọi là “bốn uy nghi lớn” tức bốn phong thái và cử chỉ của người xuất gia được thể hiện qua sự đi (S=P, gamana, 行) nhẹ nhàng, đứng (S. sthāna, P. thāna, 住) vững vàng, ngồi (S. nisadyā, P. nisajjā,坐) trang nghiêm, nằm (S=P. sayana, 臥) không lăn. Phong thái thể hiện cử chỉ này giúp cho người xuất gia có thân tướng trang nghiêm, tâm luôn sống trong chính niệm, tỉnh thức, làm chủ các giác quan, biểu đạt sự thong dong, thanh thoát, an lạc, thảnh thơi.

bổng (棒): xem “gậy đánh”.

bổng hát (棒喝): xem “gậy đánh” và “tiếng hét”.

bố-tát (P. uposatha, S. upavasatha, 布薩): Lễ đọc Giới bản (recitation of the Pātimokkha) trong ngày trăng tròn. Rằm và mùng một là “ngày đọc giới” (說戒日) để Tăng đoàn được tăng trưởng điều lành (trưởng tịnh, 長淨), do vậy, Tăng đoàn và Tăng đoàn ở mỗi trú xứ phải hội tụ về địa điểm riêng của mỗi bên, làm lễ đọc giới. Tại các chùa Bắc tông, ngoài việc đọc giới xuất gia, còn đọc tám giới (Bát quan trai giới, 八齋戒) cho Phật tử tại gia nên “Bố-tát” còn được dịch không sát nghĩa là “ngày trai” (齋日), “ngày trai giới” (齋戒日), “ngày tuân thủ tám giới” (遵守八戒日).

Bồ-tát (菩薩) gọi đầy đủ “Bồ-đề-tát-đỏa” (P. bodhisatta, S. bodhisattva, 菩提薩埵): chúng sinh đang đi trên con đường giác ngộ (覺有情, giác hữu tình), trên cầu Phật đạo, dưới độ quần sinh. Thuật ngữ “Bồ-tát” còn được dịch là “đại sĩ” (大士) như Quan Âm đại sĩ (觀音大士). Trong Thượng tọa bộ, thuật ngữ “Bồ-tát”chỉ riêng cho đức Phật Thích-ca trong sáu năm tầm đạo và các kiếp quá khứ hành Bồ-tát đạo của Ngài. Về sau, Bồ-tát là quả vị chứng đắc trên quả vị A-la-hán và được triển khai rộng trong nền văn học Phật giáo Đại thừa, tiêu biểu nhất là Kinh Hoa nghiêm giới thiệu 52 giai đoạn tu của Bồ-tát (thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, Đẳng giác, Diệu giác). Một cách rộng hơn, ai đang đi trên con đường giác ngộ, làm lành lánh dữ, chuyển hóa thanh tịnh tâm, truyền bá Phật pháp, biết san sẻ cho những mảnh đời cơ nhỡ bất hạnh thì đều được cho là Bồ-tát sống giữa đời thường.

Bồ-tát giới: như “Giới Bồ-tát.”

Buddha Park: Như công viên Phật.

buddha, 迦葉佛) thường được dịch là Phật Ẩm Quang (飲光佛) hay Phật Trì Quang (持光佛) là một trong 7 Phật quá khứ và 24 Phật quá khứ.

Buddhist Publication Society: như Hội xuất bản Phật giáo.

Buddhist Society of India: Như “Hiệp hội Phật giáo Ấn Độ.”

Buddhist Studies Review: như Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo.

Buddhist Studies Review: như Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo.

Buddhist-Christian Studies: như Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo và Cơ-đốc giáo.

bủn xỉn với chánh pháp: Không chia sẻ Phật pháp tận tình, còn thái độ giấu giếm, cất giữ. Người đang thọ giới Bồ-tát có tâm bủn xỉn đối với người đến xin và người cầu pháp sẽ không thể tăng trưởng tâm từ bi và do đó không thể độ nhiều người.

cá cặp (S. matsyayugma): (1) Tượng trưng cho hạnh phúc và tự nhiên, (2) Tượng trưng cho khả năng sinh sản và sự dồi dào, (3) Tượng trưng cho sự chuy thủy và hợp kết vợ chồng. Trong Phật giáo Mật tông, cá cặp tượng trưng cho các kênh cơ thể vi tế bên trái và bên phải.

ca dao: Thơ ca trữ tình dân gian, được truyền miệng dưới dạng những câu hát có vần điệu theo thể thơ lục bát, dễ nhớ, dễ thuộc nhằm diễn tả nội tâm của con người.

cá gỗ: Tượng trưng sự cảnh giác, tỉnh thức trong đêm dài vô minh.

cách chào GĐPT: Bắt ấn cát tường theo cách bàn tay mặt hướng về phía trước, đưa ngang vai, cánh ngoài thẳng dọc, ngón tay cái giữ lấy ngón tay áp út. Cách chào GĐPT sử dụng trong nội bộ Gia đình Phật tử khi cùng mặc Sắc phục và có mang huy hiệu Hoa sen.

Ca-di-la quốc (P. Kapilavatthu, S. Kapilavastu, 迦夷羅國): nước Ca-tỳ-la-vệ (迦毗羅衛國), dưới sự trị vì của đức vua Tịnh-phạn (P. Suddhōdana, S. Śuddhodana, 淨飯王, Tịnh Phạn vương)

cai (姟, 該): một ức, tức mười vạn, chỉ cho số lượng rất lớn (極大數目).

cải đạo tập thể theo Phật giáo: Lễ cải đạo tập thể theo Phật giáo đầu tiên do tiến sĩ Ambedkar tiến hành vào ngày 14/10/1956 tại thành phố Nagpur, bang Maharashtra, giúp 600,000 người ủng hộ ông từ bỏ Ấn Độ giáo theo Phật giáo. Từ đó, tại Ấn Độ có một số lễ cải đạo tập thể theo đạo Phật gồm: (i) Đại đức Pragyanand tổ chức cải đạo cho 15,000 người tại Lucknow, (ii) Udit Raj cải đạo hơn 10,000 người vào ngày 04/11/2001 tại Delhi, (iii) Lalit Kumar tổ chức cải đạo tập thể cho hàng người cùng đinh tại Hyderabad, (iv) Hàng trăm người cải đạo theo Phật giáo tại Gulbarga (bang Karnataka) vào năm 2006, (v) Hàng ngàn người cải đạo vào ngày 27/5/2007 tại Mumbai, bang Maharashtra, Ấn Độ.

cái đơn: Giường của tăng sĩ trong chùa Bắc truyền tại Việt Nam, thường có kích thước 0.8m x 1.8m (hoặc 2m), chỉ đủ cho một người nằm; tương đương với chữ “single bed” trong tiếng Anh nhằm giúp người xuất gia không nhiễm đắm tham ái.

cải gia vi tự: Sửa nhà thành chùa, biến nhà thành chùa. Thủ tục hợp pháp hóa cải gia vi tự phải do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh kết hợp cùng Ban Tăng sự cùng cấp quyết định và phải được sự chấp thuận của Ủy ban Nhân dân tỉnh theo quy định của Pháp luật Nhà nước.

cái nôi nền văn minh (cradle of civilization): Địa điểm sinh ra một nền văn minh. Bốn cái nôi của nền văn minh sớm nhất gồm Ai cập cổ đại, Lưỡng hà, Ấn độ cổ đại, Trung Quốc cổ đại. Nền văn minh thường được xác định qua sự hiện diện của chữ viết, đô thị, xã hội tầng cấp, ngành nông nghiệp, chăn nuôi, kiến trúc và trình độ luyện kim.

Canadian Journal of Buddhist Studies: như Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo của Canada.

Canadian Journal of Buddhist Studies: như Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo của Canada.

cảnh sắc (境色) gồm nhan sắc (颜色), thanh sắc (声音), khí vị (气味), vị đạo (味道) gồm địa (地), hỏa (火)、phong (风). Xem “sắc uẩn”.

Cao nguyên Trung phần: Miền Khuông Việt của GHPGVNTN.

cạo tóc bỏ trang sức (剃髪落飾): tương đương cụm từ “thế phát lạc sức”, văn hóa sinh hoạt của người xuất gia. Cạo tóc để làm cho ngoại hình không còn xinh đẹp như người thế tục, bỏ trang sức để không đắm nhiễm chủ nghĩa hình tướng và khoái lạc giác quan. Người xuất gia sống giản dị, vượt qua nhu cầu tiêu thụ và hưởng thụ thế tục, dành cho thời gian cho việc học chân lý Phật, tu thiền định, làm chủ giác quan để trải nghiệm sự an vui, hạnh phúc trong cuộc sống.

cát tường tọa (吉祥坐): Ngồi an lành, thuật ngữ chỉ cho ngồi thiền tư thế hoa sen.

ca-thy-na y (P. kaṭhina, S. kathina, 迦絺那衣), y công đức, y được xét thưởng cho vị Tỳ-kheo hay Ty-kheo-ni sau 3 tháng an cư thanh tịnh.

Căn bản thuyết nhất thiết Tỳ-nại-da: như “Luật căn bản thuyết nhất thiết bộ.

cắt tóc đi tu: Tương đương với thuật ngữ “thế độ xuất gia” (剃度出家) trong Hán văn, là sự lựa chọn mang tính lý tưởng sống của người xuất gia. Sau khi tìm hiểu đạo Phật, giác ngộ chân lý Phật, các cư sĩ từ bỏ các cơ hội hưởng thụ hạnh phúc thế tục, tình nguyện sống độc thân trọn đời; rèn luyện phong thái và cử chỉ thanh thoát trong đi, đứng, nằm ngồi; trải nghiệm chính niệm và tỉnh thức để trở thành chân nhân, hướng đến tiệm cận thánh nhân, góp phần mang lại hạnh phúc cho đời. Mỗi nửa tháng, người xuất gia cạo tóc ít nhất một lần và dùng cái đầu không còn tóc làm thông điệp nhắc nhở bản thân phải có lối sống và hành xử siêu việt và có giá trị hơn người tại gia. Đi tu không phải vì thất tình, thất bại, thất nghiệp, trốn chạy cuộc đời, mà vì giác ngộ Phật pháp nên chọn lối sống thánh thiện để phụng sự nhân sinh; đồng thời hướng đến sự giác ngộ và giải thoát.

cắt tóc thọ giới (剃受戒, thế phát thọ giới): Cắt tóc, tiếp nhận giới pháp của người xuất gia, trở thành tăng sĩ là lý tưởng phụng sự nhân sinh, làm tốt đời đẹp đạo, lối sống tâm linh cao quý. Người xuất gia nam lần lượt tiếp nhận giới Sa-di (沙彌戒) và giới Tỳ-kheo (比丘戒). Người xuất gia nữ tiếp nhận giới Sa-di-ni (沙彌尼戒), giới Thức-xoa-ma-ni (式叉摩尼戒), giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒). Chỉ có người tiếp nhận giới Tỳ-kheo và giới Tỳ-kheo-ni chính thức trở thành thành viên của Tăng đoàn.

cậc Lực: Một trong bốn bậc học của Huynh trưởng gồm 5 năm học. Ba bậc còn lại là Kiên, Trì, Định.

cậc Tung bay: Một trong bốn bậc của ngành Oanh vũ thuộc Gia đình Phật tử. Ba bậc còn lại là Bậc Mở mắt, Bậc Cánh mềm.

cầm hoa mỉm cười (拈華微笑): Còn gọi là “Thế Tôn cầm hoa” (世尊拈花, Thế Tôn niêm hoa). Theo Kinh đại phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi (大梵天王問佛決疑經), một hôm tại pháp hội Linh sơn, đại Phạm thiên đến núi Linh Thứu cúng hoa Kim-ba-la (金色波羅花), dùng thân làm chỗ ngồi dâng Phật, thỉnh Phật giảng pháp yếu. Đức Phật không nói một lời, chỉ cầm hoa Kim-ba-la (金波羅華), hơn 100 vạn người đều ngơ ngác, im lặng. Chỉ có ngài Đại Ca-diếp (S. Mahākāśyapa, 摩訶迦葉) còn gọi là Đầu-đà Sắc Vàng (金色頭陀) thấu suốt, lặng lẽ mỉm cười. Đức Phật đã truyền cho ngài Ca-diếp làm tổ sư thứ nhất của Thiền tông qua lời tuyên bố: “Ta có kho mắt chánh pháp, tâm niết-bàn mầu nhiệm, thật tướng vốn vô tướng, pháp môn vi diệu, không lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Đại Ca-diếp (我有正法眼藏、涅槃妙心、實相無相、微妙法門、不立文字,教外別傳, 付囑摩訶迦葉). Từ xưa đến nay, câu này trở thành “khẩu thật” (口實) của thiền tông, nhấn mạnh thủ thuật “lấy tâm truyền tâm” (以心傳心). Từ thời ngài Huệ Năng (慧能) trở đi, Thiền tông Trung Quốc chủ trương “lấy tâm truyền tâm, truyền ngoài kinh sách, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” (以心傳心、敎外別傳, 直指人心,見性成佛). Đây là câu chuyện khởi nguyên cho Thiền tông Trung Quốc ra đời và phát triển gồm có 28 tổ sư thiền Ấn Độ (西天二十八祖) và sáu tổ sư thiền Trung Quốc (東土六祖). Tham chiếu: Vạn tục 136, n.221a (卍續一三六‧二二一上); Truyền pháp chánh tông ký 11 (傳法正宗記卷一), Ngũ đăng hội nguyên 1 (五燈會元卷一), Phật tổ thống ký 5 (佛祖統紀卷五), Liên đăng hội yếu (聯燈會要), Nhân thiên nhãn mục (人天眼目), Vô môn quan (無門關), Quảng đăng lục (廣燈錄).

cấm treo cờ Phật giáo trong lễ Phật đản 1963: Do tổng thống Ngô Đình Diệm chủ trương vào ngày 06/5/1963. Từ chủ trương “chống cộng sản vô thần, chống Phật giáo ma quỷ, chống các đảng phái quốc gia” và dựa vào tinh thần thiên vị Công giáo của Đạo dụ số 10, chính sách của tổng thống Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp Phật giáo, mà khởi đầu chính là Công điện 9195 của Phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 01/5/-1963, cấm treo cờ Phật giáo trong đại lễ Phật đản 1963. Theo TT. Thích Trí Quang, người lãnh đạo phong trào Phật giáo 1963, vụ triệt hạ cờ Phật giáo: “chỉ như là một giọt nước cũng thừa sức làm chảy tràn ra một bát nước vốn đã quá đầy”. Để cứu nguy Phật giáo khỏi nạn diệt vong, vào ngày 25-5-1963, Ban Trị sự trung ương Tổng hội Phật giáo Việt Nam triệu tập 11 giáo phái và hội đoàn Phật giáo, thành lập Uỷ ban liên phái bảo vệ Phật giáo, do TT. Thích Tâm Châu làm chủ tịch, dưới sự chứng minh tối cao của HT. Thích Tịnh Khiết. Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo đã gửi 3 công điện. Công điện thứ nhất gởi cộng đồng Phật giáo thế giới, lúc 2 giờ sáng 7-5-1963, kêu gọi can thiệp chính phủ Việt Nam Cộng hòa, trong đó có đoạn kêu gọi không nên triệt hạ lá cờ Phật giáo: “Cờ Phật giáo bị không cho treo tại các tự viện Phật giáo ngay trong ngày Đại lễ Phật đản quốc tế, yêu cầu can thiệp với chính phủ Việt Nam Cộng hòa”. Công điện thứ hai gởi và yêu cầu Ngô Đình Diệm thu hồi công điện 9195 một cách khéo léo: “Chúng tôi không tin rằng quyết định đó xuất phát từ Tổng thống. Thỉnh cầu Tổng thống ra lệnh điều tra và thu hồi công điện nói trên. Trân trọng”. Công điện thứ ba gởi các hội đoàn Phật giáo Việt Nam, kêu gọi các sơ môn pháp phái Phật giáo sẵn sàng thống nhất hành động vì đại cuộc dân tộc và Phật giáo: “Cờ Phật giáo bị triệt hạ bởi Công điện số 9159. Đã điện cho Phật giáo thế giới can thiệp và đã điện cho Tổng thống thỉnh cầu đình chỉ. Nhưng các tập đoàn Phật giáo vẫn thông báo cho các đơn vị và chờ chỉ thị”. Bất chấp các nỗ lực của Phật giáo Việt Nam, Chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn ngang nhiên triệt hạ cờ Phật giáo thế giới, nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình ở toàn Thừa Thiên chiều ngày 7-5-1963. Cuộc thảm sát của chính quyền Ngô Đình Diệm tại đài Phát thanh Huế vào ngày 8-5-1963 làm 8 Phật tử (gồm 7 trẻ em và 1 người lớn) chết trong thương tâm, đã “đổ dầu vào lửa” phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo, góp phần dẫn đến sự sụp đổ chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo Ngô Đình Diệm vào ngày 01/11/1963. Các phương tiện truyền thông của chính quyền Ngô Đình Diệm vu cáo vụ thảm sát đó là do “Việt Cộng ném lựu đạn” nhưng trên thực tế là do binh sĩ và xe tăng của thiếu tá Mathew Đặng Sĩ nổ súng, dưới sự ra lệnh của Tổng giám mục Ngô Đình Thục. Lời bào chửa khéo léo của Đặng Sĩ vào năm 1964 đã không thể giúp ông thoát khỏi việc bị tuyên án tử hình, do phạm các tội danh “bắn vào đám đông không vũ trang, dùng xe bọc thép cán người biểu tình, và sử dụng chất nổ nguy hiểm để kiểm soát đám đông”. Những sự kiện nêu trên đã dẫn đến cuộc tàn sát đẫm máu, khủng bố Tăng, Tín đồ Phật giáo, tạo ra pháp nạn Phật giáo 1963. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa.

cận tử nghiệp (近死業): Hành động và tư tưởng vài ngày, vài giờ của người hấp hối, hoặc người đang đối diện cái chết, có thể kéo theo cái chết an nhiên hay chết sợ hãi; góp phần quyết định điều kiện và môi trường tái sinh và sinh sống của người đó trong đời kết tiếp theo. Các nước theo Phật giáo Đại thừa như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên rất quan trọng về cận tử nghiệp nên thường tổ chức hộ niệm, nhắc nhở người hấp hối buông xả mọi thứ, nhất là tình yêu, tình vợ chồng, con cái, tài sản, bất động sản, đồng thời, nhất tâm, tỉnh thức, hướng về Tam bảo và các việc thiện để ra đi nhanh chóng và nhẹ nhàng. Phật giáo Tây Tạng, nhất là hệ thống Vô thượng du-già (S. anuttarayogatantra) còn chỉ dạy phương pháp chuyển hóa cận tử nghiệp.

cận viên (P = S. upa-saṃpanna, 近圓), tên gọi khác của giới Cụ túc.

cấp Chứng điệp an cư: Các Tăng Ni tham dự an cư hợp pháp do GHPGVN các cấp tổ chức sẽ được Ban Tăng sự Trung ương cấp Chứng điệp An cư sau khi kết thúc mùa an cư.

cấp Chứng điệp thụ giới: Sau khi tiếp thu giới hợp lệ tại các giới đàn do GHPGVN tổ chức thì các Tăng Ni giới tử sẽ được Ban Tăng sự Trung ương cấp Chứng điệp thụ giới.

Cấp Dũng: Một trong bốn cấp của Huynh trưởng GĐPT, chịu trách nhiệm sự thịnh suy của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.

Cấp Gia đình: Tại địa phương thuận lợi (Thành phố, Quận Hạt hay Tiểu bang) có thể thành lập một hay nhiều Gia dình. Mỗi Gia đình phải có ít nhất hai Ðoàn trở lên. Mỗi Ðoàn có tối thiểu là 2 Ðội, Chúng, Ðàn và số đoàn sinh từ 12 đến 32 em. Mỗi Ðội (Thanh, Thiếu nam) hay Chúng (Thanh, Thiếu nữ) có từ 6 đến 8 em và Ðàn (Oanh vũ) có từ 4 đến 6 em. Oanh vũ : Nam và Nữ từ 7 đến 12 tuổi. Thiếu Niên : Nam và Nữ từ 13 đến 17 tuổi. Thanh Niên: Nam và Nữ từ 18 tuổi trở lên.

Cấp hiệu Bậc Hòa: 1 vạch; Trực: 2 vạch.

Cấp hiệu Bậc Hướng thiện: không có vạch; Sơ Thiện: 1 vạch; Trung Thiện: 2 vạch; Chánh Thiện: 3 vạch.

Cấp hiệu Bậc Mở mắt: nền xanh biển; Cánh Mềm: nền 1/4 hồng; Chân Cứng: nền 1/2 hồng; Tung Bay: nền hồng.

Cấp hiệu Cấp Tập: không có hạt; Tín: 1 hạt; Tấn: 2 hạt; Dũng 3 hạt.

Cấp hiệu Đoàn sinh Bậc A (Nam, Nữ Phật tử): 2 tua xanh lục, 2 tua trắng.

Cấp hiệu Đoàn sinh Bậc B (Nam, Nữ Phật tử): 2 tua xanh lục, 2 tua vàng.

Cấp hiệu Đoàn sinh Bậc Hướng thiện: 1 mầm; Sơ Thiện: 2 mầm; Trung Thiện: 3 mầm; Chánh Thiện: 4 mầm.

Cấp hiệu Đoàn sinh Chánh thiện: 1 tua trắng, 1 tua xanh, 1 tua vàng, 1 tua đỏ.

Cấp hiệu Đoàn sinh Hướng thiện: 4 tua màu trắng.

Cấp hiệu Đoàn sinh Ngành Đồng, Bậc Mở Mắt: nền xanh; Cánh Mềm: nền 1/4 hồng; Chân Cứng: nền 1/2 hồng; Tung Bay: nền hồng.

Cấp hiệu Đoàn sinh Ngành Đồng: Nền xanh và hồng; chim Oanh Vũ màu trắng.

Cấp hiệu Đoàn sinh Ngành Thanh bậc A:  1 lá.

Cấp hiệu Đoàn sinh Ngành Thanh bậc B:  2 lá.

Cấp hiệu Đoàn sinh Ngành Thanh:  Nền xanh da trời; viền vàng; lá bồ-đề màu tím hoa cà.

Cấp hiệu Đoàn sinh Ngành Thiếu: Nền xanh da trời; viền vàng; cành bồ-đề nâu đậm; mầm vàng nhạt.

Cấp hiệu Đoàn sinh Sơ thiện: 2 tua trắng, 2 tua xanh.

Cấp hiệu Đoàn sinh Trung thiện: 2 tua trắng, 1 tua xanh, 1 tua vàng.

Cấp hiệu Đoàn sinh: (i) Hướng thiện: 4 tua màu trắng, (ii) Sơ thiện: 2 tua trắng, 2 tua xanh, (iii) Trung thiện: 2 tua trắng, 1 tua xanh, 1 tua vàng, (iv) Chánh thiện: 1 tua trắng, 1 tua xanh, 1 tua vàng, 1 tua đỏ, (v) Bậc A (Nam, Nữ Phật tử): 2 tua xanh lục, 2 tua trắng, (vi) Bậc B (Nam, Nữ Phật tử): 2 tua xanh lục, 2 tua vàng.

Cấp hiệu: Hình thức biểu thị trình độ tu học của Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia đình Phật tử.

Cấp Miền:  Trong mỗi khu vực thuận lợi địa dư, có từ năm (5) đơn vị Gia dình Phật tử trở lên, có thể thành lập một Ban Hướng dẫn Miền để điều hành, tổ chức sinh hoạt và tu học chung cho Miền. Thành phần Ban Hướng Dẫn Miền nếu đủ túc số, nhân sự đều giống như thành phần nhân sự Ban Hướng dẫn trung ương, nếu không các Ban viên Ban Hướng dẫn Miền có thể kiêm nhiệm nhưng không quá hai chức vụ. Bên trên Ban Hướng dẫn Miền có một Hội đồng Cố vấn Giáo hạnh. Cấp Miền có chức năng: (i) Ban Hướng Dẫn Miền hay vị Ðại Diện Ban Hướng Dẫn Trung ương tại Miền đôn đốc và báo cáo tình trạng hoạt động của các Gia Ðình Phật Tử tại Miền của mình, vào mỗi cuối tam cá nguyệt lên Ban Hướng Dẫn Trung Ương, (ii) Ðại Diện cho Ban Hướng Dẫn Trung ương trong các lễ lược do các Gia Ðình Phật Tử trong Miền tổ chức, (iii) Liên lạc với các tổ chức Phật Giáo Việt Nam tại địa phương để thông hiểu tình hình Phật sự chung cho Miền và giải quyết những vấn đề liên quan đến Gia Ðình Phật Tử, (iv) Thành lập các Gia Ðình Phật Tử mới trong Miền, (v) Tổ chức các Trại Huấn luyện Huynh Trưỏng Sơ cấp Lộc Uyển, Cấp I – A Dục, Ðội, Chúng, Ðàn Trưởng hay Trại Họp bạn toàn Miền hay Liên Gia Ðình trong Miền.

Cấp Tấn: Một trong bốn cấp của Huynh trưởng GĐPT, chịu trách nhiệm sự thịnh suy của Ban Hướng dẫn Tỉnh, Thị (ở Việt Nam); Miền (ở Hoa Kỳ) và liên đới trách nhiệm sự thịnh suy của Tổ chức.

Cấp Tập: Một trong bốn cấp của Huynh trưởng GĐPT, chịu trách nhiệm sự thịnh suy của một Đoàn.

Cấp Tín: Một trong bốn cấp của Huynh trưởng GĐPT, chịu trách nhiệm sự thịnh suy của một đơn vị Gia đình.

cấp thí y (急施衣): ba y để dâng cúng khi hết mùa an cư, nhưng do thí chủ có việc không thể chờ hết ngày nên dâng cúng cho Tăng đoàn khi còn đang an cư.

cất giữ y dư (畜長衣): Trong ngữ cảnh Luật học Phật giáo, “trường y” không có nghĩa là “y dài” mà là “y dư” tức chứa nhiều y hơn theo quy định của đức Phật.

câu đố: Những câu nói, câu văn có vần dùng mô tả sự vật, hiện tượng, khái niệm, yêu cầu người đọc, người nghe đưa ra đáp án hoặc lời giải thích nhằm rèn luyện suy nghĩ và cung cấp kiến thức về cuộc sống.

cầu giáo thọ (求教授): cầu xin lời chỉ dạy.

cầu tịch (求寂): cầu mong sự tịch tĩnh. “Cầu” có nghĩa là xin tìm (尋求, tầm cầu). “Tịch” là viên tịch (圓寂). Không đức hạnh nào mà không tròn đầy nên gọi là viên (德無不具名圓, đức vô bất cụ danh viên), không phiền não nào mà không chấm dứt nên gọi là tịch (惑無不盡名寂, hoặc vô bất tận danh tịch). Viên tịch trong tiếng Sanskrit “Parinirvāṇa”, có nghĩa tương đương với niết-bàn (涅槃).

cầu thầy y chỉ: Người xuất gia khi hết nhân duyên Tự viện này, được quyền đến Tự viện khác để tu học, với các điều kiện: (a) Y chỉ để cầu học, (b) Y chỉ trọn đời, (c) Khi vị Thầy Tế độ (thầy Nghiệp sư, Bổn sư) viên tịch, Tăng Ni được quyền chọn một vị Tôn túc khác để làm Thầy Y chỉ. Khi Thầy Tế độ (thầy Nghiệp sư, Bổn sư) còn sinh tiền, Tăng Ni ở Tự viện này muốn sang Tự viện khác xin Y chỉ với vị Tôn túc khác phải hội đủ các điều kiện: (i) Không vi phạm trọng giới, không vi phạm pháp luật, (ii) Phải được vị Thầy Tế độ (thầy Nghiệp sư, Bổn sư) giới thiệu và thực hiện các nghi lễ cầu Thầy Y chỉ theo Luật Phật.

câu-chi (s. koṭi, 俱脂): trăm ức. Ví dụ: Thất câu-chi Phật mẫu đại thánh Chuẩn-đề vương Bồ-tát (七俱脂佛母大聖准提王菩薩).

Câu-lưu-tôn Phật (P. Kakusandha-buddha, S. Krakucchanda-buddha, 拘留孫佛) hay Câu-lâu-tôn Phật (拘樓孫佛) là một trong 7 Phật quá khứ và 24 Phật quá khứ.

Câu-na-hàm Mâu-ni Phật (P. Koṇāgamana-buddha, S. Kanakamuni-buddha, 拘那含牟尼佛) thường được dịch là Phật Kim Tịch (金寂佛) là một trong 7 Phật quá khứ và 24 Phật quá khứ.

cây phất trần (fly-whisk): Biểu tượng của bất hại, không sát thương, là dụng cụ được dùng để phủi bụi và xua đuổi côn trùng.

con số 108: Tượng trưng 108 phiền não khổ đau. Khi lần chuỗi niệm Phật 108 biến, người niệm Phật đề khởi chính niệm, tỉnh thức để chuyển hóa tất cả phiền não làm ô nhiễm tâm.

con số 18: Tượng trưng nhân sinh quan Phật giáo qua ba con số sáu gồm sáu giác quan, sáu đối tượng nhận thức và sáu nhận thức giác quan.

con số 500: Tượng trưng số nhiều trong văn học Phật giáo Nguyên thủy, không phải là số thực.

cổ lâu (鼔樓): như “gác trống.”

Cô nhi viện Quách Thị Trang: Cô nhi viện lớn nhất của GHPGVNTN, nuôi dạy hơn 7.000 trẻ mồ côi, do Viện Hóa đạo xây dựng và điều hành vào năm 1965 ở phía sau Việt Nam Quốc tự. Mục đích của Cô nhi viện này, ngoài việc chăm sóc và xây dựng tương lai cho các cháu mồ côi, còn nhằm tôn vinh sự hy sinh cao quý của Quách Thị Trang trong cuộc đấu tranh đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo của tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngày 03/3/1977, UBND quận 10 tiếp quản Cô nhi viện này.

cổ phong: Thể thơ của Trung Quốckhông theo quy luật rõ ràng, có thể dùng một vần (độc vận) hay nhiều vần (liên vận) nhưng vần vẫn phải thích ứng với quy luật âm thanh, có nhịp bằng trắc xen nhau cho dễ đọc.

cổ tích loài vật: Truyện cổ tích có nhân vật chính là các loài vật với thủ pháp nhân cánh hóa. Theo thời gian, cố tích loài vật mất dần tính thần thoại và ma thuật, gần với thể loại truyện ngụ ngôn giáo huấn.

cổ tích phiêu lưu: Truyện cổ tích sinh hoạt kể về các cuộc phiêu lưu giả tưởng của nhân vật kỳ lạ.

cổ tích thần kỳ: Truyện cổ tích gắn liền với thần thoại và có ý nghĩa ma thuật, kể về dũng sĩ diệt trừ yêu quái, bảo vệ dân làng và người đẹp.

cổ tích: như truyện cổ tích.

cô tiểu: Phương ngữ Phật giáo miền Nam chỉ cho người xuất gia nữ ở tuổi mầm non, thiếu nhi, tu học trong chùa thuộc Phật giáo Bắc truyền, nhưng chưa thọ giới Sa-di nên chưa đắp y. Xem “chú tiểu.”

cố ý xuất bất tịnh (故出不净): như “cố ý xuất tinh.”

cố ý xuất tinh (故意出精, cố ý xuất tinh): Còn gọi là “cố xuất bất tịnh” (故出不净), cách thỏa mãn tính dục bằng các hỗ trợ khác nhau: (1) Dùng tay hoặc bộ phận khác trên thân thể để tự thỏa mãn; (2) Dũng vật ngoài (外物) gồm tay người khác, trái cây, vật dụng, lá cây và đồ vật ngoài thân để thỏa mãn, (3) Dùng thân mình và đồ vật bên ngoài để thỏa mãn, (4) Thỏa mãn lúc đi đại tiện, tiểu tiện. Người xuất gia nào cố ý xuất tinh vì động cơ thỏa thích, tìm cảm giác vui, nối dõi tông đường, đùa nghịch, thí nghiệm… phạm Tăng tàn (Saṅghādisesa), sẽ bị phạt ở riêng với Tăng đoàn, làm phép ý hỷ cho đến lúc có tiến bộ và được 20 Tỳ-kheo (đối với xuất gia nam) hoặc 20 Tỳ-kheo và 20 Tỳ-kheo-ni (đối với xuất gia nữ) làm lễ xóa tội.

cố ý xúc chạm thân thể người nữ (故意與女人身體相觸): cố ý xúc chạm cơ thể, bộ phận riêng, hôn, nắm tay, vuốt tóc, mơn trớn với dục niệm và cảm giác vui thích là phạm tội Tăng tàn đối với người xuất gia nam. Xem “Tăng tàn.”

công (peacock): (1) Vua của loài chim về phương diện sắc đẹp; (2) Biểu tượng của trí tuệ và giác ngộ trong đạo Phật; (3) Biểu tượng của sự thay đổi từ con đường tham ái đến con người giải thoát.

công án (公案, Kōan): Là "văn thư của công phủ" (公府之案牘), tức “công văn phán quyết của quan phủ” (官府的判决文書), hay văn thư đặt trên án (案牘) ở công phủ xét duyệt và phê chuẩn, theo đó, mọi người phải tuân thủ tuyệt đối, không được thay đổi hay xê dịch. Nói khác, công án là án tuyên tại tòa án (quan phủ) quyết định tính đúng, sai về một vụ việc một cách công khai. Trong thiền tông, công án được dùng để chỉ cho Phật pháp được các tổ sư khai sáng là chân lý tu hành, phải được người tu thiền tham cứu cho đến lúc được khai ngộ (開悟). Phật giáo thiền Trung Quốc dùng thuật ngữ này chỉ cho phương pháp tu thiền đặc biệt nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn sinh tử của con người. Về bản chất, công án thường là điển tích hay câu chuyện về kinh nghiệm giác ngộ do thiền sư hướng dẫn thiền sinh. Nội dung của công án là một nghịch lý. Thiền sinh không nên dùng lý luận logic để hiểu và lý giải công án, ngược lại phải dùng trực quan vượt lên trên óc nhị nguyên để trải nghiệm thực tại hiện tiền một cách sống động và vô chấp. Công án thiền có mặt từ thời Đường và đến thời Tống mới trở thành pháp tu thiền thịnh hành nhất. Có hai loại công án là: (i) Công án cổ tắc (古則公案) và (ii) công án hiện thành (現成公案). Các vị thiền sư của tông Lâm Tế tại Nhật Bản có công giới thiệu năm loại công án: (i) Công án pháp thân (法身公案): (ii) Công án cơ quan (機關公案), (iii) Công án ngôn thuyên (言詮公案), (iv) Công án nan thấu (zh. 難透公案) và (v) Công án ngũ vị (zh. 五位公案). Xem các mục về công án.

công án cổ tắc (古則公案): Công án cổ do Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) khởi xướng như phương tiện giúp người tu thiền tham cứu một câu nói cho đến lúc đạt được sự giác ngộ. Một số “cổ tắc công án” nổi tiếng như Bích Nham lục (碧巖錄) gồm 100 công án của Viên Ngộ Khắc Cần (圜悟克勤) thuộc tông Lâm Tế, Tùng Dung lục (從容錄) gồm 100 công án của Vạn Tùng Hành Tú (萬松行秀) thuộc tông Tào Động, Vô Môn quan (無門關) gồm 48 công án của Vô Môn Huệ Khai (無門慧開) thuộc tâm Lâm Tế.

công án cơ quan (C. 機關公案, J. kikan kōan): Một trong năm loại công án do các thiền sư tông Lâm Tế tại Nhật Bản chủ trương, giúp thiền sinh nhận chân được thế giới không phân biệt, nhờ đó, liễu ngộ đạo lý "không tức là sắc".

công án hiện thành (現成公案): Công án dùng “các sự vật, hiện tượng trước mắt” làm phương tiện giúp người tu thiền đạt sự giác ngộ. Chánh pháp nhãn tạng của Đạo Nguyên có 661 “công án hiện thành” rất tiêu biểu.

công án nan thấu (S. 難透公案, J. nantō kōan): Các công án khó (nan) lĩnh hội (thấu) do có sự nghịch nghĩa trong ngôn ngữ thiền của các thiền sư nhưng lại có khả năng giúp thiền sinh nhận chân được sự sự vô ngại (事事無礙) trong mọi sự vật, hiện tượng. “Con trâu đi qua khung cửa, đầu, sừng, bốn chân đều lọt, sao đuôi lại chẳng lọt được?" trong Vô môn quan (無門關) là công án tiêu biểu cho loại này.

công án ngôn thuyên (C. 言詮公案, J. gonsen kōan): Một trong năm loại công án do các thiền sư tông Lâm Tế tại Nhật Bản chủ trương, giải thích rõ (ngôn thuyên) ý nghĩa rốt ráo của ngôn ngữ thiền của các thiền sư, giúp thiền sinh liễu ngộ chân lý. Bích nham lục (碧巖錄) của Thiền sư Viên Ngộ và các công án 21, 24, 27, 30 trong Vô môn quan (無門關) là tiêu biểu của công án ngôn thuyên.

công án ngũ vị (C. 五位公案, J. goi kōan): Các công án có liên hệ trực tiếp với “Động Sơn ngũ vị” (洞山五位) của Thiền sư Động Sơn Lương Giới, theo đó, các thiền sinh phải vượt qua thử thách cuối cùng, theo tinh thần “nghi tình lớn thì giác ngộ lớn” (大疑大悟).

công án pháp thân (C. 法身公案, J. hosshin kōan): Một trong năm loại công án do các thiền sư tông Lâm Tế tại Nhật Bản chủ trương, giúp thiền sinh vượt qua thế giới nhị nguyên, chứng ngộ pháp thân (S. dharmakāya, J. hosshin), Phật tính (S. buddhatā, J. busshō). Nổi tiếng nhất của công án pháp thân là "Con chó của Triệu Châu" (趙州狗子).

công dân toàn cầu (global citizen): Người có thể có một hoặc nhiều quốc tịch, sống và làm việc bên ngoài cương thổ của đất nước mình, ở ít nhất hai hay nhiều quốc gia, góp phần mang lại các lợi ích cho xã hội nhờ kiến thức và kinh nghiệm phong phú và thích ứng.

Công điện số 9195 của Phủ Tổng thống: Công điện của chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành lúc 20:30 ngày 06/5/1963 cấm treo cờ Phật giáo trong mùa Phật đản 1963 tại Thừa Thiên Huế. Trước đó, lúc 13:00 cùng ngày, tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm thị trưởng Thành phố Huế Nguyễn Văn Đẳng đến chùa Từ Đàm “vận động” Ban Tổ chức Đại lễ Phật Đản PL.2507 không treo cờ Phật giáo (theo ý của cố vấn Ngô Đình Cẩn) nhưng không thành công vì chính quyền đã vi phạm quyên tự do tôn giáo của cộng đồng Phật giáo. Nguyên nhân ra đời của công điện này là do Giám mục Ngô Đình Thục, giám mục giáo phận Huế, không hài lòng với tổng thống Ngô Đình Diệm về việc treo cờ Phật giáo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức Hồng y mà ông ta đang vận động tòa thánh Vatican với tuyên bố rằng 80%dân Huế theo đạo Thiên Chúa. Đêm 06/5/1963 Hội Phật giáo Trung phần phản đối công điện của chính quyền nên đã gởi 3 bức điện đến Phật giáo thế giới và Tổng Hội Phật giáo VN nhờ can thiệp nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn ứng xử bất công. Đây là cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc thảm sát tại Đài phát thanh Huế vào ngày 08/5/1963 làm 09 trẻ em bị thiệt mạng.

cộng đồng tại gia (在家眾): Chỉ cho hai chúng tại gia (在家二眾), còn gọi là “Tăng đoàn tại gia” (在家僧伽), “cư sĩ” (居士), “tín sĩ” (信士) hay “thiện nam, tín nữ” (善男信女) gồm cộng đồng nam (P. upāsaka, 優婆塞, ưu-bà-tắc) hay Phật tử nam và cộng đồng nữ (P. upāsikā, 優婆夷, ưu-bà-di) hay Phật tử nữ. Theo quy định của đức Phật, để sống hạnh phúc và có giá trị, người tại gia phải giữ gìn năm điều đạo đức, tu tập mười điều thiện, giới Bồ-tát tại gia (theo đạo Phật Đại thừa), góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững.

cộng đồng tại gia nam (男性在家眾): Những người nam đang tu tại gia, giữ năm điều đạo đức, mười điều thiện, dấn thân phụng sự cộng đồng theo tinh thần Phật dạy.

cộng đồng tại gia nữ (女性在家眾): Những người nữ đang tu tại gia, giữ năm điều đạo đức, mười điều thiện, dấn thân phụng sự cộng đồng theo tinh thần Phật dạy.

cộng đồng xuất gia nam (男性出家眾): Chỉ cho cộng đồng Tỳ-kheo (比丘眾) và cộng đồng Sa-di (沙彌眾).

cộng đồng xuất gia nữ (女性出家眾): Chỉ cho cộng đồng Tỳ-kheo-ni (比丘尼眾), cộng đồng Sa-di-ni (沙彌尼眾) và cộng đồng Thức-xoa-ma-na (式叉摩那眾).

Công đức y kiền-độ (P. Kaṭhinakkhandhaka, 功德衣犍度): như “Chủ đề về y công đức.”

cổng hai cửa: Kiểu cổng chùa gồm có 2 cửa vào, theo đó, cửa trái và cửa phải có cùng cấu trúc, model.

cổng tam quan: Cổng chùa gồm có 3 cửa vào, trong đó, cửa chính giữa cao lớn hơn 2 cửa trái, cửa phải vốn có cùng cấu trúc, model. Có hai loại cổng tam quan chính gồm cổng tam quan có tầng trên dùng làm gác chuông và cổng tam quan đơn thuần.

cộng tính văn hóa (cultural additivity, 文化可加性): Hiện tượng cá nhân hay cộng đồng người của một nền văn hóa A chấp nhận và tiếp thu các giá trị của văn hóa B, dù cho các giá trị mới này có thể đối lập với hệ giá trị đang có. Mức độ cộng tính văn hóa cao hay thấp lệ thuộc vào sự cởi mởi, tính thích ứng và sự chấp nhận sự tồn tại, tương tác của nhiều hệ giá trị văn hóa. Cộng tính văn hóa tồn tại và phát triển trong các truyền thống kiến trúc mỹ thuật, ẩm thực, y phục, lối sống, phong tục vùng miền, quốc gia. Ba tôn giáo tại Việt Nam và Trung Quốc gồm đạo Phật, đạo Nho và đạo Lão tại Việt Nam là ví dụ điển hình về cộng tính văn hóa trong kiến trúc, cách thờ phượng, sinh hoạt tôn giáo, và đó cũng là tính tiêu biểu của triết lý tôn giáo tại Việt Nam.

công trình phụ trợ: Công trình không sử dụng cho các mục đích thờ tự của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo gồm nhà ở, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, tương rào và các công trình tương tự khác.

công trình tín ngưỡng: Công trình xây dựng làm cơ sở tín ngưỡng.

công trình tôn giáo: Công trình xây dựng làm cơ sở tôn giáo, tháp, tượng đài, bia ký.

công trình xây dựng: Sản phẩm được tạo nên bằng sức lao động của con người, vật liệu xây dựng được liên kết định vị dưới mặt đất, trên mặt đất, dưới mặt nước, trên mặt nước. Công trình xây dựng bao gồm công trình xây dựng công cộng, nhà ở, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình năng lượng, công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình khác.

công trường Diên Hồng: Như “Công trường Quách Thị Trang.”

Công trường Quách Thị Trang: Năm 1955 là công trường Diên Hồng, nay là bùng binh ngay mặt tiền chợ Bến Thành, nơi giao nhau của nhiều con đường như Lê Lai, Lê Lợi, Huỳnh Thúc Kháng, Hàm Nghi và Trần Hưng Đạo và từng là nơi đặt bức tượng Quách Thị Trang và Trần Nguyên Hãn. Tháng 8 năm 1964, một hội sinh viên đã quyên góp tiền để tạc và dựng tượng Quách Thị Trang, từ đó người dân Sài Gòn gọi khu vực này là công trường Quách Thị Trang (hay bùng binh Quách Thị Trang). Đầu năm 2017, vòng xoay này tạm thời phá dỡ để thi công nhà ga ngầm Bến Thành.

Công văn: Loại văn bản hành chính được sử dụng phổ biến trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật. Công văn là phương tiện giao tiếp chính thức của các cơ quan nhà nước và tổ chức tôn giáo. Hội đồng Trị sự thường ban hành các công văn về việc: (i) Thực hiện Giáo chỉ Hội đồng Chứng minh, (ii) Tổ chức nghi lễ cầu nguyện bình an trong dịp Tết cổ truyền, (iii) Đề nghị hoàn thiện hồ sơ đăng ký người được suy cử, bổ nhiệm sau Đại hội Phật giáo, (iv) Tổ chức triển lãm chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo, (v) Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ, (vi) Tổ chức Tang lễ của Hòa thượng, Ni trưởng, Thượng tọa, Ni sư…

Công viên Phật (Buddha Park): Còn gọi là Xieng Khuan, là công viên điêu khắc xây dựng vào năm 1958, cách Vientiane, Lào 25km về phía đông nam trong bình nguyên bên sông Mekong. Mặc dù không phải là tự viện Phật giáo, công viên Phật được dân Lào gọi là Chùa Xieng Khuan (ວັດຊຽງຄວນ) vì công viên du lịch này tôn trí hơn 200 tượng đài Phật giáo và Ấn Độ giáo. Nổi trội trong số đó có các tượng Phật, Phật nhập niết-bàn dài 40m, Bồ-tát Quan Âm, tượng người, thần linh, động vật, thiên ma và các thần Siva, thần Vishnu và Arjuna.

cột lửa (flaming pillar): Biểu tượng cho đức Phật trong Phật giáo Nguyên thủy.

cốt truyện (plotline hay dramatic structure): Còn gọi là mạch truyện, là kết cấu của tác phẩm kịch sân khấu hoặc điện ảnh.

cờ cầu nguyện của Tây Tạng (Tibetan prayer flag): Tấm vải hình chữ nhật được in thành 5 màu sắc gồm: (i) Màu xanh dương (tượng trưng không gian và bầu trời), (ii) Màu trắng (tượng trưng không khí và gió), (iii) Màu đỏ (tượng trưng lửa), (iv) Màu xanh lá cây (tượng trưng nước), (v) Màu vàng (tượng trưng quả đất). Có hai loại cờ cầu nguyện: (i) Cờ cầu nguyện nằm ngang (lung ta, rlung-rta, có nghĩa là ngựa gió), có hình vuông hoặc hình chữ nhật, thường được treo trên một đường chéo từ cao xuống thấp, (ii) Cờ cầu nguyện thẳng đứng (darchog, darlcog, có nghĩa là người đánh cờ) có hình chữ nhật đơn lớn, được gắn vào cột dọc theo cạnh thẳng đứng trên mặt đất, núi, hang và trên mái nhà. Cờ cầu nguyện thường được giăng dọc theo những con đường, đồi núi, xung quanh chùa, làm biểu tượng ban phước cho cư dân ở gần đó. Cờ cầu nguyện truyền thống có nguồn gốc từ đạo Bon, thường in các bài kinh và hình ảnh trên đó. Các bài kinh của Nepal lúc đầu được viết trên các biểu ngữ bằng vải, về sau được truyền bá đến nhiều nơi trên thế giới dưới dạng cờ cầu nguyện. Đại sư Atisha (980-1054) lã người đã giới thiệu tập quán in cờ cầu nguyện bằng vải của Ấn Độ đến Tây Tạng và Nepal.

Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ: Biểu ngữ của hàng ngàn Tăng, Ni và Phật tử tại Huế, diễu hành từ Chùa Diệu Đế đến Chùa Từ Đàm để tham dự đại lễ Phật đản 1963 nhằm: (i) Thể hệ sự tự do tôn giáo và treo cờ Phật giáo quốc tế của cộng đồng Phật giáo Việt Nam, (ii) Kêu gọi chính quyền Đệ nhất Cộng hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm chấm dứt sự đối xử bất bình bằng đối với Phật giáo, (iii) Quyết tâm bảo vệ Phật giáo trước pháp nạn cho chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm gây ra.

cờ Phật giáo thế giới (International Buddhist Flag): Lá cờ được Ủy ban Colombo thiết kế lần đầu vào năm 1885 tại Colombo, Tích Lan, nhanh chóng trở thành biểu tượng phổ quát của đạo Phật trên khắp thế giới. Cờ này được treo lần đầu trong ngày Vesak ngày 28/5/1885 tại Dipaduttamarama, Kotahena. Từ lá cờ quá dài, bất tiện cho việc sử dụng, ông  Henry Steel Olcott, chủ tịch đầu tiên của Hội Thông Thiên học, đề xuất điều chỉnh kích thước và hình thù bằng với quốc kỳ. Lá cờ có kích thước mới này được Anagarika Dharmapala và Olcott giới thiệu tại Nhật Bản và Miến Điện. Vào năm 1950, Hiệp hội liên hữu Phật giáo thế giới đã chọn làm lá cờ Phật giáo quốc tế. Cờ có năm màu: (i) Màu xanh dương (P=S. nīla) tượng trưng tâm từ, (ii) Màu vàng (P=S. pīta) tượng trưng trung đạo, (iii) Màu đỏ (P=S. lohitaka) tượng trưng thực hành - thành tựu, trí tuệ, đạo đức, vận mệnh và phẩm giá, (iv) Màu trắng (P. odāta; S. avadāta) tượng trưng thanh tịnh của chánh pháp, hướng đến giải thoát, (v) Màu cam (P. mañjeṭṭha; S. mañjiṣṭhā) tượng trưng trí tuệ của Phật ngôn. Giải màu thứ sáu ở ngoài cùng bao gồm năm sắc màu trên. Về sau, lá cờ Phật giáo thế giới tượng trưng cho năm lực gồm niềm tin, tinh tấn, chánh niệm, chánh định và trí tuệ. Năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm theo đạo Công giáo, ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo thế giới trong tuần lễ Phật đản, tạo ra pháp nạn kinh hoàng đối với Phật giáo. Xem “pháp nạn.”

cơ sở GHPGVN: Cơ sở tôn giáo của GHPGVN bao gồm Chùa, Tổ đình, Tịnh xá, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh thất, Thiền am, Niệm Phật đường (gọi chung là tự viện) đã hoàn tất hồ sơ gia nhập, hiến cúng cho GHPGVN, đặt dưới sự quản lý của GHPGVN các cấp.

cơ sở tín ngưỡng: Nơi thực hiện các hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng gồm đình, đền, miếu, nhà thời dòng họ và các cơ sở tương tự khác.

cơ sở tôn giáo: Các công trình tôn giáo gồm chùa, tịnh thất, niệm Phật đường, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo.

cụ túc (P = S. upa-saṃpanna, 具足) hoặc “cận viên” (近圓).

cụ túc giới (具足戒): như “giới đầy đủ.”

Cù-đàm nữ (瞿曇女): Phiên âm của chữ “Gotami” trong Pali hay chữ “Gautamī” trong Sanskrit, là họ (nữ tính), họ của di mẫu cũng là mẹ kế của đức Phật, gọi đủ cả tên họ là “Mahāpajāpatī Gotami” trong Pali hoặc “Mahāprajāpatī Gautamī” trong Sanskrit. Xem “Đại Ái Đạo” và “Ma-ha Ba-xà-ba-đề.”

Cù-đàm-di (瞿曇彌): Tương đương với Cù-đàm nữ (瞿曇女), hoặc Kiều-đáp-ma (喬答摩) vốn phiên âm của chữ “Gotami” trong Pali hay chữ “Gautamī” trong Sanskrit, là họ (nữ tính), đối lập với chữ “Gotama” (nam tính) trong Pali và “Gautama” trong Sanskrit. Họ của di mẫu cũng là mẹ kế của đức Phật, gọi đủ cả tên họ là “Mahāpajāpatī Gotami” trong Pali hoặc “Mahāprajāpatī Gautamī” trong Sanskrit. Xem “Đại Ái Đạo” và “Ma-ha Ba-xà-ba-đề.”

cúng dường bằng dâm dục (淫欲供养, dâm dục cúng dường): nếu người xuất gia mà yêu cầu người khác phái hiến tặng, hầu hạ bản thân mình bằng sự dâm dục là vi phạm tội Tăng tàn đối với người xuất gia. Xem “Tăng tàn.”

cùng nguyên tắc hướng dẫn (P. ekuddeso): các thành viên Tăng đoàn cùng tuân thủ những quy tắc chung, cùng thực hiện theo một chủ trương (主張), chỉ đạo (指導), chỉ thị (指示), giải thích (解釋) thống nhất từ đức Phật để làm cho Tăng đoàn hòa hợp, phát triển, mang lại lợi ích cho số đông. Xem “cùng tụng giới.”

cùng tụng giới (P. ekuddeso): đồng nghĩa với cụm từ Hán văn “đồng nhất thuyết giới” (同一說戒) tức cùng đọc giới ở một trú xứ trong tinh thần hòa hợp, hoan hỷ vì sự lớn mạnh của tăng đoàn. Chữ “ekuddeso” có nghĩa là cùng tuân thủy quy tắc chung, ở đây là nguyên tắc tôn trọng, hòa hợp vì sự tiến bộ và lợi ích của tăng đoàn.

cửa không (S. Sūniyatā, 空門): Một cửa trong ba cửa giải thoát (S. trīni vimoksa-mukhāni, 三解脫門) nhờ nhận thức được tất cả sự vật hiện tượng vốn không tự tính.

cửa pano ghép: Kiểu cửa được ghép từ các phần gỗ khác nhau là lá cổ và pano. Trong đó, có 03 khoảng nhỏ là cá cổ ở trên – giữa – dưới. Còn lại 02 khoảng lớn là pano cửa. Ở các mặt của pano được để trơn hoặc có chạm khắc hoa văn tinh tế

cửa thượng song hạ bản: Kiểu cửa phía trên chấn song, phía dưới làm gốc kín, ngưỡng cửa xây cao, cửa ra vào rộng và lớn.

cửa vô nguyện (S. Apranihita, 無願門): Một cửa trong ba cửa giải thoát (S. trīni vimoksa-mukhāni, 三解脫門) do nhận thức được vô tướng trong ba cõi nên không mong cầu điều gì.

cửa vô tướng: (S. Animitta, 無相門): Một cửa trong ba cửa giải thoát (S. trīni vimoksa-mukhāni, 三解脫門) nhờ nhận biết mọi sự vật hiện tượng vốn không có tướng trạng cố định, bất biến nên xa lìa sự chấp thủ vào các tướng trạng sai biệt.

cưỡng vận: Khi hai vần đều là vần thông với nhau. Ví dụ, thao, nhau.

cửu não (九惱): chín thứ tai nạn mà đức Phật sau khi thành đạo đã phải chịu vì nghiệp chướng ở đời quá khứ còn rơi rớt lại: (i) Chịu sự vu khống đã giết nàng Tôn-đà-lợi, 500 A-lahán cũng bị vu khống; (ii) Bị nàng Chiên-giá độn bát trong bụng để vu oan có mang với đức Phật; (iii) Chịu nạn lăn đá của Đề-bà-đạt-đa, Phật bị thương ở ngón chân cái; (iv) Gỗ nhọn đâm thấu bàn chân; (v) Vua Tỳ-xá-ly đem binh giết bộ tộc Thích-ca, Phật bị nhức đầu; (vi) Nhận lời thỉnh mời của Bà-la-môn A-kỳ-đạt-đa mà chịu ăn lúa mạch dành cho ngựa ăn; (vii) Gió lạnh thổi đến, Phật đau xương sống; (viii) Sáu năm khổ hạnh; (ix) Vào làng Bà-la-môn khất thực, xin không được gì, bát không quay về.

cửu thứ đệ định (九次第定): như “chín định theo thứ tự.”

Cưu-ma-la-thập (S. Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344 - 413): Đồng Thọ (童壽), người nước Quy Tư, là nhà phiên dịch Phật học từ Phạn ngữ sang Hán văn, rất đại tài, nổi tiếng. Ngài có công trong việc dịch ra các bộ Kinh, Luận như Kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa (摩訶般若波羅蜜多經), Kinh Kim Cương (金剛經), Kinh Pháp Hoa (法華經), Kinh Duy-ma-cật (維摩詰經), Trung luận (中論), Bách luận (百論), Thập nhị môn luận (十二門論), Đại trí độ luận (大智度論). Xá-lợi lưỡi của ngài để lại sau khi thiêu là minh chứng cho lời phát nguyện rằng những kinh điển do ngài phiên dịch đúng với ý của đức Phật.

chánh (P. sammā, C. 正): (1) Chân chánh hay chánh xác (正確), dịch nghĩa từ chữ “sammā” trong tiếng Pali, là yếu tố quan trọng dẫn đến các thành tựu trong nỗ lực như “chánh tâm” (正心) tức tâm chân chánh, hoặc “chánh kiến” (正見) tức tầm nhìn chân chính vốn là yếu tố quan trọng nhất của chánh đạo; (2) Quả vị triệt để (徹底) hay hoàn toàn (完全) như trong thuật ngữ “chánh giác” (正覺) có nghĩa là giác ngộ trọn vẹn, thành Phật; 3. Không thiên không lệch (不偏不倚) như trong thuật ngữ “nhật chánh trung thực” (日正中食) tức ăn trong giờ ngọ, ăn lúc giữa trưa.

chánh kiến (正見): tầm nhìn chân chính, thấy biết đúng đắn, xa lìa mọi sự điên đảo. Tuy nhiên, ở ngữ cảnh này là cái thấy trọn vẹn về cội nguồn mảnh đất tâm.

chánh pháp thân (正法身): do hành giả ngộ được tự tính mà tu vô số công hạnh thuộc sáu hoàn hảo (ba-la-mật), chứng thể tánh nhiệm mầu (妙體, diệu thể) bởi công đức đạt được từ kết quả cũng như giác ngộ (果德, quả đức) mang tính chân thật và thường hằng (真常, chân thường).

chánh tính (samyaktva, 正性): theo Duy thức học (唯識學) gọi là bản tính của Thánh (聖性, Thánh tính) tức dùng hạt giống của trí vô lậu để làm bản thể mang tính chất của bậc Thánh, đang khi Luận Câu-xá (俱舍論) gọi là bản tính đúng đắn qua việc xa lìa hết phiền não.

chày kim cương (S. vajra): Biểu tượng quan trong của Kim cương thừa, được sử dụng trong các nghi thức hành lễ của Mật tông, thể hiện sức mạnh vô song của sấm sét, biểu tượng của trí tuệ vững chải, phá tan mọi đau khổ, phiền não của con người.

chày kim cương (S. vajra, 金剛杵, kim cương chử): Biểu tượng quan trong của Kim cương thừa, được sử dụng trong các nghi thức hành lễ của Mật tông, thể hiện sức mạnh vô song của sấm sét, biểu tượng của trí tuệ vững chải, phá tan mọi đau khổ, phiền não của con người.

chày kim cương ba mũi nhọn: Chày kim cương có ba mũi nhọn, ở mỗi đầu hoặc là khum, cong chụm đầu vào giữa, hoặc là hai mũi ngoài cong, khum vào mũi thẳng ở giữa. Đây là chày kim cương được sử dụng phổ biến nhất, tượng trưng ba ngôi tâm linh (Phật, Pháp, Tăng) và ba mật (thân, ngữ, ý).

chày kim cương ba mũi nhọn: Chày kim cương có ba mũi nhọn, ở mỗi đầu hoặc là khum, cong chụm đầu vào giữa, hoặc là hai mũi ngoài cong, khum vào mũi thẳng ở giữa. Đây là chày kim cương được sử dụng phổ biến nhất, tượng trưng ba ngôi tâm linh (Phật, Pháp, Tăng) và ba mật (thân, ngữ, ý).

chày kim cương bốn mũi nhọn: Chày kim cương có bốn mũi nhọn, tượng trưng bốn sự kiến lớn trong cuộc đời đức Phật Thích-ca.

chày kim cương bốn mũi nhọn: Chày kim cương có bốn mũi nhọn, tượng trưng bốn sự kiến lớn trong cuộc đời đức Phật Thích-ca.

chày kim cương chín mũi nhọn: Chày kim cương có chín mũi nhọn, tương trưng cho ngũ trí Như Lai và bốn Bồ-tát lớn.

chày kim cương chín mũi nhọn: Chày kim cương có chín mũi nhọn, tương trưng cho ngũ trí Như Lai và bốn Bồ-tát lớn.

chày kim cương hai mũi nhọn: Chày kim cương có hai mũi nhọn ở phía tay cầm, biểu thị tính nhị nguyên và tính đối đãi của sự vật.

chày kim cương hai mũi nhọn: Chày kim cương có hai mũi nhọn ở phía tay cầm, biểu thị tính nhị nguyên và tính đối đãi của sự vật.

chày kim cương một mũi nhọn: Chày kim cương có một mũi nhọn ở phía tay cầm, tượng trưng cho sự kết hợp giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần, biểu thị thực thể duy nhất của mọi sự vật hiện tượng.

chày kim cương một mũi nhọn: Chày kim cương có một mũi nhọn ở phía tay cầm, tượng trưng cho sự kết hợp giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần, biểu thị thực thể duy nhất của mọi sự vật hiện tượng.

chày kim cương năm mũi nhọn: Chày kim cương có năm mũi nhọn, tượng trưng ngũ trí Như lai, hoặc năm nguyên tố.

chày kim cương năm mũi nhọn: Chày kim cương có năm mũi nhọn, tượng trưng ngũ trí Như lai, hoặc năm nguyên tố.

châm biếm: Thủ pháp dùng lời lẽ, tranh vẽ thâm thúy, sắc sảo, cay độc để vạch trần cái xấu xa của những cá nhân và hiện tượng xã hội.

chân nhân (真人): (1) Người đang trên đường chứng quả thánh nhân (證果聖人), (2) Từ gọi chung cho cao tăng (高僧); Tổ sư Thanh Thủy (清水祖師) thường được gọi là “chân nhân Thanh Thủy” (清水真人), (3) Từ tôn xưng người xuất gia (出家人), hay tăng nhân (僧人), (4) Cảnh giới triết học và tôn giáo của người tu hành trong Đạo giáo (道教), tương đương với từ “cao nhân” (高人) hay “đạo sĩ” (道士).

Chân Như uyển (Shinnyo-ee,真如苑):

Châu thổ sông Hồng

chế tài: Biện pháp xử lý áp dụng đối với những người làm trái với quy định của nhà nước và tổ chức mà họ là thành viên. Chế tài là cách trừng trị người vi phạm pháp luật, làm cho họ có ý thức tôn trọng pháp luật, ngăn ngừa sự vi phạm pháp luật. Các loại chế tài chính bao gồm chế tài hành chính, chế tài hình sự, chế tài dân sự, chế tài kỷ luật.

chết tốt hơn sống (死勝生, tử t hắng sanh): hình thức tán đồng và gián tiếp xúi giục người khác tự tử, hễ vi phạm thì người xuất gia phạm tội tẫn xuất, không được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời.  Xem “sát sanh” và “khen ngợi cái chết.”

chỉ (P. samatha, S. śamatha, C. 止, 奢摩他, 舍摩他, E. calm, calm abiding, tranquility): dịch nghĩa của chữ “samatha” (舍摩他, xả-ma-tha) trong tiếng Pali hay “śamatha” trong tiếng Sanskrit có nghĩa là “tâm chuyên nhất” (專一心, single-pointed mind) hay “chuyên chú tâm” (專注心, concentrate the mind) vào đề mục thiền để “tâm niệm trầm tĩnh” (心念沈靜), không bị tán động (不散動), nhờ đó, đạt được “sự an tĩnh của tâm” (心靜, tranquility of the mind, mind-calmness). Thực tập “chỉ” giúp người tu đạt được “định” (定). Ngồi thiền là cách thuận lợi nhất để đạt được “thiền chỉ”.

chi (支): (1) Yếu tố (要素), thành phần (成分) như trong thuật ngữ “thất giác chi” (七覺支) tức bảy yếu tố giác ngộ, hoặc “thập nhị chi duyên khởi” (十二支緣起) tức mười hai yếu tố duyên khởi; (2) Tố chất (素質), phẩm chất (品質) như thành ngữ “phạm hạnh chi bất cụ túc” (梵行支不具足) tức phẩm chất Phạm hạnh không đầy đủ; (3) Chi phần (分支) như trong thành ngữ “vô hữu chi tiết” (無有支節) tức không có chi tiết.

Chi bộ trực thuộc Viện Hóa đạo: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở cấp quốc gia, đăng ký hoạt động hợp pháp ở hải ngoại, trực thuộc sự quản lý điều hành của Viện Hóa đạo trong nước.

Chi bộ trực thuộc Viện Hóa đạo: Tổ chức của GHPGVNTN ở hại ngoại trực thuộc Viện Hóa đạo điều hành gồm 11 nước: Anh, Ấn Độ, Canada, Cao Miên, Đức, Lào, Mỹ, Nhật, Pháp, Thái Lan, Thụy Sĩ.

chỉ quán song tu (止觀雙修):Sự tu tập phối hợp thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassana) để đạt được định (定) và tuệ. Trong AN 4.170, tôn giả  Ānanda trình bày có ba cách tu thiền chỉ và thiền quán như sau: (i) Tu thiền chỉ trước, tu thiền quán sau (P. samatha-pubbangamam vipassanam), (ii) Tu thiền quán trước, tu thiền chỉ sau (P. vipassana-pubbangamam samatham), (iii) Tu thiền chỉ và thiền quán cùng lúc (P. samatha-vipassanam yuganaddham), chẳng hạn khi đạt thiền ( jhāna) thứ nhất, đồng thời thấy rõ tính tổ hợp của ba dấu ấn thực tại (three marks of existence) trước khi nhập vào thiền thứ hai. Luận tạng (Abhidhamma Pitaka) và văn học sớ giải mô tả thiền chỉ và thiền quán là hai kỹ thuật thiền độc lập. Các phong trào thiền Vipassanā ngày nay chỉ chú trọng và đề cao thiền tuệ hơn thiền chỉ nhưng trên thực tế thì hai kỹ thuật thiền này hỗ trợ và bổ túc nhau trong tiến trình thanh tịnh hóa thân và tâm. Trong kinh Pāli, đức Phật không đề cập thiền chỉ (samatha) độc lập với thiền quán (vipassana). Chỉ và quán là hai phẩm chất của tâm, không thể tách rời trong tiến trình tu thiền mà người tu thiền cần đạt được để có định và trí tuệ. “Chỉ” là hạnh phúc an tĩnh (peaceful happiness)  đang khi “quán” là hiểu rõ (clear understanding) bản chất sự vật. Trên thực tế, tu thiền chỉ sẽ tạo tuệ, tu thiền tuệ đạt được sự an chỉ. Trong 4 định của Sắc giới (S. rūpa-dhātu, 色界), thiền quán được chú trọng hơn. Trong 4 định của Vô sắc giới (S. ārūpa-dhātu, 無色界), thiền chỉ được đề cao hơn. Trong thiền vô sắc giới thì thiền quán giảm dần, thiền chỉ mạnh hơn. Trong định phi tưởng phi phi tưởng xứ (S. Naivasaṁjñānā-saṁjñāyatana, 非想非非想處) và diệt tận định thuộc vô sắc giới thì chỉ còn trạng thái vô niệm và vô tưởng. Tại Miến Điện, người chuyên tu thiền chỉ được gọi là “chỉ thừa giả” (P. samatha-yānika, C.乘者) đang khi người chuyên tu thiền quán được gọi là “thuần quán giả” (P. sukkha-vipassaka, 純觀者, 乾者). Tham chiếu: MN 151, vv. 13-19, và AN IV, 125-27.

chỉ trì giới (止持戒): như “giới chỉ trì.”

chiếc đơn: như “cái đơn.”

Chiêm-ba kiền-độ (P. Campeyyakkhandhaka, 瞻波犍度): như “Chủ đề về nước Chiêm-ba.”

Chiên-đà-la ưu-bà-tắc (旃陀羅優婆塞): cư sĩ nam như giai cấp nô dịch. Chiên-đà-la (S. caṇḍāla, 旃陀羅) là giai cấp cùng đinh, thấp nhất của xã hội Ấn Độ ngày xưa. Người nam gọi là Chiên-đà-la (旃陀羅), người nữ gọi là Chiên-đà-lợi (旃陀利).

chiều dài, chiều rộng tăng thêm nửa gang tay Phật.

Chiêu Huyền thống (昭玄統): Tương đương chức danh Tăng thống, được sử dụng trong thời Bắc Ngụy, Trung Hoa.

chiêu-đề (P. catu-disa, S. catur-diśa, 招提), thường được dịch là tứ phương (四方), tứ phương Tăng (四方僧). Trong ngữ cảnh trên, “chiêu-đề” có nghĩa là vật dụng của Tăng sĩ trong bốn phương.

chiêu-đề Tăng (S. caturdeśa, 招提僧): Đồ đạc của Tăng du phương.

chín định theo thứ tự (S. navānupūrva-samāpattaya, C. 九次第定): Chín loại thiền định gồm: (i) Bốn thiền (四禪) của Phật giáo, (ii) Bốn định vô sắc (四無色定) của bà-la-môn giáo và (iii) Định diệt thọ tưởng (滅受想定) của Phật giáo. Bốn thiền (四禪) và bốn định vô sắc (四無色定) được gọi là “tứ thiền bát định” (四禪八定). Bốn thiền gồm (i) Thiền thứ nhất (初禪) là trạng thái hỷ lạc do lìa tham ái nên đã hết dục tưởng, (ii) Thiền thứ hai (二禪) là trạng thái hỷ lạc do an trú vào định nên đã hết tầm và tứ, (iii) Thiền thứ ba (三禪) trạng thái diệu lạc do lìa hỷ lạc trong thiền thứ hai nên đã hết hỷ, (v) Thiền thứ tư (四禪) là trạng thái xả niệm thanh tịnh nên đã ngừng ý niệm. Bốn định vô sắc gồm (i) Định không vô biên xứ (空無邊處定) không còn tưởng về sắc, (ii) Định thức vô biên xứ (識無邊處定) không còn tưởng về không vô biên, (iii) Định vô sở hữu xứ (無所有處定) không còn tưởng về thức vô biên, (iv) Định phi tưởng phi phi tưởng (非想非非想處定) không còn tưởng về vô sở hữu xứ. Dù bốn định vô sắc là của Bà-la-môn giáo và không có khả năng dẫn đến giác ngộ, giải thoát, đức Phật khích lệ người tu Phật thực tập các định này vì những lợi ích trị liệu khổ đau của định. Định diệt thọ tưởng là trạng thái định cao nhất, ngưng hoàn toàn các hoạt động tâm thức (止息一切心識), chỉ có các bậc thánh A-na-hàm và A-la-hán mới đạt được. Trong chín loại thiền định theo thứ tự, thiền thứ tư “xả niệm thanh tịnh” là cấp thiền cao nhất của Phật giáo, có khả năng giúp hành giả đạt được trí tuệ vô lậu (無漏智). Xem “thiền”, “bốn thiền”, “bốn định vô sắc” và “định diệt thọ tưởng”.

chỏm tóc: nắm tóc hình tròn hoặc bầu dục ở vị trí trên trán của các chú tiểu/ chú điệu trong các chùa miền Nam và miền Trung, dù đã cạo tóc xuất gia, mặc áo cà-sa nhưng chưa chính thức thọ giới Sa-di (đối với chú tiểu nam) và Sa-di-ni (đối với cô tiểu).

chỗ có thể làm việc ân ái: địa điểm bị che khuất, chỗ không ai nhìn thấy nên người xuất gia không được ngồi một mình với người khác phái để ngăn chặn hành vi yêu đương, làm việc ân ái, nhờ đó, giữ được giới hạnh thanh tịnh, không bị người đời đàm tiếu. Người xuất gia nào ở chỗ có thể làm việc ân ái là vi phạm giới bất định.

chỗ có thể nói chuyện dâm ô: địa điểm bị che khuất, chỗ không ai nhìn thấy nên người xuất gia không được ngồi một mình với người khác phái để giữ giới hạnh thanh tịnh. Người xuất gia nào ở chỗ có thể nói chuyện dâm ô là vi phạm giới bất định. Giới về nói chuyện dâm ô với người khác phái ở chỗ khuất kín gồm: (1) Điều Tăng tàn thứ 3: Nói lời dâm ô với người nữ, (2) Điều 45 sám hối: Một mình ngồi cùng người nữ.

chỗ che khuất (P. paṭicchanne āsane): chỗ không ai nhìn thấy, nghe thấy, chỗ bị ngăn lại bởi tường vách, cửa, rèm cửa, bình phong, cây cột, khuất tầm nhìn của mọi người. Người xuất gia ngồi với với một người khác phái ở chỗ kín đáo thì phạm giới bất định, nặng là ba-la-di, nhẹ hơn là tăng tàn.

chỗ kín đáo (P. raho, 隐密座位): Người xuất gia không được ngồi với người khác phái ở chỗ kín đáo, chỗ dễ phát sinh tình cảm và làm việc ân ái để giữ hạnh xuất gia thanh tịnh. Người xuất gia ngồi với với một người khác phái ở chỗ kín đáo thì phạm giới bất định, nặng là ba-la-di, nhẹ hơn là tăng tàn.

chú đạo: như “chú điệu.”

chủ đề hỗn hợp (P. Khuddakavatthukkhandhaka, 雜項犍度, tạp hạng kiền-độ): một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc sách Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) của Luật tạng Pali, quy định về các chuyện vụn vặt sinh hoạt của Tăng đoàn gồm 4 phương diện: (i) Thức ăn (食): Bình bát (chất liệu, hình dáng), ấm nước, tăm xỉa răng, (ii) Pháp phục (衣): Dụng cụ ngồi, vật liệu may pháp phục, dây thắt lưng, nút áo, (iii) Nơi ở (住): nơi kinh hành, phòng tắm, nhà vệ sinh, (iv) Du hành (行): Quạt, sử dụng dù che, kéo cắt móng tay và râu tóc, hắt xì, ăn tỏi.

chủ đề lớn (P. Mahākhandhaka, 大犍度, đại kiền-độ): Một trong mười kiền-độ (P.khandhaka, 犍度), quy định phép tắc xuất gia và thọ giới Cụ túc, chiếm độ dài của chủ đề kiền-độ. Bài tụng 1-4 giới thiệu quá trình xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân của đức Phật tại Vườn Nai và việc xuất gia của Da-xá, ba đạo sĩ Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên.

chủ đề về an cư mùa mưa (P. Vassūpanāyika-kkhandhaka, 雨安居犍度, vũ an cư kiền-độ): Một trong mười kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) trong Đại phẩm (Mahāvagga, 大品) quy định về an cư, nguồn gốc an cư gồm thời gian an cư, địa điểm, quy định sinh hoạt an cư. Các thành viên Tăng đoàn, ni đoàn phải tham dự an cư trong ba tháng mùa mưa. Lúc có việc ra ngoài, phải quay về nội trong 7 ngày (được phép qua 6 đêm).

chủ đề về bảy trăm người (P. Sattasatikakkhandhaka,七百人犍度, thất bách nhân kiền-độ): một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc sách Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) của Luật tạng Pali, đề cập  tranh luận về mười điều phi pháp (十事非法) trong đại hội biên tập Tam tạng lần thứ 2tại thành Tỳ-xá-ly, về  mười vấn đề giới luật: (i) Dự trữ muối, đợi lúc không có muối thì sử dụng (phạm điều sám hối thứ 38: ăn thức ăn dự trữ, 食用储存的饭菜), (ii) Ăn đồ khi bóng mặt trời qua 2 ngón tay (phạm điều sám hối thứ 37: ăn qua giờ ngọ, 过午食), (iii) Ăn tiếp sau khi ăn, ngoài ra những thứ đã ăn không phải là thức ăn sót lại (phạm điều sám hối thứ 35: ăn tiếp sau khi ăn no), (iv) Tỳ-kheo cùng trong một phạm vi tụng giới riêng rẽ (phạm mục 8.3 tụng giới kiền-độ trong Đại phẩm), (v) Sau khi vị Tỳ-kheo số tự động hành pháp yết-ma, cầu xin Tăng đoàn thừa nhận thành quả yết-ma của họ. (Phạm mục 3.5 Chiêm-ba kiền-độ trong Đại phẩm), (vi) Lấy hành vi của giới sư và thầy y chỉ làm chuẩn. Nếu hành vi hợp với luật thì không phạm, nếu hành vi không hợp với luật thì phạm, (vii) Sau khi ăn xong, lại ăn thực phẩm không thuộc loại sữa lỏng (乳) hoặc sữa đặc (酪), phạm (điều sám hối thứ 35: Sau khi ăn xong lại ăn (吃饱后再吃东西), (viii) Uống rượu chưa lên men (未发酵的酒), phạm điều sám hối thứ 51: uống rượu (饮酒), (ix) Dụng cụ ngồi (坐垫) mà không làm đường viền (边缘), phạm điều sám hối thứ 89: dụng cụ lót không hợp quy định (垫布不合规定), (x) Tiếp nhận tiền bạc, phạm điều sám hối thứ 18: Tiếp nhận tiền bạc (接受金錢).

chủ đề về biệt trú (P.Parivāsakkhandhaka, 别住犍度): một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc sách Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) của Luật tạng Pali, quy định về cách xử phạt Tỳ-kheo phạm giới Tăng tàn (僧殘) bị phạt ở riêng với Tăng đoàn bằng với số ngày che giấu lỗi, sau đó, tiếp tục phạt 6 ngày làm vui lòng Tăng đoàn (mānatta, 摩那埵, ma-na- đỏa), một hình thức của biệt trú cố định. Khi kết thúc sáu ngày ở riêng, cần buổi hội họp của 20 vị Tỳ-kheo để “khai xuất tội (abbhāna).” Kiền-độ này chia làm bốn phần: Thi hành biệt trú (履行别住), bản nhật trị (本日治), Ma-na-đỏa (摩那埵), xóa tội (出罪) v.v... với các hành vi hạn chế. Trong thời gian biệt trú hoặc ma-na-đỏa nếu lại phạm Tăng tàn thì áp dụng bản nhật trị (本日治, mūla paṭikassana). Số ngày người biệt trú hoặc Ma-na-đỏa được bắt đầu tính từ đây, nếu có che giấu thì hành biệt trú hợp nhất (合一别住). Tương tự, biệt trú hay Ma-na-đỏa trước đó hoàn toàn vô hiệu. Trong thời gian biệt trú hay Ma-na-đỏa được tính bằng số ngày che giấu. Ví dụ, biệt trú mười lăm ngày nhưng lại phạm Tăng tàn vào ngày thứ hai và che giấu được năm ngày, tức trong thời gian biệt trú mười lăm ngày và năm ngày. Nếu lấy thời gian khá dài thì bắt đầu biệt trú mười lăm ngày. Đây gọi là biệt trú hợp nhất (合一别住).

chủ đề về biểu quyết Tăng đoàn (P. Kammakkhandhaka, 羯磨犍度, yết-ma kiền-độ): Một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) quy định về “yết-ma” (羯磨), tức biểu quyết của Tăng đoàn. Chiêm-ba kiền-độ (瞻波犍度) trong “Đại phẩm” thuyết minh nguyên tắc hội họp của Tăng đoàn, chẳng hạn, phương thức hội họp của Tăng đoàn và số người, đang khi yết-ma kiền-độ chú trọng vào việc giảng giải hội họp của Tăng đoàn có liên quan tội tố giác, trong đó liệt kê ra năm phương thức hội đồng Tăng đoàn tố giác Tỳ-kheo phạm giới. Có 5 loại biểu quyết chính gồm: (i) Biểu quyết quở trách (P. tajjanīyakamma, 呵責羯磨, ha trách yết-ma), (ii) Biểu quyết về y chỉ (P. nissayakamma, 依止羯磨, y chỉ yết-ma), (iii) Biểu quyết trục xuất (P. pabbājanīyakamma, 驅出羯磨, khu xuất yết-ma) (iv) Biểu quyết xin lỗi (P. paṭisāraṇīyakamma, 道歉羯磨, đạo khiểm yết-ma), (v) Biểu quyết cử tội (P. ukkhepanīyakamma, 舉罪羯磨, cử tội yết-ma).

chủ đề về da thuộc (皮革犍度, Cammakkhandhaka): Một trong mười kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) trong Đại phẩm (Mahāvagga, 大品) quy định cách sử dụng đồ dùng làm bằng da thuộc, đặc biệt là giày dép của Tỳ-kheo, cách sử dụng giày trong 3 tình huống như đại tiện, tiểu tiện, xả nước.

chủ đề về dứt tranh chấp (P. Samathakkhandhaka, 滅諍犍度, diệt tránh kiền-độ): một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc sách Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) của Luật tạng Pali, giới thiệu về chi tiết bảy pháp diệt tránh (七灭諍) trong Đại phân tích (大分别). Pháp diệt tránh trong Đại phân tích (大分别) liệt kê ra bảy nguyên tắc có khả năng kết thúc mọi tranh chấp, đang khi trong Tiểu phẩm còn đề cập nguyên nhân thành lập giới và trường hợp vi phạm. (i) Nguyên tắc đối mặt (當面法則), (ii) Nguyên tắc ký ức (記憶法則), (iii) Nguyên tắc không có tội (無過法則), (iv) Nguyên tắc tự bạch (自白法則), (v) Nguyên tắc theo số đông (服從多数法則), (vi) Nguyên tắc điều tra (調查法則), (vii) Nguyên tắc hủy bỏ (撤銷法則).

chủ đề về Kiều-thưởng-di (P. Kosambikkhandhaka, 喬賞彌犍度, Kiều-thưởng-di kiền-độ): Một trong mười kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) trong Đại phẩm (Mahāvagga, 大品)nói về về sự rạn nứt, phân hóa nội bộ Tăng đoàn tại nước Kiều-thưởng-di. Nguyên nhân của sự tan rã Tăng đoàn là do ý kiến của người phạm tội, người tố giác không hội họp, dẫn đến Tăng đoàn phân làm hai phe, một phe cho rằng Tỳ-kheo đó vô tội, phe còn lại cho rằng Tỳ-kheo đó có tội. Khi đức Thế Tôn đến hòa giải thì hai phe Tỳ-kheo đều tự mở phiên họp, sau đó tình huống lại nghiêm trọng thêm, hai bên tranh cãi không ngừng, thậm chí đánh nhau. Đức Thế Tôn đến hòa giải một lần nữa  nhưng các Tỳ-kheo dường như không nghe lời khuyên răn, đức Thế Tôn đã rời khỏi Kiều-thưởng-di. Các cư sĩ ở Kiều-thưởng-di biết việc này nên “không cúng dường, không tôn kính” Tăng đoàn tại đây để ngăn chặn sự phân hóa. Các Tỳ-kheo nhân đó đến thành Xá-vệ đảnh lễ Thế Tôn. Nhờ đó, Tỳ-kheo bị tố giác đã tự nhận sai, Tăng đoàn khôi phục sự hòa hợp như trước đó.

chủ đề về năm trăm người (P. Pañcasatikakkhandhaka, 五百人犍度, ngũ bách nhân kiền-độ): ): một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc sách Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) của Luật tạng Pali, giới thiệu quá trình 500 vị La-hán biên tập kinh điển ở thành Vương-xá, trong mùa an cư, do Đại Ca-diếp chủ trì, dưới hình thức vấn đáp. Luật tạng do Ưu-ba-ly trả lời cho các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Năm bộ Kinh Pali do ngài A-nan trùng tuyên. Ngoài ra, còn đề cập về thời điểm, địa điểm, Hội đồng biên tập, bất đồng về cách hiểu giới nhỏ nhặt và nguyên tắc lấy giới luật làm cuộc sống.

chủ đề về nước Chiêm-ba (P. Campeyyakkhandhaka, 瞻波犍度, Chiêm-ba kiền-độ): Một trong mười kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) trong Đại phẩm (Mahāvagga, 大品)quy định về phương pháp biểu quyết của Tăng đoàn tại nước Chiêm-ba và sáu tình huống triệu tập Tăng đoàn nhằm biểu quyết các vấn đề tăng sự như sau: (1) Hòa hợp (和合), (2) Tách chúng (别众), (3) Hòa hợp như pháp (如法和合), (4) Tách chúng như pháp (如法别众), (5) Hòa hợp giống pháp (似法和合), (6) Tách chúng giống pháp (似法别众). Trong tình huống sáu biểu quyết Tăng đoàn nêu trên, chỉ có mục thứ ba “hòa hợp như pháp” là tình huống họp Tăng đoàn thích hợp nhất.

chủ đề về oai nghi (P. Vattakkhandhaka, 儀法犍度, nghi pháp kiền-độ): một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc sách Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) của Luật tạng Pali, nêu ra 13 nguyên tắc sinh hoạt và các uy nghi của người xuất gia: (i) Đến chùa khác ngủ (前往挂单), (ii) Chấp nhận ngủ lại ở chùa khác (接受挂单), (iii) Đi xa (远行), (iv) Phòng ăn (餐厅), (v) Cầm bát (托钵), (vi) Sống ở rừng sâu (住森林处), (vii) Trú xứ (住处), (viii) Phòng tắm (浴室), (ix) Nhà vệ sinh (洗手间), (x) Đệ tử cư xử với giới sư (弟子对待戒师), (xi) Giới sư đối đãi với đệ tử (戒师对待弟子), (xii) Đệ tử đối xử thầy y chỉ (弟子对待依止师), (xiii) Thầy y chỉ đối đãi với đệ tử (依止师对待弟子).

chủ đề về phá hòa hợp Tăng (P. Saṅghabhedakkhandhaka, 破僧犍度, phá tăng kiền-độ): một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc sách Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) của Luật tạng Pali, gồm 3 bài tụng, nói về quá trình Đề-bà-đạt-đa (提婆达多) phá hoại Tăng đoàn, phô trương thần thông, xúi giục vương tử A-xà-thế giết cha và dụ voi lớn hại đức Phật; sự khác nhau giữa: (i) Tăng tránh (P. saṅgharāji, 僧諍) bất hòa dưới 9 người, (ii) phá Tăng (P. saṅghabhedo, 破僧) bất hòa hơn 9 người trong tăng đoàn.

chủ đề về pháp phục (P. Cīvarakkhandhaka, 衣犍度, y kiền-độ): Một trong mười kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) trong Đại phẩm (Mahāvagga, 大品) quy định về cách Tỳ-kheo mặc pháp phục, ba y, dụng cụ lót ngồi (坐垫), áo mưa (雨衣), chất liệu, kiểu mẫu, cách phân phát và ăn mặc. Bài tụng 1 giới thiệu quá trình làm ngành y (行医) của Kỳ-bà (耆婆) trước khi xuất gia. Bài tụng 2 quy định về chất liệu pháp phục, Tỳ-kheo mặc y phấn tảo (粪扫衣), phân phát pháp phục và việc Tăng đoàn phân công các thành viên vào các vai trò người tiếp nhận pháp phục, người quản lý pháp phục, người cất giữ pháp phục, người phân phối pháp phục. Đồng thời còn quy định cách thuốc nhuộm pháp phục, phương pháp, công cụ và phương pháp dùng vải.

chủ đề về tập hợp chúng (P. Samuccayakkhandhaka, 集眾犍度, tập chúng kiền-độ) là một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc sách Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) của Luật tạng Pali, giới thiệu về “biệt trú”, cách chứng minh ý hỷ (ma-na-đỏa), bản nhật trị, xuất tội và cách xử lý các tình huống phạm giới Tăng tàn, gồm: (i) Không che giấu (不覆藏): 6 đêm Ma-na-đỏa là được xóa tội, (ii) Trong lúc biệt trú (xóa tội), phạm Tăng tàn, không che giấu: Bản nhật trị (本日治) thêm 6 đêm Ma-na-đỏa mới được xóa tội, (iii) Trong thời gian Ma-na-đỏa, phạm Tăng tàn, không che giấu: bản nhật trị rồi thêm 6 đêm Ma-na-đỏa mới xóa tội, (iv) Trong lúc biệt trú, phạm Tăng tàn, không che giấu: Hợp nhất biệt trú (合一别住) rồi thêm 6 đêm Ma-na-đỏa mới xóa tội. Ngoài ra, nếu hoàn tục (还俗) trong thời gian biệt trú, về sau, muốn gia nhập lại Tăng đoàn, phải thực hiện số ngày chưa biệt trú.

chủ đề về tụng giới (P.Uposathakkhandhaka, 诵戒犍度, Tụng giới kiền-độ): Một trong mười kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) trong Đại phẩm (Mahāvagga, 大品) quy định phép tắc tụng giới. Bài tụng 1 quy định Tỳ-kheo phải tụng giới (布萨,诵戒; uposatha) và giảng pháp cho cư sĩ vào mồng 8, 14, 15 mỗi tháng. Các Tỳ-kheo cư trú trong ba do-tuần (42 km) thì tụng giới chung một chỗ. Bài tụng 2 quy định về cách tụng giới và địa điểm tụng giới.

chủ đề về tụng giới ngắt khoảng (P. Pātimokkhaṭṭhapanakkhandhaka, 中止戒犍度, trung chỉ giới kiền-độ): một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc sách Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) của Luật tạng Pali, đề cập đến tình huống ngăn chặn kẻ phạm giới che giấu tội trạng và cùng đại chúng tụng giới và các quy định về việc cấm Tỳ-kheo tham gia tụng giới: (i) Tình huống áp dụng tụng giới ngắt khoảng, (ii) Trước khi quở trách (呵責) người khác, nên quan sát bản thân, (iii) Trước khi quở trách người khác, nên có thái độ (态度) thích hợp, (iv) Tránh quở trách sai lầm, (v) Thái độ quở trách đúng đắn, (vi) Tâm lý trước khi quở trách người khác.

chủ đề về tự tứ (P. Pavāraṇākkhandhaka, 自恣犍度, tự tứ kiền-độ): Một trong mười kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) trong Đại phẩm (Mahāvagga, 大品), chỉ có 1 bài tụng duy nhất quy định về cách làm lễ tự tứ trong ngày kết thúc an cư mùa mưa bao gồm thời gian tự tứ (自恣), phương thức cử hành, số người, với biện pháp tạm thích nghi khi gặp phải chướng ngại bởi hoàn cảnh, nhân sự. Lễ tự tứ do Tỳ-kheo trưởng lão chủ trì, luân phiên đề nghị, hỏi thăm đến các Tỳ-kheo cùng an cư, nhằm chỉnh sửa những sai lầm đã phạm trong lúc nhập hạ.

chủ đề về Tỳ-kheo-ni (P. Bhikkhunīkhandhaka, 比丘尼犍度, tỳ-kheo-ni kiền-độ): một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc sách Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) của Luật tạng Pali, đề cập đến tám cung kính (八敬法, bát kỉnh pháp) và các quy định khác. Về phương diện Tăng đoàn (僧团方面): (i) Hạn chế tư cách xuất gia (出家资格限制), (ii) Phương thức thọ giới (受戒方式), (iii) Tụng giới (诵戒), (iv) Sám tội (忏罪), (v) Yết-ma (羯磨), (vi) Dứt tranh chấp (灭諍), (vii) Tụng giới ngắt khoảng (中止诵戒), (viii) Tự tứ (自恣), (ix) Hoàn tục (还俗), (x) Xử lý tài vật (财物的处理). Về  phương diện sinh hoạt (生活方面): (i) Cách đối đáp giữa các Tỳ-kheo (与比丘间的应对之道), (ii) Áo mặc (衣着), (iii) Oai nghi (威儀), (iv) Nguyên tắc sinh hoạt thường ngày (日常生活规则).

chủ đề về thuốc (P. Bhesajjakkhandhaka, 药犍度, dược kiền-độ): Một trong mười kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) trong Đại phẩm (Mahāvagga, 大品), có 4 bài tụng quy định về thuốc chữa bệnh và thức ăn như thuốc chữa đói. Bài tụng 1 giới thiệu tám loại thuốc được phép sử dụng và một số công cụ liên quan thuốc. Bài tụng 2 nói về phương pháp nấu thuốc, phương thức trị bệnh, cách ăn uống; không được ăn thịt người, thịt voi, thịt ngựa, thịt chó, thịt rắn, thịt sư tử, thịt báo, thịt hổ. Chỉ được phép ăn cơm nhão, mật ong. Bệnh nhân có thể ăn đường, người không có bệnh chỉ được phép uống nước đường. Bài tụng 3 nói về nhân duyên cúng dường của tướng quân Tư-kha, quy định Tỳ-kheo không ăn thịt, chỉ được ăn “Tam tịnh nhục” tức loại thịt không thấy, không nghe, không nghi con vật bị giết cho mình ăn.  Bài tụng 4 đề cập đến thức ăn được phép tiếp nhận cúng dường, như năm loại thực phẩm chế biến từ sữa, với các lương thực gạo, đậu v.v… tám loại nước ép phi thời (được uống sau giờ trưa). Bài tụng này còn nói rõ nguyên tắc sử dụng bốn loại thuốc hợp thời (yāvakālika), thuốc phi thời (yāmakālika), thuốc trong bảy ngày (saṭṭāhakālika, 七日药) và thuốc uống trọn đời (yāvajivika, 尽形寿药).

chủ đề về trú xứ (P. Senāsanakkhandhaka, 住所犍度, trú sở kiền-độ): một trong 12 chủ đề trong Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) thuộc sách Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) của Luật tạng Pali, quy định về dụng cụ lót nằm (卧具), dụng cụ lót ngồi (坐具) và năm chỗ ở của Tỳ-kheo: Tinh xá (精舍), nhà trệt (平房), lầu gác (阁楼), phòng ốc (楼房), hang đất (地洞). Liên quan đến phòng xá thì quy định cụ thể từng cái như cửa, cửa sổ, ổ khóa, tường vách, ống thoát nước... cho đến kiểu mẫu của giường, ghế, chất liệu của dụng cụ nằm, dụng cụ ngồi, màu sắc. chọn Tỳ-kheo phân chia dụng cụ nằm và ngồi, bình bát, áo mưa, quy định về giữ gìn dụng cụ nằm và ngồi sạch sẽ, điều thuộc về phạm vi của kiền-độ này.

chủ đề về y công đức (P. Kaṭhinakkhandhaka, 功德衣犍度, công đức y kiền-độ): Một trong mười kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) trong Đại phẩm (Mahāvagga, 大品) quy định về việc nhận y Kaṭhina. Về thời gian mặc y công đức, điều 1 xả vật ghi: “Khoảng thời gian mặc y công đức là 5 tháng” hoặc “Cất giữ nhiều vải dư (存放多余布),” trong Phân tích giới Tỳ-kheo (大分别), trong Phân tích Giới bổn (經分别). Luật Ngũ phần ghi rằng lúc mặc y công đức trước mùa an cư ngày 16 tháng 7, kết thúc vào ngày 15 tháng 11; lúc mặc y công đức sau mùa an cư ngày 16 tháng 8, kết thúc vào ngày 15 tháng 12 (Đại 22: 153c). Như vậy, thời gian mặc y công đức gồm có 4 tháng. Cái gọi là năm tháng trong luật Pāli là bao gồm toàn bộ thời gian y công đức của trước và sau mùa an cư, tức kể từ ngày 16 tháng 7 bắt đầu y công đức trước mùa an cư đến ngày 15 tháng 12 kết thúc y công đức sau mùa an cư, vì thế là 5 tháng. Về thời gian tiếp nhận y công đức, Luật ngũ phần 153c ghi rằng: “nhận y Ca-thi-na có 30 ngày, xả lại có 30 ngày hoặc nhận ngày 17 tháng 7 cho đến ngày 15 tháng 8, xả vào ngày 16 tháng 11 cho đến ngày 14 tháng 12 ” (Đại 23: 206c):

chủ đề: dịch chữ “kiền-độ” (P.khandhaka, 犍度), phân làm hai phần gồm Đại phẩm (Mahāvagga, 大品) và Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品).

chú điệu: Phương ngữ Phật giáo miền Trung chỉ cho người xuất gia ở tuổi mầm non, thiếu nhi, tu học trong chùa thuộc Phật giáo Bắc truyền tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng bình; tương đương với chú tiểu ở các chùa miền Nam. Xem chú tiểu.

Chú giải Luật tạng(Vinaya Piṭaka): Hội thánh điển Pāli (PTS) dịch Anh ngữ và xuất bản khoảng năm 1924-1947, do Takakusu Jujiro (高楠顺次郎), Nagai Makato (长井真琴), Kōgen Mizuno (水野弘元) làm đồng biên tập.

chủ nghĩa nhân đạo: Triết thuyết chủ trương có lòng tử tế, nhân ái, từ thiện đối với con người một cách vô ngã, vị tha và vô tư. Chủ nghĩa nhân đạo kêu gọi từ bỏ các hình thức kỳ thị con người chỉ vì lý do quốc tịch, dân tộc, vị thế xã hội, tôn giáo, ý thức hệ, tuổi tác, giới tính và thiên hướng tình dục; đồng thời vượt lên trên thiên vị, thành kiến và sự phân biệt chủng tộc.

Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Là vị Hòa thượng cao nhất về phương diện quản trị hành chánh của GHPGVN, đứng đầu Hội đồng Trị sự GHPGVN, thay mặt GHPGVN về mặt pháp lý trong các mối quan hệ của GHPGVN ở trong nước và ở nước ngoài. Theo Hiến chương GHPGVN, Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS) có tuổi đời ít nhất 70 tuổi, tuổi hạ ít nhất 45 hạ, là bậc thầy đạo cao đức trọng, có tài đức và năng lực quản trị hành chánh, có kinh nghiệm quản trị hành chánh Giáo hội. Khi Chủ tịch HĐTS có duyên sự đặc biệt phải vắng mặt, sẽ ủy quyền bằng văn bản cho một trong hai Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS để điều hành Hội nghị, Đại hội và các công việc của GHPGVN. Nếu Chủ tịch Hội đồng Trị sự khuyết vị khi chưa hết nhiệm kỳ, thì Ban Thường trực Hội đồng Trị sự (HĐTS) tổ chức Hội nghị bất thường của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, để suy cử một trong hai Phó Chủ tịch Thường trực đảm nhiệm chức vụ Quyền Chủ tịch HĐTS để điều hành công tác Phật sự và tiến hành thủ tục suy cử chính thức tại Hội nghị thường niên Trung ương Giáo hội gần nhất. Từ khi thành lập vào năm 1981 đến nay, GHPGVN có các đời Chủ tịch HĐTS: (i) HT. Thích Trí Thủ (1909–1984) làm Chủ tịch các năm 1981–1984, (ii) HT. Thích Trí Tịnh (1917–2014) làm Chủ tịch các năm 1984–2014, (iii) HT. Thích Thiện Nhơn (1950– nay) làm Quyền Chủ tịch vào năm 2014 và Chủ tịch từ năm 2015– nay.

chú tiểu: Phương ngữ Phật giáo miền Nam chỉ cho người xuất gia nam ở tuổi mầm non, thiếu nhi, tu học trong chùa thuộc Phật giáo Bắc truyền, tương đương với chú điệu trong các chùa ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng bình. Thông thường phía trên trán của các chú tiểu còn chừa một chỏm tóc, tượng trưng cho nghiệp phàm còn sót lại, chưa trọn vẹn thanh tịnh như các vị tăng sĩ đã tiếp nhận giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Các chú tiểu dù được xuất gia, mặc áo cà-sa nhưng chưa thọ giới Sa-di nên chưa đắp y. Xem “cô tiểu.”

chùa ba mái: Kiểu kiến trúc chùa có ba mái che, tăng giá trị mỹ thuật.

chùa bảy mái: Kiểu kiến trúc chùa có bảy mái che, tăng giá trị mỹ thuật như chánh điện của Pháp viện Minh Đăng Quang ở TP.HCM.

chùa bốn mái: Kiểu chùa 1 tầng bao gồm 1 lớp mái làm thành 4 mặt, trong đó, 2 mặt mái chữ A nằm ở 2 bên đầu hồi, cùng 1 mặt mái trước.

chùa chữ Công: Kiểu kiến trúc chùa có nhà chánh điện (正殿) và bái đường (拜堂) còn gọi là tiền đường (前堂) song song với nhau, tạo thành hình chữ Công (工). Gian nhà nối tiền đường (前堂) và hậu đường (後堂) là nhà Thiêu hương (燒香) tức là nơi làm lễ của Tăng, Ni và Phật tử. Đây là kiểu chùa gỗ thường gặp ở các chùa miền Bắc và Bắc Trung bộ, có bái đường nối thẳng góc với nhà Tiền đường (前堂) ở phía trước và đầu còn lại nối thẳng góc với nhà Hậu đường (後堂) ở phía bàn thờ Phật. Về chiều dài, thông thường, Hậu đường ngắn hơn Tiền đường.

chùa chữ Đinh: Chùa có điện Phật (chánh điện hay thượng điện) có hình chữ đinh (丁), như hình chữ T trong tiếng Việt. Đây là cấu trúc chùa gỗ có hình chữ T thường gặp ở các chùa miền Bắc và Bắc Trung bộ, có bái đường (拜堂) nối thẳng gốc với nhà tiền đường (前堂). Một số chùa tiêu biểu có kiểu kiến trúc chữ Đinh là chùa Hà, chùa Bộc (Hà Nội); chùa Trăm Gian (Hải Dương); chùa Dư Hàng (Hải Phòng) và chùa Nhất Trụ, chùa Bích Động (Ninh Bình).

chùa chữ nội công, ngoại quốc:  Kiểu chùa có Điện Phật (chánh điện) phía trong hình chữ Công (工) và phía ngoài có khung bao quanh như bộ Vi (口), tạo thành chữ Quốc (囯), theo đó, hai hành lang dài nối liền nhà Tiền đường với nhà Hậu đường làm thành một khung hình chữ nhật, bao quanh nhà thiêu hương, nhà thượng điện hoặc các công trình kiến trúc khác ở giữa. Tiêu biểu của chùa kiểu này gồm có chùa Keo ở tỉnh Thái Bình và chùa Cầu ở Hội An.

chùa chữ Tam: Kiểu chùa có hình chữ Tam (三) tạo thành 3 dãi song song gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Điển mẫu của chùa chữ Tam là chùa Kim Liên ở Hà Nội, chùa Tây Phương ở Hà Tây.

chùa hạ: Còn gọi là hạ điện (下殿) là gian nhà cuối cùng có hình chữ nhật, nằm song song với chùa thượng hay thượng điện (上殿) và chùa trung hay trung điện (中殿) trong cấu trúc chùa hình chữ Tam (三).

chùa hai mái: Kiểu kiến trúc chùa có hai mái che, tăng giá trị mỹ thuật.

chùa Hộ: Gọi đủ là chùa Hộ Pháp, thuật ngữ miền Bắc gọi ngôi nhà thờ các tượng Hộ Pháp, tức nhà Bái đường trong ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc.

Chùa khuôn Giáo hội: như “Chùa khuôn hội.”

Chùa khuôn hội: Ngôi chùa thuộc GHPGVNTN, không có trụ trì, chỉ có Ban hộ tự do Ban Đại diện Phật giáo cấp quận/ huyện bổ nhiệm, có chức năng điều hành các sinh hoạt tu học và nhập thế.

chùa một mái: Kiểu kiến trúc chùa chỉ có một mái che với mỹ thuật đơn giản.

Chùa quốc doanh: Cụm từ hồ đồ được các phương tiện truyền thông khác tôn giáo, các cá nhân, các tổ chức chống phá Phật giáo và chống Cộng cực đoan ở hải ngoại thường sử dụng mà không hề có bất kỳ bằng chứng, căn cứ nào nhằm cố tình vu khống, xuyên tạc các chùa thuộc GHPGVN và gián tiếp xúc phạm nhân phẩm của Tăng, Ni trong nước. Từ “quốc doanh” có nghĩa là doanh nghiệp nhà nước hay xí nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định pháp luật. Từ lúc thành lập vào 11/1981 đến nay, GHPGVN không có ngôi chùa nào tại Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước. Do đó, việc các cá nhân và tổ chức hải ngoại cố tình chụp mũ các chùa của GHPGVN là “chùa quốc doanh” là xuyên tạc, vi phạm đạo đức truyền thông với ý đồ chống pháp Phật giáo.

chùa tám mái: Kiểu chùa chồng diêm gồm có 2 tầng với 2 lớp mái chồng lên nhau.

chùa tháp: Chùa có tòa chánh điện và bảo tháp độc lập nhau như chùa Dâu ở tỉnh Hà Bắc, chùa Phổ Minh ở tỉnh Hà Nam. Ở một chùa, bên cạnh chánh điện có vườn tháp riêng, thờ nhục thân của các cao tăng.

chùa thượng: Còn gọi là thượng điện (上殿) là gian nhà đầu tiên hình chữ nhật, nằm song song với chùa trung hay trung điện (中殿) và chùa hạ hay hạ điện (下殿) trong cấu trúc chùa hình chữ Tam (三).

chùa trung: Còn gọi là trung điện (中殿) là gian nhà chính giữa có hình chữ nhật, nằm song song với chùa thượng hay thượng điện (上殿) và chùa hạ hay hạ điện (下殿) trong cấu trúc chùa hình chữ Tam (三).

chùa: xem “kiến trúc chùa,” “nội thất chùa.”

chúng học pháp (P. sikkhākaraṇīya, S. Śiksākaraṇīya, 眾學法): những điều học, hoặc “điều cần học” (應學法, ưng học pháp) gồm 100 điều nên học đối với Tỳ-kheo và 175 điều nên học đối với Tỳ-kheo-ni theo Luật Tứ phần. Những điều nên học này liên hệ đến oai nghi của Tăng sĩ, mặc pháp phục, ănuống, vệ sinh cá nhân, tôn kính tháp, xá-lợi và cách thuyết pháp cho người tại gia.

chung lâu (鐘樓): như “gác chuông.”

Chúng phó: Chức danh đứng thứ nhì của Đoàn Thiếu nữ, thuộc ngành Thiếu, ngành Thanh thuộc Gia đình Phật tử.

chủng tánh (姓): Tương đương với từ “giai cấp” (caste). Trong hệ thống giai cấp Ấn Độ có 4 chủng tánh/ giai cấp chính gồm (i) Bà-la-môn tức thành phần tư tế tôn giáo, (ii) Sát-đế-lợi tức thành phần vua chúa, tướng lãnh và chiến sĩ, (iii) Phệ-xá tức thương gia, thương nhân, (iv) Thủ-đà-la tức những lao động tay chân, tạp vụ. Xem “bốn giai cấp”.

Chúng trưởng: Chức danh đứng đầu của Đoàn Thiếu nữ, thuộc ngành Thiếu, ngành Thanh thuộc Gia đình Phật tử.

Chung-Hwa Institute of Buddhist Studies: như Viện Nghiên cứu Phật giáo Trung Hoa.

chuổi hạt (P=S. mala, Buddhist prayer beads): Phát xuất từ Ấn Độ, chuổi hạt có hai loại. Chuổi 18 hạt tượng trưng cho 6 giác quan, 6 đối tượng giác quan và 6 nhận thức giác quan. Chuổi 108 hạt là nhập 6 sâu chuổi 18 hạt, tượng trưng cho trí tuệ xóa tan 108 phiền não, khổ đau. Chuổi hạt là dụng cụ được các hành giả Tịnh độ tông sử dụng để niệm Phật nhất tâm, bất loạn.

chuông:

chuyển đổi Hệ phái: Tăng Ni GHPGVN được quyền thực hiện lựa chọn niềm tin Hệ phái để tu học và làm Phật sự. Không ai được xâm phạm quyền lựa chọn niềm tin Hệ phái của Tăng Ni. Ngăn cấm việc lợi dụng danh nghĩa Hệ phái để ép người khác thay đổi niềm tin Hệ phái. Tăng Ni chuyển đổi Hệ phái tu học có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến Thầy Nghiệp sư, hoặc Y chỉ sư của Hệ phái đang tu học, và gửi tới Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.

chữ biểu ý (表意文字): như “chữ chỉ sự.”

chữ chỉ sự (指事文字): Còn gọi là chữ biểu ý (表意文字), một trong sáu cách viết chữ Hán (六書, lục thư) theo cách diễn tả sự việc, nhờ đó, nhìn có thể biets, quan sát có thể thấy. Ví dụ, chữ thượng (上), chữ hạ (下) có cách viết đối lập nhau. Hoặc chữ bản (本) diễn tả ý nghĩa "gốc rễ của cây" được viết bằng chữ mộc (木) và thêm gạch ngang ở dưới nhằm diễn tả ý nghĩa "ở đây là gốc rễ".

chữ chuyển chú (轉注文字): Một trong sáu cách viết chữ Hán (六書, lục thư) là những chữ cùng bộ thủ, có ý nghĩa liên hệ nhau hoặc giống nhau.  Ví dụ, chữ dược (藥), có nguồn gốc là từ chữ nhạc (樂) tức âm nhạc làm cho con người cảm thấy sung sướng nên chữ nhạc (樂) cũng có âm là “lạc” có nghĩa là vui vẻ. Tương tự, chữ dược (藥) được tạo thành bằng cách ghép thêm bộ thảo (cây cỏ) vào chữ lạc (樂).

chữ giả tá (假借文字): Một trong sáu cách viết chữ Hán (六書, lục thư) là những chữ được hình thành theo cách mượn chữ có sẵn cùng cách phát âm nhưng mang ý nghĩa khác. Ngày nay ta có thể hiểu là từ đồng âm khác nghĩa, tức đọc giống nhau nhưng có nghĩa khác. Ví dụ, chữ đạo (道) có nghĩa là con đường, về sau giả tá thành chữ đạo trong “đạo lý”, hay “đạo đức.” Chữ 令 Lệnh = như trong chữ “mệnh lệnh”, “hiệu lệnh” ==> được mượn làm chữ “lệnh” trong “huyện lệnh”.

chữ hài thanh (諧聲): như “chữ hình thanh.”

chữ hình thanh (形聲文字): Một trong sáu cách viết chữ Hán (六書, lục thư), còn gọi là “hài thanh” (諧聲) chiếm khoảng 80% chữ Hán. Đây là những chữ chỉ sự vật gồm hai phần “hình” và “thanh”, theo đó, phần hình ghi lại hình dạng và phần thanh biểu thị âm của chữ. Ví dụ, chữ vị (味, mùi vị) được kết hợp bởi bộ khẩu 口 chỉ việc liên quan đến ăn hoặc nói, còn thanh phù là chữ vị (未, chưa) cho ta biết chữ này mang ý nghĩa về việc ăn/nói và có âm đọc tương tự như vị 未.

chữ hội ý (會意文字): Một trong sáu cách viết chữ Hán (六書, lục thư) theo cách một chữ có 2 hoặc nhiều phần kết hợp với nhau. Ví dụ, chữ lâm (林, rừng nơi có nhiều cây) được kết hợp bằng hai chữ mộc (木) đứng cạnh nhau, thể hiện rằng rừng có nhiều cây. Chữ sâm (森, rừng rậm có nhiều cây) được cấu tạo bằng cách ghép ba chữ mộc. Chữ minh (鳴, kêu, hót) được hình thành bằng cách ghép chữ điểu (鳥, con chim) bên cạnh chữ khẩu (口, mồm). Chữ  tín (信) có nghĩa là lòng tin, được cấu tạo bởi chữ nhân (人) là người và chữ ngôn (言) có nghĩa là lời nói, theo đó, ngụ ý rằng lời người nói có căn cứ nên có thể tin được.

chữ tượng hình (象形文字): Một trong sáu cách viết chữ Hán (六書, lục thư) dựa vào hình tượng của sự vật mà viết chữ nên dễ nhận biết mặt chữ và ý nghĩa của chữ. Ví dụ, chữ nhật (日) có nghĩa là mặt trời, là hình tròn, trong có lằn sáng nhấp nháy là chữ nhất 一, một nét thuộc dương nên mặt trời còn được gọi là thái dương. Chữ nguyệt (月) có nghĩa là mặt trăng, vốn là hình mặt trăng khuyết, bên trong có chữ nhị 二, hai nét thuộc âm nên mặt trăng cũng gọi là thái âm. Chữ mộc (木) có nghĩa là cây, là hình một cái cây có gốc, rễ, thân, cành. Chữ nhân (人) là hình người đứng dang hai chân.

chữ Vạn (S. swastika, 卍): (1) Biểu tượng cho sự may mắn (cát tường) hay điềm lành (auspiciousness) của đức Phật; (2) Biểu tượng của sự bảo vệ con người khỏi điều xấu ác; (3) Biểu tượng cho đạo Phật hay Phật giáo (Buddhism) hay Chùa Phật giáo (Buddhist Temple) tại các nước Đông Á.

chưa đến một năm: (不滿一歲, bất mãn nhất tuế): chưa đến một năm. Theo quy định này, mỗi năm, các Tỳ-kheo-ni từ 12 tuổi hạ trở lên, chỉ được độ tối đa một đệ tử Ni thọ giới Tỳ-kheo-ni. Điều giới sám hối (pācittiya) thứ 83 trong Giới bản Tỳ-kheo-ni Pali quy định rõ hơn: “Không được tiếp độ 2 đệ tử xuất gia trong một năm” (Yā pana bhikkhunī ekaṃ vassaṃ dve vuṭṭhāpeyya pācittiyaṃ). Mục đích của giới này là nhằm giúp cho các Tỳ-kheo-ni dành nhiều thời gian chăm sóc và hướng dẫn đệ tử một cách chu đáo hơn, mỗi năm chỉ nên độ một người, nhờ đó, các đệ tử xuất gia, nhờ thầy mình chăm sóc kỹ nên được lớn mạnh trong giới luật và trí tuệ, trở thành vị Ni giới hạnh trang nghiêm và hữu dụng đối với Phật giáo và nhân sinh.

Chứng điệp an cư: Giấy chứng nhận do Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN cấp cho Tăng Ni đã hoàn tất 90 ngày an cư mùa mưa tại một trường Hạ hợp pháp do GHPGVN tổ chức.

Chứng điệp thụ giới: Giấy chứng nhận do Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN cấp cho Tăng Ni đã tiếp nhận giới hợp pháp theo Giới luật Phật chế và Nội quy Ban Tăng sự trung ương tại các giới đàn do GHPGVN tổ chức.

chứng ngộ (證悟): Đồng nghĩa với từ “chứng đắc” (證得), “chứng nhập” (證入), “ngộ nhập” (悟入), “ngộ đạo” (悟道), “thành chánh giác” (成正觉), “chứng quả” (證果) hay “chứng bồ-đề” (證菩提) tức đạt được giác ngộ vô thượng (S. abhisaṃbuddha-bodhi), quả vị cao nhất (最高果位) trong Phật giáo.  Chứng ngộ là đạt được quả vị niết-bàn (涅槃果位), không còn khổ đau và sanh tử. Người đạt được “khai ngộ” (開悟) không nhất thiết phải chứng quả. Đối với Thanh Văn thừa thì chứng ngộ là đạt được “tứ hướng” (四向), “tứ quả thánh” (四果), mà cao nhất là “quả A-la-hán” (阿羅漢果) hoặc “quả Phật độc giác” (辟支佛果). Đối với Phật giáo Đại thừa thì chứng ngộ là đạt được quả Bồ-tát (菩薩果) rồi hướng đến quả Phật (佛果) hay quả Phật chánh giác (正觉佛果). Theo Kinh Pháp Hoa (妙法蓮華經), chứng ngộ là thành tựu Phật thừa cao nhất: “Như Lai chỉ dùng một Phật thừa để thuyết pháp cho chúng sanh, không có thừa nào khác, nói chi hai thừa hay ba thừa” (如來但以一佛乘故為眾生說法,無有餘乘若二若三). Đối với thiền tông thì chứng ngộ là tỏ ngộ chân tâm thường trú (常住真心) trong mỗi chúng sanh. Xem “khai ngộ”.

Chương trình sinh hoạt GĐPT: Gồm tất cả các hoạt động như trại, lễ lược, du ngoạn, huấn luyện trong các đơn vị Gia đình Phật tử gồm: (i) Chương trình sinh hoạt tổng quát (cả năm), (ii) Chương trình hàng tháng, (iii) Chương trình sinh hoạt hàng tuần.

Chương trình tu học GĐPT: Chương trình học tập của Đoàn sinh và Huynh trưởng gồm các mục đích cơ bản: Xây dựng nếp sống tinh thần, hoàn thiện phẩm chất đạo đức, nâng cao kiến thức tổng quát, có năng lực chuyên môn và tinh thần sáng tạo để hướng dẫn tu học cho Đoàn sinh Gia đình Phật tử. Chương trình tu học gồm các bộ môn Phật pháp, hoạt động thanh niên, văn nghệ, hoạt động xã hội cho tất cả các bậc học, các ngành (Oanh, Thiếu, Thanh, Huynh trưởng) đã được triển khai cụ thể bằng các đề tài học tập do PBHD/GĐPT/TW ban hành phổ biến. Đây là chương trình học tập theo từng ngành, bậc học (gồm chương trình tu học của Huynh trưởng) gồm có 3 chương trình: (i) Chương trình tổng quát (chương trình cả năm), (ii) Chương trình hàng tháng, chương trình 3 tháng một kỳ, (iii)  Chương trình hàng tuần (còn gọi là chương trình chi tiết) tức từng tuần một trong tháng.

Ðại diện Miền: Trưởng Ban Hướng dẫn Miền là vị Ðại diện Ban Hướng dẫn Trung ương tại Miền đó. Tại khu vực có từ hai (02) đến bốn (04) Gia Ðình, có thể có một Ðại diên Ban Hướng Dẫn Trung ương. Vị Ðại diện do Ðại hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử tại khu vực bầu lên (vị Ðại diện nằm trong thành phần Ban Hướng dẫn Trung ương).

danh (名): 1.Tâm hay tinh thần, dịch nghĩa của từ “nāma” trong tiếng Pali và Sanskrit, chẳng hạn như trong cụm từ “danh sắc” (P=S. nāmarūpa, 名色) tức tâm và phôi thai, hai yếu tố hình thành sự sống của con người. Danh ở đây bao gồm bốn yếu tố “cảm giác” (thọ, 受), tri giác (tưởng, 想), tâm tư (hành, 行), nhận thức (thức, 識); 2. Tên người như trong thành ngữ “thỉnh vấn phương danh” (請問芳名) có nghĩa là “xin hỏi quý danh; 3. Tên gọi sự vật như: “địa danh” (地名) tức tên đất; 4. Nổi tiếng như trong từ “danh nhân” (名人) tức người nổi tiếng, hay thành ngữ “thế giới văn danh” (世界聞名) tức có tiếng tăm trên thế giới; 5. Văn tự.

Danh hiệu Gia đình Phật tử: Được Ban Huynh trưởng chọn lựa và thông qua Ban Hướng Dẫn Miền hay Ðại Diện Ban Hướng Dẫn Trung ương tại Miền.

danh lam thắng cảnh: Ngôi chùa (lam) nổi tiếng (danh) và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc (thắng cảnh). Ngày nay, thuật ngữ này còn chỉ cho các công trình văn hóa, hoặc địa danh có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, khoa học (địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái).

dân ca: Âm nhạc truyền thống, âm nhạc truyền khẩu, là những bài hát cổ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, không rõ người sáng tác. Dân ca là âm nhạc của người bình dân, là thành quả của nhiều tác giả vô danh, được biểu diễn theo phong tục trong thời gian dài.

dấu bàn chân Phật (buddhapāda): tượng trưng cho dấn thân nhập thế đức Phật vì mục đích du hành mang lại hạnh phúc cho nhân loài, thường được khắc trên phiến đá đen hoặc đá xanh cùng với các biểu tượng Phật giáo khác như chữ vạn, pháp luân, Tam bảo v.v…

di chúc: Sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

dị giáo (異教): (1)  đồng nghĩa với “tôn giáo khác” (外道, ngoại đạo) với Phật giáo gồm đạo vô thần như đạo Kỳ-na (耆那教), đạo đa thần gồm đạo Bà-la-môn (婆羅門教), đạo Lão (道教), đạo nhất thần như đạo Cơ-đốc (基督教), (2)  Thuật ngữ Trung Quốc chỉ cho sự bất đồng văn hóa, phong tục, tôn giáo (不同的文化教俗) như trong thành ngữ “năm hoàng đế chủ trương khác lễ nghi và ba vua chủ trương khác văn hóa, phong tục” (五帝殊禮,三王異教, ngũ đế thù lễ, tam vương dị giáo), (3) Đối với Đạo Công giáo, dị giáo là khái niệm chỉ cho “lập trường tôn giáo trái ngược với tín điều của Công giáo, hoặc sai lệch với học thuyết, quan điểm và thực hành trong Công giáo” mà người vi phạm trong thời trung cổ khi bị kết án, sẽ bị những phiên tòa xét xử dị giáo hành hình rất tàn nhẫn, thậm chí xử án tử hình. Kinh thánh Công giáo trong phần Phi-e-rơ 2:1 đề cập về người dị giáo, nội dung dị giáo và hình phạt tử hình kẻ truyền bá dị giáo: "Nhưng đã có nhiều kẻ tiên tri giả xuất hiện trong dân chúng và cũng sẽ có các giáo sư giả trong anh em; họ sẽ bí mật truyền bá các tà giáo nguy hại, lại chối bỏ Chúa là Đấng đã chuộc mình, nhanh chóng chuốc lấy cho mình sự diệt vong." 

Di sản thế giới tại Việt Nam: Gồm ba loại hình: di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới và di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất. Đến năm 2023, Việt Nam có 8 di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới gồm: 2 Di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, 1994, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, 2003), 5 Di sản văn hóa thế giới (Quần thể di tích Cố đô Huế, 1993, Phố cổ Hội An, 1999, Thánh địa Mỹ Sơn, 1999, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 2010, Thành nhà Hồ, 2011) và 1 Di sản thế giới hỗn hợp (Quẩn thể danh thắng Tràng An, 2014).

di sản: Bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác, quyền về tài sản và nghĩa vụ tài sản của người chết.

Di tích cấp tỉnh: Di tích có giá trị tiêu biểu của tỉnh/ thành phố, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký quyết định xếp hạng.

Di tích kiến trúc nghệ thuật: Công trình kiến trúc nghệ thuật, tổng thể kiến trúc đô thị có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn nghệ thuật kiến trúc của một quốc gia.

Di tích khảo cổ: Địa điểm khảo cố có giá trị nổi bật, đánh dấu các giai đoạn phát triển của các văn hóa khảo cổ.

Di tích lịch sử cách mạng: Một bộ phận cấu thành di tích lịch sử văn hóa gồm địa điểm, công trình kiến trúc (nhà ở, đường phố)  được con người tạo nên được sử dụng làm địa đạo, hầm bí mật, gắn liền với sự kiện cụ thể, nhân vật lịch sử.

Di tích lịch sử văn hóa: Công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật. Di tích lịch sử văn hóa là các công trình xây dựng gắn với: (i) Sự kiện lịch sử tiêu biểu về dựng nước, giữ nước, kháng chiến, (ii) Thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc.

Di tích quốc gia đặc biệt: Di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng. Hiện tại, sau 12 đợt xếp hạng, Việt Nam có 128 di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích quốc gia: Di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia, do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký quyết định xếp hạng.

Di tích thắng cảnh: Cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, khoa học (địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái).

di tích: Dấu vết quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và khoa học (địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái). Về phân cấp di tích, hiện nay tại Việt Nam có di tích cấp tỉnh (9.000), di tích cấp quốc gia (4.000), di tích quốc gia đặc biệt (112) và 8 di sản thế giới.

di tinh (): như “xuất tinh.”

Diễn văn Phật đản: Văn bản tưởng niệm cao nhất về Phật đản do Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành trước mùa Phật đản hằng năm

diệt tránh kiền-độ (P. Samathakkhandhaka, 滅諍犍度): như “Chủ đề về dứt tranh chấp.”

diệt tránh kiền-độ (P. Samathakkhandhaka, 灭諍犍度): như “Chủ đề về dứt tranh chấp.”

do-tuần (S=P. yojana, 由旬): đơn vị đo lộ trình của Ấn-độ. Có những cách đokhác nhau: (i) Tính theo câu-lô-xá: Một do tuần bằng bốn câu-lô-xá theo Phẩm Hiện Nghệ (現藝品), thuộc quyển 4, trong Kinh Phương quảng đại trang nghiêm (方廣大莊嚴經) ghi rằng một do tuần bằng tám câu-lô-xá (theo quyển 21 của Hữu bộ Tỳ-nạida (有部毘奈耶), (ii) Tính theo tổng số dặm của Trung Quốc: Theo quyển 2 của Đại đường Tây vực ký (大唐西域記) thì một do-tuần tương đương 40 dặm Trung Quốc, khoảng 30 dặm Ấn-độ, hay 16 dặm đối với Phật giáo. Theo quyển cuối của Tuệ Uyển âm nghĩa (慧苑音義) thì một do tuần bằng 16 dặm hoặc hơn 17 dặm. Theo chú thích của quyển Hữu bộ bách nhất yết-ma (有部百一羯磨), quyển 3, do Nghĩa Tịnh dịch thì 1 do tuần = 32 dặm (theo Ấn-độ) hay 12 dặm (theo Phật giáo), (iii) Theo J. Flect (富烈特) thì 1 do tuần = 19.5 km, hoặc 14.6 km (Ấn-độ) hoặc là 7.3 km (theo Phật giáo), (iv) Theo Major Vost (弗斯特) thì 1 do tuần = 22.8 km, hay 17 km (theo Ấn-độ) hoặc 8.5 km (theo Phật giáo).

do-tuần (S=P. yojana, 由旬): đơn vị đo lộ trình của Ấn-độ. Có những cách đokhác nhau: (i) Tính theo câu-lô-xá: Một do tuần bằng bốn câu-lô-xá theo Phẩm Hiện Nghệ (現藝品), thuộc quyển 4, trong Kinh Phương quảng đại trang nghiêm (方廣大莊嚴經) ghi rằng một do tuần bằng tám câu-lô-xá (theo quyển 21 của Hữu bộ Tỳ-nạida (有部毘奈耶), (ii) Tính theo tổng số dặm của Trung Quốc: Theo quyển 2 của Đại đường Tây vực ký (大唐西域記) thì một do-tuần tương đương 40 dặm Trung Quốc, khoảng 30 dặm Ấn-độ, hay 16 dặm đối với Phật giáo. Theo quyển cuối của Tuệ Uyển âm nghĩa (慧苑音義) thì một do tuần bằng 16 dặm hoặc hơn 17 dặm. Theo chú thích của quyển Hữu bộ bách nhất yết-ma (有部百一羯磨), quyển 3, do Nghĩa Tịnh dịch thì 1 do tuần = 32 dặm (theo Ấn-độ) hay 12 dặm (theo Phật giáo), (iii) Theo J. Flect (富烈特) thì 1 do tuần = 19.5 km, hoặc 14.6 km (Ấn-độ) hoặc là 7.3 km (theo Phật giáo), (iv) Theo Major Vost (弗斯特) thì 1 do tuần = 22.8 km, hay 17 km (theo Ấn-độ) hoặc 8.5 km (theo Phật giáo).

du (P. Telaṃ, 油): dầu ăn.

du (P. Telaṃ, 油): dầu ăn.

du hành (遊行): như “hành cước.”

du phương (遊方): như “hành cước.”

Dụ số 10: như “Đạo dụ số 10.”

Du-già sĩ (瑜伽士): Đồng nghĩa “Du-già sư.”

Du-già sư (瑜伽師): (1) Cao tăng hoặc các bậc thầy của Du-già hành tông, 2) Tăng sĩ thực hành yoga trở thành “yogi” Phật giáo và truyền bá triết lý và pháp tu “chuyển bốn thức thành tám trí” của Tông Du-già, (3) Trong Thiền tông Trung Quốc, Du-già sư được dùng đồng nghĩa với thiền sư (禪師).

dụng cụ lọc nước (濾水, lự thủy): dụng cụ lọc nước. Để tránh việc sát sinh một cách vô tình, đức Phật quy định người xuất gia uống nước cần dùng dụng cụ lọc nước. Sở dĩ có việc làm này là vì với tuệ giác cao siêu của đức Phật đi trước khoa học, Ngài thấy rất rõ một bát nước chứa trong đó vô số các loài vi trùng. Như câu kệ : “Phật nhìn một bát nước, tám mươi bốn ngàn côn trùng”(佛觀一缽水,八萬四千蟲, Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng).

duyên khởi A-lại-da (賴耶緣起): Phật giáo Đại thừa chủ trương rằng con người và động vật đều có thức A-lại-da chứa vô số hạt giống nghiệp khổ và vui, phàm và thánh, tiếp nối từ kiếp quá khứ đến hiện tại và tương lai. Thân phận con người và chúng sanh đều do các hạt giống trong thức A-lại-da quyết định qua thói quen và lối sống.

duyên khởi chân như (真如緣起): Phật giáo Đại thừa cứu cánh chủ trương rằng do chân như tùy duyên mà sanh ra mọi sự vật, hiện tượng (真如隨緣而生萬法) do vậy mọi sự vật và hiện tượng đều là chân như.

duyên khởi nghiệp cảm (業感緣起): Phật giáo Tiểu thừa chủ trương rằng tất cả chúng sanh tạo nghiệp là do lậu hoặc, do nghiệp mà sanh quả khổ, do quả khổ lại tiếp tục tạo nghiệp mới nên bị trôi lăn trong luân hồi không dứt. Vì thế, thân, tâm của chúng sinh và thế giới này đều do nghiệp mà hình thành.

duyên khởi pháp giới (法界緣起): Kinh Hoa Nghiêm chủ trương rằng duyên khởi của mọi sự vật, hiện tượng trong pháp giới là dung thông, tương quan và tương duyên, trùng trùng vô tận, không thể tách rời nguyên nhân đầu tiên. Xem “tông Hoa Nghiêm”.

Dự án những Chiếc lá Cọ mong manh (Fragile Palm Leaves project): Do Hiệp hội thánh điển Pali khởi xướng năm 1994 nhằm làm biên mục (catalogue) và bảo tồn các bản thảo lá cọ Phật giáo ở Đông Nam Á, có từ thế kỷ 5-19. Các bản văn Pali trải qua nhiều thế kỷ được bảo quản đặc biệt trên những chiếc lá cây cọ nối kết với nhau thành bản thảo hoàn chỉnh, do tác động của khí hậu nhiệt đới, đã không còn nguyên vẹn và một số khác bị hư hỏng, thậm chí nhiều bản thảo lá cọ đã bị tháo rời và phá hủy. Từ năm 2001, dự án này được Quỹ Dự án những Chiếc lá Cọ mong manh (Fragile Palm Leaves Foundation) phi lợi nhuận ở Thái Lan bảo trợ nhằm tiếp tục thu tập, lập danh mục, bảo quản, quét thành các định dạng điện tử, góp phần phổ biến hiệu quả hơn kinh văn bằng tiếng Pal của Thượng tọa bộ.

dữ đồng nam, nam tử tương kính ái (與童男、男子相敬愛): cùng trai trẻ, đàn ông yêu quý lẫn nhau.

dữ đồng nam, nam tử tương kính ái (與童男、男子相敬愛): cùng trai trẻ, đàn ông yêu quý lẫn nhau.

Dược kiền-độ (P. Bhesajjakkhandhaka, 药犍度): như “Chủ đề về thuốc.”

dương chi (楊枝): (1) Nhánh dương liễu, (2) tăm xỉa răng.

Dương Viết Đạt (1950-1963): Có nơi ghi là Nguyễn Văn Đạt, 13 tuổi, pháp danh Tâm Thành, một thánh tử đạo Phật giáo trong số 9 thanh thiếu niên bị chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm thảm sát tại Đài phát thanh Huế vào vào lúc 22:00 ngày 08/5/1963 (nhằm mùng 8/4 Quý Mão, PL. 2507), dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Ty trưởng Nội an Thừa Thiên.

đa nhân mích tội tướng tỳ-ni (P. yebhuyyasikā, S. yad-bhūyasikīya, 多人覓罪相): giải quyết tranh chấp bằng sự quyết định theo số đông.

đả tọa (打坐): Thuật ngữ Thiền tông Trung Quốc chỉ cho ngồi thiền (坐禪), đồng nghĩa với các từ “yến tọa” (宴坐), hay “yên tọa” (燕坐), hay “tĩnh tọa” (靜坐).

đa thần giáo (polytheism): Niềm tin và thờ phượng  nhiều vị thần nam và thần nữ vốn được xem là năng lượng siêu nhiên quản lý các hiện tượng, lãnh vực khác nhau, thậm chí vận mệnh con người. Trong đa thần giáo, các vị thần nam và thần nữ khác nhau có thể là đại diện của các lực lượng của tự nhiên hoặc các nguyên tắc của tổ tiên, được xem như là tự trị hoặc là các hiện thân của thần sáng tạo hoặc nguyên lý tuyệt đối siêu việt, biểu hiện nội tại trong tự nhiên. Những người theo thuyết đa thần không phải lúc nào cũng tôn thờ tất cả các vị thần như nhau. Ấn Độ giáo là đa thần giáo thờ nhiều thần linh nhất (33 triệu thần). Các tôn giáo đa thần tiêu biểu gồm Lão giáo, Đạo giáo, tôn giáo dân gian Trung Quốc, Thần đạo Nhật Bản, các tôn giáo truyền thống của châu Phi, tôn giáo Hy Lạp cổ đại, tôn giáo La-mã cổ đại, các tôn giáo của người Mỹ bản địa. Phật giáo không chấp nhận đa thần giáo, vì mọi hiện tượng, sự vật đều do luật nhân duyên chi phối.

Đại Ái Đạo (大爱道): Người yêu quý đạo nhất, cách người Trung Quốc tôn xưng hoàng hậu dì mẫu cũng là mẹ kế của Đức Phật, từ sự kiện bà là hoàng hậu đầu tiên và duy nhất bỏ đời sống cung điện, trở thành nữ tu đầu tiên trên thế giới, mà trong họ tên gốc không có liên hệ gì đến ý nghĩa này. Tên họ của mẹ kế đức Phật là “Ma-ha Ba-xà-ba-đề” (P. Mahāpajāpatī Gotami, S. Mahāprajāpatī Gautamī, 摩訶波闍波提), còn được phiên âm là “Kiêu-đàm-di” (憍曇彌) hoặc Cù-đàm-di (瞿曇彌) nhưng người Việt Nam thường đọc sai và viết sai thành “Kiều-đàm-di.” Về cách tôn xưng, người Trung Quốc gọi bà là Đại Ái Đạo (大爱道), có nghĩa là “người yêu quý đạo [Phật] tuyệt vời nhất, là do dựa vào sự kiện lịch sử bà là người từ bỏ đời sống bà hoàng, trở thành người xuất gia nữ đầu tiên. Bản Hán văn của Kinh tăng nhất A-hàm (增一阿含經) quyển 50 có tựa đề là “Đại Ái Đạo bát niết-bàn phẩm” (大爱道般涅槃品) và Kinh Tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo (大愛道比丘尼經) có mã số trong Tam tạng Đại Chánh là T24n1478, cũng là do dịch thoát nghĩa như nêu trên. Xem “Ma-ha Ba-xà-ba-đề” và “Kiêu-đàm-di.”

Đại Ái Đạo kinh (P. Mahāpajāpatī Sutta, S. Mahāprajāpatī Sutra, 大愛道經), Kinh Đại Ái Đạo.

Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh(大正新脩大藏經, Taishō Shinshū Daizōkyō): Còn gọi là Đại Chánh tam tạng (大正藏, Taishō Tripiṭaka) là ấn bản tam tạng kinh điển bằng chữ Hán cổ, gồm 100 tập, do 2 học giả Takakusu Junjirō và Kaigyoku Watanab, làm chủ biên, xuất bản lần đầu vào năm 1924. Đây là ấn bản chữ Hán đầu tiên có chấm câu, giúp độc giả dễ hiểu nội dung của tam tạng kinh điển và văn học Phật giáo có liên hệ trong tổng tập. Đây cũng là ấn bản được học giả Trung Quốc và quốc tế sử dụng nhiều nhất trong nghiên cứu và giảng dạy. Theo phân loại văn học, tập 1-4 là kinh tạng bộ phái, tập 5-32 là tam tạng Đại thừa, tập 33-44 là chú sớ tam tạng Đại thừa, tập 44b-54b là các tông phái, lịch sử Phật giáo, tự điển Phật học và các tôn giáo khác. Tập 56-84 là sớ giải kinh điển của Phật giáo Nhật Bản. Tập 86-97 là tranh vẽ Phật giáo. Tập 98-100 là tổng mục lục gồm index của các kinh.

đại chúng (大眾): dịch nghĩa của chữ “mahāsaṃgha” trong Sanskrit hoặc chữ “mahāsaṅgha” trong Pali, có nghĩa là cộng đồng Tăng, Ni và Phật tử.

Đại chúng bộ (大眾部): Dịch nghĩa của chữ “Mahāsaṅghika” trong Sanskrit và chữ “Mahāsavghikā” trong Pali, thường phiên âm là Ma-ha Tăng-kỳ bộ (摩訶僧祇部) hoặc gọn hơn là Tăng-kỳ bộ (僧祇部), học thuyết của các tăng sĩ cách tân, đối lập với Thượng tọa bộ (上座部), là một trong 18 hoặc 20 bộ phái Phật giáo thuộc Phật giáo thời kỳ đầu. Theo quyển Dị bộ tông luân luận (異部宗輪論), trong Biên tập kinh điển lần thứ 2, do bất đồng về năm điều của Đại Thiên (大天五事) liên hệ giới luật (vinaya) mà Phật giáo thời kỳ đầu tách thành Thượng tọa bộ (上座部) và Đại chúng bộ (大眾部). Đại chúng bộ tập hợp các Tỳ-kheo theo phái cách tân (革新派比丘), đối lại với Thượng tọa bộ là giáo phái mà các thành viên đều là các trưởng lão trong Tăng đoàn (僧團長老). Đại chúng bộ về sau phát triển thành Phật giáo Đại thừa (大乘佛教) hay còn gọi là Phật giáo Bắc truyền (北傳佛教). Trung tâm chính của Đại chúng bộ là Magadha, về sau phát triển thêm ở Mathura và Karli. Văn hệ chính của Đại chúng bộ là Sanskrit. Đại chúng bộ chủ trương rằng hiện tại là thực hữu (現在實有), quá khứ không có thực thể (過未無體). Về Phật quan, Đại chúng bộ chủ trương rằng: Đức Phật là siêu nhiên (lokottara), sắc thân (rupakaya) của Phật là tuổi thọ của Phật là vô lượng (ananta), đức Phật không ngủ và không có mơ, đức Phật chưa từng nói điều gì vì luôn sống trong định, đức thấu hiểu mọi sự vật. Luật tạng của Đại chúng bộ còn gọi là Luật Ma-ha Tăng-già (Mahāsāṃghika vinaya) là ấn bản luật lâu đời nhất. Sau đức Phật nhập niết-bàn khoảng 200 năm, Đại chúng bộ tách thành ba bộ phái gồm Nhất thiết bộ (一説部), Thuyết xuất thế bộ (説出世部) và Kê dẫn bộ (雞胤部). Cũng trong thời gian đó, từ Đại chúng bộ lại lần lượt tách thành Đa văn bộ (多聞部) và Thuyết giả bộ (説假部). Rồi sau đó, lại tách thành ba bộ phái khác gồm Chế đa sơn bộ (制多山部), Tây sơn trụ bộ (西山住部), Bắc sơn trụ bộ (北山住部). Cuối cùng, lại tách thêm thành Liên đồng bản bộ (連同本部), tổng cộng gồm có 9 bộ phái được tách ra từ Đại chúng bộ. Xem “Thượng tọa bộ.”

Đại đức (大德): (1) Dịch nghĩa của chữ “bhadanta” trong Sanskrit, là từ tôn xưng đức Phật (佛), bậc giác ngộ (覺悟者), Bồ-tát (菩薩), (2) Từ tôn xưng đối với bậc cao Tăng (高僧), Tăng cang (僧綱), trưởng lão Tăng (年長的僧人) như trong từ “Cao tăng đại đức” (高僧大德) bậc cao tăng đức lớn, (3) Trong thời Tùy Đường (隋唐) tại Trung Quốc, “đại đức” là từ chỉ cho “người theo sự nghiệp phiên dịch kinh điển” (從事譯經事業者), (4) Trong thời cận đại, tại Trung Quốc, từ “đại đức” là từ tôn xưng đối với người có đức hạnh (有德有行的人), bất luận là người xuất gia hay tại gia, (5) Danh hiệu của vị Tỳ-kheo từ 1-24 hạ trở lên, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị Trung ương thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành. Vị Tỳ-kheo-ni có giới phẩm ngang với Đại đức được gọi là Sư cô.

Đại đức Tăng (大德僧): (1) Tăng đoàn đức lớn, từ tôn xưng đối với Tăng đoàn, được sử dụng trong các bộ Luật Phật giáo (部律),

đại đức Tăng nghe (大德僧聽): Tăng đoàn đức lớn hãy lắng nghe. Đây là thuật ngữ luật học Phật giáo, thường được sử dụng trong lễ đọc giới nửa tháng một lần, mở đầu cho một đoạn cáo bạch trước Tăng đoàn, trình bày, thưa thỉnh hoặc xin biểu quyết Tăng đoàn về một tăng sự cụ thể nào đó.

Đại giới đàn (大戒壇): Thuật ngữ Phật giáo Việt Nam tương đương với thuật ngữ Phật giáo Hán truyền “tam đàn đại giới”(三壇大戒) chỉ cho nghi thức truyền trao và tiếp nhận giới của người xuất gia bao gồm: (i) Đàn thứ 1 truyền trao giới Sa-di (沙彌), Sa-di-ni (沙彌尼), (ii) Đàn thứ 2 truyền trao giới Tỳ-kheo (比丘), Tỳ-kheo-ni (比丘尼), (iii) Đàn thứ 3 truyền trao giới Bồ-tát (菩薩戒).

đại hòa thượng (大和尚): Cách nói nôm na trong dân gian Trung Quốc chỉ cho: (1) Thầy tu lớn, (2) Hòa thượng lớn, cao tăng.

Đại Hòa thượng (大和尚): Từ tôn xưng Trưởng lão Hòa thượng có tuổi hạ từ 55-60 năm trở lên, có trí tuệ, đạo hạnh, đóng góp cho Phật giáo và phụng sự nhân sinh.

Đại học Phương Nam: Do HT. Thích Tâm Châu và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) thành lập tại Việt Nam Quốc tự, quận 10, TP.HCM vào năm 1967 trong bối cảnh Phật giáo miền Nam chia làm 2 khối, GHPGVNTN khối Việt Nam Quốc Tự (điều hành Đại học Phương Nam) và GHPGVNTN khối Ấn Quang (điều hành Đại học Vạn Hạnh). Viện Đại học Phương Nam có 3 khoa: Khoa Kinh tế - Thương mại, khoa Ngoại ngữ và khoa Văn. Cùng với vận mệnh của các trường đại học tư thục lúc bấy giờ, Đại học Phương Nam ngưng hoạt động từ năm 1975.

Đại học Phương Nam: Do HT. Thích Tâm Châu và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) thành lập tại Việt Nam Quốc tự, quận 10, TP.HCM vào năm 1967 trong bối cảnh Phật giáo miền Nam chia làm 2 khối, GHPGVNTN khối Việt Nam Quốc Tự (điều hành Đại học Phương Nam) và GHPGVNTN khối Ấn Quang (điều hành Đại học Vạn Hạnh). Viện Đại học Phương Nam có 3 khoa: Khoa Kinh tế - Thương mại, khoa Ngoại ngữ và khoa Văn. Cùng với vận mệnh của các trường đại học tư thục lúc bấy giờ, Đại học Phương Nam ngưng hoạt động từ năm 1975.

Đại học Vạn Hạnh: Viện Đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập năm 1964 tại Sài Gòn trong giai đoạn Việt Nam Cộng hòa và bị giải thể vào năm 1975. Năm 1964, tiền thân là Phật học đường Nam Việt mà về bản chất là Trường Cao đẳng Phật học. Một trong những người sáng lập trường Cao đẳng này là Thiền sư Nhất Hạnh. Vào ngày 17/10/1964, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa ký Nghị định số 1805-NĐ/PG/NĐ chính thức thành lập Viện đại học Vạn Hạnh (ĐHVH). Vào ngày 13/11/1964, Viện Hóa đạo GHPGVNTN ký Quyết định số 156-VT/QĐ cử TT. Thích Minh Châu (1918-2012) làm Viện Trưởng, TT. Thích Mãn Giác làm Phó Viện trưởng và ông Đoàn Viết Hoạt làm Phụ tá Viện trưởng. Trụ sở tạm của ĐHVH đặt tại Chùa Pháp Hội và Chùa Xá Lợi ở Saigon. Đến năm 1965, Hồ Hữu Tường được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng. Châm ngôn của ĐHVH là “duy tuệ thị nghiệp.” Một trong các mục tiêu của ĐHVH là “xây dựng nhà giáo dục và làm sống dậy lòng tin của tuổi trẻ.” Niên học đầu tiên 1964-65, ĐHVH chỉ có Phân khoa Phật học và  Phân Khoa Văn Học và Nhân Văn với 696 sinh viên. Năm 1966, ĐHVH khánh thành Tòa nhà 4 lầu làm cơ sở đầu tiên tại 222 Trương Minh Giảng, Saigon gồm có phòng Viện trưởng, các giảng đường, phòng học của sinh viên, Thư viện, Câu lạc bộ, văn phòng các Phân khoa, văn phòng các Nha sở. Niên học 1966-67, mở Trung tâm Ngôn ngữ. Năm 1971, mở Phân khoa giáo dục. Năm 1972, xây dựng tòa nhà C đáp ứng nhu cầu gia tăng của sinh viên. Năm 1974, ĐHVH có cơ sở 2 nhằm đào tạo Phân khoa Khoa học Ứng dụng tại đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận (từ năm 1984, đây là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, 760 Nguyễn Kiệm, P.4, quận Phú Nhuận). Niên học 1967-68, ĐHVH mở Phân khoa Khoa học Xã hội. ĐHVH cấp văn bằng cử nhân đầu tiên vào tháng 5/1969. Về sĩ số sinh viên, năm 1970, ĐHVH có 3.210 sinh viên. Năm 1973, có 3.661 sinh viên. Thư viện ĐHVH có 25.000 quyển sách. Năm 1975, cơ sở 1 của ĐHVH ở đường TRương Minh Giảng được sư dụng làm trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Năm 1984, HT. Thích Minh Châu thành lập Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại cơ sở 2 của ĐHVH; đến năm 1997, đổi thành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.

Đại hội bất thường (1): Đại hội đột xuất của GHPGVNTN do Viện trưởng Viện Hóa đạo triệu tập. Trong trường hợp đặc biệt, do đức Tăng thống triệu tập nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng của GHPGVNTN. Ở cấp Giáo hội Tỉnh, quận huyện, thị xã và xã thì đại hội bất thường do Ban Đại diện triệu tập nhưng phải trình cấp trên biết lý do.

Đại hội bất thường (2): Ở cấp trương ương, đây là đại hội đột xuất do Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN triệu tập nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng của GHPGVN. Ở cấp tỉnh thành, đây là đại hội đột xuất do Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành triệu tập nhằm giải quyết những vẫn đề của Phật giáo cấp tỉnh thành.

Đại hội Đại biểu Phật giáo quận huyện: Do Trưởng Ban Trị sự cấp huyện triệu tập 05 năm một kỳ nhằm mục đích: (i) Tổng kết công tác hoạt động Phật sự trong 05 năm qua, (ii) Thảo luận, ấn định chương trình hoạt động trong 05 năm tới, (iii) Suy cử Ban Trị sự cấp huyện, (iv) Thông qua Nghị quyết Đại hội. Đại biểu chính thức tham dự Đại hội Đại biểu GHPGVN cấp huyện gồm: Thành viên Ban Trị sự; các Ban chuyên ngành trực thuộc Ban Trị sự cấp huyện; đại diện Phật giáo thị trấn, phường, xã; các cơ sở tự viện trực thuộc GHPGVN cấp huyện, theo sự phân bổ của Thường trực Ban Trị sự. Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp huyện quyết định theo đa số Đại biểu có mặt. Đại hội hợp lệ phải có số lượng 2/3 tổng số Đại biểu được triệu tập. Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp huyện được kết thúc trước Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp tỉnh và thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh. Căn cứ kết quả Đại hội, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh ban hành Quyết định chuẩn y nhân sự.

Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc: Đại hội nhiệm kỳ ở cấp cao nhất của GHPGVN, diễn ra 5 năm 1 lần tại Thủ đô Hà Nội. Chức năng của đại hội này nhằm: (i) Tổng kết các hoạt động của GHPGVN trong nhiệm kỳ cũ, (ii) Đề xuất phương hướng hoạt động của GHPGVN trong nhiệm kỳ mới, (iii) Suy tôn các thành viên Hội đồng Chứng minh, (iv) Bầu chọn các thành viên Hội đồng Trị sự và suy cử Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, (v) Thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến chương của GHPGVN, (vi) Thông qua danh sách tấn phong hàng giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, (vii) Thông qua Nghị quyết Đại hội, (viii) Tuyên dương công đức và khen thưởng các Tôn đức Tăng Ni có công với Phật giáo, đất nước và dân tộc. Đại biểu được quyền tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc GHPGVN gồm Thành viên Hội đồng Pháp chủ; thành viên Hội đồng Trị sự; các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh; các tổ chức của GHPGVN tại nước ngoài, theo sự phân bổ của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN. Các quyết định được thông qua tại Đại hội với đa số Đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, trừ trường hợp sửa đổi Hiến chương GHPGVN được quy định ở điều 70 Hiến chương. Chỉ có Đại biểu chính thức của GHPGVN tham gia Đại hội mới được quyền biểu quyết. Đại hội hợp lệ phải có số lượng 2/3 tổng số Đại biểu được triệu tập.

Đại hội GHPGVNTN: Đại hội cấp cao, toàn quốc của GHPGVNTN do Viện trưởng Viện Hóa đạo triệu tập 2 năm một kỳ để: (i) Bầu cử hay lưu nhiệm Viện Hóa đạo, (ii) Kiểm điểm và đánh giá Phật sự, (iii) Ấn định ngân sách chi thu, (iv) Ấn định chương trình hoạt động mới. Số lượng đại biểu được quy định: 5 đại biểu của mỗi Tỉnh, thị xã, 5 đại biểu của mỗi Quận tại Ðô thành Sài Gòn và 10 đại biểu của Miền Vĩnh Nghiêm.

Đại hội khoáng đại bất thường: Được Ban Trị sự trung ương Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam (nay là Hệ phái Khất sĩ) tổ chức vào ngày 17/6/1965 với sự tham dự của đại biểu 5 Giáo đoàn nhằm kiện toàn Ban Trị sự trung ương và tu chỉnh Điều lệ lần 2 gồm 6 chương, 27 điều.

Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh thành: Đại hội cao nhất của GHPGVN tổ chức ở cấp tỉnh thành do Trưởng Ban Trị sự triệu tập 05 năm một kỳ nhằm mục đích: (i) Tổng kết công tác hoạt động Phật sự trong 05 năm qua, (ii) Thảo luận, ấn định chương trình hoạt động Phật sự trong 05 năm tới, (iii) Cung thỉnh Ban Chứng minh, suy cử Ban Trị sự, (iv) Thông qua Nghị quyết Đại hội. Đại biểu chính thức tham dự Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh gồm Thành viên Ban Trị sự; các Ban chuyên ngành trực thuộc Ban Trị sự; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện; các cơ sở tự viện tại địa phương theo sự phân bổ của Ban Thường trực Ban Trị sự. Hội nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh do Trưởng ban Ban Trị sự triệu tập một năm 02 kỳ để sơ kết, tổng kết công tác Phật sự hằng năm và được tổ chức trước khi diễn ra Hội nghị thường niên của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi cần thiết, Trưởng ban Ban Trị sự cấp tỉnh sẽ triệu tập Hội nghị bất thường do Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh đề nghị hoặc 2/3 tổng số thành viên Ban Trị sự đề nghị. Đại hội Đại biểu cấp tỉnh quyết định theo đa số Đại biểu có mặt. Đại hội hợp lệ phải có số lượng 2/3 tổng số Đại biểu được triệu tập. Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh phải kết thúc trước Đại hội Đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự. Căn cứ kết quả Đại hội, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Quyết định chuẩn y nhân sự.

đại kiền-độ (P. Mahākhandhaka, 大犍度): như “Chủ đề lớn.”

Đài kỷ niệm Thánh tử đạo: Cao 6m do GHPGVNTN xây dựng bên bờ sông Hương, ngay đầu múi Nam cầu Trường Tiền, trước Đài phát thanh Huế trước năm 1975 vào ngày khánh đản Phật A-di-đà 17/11 Ất Tỵ 1965. Đài tưởng niệm Thánh tử đạo do Kỹ sư Ngô Nẫm thiết kế gồm 3 phần. Phần đế cao 0,8m, chu vi khoảng 9,91m và đài sen 8 tám (tượng trưng 8 thánh tử đạo). Phần thân là khối lăng trụ bốn mặt, phần dưới đúc hình vuông có cạnh 0,9m, tiến dần lên trên cạnh thu hẹp lại còn 0,77m và chiều cao của tháp là 1,28m. Mặt tháp hướng ra ngã tư, làm bia có ghi: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật lịch 2507, ngày 8.5.1963” ở bên trên, “Giáo hội Thừa Thiên phụng lập” ở phía dưới; và ở giữa ghi pháp danh và thế danh 8 vị Thánh tử đạo vào đêm mùng 8/5/1963, tức đêm rằm tháng 4, PL. 2507. Phần đỉnh cao 1.5m là đài hoa hình lá sen ngược và 3 quả cầu chồng lên nhau biểu trưng cho Phật, Pháp, Tăng. Phía trên đỉnh là bánh xe Pháp 12 căm, bằng đồng, biểu thị 12 nhân duyên. Đài tưởng niệm này được GHPGVN Thừa Thiên Huế trùng làm lễ đặt đá trùng tu ngày 28/11/2010. Khi trùng tu, Đài tưởng niệm Thánh tử đạo vẫn giữ nguyên bản của thiết kế đầu tiên, mở rộng khuôn viên, nâng cao bệ, di dời đài thụt lùi khoảng 2 mét.

đải lọc nước (P. parissāvana, S. parisrvaṇa, 漉水囊): đồ lọc nước dùng để lọc vi trùng trong nước.La-sát (Rākṣasa, 羅剎), tên gọi chung của người loài quỷ dữ. Người nam La-sát thì có hình hài xấu xí thân thể đen thui, đôi mắt màu xanh vàng. Trong khi người nữ Lasát có hình hài rất quyến rũ, xinh đẹp. Sau này, thuật ngữ này còn chỉ cho những người

Đại Phạm thiên vương (S. Mahā-brahmā (-deva), 大梵天王), vua trời Đại Phạm gọi tắt Phạm thiên (S. Brahmā, 梵天).

Đại phẩm (Mahāvagga, 大品): Đối ứng với Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品), là một trong hai phần chính của Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) gồm có 10 kiền-độ sau đây: (i) Chủ đề lớn (P.Mahākhandhaka, 大犍度), (ii) Chủ đề về tụng giới (P. Uposathakkhandhaka, 诵戒犍度), (iii) Chủ         đề về an           cư        mùa mưa (P. Vassūpanāyikakkhandhaka, 雨安居犍度), (iv) Chủ đề về tự tứ (P. Pavāraṇākkhandhaka, 自恣犍度), (v) Chủ đề về da thuộc (P.Cammakkhandhaka, 皮革犍度), (vi) Chủ đề về thuốc (P. Bhesajjakkhandhaka, 药犍度), (vii) Chủ đề về y công đức (P. Kaṭhinakkhandhaka, 功德衣犍度), (viii) Chủ đề về pháp phục (P. Cīvarakkhandhaka, 衣犍度), (ix) Chủ đề về nước Chiêm-ba (P. Campeyyakkhandhaka, 瞻波犍度), (x) Chủ         đề        về        nước    Kiều-thưởng-di (P. Kosambikkhandhaka, 喬賞彌犍度). Xem từng chủ đề nêu trên trong các mục từ độc lập.

Đại phân tích(大分别, Mahāvibhaṅga): Phần quan trọng trong Luật tạng Thượng tọa bộ, gồm 16 chương với phương thức hỏi đáp, ôn tập về nội dung Phân tích Giới bổn, Phân tích giới Tỳ-kheo. Trong đó từ chương 1-8 giống với chương 9-16: (i) Chương quy định (制定章, paññattivāra), (ii) Chương phạm tội (犯罪章, āpattivāra), (iii) Chương mất hư (失坏章, vipattivāra), (iv) Chương thu nhiếp lấy (摄取章, saṅgahitavāra), (v) Chương đi kèm (伴随章, Samuṭṭhānavāra), (vi) Chương tranh chấp (諍事章, adhikaraṇavāra) giải thích rõ 227 giới Tỳ-kheo, (vii) Chương diệt tránh (灭諍章, samathavāra), (ix) Chương tổng kết (总结章, samuccayavāra).

Đại Tăng chánh (大僧正): Từ tôn xưng đối với Tăng chánh (僧正) hay “Tăng chủ” (僧主), thống lãnh Tăng Ni trong một nước.

Đại Tăng đô (大僧都): Từ tôn xưng đối với Tăng đô (僧都), Tăng chánh (僧正) hay Tăng chủ (僧主), thống lãnh Tăng Ni trong một nước.

đại tiên nhơn đạo (大仙人道): đạo của bậc đại tiên. Đây là từ của đạo Lão được sử dụng trong Phật giáo Trung Quốc để chỉ cho đức Phật.

đại tỷ (大姊): (1) Chị cả (trong gia đình), (2) Chị (cách xưng hô lịch sự đối với người phụ nữ đối diện), (3) chị hai, bà chị. Trong ngữ cảnh “đại tỷ” chỉ là cách nói trân trọng đối với người nữ.

Đại Tỳ-kheo-ni (大比丘尼): Tỳ-kheo-ni lớn.

Đài Thánh tử đạo: như “Đài kỷ niệm Thánh tử đạo.”

Đại thừa (S. mahāyāna, 大乘), cỗ xe lớn, còn gọi là “thượng thừa” (上乘), “thắng thừa” (勝乘), “đệ nhất thừa” (第一乘). Thuật ngữ này chỉ cho giáo pháp đưa con người từ bến mê này sang bờ giác ngộ tối cao, mở ra trí tuệ trọn vẹn, nhập thế cứu đời, làm lợi ích cho mọi người, dẫn dắt mọi người hướng đến quả vị cao nhất là quả Phật. Đại thừa còn là khái niệm ngược với Tiểu thừa (S. hīnayāna, 小乘) như Phẩm thí dụ (譬 喻品) thuộc Kinh Pháp Hoa (法華經) ghi: “Nếu có chúng sinh nghe pháp, tin nhận từ Phật Thế Tôn, siêng tu tinh tấn, cầu nhất thiết trí, trí tuệ của Phật, trí tuệ tự nhiên, trí tuệ vô sư, tri kiến Như Lai, lực, vô sở úy, thương xót, nhớ nghĩ, làm an vui cho vô số chúng sinh, lợi ích trời người, độ thoát tất cả, gọi là Đại thừa. Bồ-tát nào cầu Đại thừa thì gọi vị ấy là đại Bồ-tát.

đại vọng ngữ (大妄语): Lời nói tự cho mình là người chứng đắc đạo quả, thánh nhân, giải thoát, siêu phàm nhập thánh, đang khi vẫn đang là người phàm, được xem là hành động lừa dối nghiêm trọng đối với cộng đồng Phật giáo và quần chúng; hễ cố tình vi phạm thì người xuất gia phạm tội tẫn xuất, không được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời. Hậu quả của lời tuyên bố dối này sẽ tạo ra hướng dẫn sai lầm, làm hỏng và ngăn cản sự hướng về giác ngộ, giải thoát của người khác.

đàn chỉ (S. acchaṭa-saṃghāta, 彈指), khảy móng tay. Gồm có bốn nghĩa: (i) Biểu thị sự thành kính vui mừng, (ii) Biểu thị sự thông báo, (iii) Biểu thị sự ưng thuận, (4) Chỉ cho thời gian ngắn ngủ.

đàn-việt (S. dānapati, 檀越), thí chủ (施主), người làm việc thiện, bố thí người nghèo, cúng dường Tam bảo.

đạo ca (1): Ca khúc Phật giáo, bản nhạc Phật giáo. Ca khúc Phật giáo có nội dung về đức Phật thì gọi là Phật ca. Ca khúc Phật giáo có nội dung về thiền thì gọi là thiền ca.

đạo ca (2): Ca khúc Phật giáo được một Giáo hội Phật giáo chọn ca thống nhất trong các lễ hội và sự kiện hành chánh của Giáo hội. GHPGVN (1981 – nay) và GHPGVNTN (1964 – nay) cũng như các giáo hội Phật giáo khác của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại đều sử dụng chung ca khúc “Phật giáo Việt Nam” của nhạc sĩ Lê Cao Phan làm đạo ca. Đạo ca thường được sử dụng trong các lễ hội văn hóa Phật giáo và các lễ hành chánh của Giáo hội Phật giáo nhằm khích lệ tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa Phật giáo Nguyên thủy với Phật giáo Đại thừa, giữa các tổ chức giáo hội Phật giáo tại Việt Nam, nhằm mục đích phát triển Phật giáo và phụng sự nhân sinh.

đạo chủng tính (道種性): Bồ-tát ở giai vị mười hồi hướng, do vì thật sự tu tập phương pháp quán trung đạo mà thông đạt tất cả Phật pháp.

Đạo dụ số 10: Văn bản pháp quy đượcQuốc trưởng Bảo Đại ban hành ngày 6/8/1950, gồm 5 chương 45 điều, quy định về các tổ chức và thành lập các hiệp hội. Trong đó điều khỏa 44 có quy định “Chế độ đặc biệt dành cho các hội truyền giáo Thiên Chúa giáo và Ki-tô giáo, các Hoa kiều Lý Sự Hội, sẽ được ấn định sau”. Điều này đặt các hôi Truyền giáo Thiên Chúa giáo, Ki-tô giáo, các Hoa kiều Lý Sự hội ra khỏi sự điều chỉnh của đạo dụ này. Đạo dụ số 10 là nguồn gốc của bất bình đẳng tôn giáo, mà chính quyền Ngô Đình Diệm muốn sử dụng như một đặc ân dành cho Thiên Chúa giáo và như một gông cùm đối với Phật giáo và các tôn giáo khác. Chính sách thiên vị Thiên Chúa giáo đã có từ thời Pháp thuộc và thời quốc trưởng Bảo Đại, được Việt Nam Cộng hòa tiếp tục áp dụng có mục đích đàn áp Phật giáo, đề cao Thiên Chúa giáo. Trên nguyên tắc, khi chế độ quốc trưởng Bảo Đại đã bị thay thế bằng chính thể Việt Nam Cộng hòa thì Đạo dụ số 10 không còn hiệu lực pháp lý. Ấy thế mà, từ năm 1954 đến 1963, chính phủ Ngô Đình Diệm dựa vào Đạo dụ số 10, ra tay đàn áp Phật giáo và nỗ lực loại trừ Phật giáo ra khỏi bản đồ văn hóa tôn giáo Việt Nam, nhằm từng bước biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo của Việt Nam. Điều 7 của Đạo dụ số 10 quy định rằng các hội đoàn bao gồm “tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu” có thể bị “bác khước không cho phép lập hội mà không cần phải nói rõ lý do.” Đối với các hội đoàn đã cho phép thành lập rồi vẫn có thể bị “bãi đi vì trái điều lệ hay vì lẽ trị an.” Theo điều quy định này, các hội đoàn trong đó có các hội Phật giáo Việt Nam có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào, mà không cần trưng dẫn lý do. Hoặc khi cần trưng dẫn lý do, thì chính quyền có thể viện cớ “vì lẽ trị an”, một khái niệm luật rất mơ hồ, không thể thực thi được công bằng xã hội và tôn giáo, mà trên thực tế đã phá vỡ công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo. Đây là điều mà theo lãnh đạo Phật giáo Việt Nam “Đạo dụ số 10 triệt hạ hết thảy giá trị tôn giáo.” Do vin vào chính sách “vì lẽ trị an” mà chính quyền Ngô Đình Diệm có cớ triệt hạ cờ Phật giáo thế giới vào mùa Phật đản 1963, biểu tượng tâm linh của Phật giáo toàn cầu, nhằm chứng minh Thiên Chúa giáo là “Công giáo” ở Việt Nam, mà trên thực tế chỉ là một tôn giáo thiểu số. Điều 44 của Đạo dụ số 10 quy định về một “chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên chúa và Gia-tô”. Sự thiên vị được đặt trên “căn bản pháp lý của thực dân pháp.” Theo lãnh đạo Phật giáo Việt Nam năm 1963, các điều 10 và điều 12 đã làm cho các tôn giáo ngoài Thiên Chúa giáo và Ki-tô giáo “bị kiểm soát một cách cực kỳ nghiêm khắc, bởi bất cứ nhân viên nào của Hành chính và Tư pháp.” Việc duy trì và áp dụng Đạo dụ số 10 đã tạo tình trạng thiên vị Thiên Chúa giáo và Gia-tô giáo, đang khi đàn áp Phật giáo, khủng bố Tăng Ni, bắt bớ tín đồ, gây bất ổn tôn giáo, chính trị và xã hội tại miền Nam Việt Nam.

đạo đức Huynh trưởng: Thể hiện qua các vai trò như sau: (i) Làm con hiếu thảo, (ii) Làm cha mẹ nhân từ, (iii) Làm anh chị độ lượng, (iv) Làm vợ chồng chung thủy, (v) Làm em thuận hòa, (vi) Làm công dân lương thiện, gương mẫu vì lợi ích của cộng đồng, trung thành và bảo vệ tổ quốc.

đạo kỳ: Lá cờ Phật giáo. GHPGVN (1981 – nay) và GHPGVNTN (1964 –) cũng như các giáo hội Phật giáo khác của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại đều sử dụng lá cờ Phật giáo thế giới gồm 05 màu, chia thành 06 ô dọc. Năm ô đầu có các màu theo thứ tự: xanh, vàng, đỏ, trắng, vàng cam. Ô thứ 06 chia thành 05 ô ngang, có 05 màu theo thứ tự: xanh, vàng, đỏ, trắng, vàng cam. Năm màu tượng trưng cho 05 pháp: Niềm tin, tinh tấn, chánh niệm, thiền định, trí tuệ.

Đạo luật ân nghĩa và nhân nghĩa: Tên gọi khác của “Ngọc Phật Hồ Chí Minh.”

Đạo nhân thống (道人統): Tương đương chức danh Tăng thống, được sử dụng trong thời Bắc Ngụy, Trung Hoa.

Đạo Phật Khất sĩ: Được Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập năm 1947 tại Mỹ Tho và lúc đầu hành hóa tại Đồng bằng Sông Cửu Long, về sau phát triển ở nhiều tỉnh thành. Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập có thể được xem là một hình thái đạo Phật “Dung hợp tinh hoa” của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền tại Việt Nam. Về Nam truyền, Hệ phái Khất sĩ qua việc giữ truyền thống “Tam y, khất thực, không giữ tiền bạc, thực tập thiền quán, không đặt nặng nghi lễ”, đã phát triển nhanh hơn và mạnh hơn Phật giáo Nam truyền tại Việt Nam, nhờ vào tiếp biến văn hóa Việt Nam. Về Bắc truyền, Hệ phái Khất sĩ qua việc tiếp thu “văn hóa ăn chay, tụng kinh sám Đại thừa, không truyền bá mê tín”, đã phát triển vượt trội hơn một số giáo phái Đại thừa tại miền Nam Việt Nam, nhờ vào cách làm đạo thuần Việt, giản dị và dễ hiểu. Nhờ chủ trương hòa hợp, Hệ phái Khất sĩ không chỉ có mặt trong dòng chảy chính thống của Phật giáo Việt Nam, mà còn góp phần tích cực trong việc xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức Phật giáo thống nhất các trường phái và hệ phái Phật giáo đúng nghĩa, sau năm 1981. Với hơn 7 thập niên hình thành, tồn tại và phát triển tại Việt Nam và trên thế giới, Hệ phái Khất sĩ với những thành công và hạn chế nhất định đã trở thành mô hình làm đạo đáng tham khảo về phương diện học đạo, tu đạo, hành đạo, phụng sự nhân sinh của các cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

đạo quả (道果): = quả vị.

đạo sư (S. guru, 導師): Thường phiên âm là “cổ-lỗ” (古魯), có nghĩa là bậc thầy dạy đạo, người thầy giúp tìm ra đạo, hướng đến giải thoát. Từ này chỉ cho bậc thầy có khả năng dẫn dắt sự tu học của đệ tử để đạt được các thành tựu tâm linh. Đức Phật là bậc đạo sư vĩ đại nhất trong các truyền thống tâm linh từ trước đến giờ. Các vị chân sư (真師) ngày nay có giảng kinh, thuyết pháp, tổ chức khóa tu, tháo mở và chuyển hóa các phiền não đều được gọi là đạo sư.

Đạo nghĩa tình dân tộc: Tên gọi khác của “Ngọc Phật Hồ Chí Minh.”

đạo, đời (道俗): (1) Đạo Phật và thế tục, (2) Con đường xuất gia và con đường tại gia, (2) Chủ trương nhập thế của Phật giáo: vui đạo giữa đời thường.

đạo, tục (道俗): (1) Đạo và đời, (2) Cộng đồng xuất gia (出家眾, xuất gia chúng) và cộng đồng tại gia (在家眾, tại gia chúng).

đặc cách tấn phong Giáo phẩm: Nội quy Ban Tăng sự trung ương GHPGVN cho phép xét đặc cách tấn phong trước 03 năm về hạ lạp và tuổi đời đối với Tăng trong các trường hợp: (i) Chư tôn đức là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, (ii) Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký, (iii) Trưởng ban, Viện trưởng các Ban, Viện Trung ương, (iv) Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, (iv) Tăng Ni trụ trì các Tự viện vùng biên giới, hải đảo đã có thời gian làm Trụ trì ít nhất là 2 năm. Các trường hợp đặc cách tấn phong không thuộc trường hợp đặc cách tại khoản 1, 2 điều 65 Nội quy này thì thực hiện theo quy định tại điều 56 chương IX Hiến chương GHPGVN.

đắc giới (得戒): như “được giới.”

đắc giới hòa thượng (得戒和尚): Đồng nghĩa với “giới hòa thượng”(戒和尚) hay “thọ hòa thượng” (授和尚) có nghĩa là “hòa thượng truyền giới” hay “thầy truyền giới”, tức vị thầy đứng đầu trong “thập sư” (十師) của Tam đàn đại giới (三壇大戒), truyền trao giới Sa-di (沙彌戒) và giới Tỳ-kheo (比丘戒). Yêu cầu tối thiểu về người truyền giới là phải có ít nhất 10 tuổi giới.

đắc giới hòa thượng ni (得戒和尚尼): Ni trưởng hoặc Ni sư truyền trao giới Sa-di-ni (沙彌尼戒), giới Thức-xoa-ma-na (式叉摩尼戒), giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒) trong Tam đàn đại giới (三壇大戒).

Đặng Văn Công (1950-1963): 13 tuổi, một thánh tử đạo Phật giáo trong số 9 thanh thiếu niên bị chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm thảm sát tại Đài phát thanh Huế vào vào lúc 22:00 ngày 08/5/1963 (nhằm mùng 8/4 Quý Mão, PL. 2507), dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Ty trưởng Nội an Thừa Thiên.

đập tay: Cử chỉ tay của hai người đồng giơ một tay, tát lòng bàn tay mình vào lòng bàn tay của người khác ở vị trí ngang đầu. Trong giao tiếp tiếng Anh, khi đập tay, hai người còn nói “give me five” hay “up high”, tượng trưng sự chào mừng, sự chúc mừng.

đầu đao con giống: Kiểu đầu đao có trang trí con giống.

đầu đao con kìm nóc: Kiểu đầu đao có trang trí con kìm nóc.

đầu đao long nghê: Kiểu đầu đao có hình cá chép hóa rồng ở hai đầu bờ nóc.

đầu đao mây: Kiểu đầu đao có trang trí mây, hếch lên bầu trời.

đầu đao phượng hoàng: Kiểu đầu đao có trang trí phượng hoàng đằng vân.

đầu-đà (P=S. Dhūta, 頭陀): Lối sống khổ hạnh về dùng pháp phục, ăn uống và chỗ ở. Hạnh Đầu-đà gồm 12 điều: (i) Lìa xa chỗ ở của người thế tục, sống nơi hoang vắng, yên tĩnh (阿蘭若處, A-la-nhã xứ), (ii) Thường đi khất thực, (iii) Tuần tự khất thực, không phân biệt gia đình giàu nghèo, không cầm bát đứng sát lề cửa của các hộ gia đình, (iv) Chỉ ăn một cử trong ngày, (v) Ăn vừa đủ, không ăn hơn, trong bát chỉ có một nắm cơm, (vi) Không uống nước ép khi qua giờ ngọ, (vii) Mặc y cũ rách, (viii) Chỉ dùng ba y, (ix) Sống ở nghĩa địa, (x) Nghỉ dưới gốc cây, (xi) Ngồi ở đất trống, (xii) Chỉ ngồi không nằm.

đề cao bản thân (P. adhimānā): Đánh giá bản thân mình quá cao, tự bôm phòng giá trị bản thân với mục đích lừa dối là phạm tội. Nghiêm trọng nhất là đề cao bản thân chứng đắc pháp thượng nhân, trở thành thánh nhân là Adhimānā (adhi-mānā): Đánh giá bản thân mình quá cao. Xem “giới không đại vọng ngữ” và “pháp thượng nhân.”

Đệ lục Tăng thống: Tăng thống thứ sáu của GHPGVNTN là HT. Thích Chí Viên (1943 – ) làm Tăng thống từ năm 2020 do nhóm phân hóa Lê Công Cầu suy tôn ở Huế nên bị xem là tiếm danh, không được đại đa số lãnh đạo GHPGVNTN trong nước và nước ngoài công nhận.

Đệ ngũ Tăng thống: Tăng thống thứ năm của GHPGVNTN là HT. Thích Quảng Độ (1928–2020) làm Tăng thống các năm 2011–2020; trước đó, làm Xử lý thường vụ Viện Tăng thống từ 2008 đến 11/2011.

Đệ ngũ Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam: Ni trưởng Tân Liên (1932 – ) làm Trưởng Ni Hệ phái Khất sĩ từ ngày 30/4/2021 (nhằm 19/3 Tân Sửu).

Đệ nhất Chủ tịch HĐTS: Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909–1984) làm Chủ tịch HĐTS GHPGVN các năm 1981–1984.

đệ nhất nghĩa đế (P. paramattha sacca, S. paramārtha satya, 第一義諦), chân lý tuyệt đối.

đệ nhất nghĩa đế (P. paramattha sacca, S. paramārtha satya, 第一義諦), chân lý tuyệt đối.

Đệ nhất Pháp chủ: Pháp chủ đầu tiên của GHPGVN là Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897 –1993) làm Pháp chủ các năm 1981 –1993.

Đệ nhất Tăng thống: Tăng thống đầu tiên của GHPGVNTN là HT. Thích Tịnh Khiết (1890–1973) làm Tăng thống các năm 1964–1973.

Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam: Ni trưởng Huỳnh Liên (19/3/1923–16/4/1987) làm Trưởng Ni Hệ phái Khất sĩ vào các năm 1954–1987.

Đệ nhị Chủ tịch HĐTS: Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917–2014) làm Chủ tịch HĐTS GHPGVN các năm 1984–2014.

Đệ nhị Pháp chủ: Pháp chủ thứ hai của GHPGVN là Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch (1915 – 2005) làm Pháp chủ các năm 1993 –2005.

Đệ nhị Tăng thống: Tăng thống thứ hai của GHPGVNTN là HT. Thích Giác Nhiên (1878–1979) làm Tăng thống các năm 1973–1979.

Đệ nhị Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam: Ni trưởng Bạch Liên (17/11/1924–26/12/1996) làm Trưởng Ni thứ hai của Hệ phái Khất sĩ vào các năm 1987–1996.

Đệ tam Chủ tịch HĐTS: Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (1950 – ) làm Chủ tịch HĐTS từ năm 2015 đến nay; trước đó làm Quyền Chủ tịch HĐTS GHPGVN các năm 2014–2015.

Đệ tam Pháp chủ: Pháp chủ thứ ba của GHPGVN là Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (1917–2021) làm Pháp chủ các năm 2007–2021.

Đệ tam Tăng thống: Tăng thống thứ ba của GHPGVNTN là HT. Thích Đôn Hậu (1905–1991) làm Tăng thống vào các năm 1979–1991.

Đệ tam Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam: Ni trưởng Tạng Liên (1916–2002) làm Trưởng Ni Hệ phái Khất sĩ vào các năm 1996–2002.

đệ tử (弟子): người học dưới sự dẫn dắt và mở trí của một bậc thầy.

Đệ tứ Pháp chủ: Pháp chủ thứ tư của GHPGVN là Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng (1938– ) làm Quyền Pháp chủ từ ngày 31–12–2021 và chính thức suy tôn ngôi vị Pháp chủ GHPGVN vào 30/11/2022.

Đệ tứ Tăng thống: Tăng thống thứ tư của GHPGVNTN là HT. Thích Huyền Quang (1920–2008) làm Tăng thống các năm (2003–2008); trước đó, làm Xử lý thường vụ Viện Tăng thống các năm 1991 –2003.

Đệ tứ Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam: Ni trưởng Tràng Liên (1929 – 28/12/2020) làm Trưởng các năm 2002–2020. Vào năm 2002, Ni trưởng Tràng Liên được suy cử vào Hội đồng Giáo phẩm Chứng minh của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.

đi theo nhóm riêng (加入別眾, gia nhập biệt chúng): hành động gia nhập vào nhóm chia rẽ Tăng đoàn, đi theo chủ trương (主張) và tuyên bố (宣說) chia rẽ Tăng đoàn của một Tỳ-kheo nào đó, rồi bảo thủ và cố chấp với quan điểm này, không chấp nhận hòa hợp tăng. Nếu sau ba lần khuyên răn mà từ bỏ thì tốt, nếu bảo thủ thì phạm Tăng tàn. Xem “ba lần khuyên răn” và “kết phe phái.”

điều cần học (P. sikkha-sajiva-samapanno, 學處, học xứ): Những quy định của đức Phật về sinh hoạt tăng doàn mà người xuất gia cần học, ở nghĩa rộng, bao gồm tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng huệ học. Trong ngữ cảnh giới luật thì “điều cần học” chỉ cho tăng thượng giới học. Trong Luật tạng, ngoại trừ 227 giới Tỳ-kheo ra, còn có  các quy định sinh hoạt trong phần kiền-độ, điều cần học và quy định sinh hoạt mà chỉ trong phần này, không ra từ phạm vi Luật tạng.

điệu chúng: các chú tiểu trong chùa Bắc truyền ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình hoặc những chùa có nguồn gốc từ các tỉnh này.

Điều lệ: xem “Bản Điều lệ.”

đọa lạc tâm (堕落心): như “tâm sa ngã.”

Đoàn du Tăng Khất sĩ đầu tiên: Do Tổ sư Minh Đăng Quang (1923–1954), người sáng lập Đạo Phật Khất sĩ năm 1947, hướng dẫn hành đạo vào rằm tháng bảy Mậu Tý năm 1948, ban đầu có 21 vị từ Vĩnh Long đi du hành đến Sài Gòn–Gia Định–Chợ Lớn (nay là TP.HCM) và miền Đông Nam bộ. Noi theo truyền thống này, Trưởng lão Giác Chánh, nhị Tổ Hệ phái Khất sĩ và các trưởng lão của 6 Giáo đoàn thường tổ chức các Đoàn tu Tăng Khất sĩ đi hành đạo ở nhiều nơi để giới thiệu đạo Phật, giúp nhiều người trở thành Phật tử.  

Đoàn Đại biểu Khất sĩ: Ngày 4–7/11/1981, đoàn Đại biểu Khất sĩ tham dự Đại hội thành lập GHPGVN tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội gồm có: (i) HT. Thích Giác Nhu làm Trưởng đoàn, (ii) HT. Thích Giác Phúc làm Phó Trưởng đoàn, (iii) NS. Tố Liên làm Thư ký đoàn và một số thành viên” khác. Hệ phái Khất sĩ cùng với các hệ phái Bắc tông và Nam tông góp phần hình thành nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

đoản kỳ xuất gia (短期出家): xem “xuất gia gieo duyên.”

đoàn nam Oanh vũ: Đoàn nam của ngành Đồng trong Gia đình Phật tử, từ 6 - 12 tuổi.

đoàn nam Phật tử: Đoàn các em nam Phật tử của ngành Thanh trong Gia đình Phật tử, từ 19 tuổi trở lên. Đoàn Nam Phật tử có từ 2-4 Đội, mỗi đội có từ 6-8 đoàn sinh do Đội trưởng và Đội phó điều khiển.

Đoàn Ni giới: Ni đoàn chính của Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam được thành lập từ năm 1958. Bên cạnh đó, còn có 3 Phân đoàn Ni giới, trong đó, Phân đoàn 1 và Phân đoàn 2 trực thuộc Giáo đoàn IV, trong khi phân đoàn III trực Giáo đoàn III.

đoàn Nữ Oanh vũ: Đoàn nữ của ngành Đồng trong Gia đình Phật tử, từ 6 - 12 tuổi.

đoàn nữ Phật tử: Đoàn các em nữ Phật tử của ngành Thanh trong Gia đình Phật tử, từ 19 tuổi trở lên. Đoàn Nữ Phật tử có từ 2-4 Chúng, mỗi chúng có 6-8 đoàn sinh do Chúng trưởng Chúng phó điều khiển.

đoàn phục: Y phục của Gia đình Phật tử được quy định như sau:(i) Đối vớiHuynh trưởng  Nam và Thanh Thiếu nam: (a) Áo sơ mi lam tay cụt, cổ (bâu) lật, hai túi có nắp và sống túi, có cầu vai, sống lưng, (b) Quần sọt (Short) màu xanh dương đậm, hai túi sau có sống túi và có nắp, (c) Mũ (nón) Tứ ân, (d) Vớ (tất) dài màu lam, dưới đầu gối cho Huynh trưởng. Vớ ngắn màu lam cho Đoàn sinh, (ii) Huynh trưởng  nữ và Thanh Thiếu nữ: (a) Áo sơ mi lam tay dài, cổ lật, hai túi có nắp và sống túi, có cầu vai, sống lưng, (b) Quần tây dài màu xanh dương đậm (không mặc quần rin), nón Tứ ân, (iii) Nam Oanh vũ: Áo sơ mi lam tay cụt, cổ lật, có cầu vai, sống lưng, quần sọt màu xanh dương đậm, hai túi sau, có dây đeo phía sau lưng hình chữ X, nón Tứ ân, (iv) Nữ Oanh vũ: Áo sơ mi lam cổ lá sen, tay phồng cụt, váy màu xanh dương đậm, có dây đeo phía sau lưng hình chữ H, nón tai bèo màu lam.

đoàn sinh ngành Đồng  (Oanh vũ): Có 4 bậc học: Mở Mắt, Cánh Mềm, Chân Cứng, Tung Bay. Mỗi bậc học 1 năm. Ngành Đồng có trại huấn luyện Tuyết Sơn để đào tạo Đầu Đàn – Thứ Đàn.

đoàn sinh ngành Thanh: Có 4 bậc học: Hòa, Minh, Kiến, Trực. Mỗi bậc học 3 năm. Ngành Thanh có trại huấn luyện Tu Đạt Đa – Tỳ Xá Khư để đào tạo Đội trưởng, Đội phó, Chúng trưởng, Chúng phó.

đoàn sinh ngành Thiếu: Có 4 bậc học: Hướng Thiện, Sơ thiện, Trung thiện, Chánh thiện. Mỗi bậc học 1 năm. Ngành Thiếu có trại huấn luyện Anoma – Ni Liên để đào tạo Đội trưởng, Đội phó, Chúng trưởng, Chúng phó.

đoàn sinh: tên gọi đối với các thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử. Đoàn sinh được phân theo độ tuổi với 3 ngành: (i) Ngành Đồng (Oanh): Từ 6 - 12 tuổi, (ii) Ngành Thiếu: Từ 13 - 18 tuổi, (iii) Ngành Thanh: Từ 19 tuổi trở lên. Đoàn sinh chia theogiới tính thì có ngành Nam và ngành Nữ.  Đoàn sinh sinh hoạt không liên tục, nghỉ không có lý do, được Đoàn trưởng nhắc nhở, phê bình  và liên hệ với Phụ huynh để cùng kết hợp giáo dục. Các vi phạm lớn khác có ảnh hưởng xấu cho Gia đình Phật tử được Ban Huynh trưởng bàn bạc trực tiếp với Phụ huynh để giải quyết.

đoàn Thiếu nam: Đoàn các em nam của ngành Thiếu trong Gia đình Phật tử, từ 13 - 18 tuổi. Đoàn Thiếu nam chia từ 2-4 Đội, mỗi đội có từ 6-8 em do Đội trưởng và Đội phó điều khiển.

đoàn Thiếu nữ: Đoàn các em nữ của ngành Thiếu trong Gia đình Phật tử, từ 13 - 18 tuổi. Đoàn Thiếu Nữ chia ra từ 2-4 Chúng, mỗi Chúng cũng có từ 6-8 em do Chúng trưởng, Chúng phó điều khiển.

Đoàn trưởng: Chức danh trong Gia đình Phật tử, có nhiệm vụ thực hiện các phương án tu học, sinh hoạt của Ban Huynh trưởng đề ra, lên chương trình sinh hoạt hàng tuần và trực tiếp điều khiển sinh hoạt Đoàn.

Đô thành, Sài Gòn Gia Định: Miền Quảng Đức của GHPGVNTN.

Đô thống (都統): Tương đương chức danh Tăng thống, được sử dụng trong thời Bắc Ngụy, Trung Hoa.

đồ vứt đi(P. paṃsukūla): đồ rác rưởi, vật dụng bị vất bỏ. Đối với giới trộm cắp, nếu người xuất gia ngộ nhận rằng vật dụng mà mình lụm được là đồ vứt đi, không có dụng ý trộm cắp thì không bị phạm tội trục xuất.

độc giả: Người đọc, bạn đọc.

độc thần giáo (monotheism): như “nhất thần giáo.”

Đội phó: Chức danh đứng thứ nhì của Đoàn Thiếu nam, thuộc ngành Thiếu thuộc Gia đình Phật tử.

Đội trưởng: Chức danh đứng đầu của Đoàn Thiếu nam, thuộc ngành Thiếu, ngành Thanh thuộc Gia đình Phật tử.

đồng âm dị nghĩa: như “từ đồng âm khác nghĩa.”

Đồng bằng Ấn-Hằng: Còn gọi là đồng bằng miền Bắc hay Đồng bằng sông Bắc Ấn Độ, là đồng bằng được đặt theo tên sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Ganges) rất màu mỡ bao gồm  phía bắc và đông của Ấn Độ, một phần của Pakistan, miền nam Nepal và phần lớn diện tích Bangladesh.

Đông độ lục tổ: xem “sáu tổ Đông độ”.

đồng học (同學): người cùng học với mình. Ngoài ra, thuật ngữ này được dùng cho bạn học cùng lớp ở thế tục. Như Phẩm Bồ-tát (菩薩品), thuộc Kinh Duy-ma-cật (維摩詰經) ghi: “Vui gần bạn học” (樂近同學, lạc cận đồng học).

Đông Nam phần: Miền Khánh Hòa của GHPGVNTN.

đồng nhất thuyết giới: như “cùng tụng giới.”

Động sản Quản trị vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Tài chánh GHPGVNTN.

đồng thoại: như truyện cổ tích.

đột-kiết-la (P. dukkaṭa, S. duṣkṛta, 突吉羅): tội đột-kiết-la, thường được dịch là “việc làm ác” (惡作, ác tác) hay “hành vi xấu ác” (惡行, ác hạnh) tức làm các hành vi xấu, không phù hợp với phẩm hạnh Tỳ-kheo.

đơn bàn (單盤): Thuật ngữ dân gian Trung Quốc chỉ cho ngồi bán-già (半跏趺坐), hình thức ngồi thiền bằng cách đặt lòng chân trái lên đùi phải hoặc đặt lòng chân phải lên đùi trái. Xem “ngồi thiền.”

đơn vị Gia đình Phật tử: Để được thừa nhận là một đơn vị GĐPT phải hội đủ: (i) Có tối thiểu hai Huynh trưởng đã qua trại huấn luyện Huynh trưởng A Dục, (ii) Số lượng Đoàn sinh ít nhất phải đủ 2 Đoàn, (iii) Phải kê khai lược trình sinh hoạt và danh sách Huynh trưởng theo mẫu quy định, (iv) Được Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành xem xét chấp thuận trình Ban Hướng dẫn Phật tử và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành  ban hành quyết định công nhận. Một Gia đình Phật tử bị giải tán nếu vi phạm một trong các điều dưới đây: (a) Vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, (b) Không sinh hoạt đúng theo Nội quy Gia đình Phật tử, (c) Không duy trì đủ các điều kiện được quy định tại Nội quy Gia đình Phật tử. Một Gia đình Phật tử bị giải tán phải được Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành xem xét đầy đủ các yếu tố và trình Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành quyết định. Những vật dụng, sổ sách tài chính của Gia đình Phật tử bị giải tán giao cho Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành quản lý.

Đơn xin tự thiêu: Đơn viết tay của Bồ-tát Thích Quảng Đức xin tự thiêu nhằm bảo vệ chánh pháp, đích thân ngài nhờ TT. Thích Đức Nhuận giúp đánh máy và đọc bản thảo vào ngày 27-5-1963. Đơn xin tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức khẳng định năm nguyện vọng Phật giáo và phương pháp bất bạo động là tinh thần đấu tranh chân chánh của Phật giáo Việt Nam như sau: “Tôi tên là Nguyễn Văn Khiết, pháp danh là Thị Thủy, pháp tự là Quảng Đức, tu sĩ Giáo Hội Tăng Già Việt Nam, mang thẻ căn cước số 399703 cấp tại Quận Tân Bình ngày 21 tháng 2 năm 1962, hiện tọa chủ chùa Long Phước, xã Ninh Quang, Khánh Hòa, xác định rằng: (1) Năm nguyện vọng tối thiểu nghi trong Bản Tuyên Ngôn của Tăng, Tín đồ Phật giáo là phản ảnh tinh thần chân chánh của Phật giáo Việt Nam, (2) Nguyện luôn luôn son sắt bền chí với lý tưởng tranh đấu hợp tình, bất bạo động của Phật giáo đồ Việt Nam, (3) Triệt để tuân theo và ủng hộ các cấp lãnh đạo Phật giáo. Và để minh định lập trường của chúng tôi, chúng tôi tự nguyện thiêu đốt thân này nếu Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không làm thỏa mãn nguyện vọng ghi trong Bản Tuyên Ngôn là phản ảnh tha thiết mong cầu của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam. Phật giáo Việt Nam bất diệt ! Lá cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ. Và xin quý Thượng tọa chấp thuận chuyển tới toàn thể tín đồ lời nguyện ước cuối cùng của tôi: Phật tử chúng ta hãy cùng nhau tự giác, tự nguyện, bền chí với sứ mạng duy trì chánh pháp, bảo vệ lá cờ Phật giáo.” Mặc dù không được Giáo hội Tăng già Việt Nam chấp nhận, Bồ-tát Quảng Đức vẫn thầm lặng theo đuổi đại nguyện tự thiêu trên tinh thần vô ngã, vị tha. Những ngày cuối đời tại Chùa Ấn Quang, Bồ-tát tham thiền nhập định, đọc tụng Kinh Pháp Hoa, ôn lại tấm gương của Bồ-tát Dược Vương dùng hỏa quang tam-muội để đốt thân cúng dường chánh pháp. Đứng trước cảnh chính quyền toàn trị Ngô Đình Diệm gây nhiều bất công xã hội, tạo ra bất bình đẳng tôn giáo, bách hại Phật tử, cấm treo cờ Phật giáo thế giới trong ngày đại lễ Phật đản, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã phát tâm đại bi, thiêu thân vì chánh pháp vào lúc 11 giờ ngày 20 tháng 4 (nhuần) Mậu Ngọ (11-6-1963) tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt.

đứng dưới tuyết chặt tay (立雪断臂): = “Thần Quang chặt tay” (神光断臂).

đứng dưới tuyết chặt tay (立雪断臂): = “Thần Quang chặt tay” (神光断臂).

được giới (得戒): Gọi đủ là được giới thể (得戒體), còn gọi là phát giới (發戒), tức tiếp nhận giới của Phật một cách thực chất với sự chấn động tâm thức, phát khởi lý tưởng tu học cao quý. Tự thân của giới luật không có biểu hiện. Trong giới đàn, được tam sư thất chứng (三師七證) trực tiếp truyền trao giới tướng mà không nhận được giới thể thì không được gọi là “được giới.”

đường đầu (堂頭) gọi đầy đủ “Đường đầu Hòa thượng” (堂頭和尚) nghĩa là thầy Bổn sư. Trong phạm vi ngôi chùa, thầy Bổn sư thường cũng là vị trụ trì (住持), phương trượng (方丈).

Fragile Palm Leaves project: như Dự án những Chiếc lá Cọ mong manh.

gác chuông (鐘樓, chung lâu): Còn gọi là tháp chuông, tháp nhỏ để treo chuông, nhằm làm cho tiếng chuông ngân vang và lan xa.

gác chuông Chùa Keo: Tháp gỗ cao 11.04m dùng để treo chuông trong Chùa Keo, tức chùa Thần Quang ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là kiến trúc cổ còn nguyên vẹn với 400 năm tuổi. Đây là gác chuông gỗ đẹp nhất Việt Nam, có 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau với bộ mái gần 100 đàn đầu voi, được xem báu vật của kiến trúc Việt Nam. Bộ khung sườn của gác chuông này làm bằng gỗ liên kết nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đoan loan uống cong với dáng đắc sắc. Tầng một của gác chuông có treo khánh đá cao 1.20m. Tầng hai có quả chuông đồng cao 1.30m với đường kính 1m, đúc vào năm 1686. Tầng ba và tầng thượng treo hai quả chuông nhỏ cao 0.62m với đường kính 0.69m, đức vào năm 1796.

gác trống (鼔樓, cổ lâu): Còn gọi là tháp trống, tháp nhỏ để treo trống bát-nhã, nhàm làm cho tiếng trống chùa được ngân vang, lan xa.

gậy đánh (棒): Gậy được các thiền sư sử dụng đánh nhẹ vào đầu/ thân của thiền sinh nhằm giúp thiền sinh tỉnh ngộ (醒悟). Thiền sư Vô Học Tổ Nguyên (無學祖元) nêu ra 8 loại gậy đánh gồm: gậy thưởng, gậy phạt, gậy tung, gậy đoạt, gậy ngu si, gậy hàng ma, gậy tảo tích, gậy vô tình. Các thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨濟義玄), thiền sư Hoàng Bá Hy Vận (黃檗希運) và thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám (德山宣鑑) là những người nổi tiếng sử dụng gậy thiền để giáo hóa môn đồ. Trong Lâm Tế lục (臨濟錄) có công án sau đây: “Một hôm tại thiền đường, có một vị tăng hỏi: "Thế nào là đại ý Phật Pháp?". Thiền sư Lâm Tế giơ cây phất tử lên. Vị tăng liền hét, sư cũng hét. Vị tăng suy nghĩ, sư liền đánh. Sư nói: "Này mọi người! Phàm là người vì pháp thì không trốn tránh sự tan thân, mất mạng. Lúc ta 25 tuổi ở trong hội của thiền sư Hoàng Bá, khi ba lần hỏi đại ý Phật Pháp thì ba lần ta được ngài Hoàng Bá cho ăn gậy, giống như cây chổi quét vậy. Hôm nay các ông cũng được thưởng gậy, vây ai là người có sở đắc nơi ta?". Lúc đó có vị tăng nói: "Con được". Sư nắm gậy đưa cho vị tăng, tăng định lấy, sư liền đánh.” Sách Thiền lâm loại tập (禪林類集) có công án về cách dùng “gậy đánh” của thiền sư Đức Sơn (德山) như sau: “Đức Sơn bảo đại chúng rằng: Đạo, đạo! Đạo đắc rồi 30 gậy, đạo chưa đắc cũng 30 gậy” (道道!道得也三十棒,道不得也三十棒). Thiền sư Mục Châu (睦州) thấy vị tăng đến liền nói: “công án kiến thành phang cho ông 30 gậy” (見成公案放汝三十棒). Xem “tiếng hét”.

gậy đánh, tiếng hét (棒喝): Thủ thuật được các thiền sư sử dụng nhằm giúp thiền sinh tỉnh ngộ (醒悟) trong tu thiền. Trong tham vấn thiền, thay vì dùng ngôn ngữ giải thích các câu hỏi được thiền sinh đặt ra thì các thiền sư Trung Quốc có khi dùng gậy (棒) đánh nhẹ vào đầu/ thân, có khi dùng tiếng hét lớn (大喝) để xem năng lực phản ứng và giải ngộ (悟解) của thiền sinh mà hóa độ cho thích hợp. Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền là người nổi tiếng sử gậy đánh và tiếng hét để độ thiền sinh một cách rất ứng cơ và hiệu quả. Xem “gậy đánh” và “tiếng hét”.

GHPGVN ở hải ngoại: Các giáo hội Phật giáo, chi hội, hội đoàn có đăng ký và trực thuộc GHPGVN về quản trị hành chánh, có đăng ký hợp pháp ở nước sở tại, hoạt động, tu tập theo Hiến chương GHPGVN.

GHPGVN quận huyện: Tổ chức GHPGVN ở cấp quận huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh do Đại hội Đại biểu GHPGVN cùng cấp suy cử nhằm điều hành các hoạt động Phật sự trong phạm vi quận huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

GHPGVN tỉnh, thành phố: Tổ chức GHPGVN ở cấp tỉnh, thành phố, do Đại hội Đại biểu GHPGVN cùng cấp suy cử nhằm điều hành các hoạt động Phật sự trong từng tỉnh thành trên toàn quốc. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành là cơ quan hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự của GHPGVN trong địa bàn tỉnh. Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thực hiện theo Quy chế hoạt động của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh. Nhân sự Ban Trị sự cấp tỉnh là Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử tại địa phương có uy tín, năng lực làm việc, đạo hạnh tốt, có công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc. Trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ công cử thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Ban Trị sự cấp tỉnh. Việc giới thiệu nhân sự tham gia Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nhiệm kỳ mới phải tiến hành dân chủ, công khai, đầy đủ thành phần đại diện cho GHPGVN trong địa bàn tỉnh.

GHPGVN: Viết tắt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Gia đình Phật tử cấp cơ sở: Thành phần nhân sự Ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử gồm có: Gia trưởng, Liên Đoàn trưởng, Liên Đoàn phó, Thư ký, Thủ quỹ, các Đoàn trưởng và Đoàn phó. Mỗi đơn vị Gia đình Phật tử có ít nhất là 2 Đoàn, mỗi Đoàn ít nhất là 2 Đội, hoặc 2 Chúng (ngành Thanh, Thiếu), hoặc 2 Đàn (ngành Đồng). Mỗi Đoàn có một Đoàn trưởng, một hoặc hai Đoàn phó điều khiển. Số lượng nhiều nhất của mỗi Đoàn là 4 Đội, 4 Chúng, hoặc 4 Đàn. Trường hợp một ngành có số lượng Đoàn sinh đông thì nên lập thêm Đoàn và có Đoàn trưởng, Đoàn phó riêng. Mỗi Đội, Chúng, Đàn có từ 6 đến 8 Đoàn sinh do Đội trưởng, Chúng trưởng, Đầu đàn và Đội phó, Chúng phó, Thứ đàn điều khiển.

Gia đình Phật tử Việt Nam: Tên gọi sơ khai là “Đồng Ấu Phật giáo” và sau đó là “Gia đình Phật Hóa Phổ” (1944), là tổ chức sinh hoạt và giáo dục thanh thiếu niên Phật giáo do Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám sáng lập vào thập niên 1940. Thành phần của Gia đình Phật tử bao gồm: Thanh niên, Thiếu niên, Đồng niên nam nữ có niềm tin Phật, tự nguyện tham gia tổ chức Gia đình Phật tử.  Mục đích của GĐPTVN nhằm: “Đào luyện thanh - thiếu - đồng niên thành Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.” Châm ngôn Gia đình Phật tử: Bi-Trí-Dũng. Khẩu hiệu Gia đình Phật tử: Tinh tấn. Châm ngôn ngành Oanh vũ: Hòa-Tin-Vui. Khẩu hiệu ngành Oanh vũ: Ngoan. Nội dung tu học của GĐPTVN gồm Phật pháp, hoạt động thanh niên, hoạt động xã hội và văn nghệ giải trí. GĐPTVN chia Đoàn Sinh thành 3 độ tuổi khác nhau (Nam, Nữ sinh hoạt riêng biệt làm 2 nhóm khác nhau): Ngành Đồng (Oanh Vũ), ngành Thiếu và ngành Thanh. Ngành Đồng chia làm 4 bậc học: Mở Mắt, Cánh Mềm, Chân Cứng và Tung bay. Ngành Thiếu chia làm 4 bậc học: Hướng Thiện, Sơ thiện, Trung thiện và Chánh thiện. Ngành Thanh chia làm 2 bậc học: Hoà, Trực; ở GĐPT của GHPGVN là Hòa, Minh, Kiến, Trực. Khi Đoàn Sinh Gia đình Phật tử phát nguyện làm Huynh trưởng sẽ tham gia các khoá tu học dài hạn dành cho Huynh trưởng (Kiên, Trì, Định, Lực) và trải qua các trại Huấn luyện kết khóa tương đương (Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang, Vạn Hạnh). Bốn đơn vị đầu tiên của GĐPTVN là Gia đình Tâm Linh, Gia đình Tâm Lạc, Gia đình Thanh Tịnh, và Gia đình Sum Đoàn.  Các Tăng sĩ làm cố vấn giáo lý trong giai đoạn đầu gồm có: Thích Minh Châu, Thích Thiên Ân, Thích Đức Tâm, Thích Chân Trí, Thích Trí Không. Các cư sĩ có công trong giai đoạn đầu gồm Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Lê Cao Phan, Hoàng Thị Kim Cúc, Phan Cảnh Tuân, Văn Đình Hy, Cao Chánh Hựu, Nguyễn Xuân Quyền và Nguyễn Châu. Cuối năm 1960, Việt Nam có: (a) Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Nam Việt, (b) Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử thuộc Giáo hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam, (c) Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử thuộc Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt tại miền Nam. Xem “Năm điều luật ngành Thanh, Thiếu” và “Ba điều luật ngành Oanh.”

Gia đình Phật tử vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Thanh niên GHPGVNTN.

gia nhập biệt chúng (加入別眾): như “đi theo nhóm riêng.”

gia nhập Gia đình Phật tử: Có thể gia nhập GĐPT theo các cách: (i) Đơn xin gia nhập GĐPT phải do cha mẹ hoặc người đỡ đầu hợp pháp ký tên nếu Đoàn sinh dưới 18 tuổi, (ii) Tự ký đơn xin gia nhập Gia đình Phật tử nếu đủ 18 tuổi trở lên và có 2 Đoàn sinh ngành Thanh hoặc 2 Huynh trưởng  giới thiệu, (iii)  Đối với các Gia đình Phật tử đã được công nhận, thì Đoàn sinh sau 3 tháng sinh hoạt tu học liên tục có tiến bộ được phát nguyện đeo Huy hiệu Hoa sen và trở thành Đoàn sinh chính thức của Gia đình Phật tử.

Gia trưởng: Chức danh cao nhất của Gia đình Phật tử. Một Huynh trưởng của Gia đình Phạt tử trên 40 tuổi có đạo đức, uy tín, am hiểu mục đích Gia đình Phật tử và Giáo hội do Ban Huynh trưởng Gia đình mời, được vị Trú trì hoặc Trưởng Ban hộ tự chấp thuận. Gia trưởng có nhiệm vụ: (i) Thu nhận Huynh trưởng và đoàn sinh vào Gia đình, (ii) Hướng dẫn Huynh trưởng hoạt động đúng theo Nội quy GĐPT và hiến chương của GHPGVN, (iii) Giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ Gia đình, (iv) Triệu tập và chủ trì các cuộc họp Ban Huynh trưởng Gia đình, (v) Thay mặt BHT về mặt hành chánh và đối ngoại, (vi) Quan hệ chặt chẻ với vị trú trì, Ban Hộ tự để báo cáo tình hình sinh hoạt tu học và tranh thủ sự hỗ trợ cho Gia đình.

giải thoát (P. Aṭṭha vimokkhā, S. Aṣṭa vimokṣāḥ, 解脫), không còn sanh tử trong luân hồi. Có tám loại giải thoát (八解脫): (i) Sự giải thoát nhờ quán [bất tịnh] với các hình thể do nội tâm nghĩ tưởng về sắc dục (內有色想觀諸色解脫, nội hữu sắc tưởng quán chư sắc giải thoát), tu quán bất tịnh đối với các hình thể bên ngoài nhằm diệt trừ nghĩ tưởng về sắc dục, (ii) Sự giải thoát nhờ quán [bất tịnh] các hình thể bên ngoài do nội tâm không còn nghĩ tưởng về sắc dục (內無色想觀外色解脫, nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát), sự nghĩ tưởng về sắc dục tuy được diệt trừ trong nội tâm nhưng do tham dục trong cõi dục khó cắt đứt nên tu phép quán các hình tướng bất tịnh bên ngoài nhằm sinh khởi tâm nhờm gớm để đạt được sự chấm dứt, (iii) Giải thoát tịch tịnh, thân tác chứng, an trụ một cách đầy đủ (淨解脫身作證具足住, tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ) để huấn luyện căn lành trở nên tròn đầy, xả bỏ tâm quán chiếu bất tịnh ở trên mà tu phép quán tướng tịch tịnh không hai đối với cảnh sắc bên ngoài, nhờ đó, không khởi sinh phiền não, (iv) Vượt lên ý nghĩ về các hình thể, chấm dứt sự nghĩ tưởng mang tính đối đãi, không nghĩ tưởng, tư duy đủ kiểu mà thể nhập vào “không vô biên” với chân không, rỗng rang (超諸色想滅有對想不思惟種種想入無邊空空無邊處具足住解脫, siêu chư sắc tưởng diệt hữu đối tưởng bất tư duy chủng chủng tưởng nhập vô biên không không vô biên xứ cụ túc trụ giải thoát), diệt sạch các nghĩ tưởng về sắc dục mang tính đối đãi, tu hành tướng “không vô biên xứ” mà thành tựu không vô biên, (v) Vượt tất cả chỗ không vô biên mà thể nhập vào chỗ thức vô biên với cái thức rỗng rang, trụ trong giải thoát đầy đủ (超一切空無邊處入無邊識識無邊處具足住解脫, siêu nhất thiết không vô biên xứ nhập vô biên thức thức vô biên xứ cụ túc trụ giải thoát), xả bỏ “tâm thức vô biên”, tu tướng thức không bờ bến để thành tựu, (vi) Vượt tất cả chỗ thức vô biên mà thể nhập vào chỗ “vô sở hữu” với sự không chấp sở hữu, trụ trong giải thoát đầy đủ (超一切識無邊處入無所有無所有處具足住解脫, siêu nhất thiết thức vô biên xứ nhập vô sở hữu vô sở hữu xứ cụ túc trụ giải thoát), vứt bỏ tâm thức vô biên, tu về tướng “vô sở hữu” để thành tựu, (vii) Vượt tất cả chỗ không chấp vật sở hữu, thể nhập vào “chẳng phải ý niệm” (tưởng), “chẳng phải không còn ý niệm” (không tưởng), trụ trong giải thoát đầy đủ (超一切無所有處入非想非非想處具足住解脫, siêu nhất thiết vô sở hữu xứ nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ cụ túc trụ giải thoát), trụ ở tướng chẳng phải không có tưởng (非無想之相, phi vô tưởng chi tướng), (viii) Vượt lên trên tất cả các chỗ chẳng phải tưởng, chẳng phải không tưởng, thể nhập vào diệt thọ tưởng định, thân chứng đắc, trụ trong giải thoát đầy đủ (超一切非想非非想處入想受滅身作證具足住解脫, siêu nhất thiết phi tưởng phi phi tưởng xứ nhập tưởng thâu diệt thân tác chứng cụ túc trú giải thoát), nhàm chán, xả bỏ tri giác, cảm giác; thể nhập vào trạng thái định diệt tận, không còn các hoạt dụng của cảm xúc, ý niệm, tâm tư và thái độ.

Giáo chỉ số 10: Do HT. Thích Quảng Độ, Tăng thống GHPGVNTN ban hành ngày 09/10/2013 tại Thanh Minh Thiền viện nhằm chấm dứt chức vụ Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN (GHPGVNTN) của HT. Thích Viên Định và Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo kiêm Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa đạo GHPGVNTN của HT. Thích Viên Lý; đồng thời thỉnh cử HT. Thích Như Đạt, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo làm Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN và HT. Thích Trí Lãng, Phó Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hóa đạo làm Quyền Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa đạo. Giáo chỉ này được ban hành trong bối cảnh HT. Thích Quảng Độ không chấp nhận tình trạng phạm giới của HT. Thích Chánh Lạc, đang khi HT. Thích Viên Định và HT. Thích Viên Lý muốn đưa Hòa thượng này làm Cố vấn Văn phòng 2 Viện Hóa đạo, thay cho HT. Thích Hộ Giác mới viên tịch. Giáo chỉ số 10 tạo ra sự phân hóa GHPGVNTN và cũng là nguyên nhân thành lập Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hoa Kỳ, tách khỏi GHPGVNTN. Theo đó, HT. Thích Thiện Hạnh (tại Huế) làm Thượng thủ, HT. Thích Chánh Lạc làm Chủ tịch Hội đồng giáo phẩm, HT. Thích Viên Định làm Viện trưởng Hội đồng điều hành. Sau Giáo chỉ số 10, GHPGVNTN ở hải ngoại gần như không còn hoạt động đáng kể nào, ngoài sự phân hóa và loại trừ nội bộ.

Giáo chỉ số 16/GC– HĐCM: Do Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN Thích Trí Quảng ban hành ngày 01/4/2021 về các vấn đề quan trọng của Giáo hội gồm Tăng sự, nhân sự, đồng thời chấn chỉnh việc tấn phong giáo phẩm thuộc GHPGVN. Giáo chỉ này có 3 nội dung: (i) Chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự, chư tôn đức Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Hiến chương GHPGVN, các Nội quy, Thông tư quy định của Giáo hội về các Phật sự liên quan đến Tăng sự, nhân sự Đại hội nhiệm kỳ 2022–2027, (ii) Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc quy trình thủ tục, hồ sơ tấn phong hàng giáo phẩm tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX bao gồm cả việc thống kê, lập danh sách chi tiết và cụ thể chư tôn đức đã được đề nghị tấn phong tại các Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ VIII (2017–2022) để chính thức tấn phong tại Đại hội lần thứ IX, (iii) Trong quá trình thống kê và kiểm tra danh sách chư tôn đức Tăng, Ni đã được tấn phong tại các Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự khoá VIII (2017–2022) nếu Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh phát hiện có sự nhầm lẫn, vi phạm giới luật, quy định Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, thì sẽ không được trao Giáo chỉ tấn phong tại Đại hội lần thứ IX”.

Giáo chỉ số 9: Giáo chỉ GHPGVNTN số 09/VTT/GC/TT do HT. Thích Huyền Quang, Tăng thống GHPGVNTN ký ngày 08/9/2007 (nhằm 27/7 Đinh Hợi) thành lập mới Văn phòng 2 Viện Hóa đạo, đặt trụ sở tại Hoa kỳ nhằm hủy bỏ Quyết Định số 27– VPLV/VHĐ do Quyền Viện trưởng Viện Hóa đạo ký ngày 10/12/1992. Giáo chỉ này gây phân hóa sâu sắc trong nội bộ GHPGVNTN trong nước và hải ngoại, khi nó loại bỏ hầu hết các thành viên ở Hoa Kỳ, Canada, Âu châu, Úc châu và New Zealand ra khỏi GHPGVNTN; chỉ còn lại vài thành viên mà Giáo chỉ này cho là “trung kiên” với đường lối cực đoan gồm ông Võ Văn Ái, giám đốc Phòng thông tin Phật giáo quốc tế (Pháp); TT. Thích Viên Lý trụ trì Chùa Diệu Pháp ( California, Hoa Kỳ, HT. Thích Chánh Lạc trụ trì chùa Như Lai (Hoa Kỳ), HT. Thích Hộ Giác và TT. Giác Đẳng thuộc Chùa Pháp Vân (Houston, Hoa Kỳ) và TT. Thích Thiện Tâm ở Canada.

Giáo chỉ tấn phong: Giáo chỉ do đức Pháp chủ GHPGVN ban hành về vấn đề tấn phong các thành viên Tăng sĩ hội đủ các tiêu chuẩn, chính thức lên hàng giáo phầm của GHPGVN gồm: (1) Tấn phong các Thượng tọa lên giáo phẩm Hòa thượng, (2) Tấn phong các Đại đức lên giáo phẩm Thượng tọa, 93) Tấn phong các Ni sư lên giáo phẩm Ni trưởng, (4) Tấn phong các Sư cô lên giáo phẩm Ni sư.

Giáo chỉ: Công văn của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN, do đức Pháp chủ hoặc Quyền Pháp chủ (trong trường hợp đức Pháp chủ viên tịch) ấn ký trong các dịp quan trọng gồm trước và sau Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc và một số dịp đặc biệt. Giáo chỉ thường có nội dung về Tăng sự và việc tấn phong giáo phẩm của GHPGVN. Cũng có Giáo chỉ nhắc nhở Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành về thực hiện nghiêm Hiến chương GHPGVN và các Nội quy nhằm kiện toàn hệ thống tổ chức và phát triển GHPGVN.

Giáo dục vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Giáo dục GHPGVNTN.

Giáo đoàn (教團): (1) Đoàn thể tôn giáo (宗教團体) hoặc tổ chức tôn giáo (宗教組織) theo nghĩa đen. Trong Phật học, đây là thuật ngữ chỉ đoàn thể các vị Tỳ-kheo cùng tu tập một pháp môn, cùng chia sẻ chân lý theo pháp môn đó, sống thong dong, an lạc giữa đời, năng động trong độ sanh, trị liệu nỗi khổ niềm đau, góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc, bền vững; (2) Thuật ngữ chỉ cho “các chi phái” trực thuộc Hệ phái Khất sĩ được thành lập vào những năm 1957-1971, vài năm khi Tổ sư Minh Đăng Quang thọ nạn, vắng bóng vào năm 1954. Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam được thành lập năm 1966, từ năm 1981 được gọi là Hệ phái Khất sĩ có 6 giáo đoàn Tăng gồm (i) Giáo đoàn do HT. Giác Chánh và HT. Giác Như lãnh đạo, (ii) giáo đoàn do HT. Giác Tánh và HT.  Giác Tịnh thành lập năm 1957-1958, (iii) Giáo đoàn do HT. Giác An thành lập năm 1957, (iv) Giáo đoàn do HT. Giác Nhiên thành lập năm 1957, (v) Giáo đoàn do HT.  Giác Lý thành lập năm 1960, (vi) Giáo đoàn do HT. Giác Huệ thành lập năm 1971, và 1 giáo đoàn Ni có tên gọi là Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam do Ni trưởng Huỳnh Liên thành lập năm 1958.

Giáo đoàn I: Do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập vào năm 1944 và trực tiếp độ Tăng Ni xuất gia, hướng dẫn tu học và hành đạo. Từ năm 1954, kể từ khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, nhị Tổ Giác Chánh tiếp tục lãnh đạo và phát triển Giáo đoàn I từ năm 1954 cho đến ngày viên tịch vào năm 2004. Lịch sử Giáo đoàn I trải qua các giai đoạn: (i) Giai đoạn khởi thủy: 1947–1954 tức đến ngày Tổ sư vắng bóng vào mùng 1 tháng 2 Giáp Ngọ, (ii) Giai đoạn kế thừa (1954–1975), hành đạo dưới phương thức du tăng tại các tỉnh miền Trung, (iii) Giai đoạn hội nhập (1981–2022) tích cực tham gia vào GHPGVN với ngôi vị Đệ nhị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN có HT. Thích Giác Nhường (tỉnh Vĩnh Long) và thành viên HĐCM có HT. Thích Giác Dũng (tỉnh An Giang). Đến năm 2018, Giáo đoàn I có 2 Tổ đình, 21 ngôi Tịnh xá, tịnh thất và hơn 100 vị Tăng, Ni giới thuộc Giáo đoàn I có 11 Tịnh xá và 85 Ni. Trụ sở của Giáo đoàn I hiện nay là Tổ đình Minh Đăng Quang ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Giáo đoàn II: Do HT. Giác Tánh và HT.  Giác Tịnh thành lập vào năm 1957–58, trong giai đoạn đầu chủ yếu hành đạo ở vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Hiện tại, Giáo đoàn II có 12 tịnh xá, chủ yếu ở Hàm Tân, Phan Thiết, Khánh Hòa, Quy Nhơn.

Giáo đoàn III: Do Trưởng lão Giác An thành lập vào năm 1958, chủ yếu hành đạo các tỉnh Tây Nguyên gồm Đak Lak, Gia Lai và Kontum.Trong mùa Vu-lan 1998, dưới sự chứng minh của HT. Thích Giác Ngộ, 2 Phân đoàn Ni giới thuộc Giáo đoàn III đã hợp nhất Phân đoàn Ni 1 và Phân đoàn Ni 2. Nhiệm kỳ 2017-2022 của Giáo đoàn III do HT. Giác Tần làm Tri sự trưởng, HT. Giác Phùng làm Phó Thường trực và 3 vị chứng minh gồm HT. Giác Hùng, HT. Giác Y và HT. Giác Phương.

Giáo đoàn IV: Do HT. Thích Giác Nhiên thành lập vào năm 1957 hoạt động đến năm 1978 khi Hòa thượng định cư ở TP. Westminster, California, Hoa Kỳ. Phát triển chính yếu tại các tỉnh miền Tây Nam bộ gồm BRVT, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang. Vào năm 1982, HT. Giác Huệ tiếp nối Giáo đoàn do HT. Từ Huệ manh nha vào năm 1950 để tiếp tục phát triển Giáo đoàn IV này. Từ tháng 7/2007, Giáo đoàn IV chủ yếu hoạt động rãi rác ở các tỉnh Tây nguyên, miền Trung và Nam.

Giáo đoàn Ni (比丘尼教團): Tức giáo đoàn Tỳ-kheo-ni (比丘尼眾, Tỳ-kheo-ni chúng), ít nhất 4 vị trở lên, giữ giới thanh tịnh, học Phật vững vàng để có trí tuệ, tu tập thiền định để làm chủ thân tâm, có lý tưởng phụng sự, dấn thân độ đời, góp phần xây dựng xã hội an lạc và hạnh phúc. Về phương diện xã hội, việc đức Phật thành lập giáo đoàn Ni mở ra cuộc cách mạng bình đẳng giới đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nâng cao vai trò người nữ về quyền được giáo dục, tham gia xã hội, chính trị, tham gia và lãnh đạo tôn giáo, có khả năng trở thành thánh nhân trong kiếp sống hiện tại này.

Giáo đoàn Ni của Hệ phái Khât sĩ: Từ năm 1958, Hệ phái Khất sĩ đã có Giáo đoàn Ni do Sư cô Huỳnh Liên lãnh đạo. Trong quá trình phát triển, hiện nay, Giáo đoàn Ni của Hệ phái Khất sĩ có 1 Đoàn Ni giới và 3 phân đoàn Ni giới, trong đó, Phân đoàn 1 và Phân đoàn 2 trực thuộc Giáo đoàn IV, trong khi phân đoàn III trực Giáo đoàn III.

Giáo đoàn Phật giáo (佛教教團):

Giáo đoàn Tăng (比丘教團): Tức giáo đoàn Tỳ-kheo (比丘眾, Tỳ-kheo chúng), ít nhất 4 vị trở lên, giữ giới thanh tịnh, học Phật vững vàng, tu tập theo một trường phái hay pháp môn, có lý tưởng phụng sự, dấn thân độ đời, góp phần xây dựng xã hội an lạc và hạnh phúc.

Giáo đoàn V: Do HT. Giác Lý thành lập năm 1960. Hiện tại, Giáo đoàn V có hơn 20 tịnh xá ở các tỉnh Quảng Nam, Cam Ranh, Bình Long, BRVT, TP. HCM, Bến Tre, Vĩnh Long, Gò Công.

Giáo đoàn VI: Do HT. Giác Huệ thành lập năm 1962, đặt trụ sở tại Giảng đường Lộc Uyển (quận 6, TP.HCM). Giáo đoàn VI có 18 tịnh xá và tịnh thất. Ni giới Giáo đoàn VI do Ni trưởng Huỳnh Liên thành lập, đặt trụ sở tại Tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam: Do Sư cô Huỳnh Liên thành lập vào ngày 11/01/1958, dựa vào Bản Điều lệ được Bộ Nội vụ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn duyệt y theo Nghị định số 7/BNV/NA/P5. Về bản chất, đây là một giáo hội độc lập về mặt tổ chức và phát triển, có pháp nhân, pháp lý, đặt dưới sự quản lý Đạo dụ số 10, ngày 6/8/1950. Trụ sở của Giáo hội đặt tại tịnh xá Ngọc Phương (nay là số 491/1 đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, Tp.Hồ Chí Minh). Ban Tri sự sáng lập gồm có: (i) Tri sự trưởng: Sư cô Bạch Liên, (ii)  Tri sự phó: Sư cô Thanh Liên, (iii) Thư ký: Sư cô Thành Liên, (iv) Kiểm soát viên: Sư cô Chơn Liên, (v) Cố vấn: Sư cô Tạng Liên.

Giáo hội Khất sĩ Ni giới: xem “Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam.”

Giáo hội Liên Hoa Khất sĩ: Ba năm kể từ ngày Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (01/02/ Giáp Ngọ), Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Bạch Liên, Ni trưởng Thanh Liên và một số Ni trưởng thành lập Giáo hội Liên Hoa Khất sĩ vào năm 1957 song song với Giáo hội Tăng già Khất sĩ (nay là Hệ phái Khất sĩ).

Giáo hội Phật giáo quốc doanh: xem “Phật giáo quốc doanh.”

Giáo hội Phật giáo Tăng già Khất sĩ Thế giới: Được HT. Thích Giác Nhiên thành lập vào năm 1980 tại thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ, chủ yếu hoạt động ở hải ngoại. HT. Thích Giác Nhiên Hội đồng Giáo phẩm trung ương Hệ phái Khất sĩ suy tôn ngôi vị Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội này vào năm 1980 và giữ ngôi vị này cho đến lúc viên tịch vào ngày 03/8/2015.

Giáo hội Phật giáo Tăng già Khất sĩ Việt nam: Xem “Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt nam.”

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hải ngoại: Các Bộ, chi bộ của GHPGVNTN trực thuộc Viện Hóa đạo trong nước do Ban Đại diện điều hành theo Hiến chương GHPGVNTN.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất: Tổ chức Phật giáo thống nhất trên toàn quốc, thành lập vào ngày 04/01/1964, sau cuộc tranh đấu bất bạo động của các tổ chức, hệ phái Phật giáo nhằm đòi hỏi quyền bình đẳng tôn giáo đối với chính quyền Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam của chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm. GHPGVNTN ra đời trong Đại hội ngày 31/12/1963 tại Chùa Xá Lợi, Sài Gòn nhằm thống nhất 11 tổ chức, hệ phái Phật giáo Bắc tông và Nam tông lúc bấy giờ gồm: (1) Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy do ÐĐ. Giới Nghiêm làm Trưởng phái đoàn, (2) Giáo hội Tăng già Trung phần do TT. Thích Trí Thủ làm Trưởng phái đoàn, (3) Giáo hội Thiền Ðịnh Ðạo tràng do TT. Thích Pháp Triều làm Trưởng phái đoàn, (4) Giáo hội Tăng già Nam Việt do TT. Thích Trí Tịnh làm Trưởng phái đoàn, (5) Giáo hội Tăng già Bắc Việt do TT. Thích Tâm Giác làm Trưởng phái đoàn, (6) Giáo hội Tăng Sĩ Theravada do ÐĐ. Thạch Gồng làm Trưởng phái đoàn, (7) Hội Phật giáo Nguyên Thủy do cư sĩ Nguyễn Văn Ðiểu làm Trưởng phái đoàn, (8) Hội Phật học Nam Việt do cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền làm Trưởng phái đoàn, (9) Giáo Phái Theravada do cư sĩ Sơn Thái Nguyên làm Trưởng phái đoàn, (10) Hội Phật giáo Việt Nam Trung phần do ÐĐ. Thích Ðức Tâm làm Trưởng phái đoàn, (11) Hội Việt Nam Phật giáo (Bắc Việt) do cư sĩ Viên Trạm – Vũ Bảo Vinh làm Trưởng phái đoàn. HT. Thích Tịnh Khiết được suy tôn làm Tăng thống. TT. Thích Tâm Châu được bàu làm Viện trưởng Viện Hóa đạo. TT. Thích Trí Quang được bầu làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống. Trụ sở của GHPGVNTN đặt tại Chùa Ấn Quang. Mặc dù tiếp tục gặp một số khó khăn với chính phủ quân sự của tướng Nguyễn Khánh và Nguyễn Cao Kỳ trong những năm 1964–1968, GHPGVNTN có những đóng góp tích cực về giáo dục và an sinh xã hội. Về phương diện giáo dục, GHPGVNTN có công thành lập Viện Cao đẳng Phật học, Viện Đại học Vạn Hạnh và hệ thống gần 160 trường Bồ-đề. Về phương diện xuất bản, GHPGVNTN có Nhà xuất bản Lá Bối, tuần báo Hải triều âm (1964), tuần báo Chánh Đạo (1964– 69), tuần báo Thiện Mỹ. Về phương diện an sinh xã hội, GHPGVNTN có hệ thống cô nhi viện, ký nhi viện, bệnh xá, chẩn y viện. Về hội đoàn, GHPGVNTN có Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, các tổ chức thanh thiếu niên Phật giáo, Nha Tuyên úy Phật giáo. Vài năm sau khi thành lập, GHPGVNTN đã phân hóa thành hai khối: Khối Ấn Quang gồm có 3 tổ chức do TT. Thích Trí Quang lãnh đạo và Khối Việt Nam Quốc tự gồm có 8 tổ chức do TT. Thích Tâm Châu lãnh đạo. Sau năm 1975, Viện Đại học Vạn Hạnh, hệ thống Trường Bồ-đề và Nhà xuất bản Lá Bối phải ngưng hoạt động. Năm 1981, GHPGVNTN là một trong 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo thành lập nên GHPGVN. HT. Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN làm Trưởng Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. HT. Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, sau đó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, rồi Đệ Nhất Phó pháp chủ GHPGVN cho đến lúc qua đời. HT. Thích Đôn Hậu, Xử lý Viện Tăng thống làm Phó Pháp chủ kiêm Giám luật GHPGVN đến khi qua đời. HT. Thích Huyền Quang và HT. Thích Quảng Độ và một số vị tôn túc khác tiếp tục đi theo GHPGVNTN, vốn không được hợp pháp hóa trong nước sau năm 1981. Sau năm 1975, GHPGVNTN không được hợp pháp hóa tại Việt Nam, vẫn tiếp tục tồn tại ở một số chùa thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang. Ở hải ngoại, GHPGVNTN có 11 chi bộ trực thuộc Viện Hóa đạo gồm các nước Anh, Ấn Độ, Canada, Cao Miên, Đức, Lào, Mỹ, Nhật, Pháp, Thái Lan, Thụy Sĩ.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Viết tắt là GHPGVN, là tổ chức Phật giáo toàn quốc hợp pháp của Việt Nam, đại diện Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. GHPGVN được thành lập sau Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức vào ngày 7 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, nhằm thống nhất 9 tổ chức, giáo hội Phật giáo gồm: (i) Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, (ii) GHPGVN thống nhất, (iii) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, (iv) Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, (v) Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM, (vi) Giáo hội Thiên thai giáo Quán Tông, (vii) Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, (viii) Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước Tây Nam bộ, (ix) Hội Phật học Nam Việt. Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam của GHPGVN được xây dựng trên nguyên tắc “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp.” Phương châm hoạt động của GHPGVN là: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôn chỉ của GHPGVN cũng chính là lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý đức Phật, nhằm phục vụ Dân tộc, Tổ quốc, nhân loại và tất cả chúng sinh. GHPGVN có 2 hội đồng gồm Hội đồng Chứng minh có chức năng giám sát về đạo pháp và giới luật và Hội đồng Trị sự có chức năng điều hành toàn bộ hoạt động Phật sự. GHPGVN có Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và 12 ban chuyên trách gồm: (i) Ban Tăng sự, (ii) Ban Hoằng pháp, (iii) Ban Giáo dục Phật giáo, (iv) Ban Nghi lễ, (v) Ban Văn hóa, (vi) Ban Hướng dẫn Phật tử, (vii) Ban Kinh tế Tài chính, (viii) Ban Thông tin Truyền thông, (ix) Ban Từ thiện Xã hội, (x) Ban Pháp chế, (xi) Ban Kiểm soát, (xii) Ban Phật giáo Quốc tế. Các chủ tịch Hội đồng Trị sự gồm: (i) HT. Thích Trí Thủ (1909–1984) làm Chủ tịch các năm 1981–1984, (ii) HT. Thích Trí Tịnh (1917–2014) làm Chủ tịch các năm 1984–2014, (iii) HT. Thích Thiện Nhơn (1950– nay) làm Quyền Chủ tịch vào năm 2014 và Chủ tịch từ năm 2015– nay. Các đức Pháp chủ GHPGVN gồm có: (i) Đại lão HT. Thích Đức Nhuận (1917–1993) làm Pháp chủ năm 1981–1993, (ii) Đại lão HT. Thích Tâm Tịch (1915–2005) làm Pháp chủ năm 1997–2005, (iii) Đại lão HT. Thích Phổ Tuệ (1917–2021) làm Pháp chủ năm 2007–2021, (iv) Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng (1938– nay) làm Quyền pháp chủ từ ngày 31/12/2021.

Giáo hội quận huyện: Đơn vị quản trị hành chánh cấp quận huyện của GHPGVNTN, trực thuộc Viện Hóa đạo, được điều hành bởi Ban Đại diện Giáo hội quận huyện. Để tham gia các chức sự này phải là những Tăng Ni có thành tích phục vụ GHPGVNTN, được Đại hội Giáo hội quận huyện bầu.

Giáo hội quốc doanh: xem “Phật giáo quốc doanh.”

Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt nam: Viết đủ là “Giáo hội Phật giáo Tăng già Khất sĩ Việt nam” là tổ chức Phật giáo được biết qua tên gọi ngày nay là Hệ phái Khất sĩ được các vị Trưởng lão của Hệ phái Khất sĩ được thành lập nội bộ vào năm 1964 và chính thức được thừa nhận vào tháng 5 năm 1966. Vào năm 1971, sau 6 năm hành hoạt và trải qua 2 nhiệm kỳ phụng sự theo tinh thần “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” của Tổ sư Minh Đăng Quang, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam thành lập 2 Viện để điều hành toàn bộ sinh hoạt tu học của Hệ phái Khất sĩ: (i) Viện Chỉ đạo cung thỉnh các Trưởng lão tôn túc chứng minh với ngôi vị cao nhất là Tăng chủ. Tăng chủ Viện Chỉ đạo đầu tiên là HT. Thích Giác Tánh và Phó Tăng chủ là HT. Thích Giác An, (ii) Viện Hành đạo với ngôi vị cao nhất là Viện trưởng, cung thỉnh các Thượng tọa, Đại đức có năng lực gánh vác các Phật sự. Viện trưởng Viện Hành đầu tiên là HT. Thích Giác Nhiên đảm trách và Phó Viện trưởng là HT. Thích Giác Lý. Từ năm 1975, một số vị Tăng Ni của Hệ phái Khất sĩ hành đạo ở các châu Mỹ, Úc, Âu. Năm 1980, lãnh đạo Hệ phái Khất sĩ tham gia Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Năm 1981, Hệ phái Khất sĩ là 1 trong 11 tổ chức thành lập GHPGVN ngày 07/11/1981. Năm 1982, Hệ phái Khất sĩ chính thức có 6 Giáo đoàn Tăng và 1 Đoàn Ni giới và 3 phân đoàn Ni giới thuộc Giáo đoàn III và Giáo đoàn IV. Đến năm 2022, Hệ phái Khất sĩ có 550 ngôi tịnh xá, 1.395 Tăng và 1.863 Ni. Ở hai ngoại, có 50 tịnh xá và hơn 100 Tăng Ni đang hành đạo. Phật giáo Khất sĩ là hệ phái Phật giáo phát triển nhanh nhất trong 7 tập niên qua về số lượng tăng ni và tự viện nhờ vào phong cách hành đạo: (i) Làm sống lại pháp y của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni thời đức Phật, (ii) Nghi thức tụng niệm thuần Việt và bằng thi ca, (iii) Đề cao văn hóa ăn chay, (iv) Kiến trúc mỹ thuật chùa mang bản sắc Việt Nam, (v) Góp phần xây dựng và phát triển GHPGVN.

Giáo hội Tỉnh: Đơn vị quản trị hành chánh cấp tỉnh của GHPGVNTN, trực thuộc Viện Hóa đạo, được điều hành bởi Ban Đại diện Giáo hội Tỉnh. Để tham gia các chức sự này phải là những Tăng Ni có thành tích phục vụ GHPGVNTN, được Đại hội Giáo hội Tỉnh bầu. Trong trường hợp đặc biệt, Viện Hóa đạo sẽ chỉ định chức vụ Chánh Đại diện. Thành phần Ban Ðại diện Tỉnh phải được Viện Hóa đạo duyệt y và chấp thuận bằng một Quyết nghị. Thành phần Ban Ðại diện Xã, Phường do ban Ðại diện Tỉnh phê duyệt.

Giáo hội thị xã: Đơn vị quản trị hành chánh cấp thị xã của GHPGVNTN, trực thuộc Viện Hóa đạo, được điều hành bởi Ban Đại diện Giáo hội thị xã. Để tham gia các chức sự này phải là những Tăng Ni có thành tích phục vụ GHPGVNTN, được Đại hội Giáo hội thị xã bầu.

Giáo hội xã: Đơn vị quản trị hành chánh cấp xã của GHPGVNTN, trực thuộc Viện Hóa đạo, được điều hành bởi Ban Đại diện Giáo hội xã. Để tham gia các chức sự này phải là những Tăng Ni có thành tích phục vụ GHPGVNTN, được Đại hội Giáo hội xã bầu.

giáo nghĩa (教義): (1) Nghĩa lý cần tin và thực hành trong một tôn giáo (宗教所信奉的義理), gọi chung là học thuyết tôn giáo (religious doctrine) hay giáo huấn tôn giáo (religious teaching), (2) Triết lý Phật giáo, học thuyết Phật giáo.

Giáo phầm Hệ phái Khất sĩ: Các Hòa thượng và Ni trưởng là hàng Giáo phẩm của Hệ phái Khất sĩ, đóng vai trò quan trọng trong các việc sinh hoạt và hành đạo của Hệ phái Khất sĩ.

Giáo phẩm Ni: Gồm các Ni trưởng và Ni sư của GHPGVN.

Giáo phẩm Tăng: Gồm các Hòa thượng và Thượng tọa của GHPGVN.

Giáo phẩm thường trực Ni giới Hệ phái Khất sĩ: Giáo phẩm cao nhất của Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam mà các thành viên thường trực là các Ni trưởng lớn của Hệ phái Khất sĩ.

Giáo phẩm trung ương: Danh xưng cao quý dành cho các trưởng lão của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam (nay là Hệ phái Khất sĩ) được Ban Trị sự trung ương của Hệ phái Khất sĩ thỉnh mời.

giếng chùa: Giếng được đào trong một ngôi chùa, được dùng làm nước uống cho tăng đoàn, ni đoàn, góp phần tạo nên mạch nước ngầm trong mát. Kiến trúc giếng chùa thượng được xây dựng bằng các vật liệu như đá ong, gạch đỏ, góp phần tạo nên điểm nhấn đẹp trong chùa.

giờ trái đất (earth hour): Sự kiện quốc tế hằng năm khuyến cáo các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình tắt đèn điện, thiết bị điện không thật sự cần thiết trong 60 phút, từ 20:30 đến 21:30 theo giờ địa phương, Nét văn hóa này bắt đầu từ Sydney vào năm 2007 với 2 triệu người tham gia, nay có hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng nhằm kêu gọi tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải dioxide cacbon, truyền bá thông điệp bảo vệ môi trường. Tại TP.HCM, nhiều chùa hưởng ứng giờ trái đất góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm ánh sáng, đánh động ý thức sống thân thiện với thiên nhiên.

giới bất hoại tịnh (戒不壞淨): xem “niềm tin bất hoại đối với đạo đức.”

Giới bổn (P. Pātimokkha, S. Pratimokṣa, 戒本): Còn gọi là“kinh giới” (戒經), thường được phiên âm là “Ba-la-đề-mộcxoa” (波羅提木叉), được dịch nghĩa là “biệt biệt giải thoát” (別別解脫), “biệt giải thoát giới luật” (别解脱戒律), “tùy thuận giảithoát” (隨順解脫), “xứ xứ giải thoát” (處處解脫), “vô đẳng học” (無等學), “hộ giải thoát” (護解脫). Đối với kinh dạy về giới luật dành cho Tỳ-kheo thì gọi là Tỳ-kheo giới bổn (比丘戒本). Đối với kinh dạy về giới luật dành cho Tỳ-kheo-ni thì gọi là Giới bổn Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒本).

giới Bồ-tát (S. Bodhisattva-śīla, 菩薩戒): Thuật ngữ Đại thừa chỉ cho hai loại giới bổn gồm: (i) Giới bổn Bồ-tát xuất gia (梵網經菩薩戒本, Phạm võng Kinh Bồ-tát giới bổn) gồm 10 giới nặng (重, trọng) và 48 giới nhẹ (輕垢, khinh cấu), (ii) Giới Bồ-tát tại gia (優婆塞戒經, Ưu-bà-tắc giới kinh) có 6 giới nặng và 28 giới nhẹ. Giới Bồ-tát gồm có ba nhóm giới (S. tri-vidhāni śīlāni, 三聚淨戒, tam tụ tịnh giới) chính: (i) Giới nhiếp luật nghi (S. sajvara-śīla, 攝律儀戒), còn gọi là “tất cả giới Bồ-tát” (一切菩薩戒, nhất thiết Bồ-tát giới), dứt trừ tất cả điều ác, (ii) Giới nhiếp điều thiện (S.kuśala-dharma-sajgrāhaka-śīla, 攝善法戒, nhiếp thiện pháp giới), tức tu tập tất cả pháp lành (修習一切善法, tu tập nhất thiết thiện pháp) gồm sáu ba-la-mật (六波羅蜜, lục ba-la-mật), (iii) Giới làm lợi lạc hữu tình (S. sattvārtha-kriyā-śīla, 饒益有情戒), còn gọi là “giới nhiếp tất cả chúng sanh” (攝眾生戒,nhiếp chúng sanh giới) hay “giới lợi ích chúng sanh” (眾生益戒) bao gồm các việc lợi ích (諸饒益事, chư nhiêu ích sự), độ sanh không mệt mỏi.

giới Cụ túc (具足戒): Giới đầy đủ, thuật ngữ Phật giáo Hán truyền tương đương với từ “Upasampadā” trong Sanskrit, chỉ cho giới Tỳ-kheo (比丘) gồm 250 điều khoản và giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼) gồm 348 điều khoản theo Luật tứ phần, giúp người xuất gia chính thức trở thành thành viên Tăng đoàn. Đây là bộ giới luật đầy đủ (具足) và hoàn chỉnh (完整) nhất, theo đó, người giữ giới sẽ hoàn thiện hạnh thánh, hướng đến con người trở thành thánh nhân, kết thúc sinh tử luân hồi. Xem “giới Tỳ-kheo” và “giới  Tỳ-kheo-ni.”

giới chỉ trì (止持戒): Những điều giới được quy định phải đình chỉ (該止), không được làm (不能作), hễ làm là vi phạm giới (作即犯). Nói theo ngôn ngữ hiện đại, “giới chỉ trì” là những điều “không nên làm” (不該做). Giới chỉ trì bao gồm tất cả 250 điều khoản giới (đối với Tỳ-kheo) và 348 điều khoản giới (đối với Tỳ-kheo-ni).

Giới đàn (戒壇): Đại lễ truyền trao giới pháp xuất gia bao gồm: (i) Đàn thứ 1 truyền trao giới Sa-di (沙彌), Sa-di-ni (沙彌尼), (ii) Đàn thứ 2 truyền trao giới Tỳ-kheo (比丘), Tỳ-kheo-ni (比丘尼), (iii) Đàn thứ 3 truyền trao giới Bồ-tát (菩薩戒).

Giới đàn Cụ túc: Giới đàn truyền trao giới Tỳ-kheo cho Sa-di và giới Tỳ-kheo-ni cho Thức-xoa-ma-na-ni phải hội đủ các điều kiện: (a) Tuổi đời từ 20 tuổi đến 60 tuổi (tính theo khai sinh), (b) Không vi phạm Pháp luật Nhà nước, (c) Các căn đầy đủ, không tàn tật, không mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần, (d) Đã thụ giới Sa-di (đối với Tăng), Thức-xoa-ma-na (đối với Ni) ít nhất là 2 năm đã học giới luật, (e) Đã tốt nghiệp Trung cấp Phật học, văn hóa phổ thông Trung học hoặc tương đương đối với các giới tử có tuổi đời dưới 30, (f) Trúng tuyển trong kỳ khảo hạch của Đàn giới.

Giới đàn Sa-di và Sa-di-ni: Giới đàn truyền trao giới Sa-di cho cư sĩ nam và Sa-di-ni cho cư sĩ nữ. Các giới tử phải hội đủ các điều kiện sau đây: (a) Tuổi đời theo Luật Phật quy định, (b) Không vi phạm Pháp luật Nhà nước khi từ 16 tuổi trở lên (tính theo khai sinh), (c) Các căn đầy đủ, không tàn tật, không mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần, (d) Đã tu học ít nhất là 2 năm, tính từ ngày Ban Trị sự tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia, (e) Có trình độ văn hóa ít nhất là tốt nghiệp phổ thông cơ sở hoặc tương đương đối với các giới tử có tuổi đời dưới 30, (f) Phải thuộc các nghi thức tụng niệm tùy theo từng Hệ phái, (g) Phải trúng tuyển trong kỳ thi khảo hạch của Đàn giới.

Giới đàn Thức-xoa-ma-na-ni: Giới đàn truyền trao giới Thức-xoa-ma-na-ni cho các Sa-di-ni hội đủ các tiêu chuẩn: (a) Tuổi đời từ 18 tuổi trở lên đến 60 tuổi, tính theo khai sinh, (b) Không vi phạm Pháp luật Nhà nước, (c) Các căn đầy đủ, không tàn tật, không mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần, (d) Đã thọ giới Sa-di-ni ít nhất là 2 năm đã học giới luật, (e) Có trình độ văn hóa ít nhất là tốt nghiệp phổ thông cơ sở hoặc tương đương đối với các giới tử có tuổi đời dưới 30, (f) Phải thuộc các nghi thức tụng niệm tùy theo từng Hệ phái, (g) Phải trúng tuyển trong kỳ thi khảo hạch của Đàn giới.

Giới đàn: Nghi lễ thiêng liêng bắt buộc, được GHPGVN cấp tỉnh tổ chức để truyền giới cho người xuất gia cho từng giới phẩm, đúng với luật Phật chế để tu học và hành đạo. Giới đàn dành cho xuất gia nam gồm Giới Sa-di và Giới Tỳ-kheo. Giới đàn dành cho Ni gồm có Giới Sa-di-ni, Giới Thức-xoa-ma-na và Giới Tỳ-kheo-ni.

giới hạn sắc (界限色) sắc có giới hạn tức không giới (空界) hay hư không. Xem “sắc uẩn”.

giới hạn sắc (界限色) sắc có giới hạn tức không giới (空界) hay hư không. Xem “sắc uẩn”.

giới hạnh (戒行): (1) Hành vi tuân thủ giới luật của người xuất gia về ba phương diện giới thể của thân, miệng và tâm (戒體在身語意); (2) Đồng nghĩa với chữ “đăng trình” (登程) hay lên đường (出發上路, xuất phát thượng lộ).

Giới kinh (P. Pātimokkhasutta, S. prātimokṣasūtra, 戒經) tương đương với Giới bổn (P. Pātimokkha, S. Pratimokṣa, 戒本, giới bổn), gồm có Giới bổn Tỳ-kheo (P. Bhikkhu Pātimokkha, S. Bhikshu Pratimokṣa,比丘戒本, Tỳ-kheo giới bổn) và Giới bổn Tỳ-kheo-ni (P. Bhikkhuni Pātimokkha, S.Bhikshuni Pratimokṣa, 比丘尼戒本, Tỳ-kheo-ni giới bổn).

giới không đại vọng ngữ (不大妄语): Giới ba-la-di (pārājika) thứ tư nghiêm cấm người xuất gia không được lừa dối quần chúng khi đang làm phàm tăng lại tự xưng là người chứng đạo, trở thành thánh nhân, Bồ-tát, Phật sống. hễ cố tình vi phạm thì người xuất gia phạm tội tẫn xuất, không được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời. Xem “pháp thượng nhân.”

giới không được giết người (不殺人): Giới ba-la-di (pārājika) thứ 3 nghiêm cấm người xuất gia không được cướp đoạt mạng sống của người khác bằng hung khí, không khen ngợi cái chết, không xúi giục tự tử (煽動自殺). Ngay cả trường hợp Tỳ-kheo do làm một phụ nữ sẩy thai hay phá thai, khiến thai nhi chết cũng vi phạm giới này. Nếu vi phạm sẽ không được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời. Xem “khen ngợi cái chết” và “xúi giục tự tử.”

giới không làm bất tịnh (不净行): Giới ba-la-di (pārājika) thứ nhất nghiêm cấm người xuất gia không được khởi dục tâm, thực hiện hành vi dâm dục (cơ quan sinh dục, hậu môn, miệng) với người đồng phái, người khác phái, người giới tính thứ ba hay với động vật. Nếu vi phạm sẽ không được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời.

giới không trộm cắp (不偷盗): Giới ba-la-di (pārājika) thứ hai nghiêm cấm người xuất gia không được trộm cắp, cướp lấy, chiếm lấy những gì thuộc của người khác, lấy những thứ không được cho phép (P. adinnaṃ ādiyeyya), biến của người khác thì sở hữu của mình. Nếu lấy vật của người khác trị giác bằng 5 tiền tệ (P. māsaka,摩沙迦, ma-sa-ca) trở lên sẽ khong được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời.

giới lạp (戒臘): như “tuổi giới” hay “tuổi hạ.”

giới lớn: như giới Tỳ-kheo.

giới luật (戒律): các điều khoản giới. Trong đó “giới” (戒) là ngăn các điều sai, dừng các việc ác, còn “luật” (律) là quyết định tính nặng nhẹ của tội cũng như được phép làm, ngăn cấm, gìn giữ, sự vi phạm.

Giới luật Khất sĩ: Sách giới luật, còn gọi là Luật pháp Khất sĩ, do Tổ sư Minh Đăng Quang biên soạn theo tinh thần Phật dạy trong bộ Luật tứ phần  viết đủ là “Tứ phần luật Tỳ-kheo giới
bổn
” (四分律比丘戒本) của Pháp Tạng bộ (S. Dharmagupta, 法藏部), đăng trong quyển Chơn lý, được Pháp sư Giác Nhiên tổng hợp và xuất bản vào năm 1972 nhằm quy định về sinh hoạt, tổ chức, hành đạo của các thành viên Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam (nay là Hệ phái Khất sĩ), giới pháp dành cho Phật tử tại gia (chương 9) và sự tu tập định và tuệ (chương 5-6). Sách này trong thập niên 1950 do Tổ sư Minh Đăng Quang biên soạn có 8 chương gồm các quy định của đức Phật về giới luật của người xuất gia. Trong thập niên 1970 Pháp sư Giác Nhiên gộp thêm 2 bài trong quyển Chơn Lý thành 10 chương: Chương 1: Bài Học Khất sĩ (Chơn lý 18). Chương 2: Luật Khất sĩ (Chơn lý 11). Chương 3: Bài học Sa-di (Chơn lý 65). Chương 4: Pháp học Sa-di 1 – giới (Chơn lý 67). Chương 5: Pháp học Sa-di 2 – định (Chơn lý 68). Chương 6: Pháp học Sa-di 3 – tuệ (Chơn lý 69). Chương 7: Giới bổn Tăng (Chơn lý 14). Chương 8: Giới bổn Ni (Chơn lý 15). Chương 9: Giới Phật tử (Chơn lý 55). Chương 10: 114 Điều Luật nghi Khất sĩ. Giới luật do đức Phật quy định nói chung và giới luật Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang tổng hợp nói riêng về bản chất là “công truyền” nên ai cũng có thể đọc, tìm hiểu được.

Giới luật môn (戒律門):  cổng giới luật, ở đây chỉ cho mười giới Sa-di.

giới luật Phật giáo (佛教戒律):

giới nhỏ nhặt:  Tương đương với Hán văn“tiểu tiểu giới” (小小戒) hay “vi tế giới” (微細戒) hay “tạp toái giới” (雜碎戒), tức các điều khoản giới nhỏ nhặt, các giới không quan trọng, nếu vi phạm thì không ảnh hưởng đến đạo hạnh và phẩm giá của người xuất gia cũng như niềm tin của cộng đồng Phật tử. Khi còn sống, đức Phật chủ trương rằng “các giới nhỏ nhặt có thể bỏ qua” (小小戒可捨) nếu không còn phù hợp trong không gian và thời điểm khác nhau. Theo Ngũ bách kiền-độ, thuộc Tiểu phẩm: “A-nan, sau khi Ta qua đời, nếu Tăng đoàn đồng ý, được phép xóa bỏ các giới nhỏ nhặt”2 (Vin.II. 287: Ākaṅkhamāno, ānanda, saṅgho mamaccayena khuddānukhuddakāni sikkhāpadāni samūhanatu). Sau khi Phật qua đời, trong đại hội biên tập tam tạng lần 1, tôn giả Đại Ca-diếp chủ trương rằng: (i) Phật chưa quy định thì không nên quy định thêm (如佛未制,不應妄制), (ii) Phật đã quy định thì không nên vi phạm (如佛已制,不應有違), (iii) Những lời Phật dạy thì nên học tập (如佛所教,應謹學之). Theo chủ trương này, trải qua 26 thế kỷ, giới luật xuất gia được Phật quy định vẫn không thêm, không bớt.

giới như gương báu chân thật (戒如真寶鏡, giới như chân bảo cảnh): giới Bồ-tát này như chiếc gương quý báu, có thể giúp người tu nhận thức, phân biệt được cái gì ngăn cấm, dừng lại (止, chỉ), cái nào được gìn giữ (持, trì), cái nào được làm (作, tác), cái nào hễ làm là vi phạm (犯, phạm) đối với tất cả mọi việc tốt xấu, không sót điều nào. Như Giới bổn Tỳ-kheo ghi: “Như người tự soi gương, xấu hay đẹp liền khởi tâm vui buồn” (如人自照鏡。好醜生欣慼, như nhân tự chiếu cảnh, hảo xú sinh hân thích).

giới như ngọn đèn sáng tỏ (戒如大明燈, giới như đại minh đăng): giới Bồ-tát cao cả, to lớn này được tuôn ra từ mảnh đất tâm, có thể phá được bóng tối vô minh từ sinh tử vô thủy, như ngọn đèn sáng của thế gian (世之明燈, thế chi minh đăng) thâu nhiếp tất cả các giới luật và oai nghi.

giới pháp (戒法): Đồng nghĩa với “điều khoản giới” (條戒), chỉ chung các loại giới được đức Phật quy định gồm giới xuất gia (出家戒) và giới tại gia (在家戒). Về giới tại gia có 5 điều đạo đức (五戒) và 8 giới (八關齋戒). Về giới xuất gia có giới Sa-di (沙彌戒), giới Sa-di-ni (沙彌尼戒), giới Thức-xoa-ma-ni (式叉摩尼戒), giới Tỳ-kheo (比丘戒), giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒). Ngoài ra còn có giới Bồ-tát (菩薩戒).

Giới pháp cư sĩ: Được Tổ sư Minh Đăng Quang trình bày trong bộ Chơn Lý số 20, không có trong quyển Luật nghi Khất sĩ, gồm có 5 giới (1. Không sát sanh, 2. Không trộm cắp, 3. Không tà dâm, 4. Không nói dối, 5. Không uống rượu) và 8 giới (ngoài 5 giới trên, cộng thêm 3 giới: 6. Không ngồi ghế cao, nằm giường rộng, chiếu lớn xinh đẹp, 7. Không nghe xem hát múa đờn kèn, chỗ vui đông yến tiệc, 8. Không trang điểm phấn son, dầu hoa, áo quần hàng lụa tươi tốt). Năm giới là những giới pháp được đức Phật quy định cho người tại gia sống đời đạo đức thanh cao. Tám giới là giới pháp giúp người tại gia tu hạnh xuất gia trong 24 giờ trong những ngày đọc giới.

Giới pháp Sa-di và Sa-di-ni: 10 giới do đức Phật quy định cho ác Sa-di và Sa-di-ni được Tổ sư Minh Đăng Quang giới thiệu trong quyển Chơn lý 67 và là chương 4 của quyển Giới luật Khất sĩ với tựa đề: “Pháp học Sa-di 1 – Giới.” 10 giới bao gồm: 1. Cấm sát sanh, 2. Cấm trộm cắp, 3. Cấm dâm dục, 4. Cấm nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa chửi, 5. Cấm uống rượu, tham lam, sân giận, si mê, 6. Cấm trang điểm phấn son, dầu hoa, áo quần hàng lụa tươi tốt, 7. Cấm nghe xem hát múa đờn kèn, yến tiệc vui đông, 8. Cấm ngồi ghế cao, nằm giường rộng, chiếu lớn xinh đẹp, 9. Cấm ăn sái giờ từ quá ngọ đến ngọ mai (ăn chay), 10. Cấm rớ đến tiền bạc vàng, của quý, đồ trang sức. Ngoài ra, các Sa-di và Sa-di-ni phải thực hành tứ y pháp, mặc tam y, dùng bình bát đất, làm con trò của các Khất sĩ, tu tập hạnh Khất sĩ để trở thành bậc Khất sĩ chân chính.

Giới pháp Tỳ-kheo-ni: Gồm 348 giới do đức Phật quy định cho Tỳ-kheo-ni trong “Tứ phần Ni giới bổn” (四分尼戒本), được Tổ sư Minh Đăng Quang giới thiệu trong bộ Chơn Lý 15 và là chương 8 (Giới bổn Ni) của quyển Giới luật Khất sĩ. Giới Tỳ-kheo-ni chia làm sáu nhóm giới xếp theo thứ tự từ nặng đến nhẹ và nhóm thứ 7 gồm 7 giải pháp dứt sự tranh cãi trong Ni đoàn: 1. Tám đại giới => trục xuất, 2. Mười bảy giới tổn hại Tăng tàn => giáng cấp, 3. Ba mươi giới phá sự thanh bần => cấm phòng sáu bữa, 4. Một trăm bảy mươi tám giới hành phạt => quỳ hương, 5. Tám giới đặc biệt => xưng tội xả đọa, 6. Một trăm giới nhỏ phải học => sám hối, 7. Bảy pháp diệt sự tranh cãi => cần áp dụng giải quyết tranh cãi.

giới tác trì (作持戒): Những quy định về Tăng sự phải tuân thủ (該作), hễ không làm là vi phạm giới (不作即犯). Giới tác trì bao gồm phép biểu quyết Tăng đoàn (yết-ma), an cư mùa mưa (結夏安居), tự tứ (自恣), truyền giới” (授戒) các nhóm chủ đề (犍度,kiền-độ).

giới tính thứ ba: như “hoàng môn.”

giới tướng (戒相): tướng trạng khác biệt của giới như Tỳ-kheo (比丘戒) có 250 điều giới và Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒) có 348 điều giới.

giới thể (戒體): Thuật ngữ Phật học Trung Quốc chỉ cho thể tánh của giới, nền tảng của giới hay bản chất của giới, vốn là trạng thái chấn động tâm thức của người xuất gia tiếp nhận giới tại giới đàn, theo đó, phát khởi lý tưởng học Phật, tu Phật, có hiệu lực giúp người tiếp nhận giới không vi phạm giới luật, trở thành người chân tu.

hạ an cư (夏安居): an cư mùa hè, như “an cư mùa mưa.”

hạ lạp: như “tuổi hạ.”

ha trách yết-ma (呵責羯磨, tajjanīyakamma): như “biểu quyết quở trách.”

hạ y (下衣): (1) quần áo lót, (2) thường phục của tu sĩ.

hai bộ phái căn bản (根本二部): Thượng tọa bộ (上座部) và Đại chúng bộ (大眾部).

hai cộng đồng Tăng tục (僧俗二眾): Còn gọi là hai cộng đồng xuất gia (出家眾, xuất gia chúng) và cộng đồng tại gia (在家眾, tại gia chúng).

hài kịch lãng mạn (romantic comedy): Thể loại pha trộn giữa phim hài (comedy) và phim tình cảm (romance), có cốt truyện đơn giản, xoay quanh tình yêu của hai nhân vật chính với một cái kết có hậu.

hài kịch: Thể loại hư cấu bằng diễn ngôn hoặc tác phẩm nhằm mục đích gây cười được sử dụng trong sân khấu, truyền hình, phim, hài kịch độc lập và các phương tiện giải trí khác.

hai mươi bộ phái Tiểu thừa (小乘二十部, twenty schools of lesser vehicle Buddhism, twenty schismatic schools, twenty nikāya schools): Đây là cách phân loại bộ phái Phật giáo theo Bắc truyền, có gốc rễ từ sự bất đồng về năm việc vọng ngữ (五事妄語, five non-Buddhist teachings) của Mahādeva (大天), xảy ra trong triều đại của vua Aśoka (阿育王, A-dục vương) khoảng 200 năm đức Phật niết-bàn), tạo nên hai bộ phái chính gồm Đại chúng bộ (S. Mahāsāṃghika, 大衆部) sau đó tách thành 9 bộ phái và Thượng tọa bộ (S. Āryasthavirāḥ, Sthāviravādin, 上坐部) sau đó tách thành 11 bộ phái Phật giáo. Chín bộ phái thuộc Đại chúng bộ gồm (i) Đại chúng bộ (S. Mahāsāṃghika, 大衆部), (ii) Nhất thuyết bộ (S. Ekavyāvahārika, 一說部), (iii) Thuyết xuất thế bộ (S. Lokôttaravādin, 說出世部), (iv) Kê dẫn bộ (S. Kukkuṭika, 雞胤部), (v) Đa văn bộ (S. Bahuśrutīya, 多聞部), (vi) Thuyết giả bộ (S. Prajñaptivādin, 說假部), (vii) Chế đa sơn bộ (S. Jetavaniyāḥ, Caityaśailāḥ, 制多山部), (viii) Tây sơn trụ bộ (S. Aparaśailāḥ, 西山住部), (ix) Bắc sơn trụ bộ (S. Uttaraśailāḥ, 北山住部). Mười một bộ phái thuộc Đại chúng bộ Thượng tọa bộ gồm: (i) Tuyết sơn bộ (S. Haimavatāḥ, 雪山部) còn gọi là Thượng tọa bộ gốc (本上座部, Original Sthaviras) hay Thượng tọa bộ đầu tiên (先上座部, First Sthaviras), (ii) Thuyết nhất thiết hữu bộ (S. Sarvâstivādaḥ, 說一切有部) sinh ra, (iii) Độc tử bộ (S. Vātsīputrīyāḥ, 犢子部) sinh ra, (iv) Pháp thượng bộ (S. Dharmôttarīyāḥ, 法上部), (v) Hiền trụ bộ (S. Bhadrayānīyāḥ, 賢冑部), (vi) Chánh lượng bộ (S. Saṃmatīyāḥ, 正量部), (vii) Mật lâm bộ (S. Saṇṇagarikāḥ, 密林山), (viii) Hóa địa bộ (S. Mahīśāsakāḥ, 化地部), (ix) Pháp Tạng bộ (S. Dharmaguptāḥ, 法藏部), (x) Ẩm quang bộ (S. Kāśyaḥpīyā, 飮光部) còn gọi là Ca-diếp-di bộ (S. Kāśyapīya, 迦葉遺), (xi) Kinh lượng bộ (S. Sautrāntikāḥ, 經量部) còn gọi là Thuyết kinh bộ (說經部), Kinh bộ (經部) hay Thuyết kinh bộ (說度部). Xem mười tám bộ luận, Phật giáo bộ phái, Dị bộ tông luân luận.

hai mươi hai lời nguyện (Twenty-two vows): Tương đương các cách dịch trong Anh văn gồm “twenty-two pledges” hay “the 22 Buddhist vows” do tiến sĩ Ambedkar khởi xướng trong Phật giáo Tân thừa (Navayāna) do ông thành lập vào ngày 14/10/1956, nhằm giúp 600,000 người ủng hộ ông cải đạo Ấn Độ giáo theo Phật giáo tại thành phố Nagpur, Ấn Độ.

hai mươi tám tổ (二十八祖): Gọi đủ là “hai mươi tám tổ thiền tông Tây Trúc” (禪宗西天二十八祖), “hai mươi tám tổ thiền tông Ấn Độ” (印度禪宗二十八祖),  hoặc “hai mươi tám tổ Ấn Độ” (西天二十八祖). Theo lịch sử thiền tông, đây là các vị tổ sư có công truyền thừa Phật giáo tại Ấn Độ và góp phần phát triển Phật giáo tại Trung Quốc. Chỉ có vài vị tổ trong số này có lịch sử, phần lớn các vị còn lại không có dữ liệu về cuộc đời và sự nghiệp. Sự truyền thừa của các vị tổ được ghi nhận bằng bài kệ phó pháp trong 4-6 hàng, bài nào cũng có chữ “pháp”. Có sự khác biệt về tên gọi và cách đặt thứ tự của 28 vị tổ sư trong các tác phẩm như Kinh Đạt-ma-đa-la thiền (達摩多羅禪經), Viên giác kinh đại sớ sao (圓覺經大疏鈔) của Tông Mật (宗密), “Tào Khê bảo lâm truyện” (曹溪寶林傳) của Trí Cự, Cảnh Đức truyền đăng lục (景德傳燈錄), Phó pháp tạng truyện (付法藏传), Hiển tông ký (顯宗記) và Ma-ha chỉ quán (摩诃止观). Danh sách 28 tổ trong Kinh pháp bảo đàn (壇經) ấn bản Đôn Hoàng là lấy từ danh sách 25 tổ trong  tác phẩm Phó pháp tạng nhân duyên truyện (付法藏因緣傳) phối hợp với 5 tổ sư trong Kinh Đạt-ma-đa-la thiền (達摩多羅禪經). Vào năm 801, tác phẩm “Tào Khê bảo lâm truyện” (曹溪寶林傳) đã căn cứ vào ấn bản Đôn Hoàng nêu trên, tu chỉnh tiểu sử của 28 vị tổ sư: (1) Ma-ha Ca-diếp (S. Mahākāśyapa, 摩訶迦葉), (2) A-nan-đà (S. Ānanda, 阿難陀), (3) Thương-na-hòa-tu (S. Śānavāsa, 商那和修): Còn gọi là Mạt-điền-địa (S. Madhyantika, 末田地), (4) Ưu-bà-cúc-đa (S. Upagupta, 優婆掬多), (5) Đề-đa-ca (S. Dhṛitaka, Dhītika, 提多迦), (6) Di-già-ca (S. Micchaka, Mikkaka, Miśaka, 彌遮迦), (7) Bà-tu-mật (S. Vasumitra, 婆須密): Cũng gọi là Thế Hữu, (8) Phù-đà-nan-đề (S. Buddhanandi, 浮陀難提): Cũng gọi là Phật-đà-nan-đề (佛陀難提), (9) Phù-đà-mật-đa (S. Buddhamitra, 浮陀密多): Cũng gọi là Phật-đà-mật-đa 佛陀密多), (10) Bà-lật-thấp-bà (S. Pārśva, 婆栗濕婆): Cũng gọi là Hiếp tôn giả (脅尊者), (11) Phú-na-dạ-xa (S. Puṇyayaśas, 富那夜奢), (12) A-na-bồ-đề (S. Ānabodhi, 阿那菩提): Cũng gọi là Mã Minh (S. Aśvaghoṣa, 馬鳴), (13) Ca-tì-ma-la (S. Kapimala, 迦毘摩羅), (14) Long Thụ (S. Nāgārjuna, 龍樹): Cũng gọi Na-già-hạt-thụ-na (那伽閼樹那), (15) Ka-na-đề-bà (S. Kāṇadeva, 迦那提婆): Gọi tắt là Đề-bà (提婆), còn gọi là Thánh Thiên (S. Āryadeva), (16) La-hầu-la-đa (S. Rāhulabhadra, 羅睺羅多), (17) Tăng-già-nan-đề (S. Saṃghanandi, 僧伽難提), (18) Tăng-già-xá-đa (S. Saṃghayathata, 僧伽舍多), (19) Cưu-ma-la-đa (S. Kumāralāta, 鳩摩羅多), (20) Xà-dạ-đa (S. Śayata, 闍夜多), (21) Thế Thân (S. Vasubandhu, 世親): Còn gọi là Bà-tu-bàn-đầu (婆修盤頭), hoặc Thiên Thân (天親), (22) Ma-noa-la (S. Manura, Manorhita, Manorata, 摩拏羅), (23) Cưu-lặc-na (S. Haklenayaśa, 鳩勒那): Cũng gọi là Hạc-lặc-na (鶴勒那), (24) Sư Tử Bồ-đề (S. Siṃhabodhi, 師子菩提), (25) Bà-xá-tư-đa (S. Vāśasita, Baśaṣita, 婆舍斯多), (26) Bất-như-mật-đa (S. Puṇyamitra, 不如密多), (27) Bát-nhã-đa-la (S. Prajñātāra, 般若多羅), (28) Bồ-đề-đạt-ma (S. Bodhidharma, 菩提達磨).

hai trăm hai mươi bảy giới: Tổng số điều khoản giới dành cho Tỳ-kheo trong quyển “Phân tích Giới bổn”(P. suttavibhaṅga, 經分别) thuộc Luật tạng của Thượng bộ gồm tám nhóm giới sau đây: (i) 4 giới trục xuất (驱摈, pārājika), (ii) 11 giới Tăng tàn (僧残, Saṅghādisesa), (iii) 2 trường hợp không xác định (不定, aniyata), (iv) 30 giới xả vật (舍忏, nissaggiya pācittiya), (v) 92 giới sám hối (忏悔, pācittiya), (vi) 4 điều hối quá (悔过, pāṭidesanīya), (vii) 75 điều nên học (众学, sikkhākaraṇīya), (viii) 7 cách dứt tranh luận (灭諍, adhikaraṇa samatha). Xem “ba trăm mười một giới.”

hàng ma tọa (降魔坐): Ngồi hàng phục quân âm, thuật ngữ Phật học chỉ cho ngồi thiền, hay ngồi hoa sen. Xem “ngồi thiền.”

hành cước (行 腳): Còn gọi là du phương (遊方), du hành (遊行), vân thủy (雲水), đi khắp nơi cầu học với các bậc thầy nổi tiếng và có kinh nghiệm khai ngộ. Hành cước tăng là tăng sĩ đi du phương. Hành lý của người du phương thường đơn giản gồm túi nhỏ đừng pháp phục, bình bát, dao cạo, vài quyển kinh sách, dao cạo, ống chỉ, bình nước, đũa, muỗng, áo mưa, dụng cụ ngồi, dụng cụ nằm và đầu đội chiếc nón vành rộng để giảm sự tiếp xúc của con mắt với cảnh trần xung quanh. Người hành cưới phải có tâm kiên trì, không sờn khó nhọc, thử thách và nguy hiểm. Chỉ vì tâm cầu đạo, người hành cước có thể du hành phương xa, miễn mang lại kết quả khai ngộ, trở thành bậc rường cột trong Phật pháp, mang lại lợi ích cho nhiều người.

Hành chánh GĐPT: Hành chánh đơn vị GĐPT bao gồm sổ sách, văn thư, văn kiện... phải được thực hiện đúng mẫu, đúng quy cách và được quản thủ cẩn thận. Các sổ sách của đơn vị Gia đình Phật tử gồm có: (i) Sổ danh bộ Gia đình, (ii) Sổ danh sách Ban Huynh trưởng, (iii) Sổ danh sách đoàn sinh, (iv) Sổ biên bản, (iv) Sổ Tài chính, (v) Sổ Nhật ký, (vi) Sổ khí mãnh, (vii) Sổ Lịch sử gia đình, (viii) Sổ thông tin, (ix) Sổ tường thuật, (x) Sổ lưu niệm, (xi) Kẹp lưu văn thư đi, (xii) Kẹp lưu văn thư đến, (xiii) Kẹp lưu hồ sơ văn kiện pháp quy như quyết định các loại.

hành uẩn (P. sankhāra-kkhandha, S. saṃskāra-skandha, C. 行蘊, E. the mental-formation group): tổ hợp tâm tư, yếu tố thứ tư trong năm uẩn (五蘊) và mắc xích thứ hai trong mười hai nhân duyên (十二因緣). “Hành” luôn biến thiên, vô thường (無常遷流), do vậy, đồng nghĩa với “hữu vi” (有為). Luận Câu-xá tụng sớ 1(俱舍论颂疏) giải thích “hành” chính là “tạo tác” (造作). Theo Luận duyên khởi (缘起论), hành là loại ý tứ, do vô minh (无明) dẫn dắt, rồi tạo ra các nghiệp, kéo theo nhận thức (識) hay nghiệp thức (業識), từ đó tạo ra ba loại hành vi gồm thân hành (身行) tức hành động thân, khẩu hành (口行) tức hành động miệng và tâm hành (心行) tức hành động tâm. Theo đó, tạo ra hai lớp nhân quả trong ba đời (三世二重因果), chiêu cảm các quả báo thiện và ác, hạnh phúc và khổ đau. Theo Luận du-già sư địa (瑜伽師地論 27, CBETA, T30, no. 1579, p. 433), hành uẩn còn được gọi là “sáu tư thân” (六思身) tức là suy nghĩ hay tâm trạng sanh ra từ nhãn xúc (眼觸), nhĩ xúc (耳觸), tỉ xúc (鼻觸), thiệt xúc (舌觸), thân xúc (身觸) và ý xúc (意觸). Hành uẩn còn bao gồm các tâm pháp không thuộc nhóm cảm thọ (受) và tưởng (想). Tổ hợp tâm tư này luôn bị chi phối bởi sự sinh diệt (生滅), vô thường (無常), vô ngã (無我) và không có thực thể (空). Tham chiếu: CBETA, T02, no. 99, p. 7, b23-28.

hát (喝): xem “tiếng hét”.

hắc thạch mật (P. phāṇitaṃ, 黑石蜜): mật đường, một dạng chất lỏng sẫm màu, đặc và dính. Ngoài ra có chỗ dịch là đường mía.

hậu an cư (後安居): như “an cư kỳ sau.”

hậu đường (後堂): Cấu trúc gian nhà hình chữ nhật như một phần của ngôi chùa chữ Công (工), nằm song song và ngắn hơn nhà Tiền đường (前堂).

Hậu Giang Nam phần: Miền Khánh Anh của GHPGVNTN.

hầu hạ (P. pāricariya, 侍奉): người xuất gia mà yêu cầu người khác phái hầu hạ mình bằng sự bất tịnh là vi phạm tội Tăng tàn đối với người xuất gia. Xem “Tăng tàn.”

Hệ phái Khất sĩ: Đến nhiệm kỳ 3, hệ thống tổ chức Trung ương của Hệ phái Khất sĩ gồm có: (i) Ban Chứng minh, (ii) Ban Thường trực, (iii) 5 tiểu ban. Nhiệm kỳ hai từ ngày 07/09/2009, có thêm 4 tiểu ban: (i) Tiểu ban Tăng sự, (ii) Tiểu ban Giáo dục, (iii) Tiểu ban nghi lễ, (iv) Tiểu ban hướng dẫn cư sĩ. Nhiệm kỳ ba từ ngày 02/09/2012, còn có thêm Tiểu ban Hoằng pháp.

Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập: Sách do HT. Thích Trí Quảng, HT. Thích Giác Toàn và  Nguyễn Quốc Tuấn làm chủ biên, NXB. Hồng Đức ấn hành năm 2016, chia làm 4 chủ đề và 2 phụ lục, tập hợp gần 100 bài tham luận tại hội thảo học thuật mang cùng tên được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang vào ngày 26 tháng 2 năm 2014. Là tác phẩm quy mô nhất về Tổ sư Minh Đăng Quang từ trước đến giờ, sách này lấy bối cảnh tưởng niệm 60 năm ngày Tổ sư Minh Đăng Quang (1954 - 2014) vắng bóng, khảo cứu một cách toàn diện về những đóng góp to lớn của Tổ sư Minh Đăng Quang trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung cũng như quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam và trên thế giới. Những đóng góp của Tổ sư Minh Đăng Quang và Hệ phái Khất sĩ cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam được đúc kết qua 4 phương diện như sau: (1) Xây dựng một đạo Phật tiếp biến văn hóa, ngoài việc quay về đạo Phật gốc qua pháp phục tam y, hành khất độ sinh, thiền định chuyển hóa, lối sống giản dị, ăn chay nuôi tâm từ, Tổ sư Minh Đăng Quang chủ trương lấy văn hóa Việt Nam làm cơ sở truyền bá Phật pháp cho người Việt Nam. Nhờ phương pháp tiếp biến văn hóa qua bộ Chơn lý, Hệ phái Khất sĩ đã nhanh chóng khẳng định chỗ đứng bền vững trong lòng Phật giáo Việt Nam, (ii) Truyền bá một đạo Phật thuần Việt, Tổ sư Minh Đăng Quang đã mạnh dạn sử dụng các bài kinh thuần Việt với ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu và đi vào lòng người. Việt hóa nghi thức tụng niệm và hoằng truyền Phật pháp bằng tiếng Việt dễ hiểu không chỉ là chủ trương của Hệ phái Khất sĩ, mà còn là con đường độ sinh thiết thực và hữu hiệu, (3) Kiến trúc Tịnh xá đặc thù, các ngôi Tịnh xá đầu tiên do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập và hơn 500 ngôi Tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ xây dựng trong bảy thập niên qua đều mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt và mỹ thuật Việt, (4) Đường lối tu tập nguyên thủy, Tổ sư Minh Đăng Quang nhấn mạnh qua ba trụ cột tâm linh Phật giáo, gồm đạo đức, thiền định và trí tuệ. Tác phẩm này không chỉ là nguồn tham khảo quan trọng cho các nghiên cứu chuyên sâu về Hệ phái Khất sĩ mà còn là nguồn tài liệu hữu ích đối với các nghiên cứu về phong trào Phật giáo cách tân và Phật giáo phát triển cuối thời kỳ Pháp thuộc và trong giai đoạn Xã hội Chủ nghĩa. Đọc tác phẩm này, độc giả không chỉ thán phục về lí tưởng thiêng liêng, chí nguyện cao cả, độ sinh hữu hiệu của Tổ sư Minh Đăng Quang, mà còn cơ hội ôn lại một giai đoạn nhập thế đầy khó khăn và thử thách của Phật giáo tại miền Nam Việt Nam.

Hệ thống Tổ chức Gia đình Phật tử: Được quy định như sau: (i)  Cấp Trung ương: Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử  Trung ương, (ii)  Cấp tỉnh, thành: Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử  tỉnh, thành, (iii)   Cấp cơ sở: Ban Huynh trưởng  Gia đình Phật tử… (tên của Niệm Phật đường, chùa). Thành phần nhân sự Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương không quá 39 Huynh trưởng  gồm có: Trưởng ban, các Phó trưởng ban, Chánh thư ký, Phó thư ký, Thủ quỹ. Các Ủy viên chuyên môn: Nội vụ, Tổ Kiểm, Nghiên huấn, Tu thư, Văn nghệ, Hoạt động Thanh Niên, Từ thiện Xã hội, Doanh tế, Thông tin truyền thông; Các Ủy viên chuyên ngành: Nam Phật tử (Thanh Nam), Nữ Phật tử (Thanh Nữ), Thiếu Nam, Thiếu Nữ, Đồng Nam (Nam Oanh Vũ), Đồng Nữ (Nữ Oanh Vũ). Thành phần nhân sự Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương do tập thể Huynh trưởng cấp Dũng và cấp Tấn bình chọn, được Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y.

hiến cúng Tự viện: Chuyển cúng quyền sở hữu chủ hợp pháp của một tự viện cho tăng, ni hoặc Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh. Việc tiếp nhận hiến cúng Tự viện chưa đăng ký hợp pháp của cá nhân cho Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, giải quyết vấn đề nội bộ của cơ sở được ổn định trước khi tiếp nhận và đăng ký danh bạ Tự viện.

Hiến chương GHPGVN: Văn bản pháp lý cao nhất của GHPGVN, gồm có Lời nói đầu, 15 chương và 90 điều, được chính thức thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc kỳ X, ngày 07 tháng 11 năm 2022. Hiến chương GHPGVN được Luật pháp Việt Nam thừa nhận trong phạm vi lãnh thổ nước Việt Nam và được cộng đồng thành viên GHPGVN ở nước ngoài tuân thủ. Hiến chương có giá trị thi hành ngay sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. GHPGVN các cấp ban hành văn bản hành chánh Giáo hội phải phù hợp với Hiến chương GHPGVN và các quy chế của GHPGVN. Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VI được xây dựng trên cơ sở kế thừa những ưu việt của Hiến chương đầu tiên được Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước nhất trí thông qua năm 1981, được tu chỉnh lần thứ nhất tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ II năm 1987; lần thứ hai tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ III năm 1992; lần thứ ba tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IV năm 1997; lần thứ tư tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VI năm 2007; lần thứ năm tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IX năm 2017. Thẩm quyền sửa đổi Hiến chương do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN chủ trì và trình Ban Thường trực Hội đồng Pháp chủ và Hội đồng Trị sự thẩm tường. Việc sửa đổi Hiến chương phải do Đại hội Đại biểu toàn quốc GHPGVN thông qua với 2/3 tổng số Đại biểu Đại hội biểu quyết. 

hiển sắc (顯色): Sắc màu tức gồm xanh (青), vàng (黃), đỏ (赤), trắng (白). Xem “sắc uẩn”.

hiện tiền tỳ-ni (P. sammukhāvinaya, S. sajmukha-vinaya, 現前毘尼), giải quyết tranh chấp bằng sự có mặt hai bên, hoặc giải quyết việc dẫn chứng các lời dạy, điều khoản giới trong tam tạng kinh điển, giới luật ở trước mặt người khác.

Hiệp hội Nghiên cứu Phật giáo quốc tế (International Association of Buddhist Studies): Viết tắt là IABS, do hai giáo sư A. L. Basham và A. K. Narain thành lập năm 1976, được sự bảo trợ của Đại học Columbia từ năm 1978, nhằm nghiên cứu Phật học và Phật giáo trên toàn cầu. Thành viên của IABS này có mặt tại Nam, Đông Nam và Đông Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Mục đích của IABS nhằm thúc đẩy và đóng góp tích cực vào sự phát triển đa ngành và liên ngành về Phật học thông qua các hội nghị, hội thảo và ấn phẩm. Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Phật giáo Quốc tế (JIABS) chứa các bài báo học thuật và đánh giá sách về tất cả các chủ đề và chuyên ngành liên quan đến nghiên cứu Phật giáo.

Hiệp hội Phật giáo Ấn Độ (Buddhist Society of India): Còn gọi là “Bharatiya Bauddha Mahasabha” là tổ chức Phật giáo cấp quốc gia tại Ấn Độ, do tiến sĩ Ambedkar sáng lập 04/5/1955 tại Mumbai, , bang Maharashtra, Ấn Độ. Tiền thân của Hội này có tên gọi là “Tổ chức quần chúng Phật giáo Ấn Độ” (Bharatiya Bauddha Janasangh, Indian Buddhist People's Organisation) được thành lập vào năm 1951.

Hiệp hội Phật học quốc tế (International Association of Buddhist Studies): Viết tắt là IABS, do hai giáo sư A. L. Basham và A. K. Narain thành lập năm 1976, được sự bảo trợ của Đại học Columbia từ năm 1978, nhằm nghiên cứu Phật học và Phật giáo trên toàn cầu. Thành viên của IABS này có mặt tại Nam, Đông Nam và Đông Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Mục đích của IABS nhằm thúc đẩy và đóng góp tích cực vào sự phát triển đa ngành và liên ngành về Phật học thông qua các hội nghị, hội thảo và ấn phẩm. Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Phật giáo Quốc tế (JIABS) chứa các bài báo học thuật và đánh giá sách về tất cả các chủ đề và chuyên ngành liên quan đến nghiên cứu Phật giáo.

hình sắc (形色): Sắc hình thể gồm dài (長), ngắn (短), vuông (方), tròn (圓), thô (粗), tế (細), cao (高), thấp (下). Xem “sắc uẩn”.

Hòa thượng (P. Upajjhāya, S. upādhyāya, 和尚, 和上): (1) Phiên âm từ chữ “upajjhāya” trong Pali và chữ “upādhyāya” trong Sanskrit, đồng nghĩa với các phiên âm ít phổ biến hơn “hòa-xà” (和闍), “hòa xã” (和社), “ốt-xã” (殟社), “cốt xã” (鶻社), “ô-xã” (烏社), “ổ-ba-đà-da” (鄔波馱耶), “ô-ba-địa-da” (摀波地耶), “ưu-bà-đà-ha” (優婆陀訶) hay “uất-ba-đệ-da-dạ” (郁波第耶夜). Thường được dịch nghĩa trong Hán văn là “thầy dạy trực tiếp” (親教師, thân giáo sư), “thầy  giúp đệ tử tăng trưởng đạo lực” (力生師, lực sanh sư) hay “thầy mà đệ tử nương theo học Phật” (依學師, y học sư), “sư truyền” (師傅) hay bình dân hơn là “sư phụ” (師父), (2) Theo Luận đại trí độ (大智度論), quyển 3 thì hòa thượng là từ chỉ cho “thầy xuất gia” (出家師, xuất gia sư) cho đệ tử, đang khi “a-xà-lê” (阿闍黎) là vị thầy truyền trao giới luật (授戒師, thụ giới sư) cho đệ tử xuất gia, (2) Danh xưng đối với vị trụ  trì của một tự viện (寺院的住持方丈), (3) Trong xã hội người Hán (漢族), Hòa thượng là từ chỉ chung cho người xuất gia (出家人), phần lớn là Tăng, (4) Trong Phật giáo Nhật Bản, Hòa thượng chỉ cho Trụ trì,  Thiền tông gọi là ōshō, Thiên thai tông gọi là kashō, Chân ngôn tông gọi là washō; (5) Theo Hiến chương GHPGVN năm 1981, Hòa thượng là Tỳ-kheo (比丘) có tuổi hạ ít nhất 40 năm trở lên, ó đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị Trung ương thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành; tương đương với quy định Hiến chương GHPGVNTN năm 1964. Vị Tỳ-kheo-ni có giới phẩm ngang với Hòa thượng được gọi là Ni trưởng (尼長). Vị Hòa thượng có từ 55-60 tuổi hạ trở lên, có trí tuệ, đạo hạnh, đóng góp cho Phật giáo và nhân sinh được gọi là Đại Hòa thượng hoặc Trưởng lão Hòa thượng.

Hòa thượng truyền giới (戒和尚): Còn gọi là “thọ hòa thượng” (授和尚), là một trong ba bậc thầy (三師) của người xuất gia, truyền trao giới cho các giới tử, tiếp nhận giới pháp tại Đại giới đàn để chính thức làm Sa-di, Tỳ-kheo đối với người xuất gia nam, hoặc làm Sa-di-ni, Thức-xoa hoặc Tỳ-kheo đối với người xuất gia nữ.

Hòa thượng yết-ma (羯摩和尚): Tỳ-kheo Thượng tọa được Tăng đoàn thỉnh phụ trách vai trò cử hành nghi thức biểu quyết Tăng đoàn (舉行羯摩儀) bao gồm truyền trao giới, nói giới, sám-hối và các tăng sự khác.

hoại sắc (壞色): làm mất đi vẻ đẹp [ban đầu của tấm y] bằng cách dùng các màu như xanh lá, xám và mộc lan v.v… để nhuộm làm khác đi năm màu chính (xanh, vàng, đỏ, trắng đen).

hoán dụ: Cách gọi tên sự vật, hiện tượng khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có nét tương cận với nó nhằm làm tăng cường tính gợi hình, gợi cảm về diễn đạt. Bốn loại hoán dụ thường gặp gồm lấy một bộ phận để gọi toàn thể, lấy một vật chứa đựng để gọi một vật bị chứa đựng, lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật, lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

hoàn tục (還俗): Còn gọi là “quy  tục” (歸俗) hay “phản tục” (返俗), trở về đời, tức từ bỏ thân phận người xuất gia (捨棄出家人身份), về nhà đời thế tục (返回俗家), sống thân phận của người tại gia (世俗身份). Chữ Pali gọi là “uppabbajita” chỉ cho người từ bỏ giới luật xuất gia (捨棄出家戒律). Nếu tăng sĩ không bằng lòng với đời sống xuất gia, chỉ cần nói rõ ràng với một người: “Tôi xả Phật” hoặc “Tôi xả Pháp,” “Tôi xả giới” thì xem như đã hoàn tục, từ bỏ thân phận Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Về số lần hoàn tục, theo Kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 27 quy định rằng Tăng được hoàn tục tối đa 7 lần, trong khi, Ni chỉ được hoàn tục 1 lần. Theo Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự (根本說一切有部毘奈耶雜事), quyển 13 ghi: “Tỳ-kheo-ni chỉ được 1 lần xả pháp tục, hoàn tục, không được xuất gia lại” (苾芻尼一捨法服已歸俗者,不應更令出家).

hoàng môn (P=S. Paṇḍaka, 黃門): người bất nam, thường gọi trong tiếng Việt là bê-đê, hay “gay” trong tiếng Anh. Theo Luật Tứ phần có năm loại người hoàng môn: (i) Không là con trai từ thuở sinh ra (S. jāti-paṇḍaka, 生不能男, sinh bất năng nam) chỉ cho những người sinh ra đã trở thành bất nam, như trường hợp tả tướng Lê Văn Duyệt ở Việt Nam ta; (ii) Không làm được đàn ông cứ mỗi nửa tháng (S. jāti-paṇḍaka, 半月不能男, bán nguyệt bất năng nam) chỉ cho những người nam nửa tháng hành dâm được, nửa tháng không được; (iii) Không thể làm đàn ông do bởi sự ganh tỵ (S. īrṣyā-paṇḍaka, 妒不能男, đố bất năng nam), khi thấy người khác hành dâm liền khởi tâm dâm dục, nam căn đứng lên; (iv) Không thể làm đàn ông do sự thay đổi (S. āsaktaprādurbhāvī-paṇḍaka, 變不能男, biến bất năng nam) chỉ cho những người nam đột nhiên bất đi nam căn khi đang hành dâm; (v) Không thể làm đàn ông do vì bệnh tật (S. āpat-paṇḍaka, 病不能男, bệnh bất năng nam) chỉ cho những người có bộ phận sinh dục bị thối rữa lúc sinh ra, hoặc bị cắt đi do nhiễm trùng bởi sâu bọ cắn và bao gồm cả những người được đưa vào cung cấm phục vụ, hầu hạ như các thái giám trong triều đình Trung Hoa và Việt Nam. Giới luật Phật giáo không cho người hoàng môn xuất gia nhưng vẫn có thể làm người tại gia tu học và làm Phật sự.

hoạt động tôn giáo ngắn hạn: Tăng Ni GHPGVN được quyền từ địa phương nầy đến địa phương khác để hoạt động tôn giáo trong thời gian không quá 15 ngày. Tăng Ni có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến Ban Trị sự tỉnh nơi thường trú. Ban Trị sự tỉnh nơi thường trú của Tăng Ni có trách nhiệm gửi văn bản giới thiệu đến Trung ương Giáo hội. Thời gian gởi văn bản giới thiệu chậm nhất là 07 ngày làm việc.

hoạt động tôn giáo: Hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo.

Hoằng Nhẫn Đông Sơn pháp môn (弘忍的東山法門): = pháp môn Đông Sơn của Hoằng Nhẫn.

học gia (P. sekkhasammatāni kulāni, 學家): những gia đình được Phật ấn chứng là bậc hữu học. Theo Luật Thập tụng, chỉ gia đình đã đắc sơ quả.

Học sinh Phật tử vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Thanh niên GHPGVNTN.

Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (Khmer Buddhist Academy of Vietnam): Là cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của GHPGVN, được thành lập vào năm 2006 theo Quyết định số 171/QĐ/TGCP ngày 14-9-2006 của Ban Tôn giáo Chính phủ. Ngày 16-10-2006, UBND TP.Cần Thơ ra Quyết định số 4077/ UBND-XDCB về việc xây dựng học viện này tại phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Cơ sở cũ tại Chùa Pothi Somron (khu vực 4, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ), với diện tích 7 hecta. Cơ sở mới có diện tích 10 ha (khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP.ố Cần Thơ), khởi công ngày 25-03-2017 và khánh thành ngày . Học viện phục vụ nhu cầu học tập của cộng đồng Phật giáo Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long và các nước lân cận gồm Lào, Campuchia, Thái Lan, Sri Lanka. Chương trình cử nhân Phật học đào tạo theo chế độ niên chế gồm 4 năm. Các đời Viện trưởng gồm: (i) HT. Danh Nhưỡng (2007-2017), (ii) HT. Đào Như (2017-nay).

Học viện Phật giáo Việt Nam (Vietnam Buddhist University): Viết tắt là HVPGVN, là hệ thống gồm 4 trường đào tạo Phật học ở cấp đại học do GHPGVN thành lập từ năm 1981 với tên gọi ban đầu là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam. Đến năm 1997, tên gọi hiện tại mới được sử dụng. Người có công lớn nhất trong việc phát triển giáo dục Phật giáo Việt Nam trong thời cận đại là Trưởng lão Thích Minh Châu. HVPGVN tại Hà Nội được thành lập tại Chùa Quán Sứ vào năm 1981 với Viện trưởng đầu tiên là HT.Thích Minh Châu. HVPGVN tại TP.HCM được HT. Thích Minh Châu thành lập vào năm 1984. HVPGVN tại Huế thành lập vào năm 1997 với Viện trưởng đầu tiên là HT. Thích Thiện Siêu. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thành lập vào năm 2019 với Viện trưởng đầu tiên là HT. Đào Như. Bốn HVPGVN đào tạo các cấp học gồm cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ngành Phật học, riêng HVPGVN tại TP.HCM là cơ sở đào tạo nội trú lớn nhất, quy mô nhất, có nhiều giảng viên và tăng ni sinh viên nhất, từ năm 2012 đào tạo chương trình thạc sĩ, từ năm 2018 đào tạo chương trình tiến sĩ Phật học và từ năm 2017 đào tạo cử nhân với 12 khoa và tuyển sinh hằng năm. Các tăng ni sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp lớp 12 và trung cấp Phật học, phải thi tuyển sinh đầu vào (gồm Phật pháp, văn học và ngoại ngữ trình độ A) để được học tại các HVPGVN gồm 4 năm học với trung bình 129 tín chỉ. Sau khi tốt nghiệp, các tăng ni sinh viên có đủ kiến thức triết lý và thực hành Phật pháp, cổ ngữ Phật học (Pali, Sanskrit hoặc Hán cổ) và sinh ngữ (Anh văn hoặc Hán văn), có khả năng trước tác, dịch thuật, giảng dạy Phật học, góp phần phổ cập giáo dục Phật giáo ở 63 tỉnh thành.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (Vietnam Buddhist Academy in Ha Noi): Tên gọi ban đầu là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I (1981-1997) được thành lập vào ngày 14/11/1981 tại Chùa Quán Sứ (73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đào tạo cử nhân Phật học từ năm 1981-2006. Vào ngày 23/6/1997, qua quyết định số 19/QĐ/TGCP, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ chấp thuận đổi tên thành HVPGVN tại Hà Nội. Ngày 24/12/2003, UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định giao 106.515m2 đất lâm trường Sóc Sơn, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đồng thời cúng dường 10 đồng cho GHPGVN xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam. Lễ đặt đá xây dựng được Hội đồng Trị sự GHPGVN tổ chức ngày 27/2/2004. Từ năm 2006 đến nay, campus duy nhất của HVPGVN tại Hà Nội được dời về đây. Đến năm 2022, HVPGVN tại Hà Nội đã xây dựng hoàn tất giai đoạn I gồm cổng Học viện, quảng trường, tượng đài, đại giảng đường, giảng đường, nhà bảo tàng, thư viện, 3 nhà ký túc xá, nhà khách, nhà bếp, nhà ăn, bãi đỗ xe, sân vận động. Là học viện đầu tiên trong hệ thống giáo dục của GHPGVN, HVPGVN tại Hà Nội là nơi đào tạo tăng ni thế hệ trẻ ở bậc cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ Phật học, nhằm giúp tăng ni sinh nắng viến khối kiến thức Phật học, khối kiến thức ngoại điển về ngành khoa học xã hội nhân văn và khối kiến thức bổ trợ, góp phần phát triển Phật giáo và phụng sự đất nước, con người Việt Nam. Tăng Ni sinh của HVPGVN tại Hà Nội được tu học nội trú, miễn phí 100% về học phí và sinh hoạt phí trong suốt thời gian khóa học. Các đời Viện trưởng bao gồm: (i) HT. Thích Minh Châu (1981-1997), (ii) HT. Thích Thanh Tứ (2001-2011), (iii) HT. Thích Thanh Đạt (2011-2016), (iv) HT. Thích Thanh Quyết (2017-nay).

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (Hue Buddhist Academy in Hue): Tên gọi ban đầu là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Huế, được thành lập vào ngày 22/4/1997 tại Chùa Hồng Đức (109 Minh Mạng, Thủy Xuân, Tp. Huế, Thừa Thiên Huế) qua quyết định số 07 – QĐ/TGCP của Ban Tôn giáo Chính phủ. Giai đoạn 1 gắn liền với công lao của HT. Thích Thiện siêu (1997-2001). Giai đoạn 2, từ năm 2015, HT. Thích Chơn Thiện xây dưng Cơ sở 2 (Tổ 10, khu vực 5, phường An Tây, TP. Huế) với diện tích 25 ha gồm có 2 khu. Tại khu A gồm điện Tam Bảo, lầu chuông, lầu trống, giảng đường, thư viện, khu Tăng xá. Khu B gồm các công trình tâm linh và tín ngưỡng. Năm 2019, HVPGVN tại Huế bắt đầu đào tạo thạc sĩ Phật học với 20 học viên tốt nghiệp năm 2022. Năm 2022, bắt đầu đào tạo tiến sĩ Phật học. Đến năm 2022, sau 25 năm thành lập, HVPGVN tại Huế đã đào tạo hơn 1.470 Tăng Ni, 20 Tăng ni sinh thạc sĩ Phật học và đang đào tạo 353 Tăng Ni sinh viên các cấp cử nhân và thạc sĩ Phật học. Với chương trình đào tạo 4 năm /1 khóa, chương trình cử nhân Phật học của HVPGVN tại Huế phân thành 3 khối kiến thức gồm khối kiến thức chung (19 môn gồm 66 tín chỉ), khối kiến thức cơ sở ngành Phật học (15 môn gồm 49 tín chỉ) và khối kiến thức chuyên ngành Phật học (16 môn gồm 40 tín chỉ). Tăng Ni sinh của HVPGVN tại Huế được tu học nội trú, miễn phí 100% về học phí và sinh hoạt phí trong suốt thời gian khóa học.Các đời Viện trưởng bao gồm: (i) HT. Thích Thiện Siêu (1997-2001), (ii) HT. Thích Chơn Thiện (2002-2016), (iii) HT. Thích Hải Ấn (2017-nay).

Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (Vietnam Buddhist University): Tên gọi ban đầu là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (1984-1997) được thành lập vào ngày 17/10/1983 theo quyết định số 160/QĐ-UB của UBND TP.HCM. Cơ sở 1: 750 Nguyễn Kiệm, P.4, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Cơ sở 2: A13/14 Mai Bá Hương, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đây là trường đại học Phật giáo có quy mô đào tạo nội trú về Phật học lớn nhất và thành công nhất tại Việt Nam. Quá trình phát triển của HVPGVN tại TP.HCM trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (1983-2008) gắn liền với đóng góp của Viện trưởng sáng lập HT. Thích Minh Châu, kế thừa Đại học Vạn Hạnh (1964-1975), đào tạo cử nhân Phật học cho Tăng Ni sinh, tuyển sinh 4 năm một lần. Từ năm 2006, với vai trò Phó Viện trưởng thường trực, GS. Lê Mạnh Thát chuyển đổi theo hệ thống tín chỉ (course-credit/ unit) với 6 khoa (Triết học Phật giáo, Pali, Sanskrit Phật học, Lịch sử Phật giáo, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Trung Nhật Hàn) do TT. Thích Nhật Từ thiết kế nội dung. Giai đoạn 2 (2009-nay) gắn liền với đóng góp của Viện trưởng HT. Thích Trí Quảng. Từ năm 2009, HVPGVN tại TP.HCM mở cử nhân Phật học từ xa, tuyển sinh hai năm một lần. Từ năm 2012, HVPGVN tại TP.HCM đào tạo Thạc sĩ Phật học. Từ năm 2017, HVPGVN tại TP.HCM tuyển sinh mỗi năm một lần. Đến năm 2019 đào tạo Tiến sĩ Phật học. Năm 2016, cơ sở 2 (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) với diện tích 23,8 ha, HVPGVN tại TP.HCM tổ chức tu học nội trú cho hằng trăm Tăng, Ni sinh mỗi năm. Hiện nay, Học viện đã xây dựng hoàn tất tòa hành chánh, 2 tòa học đường, tòa chánh điện, 3 tòa ký túc xá, nhà ăn, nhà bếp và thư viện. HVPGVN tại TP.HCM là trường đại học Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam có 12 khoa. Nỗ lực của HVPGVN tại TP.HCM là nhằm xây dựng và phát huy truyền thống đào tạo trí tuệ, đạo đức và thiền định cho các thế hệ Tăng, Ni tài, cung ứng nguồn nhân sự cho GHPGVN, đáp ứng các nhu cầu Phật sự, góp phần phát triển Việt Nam. Chương trình cử nhân Phật học với tối thiểu 129 tín chỉ được cấu tạo gồm 5 khối: (i) Khối kiến thức tổng quát (27 tín chỉ), (ii) Khối kiến thức cơ sở khối ngành Phật học (30 tín chỉ), (iii) Khối kiến thức chuyên ngành Phật học (48 tín chỉ), (iv) Khối kiến thức cổ ngữ chuyên ngành (12 tín chỉ), chọn Sanskrit, Pali hoặc Hán cổ, (v) Khối kiến thức ngoại ngữ (12 tín chỉ) chọn Anh văn hoặc Trung văn. Chương trình thạc sĩ Phật học gồm 57 tín chỉ (45 tín chỉ khóa học, 12 tín chỉ luận văn và 2 bài nghiên cứu) được thiết kế: (i) Các môn học chính (12 tín chỉ), (ii) Các môn học chuyên ngành (24 tín chỉ), (iii) Cổ ngữ Phật học: Pali/ Sanskrit/ Hán cổ (9 tín chỉ), (iv) Luận văn thạc sĩ (12 tín chỉ). Chương trình tiến sĩ Phật học gồm 90 tín chỉ: (i) Các học phần tiến sĩ (12 tín chỉ), (ii) Các chuyên đề tiến sĩ (12 tín chỉ), (iii) Luận án tiến sĩ (66 tín chỉ). Năm 2022, HVPGVN tại TP.HCM có hơn 1400 tăng ni tu học nội trú miễn phí tiền học và sinh hoạt phí. Các đời Viện trưởng bao gồm: (i) HT. Thích Minh Châu (1984-2008), (ii) HT. Thích Trí Quảng (2009-nay).

học xứ (學處): Giới, điều giới, điều khoản giới, điều khoản học tập. Đây là từ dịch thoát nghĩa của chữ “sikkhāpada” trong Pali và chữ “śikṣāpada” trong Sanskrit, có nghĩa là “học tập” (學習), “quy tắc học tập” (學習規則) hay “huấn luyện” (訓練) hay “giới điều” (戒條) tức điều khoản giới. Học xứ chỉ chung cho tất cả chuẩn tắt hành động cần học tập của người xuất gia và người tại gia. Theo Luật tạng Phật giáo, có những điều khoản giới dành cho người tại gia (居士學處, cư sĩ học giới); có những điều khoản giới dành cho người xuất gia bao gồm điểu giới Sa-di (沙彌學處), điều khoản giới Sa-di-ni (沙彌尼學處), điều khoản giới Thức-xoa-ma-na (式叉摩尼學處), điều khoản giới Tỳ-kheo (比丘學處), điều khoản giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼學處).

hối cải trong ba lần khuyên: tình trạng được khích lệ và được tha thứ, bỏ qua, khi một người xuất gia có những chủ trương (主張), hành động (行為) và tuyên bố (宣說) gây chia rẽ Tăng đoàn chịu buông bỏ, không cố chấp. Nếu sau 3 lần khuyên can mà không từ bỏ thì phạm Tăng tàn. Xem “đi theo nhóm riêng” và “kết phe phái.”

Hội Chùa Hương:

Hội Chùa Keo: Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, được xác lập vào tháng 10/2010, còn gọi là lễ hội mùa thu, lễ hội lớn được tổ chức tại chùa Keo tức chùa Thần Quang (神光寺) ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, gắn liền với việc kỷ niệm Thiền sư Không Lộ (1016-1094), vị cao tăng sáng lập Chùa Keo. Trong hội chùa Keo, thường có lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng, tiểu đình và thi diễn xướng về lục cúng (hương, đăng, hoa, trà, quả, thực) rất sinh động. Câu ca dao nổi tiếng về hội chùa Keo: “Dù cho cha đánh mẹ treo, em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.”

Hội đồng Cố vấn Giáo hạnh: Là ban cố vấn tối cao gồm các tôn đức Tăng Ni của Ban Hướng dẫn Trung ương và Cấp Miền của GĐPT.

Hội đồng Chứng minh: Cơ quan lãnh đạo tối cao về Phật pháp và Giới luật của GHPGVN, gồm các Trưởng lão Hòa thượng tiêu biểu của GHPGVN, có ít nhất 75 tuổi đời và 50 tuổi đạo; được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh tiền nhiệm giới thiệu và Đại hội Đại biểu toàn quốc GHPGVN suy tôn. Hội đồng Chứng minh nhiệm kỳ 2017–2022 có 96 thành viên do Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc suy tôn. Theo Hiến chương GHPGVN, quý Trưởng lão Hòa thượng được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh thì không tham gia Hội đồng Trị sự, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị. Về thời gian tham gia, các thành viên Hội đồng Chứng minh tại vị trọn đời, ngoại trừ trường hợp đặc biệt mới phải miễn nhiệm, do quyết định của Hội đồng Chứng minh với đa số 2/3 thành viên biểu quyết tán thành. Trong thời gian của nhiệm kỳ, nếu Đức Pháp chủ khuyết vị thì Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh cung thỉnh một trong các vị Phó Pháp chủ đảm nhiệm Quyền Pháp chủ và thông báo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự biết để suy cử trong Hội nghị Thường niên gần nhất của Trung ương GHPGVN. Đối với các chức danh khác trong Hội đồng Chứng minh bị khuyết vị thì Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh suy cử một trong các thành viên Ban thường trực Hội đồng Chứng minh kiêm nhiệm cho đến hết nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh là 5 năm, tương ứng với nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc GHPGVN.

Hội đồng Giám luật (1): Trực thuộc Viện Tăng thống do Hội đồng Giáo phẩm trung ương GHPGVNTN bầu cử nhằm giám sát các vấn đề giới luật của GHPGVNTN.

Hội đồng Giám luật (2): Trực thuộc Hội đồng Chứng minh, do HT. Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh ấn ký thay Đức Pháp chủ GHPGVN ban hành qua Thông tri số 02/TTr-HĐCM vào ngày mùng 8-7-2020. Hội đồng Giám luật gồm 7 giáo phẩm Trưởng lão thuộc Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và 1 vị Thư ký. Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật, Chủ tịch Hội đồng Giám luật. Các vị giáo phẩm thành viên gồm: Trưởng lão HT.Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký; Trưởng lão HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ; Trưởng lão HT.Thích Dương Nhơn, Phó Pháp chủ; Trưởng lão HT.Thích Giác Nhường, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật; Trưởng lão HT.Thích Thiện Duyên, Phó Pháp chủ; Trưởng lão HT.Thích Viên Minh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Thư ký là TT.Thích Giác Dũng, Tiến sĩ Luật học, Trưởng khoa Luật, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.

Hội đồng Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ: Hội đồng giáo phẩm cao nhất của Hệ phái Khất sĩ, quyết định toàn bộ Nội quy, chương trình sinh hoạt tu học, hành đạo và nhập thế của Hệ phái Khất sĩ.

Hội đồng Giáo phẩm trung ương: Hội đồng cấp cao của GHPGVNTN gồm tối thiểu 60 vị Trưởng lão (tối thiểu 30 hạ lạp) và các Thượng toạ (tối thiểu 50 tuổi đời) thanh tịnh về giới luật, có thành tích phục vụ Phật Pháp. Hội viên Hội đồng Giáo phẩm trung ương do Viện Hóa đạo và Hội đồng Giáo phẩm trung ương đề cử và được Ðức Tăng thống duyệt. Nhiệm kỳ của Hội đồng này là vô hạn định. Hội viên Hội đồng Giáo phẩm trung ương có thể bị miễn nhiệm do Quyết định của Hội đồng này và được đức Tăng thống phê chuẩn. Mỗi năm 2 lần, Hội đồng Giáo phẩm trung ương nhóm họp theo triệu tập của đức Tăng thống. Trong trường hợp đặc biệt, đức Tăng thống có thể triệu tập đại hội bất thường. Hội đồng Giáo phẩm trung ương có nhiệm vụ: (i) Suy tôn đức Tăng thống và Phó Tăng thống, (ii) Giám sát các Phật sự của Giáo hội, (iii) Ðề cử Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo, (iv) Soạn thảo và trình đức Tăng thống phê chuẩn và Ban hành những Quy chế của GHPGVNTN.

Hội đồng Hoằng pháp: Hội đồng Tăng đoàn chuyên về hoằng pháp của GHPGVNTN do HT. Thích Tuệ Sỹ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống GHPGVNTN thành lập ngày 10/05/2021. Theo đó, HT. Thích Tuệ Sỹ làm Cố vấn Chỉ đạo, HT. Thích Như Điển (Đức) làm Chánh Thư ký và HT. Thích Nguyên Siêu (Hoa Kỳ) làm Phó Thư ký của Hội đồng Hoằng pháp. Vào ngày 27/11/2021, Hội đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN tổ chức Đại hội lần thứ I, thành lập Hội đồng Phiên dịch Đại tạng lâm thời, theo đó, HT. Thích Tuệ Sỹ làm Chủ tịch. GS. Lê Mạnh Thát làm Cố vấn, HT. Thích Như Điển làm Chánh thư ký và HT. Thích Nguyên Siêu làm Phó thư ký hải ngoại và HT. Thích Thái Hòa làm Phó thư ký quốc nội.

Hội đồng Nghi lễ: Một trong các Hội đồng trực thuộc Viện Tăng thống của GHPGVNTN chuyên trách về nghi lễ Phật giáo.

Hội đồng Phiên dịch Tam tạng: Do Hội đồng Giáo phẩm trung ương thuộc Viện Tăng thống GHPGVNTN thành lập ngày 20/10/1973 tại Viện Đại học Vạn Hạnh nhằm tổ chức phiên dịch và ấn hành Đại tạng Kinh Việt Nam, căn cứ theo ấn bản Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh. Hội đồng ban đầu có 18 thành viên, gồm: (i) 12 vị có mặt: TT. Thích Trí Tịnh, TT. Thích Minh Châu, TT. Thích Quảng Độ, TT. Thích Thiện Siêu, TT. Thích Huyền Vi, TT. Thích Trí Thành, TT. Thích Huệ Hưng, TT. Thích Thuyền Ấn, TT. Thích Trí Nghiêm, TT. Thích Thiền Tâm, TT. Thích Thanh Từ, TT. Thích Bửu Huệ; (ii) 6 vị mắt mặt: TT. Thích Trí Quang, TT. Thích Nhật Liên, TT. Thích Đức Nhuận, TT. Thích Trung Quán, TT. Thích Đức Tâm và Đại đức Tuệ Sỹ. Chủ tọa đoàn của Hội đồng Phiên dịch gồm có TT. Thích Trí Tịnh, TT. Thích Minh Châu và TT. Thích Quảng Độ. Du công trình chưa được hoàn tất, nhiều bản dịch của quý tôn đức Hội đồng Phiên dịch tam tạng đã được xuất bản tại Việt Nam từ 1973 đến nay và hiện được đưa vào công trình Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam do TT. Thích Nhật Từ và HT. Thích Minh Thành làm tổng biên tập thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Hội đồng Quân nhân Cách mạng: Nhóm tướng lĩnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa thực hiện cuộc đảo chính nhằm lật đổ thể chế Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm, chấm dứt chính sách bất bình đẳng tôn giáo và đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ủy ban này đã nắm quyền lãnh đạo về chính trị và quân sự từ ngày 01/11/1963 đến ngày 26/10/1964. Đứng đầu Hội đồng này Tướng Dương Văn Minh. Vào ngày 04/11/1963, Ban chấp hành Hội đồng này được công bố gồm có: (1) Trung tướng Dương Văn Minh: Chủ tịch Hội đồng, (2) Trung tướng Trần Văn Đôn: Đệ Nhất phó chủ tịch, (3) Trung tướng Tôn Thất Đính: Đệ Nhị phó chủ tịch, (4) Trung tướng Trần Văn Minh: Ủy viên Kinh tế, (5) Trung tướng Phạm Xuân Chiểu: Ủy viên An ninh, (6) Trung tướng Trần Thiện Khiêm: Ủy viên Quân vụ, (7) Thiếu tướng Đỗ Mậu: Ủy viên Chính trị, (8) Trung tướng Lê Văn Kim: Ủy viên Ngoại giao kiêm Tổng thư ký, (9) Trung tướng Mai Hữu Xuân: Ủy viên, (10) Trung tướng Lê Văn Nghiêm: Ủy viên, (11) Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu: Ủy viên, (12) Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có: Ủy viên. Vào lúc 11h30 ngày 01/11/1963, được hậu thuẫn của Mỹ, Tướng Dương Văn Minh đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự, theo đó, tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu đã bị ám sát, kéo theo sự sụp đổ của chế độ độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm sau 9 năm thống trị và đàn áp Phật giáo.

Hội đồng Tư vấn Giáo dục: Hội đồng tư vấn các vấn đề giáo dục và giáo dục Phật giáo và các quy định pháp luật Việt Nam về giáo dục, do Ban Giáo dục Phật giáo trung ương thành lập năm 2017. Hội đồng Tư vấn giáo dục gồm hàng Giáo phẩm cao cấp của GHPGVN và các nhà nghiên cứu có khả năng chuyên môn về giáo dục để làm tư vấn và góp ý những vấn đề liên hệ, nhằm thúc đẩy sự phát triển các công tác giáo dục và đào tạo.

Hội đồng Trị sự: Cơ quan điều hành, quản lý hành chính cấp quốc gia cao nhất của GHPGVN về mọi phương diện hoạt động Phật sự giữa hai nhiệm kỳ. Ủy viên Hội đồng Trị sự gồm các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni và Phật tử tiêu biểu có nhiều thành tích đóng góp cho Phật giáo và Dân tộc. Thành viên tham gia Hội đồng Trị sự không quá 80 tuổi. Mỗi thành viên Hội đồng Trị sự không kiêm nhiệm quá 2 chức danh trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; mỗi chức danh không quá 3 nhiệm kỳ. Hội đồng Trị sự có nhiệm vụ: (i) Bầu chọn các thành viên Hội đồng Trị sự và suy cử Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, (ii) Ấn định chương trình hoạt động hằng năm của GHPGVN theo Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, (iii) Tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chương trình hoạt động Phật sự toàn nhiệm kỳ, chương trình hoạt động Phật sự hằng năm, chương trình chuyên biệt và những sự kiện trọng đại của GHPGVN, (iv) Tổ chức hướng dẫn, quản lý, điều hành, chỉ đạo các mặt công tác của các cấp GHPGVN từ Trung ương đến địa phương, (v) Ban hành Quy chế, Nội quy để cụ thể hóa và thực thi theo các quy định của Hiến chương, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của GHPGVN, (vi) Phân công, luân chuyển nhân sự tham gia Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành trên cơ sở trao đổi với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trong trường hợp Ban Trị sự cấp tỉnh, thành thiếu nhân sự, (vii) Quyết định bổ nhiệm trụ trì các cơ sở do GHPGVN cấp Trung ương và cấp tỉnh thành lập, quản lý trên cơ sở tham khảo ý kiến với hệ phái, sơn môn và cơ quan có thẩm quyền, (viii) Giới thiệu Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử tham gia các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị – xã hội, (ix) Đề nghị cơ quan Nhà nước xử lý đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài GHPGVN vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cơ sở tự viện và thành viên GHPGVN, (x) Kiểm tra, xử lý các vi phạm Giáo luật, Hiến chương, Quy chế, Nội quy và các quy định khác của Giáo hội, (xi) Phê chuẩn kế hoạch, chương trình hoạt động Phật sự của Ban, Viện Trung ương, Văn phòng Trung ương GHPGVN, các tổ chức cơ sở và thành viên trực thuộc Trung ương Giáo hội và GHPGVN cấp tỉnh, (xii) Đề nghị Ban thường trực Hội đồng Chứng minh tấn phong trước kỳ hạn trong trường hợp đặc biệt cần thiết đối với nhân sự bổ sung vào các chức vụ bị khuyết thuộc thẩm quyền suy cử của Hội đồng Trị sự, (xiii) Tổng hợp ý kiến của chư Tăng Ni, Phật tử thành viên GHPGVN để phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động tôn giáo.

Hội đồng Giám luật (2): Một trong các Hội đồng giáo phẩm của GHPGVNTN chuyên trách, giám sát về giáo luật của tất cả thành viên GHPGVNTN.

Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự: Hội nghị cấp cao của Hội đồng Trị sự GHPGVN, có nhiệm vụ sơ kết công tác Phật sự 06 tháng đầu năm và chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động Phật sự 06 tháng cuối năm.

Hội nghị bất thường: Hội nghị của GHPGVN tổ chức đột xuất khi cần thiết. Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội triệu tập Hội nghị bất thường do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đề nghị hoặc 2/3 tổng số thành viên Hội đồng Trị sự đề nghị. Thành phần Hội nghị bất thường, thể theo thành phần Hội nghị thường niên Trung ương quy định ở điều 46 Hiến chương.

Hội nghị cấp huyện: Hội nghị Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện do Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện triệu tập hằng tháng, hằng quý, 6 tháng và một năm một kỳ để kiểm điểm, hoạch định chương trình hoạt động Phật sự của từng quý và cả năm. Khi cần thiết, Trưởng Ban Trị sự cấp huyện sẽ triệu tập Hội nghị bất thường do Thường trực Ban Trị sự cấp huyện đề nghị hoặc 2/3 tổng số thành viên Ban Trị sự đề nghị.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ. Hội nghị Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành giữa nhiệm kỳ do Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành triệu tập, để sơ kết công tác Phật sự giữa nhiệm kỳ, bổ sung nhân sự khuyết vị.

Hội nghị Hội đồng Pháp chủ: Hội nghị của GHPGVN do Đức Pháp chủ triệu tập 05 năm một kỳ, để tổng kết Phật sự của Giáo hội đã thi hành; phê chuẩn chương trình hoạt động Phật sự sẽ thi hành, suy cử Ban Thường trực Hội đồng Pháp chủ. Trong trường hợp cần thiết, Đức Pháp chủ sẽ triệu tập Hội nghị Hội đồng Pháp chủ bất thường, do Ban Thường trực Hội đồng Pháp chủ hoặc 2/3 tổng số thành viên Hội đồng Pháp chủ đề nghị. Ban Thường trực Hội đồng Pháp chủ tổ chức họp mỗi năm một kỳ để tổng kết hoạt động Phật sự trong một năm qua và định hướng hoạt động cho năm tới.

Hội nghị Hội đồng Trị sự: Gồm có (i) Hội nghị thường niên GHPGVN, (ii) Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự do Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội triệu tập. Thành phần tham gia và được quyền biểu quyết tại Hội nghị thường niên Trung ương Giáo hội gồm có: (i) Ban Thường trực Hội đồng Pháp chủ, (ii) Thành viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, (iii) Trưởng, Phó Ban Thường trực các Ban, Viện Trung ương.

Hội nghị thường niên Trung ương Giáo hội: như “Hội nghị thường niên.”

Hội nghị thường niên: Hội nghị toàn quốc của Hội đồng Trị sự GHPGVN tổ chức mỗi năm một lần, có nhiệm vụ tổng kết hoạt động Phật sự một năm qua; căn cứ nghị quyết của Đại hội, thảo luận và ấn định chương trình hoạt động Phật sự trong năm tới; thảo luận và ấn định thời gian Hội nghị Ban Thường trực của Giáo hội và những vấn đề về tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trị sự; thông qua Nghị quyết Hội nghị.

Hội Phật giáo Đông phương (The Eastern Buddhist Society): Viết tắt là EBS, do D.T. Suzuki, Beatrice Lane Suzuki, Sasaki Gessho, Akanuma Chizen và Yamabe Shugaku thành lập vào năm 1921 với mục đích giới thiệu triết lý Phật giáo đến thế giới hiện đại. Mục đích của EBS nhằm dịch thuật và nghiên cứu các văn bản Phật giáo, xuất bản Tạp chí Phật giáo Phương Đông (The Eastern Buddhist), tổ chức hội thảo, thuyết trình, các nhóm học tập và hành trì Phật pháp.

hối quá (P. patidesemi, S. deśayitavya, 悔過): hối lỗi, còn được dịch “tự mình cần phát lồ” (自應發露, tự ưng phát lồ), gồm 4 lỗi đối với Tăng và 8 lỗi đối với Ni. Tỳ-kheo nào vi phạm phải tự nói lỗi trước Tỳ-kheo đồng tu để được thứ lỗi và làm mới.

Hội thánh điển Pali (Pali Text Society): Viết tắt là PTS, do Thomas William Rhys Davids thành lập vào năm 1881 nhằm thúc đẩy việc phiên dịch, công bố, nghiên cứu văn học Pali của Thượng tọa bộ, vốn được xem là các bản văn Phật giáo lâu đời nhất, gần nhất với những gì đức Phật đã truyền bá. Thành lập theo mô hình của Hiệp hội văn bản Anh văn sơ khai (Early English Text Society), trong giai đoạn đầu, PTS có công lớn trong việc Latinh hóa văn học Pali, biên tập, hiệu đính, xuất bản Tam tạng Pali, văn học sớ giải, văn học tục tạng Pali, từ điển Phật học và tạp chí mang tên hội. Đến năm 1922, khi Thomas William Rhys Davids qua đời, PTS đã xuất bản được 64 bản văn gồm 94 tập với hơn 26.000 trang. Năm 1996, PTS ký bản ghi nhớ với Quỹ Dhammakaya nhằm hợp tác xuất bản toàn bộ thánh điển Pali trên CD-ROM nhằm phổ biến Phật pháp cho cộng đồng Phật giáo thế giới. Các chủ tịch của PTS qua các thời đại gồm: (i) 1881-1922: Thomas William Rhys Davids (1843-1922) sáng lập, (ii) 1022-1942:  Caroline Augusta Foley Rhys Davids (1857–1942), (iii) 1942–1950: William Henry Denham Rouse (1863–1950), (iv) 1950–1958: William Stede (1882–1958), (v) 1959–1981: Isaline Blew Horner OBE (1896–1981), (vi) 1981–1994: Kenneth Roy Norman FBA (1925– 2020), (vii) 1994–2002: Richard Francis Gombrich (1937– ), (viii) 2002–2003: Lance Selwyn Cousins (1942–2015), (ix) 2003–present: Rupert Mark Lovell Gethin (1957–). Với đóng góp to lớn của Thomas William Rhys Davids, PTS đã làm cho văn học Phật giáo Thượng tọa bộ được cộng đồng thế giới biết đến, học hỏi, nghiên cứu, góp phần phát triển Phật giáo trên toàn cầu, nhất là giúp cộng đồng nói tiếng Anh có cơ hội tiếp cận và thực hành Phật giáo.

Hội xuất bản Phật giáo (Buddhist Publication Society): Viết tắt là BPS, là nhà xuất bản Phật giáo phi lợi nhuận, được giáo sư A.S. Karunaratna, Richard Abeyasekera và Hòa thượng gốc Châu Âu, Nyanaponika Thera thành lập tại Kandy, Sri Lanka vào năm 1985 có mục đích phổ biến rộng rãi triết lý và hành trì Phật giáo Nguyên thủy cho cộng đồng nói tiếng Anh tại Tích Lan và trên toàn cầu. Ban đầu BPS xuất bản những quyển sách Phật học nhỏ từ 16-40 trang về triết lý và ứng dụng Phật giáo theo tinh thần kinh tạng Pali. Từ năm 1960, BPS dưới sự lãnh đạo của HT. Piyadassi đã xuất bản tùng thư “Damsak” (=Dhammacakka, pháp luân) và một loạt sách khổ lớn bằng tiếng Sinhala có tên là “Kalana Mithuru (=Kalyanamitra). Ngày nay, BPS có hơn 3.000 thành viên ở khắp 80 quốc gia và xuất bản cách sách Phật học được dịch đa ngôn ngữ gồm tiếng Đức, Pháp, Bồ-đào-nha, Séc, Hindi và Trung văn. Các đời chủ tịch điều hành của BPS gồm: (i) 1958-1988: HT. Nyanaponika Thera, (ii) 1988–2010: Bhikkhu Bodhi, (iii) 2011-hiện nay, P.D. Premasiri. Các tổng biên tập gồm: (i) 1958–1984: HT. Nyanaponika Thera, (ii) 1984–2002: Bhikkhu Bodhi, (iii) 2005-nay: Bhikkhu Nyanatusita.

Huấn nghệ vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Xã hội GHPGVNTN.

hùn phước: Hành động đóng góp tịnh tài nhằm cúng dường cho một phần hay trọn phần công trình xây chùa, làm tượng Phật, in tặng kinh sách, máy nghe giảng hay các việc an sinh xã hội do các chùa hay hội đoàn Phật giáo tổ chức, nhằm gieo phúc duyên cho đời. Ở phạm vi rộng hơn, cùng đóng góp công sức, cùng làm công quả trong chùa cũng là cách hùn phước để mang lại lợi ích cho nhiều người.

huy hiệu GHPGVN: Huy hiệu của GHPGVN có hình tròn, nền xanh lá cây đậm. Ở giữa vòng trong có hoa sen màu trắng tám cánh, phía trong có gương sen 08 hạt màu trắng, biểu trưng cho đạo thánh tám nhánh (bát chánh đạo). Vòng ngoài có vòng chữ “GHPGVN” màu trắng.

huy hiệu GHPGVNTN: Huy hiệu của GHPGVNTN là hình Pháp luân có 12 căm.

Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa (1951-1963): 12 tuổi, pháp danh Tâm Tôn, một thánh tử đạo Phật giáo trong số 9 thanh thiếu niên bị chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm thảm sát tại Đài phát thanh Huế vào vào lúc 22:00 ngày 08/5/1963 (nhằm mùng 8/4 Quý Mão, PL. 2507), dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Ty trưởng Nội an Thừa Thiên.

huỳnh môn: như “hoàng môn.”

Huynh trưởng: Chức danh của Gia đình Phật tử. Huynh trưởng GĐPT có 4 bậc học: (i) Kiên (1 năm), (ii) Trì (2 năm), (iii) Định (3 năm), (iv) Lực (5 năm). Bốn Trại đào tạo Huynh trưởng được quy định từ thấp lên cao: (i) Trại Lộc Uyển (đào tạo Đoàn phó), (ii) Trại A-dục (đào tạo Đoàn trưởng), (iii) Trại Huyền trang (đào tạo Liên Đoàn trưởng), (iv) Trại Vạn Hạnh (đào tạo Ban viên Ban Hướng dẫn). Có bốn cấp Huynh trưởng: (i) Cấp Tập: Chịu trách nhiệm sự thịnh suy của một Đoàn, (ii) Cấp Tín: Chịu trách nhiệm sự thịnh suy của một Gia đình, (iii) Cấp Tấn: Chịu trách nhiệm sự thịnh suy của Ban Hướng dẫn Tỉnh, Thị (ở Việt Nam); Miền (ở Hoa Kỳ) và liên đới trách nhiệm sự thịnh suy của Tổ chức, (iv) Cấp Dũng: Chịu trách nhiệm sự thịnh suy của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam. Tác phong của Huynh trưởng được Thể hiện qua bốn phương diện: (i) Ăn nói giao dịch hòa nhã khiêm tốn, (ii) Trang phục lịch sự sạch đẹp không phô trương, không cẩu thả, (iii) Tóc tai gọn gàng, bình dị, (iv) Đi đứng nằm ngồi giữ lễ. Đạo đức Huynh trưởng được thể hiện qua các vai trò như sau: (i) Làm con hiếu thảo, (ii) Làm cha mẹ nhân từ, (iii) Làm anh chị độ lượng, (iv) Làm vợ chồng chung thủy, (v) Làm em thuận hòa, (vi) Làm công dân lương thiện, gương mẫu vì lợi ích của cộng đồng, trung thành và bảo vệ tổ quốc. Trách nhiệm của Huynh trưởng bao gồm: (i) Tinh tấn học tập, công phu hàm dưỡng tu trì, (ii) Trau dồi trí tuệ, cập nhật kiến thức, (iii) Quán triệt, tôn chỉ, mục đích, yêu cầu và đường hướng giáo dục của tổ chức GĐPT, (iv) Chỉ đạo có đường lối, có chủ trương, thực hiện có kế hoạch có chương trình chi tiết, tỉ mỉ, (v) Làm việc có châm ngôn: Bi - Trí - Dũng.

hư cấu: Hình thức kể chuyện mang tính giả tưởng gồm con người, sự kiện, địa điểm mang tính tưởng tượng, không có lịch sử.

Hướng đạo Phật tử vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Thanh niên GHPGVNTN.

hữu (有): 1.Dịch nghĩa của từ “bhava” trong Pali và Sanskritcó nghĩa là “hữu thể” (有, being), sự sanh (生, birth), sự sanh thành (生成), sự trở thành (becoming), sự tái sanh (再生, rebirth); 2. Tồn tại (存在, existence), một trong 12 mắc xích duyên khởi (S. pratītyasamutpāda, dependent origination) tạo ra luân hồi (P=S. samsara) tức vòng tròn sự sống của con người, như trong thuật ngữ “thủ duyên hữu” (取緣有) tức “do chấp thủ kéo theo tồn tại” hay “hữu duyên sinh” (有緣生) tức “do hiện hữu kéo theo sự sanh”. Hữu trong Phật giáo được giải thích là sự tái sanh trong các cảnh giới hiện hữu như thiên, a-tu-la, nhân, động vật, ngạ quỷ và súc sanh.

hữu ái, hữu khuể, hữu bố, hữu si (有愛、有恚、有怖、有癡): thương yêu, giận hờn, sợ hãi, ngu si.

im lặng (默然, mặc nhiên): (1) Thuật ngữ luật học Phật giáo biểu thị sự đồng tình hay tán đồng của thành viên Tăng đoàn đối với các biểu quyết Tăng đoàn bằng cách giữ im lặng. Trong văn biểu quyết Tăng đoàn thường có câu: “Trưởng lão nào đồng tình thì im lặng” (誰諸長老忍者默然, thùy nhẫn giả mặc nhiên), ai không tán đồng thì phát biểu” (誰不忍者說, thùy bất nhẫn giả thuyết); (2) Không quan tâm, không trả lời, không màng tranh luận đối với các câu hỏi siêu hình học và tranh cãi vô bổ, vô ích, không có ích cho việc tu học và không giá trị đích thực cho con người.

Indian International Journal of Buddhist Studies: như Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo Quốc tế Ấn Độ.

International Association of Buddhist Studies: như  Hiệp hội Phật học quốc tế.

International Association of Buddhist Studies: như  Hiệp hội Phật học quốc tế.

Journal of Buddhist Ethics: như Tạp chí Đạo đức Phật giáo.

Journal of Buddhist Philosophy: như Tạp chí Triết học Phật giáo.

Journal of Chinese Buddhist Studies: như Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc.

Journal of Global Buddhism: như Tạp chí Phật giáo Toàn cầu.

Journal of Pure Land Buddhism: như Tạp chí Tịnh độ tông.

Journal of the Institute of Buddhist Studies: như Tạp chí của Viện Nghiên cứu Phật học.

Journal of the International Association of Buddhist Studies: như Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Phật giáo Quốc tế.

Journal of the International College for Advanced Buddhist Studies: như Tạp chí của Trường đại học quốc tế Nghiên cứu Phật học Cao cấp.

Journal of the Oxford Centre for Buddhist Studies: như Tạp chí của Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Oxford.

Journal of the Pali Text Society: như Tạp chí Hội thánh điển Pali.

kết bè đảng: như “kết phe phái.”

kết hạ (結夏): tham dự an cư mùa mưa. Xem “an cư mùa mưa.”

kết phe phái (結黨): còn gọi là “kết đảng phái”(結黨派) yếu tố dẫn đến sự mất hòa hợp của tăng đoàn. Hành động này thường dẫn đến chia rẽ Tăng đoàn, khiến Tăng đoàn không hòa hợp. Nếu sau ba lần khuyên răn, người xuất gia đó bỏ được thì tốt, nếu bảo thủ quan điểm thì phạm Tăng tàn. Xem “như thế quả thực là tốt” và “đi theo nhóm riêng.”

kích thích tình dục (春藥, xuân lạc): hành động kích thích cơ thể, nhất là cơ quan sinh dục và một số vùng nhạy cảm của cơ thể để đạt cực khoái. Hành động này trái với quy định giới hạnh của người xuất gia, mà người vi phạm sẽ bị phạm giới Tăng tàn.  Xem “Tăng tàn.”

Kiểm duyệt vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Hoằng pháp GHPGVNTN.

kiến đạo (S. darśana-mārga, C.見道): Còn gọi là “kiến đế” (見諦) hay “kiến đế đạo” (見諦道), một trong giai vị tu tập trong Phật giáo, là thành quả do dùng trí vô lậu quán sát và tu tập bốn chân lý thánh (四聖諦), dứt trừ các phiền não ngủ ngầm (隨眠煩惱) hay kiến hoặc (見惑). Theo Thuyết nhất thiết hữu bộ (說一切有部), sau kiến đạo là tu đạo (修道) và vô học đạo (無學道), thể nhập niết-bàn (涅槃), trở thành bậc vô học (無學位) tức chứng quả A-la-hán (阿羅漢果). Người đạt được “tùy tín hành” (隨信行) và “tùy pháp hành” (隨法行), thể nhập “chánh tính ly sanh” (正性離生) còn gọi là “chánh tính quyết định” (正性決定) được xem ngang với “kiến đạo”, phải tiếp tục tu tập để chứng thánh quả.

Kiến tạo vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Kiến thiết GHPGVNTN.

kiên trì với chủ trương ban đầu (P. tatheva paggaṇheyya): đối với việc tốt, có ích, giá trị thì sự kiên trì này là lập trường đáng khen. Đối với việc xấu, tác hại, nhất là chia rẽ Tăng đoàn thì kiên trì này là sự bảo thủ, cố chấp, không buông bỏ được những điều không nên bám víu, phạm tội Tăng tàn.

kiến trúc chùa: Còn gọi là ngoại thất của ngôi chùa tức tổng thể mặt bằng kiến trúc của một ngôi chùa gồm: (i) Chánh điện hoặc Đại hùng bảo điện, điện Phật, (ii) Nhà Tổ: Nơi thờ tượng và kỷ vật của các bậc tổ sư khai sáng chùa hoặc các cao tăng, (iii) Tăng xá: Các dãy nhà ở cho Tăng đoàn hoặc Ni đoàn, (iv) Nhà Trù: Khu vực bếp nấu phục vụ cho Tăng đoàn, Ni đoàn và Phật tử, (v) Trai đường: Khu nhà ăn của chùa, (vi) Vườn Tháp Tổ: Khu vườn gồm tổ hợp các tòa tháp lưu giữ xá-lợi và di cốt của các cao tăng, (vii) Nhà tọa soạn: Các dãy nhà phục vụ cho việc soạn lễ cúng dường của Phật tử; (viii) Gác chuông, gác trống, (ix) Tam Quan: Cổng vào chùa với ba cửa ra vào, (xii) Hồ sen: Tạo nên phong cảnh sơn thủy hài hòa, (xiii) Giếng chùa, (xiv) Hoa viên: Gồm vườn cây, vườn hoa, (xv) Tịnh Thất: Các thất nhỏ tại các không gian yên tĩnh phục vụ cho việc tu hành.

kiềntrùy (S. ghaṇṭā, 揵搥): (1) Khánh, linh nhỏ, là nhạc cụ không thể thiếu trong nghi lễ Phật giáo Mật tông, thường được sử dụng cùng cặp với chày kim cương. Trong Mật tông, kiền trùy là yếu tố nữ, biểu tượng của trí tuệ và chày kim cương là yếu tố nam, tượng trưng cho từ bi. Sự phối hợp giữa trí tuệ và  từ bi tạo nên thành quả giác ngộ. Kiền trùy được ví như than Phật, trong khi chày kim cương được ví như tâm Phật và tiếng chuông được ví như Phật pháp. Kiền trùy có độ cao khoảng 2.5 tấc, đáy có hình tròn, trên là khuôn mặt Bồ-tát Bát-nhã. Phía trên nữa là đĩa mặt trăng và một hình chày kim cương. Trong khóa lễ Mật tông, nhà sư tay trái cầm kiền trùy, tay phải cầm chày kim cương; (2) Trong Phật giáo Trung Quốc, kiền trùy là tên gọi chung cho chuông, khánh, mõ, mộc bản, được đánh làm hiệu lệnh trong chùa nhằm thông báo về giờ thức giấc, giờ ngủ, giờ ăn, giờ tập hợp, giờ tụng kinh, giờ nghe giảng  v.v...

kiền-độ (P.khandhaka, 犍度): Một trong ba phần quan trọng của Luật tạng Pāli; hai phần còn lại Phân tích Giới bổn (P. suttavibhaṅga, 經分别) và Phụ lục (parivāra, 附随). Xem “chủ đề.”

kiếp (P. kappa, S. kalpa, C.劫, E. aeon): Viết đủ là kiếp-ba (劫波), đơn vị đo thời gian rất dài, bắt đầu từ lúc tự hành thành (self-creation) cho đến lúc tái hình thành (recreation) theo vũ trụ luận Phật giáo Ấn Độ cổ đại. Có ba loại kiếp gồm tiểu kiếp (小劫), trung kiếp (中劫) và đại kiếp (大劫). Theo Luận đại trí độ (大智度論), tính tăng từ 10 tuổi, 100 tuổi đến 84,000 tuổi rồi sau đó tính giảm từ 84,000 tuổi còn 10 tuổi; một vòng tăng và một một vòng giảm như vậy được gọi là một tiểu kiếp, tương đương 16.8 tỷ năm (một tiểu kiếp bằng 4.32 tỷ năm Vishnu Purana và Bhagavata Purana của Ấn Độ giáo). Hai mươi tiểu kiếp bằng một trung kiếp, tương đương 336 tỷ năm. Bốn trung kiếp bằng một đại kiếp, tương đương 1.344 tỷ năm. Mỗi đại kiếp đều trải qua bốn giai đoạn gồm kiếp thành (成劫) tức kiếp thứ nhất trong bốn trung kiếp, kiếp trụ (住劫) tức kiếp thứ hai trong bốn trung kiếp, kiếp hoại (壞劫) tức kiếp thứ ba trong bốn trung kiếp và kiếp không (空劫) tức tức kiếp thứ tư trong bốn trung kiếp. Quan niệm về kiếp trong Phật giáo phản ánh thế giới tồn tại lâu dài, không dễ dàng bị tận thế trong vài ngàn năm như kinh thánh của các tôn giáo khác đã mô tả. Tham chiếu: Epstein, Ronald B.(2002). Buddhist Text Translation Society's Buddhism A to Z p. 204. Buddhist Text Translation Society; Johnson, W.J. (2009). A Dictionary of Hinduism. Oxford University Press. p. 165.

kiết hạ an cư (結夏安居): như “an cư mùa mưa.”

Kiêu-đàm-di (憍曇彌): Ở Việt Nam thường đọc nhầm là Kiều-đàm-di, tương đương với phiên âm “Cù-đàm-di” (瞿曇彌), Cù-đàm nữ (瞿曇女), hoặc Kiều-đáp-ma (喬答摩) vốn phiên âm của chữ “Gotami” trong Pali hay chữ “Gautamī” trong Sanskrit, là họ (nữ tính), đối lập với chữ “Gotama” (nam tính) trong Pali và “Gautama” trong Sanskrit. Đó là họ của di mẫu cũng là mẹ kế của đức Phật, gọi đủ cả tên họ là “Mahāpajāpatī Gotami” trong Pali hoặc “Mahāprajāpatī Gautamī” trong Sanskrit. Xem “Đại Ái Đạo” và “Ma-ha Ba-xà-ba-đề.”

Kiều-đàm-di: Cách đọc và viết sai của người Việt Nam về chữ “Kiêu-đàm-di” (憍曇彌). Xem “Kiêu-đàm-di.”

Kiều-đáp-ma (喬答摩): Phiên âm của chữ “Gotami” trong tiếng Pali hoặc “Gautamī” trong tiếng Sanskrit, họ của hoàng hậu Mahāpajāpatī Gotami, mẹ kế của đức Phật lịch sử. Như “Kiêu-đàm-di” và xem “Ma-ha Ba-xà-ba-đề.”

Kiều-thưởng-di kiền-độ (P. Kosambikkhandhaka, 喬賞彌犍度): như “Chủ đề về Kiều-thưởng-di.”

kim cương chử: Như “chày kim cương.”

kính chiếu yêu (爪鏡, trảo cảnh): Còn gọi là kính Chuẩn-đề. Đây là phép viên quang (圓光法) của Đạo giáo ngày xưa, bằng cách dùng chú thuật điểm vào tấm kính nhỏ.

Kinh điển thiền tông (禪宗經典): Kinh điển đại thừa được thiền tông Trung Quốc trong giai đoạn đầu xem là quyền uy của chân lý và hành trì. Từ tổ Bồ-đề Đạt-ma (菩提達摩) cho đến hơn 100 năm sau đó, thiền tông Trung Quốc lấy Kinh Lăng-già (楞伽經) làm ấn chứng. Đến thời tổ thứ ba Đạo Tín (道信), Kinh kim cang (金剛經) được sử dụng song song với Kinh Lăng-già. Đến thời tổ thứ năm Hoằng Nhẫn (弘忍) Kinh kim cang (金剛經) trở thành kinh chính. Lục tổ Huệ Năng (惠能) chính thức thay thế Kinh Lăng-già bằng Kinh kim cang. Khi Kinh Pháp bảo đàn (六祖壇經) của tổ Huệ Năng ra đời thì diện mạo của thiền tông Trung Quốc hoàn toàn được cách tân và trở thành tác phẩm gối đầu của thiền tông. Ngày nay, ngoài ba kinh nêu trên, các thiền sư cũng sử dụng các kinh đại thừa khác như Kinh Hoa Nghiêm (華嚴經), Kinh Pháp Hoa (法華經), Kinh Duy-ma-cật (維摩經), Kinh Viên giác (圓覺經), Kinh Niết-bàn (涅槃經), Kinh Lăng-nghiêm (楞嚴經)làm tông chỉ khai ngộ thiền tông.

ký giả: Nhà báo, người làm công tác báo chí về đưa tin, phóng sự, viết phản ảnh gồm phóng viên (viết hoặc ảnh), biên tập viên, thư ký toàn soạn, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập).

ký hiệu sừng: Động tác hai ngón trỏ và ngón út chĩa lên, đồng thời khép hai ngón giữa và ngón áp út dưới ngón cái. Ở Địa Trung Hải, ký hiệu sừng nghiêng xuống dưới biểu hiện xua đuổi vận rủi. Trong thể thao và âm nhạc ở phương Tây, ký hiệu sừng thể hiện sự thân thiện. Ở một số nước phương Tây, động tác này được xem hàm ý xúc phạm, khinh bỉ, lăng mạ người khác.

kỷ luật: Hình thức trị phạt áp dụng đối vói các thành viên GHPGVN vi phạm giới luật, Hiến chương, Quy chế, Quy định của GHPGVN, tùy theo lỗi nặng nhẹ, Giáo hội sẽ xử lý theo Giáo luật. Đối với Tăng, Ni vi phạm về giới luật, tùy theo mức độ vi phạm, Ban Tăng sự các cấp phối hợp cùng Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện và Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh căn cứ Luật Phật chế để xét xử và giải quyết. Các thành viên GHPGVN có hoạt động và hành vi làm thương tổn đến thanh danh, đến sự hòa hợp, đến quyền lợi của Giáo hội hoặc các thành viên của Giáo hội, phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đến hòa bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc, Giáo hội sẽ xử lý theo Giáo luật và tùy mức độ vi phạm Giáo hội sẽ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý theo Pháp luật. Thành viên của GHPGVN bị mất quyền công dân do vi phạm Pháp luật thì đương nhiên mất tư cách là thành viên của Giáo hội. Các thành viên bị khai trừ, sau khi hối cải, có thể xin gia nhập lại Giáo hội. Trường hợp mất quyền công dân mà đã được phục hồi quyền công dân thì có thể được xin phục hồi tư cách thành viên GHPGVN. Về thẩm quyền thi hành kỷ luật, việc thi hành kỷ luật đối với thành viên thuộc cấp tỉnh quản lý do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh quyết định. Đối với các ủy viên Ban Trị sự do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN quyết định. Đối với thành viên Hội đồng Trị sự do 2/3 số lượng thành viên Hội đồng Trị sự biểu quyết và Ban Thường trực Hội đồng Pháp chủ phê chuẩn. Về thẩm quyền giải quyết, trường hợp không giải quyết được, Ban Trị sự cấp tỉnh trình lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để giải quyết. Nếu vẫn không được thì Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Pháp chủ xử lý theo giáo luật.

kỳ thánh (棋聖): Xem “thánh cờ tướng.”

khai ngộ (開悟): Đồng nghĩa với từ “chứng ngộ” (证悟) và “ngộ nhập” (悟入), là trạng thái “minh tâm” (明心) và “kiến tánh” (見性) trong thiền tông Trung Quốc. Người đạt sự khai ngộ sẽ tỏ ngộ được “chân như” (真如) và “thật tướng” (實相) hướng đến sự chứng đắc quả Phật cứu cánh (究竟佛果). Khái niệm “ngộ” (悟) hay “giác ngộ” (覺悟) đối lập với “mê” (迷). Khai ngộ, ở phạm vi đơn giản nhất, là nhận chân được tâm, ý, thức (意識心) và thật tướng của pháp giới (法界實相), không còn bị vô minh và khổ đau trói buộc, đạt được tuệ giác và giải thoát. Xem “chứng ngộ”.

khai sơn (開山): (1) Mở núi làm đường đi, chỉ cho việc kiến dựng lúc khởi nguyên, tức có công khai phá nhằm dựng xây công trình, sự nghiệp mang tính tiên phong, (2) Công mở lối, công khởi xướng, đi tiên phong trong một phong trào, sự nghiệp có giá trị cho cộng đồng, quốc gia hoặc ở phạm vi toàn cầu. Vị tăng sĩ xây dựng ngôi chùa mới được gọi là thầy khai sơn. Tổ sư lập tông phái mới được gọi là tổ khai sơn. Chẳng hạn, người Nhật gọi Thánh nhân Thân Loan là Thánh nhân Khai sơn.

khai sơn kiến tự (開山建寺): Mở núi xây chùa, như “khai sơn lập tự”

khai sơn lập tự (開山立寺): Mở núi xây chùa, còn gọi là “khai sơn kiến tự” (開山建寺), mở núi xây chùa, chỉ cho việc việc khai hoang, xây dựng lên ngôi chùa, thiền viện mới. Sở dĩ có thành ngữ này là vì ngày xưa, ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, việc xây dựng chùa thường ở núi rừng nên mới dùng chữ “khai sơn.” Ngày nay, chùa được xây dựng ở các khu vực địa lý khác nhau. Việc dùng từ “khai sơn lập tự” là cách nói trân trọng về nỗ lực của một tăng/ ni trong việc xây dựng lên ngôi chùa mới ở nơi chưa có chùa.

khai sơn tạo tự (開山造寺): Mở núi xây chùa, như “khai sơn lập tự”

khán thính giả: Những người xem (khán giả) và người nghe (thính giả).

khen ngợi cái chết (P.maraṇavaṇṇaṃ, 贊嘆死亡, tán thán tử vong): Còn gọi là “dự tử” (誉死), hay “tán tử” (贊死), hình thức tán trợ cái chết dưới hình thức tự tử, bị nghiêm cấm đối với người xuất gia, hễ ai vi phạm sẽ bị tội tẫn xuất, mất tư cách tăng sĩ trọn đời, không được sống chung tăng đoàn. Luật sư Đạo Tuyên trong Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao (四分律删繁补闕行事钞) đề cập đến: “nếu vì một người khen sự chết, người này không hiểu, người bên cạnh hiểu, dùng cách chết này là không phạm; nay có nhiều người tự thiêu, bảy chúng có nhiều kẻ ngu muội ngợi khen người ấy, để khiến mừng vui, như luật bổn kết tội nặng." Xem “sát sanh” và “xúi giục tự tử.”

khiên thủ (牵手): như “nắm tay.”

khiêu dâm (挑淫): hành động kích dục (激欲) nhằm thỏa mãn khoái lạc tính dục. Khiêu dâm được thể hiện các phương tiện truyền thông gồm xem sách, tạp chí, bưu thiếp, tranh, ảnh, điêu khắc, ghi âm, gọi điện, phim, video, múa thoát y… trái với lối sống tỉnh thức, thanh tịnh của người xuất gia, mà người vi phạm sẽ bị phạt tội Tăng tàn. Xem “Tăng tàn.”

khinh cấu tội (輕垢罪): tội dơ nhẹ. Đây là những tội ác làm dơ bẩn các hạnh trong sạch (淨行, tịnh hạnh) của người tu hạnh Bồ-tát nhưng có mức độ nhẹ hơn so với mười giới nghiêm trọng của Bồ-tát.

Khmer Buddhist Academy of Vietnam: như “Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.”

khoá tu học dành cho Huynh trưởng: Các khóa học dành cho Huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam gồm lần lượt các khóa Kiên, Trì, Định, Lực

Khối Ấn Quang: Gọi đủ là GHPGVNTN Khối Ấn Quang, một thực thể GHPGVNTN bị phân hóa và tách ra từ GHPGVNTN vào năm 1967, do HT. Thích Trí Quang lãnh đạo, đặt trụ sở tại Chùa Ấn Quang, khác biệt lại với GHPGVN Khối Việt Nam Quốc tự do HT. Thích Tâm Châu lãnh đạo. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành sắc luật 23/67 ngày 18/7/1967 công nhận khối Việt Nam Quốc Tự, đang khi cố tình chống lại Khối Ấn Quang vì lo sợ rằng các Tăng Ni và Phật tử Khối Ấn Quang chống chính quyền Công giáo của tổng thống Ngô Đình Diệm, đòi quyền bình đẳng tôn giáo, bảo vệ Phật giáo khỏi sự suy tàn và diệt vong bởi sự đàn áp của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Khối Việt Nam Quốc tự: Gọi đủ là GHPGVNTN Khối Việt Nam Quốc tự, một thực thể GHPGVNTN bị phân hóa và tách ra từ GHPGVNTN vào năm 1967, do HT. Thích Tâm Châu lãnh đạo, đặt trụ sở tại Việt Nam Quốc tự, khác biệt với GHPGVN Khối Ấn Quang do HT. Thích Trí Quang lãnh đạo. 

không bằng không chứng (無憑無據, vô bằng vô chứng): như “không có bằng chứng.”

không có bằng chứng (P. amūlakena, 無根据): người xuất gia mà dùng các lý do không có bằng chứng, không thấy trực tiếp, cố tình dựng chuyện, ngụy tạo sự thật, gán ghép vô cớ, chụp mủ khiên cưỡng, vu cáo, xuyên tạc, phỉ báng đồng tu khác phạm giới ba-la-di là tối kỵ và vi phạm tội Tăng tàn. Ghép tội không có bằng chứng thường phát xuất từ bất mãn (不满), sân hận (瞋恨) và ác ý (惡意) hành động xấu xa nên tránh.

không có biểu hiện nhu nhược ý chí (P. dubbalyaṃ anāvikatvā): Yếu tố nhận thức và tâm lý quyết định việc một người muốn xuất gia có được chấp nhận hay không, hoặc khi muốn hoàn tục thì đó là quyết định cá nhân, không bị ai ép buộc. Đây cũng là yếu tố các định mức độ nặng nhẹ của hành vi phạm giới.

không có thí chủ (P.assāmikaṃ, 没有施主): tình trạng không có thí chủ phát tâm cúng dường, người xuất gia phải tự đi vận động người cúng dướng để xây dựng tịnh thất hay xây chùa, làm Phật sự.

không cố ý làm xuất tinh: xuất tinh trong tình huống này, có thể do mộng tinh không chiêm bao, được xem không vi phạm giới Tăng tàn. Xem “Tăng tàn.”

không được sống chung (P. asaṃvaso, 不共住,bất cộng trú): Áp dụng cho người xuất gia bị trục xuất, khi vi phạm một trong 4 giới ba-la-di (đối với sa-di và tỳ-kheo), 8 giới ba-la-di (đối với sa-di-ni, thức-xoa và tỳ-kheo-ni), không được sống chung, không được sinh hoạt chung, không được yết-ma chung, không được đọc giới chung, không được làm Phật sự chung với Tăng đoàn nữa; nghĩa là mất tư cách tăng sĩ vĩnh viễn.

không môn: như  “cửa không.”

không nghe lời khuyên (P. dubbacajātiko, 戾語): còn gọi là “bất thọ khuyến” (不受勸), trạng thái khó dạy bảo, rất khó giao tiếp và khó nói chuyện của một người xuất gia, do bảo thủ quan điểm, không lắng nghe lời khuyên răn đúng của tăng đoàn; sẽ không tiến bộ trên con đường tu tập, thậm chí bị lui sụt trên con đường đạo. Nếu vẫn cố chấp sau khi được sau 3 lần khuyên can bởi các bậc trưởng lão thì phạm Tăng tàn. Xem “ác niệm chi phối,” “ba lần khuyên răn” và “thuận theo tà đạo.”

không từ bỏ điều cần học (P.sikkhaṃ appaccakkhāya): Tuân thủ nghiêm túc các quy định của đức Phật về nếp sống của người xuất gia chuẩn mực.

không vui tu hành: không có tâm hân hoan, hạnh phúc trong tu hành; có thể do dục niệm bức bách hoặc bị các cám dỗ thế tục khác tạo hấp lực. Tâm trạng này không giúp người xuất gia tiến bộ trong học Phật, tu Phật và làm Phật sự, dễ bị lui sụt tâm bồ-đề. Do đó, người xuất gia cần khởi lên nhận thức để sống “ở đời vui đạo.”

khu tẩn (P=S. pārājika, 驅擯, defeat): tội trục xuất, thường phiên âmlà “ba-la-di” (波羅夷), thường dịch là “cực ác” (極惡), “chặt đầu” (斷頭, đoạn đầu), “vứt bỏ không sót thứ gì” (棄無餘, khí vô dư), gồm bốn điều giới nặng nhất, theo đó, Tăng sĩ vi phạm sẽ bị trục xuất trọn đời khỏi Tăng đoàn (expulsion from the sangha for life) và không còn cơ hội phục hồi tư cách Tăng sĩ nữa. Bên Tăng có 4 giới, đang khi bên Ni có 8 giới trục xuất bao gồm: (i) Quan hệ tình dục với người hoặc động vật, (ii) Trộm cắp tài sản, (iii) Giết người, xúi giục, đồng lõa, ủng hộ giết người, (iv) Tuyên bố lừa dối rằng mình là thánh nhân, chứng đắc thiền định, (v) Tiếp xúc cơ thể người nam, (vi) Cho người nam chạm cơ thể, (vii) Che giấu đồng tu phạm tội trục xuất,(viii) Đi theo thầy Tăng bị tố giác.

khu xuất yết-ma (驅出羯磨, pabbājanīyakamma): như “biểu quyết trục xuất.”

Khuôn hội Phật giáo: Một đơn vị hành chánh Phật giáo của GHPGVNTN, về tầm vóc chưa ngang bằng với chùa có trụ trì, chỉ ngang bằng với Niệm Phật đường. Đứng đầu Khuôn hội là Ban hộ tự (do không có trụ trì) được Ban Đại diện bổ nhiệm, nhằm  điều hành các sinh hoạt tu học của ngôi chùa khuôn hội.

Khuôn hội: Còn gọi là Khuôn hội Phật giáo. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế thường sử dụng từ này để chỉ cho một đơn vị hành chánh Phật giáo của GHPGVNTN. Tại một số tỉnh miền Trung như Tuy Hòa, Phú Yên, từ này được thay thế thành “Vức hội.” Xem “khuôn hội Phật giáo.”

lạc (P. Dadhiṃ, 酪): phó mát

lạc (P. dadhiṃ, 酪酪): sữa đông dùng là phó mát (凝乳).

lạc vận: Khi hai vần đều không thuộc vần chính hay vần thông. Ví dụ: thanh, minh.

La-hầu-la (P. Rāhula, 羅睺羅): con trai của đức Phật.

làm công quả: Tham gia đóng góp công sức cho các Phật sự trong chùa nhưng không ăn lương, đặc biệt là các công việc đi chợ, nấu ăn, trần thiết, trang trí, dọn bếp, dọn vệ sinh, dạy học và các việc an sinh xã hội do chùa tổ chức. Đây là hình thức làm phước theo cách bỏ công sức, thời gian, chất xám để tạo nên thành quả phước báu cho bản thân. Thời gian làm công quả ở chùa tùy thuộc vào sự phát tâm của người tại gia. Người làm công quả ở chùa có thể ngủ ở chùa, có thể tối về nhà, sáng đến chùa làm Phật sự và thiện sự.

làm mai mối (撮合, toát hợp): làm mai mối, làm ông tơ bà nguyệt là hành động bị nghiêm cấm đối với người xuất gia; hễ vi phạm là phạm tội Tăng tàn. Việc người xuất gia khuyên đôi vợ chồng đã ly hôn (離婚夫婦) được tái xum hợp thì không vi phạm giới Tăng tàn. Xem “Tăng tàn” và “người làm mai mối.”

làm việc bất tịnh (作不淨不, tác bất tịnh hạnh): làm các hành vi yêu đương, dâm dục, hưởng thụ tính dục. Người xuất còn làm việc bất tịnh là phạm tội ba-la-di hoặc Tăng tàn tùy theo giới tính nam nữ của người phạm và mức độ nghiêm trọng của việc vi phạm.

lầu chuông: Lầu trong chùa được dùng để treo chuông lớn. Xem gác chuông.

lầu trống: Lầu trong chùa được dùng để treo trống. Xem gác trống.

Lễ chính thức: Lễ ra mắt đơn vị Gia đình Phật tử Việt Nam khi đơn vị này chính thức được Ban trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành hội thừa nhận là Gia đình Phật tử. Lễ chính thức là niềm vinh dự lớn của một đơn vị Gia đình Phật tử sau một thời gian tạm thời sinh hoạt đơn vị đã đạt được những thành tích nhất định về số lượng, quy cũ về tổ chức, hình thức, nề nếp sinh hoạt và tu học. Trong lễ này, Đại diện Ban Hướng dẫn sẽ đọc Quyết định công nhận chính thức của Ban trị sự GHPGVN tỉnh thành.

Lễ Chu niên: Lễ kỷ niệm hằng năm của Gia đình Phật tử theo một ngày nhất định như là kỷ niệm sinh nhật. Lễ chu niên thể hiện sự tiến triển và trưởng thành không ngừng của đơn vị Gia đình Phật tử. Trong lễ chu niên, thông thường, diễn văn của Gia trưởng phải tường trình hoạt động của đơn vị trong năm qua, nêu rõ các thành tích đặc biệt. Ngoài ra cũng cần có phần khen tặng, trao phần thưởng một số đơn vị đoàn xuất sắc, cá nhân gương mẫu trong việc tu dưỡng đạo hạnh, tích cực, thành tích nổi bật trong sinh hoạt nhằm khích lệ các Huynh trưởng, đoàn sinh nỗ lực phát huy hơn nữa sức sống của đơn vị.

Lễ dâng y:

Lê Đình Thám (01/5/1897 – 23/4/1969): Bác sĩ, cư sĩ Phật giáo, pháp danh là Tâm Minh, có công sáng lập Gia đình Phật tử Việt Nam và giảng dạy Phật học cho tăng đoàn trong giai đoạn phục hưng Phật giáo tại miền Trung Việt Nam. Sinh trong gia đình quyền quý nhiều đời làm quan tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1916, ông tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (đậu Thủ Khoa) tại Hà Nội và đậu Bác sĩ Y khoa năm 1930 tại Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1928-1929, ông học Phật với HT. Giác Tiên tại Huế và HT. Phước Huệ chùa Thập Tháp, Bình Định. Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, ông hỗ trợ các Hòa thượng, gánh vác công cuộc hoằng dương chánh pháp. Ngoài việc tham gia đào tạo tăng tài, ông thành lập Thanh niên Đức dục (Phật học), xuất bản Nguyệt san Viên Âm từ năm 1930-1945. Từ năm 1948-1950, ông làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung bộ. Năm 1949, ông tập kết ra Bắc, làm Chủ tịch phong trào vận động Hòa Bình thế giới. Năm 1956, ông và HT. Trí Độ tham dự phái đoàn sang dự đại lễ Phật đản (Buddha Jayanti) tại Ấn Độ. Năm 1961, xuất bản bản dịch Kinh Lăng-nghiêm tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Các sách dịch của ông còn có Luận Nhơn minh, Đại thừa khởi tín luận, Bát thức qui củ tụng, Phật học thường thức, Bát-nhã tâm kinh. Sách viết của ông có Lịch sử Phật giáo Việt Nam,  Phật Tổ Thích Ca và Tâm Minh - Lê Đình Thám tuyển tập (gồm 5 tập). Ông ra đi ngày 23-4-1969 (nhằm 7-3 âl, năm Kỷ Dậu), sau khi đàm đạo lần cuối cùng với HT. Đôn Hậu tại bệnh viện Việt - Xô, Hà Nội, thọ 73 tuổi. Ông là cư sĩ có công phát triển Phật giáo về phương diện giáo dục và tổ chức hành chánh giáo hội. Bức tượng bán thân của ông được tôn trí trang trạng trong Chùa Từ Đàm, Huế để ca ngợi công lao đóng góp của ông đối với Phật giáo.

Lễ hiệp kỵ toàn tỉnh: Lễ hiệp kỵ của Gia đình Phật tử được tổ chức hằng năm ở phạm vi toàn tỉnh nhằm tưởng niệm tất các Huynh trưởng các cấp, đoàn sinh, Ban viên Ban bảo trợ quá cố có công đức với đạo pháp và dân tộc.

Lễ hiệp kỵ trong đơn vị: Lễ hiệp kỵ của Gia đình Phật tử được tổ chức hằng năm ở phạm vi từng đơn vị Gia đình Phật tử nhằm tưởng niệm tất các Huynh trưởng các cấp, đoàn sinh, Ban viên Ban bảo trợ quá cố có công đức với đạo pháp và dân tộc.

Lễ hiệp kỵ: Lễ lễ tưởng niệm hằng năm đối với các tất cả đoàn viên Gia đình Phật tử đã khuất (gồm Huynh trưởng các cấp, đoàn sinh, Ban viên Ban bảo trợ quá cố) có công đức phụng sự, đóng góp cho Giáo hội và xã hội. Lễ hiệp kỵ trở thành ngày truyền thống, ngày hội ngộ nghĩa tình giữa nhiều thế hệ, giữa những người đã vắng bóng và những người đang tiếp nối sự nghiệp của các bậc đàn anh của Gia đình Phật tử Việt Nam.

Lễ lên đoàn: Lễ thăng cấp của Gia đình Phật tử, sau khi các đoàn sinh hội đủ điều kiện về bậc học, tuổi tác và tâm lý ngành thì được tham dự lễ lên đoàn: (i) Oanh vũ lên ngành Thiếu, (ii) Đoàn sinh Thiếu lên ngành Thanh. Lễ lên đoàn đánh dấu bước thăng tiến trên đường tu học, dấu ấn khó quên trong đời sống GĐPT, là niềm tự hào về sự trưởng thành của đoàn sinh.

Lễ lược Gia đình Phật tử: Các loại hình sinh hoạt của Gia đình Phật tử Việt Nam gồm các lễ sinh hoạt, lễ quy y, lễ phát nguyện vào đoàn, lễ trao cấp hiệu, lễ lên đoàn, lễ chính thức, lễ trình diện đơn vị, lễ chu niên… Lễ lược GĐPG đánh dấu sự trưởng thành, thăng tiến, thể hiện các thành quả của đơn vị hoặc của cá nhân về tu học, sinh hoạt. Mục đích của Lễ lược là nhằm giáo dục đạo đức, lý tưởng cũng như nghệ thuật và thẩm mỹ. Lễ lược cũng là cơ hội, theo đó, các Huynh trưởng, đoàn sinh được học tập, rèn luyện khả năng về tổ chức, điều hành, tham gia sinh hoạt nghệ thuật và bồi dưỡng tâm đức.

Lễ mãn hạ (解夏節): (1) Truyền thống thiêng liêng trong các nước Phật giáo Nam truyền như Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, vào ngày rằm tháng 9 AL, sau khi kết thúc 90 ngày an cư mùa mưa, cộng đồng Phật tử chúc mừng các thành viên Tăng đoàn tăng một tuổi giới (夏臘), (2) Trong Phật giáo Việt Nam, lễ mãn hạ thường tổ chức trước ngày rằm tháng 7, sau 3 tháng an tập trung tại một ngôi chùa, theo đó, các Phật tử đến dự lễ, phát tâm cúng dường bốn vật dụng thiết yếu đối với người xuất gia.

Lễ nhạc vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Văn hóa GHPGVNTN.

Lễ Phát nguyện vào Đoàn (mang huy hiệu Hoa Sen): Lễ của Gia đình Phật tử nhằm cửa mở đón các đoàn viên vào Đại gia đình Áo Lam, hoà nhập đời sống tình thương, trí tuệ và anh dũng, đi trên con đường tỉnh thức để cứu giúp cộng đồng xã hội. Để được tham gia vào Đoàn hay Đại gia đình Áo lam, mang huy hiệu hoa sen thì các đoàn sinh phải tham gia sinh hoạt ít nhất 3 tháng (12 lần sinh hoạt liên tiếp trong 12 tuần, nếu đơn vị sinh hoạt hàng tuần), có tinh thần tu học, đạo đức và lý tưởng Phật giáo. Các đoàn sinh sẽ đọc lời phát nguyện: “Hôm nay là ngày ... tháng ... năm ... tại chùa ... trước Tam Bảo, con tên là ... Pháp danh ... là đoàn sinh đoàn ... thuộc GĐPT ... xin phát nguyện luôn đi đúng mục đích, nội quy của GĐPT thuộc GHPGVN và sống theo điều luật của Đoàn, nhằm tu dưỡng lợi ích bản thân, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội. Cúi lạy đức Thế Tôn từ bi chứng giám.”

Lễ phục GĐPT: Được quy định như sau: (i) Đối với Huynh trưởng  Nam và Thanh Thiếu Nam: (a) Áo sơ mi lam tay dài, cổ (bâu) cồn, hai túi có nắp và sống túi, có cầu vai, sống lưng, (b) Quần tây dài màu xanh dương đậm, hai túi sau có nắp. Mũ (nón) Tứ ân. Riêng Huynh trưởng có cà vạt xanh theo màu quần, (ii) Huynh trưởng nữ và Thanh Thiếu nữ: Áo dài lam quần trắng, nón lá.

lễ phục: Pháp phục của Tăng Ni được sử dụng trong các khóa lễ, tăng sự, biểu quyết tăng sự trong các sự kiện văn hóa, lễ hội. Nội quy Ban Tăng sự trung ương quy định như sau. Đối với Giáo phẩm Hòa thượng: Hậu màu vàng, tay có 03 nếp gấp, rộng không quá 80 phân, trên cổ áo trước ngực có 03 nếp gấp, y màu vàng. Đối với Giáo phẩm Thượng tọa: Hậu màu vàng, tay có 02 nếp gấp, rộng không quá 80 phân, trên cổ áo trước ngực có 02 nếp gấp, y màu vàng. Đối với Giáo phẩm Ni trưởng: Hậu màu lam, tay có 03 nếp gấp, rộng không quá 80 phân, trên cổ áo trước ngực có 03 nếp gấp, y màu vàng. Đối với Giáo phẩm Ni sư: Hậu màu lam, tay có 02 nếp gấp, rộng không quá 80 phân, trên cổ áo trước ngực có 02 nếp gấp, y màu vàng.

Lễ Quy y thọ giới: Lễ tôn giáo thiêng liêng, thường được tổ chức tại Chùa hoặc đào tràng tu học, theo đó, Tăng đoàn hoặc Ni đoàn truyền trao cho các thiện nam và tín nữ: (i) Nương tựa (quy y) ba ngôi tâm linh là đức Phật, chân lý và Tăng đoàn, (ii) Giữ (thọ) năm điều đạo đức (giới) gồm không giết người, không trộm cắp, không ngoại tình, không nói láo, không ma túy rượu bia.

Lê Thị Kim Anh (1946-1963): Có nơi ghi là Lê Thị Kim Khanh, 17 tuổi, pháp danh Tâm Hiển, một thánh tử đạo Phật giáo trong số 9 thanh thiếu niên bị chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm thảm sát tại Đài phát thanh Huế vào vào lúc 22:00 ngày 08/5/1963 (nhằm mùng 8/4 Quý Mão, PL. 2507), dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Ty trưởng Nội an Thừa Thiên.

Lễ trao cấp hiệu: Lễ của Gia đình Phật tử Việt Nam  thể hiện sự thăng tiến và thành quả mà các đoàn sinh đã thu được trong quá trình tu học sinh hoạt hàng năm nhằm động viên các đoàn sinh tiếp tục tiến tu và học tập. Đơn vị Gia đình Phật tử tổ chức, trao cấp hiệu ngành Oanh, Hướng Thiện, Sơ thiện (ngành Thiếu), bậc Hoà, Minh (ngành Thanh). Các bậc khác do Ban hướng dẫn cấp tỉnh tổ chức. Nội dung phát nguyện trong Lễ trao cấp hiệu như sau:
“... chúng con xin nguyện sống đúng với cấp bậc, luôn dõng mảnh tinh tấn, cố gắng tu học xây dựng cuộc sống thanh cao trong sạch góp phần phụng sự chánh pháp và xây dựng xã hội.”

Lễ trình diện đơn vị: Phần nội dung quan trọng nhất của Lễ chính thức hay còn gọi là Lễ ra mắt đơn vị Gia đình Phật tử khi đơn vị này chính thức được được Ban trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành hội thừa nhận là Gia đình Phật tử.

Liên Đoàn phó: Chức danh Phụ tá cho Liên Đoàn trưởng trong Gia đình Phật tử nhằm thực hiện các Phật sự do Liên Đoàn trưởng phân công hoặc ủy quyền. Các Đoàn phó phối hợp với Đoàn trưởng trong việc tổ chức thực hiện các phương án tu học, sinh hoạt của Ban Huynh trưởng đề ra, lên chương trình sinh hoạt hàng tuần và trực tiếp điều khiển sinh hoạt Đoàn. Nhiệm kỳ của Ban Huynh trưởng Gia đình là 03 năm.

Liên Đoàn trưởng: Chức danh của Gia đình Phật tử, có nhiệm vụ: (i) Điều hành hướng dẫn và hỗ trợ về chuyên môn cho các Huynh trưởng làm tốt nhiệm vụ, (ii) Lập kế hoạch sinh hoạt, tu học hằng tháng, hằng quý, hằng năm, (iii) Chịu trách nhiệm thực hiện chương trình tu học của Đoàn sinh, kế hoạch hoạt động Phật sự theo chỉ đạo của Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành và những công tác Phật sự hỗ trợ Chùa, Niệm Phật đường, (iv) Tổ chức các cuộc lễ, trại, văn nghệ, triển lãm, công tác từ thiện xã hội, (v) Phối hợp với Thư ký Gia đình báo cáo 6 tháng, cuối năm lên Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành. Các Đoàn trưởng phải tổ chức thực hiện các phương án tu học, sinh hoạt của Ban Huynh trưởng đề ra, lên chương trình sinh hoạt hàng tuần và trực tiếp điều khiển sinh hoạt Đoàn. Nhiệm kỳ của Ban Huynh trưởng Gia đình là 03 năm.

liên hoa tọa (蓮花坐): như “ngồi hoa sen.”

Lộc tử mẫu (P. Migāramātā, 鹿子母): Mẹ của Lộc tử (Migāra’s mother), biệt hiệu của bà Visākhā, nữ tín chủ có công đóng góp cho sự phát triển Phật giáo tại thành Xá-vệ và có nhiều góp ý được đưa vào giới luật Phật giáo trong thời đức Phật. Kinh Trường bộ ghi chép về câu chuyện Lộc tử mẫu như sau: Trong thành Xá-vệ có một thanh niên nhà giàu, ngày thành hôn đã mời 500 đạo sĩ lõa thể. Tân nương của anh ấy là cô Tỳ-xá-khư (毗舍佉) tức Migāramātā chẳng những không lễ lạy các đạo sĩ này, mà còn thuyết giảng Phật pháp cho chồng tương lai nghe. Chàng thanh niên tâm đắc, ca ngợi rằng: “Tỳ-xá-khư không phải là cô dâu của ta mà là người mẹ tái sinh của ta”. Do tích chuyện này, Tỳ-xá- khư được gọi với biệt hiệu là Lộc tử mẫu, Mẹ của Lộc Tử (có thể chàng trai này tên là Lộc tử- 鹿子).

lộng ngữ: Biện pháp tu từ có chủ đích khai thác những tương đồng về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh nhằm tạo nên những liên tưởng thú vị, trào lộng, bất ngờ.

Lô-xá-na (S. Locana, 盧舍那): Tịnh Mãn (淨滿). Phật Lô-xá-na (S. Locana Buddha, 盧舍那佛) là đức Phật báo thân, với thân tướng trang nghiêm, khi thành tựu quả vị Phật do trải qua nhiều kiếp tu trọn vẹn sáu hoàn hảo (六度, lục độ).

lời đáng tin cậy (P. saddheyya-vacasā): dựa vào cư sĩ (đã chứng thánh quả) nói lời đáng tin cậy, tố giác về hành vi bất tịnh của một người xuất gia thì Tăng đoàn cần mời người xuất gia đối chất. Nếu người xuất gia đó thừa nhận hành vi phạm tội thì tùy theo mức độ mà xử phạt, nặng nhất thì phạm tội ba-la-di, nhẹ hơn thì phạm tăng tàn. Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, 771a3 giải thích rằng “Vị nữ đệ tử Thanh Văn Ưu-bà-di đã đắc thánh quả, là bậc Ưu-bà-di đáng tin”, có nghĩa là cư sĩ nào đã chứng quả thánh thì lời nói của họ là đáng tin, lời tố giác của họ là chuẩn xác.

Lời nguyện tâm quyết: Bức thư viết tay của Bồ-tát Thích Quảng Đức nói rõ chủ định và nguyện vọng tự thiêu của ngài để bảo vệ chánh pháp vào lúc 11 giờ ngày 20 tháng 4 (nhuần) Mậu Ngọ (11-6-1963) tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Toàn văn bức thư này không chứa đựng một mảy may hận thù và tuyệt vọng nào, trái lại, toát lên tinh thần từ bi và hy vọng về tương lai tươi sáng. Nguyên văn như sau: “Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Thế Âm, Phú Nhuận, Gia Định. Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại đức, Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây: (1) Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt nam ghi trong bản tuyên ngôn, (2) Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt, (3) Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại đức, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác gian, (4) Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc. Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với Quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở. Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại đức, Tăng Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật pháp. Nam mô Đấu Chiến Thắng Phật. Tỳ-kheo Thích Quảng Đức kính bạch.” Lửa rực đỏ từ thân Bồ-tát Thích Quảng Đức suốt 7 phút đã trở thành “lửa từ bi” có khả năng soi sáng lương tâm như ngọn đuốc trí tuệ. Bằng ngọn lửa từ bi, trái tim từ bi của Bồ-tát Thích Quảng Đức trở thành “xá lợi trái tim” đầu tiên và duy nhất về thể loại này, bất diệt với thời gian, biểu tượng của tình thương chiến thắng bạo tàn, trí tuệ chiến thắng gian ngụy.

luận sư (論師): (1) Người tinh thông về Luận tạng(論藏精通者), hay tạng A-tỳ-đạt-ma (阿毗達磨藏); thực hành và truyền bá Luận tạng Phật giáo, (2) Người chú giải kinh điển Phật giáo (釋佛教經義), sáng tác luận thư Phật giáo, giúp cho giới trí thức và mọi thành phần xã hội hiểu và thực tập Phật giáo một cách có hiệu quả.

Luật căn bản thuyết nhất thiết bộ (Mūlasarvāstivādavinaya, 根本 說 一切 有 部 毘 奈耶, Gēnběn shuōyīqièyǒu bù pínàiyé) của bộ phái Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda, 根本說一切有部) do Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) dịch vào thế kỷ VIII. Có mã số trong Tam tạng Đại Chánh T23n1442.  Ấn bản bằng tiếng Tây Tạng được xem là hoàn chỉnh và chính xác nhất của bộ luật này được dịch vào thế kỷ thứ IX. Bộ luật này gồm có gồm mười bảy phần như sau: (i) Gia nhập Tăng đoàn (Pravrajyā), (ii) Lễ đọc giới (Poṣadha, bố-tát), (iii) Lễ an cư mùa mưa (Varṣā), (iv) Lễ tự tứ cuối mùa an cư, (v) Sử dụng dép và các đồ vật làm bằng da, (vi) Thuốc thang (bhaiṣajya), (vii) Các loại y (cīvara), (viii) Y công đức (Kaṭhina), (ix) Tranh chấp của Tăng đoàn tại Kauśāmbī, (x) Biểu quyết Tăng đoàn (karma), (xi) Biện pháp kỷ luật trong Tăng đoàn (Pāṇḍulohitaka), (xii) Cách phạt người phạm tội Tăng tàn (pudgala), (xiii) Nguyên tắc ứng xử biệt trú (pārivāsika), (xiv) Đình chỉ lễ bố-tát (poṣadhasthāpana), (xv) Thủ tục giải quyết tranh chấp (adhikaraṇa), (xvi) Phá hòa hợp Tăng (Saṃghabheda), (xvii) Trú xứ và đồ vật (Śayanāsana).
Luật Ma-ha Tăng-kỳ(Mahāsāṃghikavinaya, 摩訶 僧 祗 律, Móhēsēngzhīlǜ): gọi đủ là “Ma-ha-tăng-kỳ luật đại Tỳ-kheo giới bổn” (Mahāsāṃghika-pratimokṣasūtra, 摩訶 僧 祗 律 大 比丘 戒 本, Móhēsēngzhīlǜ dà bǐqiū jièběn), của bộ phái Đại Chúng (Mahāsāṃghika, 大眾部), do Phật-đà-bạt-đà-la (佛馱跋陀羅, 359–429) và Pháp Hiển (法顯, 337–422) dịch vào tháng 11 năm 416 SCN, trong triều đại Đông Tấn (東晉). Mã số trong tạng Đại Chánh T22n1425.

Luật Ngũ phần (五分律), gọi đủ là luậtSa-di-tắc bộ Hòa-ê ngũ phần luật (Mahīśāsakavinaya, 彌沙塞部和醯五分律, Míshāsāibù héxì wǔfēnlǜ):còn gọi là Luật Sa-di-tắc ngũ phần luật (彌沙塞五分戒本), với cấu trúc gồm 5 phần, có mã số trong Tam tạng Đại Chánh T.22n1421. Đây là tạng Luật của bộ phái Hóa Địa (Mahīśāsaka, 化地部), do Phật-đà-thập (Buddhajīva, 佛陀什) và Đạo Sanh (道 生, 355-434) dịch năm 423 hoặc 424 SCN tại Chùa Long Quang (龍 光寺), ở Dương Đô (楊 都). Tương truyền, bộ luật này được Pháp Hiển (法 顯) mang đến Đông Tấn vào năm 413. Bộ luật này giới thiệu giới khoản của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nguyên nhân chế giới, mức độ nặng nhẹ của từng giới, biểu quyết của Tăng đoàn, quy định về lối sống, dẹp bỏ cái xấu, đề cao cái thiện.

Luật pháp Khất sĩ: Xem “Giới luật Khất sĩ.”

luật sư (律師): tương đương chữ Sanskrit “” (vinaya-dhara), còn gọi là “luật giả” (律者) hay “tỳ-ni sư” (毗尼師) hay “trì luật sư” (持律師) gồm có: (1) Người xuất gia tinh thông về giới luật (律藏精通者) hay kho tàng đạo đức (律藏, luật tạng) có thể đọc tụng (持诵), nghiên cứu (研究), giải thích (解釋), giảng dạy (教授) về giới luật Phật giáo, (2) Người chuyên trách truyền thừa Luật tạng (律師負責傳承律藏) và chú giải ý nghĩa giới luật Phật giáo (釋佛教戒律義), (3) Trong Luật tông và Phật giáo Hán truyền, luật sư là từ còn chỉ cho người chuyên nghiên cứu Luật tứ phần (四分律) truyền bá giới luật Phật giáo, làm hưng thịnh Tăng đoàn Phật giáo.

Luật tạng Pāli (Vinaya Piṭaka, 律藏): Luật tạng của Thượng tọa bộ gồm 5 tập: (i) Đại phẩm (大品, Mahāvagga), (ii) Tiểu phẩm (小品, Cullavagga), (iii) Kinh phân biệt (經分别, Suttavibhaṅga) và Đại phân biệt (大分別, Mahāvibhaṅga), (iv) Kinh phân biệt (經分别, Suttavibhaṅga) và Đại phân biệt (大分别, Mahāvibhaṅga), Tỳ-kheo- ni phân biệt (比丘尼分别, Bhikkhunīvibhaṅga), (v) Phụ tùy (附随, Parivāra). Trong các tập trên, tập 3 và 2/3 của tập 4 là phần phân tích giới Tỳ-kheo, còn gọi là phân tích giới bổn. Chú giải Luật tạng (律釋, Samantapāsādikā) của ngài Giác Âm (覺音, Buddhaghosa) được Hội thánh điển Pāli xuất bản năm 1924-1947 và các bản dịch tiếng Anh rất hữu ích đối với độc giả muốn nghiên cứu chuyên sâu về giới luật Phật giáo. Đại tạng kinh Nam truyền bản Hán dịch được Nhà xuất bản Diệu Lâm (妙林), chùa Nguyên Hanh (元亨寺) ấn hành vào năm 1990, gồm 5 tập, khác với trật tự của ấn bản Pāli nêu trên nhưng nội dung thì trung thành với ấn bản Pāli: (i) Phân tích Giới bổn (經分别) và Phân tích giới Tỳ-kheo (大分别), (ii) Phân tích Giới bổn (經分别), Phân tích giới Tỳ-kheo (大分别) và Phân tích giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼分别), (iii) Đại phẩm (大品), (iv) Tiểu phẩm (小品), (v) Phụ lục (附随). Ấn bản Luật tạng của Hiệp hội thánh điển Pāli (PTS) ra mắt vào khoảng năm 1879 -1883, do Hermann Oldenberg làm tổng biên tập. Bộ này tổng cộng gồm 5 tập: Tập 1 là Đại phẩm (大品, Mahāvagga), tập 2 là Tiểu phẩm (小品, Cullavagga), tập 3 là Kinh phân biệt (經分别, Suttavibhaṅga) và Đại phân biệt (大分, Mahāvibhaṅga), tập 4 là Kinh phân biệt (經分别, Suttavibhaṅga) và Đại phân biệt大分别, Mahāvibhaṅga), Tỳ-kheo-ni phân biệt (比丘尼分别, Bhikkhunīvibhaṅga) và tập 5 là Phụ lục (附随, Parivāra). Tạng luật Pāli do Thượng tọa Indacanda dịch tiếng Việtcó thể truy cập tại trang nhà tamtangPāliviet.net6 gồm có 9 tập: (i) Pārājikapāḷi & Phân tích giới Tỳ-khưu I, (ii) Pācittiyapāḷi bhikkhu & Phân tích giới Tỳ-khưu II, (iii) Pācittiyapāḷi bhikkhunī & Phân tích giới Tỳ-khưu-ni, (iv) Mahāvaggapāḷi I & Đại Phẩm I, (v) Mahāvaggapāḷi II & Đại Phẩm II, (vi) Cullavaggapāḷi I & Tiểu Phẩm I, (vii) Cullavaggapāḷi II & Tiểu Phẩm II, (viii) Parivārapāḷi I & Tập Yếu I, (ix) Parivārapāḷi II & Tập Yếu II.

Luật tạng toàn điển (律藏全典): toàn bộ các quyển luật trong tạng Luật thuộc Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh.

Luật tạng toàn thư (律藏全書): toàn bộ các quyển luật trong tạng Luật thuộc Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh.

Luật tạng Tùy tự hàm bản văn(律藏隨字函本文): bản văn trong hộp chữ Tùy trong Luật tạng.

Luật tạng Thượng tọa bộ (Theravāda-vinaya, Vinaya Piṭaka, 上座部律, 巴利律) xuất xứ trong Vin.3,4, được hoàn thành vào thế kỷ I trước Công nguyên. Luật Tứ phần (Dharmaguptaka), Luật Ngũ phần (Mahīśāsaka), Luật Ma-ha Tăng-kỳ (Mahāsāṃghika) và Thuyết nhất thiết hữu bộ luật (Sarvāstivāda) được dịch sang tiếng Trung Quốc trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ V CN; đang khi bộ Căn bản thuyết nhất thiết Tỳ-nại-da (Mūlasarvāstivāda) đã được dịch sang tiếng Trung Quốc vào đầu thế kỷ VIII và sang tiếng Tây Tạng vào cuối thế kỷ VIII và đầu thế kỷ IX CN. Xem “luật tạng Pali.”
Luật Tứ phần (Dharmaguptavinaya, 四分律, Sìfēn lǜ): Luật tạng bốn phần, gồm 60 tập, của bộ phái Dharmaguptaka, do Phật-đà-da-xá (Buddhayaśa) dịch khoảng 408–413 CN) và Trúc Phật Niệm dịch khoảng 412–413 CN, thuộc triều đại Hậu Tần (後秦). Bộ luật này có mã số trong Tam tạng Đại Chánh T22n1428, nghiên cứu nguồn gốc và nguyên nhân của từng điều giới nặng và nhẹ của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nguyên nhân chế giới, tình huống phạm và không phạm, cách trị phạt; sinh hoạt Tăng đoàn, các nghi lễ và quy tắc hành xử.
Luật Thập tụng (S. Sarvāstivādavinaya,十 誦 律, Shísòng lǜ): Luật mười lần trì tụng (Ten Recitations Vinaya), chia làm 8 phần về cấu trúc, có mã số trong Tam tạng Đại Chánh T23n1435. Đây là bộ Luật tạng của Nhất Thiết hữu bộ (Sarvāstivāda), gồm 61 tập, được Công Đức Hoa (Puṇyatāra,功德華) và Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch sang tiếng Trung Quốc trong triều đại Hậu Tần (後秦, 399-413 TL). Ngoài các quy định về giới luật và oai nghi của Tăng đoàn, bộ luật này còn giới thiệu các nội dung Tăng sự, quản trị tu viện, biểu quyết Tăng đoàn, các hình phạt đối với các vi phạm.

lục bác (六博): Còn được viết dưới dạng hán tự “陆博”, cờ song lục (雙陸棋), là trò chơi phổ biến ở Trung Quốc. Sở dĩ có tên gọi này là vì dùng 6 que để di chuyển các con cờ tại các điểm đối xứng trên bàn cờ. Một số nghiên cứu cho rằng trò chơi này chủ yếu dành cho hai người chơi, theo đó mỗi người chơi lần lượt di chuyển sáu con cờ xung quanh các điểm đối xứng của một bàn cờ vuông dựa theo kết quả gieo sáu chiếc que, vốn được sử dụng như quân xúc xắc trong các trò chơi hiện đại. Nay đã thất truyền.

lục ba-la-mật (S. ṣāḍ-pārāmitā, 六波羅蜜). Lục độ (六度), sáu ba-la-mật, sáu hoàn hảo. Bao gồm: (i) Bố thí (S.dānapārāmitā, 布施), sự chia sẻ, cúng dường. Bao gồm: Chia sẻ tài sản (S. āmiṣa-dāna, 財施), chia sẻ bài pháp (S. dharma-deśanā, 法施), chia sẻ [niềm vui] không sợ hãi (S.abhaya-dāna, 無畏畏施); (ii) Trì giới (S. śīla-pāramitā, 持戒), giữ gìn các điều đạo đức; (iii) Nhẫn nhục (S. kṣantipārāmitā, 忍辱), kiên nhẫn; (iv) Tinh tiến (S. vīryapārāmitā, 精進), siêng năng; (v) Thiền định (S. dhyānapāramitā, 禪定), các phép tu thiền chỉ? và thiền quán; (vi) Trí tuệ (S. prajñāpāramitā, 智慧), trí tuệ hoàn hảo.

lục bát (六八): thể thơ Việt Nam gồm một cặp câu thơ, trong đó, câu trước có 6 âm tiết và câu sau có 8 âm tiết, phối vần bằng với nhau ở chữ thứ 6 của câu đầu và chữ thứ sáu của câu sau. Về niêm, luật, vần của thơ lục bát, các tiếng thứ 2, 6, 8 mang thanh bằng, tiếng thứ 4 mang thanh trắc, còn lại có thể trắc hay bằng đều được. Nếu tiếng thứ 6 của câu bát là thanh ngang (dương bình) thì tiếng thứ 8 phải là thanh huyền (âm bình) và ngược lại. Ví dụ: Trăm năm trong cõi người ta/ chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau.

lục bát biến thể (六八變體): thể thơ Việt Nam gồm một cặp câu thơ, trong đó, câu trước có 6 âm tiết và câu sau có 8 âm tiết, với 3 biến thể phổ biến sau đây: (i) biến thể do sai khác về âm tiết, (ii) biến thể do sai khác về niêm luật, (iii) biến thể do âm tiết thứ 2 à thứ 4 sai luật bằng trắc, (iv) biến thể do sai khác phối vần ở đuôi câu 6 và giữa câu 8.

lục dục thiên (六欲天): sáu tầng trời trong cõi dục: (i) Trời Tứ thiên vương (四天王天), (ii) Trời Đao-lợi (忉利天), (iii) Trời Dạ-ma (夜摩天), (iv) Trời Đâu-suất (兜率天), (v) Trời Hóa-lạc (化樂天), (vi) Trời Tha-hóa (他化天).

lục sư ngoại đạo (六師外道): như “sáu tôn giáo khác.”

lục thân (六親): sáu nhóm bà con. Trong văn học Trung Quốc, “lục thân” là khái niệm có nhiều nội dung khác nhau về các mối quan hệ thân quyến như sau: (i) Gồm cha con (父子), anh em ruột (親兄弟), con của chú bác (從父兄弟), anh em bên nội (從祖兄弟), anh em bên ông bà cố (從曾祖兄弟), anh em cùng chủng tộc (同族兄弟), (ii) Gồm cha con (父子), anh em (兄弟), cô (姑姊), cháu trai (甥舅), bà con của thông gia (婚媾), thông gia (姻亞), (iii) Gồm cha (父), mẹ (母), anh (兄), em (弟), vợ (妻), con cái (子女), (iv) Gồm cha (父), con (子), anh (兄), em (弟), chồng (夫), vợ (婦), (v) Gồm cha (父), mẹ (母), anh (兄), em (弟), vợ (老婆), con (孩子), (vi) ông bà ngoại (外祖父母), cha mẹ (父母), chị (姊), em gái (妹), con của anh em vợ (妻兄弟之子), con trai bên mẹ (從母之子), con trai của con gái (女之子).

lục thư (六書): Sáu cách viết chữ Hán gồm (i) Chữ tượng hình (象形), (ii) Chữ chỉ sự (指 事 ), (iii) Chữ hội ý (會意), (iv) Chữ chuyển chú (轉注), (v) Chữ giả tá (假借), (vi) Chữ tượng thanh (象聲). Xem các kiểu chữ trên.

lự thủy nang: như “đải lọc nước.”

Lưỡi liềm Màu mỡ (Fertile Crescent): Vùng đất có hình lưỡi liềm hay hình trăng non, là địa điểm mà nền nông nghiệp và văn minh khởi nguyên của con người được phát triển rực rỡ, bao gồm khu vực Lưỡng Hà  và Ai Cập.

lưỡng thiệt (P. pisunā-vācā, S. paiśunya, 兩舌): nói lời ly gián, phá tình đoàn kết giữa người với người, thường gọi là nói lưỡi hai chiều.

lưu tích (留錫): như “treo tích trượng.”

ly gián (P. bhedāya, 離間): với ý đồ chia rẽ, hành động và lời nói ly gián khiến Tăng đoàn không hòa hợp, tạo phe, kết phái, mất đi sự trang nghiêm và uy nghiêm của tăng đoàn. Người xuất gia nào có hành động ly gián, phá hòa hợp tăng thì phạm Tăng tàn.

ly gián Tăng đoàn (離間僧團): chủ trương (主張), hành động (行為) và tuyên bố (宣說) gây chia rẽ Tăng đoàn được khởi xướng bởi một Tỳ-kheo nào đó, kéo theo sự hưởng ứng của một nhóm người. Ly gián Tăng đoàn là hành vi phá hoại hòa hợp tăng, bị nghiêm cấm. Nếu sau 3 lần khuyên can mà không từ bỏ thì phạm Tăng tàn. Xem “đi theo nhóm riêng” và “kết phe phái.”

ly hôn: Châm dứt quan hệ hôn nhân bằng một phán quyết của tòa án, theo đương đơn của vợ, hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng.

ma tăng: Cụm từ hồ đồ được các phương tiện truyền thông khác tôn giáo, các cá nhân, các tổ chức chống phá Phật giáo và chống Cộng cực đoan ở hải ngoại thường sử dụng mà không hề có bất kỳ bằng chứng, căn cứ nào nhằm cố tình vu khống, xuyên tạc và xúc phạm nhân phẩm của Tăng, Ni mà họ không thích. Cụm từ xúc phạm này thường được những kẻ xấu ác sử dụng để tấn công Tăng, Ni nhằm chống phá Phật giáo. Họ là những người khác tôn giáo, có ác cảm với Phật giáo, bất chấp lương tâm, thiếu đạo đức trong truyền thông, lợi dụng mạng xã hội nhằm xúc phạm bất cứ Tăng Ni nào mà họ không thích, qua đó, kêu gọi cộng động mạng tấn công, chống phá Tăng, Ni và Phật giáo. Không có người đang sống nào là ma. Tăng và Ni là các thành viên Tăng đoàn, từ bỏ đời sống thế tục, phụng sự nhân sinh bằng chân lý của đức Phật nên được gọi là “hiền tăng”. Nếu chưa chứng đắc giác ngộ thì gọi là “phàm tăng”. Nếu đã giác ngộ và chứng thánh quả thì gọi là“thánh tăng”. Từ “ma tăng” vừa sai về cách dùng từ, vừa thể hiện thái độ thiếu hiểu biết và động cơ xúc phạm, chống phá Tăng, Ni và Phật giáo, vi phạm luật pháp Việt Nam và thế giới.

mạc đầu phát (摸頭發): như “nắm tóc.”

mạch truyện: như cốt truyện.

Ma-da (摩耶), phiên âm của chữ Phạn “Māyādevī”, mẹ của đức Phật Thích-ca, sống vào thế kỷ 7 TTL, là vợ của vua Tịnh-phạn, qua đời 7 ngày sau khi hạ sanh thái tử Tất-đạt-đa.

Ma-ha Ba-xà-ba-đề (P. Mahāpajāpatī Gotami, S. Mahāprajāpatī Gautamī, 摩訶波闍波提): Họ tên của hoàng hậu nước Sakya, cũng là mẹ kế hay dì ruột của đức Phật Thích-ca là Tỳ-kheo-ni đầu tiên trong Phật giáo và là nữ tu đầu tiên trên thế giới. Trong cụm từ trên, “ma-ha” (P=S. Mahā, 摩訶) có nghĩa là “vĩ đại”, từ tôn xưng; “Ba-xà-ba-đề” (P. Pajāpatī, S. Prajāpatī) là tên riêng. Hán văn còn có các phiên âm tương đương gồm Cù-đàm nữ (瞿曇女), Cù-đàm-di (瞿曇彌), Kiều-đáp-ma (喬答摩) hoặc Kiêu-đàm-di (憍曇彌) mà người Việt Nam thường đọc sai và viết sai thành “Kiều-đàm-di.” Về cách tôn xưng, người Trung Quốc gọi bà là Đại Ái Đạo (大爱道), có nghĩa là “người yêu quý đạo [Phật] tuyệt vời nhất, là do dựa vào sự kiện lịch sử bà là người từ bỏ đời sống bà hoàng, trở thành người xuất gia nữ đầu tiên. Hoàng hậu Ma-ha Ba-xà-ba-đề là con gái của vua Thiện Giác (善覺王) và là bào muội của hoàng hậu Māyādevī (摩耶夫人). Bảy ngày sau khi sinh đức Phật, hoàng hậu Māyādevī tạ thế, bà BA-xà-ba-đề trở thành hoàng hậu và mẹ kế của đức Phật. Trong Kinh hoa sen chánh pháp tuyệt vời (妙法蓮華經), bà được đức Phật ghi nhận sẽ thành Phật trong tương lai, hiệu là “Nhất thiết chúng sanh hỷ kiến Như Lai” (一切眾生喜見如來), tức vị Phật được mọi người hoan hỷ khi nhìn thấy. Sau khi đức vua Tịnh-phạn (S. Śuddhodana, 淨飯王) băng hà, hoàng hậu Ba-xà-ba-đề xin đức Phật và được ngài cạo tóc cho xuất gia tại Tỳ-xá-ly, về sau chứng đắc quả A-la-hán. Xem “Đại Ái Đạo” và “Kiêu-đàm-di.”

ma-ha Tăng-già (摩诃僧伽): Phiên âm của chữ “mahāsaṃgha” trong Sanskrit hoặc chữ “mahāsaṅgha” trong Pali, có nghĩa là cộng đồng Tăng, Ni và Phật tử.

Ma-hê-thủ-la thiên vương cung (摩醯首羅天王宮): cung vua trời Ma-hê-thủ-la. Ma-hê-thủ-la (摩醯首羅) là từ phiên âm của tiếng Sanskrit “Maheśvara” thường dịch trong Hán Việt là trời Đại Tự Tại (大自在天), tên gọi khác của đấng sáng thế trong Ấn Độ giáo.

mái chùa tàu đao lá mái: Kiểu góc mái sẽ làm cong uốn ngược (đạo quật), mái lớn bằng 2/3 chiều cao mặt đứng công trình, triền mái thẳng, hếch lên ở góc mái; phần mái lớn chiếm 2/3 chiều cao mặt đứng, góc mái làm cong uốn ngược (đao quật).

ma-lợi-bà-sa (P. parivāsa, 波利婆沙), biệt trú (別住), tức không được sống chungvới Tăng đoàn.

ma-na-đỏa (P. mānatta, 摩那埵): Làm cho Tăng đoàn “hoan hỷ” (意喜, ý hỷ) với sự tiến bộ của bản thân thì mới được giải tội.

Maṇḍala (曼陀羅): Hình vẽ biểu thị vũ trụ hoàn hảo thu nhỏ, trong đó, có Phật và thiện thần ngự trị, trong cái nhìn của bậc giác ngộ, thường được dịch là  " vòng tròn đầy đủ” (輪圓具足, luân viên cụ túc). Trong nghi lễ Kim cương thừa thì maṇḍala là đàn tràng trưng bày các lễ vật, pháp khí. Có hai loại maṇḍala chính: (i) Maṇḍala Thai tạng giới tượng trí lý tính và (ii) Maṇḍala Kim cương giới tượng trưng trí tuệ. Hai maṇḍala này có nguồn gốc từ Kinh Đại Nhật và Kinh Kim Cương đỉnh, tượng trưng cho nhân cách và thế giới của nhân cách; là những điều chứng đắc và thọ dụng của đức Phật. Các maṇḍala thường được vẽ, in, thêu bằng các hoa văn kỷ hà. Một số chùa ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có bố cục ngoại thất theo hình maṇḍala. Tháp Borobudur ở Java, Indonesia, là kiến trúc maṇḍala lớn nhất thế giới còn nguyên vẹn hiện nay, xây dựng vào thế kỷ 8.

Maṇḍala cát (དཀྱིལ་འཁོར།, sand mandala): Kiểu maṇḍala được làm bằng cát màu rất đặc sắc, tinh tế, do nhà sư Tây Tạng tạo ra trong vài tuần lễ, sau đó, quét bỏ đi để truyền thông điệp vô thường trong mọi sự vật hiện tượng. Mỗi phương vị được biểu thị bằng màu sắc riêng: Màu xanh lục tượng trưng phương bắc, trắng là phương đông, vàng cho phương nam và đỏ là phương tây.

Maṇḍala Kim cương giới (Vajradhātu maṇḍala, 金剛界曼陀羅): Kiểu maṇḍala mô tả vũ trụ từ góc độ của yếu tố tác động, biểu hiện cho trí tuệ viên mãn, trí tuệ chứng đắc của Phật.  Ngũ Trí Như Lai là Trung tâm của maṇḍala này. 

Maṇḍala lớn (mahā maṇḍala, 大曼陀羅): Còn loại là maṇḍala của các nguyên tố, là vòng tròn hội tụ các đức Phật và Bồ-tát, biểu tượng mối quan hệ của tự thân Phật với toàn thể vũ trụ.

Maṇḍala pháp (dharma maṇḍala, 法曼陀羅): Còn loại là maṇḍala của các biểu tượng, là kiểu Maṇḍalacủa văn tự, biểu tượng của lý giải chân lý bằng ngôn ngữ.

Maṇḍala tam-muội-gia (samaya maṇḍala, 三昧伽曼陀羅): Còn gọi là maṇḍala của các phẩm tính, là kiểu maṇḍala có hình vòng tròn hội chúng với pháp khí trong tay tùy theo hạnh nguyện của Phật và Bồ-tát.

Maṇḍala Thai tạng giới (garbhakoṣadhātu maṇḍala, 胎蔵界曼陀羅): Kiểu maṇḍala mô tả vũ trụ về mặt tĩnh, mặt lý tính, như thai mẹ chứa đựng con và từ lý tính thai tạng mà sinh công đức, biểu hiện đại bi tâm của Phật.

Maṇḍala yết-ma (karma maṇḍala, 業曼陀羅): Còn gọi là maṇḍala hành nghiệp, là kiểu maṇḍala được điêu khắc, trạm chỗ, tượng trưng cho đạo nghiệp của đức Phật và Bồ-tát.

Mạn-đà-la: Như Maṇḍala.

mạng sắc (命色): Gọi đủ là mạng căn sắc (命根色) tức sắc mạng sống. Xem “sắc uẩn”.

ma-sa-ca(P. māsaka,摩沙迦), còn phiên âm là “ma-sái” (磨灑): hạt đậu nhỏ, được sử dụng như một tiêu chuẩn đo lường tiền tệ, trọng lượng và giá trị nhỏ trong Luật Phật giáo (Vin.iii.47, Vin.iii.67; Vin.iv.226). Xem “năm tiền tệ.”

ma-sái (磨灑): như “ma-sa-ca.”

màu hình biểu tượng của GĐPT: Tuần tự từ hồng, trắng, vàng nhạt, vàng đậm, tương ứng với 4 Bậc từ thấp đến cao. Ngành Thanh có 2 Bậc: tuần tự từ màu trắng đến vàng đậm.

màu nền của Ngành: Ngành Đồng: xanh lục đậm; Ngành Thiếu: xanh đậm; Ngành Thanh: Nâu đậm.

mắc nợ(負債難, phụ trách nạn): Theo Luật Tứ phần, dù thiếu người khác một tiền, tức một phần trong 16 phần, cũng xem là mắc nợ và do đó không được xuất gia làm tăng sĩ.

mật (P. Madhuṃ, 密): mật ong.

mích tội tướng tỳ-ni (P. tassapāpiyyasikā, S. tat-svabhāvaisīya, 覓罪相毘尼): giải quyết tranh chấp bằng cách tố giác tội trạng của người đó và họ suốt đời giữ 8 pháp, không đdược độ người và nhận người y chỉ v.v…

Miền Huệ Quang: Một trong 8 miền quản trị hành chánh của GHPGVNTN tức Miền Tây Nam phần Tiền Giang. Xem Viện Hóa đạo.

Miền Khánh Anh: Một trong 8 miền quản trị hành chánh của GHPGVNTN tức Miền Tây Nam phần Hậu Giang. Xem Viện Hóa đạo.

Miền Khánh Hòa: Một trong 8 miền quản trị hành chánh của GHPGVNTN tức Miền Đông Nam Phần từ Bình Tuy lên Phước Long, Tây Ninh xuống đến Gia Định. Xem Viện Hóa đạo.

Miền Khuông Việt: Một trong 8 miền quản trị hành chánh của GHPGVNTN tức Cao nguyên Trung phần từ Kontum đến Quảng Đức, đặt trụ sở ở Ban Mê Thuột. Xem Viện Hóa đạo.

Miền Liễu Quán: Một trong 8 miền quản trị hành chánh của GHPGVNTN tức Nam duyên hải Trung Phần từ Bình Định đến Bình Thuận, đặt trụ sở ở Quy Nhơn. Xem Viện Hóa đạo.

Miền Quảng Đức: Một trong 8 miền quản trị hành chánh của GHPGVNTN tức Sài Gòn, trực thuộc Viện Hóa đạo. Xem Viện Hóa đạo.

Miền Vạn Hạnh: Một trong 8 miền quản trị hành chánh của GHPGVNTN tức Bắc duyên hải Trung phần từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, đặt trụ sở ở Huế. Xem Viện Hóa đạo.

Miền Vĩnh Nghiêm: Một trong 8 miền quản trị hành chánh của GHPGVNTN chuyên trách Phật tử Miền Bắc di cư và đại diện Phật tử Miền Bắc. Xem Viện Hóa đạo.

Minh Đăng Quang (1923–1954): Tổ sư sáng lập Đạo Phật Khất sĩ, nay gọi là Hệ phái Khất sĩ. Thế danh là Nguyễn Thành Đạt, tên khai sinh là Lý Hườn, Sư sinh năm 1923 tại quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Sư là con út của cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu (1894–1968) và cụ bà Phạm Thị Tỵ tự Nhàn (1982–1924). Từ nhỏ, Sư thích niệm Phật, ăn chay 10 ngày mỗi tháng. Năm 13 tuổi, Sư tốt nghiệp bằng Sơ học của Pháp. Năm 1937, Sư tìm thầy học đạo ở Campuchia.  Cuối năm 1941, Sư trở về Vĩnh Long rồi lên Sài Gòn làm việc. Năm 1942, Sư lập gia đình và có một con gái. Vợ và con gái ngài đều bị bệnh và qua đời sớm. Năm 1943, Sư ẩn tu ở núi Thất Sơn. Năm 1944, Sư đến Mũi Nai ở Hà Tiên nhập định miên mật trong 7 ngày đêm. Năm 1944–1946, Sư ẩn tu ở chùa Linh Bửu thuộc làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Năm 1947, Sư độ 4 đệ tử tăng, 6 đệ tử ni và 1 chú tiểu. Từ năm 1948, Sư nhận thêm nhiều đệ tử xuất gia, dẫn đoàn Khất sĩ du hành Sài gòn. Sau đó, Sư trở về phát triển đạo Phật trong khu vực giữa hai nhánh sông Cửu Long. Trong thời gian này, Sư soạn bộ Chơn lý gồm 69 tập. Ngày rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954), Sư hướng dẫn Tăng đoàn tu tập tại tịnh xá Ngọc Quang ở Sa Đéc, rồi cúng hội vào ngày 30 tháng Giêng. Sáng ngày 05/3/1954 (mùng 1 tháng 2 Giáp Ngọ),  trên đường đi Vĩnh Long và Cần Thơ, khi đến bến phà Cái Vồn, Sư được mời gặp tướng Năm lửa Trần Văn Soái. Kể từ đó, Sư được công bố đã “vắng bóng”, không ai tiếp tục thấy ngài. Trước đó, vào ngày Rằm tháng Bảy Quý Tỵ (1953) tại tịnh xá Ngọc Viên, Sư dường như biết trước sự ra đi của mình nên đã căn dặn các đệ tử rằng chiều ngày 30 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954) Sư “sẽ đi tu tịnh tại núi Lửa”. Về sau, Hệ phái Khất sĩ chọn mùng 1 tháng 2 AL hằng nằm làm lễ tưởng niệm Tổ sư vắng bóng. Dù chỉ hành đạo trong 10 năm (1944–1954), Sư đã nỗ lực nối truyền chánh pháp của Phật Thích-ca được bảy năm (1947–1954), độ được khoảng 100 Tăng Ni, xây dựng hơn 20 ngôi tịnh xá ở miền Nam Việt Nam, góp phần phát triển đạo Phật Việt Nam.

minh tâm kiến tánh (明心見性):Trạng thái ngộ được bản tâm Phật tính (本心佛性) tức “tâm thanh tịnh tự tánh” (自性清淨心). Theo thiền tông, người tu trước phải kiến đạo (見道), nhận chân được tâm chân thật vốn có (真實心) rồi tu hành theo pháp, tức kiến tánh khởi tu (見性起修). Tổ Hoằng Nhẫn dạy tổ Huệ Năng rằng: “Không biết bản tâm, học pháp vô ích” (不識本心,學法無益).

: Pháp khí có hình 2 con cá đâu đầu nhau, được sử dụng phổ biến trong các chùa Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Nam Bắc Triều tiên, tượng trưng cho sự cảnh giác, tỉnh thức trong đêm dài vô minh. Tiếng mỏ trường canh được sử dụng trong các khóa kinh có nhiều người tham gia tụng kinh để giữ nhịp đều đặn.

móc tay: Như ngoéo tay.

mô típ (motif): Công thức mang tính ước lệ, biểu trưng nghệ thuật của cốt truyện được lặp lại nhằm nhấn mạnh các ấn tượng về thực tại một cách rõ ràng, quan trọng hơn. Mô típ là trung tâm của cốt truyện và có sự kết hợp chặt chẻ với cốt truyện.

mộng di (夢遺): như “mộng tinh.”

mộng tinh (夢遺, mộng di): sự xuất tinh của người nam trong lúc ngủ, do trong chiêm bao, hoặc không chiêm bao, thấy quan hệ tình dục hoặc kích thích tình dục. Các nguyên nhân mộng tinh bao gồm: (i) xem phim, ảnh, sách báo khiêu dâm, thảo luận, suy nghĩ về việc hành dâm, (ii) sử dụng các chất kích thích, uống rượu bia, (iii) ăn thức ăn mặn chứa nhiều hóc môn tích dục, (iv) cơ thể suy nhược, căng thẳng thần kinh. Người xuất gia bị mộng tinh thì không phạm giới Tăng tàn. Xem “Tăng tàn.”

một lần bạch ba lần hỏi (一白三羯磨): như “biểu quyết một lần bạch ba lần hỏi.”

một trăm điều nên học(P. sikkhā karaṇīya, S. śikṣā-Karaṇi, 百百眾學): Còn được gọi là ưng đương học (應當學), ưng đương tác (應當作). Thuật ngữ này có nghĩa là những giới cần giữ gìn, dù nhỏ nhặt nhưng liên quan đến các việc ăn, mặc, đi đứng của các tăng sĩ.

mùa: sự phân chia của năm dựa vào thời tiết trong từng quốc gia, khu vực. Bốn mùa căn bản trong năm bao gồm mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông. Dựa vào khí hậu, mỗi năm có mùa lạnh, mùa khô, mùa mưa, mùa nắng. Xem “ba mùa,” “bốn mùa,” “năm mùa,” “sáu mùa.”

Mucalinda: Như rắn mucalinda.

Mucilinda: Như rắn Mucalinda.

Muchalinda: Như rắn Mucalinda.

Mười bốn điều răn của Phật: Còn gọi là mười bốn điều dạy của Phật, không rõ xuất xứ, gần đây được lưu truyền tại chùa Thiếu Lâm, Trung Quốc. Bản in "mười bốn điều răn của Phật" được phổ biến tại Việt Nam có chữ ký của hòa thượng Kim Cương Tử ở bên dưới nhưng Hòa thượng chỉ là sưu tầm bản Hán vănvà phổ biến bản chữ Việt mà thôi. Không có bài kinh nào trong các bộ Kinh tạng Pa-li, A-hàm kinh và kinh Đại Thừa chứa đủ 14 điều này. Tác giả của mười bốn điều răn của Phật có thể là một nhà sư chùa Thiếu Lâm đã biên tập, trích dẫn ý tưởng Phật dạy trong các kinh và sắp xếp lại theo thứ tự hiện tại. Bản dịch tiếng Việt hiện đang lưu hành tại Việt Nam có một vài điểm lệch so với nguyên tác. Ví dụ, "điều răn" là cách dịch không chính xác của từ “giới” (śīla). Một bản dịch tiếng Việt thông dụng: (i) Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình, (ii) Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá, (iii) Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại, (iv) Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị, (v) Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình, (vi) Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu, (vii) Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti, (viii) Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã, (ix) Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng, (x) Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe, trí tuệ, (xi) Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm, (xii) Lễ vật lớn nhất của đời người là sự khoan dung, (xiii) Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết, (xiv) An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.

mười điều phi pháp (十事非法): Còn gọi là “thập phi sự” (十非事), “thập sự bất hợp luật chế” (十事不合律制), “thập tránh” (十净) hay “thập sự” (十事), là nguyên nhân bất đồng chính, dẫn đến sự ra đời của đại hội biên tập kinh điển lần thứ 2, sự phân hóa giữa Thượng tọa bộ (上座部) và Đại chúng bộ (大眾部), khoảng 100 năm sau khi đức Phật qua đời: (i) Trử muối trong sừng (角鹽淨, giác diêm tịnh) để tùy nghi sử dụng (phạm điều 38 sám hối “ăn dùng cơm dự trữ”), (ii) Ăn khi mặt trời quá bóng nắng 2 ngón tay (二指淨, nhị chỉ tịnh) (phạm điều 37 sám hối “ăn qua giờ trưa”), (iii) Ăn ở ấp khác (他聚落淨, tha tụ lạc tịnh), (phạm điều 35 sám hối “sau khi ăn no lại ăn tiếp”), (iv) Đọc giới ở trú xứ khác (住處淨, trú xứ tịnh) (phạm mục 8.3 của Bố-tát kiền-độ trong Đại phẩm), (v) Trưng cầu đồng thuận (贊同淨, tán đồng tịnh) của Tăng đoàn khi hội chúng biểu quyết (phạm mục 3.5 của Chiêm-ba kiền-độ trong Đại phẩm), (vi) Theo lệ thường trước đây (所習淨, sở tập tịnh) làm theo lề thói của Hòa thượng hoặc A-xà-lê, (vii) Uống sữa không đường, không béo (生和合, sinh hòa hợp) (phạm điều 35 sám hối “sau khi ăn no lại ăn đồ”), (viii) Uống nước dừa (飲闍樓淨, ẩm đồ lâu tịnh) chưa lên men hoặc lên men ít (phạm điều 51 sám hối “uống rượu”), (ix) Tọa cụ không có đường viền (無緣座具淨, vô duyên tọa cụ tịnh), kích thước lớn nhỏ tùy nghi (phạm điều 89 sám hối “vải lót không hợp quy định”), (x) Nhận tiền bạc, tài sản (金銀淨, kim ngân tịnh) trong lúc khất thực (phạm điều 18 sám hối “tiếp nhận tiền bạc”). Về bản chất, điều 4-5 thuộc về yết-ma và bố-tát, điều 10 quy định Tăng Ni không cầu xin tiền bạc (求乞金錢), đang khi 7 điều còn lại thuộc về các giới nhỏ nhặt. Xem biên tập kinh điển lần thứ 2, năm việc của Đại Thiên.

mười huyền môn (十玄門): Còn gọi là “thập huyền duyên khởi” (十玄緣起) hay “thập huyền duyên khởi vô ngại pháp môn” (十玄緣起無礙法門). Mười cửa huyền diệu theo tông Hoa Nghiêm, do tôn giả Vân Tôn (雲華) dựa vào Kinh Hoa Nghiêm chủ trương nhằm giải thích về sự dung thông vô ngại của mọi sự vật (事事無礙法界), vốn tương tức và tương nhập (相即相入), phát huy tác dụng hỗ tương (互為作用) nhưng không ngăn ngại nhau (互不相礙), cũng như các mắc lưới kết hợp thành cái lưới. Mười huyền môn gồm: (i) Đồng thời cụ túc tương ưng môn (同時具足相應門) nghĩa là các hiện tượng đồng thời tương ứng (同時相), nương nhau mà hình thành cái toàn thể, không trước không sau (無先後之別), (ii) Quảng hiệp tự tại vô ngại môn (廣狹自在無礙門) nghĩa là không gian rộng và hẹp như cái mâu và cái thuẫn đối lập nhau nhưng vẫn có thể tương tức và tương nhập, (iii) Nhất đa tương dung bất đồng môn (一多相容不同門) nghĩa là về mặt tác dụng của hiện tượng thì nhiều cái trong một cái và một cái trong nhiều cái có tác dụng tương nhập, dung nhiếp nhau không trở ngại, dù thể của chúng là chẳng đồng, (iv) chư pháp tương tức tự tại môn (諸法相即自在門) nghĩa là về mặt thể của hiện tượng thì một và tất cả đều không thực thể, đều là nhất thể hóa (一體化), dung chứa nhau vô ngại, (v) Ẩn mật hiển liễu câu thành môn (隱密顯了俱成門) nghĩa là về mặt hiện tượng thì ẩn và hiện hỗ tương trong nhất thể hóa, đồng thời thành lập, (vi) Vi tế tương dung an lập môn (微細相容安立門) nghĩa là về mặt tương nhập trong hiện tượng duyên khởi thì trong mỗi hiện tượng, lấy nhỏ nhập và lớn, lấy một nhiếp nhiều, lớn và nhỏ hỗ tương không lẫn lộn, không hủy đi đặc tính của một và nhiều, (vii) Nhân-đà-la võng pháp giới môn (因陀羅網法界門) nghĩa là mọi sự, hiện tượng cùng hỗ tương hiển phát, trùng trùng vô tận như các mắc châu trong lưới châu của trời Đế-thích, (viii) Thác sự hiển pháp sanh giải môn (託事顯法生解門) nghĩa là sự vật được gá vào (所託之事) và nguyên lý được hiển bảy (所顯之理) không phải sai khác, (ix) Thập thế cách pháp dị thành môn (十世隔法異成門) nghĩa là quá khứ, hiện tại, vị lai mỗi thời đều có ba thời, tạo thành chín đời rồi góp nhập vào một niệm thành mười đời. Dù có gián cách về thời gian nhưng mọi sự vật tương tức, tương nhập, ngắn và dài, trước và sau… cùng hiển hiện đầy đủ nên sự vật và thời gian không tách rời nhau, (x) Chủ bạn viên minh cụ đức môn (主伴圓明具德門) nghĩa là các hiện tượng duyên khởi vừa là chủ vừa là khách, thể hiện đầy đủ các đức tính. Tham chiếu Hoa Nghiêm kinh san định ký (華嚴經刊定記) và Hoa Nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao (華嚴經隨疏演義鈔). Xem “tông Hoa Nghiêm”. 

mười tám bộ phái Phật giáo Tiểu thừa (小乘十八部, eighteen lesser vehicle schools, eighteen schools of the Hīnayāna): Đây là cách phân loại 18 bộ phái Phật giáo theo Nam truyền gồm 8 bộ phái thuộc Đại chúng bộ (S. Mahāsāṃghika, 大衆部) còn được phiên âm là Ma-ha-tăng-kỳ bộ (摩訶僧祇部) và 10 bộ phái thuộc Thượng tọa bộ (S. Āryasthavirāḥ, Sthāviravādin, 上坐部). Tám bộ phái thuộc Đại chúng bộ (S. Mahāsāṃghika, 大衆部) gồm: (i) Nhất thuyết bộ (S. Ekavyāvahārika, 一說部), (ii) Thuyết xuất thế bộ (S. Lokôttaravādin, 說出世部), (iii) Kê dẫn bộ (S. Kukkuṭika, 雞胤部), (iv) Đa văn bộ (S. Bahuśrutīya, 多聞部), (v) Thuyết giả bộ (S. Prajñaptivādin, 說假部), (vi) Chế đa sơn bộ (S. Jetavaniyāḥ, Caityaśailāḥ, 制多山部), (vii) Tây sơn trụ bộ (S. Aparaśailāḥ, 西山住部), (viii) Bắc sơn trụ bộ (S. Uttaraśailāḥ, 北山住部). Mười bộ phái thuộc Đại chúng bộ Thượng tọa bộ gồm: (i) Tuyết sơn bộ (S. Haimavatāḥ, 雪山部) còn gọi là Thuyết nhất thiết hữu bộ (S. Sarvâstivādaḥ, 說一切有部) sinh ra, (ii) Độc tử bộ (S. Vātsīputrīyāḥ, 犢子部) sinh ra, (iii) Pháp thượng bộ (S. Dharmôttarīyāḥ, 法上部), (iv) Hiền trụ bộ (S. Bhadrayānīyāḥ, 賢冑部), (v) Chánh lượng bộ (S. Saṃmatīyāḥ, 正量部), (vi) Mật lâm bộ (S. Saṇṇagarikāḥ, 密林山), (vii) Hóa địa bộ (S. Mahīśāsakāḥ, 化地部), (viii) Pháp Tạng bộ (S. Dharmaguptāḥ, 法藏部), (ix) Ẩm quang bộ (S. Kāśyaḥpīyā, 飮光部), (x) Kinh lượng bộ (S. Sautrāntikāḥ, 經量部). Xem mười tám bộ luận, Phật giáo bộ phái, Dị bộ tông luân luận.

mười tám hành vi phá hòa hợp tăng: có 18 hành động dẫn đến ly gián (P. bhedāya, 離間) gây mất đoàn kết nội bộ Tăng đoàn được nêu ra trong Kiều-thưởng-di kiền-độ (喬賞彌犍度) thuộc Đại phẩm (大品): (1) Chân lý nói là phi pháp; (2) Phi pháp nói là chân lý; (3) Luật nói là phi luật; (4) Phi luật nói là luật; (5) Như Lai đã thuyết nói là chưa từng thuyết; (6) Như Lai chưa từng thuyết nói là đã thuyết; (7) Như Lai đã làm nói là chưa làm; (8) Như Lai chưa làm nói là đã làm; (9) Như Lai đã quy định nói là chưa quy định; (10) Như Lai chưa quy định nói là đã quy định; (11) Phạm giới nói là chưa phạm; (12) Chưa phạm nói là phạm; (13) Tội nhẹ nói là tội nặng; (14) Tội nặng nói là tội nhẹ; (15) Tội sám hối được nói là không thể sám hối; (16) Tội không thể sám hối nói là sám hối được; (17) Tội chưa thành nói là tội đã thành; (18) Tội đã thành nói là chưa thành. (Vin I, p354).

mười tranh chăn trâu (十牧牛圖): Ảnh dụ về phương pháp tu thiền của thiền tông Trung Quốc, bắt đầu tu tập cho đến lúc đạt được giác ngộ, giải thoát sanh tử. Có nhiều ấn bản tranh chăn trâu khác nhau về số lượng bức tranh. Từ đời Tống (960-1279) đến nay, có ba ấn bản được nhiều người phổ biến nhất. Bản của thiền sư Thanh Cư (清居) có năm tranh. Bản của thiền sư Tự Đắc (自得) có sáu tranh. Bản của thiền sư Khuếch Am Sư Viễn (廓 庵 師 遠) có mười tranh, được xem là hoàn chỉnh nhất. Về nguồn gốc, mười tranh chăn trâu của thiền sư Khuếch Am là cải tác từ các tranh chăn trâu của thiền sư Thanh Cư. Mười tranh chăn trâu gồm: (i) Tìm trâu (尋牛), (ii) thấy dấu (見跡), (iii) thấy trâu (見牛), (iv) được trâu (得牛), (v) chăn trâu (牧牛), (vi) cưởi trâu về nhà (騎牛歸家), (vii) quên trâu còn người (忘牛存人), (viii) người trâu đều quên (人牛俱忘), (ix) phản bổn hoàn nguyên (返本還源), (x) thỏng tay vào chợ (入鄽垂手). Còn có ấn bản mười tranh chăn trâu của thiền sư Phổ Minh (普明) được lưu truyền trong thiền môn. Đối chiếu với bản của thiền sư Khuếch Am, mười tranh chăn trâu của thiền sư Phổ Minh như sau: (i) Chưa trăn (未牧) tương đương với “tìm trâu, tranh số 1”, “thấy dấu, số 2” và “thấy trâu, số 3” của Khuếch Am, (ii) mới điều phục (初調) tương đương với “được trâu, số 4”, (iii) chịu điều phục (受制), tương đương với “chăn trâu, số 5”, (iv) hồi đầu (迴首), tương đương với “chăn trâu, số 5”, (v) thuần phục (馴伏), tương đương với “cưởi trâu về nhà, số 6”, (vi) vô ngại (無礙), tương đương với “cưởi trâu về nhà, số 6”, (vii) nhậm vận (任運), tương đương với “cưởi trâu về nhà, số 6”, (viii) người trâu cùng quên (相忘), tương đương với “cưởi trâu về nhà, số 6”, (ix) độc chiếu (獨照), tương đương với “quên trâu còn người, số 7”, (x) người trâu cùng mất (雙泯), tương đương với “người trâu đều quên, số 8”. Qua so sánh trên, chúng ta thấy hai bức tranh “phản bổn hoàn nguyên” và “thỏng tay vào chợ” thiền sư Khuếch Am” thấu đáo hơn mười bức tranh chăn trâu của thiền sư Phổ Minh. Đây là lý do tranh chăn trâu của thiền sư Khuếch Am trở nên thịnh hành nhất trong thiền môn.

Nam đốn Bắc tiệm (南顿北渐): Thuật ngữ thiền Trung Quốc chỉ cho “thiền Nam tông (南宗禪) của tổ Huệ Năng (惠能) là thiền đốn ngộ (頓悟禪), trong khi thiền Bắc tông (北宗禪) của tổ Thần Tú (神秀) là thiền tiệm ngộ (漸悟禪) hay thiền tiệm tu (漸修禪)”. Thuật ngữ này phát xuất từ điển tích tổ thứ năm Hoằng Nhẫn (五祖弘忍) muốn các đệ tử trình kệ thiền tông (禅宗作偈) tại chùa Ngũ Tổ (五祖寺). Kệ của Thần Tú như sau: “Thân là cây bồ-đề, tâm như đài gương sáng, luôn luôn siêng lau chùi, không để dính bụi trần” (身是菩提樹,心如明鏡臺。時時勤拂拭,勿使惹塵埃). Đối lập lại nội dung kệ trên, ngài Huệ Năng đọc kệ như sau: “Bồ-đề không phải cây, kính sáng không đài gương, xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi trần?” (菩提本無樹,明鏡亦非臺。本來無一物,何處惹塵埃). Nhờ kệ này, tổ Huệ Năng được tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát và yêu cầu lánh về miền Nam của Trung Quốc truyền bá thiền đốn ngộ. Lúc đó, tổ Thần Tú tiếp tục ở lại miền Bắc để truyền pháp thiền tiệm tu. Xem “Nam Năng Bắc Tú”, “thiền Nam tông” và “thiền Bắc tông”.

Nam Năng Bắc Tú (南能北秀): Chỉ cho thiền Nam tông (南宗) của tổ Huệ Năng và thiền Bắc tông (北宗) của tổ Thần Tú (神秀), được gọi tên theo địa chí hành đạo. Thiền của Thần Tú là thiền tiệm ngộ, tức giác ngộ theo thứ tự (漸悟) đang khi thiền của Huệ Năng chủ trương “ngộ tức khắc” (顿悟) theo nghĩa “tánh giác vốn có, phiền não vốn không” (觉性本有,烦恼本无), chỉ cần trực tiếp chứng được tính giác thì được giác ngộ. Xem “thiền Tào Khê”, “Nam đốn Bắc tiệm”, “thiền Nam tông” và “thiền Bắc tông.”

Nam tông (南宗): Thuật ngữ thiền Trung Quốc, được sử dụng đồng nghĩa với thiền Nam tông. Xem “Nam Năng Bắc Tú”, “thiền Bắc tông” và “thiền Tào Khê”.

Nam Trung nguyên Trung phần: Miền Liễu Quán của GHPGVNTN.

Namaste (नमस्ते): Lời chào thân mật khi gặp mặt cũng như chia tay trong văn hóa giao tiếp của người Ấn Độ, người Đông Nam Á và những nơi có cộng đồng Ấn Độ sinh sống. Chào namaste với sự cúi đầu có ý nghĩa là “Tôi cúi đầu trước sự thiêng liêng trong bạn.”

năm cộng đồng xuất gia (出家五眾): Năm nhóm đi tu, từ bỏ cơ hội hưởng thụ hạnh phúc gia đình, trở thành các bậc thầy tâm linh, truyền trao chân lý, giúp mọi người vượt qua nỗi khổ, niềm đau, bao gồm : (1) Tỳ-kheo (比丘), (2) Tỳ-kheo-ni (比丘尼), (3) Sa-di (沙彌), (4) Sa-di-ni (沙彌尼), (5) Thức-xoa-ma-na (式叉摩那)

nắm đấm: Còn gọi là nắm đấm tự nhiên, hay nắm đấm vành khuyên, là cử chỉ nắm tay một cách tự nhiên khi bốn ngón tay co tự nhiên vào lòng bàn tay, trong khi ngón tay cái thì quay bụng tiếp xúc với cạnh ngoài của ngón trỏ. Trong võ thuật, nắm đấm tượng trưng sự quyết tâm, mạnh mẽ. Trong Phật giáo, nắm đấm được sử dụng chỉ cho sự chấp thủ sự vật, sự việc, con người hay vấn đề gì đó trong lòng, không buông bỏ được, làm tâm bị trói buộc, giam cầm, mất tự do, không còn thoải mái, thảnh thơi.

năm điều đạo đức (五戒): Được đức Phật quy định cho các Phật tử tại gia, nhằm mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội, bao gồm: (i) Không giết hại sự sống (不殺生, bất sát sinh); (ii) Không trộm cắp (不偷盜, bất thâu đạo); (iii) Không tà dâm (不邪淫, bất tà dâm); (iv) Không nói dối (不妄語, bất vọng ngữ); (v) Không uống rượu [bia] (不飲酒, bất ẩm tửu).

năm điều luật ngành Thanh, Thiếu: Các điều luật của Gia đình Phật tử Việt Nam dành cho thanh thiếu niên gồm: (1) Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện, (2) Phật tử mở rộng lòng thương,tôn trọng sự sống, (3) Phật tử trau đồi trí tuệ tôn trọng sự thật, (4) Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm, (5) Phật tử sống hỉ xả để vững tiến trên đường đạo. Xem “Gia đình Phật tử Việt Nam.”

năm giáo (五教): Dựa vào cách phán giáo (判教), tổ Hiền Thủ Pháp Tạng (賢首法藏, 643-712), người thành lập tông Hoa Nghiêm (華嚴宗), đã chia Kinh Hoa Nghiêm thành năm giáo (五教) gồm: (i) Tiểu thừa giáo (小乘教) gồm kinh tạng Pali và kinh tạng A-hàm, chứa đựng giáo pháp có khả năng giúp người tu chứng quả A-la-hán, (ii) Đại thừa thủy giáo (大乘始教) gồm các kinh trong giai đoạn đầu pháp dẫn dắt người tu Tiểu thừa hội nhập và thực hành Đại thừa, (iii) Đại thừa chung giáo (大乘終教) gồm các kinh giai đoạn cứu cách dạy pháp môn cứu cánh của Đại thừa, (iv) Đốn giáo (頓教) tức pháp môn đốn tu và đốn ngộ, (v) Viên giáo (圓教) tức giáo pháp trọn vẹn (như Kinh Hoa Nghiêm) chủ trương vạn pháp dung thông, sự sự vô ngại. Xem “tông Hoa Nghiêm”.

năm hạnh đầu đà: năm hạnh sống khổ cực của người xuất gia theo chủ trương của Đề-đà-đạt-đa (提婆達多): (i) sống trong rừng, (ii) nuôi sống bằng khất thực, (iii) mặc áo rách, (iv) ngủ dưới gốc cây, (v) không ăn thịt cá. Theo Luật tạng Thượng tọa bộ, mượn cớ đức Phật không chấp nhận đề xuất Tăng đoàn phải sống theo năm hạnh đầu đà, Đề-bà-đạt-đa phỉ báng đức Phật tham đắm hưởng thụ để gây chia rẽ tăng đoàn. Hành động này sau ba lần khuyên mà không phục thiện thì phạm Tăng tàn. Xem “ba lần khuyên răn” và “như thế quả thực là tốt.”

năm lỗi của Ananda: Trong đại hội biên tập kinh điển lần 1 tại Vương xá, các trưởng lão chỉ ra rằng ngài Ananda phạm năm điều lỗi nêu yêu cầu ngài ấy sám hối: (i) Không hỏi đức Thế Tôn về giới nhỏ nhặt, (ii) Đạp lên áo mưa của đức Thế Tôn, (iii) Cho phép người nữ lễ lạy thi thể của đức Thế Tôn, làm cho nước mắt của họ rơi trên y của Ngài, (iv) Không thỉnh đức Phật tồn tại thêm, (v) Thúc giục người nữ tu hành.

năm mắt: S. pañca cakṣūṃṣi, P. pañca cakkhūni, C. 五眼, năm tầm nhìn. Theo Luận Đại trí độ 《大智度論》, năm mắt bao gồm: (i) Nhục nhãn (S. māṃsa-cakṣus, C. 肉眼, E. devine eye) mắt thịt, mắt phàm, tầm nhìn phàm phu, có khả năng nhìn thấy sự vật, hình thái, màu sắc (ii) Thiên nhãn (S. divya-cakṣus, C. 天眼, E. human eye) mắt trời, tầm nhìn thấu chuyện tương lai, không bị giới hạn bởi sắc chất, (iii) Tuệ nhãn (S. prajñā-cakṣus, C. 慧眼, E. wisdom eye) mắt trí tuệ, tầm nhìn Thanh Văn thấu rõ bản chất “không thực thể” trong mọi sự vật (一切法皆空), (iv) Pháp nhãn (S. dharma-cakṣus, C. 法眼, E. dharma eye) mắt pháp, tầm nhìn của Bồ-tát, hiểu rõ cách sử dụng phương tiện để hóa độ các loại chúng sinh, giúp cho tu tập và chứng đắc (知一切眾生種種方便門,令修令證也), (v) Phật nhãn (S. buddha-cakṣus, C. 佛眼, E. Buddha eye) mắt Phật, tầm nhìn giác ngộ trọn vẹn, còn gọi là trí tuệ tinh tường mọi vật (一切種智, nhất thiết chủng trí), tỏ thấu các quy luật, hiểu rõ mọi thứ trên đời (無事不知), tinh thông mọi việc (無不見知). Trong năm loại mắt thì mắt Phật là tầm nhìn trí tuệ siêu việt, vượt lên trên các loại nhận thức giác quan. Đạt được Phật nhãn là chứng được trí tuệ như thật về mọi sự vật. Các tông phái Phật giáo bất đồng về thứ tự của pháp nhãn và tuệ nhãn. Theo các nhà Phật học tông Thiên Thai (天台家), trong giai đoạn tu tập, các hành giả từ mắt thịt lần lượt đạt được mắt trời, mắt tuệ, mắt pháp để hướng đến quả chứng là mắt Phật.

năm mùa: năm mùa trong năm phân chia theo khí hậu: (i) mùa xuân: Tháng 1, tháng 2, tháng 3, tháng 4, (ii) mùa mưa: Tháng 5, (iii) Mùa sinh trưởng: Ngày đêm ngày 16 tháng 6 (đầu tháng Ấn Độ tính từ sau đêm trăng tròn, tức là ngày 16 của lịch Ấn Độ là ngày 1 âm lịch nước ta, (iv) cuối mùa: Ngày 17 tháng 6 đến tháng 8 (ngày 2 tháng 6 đến cuối tháng 8 Ấn Độ), (v) mùa đông: Tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12. Xem “mùa,” “ba mùa,” “bốn mùa,” “sáu mùa.”

năm ngành học (S. pañca-vidyā, pañca-vidyā-sthāna; C. 五明; Tib. rigné chenpo nga) còn gọi là ngũ minh học (五明學), hay ngũ minh xứ (五明處) tức năm ngành khoa học hay tri thức (vidyā) của Ấn Độ thời cổ đại. Theo Du-dà sư địa luận (瑜伽師地論), quyển 38, ngũ minh là năm phương tiện tri thức không thể thiếu đối với Tăng, Ni nhập thế theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, nhằm hóa độ nhân sinh một cách hiệu quả hơn. Năm ngành học bao gồm: (i) khoa/ môn ngôn ngữ (S. śabda vidyā: C. 聲明,thanh minh) gồm ngôn ngữ học (語言學), văn tự học (文字學) hoặc văn phạm và ngôn ngữ, (ii) khoa/ môn logic (S. hetu vidyā: C. 因明,nhân minh) tức các phương pháp tư duy lý tính, hay thuật biện luận, (iii) khoa/ môn y học (C. cikitsā vidyā; C. 藥明, 医方明, dược minh,y phương minh) gồm y học (醫學) và dược học (藥學), (iv) khoa/ môn nghệ thuật (藝術) và công nghệ (工藝) (S. śilpa-karma-sthāna vidyā; C. 工巧明,công xảo minh), (v) khoa/ môn nội điển (S. adhyātma vidyā; C. 內明,nội minh) tức Phật học hay chân lý Phật giáo. Bốn ngành học đầu là các ngành học phổ thông trong các trường phái triết học Ấn Độ thời cổ đại. Riêng môn nội điển thì mỗi trường phái triết học có hệ thống kinh điển khác nhau. Nếu nội minh là ba bộ Veda trong Bà-la-môn giáo thì đối với Phật giáo, nội minh chính là ba tạng Phật điển (S. Tripiaka, P. Tipiaka) gồm tạng chân lý (kinh tạng), tạng đạo đức (luật tạng) và tạng triết học (luận tạng).

năm ngành học (S. pañca-vidyā, pañca-vidyā-sthāna; C. 五明; Tib. rigné chenpo nga) còn gọi là ngũ minh học (五明學), ngũ minh xứ (五明處) tức năm ngành khoa học hay tri thức (vidyā) của Ấn Độ thời cổ đại. Theo Du-dà sư địa luận瑜伽師地論》quyển 38, ngũ minh là năm phương tiện tri thức không thể thiếu đối với Tăng, Ni nhập thế theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, nhằm hóa độ nhân sinh một cách hiệu quả hơn. Năm ngành học bao gồm: (i) thanh minh tức khoa/ môn ngôn ngữ (S. śabda vidyā: C. 聲明) gồm ngôn ngữ học (語言學), văn tự học (文字學) hoặc văn phạm và ngôn ngữ, (ii) nhân minh tức khoa/ môn logic (S. hetu vidyā: C. 因明) tức các phương pháp tư duy lý tính, hay thuật biện luận, (iii) y phương minh hay dược minh tức khoa/ môn y học (C. cikitsā vidyā; C. 藥明, 医方明) gồm y học (醫學) và dược học (藥學), (iv) công xảo minh tức khoa/ môn nghệ thuật (藝術) và công nghệ (工藝) (S. śilpa-karma-sthāna vidyā; C. 工巧明), (v) nội minh tức khoa/ môn nội điển (S. adhyātma vidyā; C. 內明) tức Phật học hay chân lý Phật giáo. Bốn ngành học đầu là các khoa học phổ thông trong các trường phái triết học Ấn Độ thời cổ đại. Riêng môn nội điển thì mỗi trường phái triết học có hệ thống kinh điển khác nhau. Nếu nội minh trong Bà-la-môn giáo là ba bộ kinh Veda thì đối với Phật giáo, nội minh chính là ba tạng thánh điển (S. Tripiaka, P. Tipiaka) gồm tạng chân lý (kinh tạng), tạng đạo đức (luật tạng) và tạng triết học (luận tạng).

năm nguyện vọng của Phật giáo: Năm nguyện vọng và yêu cầu tha thiết của cộng đồng Phật giáo tại miền Nam Việt Nam, do HT. Thích Tịnh Khiết, Hội  chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam nêu ra trong “Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam” do năm cấp năm cấp Trị sự Phật giáo toàn quốc, trung phần và Thừa Thiên công bố vào ngày 10/5/1963 nhằm kêu gọi chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm tôn trọng sự bình đẳng tôn áp, chấm dứt tình trạng đàn áp Phật giáo. Năm nguyện vọng bao gồm: (1) Yêu cầu chỉnh phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo, (2) Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Đạo dụ số 10, (3) Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo, (4) Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo, (5) Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức. Cả năm nguyện vọng nêu trên đều nhắm đến việc xây dựng một xã hội trong đó, công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo được tôn trọng. Để đạt được mục đích công bằng xã hội, Tăng, tín đồ Phật giáo quyết tâm “sẵn sàng hy sinh cho đến lúc nào những nguyện vọng hợp lý trên được thực hiện.”

nắm tay (牵手, khiên thủ): người xuất gia nam cố tình nắm tay người nữ với dục niệm được xem là phạm tội Tăng tàn. Xem “Tăng tàn.”

năm tiền tệ (P. pañca māsaka,五摩沙迦, ngũ ma-sa-ca): còn gọi là năm tiền lớn (五大錢), còn gọi là “ngũ tiền” (五錢). Một tiền lớn giá bằng 16 tiền nhỏ (十六小錢). Người xuất gia dù lấy 5 tiền hay đồ vật có trị giá 5 tiền thì phạm tội nặng. Giới này trùng lắp với nội dung của học pháp 2 thuộc giới Thức-xoa và trục xuất 2 thuộc Giới Tỳ-kheo-ni của Luật Tứ phần về việc lấy cắp tài sản. Đồ vật trộm cắp có giá trị bằng 5 ma-sa-ca trở lên theo quy định của Luật pháp Ấn Độ thời đức Phật được xem là nghiêm trọng, theo đó, xuất người xuất gia vi phạm giới trộm cắp đó phải bị trục xuất, không được sống chung với Tăng đoàn, mất tư cách làm tu sĩ vĩnh viễn. Luật Ngũ phần, Luật Tứ phần, Luật Thập tụng dịch là tiền, Luật Tăng-kỳ dịch là xu; trên thực tế, ma-sa-ca chẳng phải là tiền hay xu của chế độ tiền tệ Việt Nam và Trung Quốc. Trường hợp nếu người xuất gia ngộ nhận rằng vật dụng mà mình lụm được là đồ vứt đi, không có dụng ý trộm cắp thì không bị phạm tội trục xuất.

nắm tóc (摸頭發, mạc đầu phát): người xuất gia nam cố tình nắm tóc người nữ với dục niệm được xem là phạm tội Tăng tàn. Xem “Tăng tàn.”

năm tôn giáo chính: Thuật ngữ Phật học “ngũ đại ngoại đạo” (五大外道) chỉ cho 5 tổ chức tôn giáo khác đạo Phật: (1) Số luận phái (數論派), (2) Thắng luận phái (勝論派), (3) Ly hệ phái (離繫派), (4) Thú chủ phái (獸主派), (5) Biến xuất phái (遍出派).

năm thiên (五篇): Năm chương bao gồm: (i) Tội trục xuất (P. pārājika, S. pārājika,驅擯), (ii) Tội Tăng tàn (P. saṅghādisesa, S. saṃghāvaśeṣa,僧残), (iii) Tội sám hối (P. pācittiya, pācittika, S. pāyattika, 懺悔), (iv) Hối lỗi (P. pātidesanīya, S. pratideśanīya, 悔過), (v) Tội đột kiết-la (P. dukkaṭa, S. duṣkṛta, 突吉羅).

năm thực vật cay nồng (S. parivyaya, 五辛): Còn gọi “ngũ huân” (五葷) là năm loại thực vật mà khi ăn vào sẽ sinh ra hóc môn tính dục nên Phật giáo Đại thừa khuyên Tăng, Ni không nên ăn để góp phần thành công trong đời sống độc thân nhưng không cô đơn: (i) Củ tỏi (S.palāṇḍu, 大蒜, đại toán), (ii) Hành, hành tây (S. lat-ārka, 革葱, cách thông), (iii) Củ kiệu (薤, thả; 慈葱, từ thông), (iv) Rau hẹ (韭菜, cửu thái; 蘭葱, lan thông), (v) Hưng cừ (S. hiịgu, 興蕖) là loại thực vật có mùi hôi không thua gì tỏi, được trồng ở Tân Cương (Trung Quốc), Tây Tạng, Ấn Độ, Iran, A-phú-hãn.

năm uẩn (S. pañca-skandha, P. pañca-khandha, 五蘊): Còn gọi là ngũ ấm (五陰), ngũ chúng (五眾) hay ngũ tụ (五聚), ngũ thọ ấm (五受陰) là năm tổ hợp, năm nhóm, năm nhóm nhân tính. Chữ “uẩn” (蘊) hay “ấm” (陰) (P. khandha, S. skandha) có nghĩa là nhóm, tổ hợp, sự tích tụ. Ngũ uẩn gồm (i) Sắc uẩn (P. rūpa-khandha, S. rūpa-skandha, 色蘊) tức thân thể được hình thành bởi bốn yếu tố phổ quát là đất, nước, gió, lửa. Theo Luận Câu-xá (具舍論) thì mắt (眼), tai (耳), mũi (鼻), lưỡi (舌), thân (身), sắc (色), âm thanh (聲), mùi (香), vị (味), xúc chạm (觸) và vô biểu (無表) thuộc sắc uẩn; (ii) Thọ uẩn (P. vedanā-khandha, S. vedanā-skandha, 受蘊) gồm tổ hợp cảm giác khổ, vui, trung tính;  (iii) Tưởng uẩn (P. saññā-khandha, S. sañjā-skandha, 想蘊) tức tri giác; (iv) Hành uẩn (P. saṅkhāra-khandha, S. saṁkhāra-skandha, 行蘊), tức hoạt động tâm tư; (v) Thức uẩn (P. viññāṇa-khandha, S. vijñāna-skandha, 識蘊) tức hoạt động nhận thức. Ngoài 6 thức giác quan, Phật giáo Đại thừa còn giới thiệu thứ mạt-na (末那識) chấp ngã và thức a-lại-da (S. ālaya-viññāṇa, 阿賴耶識). Trong Kinh Tạp A-hàm (雜阿含經卷2), đức Phật dạy: “Sắc không phải là tôi. Nếu sắc là tôi thì sắc không thể bị bệnh, khổ, sắc tôi phải thế này, thế khác. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Sắc là vô thường.” Năm nhóm nhân thể này luôn bị chi phối bởi sự sinh diệt (生滅), vô thường (無常), vô ngã (無我) và không có thực thể (空). Tham chiếu: CBETA, T02, no. 99, p. 7, b23-28; T26, no. 1541, p. 634, c9-11; Luận du-già sư địa (瑜伽師地論卷25).

nếu không từ bỏ (若不放棄): mệnh đề nhắc nhở thường thấy trong các giới Tăng tàn, áp dụng đối với người xuất gia có những hành vi, lời nói gây ly gián Tăng đoàn, kết phe phái, phá hòa hợp tăng. Nếu sau ba lần khuyên răn mà từ bỏ, phục thì tốt; nếu bảo thủ, cố chấp thì phạm Tăng tàn. Xem “ba lần khuyên răn.”

Ni bộ Bắc tông vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Tăng sự GHPGVNTN, phải y chỉ Tăng bộ Bắc tông.

Ni bộ Nam tông vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Tăng sự GHPGVNTN, phải y chỉ Tăng bộ Nam tông.

Ni cô (尼姑): Thuật ngữ chỉ cho “người xuất gia nữ” (女性出家眾) trong Phật giáo, bất luận giới phẩm của vị ấy là Ni trưởng (40 hạ trở lên), Ni sư (25 hạ trở lên) và Sư cô (1-24 hạ). Chữ “ni” là tiếp vĩ ngữ chỉ cho phái nữ (女性, nữ tính). Theo tập quán ngôn ngữ của người Hán (漢族), “ni cô” là từ chỉ chung cho Sa-di-ni (沙彌尼), Thức-xoa-ma-na-ni (式叉摩那尼) và Tỳ-kheo-ni (比丘尼).

Ni cô: Danh xưng Tỳ-kheo-ni của GHPGVNTN, có 1-19 tuổi hạ, trên Thức-xoa-ma-na-ni và dưới Ni sư.

Ni chúng (尼眾): Cộng đồng Ni, các thành viên Ni trong một ngôi chùa Ni. Như “Ni đoàn” (尼團).

Ni đoàn (尼團): Phương ngữ Việt Nam chỉ cho đoàn thể Tỳ-kheo-ni ít nhất 4 vị trở lên, sống trong tinh thần hòa hợp, an vui, nhằm phụng sự nhân sinh, mà cộng đồng Trung Quốc thường gọi là “Tăng đoàn Tỳ-kheo-ni” (比丘尼僧團, Tỳ-kheo-ni Tăng đoàn). Các thành viên Ni đoàn giữ giới luật trang nghiêm, sống có lý tưởng phụng sự nhân sinh, có phước báu để dấn thân an sinh xã hội, có trí tuệ để trị liệu khổ đau của nhân sinh thì được gọi là “Tỳ-kheo-ni phước trí” (福智比丘尼), tức vị Ni có đầy đủ trí tuệ và phước báu, mang hạnh phúc cho mình và làm lợi ích cho đời.

Ni giới Giáo đoàn I: Được hình thành từ Hội chúng Ni trưởng Trung Liên, Hạnh Liên, Liên Liên và Hội chúng Ni trưởng Sáng Liên. Đến rằm tháng 7 Bính Tuất (2006), chính thức xin gia nhập Giáo đoàn I, nương Nhị tổ Giác Chánh và Trưởng lão Giác Như. Đến năm 2020, Ni giới Giáo đoàn I có 14 tịnh xá, 90 Ni (5 Ni trưởng, 7 Ni sư, 48 Sư cô và 30 vị Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni). Hằng năm, Ni giới Giáo đoàn I tổ chức 2 khóa Chuyên tu, 4 khóa học Luật, 6 khóa học Sa-di tập sự và có 4 kỳ họp quý về sinh hoạt tu học của Ni đoàn.

Ni giới Giáo đoàn VI: Do Ni trưởng Huỳnh Liên thành lập, đặt trụ sở tại Tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam: Gọi tắt là “Ni giới Khất sĩ,” hay “Ni giới Khất sĩ Việt Nam,” có tên gọi đầu tiên là “Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam” do Sư cô Huỳnh Liên thành lập vào ngày 11/01/1958 đặt dưới sự quản lý Đạo dụ số 10, ngày 6/8/1950. Từ năm 1992, dưới sự lãnh đạo của Ni trưởng Bạch Liên, Ni giới Khất sĩ Việt Nam hoạt động theo Nội quy Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Xem “Ni giới Khất sĩ Việt Nam.” Đến nay, Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam có 4 đời lãnh đạo gồm: Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Bạch Liên, Ni trưởng Tạng Liên, Ni trưởng Tràng Liên (1929–2020) làm Trưởng các năm 2020, Ni trưởng Tân Liên (từ ngày 30/4/2021–nay). Đến năm 2022, Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam có khoảng 150 ngôi tịnh xá  và hơn 1.500 Ni chúng trên toàn quốc.

Ni giới Khất sĩ Việt Nam: Còn gọi là “Ni giới Hệ phái Khất sĩ” hay “Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.”

Ni giới: Thuật ngữ Phật học Việt Nam chỉ cho cộng đồng người xuất gia nữ (女性出家人) đã tiếp nhận giới Sa-di-ni (沙彌尼戒), giới Thức-xoa-ma-na (式叉摩那戒), giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒), trọn đời sống độc thân, giữ giới trang nghiêm, hành đạo vì lý tưởng phụng sự nhân sinh, góp phần xây dựng hạnh phúc cho con người.

Ni lưu (尼流): Phương ngữ không chính xác tại Việt Nam được dùng để chỉ cho Ni đoàn, tức tập thể các vị Tỳ-kheo-ni ít nhất từ bốn vị trở lên, mà cộng đồng Trung Quốc thường gọi là “Tăng đoàn Tỳ-kheo-ni” (比丘尼僧團, Tỳ-kheo-ni Tăng đoàn).

Ni sư (尼師): (1) Từ tôn xưng cho ni cô (尼姑的敬称), tức “người xuất gia nữ” theo thói quen dùng từ người Hán (漢族), (2) Thuật ngữ Phật học Việt Nam chỉ cho Tỳ-kheo-ni (比丘尼), có tuổi hạ từ 25-39 năm, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị Trung ương thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành. Vị Tỳ-kheo có giới phẩm ngang với Ni sư được gọi là Thượng tọa.

Ni sư truyền giới (得戒和尚尼): Ni sư truyền trao giới Sa-di-ni (沙彌尼戒), giới Thức-xoa-ma-na (式叉摩尼戒), giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒) trong Tam đàn đại giới (三壇大戒). Yêu cầu tối thiểu về người truyền giới là phải có ít nhất 10 tuổi giới.

Ni Tăng (尼僧): tức Ni đoàn.

Ni trưởng (尼長): Thuật ngữ Phật học Việt Nam chỉ cho Tỳ-kheo-ni (比丘尼) có tuổi hạ từ 40 năm trở lên, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị Trung ương thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành. Vị Tỳ-kheo có giới phẩm ngang với Ni trưởng được gọi là Hòa thượng.

niêm hoa vi tiếu: = “cầm hoa mỉm cười’.

niềm tin bất hoại đối với đạo đức: Thuật ngữ trong Kinh Tạp A-hàm (các kinh 833-860 và 1121-1135) thường gọi là “sạch không hoại đối với giới đức” (戒不壞淨, giới bất hoại tịnh), tức “niềm tin không hoài nghi,” “niềm tin chắc chắn,” “niềm tin vững chải” đối với giới luật Phật dạy. Đây là niềm tin tuyệt đối vào giá trị của đời sống đạo đức, giúp cho con người nâng cao các phẩm chất cao quý, tôn trọng luật pháp, ngời sáng về nhân cách sống, mang lại hạnh phúc và giá trị cho con người.

niềm tin bất hoại đối với Pháp: Thuật ngữ trong Kinh Tạp A-hàm (các kinh 833-860 và 1121-1135) thường gọi là “sạch không hoại đối với Pháp” (法不壞淨, pháp bất hoại tịnh) tức “niềm tin không hoài nghi,” “niềm tin chắc chắn,” “niềm tin vững chải” đối với lời dạy của đức Phật. Đây là niềm tin tuyệt đối vào chân lý và giá trị trị liệu của lời Phật dạy trong khoảng 17.500 bài kinh Pali và khoảng 17.000 bài kinh A-hàm và hơn 2000 bài Kinh Đại thừa, vốn có khả năng chấm dứt khổ đau, mang lại hạnh phúc, an lạc, hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

niềm tin bất hoại đối với Phật: Thuật ngữ trong Kinh Tạp A-hàm (các kinh 833-860 và 1121-1135) thường gọi là “sạch không hoại đối với Phật” (佛不壞淨, Phật bất hoại tịnh), tức “niềm tin không hoài nghi,” “niềm tin chắc chắn,” “niềm tin vững chải” đối với người khai sáng đạo Phật. Đây là niềm tin tuyệt đối vào sự giác ngộ vĩ đại của đức Phật, những đóng to lớn của đức Phật về cách mạng xã hội, giúp đời vượt qua khổ đau, sống hữu ích và có giá trị.

niềm tin bất hoại đối với Tăng: Thuật ngữ trong Kinh Tạp A-hàm (các kinh 833-860 và 1121-1135) thường gọi là “sạch không hoại đối với Tăng đoàn” (僧不壞淨, Tăng bất hoại tịnh), tức “niềm tin không hoài nghi,” “niềm tin chắc chắn,” “niềm tin vững chải” đối với vai trò thầy tinh thần của Tăng đoàn và Ni đoàn. Đây là niềm tin tuyệt đối vào giới hạnh của người xuất gia chân chính, có lý tưởng phụng sự nhân sinh, dẫn dắt mọi người học Phật, tu Phật và làm Phật sự, sống hạnh phúc, hữu ích và có giá trị giữa đời thường.

niềm tin tôn giáo (religious beliefs): Những ý tưởng và nguyên lý được chấp nhận trong bất kỳ tôn giáo nào, thường có nội dung trái ngược với khoa học. Dù không phải là toàn bộ nội dung tôn giáo, niềm tin tôn giáo là thành phần cốt lõi của các tôn giáo vì chúng ảnh hưởng đến thế giới quan, nhân sinh quan, lối sống và giá trị của các tín đồ tôn giáo. Niềm tin tôn giáo khác với các loại kiến ​​thức về sự kiện, thường không được và không cần kiểm chứng, thường liên quan đến yếu tố siêu nhiên. Có nhiều niềm tin tôn giáo lệ thuộc vào từng hệ thống tôn giáo. Có ba loại niềm tin tôn giáo gồm: thuyết vật linh, thuyết đa thần và thuyết độc thần.

niết-bàn (P. nibbāna, S. nirvana, 涅槃), trạng thái an lạc tuyệt đối, do chấm dứt toàn bộ khổ đau và nguyên nhân khổ đau. Người chứng đạt niết-bàn là người giác ngộ gồm các quả A-la-hán, Bồ-tát và Phật. Từ “nhập niết-bàn” còn gọi là “diệt độ” (滅度) nghĩa là sự qua đời của bậc giác ngộ, không còn trôi lăn sinh tử luân hồi.

niết-bàn Tăng (S. nivāsana, 涅槃僧): quần (裙), một trong 13 vật dụng của Tăng đoàn. Thuật ngữ này còn phiên âm thành nê-phược-ta-na (泥縛些那), nê-hoàn-tăng (泥洹僧).

ni-sư-đàn (P. nisidana, S. nisadana, 尼師壇), dụng cụ lót ngồi (坐具, tọa cụ) để giữ pháp phục được sạch sẽ đồng thời bảo vệ cơ thể giúp tránh tiếp xúc trực tiếp hơi lạnh từ mặt đất.

ni-tát-kỳ ba-dật-đề (P. nissaggiya pācittiya, S. niḥsargika-pāyantika): được Hán dịch là “xả đọa” (捨墮) trong Hán tạng hay “ưng xả đối trị” (應捨對治) trong luật Nam tông, nghĩa là tội xả vật. Một số dịch giả Trung văn dịch là “xả sám” (舍懺), tức buông bỏ đồ vật vi phạm và sám hối với Tỳ-kheo khác để được thanh tịnh. Bên Tăng và bên Ni đều có 30 điều gần giống nhau. Tăng sĩ nào vi phạm 1/30 điều giới này thì các vật dụng không được phép giữ hoặc giữ sai phép sẽ bị Tăng đoàn tịch thu (forfeiture) tức phải xả bỏ các vật dụng (捨), đồng thời phải sám hối lỗi này với Tỳ-kheo khác.

noãn pháp (暖法): pháp ấm. Đây là một trong bốn pháp tu gia hạnh (S. pra-yoga, 加行瑜伽) của tông Du-già Duy thức (瑜伽行唯識學派). Ba pháp còn lại là “đảnh pháp” (頂法), “nhẫn pháp” (忍法) và “thế đệ nhất pháp” (世第一法). Theo Luận Duy thức (唯識論), “pháp ấm” là trạng thái nương vào ánh sáng để được định, quán chiếu không chấp thủ (觀無所取). Giữ lửa đạo này để tiếp tục tiến tu các hạnh Bồ-tát. Nói đơn giản hơn, pháp ấm là phần sơ khởi của hạnh tu Bồ-tát.

nói ba việc tự tứ: thấy, nghe và nghi (說三事自恣:見、聞、疑).

nói dối (P. tucchaṃ musā vilapin): Nói những chuyện không thật, giả dối (說謊), nói giả tạo (虚伪, tucchaṃ), nói vô căn cứ (虚妄, musa), nói chuyện không có bằng chứng (说話无凭无据, vilapin). Nếu nói dối vì mục đích lừa đảo thì phạm tội nặng. Nếu nói dối rằng mình chứng thánh quả, pháp thượng nhân là đại vọng ngữ; hễ cố tình vi phạm thì người xuất gia phạm tội tẫn xuất, không được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời. Xem “pháp thượng nhân.”

nói lời dâm ô với người nữ (對女人說淫穢語詞): người xuất gia cố ý nói lời dâm dục với người khác phái với dục niệm là phạm tội Tăng tàn. Xem “Tăng tàn.”

nói lời thô tục (粗俗語詞): hành vi phát ngôn khiêu dâm, ngôn ngữ ái tình là vi phạm tội Tăng tàn đối với người xuất gia. Xem “Tăng tàn.”

nô tỳ (奴婢): nô lệ.

nội (內): 1. Bên trong. Lấy thân làm quy chiếu thì tất cả bên trong thân đều gọi là “nội”, chẳng hạn “nội thân” (內身) đối lập với “ngoại thân” (外身) hoặc “nội pháp” (內法) tức các pháp bên trong; 2. Nho giáo đề cao bên cha nên gọi bên cha là bên nội tức trong họ tộc, xem thường bên mẹ nên gọi bên mẹ là bên ngoại, tức ngoài họ tộc.

nội đạo (內道) thuật ngữ Phật giáo chỉ cho đạo Phật, đối lập với “ngoại đạo” là từ chỉ cho các tôn giáo ngoài Phật giáo gồm tôn giáo vô thần, tôn giáo nhất thần, tôn giáo đa thần.

Nội quy Ban giáo dục Phật giáo: Văn bản quy phạm quản lý các hoạt động của Ban Giáo dục Phật giáo trung ương gồm giảng dạy Phật học cho các Tăng, Ni và cư sĩ ở các trường Phật học; giảng pháp đối với các Phật tử tại gia; hướng dẫn cư sĩ Phật tử sinh hoạt và tu học.

Nội quy Ban Kinh tế – Tài chánh: Văn bản quy phạm quản lý các hoạt động của Ban Tài chánh – Kiến thiết trung ương gồm các hoạt động kinh doanh phi lợi nhuận nhằm bảo trợ các hoạt động Phật sự của GHPGVN và kiến thiết tự viện Phật giáo.

Nội quy Ban Phật giáo quốc tế: Văn bản quy phạm quản lý các hoạt động quốc tế của Ban Phật giáo quốc tế nhằm xây dựng hình ảnh Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Nội quy Ban Tăng sự: Văn bản quy phạm quản lý các hoạt động của Ban Tăng sự trung ương GHPGVN gồm tổ chức giới đàn, tiếp nhận giới pháp, biểu quyết tăng đoàn, an cư kiết hạ, bổ nhiệm trụ trì, tăng tịch, xây dựng chùa, trùng tu chùa, hoạt động pháp chế, hoạt động kiểm soát hội nghị và đại hội Tăng đoàn/ Ni đoàn.

Nội quy Ban Từ thiện xã hội: Văn bản quy phạm quản lý các hoạt động từ thiện của Ban An sinh xã hội.

Nội quy Ban Thông tin – Truyền thông: Văn bản quy phạm quản lý các hoạt động thông tin và truyền thông của các cấp GHPGVN.

Nội quy Ban Văn hóa: Văn bản quy phạm quản lý các hoạt động của Ban Văn hóa Phật giáo trung ương gồm văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể; phong cách kiến trúc, mỹ thuật, hoa văn, họa tiết; phong cách thờ phượng, liễn đối, bảng biển trong chùa; pháp phục Tăng, Ni, giầy, dép, nón, mão; nghi thức tụng niệm thuần Việt; các nghi lễ Phật giáo.

Nội quy Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam: Văn bản pháp quy của Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam do Ni trưởng Bạch Liên ban hành ngày 05/03/1992 gồm có 18 điều với mục đích giúp cho Ni giới Khất sĩ Việt Nam xứng đáng là tập thể có “giới đức, trang nghiêm tu học, song hành, giữ vững giềng mối xưa, làm rạng danh Thày Tổ”.

Nội quy: Văn bản chứa đựng các quy phạm và thủ tục của GHPGVN ở cấp Ban trung ương. Ở cấp hành chính trung ương, GHPGVN có 13 Nội quy. Ở cấp hành chính tỉnh thành, GHPGVN tỉnh thành có 12 Nội quy (không áp dụng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ở cấp tỉnh thành).

nội sắc (內色): Sắc bên trong, thuật ngữ chỉ sáu thức giác quan (六根) gồm  nhãn (眼), nhĩ (耳), tỷ (鼻), thiệt (舌), thân (身) và ý (意), hay sáu thức (六識) gồm nhãn thức (眼識), nhĩ thức (耳識), tỷ thức (鼻識), thiệt thức (舌識), thân thức (身識) và ý thức (意識).

nội thất chùa: Cấu trúc điện Phật, cách bài trí bàn thờ, tượng thờ, bảng biển, bao lam, câu đối trong chùa với các hoa văn, họa tiết, biểu tượng biểu tượng triết lý Phật giáo. Nếu là chùa chữ công thì nội thất chùa thường là ba ngôi nhà nằm kế nhau gồm nhà thiêu hương, thượng điện và nhà tổ. Xem chùa.

Nối truyền Thích Ca Chánh pháp: Tiếp nối truyền thống chánh pháp của đức Phật Thích Ca lịch sử đã truyền bá là tông chỉ của Đạo Phật Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khởi xướng  và truyền bá từ năm 1947 như đường lối tu học và hành đạo phù hợp với bối cảnh xã hội của miền Nam Việt Nam gồm: (i) Tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia, (ii) Tinh thần tinh tấn trong tu tập, (iii) Tinh thần giải thoát trong hoằng pháp độ sinh.

nơi không tổn hại mạng sống (P. anārambhaṃ, 不傷害生命地方): địa điểm hoặc nơi chốn, cư trú không có động vật, côn trùng, nơi không có trồng ngũ cốc hoặc rau cải, nơi không có lò mổ, pháp trường, nghĩa địa, công viên, nhà lao, ngã tư nhằm mang lại sự thanh tịnh, thuận duyên cho người xuất gia tu học, giúp tăng trưởng tâm từ bi. Người xuất gia xây dựng phòng ở những nơi tổn hại mạng sống là vi phạm tội Tăng tàn.

nút thắt vô tận (S. srivasta, granthi, endless knot): (1) Biểu tượng của sự may mắn; (2) Tượng trưng cho thuyết tương quan vô tận.

nữ căn (女根): bộ phận sinh dục nữ.

nước tro (澡豆, tháo đậu): Nước nấu từ các loại đậu được nghiền nát. Ngày xưa, Tăng đoàn Phật sử dụng nước tro như xà phòng để loại sạch các vết dơ trên thân thểcũng như quần áo.

ngạ quỷ (S. Preta, P. Peta, 餓鬼): quỷ đói.

ngãi (刈): 1. Cắt như trong từ  “ngải thảo” (刈草) cắt cỏ, trừ cỏ; 2. Tiêu diệt hoặc hại (割). 

ngành Đồng: Còn gọi là ngành Oanh, tên gọi đoàn sinh của GĐPT từ 6 - 12 tuổi. Các đoàn của ngành đồng gồm có đoàn nam Oanh vũ và đoàn Nữ Oanh vũ.

ngành Nam: Các đoàn sinh nam trong Gia đình Phật tử.

ngành Nữ: Các đoàn sinh nữ trong Gia đình Phật tử.

ngành Oanh: như ngành Đồng gồm có Đoàn nam Oanh vũ, Đoàn nữ Oanh vũ chia ra từ 2 đến 4 Đàn, mỗi Đàn có từ 6 đến 8 em, có đầu đàn và thứ đàn điều khiển. Về Ngành Oanh, tên của các Đàn theo màu sắc chánh chim. Oanh vũ thứ tự là: Đàn Cánh Vàng, Đàn Cánh Nâu, Đàn Cánh Đỏ, Đàn Cánh Hồng kèm theo một tiếng reo tuỳ ý.

ngành Thanh: Tên gọi đoàn sinh của GĐPT từ 19 tuổi trở lên. Các đoàn ngành Thanh có đoàn nam Phật tử và đoàn nữ Phật tử.

ngành Thiếu: Tên gọi đoàn sinh của Gia đình Phật tử từ 13 - 18 tuổi. Các đoàn của ngành Thiếu, ngành Thanh gồm đoàn Thiếu nam và đoàn Thiếu nữ.  Về ngành Thiếu, ngành Thanh: Tên gọi Đội, Chúng được chọn theo màu sắc hoa sen thứ tự: Đội (Chúng) Sen Vàng - Đội (Chúng) Sen Trắng-Đội (Chúng) Sen Hồng - Đội (Chúng) Sen Xanh, kèm theo một tiếng reo tuỳ ý.

ngày thuần chay thế giới: Ngày 01/11 hằng năm, theo đó, người thuần chay kêu gọi mọi người ăn chay, không sử dụng động vật và các sản phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, góp phần tôn trọng sự sống của động vật và bảo vệ môi trường. Xem “thuần chay.”

Nghi lễ tụng niệm: Hình thức giáo dục về mặt tâm linh và tín ngưỡng của Gia đình Phật tử Việt Nam. Có các loại nghi lễ: (a) Lễ Phật thường lệ, (b) Lễ cầu an, (c) Lễ cầu siêu.

nghi pháp kiền-độ (P. Vattakkhandhaka, 儀法犍度): như “Chủ đề về nghi thức.”

nghi pháp kiền-độ (P. Vattakkhandhaka, 儀法犍度): như “chủ đề về oai nghi.”

nghi quỹ (S. sādhana, 儀軌): Còn gọi là thành tựu pháp. Xem “thành tựu pháp.”

Nghị quyết: Loại văn bản đúc kết nội dung thảo luận, đưa ra các giải pháp, kết quả và nhất trí thông qua trong các Đại hội Đại biểu Phật giáo, hội nghị, cuộc họp bằng cách biểu quyết theo số đông tán thành, thể hiện quyết định cuối cùng của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành phố, quận huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

nghi tình (疑情): Thuật ngữ thiền Trung Quốc chỉ cho trạng thái tâm xác quyết đối với câu thoại đầu (話頭) trong lúc tham thiền. Khác với trạng thái hoài nghi thông thường, “nghi tình” trong “khán thoại đầu” (看話頭) hay “tham thoại đầu” (參話頭) là tiến trình “nội quán” (內觀) bằng cách dùng sự “quán sát và thủ hộ” (觀察守護) về câu “thoại đầu” nhằm giúp thiền sinh xa lìa các tạp niệm và vọng tưởng. Khi tham cứu thoại đầu hay công án (公案), thiền sinh phải hội đủ 3 điều kiện gồm: (i) Tín tâm lớn (大信心) đối với pháp tu và thiền sư, (ii) Tâm phấn chấn lớn (大憤心) hướng về sự khai ngộ, không bỏ cuộc nửa chừng, (iii) Khối nghi lớn (大疑團) bằng cách an trú vào nghi tình trong mọi thời khắc. Khi thiền sinh phá tan được “khối nghi lớn” (大疑團) thì liền đạt được sự khai ngộ (開悟). Thiền tông Trung Quốc chủ trương rằng “nghi tình nhỏ thì giác ngộ nhỏ” (小疑小悟), “nghi tình lớn thì giác ngộ lớn” (大疑大悟).

Nghiên cứu giới Tỳ-kheo của Thượng tọa bộ: Đối chiếu với năm phái luật Phật giáo” là luận án có giá trị của Lý Phụng My (李凤媚) bảo vệ thành công tại Viện Nghiên cứu Phật học Trung Hoa vào năm 1999, do Thích Nhật Từ dịch, bổ sung các chú thích và ấn tống năm 2021. Tựa đề nguyên tác Hán văn là “Nghiên cứu giới Tỳ-kheo trong luật Pāli” (巴利律比丘戒研究), được Thích Nhật Từ đổi tựa như trên trong bản dịch tiếng Việt là vì, bên cạnh việc nghiên cứu giới Tỳ-kheo của Thượng tọa bộ (P. Theravāda, S. Sthaviravāda, 上座部) trong ấn bản Pāli nhưng thực chất, tác giả đã so sánh từng điều giới trong 227 điều giới của Thượng tọa bộ với từng điều giới của năm trường phái giới luật Phật giáo bằng chữ Hán trong Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新修大藏經) gọi tắt là Đại Chánh tạng (大正藏) hoặc Đại (大) bao gồm (i) Luật tứ phần (四分律), (ii) Luật ngũ phần (五分律), (iii) Luật thập tụng (十誦律), (iv) Luật Tăng-kỳ (僧祇律), (v) Luật căn bản (根本律) và (vi) Bản dịch tiếng Anh của I.B. Horner về giới Tỳ-kheo trong bản Pāli của Hội thánh điển Pāli (Pāli Text Society, thường viết tắt là PTS).  Đây là khảo cứu, so sánh về luật Tỳ-kheo trong 6 trường phái luật Phật giáo, giúp cho giới nghiên cứu Phật học và hành giả thêm nguồn tư liệu và ứng dụng giới luật Phật giáo vào cuộc sống. Tác phẩm Nghiên cứu giới Tỳ-kheo này gồm có hai phần. Phần thứ nhất giới thiệu khái quát về Luật tạng Pāli, các kiền-độ (khandhaka,犍度), Phân tích Giới bổn (suṭṭavibhaṅga) và phương pháp nghiên cứu sách này. Phần thứ hai là nghiên cứu và chú giải giới Tỳ-kheo trong Luật tạng Pāli (Vinaya Piṭaka). Tác giả nghiên cứu bản gốc (研究底本), cung cấp các chú thích (译注) xác đáng và hữu ích, dịch mới các thuật ngữ ra tiếng bạch thoại, tức quốc ngữ Trung Quốc để người Trung Quốc hiện đại có thể dễ hiểu các thuật ngữ Phật học bằng Hán cổ. Đây là tác phẩm nghiên cứu giới Tỳ-kheo có hệ thống, đối chiếu những điểm tương đồng và dị biệt giữa các truyền thống Luật Phật giáo, rất hữu ích cho các giảng viên và sinh viên Phật học tham khảo về giới Tỳ-kheo.

Nghiên cứu Phật giáo (Buddhist Studies): như Phật học.

Nghiên cứu Phật giáo (Buddhist Studies): như Phật học.

ngọa cụ (P. sayanāsana, S. śayanāsana, 臥具): dụng cụ nằm.

ngoại (外): 1. Bên ngoài. Lấy thân làm quy chiếu thì tất cả bên ngoài thân đều gọi là “ngoại”, chẳng hạn “ngoại thân” (外身) đối lập với “nội thân” (內身); 2. Nho giáo phân biệt đối xử bên mẹ nên cho rằng bên mẹ là bên ngoại tức ngoài họ tộc, trong khi đó đề cao bên cha là bên nội tức trong họ tộc.

ngoại đạo: như “tôn giáo khác,” đối lập với “nội đạo” (內道) thuật ngữ chỉ cho đạo Phật.

ngoại nhân (外人): (1) người ngoài; người dưng; (2) người khác đạo; (3) người ngoại quốc.

ngoại sắc (外色): 1. Sắc bên ngoài, thuật ngữ chỉ năm đối tượng giác quan (五塵) gồm nhãn căn (眼根), nhĩ căn (耳根), tỷ căn (鼻根), thiệt căn (舌根), thân căn (身根) hay còn gọi là năm trần cảnh (五塵) hay ngoại cảnh (外境) gồm sắc (色), thanh (聲), hương (香), vị (味) và xúc (觸); 2. Đồng nghĩa với “hiển sắc” (顯色) tức các màu xanh (青), vàng (黃), đỏ (赤), trắng (白); 3. Đồng nghĩa với “hình sắc” (形色) gồm dài (長), ngắn (短), vuông (方), tròn (圓), thô (粗), tế (細), cao (高), thấp (下).

ngoại thư (外書): sách ngoài Phật giáo, chỉ cho tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo và các thể loại sách thế gian.

ngoắc tay: Như ngoéo tay.

ngoặc tay: Như ngoéo tay.

Ngọc Phật Hồ Chí Minh: Còn gọi là “Đạo nghĩa tình dân tộc”, “Đạo luật ân nghĩa và nhân nghĩa” là hiện tượng tôn giáo mới do bà Nguyễn Thị Lương (sinh 1947 tại huyện An Lão, Hải Phòng) thành lập từ tháng 5/1991 nhưng không được công nhận là tôn giáo tại Việt Nam. Đầu năm 1991, khi được được điều trị thuyên giảm chứng bệnh nói nhảm ở quê chồng, bà Lương cho rằng bà được Phật và bác Hồ Chí Minh “cho ăn lộc” và tự xưng là [Phật] “Di đà giáng thế Nguyễn Thanh Minh”. Từ đó, bà Lương tuyên bố không có bằng chứng y học rằng bà có khả năng chữa các bệnh về tim, phổi, gan, chỉ cần bệnh nhân “xin lệnh các ngài” thông qua việc khấn vái đức Phật và bác Hồ, rồi dùng đồng xu tẩm rượu cạo vào các khớp (theo kiểu cạo gió khi bị cảm). Ngoài việc trị bệnh phản y học và không có giấy phép hành nghề chữa bệnh. Bà Lương sáng tác một số vần thơ lục bát, kêu gọi lập bàn thờ Bác Hồ, cụ thể gồm Hai mươi hai điều ích nước lợi dân”, “Đạo luật Khuyên nghĩa nhân, đáp nghĩa, đền ơn và diệt trừ tệ nạn xã hội”, “Đạo luật khuyên nghĩa nhân và đền ơn, đáp nghĩa để trời phật không gieo thiên tai trừng phạt xã hội loài người”. Những người đã vào hội của bà Lương đều bị bà đe dọa: “đã vào hội thì không ai được bỏ, ai bỏ là phản lại thầy, phản lại Phật, sẽ bị Phật đập chết và sinh ra ốm đau, tai họa” để hù dọa người đi theo. Nhóm này lấy đức Phật làm bình phông để truyền bá những niềm tin không phù hợp với Phật giáo và người đứng đầu tự xưng mình là hóa thân của Phật A-di-đà. Theo Phật giáo thì đây là tà giáo, tà đạo, vi phạm nghiêm trọng giới luật Phật giáo.

ngoéo tay (pinky swear): Còn gọi là ngoặc tay, móc tay, ngoắc tay, là động tác ngoắc ngón tay trỏ hoặc ngón tay út của hai người vào nhau, thể hiện sự đồng ý, lời giao ước, lời thề hẹn nhau giữa hai người, tượng trưng mối liên kết và cam kết, không được phép nuối lời, bội tín, bội ước về sau.

ngọn đèn cháy hoài (ever-burning lamp, trường minh đăng): Ngọn đèn dầu trong tu viện Phật giáo, cháy hoài không tắt, biểu tượng cho chân lý Phật giáo hoặc tâm giác ngộ.

ngón tay giữa với bàn tay chụm lại: Trong văn hóa phương Tây, động tác này được xem là hành động phỉ báng, xúc phạm, được sử dụng để lăng mạ người khác. Ở một số nước châu Âu, giơ ngón tay giữa với bàn tay chụm lại đối với cảnh sát có thể bị đưa ra tòa về tội phỉ báng.

ngón tay Phật (P. sugatavidatthiyā): khoảng cách ngón tay Phật được Tăng đoàn sử dụng làm đơn vị thước đo làm nhà nhỏ cho tăng ni, hễ vượt quá chiều dài bằng 12 gang tay và chiều rộng bằng 7 gang tay của đức Phật là vi phạm tội Tăng tàn. Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa ghi rằng ngón tay đức Phật bằng ba ngón người thường.

ngón tay thối: Trong thời Hy-lạp cổ đại, giơ ngón tay thối (tức ngón tay giữa) được biểu thị cho dương vật. Vì vậy, trong văn hóa phương Tây, giơ ngón tay thối ra trước bị xem là hành động khiếm nhã, mất lịch sự, khinh bỉ, phỉ báng, mạ lị, xúc phạm người khác.

ngồi bán-già: Cách dùng từ tương đương với thuật ngữ “bán-già tọa” (半跏坐) hay “bán-già phu tọa” (半跏趺坐), nghĩa là ngồi thiền theo tư thế nửa hoa sen, hay xếp bằng một phân nửa, bằng cách đặt lòng chân trái lên đùi phải hoặc đặt lòng chân phải lên đùi trái. Xem “ngồi thiền.”

ngồi hàng ma (降魔坐): Chỉ cho ngồi thiền theo tư thế hoa sen trọn phần bằng cách đặt 2 lòng bàn chân lên 2 đùi nhằm làm chủ các vọng niệm (ma) trong tâm, trải nghiệm sự tỉnh thức ở hiện tại, bây giờ và tại đây. Xem “ngồi thiền.”

ngồi hoa sen (蓮花坐): Tương đương chữ “padmāsana” trong Sanskrit, cách ngồi thiền bằng cách đặt 2 lòng bàn chân lên 2 đùi, khép lại quá khứ, không lo lắng tương lai, làm chủ vọng niệm ở hiện tại. Xem “ngồi thiền.”

ngồi kết-già: Cách dùng từ tương đương với thuật ngữ “kiết-già tọa” (P. pallaṅka, 結跏坐) hay “kiết-già phu tọa” (結跏趺坐), nghĩa là ngồi thiền theo tư thế hoa sen toàn phần, bằng cách đặt 2 lòng bàn chân lên 2 đùi. Xem “ngồi thiền.”

ngồi thiền (坐禪): Tương đương chữ “thiền tọa” (禪坐) trong Hán văn, chữ “pratisaṃlāna / pratisaṃlayana” trong Sanskrit, hay chữ “paṭisallānā / paṭisallīna” trong Pali, có nghĩa là “ngồi một chỗ yên tĩnh” (獨一靜處) để trải nghiệm thiền định (禪定), làm chủ thân và làm chủ tâm. Cách thức ngồi thiền cần lưu ý như sau: (1) Về không gian thiền, chọn không gian yên tĩnh, thoáng mát, (2) Về tư thế ngồi, có thể ngồi thế hoa sen toàn phần, tức đặt 2 lòng bàn chân lên 2 đùi, hay hoa sen bán phần, tức đặt lòng chân trái lên đùi phải hoặc lòng chân phải lên đùi trái, (3) Hai lòng bàn tay đặt lên nhau ở trước rốn, giữ thẳng lưng, buông thư các cơ bắp, (4) Tư thế mắt, khép mắt lại khoảng 90% để hạn chế hoạt động thị giá, (5) Về cách thở, hít thở bốn thì bằng lỗ mũi theo công thức 5-2-7-2 giây, tức hít vào 5 giây, nín thở 2 giây, thở ra 7 giây, nín thở 2 giây, (6) Khép toàn bộ chuyện quá khứ, không lo lắng về chuyện chưa xảy ra, không nói nhẩm trong đầu, giữ chính niệm ở không gian tại đây và thời gian bây giờ, (7) Giữ tâm buông xả, thư thái, thảnh thơi; không đè nén, không cưỡng chế hoạt động của tâm thức. Duy trì chánh niệm, tỉnh thức để các vọng niệm tự chấm dứt.

ngồi xếp bằng phân nửa: Đồng nghĩa với ngồi bán-già (半跏), hình thức ngồi thiền bằng tư thế xếp bằng theo cách đặt lòng chân trái lên đùi phải hoặc đặt lòng chân phải lên đùi trái. Xem “ngồi thiền.”

ngồi xếp bằng trọn phần: Đồng nghĩa với ngồi kiết-già (結跏), hình thức ngồi thiền bằng tư thế xếp bằng theo cách đặt lòng chân trái lên đùi phải hoặc đặt lòng chân phải lên đùi trái. Xem “ngồi thiền.”

ngồi xếp bằng: Ngồi thiền bằng tư thế xếp bằng (趺坐, phu tọa) gồm: (1) Ngồi bán-già bằng cách đặt lòng chân trái lên đùi phải hoặc đặt lòng chân phải lên đùi trái, (2) Ngồi kiết-già bằng cách đặt 2 lòng bàn chân lên 2 đùi. Xem “ngồi thiền.”

ngồi xổm: Tương đương với “ngụy tọa” (跪坐) trong Hán văn, tức ngồi chồm hỗm. Xem “ngồi thiền.”

ngũ ấm (P. pañca-khandha, S. pañca-skandha, 五陰), hoặc ngũ uẩn (五蘊):  năm nhóm tổ hợp. Bao gồm: (i) Sắc (S=P. rūpa, 色), thân thể; (ii) Thọ (S=P. vedanā, 受), cảm giác; (iii) Tưởng (S. saṃjñā, P. saññā, 想), tri giác; (iv) Hành (S. saṃskāra, P. saṅkhāra, 行), tâm tư; (v) Thức ( S. vijñāna, P. viññāṇa, 識), nhận thức.

ngũ bách nhân kiền-độ (P. Pañcasatikakkhandhaka, 五百人犍度): như “Chủ đề về năm trăm người.”

ngũ bách nhân kiền-độ (P. Pañcasatikakkhandhaka, 五百人犍度): như “chủ đề về năm trăm người.”

ngũ đại ngoại đạo (五大外道): như “năm tôn giáo chính.”

ngũ giới (五戒): như “năm điều đạo đức.”

ngũ giới: như “năm điều đạo đức.”

ngũ minh: như “năm ngành học.”

ngũ nhãn: như “năm mắt.”

ngũ tân: như “năm thực vật cay nồng.”

ngũ uẩn (五蘊): như “năm tổ hợp.”

Nguyễn Thanh Minh: Người sáng lập Ngọc Phật Hồ Chí Minh, hiện tượng tôn giáo mới không được chấp nhận tại Việt Nam. Xem “Ngọc Phật Hồ Chí Minh.”

Nguyễn Thị Lương: Người sáng lập Ngọc Phật Hồ Chí Minh, hiện tượng tôn giáo mới không được chấp nhận tại Việt Nam. Xem “Ngọc Phật Hồ Chí Minh.”

Nguyễn Thị Ngọc Lan (1951-1963): 12 tuổi, pháp danh Tâm Chánh, một thánh tử đạo Phật giáo trong số 9 thanh thiếu niên bị chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm thảm sát tại Đài phát thanh Huế vào vào lúc 22:00 ngày 08/5/1963 (nhằm mùng 8/4 Quý Mão, PL. 2507), dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Ty trưởng Nội an Thừa Thiên.

Nguyễn Thị Phúc (1948-1963): 15 tuổi, pháp danh Tâm Thông, một thánh tử đạo Phật giáo trong số 9 thanh thiếu niên bị chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm thảm sát tại Đài phát thanh Huế vào vào lúc 22:00 ngày 08/5/1963 (nhằm mùng 8/4 Quý Mão, PL. 2507), dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Ty trưởng Nội an Thừa Thiên.

Nguyễn Thị Yến (1943-1963): 20 tuổi, pháp danh Tâm Thanh. một thánh tử đạo Phật giáo trong số 9 thanh thiếu niên bị chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm thảm sát tại Đài phát thanh Huế vào vào lúc 22:00 ngày 08/5/1963 (nhằm mùng 8/4 Quý Mão, PL. 2507), dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Ty trưởng Nội an Thừa Thiên.

ngư (P. Macchaṃ, 魚): cá.

ngư (P. macchaṃ, 魚): cá.

ngựa: Biểu tượng Phật giáo, (1) Tượng trưng cho sự trung thành (loyalty), cần cù (industriousness) và nhanh nhẹn (swiftness), (2) Biểu tượng của năng lượng (energy) và tinh tấn (effort) trong thực hành Phật pháp, (3) Biểu tượng cho sự xuất gia vĩ đại của đức Phật, được khắc họa qua tượng Thái tử Tất-đạt-đa cởi ngựa.

người đáng kính (可敬者): Tương đương chữ “Bhante” hay “Bhadanta” trong Pali, hoặc chữ “bhavantaḥ” trong Sanskrit, vốn là từ trung tính về giới tính (gender-neutral term) chỉ cho Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đáng tôn kính.

người giữ giới (持律者): Người tuân thủ các nghiêm túc các điều khoản giới đã tiếp nhận. Người tại gia tuân thủ 5 điều đạo đức (五戒) và 8 giới (八關齋戒) được gọi là người giữ giới tại gia. Người xuất gia giữ các giới khoản đã tiếp nhận như giới Sa-di (沙彌戒), giới Sa-di-ni (沙彌尼戒), giới Thức-xoa-ma-ni (式叉摩尼戒), giới Tỳ-kheo (比丘戒), giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒) được gọi là người giữ giới xuất gia.

người không nghe lời khuyên (P. dovacassadarana, 不受勸者): người cố chấp, bảo thủ chủ trương, quan điểm, hành vi, lời tuyên bố sai lầm, gây chia rẽ Tăng đoàn sẽ không có tiến bộ trong tu học Phật. Nếu vẫn cố chấp sau khi được sau 3 lần khuyên can bởi các bậc trưởng lão thì phạm Tăng tàn. Xem “ác niệm chi phối,” “ba lần khuyên răn” và “thuận theo tà đạo.”

người làm mai mối (P. sañcarittaṃ samāpajjeyya, 媒人 ): người xuất gia mà làm vai trò ông tơ, bà nguyệt, mai mối tình yêu, hôn nhân là phạm tội Tăng tàn. Điều 5 của Tăng tàn trong Luật Thượng tọa bộ, Luật tứ phần, Luật ngũ phần, Luật Ma-ha Tăng-kỳ, Luật thập tụng và điều 4 Tăng tàn trong Luật Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ quy định như sau: Nếu Tỳ-kheo tới lui bên này, bên kia, làm mai mối; đem ý người nam nói với người nữ; đem ý người nữ nói với người nam; hoặc để thành vợ chồng, hoặc trở thành nhân tình (tư thông), cho dù chỉ trong chốc lát thì phạm Tăng tàn. Lý do Phật nghiêm cấm tăng sĩ làm mai mối là vì khi đổ vỡ tình yêu và hôn nhân thì tăng sĩ làm mai mối sẽ bị quở trách, đổ thừa. Tuy nhiên, đức Phật không cấm người xuất là làm lễ cưới cho người tại gia tại chùa, vì việc chọn vợ chồng do cặp đôi nam nữ tự quyết định. Việc người xuất gia khuyên đôi vợ chồng đã ly hôn được tái xum hợp thì không vi phạm giới Tăng tàn. Xem “Tăng tàn.”

người lập di chúc: Người thành niên có đủ điều kiện có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định di sản cho từng người thừa kế; dành một phần tài sản trong khối di sản để đi tặng, thờ cúng; giao nghĩa vụ cho người thừa kế; chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

người nói lời tin cậy: người không bịa chuyện, không thêm thắt, không bơm phồng khuếch đại sự việc; nói trung thực, đúng sự việc, tình huống diễn ra. Để xử lý tội không xác định thì Tăng đoàn sẽ căn cứ vào hai điều: (1) Sự tự khai của bản thân của người xuất gia bị tố giác, (2) Sự xác nhận của cư sĩ đáng tin cậy. Nghĩa là dù cư sĩ có uy tín tố giác nhưng Tăng đoàn phải ưu tiên đánh giá lời tự khai của Tỳ-kheo”. Theo Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa (善見律毗婆沙) sở dĩ như vậy là để đề phòng khi người thứ ba nhìn thấy hoặc nghe thấy, sẽ xảy ra tình huống hiểu nhầm. Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, 771a3 giải thích rằng “Vị nữ đệ tử Thanh Văn Ưu-bà-di đã đắc thánh quả, là bậc Ưu-bà-di đáng tin”, có nghĩa là cư sĩ nào đã chứng quả thánh thì lời nói của họ là đáng tin, lời tố giác của họ là chuẩn xác.

người thừa kế: Người còn sống trong thời điểm mở thừa kế, hoặc người sinh ra và người còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai truowcsk hi người để lại di sản chết. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản.

người trung gian (P. sañcarittaṃ samāpajjeyya, 媒人): người xuất gia mà người trung gian, mai mối tình yêu và hôn nhân cho người tại gia là phạm tội Tăng tàn. Xem “Tăng tàn.”

người xuất gia (出家人): dịch từ chữ “pabbajja” trong Pali hoặc “pravrajyā” trong Sanskrit, chỉ cho người tu hành (修行人) Phật giáo, từ giã gia đình, không màng hạnh phúc thế tục, bỏ lại mọi thứ sau lưng, sống đời độc thân vì lý tưởng độ sinh, giữ gìn giới luật, tu tập thiền định và thiền định, trở thành người tỉnh thức, dấn thân nhập thế cứu độ con người.

người xuất gia nam (男性出家人): Người nam đi tu theo Phật giáo đã tiếp nhận giới Sa-di (沙彌戒) và giới Tỳ-kheo (比丘戒).

người xuất gia nữ (女性出家人): Người nữ đi tu theo Phật giáo đã tiếp nhận giới Sa-di-ni (沙彌尼戒), giới Thức-xoa-ma-na (式叉摩那戒), giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒).

Ngưu Đầu thiền (牛頭禪): Phương pháp tu thiền của thiền sư Ngưu Đầu – Pháp Dung (牛頭法融), người sáng lập  Tông Ngưu Đầu (牛頭宗) và là người đắc pháp với đại sư Đạo Tín (道信). Đây là một trong các nhánh phái (派別) thiền vào thế kỷ 6-7, tách ra từ Tông Tam luận (三論宗), chịu ảnh hưởng của Tông Thiên Thai (天台宗) và tiếp thu một phần của pháp tu thiền của Nam phương (南方禪觀).

nhà báo: như ký giả.

nhà bếp: gian nhà nấu thức ăn chay hàng ngày trong các chùa Phật giáo. Thời đức Phật, trong các chùa đều không có nhà bếp. Các tăng sĩ, mỗi buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào làng xã khất thực, khi nhận thức ăn thì tặng bài pháp thoại để tạ ơn.

nhà cải cách Phật giáo Ấn Độ (revivalist of Buddhism in India):

nhà chùa: (1) Cách xưng hô khiêm tốn của các vị xuất gia theo Phật giáo Bắc truyền tại Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, chỉ chung những người xuất gia, (2) Ngôi chùa, nơi thờ Phật và tu hành theo Phật giáo.

nhà khỏe: Tên gọi khác của nhà vệ sinh trong một số chùa tại Việt Nam, theo nghĩa, vào đó, đi tiểu tiện hay đại tiện xong là khỏe cơ thể liền.

nhà nhỏ (P. kutim,小房子): nhà có diện tích nhỏ, đủ cho một người ở, hoặc là nhà lá (茅屋), nhà sàn (茅蓬), nhà hang động (窑洞), chỉ được làm với chiều dài bằng 12 gang tay và chiều rộng bằng 7 gang tay của đức Phật và phải xây dựng ở nơi không tổn hại mạng sống. Làm trái với quy định là vi phạm tội Tăng tàn. Xem “nơi không tổn hại mạng sống.”

nhà ở riêng lẻ: Công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.

nhà sư quốc doanh: xem “sư quốc doanh.”

nhà sư: Cách xưng hô khiêm tốn của các vị xuất gia theo Phật giáo Nguyên thủy hay hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam.

nhà tọa soạn: Dãy nhà phục vụ cho việc soạn lễ cúng dường của Phật tử trong một ngôi chùa miền Bắc hay Bắc Trung bộ.

nhà Tổ: Tương đương chữ “Tổ đường” (祖) trong Hán văn, gian nhà thờ tượng các Tổ sư Phật giáo và các kỷ niệm vật qua các thời kỳ trong các chùa Bắc truyền tại Việt Nam nhằm thể hiện lòng tri ân đối với các bậc Tổ sư qua các thời kỳ, đặc biệt là Tổ sư khai sáng chùa, hoặc khai pháp một dòng phái Phật giáo, có công truyền bá Phật pháp, khai tâm mở trí cho nhiều người. Về vị trí, nhà tổ trong các chùa Việt Nam thường được xây dựng ở phía sau tòa nhà Chánh điện, tức điện thờ đức Phật trong quần thể kiến trúc chùa Phật giáo nên thường được gọi là “Tiền Phật, hậu tổ.” Trong nhà tổ thường có bàn thờ các vị tổ sư của Chùa. Trong một số chùa, do bố trí tiện ích, nhà tổ chỉ là một không gian có bàn thờ tổ trong Chánh điện, được tôn trí ở mặt sau vách tường tượng Phật chính. Trước khi lên tụng kinh, lạy Phật, thông thường, các tăng, ni và Phật tử thắp nhang, đánh chuông, cúi đầu xá bàn tổ trước khi lên bàn Phật.

Nha Tuyên úy Phật giáo: Cơ quan điều hành các hoạt động Tuyên úy Phật giáo của GHPGVNTN, Khối Việt Nam Quốc tự, do HT. Thích Tâm Châu thành lập năm 1966 và hoạt động đến 1975 thì bị đình chỉ.

nhà thiêu hương (燒香): Gian nhà nối tiền đường và hậu đường (後堂) trong chùa chữ Tam, cũng là nơi làm lễ của Tăng, Ni và Phật tử trên Điện Phật. Cách bài trí nhà thiêu hương ở các chùa miền Bắc thường bao gồm: (i) Tượng đức Ông (Cấp Cô Độc) ở bên trái tiền đường, mặc y phục võ quan, có hai thị giả, (ii) Tượng thánh hiền ở bên phải Tiền đường, mặc cà sa vàng, đội mũ liên hoa thất Phật, chân dung hiền hòa, có hai thị giả, (iii) Tượng bát bộ Kim Cương gồm tám pho tượng đứng hai hàng uy nghiêm; thường mặc áo giáp trụ, mũ kim khôi, đi hia, cầm binh khí

nhà thờ Tổ: nhà thờ Họ tộc, nhà thờ ông bà tổ tiên, tỏ lòng tôn kính, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn đối với tổ tiên trong họ tộc.

nhà thơ: Người sáng tác thơ, còn gọi là thi sĩ (詩士). Nếu sáng tác thơ đặc sắc, có ảnh hưởng lớn trong một giai đoạn lịch sử thì được gọi là thi hào (詩豪).

nhà trù: nhà bếp trong chùa Phật giáo, khu vực bếp nấu phục vụ cho tăng ni  và Phật tử, tương đương với chữ “trù phòng” (厨房) trong Hán văn, tức phòng bếp, hay gian nhà bếp. Xem “nhà bếp.”

nhà văn: Người chuyên sáng tác các tác phẩm văn học đã được công bố và được ít nhiều độc giả thừa nhận. Tùy theo thể loại văn học, nhà văn có thể sáng tác tiểu thuyết (tiểu thuyết gia, nhà tiểu thuyết), vở kịch (nhà viết kịch), văn xuôi (tác gia, cây bút), thơ (thi hào, thi sĩ, nhà thơ), báo (nhà báo, ký giả), kịch bản phim (nhà viết kịch bản).

nhà viết kịch: Người chuyên sáng tác kịch, còn gọi là nhà soạn kịch.

nhẫn (P. khanti, S. kṣānti, C. 忍, E.  patience, forbearance): 1. Nhẫn nại (忍耐),kham nhẫn (堪忍), khắc chế (克制), một trong 6 ba-la-mật của Phật giáo Đại thừa và 10 ba-la-mật của Phật giáo Nguyên thủy. Khái niệm này thường bị dịch phiến diện thành “nhẫn nhục” (忍辱) trong kinh điển Hán truyền; 2. Tiếp thụ (接受) hoặc chứng đắc, như trong thuật ngữ “quán sát nhẫn” (觀察忍), vô sanh nhẫn (無生忍) hay vô sanh pháp nhẫn (無生法忍). Nhẫn không chỉ thể hiện tính cam kết, quyết tâm và lập trường mà còn là sức mạnh nội tại, giúp người thực tập đạt được thành quả cao nhất trong lập nghiệp và hành đạo. Ưu-bà-tắc giới kinh, phẩm 25(優婆塞戒經卷7) có câu: “Nếu có người trí thích tu nhẫn nại, sẽ được nhan sắc vui vẻ, hài hòa. Người nhìn thấy sanh tâm hoan hỷ, không hề chán” (善男子!若有智人樂修忍辱,是人常得顏色和悅,人見歡喜,睹之無厭). Tham chiếu: CBETA, T24, no. 1488, p. 1073, b18-20).

nhẫn (P. khanti, S. kṣānti, C. 忍, E.  patience, forbearance): 1. Nhẫn nại (忍耐),kham nhẫn (堪忍), khắc chế (克制), một trong 6 ba-la-mật của Phật giáo Đại thừa và 10 ba-la-mật của Phật giáo Nguyên thủy. Khái niệm này thường bị dịch phiến diện thành “nhẫn nhục” (忍辱) trong kinh điển Hán truyền; 2. Tiếp thụ (接受) hoặc chứng đắc, như trong thuật ngữ “quán sát nhẫn” (觀察忍), vô sanh nhẫn (無生忍) hay vô sanh pháp nhẫn (無生法忍). Nhẫn không chỉ thể hiện tính cam kết, quyết tâm và lập trường mà còn là sức mạnh nội tại, giúp người thực tập đạt được thành quả cao nhất trong lập nghiệp và hành đạo. Ưu-bà-tắc giới kinh, phẩm 25(優婆塞戒經卷7) có câu: “Nếu có người trí thích tu nhẫn nại, sẽ được nhan sắc vui vẻ, hài hòa. Người nhìn thấy sanh tâm hoan hỷ, không hề chán” (善男子!若有智人樂修忍辱,是人常得顏色和悅,人見歡喜,睹之無厭). Tham chiếu: CBETA, T24, no. 1488, p. 1073, b18-20).

nhân (因): nguyên nhân chủ yếu (主要原因) tức yếu tố quan trọng hay điều kiện nội tại (內在條件) để tạo nên quả, kết quả, hậu quả, trong sự tương tác của duyên (緣). Kinh Niết-bàn nêu ra các hai loại nhân gồm (i) chánh nhân (正因) tức yếu tố quan trọng và duyên nhân (緣因) tức yếu tố hỗ trợ, (ii) sanh nhân (生因): Còn gọi là năng sanh nhân (能生因), tức nhân phát sanh tất cả điều thiện (能生一切善法者) như mầm cây tạo ra cây, và liễu nhân(了因): Nhân dùng trí tuệ nhận rõ bản chất của mọi sự vật, như đèn soi sáng; (iii) Luận du-già sư địa 38 (瑜伽師地論卷三十八) giới thiệu: Năng sanh nhân (能生因) và phương tiện nhân (方便因), hoặc khiên dẫn nhân (牽引因) và sanh khởi nhân (生起因), (iv) Pháp Hoa văn cú 18(法華文句卷十八) giới thiệu hai nhân gồm tập nhân (習因) hay nhân đồng loại (同類因) tức nhân thói quen và báo nhân (報因) hay nhân dị thục (異熟因); (v) Luận đại trí độ 96 (大智度論卷九十六) giới thiệu hai nhân là cận nhân (近因) và viễn nhân (遠因).

nhân (因): nguyên nhân chủ yếu (主要原因) tức yếu tố quan trọng hay điều kiện nội tại (內在條件) để tạo nên quả, kết quả, hậu quả, trong sự tương tác của duyên (緣). Kinh Niết-bàn nêu ra các hai loại nhân gồm (i) chánh nhân (正因) tức yếu tố quan trọng và duyên nhân (緣因) tức yếu tố hỗ trợ, (ii) sanh nhân (生因): Còn gọi là năng sanh nhân (能生因), tức nhân phát sanh tất cả điều thiện (能生一切善法者) như mầm cây tạo ra cây, và liễu nhân(了因): Nhân dùng trí tuệ nhận rõ bản chất của mọi sự vật, như đèn soi sáng; (iii) Luận du-già sư địa 38 (瑜伽師地論卷三十八) giới thiệu: Năng sanh nhân (能生因) và phương tiện nhân (方便因), hoặc khiên dẫn nhân (牽引因) và sanh khởi nhân (生起因), (iv) Pháp Hoa văn cú 18(法華文句卷十八) giới thiệu hai nhân gồm tập nhân (習因) hay nhân đồng loại (同類因) tức nhân thói quen và báo nhân (報因) hay nhân dị thục (異熟因); (v) Luận đại trí độ 96 (大智度論卷九十六) giới thiệu hai nhân là cận nhân (近因) và viễn nhân (遠因).

nhân cách hóa quốc gia: Thuyết hình người của một cộng đòng gồm hoạt hình chính trị và tuyên truyền.

nhân cách hóa: Sự vật hoặc sự trừu tượng được thể hiện như con người, là yếu tố rất phổ biến trong truyện ngụ ngôn. Trong văn học và nghệ thuật, nhân cách hóa là một phép ẩn dụ nhân học.

Nhẫn Tánh (忍性, Ninshō, 1217-1303): Được ban thụy hiệu là Nhẫn Tánh Bồ-tát, tự là  Lương Quán (良觀, Ryōkan). Ngài là người ở Đại Hòa (大和, Yamato), huyện Nại Lương (奈良縣, Nara-ken). Sau khi học giới luật và mật tông với ngài Duệ Tôn (叡尊, Eison) tại Chùa Tây Đại (西大寺, Saidai-ji), ngài hành đạo tại Chùa Cực Lạc (極樂寺, Gokuraku-ji) thuộc Liêm Thương (鎌倉, Kamakura), có công phục hưng giới luật Phật giáo, song song với hoạt động nhân đạo và từ thiện, cứu độ nhân sinh.

Nhẫn Tánh (忍性, Ninshō, 1217-1303): Được ban thụy hiệu là Nhẫn Tánh Bồ-tát, tự là  Lương Quán (良觀, Ryōkan). Ngài là người ở Đại Hòa (大和, Yamato), huyện Nại Lương (奈良縣, Nara-ken). Sau khi học giới luật và mật tông với ngài Duệ Tôn (叡尊, Eison) tại Chùa Tây Đại (西大寺, Saidai-ji), ngài hành đạo tại Chùa Cực Lạc (極樂寺, Gokuraku-ji) thuộc Liêm Thương (鎌倉, Kamakura), có công phục hưng giới luật Phật giáo, song song với hoạt động nhân đạo và từ thiện, cứu độ nhân sinh.

nhân vật: Một người hoặc đối tượng trong một câu chuyện trong truyện, tiểu thuyết, kịch, phim, thường là nhân vật hư cấu, không có thật trong thực tiễn.

nhân vô ngã (S. pudgala-nairātmya; anātman, P. pudgala-anattā, 人無我, selflessness of person, selfless personality): người vô ngã, con người không thực thể. Đồng nghĩa với các thuật ngữ “chúng sinh vô ngã” (眾生無我) hay “sinh không” (生空) trong Luận khởi tín (T1666.32.580b5) hay “nhân không” (人空) và “ngã không” (我空) theo cách dịch khác của Trung Quốc. Về phương diện vật lý và thời gian, hữu thể con người là tổ hợp của năm nhóm (五蘊) gồm thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức vốn không có thực thể thường hằng, bất biến. Xem hai vô ngã, pháp vô ngã, vô ngã.

nhân vô ngã (S. pudgala-nairātmya; anātman, P. pudgala-anattā, 人無我, selflessness of person, selfless personality): người vô ngã, con người không thực thể. Đồng nghĩa với các thuật ngữ “chúng sinh vô ngã” (眾生無我) hay “sinh không” (生空) trong Luận khởi tín (T1666.32.580b5) hay “nhân không” (人空) và “ngã không” (我空) theo cách dịch khác của Trung Quốc. Về phương diện vật lý và thời gian, hữu thể con người là tổ hợp của năm nhóm (五蘊) gồm thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức vốn không có thực thể thường hằng, bất biến. Xem hai vô ngã, pháp vô ngã, vô ngã.

nhập hạ (入夏): tham dự an cư mùa mưa. Xem “an cư mùa mưa.”

nhập hạ: Thuật ngữ Phật học Việt Nam chỉ cho “an cư mùa mưa.”

nhất bạch tam yết-ma:(一白三羯磨): như “biểu quyết một lần bạch ba lần hỏi.”

nhất bạch tam yết-ma:(一白三羯磨): như “biểu quyết một lần bạch ba lần hỏi.”

nhất thần giáo (monotheism, monotheistic religion): Hệ thống tín ngưỡng tôn giáo chỉ tin và tôn thờ một vị thần duy nhất, đồng thời xem vị thần đó là đấng sáng thế. Một số tôn giáo lớn trên thế giới thuộc nhất thần giáo gồm Do-thái giáo, Cơ-đốc giáo, Hồi giáo, Chánh thống giáo, Anh giáo. Ngay cả trong các hệ thống tôn giáo độc thần, vẫn thường có chỗ cho những sinh vật siêu nhiên khác, như Satan trong Cơ đốc giáo. Phật giáo phủ định thượng đế sáng thế nên không chấp nhận nhất thần giáo. Thay vào đó, Phật giáo lý giải nguồn gốc của mọi sự vật hiện tượng qua thuyết nhân duyên.

nhị pháp nhiếp thủ (二法攝取): chăm sóc giữ gìn bằng hai cách thức: (i) tự mình chăm sóc, (ii) nhờ người chăm sóc. Trong đó “nhiếp thủ” trong tiếng Sanskrit là “Parigraha.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ (觀無量壽經): Nhất nhất quang minh biến chiếu thập phương thế giới, niệm Phật chúng sinh nhiếp thủ bất xả (一一光明徧照十方世界,念佛眾生攝取不捨) có thể tạm dịch: Mỗi luồng ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới, [đức Phật A-di-đà] giữ gìn không bỏ chúng sinh niệm Phật.

nhị pháp nhiếp thủ (二法攝取): chăm sóc giữ gìn bằng hai cách thức: (i) tự mình chăm sóc, (ii) nhờ người chăm sóc. Trong đó “nhiếp thủ” trong tiếng Sanskrit là “Parigraha.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ (觀無量壽經): Nhất nhất quang minh biến chiếu thập phương thế giới, niệm Phật chúng sinh nhiếp thủ bất xả (一一光明徧照十方世界,念佛眾生攝取不捨) có thể tạm dịch: Mỗi luồng ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới, [đức Phật A-di-đà] giữ gìn không bỏ chúng sinh niệm Phật.

nhị Tổ Giác Chánh: Xem “Thích Giác Chánh.”

nhị thập bát tổ (二十八祖): = “hai mươi tám tổ Ấn Độ”.

nhị thập bát tổ (二十八祖): = “hai mươi tám tổ Ấn Độ”.

nhị thừa (二乘): cỗ xe Thanh văn (聲聞乘, Thanh văn thừa) và cỗ xe Duyên giác (緣覺乘, Duyên giác thừa). Thanh văn là thánh quả đạt được do nghe đức Như Lai thuyết giảng Bốn chân lý thánh (四聖諦, Tứ thánh đế). Duyên giác là thánh quả đạt được do tu quán chiếu mười hai mắc xích sự sống (十二因缘, thập nhị nhân duyên).

nhị thừa (二乘): cỗ xe Thanh văn (聲聞乘, Thanh văn thừa) và cỗ xe Duyên giác (緣覺乘, Duyên giác thừa). Thanh văn là thánh quả đạt được do nghe đức Như Lai thuyết giảng Bốn chân lý thánh (四聖諦, Tứ thánh đế). Duyên giác là thánh quả đạt được do tu quán chiếu mười hai mắc xích sự sống (十二因缘, thập nhị nhân duyên).

nhị thừa Thanh văn kinh luật (二乘聲聞經律): kinh luật của Thanh văn của bậc Nhị thừa gồm Thanh văn thừa (聲聞乘) và Duyên giác thừa (緣覺乘). Kinh ở đây chỉ cho bốn bộ A-hàm. Giới luật bao gồm: (i) Năm chương (五篇, ngũ thiên), (ii) Bảy nhóm (七聚, thất tụ). Năm chương bao gồm: (i) Tội trục xuất (P. pārājika, S. pārājika, 驅擯, khu tẩn), (ii) Tội Tăng tàn (P. saṅghādisesa, S. saṃghāvaśeṣa, 僧残, Tăng tàn), (iii) Tội sám hối (P.pācittiya, pācittika, S. pāyattika, 懺悔, sám hối), (iv) Hối lỗi (P. pātidesanīya, S. pratideśanīya,悔過, hối quá), (v) Tội đột-kiết-la (P. dukkaṭa, S. duṣkṛta, 突吉羅, đột-kiết-la). Bảy nhóm bao gồm: (i) Tội trục xuất (P. pārājika, S. pārājika, 驅擯, khu tẩn), (ii) Tội Tăng tàn (P. saṅghādisesa, S. saṃghāvaśeṣa, 僧残, Tăng tàn), (iii) Tội thâu-lan-giá (P. thūlaccaya, S. sthūlātyaya, 偷蘭遮, thâu-lan-giá), (iv) Tội sám hối (P. pācittiya, pācittika, S. pāyattika, 懺悔, sám hối), (v) Hối lỗi (P. pātidesanīya, S. pratideśanīya, 悔過, hối quá), (vi) Tội đột-kiết-la (P. dukkaṭa, S. duṣkṛta, 突吉羅, đột-kiết-la), (vii) Tội ác ngữ (P. dubbhāsita, 惡語, ác ngữ).

nhị thừa Thanh văn kinh luật (二乘聲聞經律): kinh luật của Thanh văn của bậc Nhị thừa gồm Thanh văn thừa (聲聞乘) và Duyên giác thừa (緣覺乘). Kinh ở đây chỉ cho bốn bộ A-hàm. Giới luật bao gồm: (i) Năm chương (五篇, ngũ thiên), (ii) Bảy nhóm (七聚, thất tụ). Năm chương bao gồm: (i) Tội trục xuất (P. pārājika, S. pārājika, 驅擯, khu tẩn), (ii) Tội Tăng tàn (P. saṅghādisesa, S. saṃghāvaśeṣa, 僧残, Tăng tàn), (iii) Tội sám hối (P.pācittiya, pācittika, S. pāyattika, 懺悔, sám hối), (iv) Hối lỗi (P. pātidesanīya, S. pratideśanīya,悔過, hối quá), (v) Tội đột-kiết-la (P. dukkaṭa, S. duṣkṛta, 突吉羅, đột-kiết-la). Bảy nhóm bao gồm: (i) Tội trục xuất (P. pārājika, S. pārājika, 驅擯, khu tẩn), (ii) Tội Tăng tàn (P. saṅghādisesa, S. saṃghāvaśeṣa, 僧残, Tăng tàn), (iii) Tội thâu-lan-giá (P. thūlaccaya, S. sthūlātyaya, 偷蘭遮, thâu-lan-giá), (iv) Tội sám hối (P. pācittiya, pācittika, S. pāyattika, 懺悔, sám hối), (v) Hối lỗi (P. pātidesanīya, S. pratideśanīya, 悔過, hối quá), (vi) Tội đột-kiết-la (P. dukkaṭa, S. duṣkṛta, 突吉羅, đột-kiết-la), (vii) Tội ác ngữ (P. dubbhāsita, 惡語, ác ngữ).

nhũ (P. Khīraṃ, 乳): sữa bò.

nhũ (P. Khīraṃ, 乳): sữa bò.

như cỏ phủ đất (P. tiṇavatthāraka, S. trna-prastāraka, 如草覆地), giải quyết tranh chấp bằng cách không đem chuyện cũ ra nói lại do đó tội lỗi tranh cãi được diệt trừ, hai bên xin lỗi, hòa hợp trở lại.

Như Lai (S. tathāgata, 如來): bậc đến và đi như vậy.

Như Lai (S. tathāgata, 如來): bậc đến và đi như vậy.

như thảo phú địa: như “như cỏ phủ đất.”

như thế quả thực là tốt (P. iccetaṃ kusalaṃ, 這樣實在很好): câu tán dương trong nhóm giới Tăng tàn đối với người xuất gia nào chịu ăn năn hồi đầu, quyết tâm làm mới sau 3 lần khuyên răn. Người cố chấp không chịu phục thiện sau 3 lần khuyên răn sẽ phạm Tăng tàn.

oai nghi: như “uy nghi.”

ô nhiễm tâm (污染心): tâm ô nhiễm, tâm dơ bẩn, tâm chứa các ý niệm xấu.

ố tha gia (污他家): làm hoen ố nhà tại gia chỉ cho việc đem đồ vật (hoặc giúp điều ích) cho người A khiến người B biết được, sinh tâm buồn phiền, còn người A thì luôn nghĩ nhớ việc đền ơn lại cho thầy/ sư cô đó. Hoen ố nhà người gồm có bốn loại: (i) Hoen ố nhà người bằng sự dựa vào các gia đình (依家污家, y gia ố gia), đem phẩm  vật của gia đình A cúng dường mình chuyển đưa cho gia đình B; (ii) Hoen ố nhà người bằng sự lợi dưỡng (依利養污家, y lợi dưỡng ố gia), sau khi nhận sự cúng dường đúng pháp, vị thầy/ sư cô đó đem phẩm vật trao cho cư sĩ A mà không cho cư sĩ B; (iii) Hoen ố nhà người bằng sự dựa vào bạn bè thân thiết (依親友污家, y thân hữu ố gia), dựa vào sự quen biết, nịnh hót vua hoặc đại thần khiến người A được điều lợi ích, còn người B thì không; (iv) Hoen ố nhà người bằng sự nương tựa tự viện (依僧伽藍污家,y Tăng-già-lam ố gia), lấy hoa trái trong tự viện cho người A nhằm mưu toan lợi ích về phía bản thân mình, không cho người B.

ôm (抱, bão): hành động ôm người khác giới phái vào lòng để cơ thể chạm cơ thể với dục niệm là phạm tội Tăng tàn đối với người xuất gia nam. Xem “Tăng tàn.”

ôm lòng (P. patiṭṭhāti, 心懷): giữ trong lòng, mang trong lòng, ôm trong tâm mà không buông bỏ được, không thoát được, không tháo mở được. Đây là trạng thái chấp mắc cần được giải phóng để tâm được tự do, thanh tịnh.

ôm lòng tham ái (懷有貪愛): động cơ dục niệm, muốn thỏa mãn tình yêu và tính dục với người khác phái được xem là tiêu chí bị phán tội hoặc phạm ba-la-di hoặc phạm Tăng tàn đối với người xuất gia. Người xuất gia còn ôm lòng tham ái thì không thể tiến bộ trên con đường tâm linh, không thể trở thành thánh nhân.

ôn: Phương ngữ Phật giáo miền Trung, đọc chạy âm của từ “ông”, dùng để tôn xưng các Thượng tọa lớn và Hòa thượng, tương đương với từ “sư cụ” hay “cụ” trong Phật giáo miền Bắc.

ông cụ: người đàn ông già trên 70 tuổi.

ông: (1) Người đàn ông ở bậc sinh ra cha, mẹ mình, (2) Người đàng ông được kính trọng như ông thầy giáo, (3) Thường gọi là “ôn” chỉ cho Thượng tọa lớn và Hòa thượng trong Phật giáo, (4)  Người đàn ông ngang bậc trong cách gọi thân mật, (5) Bản thân mình trong cách gọi trịch thượng như ông sẽ dạy cho mầy một bài học.

Pali Text Society: như Hội thánh điển Pali.

phá giới (破戒): Không giữ các giới hay vi phạm giới luật do đức Phật chế định. Người xuất gia đã tiếp nhận giới Tỳ-kheo, nếu chưa làm thủ tục từ bỏ giới luật, không từ bỏ tư cách xuất gia mà không thực giới luật của đức Phật là “phạm giới.” Người phạm giới nếu phá giới ba-la-di thì bị trục xuất khỏi Tăng đoàn, vi phạm các giới khác thì tùy mức độ vi phạm mà bị xử phạt khác nhau. Người tu tại gia không giữ đầy đủ năm điều đạo đức là phá giới tại gia. Người tiếp nhận giới Bồ-tát có thể phá giới, phạm giới nhưng không thể bỏ giới.

phá hòa hợp tăng: có 18 hành động dẫn đến ly gián (P. bhedāya, 離間) gây mất đoàn kết nội bộ Tăng đoàn được nêu ra trong Kiều-thưởng-di kiền-độ (喬賞彌犍度) thuộc Đại phẩm (大品): (1) Chân lý nói là phi pháp; (2) Phi pháp nói là chân lý; (3) Luật nói là phi luật; (4) Phi luật nói là luật; (5) Như Lai đã thuyết nói là chưa từng thuyết; (6) Như Lai chưa từng thuyết nói là đã thuyết; (7) Như Lai đã làm nói là chưa làm; (8) Như Lai chưa làm nói là đã làm; (9) Như Lai đã quy định nói là chưa quy định; (10) Như Lai chưa quy định nói là đã quy định; (11) Phạm giới nói là chưa phạm; (12) Chưa phạm nói là phạm; (13) Tội nhẹ nói là tội nặng; (14) Tội nặng nói là tội nhẹ; (15) Tội sám hối được nói là không thể sám hối; (16) Tội không thể sám hối nói là sám hối được; (17) Tội chưa thành nói là tội đã thành; (18) Tội đã thành nói là chưa thành. (Vin. I, p354).

phá hoại Tăng đoàn (破壞僧團): phá hòa hợp của tăng đoàn. Người xuất gia có những chủ trương (主張), hành động (行為) và tuyên bố (宣說) gây chia rẽ Tăng đoàn chịu cải hối, buông bỏ, cố chấp sau khi được sau 3 lần khuyên can bởi các bậc thầy trưởng lão thì phạm Tăng tàn. Xem “ly gián tăng đoàn,” “đi theo nhóm riêng” và “kết phe phái.”

phá kiến (破見): dùng tà kiến để phá hoại chánh kiến. Ngoại đạo dùng 62 thứ tà kiến để phá hoại chánh kiến của đức Phật.

phá tăng (破僧): như “Tăng đoàn chia rẽ.”

phá tăng kiền-độ (P. Saṅghabhedakkhandhaka, 破僧犍度): như “Chủ đề về phá hòa hợp Tăng.”

phá tăng kiền-độ (P. Saṅghabhedakkhandhaka, 破僧犍度): như “vhủ đề về phá hòa hợp Tăng.”

phạm bất tịnh giới (犯不淨行): phạm giới không thanh tịnh, tức làm việc dâm dục.

phạm điều nên bỏ lần thứ nhất (犯初法應捨, phạm sơ pháp ưng xả): Chữ “pháp” (法) ở đây có nghĩa là “lần.” Đối với giới Tăng tàn của Tỳ-kheo-ni, từ giới 1-9, dù chỉ phạm lần đầu tiên, Tỳ-kheo-ni đã vi phạm tội Tăng tàn. Đối với giới Tăng tàn 10-18, sau ba lần khuyên mà không chịu bỏ mới tính là phạm giới Tăng tàn. Trong Giới bổn của Tỳ-kheo không ghi rõ câu “dù phạm lần đầu” này đối với giới 1-9 của Tăng tàn. Có lẽ Giới bổn Tỳ-kheo-ni muốn nhấn mạnh nên lặp đi lặp lại ở 9 giới đầu của Tăng tàn để Ni đoàn nhớ mà không vi phạm.

Phạm hạnh (P. brahmacariyā, 梵行): Hạnh thanh tịnh, hành vi thánh thiện, lối sống không màng hưởng thụ tính dục, không dính đến tính dục mà người xuất gia cần thực tập trọn đời trong tư cách độc thân mà không cô đơn. Đó là sống nghiêm túc về giới luật, giản dị về các tiện ích cuộc sống, không nhiễm đắm tham ái và thói đời, chuyên tâm tu tập giới định tuệ, hướng đến giác ngộ và giải thoát. Khi hoàn thiện phạm hạnh thì người xuất gia trở thành thánh nhân. Theo Luật tạng, người có phạm hạnh trong sáng sẽ không vi phạm 3 điều sau đây: Hành vi bất tịnh (giới ba-la-di thứ 1), (ii) Đụng chạm người nữ (giới Tăng tàn thứ 2), (iii) Không ngồi một mình với người khác phái ở chỗ khuất kín (giới sám hối thứ 44).

phạm sơ pháp ưng xả (犯初法應捨): như “phạm điều nên bỏ lần thứ nhất.”

Phạn ngữ (梵語): Tiếng Sanskrit. Theo Tây vực ký: Phạn văn (梵文) của Ấn Độ được tín đồ Ấn Độ giáo tin rằng do Phạm thiên (đấng sáng thế) tạo ra. Do vậy, theo huyền thoại này, ngữ âm được phát ra từ Phạn văn thì gọi Phạn ngữ.

Phạn ngữ Phật giáo:

phạn, xiếu, càn phạn, ngư cập nhục (飯、 麨、乾飯、魚及肉): Cơm, gạo rang, cơm khô, cá và thịt.

pháp bất hoại tịnh (法不壞淨): xem “niềm tin bất hoại đối với Pháp.”

Pháp chủ (法主): (1) Đồng nghĩa với từ “Pháp vương” (法王), tôn hiệu của đức Phật, vua của chân lý, con đường tỉnh thức dẫn đến giác ngộ, giải thoát; (2) Ngôi vị lãnh đạo tinh thần cao nhất của GHPGVN (thành lập năm 1981), gọi đủ là Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN (越南佛教教會證明理事會法主), còn được gọi ở miền Bắc là Thiền gia Pháp chủ (禪家法主), tương đương với ngôi vị Tăng vương (僧王) trong các nước Phật giáo Nam truyền như Thái Lan, Campuchia, hoặc Tăng thống (僧統) của GHPGVN thống nhất (thành lập năm 1964).

Pháp chủ Hội đồng Chứng minh: Gọi đủ là Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, gọi tắt là Pháp chủ GHPGVN, là ngôi vị lãnh đạo tinh thần cao nhất của GHPGVN, được suy tôn trong Đại hội Phạt giáo toàn quốc và tại vị trọn đời. Pháp chủ Hội đồng Chứng minh thay mặt Hội đồng Chứng minh ban hành các giáo chỉ, văn bản quan trọng nhất. Pháp chủ GHPGVN tương đương với ngôi vị Tăng thống (僧統) thuộc Viện Tăng thống của GHPGVN thống nhất, hoặc Tăng vương (僧王) trong các nước Phật giáo Nam truyền như Thái Lan, Campuchia. Từ lúc thành lập vào năm 1981 đến 2022, GHPGVN có bốn vị Pháp chủ: (i) Đức đệ nhất Pháp chủ: Trưởng lão HT. Thích Đức Nhuận (1917–1993) làm Pháp chủ năm 1981–1993, (ii) Đức đệ nhị Pháp chủ: Trưởng lão HT. Thích Tâm Tịch (1915–2005) làm Pháp chủ năm 1997–2005, (iii) Đức đệ tam Pháp chủ: Trưởng lão HT. Thích Phổ Tuệ (1917–2021) làm Pháp chủ năm 2007–2021, (iv) Đức đệ tứ quyền Pháp chủ Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng (1938– ) làm Quyền pháp chủ từ ngày 31/12/2021. Điều 17 của Hiến chương GHPGVN có ghi: "Trong thời gian của nhiệm kỳ, nếu Đức Pháp chủ khuyết vị thì Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh cung thỉnh một trong các vị Phó Pháp chủ đảm nhiệm Quyền Pháp chủ và thông báo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự biết để suy tôn trong Hội nghị Thường niên gần nhất của Trung ương GHPGVN."

pháp danh của Ni giới Khất sĩ: Từ thời của Tổ sư Minh Đăng Quang, có 53 sư cô xuất gia với Tổ sư. Khi còn là Sa-di-ni và Thức-xoa-ma-na-ni, các Ni cô được đặt pháp danh bắt đầu bằng chữ “Liên” như Liên Huỳnh, Liên Bạch. Khi thọ giới Tỳ-kheo-ni, chính thức làm Sư cô thì chữ “Liên” là chữ cuối trong pháp danh như Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Kim Liên.

pháp giới tam quán (法界三观): = ba quán về pháp giới.

Pháp học Sa-di 1 – giới: Xem “Giới pháp Sa-di và Sa-di-ni.”

pháp hơn người (过人法): như “pháp thượng nhân.”

pháp luân (S. dharmachakra, P. dhammacakka, 法輪): Biểu tượng được sử dụng phổ quát nhất trong các trường phái Phật giáo, đặc biệt là được dùng trong các trang trí mỹ thuật ở Đông Á, biểu tượng của bốn chân lý thánh như chân lý cao nhất làm giải pháp cho các vấn nạn khổ đau. Về sau, pháp luân còn tượng trưng cho trung đạo. Về hình thù, pháp luân có 3 loại: Pháp luân 8 căm, pháp luân 12 căm và pháp luân 24 căm.

pháp luân 12 căm: Kiểu pháp luân ít phổ biến nhất, là bánh xe chân lý gồm 12 căm, thể hiện sự xoay chuẩn của ba bánh xe trí tuệ gồm trí tuệ học, trí tuệ hành, trí tuệ thành (3x4 = 12). Pháp luân 12 căm dễ bị ngộ nhận với bánh xe luân hồi gồm 12 căm.

pháp luân 24 căm: Pháp luân đầu tiên trên thế giới, do đại đế Asoka sắc dựng,hiện được sử dụng làm quốc huy của nước Ấn Độ, huy hiệu của tòa án tối cao Ấn Độ, quốc huy của Tích Lan, quốc huy Mông Cổ, đồng thời được trang trí trong cờ quốc gia của  Ấn Độ, vương quốc Sikkim trước đây, chính phủ lưu vong Tây tạng, cờ Phật giáo Thái Lan và Hội Phật giáo Dalit.

pháp luân 8 căm: Kiểu pháp luân thông dụng nhất trong mỹ thuật Phật giáo trên toàn thế giới, là bánh xe chân lý có 8 căm, tượng trưng bát chánh đạo (tầm nhìn chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành động chân chánh, nỗ lực chân chánh, kiên trì chân chánh, chánh niệm và chánh định), được sử dụng trong trang trí mỹ thuật, trong cờ của nhiều tổ chức Phật giáo.

pháp môn Đông Sơn của Hoằng Nhẫn (弘忍的東山法門): Chính là Kinh kim cang (金剛經), vì đại sư Hoằng Nhẫn (弘忍) lấy Kinh kim cang thay thế Kinh Lăng-già (楞伽經) và Kinh Văn Thù thuyết bát-nhã (文殊說般若經) trong hành đạo và truyền bá thiền tông tại Trung Quốc.

pháp phục xuất gia: Nội quy Ban Tăng sự trung ương GHPGVN quy định như sau. Đối với pháp phục của Tăng Ni hàng Giáo phẩm: (a) Tăng: Áo tràng màu nâu, hoặc màu vàng sậm, tay có nếp gấp tùy theo Giáo phẩm, rộng không quá 30 phân, cổ áo có nếp gấp tùy theo Giáo phẩm, (b) Ni: Áo tràng màu lam, tay có nếp gấp tùy theo Giáo phẩm,rộng không quá 30 phân, cổ áo có nếp gấp tùy theo Giáo phẩm. Đối với Tăng, Ni thuộc thành phần Đại chúng thì pháp phục được quy định: (a) Tỳ-kheo: Áo tràng màu nâu, tay rộng không quá 30 phân, (b) Tỳ-kheo-ni: Áo tràng màu lam, tay rộng không quá 30 phân, (c) Sa-di: Áo nhựt bình màu nâu, tay rộng không quá 20 phân, (d) Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na-ni: Áo nhựt bình màu lam, tay rộng không quá 20 phân.

pháp sư (法師): (1) Tương đương chữ “dhamma-kathika” trong tiếng Pali và “dharma-bhāṇaka” trong Sanskrit, đồng nghĩa với “kinh sư” (經師) tức thuật ngữ Phật học chỉ cho Tăng sĩ tinh thông kinh Phật (經藏精通者) hay kho tạng chân lý (經藏, kinh tạng), cũng giống như Tăng sĩ tinh thông giới luật (律藏精通者) hay kho tàng đạo đức (律藏, luật tạng) thì gọi là “luật sư” (律師) và tinh thông về Luận tạng(論藏精通者) thì gọi là luận sư (論師). Đối với Tăng sĩ tinh thông kho tàng chân lý (經藏, kinh tạng), kho tàng đạo đức (律藏, luật tạng), kho tàng triết học (阿毗達磨藏, A-tỳ-đạt-ma tạng) Phật giáo thì gọi là “tam tạng pháp sư” (S. tripiṭaka-ācārya, P. tipiṭaka-ācariya, 三藏法師), hay “tam tạng hòa thượng” (三藏和尚), vốn là danh hiệu cao quý chỉ cho bậc cao tăng trong Phật giáo, tinh thông từ triết lý đến thực hành Phật giáo, (2) Thuật ngữ Phật học Trung Quốc chỉ chung cho người xuất gia, tăng sĩ, thầy tu, bất luận giới phẩm là Đại đức, Thượng tọa hay Hòa thượng, hay Ni, (3) Trong tín ngưỡng Phật giáo dân gian Trung Quốc, “pháp sư” còn chỉ cho vị “thầy tụng kinh” (頌經和尚, tụng kinh hòa thượng) hay “thầy kinh sám”(經懺僧 kinh sám tăng) hoặc “thầy chuyên kinh sám” (趕經懺, cản kinh sám), (4)  Thuật ngữ đạo giáo chỉ cho thầy bùa phép, thầy ma thuật (魔法巫師, ma pháp vu sư), mà theo Phật giáo là mê tín.

pháp sư Kinh Luật Luận (三藏法師, tam tạng pháp sư): Dịch nghĩa của chữ “tripiṭaka-ācārya” trong Sanskrit hoặc “tipiṭaka-ācariya” trong Pali, còn gọi là “Tam tạng Tỳ-kheo” (三藏比丘) hoặc “Tam tạng thánh sư” (三藏聖師), tương đương với danh hiệu “Tam tạng trì giả” (P. Tipiṭaka-dhara, 三藏持者) hoặc “tinh thông tam tạng pháp sư” (P. Tipitaka-Kovidha, 精通三藏法師)trong Phật giáo Miến-điện. Tam tạng pháp sư là danh hiệu tôn xưng đối với người tinh thông thánh điển Phật giáo (佛教聖典精通者), hoặc rộng hơn, chỉ cho người tinh thông kho tàng chân lý (經藏, kinh tạng), kho tàng đạo đức (律藏, luật tạng), kho tàng triết học (阿毗達磨藏, A-tỳ-đạt-ma tạng). Cộng đồng Trung Quốc tôn vinh công trình phiên dịch thánh điển Phật giáo của ngài Huyền Tráng (玄奘法師) nên gọi ngài là “Đường Tam tạng” (唐三藏), hoặc “Đại Đường Tam tạng” (大唐三藏), tức Tam tạng pháp sư của triều Đường hoặc Đại Đường. Trong lịch sử phiên dịch kinh điển Phật giáo tại Trung Quốc, các tôn giả sau đây được tôn vinh là “Tam tạng pháp sư” gồm Pháp sư An Thế Cao (安世高法師) đời Hán (漢代), pháp sư Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什法師) đời Hậu Tần (後秦), pháp sư Pháp Hiển (法顯法師) đời Tần (晉代), pháp sư Cầu-na-bạt-đà-la (求那跋陀羅法師) đời Nam Bắc triều (南朝宋), pháp sư Thật-xoa-nan-đà (實叉難陀法師), pháp sư Nghĩa Tịnh (義淨法師), pháp sư Bất Không Kim Cương (不空金剛法師) thuộc đời Đường (唐代), hoặc pháp sư Linh Tiên (靈仙法師) của Nhật Bản (日本).

pháp thượng nhân (P. uttarimanussadhammaṃ, 上人法): tương đương với cụm từ “pháp hơn người” (过人法, quá nhân pháp), chỉ cho các pháp tu tập trong Phật giáo có khả năng giúp cho người phàm lần lượt trở thành chân nhân và thánh nhân, chấm dứt sinh từ, luân hồi, đạt giác ngộ, giải thoát. Pháp thượng nhân tiêu biểu bao gồm “giải thoát (解脱), đẳng trì (等持), nhập định (入定), kiến đạo (見道), tu đạo (修道), chứng quả (证果), đoạn phiền não (断烦恼), tâm giải thoát (心解脱), lạc tịnh xứ (乐净处).” Người xuất gia nào đang còn là phàm tăng mà cố ý tự xưng mình chứng đắc pháp thượng nhân, pháp hơn người là đại vọng ngữ; hễ cố tình vi phạm thì người xuất gia phạm tội tẫn xuất, không được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời. Xem “giới không đại vọng ngữ.”

Phát triển kinh tế vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Tài chánh GHPGVNTN.

Phân đoàn Ni giới 1: Một trong hai Phân đoàn Ni giới trực thuộc Giáo đoàn IV của Hệ phái Khất sĩ, được thành lập năm 1981.

Phân đoàn Ni giới 2: Một trong hai Phân đoàn Ni giới trực thuộc Giáo đoàn IV của Hệ phái Khất sĩ, được thành lập năm 1981. Từ năm 1981–2003, về hệ thống tổ chức, Phân đoàn 2 gồm có Trưởng Phân đoàn, Phó Phân đoàn. Từ năm 2003 trở đi, Phân đoàn 2 còn có thêm: Ban Cố vấn, Ban Tăng sự, Kiểm soát, Từ thiện, Hội đồng Tỳ kheo Ni.

Phân đoàn Ni giới 3: Một Phân đoàn Ni giới trực thuộc Giáo đoàn IIII của Hệ phái Khất sĩ, được thành lập năm 1981. Với 3 nhiệm kỳ đầu tiên gồm nhiệm kỳ I (1981–1984), nhiệm kỳ II (1985–1989), nhiệm kỳ III (1990–1994), Phân đoàn 3 gồm có các chức danh lãnh đạo gồm Trưởng ban, Phó ban, Thư ký. Từ nhiệm kỳ IV, hệ thống tổ chức của Phân đoàn 3 gồm: Ban Quản sự, Ban Thư ký, Ban Giáo luật, Ban Hoằng pháp, Ban Thủ quỹ, Hội đồng Tỳ kheo Ni.

Phân đoàn Ni giới: Phân nhánh Ni giới thuộc Giáo đoàn Ni của Hệ phái Khất sĩ. Hiện tại, Giáo đoàn Ni của Hệ phái Khất sĩ có 1 Đoàn Ni giới và 3 Phân đoàn Ni giới, trong đó, Phân đoàn 1 và Phân đoàn 2 trực thuộc Giáo đoàn IV, trong khi phân đoàn III trực Giáo đoàn III.

Phân tích Giới bổn(P. suttavibhaṅga, 經分别):  Một trong các tập của Luật tạng, phân tích giới Tỳ-kheo (大分别, Mahāvibhaṅga) và phân tích giới Tỳ- kheo-ni (比丘尼分别, bhikkhunī- vibhaṅga). Lấy giới làm trung tâm, mỗi giới đều được giải thích qua 5 phương diện: (i) Nguyên nhân thiết lập giới, (ii) 227 điều khoản giới của Tỳ-kheo và 311 điều khoản giới của Tỳ-kheo-ni, (iii) Giải thích từ ngữ, (iv) Trường hợp phạm tội, (v) Trường hợp không phạm.

Phân tích giới Tỳ-kheo-ni(比丘尼分别, Bhikkhunīvibhaṅga): Phần quan trọng trong Luận tạng của Thượng tọa bộ, giới thiệu 311 giới của Ni đoàn, có cấu trúc tương đồng với Phân tích giới Tỳ-kheo. Theo đó, mỗi giới đều được giải thích qua 5 phương diện: (i) Nguyên nhân thiết lập giới, (ii) 311 điều khoản giới của Tỳ-kheo-ni, (iii) Giải thích từ ngữ, (iv) Trường hợp phạm tội, (v) Trường hợp không phạm.

phân-đà-lợi hoa (S. puṇḍarīka, 分陀利花): hoa sen trắng.

Phật (S=P. buddha, 佛) viết tắt của chữ Phật-đà (佛陀,佛馱), vốn là phiên âm từ chữ “Buddha”, có nghĩa là bậc giác ngộ (覺者) với các phẩm tính tự giác (自覺), giác tha (覺他) và hạnh giác trọn vẹn (覺行圓滿). Buddha còn được phiên âm trong Hán - Việt là Phù-đồ (浮圖、浮屠), Phù-đầu (浮頭), Bột-đà (勃陀、馞陀), Bộ-tha (步他). Phật thấy biết như thật hết thảy tánh tướng của các pháp, là bậc Đại Thánh thành tựu Đẳng Chánh Giác. Đây là quả vị tối cao trong tu hành của Phật Giáo. Ba yếu tố tự giác, giác tha và giác hành viên mãn, đối với hạng phàm phu thì không yếu tố nào đầy đủ cả; đối với hàng Nhị Thừa Thanh Văn (P. sāvaka, S. śrāvaka,聲聞), Duyên Giác (S. pratyeka-buddha, P. pacceka-buddha, 緣覺) thì chỉ có tự giác; Bồ Tát (P. bodhisatta, S. bodhisattva, 菩薩) thì có đủ tự giác và giác tha; chỉ có Phật mới có đủ ba yếu tố này; cho nên đây là tôn xưng cao quý nhất. Về nội dung chứng ngộ của đức Phật, các kinh luận có nhiều thuyết khác nhau. 10 danh hiệu của đức Như Lai, Nhất Thiết Tri Giả (一切知者, người biết tất cả), Nhất Thiết Kiến Giả (一切見者, người thấy tất cả), Tri Đạo Giả (知道者, người biết đạo), Khai Đạo Giả (開道者, người khai mở đạo [con đường]), Thuyết Đạo Giả (說道者, người thuyết về đạo), Thế Tôn (世尊, đấng được cuộc đời tôn kính), Thế Hùng (世雄, bậc hùng mạnh có thể đoạn trừ mọi phiền não của thế gian), Thế Nhãn (世眼, người có con mắt dẫn dắt thế gian), Thế Anh (世英, bậc ưu tú nhất thế gian), Thiên Tôn (天尊, Đệ Nhất Nghĩa Thiên tối thắng trong 5 vị trời), Đại Giác Thế Tôn (大覺世尊, hay Đại Giác Tôn), Giác Vương (覺王, vua giác ngộ), Giác Hoàng (覺皇, vua giác ngộ), Pháp Vương (法王, vua của các pháp), Đại Đạo Sư (大導師, vị thầy hướng dẫn vĩ đại), Đại Thánh Nhân (大聖人), Đại Sa Môn (大沙門), Đại Tiên (大仙, đấng tôn kính nhất trong chư tiên), Đại Y Vương (大醫王, như danh y tùy theo bệnh mà cho thuốc hay, đức Phật là người tùy theo tâm bệnh mà thuyết pháp), Phật Thiên (佛天), Phật Nhật (佛日, đức Phật như mặt trời chiếu sang khắp nơi), Lưỡng Túc Tôn (兩足尊, đấng tôn kính nhất trong loài có hai chân, lưỡng túc ở đây còn có nghĩa là đầy đủ hai yếu tố nguyện và hạnh), Nhị Túc Tôn (二足尊), Lưỡng Túc Tiên (兩足仙), Nhị Túc Tiên (二足仙), Thiên Trung Thiên (天中天, bậc tối thắng trong chư thiên), Nhân Trung Ngưu Vương (人中牛王, tỷ dụ đức Phật là vua của loài trâu), Nhân Hùng Sư Tử (人雄師子, tỷ dụ đức Phật là con sư tử hùng mạnh trong loài người), v.v. Đức Phật là người có thể hóa độ, dẫn dắt mình và người khác, nên có tên là Năng Nhân (能人); cho nên Phật A Di Đà cũng được gọi là An Lạc Năng Nhân (安樂能人). Đức Phật có những đức tính đặc thù, như thân Ngài có 32 tướng tốt, 48 vẻ đẹp; ngoài ra còn có 10 Lực, 18 pháp bất cọng, v.v. Định, Trí và Bi của Phật đều tối thắng, nên gọi là Đại Định (大定), Đại Trí (大智), Đại Bi (大悲); phối với Ba Đức là Đoạn Đức (斷德), Trí Đức (智德) và Ân Đức (恩德), gọi chung là Đại Định Trí Bi (大定智悲). Chư Phật xuất hiện trong thời quá khứ được gọi là Quá Khứ Phật (過去佛) hay Cổ Phật (古佛), như 7 vị Phật quá khứ, Phật Nhiên Đăng (S. Dīpaṃkara, 燃燈), v.v. Chư Phật sẽ xuất hiện nơi cõi Ta Bà trong tương lai thì gọi là Hậu Phật (後佛) hay Đương Lai Phật (當來佛), như Phật Di Lặc (P. Metteyya, S. Maitreya, 彌勒). Ban đầu, Phật là chỉ cho đức Phật của lịch sử, tức là Phật Thích Ca; về sau sản sinh tư tưởng 7 vị Phật quá khứ, rồi lại có Phật tương lai và đức Phật Di Lặc; nay khoảng cách giữa đức Phật Thích Ca và Phật Di Lặc lại có thời gian không có Phật. Phật Giáo Nguyên Thủy thì cho rằng trong đời hiện tại không thể tồn tại cả hai vị Phật như vậy; đến thời kỳ Phật Giáo Đại Thừa, tùy thế giới quan mở rộng, cho rằng trong nhất thời có nhiều đức Phật tồn tại. Tỷ dụ như, phương Đông có Phật A Súc (S. Akṣhobhya, 阿閦), phương Tây có Phật A Di Đà (S. Amitāyus, Amitābha, 阿彌陀); đồng thời ngay hiện tại, ở thế giới phương khác lại có vô số chư Phật hiện hữu, gọi là thập phương hằng sa chư Phật (十方恒沙諸佛, chư Phật nhiều như số cát sông Hằng ở mười phương). Đại Chúng Bộ (P=S. Mahāsāṅghika, 大眾部) của Phật Giáo Nguyên Thủy công nhận rằng tam thiên đại thiên thế giới đồng thời có các đức Phật khác tồn tại, nên chủ trương thuyết gọi là “nhất Phật nhất giới, đa Phật đa giới (一界一佛、多界多佛, một đức Phật một thế giới, nhiều đức Phật nhiều thế giới).” Hữu Bộ (S. Sarvāstivādin, 有部) thì chủ trương thuyết “đa giới nhất Phật (多界一佛, nhiều thế giới một đức Phật).” Chữ “giới (界)” ở đây nghĩa là tam thiên đại thiên thế giới. Ngoài ra, ba đời chư Phật tức chỉ cho ngàn vị Phật của Trang Nghiêm Kiếp (莊嚴劫) trong thời quá khứ, ngàn vị Phật của Hiền Kiếp (賢劫) trong thời hiện tại, và ngàn vị Phật của Tinh Tú Kiếp (星宿劫) trong thời tương lai; hợp lại thành ba ngàn vị Phật. Danh xưng của chư vị Phật này có trong Tam Kiếp Tam Thiên Phật Danh Kinh (三劫三千佛名經).

Phật bất hoại tịnh (佛不壞淨): xem “niềm tin bất hoại đối với Phật.”

Phật ca: (1) Ca khúc Phật giáo về nhiều chủ đề khác nhau, từ đức Phật, Phật pháp cho đến các chủ đề về quê hương, dân tộc, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, (2) Các các khúc về đức Phật lịch sử từ lúc đản sinh cho đến lúc nhập niết-bàn.

Phật giáo Bộ phái (部派佛教): Thuật ngữ gọi chung các trường phái Phật giáo được hình thành và phát triển trong giai đoạn từ Thượng tọa bộ (上座部佛教) và Đại chúng bộ (大眾部) phân phái thành nhiều bộ phái cho đến giai đoạn trước sự hưng khởi của Phật giáo Đại thừa (大乘佛教). Trước giai đoạn có sự phân phái giữa Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ thường được gọi là Phật giáo nguyên thủy (原始佛教) hoặc Phật giáo căn bản (根本佛教) hay Phật giáo thời kỳ đầu(初期佛教). Trong thời kỳ đại đế Asoka, từ sự phân hóa của Thượng tọa bộ tạo ra 3 phái chính gồm Thượng tọa bộ (Theravāda), Phân biệt thuyết bộ (P. Vibhajjavāda, 分別說部) và Đại chúng bộ (大眾部). Cũng từ Thượng tọa bộ, lại tiếp tục tác ra thành Thuyết nhất thiết hữu bộ(說一切有部) và Độc tử bộ(犊子部). Từ 4 bộ phái chủ lưu đó, về sau, phân hóa thành 18 bộ phái (十八部) hoặc hơn 20 bộ phái (二十餘部) và hệ phái nhỏ (小派系). Bên cạnh việc thống nhất quan điểm về kinh tạng, Phật giáo bộ phái chủ yếu bất đồng về một số điều giới Phật chế định có nên thay đổi những quy định tiểu tiết (執行細節) cho phù hợp với tình hình thực tế (具體環境) trong cuộc sống. Trong quá trình phát triển, các bộ phái có một số bất đồng khác về đức Phật. Chẳng hạn, theo giáo nghĩa Thượng tọa bộ thì “không có hai vị Phật cùng tồn tại trên thế gian” (二佛不共世, nhị Phật bất cộng thế), đang khi theo Đại chúng bộ chủ trương “có vô lượng Phật trong mười phương” (十方有無量諸佛, thập phương hữu vô lượng chư Phật). Xem “Thượng tọa bộ” và “Đại chúng bộ”.

Phật giáo mới: Như Tân thừa.

Phật giáo quốc doanh: Cụm từ hồ đồ được các phương tiện truyền thông khác tôn giáo, các cá nhân, các tổ chức chống phá Phật giáo và chống Cộng cực đoan ở hải ngoại thường sử dụng mà không hề có bất kỳ bằng chứng, căn cứ nào nhằm cố tình vu khống, xuyên tạc và xúc phạm GHPGVN và các Tăng Ni thành viên, theo công thức “lộng giả thành chân.” Về từ ngữ, đây là cụm từ hồ đồ, do người sử dụng không hiểu ý nghĩa của từ mà họ gán ghép, chụp mũ. Từ “quốc doanh” có các nghĩa: (i) Doanh nghiệp nhà nước hay xí nghiệp nhà nước, (ii) Tổ chức kinh tế do nhà nước kinh doanh, (iii) Công ty nhà nước, (iv) Công ty cổ phần nhà nước. Các công ty và xí nghiệp quốc doanh thường do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối. Đối lập với các công ty quốc doanh là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của một tổ chức hay cá nhân. Theo Luật doanh nghiệp 2020, từ ngày 01/01/2021, khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” áp dụng cho các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định pháp luật. Theo ý nghĩa nêu trên, không có bất kỳ tổ chức Phật giáo nào trong nước là Phật giáo quốc doanh cả. Những người chống phá Phật giáo (mà chính yếu là người người khác tôn giáo) ở hải ngoại cố tình diễn dịch rằng Giáo hội nào khi “thành lập” được cho phép của nhà nước đều là “giáo hội quốc doanh.” Theo cách hiểu này, không chỉ Phật giáo mà 15 tôn giáo khác trong đó có Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… được chính phủ Việt Nam công nhận đều trở thành nạn nhân của sự chụp mũ “Giáo hội quốc doanh.” Thực ra, khái niệm “giáo hội quốc doanh” chỉ là sự xuyên tạc thiển cận, bất chấp luật pháp Việt Nam và thế giới, không thể chấp nhận được. GHPGVN từ lúc thành lập vào 07/11/1981 đến nay chưa từng là doanh nghiệp nhà nước, chưa từng là tổ chức kinh doanh nên sẽ là một sai lầm và sự xúc phạm nghiêm trọng nếu gọi GHPGVN là “Giáo hội quốc doanh” hay “Giáo hội Phật giáo quốc doanh.” Từ năm 1981, dù bị vu khống và xúc phạm, Tăng Ni GHPGVN thể hiện tâm từ bi và lòng kiên nhẫn lớn, không đính chính phản kháng lại những người có dã tâm vu khống và xúc phạm này vì hiểu rõ ý đồ xấu xa của những kẻ vu khống về phương diện truyền thông nhằm mục đích gây phân hóa nội bộ Phật giáo và xúc phạm Phật giáo. Xem “Sư quốc doanh.”

Phật giáo quốc doanh: Như “Giáo hội quốc doanh.”

Phật giáo Tân thừa: Như Tân thừa.

Phật giáo thế tục (Secular Buddhism):

Phật giáo thế tục (Secular Buddhism):

Phật giáo thời kỳ đầu (初期佛教): Tương đương Anh văn “Early Buddhism”, chỉ cho giai đoạn đầu tiên của lịch sử Phật giáo, bao gồm từ thời điểm đức Phật giác ngộ… nhập niết-bàn cho đến lúc Phật giáo phân chia thành hai trường phái Thượng tọa bộ (上座部) và Đại chúng bộ (大眾部), trước giai đoạn có mặt của Phật giáo bộ phái. Các nhà nghiên cứu Phật học hiện đại thường gọi Phật giáo thời kỳ đầu là Phật giáo Nguyên thủy (原始佛教), đang khi các nhà Phật học Trung Quốc thi thoảng gọi là Phật giáo căn bản (根本佛教). Trên thực tế, Phật giáo căn bản là khái niệm chỉ cho thời kỳ truyền đạo của đức Phật gồm 45 năm lăn bánh xe chân lý, đang khi Phật giáo Nguyên thủy là thuật ngữ chỉ cho giai đoạn 100 năm kể từ khi đức Phật qua đời, tức khoảng 544-444 TTL. Cũng có cách tính Phật giáo thời kỳ đầu bắt đầu từ lần biên tập kinh điển lần thứ 1 (bất đồng về giới tiểu tiết) đến trước thời điểm biên tập kinh điển lần thứ 2 (bất đồng về mười điều phi pháp). Xem mười điều phi pháp.

Phật giáo Tròn (원불교, Wǒnbulgyo, 圓佛敎):

Phật học (佛教): Tương đương từ “Buddhist Studies” hoặc “Buddhology” trong Anh văn, là ngành nghiên cứu học thuật về Phật giáo. Từ “Buddhology” được tạo ra trong thế kỷ 20, có nghĩa là ngành học về Phật quả (Buddhahood), Phật tính (nature of the Buddha) hoặc giáo pháp của đức Phật (doctrines of a Buddha). Ngành Phật học trong bối cảnh học thuật hiện đại gồm các lãnh vực nghiên cứu về triết học (philosophy), xã hội học (sociology), tâm lý học (psychology), lịch sử (history), khảo cổ học (archaeology), nhân chủng học (anthropology), nghệ thuật (arts), văn hóa (culture), ngữ văn (philology), ngôn ngữ học (linguistics), giáo dục (education), khoa học (sciences), môi trường (envirenment), hành trì Phật giáo và các nghiên cứu so sánh về liên tôn giáo (interreligious comparative studies) và các ngành học liên hệ Phật giáo. Từ thập niên 2000, nhiều trường đại học trên thế giới gồm Hoa Kỳ, Canada, Australia, vương quốc Anh, Ấn Độ, Tích Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc có khoa Phật học (Department of Buddhist Studies) hoặc nhóm Phật học (Buddhist Studies Group). Tại Hoa Kỳ, University of Wisconsin ở Madision là đại học đầu tiên tại Bắc Mỹ (North America) đào tạo thạc sĩ Phật học (graduate program in Buddhist studies) đầu tiên vào năm 1961. Ngoài ra, các đại học tại Hoa Kỳ có khoa Phật học gồm Chicago University, Harvard University, Columbia University, Yale University, Virginia University, Stanford University, Berkeley University, Princeton University, Temple University, Northwestern University, Michigan University, Washington University, Naropa University, University of the West, California Institute of Integral Studies, Institute of Buddhist Studies. Các đại học ở các nước châu Âu có khoa Phật học gồm Oxford University, Cambridge University, School of Oriental and African Studies, Humboldt University of Berlin, University of Hamburg, University of Munich, University of Heidelberg, University of Bonn, University of Vienna, Ghent University và the Sorbonne. Các đại học ở Nhật Bản có ngành Phật học gồm University of Tokyo, Kyoto University, Taisho University, Koyasan University, Shuchiin University, Rissho University, Minobsan University, Bukkyo University, Ryukoku University, Musashino University, Ōtani University, Komazawa University, Hanazono University.
Các đại học Ấn Độ có khoa Phật học hoặc khoa Pali hoặc cả hai gồm: Delhi Univerisity, Calcutta Univerisity, Bananas Hindu Univerisity, University of Mumbai, Gautam Buddha University, Sanchi University of Buddhist-Indic Studies, Arunachal Univerisity, Magadh Univerisity, Nālandā University, Nava Nalanda Mahavihara University, Jammu University, Swami Vivekanand Subharti University, Savitribai Phule Pune University, the Sanskrit College and University, Shodhganga University, K J Somaiya Institute of Dharma Studies, Central Institute of Buddhist Studies, Sampurnanand Sanskrit Vishwavidyalaya, Siddharth College of Arts, Science & Commerce, Central Institute of Higher Tibetan Studies. Các đại học ở Tích Lan có khoa Phật học và Pali gồm University of Kelaniya, the Postgraduate Institute of Pali and Buddhist Studies, University of Colombo, University of Peradeniya,  Buddhist & Pali University of Sri Lanka, University of Sri Jayewardenepura, University of Ruhuna, Bhiksu University of Sri Lanka, Sri Lanka International Buddhist Academy, the Vidyodaya University, Nāgānanda International Institute for Buddhist Studies. Các viện ở Việt Nam có khoa Phật học gồm Viện Trần Nhân Tông, Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN) tại TP.HCM, HVPGVN tại Hà Nội, HVPGVN tại Huế, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.

Phật học vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Giáo dục GHPGVNTN.

Phật ngồi: Tương đương cụm từ “A Seated Buddha” trong Anh văn, tượng Phật trong tư thế ngồi thường có ba ấn tướng chính: (i) Phật ngồi trong thế thiền định, (ii) Phật ngồi trong thế xúc địa, (iii) Phật ngồi trong thế chuyển pháp luân.

Phật quả (佛果): = quả Phật.

Phật tam thân: như “ba thân Phật.”

Phật tánh (佛性): tính Phật, tính giác ngộ như tiềm năng trong tất cả chúng sinh. Kinh Niết-bàn (涅槃經) ghi: “Phật tánh giả tức đệ nhất nghĩa không. Đệ nhất nghĩa không giả danh vi trung đạo. Trung đạo giả danh vi Phật tánh. Phật tánh giả danh đại

Phật tử chuyên nghiệp vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Cư sĩ GHPGVNTN.

Phật tử sắc tộc vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Cư sĩ GHPGVNTN.

Phật tử Tân thừa: Tương đương trong Anh văn gồm “Neo-Buddhists” hay “Navayana Buddhists”, chỉ cho các Phật tử Ấn Độ theo Phật giáo qua phong trào Phật giáo mới (Neo-Buddhism) còn gọi là Phật giáo Ambedkar (Ambedkarite Buddhism).

Phật tử miền Bắc và Phật tử di cư: Miền Vĩnh Nghiêm của GHPGVNTN.

Phật-đà (P=S. Buddha, 佛陀): gọi tắt là Phật (佛). Hán dịch: Đại giác (大覺), bậc Giác ngộ lớn thấu triệt được chân lý vũ trụ của con người. Ngoài ra, “Phật” còn có nghĩa là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Phật trong ngữ cảnh câu này là chỉ cho đức Phật Thích-ca mâu-ni.

phê chuẩn tấn phong: Quyết định của đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN về việc thăng chức các Thượng tọa (tối thiểu 40 tuổi hạ) lên Hòa thượng, các Đại đức (tối thiểu 25 tuổi hạ) lên Thượng tọa, các Ni sư (tối thiểu 40 tuổi hạ) lên Ni trưởng và các Sư cô (tối thiểu 25 tuổi hạ) lên Ni sư trong Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc hoặc Hội nghị tổng kết công tác Phật sự cuối mỗi năm của Hội đồng Trị sự GHPGVN.

phỉ báng người khuyên răn (毀謗勸誡者): hành động, lời nói và ứng xử không nhận thức đúng sai, tự ái cao, chẳng những không hồi đầu, phục thiện, còn có những lời nói phỉ báng, xúc phạm người khuyên can, sẽ không có tiến bộ trong tu học. Nếu vẫn cố chấp sau khi được sau 3 lần khuyên can bởi các bậc thầy trưởng lão thì phạm Tăng tàn. Xem “ly gián tăng đoàn,” “ác niệm chi phối,” “uống nắn sửa chữa.”

phi thời (非時): Trái giờ, không đúng giờ quy định. Thời gian trong khoảng từ giờ ngọ (過午) đến bình minh của ngày hôm sau. Ngày xưa, tại Ấn Độ không có đồng hồ nên người Ấn Độ dựa vào bóng mặt trời hễ quá hai ngón tay (日影過兩指) là phi thời.

phi thời y (P. akāla-cīvara, 非時衣): xem “y phi thời.”

phiến động tự sát(煽動自殺): như “xúi giục tự tử.”

Phó Chủ tịch Thường trực: Chức danh quan trọng thứ hai, sau Chủ tịch Hội đồng Trị sự về phương diện quản trị hành chánh GHPGVN. Toàn quốc có 2 chức danh này: (i) Phó Chủ tịch thường trực thuộc Văn phòng 1 ở Hà Nội và (ii) Phó Chủ tịch thường trực thuộc Văn phòng 2 ở TP.HCM. Theo Hiến chương GHPGVN, khi Chủ tịch Hội đồng Trị sự có duyên sự đặc biệt phải vắng mặt, sẽ ủy quyền bằng văn bản cho một trong hai Phó Chủ tịch Thường trực để điều hành Hội nghị, Đại hội và các công việc của Giáo hội. Nếu Chủ tịch Hội đồng Trị sự khuyết vị khi chưa hết nhiệm kỳ thì Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức Hội nghị bất thường của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, để suy cử một trong hai Phó Chủ tịch Thường trực đảm nhiệm chức vụ Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự, để điều hành công tác Phật sự và tiến hành thủ tục suy cử chính thức tại Hội nghị thường niên Trung ương Giáo hội gần nhất. Từ lúc thành lập vào năm 1981 đến nay, GHPGVN gồm: (i) HT. Thích Thế Long (1909 –1985) làm PCTT các năm 1981–1985, (ii) HT. Kim Cương Tử (1914–2001) làm PCTT các năm 1985–2001, (iii) HT. Thích Thanh Tứ (1927–2011) làm PCTTT năm 2001–2011, (iv) HT. Thích Thanh Nhiễu (1952– ) làm PCTTT năm 2011– nay. Các Trưởng lão Hòa thượng ở miền Nam làm PCTT gồm: (i) HT. Thích Trí Tịnh (1917 –2014) làm PCTTT các năm 1981–1984, (ii) HT. Thích Thiện Siêu (1921–2001) làm PCTT các năm 1984–1992, (iii) HT. Thích Thiện Hào (1911–1997) làm PCTTT các năm 1992–1997, (iv) HT. Thích Minh Châu (1919–2012) làm PCTTT các năm 1997–2002, (v) HT. Thích Từ Nhơn (1926–2013) làm PCTTT các năm 2002–2013, (vi) HT. Thích Chơn Thiện (1942 – 2016) làm PCTTT các năm 2007–2015, HT. Thích Thiện Nhơn làm PCTTT các năm 2013–2014, HT. Thích Thiện Pháp (1947– ) làm PCTT các năm 2014– nay.

Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký: Chức danh giáo phẩm cao cấp trong Hội đồng Chứng minh GHPGVN được suy tôn đối với Trưởng lão Hòa thượng đảm trách vai trò Thư kí của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Phó Pháp chủ kiêm Giám luật: Chức danh giáo phẩm cao cấp trong Hội đồng Chứng minh GHPGVN được suy tôn đối với một vị Trưởng lão Hoà thượng tinh thông giáo điển, có giới hạnh, đạo hạnh và nhiều đóng góp nhằm chỉ đạo, giám sát đời sống giới hạnh của Tăng đoàn và Ni đoàn trong toàn quốc.

Phó Pháp chủ: Chức danh giáo phẩm cao cấp, đứng sau ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh của GHPGVN, thường dành cho các Hòa thượng có tuổi hạ ít nhất 60 năm, có tuổi đời ít nhất 80 tuổi, đã từng đóng góp to lớn trong Hội đồng Trị sự, có uy tín và đạo hạnh. Phó pháp chủ thường được thỉnh chứng minh trong các giới đàn, các sự kiện, lễ hội Phật giáo, được thỉnh thị ý kiến trước khi thông qua các quyết định quan trọng của GHPGVN.

Phó Tăng thống: Chức danh đứng thứ hai của Viện Tăng thống và chức danh lãnh đạo quan trọng của GHPGVNTN. Nhiệm vụ của Phó Tăng thống bao gồm: (i) Thay đức Tăng thống khi được ủy nhiệm, (ii) Khi đức Tăng thống tịch trong 100 ngày, triệu tập Hội đồng Giáo phẩm trung ương để Suy tôn Tăng thống mới.

Phó Tổng vụ trưởng: Chức danh đứng vị trí thứ hai của một Tổng vụ thuộc GHPGVNTN.

Phó Trưởng Ban thường trực: Chức danh quan trọng thứ hai, sau Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành. Thông thường, mỗi Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành có một vị Phó Trưởng Ban thường trực có chức năng thay mặt Trưởng Ban điều hành tất cả các hoạt động Phật sự của GHPGVN tỉnh thành. Hiện nay, một số tỉnh thành co xu hướng không bầu chọn chức danh này.

phòng lớn (大房舍): nhà, phòng có diện tích lớn, có thể đi kinh hành được; có thí chủ phát tâm cúng dường, phải được xây dựng ở nơi không tổn hại mạng sống. Nếu vi phạm thì bị tội Tăng tàn.

phòng nhỏ : như “nhà nhỏ.”

phong phẩm: Tấn phong lên hàng giáo phẩm của GHPGVN gồm Thượng tọa được tấn phong lên Hòa thượng, Đại đức được tấn phong lên Thượng tọa, Ni sư được tấn phong lên Ni trưởng, Sư cô được tấn phong lên Ni sư.

phong trào Phật giáo Dalit (Dalit Buddhist movement):

phong trào Phật giáo mới (Neo-Buddhism movements): Một số phong trào hiện đại trong Phật giáo xuất hiện vào hậu bán thế kỷ XX, góp phần phục hưng Phật giáo qua các cách thức hành đạo khác nhau. Tại Ấn Độ có phong trào Phật giáo Tân thừa (Navayāna) nhấn mạnh về đấu tranh giai cấp (class struggle) và bình đẳng xã hội (social equality) nhằm đề cao nhân phẩm của những người Dalit giai cấp thấp trong xã hội Ấn Độ, giúp họ đến với Phật giáo. Thái Lan có phong trào hiện đại hóa Phật giáo do vua Mongkut (1851-68) và con trai ông là vua Chulalongkorn (1868-1910) khởi xướng. Hàn Quốc có phong trào Phật giáo Tròn (원불교, Wǒnbulgyo, 圓佛敎). Nhật Bản có Sáng giá học hội (Sōka Gakkai, 創価学会). Việt Nam có pháp tu Làng Mai ở Pháp. Phương Tây có Phật giáo thế tục (Secular Buddhism).

phong trào tôn giáo mới (new religious movement): Còn gọi là “tâm linh lựa chọn” (alternative spirituality) hay “tôn giáo mới” (new religion), là nhóm tôn giáo có nguồn gốc hiện đại xuất hiện trong một xã hội vốn đã có truyền thống văn hóa tôn giáo nào đó ngự trị lâu đời, dưới hình thức là phong trào cải cách của tôn giáo đó, hay lập nên tôn giáo mới. Các phong trào tôn giáo mới bắt nguồn từ các tôn giáo lớn trên thế giới, phát triển tại 5 châu lục, nhiều nhất vẫn là các phong trào tôn giáo mới có nguồn gốc từ đạo Tin Lành.

Phù hiệu Ban Hướng dẫn Địa phương: Có kích thước: 15mm x 60mm. Màu sắc: nền vàng nhạt; chữ và vạch nâu.

Phù hiệu Ban Hướng dẫn trung ương: Có kích thước: 15mm x 60mm. Màu sắc: nền vàng cam; chữ và vạch nâu.

Phù hiệu Ban viên Ban Hướng dẫn: màu nền theo Ngành; chữ trắng.

Phù hiệu Ban viên không thuộc Ngành: nền vàng; chữ nâu.

Phù hiệu Đàn Phó (Ngành Đồng): Oanh Vũ Nam: 1 viền vàng. Oanh Vũ Nữ: 1 vạch vàng.

Phù hiệu Đàn Trưởng/Phó: 10mm x 40mm – Nền màu của Ngành; chữ và chấm trắng.

Phù hiệu Đầu Đàn Nhất (Ngành Đồng): Oanh Vũ Nam: 3 viền vàng. Oanh Vũ Nữ: 3 vạch vàng.

Phù hiệu Đầu Đàn (Ngành Đồng): Oanh Vũ Nam: 2 viền vàng. Oanh Vũ Nữ: 2 vạch vàng.

Phù hiệu Đoàn phó Đơn vị GĐPT: màu nền theo Ngành; 1 vạch và chữ trắng.

Phù hiệu Đoàn trưởng Đơn vị GĐPT: màu nền theo Ngành; 2 vạch và chữ trắng.

Phù hiệu Đoàn trưởng ngành Đồng: Tua vai màu hồng.

Phù hiệu Đoàn trưởng ngành Thanh: Tua vai màu vàng.

Phù hiệu Đoàn trưởng ngành Thiếu: Tua vai màu xanh.

Phù hiệu Đoàn Trưởng/Phó: 16mm x 60mm – Nền màu của Ngành; chữ và vạch trắng.

Phù hiệu Đoàn trưởng: (i) Đoàn Trường ngành Đồng: Tua vai màu hồng, (ii) Đoàn Trường ngành Thiếu: Tua vai màu xanh, (iii) Đoàn Trường ngành Thanh: Tua vai màu vàng.

Phù hiệu Đội Chúng trưởng Ngành Thiếu: lá bồ-đề xanh. Ngành Thanh: lá bồ-đề nâu.

Phù hiệu Đội/Chúng Trưởng/Phó: 10mm x 50mm – Nền màu của Ngành; chữ và chấm trắng.

Phù hiệu Gia trưởng: 20mm x 70mm – Nền nâu; chữ trắng.

Phù hiệu Liên Đoàn trưởng Đơn vị GĐPT: nền nâu; viền và chữ trắng.

Phù hiệu Liên Đoàn Trưởng: 16mm x 60mm – Nền nâu; chữ và vạch trắng.

Phù hiệu thâm niên: Hoa sen Mạn-đà-la 8 cánh nở.

Phù hiệu thường phục: Hình dạng hoa sen 8 cánh như huy hiệu, kích thước nhỏ (đường kính 10mm) trên nền vàng nhạt lấm tấm.

Phù hiệu Trưởng Ban Hướng dẫn: nền vàng; viền và chữ nâu.

 Phù hiệu: Hình thức thể hiện chức vụ vụ của Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia đình Phật tử.

Phụ tùy (P. parivāra, 附随): Một trong các tập của Luật tạng Thượng tọa bộ, bổ sung những điều cần thiết về giới luật(戒律补充教材) gồm 19 chương: (i) Phân tích giới Tỳ-kheo (大分别, Mahāvibhaṅga) (ii) Phân tích giới Tỳ-kheo-ni(比丘尼分别,Bhikkhunīvibhaṅga), (iii) Đính kèm theo (伴随, Samuṭṭhāna), (iv) Ôn tập (复习, Anantarapeyyāla)  và Diệt tránh giải thoát (灭諍解说, Samathabheda), (v) Chương vấn đề  về        kiền-độ     (犍度问题篇, Khandhakapucchāvāra), (vi) Con số (数目, Ekuttaraka), (vii) Vấn đáp tụng giới (布萨问答, Uposathādivissajjanā), (viii) Tập kệ tụng (偈颂集, Gāthāsaṅgaṇika), (ix) Giảng giải tranh chấp (諍事解说, Adhikaraṇabheda), (x) Tập kệ tụng tiếp theo (续偈颂集, Aparagāthāsaṅgaṇika), (xi) Chương chất vấn (責问章, Codanākaṇḍa), (xii) Tranh chấp (thượng) (纠纷上, Cūlasaṅgāma), (xiii) Tranh chấp (hạ) (纠纷下, Mahāsaṅgāma), (xiv) Giảng giải y Ca-thi-na (功德衣解说, Kaṭhinabheda), (xv) Ưu-ba-ly hỏi luật (优婆离问律, Upālipañcaka), (xvi) Đi kèm (伴随, Samuṭṭhāna), (xvii) Tập kệ tụng (偈颂集, Gāthāsaṅgaṇika), (xviii) Bài tụng nên dùng (应用颂, Sedamocanagāthā), (xix) Năm loại phân tích (五分别, Pañcavagga).

phục hồi tự viện: Thủ tục phục hồi bao gồm: (1) Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tổ chức khảo sát, thống kê Tự viện bị hư hoại do chiến tranh, hoặc hoàn cảnh khác, trao đổi thống nhất phương án phục hồi với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh, (2) Tiêu chí phục hồi: Nộp các giấy tờ liên quan trước đây để làm cơ sở tham khảo về dấu tích của Tự viện và có nhân chứng xác định vị trí Tự viện; căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, áp dụng đầy đủ các tiêu chí, hoặc áp dụng một phần các tiêu chí nêu trên; (3) Hồ sơ phục hồi gồm: Kế hoạch phục hồi; văn bản kiến nghị của Hệ phái, của các đệ tử Tăng Ni có thời gian xuất gia tại Tự viện đó, hoặc của nhân dân, Phật tử địa phương; văn bản đề nghị của Ban Trị sự tỉnh gửi Ủy ban nhân dân cùng cấp.

phúc-la (P. pula, 福羅) tương đương với các từ phiên âm khác như phúc-la (腹羅), bố-la (布羅) nghĩa là ủng ngắn (短靴).

phúng dụ: Lối nói ngụ ý, bóng gió, ám chỉ, một kiểu biểu đạt ý tưởng trừu tượng bằng hình ảnh trực quan. Trong văn học, phúng dụ được sử dụng trong các thể loại như thơ, truyện ngụ ngôn, văn trào phúng. Phúng dụ là thủ pháp nghệ thuật được ứng dụng đa dạng trong kiến trúc, điêu khác, văn học, hội họa, điện ảnh, lễ hội dân gian.

phướn chiến thắng (S. dhvaja): Biểu tượng chiến thắng trong quân sự, tượng trưng cho sự chiến thắng của đức Phật đối với ma vương.

Phương châm GHPGVN: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội được áp dụng từ ngày GHPGVN thống nhất 9 tổ chức, giáo hội Phật của Việt Nam tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội vào ngày 07/11/1981 đến nay.

quả Bồ-tát (菩薩果): Trong Phật giáo Đại thừa, quả vị Bồ-tát (菩薩果位) gồm 52 cấp bậc gồm: (i) Thập tín (十信), (ii) Thập trụ (十住), (iii) Thập hạnh (十行), (iv) Thập hồi hướng (十迴向), (v) Thập địa (十地), Đẳng giác (等覺) và Diệu giác (妙覺) .

quả Phật (佛果): Thành Phật chánh đẳng chánh giác (正等正覺佛) hay vô thượng chánh đẳng chánh giác (無上正等正覺) tức thành Phật (成佛), kết thúc sinh tử, khổ đau, có khả năng tự độ, độ tha và giác hạnh viên mãn. Xem “quả vị”, “bốn quả”, “quả Bồ-tát” và “Phật”.

quả vị (果位): Đồng nghĩa với từ “đạo quả” (道果) hay “thánh quả” (P. ariya-phala, C. 聖果). Đối với Thanh Văn thừa, quả vị bao gồm “tứ quả” (四果) hay “tứ quả sa-môn” (四沙門果) và “tứ hướng” (四向) tức các chân tu đang trên đường chắc chắn chứng đắc tứ quả Thanh Văn. Đối với Bồ-tát thừa, có 52 quả vị Bồ-tát và Phật. Xem “bốn hướng”, “bốn quả”, “quả Bồ-tát” và “quả Phật”. Xem “bốn hướng”, “bốn quả”, “quả Bồ-tát”.

Quách Thị Trang (04/01/1948 –25/8/1963): Con ông Quách Văn Bội và bà Hà Thị Vân, sinh tại làng huyện Tiên Hưng (nay là xã Phong Châu huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình. Pháp danh là Diệu Nghiêm, là học sinh Phật tử tham gia với 5.000 sinh viên học sinh trong cuộc biểu tình ở công viên Diên Hồng, trước cổng chính chợ Bến Thành nhằm chống lại quy định ‘thiết quân luật’ của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời, phải đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo của tổng thống Ngô Đình Diệm. Chị bị cảnh sát đàn áp biểu tình bắn chết lúc mới 15 tuổi vào ngày 25/8/1963. Vì muốn giấu kín tin tức này, cảnh sát đã đem thi hài chị chôn trong nghĩa trang Tổng tham mưu. Ủy ban chỉ đạo Học sinh liên trường đã tổ chức đám tang lớn cho chị nhằm phản đối hành động của chính quyền. Vào năm 1965, nhằm tôn vinh sự hy sinh cao quý của chị, Viện Hóa đạo GHPGVNTN đặt tên chị cho Cô nhi viện Quách Thị Trang, phía sau Việt Nam Quốc tự, nơi nuôi hơn 7.000 trẻ mồ côi. Năm 1966, phần mộ của chị đã được gia đình và một số Phật tử cải táng đưa về chùa Phổ Quang, Tân Bình. Sau 1975, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận Quách Thị Trang là liệt sĩ và nơi chị đã hy sinh được chính thức mang tên quảng trường Quách Thị Trang. Xem Công trường Quách Thị Trang và Cô nhi viện Quách Thị Trang.

quải đáp (掛褡): như “treo tích trượng.”

quải tích (掛錫): như “treo tích trượng.”

quán (P. vipassanā, S. vipaśyanā, C. 觀, 毘鉢舍那, E. insight, clear-seeing): Minh sát (明察), sự thấy rõ sự vật như chúng đang là. Đây là thiền (P=S. bhāvanā) giúp ta thấy rõ bản chất thật của thực tại (insight into the true nature of reality) gồm vô thường (P. anicca), khổ (P.dukkha) và vô ngã (P. anattā).

quán chân không (真空观): Một trong “ba quán về pháp giới”, là cách quán “chân” không phải là niệm hư vọng (非虛妄念慮曰真) và “không” chẳng phải là sắc tướng trở ngại (非形礙色相曰空), nhờ đó, hiển chân tánh từ vọng tình (簡情妄以顯真性), khiến thấy sắc chẳng phải là thật sắc (見色非實色), toàn thể là chân không (體全是真空), Thấy được không mà không đoạn không, toàn thể là chân tánh, sắc và không vô ngại, tâm và cảnh dung thông. Xem “tông Hoa Nghiêm”.

quán châu biến hàm dung (周遍含容观): Một trong “ba quán về pháp giới”. Châu biến (周遍) là có mặt khắp mọi nơi (無所不在). Hàm dung (含容) là bao hàm tất cả (無法不攝), nghĩa là quán nguyên lý của toàn sự (全事之理), tùy sự mà thấy tất cả; quán sự của toàn lý (全理之事), tùy lý mà dung nhiếp tất cả, một và nhiều không ngăn ngại nhau (一多無礙), lớn và nhỏ tương hợp (大小相含), dung nghiếp lẫn nhau (互攝互容), trùng trùng vô tận, ẩn và hiện rất tự tại (隱顯自在), công dụng đa năng (神用不測), thâm nhập cảnh giới vô tận của Hoa Nghiêm.  Xem “tông Hoa Nghiêm”.

quán đảnh (S. Abhiṣeka, 灌頂) hoặc thủy kiêu đầu (水澆頭), lấy nước rưới lên đầu.

quán hạnh (觀行), dùng tâm quan sát để hiểu rõ bản tâm của mình.

quan hệ pháp luật: Quan hệ xã hội được quy phạm pháp luât điều chỉnh, trong đó, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia được pháp luật xác lập và bảo đảm thực hiện.

quan hệ tình dục (性別, tính biệt): hành vi giao hợp giữa các bộ phận sinh dục nam - nữ, hoặc nam – nam, hoặc nữ - nữ với mục đích tạo khoái cảm tình dục, hoặc sinh sản. Quan hệ tình dục với vợ/ chồng hợp pháp được đức Phật cho phép đối với người tại gia, nhưng nghiêm cấm đối với người xuất gia. Người xuất gia có quan hệ tình dục là vi phạm giới ba-la-di (pārājika) thứ nhất sẽ bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời, không được sống chung tăng đoàn.

quán lý và sự vô ngại (理事无碍观): Một trong “ba quán về pháp giới”. Sự là mọi sự vật hiện tượng có hình tướng. Lý là thể tánh tịnh minh. Nghĩa là quán lý rất quảng đại, quy về một trần, ngộ được sắc của một trần khắp cùng pháp giới, dung nhiếp tướng hư vọng của mọi sự vật đều là minh tánh nhất chân. Lý và sự giao nhau tuyệt đối, viên dung và vô ngại (理事交徹,無礙圓融). Xem “tông Hoa Nghiêm”.

Quốc kỳ (國旗): Lá cờ quốc gia được dùng làm biểu trưng cho một quốc gia có chủ quyền.

Quốc kỳ Việt Nam: Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ. Khi treo cờ cần tránh tình trạng treo ngược ngôi sao. Đối với các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, các tòa nhà cao tầng đã có trụ cờ thì Cờ Tổ quốc treo trước trụ sở, treo trên vị trí cao nhất toà nhà. Các hộ gia đình treo cờ Tổ quốc trước mặt trước ngôi nhà, tại vị trí trang trọng; điểm treo cờ cách mặt đất tối thiểu 02 mét. Cờ Tổ quốc treo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và khu vực tổ chức lễ hội phải được treo ở vị trí trang trọng và cao hơn các loại cờ hội, cờ tôn giáo; kích thước cờ Tổ quốc lớn hơn kích thước cờ hội, cờ tôn giáo.

quốc sứ (國使): quan sứ giả, sứ thần. Theo nghĩa thông thường, sứ giả là người được phái đi các nước lân bang, làm việc ngoại giao, xây dựng tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Trong ngữ cảnh trên, sứ giả chỉ cho người làm gián điệp, được nước nhà phái đi, nhằm nắm tình hình quân cơ, âm thầm phá hoại sự hòa bình của nước địch. Việc làm này trái với tinh thần tu hạnh Bồ-tát nên đức Phật cấm.

Quy chế Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam: Văn bản quy phạm quản lý các hoạt động nghiên cứu học thuật, đào tạo, tổ chức hội thảo, trước tác, phiên dịch, xuất bản Tam tạng thánh điển Phật giáo Việt Nam và các sách Phật học.

quy mạng (歸命): Quay về nương tựa, đem hết thân tâm dâng hiến cho Phật giáo.  Từ này vốn được dịch từ chữ “nam-mô” (南無) và đồng nghĩa với “quy y” (歸依).

quy phạm pháp luật: Những thành tố nhỏ nhất của hệ thống pháp luật, được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội gồm quy phạm đạo đức, quy phạm tập quán, quy phạm của các tổ chức chính trị xã hội, quy phạm tôn giáo. Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự có tính bắt buộc, giúp ta biết được hoạt động nào phù hợp với pháp luật và trái pháp luật.

quyên góp (抄化): ủng hộ vật chất, tiền bạc một cách tự nguyện thông qua sự vận động, kêu gọi, thuyết phục với mục đích thiện nguyện hoặc phi vụ lợi, hoặc vì lý do nhân đạo. Các hình thức quyên góp phổ biến bao gồm tiền mặt, của bố thí, dịch vụ, đồ vật đã sử dụng, đồ chơi, thực phẩm, phương tiện đi lại, hàng cứu trợ, vật dụng cá nhân, vật liệu xây dựng, thuốc thang, máu, nội tạng.

Quyền Pháp chủ: Ngôi vị lãnh đạo tinh thần cao nhất của GHPGVN, được suy tôn đối với Phó pháp chủ đệ nhất, từ khi Đức Pháp chủ viên tịch cho đến thời điểm chính thức suy tôn Pháp chủ mới trong Đại hội Phật giáo toàn quốc. Năm 1993 và năm 2005, sau khi hai đức Đệ nhất Pháp chủ và Đức Đệ Nhị Pháp chủ viên tịch, GHPGVN đã không suy tôn Quyền Pháp chủ nào, cho đến khi Đại hội Phật giáo toàn quốc kế tiếp của GHPGVN tổ chức vào tháng 11 năm 1997 và tháng 11 năm 2007). Năm 2021, ngay sau khi Đức Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch, nhân dịp lễ tưởng niệm tuần thất thứ 6 của Đức Pháp Chủ tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh đã tổ chức phiên họp đặc biệt để suy tôn Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng lên ngôi Quyền Pháp chủ GHPGVN. Sau đó, lễ suy tôn chính thức diễn ra sáng 31/12/2021 tại hội nghị kỳ 6, khóa VIII (nhiệm kỳ 2017 – 2022) của Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN.

quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào,” theo đó, có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tư tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo.

rắn (S. nāga): (1) Tượng trưng cho sự vĩ đại và sức mạnh thần thông của đức Phật vượt trội hơn các thần linh; (2) Biểu tượng của sự lười biếng, nằm lì một chỗ, (3) Tượng trưng cho ba độc tố gồm tham, sân và si.

rắn Mucalinda: Còn viết là Muchalinda hay Mucilinda, tên loại rắn (nāga) được xem là vua của các rắn (King of Serpents) đã bảo vệ đức Phật Thích-ca khỏi mưa giông sấm sét vào tuần lễ thứ sáu khi ngài giác ngộ ở Bồ-đề Đạo tràng. Hình tượng đức Phật ngồi thiền bất động dưới sự bảo vệ của rắn Mucalinda rất phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo Lào.

rồng chầu mặt nguyệt: Hai rồng chầu mặt trăng, thể hiện sự hài hòa âm dương, mặt trăng tượng trưng sức sống mạnh mẽ.

rưới ban cứu người bần cùng (雨物濟貧窮, vũ vật tế bần cùng): giới Bồ-tát như hạt châu như ý mưa xuống các pháp lành như tài sản Thánh để cứu giúp những chúng sinh trong cơn chết đói bởi phiền não, vô minh, tăng trưởng trí tuệ tuyệt vời (妙慧, diệu huệ), thiền định thù thắng (勝定, thắng định).

rượu pha thuốc độc (酖, trấm): Loại rượu độc được chế biến bằng cách ngâm một loài chim chuyên ăn thịt rắn với bộ lông có độc vào trong bình rượu.

sạch không hoại (不壞淨): Thuật ngữ Kinh Tạp A-hàm (các kinh 833-860 và 1121-1135) chỉ cho trạng thái “niềm tin không hoài nghi,” “niềm tin chắc chắn,” “niềm tin vững chải” gồm bốn niềm tin sạch (四不壞淨, tứ bất hoại tín) không hoại đối với đức Phật (佛), chân lý Phật (法), Tăng đoàn (僧) và đạo đức (戒).

sạch không hoại đối với giới hạnh: Thuật ngữ Kinh Tạp A-hàm (các kinh 833-860 và 1121-1135) gọi là “giới bất hoại tịnh” (戒不壞淨), chỉ cho niềm tin trong sạch, không bị hủy hoại, tức “niềm tin không hoài nghi,” “niềm tin chắc chắn,” “niềm tin vững chải”  đối với vai trò của giới hạnh, đạo đức và phẩm chất sống cao quý mà người giữ giới hạnh nhờ đó được tỏa sáng nhân cách sống giữa đời thường.

sạch không hoại đối với Pháp: Thuật ngữ Kinh Tạp A-hàm (các kinh 833-860 và 1121-1135) gọi là “pháp bất hoại tịnh” (法不壞淨), chỉ cho niềm tin trong sạch, không bị hủy hoại, tức “niềm tin không hoài nghi,” “niềm tin chắc chắn,” “niềm tin vững chải”  đối với vai trò trị liệu khổ đau của Phật pháp, giúp người thực tập vượt qua bất hạnh, sống an lạc giữa đời.

sạch không hoại đối với Phật: Thuật ngữ Kinh Tạp A-hàm (các kinh 833-860 và 1121-1135) gọi là “Phật bất hoại tịnh” (佛不壞淨), chỉ cho niềm tin trong sạch, không bị hủy hoại, tức “niềm tin không hoài nghi,” “niềm tin chắc chắn,” “niềm tin vững chải” đối với vai trò đạo sư vĩ đại của đức Phật, giúp đời được hạnh phúc và có giá trị.

sạch không hoại đối với Tăng: Thuật ngữ Kinh Tạp A-hàm (các kinh 833-860 và 1121-1135) gọi là “Tăng bất hoại tịnh” (僧不壞淨), chỉ cho niềm tin trong sạch, không bị hủy hoại, tức “niềm tin không hoài nghi,” “niềm tin chắc chắn,” “niềm tin vững chải”  đối với vai trò tôn giáo của Tăng đoàn, giúp mọi người học Phật, tu Phật và làm Phật sự, phụng sự nhân sinh.

Sa-di (P. sāmanera, S. śrāmanera, 沙彌), người đang tập sự, hạnh Sa-môn. Trong Phật giáo, đây là các vị xuất gia, tiếp nhận 10 giới Sa-di.

Sa-di thập giới kinh(沙彌十戒經): Kinh Mười giới Sa-di.

Sa-di-ni (P. sāmaṇerī, S. śrāmaṇeri, śrāmaṇerikā, 沙彌尼), là người đang tập sự hạnh Sa-môn. Trong Phật giáo, đây là các vị xuất gia, tiếp nhận 10 giới Sa-di-ni.

Sa-di-ni ly giới văn(沙彌尼離戒文): bản văn dạy về giới Sa-di-ni.

Sa-di-tắc bộ Hòa-ê ngũ phần luật(Mahīśāsakavinaya, 彌沙塞部和醯五分律, Míshāsāibù héxì wǔfēnlǜ): như “Luật ngũ phần.”

Sám hối (P. pācittiya, S. pāyantika, 懺悔): tội phiên âm, thường phiên âm là “Ba-dật-đề” (波逸提), “Ba-dật-để-ca” (波逸底迦), “Ba-dạ-đề” (波夜提) và được dịch là “đơn đọa” (單墮) hay “ưng đối trị” (應對治) gồm có 90 lỗi nhỏ đối với Tăng và 178 lỗi nhỏ đối với Ni.Ai vi phạm các điều giới này chỉ cần sám hối trước Tỳ-kheo khác là hết tội.

Sa-môn (P. samana, S. śramana, 沙門), những người tu theo đạo vô thần, gồm Sa-môn Kỳ-na, Sa-môn duy vật và Sa-môn Thích tử. Trong ngữ cảnh này, Sa-môn chỉ cho những người xuất gia đã thọ giới Tỳ-kheo.

Sa-môn (P. samana, S. śramana, 沙門): những người tu theo đạo vô thần, gồm Sa-môn Kỳ-na, Sa-môn duy vật và Sa-môn Thích tử. Trong ngữ cảnh này, Sa-môn chỉ cho những người xuất gia đã thọ giới Tỳ-kheo.

Sa-môn Châu Hoằng (沙門祩宏) sinh năm Gia Tĩnh thứ 13 triều Minh (Trung Quốc), dương lịch 1534. Đứng trước hiện trạng Tăng Ni không biết giới luật, ngài đã phát tâm truyền bá Luật học.

sa-môn Lộc Trượng (P. Migalaṇḍika samaṇakuttaka,鹿杖沙門): Miga-laṇḍika có nghĩa là phân nai (鹿粪). Luật Thập tụng, Luật Tăng-kỳ dịch là Lộc Trượng (鹿杖). Từ “samaṇakuttaka” có nghĩa là Sa-môn (沙門). Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa (善見律毗婆沙): “Tạo hình như Sa- môn, cạo tóc để lại chút tóc Châu-la (周罗, cula), mặc áo màu cũ, một để che thân, một để đặt trên vai, vị Tỳ-kheo y chỉ vào chùa, nhặt lấy đồ ăn dư thừa để nuôi sống tự thân (Đại chánh 24, 1462,744c23).”

Sa-môn thống (沙門統): Tương đương chức danh Tăng thống, được sử dụng trong thời Bắc Ngụy, Trung Hoa.

Sáng giá học hội (Sōka Gakkai, 創価学会): Tổ chức Phật giáo có đông Phật tử nhất của Nhật Bản, do hai nhà giáo Makiguchi và Toda thành lập vào ngày 18/11/1930 nhằm theo đuổi ba mục đích quan trọng gồm "hòa bình, văn hóa và giáo dục.” Dựa vào giáo huấn của tông chủ Nhật Liên tông (Nichiren) về Kinh Pháp hoa, Sáng giá học hội tăng dân số thành viên rất nhanh. Từ 1930-1945, chỉ có khoảng 3,000 thành viên, đến năm  1958 có 750,000 gia đình theo. Đến nay, Sáng giá học hội có 12 triệu tín đồ tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.

sát sinh (不殺): hành vi tước đoạt mạng sống bằng các hình thức, phương tiện, công cụ khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, bao gồm (1) Giết người (giới trục xuất thứ 3); (2) Khai quật đất đai (điều 10 sám hối); (3) Chặt đốn cỏ cây (giới sám hối 11); (4) sát hại (giới sám hối 61); (5) Uống nước (giới sám hối 62). Trong các hình thức sát sinh nêu trên, cướp đi tính mạng con người là nghiêm trọng nhất, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời; những trường hợp còn lại chỉ cần đối với Tỳ-kheo thanh tịnh sám hối thì có thể hết tội. Xem “sát sanh”, “khen ngợi cái chết” và “xúi giục tự tử.”

Sát-đế-lợi (S. Kṣatriya, 刹帝利), giai cấp xã hội bao gồm vua chúa và quân binh tại Ấn Độ cổ

sáu biểu quyết của Tăng đoàn: Nội dung chính của “chủ đề về nước Chiêm-ba” (瞻波犍度, Campeyyakkhandhaka) quy định về sáu tình huống triệu tập Tăng đoàn nhằm biểu quyết các vấn đề tăng sự như sau: (1) Hòa hợp (和合), (2) Tách chúng (别众), (3) Hòa hợp như pháp (如法和合), (4) Tách chúng như pháp (如法别众), (5) Hòa hợp giống pháp (似法和合), (6) Tách chúng giống pháp (似法别众). Trong tình huống sáu biểu quyết Tăng đoàn nêu trên, chỉ có mục thứ ba “hòa hợp như pháp” là tình huống họp Tăng đoàn thích hợp nhất.

sáu điều học của Thức-xoa-ma-na: (式叉摩尼六法), sáu pháp của Thức-xoa-ma-na bao gồm: (i) không tiếp xúc người khác bằng tâm ô nhiễm (不染心相觸, bất nhiễm tâm tương xúc); (ii) Không trộm dưới bốn tiền của người (不盜人四錢以下, bất đạo nhân tứ tiền dĩ hạ); (iii) Không giết hại mạng sống các loài động vật (不斷畜生命, bất đoản súc sinh mệnh); (iv) Không nói dối loại nhỏ (不小妄語, bất tiểu vọng ngữ); (v) Không ăn trái giờ (不非時食, bất phi thời thực); (vi) Không uống rượu [và bia] (不飲酒, bất ẩm tửu).

sáumùa: sáu mùa trong năm chia theo khí hậu: (i) mùa nóng dần (tháng 1, tháng 2), (ii) mùa nóng rực (tháng 3, tháng 4), (iii) mùa  lúc mưa (tháng 5, tháng 6), (iv) mùa lúc khô (tháng 7, tháng 8), (v) mùa lạnh dần (tháng 9, tháng 10), (vi) mùa giá lạnh (tháng 11, tháng 12). Xem “mùa,” “ba mùa,” “bốn mùa,” “năm mùa.”

sáu si (六衰): sáu loại suy yếu, che mất chân tâm của con người gòm: Hình thù (色), âm thanh (聲), mùi (香), vị (味), xúc chạm (觸), ý hình dung (法).

sáu tình (六情): sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), nhưng vì chúng đều có tình thức nên gọi sáu tình. Ngoài ra còn có nghĩa là sáu loại tình cảm: Mừng, giận, buồn, vui, yêu và ghét (theo Kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 32).

sáu tổ Đông độ (東土六祖): Chỉ cho sáu tổ sư thiền có công phát triển thiền tông tại Trung Quốc gồm: (i) Bồ-đề Đạt-ma (S. Bodhidharma, 菩提達磨), (ii) Huệ Khả (慧可), (iii) Tăng Xán (僧璨), (iv) Đạo Tín (道信), (v) Hoằng Nhẫn (弘忍) và (vi) Huệ Năng (慧能). Xem “thiền tông” và “hai mươi tám tổ sư”.

sáu tôn giáo khác: Dịch nghĩa từ thuật ngữ “lục sư ngoại đạo” (六師外道) trong Kinh Sa-môn quả (P. Samannaphala-sutta, 沙門果經) thuộc Kinh Trường bộ, chỉ cho 6 trường phái tôn giáo thịnh hành vào thế kỷ 5-6 TTL tại nước Ma-kiệt-đà (摩揭陀國) dưới sự lãnh đạo của 6 nhà tư tưởng, bị đức Phật lên án vì có hại cho đạo đức và hạnh phúc của con người.

sáu tướng (六相): Là sáu mối liên hệ giữa cái toàn thể và cái cá thể qua ba phương diện gồm thể, tướng và dụng, theo tông Hoa Nghiêm (華嚴宗), theo đó, thể của pháp giới nhất chân (一真法界) vốn đồng thể (體同) không có dị tướng, tương dung và vô ngại (融通無礙). Sáu tướng bao gồm (i) Tổng tướng (總相) nghĩa là cái toàn thể bao hàm các cá thể, tạo thành tướng trạng thống nhất; một bao gồm nhiều (一即具多) trong tổng thể mà thể của pháp giới vẫn hàm chứa nhiều chủng loại; như thân sư tử bao hàm tứ chi, phủ tạng và các giác quan, (ii) Biệt tướng (別相) nghĩa là các cá thể trong cái toàn thể có tướng trạng và chức năng riêng; “nhiều tức chẳng phải một làm biệt tướng” (多即非一為別) nên theo nguyên lý, dù toàn thể chỉ có một nhưng có nhiều cá thể và chủng loại khác nhau; như một thân thể có nhiều bộ phận trực thuộc, (iii) Đồng tướng (同相) nghĩa là các bộ phận dù khác nhau nhưng dung hòa hợp trong cái toàn thể; “không mâu thuẫn nhau nên đồng nhau” (不相違名同), tức là, tuy có nhiều loại nhưng đồng nhất trong pháp giới duyên khởi, như tứ chi khác nhau trên một thân, (iv) Dị tướng (異相) nghĩa là các bộ phận và cá thể vốn khác nhau về tướng trạng và đặc điểm; “nhiều tướng trạng khác nhau nên gọi là khác” (多異相望為異) tức tuy cùng một thể mà các chủng loại tự thích nghi và không lẫn lộn nhau, như các giác quan không giống nhau, (v) Thành tướng (成相) nghĩa là sự kết hợp giữa các bộ phận và cá thể để hình thành cái toàn thể, tổng thể; “một và nhiều hòa hợp nhau làm thành” (一多緣起和合為成), tức các cá thể trong pháp giới cùng hợp thành tổng thể pháp giới, như tứ chi, phủ tạng và các giác quan hợp thành một thân, (vi) Hoại tướng (壞相) nghĩa là sự hoại của các bộ phận gồm các sự vật, hiện tượng do chúng có đặc tính riêng (本位); các sự vật đều giữ bổn vị nên bị hoại (諸法各住本位為壞) và không tạo thành tổng thể, tổng tướng, như tứ chi và các giác quan vốn tự lập nên không chung một thể. Xem “tông Hoa Nghiêm”.

sắc (P=S. rūpa, C.色): 1. Vật chất (物質), vật chất hữu hình (有形之物质) hay hình tượng (形象); 2. Có chất ngại (礙性) hay có không gian chướng ngại (障礙); 3. Một trong năm uẩn tức sắc uẩn (色蘊) và một trong 12 nhân duyên (十二因缘), tức thân thể (身體), thân hình (身形). Bản chất của sắc theo Phật giáo là sanh diệt (生滅,無常,苦,空,無我), vô thường (無常), vô ngã (無我) và không thực thể (空). Xem “sắc uẩn”.

sắc nguyên tố (元素色) còn gọi là bốn đại chủng (四大種) tức bốn yếu tố phổ quát gồm đất (地) hay địa giới (地界), nước (水) hay thủy giới (水界), lửa (火) hay hỏa giới (火界), gió (風) hay phong giới (风界).

Sắc phục Gia đình Phật tử: Có ba màu: màu lam, xanh dương đậm và màu trắng.

sắc thân (色身): thân thể (身體), thân hình (身形). Báo thân (報身) của Phật còn gọi là thật sắc thân (實色身) tức thân tướng hảo trang nghiêm của Phật. Ứng thân (應身) của Phật còn gọi là hóa sắc thân (化色身) gồm nhiều thân biến hóa khác nhau.

sắc uẩn (P. rūpa-kkhandha,S. rūpa-skandha, C. 色蘊, E. the corporeality group): Còn gọi là  sắc ấm (色阴)、 sắc thọ ấm (色受阴) hay sắc thân (色身), là một trong 5 thủ uẩn (五取蘊), một trong 6 xứ (六處), một trong 18 giới (十八界) và một phần của tổ hợp danh sắc (名色) vốn là một trong 12 nhân duyên (十二因緣). Về bản chất, sắc uẩn có tính “biến ngại” (变碍) bao gồm tập hợp của các vật chất hữu hình (有形之物质), chịu sự chi phối của quy luật sanh diệt (生滅), vô thường (無常), vô ngã (無我), không thực thể (空). Thuyết nhất thiết hữu bộ A-tỳ-đạt-ma (說一切有部阿毘達磨) chia sắc uẩn thành 11 sắc pháp gồm năm căn (五根) hay năm sắc căn (五色根), năm trần (五塵) và pháp xứ sở nhiếp sắc (法處所攝色). Trong tam tạng Pali, sắc uẩn bao gồm bốn yếu tố phổ quát (四大種) tức đất (地), nước (水), lửa (火), gió (風) và các vật chất hình thể gồm đẹp (优), xấu (劣), thô (粗), tế (细), trong (内), ngoài (外), thuộc quá khứ, hiện tại hay tương lai. Theo Phật giáo Nguyên thủy, có 28 loại sắc pháp, chia thành 11 nhóm sau đây: (i) sắc nguyên tố (元素色) còn gọi là bốn đại chủng (四大種) tức bốn yếu tố phổ quát gồm đất (地) hay địa giới (地界), nước (水) hay thủy giới (水界), lửa (火) hay hỏa giới (火界), gió (風) hay phong giới (风界); (ii) tịnh sắc (净色) gồm nhãn tịnh sắc (眼净色), nhĩ tịnh sắc (耳净色), tĩ tịnh sắc (鼻净色), thiệt tịnh sắc (舌净色) và thân tịnh sắc (身净色); (iii) cảnh sắc (境色) gồm nhan sắc (颜色), thanh sắc (声音), khí vị (气味), vị đạo (味道) gồm địa (地)、 hỏa (火)、phong (风); (iv) tánh căn sắc (性根色) gồm nữ căn sắc (女根色) và nam căn sắc (男根色); (v) tâm sắc (心色) tức tâm sở y xứ (心所依处), nơi y cứ của tâm; (vi) mạng sắc (命色) gọi đủ là mạng căn sắc (命根色); (vii) thực sắc (食色) tức đoạn thực (段食) gồm thức ăn và thức uống; (viii) giới hạn sắc (界限色) tức không giới (空界) hay hư không; (ix) biểu sắc (表色) gồm thân biểu (身表) và ngữ biểu (语表); (x) biến hóa sắc (变化色) gồm sắc nhẹ nhàng (色轻快性), sắc nhu nhuyến (色柔软性) và sắc nhanh nhẹn (色适业性); (xi) tướng sắc (相色) gồm sắc tích tập (色积集), sắc tương tục (色相续) và sắc lão tánh (色老性). Tham chiếu: CBETA, T02, no. 99, p. 7, b23-28.

sân (嚫): gọi đầy đủ “đạt-sấn” (P. dakkhiṇā, S. dakṣiṇā, 達嚫), tiền tài hoặc phẩm vật mà thí chủ cúng dường cho Tăng đoàn hoặc chỉ bài pháp thoại do Tăng sĩ thuyết giảng sau khi nhận sự cúng dường của thí chủ.

Shinnyo-ee: Như “Chân Như uyển.”

Sinh hoạt đặc biệt: Các sinh hoạt quan trọng của Gia đình Phật tử gồm tổ chức trại, du ngoạn, công tác từ thiện xã hội. 

Sinh hoạt tu học riêng cho các Đoàn: Hình thức sinh hoạt riêng biệt của Gia đình Phật tử theo chương trình thường kỳ, định lệ đã vạch ra đúng theo nội dung chương trình tu học của đoàn sinh hàng tuần, hàng tháng. Thời gian một buổi sinh hoạt tu học của Đoàn sinh không quá 2 giờ 30 phút. 

Sinh hoạt thường lệ: Các sinh hoạt thông thường của Gia đình Phật tử gồm: (i) Học tập định kỳ cho Huynh trưởng, (ii) Hội họp để vạch dự án kế hoạch chương trình hoạt động, giải quyết các Phật sự, kiểm điểm, sơ kết tổng kết hoạt động.

sinh tâm ganh tỵ với gia đình (P. Kulamaccharin, 於家生嫉妬心, ư gia sinh tật đố tâm): Có duyên khởi từ câu chuyện Tỳ-kheo-ni Đề-xá ganh tỵ Tỳ-kheo-ni An Ẩn được thí chủ cúng dường, dựa vào điều 149, chương 3 Ba-dật-đề, phần 2 Giới Tỳ-kheo-ni, trong Luật Tứ phần, HT. Thích Đổng Minh dịch.

sinh thực khí nam: Hệ sinh dục nam.

sinh thực khí nữ: Hệ sinh dục nữ.

Sinh viên Phật tử vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Thanh niên GHPGVNTN.

Sōka Gakkai: Như “Sáng giá học hội.”

sớt bát gieo duyên: Hành động người Phật tử cúng dường thức ăn chay cho các nhà sư, sư cô hệ phái Khất sĩ trong lúc người xuất gia đi hành khất hay đang tiến hành nghi thức ăn cơm trong chánh niệm nhằm gieo trồng phước duyên cho người tại gia. Trong lễ sớt bát gieo duyên của hệ phái Khất sĩ, người xuất gia không nhận tiền, chỉ nhận thức ăn chay.

sớt bát: Hành động cúng dường thức ăn chay vào bình bát của Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đang khất thực, theo hệ phái Khất sĩ. Tại Việt Nam, khi sớt bát cho nhà sư, hay sư cô, người Phật tử thể hiện sự cung kính với người tu hành, giúp người tu hành không bận tâm đến các hình thức mưu sinh thế tục. Hồi đáp lại, vị tăng sĩ đi hành khất sẽ bài giảng Phật pháp để tạ ơn, đồng thời, khai sáng tâm thức của người cúng dường. Trong lễ sớt bát cúng dường, người Phật tử không chỉ dâng cúng thức ăn, người tu hành không nhận tiền.

súc sinh (S. tiryagyoni, 畜生): động vật. Thuật ngữ này còn được gọi là “bàng sinh” (傍生).

suy cử: Hành động đề xuất, bầu chọn các vị Tăng, Ni vào các chức danh và vai trò trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự (65 ủy viên theo Hiến chương GHPGVN 2022), hoặc Hội đồng Trị sự (275 ủy viên cấp toàn quốc) cho đến Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN hoặc Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành, quận huyện. Đề xuất, cung thỉnh vào các chức danh trong Hội đồng Chứng minh GHPGVN thì gọi là suy tôn.

suy tôn: Hành động đề xuất, cung thỉnh các vị Hòa thượng tối thiểu 75 tuổi đời và 55 tuổi hạ vào các chức danh và vai trò chứng minh của GHPGVN gồm Pháp chủ, Phó Pháp chủ, Thành viên Thường trực, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Đề xuất, bầu chọn vào các chức danh trong Hội đồng Trị sự GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành, quận huyện thì gọi là suy cử.

sư bác: (1) Phương ngữ Phật giáo miền Nam chỉ cho tăng sĩ vai anh (sư huynh) của thầy bổn sư, (2) Phương ngữ Phật giáo miền Bắc chỉ cho chú tiểu đã được xuất gia, cạo tóc, mặc cà-sa với hai thành phần đã thọ giới Sa-di/ Sa-di-ni hoặc chưa thọ giới này. Các sư bác chưa thọ giới Sa-di thì tương đương với chú tiểu ở chùa miền Nam và chú điệu ở các chùa miền Trung. Xem chú tiểu.

sư bồ (摴蒱): một hình thức cờ bạc như trò chơi xúc xắc ngày nay. Đây là trò chơi ném năm hạt gỗ màu, tùy theo màu sắc mà định hơn thua, tựa như trò đánh xúc xắc ngày nay.

sư cô (師姑): (1) Còn gọi là “Ni cô” (尼姑), hay “Sư ni” (師尼), từ gọi chung cho người xuất gia nữ “người xuất gia nữ” (女性出家眾) trong Phật giáo, (2) Theo Hiến chương GHPGVN, sư cô là người đã tiếp nhận giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼), có tuổi hạ từ 1-24 năm, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị Trung ương thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành. Vị Tỳ-kheo có giới phẩm ngang với Sư cô được gọi là đại đức.

sư cô quốc doanh: Cụm từ hồ đồ được các phương tiện truyền thông khác tôn giáo, các cá nhân, các tổ chức chống phá Phật giáo và chống Cộng cực đoan ở hải ngoại thường sử dụng mà không hề có bất kỳ bằng chứng, căn cứ nào nhằm cố tình vu khống, xuyên tạc và xúc phạm nhân phẩm của các Sư cô, Ni sư, Ni trưởng thuộc GHPGVN. Từ năm 1981, dù bị vu khống và xúc phạm, hầu hết Tăng Ni GHPGVN thể hiện tâm từ bi và lòng kiên nhẫn lớn, không phản kháng lại những người có dã tâm vu khống và xúc phạm này. Xem “Giáo hội Phật giáo quốc doanh.”

sư cụ: Phương ngữ Phật giáo miền Bắc dùng để tôn xưng các thầy Tỳ-kheo đã lên hàng giáo phẩm Thượng tọa và Hòa thượng, hoặc các thầy Tỳ-kheo-ni đã lên hàng giáo phẩm Ni sư và Ni trưởng; thường gọi tắt là Cụ, tương đương với từ “Ôn” trong Phật giáo miền Trung.

sư chú (師叔): Phương ngữ Phật giáo miền Nam chỉ cho tăng sĩ vai em (sư đệ) của thầy bổn sư mình.

sư đệ (師弟): (1) Tăng sĩ vai em, do đi xuất gia sau, thọ giới Tỳ-kheo sau các Tăng sĩ khác cùng thầy, cùng chùa, (2) Từ thân mật mà người xuất gia lớn hơn dùng đối với người xuất gia nhỏ tuổi hơn, đi tu sau mình.

sư huynh (師兄): (1) Tăng sĩ vai anh, do đi xuất gia trước, thọ giới Tỳ-kheo trước các Tăng sĩ khác cùng thầy, cùng chùa, (2) Từ tôn xưng mà người xuất gia dùng đối với người xuất gia lớn tuổi hơn, đi tu trước mình.

sư muội (師妹): (1) Sư cô vai em, do đi xuất gia sau, thọ giới Tỳ-kheo-ni sau các Sư cô khác cùng thầy, cùng chùa, (2) Từ thân mật mà người xuất gia nữ lớn hơn dùng đối với người xuất gia nữ nhỏ tuổi hơn, đi tu sau mình.

sư ông: (1) Phương ngữ Phật giáo miền Trung và miền Nam chỉ cho sư phụ của sư phụ mình, (2) Phương ngữ Phật giáo miền Bắc chỉ cho thầy Tỳ-kheo có giới phẩm là Đại đức.

sư quốc doanh: Cụm từ hồ đồ được các phương tiện truyền thông khác tôn giáo, các cá nhân, các tổ chức chống phá Phật giáo và chống Cộng cực đoan ở hải ngoại thường sử dụng mà không hề có bất kỳ bằng chứng, căn cứ nào nhằm cố tình vu khống, xuyên tạc và xúc phạm nhân phẩm của các thầy Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng thuộc GHPGVN. Từ năm 1981, dù bị vu khống và xúc phạm, hầu hết Tăng Ni GHPGVN thể hiện tâm từ bi và lòng kiên nhẫn lớn, không phản kháng lại những người có dã tâm vu khống và xúc phạm này. Xem “Giáo hội quốc doanh” và “chùa quốc doanh.”

sư tổ: (1) Từ tôn xưng đối với sư ông của thầy bổn sư mình, (2) bậc thầy tâm linh trước một tăng sĩ ít nhất 3 thế hệ.

sư tử (sinha): (1) Một trong các biểu tượng phổ biến nhất của Phật giáo Nguyên thủy, tượng trưng cho chủ quyền và sự bảo vệ, (2) Biểu tượng cho đức Phật, thường được gọi là “Sư tử của nước Thích-ca” (Lion of the Sakya).

sư tử rống (sihanada): Tượng trưng chân lý siêu việt của đức Phật, cụ thể là bốn chân lý thánh, có khả năng làm cho các học thuyết tôn giáo khác hoảng sợ như các loài động vật trong rừng sợ chúa sư tử.

sư tử tòa: Tòa ngồi thuyết pháp của đức Phật, Bồ-tát, thánh tăng hay chân tăng, lấy từ ý tưởng rằng  tiếng sư tử rống làm cho thú rừng hoảng sợ để sánh ví với chân lý Phật có khả năng trừ diệt tất cả nỗi khổ, niềm đau.

sư tử tuyết (Tib. Ghang Sying Ghay; 瑞獅): Động vật thiêng liêng của Tây Tạng, một trong tứ linh của vương quốc Shambhala, được mô tả là sư tử có bộ lông trắng với bờm màu xanh ngọc (hoặc xanh nước biển, xanh lá cây), tượng trưng sự không sợ hãi. Trong văn hóa Phật giáo Tây Tạng, sư tử tuyết tương ứng miền đông, đại diện cho niềm vui vô điều kiện, sự thanh thản và tĩnh lặng của tâm. Loài chó ngao Tây Tạng được xem là nguyên mẫu của sư tử tuyết.

sư tỷ (師姊): (1) Sư cô vai chị, do đi xuất gia trước, thọ giới Tỳ-kheo-ni trước các sư cô khác cùng thầy, cùng chùa, (2) Từ tôn xưng mà một người xuất gia nữ dùng đối với người xuất gia nữ lớn tuổi hơn, đi tu trước mình.

sư thầy: (1) Phương ngữ Phật giáo miền Bắc chỉ cho thầy Tỳ-kheo-ni có giới phẩm là Sư cô; đối lại với sư ông, (2) Chỉ chung cho người xuất gia nam đã tiếp nhận giới Tỳ-kheo.

sử thi anh hùng: Các anh hùng ca kể về cá nhân anh hùng biểu hiện yếu tố toàn dân và đất nước.

sử thi cổ điển: Sử thi anh hùng có nhân vật là dũng sĩ kiêm thủ lĩnh và các chiến binh đại diện dân tộc có tầm lịch sử, đánh thắng kẻ thù xâm lược, những kẻ áp bức và dị giáo.

sử thi thần thoại: Sử thi anh hùng dân gian kể về những anh hùng văn hóa, dũng sĩ trong chế động công hữu nguyên thủy và xã hội cổ đại, phong kiến, có sức mạnh chiến đấu rất siêu nhiên, đánh bại kẻ địch, chiến thắng quái vật, cứu dân làng và người đẹp.

sử thi: Còn gọi là trường ca, là tác phẩm theo thể tự sự có nhân vật trung tâm là những anh hùng, dũng sĩ. Các sử thi tiêu biểu gồm trường ca anh hùng, trường ca giáo huấn, trường ca châm biếm, trường ca lãng mạn, trường ca kịch tích-trữ tình.

Ta-bà thế giới (S. sahā-lokadhātu, 娑婆世界): Thế giới chúng ta đang sống, trên đó, con người và các chúng sinh phải chịu sự khổ đau, bị ràng buộc bởi ba độc tham, sân, si và các phiền não khác. Đây là thế giới được đức Phật Thích-ca giáo hóa.

tác bất tịnh hạnh(作不淨不): như “làm việc bất tịnh.”

tác chứng cụ túc trú giải thoát), nhàm chán, xả bỏ tri giác, cảm giác; thể nhập vào trạng thái định diệt tận, không còn các hoạt dụng của cảm xúc, ý niệm, tâm tư và thái độ.

tác giả văn học: Người trước tác, làm ra tác phẩm nghệ thuật ngôn từ gồm viết văn, sách (văn hào, nhà văn, tác gia, cây bút), tiểu thuyết (tiểu thuyết gia, nhà tiểu thuyết), vở kịch (nhà viết kịch), bài báo (nhà báo), bài thơ (thi hào, thi sĩ, nhà thơ).

Tác học gia yết-ma (作學家羯磨): Tăng đoàn vì gia đình trụ bậc hữu học này thực hiện một lần trình bạch và một lần biểu quyết.

tác phong Huynh trưởng: Thể hiện qua bốn phương diện: (i)Ăn nói giao dịch hòa nhã khiêm tốn, (ii) Trang phục lịch sự sạch đẹp không phô trương, không cẩu thả, (iii) Tóc tai gọn gàng, bình dị, (iv) Đi đứng nằm ngồi giữ lễ.

tác trì giới: như “giới tác trì.”

tài chính của GHPGVN: Tài chính hợp pháp của GHPGVN gồm có: (i) Niên liễm do các thành viên đóng góp, (ii) Tài chính do các Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử, tư nhân trong và ngoài nước hỷ cúng, (iii) Tài chính do các cấp GHPGVN tự tạo.

tại gia chúng: xem “cộng đồng tại gia” (在家眾).

tài sản của GHPGVN: Tài sản hợp pháp của GHPGVN gồm có động sản, bất động sản hợp pháp: (i) Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp, (ii) Do các thành viên Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp Nhà nước, (iii) Giáo sản được giải quyết căn cứ theo quy định chung của pháp luật về tài sản.

Tam bảo (Triratna, 三寶): Biểu tượng Phật giáo, tượng trưng ba ngôi tâm linh bao gồm đức Phật, chánh pháp và Tăng đoàn. Biểu tượng Tam bảo được cấu tạo bởi hoa sen cách điệu nằm trên vòng tròn, được khắc trên đồng tiền Taxila vào năm 185-168 TTL, cũng được sử dụng trong biểu tượng lòng bàn chân Phật.

tam báo: như “ba nghiệp báo.”

tam bảo: như “ba ngôi báu.”

tám cát tường (S. aṣṭamaṅgala, 八吉祥): tám vật dụng được sử dụng làm biểu tượng cho tám điềm lành, an lành bao gồm: (i) Hoa sen (padma; P. paduma), (ii) Nút thắt vô tận (srivasta, granthi), (iii) Cá cặp (matsyayugma), (iv) Phướn chiến thắng (S. dhvaja; P. dhaja), (v) Pháp luân (S. Dharmacakra, P. Dhammacakka), (vi) Bình báu (kumbha), (vii) Dù (S. chatra; P. chatta), (viii) Vỏ ốc xà cừ trắng (S. sankha , conch shell).

tam đàn đại giới: như “ba đàn giới.”

tám điều cung kính (P. aṭṭha garudhammā; C. 八敬法, E. eight rules of respect) còn gọi là bát kỉnh giới (八敬戒), Ni bát kỉnh giới (尼八敬戒), bát trọng pháp (八重法), bát kỉnh (八敬) 八敬得, bát kỉnh đắc (), bát tôn trọng pháp (八尊重法), bát bất khả quá pháp (八不可過法), bát bất khả việt pháp (八不可越法), bát bất khả vi pháp (八不可違法), bát kỉnh vi kỉnh pháp (八敬違敬法) hay bát giáo nhiếp bất (八教攝不), tức tám điều kính Tăng, tức tám giới quan trọng của tỳ-kheo-ni trong Phật giáo thời kỳ đầu. Tại nước cộng hòa Vajji, vào khoảng năm thứ 5 đức Phật thành đạo, theo sự thỉnh cầu của tôn giả Ānanda, đức Phật đã cho phép hoàng hậu Ma-ha Ba-xà-ba-đề (S. Mahāprajāpatī, P. Mahāpajāpatī, 摩訶波闍波提) và 500 người nữ quý phái của nước Sakya gia nhập Tăng đoàn (Saṅgha), trở thành các vị nữ tu đầu tiên trên thế giới, đánh dấu sự ra đời học thuyết bình đẳng giới của đức Phật. Theo Tiểu phẩm (Cullavagga) thuộc Luật tạng Pali, bát kỉnh pháp của Phật giáo Thượng tọa bộ bao gồm: (i) Dù một trăm tuổi hạ (upasampadā), tỳ-kheo-ni vẫn phải kính lễ tỳ-kheo mới thọ giới, (ii) tỳ-kheo-ni không đuợc nhập hạ (vassāvāsa) ở những trú xứ không có tăng, (iii) Mỗi nửa tháng trong ngày bố-tát (Uposatha), tỳ-kheo-ni phải phải đến xin giáo giới (ovāda) từ tỳ-kheo, (iv) Khi kết thúc an cư mùa mưa (P. vassāvāsa), trong ngày tự tứ (S. pravāraṇā, P. pavāraṇā), tỳ-kheo-ni phải thỉnh giáo giới về ba việc thấy có tội, nghe có tội, nghi có tội trước Tăng đoàn và Ni đoàn, (v) Tỳ-kheo-ni phạm tội Tăng tàn (S. saṅgāvaśeṣa; P. saṅghādisesa) phải làm phép ý hỷ (P. mānatta) trước Tăng đoàn và Ni đoàn, (vi) Thức-xoa (P. Sikkhamānā) phải trải qua 2 năm học nữ trước khi thọ đại giới trước Tăng đoàn và Ni đoàn, (vii) Tỳ-kheo-ni không được vin bất cứ lý do nào để nặng lời với một tỳ-kheo, (viii) Tỳ-kheo-ni không được trách cứ hay huấn thị tỳ-kheo. Theo Luật tứ phần, bát kỉnh pháp gồm tám điều sau: (i) Tỳ-kheo-ni một trăm tuổi hạ phải đứng lên nghênh tiếp, đảnh lễ, hỏi thăm tỳ-kheo mới thọ giới (百歲比丘尼,見初受戒比丘,當起迎逆,禮拜問訊), (ii) Tỳ-kheo-ni không được la mắng tỳ-kheo (比丘尼不得罵謗比丘), (iii) tỳ-kheo-ni không được nói lỗi và cử tội tỳ-kheo (不得舉比丘罪, 說其過失), (iv) Thức-xoa đã học giới pháp phải cầu thọ Đại giới trước Tăng đoàn  (式叉摩那已學於戒,應從眾僧求受大戒), (v)  tỳ-kheo-ni phạm Tăng tàn phải cầu pháp ý hỷ trước Tăng đoàn và Ni đoàn vào ngày bố-tát (尼犯僧殘,應半月在二部僧中行摩那埵), (vi) tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng phải cầu Tăng đoàn chỉ dạy  (尼半月內,當於僧中求教授人), (vii) tỳ-kheo-ni không được an cư tại trú xứ không có tỳ-kheo (不應在無 比丘處夏安居), (viii) Ngày mãn hạ, tỳ-kheo-ni phải cầu tự tứ trước Tăng đoàn (夏訖,當詣僧中,求自恣人) (Tham khảo Hạnh sự sao (行事鈔) chương Ni chúng biệt hành (尼眾別行篇), quyển 42).

tám điều đạo đức (八戒): còn gọi “bát trai giới” (八齋戒), “bát quan giới” (八關齋), “bát chi giới” (八支齋) là tám điều đạo đức, dành cho người tập sự xuất gia trong 24 giờ, bao gồm: (i) Không giết hại sự sống (不殺生, bất sát sinh); (ii) Không lấy của không cho (不與取, bất dữ thủ); (iii) Không được dâm dục (不非梵行, bất phi phạm hạnh); (iv) Không nói lời hư dối (不虛誑語, bất hư cuống ngữ); (v) Không uống rượu [bia] (不飲酒, bất ẩm tửu); (vi) Không thoa hương, trang sức, xem nghe ca múa (不塗飾鬘舞歌觀聽, bất đồ sức man vũ ca quan thính); (vii) Không nằm và ngồi trên giường cao rộng, đẹp (不眠坐高廣嚴麗床上, bất miên tọa cao quảng nghiêm lệ sàng thượng), (viii) Không ăn trái giờ (不非時食, bất phi thời thực).

tam giải thoát môn: như “ba cửa giải thoát.”

tam huyền tam yếu: như “ba huyền ba yếu.”

tam huyền, tam yếu (三玄三要): như “ba huyền ba yếu.”

tám nạn (八難): tám nạn gây trở ngại cho việc tu đạo, bao gồm: (i) Địa ngục (地獄, địa ngục), (ii) Loài động vật (畜生, súc sinh), (iii) Quỷ đói (餓鬼, ngạ quỷ), (iv) Cõi trời Trường Thọ (長壽天, trường thọ thiên), (v) Sống ở châu Bắc Cu-lô (北俱盧洲, Bắc Câu Lô châu), (vi) Đuôi, điếc và câm (盲聾瘖啞, manh lung âm á), (vii) trí thông minh hiểu biết về thế gian (世智辯聰, thế trí biện thông), (viii) Sinh ra trước thời Phật hoặc sau thời Phật (生在佛前佛後, sinh tại Phật tiền Phật hậu). Có cách giải thích khác về tám nạn bao gồm: (i) Địa ngục (S. naraka, 地獄), cõi địa ngục; (ii) Ngạ quỷ (S. preta, 餓鬼), cõi ngạ quỷ; (iii) Súc sinh (S. tiryañc, 畜生), chịu thân loài động vật; (iv) Trường thọ thiên S. dīrghāyuṣkadeva, 長壽天), cõi trời hưởng thụ lâu dài không biết thiện quả nghiệp báo luân hồi; (v) Biên địa (S.prat-yantajanapāda, 邊地), chỗ không có Phật pháp; (vi) Căn khuyết (S. indriyavaikalya, 根缺), khiếm khuyết các giác quan trên thân; (vii) Tà kiến (S. mithyādarśana, 邪見), cái nhìn lệch lạc, không đúng chánh pháp; (viii) Như lai bất xuất sinh (S. tathāga-tānāmanutpāda, 如來不出生), Như Lai không ra đời, có chỗ ghi là Phật tiền Phật hậu (佛前佛后) nghĩa là trước hoặc sau thời Phật.

tám nhóm giới (八聚, bát tụ): Tám nhóm giới luật hoặc tám cách định danh giới luật của đức Phật (i) Giới trục xuất (驱摈, pārājika), (ii) Giới Tăng tàn (僧残, Saṅghādisesa), (iii) Giới không xác định (不定, aniyata, bất định), (iv) Giới xả vật (舍忏, nissaggiya pācittiya, xả sám), (v) Giới sám hối (忏悔, pācittiya, sám hối), (vi) Giới hối lỗi (悔过, patidesemi, hối quá), (vii) Giới những điều nên làm (众学, sikkhākaraṇīya, chúng học), (viii) Cách dứt tranh chấp (灭諍, adhikaraṇa samatha, diệt tránh).

tám ruộng phước: (八福田): tám ruộng phước, gồm: (i) Đức Phật (佛), (ii) Thánh nhân (聖人), (iii) Hòa thượng (和尚), (iv) thầy giáo thọ (阿闍梨, A-xà-lê), (v) Tăng sĩ (僧, Tăng), (vi) cha (父, phụ), (vii) mẹ (母, mẫu), (viii) bệnh nhân (病人). Trong đó Phật, thánh nhân và Tăng sĩ thuộc “ruộng phước đáng tôn kính”(敬田, kính điền). Hòa thượng, thầy giáo thọ và cha mẹ thuộc “ruộng ân nghĩa” (恩田, ân điền). Bệnh nhân thuộc “ruộng bi cảm” (悲田, bi điền). Sở dĩ gọi là ruộng phước vì nếu ai cúng dường tám hạng người nêu trên thì được phước báo vô lượng.

tam sự tự tứ: như “ba việc chỉ lỗi.”

tam tạng pháp sư: như “pháp sư Kinh Luật Luận.”

tam tụ tịnh giới: như “ba nhóm giới thanh tịnh.”

tám Thánh tử đạo Phật giáo: Tám trong chín thanh thiếu niên bị xe tăng của chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm cán chết tại Đài phát thanh Huế vào lúc 22:00 ngày 08/5/1963 (nhằm mùng 8/4 Quý Mão, PL. 2507) dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Ty trưởng Nội an Thừa Thiên. Cuộc đàn áp đãm máu của cảnh sát Đệ nhất Cộng hòa diễn ra khi hàng vạn Phật tử trong đó có 8 đoàn sinh Gia đình Phật tử đang tụ tập trước đài Phát thanh Huế chờ nghe buổi phát thanh thường lệ của Phật giáo. Tên của tám Thánh tử đạo Phật giáo là: (1) Nguyễn Thị Ngọc Lan (pháp danh Tâm Chánh), 12 tuổi, (2) Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa (pháp danh Tâm Tôn), 12 tuổi, (3) Đặng Văn Công (pháp danh Tâm Đồng) 13 tuổi, (4) Dương Viết Đạt hoặc Nguyễn Văn Đạt (pháp danh Tâm Thành), 13 tuổi, (5) Nguyễn Thị Phúc (pháp danh Tâm Thông), 15 tuổi, (6) Lê Thị Kim Anh hoặc Khanh (pháp danh Tâm Hiển), 17 tuổi, (7) Trần Thị Phước Trị hoặc Tự (pháp danh Tâm Thuận), 17 tuổi, (8) Nguyễn Thị Yến (pháp danh Tâm Thanh), 20 tuổi. Tất cả 8 em đều được phong Thánh tử đạo của Phật giáo Việt Nam.

tam thập lục thất: như “ba mươi sáu tổn thất.”

tam thập thành đạo: như “ba mươi tuổi thành đạo.”

tám trọng yếu (八要): Gọi đủ là “tám trọng yếu của thiền sư Vân Môn” (雲門八要). Đây là tông chỉ tiếp độ thiền sư của thiền sư Vân Môn, giúp thiền sinh được khai ngộ gồm: (i) Huyền, tiếp hóa huyền diệu (接化玄妙), (ii) Tùng (从) tức “theo” căn tính của người học để cứu độ họ (从学人之根机以接化之), (iii) Chân yếu (真要) tức nêu ra tông chỉ đạo Phật (拈出佛道宗旨), (iv) Đoạt (夺) tức không để người học có dự định và ý kiến để dứt phiền não của họ (不容学人拟议,截断其烦恼性), (v) Hoặc (或) tức không câu nệ ngôn từ, hóa độ một các tự tại (不拘言词,接化自在), (vi) Quá (过) tức tông phong nghiêm ngặt, không để người họ lùi bước (宗风严峻,不许转身回避), (vii) Táng (丧) tức không chấp vào quan điểm của mình (不执己见), (viii) Xuất (出) tức hóa độ một cách tự do, trao cho người học con đường thoát thân (接化自由,予学人出身之路).

tam y(S. trinl civarani, 三衣):Ba pháp phục của người xuất gia gồm: (i) Tăng-già-lê (P=S. savghātī, 僧伽梨), đại y, (ii) Uất-đa-la-tăng (P=S. uttarāsavga, 鬱多羅僧), thượng y, (iii) An-đà-hội (S. antarvāsa, P. antaravāsa, 安陀會), nội y.

tam y: như “ba y.”

tam y: như “ba y.”                                                                     

tam-muội (S. Samaya, 三昧), chánh định (正定). Chánh thọ (正受) là tên gọi khác của thiền định.

tán tỉnh (調情): hành động ve vãn, tán tỉnh, thả tính với người khác là vi phạm tội Tăng tàn đối với người xuất gia. Xem “Tăng tàn.”

tán thán tử vong (P.maraṇavaṇṇaṃ, 贊嘆死亡): như “khen ngợi cái chết.”

tánh căn sắc (性根色): Sắc giới tính gồm nữ căn sắc (女根色) tức hình thể người nữ và nam căn sắc (男根色) tức hình thể người nam. Xem “sắc uẩn”.

tánh giới (性戒): Giới thật chất, giới trong tâm, có khả năng bảo hộ người giữ giới, làm tăng trưởng phẩm hạnh tu hành của người xuất gia. Giới luật của đức Phật là những quy phạm tu hành, làm lớn mạnh đạo đức, phẩm chất của người xuất gia, do vậy, không nên vi phạm, dù chỉ trong tâm tưởng. Các hành vi vi phạm các tánh giới (性戒) được gọi là tánh tội(性罪).

tánh tội (性罪): Hành vi vi phạm các tánh giới (性戒) được gọi là “tội thật chất” (實罪, thật tội) hay “tính trọng” (性重). Dù chưa thể các hành vi vi phạm cụ thể, tâm tưởng nghĩ đến phạm giới được xem phạm vào tánh tội.

Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Phật giáo Quốc tế(Journal of the International Association of Buddhist Studies): Viết tắt là JIABS, thành lập năm 1978, chuyên nghiên cứu các lãnh vực Phật học và Phật giáo, đặc biệt là các bài đánh giá dài và có chất lượng nghiên cứu về Phật học.

Tạp chí của Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Oxford(Journal of the Oxford Centre for Buddhist Studies): Viết tắt là JOCBS, thành lập năm 2011, với ban biên tập gồm 4 thành viên và 20 chuyên gia cố vấn, tạp chí này xuất bản mỗi năm một lần về các phương diện Phật học, các bản văn và phê bình sách.

Tạp chí của Trường đại học quốc tế Nghiên cứu Phật học Cao cấp(Journal of the International College for Advanced Buddhist Studies, 國際仏教學大學院大學研究紀要): Viết tắt JICPBS, thành lập năm 1998, chuyên nghiên cứu về nhận thức luận, logic học, xã hội học, đạo đức học và giải thoát luận Phật giáo, các bản văn Phật giáo và so sánh Phật giáo với triết học Ấn Độ.

Tạp chí của Viện Nghiên cứu Phật học (Journal of the Institute of Buddhist Studies): Viết tắt là JIBS, do Viện Phật học (Institute of Buddhist Studies) ở Berkeley, California, Hoa Kỳ thành lập năm 1982, chuyên xuất bản các nghiên cứu và đánh giá về các vấn đề Phật giáo đương đại và những vấn đề liên quan đến nguồn gốc, sự phát triển và hiện trạng Phật giáo trên khắp thế giới. Các phương diện nghiên cứu chính của tập chí bao gồm giáo lý, triết học, xã hội học, tâm lý học, văn bản, nghi lễ.

Tạp chí Đạo đức Phật giáo (Journal of Buddhist Ethics): Viết tắt là JBE, là tạp chí học thuật trực tuyến đầu tiên về đạo đức Phật giáo, do giáo sư Damien Keown và Charles S. Prebish thành lập vào năm 1994 nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu đạo đức Phật giáo thông qua việc xuất bản các nghiên cứu và đánh giá sách bằng các hội nghị trực tuyến. Các chủ đề nghiên cứu chính của JBE bao gồm: Luật tạng, luật học, y đức, đạo đức triết học, đạo đức đa văn hóa, đạo đức và nhân học, đạo đức và tâm lý học, sinh thái và môi trường, triết học xã hội và chính trị, nhân quyền. Đến năm 2022, tạp chí này xuất bản được 29 chuyên khảo về đạo đức Phật giáo và các vấn đề liên hệ.

Tạp chí Hội thánh điển Pali (Journal of the Pali Text Society): Viết tắt là JPTS, là tạp chí nghiên cứu Phật học đầu tiên bằng Anh văn do T.W. Rhys Davids thành lập năm 1882, nhằm công bố các công trình phiên dịch Tam tạng Pali sang tiếng Anh, nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo Thượng tọa bộ, giới thiệu triết học và hành trì Phật giáo cho thế giới phương Tây, trở thành nhịp cầu quan trọng trong việc phát triển Phật giáo trên toàn cầu. Tạp chí gồm 34 tập, được xuất bản từ năm 1882-1927, được tái bản trọn bộ không thường xuyên từ năm 1998-2021. Đây là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng về văn học Pali và Phật giáo thời kỳ đầu.

Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo (Buddhist Studies Review): Viết tắt là BSR, được Equinox xuất bản, thay mặt cho Hiệp hội Nghiên cứu Phật giáo Vương quốc Anh. Hiệp hội được thành lập vào năm 1996 và hai năm sau đó đã tiếp quản xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo, được Russell Webb và Sara Boin-Webb điều hành từ năm 1983. Tạp chí BSR được thành lập năm 1976, do Russell Webb biên tập, với tên gọi ban đầu là “Pali Buddhist Review”. Đến năm 1983, BSR được Viện nghiên cứu Phật giáo Linh Sơn (Institut de recherche bouddhique Lin-So’n) và Hiệp hội Phật giáo Pali (Pali Buddhist Union) tài trợ. Đến năm 2006, BSR được Hội Nghiên cứu Phật giáo Vương quốc Anh (the UK Association for Buddhist Studies) tiếp quản. Mục đích của tạp chí nhằm nghiên cứu về Phật học và Phật giáo bao gồm những vấn đề lý luận, thực tiễn, phương pháp luận; nghiên cứu văn bản, ngôn ngữ, khảo cổ học và nghệ thuật-lịch sử; các phương pháp tiếp cận chuyên ngành khác nhau đối với khảo cổ học, lịch sử nghệ thuật, nhân chủng học, nghiên cứu châu á, tôn giáo so sánh, luật, nghiên cứu phương đông, triết học, ngữ văn, tâm lý học, nghiên cứu tôn giáo, thần học).

Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo của Canada (The Canadian Journal of Buddhist Studies): Viết tắt là CJBS, là ấn phẩm học thuật trực tuyến về tất cả các khía cạnh của nghiên cứu Phật giáo gồm nhân chủng học, xã hội học, tâm lý học, triết học, lịch sử, nghiên cứu tôn giáo, phân tích văn bản, giáo lý học, nghệ thuật Phật giáo, nghi lễ, các dòng truyền thừa, các thực hành và học thuyết trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo Quốc tế Ấn Độ (The Indian International Journal of Buddhist Studies): Viết tắt là IIJBS, là tạp chí học thuật về các phương diện Phật giáo, do Viện Tỳ khưu Jagdish Kashyap về Nghiên cứu Phật giáo và Châu Á (Bhikkhu Jagdish Kashyap Institute of Buddhist and Asian Studies) thành lập năm 1976, dưới sự khởi xướng của giáo sư A. K. Narain và được tài trợ của Quỹ Aditya Shyam Trust.

Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc (Journal of Chinese Buddhist Studies): Viết tắt là JCBS, là tạp chí học thuật đa ngôn ngữ gồm tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Anh do HT. Thánh Nghiêm thành lập năm 1987, trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật giáo Trung Hoa (Chung-Hwa Institute of Buddhist Studies) kết hợp với Học viện Tôn giáo Hoa Kỳ (American Academy of Religion) nhằm nghiên cứu về Phật giáo Trung Quốc bao gồm các khía cạnh triết học, văn hóa, thực hành, xã hội, thể chế Phật giáo ở Trung Quốc, cũng như những tương tác lịch sử với sự phát triển của Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc với các nước Phật giáo ở Nam, Đông và Trung Á. Vào năm 2008, từ tập 21, JCBS trở thành tạp chí tiếng Anh về các lĩnh vực nghiên cứu Phật học.

Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo và Cơ-đốc giáo(Buddhist-Christian Studies): Viết tắt là BCS, tạp chí học thuật do Nhà xuất bản Đại học Hawai’i (University of Hawai’i Press) Hoa Kỳ ấn hành từ năm 1981, chuyên nghiên cứu về Phật giáo và Cơ đốc giáo cũng như mối quan hệ lịch sử và đương đại của hai tôn giáo này. Nội dung tạp chí này còn bao gồm các bài nghiên cứu sâu sắc, báo cáo hội nghị, đánh giá sách, phương pháp luận so sánh, so sánh lịch sử, đối thoại Phật học với thần học.

Tạp chí Phật giáo Phương Đông (The Eastern Buddhist): Viết tắt là EB, ấn phẩm học thuật của Hiệp hội Phật giáo Đông phương, do D.T. Suzuki, Beatrice Lane Suzuki thành lập vào năm 1921, nhằm nghiên cứu chuyên sâu về các phương diện Phật học dưới góc độ học thuật và hành trì.

Tạp chí Phật giáo Toàn cầu (Journal of Global Buddhism): Viết tắt là JGB, là tạp chí nghiên cứu về sự toàn cầu hóa của Phật giáo, thành lập năm 2000, chuyên nghiên cứu lịch sử và triết lý Phật giáo từ cổ đại đến đương đại, các truyền thống Phật giáo, các mối quan hệ xuyên quốc gia và xuyên lục địa, đồng thời, xuất bản các bài nghiên cứu, thảo luận đánh giá và phê bình sách.

Tạp chí Phổ Môn (普門學報, Universal Gate Buddhist Journal): Tạp chí Phật học bằng Trung văn, do Quỹ Văn hóa và giáo dục Phật Quang Sơn (佛光山文教基金會) bảo trợ xuất bản từ năm 2001, gồm các phương diện Phật học từ truyền thống đến hiện đại, từ Phật giáo Nguyên thủy đến Đại thừa, đặc biệt về Phật giáo Trung Quốc.

Tạp chí Tịnh độ tông(Pure Land: Journal of Pure Land Buddhism): Viết tắt là JPLB, là tạp chí học thuật do Hội Phật giáo Chân tông quốc tế (国際真宗學會, International Association of Shin Buddhist Studies) xuất bản bằng tiếng Anh từ năm 1982, gồm các lãnh vực nghiên cứu Phật học, Tịnh độ và Tịnh độ chân tông (Jōdo Shinshū), tiểu luận, bản dịch và đánh giá sách Phật giáo.

Tạp chí Triết học Phật giáo (Journal of Buddhist Philosophy): Viết tắt là JBP, là tạp chí học thuật về triết học Phật giáo, do Nhà xuất bản SUNY thành lập năm 2014. JBP là diễn đàn triết học Phật giáo nhằm khám phá và nghiên cứu về các phương diện triết học Phật giáo từ các bản văn Phật giáo bằng tiếng Pali, tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Anh, thuộc nhiều trường phái Phật giáo từ cổ chí kim.

tạp hạng kiền-độ (P. Khuddakavatthukkhandhaka, 杂项犍度): như “Chủ đề hỗn hợp.”

tạp hạng kiền-độ (P. Khuddakavatthukkhandhaka, 雜項犍度): như “Chủ đề hỗn hợp.”

tạp toái giới (雜碎戒): như “giới nhỏ nhặt.”

tay bưng lò hương (手捉香爐): ẩn dụ tượng trưng cho tay nâng năm phần hương pháp thân (五分法身香), gồm: (i) Giới hương (戒香), (ii) Định hương (定香), (iii) Tuệ hương (慧香), (iv) Giải thoát hương (解脫香), (v) Giải thoát tri kiến hương (解脫知見香).

Tăng bất hoại tịnh (僧不壞淨): xem “niềm tin bất hoại đối với Tăng.”

Tăng bộ Bắc tông vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Tăng sự GHPGVNTN.

Tăng bộ Nam tông vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Tăng sự GHPGVNTN.

Tăng cang (僧綱): Chức Tăng quan (僧官) của vị Tăng sĩ lớn nhất nước, thống lãnh Tăng Ni (统领僧尼) và quản trị toàn bộ sinh hoạt tu học Phật giáo trong một nước.

Tăng chánh (僧正): Là “Tăng chủ” (僧主) thống lãnh Tăng Ni trong một nước hoặc khu vực.

Tăng chính (僧正): Tương đương chức danh Tăng thống, được sử dụng trong thời Hậu Tần, Trung Hoa.

Tăng chủ: Chức danh cao nhất của Viện Chỉ đạo, một trong hai Viện của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam (nay là Hệ phái Khất sĩ). Đứng đầu Viện Hành đạo là Viện trưởng. Tăng chủ Viện Chỉ đạo đầu tiên là HT. Giác Như.

Tăng chúng (僧眾): như “Tăng đoàn” (僧團).

Tăng đoàn (P. saṅgha, S. saṃgha, 僧團): Phiên âm là Tăng-già (không có nghĩa là “tăng sĩ già nua), là cộng đồng Tăng/ Tỳ-kheo (bhikkhu, 比丘眾, Tỳ-kheo chúng) hoặc cộng đồng Tỳ-kheo-ni (bhikkhuni,比丘尼眾, Tỳ-kheo-ni chúng), ít nhất từ bốn vị trở lên, sống trong tinh thần hòa hợp. Trong thời hiện đại tại Việt Nam, khái niệm Tăng đoàn được dùng chỉ cho “Tăng đoàn Tỳ-kheo” (比丘僧團, Tỳ-kheo Tăng đoàn), đối lại với tập thể Tỳ-kheo-ni thì gọi là Ni đoàn (尼團). Tăng đoàn là một trong ba ngôi tâm linh Phật giáo (hai ngôi còn lại là đức Phật và chân lý của Phật). Bên cạnh việc thực tập thiền, học chân lý, rèn luyện đạo đức, sống đời độc thân thanh cao, các thành viên Tăng đoàn được quy định sống bằng khất thực mỗi buổi sáng cho đến trước 12 giờ trưa và phải an cư mùa mưa để không dẫm đạp côn trùng, chuyên tu giới, định, tuệ. Phẩm trật của các thành viên Tăng đoàn được tính theo tuổi hạ: (i) Tăng sĩ hạ tọa từ 1-9 tuổi hạ, (ii) Tăng sĩ trung tọa từ 10-19 tuổi hạ, (iii) Thượng tọa từ 20-39 tuổi hạ, (iv) Hòa thượng từ 40 tuổi hạ trở lên, tính từ lúc tiếp nhận giới Cụ túc, (v) Trưởng lão Hòa thượng từ 50-59 hạ, (vi) Đại lão hòa thượng từ 60 hạ trở lên. Các thành viên Tăng đoàn giữ giới luật trang nghiêm, sống có lý tưởng phụng sự nhân sinh, có phước báu dấn thân an sinh xã hội, có trí tuệ để trị liệu khổ đau của nhân sinh thì được gọi là “Tỳ-kheo phước trí” (福智比丘) tức vị Tăng có đầy đủ trí tuệ và phước báu, mang hạnh phúc cho mình và làm lợi ích cho đời.

Tăng đoàn cùng tụng giới (僧團同誦戒本): các thành viên Tăng đoàn tập trung trong một trú xứ, trong tinh thần hợp, cùng nghe đọc tụng giới bản Tỳ-kheo (đối với người nam đã thọ giới Cụ túc) hoặc giới bản Tỳ-kheo-ni (đối với người nữ đã thọ giới Cụ túc) để ôn lại các quy định về sinh hoạt Tăng đoàn cần tuân thủ, nhằm làm lớn mạnh các phẩm chất uy nghi, thánh thiện, thanh tịnh, hướng đến việc hoàn thiện nhân cách thánh.

Tăng đoàn chia rẽ (破僧, Tăng đoàn chia rẽ): Tăng đoàn từ 10 người trở lên có những tranh chấp, chia rẽ thành hai phe bất đồng nhau, chống đối nhau, làm mất sức mạnh và thanh tịnh của tăng đoàn. Bất đồng từ 9 thành viên trở xuống thì gọi là “Tăng đoàn không hòa hợp.”

Tăng đoàn hoan hỷ (僧團歡喜): điều kiện quan trọng của một Tăng đoàn hòa hợp, không bị ly gián, không bị phân hóa, không bị tranh chấp. Đây là điều kiện cần thiết giúp cho Tăng đoàn vững mạnh, mang lại lợi lạc cho cộng đồng.

Tăng đoàn không hòa hợp (P. saṅgharāji, 僧諍, tăng tránh): Tăng đoàn dưới 9 người do bất đồng ý kiến mà chia rẽ thành hai phe bất đồng. Bất đồng từ 10 thành viên Tăng đoàn trở lên thì gọi là Tăng đoàn chia rẽ.

Tăng đoàn không tranh chấp (僧伽不爭辯): phong cách sống của các thành viên Tăng đoàn không có bất kỳ tranh chấp, tranh cãi; thể hiện sự cùng hiểu, cùng học, cùng tu, cùng đọc giới, cùng làm Phật sự, nhất là đồng tâm, hiệp lực, chung vai sát cánh trong sứ mệnh cứu độ nhân sinh.

Tăng đoàn ly gián (離間僧團): tình trạng Tăng đoàn bị chia rẽ, ly gián xảy ra giữa các thành viên do không tuân thủ lối sống thiền môn, không đặt mình dưới sự hướng dẫn của giới luật, không thuận phục ý kiến của tập thể, không hòa hợp như nước hòa với sữa, dẫn đến sự phân hóa, mất hòa hợp tăng. Đây là yếu tố làm cho Tăng đoàn yếu đi, giảm thành quả cứu độ nhân sanh. Người xuất gia có các hành động, lời nói tạo ra sự ly gián Tăng đoàn, nếu sau 3 lần khuyên can mà không từ bỏ thì phạm Tăng tàn. Xem “đi theo nhóm riêng.”

Tăng đô (僧都):

Tăng đô (僧都, Sōzu): Tương đương chức danh Tăng thống, được sử dụng trong thời Hậu Tần, Trung Hoa.

Tăng lục (僧錄): Tương đương chức danh Tăng thống, được sử dụng trong thời nhà Đường, Trung Hoa.

Tăng lữ (僧侣): Thuật ngữ Phật học đồng nghĩa với “Tăng đoàn,” tức cộng đồng Tỳ-kheo (比丘眾, Tỳ-kheo chúng) hoặc cộng đồng Tỳ-kheo-ni (比丘尼眾, Tỳ-kheo-ni chúng), ít nhất từ bốn vị trở lên, giữ giới hạnh thanh tịnh, sống có lý tưởng phụng sự, dùng trí tuệ để trị liệu khổ đau, dùng từ bi để xoa dịu bất hạnh của con người.

Tăng quan (僧官): (1) Chức vụ của vị Tăng sĩ đứng đầu tổ chức Phật giáo trong một quốc gia, có chức năng quản trị sinh hoạt tu học của toàn thể Tăng Ni. Tại các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, “Tăng quan” là từ đồng nghĩa với “Tăng cang” (僧綱), (2) Chức vụ của vị Tăng sĩ trong một quốc gia, có chức năng quản trị tự viện và Tăng, Ni.

tăng sĩ hoàn tục: Người xuất gia từ bỏ đời sống xuất gia, trở về đời sống tại gia. Khi Tăng Ni đã hoàn tục, Ban Trị sự, Ban Tăng sự tỉnh thu hồi các giấy tờ do GHPGVN cấp và báo cáo về Văn phòng Ban Tăng sự Trung ương để xóa tên trong danh bạ Tăng Ni. Tăng sĩ vi phạm Giới luật, tự nguyện hoàn tục, hoặc bị buộc phải hoàn tục, sau khi sám hối đúng Luật Phật được phát nguyện xuất gia trở lại. Theo luật Phật chế, các vị Ni đã hoàn tục thì không được phép xuất gia trở lại.

Tăng sĩ: Khái niệm GHPGVNTN mệnh danh cho một vị Tăng đã tiếp nhận giới Tỳ-kheo và Ni đã tiếp nhận giới Tỳ-kheo-ni.

Tăng tàn (P. Saṅghādisesa, S. Saṃghāvaśeṣa, 僧残): tội Tăng tàn, thường phiên âm là “Tăng-già-bà-thi-sa” (僧伽婆尸沙) gồm 13 tội (đối với Tăng) và 17 tội nặng (đối với Ni), trong đó, 9 giới đầu, hễ phạm là thành tội, còn các giới sau, sau ba lần khuyên mà không buông bỏ, mới tính phạm tội. Bất kỳ vị nào phạm vào tội Tăng tàn chính là làm cho tư cách Tăng sĩ của mình bị tàn phế (tàn mệnh, 殘命) hoặc “tàn khuyết bất toàn” (殘缺不全), tức bị sứt mẻ, không còn trọn vẹn phẩm chất Tỳ-kheo-ni hoặc Tỳ-kheo. 13 giới Tăng tàn của Tăng bao gồm: (i) thủ dâm xuất tinh, (ii) chạm thân người nữ, (iii) nói lời dâm dục, (iv) đòi cúng hành dâm, (v) làm người se duyên, (vi) làm nhà quá lớn, (vii) không chỉ chỗ xây, (viii) vu khống, xuyên tạc, (ix) phỉ báng một chiều, (x) phá hòa hợp Tăng, (xi) giúp phá Tăng đoàn, (xii) hoen ố, việc ác, (xiii) ương ngạnh không nghe. Bên Tỳ-kheo-ni có thêm các giới sau đây: (xiv) cùng người làm ác, (xv) khuyên đừng tách chúng, (xvi) bỏ Ba ngôi báu, (xvii) cho rằng Ni đoàn còn si mê. Muốn phục hồi tư cách Tăng sĩ, Tỳ-kheo-ni phạm giới Tăng tàn phải bị phạt sống biệt trú bằng với thời gian phạm giới này, chịu phép ý hỷ (mānatta, 意喜) trong sáu ngày để chứng minh sự tiến bộ của bản thân. Phép làm xóa tội, Tỳ-kheo phải có sự chứng minh của 20 vị Tỳ-kheo, đang khi Tỳ-kheo-ni phải có 20 vị Tỳ-kheo, cùng với 20 Tỳ-kheo-ni mới được xem là hợp lệ.

Tăng tục nhị chúng: như “hai cộng đồng Tăng tục.”

Tăng thống (僧統): Ngôi vị lãnh đạo tinh thần cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (thành lập năm 1981), tương đương với ngôi vị Pháp chủ (法主) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (thành lập 1981) hay Tăng vương (僧王) trong các nước Phật giáo Nam truyền như Thái Lan, Campuchia. Trong thời Bắc Ngụy ở Trung Hoa, chức danh Tăng thống còn được gọi là Đạo nhân thống (道人統), Sa-môn thống (沙門統), Đô thống (都統), Chiêu Huyền thống (昭玄統). Trong thế kỷ IV, trong thời Hậu Tần, Trung Hoa, chức năng này tương đương với chức Tăng chính (僧正) là chức Tăng quan (僧官) cao nhất trong Phật giáo Trung Hoa. Trong thời Bắc Tề, chức danh này còn được gọi là Thông thống (通統). Thời nhà Đường gọi là Tăng lục (僧錄) và nhà Nguyên gọi là Thích giáo Tổng thống (釋教總統).

Tăng thống GHPGVNTN: Đứng đầu Viện Tăng thống và là chức danh lãnh đạo tối cao của GHPGVNTN. Nhiệm vụ của Tăng thống GHPGVNTN bao gồm: (i) Ban hành Hiến chương GHPGVNTN, (ii) Chỉ định thành phần Văn phòng Viện Tăng thống, (iii) Ban Giáo chỉ tấn phong, (iv) Triệu tập và chủ tọa Đại hội GHPGVNTN bát thường, (v) Cấp Chứng điệp cho hàng Giáo phẩm cao cấp từ Thượng tọa trở lên; ký Giáo điệp vào dịp Phật đản hằng năm, (vi) Chuẩn y khai đại Giới đàn. Từ lúc thành lập ngày 04/01/1964 đến nay, GHPGVNTN có 06 Tăng thống gồm: (i) HT. Thích Tịnh Khiết (1890–1973) làm Tăng thống thứ nhất vào các năm 1964–1973, (ii) HT. Thích Giác Nhiên (1878–1979) làm Tăng thống thứ hai vào các năm 1973–1979, (iii) HT. Thích Đôn Hậu (1905–1991) làm Tăng thống thứ ba vào các năm 1979–1991, (iv) HT. Thích Huyền Quang (1920–2008) làm Tăng thống thứ tư vào các năm 2003–2008; trước đó, làm Xử lý thường vụ Viện Tăng thống các năm 1991 –2003, (v) HT. Thích Quảng Độ (1928–2020) làm Tăng thống thứ năm vào các năm 2011–2020; trước đó, làm Xử lý thường vụ Viện Tăng thống từ 2008 đến 11/2011, (vi) HT. Thích Chí Viên (1943 – ) làm Tăng thống thứ sáu từ năm 2020 do nhóm phân hóa Lê Công Cầu suy tôn ở Huế nên bị xem là tiếm danh, không được đại đa số lãnh đạo GHPGVNTN trong nước và nước ngoài công nhận.

Tăng tránh (P. saṅgharāji, 僧諍): như “Tăng đoàn không hòa hợp.”

Tăng vương (僧王): Ngôi vị lãnh đạo tinh thần cao nhất của Phật giáo tại các vương quốc Thái Lan, Campuchia, tương đương với ngôi vị Pháp chủ (法主) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (thành lập 1981) hay Tăng thống (僧統) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (thành lập 1964). Hiện tại, trong khi Miến Điện và Thái Lan chỉ có một Tăng vương thì Phật giáo vương quốc Campuchia có hai vị Tăng vương, lãnh đạo hai phái Phật giáo khác nhau.

Tăng, tục (僧俗): Chỉ cho cộng đồng xuất gia (出家眾, xuất gia chúng) và cộng đồng tại gia (在家眾, tại gia chúng).

Tăng-già (僧伽): Thuật ngữ phiên âm từ chữ “Saṅgha” trong Pali hoặc “Saṃgha” trong Sanskrit, gọi tắt là Tăng (僧). Các thuật ngữ đồng nghĩa bao gồm Tăng đoàn (僧團), Tăng lữ (僧侶), Tăng chúng (僧眾), Giáo đoàn (教團), Giáo đoàn Phật giáo (佛教教團), Tăng Ni (僧尼), xuất gia chúng (出家眾), hòa hợp chúng (和合眾). Theo quy định của đức Phật, một đơn vị Tăng-già hay Tăng đoàn phải có tối thiểu bốn vị Tỳ-kheo (比丘眾, Tỳ-kheo chúng) còn gọi là giáo đoàn tăng (比丘教團) hoặc ít nhất bốn vị Tỳ-kheo-ni (比丘尼眾, Tỳ-kheo-ni chúng) tu học Phật pháp trong tinh thần hòa hợp, dấn thân phụng sự, làm lợi lạc cho đời. Người Việt Nam không nên dùng từ này, vì âm đọc “già” (伽) vốn chỉ là phiên âm, không có nghĩa, làm cho người Việt Nam không biết Hán vănhiểu là Tăng đoàn “già” hay “tăng sĩ già nua.”

Tăng-già-bà-thi-sa (P. Saṅghādisesa, 僧伽婆尸沙) nghĩa là Tăng tàn, tức ai vi phạm các giới này sẽ làm phẩm chất Tăng sĩ bị tàn phế. Với chín giới đầu, hễ phạm lần đầu là phạm Tăng tàn thì phải từ bỏ việc vi phạm. Bốn giới còn lại, phạm lần thứ

Tăng-già-lam dân (P. ārāmika, S. ārāmika, 僧伽藍民):“tịnh nhân” (P. kappiya-karaka, S. kalpiya-kāraka, 淨人) nghĩa là người chưa cạo tóc xuất gia, chỉ làm các việc thanh tịnh trong tự viện .

Tăng-già-lam-ma (P = S. saṅghārāma, 僧伽藍摩): nơi thanh tịnh, vắng vẻ thích hợp cho Tăng đoàn tu tập. Thuật ngữ này còn được phiên âm như Tăng-già-lam (僧伽藍), gọi tắt là Già-lam (伽藍) và được dịch là Tăng viên (僧園), Tăng viện (僧院), Chúng viên (眾園).

Tăng-già-lam-ma (S=P. Saṅghārāma, 僧伽藍摩): còn được gọi là Tăng-già-lam (僧伽藍), gọi tắt là Già-lam (伽藍), thường dịch là Tăng viên (僧園), Tăng viện (僧院), Chúng viên (眾園) là nơi thanh tịnh, vắng vẻ thích hợp cho Tăng đoàn tu tập.

Tăng-kỳ-chi (P. Saṅkacchā, Saṅkacchika. S. Saṃkakṣikā, C.僧祇支): y che nách (掩腋衣, yểm dịch y) có dạng hình chữ nhật, dài đến eo để che phần ngực, phần lưng của người phụ nữ. Trường hợp không phạm: Không có hoặc bị thất lạc.

tầm (P=S. vitakka, C.尋, E. applied thought): Đặt tâm trên đối tượng thiền (initial application of attention to a meditational object) hoặc hướng tâm về đối tượng (direct the mind towards an object). Theo Kinh trung A-hàm, kinh ý hành (中阿含經·意行經), trong thiền thứ nhất, người tu thiền lìa tham ái, các điều ác và bất thiện, có tầm, có tứ, đạt trạng thái hỷ lạc do lìa ái dục (離欲、惡不善法,有[6],離生喜、樂,初靜慮). Theo Kinh tạp A-hàm 87 (雜阿含經·八六七經), trong thiền thứ hai, tầm và tứ đã được tịch tĩnh, đạt nội tịnh, tâm chuyên nhất, không còn tầm và không còn tứ, đạt trạng thái hỷ lạc do định (伺寂靜,內等淨,心一趣性,無尋無伺,定生喜、樂,第二靜慮). Trên nền tảng nhất tâm (P. ekaggatā), giữ “tầm” thì người tu thiền vượt qua được hôn trầm (P. thina, E. sloth), đang khi trụ vào “tứ” thì vượt qua được thùy miên (P. middha, E. torpor), một trong 5 trói buộc tâm.

tâm chân thật (真實心): Trạng thái tâm thoát khỏi bảy thức giác quan (七轉識), là thể tánh chân chánh và thực hữu, không bị giao động trước mọi hoàn cảnh. Trong Kinh A-hàm, tâm chân thật còn gọi là “bản tế” (本際) hay “như” (如). Kinh Đại thừa mật nghiêm gọi tâm chân thật là Như Lai tạng (如來藏) hay bạch tịnh thức. Tham chiếu: Thành duy thức luận (成唯識論).

tâm hư vọng (虛妄心): Thuật ngữ chỉ cho các hoạt dụng của các thức giác quan gồm nhãn thức (眼識), nhĩ thức (耳識), tỷ thức (鼻識), thiệt thức (舌識), thân thức (身識) và ý thức (意識) vốn do nhân duyên sanh nên phải bị hoại diệt, không phải là pháp chân thật, pháp thường trú. Sống với tâm hư vọng, con người chìm trong khổ đau. Tham chiếu: Du-già sư địa luận (瑜伽師地論) và Thành duy thức luận (成唯識論).

tâm sa ngã (堕落心, đọa lạc tâm): tâm có dục niệm, làm động cơ nghĩ về tính dục, thỏa mãn tính dục bị nghiêm cấm đối với người xuất gia.

tâm sắc (心色): Tức tâm sở y xứ (心所依处), nơi y cứ của tâm. Xem “sắc uẩn”.

tâm xuất gia (心出家): Chỉ cho người người xuất gia thực chất, phát tâm (發心) đi tu, sống trong cửa Phật (佛門) vì lý tưởng lớn, nỗ lực kết thúc phiền não (煩惱), đạt được giải thoát (解脫), cứu độ nhân sinh không mệt mỏi.

tấn phong giáo phẩm Hòa thượng: Hình thức tấn phong giáo phẩm cao nhất đối với các vị Thượng tọa có tối thiếu 60 tuổi đời và 40 tuổi hạ trở lên theo Hiến chương GHPGVN. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, đức Pháp chủ GHPGVN ký quyết định phê chuẩn danh sách tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng đối với các Thượng tọa có đạo hạnh tốt, có công đức và đóng góp với GHPGVN và dân tộc. Tương đương với giáo phẩm Hòa thượng là Ni trưởng.

tấn phong giáo phẩm Ni sư: Hình thức tấn phong giáo phẩm đối với các vị Sư cô có tối thiếu 45 tuổi đời và 25 tuổi hạ trở lên theo Hiến chương GHPGVN. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, đức Pháp chủ GHPGVN ký quyết định phê chuẩn danh sách tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni sư đối với các Sư cô có đạo hạnh tốt, có công đức và đóng góp với GHPGVN và dân tộc. Tương đương với giáo phẩm Ni sư là Thượng tọa.

tấn phong giáo phẩm Ni trưởng: Hình thức tấn phong giáo phẩm cao nhất đối với các vị Ni sư có tối thiếu 60 tuổi đời và 40 tuổi hạ trở lên theo Hiến chương GHPGVN. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, đức Pháp chủ GHPGVN ký quyết định phê chuẩn danh sách tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni trưởng đối với các Ni sư có đạo hạnh tốt, có công đức và đóng góp với GHPGVN và dân tộc. Tương đương với giáo phẩm Ni trưởng là Hòa thượng.

tấn phong giáo phẩm Thượng tọa: Hình thức tấn phong giáo phẩm đối với các vị Đại đức có tối thiếu 45 tuổi đời và 25 tuổi hạ trở lên theo Hiến chương GHPGVN. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, đức Pháp chủ GHPGVN ký quyết định phê chuẩn danh sách tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa đối với các Đại đức có đạo hạnh tốt, có công đức và đóng góp với GHPGVN và dân tộc. Tương đương với giáo phẩm Thượng tọa là Ni sư.

tấn phong giáo phẩm: Thủ tục phê chuẩn, tấn phong hàng giáo phẩm Thượng tọa, Hòa thượng đối với Tăng và Ni sư, Ni trưởng đối với Ni. Thủ tục tấn phong giáo phẩm phải do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN xét duyệt, đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, được Hội nghị Trung ương GHPGVN thông qua và Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc của GHPGVN phê chuẩn tấn phong bằng Nghị quyết Đại hội và Giáo chỉ do Đức Pháp chủ GHPGVN ấn ký. Từ năm 2022, việc tấn phong giáo phẩm được thực hiện trong Hội nghị tổng kết công tác Phật sự cuối năm của Hội đồng Trị sự GHPGVN. Trong trường hợp đặc biệt, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh xem xét phê chuẩn tấn phong Giáo phẩm trước thời hạn trên cơ sở đề nghị của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, trình Đức Pháp chủ GHPGVN ban hành Giáo chỉ tấn phong.

Tân thừa (नवयान, Navayāna): Còn gọi là Phật giáo mới (Neo-Buddhism) hay Phật giáo Ambedkar (Ambedkarite Buddhism) là phong trào Phật giáo mới tại Ấn Độ do  Bhimrao Ramji Ambedkar sáng lập vào ngày 13/10/1956, sáu tuần lễ trước khi ông qua đời. Trong phong trào Phật giáo Dalit tại Ấn Độ thì Tân thừa được xem là nhánh mới của Phật giáo, khác với Phật giáo Thượng tọa bộ, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Kim cương thừa. Tân thừa là cách tái giải thích Phật giáo dưới góc độ của đấu tranh giai cấp (class struggle) và bình đẳng xã hội (social equality) nhằm đề cao nhân phẩm của những người Dalit giai cấp thấp trong xã hội Ấn Độ. Học thuyết căn bản của Phật giáo Tân thừa dựa vào quyển “Đức Phật và Phật pháp” (The Buddha and His Dhamma) của TS. Ambedkar, đặc biệt là 22 lời nguyện dành cho Phật tử Tân thừa do ông sáng lập.

tập chúng kiền-độ (P. Samuccayakkhandhaka, 集众犍度): như “Chủ đề về tập hợp chúng.”

tập chúng kiền-độ (P. Samuccayakkhandhaka, 集眾犍度): như “chủ đề về tập hợp chúng.”

tập chúng tính (S. samudānīta-gotra, 習種性): tính thiện do huân tập trong thời gian lâu dài.

tiền an cư (前安居): như “an cư kỳ trước.”

tiền đường (前堂): Còn gọi là Bái đường (拜堂), hay chùa Hộ (có lẽ do thờ tượng Hộ Pháp), là cấu trúc gian nhà hình chữ nhật như phần phía trước của ngôi chùa chữ Công (工), thường nằm song song và dài hơn nhà Hậu đường (後堂).

tiếng hét (喝): Thủ thuật được các thiền sư sử dụng nhằm giúp thiền sinh tỉnh ngộ (醒悟). Lâm Tế lục (臨濟錄大四七‧五○四上)  nêu ra bốn loại tiếng hét: (i) Hét như bảo kiếm của vua Kim Cang (喝如金剛王寶劍), (ii) Hét như sư tử lông vàng đang ngồi (喝如踞地金毛師子), (iii) Hét như sào dò bóng cỏ (喝如探竿影草), (iv) Hét không có công dụng của tiếng hét (喝不作一喝用). Lâm Tế lục có công án nổi tiếng như sau: “Có một vị tăng hỏi: "Thế nào là đại ý Phật pháp?". Sư liền hét. Tăng lễ bái. Sư nói: "Ông hãy nói tiếng hét ấy tốt hay xấu?" Tăng nói: "Giặc cỏ đại bại". Sư hỏi: "Lỗi ở chỗ nào?" Tăng nói: "Lại còn tái phạm chẳng thể dung tha". Sư liền hét.”

tiếp nhận giới (受戒): (1) Phật tử tại gia tiếp nhận 5 điều đạo đức Phật dạy (五戒), 8 giới (八關齋戒), (2) Người xuất gia tiếp nhận các giới xuất gia, gồm 10 giới (十戒) của Sa-di (沙彌), Sa-di-ni (沙彌尼), Thức-xoa-ma-ni (式叉摩尼戒), Tỳ-kheo (比丘), Tỳ-kheo-ni (比丘尼), (3) Người xuất gia và người tại gia tiếp nhận giới Bồ-tát (菩薩戒).

tiểu đứng (P. Passavamagga): Làm mất oai nghi của người xuất gia, do vậy, Luật Phật quy định người xuất gia nên tiểu ngồi.

tiểu hòa thượng (小和尚): Cách nói nôm na trong dân gian Trung Quốc chỉ cho: (1) Thầy tu nhỏ, (2) Chú tiểu.

Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品): Đối lại với Đại phẩm (Mahāvagga, 大品), là một trong hai phần chính của Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) trong Luật tạng Pali, gồm có 12 chủ đề (kiền-độ, 犍度) như dưới đây: (1) Chủ đề về biểu quyết Tăng đoàn (P. Kammakkhandhaka, 僧伽会议犍度, tăng-già hội nghị kiền-độ), (2) Chủ đề về ở riêng (P. Parivāsakkhandhaka, 别住犍度, biệt trú kiền-độ), (3) Chủ đề về tập hợp chúng (P. Samuccayakkhandhaka, 集众犍度, tập chúng kiền-độ), (4) Chủ đề về dứt tranh chấp (P. Samathakkhandhaka, 灭諍犍度, diệt tránh kiền-độ), (5) Chủ đề hỗn hợp (P. Khuddakavatthukkhandhaka, 杂项犍度, tạp hạng kiền-độ), (6) Chủ đề về trú xứ (P. Senāsanakkhandhaka, 住所犍度, trú sở kiền-độ), (7) Chủ đề về phá hòa hợp Tăng (P. Saṅghabhedakkhandhaka, 破僧犍度, phá tăng kiền-độ), (8) Chủ đề về oia nghi (P. Vattakkhandhaka, 威儀犍度, nghi pháp kiền-độ), (9) Chủ đề về trung chỉ giới (P. Pātimokkhaṭṭhapanakkhandhaka, 中止戒犍度, trung chỉ giới kiền-độ), (10) Chủ đề về Tỳ-kheo-ni (P. Bhikkhunīkhandhaka, 比丘尼犍度, tỳ-kheo-ni kiền-độ), (11) Chủ đề về năm trăm người (P. Pañcasatikakkhandhaka, 五百人犍度, ngũ bách nhân kiền-độ), (12) Chủ đề về bảy trăm người (P. Sattasatikakkhandhaka,七百人犍度, thất bách nhân kiền-độ). Xem từng chủ đề nêu trên trong các mục từ độc lập.

Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX: Sách nhân vật, gồm 3 tập đã xuất bản, 2 tập chưa in, được Thành hội Phật giáo TP.HCM và NXB. Tôn Giáo cấp giấy phép. Ban biên tập gồm có 7 vị, do Thích Đồng Bổn làm chủ biên. Hội đồng Cố vấn gồm 5 thành viên gồm các bậc Tôn túc Giáo phầm và Giáo sư có uy tín. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của các thành viên biên tập viết tiểu sử ở mọi miền đất nước. Tập 1 và tập 2, mỗi tập giới 100 nhân vật là Tăng sĩ và phụ lục 4 nhân vật cư sĩ. Tập 3 có 105 nhân vật và 3 cư sĩ. Ba tập sách đầu phân bổ các nhân vật qua 6 giai đoạn Phật giáo: (i) Giai đoạn tiền chấn hưng (1900-1930), (ii) Giai đoạn chấn hưng Phật giáo Việt Nam (1931-1950), (iii) Giai đoạn thống nhất Phật giáo đầu tiên (1951-1956), (iv) Giai đoạn đất nước bị chia đôi (1957-1974), (v) Giai đoạn thống nhất Phật giáo, (vi) Giai đoạn thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ 2. Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 1 do Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành năm 1995, do HT. Thích Thanh Kiểm viết Lời giới thiệu và ý kiến của Cư sĩ Võ Đình Cường. Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 2 do NXB. Tôn Giáo cấp giấy phép, xuất bản năm 2002, do Thích Đồng Bổn viết lời giới thiệu và Cư sĩ Võ Đình Cường chia sẻ ý kiến. Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 3 do NXB. Tôn Giáo cấp giấy phép, in năm 2015, do Thích Đồng Bổn viết Lời giới thiệu, gồm 105 danh tăng và 3 cư sĩ đóng góp cho Phật giáo Việt Nam. Trong mỗi tập, từng nhân vật đều được ban biên soạn giới thiệu khái quát các thông tin quan trọng gồm danh hiệu, thế danh, ngày sinh, nơi sinh, năm xuất gia, năm thọ giới, sự nghiệp hành đạo ứng với các năm quan trọng của mỗi nhân vật và đóng góp của các nhân vật cho sự phát triển Phật giáo và đất nước Việt Nam. Tác phẩm này dự kiến còn 2 tập sẽ xuất bản trong thời gian tới gồm: Tập 4 giới thiệu các Cư sĩ tiền bối hữu công, tập 5 giới thiệu danh tăng giai thoại. Đây là nguồn tư liệu có giá trị cung cấp thông tin về hành trạng và những đóng góp của 305 danh tăng và nhiều cư sĩ góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX và XXI.

Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX: Sách nhân vật, gồm 3 tập đã xuất bản, 2 tập chưa in, được Thành hội Phật giáo TP.HCM và NXB. Tôn Giáo cấp giấy phép. Ban biên tập gồm có 7 vị, do Thích Đồng Bổn làm chủ biên. Hội đồng Cố vấn gồm 5 thành viên gồm các bậc Tôn túc Giáo phầm và Giáo sư có uy tín. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của các thành viên biên tập viết tiểu sử ở mọi miền đất nước. Tập 1 và tập 2, mỗi tập giới 100 nhân vật là Tăng sĩ và phụ lục 4 nhân vật cư sĩ. Tập 3 có 105 nhân vật và 3 cư sĩ. Ba tập sách đầu phân bổ các nhân vật qua 6 giai đoạn Phật giáo: (i) Giai đoạn tiền chấn hưng (1900-1930), (ii) Giai đoạn chấn hưng Phật giáo Việt Nam (1931-1950), (iii) Giai đoạn thống nhất Phật giáo đầu tiên (1951-1956), (iv) Giai đoạn đất nước bị chia đôi (1957-1974), (v) Giai đoạn thống nhất Phật giáo, (vi) Giai đoạn thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ 2. Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 1 do Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành năm 1995, do HT. Thích Thanh Kiểm viết Lời giới thiệu và ý kiến của Cư sĩ Võ Đình Cường. Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 2 do NXB. Tôn Giáo cấp giấy phép, xuất bản năm 2002, do Thích Đồng Bổn viết lời giới thiệu và Cư sĩ Võ Đình Cường chia sẻ ý kiến. Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 3 do NXB. Tôn Giáo cấp giấy phép, in năm 2015, do Thích Đồng Bổn viết Lời giới thiệu, gồm 105 danh tăng và 3 cư sĩ đóng góp cho Phật giáo Việt Nam. Trong mỗi tập, từng nhân vật đều được ban biên soạn giới thiệu khái quát các thông tin quan trọng gồm danh hiệu, thế danh, ngày sinh, nơi sinh, năm xuất gia, năm thọ giới, sự nghiệp hành đạo ứng với các năm quan trọng của mỗi nhân vật và đóng góp của các nhân vật cho sự phát triển Phật giáo và đất nước Việt Nam. Tác phẩm này dự kiến còn 2 tập sẽ xuất bản trong thời gian tới gồm: Tập 4 giới thiệu các Cư sĩ tiền bối hữu công, tập 5 giới thiệu danh tăng giai thoại. Đây là nguồn tư liệu có giá trị cung cấp thông tin về hành trạng và những đóng góp của 305 danh tăng và nhiều cư sĩ góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX và XXI.

tiểu tiểu giới (小小戒): như “giới nhỏ nhặt.”

tiểu thuyết chương hồi:  Thể loại tác phẩm tự sự dài của Trung Quốc, thịnh hành vời đời Minh và Thanh, miêu tả nhân vật, hoàn cảnh, đói thoại nhằm phản ảnh đời sống xã hội, nhất là đời sống của tầng lớp bình dân thành thị.

tiểu thuyết gia: Tác giả hoặc nhà văn viết tiểu thuyết.

tiểu thuyết ngắn: Văn bản hư cấu, văn xuoi tự sự, dài hơn truyện ngắn, ngắn hơn tiểu thuyết, rất phổ biến ở châu Âu.

tiểu thuyết: Thể loại văn xuôi, mang tính tường thuật, kể chuyện, có tính hư cấu về nhân vật, hoàn cảnh, sự việc nhằm phản ánh bức tranh xã hội và cuộc sống con người.

Tiểu thừa thập bát bộ (小乘十八部, eighteen lesser vehicle schools): => mười tám bộ phái Phật giáo Tiểu thừa.

tín đồ GHPGVN: Những Phật tử đã tiếp nhận ba ngôi tâm linh (quy y Tam bảo), giữ năm điều đạo đức tại các chùa thuộc GHPGVN; tin tưởng Phật pháp, thực hành theo chân lý của đức Phật. Về trách nhiệm đối với bản thân: Tinh tấn học Phật căn bản, tu Phật thông qua các khóa tu tại chùa, nhiệt tình tham gia các Phật sự do GHPGVN các cấp và các tự viện GHPGVN tổ chức. Về trách nhiệm đối với con cháu: Hướng dẫn con cháu làm Phật tử từ nhỏ, huấn luyện nếp sống tự lập, tinh thần kỷ luật cao, bồi dưỡng các phẩm chất và giá trị sống để con cháu có tương lai tươi sáng và hạnh phúc.

tín đồ Phật giáo: Tất cả người Việt Nam và người nước ngoài, bất luận quốc tịch, dân tộc, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, vị trí xã hội, màu da, đã tiếp nhận Ba ngôi tâm linh và năm điều đạo đức.

tin là thật (P. tathāsaññī): niềm tin về sự kiện, sự vật đã diễn ra, đang diễn ra là sự thật.

tín ngưỡng dân gian (folk beliefs, 民間信仰): Hệ thống niềm tin, hành vi về ma thuật, bùa chú, điều cấm kỵ, điềm báo, siêu nhiên và y học dân gian được thể hiện qua phong tục, nghi lễ, ẩm thực, tục ngữ, các bài đồng dao, các bài tường thuật, môi trường nông nghiệp. Nhiều tín ngưỡng dân gian là mê tín.

tín ngưỡng phồn thực (繁榮信念): Niềm tin và khát vọng trong các nền văn hóa nông nghiệp về sự sinh sôi, nảy nở của thế giới tự nhiên và thế giới con người thông qua việc thờ cơ quan sinh dục nam (như linga) hay cơ quan sinh dục nữ (yoni) và hành vi giao phối. Phật giáo cho rằng tín ngưỡng phồn thực là mê tín và do đó không cho phép các Phật tử đi theo tín ngưỡng phồn thực.

tin tưởng(P. vissāsaggāhe): sự tin cậy trong quan hệ giữa người sở hữu và người đương sự rất tốt. Sự tin tưởng có 5 điều kiện: (i) Đối tượng là người tôn kính, (ii) Thân thích, (iii) Người còn sống, (iv) Người đã hứa cho, (v) Xác định sau khi lấy đi phẩm vật, người chủ sở hữu sẽ không giận.

tính biệt (性別): quan hệ tình dục.

tịnh sắc (净色): Gồm nhãn tịnh sắc (眼净色), nhĩ tịnh sắc (耳净色), tĩ tịnh sắc (鼻净色), thiệt tịnh sắc (舌净色) và thân tịnh sắc (身净色). Xem “sắc uẩn”.

tình tiết: Diễn biến của cốt truyện, đơn vị của hành động trong tác phẩm tự sự, kịch nhằm mô tả sự việc xảy ra trong không gian, thời gian có thể xác định.

tĩnh tọa (靜坐): Ngồi yên tĩnh, đồng nghĩa với ngồi thiền.

tịnh thí (P. vikappana, S. vikalpana, 淨施): bố thí trong sạch, còn gọi là tác tịnh (作淨), thuyết tịnh (說淨). Tịnh thí gồm 2 loại: (i) Chân thực tịnh thí (真實淨施) là thí xả đồ vật cho người khác ở giữa Tăng đoàn một cách chân thật, (ii) Triển chuyển tịnh thí (輾轉淨施), sau khi làm biểu quyết, tự cất giữ phẩm vật. cho người khác ở giữa Tăng đoàn, (ii) Triển chuyển tịnh thí (輾轉淨施) là nêu tên người mà mình muốn cúng, tặng hay cho ở giữa Tăng đoàn.

tọa hạ (坐夏): tham dự an cư mùa hè. Xem “an cư mùa mưa.”

tọa hạ an cư (坐夏安居): tham dự an cưa mùa hè. Xem “an cư mùa mưa.”

tòa kim cương (S. vajrāsana): Còn gọi là tòa Phật (Buddha throne), hay tòa tỉnh thức (awakening seat): (1) Biểu tượng cho Bồ-đề Đạo tràng (bodhimanda), nơi đức Phật ngồi tu thiền, đạt được giác ngộ hoàn toàn tại Bồ-đề Đạo tràng; (2) Biểu tượng cho đức Phật, bậc giác ngộ toàn mãn.

tọa lạp (坐臘): như “an cư mùa mưa.”

tòa truyền giới Kalyani (P.Kalyāṇī Sīmā, E. Kalyani Ordination Hall): Tòa truyền giới Kalyani tọa lạc tại Bago, Miến-điện, là điểm hành hương nổi tiếng, trong đó có sắc chỉ Kalyani gồm 10 trị đá sa thạch bằng tiếng Pali và Mon được khắc vào năm 1480, giới thiệu khái quát về lịch sử Phật giáo Thượng tọa bộ trong giai đoạn đó. Trong triều đại Hanthawaddy, tòa truyền giới này có 9 tòa lớn và 107 nhà nhỏ. Quân xăm lược Thổ-nhỉ-kỳ đốc cấu trúc của tòa này vào năm 1599 và vua Alaungpaya trong lúc xăm lược đã phá hủy tòa này vào năm 1757. Tòa này bị động đất phá hủy năm 1930 và được trùng tu vào năm 1954.

tọa vong (坐忘): Cách ngồi thiền Đạo gia (道家) Trung Quốc, theo đó, tâm trở nên bất động (心不动), quên thân hình (形都泯), siêu việt tự ngã (超越自我), đạt cảnh giới hoàn mỹ (完美境界).

(P. Sappiṃ, 酥): bơ loãng.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc: Viết tắt là UNESCO (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization): Tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc có mục đích “thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa nhằm đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người, bất luận chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo.” Hiện nay, UNESCO có 195 quốc gia thành viên và 9 quan sát viên, đặt trụ sở tại Paris, Pháp và có hơn 50 văn phòng trên thế giới.

Tổ chức quần chúng Phật giáo Ấn Độ: Tên tiếng Anh là “Indian Buddhist People's Organisation” (Bharatiya Bauddha Janasangh) do tiến sĩ Ambedkar thành lập vào năm 1951 và được đổi tên thành “Hiệp hội Phật giáo Ấn Độ”(Buddhist Society of India) vào năm 1955.

tổ chức tôn giáo: Hội đoàn tôn giáo có chức năng tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo, được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.

Tổ sư (祖師): (1)  Cao tăng (高僧) là người khai sáng (開創者) tông phái (宗派), giáo phái (教派), hệ phái (係派) Phật giáo, (2)  Tăng sĩ có công khai sáng ngôi chùa (寺廟開創者) mà về sau có nhiều chùa chi nhánh và có ảnh hưởng lớn và có đóng góp lớn, (3)  Tăng sĩ là người thừa kế (繼承者) có tầm ảnh hưởng trong dòng truyền thừa Phật giáo, (4)  Trong thiền tông Trung Quốc, khái niệm “Tổ sư” thường chỉ cho Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma (Bodhidharma, 菩提達摩祖師, 328-536?). Ví dụ câu nổi tiếng: “Thế nào là ý nghĩa “Tổ sư” đến từ Ấn Độ?” (如何是『祖師』西來意?).

tội hành nghề mê tín, dị đoan: Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, di đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ.

tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất bị phạt từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

tội phạm ít nghiêm trọng: Tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

tội phạm nghiêm trọng: Tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội mà mức cao nhất là bị phạt trên 03 năm tù đến 07 năm tù.

tội phạm rất nghiêm trọng: Tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất bị phạt từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.

tội phạm: Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách có ý thức hoặc vô ý, mà theo quy định của Bộ luật hình sự phải bị xử lý hình sự.

tôn giả (尊者): (1) Người tôn quý (尊貴者), người đáng kính (可敬者), tương đương chữ “Bhante” hay “Bhadanta” trong Pali, hoặc chữ “bhavantaḥ” trong Sanskrit, vốn là từ trung tính về giới tính (gender-neutral term) chỉ cho Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đáng tôn kính, (2) Người đã chứng quả thánh nhân (證果聖人), (3) Trong cách dùng từ Phật giáo Trung Quốc, chữ “tôn giả” là từ tôn xưng đối với các bậc Cao tăng (高僧), Đại đức (大德), Đại sư (大師), Thượng nhân (上人), Thượng sư (上師), chân nhân (真人), Lạt-ma (喇嘛) hay A-xà-lê (阿闍梨).

tôn giáo (religions, 宗敎): Hệ thống tín ngưỡng, đức tin, tín lý, thờ phượng, sùng bái, nghi lễ, tục lệ và cách hành trì thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, đạo đức quan và giá trị quan thông qua thượng đế, thần linh, kinh sách, mặc khải, tính thiêng liêng, thánh địa, yếu tố siêu nhiên, siêu nhân. Bên cạnh các tôn giáo lớn như Phật giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo, Ấn-độ giáo, thế giới con người có hàng ngàn tôn giáo khác nhau bao gồm các tôn giáo dân gian, tôn giáo hữu thần, tôn giáo vô thần, tôn giáo nhất thần, tôn giáo đa thần, tôn giáo mê tín, tôn giáo chánh tín. Về bản chất, Phật giáo là tôn giáo vô thần, phủ định sự sáng thế của thượng đế và không tin vào sự ban phước giáng họa của thần linh.

tôn giáo dân gian (folk religion): Tín ngưỡng phổ biến bao gồm các phong tục tôn giáo dân tộc hoặc tôn giáo khu vực gắn liền với một tôn giáo, nhưng nằm ngoài học thuyết và sự thực hành chính thức của tôn giáo đó.

tôn giáo khác: Dịch thoát nghĩa của từ “ngoại đạo” (S. tirthika, P. titthiya, 外道), chỉ chung các trường phái tôn giáo vô thần, tôn giáo hữu thần (nhất thần giáo, đa thần giáo). Trong thời đức Phật, sáu phái tôn giáo (六師外道,lục sư ngoại đạo) là đại diện tiêu biểu cho các tôn giáo khác, mà trong Kinh Trường bộ mô tả có nhiều cuộc đối thoại liên tôn giáo, liên triết học giữa đức Phật và đạo sư của các trường phái tôn giáo khác.

tổn hại đức hạnh cư sĩ (P. kuladūsako, 敗壞居士德行): các hành động làm tổn hại phẩm chất, uy tín của người cư sĩ chân chánh.  Thiện kiến luật Tỳ-ba-sa, 770b15 giải thích đó là những hành động của người xuất gia ra lệnh cư sĩ trồng hoa, đào ao, kết hoa man, tặng hoa hoặc trái cây cho người cư sĩ, chẳng những không đúng mà còn liên lụy người tại gia làm việc sai.

Tôn sư (尊師 hoặc 宗師): (1) Bậc thầy khả kính, bậc thầy được tôn sùng, tương đương chữ “guru” trong Sanskrit, thường được dịch là “thượng sư” (上師) hay “đạo sư” (道師). Còn đọc là “Tông sư” (宗師), trong đó, “tôn” hay “tông” (宗) chỉ cho “được tôn sùng” (尊崇), kính ngưỡng (敬仰), (2) Trong Đạo giáo (道教) và Nho giáo (儒家), chữ “Tôn sư” (宗師) còn gọi là “Đại tôn sư” (大宗師) chỉ cho bậc đạt được quả vị “chân nhân” (真人).

tông Dương Kỳ (楊岐宗): Còn gọi là phái Dương Kỳ (楊岐), do thiền sư Dương Kỳ Phương Hội (楊岐方会) sáng lập tại chùa Phổ Thông (普通寺) vào năm 1041. Đây là một trong hai chi phái của tông Lâm Tế (臨濟宗), thuộc ngũ gia thất phái (五家七派) của thiền tông Trung Quốc. Tông còn lại là tông Hoàng Long (黄龍宗). Vào đời Nam Tống, Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) chuyển sang chủ trương “thiền thoại đầu” (話頭禪), trở thành dòng thiền chủ lưu thời đó. Vào năm 1246, thiền sư Lan Khê Đạo Long (蘭溪道隆) truyền tông Dương Kỳ vào Nhật Bản, trở thành một tông lớn trong Phật giáo Nhật Bản. Xem “tông Lâm Tế”.

tông Hoa Nghiêm (華嚴宗): Một trong mười tông phái Phật giáo Trung Quốc, do quốc sư Hiền Thủ Pháp Tạng (賢首法藏, 643-712) sáng lập vào thế kỷ 7 nên tông này còn gọi là tông Hiền Thủ (賢首宗), mặc dù thuyết bảy tổ cho rằng Bồ-tát Long Thọ (龙树菩萨) là sơ tổ. Vì tông Hoa Nghiêm dựa vào Kinh Hoa Nghiêm (華嚴经) mà tông chỉ là “duyên khởi của pháp giới” (法界緣起) nên còn gọi là tông Pháp Giới (法界宗). Dựa vào Kinh Hoa Nghiêm và theo cách phán giáo (判教), tổ Hiền Thủ chia giáo pháp thành năm giáo (五教) gồm Tiểu thừa giáo (小乘教), Đại thừa thủy giáo (大乘始教), Đại thừa chung giáo (大乘終教), đốn giáo (頓教) và viên giáo (圓教). Tông Hoa Nghiêm cho rằng pháp giới (S. dharmadhātu, 法界) của mọi sự vật, hiện tượng đều bình đẳng, đồng nhất trong mối quan hệ tương dung, cho nên một và tất cả cùng có mặt đồng thời, tương nhiếp và bao hàm nhau. Cũng như con sử bằng vàng nên mọi bộ phận của con sư tử chính là vàng. Mỗi sự vật đều có 6 đặc tướng với 3 cặp gồm toàn thể và riêng biệt, giống nhau và khác biệt, hòa nhập và riêng tư. Lý (理) và sự (事) tương tác sinh ra toàn thể vạn vật. Ngoài thuyết “pháp giới duyên khởi”, Kinh Hoa Nghiêm còn chủ trương ba quán về pháp giới (法界三观), bốn pháp giới (四法界), sáu tướng viên dung (六相圓融) và mười huyền môn (十玄門). Về lịch sử truyền thừa, có hai thuyết về các tổ của tông Hoa Nghiêm. Thuyết năm tổ gồm có tổ Đỗ Thuận (杜順, 557-640), tổ Trí Nghiêm (智嚴, 602-668), tổ Pháp Tạng (法藏, 643-712), tổ Trừng Quán (澄觀, 738-839) và tổ Tông Mật (宗密, 780-841). Thuyết bảy tổ cho rằng trước tổ Đỗ Thuận còn có tổ Mã Minh (Aśvaghoṣa, 馬鳴, Tk 2) và tổ Long Thọ (Nāgārjuna, 龍樹, khoảng 150-250). Tổ Thanh Lương Trừng Quán (清涼澄觀, 737-820) được người Trung Quốc xem là hiện thân của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Tổ Nghĩa Sương (義湘) truyền tông Hoa Nghiêm vào Triều Tiên (lúc đó gọi là Tân La 新羅) vào năm 671. Tổ Thẩm Tường (審祥) truyền tông Hoa Nghiêm vào Nhật Bản vào khoảng năm 736 (có thuyết nói năm 740). Tại Trung Quốc, tổ đình tông Hoa Nghiêm gồm chùa Hoa Nghiêm ở Thiểm Tây (陝西華嚴寺), chùa Huệ Nhân ở Hàng Châu (杭州慧因寺), chùa Chí Tướng ở núi Chung Nam (终南山至相寺) và chùa Hiển Thông ở núi Ngũ Đài (五台山顯通寺). Xem “pháp giới duyên khởi”, “ba quán về pháp giới”, “bốn pháp giới”, “sáu tướng viên dung” và “mười huyền môn”.

tông Hoa Nghiêm Cao Ly (高麗華嚴宗): Còn gọi là tông Viên Dung (圓融宗) chia làm hai phái: (i) tông Hải Đông (海東宗)do tổ Nguyên Hiểu (元曉) thành lập tại chùa Phấn Hoàng (芬皇寺) ở Tân La Khánh Châu (新羅慶州), (ii) tông Phù Thạch (浮石宗) do tổ Nghĩa Sương (義湘), đệ tử đắc pháp của tổ Trí Nghiêm (智儼) thành lập tại chùa Phù Thạch (浮石寺).Tổ Quân Như (均如,923-973) làm tọa thủ của đại Hoa Nghiêm (大華嚴首座) trong thời đại Quang Tông (光宗) .

tông Hoa Nghiêm Nhật Bản (日本華嚴宗, J. kegon-shū): Được tổ Thẩm Tường (審祥) ở Tân La (新罗) sau khi học với tổ Pháp Tạng (法藏) truyền vào Nhật Bản vào năm 736. Lương Biện (良辨, J. roben, 689-772) là sơ tổ của tông này tại Nhật Bản. Thánh Vũ Thiên hoàng (J. shōmu tenno, 724-748) nỗ lực quản trị nước Nhật theo nguyên lý của tông Hoa nghiêm. Chùa Đông Đại ở Nại Lương (奈良東大寺) được Thánh Vũ xây dựng đã trở thành trụ sở của tông Hoa nghiêm nên được đổi tên thành chùa Hoa Nghiêm.

tông Hoàng Long (黄龍宗): Còn gọi là phái Hoàng Long (黃龍派), do thiền sư Hoàng Long Huệ Nam (黃龍慧南) sáng lập tại Sùng Ân viện (崇恩院), Giang Tây, vào năm 1036, là một trong hai chi phái của tông Lâm Tế (臨濟宗), thuộc ngũ gia thất phái (五家七派) của thiền tông Trung Quốc. Tông còn lại là tông Dương Kỳ (楊岐宗). Xem “thiền Lâm Tế”.

tông Hồng Châu (洪州宗): Còn gọi là thiền Hồng Châu (洪州禪), do thiền sư Hồng Châu Đạo Nhất (洪州道一) tức Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一) thành lập vào giữa thế kỷ 8. Tông Hồng Châu là một trong hai phái thiền chính của thiền tông đời Đường, Trung Quốc (phái còn lại là tông Thạch Đầu (石頭宗), từ đó, khai sanh ra tông Lâm Tế (臨濟宗) và tông Quy Ngưỡng (溈仰宗). Tông Lâm Tế về sau khai sanh ra tông Dương Kỳ (楊岐宗) và tông Hoàng Long (黄龍宗). Tông Hồng Châu chủ trương “tức tâm tức Phật” (即心即佛), nhấn mạnh “tâm bình thường là đạo” (平常心是道), do vậy, tất cả sự khởi tâm, chớp mắt, nhướng mi và sinh hoạt thường nhật đều hiển hiện Phật tánh (一切之起心动念、扬眉瞬目等日常生活皆是佛性之显现).

tông Lâm Tế (臨濟宗): Dòng thiền chủ lưu trong “ngũ gia thất tông” của thiền tông Trung Quốc, do thiền sư Lâm Tế nghĩa Huyền (臨濟義玄) sáng lập vào thế kỷ 9. Kế thừa 33 năm học pháp với thiền sư Hoàng Bá Hy Vận (黄蘗希运), thiền sư Lâm Tế có công truyền bá tông chỉ mới của thầy mình “lấy bát-nhã làm gốc, lấy tánh không nhiếp hữu, hữu và không dung nhiếp nhau” (般若为本、以空摄有、空有相融). Thiền sư Lâm Tế dạy các thiền sinh cần đạt được kiến giải chân chánh (真正见解), cần tự tin rằng tánh Phật (佛性) của Phật Thích Ca và bản thân vốn không khác, do vậy, không cần hướng ngoại cầu Phật, cầu tổ, cầu giải thoát thành Phật (无向外求佛求祖求解脱成佛). Việc hành thiền và tu tập của tông Lâm Tế không tách rời khỏi sinh hoạt thường nhật (修行不离日常生活). Chủ trương của tông Lâm Tế là “lấy tâm ấn tâm” (以心印心) vì tâm Phật và tâm mình không khác (心心不異). Phương pháp tu của thiền Lâm Tế bao gồm tham thiền công án, sử dụng tứ liệu giản để phá chấp và chủ thể và khách thể, nương vào tam huyền tam yếu để vượt lên nhị nguyên, đồng thời, thừa kế thủ thuật “đánh, hét” của thiền sư Mã Tổ để khai ngộ các thiền sinh. Về sau, tông Lâm Tế tách ra thành hai tông khác là tông Dương Kỳ (楊岐宗), còn gọi là phái Dương Kỳ (楊岐) và tông Hoàng Long (黄龍宗), còn gọi là phái Hoàng Long (黃龍派). Xem “tông Dương Kỳ” và “tông Hoàng Long”.

tông Luật Nhật Bản (日本律宗): Do luật sư Giám Chân (鑒真, J. Ganjin) truyền vào Nhật Bản năm 745. Để nghiên cứu và phát triển tông Luật tại Nhật Bản, tổ Giám Chân thành lập giới đàn tại Đông Tự (東寺, Tō-ji), Dược Sư tự (藥師寺, Yakushi-ji), Quan Thế Âm tự (觀世音寺, Kanzeon-ji). Về sau, tông Luật tại Nhật Bản phân phái thành hai tông: (i) Bắc Kinh Luật (北京律) ở chùa Tuyền Dũng (泉涌寺, Senjū-ji) do tổ Tuấn Nhưng (俊芿, Shunjō) và tổ Đàm Chiếu (曇照, Donshō) thành lập, (ii) Nam Kinh Luật (南京律) do tổ Giác Thạnh thành lập. Hiện nay, Đường Chiêu Đề tự là trụ sở của tông Luật Nhật Bản, đang khi chùa Tây Đại (西大寺, Saidai-ji) là trụ sở của Chân Ngôn Luật Tông (眞言律宗).

tông Luật (律宗, J. Ris-shū): Tông lấy giới luật của đức Phật làm tông chỉ. Một trong mười tông phái Phật giáo Trung Quốc, do luật sư Đạo Tuyên (道宣, 596-667) thành lập ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 7, dựa vào Luật tạng của đức Phật, đề cao sự nghiên cứu và hành trì giới luật làm phương châm giải thoát theo tinh thần của Luật tứ phần (四分律). Tại Trung Quốc, chỉ bốn bộ luật được truyền bá rộng rãi và trở thành bốn tông luật gồm: (i) Luật tứ phần (四分律) của thuộc Pháp Tạng bộ (法藏部), (ii) Luật ngũ phần (五分律) của Hóa Địa bộ (化地部), (iii) Luật thập tụng (十頌律) của Thuyết nhất thiết hữu bộ (说一切有部) và (iv) Luật Tăng-kỳ (摩訶僧祇律) của Đại chúng bộ (大众部). Từ vị trí phát triển mạnh nhất tại Trung Quốc, Luật tứ phần phân thành ba trường phái luật gồm (i) Tông Tướng Bộ (相部宗) do tổ Pháp Lệ (法礪, 560-635) thành lập, (ii) Tông Nam Sơn (南山宗) do tổ Đạo Tuyên (道宣, 596-667) thành lập, (iii) Tông Đông Tháp (東塔宗) do tổ Hoài Tố (懷素, 624-697) thành lập. Tông Luật tại Trung Quốc được luật sư Giám Chân (鑒真, J. Ganjin) truyền vào Nhật Bản năm 745 và nhanh chóng trở thành tông phái lớn ở Nam Đô.

tông Ngưu Đầu (牛頭宗): Một tông phái thiền của Phật giáo Trung Quốc, tách ra từ tông Tam luận (三論宗) vào thế kỷ 6-7, chịu ảnh hưởng ít nhiều của tông Thiên Thai (天台宗). Phái này đặt tên theo núi Ngưu đầu tức núi đầu trâu (牛頭山), bắt đầu từ đại sư Pháp Dung (法融) cho đến tổ thứ tư là Đạo Tín Pháp Từ (道信法嗣). Tông chỉ của tông này xem “các vận động phân biệt hằng ngày đều là hư vọng” (日常分别动作皆虚妄), “tất cả như giấc mộng” (一切皆如梦) và “xưa nay vô sự” (本来无事). Theo tông Ngưu Đầu, mục đích của tu thiền để “đắc trí tuệ tự nhiên” (得自然智慧) hướng “đến đường giác ngộ vô thượng” (無上覺路).

tông Pháp Nhãn (法眼宗): Dòng thiền sớm nhất trong ngũ gia thất tông (五家七宗) tại Trung Quốc, do Pháp Nhãn Văn Ích (法眼文益) khai sáng. Trong thời kỳ Nam Đường (南唐) và Ngô Việt (吳越), tông Pháp Nhãn phát triển mạnh. Thời Tống Sơ (宋初), truyền đến thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (永明延壽) thì tông Pháp Nhãn phát triển cực thịnh. Tác phẩm Tông kính lục (宗鏡錄, 100 quyển) của thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (永 明 延 壽) thể hiện tính dung hợp giữa thiền với tịnh độ, đang khi trước đó, quốc sư Thiên Thai Đức Thiều chủ trương dung hợp tư tưởng tông Thiên Thai với thiền tông. Tinh thần dung hợp đã làm cho tông Pháp Nhãn tiếp thu tông chỉ “nhị nhập tứ hạnh” (二入四行) của tổ Bồ-đề Đạt-ma, tinh thần “vô sở trụ” (无所住) của tổ Huệ Năng, chủ trương “uống trà đi” (吃茶去) của thiền sư Triệu Châu, nhìn thấy “tâm tánh bình đẳng” (心性平等), không rơi vào chấp thủ (不落偏执). Tác phẩm đặc sắc của tông Pháp Nhãn là Cảnh Đức truyền đăng lục (景德傳燈錄), 30 quyển, do thiền sư Vĩnh An Đạo Nguyên (永安道原)  biên tập. Chịu ảnh hưởng từ Kinh Hoa Nghiêm (华严经), thiền sư Pháp Nhãn phân tích sự vật qua 6 tướng (六相義) gồm Tổng (總), biệt (別), đồng (同), dị (異), thành (成), hoại (壞), theo đó, hướng dẫn thiền sinh vượt lên trên ngôn thuyết, không kẹt vào sự và lý: “Tuyệt tất cả danh từ, vạn tượng không sự lý”.

tông Phổ Hóa (J. ふけしゅう, C. 普化宗): Còn gọi là tông Hư Vô (J. こむしゅう, C. 虛無宗), là một tông phái của thiền Phật giáo Nhật Bản, do thiền sư Phổ Hóa (普化) khai sáng, thường được xem là một chi phái của tông Lâm Tế (臨濟宗). Năm 1254, tông Phổ Hóa được bốn vị cư sĩ gồm Bảo Phục (寶伏), Quốc Tá (國佐), Lý Chánh (理正) và Tăng Thứ (僧恕) nỗ lực truyền bá, phái triển thành một số chi phái. Đến thời đại Giang Hộ (江戶), tông Phổ Hóa trở thành tông phái đặc thù với giáo đoàn Hư Vô tăng (虛無僧) vừa tu thiền vừa hành khất, không có tín đồ, không làm pháp sự tang lễ cho người tại gia. Đến thời Minh Trị Duy Tân (明治維新), tông Phổ Hóa bị chính phủ Minh Trị giải thể, phế tông nên Chùa Nhất Nguyệt (一月寺) trở thành tự viện của Nhật Liên chánh tông. Thời hậu chiến, Chùa Phổ Minh (明暗寺) của Phổ Hóa chánh tông tại Kinh Đô lại được trùng hưng đến nay.

tông Quy Ngưỡng (沩仰宗): Một trong năm phái của thiền tông Trung Quốc, tách ra từ tông Hồng Châu (洪州宗), do thiền sư Quy Sơn Linh Hựu (沩山灵祐) và đệ tử là thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (仰山慧寂) sáng lập vào năm 842. Tông này có ảnh hưởng lớn đối với tông Lâm Tế (臨濟宗) và cách tu thiền theo mười tranh chăn trâu. Cách hướng dẫn của tông này là dùng các biểu tượng trong 97 vòng tròn để khai ngộ thiền sinh, đạt được “phương viên mặc khế” tức khế hợp trọn vẹn một cách lặng lẽ, nhận chân “lý sự như như”, khai mở trí tuệ, hướng đến cảnh giới tự tại vô ngại, minh tâm, kiến tánh để thành Phật.

tông Tào Động (曹洞宗): Một trong năm tông thiền (ngũ gia thất tông) quan trọng Trung Quốc, do Động Sơn Lương Giới (洞山良价) và Tào Sơn Bổn Tịch (曹山本寂) khai sáng vào đời Đường. Khi truyền đến đời của thiền sư Hoằng Trí Chánh Giác (宏智正覺) lập nên thiền mặc chiếu (默照禪), đang khi thiền sư Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) lập nên thiền khán thoại đầu (話頭禪), được hậu thế xem là hai lưu phái lớn của thiền tông. Giả thuyết về xuất xứ tên gọi của tông Tào Động cho rằng chữ “Tào Động” là do ghép chữ “Tào” (曹) trong Tào Khê Huệ Năng (曹溪惠能) với chữ “Động” (洞) trong “Động Sơn Lương Giới” (洞山良价). Thuyết thứ hai cho rằng do lấy chữ “Tào” (曹) trong Tào Sơn Bổn Tịch (曹山本寂) và chữ “Động” (洞) trong “Động Sơn Lương Giới” (洞山良价) mà có tên gọi “tông Tào Động”. Tông chỉ của tông Tào Động dùng các thuyết “ngũ vị hiển quyết” và “ngũ vị quân thần” (五位君臣) còn gọi là “Động Sơn ngũ vị” (洞山五位), ba loại sấm đậu để khai ngộ thiền sinh. Xem “ngũ vị quân thần”, “ngũ vị hiển quyết”, “ba loại sấm đậu”.

tông Tào Khê (曹溪宗): Xem “thiền Tào Khê”.

tông Tào Khê Phật giáo Đại Hàn (K. 대한불교조계종, C.大韓佛敎曹溪宗): Tiếng Anh dịch là “Jogye Order of Korean Buddhism”, viết tắt trong tiếng Anh là “Jogye Order”, thường được biết tại Hàn quốc là tông Tào Khê (曹溪宗) . Tông Tào Khê hiện là tông phái Phật giáo lớn nhất tại Hàn quốc, đặt trụ sở tại Chùa Tào Khê (曹溪寺) tại Seoul, có 24 ngôi chùa chính (head temples) cùng điều hành và quản lý hệ thống hơn 1700 ngôi chùa, hơn 10,000 tăng, ni thuộc tông này tại các quận trên toàn Hàn quốc. Tông Tào Khê này khởi nguyên từ tông Tào Khê của tổ thứ sáu Huệ Năng (六祖惠能) tại Trung Quốc, được thiền sư Trí Nột (知訥) truyền vào Hàn quốc trong thời đại Thống Nhất Tân La (統一新羅,Later Silla) đến nay đã có hơn 1200 năm truyền thừa. Vào ngày 11-4-1962, tông Tào Khê Phật giáo Đại Hàn (Jogye Order of Korean Buddhism) mới chính thức được thành lập tại Seoul với ba mục đích: (i) Đào tạo và giáo dục, (ii) Phiên dịch kinh điển Hán cổ ra tiếng Hàn hiện đại, (iii) Truyền bá Phật giáo. Xem “thiền Tào Khê”.

tông Thạch Đầu (石頭宗): Còn gọi là thiền Thạch Đầu (石頭禪), là một trong hai phái thiền chính trong đời Đường, Trung Quốc, do thầy trò thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư (青原行思) và thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên (石頭希遷) khai sáng. Về sau, tông Thạch Đầu khai sanh ra ba tông thiền khác là tông Vân Môn (雲門宗), tông Pháp Nhãn (法眼宗) và tông Tào Động (曹洞宗). Tên gọi Thạch Đầu (石頭) của tông thiền này bắt nguồn từ sự tích thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên từng tu trong lều tranh trên tảng đá lớn tại Nam Nhạc (南嶽) nên người địa phương gọi ngài là Hòa thượng Thạch Đầu (石頭和尚), vì thế, tông thiền do thiền sư Hy Thiên sáng lập được gọi là tông Thạch Đầu. Tông chỉ của tông Thạch Đầu nhấn mạnh “bản thể vô thướng, tức thể tức dụng” (本體無相,即休即用), khởi xướng cách tu “tùy thuận tự nhiên” (隨順自然), đồng thời cho rằng “tâm thể thiêng liêng, sáng tỏ, viên mãn tự nhiên” (心體靈昭,湛然圓滿).

Tổng ủy viên: Chức danh của GHPGVNTN có nhiệm vụ điều hành các hoạt động của một Tổng vụ. Về sau, đổi thành Tổng vụ trưởng.

tông Vân Môn (雲門宗): Một trong ngũ gia thất tông (五家七宗) của thiền tông Trung Quốc, do thiền sư Vân Môn Văn Yển (雲門文偃), pháp tử của thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn (雪峰義存) sáng lập vào năm 930. Tông này phát triển vào thời Hậu Đường và cực thịnh vào thời Bắc Tống. Về nguồn gốc, tông Vân Môn phát nguyên từ thiền Thạch Đầu (石頭禪). Thuyết khác cho rằng tông Vân Môn là môn hạ của tông Hồng Châu (洪州宗). Từ tông Vân Môn, một nhánh khách truyền cho Huyền Sa Sư Bị (玄沙師備), La Hán Quế Sâm (羅漢桂琛), Pháp Nhãn Văn Ích (法眼文益) lập nên tông Pháp Nhãn (法眼宗). Thiền lý của tông Vân Môn là “hàm cái tiệt lưu” (函盖截流), giống như dòng sông chảy gấp bổng dừng lại, tức “dứt sạch các dòng chảy” (截断众流) của sanh tử. Tông chỉ của tông Vân Môn là “bát yếu” (八要). Công án nổi tiếng nhất của thiền sư Vân Môn là “gậy chống Vân Môn hóa rồng” (云门拄杖化为龙) hay “gậy chống Vân Môn” (云门拄杖) được ghi trong Bích nham lục, công án 60 (碧岩录第六十则) như sau: “Vân Môn dùng gậy chống dạy đại chúng rằng: “Cây gậy chống hóa thành rồng, nuốt trọn càn khôn thì đại địa, núi, sông từ đâu mà có?” (拄杖子化为龙,吞却乾坤了也,山河大地甚处得来?). Công án này đề cao diệu dụng của tự tại (自在), giúp thiền sinh nhận chân được đại địa, núi, sông không khác với tự thân của mỗi người, nhờ đó được khai ngộ. Tham chiếu: Cảnh Đức truyền đăng lục (景德传灯录卷十九), Tục truyền đăng lục (续传灯录卷二), Ngũ đăng hội nguyên (五灯会元卷十五), Ngũ gia tông chỉ toản yếu (五家宗旨纂要卷下). Xem “tám trọng yếu”.

Tổng vụ Cư sĩ: Một trong chín Tổng vụ của GHPGVNTN điều hành toàn bộ hoạt động cư sĩ Phật tử gồm có: (i) Phật tử chuyên nghiệp vụ, (ii) Phật tử sắc tộc vụ, (iii) Thiện tín vụ.

Tổng vụ Giáo dục: Một trong chín Tổng vụ của GHPGVNTN điều hành toàn bộ hoạt động giáo dục Phật học và thế học gồm có: (i) Phật học vụ, (ii) Giáo dục vụ.

Tổng vụ Hoằng pháp: Một trong chín Tổng vụ của GHPGVNTN điều hành toàn bộ hoạt động hoằng pháp của Tăng Ni cho người tại gia gồm có: (i) Trước tác, phiên dịch vụ, (ii) Truyền bá vụ, (iii) Kiểm duyệt vụ.

Tổng vụ Kiến thiết: Một trong chín Tổng vụ của GHPGVNTN điều hành toàn bộ hoạt động xây dựng, trùng tu các tự viện Phật giáo gồm có: (i) Thiết kế vụ, (ii) Kiến tạo vụ.

Tổng vụ Tài chánh: Một trong chín Tổng vụ của GHPGVNTN điều hành toàn bộ hoạt động kinh tế, hỗ trợ các hoạt động của giáo hội gồm: (i) Phát triển kinh tế vụ, (ii) Bất động sản quản trị vụ, (iii) Động sản quản trị vụ.

Tổng vụ Tăng sự: Một trong chín Tổng vụ của GHPGVNTN điều hành toàn bộ hoạt động tăng sự của Tăng bộ và Ni bộ gồm có: (i) Tăng bộ Bắc tông vụ, (ii) Tăng bộ Nam tông vụ, (iii) Ni bộ Bắc tông vụ (y chỉ Tăng bộ Bắc tông), (iv) Ni bộ Nam tông vụ (y chỉ Tăng bộ Nam tông).

Tổng vụ Thanh niên: Một trong chín Tổng vụ của GHPGVNTN điều hành toàn bộ hoạt động về thanh thiếu niên gồm có: (i) Gia đình Phật tử vụ, (ii) Sinh viên Phật tử vụ, (iii) Học sinh Phật tử vụ, (iv) Thanh niên Phật tử vụ, (v) Hướng đạo Phật tử vụ, (vi) Thanh niên Phật tử thiện chí vụ.

Tổng vụ trưởng: Người đứng đầu một Tổng vụ của GHPGVNTN, có nhiệm vụ điều hành tổng quát toàn bộ các hoạt động của một Tổng vụ GHPGVNTN. Tổng vụ trưởng điều hành công việc của Tổng vụ, mời 1–2 Phó Tổng vụ trưởng và thiết lập Văn phòng của Tổng vụ với sự chấp thuận của Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo. Mỗi Tổng vụ có các Vụ và mỗi Vụ do Vụ trưởng trông coi. Các Vụ trưởng do Tổng Vụ trưởng đề cử và do ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo chấp thuận. Phó Tổng vụ trưởng và các Vụ trưởng có thể là Tăng sĩ hay cư sĩ.

Tổng vụ Văn hóa: Một trong chín Tổng vụ của GHPGVNTN điều hành toàn bộ hoạt động văn hóa Phật giáo gồm có: (i) Văn mỹ nghệ vụ, (ii) Lễ nhạc vụ.

Tổng vụ Xã hội: Một trong chín Tổng vụ của GHPGVNTN điều hành toàn bộ hoạt động xã hội, từ thiện, y tế và huấn nghiệp gồm có: (i) Từ thiện vụ, (ii) Y tế vụ, (iii) Huấn nghiệp vụ.

Tổng vụ: Ban trung ương, điều hành các hoạt động Phật sự chuyên trách của GHPGVNTN gồm có 9 tổng vụ: (i) Tổng vụ Tăng sự, (ii) Tổng vụ Hoằng pháp, (iii) Tổng vụ Văn hóa, (iv) Tổng vụ Giáo dục, (v) Tổng vụ Cư sĩ, (vi) Tổng vụ Xã hội, (vii) Tổng vụ Thanh niên, (viii) Tổng vụ Tài chánh, (ix) Tổng vụ Kiến thiết.

tu nữ (修女): Thuật ngữ Phật giáo Nguyên thủy chỉ cho người xuất gia nữ (女性出家人) đang tu tập và làm Phật sự trong chùa, chỉ tiếp nhận giới Sa-di-ni (沙彌尼) hoặc 8 giới quan trai, nhưng không được thọ giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼) như trong thời đức Phật.

tu sĩ Phật giáo (佛教修士): Chỉ cho người xuất gia(出家人) theo Phật giáo, bao gồm người  (男性出家人) đã tiếp nhận giới Sa-di (沙彌戒), giới Tỳ-kheo (比丘戒) và người xuất gia nữ (女性出家人) đã tiếp nhận giới Sa-di-ni (沙彌尼戒), giới Thức-xoa-ma-na (式叉摩那戒), giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒).

tục ngữ: Những câu nói dân gian ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, có vần (vần liền, vần cách), hình ảnh, thể hiện kinh nghiệm của nhân nhân về tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội, được sử dụng trong đời sống, suy nghĩ và ngôn ngữ nói hằng ngày. Một câu tục ngữ thường có nghĩa đen và nghĩa bóng, được đúc kết, khái quát hóa thành những phương châm và chân lý tương đối.

túc số tối thiểu của họp Tăng đoàn: Quy định của đức Phật ghi trong “chủ đề về nước Chiêm-ba” (瞻波犍度, Campeyyakkhandhaka) thuộc Đại phẩm (Mahāvagga, 大品) gồm: (i) Bốn vị Tỳ-kheo không thể truyền giới (授戒), tự tứ (自恣), cử tội (出罪), (ii) Năm vị Tỳ-kheo không thể truyền giới, cử tội ở vùng không phải biên cương, nơi xa xôi, (iii) Mười vị Tỳ-kheo không được cử tội Tỳ-kheo khác, (iv) Hai mươi vị Tỳ-kheo có thể tiến hành tất cả hội họp của Tăng đoàn.

tục thờ thú: như “thờ động vật.”

Tu-đà-hoàn (S. śrotāpanna, P. sotāpanna, 須陀洹,), đi vào dòng Thánh (入流, nhập lưu) hoặc dự vào dòng Thánh (預流, dự lưu). Đây là quả Thánh đầu tiên, người đã chặt đứt hết mọi sự kiến hoặc (見或).

Tu-đa-la ( P. sutta, S.sūtra, 修多羅), khế kinh (契經), gọi tắt là kinh (經). Sở dĩ được gọi là Khế kinh, vì đây là những lời dạy, trên hợp với giáo lý của đức Phật, dưới hợp với căn cơ của chúng sinh.

Tụng giới kiền-độ (P.Uposathakkhandhaka, 诵戒犍度): xem “chủ đề về tụng giới.”

tùng lâm (叢林): Chùa lớn có nhiều cây, chùa lớn có nhiều tăng sĩ tu tập (僧眾聚居之寺院). Trong một số ngữ cảnh, thiền viện được sử dụng đồng nghĩa với các từ “tự viện thiền tông” (禪宗寺院), “thiền lâm”(禪林), “thiền tự” (禪寺) và thiền viện (禪院).

tuổi giới: dịch nghĩa của chữ “giới lạp” (戒臘), tuổi hạ của người xuất gia đã tiếp nhận giới Tỳ-kheo (比丘戒), giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒). Yêu cầu tối thiểu về người truyền giới là phải có ít nhất 10 tuổi giới mới được tham gia trong “thập sư” (十師) của Tam đàn đại giới (三壇大戒).

tuổi hạ: dịch nghĩa của chữ “hạ lạp” (夏臘), tuổi an cư mùa mưa của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, sau khi hoàn tất 90 ngày tu tập miên mật trong ba tháng mùa mưa.

tuyên dương công đức: Tăng Ni và Phật tử là thành viên của GHPGVN có nhiều công đức đối với Đạo pháp và Giáo hội, có thành tích đối với đất nước và xã hội sẽ được GHPGVN các cấp tuyên dương và tặng Bằng tuyên dương công đức để khích lệ tinh thần phụng sự nhân sinh, phát triển Phật pháp.

tuyên úy Phật giáo: Chức vụ của các Tăng sĩ Phật giáo được bổ nhiệm làm đại diện, hướng dẫn tâm linh cho một tổ chức, đoàn thể như bệnh viện, nhà tù, đơn vị quân sự, cảnh sát, lính cứu lửa, trường đại học hoặc nhà nguyện tư nhân. Các Tăng sĩ tham gia Tuyên úy Phật giáo không có quyền quản trị như Tăng Ni làm Trụ trì các tự viện Phật giáo. GHPGVNTN là tổ chức Phật giáo Việt Nam đầu tiên có các thành viên tham gia Nha Tuyên úy Phật giáo. Tuyên úy Phật giáo được HT. Thích Tâm Châu thành lập vào năm 1966, là một Vụ trong số 11 Vụ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, khối Việt Nam Quốc tự. Sau năm 1975, Nha Tuyên úy Phật giáo ngưng hoạt động. Các Tăng sĩ từng là thành viên của Nha Tuyên úy Phật giáo phần lớn định cư ở Hoa Kỳ, Canada, Úc và một số nước châu Âu.

tứ (P=S. vicāra, C. 伺, E. discernment, sustained thinking): 1. Giữ tâm trên đối tượng thiền (sustainted application of attention to a meditational object), hay tâm tập trung (focused thought), một trong yếu tố của thiền thứ nhất (P. jhāna, S.dhyāna); 2. Quán sát (觀察), điều tra (調查) như trong câu “quán sát nhân dân thực hiện việc thiện và ác”. Theo kinh ý hành trong Kinh trung A-hàm (中阿含經·意行經), trong thiền thứ nhất, người tu thiền lìa tham ái, các điều ác và bất thiện, có tầm, có tứ, đạt trạng thái hỷ lạc do lìa ái dục (離欲、惡不善法,有,離生喜、樂,初靜慮). Theo Kinh tạp A-hàm 87 (雜阿含經·八六七經), trong thiền thứ hai, tầm và tứ đã được tịch tĩnh, nội tịnh, tâm chuyên nhất, không còn tầm và không còn tứ, đạt trạng thái hỷ lạc do định (伺寂靜,內等淨,心一趣性,無尋無伺,定生喜、樂,第二靜慮). Trên nền tảng nhất tâm (P. ekaggatā), giữ “tầm” thì người tu thiền vượt qua được hôn trầm (P. thina, E. sloth), đang khi trụ vào “tứ” thì vượt qua được thùy miên (P. middha, E. torpor), một trong 5 trói buộc tâm.

tứ đẳng (四等): Tương đương tứ vô lượng tâm bao gồm: Từ (S. maitrī, 慈), bi (S. karuṇā, 悲), hỷ (S. muditā, 喜) và xả (S. upekṣā, 捨).

từ đồng âm khác nghĩa: Những từ có phát âm giống nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau, đôi lúc trái ngược nhau. Tiếng Việt và tiếng Hán cho nhiều từ đồng âm khác nghĩa. Ví dụ, chữ đường trong nước đường và con đường; chữ câu trong câu cá và câu nói. Hoặc chữ “tham quan” (參観) có nghĩa là "đi tham quan ngắm cảnh") và “tham quan” (貪官) có nghĩa là "tên tham quan xấu xa". Hay chữ đông có các chữ Hán 冬 (mùa "đông"), 東 (phía "đông"), 凍 ("đông" cứng). Hoặc chữ “vũ” có các chữ đồng âm khác nghĩa như 宇 ("vũ" trụ), 羽 (lông "vũ"), 雨 ("vũ" phong có nghĩa là "mưa"), 武 ("vũ" khí), 舞 ("vũ" công có nghĩa là "múa").

tứ hoằng thệ nguyện: Như “bốn nguyện lớn.”

tứ liệu giản (四料簡): như “bốn chọn lựa.”

tự ngôn tỳ-ni (P. paṭiññāya karetabbaṃ, S. pratijñā-kāraka, 自言毘尼), giải quyết tranh chấp bằng sự tự nhận, rồi Tăng đoàn mới trị tội.

tự sát (自殺): Hành động “tự giết" hay tự kết liễu cuộc đời của bản thân, được tiến hành bằng cách dùng thuốc độc, vũ khí, vật nhọn, cắt cổ, mổ bụng, cắt mạch máu, bịt lỗ mũi, nhảy từ độ cao, nhảy xuống sông hồ, nhảy vào đường rầy xe lửa, nhảy ra trước xe đang chạy…

tự sự: Còn gọi là kể chuyện, sự tường thuật để kết nối các sự kiện gồm một chuỗi câu viết, hói hoặc một chuỗi hình ảnh.

tự sướng: tục gọi của chữ “thủ dâm.”

tử t hắng sanh(死勝生): như “chết tốt hơn sống.”

Tự tứ (P. pavāraṇā, S. pravāraṇā, 自恣): Thỉnh cầu (pavāreti, 邀請, yêu thỉnh) chỉ lỗi (非) giữa các thành viên Tăng đoàn trong ngày kết thúc an cư mùa mưa (雨安居, vũ an cư) để giúp Tăng đoàn giữ giới thanh tịnh, hòa hợp, tiến bộ trong học Phật và tu Phật. Cụ thể là thỉnh mời các bậc trưởng lão chỉ điểm cho bản thân về ba việc thấy, nghe, nghi có tội để hoàn chỉnh bản thân.

Tự tứ kiền-độ (P. Pavāraṇākkhandhaka, 自恣犍度): như “Chủ đề về tự tứ.”

Từ thị (慈氏): Dịch từ chữ “Di-lặc” (S. Maitreya, 彌勒), Phật tương lai trên quả địa cầu này. Ngài xuất thân trong gia đình Bà-la-môn ở phía nam Ấn-độ, là Bồ-tát bổ xứ, sẽ thành Phật trong đời vị lai. Tương truyền ngài là tổ sáng tác các luận Đại thừa, như Du-già sư địa luận (瑜伽師地論) v.v… Sau đó, các vị như Bồ-tát Mã Minh (馬鳴菩薩), Bồ-tát Long Thọ (龍樹菩薩)… thay thế ngài thuật lại. Vì thế, ngài Di-lặc được tôn xưng là chủ tiền luận (前論主).

tứ thiền bát định (四禪八定): Xem “bốn thiền” và “bốn định vô sắc”.

Từ thiện vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Xã hội GHPGVNTN.

tự thiêu: Hành động tự sát bằng lửa, tẩm xăng dầu vào người rồi phóng hóa. Tự sát để phản đối chế độ, hay một chính sách/ điều gì đó thường được thực bằng cách biến mình thành cây đuốc sống, như Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, chấp nhận tử vì đạo, nhằm phản đối chánh sách kỳ thị đạo Phật của tổng thống Ngô Đình Diệm, bảo vệ Phật giáo và công bằng tôn giáo. Trong kinh điển Đại thừa, có một số Bồ-tát tự thiêu ngón tay hay một phần cơ thể để cúng dường các đức Phật, thực tập không chấp dính thân và các sở hữu liên hệ đến thân.

tử vì đạo: Hy sinh mạng sống, chấp nhận cái chết để quyết giữ đức tin Phật giáo, hoặc để bảo vệ sự trường tồn của Phật giáo.

tự viện GHPGVN: Giáo sản và sở hữu chung của cộng đồng do GHPGVN đại diện làm chủ sở hữu duy nhất và chịu sự quản lý của GHPGVN. Tự viện là đơn vị cơ sở tôn giáo của GHPGVN gồm quốc tự, chùa sắc tứ, chùa, thiền viện, tu viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, điểm sinh hoạt tôn giáo được Tăng, Ni, Phật tử và các hội đoàn Phật giáo xây dựng, chính thức gia nhập GHPGVN. Tự viện hợp pháp phải được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Nhà nước và được Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh chấp thuận, sau đó mới được đăng ký danh bạ Tự viện của Giáo hội. Tài sản của Tự viện là tài sản chung hợp nhất không thể phân chia. Chỉ có Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh mới có quyền định đoạt tài sản của Tự viện.

tự viện GHPGVNTN: Đơn vị cơ sở tôn giáo của GHPGVNTN gồm quốc tự, chùa làng, các ngôi chùa được xây dựng bởi Tăng sĩ hay các hội đoàn Phật giáo. GHPGVNTN có nhiệm vụ giám hộ và bảo vệ về chủ quyền của các tự viện.

tự viện gia tộc: các chùa do gia tộc xây dựng và quản lý, không đăng ký hoạt động tôn giáo với Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh.

tướng sắc (相色): Gồm sắc tích tập (色积集), sắc tương tục (色相续) và sắc lão tánh (色老性). Xem “sắc uẩn”.

tưởng uẩn (P. saññā-kkhandha, S. saṃjñā-skandha,C. 想蘊, E. the perception group): Còn gọi là tưởng ấm (想陰). Theo Tạp A-hàm 2, kinh 58(雜阿含經卷2, 58經) tổ hợp tri giác (覺知) hay nhận thức (認知) có mặt là do ý thức (意識) và sáu giác quan (六根) tiếp xúc với sáu đối tượng giác quan (六塵境界). Có tưởng về hữu tướng (有相想) và tưởng về vô tướng (無相想). Kinh tạp A-hàm 2, kinh 42(雜阿含經卷2, 42經) nêu ra sáu nhóm tưởng gồm nhãn tưởng (眼想, perception of form), nhĩ tưởng (耳想, perception of sound), tỉ tưởng (鼻想, perception of odour), thiệt tưởng (舌想, perception of taste), thân tưởng (身想, bodily impression) và ý tưởng (意想, mental impression).  Theo Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá 4 (阿毘達磨俱舍論卷4) do Huyền Tráng dịch, “tưởng là sự cảm nhận sai biệt về cảnh” (想,謂於境取差別相). Về cấp độ thì Luận phẩm loại túc 1 (品類足論卷1) và Kinh tạp A-hàm 2, kinh 46(雜阿含經卷2, 46經) phân làm nhóm: tưởng nhỏ (小想, 少想), tưởng lớn (大想) và tưởng vô lượng (無量想). Theo Kinh tạp A-hàm 2, kinh 42 (雜阿含經卷2, 55經), tổ hợp tưởng này dù xa hay gần (遠近), đẹp hay xấu (好醜), thô hay tế (麤細), trong hay ngoài (內外) đều bị chi phối bởi sự sinh diệt (生滅), vô thường (無常), vô ngã (無我) và không có thực thể (空). Tham chiếu: CBETA, T02, no. 99, p. 7, b23-28; T30, no. 1579, p. 433, c12-15.

Tỳ-bà-thi Phật (P. Vipassin-buddha, S. Vipaśyin-buddha, 毘婆尸佛) thường được dịch là “thắng quán” (勝觀), “thắng kiến” (勝見), “tịnh quán” (淨觀), là một trong 7 Phật quá khứ và 24 Phật quá khứ.

Tỳ-kheo (P. Bhikkhu, S. Bhikṣu, 比丘) tức những người nam xuất gia đã thọ giới Cụ-túc và giữ 250 giới.

Tỳ-kheo Đạp-bà (沓婆比丘): tên của Tỳ-kheo là bị hại khi bị hai Tỳ-kheo Từ (慈比丘) và Tỳ-kheo Địa (地比丘) vu oan không bằng không chứng rằng thầy đã làm việc bất tịnh với Tỳ-kheo-ni Từ (慈比丘尼), theo giới Tăng tàn thứ 9 của Thượng tọa bộ.

Tỳ-kheo giảng pháp, giảng giới luật (dhammavādī ceso bhikkhu, vinayavādī ceso bhikkhu): mẫu Tỳ-kheo lý tưởng vừa am tường và chuyên môn về thuyết giảng Phật pháp, giới luật, vừa là người áp dụng trong cuộc sống.

Tỳ-kheo giới bổn(P. Bhikkhu Pātimokkha, S. Bhikshu Pratimokṣa, 比丘戒本) còn gọi là Kinh giới Tỳ-kheo (比丘戒經, Tỳ-kheo giới kinh) là bản văn gồm 250 giới điều của Tỳ-kheo đối với Luật Tứ phần (Dharmaguptaka vinaya), 227 điều đối với Luật Thượng tọa bộ (Theravāda vinaya), 251 điều đối với Luật Ngũ phần (Mahīśāsakavinaya), 218 điều đối với Luật Tăng-kỳ (Mahāsāṃghika vinaya),263 điều đối với Luật Thập tụng (Sarvāstivāda vinaya) và 249 điều đối với Luật Căn bản thuyết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda vinaya).

Tỳ-kheo Từ (慈比丘), Tỳ-kheo Địa (地比丘): tên của hai vị Tỳ-kheo vì sân hận đã vu cáo không bằng không chứng rằng Tỳ-kheo Đạp-bà (沓婆比丘) đã làm việc bất tịnh đối với Tỳ-kheo-ni Từ (慈比丘尼), theo giới Tăng tàn thứ 9 của Thượng tọa bộ.

Tỳ-kheo-ni (P. Bhikkhunī, S. Bhiksunī, 比丘尼): Thành viên Ni đoàn gồm những người nữ xuất gia đã thọ giới Cụ-túc và giữ 348 giới.

Tỳ-kheo-ni giới bổn(P. Bhikkhuni Pātimokkha, S. Bhikshuni Pratimokṣa, 比丘尼戒本) còn gọi là Kinh giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒經) là bản văn có 348 giới điều của Tỳ-kheo-ni theo Luật Tứ phần (Dharmaguptaka vinaya) hoặc 311 giới điều theo Luật Thượng tọa bộ (Theravāda vinaya),380 điều đối với Luật Ngũ phần(Mahīśāsaka vinaya), 290 điều đối với Luật Tăng-kỳ (Mahāsāṃghika vinaya),354 điều đối với Luật Thập tụng (Sarvāstivāda vinaya) và 346 điều đối với Luật Căn bản thuyết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda vinaya).

Tỳ-kheo-ni kiền-độ (P. Bhikkhunīkhandhaka, 比丘尼犍度): như “Chủ đề về Tỳ-kheo-ni.”

Tỳ-kheo-ni kiền-độ (P. Bhikkhunīkhandhaka, 比丘尼犍度): như “chủ đề về Tỳ-kheo-ni.”

Tỳ-xá Phật (P. Vessabhūu-buddha, S. Viśvabhu-buddha, 毘舍佛) hay “Tỳ-xá-bà Phật” (毗舍婆佛) được dịch thành là Biến Hiện Phật (遍現佛), là một trong 7 Phật quá khứ và 24 Phật quá khứ.

Tỳ-xá-khư (毗舍佉): Cách phiên âm của Trung Quốc đối với nữ cư sĩ Visākhā viết đầy đủ là Visākhā Migāramātā. Xem “Lộc tử mẫu.”

thạch mật (P. Phāṇitaṃ, 石蜜): đường phèn, loại đường được làm từ mía.

thảm sát tại đài Phát thanh Huế: Cuộc thảm sát đẩm máu của chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm, dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Ty trưởng Nội an Thừa Thiên vào lúc 22:00 ngày 08/5/1963 (nhằm mùng 8/4 Quý Mão, PL. 2507) đã làm 9 thanh thiếu niên vô tội bị xe tăng cán chết chết thảm thương trên sân cỏ, bên trái của Đài Phát thanh Huế. Trong số các thanh thiếu niên bị chết, một em không phải là Phật tử, số còn lại là 8 thanh thiếu niên Phật tử: (1) Nguyễn Thị Ngọc Lan (pháp danh Tâm Chánh), 12 tuổi, (2) Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa (pháp danh Tâm Tôn), 12 tuổi, (3) Đặng Văn Công (pháp danh Tâm Đồng) 13 tuổi, (4) Dương Viết Đạt hoặc Nguyễn Văn Đạt (pháp danh Tâm Thành), 13 tuổi, (5) Nguyễn Thị Phúc (pháp danh Tâm Thông), 15 tuổi, (6) Lê Thị Kim Anh hoặc Khanh (pháp danh Tâm Hiển), 17 tuổi, (7) Trần Thị Phước Trị hoặc Tự (pháp danh Tâm Thuận), 17 tuổi, (8) Nguyễn Thị Yến (pháp danh Tâm Thanh), 20 tuổi. Tất cả 8 em đều được phong Thánh tử đạo của Phật giáo Việt Nam.

thánh cờ tướng: Tương đương với từ “kỳ thánh” (棋聖), chỉ cho người đạt được trình độ cao cấp về cờ tượng (象棋) hoặc cờ tướng (将棋).

thánh dự lưu (預流: Dự lưu): Quả Thánh đầu tiên của Thượng tọa bộ, người đã chặt đứt hết mọi sự kiến hoặc (見或).

thành lập GĐPT: Theo điều 18 (chương IV) Nội quy Gia đình Phật tử thì một GĐPT được công nhận thành lập phải hội đủ các điều kiện: (i) Tối thiểu phải có 2 Huynh trưởng đã qua huấn luyện Huynh trưởng A Dục, (ii) Số lượng đoàn sinh ít nhất phải đủ 2 Đoàn, (iii) Phải kê khai lịch trình sinh hoạt theo mẫu hướng dẫn quy định, (iv) Được Ban Hướng dẫn Phân Ban GĐPT Tỉnh Thành xem xét chấp thuận trình Ban Hướng dẫn Phật tử và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thànhhội ban hành quyết định công nhận.

Thanh niên Phật tử Thiện chí vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Thanh niên GHPGVNTN.

Thanh niên Phật tử vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Thanh niên GHPGVNTN.

Thánh nữ: (1) Người nữ đã chứng đắc quả thánh A-la-hán, (2) Trong Ki-tô giáo và Công giáo, thánh nữ là phụ nữ trẻ còn trinh tiết sẵn lòng tử vì đạo.

thánh quả (聖果): = quả vị.

thanh tịnh thọ thủ (清淨受取): nhận lấy phẩm vật với tâm không phân biệt tốt hoặc xấu, đối tượng là ai. Ta thấy cụm từ “thanh tịnh” được đặt trước một số động từ. Trong Kinh Dược Sư, Huyền Tráng dịch, có cụm từ “thanh tịnh tháo sấu ” (清淨澡漱) có nghĩa là tắm gội, súc miệng sạch sẽ.

Thánh tử đạo Phật giáo Việt Nam: Các Tăng, Ni và Phật tử thiêu thân hoặc bị giết chết trong pháp nạn Phật giáo 1963 do chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo và bức hại cộng đồng Phật giáo. Đứng đầu là Bồ-tát Thích Quảng Đức (1897–1963) tự thiêu vào ngày 11/6/1963 tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, Sài Gòn. Các thánh tử đạo là Tăng sĩ gồm có: (1) ĐĐ. Thích Nguyên Hương (1940–1963) tự thiêu ngày 4/8/1963 (15/6 Quý Mão) tại Công trường Chiến Sĩ, trước Tĩnh đường Phan Thiết, Bình Thuận; (2) ĐĐ. Thích Thanh Tuệ (1945–1963) tự thiêu ngày 13/8/1963 (24/6 Quý Mão) tại chùa Phước Duyên, Thành phố Huế, (3) TT. Thích Tiêu Diêu (1892–1963) tự thiêu ngày 16/8/1963 (27/6 Quý Mão) tại chùa Từ Đàm, Thành phố Huế, (4) ĐĐ. Thích Quảng Hương (1926–1963) tự thiêu ngày 5/10/1963 (18/8 Quý Mão) tại bùng binh chợ Bến Thành, trước Công trường Diên Hồng, Sài Gòn, (5) ĐĐ. Thích Thiện Mỹ (1940–1963) tự thiêu ngày 27/10/1963 (11/9 Quý Mão) tại Công trường Hòa Bình, trước Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn, (6) Sa-di Thích Giác Thành (?–1965) tự thiêu ngày 20/4/1965 (19/3 Ất Tỵ) tại chùa Giác Vương, Tỉnh Gia Định, (7) ĐĐ. Thích Thiện Huệ (19481966) tự thiêu ngày 1/6/1966 (13/4 Bính Ngọ) tại gò Giếng Nước Nóng, Tỉnh Khánh Hòa, (8) ĐĐ. Thích Như Hải (?–1966) tự thiêu ngày 4/6/1966 (16/4 Bính Ngọ) tại chùa Tỉnh Hội Phât Giáo Quảng Trị, (8) ĐĐ. Thích Huệ Hồng (?–1966) tự thiêu năm 1966 tại trước trụ sở Tổng Vụ Thanh Niên, Đường Công Lý, Sài Gòn, (9) ĐĐ. Thích Hạnh Đức (1948–1967) tự thiêu ngày 31/10/1967 (28/9 Đinh Mùi) tại trước chùa Tỉnh Hội Phật Giáo Quảng Ngãi, (10) TT. Thích Thiện Lai (1896–1970) tự thiêu ngày 11/6/1970 (8/5 Canh Tuất) tại chùa Phổ Quang, Phú Nhuận, Sài Gòn, (11) ĐĐ. Thích Viên Quang bị thảm sát năm 1963 trên đường từ chùa Kim Liên, xã Sơn Tây đến xã Hà Thành, (12) ĐĐ. Thích Thanh Quang (?–1967) Bị thảm sát ngày 5/7/1967 (28/5 Đinh Mùi) tại Xã Hiệp Bình, Quận Thủ Đức, Tỉnh Gia Định, (13) ĐĐ. Thích Huyền Đắc (?–1967) mất tích ngày 14/6/1967 tại Quận Thủ Đức, Tỉnh Gia Định, (14) ĐĐ. Thích Minh Hòa (?–1967) mất tích ngày 14/6/1967 tại Quận Thủ Đức, Tỉnh Gia Định, (15) ĐĐ. Thích Tâm Minh (?–1967) mất tích ngày 14/6/1967 tại Quận Thủ Đức, Tỉnh Gia Định … Về Ni đoàn tử đạo có: (1) Ni cô Thích nữ Diệu Quang (1936–1963) tự thiêu ngày 15/8/1963 (26/6 Quý Mão) tại trước Chi Hội Phật Học Ninh Hòa, (2) Ni sư Thích Nữ Thanh Quang (– 1966) tự thiêu ngày 26/5/1966 (09/4 Bính Ngọ) tại chùa Diệu Đế, Thành phố Huế, (3) Ni cô Thích Nữ Diệu Định (1940–1966) tự thiêu ngày 3/6/1966 (15/4 Bính Ngọ) tại chùa Khuôn Giáo hội Hải Lạc, Thành phố Đà Nẵng, (4) Ni cô Thích Nữ Diệu Tri (1939–1966) tự thiêu ngày 4/6/1966 (16/4 Bính Ngọ) tại trước đài Quan Âm Ni viện Diệu Quang, Thành phố Nha Trang, (5) Ni cô Thích Nữ Như Túc (1940–1967) tự thiêu ngày 3/10/1967 (30/8 Đinh Mùi) tại trước chùa Bảo An, Cần Thơ, Tỉnh Phong Dinh, (6) Ni cô Thích Nữ Huệ Lạc (1945–1967) tự thiêu ngày 22/10/1967 (19/9 Đinh Mùi) tại trước sân chùa Viên Giác, Tỉnh Gia Định, (7) Ni cô Thích Nữ Thông Huệ (1945–1967) tự thiêu ngày 01/11/1967 (29/9 Đinh Mùi) tại đường lên Kim Thân Phật Tổ chùa Tỉnh Giáo Hội Khánh Hòa, (8) Ni cô Thích Nữ Liên Tập (1946–1970) tự thiêu ngày 04/6/1970 (01/5 Canh Tuất) tại Phan Rang, Tỉnh Ninh Thuận… Về phía Phật tử có: (1) Nguyễn Thìn (1932–1963) pháp danh Hồng Thể, tự thiêu ngày 29/9/1963 (12/8 Quý Mão) tại sau chùa Phước Lâm, Thành phố Vũng Tàu, (2) Đào Thị Yến Phi (1948–1965) tự thiêu ngày 26/1/1965 (24/12 Giáp Thìn) tại trước Tòa Hành Chánh Tỉnh Khánh Hòa, (3) Hồ Thị Thiểu (– 1965), pháp danh Nguyên Sanh tự thiêu ngày 29/5/1966 (10/4 Bính Ngọ) tại Việt Nam Quốc Tự, Sài Gòn, (4) Nguyễn Thị Vân (1946–1966) pháp danh Không Gian tự thiêu ngày 31/5/1966 (12/4 Bính Ngọ) tại chùa Khuôn Giáo hội Thành Nội, Thành phố Huế, (5) Đặng Thị Ngọc Tuyền (?–1966) tự thiêu ngày 23/6/1966 (05/5 Bính Ngọ) tại Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Tuyên Đức, (6) Đào Thị Tuyết (1949–1966) pháp danh Tâm Bạch tự thiêu ngày 17/6/1966 (30/4 Bính Ngọ) tại Việt Nam Quốc Tự, Sài Gòn, (7) Đào Thị Ngọc Tuyền (1949–1966) tự thiêu ngày 23/6/1966 (05/5 Bính Ngọ), (8) Nguyễn Thị Huê (1949–1966) tự thiêu ngày 30/8/1966 (15/7 Bính Ngọ) tại Việt Nam Quốc Tự, Sài Gòn, (9) Nhất Chi Mai (1934–1967) pháp danh Diệu Huỳnh tự thiêu ngày 16/5/1967 (8/4 Đinh Mùi) tại Chùa Từ Nghiêm, Đường Bà Hạt, Chợ Lớn, Sài Gòn, (10) Lê Văn Mỹ (1902–1969) pháp danh Chơn Thiện tự thiêu ngày 25/12/1969 (17/11 Kỷ Dậu) tại tư gia ỡ Thành phố Đà Nẵng, và tám thánh tử đạo tại Đài phát thanh Huế. Trên thực tế, số lượng thánh tử đạo bị sát hại và mất tích trong Pháp nạn 1963 nhiều hơn con số liệt kê trên. Họ đã thể hiện tinh thần “bi trí dũng” bảo vệ sự tồn tại và phát triển Phật giáo Việt Nam trước chính sách bất bình đẳng tôn giáo và đàn áp Phật giáo của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm.

thành tựu pháp (S. sādhana, 成就法): Còn gọi là nghi quỹ (儀軌), là luật tắc, luật lệ, quy định và tín ngưỡng truyền thống. Trong Kim cương thừa, thành tựu pháp thường là bài chú về cách tu thiền định có khả năng dẫn đến sự thành tựu viên mãn.

thánh thư pháp: Tương đương với từ “thảo thánh” (草聖), chỉ cho người đạt được trình độ trác việt về nghệ thuật thư pháp (草书艺术) như Trương Húc (張旭) thuộc đời Đường, Trương Chi (張芝) và Vy Đản (韋誕).

Thanh Văn giới (聲聞戒): Giới luật quy định đối với người theo Thanh Văn thừa (聲聞乘所受持的戒律). Đây là thuật ngữ Đại thừa Trung Quốc chỉ cho các giới luật do Phật chế lập bao gồm 5 giới (đối với cư sĩ), 8 giới (cư sĩ tập sự xuất gia trong 24 giờ), 10 giới Sa-di và Sa-di-ni, 250 giới Tỳ-kheo, 348 giới Tỳ-kheo-ni theo Luật Tứ phần.

thành viên GHPGVN: Bao gồm các vị giáo phẩm Hội đồng Pháp chủ, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN các cấp, các Tăng, Ni tuân thủ Hiến chương GHPGVN, các Quy chế và Nội quy của GHPGVN. Thành viên của GHPGVN có quyền được đề cử và được suy cử vào các cấp Giáo hội, có quyền thảo luận và biểu quyết các công việc của GHPGVN trong các kỳ Hội nghị hay Đại hội của Giáo hội, có nhiệm vụ chấp hành Hiến chương, Quy chế, Nội quy và Nghị quyết của Giáo hội. Các thành viên của GHPGVN đề cao ý thức giữ gìn giới luật do đức Phật chế định; giữ oai nghi, tế hạnh trong sinh hoạt, trong lúc giao tiếp cộng đồng và ứng xử lịch sự, văn minh trên internet và mạng xã hội nhằm xây dựng hình ảnh Tăng Ni trang nghiêm, thanh tịnh, thoát tục, thong dong, tự tại, góp phần thu phục nhân tâm.

thảo thánh (草聖): như “thánh thư pháp.

tháp (塔): Tương đương chữ “stūpa” hay “caitya” trong Sanskrit hay chữ “thūpa” hay “Cetiya” trong Pali, thường được phiên âm Hán Việt là “tháp-bà” (塔婆), “tốt-đổ-ba” (窣睹波), “phật-đồ” 佛圖 hay “phù-đồ” 浮圖 (浮屠). Trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tháp là kiến trúc cao và có đỉnh nhọn, được xây trong chùa để tàng trữ xá-lợi (śarīra) của Phật, kinh sách hoặc nhục thân của cao tăng. Về cấu trúc, tháp được cấu tạo gồm 4 phần: phần ngầm, đế tháp, thân tháp và ngọn tháp. Phần ngầm thường có hình vuông, lục giác, bát giác hoặc tròn, nằm chìm hoàn toàn dưới mặt đất. Đế tháp là phần tiếp giáp với mặt đất của tháp, nâng đỡ toàn bộ kết cấu phía bên trên tháp. Thân tháp là phần chính của tháp. Ngọn tháp là phần đầu chóp của tháp, nơi cố định rui xà, mái nóc và gờ mái, giúp ổn định kết cấu và ngăn không cho nước mưa thấm lọt vào bên trong. Ở một số tháp có kiến trúc đặc sắc thì ngọn tháp là một tháp nhỏ với với 3 phần đế, thân và đỉnh với một cọc ở giữa. Trong cộng đồng Phật giáo thế giới, có sáu loại tháp căn bản: (i) Tháp xá-lợi (dhātu cetiya), (ii) Tháp tưởng niệm (Paribhoga cetiya), (iii) Tháp thờ vật dụng, (iv) Tháp giáo pháp (Dhamma cetiya), (v) Tháp thờ cúng (Udesaka cetiya), (vi) Tháp biểu tượng. Xem tháp Tây Tạng.

tháp bánh xe thời gian: Tháp thứ 9 chỉ riêng có trong Phật giáo Tây Tạng, hông gắn liền với cuộc đời đức Phật, là biểu tượng của thần chú bánh xe thời gian (Kalachakra Tantra) thường được xây dựng nhằm xua đuổi các năng lượng tiêu cực. Tháp bánh xe thời gian tiêu biểu được cộng đồng Phật giáo Tây Tạng xây dựng gồm: (i) Tháp trong Tu viện Bokar, Mirik, Ấn Độ, 1988, (ii) Tháp ở Đông Tây Tạng, (iii) Tháp ở Karma Guen, Tây-ban-nha, 1994, (iv) Tháp ở Dharamsala, Ấn Độ, (v) Tháp ở Garanas, Áo, 2002, (vi) Tháp ở Trung tâm Kurukulla, Medford, Massachusetts, 2010, (vii) Tháp ở New South Wales, Úc châu, 2012.

tháp bát (钵塔): Tháp thờ bát của đức Phật.

tháp biểu tượng: Tương đương chữ “Symbolic stupa” trong Anh văn, tháp biểu tượng các phương diện triết lý Phật giáo, chẳng hạn tháp Borobudur là biểu tượng của ba thế giới (dhatu) và mười cấp bậc tâm linh (bhumi) theo Phật giáo Đại thừa.

tháp chiến thắng: Tương đương cụm từ “Stupa of Complete Victory” trong Anh văn, là tháp biểu tượng việc đức Phật kéo dài tuổi thọ thêm 3 tháng; đế tháp được xây với 3 bậc thang hình tròn và không có trang trí.

tháp chuông: Còn gọi là gác chuông, tháp được xây dựng với mục đích để treo chuông, nhằm giúp cho tiếng chuông tỉnh thức của chùa được lan xa. Tháp chuông cổ và đẹp nhất là tháp chuông chùa Keo ở tỉnh Thái Bình. Tháp chuông thường nằm ở trước Điện Phật. Một số chùa miền Bắc thì tầng trên của cổng tam quan là gác chuông. Tiếng chuông chùa thường được giống lên vào 4-5 giờ sáng và 18-19 giờ hằng ngày.

tháp giác ngộ: Tương đương cụm từ “Enlightenment Stupa” trong Anh văn, còn gọi là tháp hàng ma (Stupa of the Conquest of Mara), biểu tượng hóa sự giác ngộ của đức Phật ở tuổi 35 tại cội Bồ-đề ở Bodh Gaya, nơi đức Phật đã chiến thắng sự dụ dỗ tục lụy của ma vương dưới nhiều hình thức khác nhau.

tháp giáng trần từ cõi trời: Tương đương cụm từ “Stupa of Descent from the God Realm” trong Anh văn, là tháp biểu tượng hóa việc đức Phật trở về trần gian từ cõi trời Đâu-suất (Tuṣita), sau khi đền ơn mẹ ngài bằng cách thuyết pháp cho bà nghe. Ở Sankissa, thành phố cổ Ấn Độ, cộng đồng Phật giáo xây dựng tháp này để tưởng niệm sự kiện trên. Tháp này có hình chiếu trung tâm ở mỗi bên có 1 bậc thang hoặc 3 bậc.

tháp hải hội (海会塔): Tháp thờ kinh chứa đựng danh hiệu Phật và Bồ-tát như nước biển.

tháp hòa giải: Tương đương cụm từ “Stupa of Reconciliation” trong Anh văn, là tháp biểu tượng việc đức Phật hòa giải sự bất hòa trong tăng đoàn. Tháp này được xây dựng tại Magadha để tưởng niệm sự kiện trên. Đế tháp hòa giải có 3 cấp thang hình bát giác với các cạnh bằng nhau.

tháp hoa sen: Tương đương cụm từ “Lotus Blossom stupa” hay “Stupa of Heaped Lotuses” trong Anh văn, còn gọi là “tháp đản sanh của bậc thiện thệ” (Birth of the Sugata Stupa), biểu tượng hóa về sự đản sanh của đức Phật Thích-ca. Đế tháp hoa sen thường có 4 bậc thang, có thiết kế hình cánh sen.

tháp móng tay (爪塔): Tháp thờ móng tay của đức Phật.

tháp niết-bàn: Tương đương cụm từ “Stupa of Nirvana” trong Anh văn, là tháp biểu tượng việc đức Phật an trú vào đại định ở tuổi 80 trước khi ngài nhập niết-bàn. Tháp này có cấu trúc hình chuông, không có trang trí.

tháp nhiều cổng: Tương đương cụm từ “Stupa of Many Gates” trong Anh văn, là tháp biểu tượng hóa của việc đức Phật chuyển pháp luân gồm bốn chân lý thánh, sáu toàn hảo, chánh đạo tám nhánh và mười hai nhân duyên.

tháp Phật: Tháp được xây dựng với mục đích thờ Phật.

tháp răng (牙塔): Tháp thờ răng của đức Phật.

tháp Tây Tạng: Tháp xây dựng theo biểu tượng, triết lý, kiến trúc và mỹ thuật của Phật giáo Tây Tạng. Trong Phật giáo Tây Tạng, tháp có loại khác nhau, mỗi loại tương ứng với các sự kiện chính trong cuộc đời đức Phật: (i) Tháp hoa sen, (ii) Tháp giác ngộ, (iii) Tháp nhiều cổng, (iv) Tháp giáng trần từ cõi trời, (v) Tháp thần thông, (vi) Tháp hòa giải, (vii) Tháp chiến thắng, (viii) Tháp niết-bàn, (ix) Tháp bánh xe thời gian.

tháp tóc (发塔): Tháp thờ tóc của đức Phật.

tháp tưởng niệm: Tương đương chữ “Commemorative stupa” trong Anh văn, tháp được xây dựng nhằm tưởng niệm các sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật hoặc các bậc thánh.

tháp thần thông: Tương đương cụm từ “Stupa of Great Miracles” trong Anh văn, là tháp biểu tượng đức Phật thực hiện nhiều phép thần thông khi ngài 50 tuổi nhằm chinh phục ma và các đạo sĩ. Tháp này được cộng đồng Phật giáo Lichavi xây dựng nhằm tưởng niệm sự kiện trên.

tháp thờ cúng: Tháp phụng hiến (奉獻), được xây dựng nhằm tưởng niệm tại các Phật tích hay các địa điểm hành hương.

tháp thờ vật dụng: Tương đương chữ “Object stupa” trong Anh văn, tháp dùng để tàng trữ các vật dụng của đức Phật hay thánh nhân như cái bát, pháp y hoặc kinh điển Phật giáo.

tháp trống: Còn gọi là gác trống, tháp nhỏ để treo trống bát-nhã, nhằm làm cho tiếng trống chùa được ngân vang, lan xa. Tháp trống thường nằm ở trước Điện Phật, thường được đặt đối xứng với tháp chuông.

tháp xá-lợi (P. dhātu cetiya, 舍利): Tương đương chữ “Relic Stupa” trong Anh văn, tháp thờ xá-lợi (śarīra) của đức Phật hoặc di thể của các bậc thánh, cao tăng Phật giáo.

tháp y (衣塔): Tháp thờ y của đức Phật.

thần kinh thất thường (P. khittacitta, 神經兮兮, thần kinh hề hề): phạm giới trong trạng thái thần kinh thất thường được xem tình tiết giảm nhẹ và miễn tội.

Thân Loan (J. shinran, 親鸞, 1173-1262): Cao tăng người Nhật, tổ sư sáng lập Tịnh độ chân tông (jōdo-shin-shū) tại Nhật Bản. Vì là người lập gia đình, làm lớn mạnh phong trào tăng sĩ có vợ tại Nhật Bản, ông bị Tăng đòan Phật giáo tại Kinh Đô (kyōto) trục xuất, lưu đày đến miền Bắc Nhật Bản. Ông cho rằng việc tăng sĩ lấy vợ không ảnh hưởng đến việc học Phật, tu Phật và giải thoát, vốn trái lại với chủ trương của đức Phật. Dù là đệ tự của tổ sư Pháp Nhiên (J. hōnen, 法燃), người phát triển Tịnh độ tông, ông chủ trương nương vào tha lực và lời nguyện thứ 18 của đức Phật A-di-đà (Amitābha) để tu giác ngộ, giải thoát. Phương pháp tu tập của ông quy về sự niệm Phật, đặc biệt là danh hiệu của Phật A-di-đà vừa là cách đền ơn đức Phật và vừa là cách để đạt nhất tâm bất loạn.

Thần Quang chặt tay (神光断臂): Thiền sư Thần Quang chặt tay. Còn gọi là “đứng dưới tuyết chặt tay” (立雪断臂). Điển tích này thể hiện tình thần mộ đạo, ý chí theo thầy của Thần Quang quên cả thiên, thời, nhân, sự. Vào đêm mùng 9 tháng 12, trời ngập tuyết phủ, Thần Quang chặt cánh tay, đứng bất động dưới tuyết băng giá, chỉ mong cầu được tổ Bồ-đề Đạt-ma dạy cách minh tâm. Sáng hôm sau, dù tuyết nhập quá đầu gối, Thần Quang vẫn xem đạo là quan trọng (道為重),  xem nhẹ thân thể (身為輕). Thấy vậy, tổ Bồ-đề Đạt-ma (達摩師) liền hỏi: “Ông đứng trong tuyết, muốn cầu việc gì?” Thần Quang bạch: “Con chỉ mong Hòa thượng từ bi, mở cửa cam lộ, độ khắp mọi người mà thôi.” Tổ Bồ-đề Đạt-ma khen: “Đúng là pháp khí của Như Lai” (真如來法器也). Tinh thần cầu đạo của Thần Quang xứng đáng với hai câu thơ cổ: “thiên hạ không việc khó, đều do tâm không chuyên” (天下無難事,都因心不專). Sự tha thiết cầu đạo giác ngộ đã giúp Thần Quang siêu việt đến chân thừa (頓超真乘), đạt được con đường nhiệm mầu vô thượng (無上妙道).

thân sinh ung cập chủng chủng sang (身生癰及種種瘡): thân nổi đầy các ung, nhọt.

thần thể (S. iṣṭadevatā, 神體): Vị thần (devatā) được (hành giả) cầu nguyện (iṣṭa)", còn gọi là “bản tôn" (yidam). Trong Phật giáo Mật tông, thần thể được xem là hiện thân của các vị Phật và Bồ-tát siêu việt được thể hiện dưới dạng tịch tĩnh (S. śānta) hay phẫn nộ (S. krodha), tương ứng với hai loại chủng tử  trong tâm con người gồm chủng tử thanh tịnh và chủng tử hung hãn phá hoại. Kim cương thừa (S. vajrayāna) tôn sùng “100 gia đình của các vị thần tịch tĩnh và phẫn nộ” thường được nhắc trong Tử thư, được đại sư Liên Hoa Sinh (S. padmasambhava) truyền sang Tây Tạng.

thần thoại: Còn gọi là huyền thoại, là những truyện kể về thế gian trong văn hóa nguyên thủy, mang tính tưởng tượng của tập thể toàn dân, phản ánh hiện thực qua các vị thần được nhân cách hóa hoặc những sinh thể có linh hồn.

thần thông (神通): năng lực siêu giác quan. Năm thần thông phổ biến bao gồm: Thiên nhãn thông (天眼通), thiên nhĩ thông (天耳通), tha tâm thông (他心通), thần túc thông (神宿通) và túc mệnh thông (宿命通).

thân xuất gia (身出家): Chỉ cho người xuất gia về hình thức, đã quy y (皈依) cửa Phật, cạo tóc (剃度), mặc pháp phục người tu (僧衣), tiếp nhận giới lớn (大戒), sống trong chùa (寺院) nhưng không có lý tưởng của người xuất gia, nên còn gọi là “thân xuất gia mà tâm không xuất gia” (身出家而心未出家).

thập bát Phạm thiên (十八梵天): 18 cõi trời trong cõi Sắc, bao gồm: (i) Ba cõi trời trong sơ thiền: Trời Phạm Chúng (梵眾天), trời Phạm Phụ (梵輔天), trời Đại Phạm (大梵天), (ii) Ba cõi trời trong nhị thiền: Trời Thiểu Quang (少光天), trời Vô Lượng Quang (無量光天), trời Quang Âm (光音天), (iii) Ba cõi trời trong tam thiền: Trời Thiểu Tịnh (少淨天), trời Vô Lượng Tịnh (無量淨天), trời Biến Tịnh (徧淨天), (iv) Chín cõi trời trong tứ thiền: Trời Vô Vân (無雲天), trời Phước Sinh (福生天), trời Quảng Quả (廣果天), trời Vô Tưởng (無想天), trời Vô Phiền (無煩天), trời Vô Nhiệt (無熱天), trời Thiện Kiến (善見天), trời Thiện Hiện (善現天), trời Sắc Cứu Kính (色究竟天).

thập chủng lực (daśa-vidhaṃ balam, 十種力): mười loại sức trí đặc biệt của đức Phật, bao gồm: (i) Xứ phi xứ trí lực (處非處智力), Như Lai biết rõ như thật về cái nào đúng với đạo lý (tức “xứ”) và cái nào trái với đạo lý (tức “phi xứ”) của các sự vật. Ví dụ tạo nghiệp lành biết chắc hưởng quả báo an vui (đúng với đạo lý). Nếu tạo nghiệp ác mà hưởng quả an vui (trái với đạo lý); (ii) Nghiệp dị thục trí lực (業異熟智力), Như Lai biết rõ tất cả chỗ tái sinh của tất cả chúng sinh theo quả báo, nghiệp duyên trong ba đời; (iii) Tịnh lữ giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực (靜慮解脫等持等至智力力), Như Lai tự tại, vô ngại đối với các món thiền định, đồng thời biết rõ như thật về độ sâu các cấp thiền; (iv) Căn thượng hạ trí lực (根上下智力), Như Lai biết rõ căn tánh lanh lợi hay hạ liệt và sự chứng đắc đạo quả lớn hay nhỏ của tất cả chúng sinh; (v) Chủng chủng thắng giải trí lực (種種勝解智力), Như Lai biết rõ như thật về tất cả các món dục lạc cũng như mặt tốt, mặt xấu không giống nhau của các chúng sinh; (vi) Chủng chủng giới trí lực (種種界智力), Như Lai biết rõ như thật về các cảnh giới không giống nhau của mọi chúng sinh trong thế gian; (vii) Biến thú hành trí lực (遍趣行智力), Như Lai biết rõ như thật về pháp hữu hậu (năm giới, mười điều thiện) đưa người tái sinh về cõi trời, cõi người và pháp vô lậu (bát chánh đạo) đưa người đạt được niết-bàn; (viii) Túc trụ tùy niệm trí lực (宿住隨念智力), Như Lai biết rõ như thật về sự việc trong các đời quá khứ từ một kiếp đến trăm, ngàn, vạn kiếp, chết ở nơi này, tái sinh nơi khác, họ tên, ăn uống, thọ mạng khổ vui v.v…; (ix) Tử sinh trí lực (死生智力), Như Lai với năng lực thiên nhãn mà biết rõ như thật về giờ khắc sinh ra, chết đi cũng như cảnh giới thiện ác được tái sinh ở đời vị lai cho đến biết rõ nghiệp duyên lành dữ về giàu nghèo, đẹp xấu; (x) Lậu tận trí lực (漏盡智力), Như Lai biết rõ đã chấm dứt mãi mãi về tất cả lậu hoặc cũng như các tập khí xấu.

thập giới (十戒): mười điều đạo đức của Sa-di: (i) Không được giết hại (不殺生, bất sát sinh), (ii) Không được trộm cắp (不盜, bất đạo), (iii) Không dâm dục (不淫, bất dâm), (iv) Không được nói dối (不妄語, bất vọng ngữ), Không được uống rượu bia (不飲酒, bất ẩm tửu), (vi) Không đeo hoa thơm, không bôi hương liệu (不著香花鬘, 不香塗身, bất trước hương hoa man, bất hương đồ thân), (vii) Không được ca múa, chơi các nhạc cụ, không đến xem nghe (不歌舞倡妓,不往觀聽, bất ca vũ xướng kỹ, bất vãng quán thính), (viii) Không được ngồi giường lớn, cao, rộng (不坐高廣大床, bất tọa cao quảng đại sàng), (ix) Không ăn trái giờ (不非時食, bất phi thời thực), (x) Không được cầm giữ vàng bạc đồ quý (不捉持生像金銀寶物, bất tróc trì sinh tượng kim ngân bảo vật). Ở ngữ cảnh này, mười giới có phạm vi khá rộng, có thể chỉ cho mười giới trọng của giới Bồ-tát, hoặc mười nghiệp thiện: (i) Không được giết hại (不殺生, bất sát sinh), (ii) Không trộm cắp (不偷盜, bất thâu đạo), (iii) Không tà dâm (不邪淫, bất tà dâm), (iv) Không nói dối (不妄語, bất vọng ngữ), (v) Không lưỡi đôi chiều (不兩舌, bất lưỡng thiệt), (vi) Không nói lời ác (不惡口, bất ác khẩu), (vii) Không nói thêu dệt (不綺語, bất kỷ ngữ), (viii) Không tham dục (不貪欲, bất tham dục), (ix) Không giận hờn (不瞋恚, bất sân huệ), (x) Không thấy biết sai lệch (不邪見, bất tà kiến).

thập kim cương tâm (十金剛心): mười tâm kim cương, bao gồm: (i) Tâm chánh tín (信心, tín tâm), (ii) Tâm chánh niệm (念心, niệm tâm), (iii) Tâm hồi hướng (迴向心, hồi hướng tâm), (iv) Tâm thông đạt (達心, đạt tâm), (v) Tâm viên mãn (圓心, viên tâm), (vi) Tâm không lùi (不退心, bất thối tâm), (vii) Tâm Đại thừa (大乘心, Đại thừa tâm), (viii) Tâm vô tướng (無相心, vô tướng tâm), (ix) Tâm trí tuệ (慧心, huệ tâm), (x) Tâm bất hoại (不壞心, bất hoại tâm).

thập lục đại quốc vương (十六大國王), mười sáu đại quốc vương [trị vì 16 tiểu bang của Ấn Độ thời đức Phật]. Theo Kinh Hộ quốc nhân vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa (S. Karunika-rāja Prajñāpāramitā sutra,護國仁王般若波羅蜜多經) ghi: “Kính thưa Đại vương! Ta đem kinh này truyền trao các nước: (i) Nước Tỳ-xá-ly (Vaśiali, 毘舍離國); (ii) Nước Kiều-tát-la (Kosala, 憍薩羅國), (iii) Nước Thất-la-phiệt (Śrāvasti, 室羅筏國), (iv) Nước Ma-già-đà (Magadha, 摩伽陀國); (v) Nước Ba-la-nại (Bārāṇasī, 波羅奈國); (vi) Nước Ca-tỳ-la (Kapilavastu,迦毘羅國); (vii) Nước Câu-thi-na (Kuśinagara, 拘尸那國); (viii) Nước Kiều-thưởng-di (Kauśāmbi, 憍睒彌國); (ix) Nước Bát-giá-la (Pañcāla, 般遮羅國); (x) Nước Batra-la (Pāṭaliputra, 波吒羅國); (xi) Nước Mạt-thổ-la (Mathurā, 末吐羅國); (xii) Nước Ô-thi (Uṣa, 烏尸國); (xiii) Nước Bôn-tra-bạt-đa (Puṇgavardhana, 奔吒跋多國); (xiv) Nước Đề-bà-bạt-đa (Devātāra, 提婆跋多國); (xv) Nước Ca-thi (Kāśi, 迦尸國); (xvi) Nước Chiêm-ba (Campā, 瞻波國). Các quốc vương như vậy đều nên thọ trì trí tuệ bala-mật-đa.

thập mục ngưu đồ (十牧牛圖): Xem mười tranh chăn trâu”.

thập phát thú (十發趣): mười phát thú tức là phát khởi mười thứ tâm cao lớn để hướng về đạo mầu, gồm mười điều sau: (i) Tâm buông xả (捨心, xả tâm), (ii) Tâm giới hạnh (戒心, giới tâm), (iii) Tâm kiên nhẫn (忍心, nhẫn tâm), (iv) Tâm tinh tấn (進心, tiến tâm), (v) Tâm thiền định (定心, định tâm), (vi) Tâm trí tuệ (慧心, huệ tâm), (vii) Tâm phát nguyện (願心, nguyện tâm), (viii) Tâm hộ trì (護心, hộ tâm), (ix) Tâm hoan hỷ (喜心, hỷ tâm), (x) Tâm tuệ giác tối cao (頂心, đỉnh tâm).

thập phi sự (十非事): như “mười điều phi pháp.”

thập sự (十事): như “mười điều phi pháp.”

thập sự bất hợp luật chế (十事不合律制): như “mười điều phi pháp.”

Thập thiền chi (十禪支), mười yếu tố thiền gồm: (i) Yếu tố giác tỉnh (覺支, giác chi), (ii) Yếu tố quán chiếu (觀支, quán chi), (iii) Yếu tố hoan hỷ (喜支, hỷ chi), (iv) Yếu tố an lạc (樂支, lạc chi), (v) Yếu tố nhất tâm (一心支, nhất tâm chi), (vi) Yếu tố sâu lắng bên trong (內淨支, nội tịnh chi), (vii) Yếu tố buông xả (捨支, xả chi), (viii) Yếu tố chánh niệm (念支, niệm chi), (ix) Yếu tố trí tuệ (慧支, huệ chi), (x) Yếu tố không khổ không vui (不苦不樂支, bất khổ bất lạc chi).

thập tránh (十净): như “mười điều phi pháp.”

thập tránh (十净): như “mười điều phi pháp.”

thập trưởng dưỡng tâm (十長養心):mười tâm trưởng dưỡng, bao gồm: (i) Tâm tình thương (慈心, từ tâm), (ii) Tâm bi cảm (悲心, bi tâm), (iii) Tâm hoan hỷ (喜心, hỷ tâm), (iv) Tâm buông xả (捨心, xả tâm), (v) Tâm bố thí (施心, thí tâm), (vi) Tâm lời tốt (好語心, hảo ngữ tâm), (vii) Tâm lợi ích (益心, ích tâm), (viii) Tâm đồng nhất (同心, đồng tâm), (ix) Tâm thiền định (定心, đinh tâm), (x) Tâm trí tuệ (慧心, huệ tâm).

thập trưởng dưỡng tâm (十長養心):mười tâm trưởng dưỡng, bao gồm: (i) Tâm tình thương (慈心, từ tâm), (ii) Tâm bi cảm (悲心, bi tâm), (iii) Tâm hoan hỷ (喜心, hỷ tâm), (iv) Tâm buông xả (捨心, xả tâm), (v) Tâm bố thí (施心, thí tâm), (vi) Tâm lời tốt (好語心, hảo ngữ tâm), (vii) Tâm lợi ích (益心, ích tâm), (viii) Tâm đồng nhất (同心, đồng tâm), (ix) Tâm thiền định (定心, đinh tâm), (x) Tâm trí tuệ (慧心, huệ tâm).

thất bách nhân kiền-độ (P. Sattasatikakkhandhaka,七百人犍度): như “Chủ đề về bảy trăm người.”

thất bách nhân kiền-độ (P. Sattasatikakkhandhaka,七百人犍度): như “Chủ đề về bảy trăm người.”

thất bảo (七寶): Các kinh luận Phật giáo liệt kê không giống nhau. Như Phẩm Thọ ký thứ sáu thuộc Kinh Pháp Hoa: “Được hợp thành bởi bảy thứ báu, gồm: Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu, mai quý” (金、銀、琉璃、硨磲、瑪瑙、真珠、玫瑰七寶合成). Trong khi bảy thứ báu trong Kinh A-di-đà gồm: vàng (Suvarṇa, 金), bạc (Rūpya, 銀), lưu ly (Vaidūrya, 琉璃), pha lê (Sphaṭika, 玻璃), xa cừ (Musāra-galva, 硨磲), xích châu (Rohita-mukta, 赤珠), mã não (Aśmagarbha, 瑪瑙). Luận Đại trí độ, quyển 10, đưa ra bảy thứ báu gồm vàng (金), bạc (銀), tỳ lưu ly (毗琉璃), pha lê (頗梨), xà cừ (車渠), mã não (馬瑙), trân châu đỏ (赤真珠).

thất giác (P. satta bojjhaṅgā, satta sambojjhaṅgā, S. saptabodhyavgāni, 七覺), gọi đầy đủ “thất giác chi” (七覺支), bảy yếu tố giác ngộ,

thất nghịch (七逆): như “bảy tội nghịch ác”.

thất ngôn bát cú (七言八句): Thể thơ mỗi bài có tám câu, mỗi câu bảy chữ, phát triển mạnh trong thời nhà Đường ở Trung Quốc. Nếu tiếng thứ hai của câu 1 là vần bằng thì gọi là thể bằng, là vần trắc thì gọi là thể trắc. luật lệ của bằng trắc trong từng tiếng ở mỗi câu thơ: các tiếng nhất - tam - ngũ bất luận còn các tiếng: nhị - tứ - lục phân minh. Thể bằng là các dấu thanh và huyền. Thể trắc là 4 dấu còn lại (dấu sắc,dấu hỏi, dấu nặng, dấu ngã).

thất ngôn bát cú theo Cổ phong: Thể thơ mỗi bài có tám câu, mỗi câu bảy chữ, không theo quy luật rõ ràng, có thể dùng một vần (độc vận) hay nhiều vần (liên vận) nhưng vần vẫn phải thích ứng với quy luật âm thanh, có nhịp bằng trắc xen nhau.

thất ngôn tứ tuyệt (七言四絶): Thể thơ của nhà Đường ở Trung Quốc, mỗi bài có 4 câu và mỗi câu có 7 chữ, trong đó các câu 1, 2, 4 hoặc chỉ các câu 2, 4 hiệp vần với nhau ở chữ cuối. Nếu tiếng thứ 2 mang thanh bằng thì luật của toàn bài là luật bằng. Bốn câu trong bài theo thứ tự là các câu: khai, thừa, chuyển, hợp.

thất Phật (七佛): như “bảy đức Phật.”

thất tuế xuất gia (七歲出家): như “bảy năm sau khi xuất gia.”

Thâu-lan-giá (P. thullaccaya, S. sthūlātyaya, 偷蘭遮): tội thâu-lan-giá, tội thô (粗罪, thô tội) hay tội nặng (罪重, grave offence), chỉ đứng sau tội trục xuất và tội Tăng tàn về mức độ nghiêm trọng.

thầy cúng: thầy chuyên tụng kinh (頌經和尚, tụng kinh hòa thượng), thầy chuyên đi cúng cầu an, cầu siêu cho người tại gia.

Thầy chùa lửa: Cụm từ hồ đồ được các phương tiện truyền thông khác tôn giáo, các cá nhân, các tổ chức chống phá Phật giáo và chống Cộng cực đoan ở hải ngoại thường sử dụng mà không hề có bất kỳ bằng chứng, căn cứ nào nhằm cố tình vu khống, xuyên tạc và xúc phạm nhân phẩm của Tăng, Ni mà họ không thích. Cụm từ xúc phạm này thường được những kẻ xấu ác sử dụng để tấn công Tăng, Ni nhằm chống phá Phật giáo. Họ là những người khác tôn giáo, có ác cảm với Phật giáo, bất chấp lương tâm, thiếu đạo đức trong truyền thông, lợi dụng mạng xã hội nhằm xúc phạm bất cứ Tăng Ni nào mà họ không thích, qua đó, kêu gọi cộng động mạng tấn công, chống phá Tăng, Ni và Phật giáo.

thầy tán tụng: Tăng sĩ tinh thông về tán tụng và nghi thức kinh sám(經懺僧 kinh sám tăng), còn được gọi là “kinh sư” (經師) tại Việt Nam. Đồng hóa thầy tán tụng với kinh sư là cách dùng từ không chuẩn, vì kinh sư là thuật ngữ chỉ cho Tăng sĩ tinh thông kinh Phật (經藏精通者) hay kho tạng chân lý (經藏, kinh tạng).

thầy tu quốc doanh: Cụm từ hồ đồ được các phương tiện truyền thông khác tôn giáo, các tổ chức chống phá Phật giáo và chống Cộng cực đoan ở hải ngoại thường sử dụng mà không hề có bất kỳ bằng chứng, căn cứ nào nhằm cố tình vu khống, xuyên tạc và xúc phạm nhân phẩm của các Tăng (Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng) và Ni (Sư cô, Ni sư, Ni trưởng) thuộc GHPGVN.

thầy tụng kinh (頌經和尚): Còn gọi là “thầy kinh sám”(經懺僧 kinh sám tăng) hoặc “thầy chuyên kinh sám” (趕經懺, cản kinh sám).

Thầy truyền giới (授戒師): Còn gọi là Hòa thượng truyền giới (授和尚, thọ hòa thượng), là một trong ba bậc thầy (三師) của người xuất gia, truyền trao giới cho các giới tử, tiếp nhận giới pháp tại Đại giới đàn để chính thức làm Sa-di, Tỳ-kheo đối với người xuất gia nam, hoặc làm Sa-di-ni, Thức-xoa hoặc Tỳ-kheo đối với người xuất gia nữ.

Thẻ Phật tử: Giấy chứng nhận làm Phật tử (bằng khổ CCCD) dành cho các thiện nam, tín nữ đã chính chức thức tiếp nhận ba ngôi tâm linh (nương tựa Phật, Pháp, Tăng) và phát nguyện giữ năm điều đạo đức (không giết người, không trộm cắp, không ngoại tình, không nói láo, không sử dụng ma túy và không uống rượu).

thế độ (剃度): như “cắt tóc đi tu.”

thể loại văn học: Văn học thường được chia làm a hình thức gồm thơ ca, kịch, văn xuôi. Thể loại sáng tác văn học gồm sử thi, anh hùng ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, bi kịch, hài kịch, chính kịch, ngụ ngôn, châm biếm bằng văn xuôi hoặc thơ.

thi vượt bậc: Hình thức kiểm tra sát hạch cuối năm của Gia đình Phật tử khi hoàn tất chương trình tu học của một bậc trong và làm cầu nối cho các em tiến lên tu học ở bậc trên. Mục đích của “thi vượt bậc nhằm các mục đích sau: (i) Hoàn tất chương trình bậc học, (ii) Kiểm tra chất lượng, đánh giá mức độ tiếp thu nội dung chương trình tu học của Huynh trưởng, đoàn sinh, (iii) Động viên tinh thần các đoàn sinh để hăng hái học tiếp các bậc trên, (iv) Cơ hội để đánh giá kết quả sinh hoạt của các đơn vị GĐPT. Nội dung thi vượt bậc gồm có: (i) Pháp pháp gồm 5 câu hỏi, mỗi câu 2 điểm; Thời gian 90 phút với ngành Thiếu, 60 phút với ngành Oanh, (ii) Hoạt động thanh niên gồm 5 câu, mỗi câu 2 điểm; Thời gian 60 phút (kể cả văn nghệ, xã hội).

Thích Đức Nhuận (1897 – 1993): Cao tăng Phật giáo Việt Nam, pháp hiệu Thanh Thiệu, pháp tự Đức Huy, tục danh (tên thật) là Phạm Đức Hạp, là Pháp chủ đầu tiên (1981-1993) của GHPGVN. Sinh tại thôn Quần Phương (nay là xóm 10 xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Thân phụ là cụ ông Phạm Công Toán, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Vụ. Năm 1912, khi 15 tuổi, Sư xuất gia với đại sư Thích Thanh Nghĩa ở Chùa Đồng Đắc. Năm 1917, Sư thọ giới Cụ túc tại chùa Phúc Nhạc (Già Lê tự), tỉnh Ninh Bình. Từ năm 1940, Sư làm trụ trì chùa Đồng Đắc, thành lập 2 trường Phật học ở chùa Đồng Đắc và chùa Kỳ Lân (Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Từ năm 1950, Sư làm Giám luật Phật giáo tỉnh Ninh Bình. Năm 1955, Sư làm trụ trì chùa Quán Sứ. Năm 1956, Sư làm phó Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô. Năm 1958-1979, Sư làm Phó hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc). Năm 1969, Sư làm Hiệu trưởng trường Tu học Phật pháp Trung ương. Năm 1979-1981, Sư làm quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam. Năm 1980, Sư làm trụ trì chùa Hòe Nhai (chùa Hồng Phúc), chốn Tổ của thiền phái Tào Động, cho đến khi viên tịch. Năm 1980, Sư làm chứng minh Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Tháng 11 năm 1981, khi được 84 tuổi, Sư được suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN cho đến khi qua đời vào lúc 5 giờ 5 phút ngày 23/12/1993 (nhằm 11/11 năm Quý Dậu), thọ 96 tuổi đời, 77 tuổi đạo. Nhục thân của Sư được an táng tại bảo tháp trong chùa Hoằng Ân, Quảng Bá, Hà Nội. Về pháp môn, Sư tu thiền “phản văn văn tự tính” của Bồ-tát Quán Thế Âm. Ngài là cao tăng sáng ngời giới hạnh, có công giúp GHPGVN mở trường Phật học đào tạo tăng tài, nhằm phát triển Phật giáo và phụng sự nhân sinh.

Thích Giác Chánh: (01/9/1912–02/8/2004): Tổ sư thứ hai của Hệ phái Khất sĩ, sinh tại làng Mỗ Lao, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Thân phụ là cụ ông Bạch Ngọc Lang, thân mẫu i là cụ bà Nguyễn Thị Nhâm. Xuất gia với Tổ sư Minh Đăng Quang vào 01/9/1949, có công xây dựng gần 20 ngôi tịnh thất, xuất gia cho hơn 100 nhà sư. Rằm tháng 7/1953, được Tổ sư Minh Đăng Quang giao trách nhiệm hướng dẫn đoàn du tăng đi hành đạo. Sau ngày vắng bóng của Tổ sư Minh Đăng Quang, Sư được Hệ phái Khất sĩ suy tôn ngôi vị nhị Tổ, lãnh đạo toàn bộ Hệ phái Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Việt Nam. Các năm 1956, 1958, 1961, Sư cùng với các trưởng lão đồng môn xây dựng thêm hàng trăm ngôi tịnh xá, tiếp độ hàng ngàn đệ tử xuất gia. Năm 1961–62 và 1975, Sư hướng dẫn Tăng đoàn đi du phương ở nhiều tỉnh Nam bộ. Năm 1984–2004, Sư tĩnh tu tại trú xứ Vườn nhãn Vĩnh Châu (Bạc Liêu), Pháp viện Minh Đăng Quang (Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh), Tịnh xá Ngọc Liên (Bạc Liêu) rồi sau đó tịnh dưỡng tại Tịnh xá Ngọc Viên, Tổ đình Phật giáo Khất sĩ. Sư tịch lúc 17 giờ 30 phút ngày 17/6 Giáp Thân (nhằm ngày 02/8/2004), trụ thế: 93 năm và 53 hạ lạp. Cuộc đời của Sư là tấm gương sáng ngời trong tu tập hành đạo và hoằng pháp lợi sanh. Xá-lợi nhục thân của ngài hiện đang được tôn thờ tại Tịnh xá Ngọc Viên, thành phố Vĩnh Long.

Thích Giác Nhiên (12/11/1923–03/8/2015): Pháp chủ Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, thế danh Nguyễn Văn Ất, tự Thành Được, sinh tại huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hữu Hườn, pháp danh Thiện Đức. Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Sang, pháp danh Phước Ngọc. Năm 8 tuổi, quy y với tôn sư Minh Trí. Năm 16 tuổi cầu học với HT. Thích Minh Phụng. Năm 1952 xuất gia với Tổ sư Minh Đăng Quang. Rằm tháng 2 năm 1953, thọ giới Sa-di. Rằm tháng 7 năm 1955, thọ giới Tỳ-kheo. Năm 1956-57 cùng các huynh đệ, hướng dẫn đoàn du tăng Khất sĩ hành đạo ở miền Tây, miền Trung. Năm 1958, thành lập Giáo đoàn IV tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa. Năm 1964, là thành viên thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam. Năm 1966 Giáo hội này mới được chính thức công nhận và Sư làm Tổng Trị sự Trưởng kiêm Tổng vụ Trưởng một số tổng vụ. Năm 1972, Sư làm Viện trưởng Viện Hành đạo. Năm 1978, Sư định cư tại thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ. Năm 1980, Sư thành lập Giáo hội Phật giáo Tăng già Khất sĩ Thế giới. Sau 60 năm hành đạo, trong đó có 37 năm hành đạo ở hải ngoại, Sư đã xây dựng hơn 30 ngôi tịnh xá, thuyết giảng hàng ngàn pháp thoại, biên soạn gần 30 tác phẩm, nổi trội nhất là Nghi thức tụng niệm, Ánh nhiên đăng, Pháp môn tọa thiền, Tấm lòng người hiếu tử, Thương nhớ mẹ hiền, Bảo kệ, Pháp kệ, Trai giới trường sinh, Tư tưởng siêu nhân, Diệu lý đông phương, Diệu lý pháp đăng, Diệu lý bảo đăng, Diệu lý nhiên đăng, Diệu lý thiền định, Diệu lý tĩnh tâm, Diệu lý bát nhã, Diệu lý phá mê, Diệu lý minh quang, Diệu lý tâm kinh, Diệu lý các bộ kinh, Diệu lý viên thông v.v… Sư tịch lúc 22:30 phút, ngày 03/8/2015 (nhằm 19/6 Ất Mùi, tức ngày Thành Đạo của đức bồ tát Quán Thế Âm).

Thích giáo Tổng thống (釋教總統): Tương đương chức danh Tăng thống, được sử dụng trong thời nhà Nguyên, Trung Hoa.

Thích Minh Châu (20/10/1918–2012): Cao tăng Phật giáo Việt Nam thời cận đại, có công phát triển giáo dục Phật giáo ở cấp đại học và giới thiệu Tam tạng Pali cho cộng đồng Việt Nam. Sư là Phó chủ tịch Hội Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP) và Chủ tịch Trung tâm Phật giáo châu Á vì Hòa bình Việt Nam (ABCP). Sư là học giả lớn của Phật giáo thế giới và là dịch giả của kinh Tạng Pàli. Thế danh là Đinh Văn Nam, Sư sinh tại làng Kim Thành, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con thứ tư trong gia đình có truyền thống khoa bảng với 11 người con. Năm 1946, Sư xuất gia với Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân (Huế). Từ năm 1952-1955, Sư du học tại Tích Lan. Năm 1955-1958, Sư du học và đậu các văn bằng cử nhân Pali và Anh văn, đặc biệt lại đỗ thủ khoa M.A (cao học) về Pali và Abhidhamma. Năm 1961, Sư đậu thủ khoa Tiến sĩ Phật học tại Đại học Nalanda (Ấn Độ) với luận án "So sánh Kinh Trung bộ trong Tạng Pàli với Kinh Trung A-hàm trong Tạng A-hàm" (The Chinese Madhyama Agama and the Pàli Majjhima Nikàya: A Comparative Study). Năm 1964-1965, Sư làm Phó Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn. Năm 1966-1975, Sư đảm trách vai trò Tổng vụ trưởng Tổng vụ giáo dục và Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh (1964-1975), chuyên lo sự nghiệp giáo dục và dịch Kinh tạng Pali. Năm 1980, Sư tham gia vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Năm 1981, GHPGVN được thành lập, Sư làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký GHPGVN suốt ba nhiệm kỳ I, II, III (1981-1997). Năm 1981-2002, Sư làm đại biểu Quốc hội 4 khóa liền (từ khoá VII đến khoá X) và trong thời gian này, Sư được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội TP.HCM. Năm 1981, Sư làm Hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở I tại Hà Nội. Năm 1984, Sư mở Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở II tại TP.HCM. Năm 1991, Sư thành lập và làm viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam. Năm 1997-2002, Sư làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN. Năm 2007-2012, Sư được suy tôn lên ngôi vị Phó Pháp chủ GHPGVN cho đến lúc viên tịch vào lúc 9 giờ 5 phút ngày 16 tháng 7 năm Nhâm Thìn (tức 1 tháng 9 năm 2012), thọ 95 tuổi. Lễ tang của Sư được tổ chức ở Thiền viện Vạn Hạnh, TP.HCM. Các dịch phẩm của Sư về Kinh tạng Pali gồm có Kinh Trung bộ, Kinh Trường bộ, Kinh Tăng chi bộ, Kinh Tương ưng bộ, Kinh Tiểu bộ (Kinh Pháp Cú, Kinh Phật tự thuyết, Kinh Phật thuyết như vậy, Kinh tập, Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão Ni kệ, Bổn sanh)Thắng pháp tập yếu luận. Sách đồng tác giả gồm Phật phápĐường về xứ Phật. Sách trước tác gồm Những ngày và những lời dạy cuối cùng của đức Phật, Sách dạy Pàli (3 tập), Chữ hiếu trong đạo Phật, Hành thiền, Lịch sử đức Phật Thích Ca, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Chánh Pháp và hạnh phúc. Sách dịch có Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa. Sách tiếng Anh có H'suan T'sang, The Pilgrim and Scholar (Huyền Trang, Nhà Chiêm bái và Học giả do Thích Nữ Trí Hải dịch), Fa–Hsien, the Unassuming Pilgrim (Pháp Hiển, Nhà Chiêm bái khiêm tốn do Thích Nữ Trí Hải dịch), Milindapanha and Nàgasenabhikhusùtra – A Comparative Study Some Teachings of Lord Buddha on Peace Harmony and Human Dignity.

Thích nan(釋难, Kaṅkhāvitaraṇī): Khó khăn về giải thích do Tôn giả Giác Âm (覺音, Buddhaghosa) trước tác. Ấn bản của Hiệp hội thánh điển Pāli (PTS) xuất bản năm 1956, do D.A.L. Maskell chủ biên, bản phiên âm La-tinh, gồm một tập, giải thích giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni.

Thích Từ Nhơn (1926 – 2013): Danh tăng Phật giáo Việt Nam thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Sư giữ các vai trò quan trọng trong GHPGVN gồm Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, Trụ trì Việt Nam Quốc tự (1965-2013), Viện chủ chùa Phước Thạnh (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Sư thế danh Nguyễn Văn Sáu, sinh tại Sa Đéc, nay là Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Diệu (về sau xuất gia với Tổ Phi Lai Thích Chí Thiền). Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tuất, pháp danh Diệu Minh. Năm 1936, Sư thọ giới Sa di tại Giới đàn chùa Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu. Từ năm 1944 – 1946, Sư học lớp Phật học tại chùa Long An, Sa Đéc. Năm 1945, Sư thọ Đại giới Tỳ Kheo Bồ tát tại Tổ đình Vạn An, rạch Cái Xếp (nay là xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1952-1963, Sư làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt tỉnh Sa Đéc. Năm 1953, Sư làm Trụ trì Phước Thạnh Cổ Tự. Năm 1964-1975, Sư làm Ủy viên Tài chánh kiêm Phó tổng vụ Tăng sự GHPGVNTN. Năm 1990-2013, Sư làm Tổng lý Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang. Từ năm 1982-1997, Sư làm Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Thành hội Phật giáo TP.HCM. Tại Đại hội kỳ V, VI và VII, Sư được Đại hội suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN cho đến ngày viên tịch vào lúc 07 giờ ngày 25 tháng 4 năm 2013 (nhằm 16 tháng 3 năm Quý Tỵ) tại Việt Nam Quốc Tự, trụ thể 88 năm, Hạ lạp 68 năm. Sư được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng nhất, Huân chương Ðộc lập hạng nhì, Huân chương Ðại đoàn kết dân tộc và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng nhiều Bằng tuyên dương công đức.

Thích Thiện Nhơn (17/10/1950 –): Danh tăng Phật giáo Việt Nam, sinh tại xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, có công phát triển giáo dục Phật giáo sau năm 1975 và cải cách hành chánh GHPGVN. Sư xuất gia năm 1960 tại chùa Phước Tường (xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), thọ giới Sadi năm 1964 tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (tỉnh Trà Vinh) và thọ giới Tỳ kheo tại Phật học viện Huệ Nghiêm năm 1969. Từ năm 1964-1965, Sư tu học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên. Năm 1965-1968, Sư tu học tại Phật học viện Huệ Nghiêm. Năm 1968-1970, Sư tu học tại Phật học viện Trung Phần (chùa Hải Đức, Nha Trang). Tốt nghiệp tú tài năm 1970, Sư học và tốt nghiệp Cử nhân triết học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1974. Năm 1971-1975, Sư tốt nghiệp Cửu nhân Phật học. Năm 1971-1981, Sư làm giảng sư Tổng vụ Hoằng pháp GHPGVNTN. Năm 1975-1979, Sư học và tốt nghiệp Cao học Phật học tại Phật học viện Huệ Nghiêm và đầu tư vào nghiên cứu Phật học tại đây cho tới năm 1991. Năm 1980-1991, Sư nghiên cứu Phật học tại Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm. Năm 1979-1986, Sư làm Phó giám đốc Phật học viện Thiện Hòa tại Chùa Giác Ngộ, Chùa Ấn Quang và Chùa Giác Sanh. Năm 1981-2007, Sư làm giảng sư Ban hoằng pháp trung ương GHPGVN. Năm 1984-2004, Sư làm giảng viên của Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Huế và Hà Nội). Năm 1987-2007, Sư làm thư ký Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN. Năm 1988-2009, Sư làm Hiệu phó Trường Trung cấp, Cao đẳng Phật học TP.HCM. Năm 1990-2007, Sư làm Phó Ban Trị sự - Chánh thư ký Thành hội Phật giáo TP.HCM. Năm 1997-2007, Sư làm Phó Tổng thư ký – Chánh văn phòng 2 GHPGVN. 2007-2013, Sư làm Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN. Năm 2013-2014, Sư làm Phó chủ tịch thường trực – Tổng thư ký GHPGVN. Năm 2014, Sư làm quyền Chủ tịch  và năm 2015-nay chính thức làm Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN. Năm 2017, Sư được tặng Giải thưởng Biểu tượng Phật giáo toàn cầu và Bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Mahachulalongkorn, Thái Lan. Sư biên soạn, dịch thuật nhiều kinh sách Phật giáo và là giảng sư được nhiều thế hệ tăng ni, Phật tử mến mộ.

Thích-ca Mâu-ni Phật (S. Śākyamuni-buddha, 釋迦牟尼佛) còn gọi là “Thích-ca Văn Phật” (釋迦文佛) là Phật tổ, tức người khai sáng đạo Phật. Phật Thích-ca sinh năm 624 trước Tây lịch, đi tu năm 29 tuổi, thành đạo năm 35 tuổi, chuyển pháp luân 45 năm và nhập niết-bàn vô dư ở tuổi 80.

Thích-ca Mâu-ni Phật (S. Śākyamuni-buddha, 釋迦牟尼佛) còn gọi là “Thích-ca Văn Phật” (釋迦文佛) là Phật tổ, tức người khai sáng đạo Phật. Phật Thích-ca sinh năm 624 trước Tây lịch, đi tu năm 29 tuổi, thành đạo năm 35 tuổi, chuyển pháp luân 45 năm và nhập niết-bàn vô dư ở tuổi 80.

thiền (P. jhāna , S. dhyāna, C. 禅那, E. meditation): Một trong ba giá trị cốt lỏi của đạo Phật (hai giá trị còn lại là trí tuệ và đạo đức), thiền được dịch thoát nghĩa trong Hán cổ là “tư duy tu” (思惟修) tức tu tập về tư duy hoặc “tĩnh lự” (静慮). Người Trung Quốc đọc là “chan”, Nhật Bản là “Zen”, Cao Ly là “Seon” và Việt Nam đọc là “thiền.” Thiền của đức Phật có hai loại thiền căn bản là thiền chỉ (P. samatha bhāvanā, 止,奢摩他) và thiền quán (P. vipassanā bhāvanā, 觀, 毘鉢舍那, tỳ-bát-xá-na). Có bốn cấp thiền chính trong Kinh điển Pali. Theo Kinh trung A-hàm, kinh ý hành (中阿含經·意行經), trong thiền thứ nhất, người tu thiền lìa tham ái, các điều ác và bất thiện, có tầm, có tứ, đạt trạng thái hỷ lạc do lìa ái dục (離欲、惡不善法,有,離生喜、樂,初靜慮). Theo Kinh tạp A-hàm 87 (雜阿含經·八六七經), trong thiền thứ hai, tầm và tứ đã được tịch tĩnh, đạt nội tịnh, tâm chuyên nhất, không còn tầm và không còn tứ, đạt trạng thái hỷ lạc do định (伺寂靜,內等淨,心一趣性,無尋無伺,定生喜、樂,第二靜慮). Trạng thái thiền thứ ba là lìa hỷ, an trú vào xả, giữ chánh niệm, chánh tri, thân cảm nhận an lạc, đạt được diệu lạc (離喜,住捨、正念、正知,身受樂,聖說應捨,第三靜慮). Trạng thái thiền thứ tư là dứt sạch khổ và vui, trước hỷ, dứt lo lắng, đạt được sự xả niệm, tâm thanh tịnh (斷樂斷苦,先喜、憂沒,不苦不樂,捨、念清淨,第四靜慮). Bốn loại thiền nêu trên là pháp tăng thượng tâm (增上心法), giúp người tu an trú hạnh phúc trong hiện tại (現法樂住). Người tu thiền sẽ đạt được: Sức khỏe thể chất, sức khỏe cảm xúc, sức khỏe tâm trí, đạt tâm hài hòa và thích ứng, giác ngộ và thoát.

thiền Bắc tông (北宗禪): Gọi tắt là Bắc tông (北宗). Thuật ngữ thiền Trung Quốc chỉ cho phái thiền tiệm ngộ (漸修禪) phát triển tại miền Bắc Trung Quốc, do thiền sư Thần Tú (神秀) khai sáng vào giữa thế kỷ 7. Tông chỉ của thiền Bắc tông là nội quán bản thân để làm sáng tự tánh, chú trọng quán niệm về mặt mũi xưa nay trước khi được sanh ra đời (內觀自己,以明自性,觀一念未生前的本來面目). Thiền Bắc tông của tổ Thần Tú đối lập với thiền Nam tông (南宗) của tổ Huệ Năng (惠能) vốn chủ trương “đốn ngộ” (顿悟). Xem “thiền Tào Khê”.

thiền công án (公案禪): Phương pháp tu thiền của tông Lâm Tế (臨濟宗),dùng ngôn hành (言行) hoặc câu chuyện (故事) của các tổ sư thiền để hỗ trợ sự khai ngộ (開悟) cho người tu thiền. Về từ nguyên, “công án” là văn thư phán quyết của quan phủ tại Trung Quốc thời cổ đại. Tông Lâm Tế dùng khái niệm “tham công án” (參公案) làm pháp tu, nhằm giúp người tham thiền (參禪者) như phán quan, quyết đoán được các án lệ của các tổ sư ngày xưa (判斷古代祖師的案例) để đạt đến sự khai ngộ. Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) phát triển pháp thiền thoại đầu (話頭禪) từ thiền công án này. Các tác phẩm sưu tập nhiều công án nổi tiếng tiêu biểu gồm có Ngũ đăng hội nguyên (五燈會元), Cảnh Đức truyền đăng lục (景德傳燈錄), Vô môn quan (无门关) và Bích nham lục (碧岩录). Xem “công án”.

thiền Đại thừa (大乘禪): Thuật ngữ thiền Trung Quốc chỉ cho phương pháp tu thiền theo thiền tông Trung Quốc bao gồm thiền công án, thiền thoại đầu và thiền mặc chiếu, nhấn mạnh về việc chỉ thẳng tâm người, giác ngộ ngã và pháp đều không, thấy tánh thành Phật.

Thiền đăng thế phổ (禪燈世譜): Phả hệ đèn thiền, 9 quyển, do Sơn Ông Đạo Mân (山翁道忞) biên tập năm 1631 và ấn hành năm 1654. Tác phẩm này khái quát lịch sử truyền thừa thiền tông từ thời đức Phật, các tổ Ấn Độ đến 5 tông thiền ở Trung Quốc, là tài liệu tham khảo rất hữu ích về phương pháp tu thiền của Phật giáo Trung Quốc.

Thiền gia Pháp chủ: Ngôi vị cao nhất của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, sau đổi là Giáo hội Tăng già Bắc Việt. Trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo, miền Bắc đã có ba vị Hòa thượng được suy tôn làm Thiền gia Pháp chủ: (i) Thiền gia Pháp chủ Hòa thượng Thích Thanh Hanh (1934 – 1936), (ii) Thiền gia Pháp chủ Hoà Thượng Thích Thanh Tường (1936) và Thiền gia Pháp chủ Hòa thượng Thích Mật Ứng (1951 – 1952).

Thiền hải thập trân (禪海十珍): Mười viên ngọc biển thiền, 1 quyển, ấn hành năm 1687, do Vi Lâm Đạo Bái (爲霖道霈) biên tập từ Thiền hải pháp bảo (禪海法寶) của Vĩnh Giác Nguyên Hiền (永覺元賢), đồng thời, viết lời bình về về cách tu tập cho người xuất gia. Gồm 10 chương, tác phẩm này giới thiệu thiền kệ của bảy Phật quá khứ, bốn phép tu đối với người vào đạo của Bồ-đề Đạt-ma (Bodhidharma), tín tâm minh của tổ Tăng Xán (僧璨), 2 loại tam-muội của tổ Huệ Năng (慧能), Chứng đạo ca của thiền sư Vĩnh Gia (永嘉), Tham đồng khế của tổ Thạch Đầu (石頭), pháp ngữ của Lâm Tế (臨濟), Bảo kính tam-muội của Động Sơn (洞山), mười huyền đàm của Đồng An (同安), và Cửu đới (九帯) của Phù Sơn (浮山).

thiền lâm (禪林): Rừng thiền, đồng nghĩa với các từ “thiền viện” (禪院), “thiền tự” (禪寺) hay “tùng lâm” (叢林), tức chùa tu thiền. Ví dụ, Thiền lâm bảo huấn âm nghĩa (禪林寶訓音義). Tham chiếu:  卍Tục tạng kinh 64, No. 1262), tức phiên âm và dịch nghĩa các lời dạy quý báu của chùa thiền, hay Thiền lâm tăng bảo truyện (禪林僧寶傳, 卍Tục tạng kinh 79, No. 1560), tức chuyện cao tăng chốn thiền.

Thiền lâm bảo huấn(禪林寳訓): Còn gọi là Thiền môn bảo huấn (禪門寳訓), 2 quyển, ấn hành năm 1378, do Tịnh Thiện (淨善) nhà Tống sưu tập từ 100 ngữ lục nổi tiếng của các tổ sư và có công bổ sung hơn 200 ngữ lục và truyện ký của Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) và Trúc Am Sĩ Khuê (竹菴士珪). Đây là tác phẩm khuyến tu với câu văn chắt lọc, văn phong thống thiết, lời lẽ minh triết, ý tưởng siêu thoát, dễ nhớ, dễ thuộc. Tác phẩm này đã trở thành sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ tăng sĩ tại Trung Quốc.

thiền mặc chiếu (黙照禪): Pháp tu thiền tọa (禪坐) do thiền sư  Hoằng Trí Chánh Giác thời Nam Tống (南宋) khởi xướng, qua tác phẩm “Mặc chiếu bi” (默照銘) và “Tọa thiền châm” (坐禪箴). Đây là dòng thiền đại diện cho pháp môn tu tập của tông Tào Động (曹洞宗), đối lập với pháp tu “thiền khán thoại đầu” (看話禪) của tông Lâm Tế (臨濟宗). “Mặc” là không vướng chấp nội tâm, không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, giữ trạng thái an định mà “chiếu” soi để thấu rõ nội tâm” (默是指是不受自己內心以及環境的影響,讓心保持安定的狀態,而照,則是指清楚的覺知自己內心). Lúc mới khởi xướng, thiền mặc chiếu bị thiền sư Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) quy kết là “Mặc chiếu tà thiền” (黙照邪禪) vì cho rằng suốt ngày tĩnh tọa là “dứt huệ mạng của Phật” (斷佛慧命), “rơi vào động quỷ ở núi đen” (墮在黑山下鬼窟裡), “có tĩnh mặc mà không chiếu soi là tà thiền” (有默無照,是邪禪). Thiền mặc chiếu có nguồn gốc từ bát-nhã học (般若學) và thiền chỉ quán (止觀). Đến đời Đông Tấn, tổ Huệ Viễn (慧遠) từng dùng hai chữ “chiếu tịch” (照寂) làm phương pháp tu thiền. Trong Bát-nhã vô tri luận (般若無知論), tổ Tăng Triệu (僧肇) dùng chiếu tịch làm thể để đạt bát-nhã. Về sau, thiền sư Đạo Nguyên (道元), Nhật Bản đổi thiền mặc chiếu bằng tên gọi mới là "chỉ quản đả tọa" (只管打坐, shikantaza).

thiền môn (禪門): 1. Cửa thiền, đồng nghĩa với cổng chùa, hay ngôi chùa Phật giáo, nơi trang nghiêm, thanh tịnh, giác ngộ và giải thoát; 2. Còn gọi là thiền định môn (禪定門), đồng nghĩa với thiền tông (禪宗), pháp môn thiền định. Thiền thuộc định học (定學), một trong ba giá trị cốt lõi (三學) của đạo Phật. Thiền định ba-la-mật (P. jhāna-pāramitā, S. dhyāna-pāramitā, C. 禪定波羅蜜) đóng vai trò quan trong sáu ba-la-mật của Bồ-tát (S. ṣaḍ-pāramitā, ṣaṭ-pāramitā, 六度).

thiền Nam tông (南宗禪): Gọi tắt là Nam tông (南宗). Thuật ngữ thiền Trung Quốc chỉ cho phái thiền đốn ngộ (頓悟禪) phát triển tại miền Nam Trung Quốc, do thiền sư Tào Khê Huệ Năng (曹溪惠能) khai sáng vào năm 677, chủ trương “giác ngộ tức khắc” (顿悟). Thiền Nam tông của tổ Huệ Năng đối lập với thiền Bắc tông (北宗) của tổ Thần Tú (神秀) vốn chủ trương “tiệm ngộ” (漸悟) hay thiền tiệm tu (漸修禪). Xem “thiền Tào Khê”.

thiền ngoại đạo (外道禪): Thuật ngữ thiền chỉ cho các phương pháp tu thiền ngoài Phật giáo bao gồm yoga và thiền của các trường phái tôn giáo tại Ấn Độ, cũng như các pháp thiền do những người không theo Phật giáo chủ trương. Thiền yoga và các phương pháp thiền ngoại đạo chủ yếu mang lại sức khỏe thể chất, không có khả năng khai mở trí tuệ, giải phóng khổ đau nên không thể giúp người thực tập đạt được sự giác ngộ và giải thoát.

Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự (禪源諸詮集都序): Còn gọi là Thiền-na lý hành chư thuyên tập (禪那理行諸詮集), 2 quyển, do Khuê Phong Tông Mật (圭峰宗密) sáng tác và ấn hành năm 1062. Đây là tuyển tập về các lời tinh hoa, kệ tụng về lịch sử thiền tông, đề cao thiền tối thượng thừa nhằm giúp người đọc thực tập thiền định, hiểu rõ chân tánh, trở về bản nguyên để tự khai ngộ.

thiền Như Lai (如來禪): Còn gọi là thiền thanh tịnh của Như Lai (如來清淨禪), chính là định Thủ-lăng-nghiêm (首楞嚴定), loại định được Như Lai chứng đắc. Tông chỉ của thiền này là tham cứu ba đức gồm pháp thân, bát-nhã và giải thoát như kho tàng bí mật để đạt được sáu ba-la-mật và vạn hạnh, đồng thời, mở ra diệu dụng vô tác (無作之妙用) , nhờ đó, giải quyết các việc của chúng sanh một cách không nghĩ bàn.

thiền phàm phu (凡夫禪): Thuật ngữ thiền Trung Quốc chỉ cho các phương pháp tu thiền của người phàm chỉ hướng đến mục đích mang lại sức khỏe thể chất, không chú trọng sự khai ngộ chân tâm, khai mở trí tuệ, giác ngộ, giải thoát.

thiền phong (禪風): gia phong thiền, phong thái thiền, được sử dụng đồng nghĩa với các từ “gia phong”, “tông phong”, “môn phong” hay “tông phái.

thiền sàng (禪床): giường thiền, giường ngồi thiền của tăng sĩ trong thiền viện. Trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, người tu phải thực tập thiền chỉ và thiền quán tại giường, để làm chủ thân thể, cảm giác, tâm và các pháp.

thiền sư (禪師): (1) Bậc thầy chuyên nghiên cứu thiền, thực tập thiền, giảng dạy thiền, hướng dẫn thiền, giúp người vượt qua khổ đau bằng phương pháp tu thiền (禪修), (2) Trong Phật giáo Ấn Độ, Tăng sĩ của Tông Du-già (瑜伽師) chuyên tu yoga Phật giáo được gọi là nhà “yogi” tương đương với thuật ngữ “Du-già sĩ” (瑜伽士), hay “Du-già sư” (瑜伽師) được gọi là thiền sư, (3) Tại Trung Quốc, tăng sĩ của Tông Thiên Thai (天台宗) và Tông Hoa Nghiêm (華嚴宗) được gọi với danh hiệu là thiền sư.

thiền sư (禪師): thầy tu thiền, thầy dạy thiền, thầy hướng dẫn thiền chỉ quán, bậc thầy giác ngộ thiền và minh tâm kiến tánh. Tại Ấn Độ, thiền sư còn gọi là Du-già sư (瑜伽師) hay Du-già sĩ (瑜伽士), vì người tu thiền phải lấy pháp tu du-già (瑜伽) để hợp nhất thân và tâm (身心合一). Tại Trung Quốc, trong suốt hơn 100 năm, kể từ tổ Bồ-đề Đạt-ma, Kinh Lăng-già (楞伽经) được làm cẩm nang tu tập. Do vậy, trong giai đoạn này, thiền sư còn được gọi là Lăng-già sư (楞伽師). Từ thời các tổ Đạo Tín (道信), Hoằng Nhẫn (弘忍) và Huệ Năng (惠能) trở đi, thiền tông Trung Quốc dùng Kinh kim cang (金刚经) khai ngộ (开悟) người tu thiền. Do vậy, thiền sư cũng được gọi là “kim cang sư” (金刚師).

thiền Tào Khê (曹溪禪): Còn gọi là Nam tông (南宗), một trong các phái thiền của Phật giáo Trung Quốc, do thiền sư Tào Khê Huệ Năng (曹溪惠能) khai sáng vào năm 677. Tổ Huệ Năng được tổ thứ năm Hoằng Nhẫn (弘忍) truyền pháp và được thiền sư Ấn Tông (印宗) chính thức làm lễ xuất gia vào năm 676. Năm 677, tổ Huệ Năng bắt đầu hoằng dương thiền tông ở chùa Bảo Lâm (曹溪宝林寺) ở Tào Khê, nay là Chùa Nam Hoa (南华寺) ở Quảng Đông. Nếu thiền của tổ Thần Tú (神秀) được gọi là Bắc tông (北宗) chủ trương “ngộ theo thứ tự” (漸悟) thì thiền của tổ Huệ Năng là Nam tông (南宗) chủ trương “ngộ tức khắc” (顿悟) theo nghĩa “tánh giác vốn có, phiền não vốn không” (觉性本有,烦恼本无), chỉ cần trực tiếp chứng được tính giác thì được giác ngộ. Phương pháp thiền Tào Khê của Huệ Năng lấy định, tuệ làm gốc (定慧为本), vô niệm làm tông (无念为宗), không phan duyên thiện và ác (不攀缘善恶), không chấp không thủ tịch (不可沉空守寂), cần học rộng nghe nhiều (须广学多闻), nhận biết bản tâm (识自本心), thể hội thiền (体会禅) trong đi, đứng, nằm, ngồi và phải đạt ngộ giải thoát tại thế gian (不离世间觉). Về sau, thiền Tào Khê phân hóa thành hai phái: (i) Tào Khê Nam tông (曹溪南宗), (ii) Tào Khê Bắc tông (曹溪北宗) còn gọi là tông Hà Trạch (荷澤宗). Tào Khê Nam tông phân thành ba tông gồm tông Thạch Đầu (石頭宗), tông Hồng Châu (洪州宗) và tông Bảo Đường (保唐宗). Thiền Tào Khê là khởi nguyên của “ngũ tông thất phái” (五宗七派) hay “ngũ gia thất phái” (五家七派) tức năm tông thiền (五宗) chính ở Trung Quốc gồm: (i) Tông Lâm Tế (臨济宗), (ii) Tông Tào Động (曹洞宗), (iii) Tông Vân Môn (雲門宗), (iv) Tông Pháp Nhãn (法眼宗) và (v) Tông Quy Ngưỡng (溈仰宗). Thuật ngữ “ngũ diệp” (五葉) trong câu nói “Một hoa nở năm cánh, kết quả tự nhiên thành” (一花開五葉,结果自然成) chỉ cho năm tông thiền nêu trên. Về sau, tông Lâm Tế phân thành hai phái chính là phái Hoàng Long (黃龍派) và phái Dương Kỳ (楊岐派). Thiền Tào Khê trở thành dòng thiền chủ lưu từ đời Đường trở về sau. Sau đời Tống, tông Lâm Tế và tông Tào Động là hai tông có ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc.

thiền Tào Khê của tổ thứ sáu Huệ Năng (六祖惠能的曹溪禪): = thiền Tào Khê.

thiền tịch (禪席): 1. Chỗ ngồi tu thiền và tham vấn thiền; 2. Trong một số ngữ cảnh, từ này được sử dụng đồng nghĩa với từ “thiền viện” (禪院), “thiền tự” (禪寺) hay “tùng lâm” (叢林), tức chùa tu thiền.

thiền Tiểu thừa (小乘禪): Thuật ngữ thiền Trung Quốc chỉ cho phương pháp tu thiền chỉ (P. samatha, S. śamatha, C. 止) và thiền quán (P. vipassanā, S. vipaśyanā, C. 觀) của Phật giáo Thượng tọa bộ với mục đích đạt được chánh niệm hiện tiền. Thực ra, đây là phương pháp tu thiền của chính đức Phật, có khả năng đạt được định, mở trí tuệ, giải phóng khổ đau, chứng thánh quả A-la-hán.

Thiện tín vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Cư sĩ GHPGVNTN.

thiền Tổ sư (祖師禪): Thuật ngữ thiền Trung Quốc chỉ cho phương pháp thiền không dựa kinh văn Phật dạy (教外別傳) và “không lập văn tự” (不立文字) do các tổ sư Trung Quốc khai sáng và truyền bá, đối lập với “thiền Như Lai” (如來禪). Tổ Bồ-đề Đạt-ma (Bodhidharma) được xem là tổ đầu tiên của thiền Tổ sư. Trên thực tế, sau đời Đường Tống, Trung Quốc, Thiền Tổ sư được hiểu là thiền công án (公案禪) và thiền thoại đầu (話頭禪) để khởi lên nghi tình (疑情) hoặc khối nghi lớn (大疑團) nhằm giúp thiền sư không sanh khởi vọng tâm (妄心不生) để thấy rõ mặt mũi xưa nay của vạn pháp (萬法本來面目).   Tông chỉ của thiền tổ sư là “chỉ thẳng tâm người” để giúp người tu “thấy tánh thành Phật.”

thiền tối thượng thừa (最上乘禪): Còn gọi là thiền thanh tịnh của Như Lai (如來清淨禪), tam-muội chơn như (眞如三昧), nhất hạnh tam-muội (一行三昧) hoặc nhất thiết tam-muội căn bản (一切三昧根本). Tông chỉ của thiền này là tu tập mỗi niệm (念念修習) nhằm khai ngộ được sự thanh tịnh của tự tâm xưa nay, vốn không phiền não, trí tuệ vô lậu, vốn đầy đủ tất cả. Tâm này là Phật vốn không sai khác (若頓悟自心本來清淨,元無煩惱,無漏智性,本自具足,此心即佛,畢竟無異).

thiền tông (禪宗): Một trong 10 tông phái Phật giáo Đại thừa Trung Quốc, do thiền sư Bồ-đề Đạt-ma (菩提達摩) truyền sang Trung Quốc, về sau phát triển mạnh ở các nước Đông Á. Vì tông này chú trọng thiền ngồi (坐禪) nên còn gọi là tọa thiền tông (坐禪宗), đối lập với “giáo môn” (教門). Người Nhật Bản gọi thiền tông là Phật tâm tông (佛心宗, Busshin-shū) hay Đạt-ma tông (達磨宗, Daruma-shū). Về lịch sử, thiền tông chính thức có mặt tại Trung Quốc vào thế kỷ 6-7, thừa kế triết học Đại thừa, dung hợp với tư tưởng huyền học của đạo Lão. Thiền tông Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của giác ngộ “tính Phật” bằng phương pháp “đốn ngộ” (頓悟), tức "giác ngộ ngay tức khắc", thông qua thực chứng. Mặc dù vẫn nghiên cứu kinh sách nhưng thiền tông kêu gọi không lệ thuộc vào kinh sách. Cốt lõi của thiền tông là giác ngộ bản tâm thanh tịnh, vượt thoát luân hồi. Thiền tông Trung Quốc manh nha từ thời đại Nam Bắc triều (420-589) với sự đóng góp nổi bật của các tổ Bồ-đề Đạt-ma (Bodhidharma), Huệ Khả, Tăng Xán và Đạo Tín. Thời kỳ đầu được tính từ thời nhà Tùy (589-618) kéo dài đến năm 900 với sự đóng góp lớn của các tổ Hoằng Nhẫn, Huệ Năng và Thần Tú. Thời kỳ trung thiền (750-1000) có sự đóng góp nổi bật của Mã tổ Đạo Nhất, Thạch Đầu Hi Thiên, Lâm Tế Nghĩa Huyền và Tuyết Phong Nghĩa Tồn. Trong giai đoạn  nhà Tống (950-1300) thiền tiếp tục phát triển mạnh tại Trung Quốc, với sự đóng góp nổi trội của các thiền sư Đại Huệ Tông Cảo, Hoằng Trí Chính Giác. Dựa vào Kinh Lăng-già (楞伽經), thiền tông chủ trương “Cốt lõi lời Phật làm tông, không cửa làm pháp môn, truyền tâm tông của Phật nên tự xưng là tông môn” (佛語心為宗,無門為法門,傳佛心宗自稱宗門). Khởi nguyên của Thiền tông bắt đầu từ câu chuyện đức Phật cầm hoa Kim-ba-la (金波羅華), ngài Ca-diếp (S. Mahākāśyapa, 摩訶迦葉) mỉm cười trong vô ngôn nên được đức Phật phó chúc làm sơ tổ: “Ta có kho mắt chánh pháp, tâm niết-bàn mầu nhiệm, thật tướng vốn vô tướng, pháp môn vi diệu, nay trao truyền cho ông (我有正法眼藏、涅槃妙心、實相無相、微妙法門、付囑與汝). Từ thời của tổ Huệ Năng thì chủ trương “lấy tâm truyền tâm, truyền ngoài kinh sách” (以心傳心、敎外別傳) trở thành trọng tâm của thiền. Sau thời ngài Huệ Năng (惠能), thiền tông Trung Quốc phát triển mạnh thành “ngũ tông thất phái” (五宗七派) gồm: (i) Lâm Tế tông (臨濟宗), (ii) Pháp Nhãn tông (法眼宗)、 (iii) Tào Động tông (曹洞宗)、 (iv) Vân Môn tông (雲門宗) và (v) Quy Ngưỡng tông (溈仰宗). Hai phái tách ra từ tông Lâm Tế là Hoàng Long phái (黃龍派), Dương Kỳ phái (楊岐派). Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) của Lâm Tế tông khởi xướng “thiền thoại đầu” (話頭禪). Thiền sư Hoằng Trí Chánh Giác (宏智正覺) của Tào Động tông khởi xướng “thiền mặc chiếu” (默照禪). Thiền tông đã ảnh hưởng sâu rộng đến tư tưởng triết học, nghệ thuật và văn hóa tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Cao Ly. Hai mươi tám tổ sư của thiền tông Ấn Độ (西天二十八祖) có công truyền bá Phật giáo tại Ấn Độ. Tổ Bồ-đề Đạt Ma (S. Bodhidharma, 菩提達磨) có công phổ biến Phật giáo thiền tại Trung Quốc, với truyền thừa sáu tổ sư Trung Quốc (東土六祖) gồm Bồ-đề Đạt-ma (S. Bodhidharma, 菩提達磨), Huệ Khả (慧可), Tăng Xán (僧璨), Đạo Tín (道信), Hoằng Nhẫn (弘忍) và Huệ Năng (慧能). Xem “hai mươi tám tổ sư” và “sáu tổ Đông độ”.

thiền tử (禪子): 1. Đồng nghĩa với từ “thiền sinh” tức người tu thiền; 2. Tên gọi chung cho Tăng sĩ Phật giáo, những người xuất gia tu tập tại chốn thiền môn.

thiền tự (禪寺): Chùa thiền, chùa tu thiền và dạy thiền. Trong một số ngữ cảnh, thiền tự được sử dụng đồng nghĩa với các từ thiền tự (禪寺), “thiền lâm”(禪林) và “tùng lâm” (叢林).

thiền thoại đầu (話頭禪): Còn gọi là “thiền khán thoại” (看話禪) là phương pháp tu thiền do thiền sư Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲), đời Nam Tống khởi xướng, vốn phát triển từ thiền công án (公案禪), rất thịnh hành trong tông Lâm Tế; đối lập với phương pháp thiền mặc chiếu (默照禪) của tông Tào Động (曹洞宗). Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo chủ trương dạy mọi người tham cứu “công án chữ vô” (無字公案) của thiền sư Triệu Châu (趙州) để khởi lên nghi tình (疑情) rồi lấy nghi tình để tham cứu công án mà được khai ngộ (開悟). Về cách tu, “khán” (看) còn gọi là “tham” (參) tức là quán sát và giữ gìn (觀察守護) nội quán (內觀); “thoại đầu” (話頭) là phần đầu của câu nói, tức khoảnh khắc chưa nói, chưa bị động niệm. Người tu thiền theo cách này phải tham câu thoại đầu, quán sát nội tâm, khởi lên nghi tình cho đến lúc được khai ngộ. Do vậy, “khán thoại đầu” còn gọi là “tham thoại đầu” (參話頭). Các câu thoại đầu thông dụng nhất bao gồm “Vì sao con chó không có Phật tánh?” (因甚狗子無佛性?), “niệm Phật là ai? (念佛是誰?), “trước khi cha mẹ chưa sinh ra thì bản lai diện mục là gì?” (本來面目?), “vạn pháp về một, một về chỗ nào?” (萬法歸一,一歸何處?) và “người ném tử thi là người gì?” (拖死屍的是什麼人?).

Thiền uyển dao lâm (禪苑瑤林): Tên gọi khác của sách Thiền uyển mông cầu (禪苑蒙求).

Thiền uyển mông cầu (禪苑蒙求):  Viết tắt là Thiền mông cầu (禪蒙求, Zenmōkyū), còn gọi là Thiền uyển dao lâm (禪苑瑤林), 3 quyển, do Thác Am Chí Minh (錯庵志明) biên soạn, Tuyết Đường Đức Gián (雪堂德諫) chú thích và Vương Khê (王溪) ấn hành năm 1255. Đối tượng của tác phẩm này là những người mới phát tâm học đạo. Nhờ cách viết ngữ lục và truyện tích theo văn phong biền nhẫu nên tấm gương của các bậc anh tú trong vườn thiền từ đức Phật đến các tổ sư có khả năng giúp người tu thiền tự soi sáng và khai ngộ.

Thiền uyển thanh quy(禪苑清規): Thanh quy vườn thiền, còn gọi là Sùng Ninh thanh quy (崇寧清規), 10 quyển, do Tông Trách (宗賾) biên soạn vào năm 1103, khởi nguồn từ sự quý trọng bộ Bách Trượng thanh quy (百丈清規) đã bị thất lạc từ năm 1100. Tác phẩm này được xuất bản tại Cao Ly với tên gọi là “Cao Lệ bản” (高麗本) vào năm 1254 và được khắc in tại Nhật Bản với tên gọi “Ngũ Sơn bản” (五山本) vào thời Nam Bắc triều (1336-1392). Đây là bộ thanh quy thiền môn cổ xưa nhất trong cùng thể loại, kế thừa bộ thanh quy của tổ Bách Trượng, đề cao ngôn hạnh thoát tục, đời sống thanh cao, oai nghi tế hạnh và những lời khuyến tu đối với người xuất gia.

thiền viện (禪院): Chùa thiền, chùa tu thiền và dạy thiền. Trong một số ngữ cảnh, thiền viện được sử dụng đồng nghĩa với các từ “thiền lâm”(禪林), “thiền tự” (禪寺) và “tùng lâm” (叢林).

Thiền viện Vạn Hạnh (萬行禪院): Tọa lạc tại số 750 Nguyễn Kiệm, P.4, quận Phú Nhuận, TP.HCM với diện tích gần 1 hecta, do HT. Thích Minh Châu làm Viện chủ, gồm có Chánh điện, ngôi nhà tổ hai tầng (tầng trệt là giảng đường), tăng xá và tòa học đường. Trước năm 1975, nơi đây từng là trụ sở của Khoa khoa học tự nhiên của Viện Đại học Vạn Hạnh thuộc GHPGVNTN do HT. Thích Minh Châu làm Viện trưởng. Từ năm 1984, Thiền viện Vạn Hạnh là cơ sở 1 của Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (HVPGVN tại TP.HCM) và từ năm 1991 đến nay còn là trụ sở của Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam. Cả hai Viện này đều đặt trụ sở tại tòa học đường trong Thiền viện Vạn Hạnh là nơi đào tạo Phật học và đào tạo tăng ni tài của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại, gắn liền với sự dẫn dắt của HT. Thích Minh Châu.

Thiền-na lý hành chư thuyên tập (禪那理行諸詮集): Tên gọi khác của tác phẩm Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự (禪源諸詮集都序).

Thiết kế vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Kiến thiết GHPGVNTN.

Thi-khí Phật (P. Sikhī-buddha, S. Śikhin-buddha, 尸棄佛),thường được dịch là “Đảnh Kế Phật” (頂髻佛) hay “Trì Kế Phật” (持髻佛) là một trong 7 Phật quá khứ và 24 Phật quá khứ.

Thi-khí Phật (P. Sikhī-buddha, S. Śikhin-buddha, 尸棄佛),thường được dịch là “Đảnh Kế Phật” (頂髻佛) hay “Trì Kế Phật” (持髻佛) là một trong 7 Phật quá khứ và 24 Phật quá khứ.

thọ giới (受戒): (1) như “tiếp nhận giới,” (2) truyền trao giới (授戒, chữ “thọ” có bộ thủ bên trái).

thọ uẩn (P. vedanā-kkhandha, S.vedanā-skandha, C. 受蘊, E. the feeling group): tổ hợp cảm xúc (感覺), yếu tố thứ hai trong năm uẩn (五蘊), yếu tố thứ bảy trong mười hai mắc xích (十二因緣). Cảm xúc là tình tự tâm lý (情绪) được tạo ra do có sự tiếp xúc ()giữa giác quan (感官), ngoại cảnh (外境) và ý thức (意識). Kinh tương ưng (相應部卷22,第48章) nêu ra  ba loại cảm giác gồm cảm giác khổ đau (苦受) tạo ra phản ứng sân (瞋), cảm giác hạnh phúc (樂受) tạo ra tham ái (貪) và xả thọ (捨受) còn gọi là cảm giác không khổ không vui (不苦不樂受) tạo ra si mê (痴) đối với các tiếp xúc xa và gần (远近), đẹp và xấu (优劣), thô và tế (粗细), trong và ngoài (内外) thuộc quá khứ, tương lai và hiện tại. Phân loại chi tiết thì có cảm giác hạnh phúc của thân (P. kāyikā sukhā vedanā, C. 身樂受, E. bodily agreeable feeling), cảm giác đau của thân (P. kāyikā dukkhā vedanā, C. 身苦受, E. bodily painful feeling), cảm giác hạnh phúc của tâm (P. somanassa = cetasikā sukhā vedanā, C. 心樂受, E. mentally agreeable feeling), cảm giác đau khổ của tâm (P. domanassa = cetasikā dukkhā vedanā, C. 心苦受, E. mentally painful feeling) và cảm giác trung tính (P. upekkhā = adukkha-m-asukhā vedanā, C. 捨受, E. indifferent feeling). Về bản chất, các cảm xúc hài lòng (可意) hay không hài lòng (不可意) lệ thuộc vào phán đoán chủ quan (主觀判斷) của mỗi con người. Nhóm cảm xúc gồm có sáu cảm xúc của thân (六受身) là do sáu giác quan (六根) tiếp xúc với sáu đối tượng trần cảnh (六塵境界) bao gồm cảm xúc của mắt (眼受), cảm xúc của tai (耳受), cảm xúc của mủi (鼻受), cảm xúc của lưởi (舌受), cảm xúc của thân (身受) và cảm xúc của ý (意受). Tổ hợp cảm xúc này luôn bị chi phối bởi sự sinh diệt (生滅), vô thường (無常), vô ngã (無我) và không có thực thể (空). Tham chiếu: CBETA, T02, no. 99, p. 7, b23-28; T26, no. 1541, p. 634, c9-11; Luận du-già sư địa (瑜伽師地論卷25).

thổ (吐): 1. Nhả ra (吐出); 2. Đuổi đi (嘔出), 3. Bài trừ (排除). 

Thông bạch của Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Ủy Ban Liên phái bảo vệ Phật giáo vào năm 1963: Thông bạch quan trọng do HT. Thích Tịnh Khiết, Hội trưởng Tổng hội Phật giáo Việt Nam và TT. Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo cùng ký đề vào ngày 06/11/1963. Thông bạch này đề cập giải pháp khoan dung, tha thứ, hòa giải và hợp tác của cộng đồng Phật giáo đối với chính phủ Đệ nhị Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam gồm 5 việc cần thiết như sau: (1) Cần nắm vững truyền thống thuần túy cao đẹp của nền Phật giáo dân tộc với lòng từ bi, khoan độ bất luận trong hoàn cảnh nào, (2) Ngoài Tổng hội và Ủy ban Liên phái, không một ai có quyền và danh nghĩa để tuyên bố hoặc hành động nhân danh Phật giáo, nếu không có phép hay ủy nhiệm của hai tổ chức nói trên, (3) Không nên dùng cờ Phật giáo một cách bừa bãi và ngoài những ngày Lễ Phật giáo, (4) Chư Tăng, Ni trở về nếp sống cũ và tạm thời chịu sự hướng dẫn của Ủy Ban Liên phái cho đến khi có thông bạch mới, (5) Các Phật tử trong nước nên tích cực tham gia việc úy lạo anh em binh sĩ để tỏ lòng tri ân và tuân hành các thông cáo, chỉ thị, huấn lệnh của nhà chức trách. Đây là chủ trương ôn hòa và độ lượng của lãnh đạo Phật giáo theo tinh thần từ bi của đức Phật sau khi cộng đồng Phật giáo miền Nam Việt Nam trải quan nhiều đau khổ trong suốt 6 tháng từ 05/1963 đến 11/1963 do chính sách kỳ thị tôn giáo và bất bình đẳng xã hội một cách tàn ác của chính phủ tổng thống Ngô Đình Diệm.

Thông bạch: Công văn của GHPGVN do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự ký ban hành (với phần cuối công văn thường được viết tắt là /TB-HĐTS) nhằm hướng dẫn phương cách tổ chức: (i) Đại lễ Phật đản hằng năm, (ii) Đại lễ Vu-lan báo hiếu, (iii) Mừng xuân Di-lặc, tặng quà tết cho người có hoàn cảnh khó khăn, (iv) An cư kiết hạ, (v) Đại giới đàn, (vi) Đại lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, (vii) Đại lễ tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức, (viii) Tang lễ của đức Pháp chủ, Phó Pháp chủ, (ix) Cứu trợ đồng bào bị thiên tai, giúp người có hoàn cảnh khó khăn…

Thông báo: Loại văn bản hành chính thông dụng, được sử dụng để truyền tải nội dung của một tin tức, sự kiện, mệnh lệnh quản lý của Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN các cấp cho những người có liên quan biết hoặc thực thi. Trong mọi trường hợp thông báo không được phép thay thế các văn bản pháp luật. Nội dung và phạm vi của Thông báo bao gồm: (i) Thông báo truyền đạt chủ trương, chính sách, quyết định, chỉ thị của cấp trên, (ii) Thông báo về kết quả của Đại hội, Hội nghị, cuộc họp, (iii) Thông báo về thay đổi lãnh đạo, cơ quan chủ quản, thay đổi phạm vi hoạt động, địa giới hành chánh, (iv) Thông báo về nhiệm vụ được giao, (v) Thông báo về sự kiện, tin tức, (vi) Thông báo về treo cờ, biểu ngữ chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc, hoặc Đại hội Phật giáo cấp tỉnh thành, quận, huyện, thị xã.

Thông cáo báo chí (Press Release): Tài liệu tóm tắt về chương trình hay một sự kiện quan trọng được Hội đồng Trị sự hoặc Ban Trị sự GHPGVN các cấp, Trụ trì tự viện phát đi khi sắp tổ chức một sự kiện hay hoạt động Phật sự nào đó nhằm thông báo với giới truyền thông về sự kiện và hoạt động này.  Thông cáo báo chí thường cung cấp thông tin: (i) Chủ đề của câu chuyện, (ii) Câu chuyện về cái gì, (iii) Sự kiện diễn ra khi nào, (iv) Đang diễn ra ở đâu, (v) Tầm quan trọng và mức độ quan trọng của thông tin.

Thông điệp của đức Pháp chủ: Cách viết khác của Thông điệp Đại lễ Phật đản do đức Pháp chủ GHPGVN ban hành trước mùa Phật đản hằng năm.

Thông điệp Đại lễ Phật đản: Thông điệp do đức Pháp hoặc Quyền Pháp chủ ban hành trước mùa Đại lễ Phật đản nhằm nhắc nhỡ Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN các cấp, Tăng Ni và Phật tử trong và nước về tầm quan trọng của sự kiện tam hợp (đản sinh, thành đạo và nhập niết-bàn của đức Phật), những đóng góp to lớn của đức Phật đối với sự chuyển đổi xã hội và giá trị trị liệu của chân lý Phật, đồng thời kêu gọi tinh thần nhập thế, phụng sự nhân sinh của cộng đồng Phật giáo Việt Nam. Văn bản về Đại lễ Phật đản do Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành trước Đại lễ Phật đản là Diễn văn Phật đản.

Thông tư: Hình thức văn bản quy phạm của GHPGVN do Chủ tịch Hội đồng Trị sự ban hành (với phần cuối công văn thường được viết tắt là /TT-HĐTS) nhằm hướng dẫn: (i) Tu chỉnh Quy chế hoạt động của các Ban, Viện, (ii) Tổ chức Đại hội Đại biểu GHPGVN cấp tỉnh, thành phố, cũng như Đại hội Đại biểu GHPGVN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, (iii) Điều chỉnh quy mô, nội dung, hình thức tổ chức Đại hội Phật giáo, hoặc Đại lễ kỷ niệm việc thành lập GHPGVN, (iv) Dự kiến cơ cấu nhân sự của các Ban, Viện, (v) Tổ chức khóa sinh hoạt hành chính Giáo hội, (vi) Việc sinh hoạt của Tăng Ni, sử dụng không gian mạng, tham gia các tổ chức trong và ngoài nước…

Thông thống (通統): Tương đương chức danh Tăng thống, được sử dụng trong thời Bắc Tề, Trung Hoa.

thờ cây cối: Tín ngưỡng thờ cây cối tượng trưng các giá trị thiêng liêng và siêu nhiên trở nên phổ biến trong các nền văn hóa nông nghiệp. Niềm tin này cho rằng có thần linh trong các loại thực vật như thờ cây lúa vì nghĩ rằng có thần lúa, thờ cây đa vì nghĩ rằng có thần cây đa. Cộng đồng Phật giáo thờ cây bồ-đề tượng trưng sự giác ngộ do sự kiện đức Phật đạt được sự giác ngộ dưới cội Bồ-đề. Điều này khác với tín ngưỡng thờ cây cối trong đa thần giáo.

thờ động vật: tín ngưỡng thờ động vật tượng trưng các giá trị thiêng liêng, siêu nhiên trở nên phổ biến trong các nền văn hóa nông nghiệp và là một phần niềm tin của đa thần giáo. Tục thờ động vật của Ai Cập thể hiện qua các tượng thần có thân người đầu thú. Ấn Độ giáo thờ con bò, con rắn, con voi, con khỉ như những vật thiêng. Nhiều dân tộc thờ hổ, cá voi, ngựa, rắn. Việt Nam từ xa xưa có tục thờ động vật qua cách đặt tên nước Việt Nam là “Hồng Bàng” (chim nước lớn), dân tộc Việt Nam là giống “Rồng Tiên” tượng trưng sự thông thái, thăng hoa.

thơ Đường (唐詩): Toàn bộ thơ ca đời Đường dược các thi sĩ Trung Quốc sáng tác từ thế kỷ 7-10 (618-907) gồm 4 giai đoạn: Sơ Đường (618 - 713), Thịnh Đường (714 - 766), Trung Đường (766 - 835), Vãn Đường (835 - 907). Nổi bật nhất là thơ thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt.

thơ Đường luật: Thể thơ Đường cách luật, xuất hiện từ thời nhà Đường ở Trung Quốc. Về hình thức, thơ Đường luật có dạng thất ngôn bát cú (tám câu, mỗi câu bảy chữ), thất ngôn tứ tuyệt (bốn câu, mỗi câu bảy chữ), ngũ ngôn tứ tuyệt (bốn câu, mỗi câu năm chữ), ngũ ngôn bát cú (tám câu, mỗi câu năm chữ).

thờ sinh thực khí: Niềm tin và tín ngưỡng trong các nền văn hóa nông nghiệp cho rằng việc thờ cúng cơ quan sinh dục nam (như linga) hay cơ quan sinh dục nữ (yoni), nõ nường, chày cối và hành vi giao phối sẽ đem lại sự sinh sôi, nảy nở, tốt tươi cho hoa màu, giúp mùa màng bội thu. Theo Phật giáo, việc cho rằng thờ sinh thực khí là năng lượng thiêng sinh ra muôn loài và tăng trưởng là mê tín.

thơ tự do: Hình thức thơ không bị ràng buộc vào các quy tắc về số câu, số chữ, niêm đối, gieo vần điệu, phản ánh những khía cạnh của cuộc sống đa dạng.

thơ văn xuôi: Hình thức thơ được viết bằng văn xuôi, không phân dòng, không dùng hình thức thơ (câu thơ) là nhịp điệu và không có vần.

thờ việc sinh đẻ: Tín ngưỡng dân gian trong các nền văn hóa nông nghiệp thờ phượng hành vi giao phối của nam nữ. Tại Việt Nam, tín ngưỡng thờ việc sinh để được tìm thấy trên mặt trống đồng ở xã Đào Thịnh, tỉnh Yên Bái khoảng thế kỷ 5 TTL. Điệu múa “tùng dí” trong lễ hội đền Hùng tại Chu Hóa, Phú Thọ là một ví dụ điển hình về thờ việc sinh đẻ, theo đó, các thanh niên nam nữ cầm trong tay các vật tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ thường “dí” hai vật này lại với nhau theo tính trống “tùng”.

thơ: Sáng tác văn học có vần điệu, ngắn gọn, súc tích, nhiều ý cô đọng, dễ nhớ, dễ thuộc, gây cảm xúc cho người đọc. Thơ là hình thức nghệ thuật dùng từ súc tích làm chất liệu, tạo nên hình ảnh có tính gợi cảm cho người đọc, âm thanh có tính thẩm mỹ cho người nghe

thời gian may y và pháp phục(cīvarakālasamayaṃ): thời gian may y và pháp phục người xuất gia như sau: (i) Lúc không mặc y công đức: Tháng 8, (ii) Lúc mặc y công đức: Tháng 8, tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12 (nhưng nhưng khi ở giữa thời gian bị tước y công đức, thời gian gửi pháp phục cũng theo đó mà kết thúc). Xem “y đã may xong.”

thời gian nhận y công đức (衣時): thời gian tiếp nhận y công đức, có hai trường hợp. Trường hợp 1, nếu không nhận y công đức thì thời hạn là 1 tháng (từ 16/7 đến 15/8 âm lịch). Trường hợp 2, nếu nhận y công đức thì thời hạn là 5 tháng (từ 16/7 đến 15/12 âm lịch) nếu có thọ công đức y.

thủ ấn (mudrā, 印): Động tác, tư thế của bàn tay, ngón tay được sử dụng trong Phật giáo, trong Yoga, trong vác vũ điệu truyền thống của Ấn Độ, tượng trưng cho các ý nghĩa và triết lý tương ứng, tùy theo tư thế của bàn tay và tùy thuộc sự giải thích của các truyền thống tôn giáo. Trong Phật giáo Mật tông, thủ ấn thể hiện sự  định tâm và sự an trú vào các cấp tâm thức, nối kết truyền thông giữa người bắt ấn với các đức Phật. Xem các mục từ bắt đầu bằng chữ “ấn.”

thủ dâm (手淫): dùng tay để tự sướng, tự thỏa mãn tính dục (用手自慰) bằng cách kích thích cơ quan sinh dục bằng tay để tìm khoái cảm. Thủ dâm còn được thực hiện bằng sự kích thích bằng bàn tay, ngón tay, vật dụng, đồ chơi tình dục, có thể có sự phối hợp với người khácm do dục niệm bức bách tâm trí vốn là hành động trái với lối sống tỉnh thức, giới hạnh thanh tịnh của người xuất gia. Do đó, người xuất gia mà tự thủ dâm là vi phạm giới Tăng tàn (Saṅghādisesa). Xem “Tăng tàn.”

thủ dâm xuất tinh (手淫遺精): dùng tay làm xuất tinh với dụng ý tự sướng, tự thỏa mãn tính dục là vi phạm giới Tăng tàn. Xem “Tăng tàn.”

thuần chay (veganism): Chủ thuyết cho rằng con người không nên sử dụng động vật, dưới bất kỳ hình thức nào. Người thuần chay sẽ không tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật gồm thịt, trứng, sữa, sản phẩm từ sữa (pho mát, sữa chua), thậm chí mật ong. Người thuần chay tránh sử dụng các sản phẩm động vật gồm da, len, lông, xương, ngọc trai; không thử nghiệm trên động vật. Xem “ngày thuần chay.”

thuận theo tà đạo (順從邪道): chủ trương (主張), hành động (行為) và tuyên bố (宣說) của người xuất gia, trái với chánh đạo của đức Phật, tạo nên sự ly gián tăng đoàn. Nếu vẫn bảo thủ, cố chấp sau khi được sau 3 lần khuyên can bởi các bậc trưởng lão thì phạm Tăng tàn. Xem “ly gián tăng đoàn,” “đi theo nhóm riêng” và “kết phe phái.”

thuyên chuyển sinh hoạt tôn giáo: Tăng Ni là thành viên của GHPGVN được quyền thuyên chuyển hoạt động tôn giáo từ địa phương nầy đến địa phương khác. Nếu thuyên chuyển trong cùng một tỉnh thì phải thực hiện thủ tục: (a) Tăng Ni gửi văn bản đề nghị đến Ban Trị sự huyện nơi thường trú; (b) Ban Trị sự huyện nơi đi có trách nhiệm gửi văn bản thông báo việc thuyên chuyển của Tăng Ni theo quy định của pháp luật Nhà nước. Thời gian gửi thông báo chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của Tăng Ni; (c) Văn bản thông báo nêu rõ tên đạo, tên đời, ngày tháng năm sanh, giới phẩm, giáo phẩm của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển.

thuyết đa thần: như đa thần giáo.

thuyết sinh khí (vitality theory, 活力論)

thuyết tam sự tự tứ: kiến, văn, nghi: như “nói ba việc tự tứ: thấy, nghe và nghi.”

thuyết vật linh (animism, 萬物有靈論): Quan niệm tôn giáo cho rằng có linh hồn đang sống hay tồn tại trong động vật, thực vật, các độ vật vô tri vô giác, các hiện tượng thiên nhiên (sấm, chớp, mây, mưa) và các thực thể khác trong thế giới tự nhiên. Đó là hệ thống niềm tin xem thế giới và vũ trụ về cơ bản là sống động và liên kết với nhau. Một số tộc người cho rằng một số vật linh có khả năng trừ diệt ma quỷ. Đối với nhiều người Trung Quốc, con kỳ lân vốn là con vật thần thoại được quan niệm là con vật mang lại sự tốt lành, thành công, thăng tiến, sống thọ và nổi tiếng. Theo Phật giáo, thuyết vật linh là mê tín.

thừa kế theo di chúc: Sự chuyển dịch di sản cho các thừa kế là cá nhân hay tổ chức được thể hiện trong di chúc của người chết.

thừa kế theo pháp luật: Sự chuyển dịch di sản cho các thừa kế là cá nhân theo quy định của pháp luật, được áp dụng trong các trường hợp: Không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc. Thừa kế theo pháp luật được xác định theo thứ tự: (i) Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết, (ii) Hàng thừa kế thứ hai gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, (iii) Hàng thừa kế thứ ba gồm cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người là cụ nội, cụ ngoại.

thừa kế: Sự chuyển dịch tài sản (= di sản) của người chết (người để lại di sản) cho người khác, tổ chức (người thừa kế) theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.

thực sắc (食色) tức đoạn thực (段食) gồm thức ăn và thức uống. Xem “sắc uẩn”.

thức uẩn(S. vijñāna-skandha,P. viññāṇa-khandha, C. 識蘊), tổ hợp nhận thức, là một trong năm uẩn (五蘊), sáu nhập (六入),  mười hai xứ (十二處) và một trong mười tám giới (十八界). Thức uẩn chỉ cho ý thức (意識) hay hoạt động lý trí (理智) bao gồm tâm (citta, 心) và ý (manas, 意). Thức bắt nguồn từ động từ “viññāpeti” trong tiếng Pali và “vijñāpayati” trong tiếng Sanskrit, có nghĩa là “biết” (知) hay “nhận thức rõ” (P. vijñapti, 了別), có khả năng nhận thức (認知), phân biệt (分別) các đối tượng. Theo Kinh tăng nhất A-hàm (增一阿含經), thức nhận biết đúng sai, phân biệt được các mùi, vị (識別是非、亦識諸味). Theo Luận phẩm loại (品類論), các thức nương vào các giác quan nhận thức rõ các cảnh giới (諸識依諸根了別諸境界). Ngay khi con người chết, thức tạo ra sự tái sanh tương tục (相續生), chiêu cảm hiện hữu trong kiếp kế tiếp (招未來有). Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo bộ phái (佛教各部派) chủ trương có sáu thức (六識) gồm nhãn thức (眼識, eye-consciousness), nhĩ thức (耳識, ear-consciousness), tỉ thức (鼻識, nose-consciousness), thiệt thức (舌識, tongue- consciousness), thân thức (身識, body-consciousness) và ý thức (意識, mind-consciousness), đang khi Phật giáo đại thừa cho rằng có tám thức (八識) bao gồm sáu thức, cộng với thức a-đà-na (阿陀那識) tức thức chấp ngã và thức a-lại-da (阿賴耶識) tức thức kho tàng. Nhiếp luận tông (攝論宗) và Địa luận tông (地論宗) dựa vào Luận thập địa kinh (十地經論) và Kinh Lăng-già (楞伽經) thêm thức thứ chín là thức A-ma-la (阿摩羅識) còn gọi là thức bạch tịnh. Tổ hợp nhận thức này luôn bị chi phối bởi sự sinh diệt (生滅), vô thường (無常), vô ngã (無我) và không có thực thể (空). Tham chiếu: CBETA, T02, no. 99, p. 7, b23-28.

Thức-xoa-ma-na (P. sikkhamānā, S. śikṣamānā, 式叉摩那)

Thức-xoa-ma-na-ni (P. Sikkhamana, S. Śikṣamāṇā, 式叉摩那尼): người xuất gia nữ đang học tập giáo pháp (學法女, học pháp nữ), học giới nữ (學戒女), chánh học nữ (正學女) trong 2 năm, trên giới Sa-di-ni và dưới giới Tỳ-kheo-ni. Thức-xoa-ma-na-ni còn được gọi tắt là Thức-xoa, Thức-xoa Ni, Thức-xoa-ma-na, là. Ngoài việc phải giữ 10 điều đạo đức của Sa-di-ni, các vị Thức-xoa theo Luật Tứ phần (四分律, Tứ phần luật) phải giữ 6 điều giới luật (六條戒律, lục điều giới luật) hay 6 tùy pháp (六隨法, lục tùy pháp) bao gồm (i) Không được xúc chạm thân thể người nam với tâm nhiễm ô (不與染污心男子身相触, bất dữ nhiễm ô tâm nam tử thân tương xúc), (ii) Không được ăn trộm 5 tiền (不盗人五錢, bất đoạn nhân ngũ tiền),(iii) Không giết súc sanh (不斷畜生命, bất đoạn súc sinh mệnh), (iv) Không nói láo nhỏ (不小妄语, bất tiểu vọng ngữ), (v) Không ăn phi thời (不非时食, bất phi thời thực), (vi) Không uống rượu bia (不飲酒, bất ẩm tửu).

thượng điện (上殿): Chánh điện trong cách chùa có hình chữ Công (工) ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, có cách bài trí tượng phổ gồm 6 lớp/ cấp: (i) Tượng tam thế gồm Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, (ii) Tượng A-di-đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, (iii) Tượng Phật Thích-ca tay giơ đóa sen, tôn giả Ca-diếp, tôn giả A-nan, (iv) Tượng Phật Thích-ca khổ hạnh, còn gọi là tượng tuyết sơn, (v) Tượng Phật Di-lặc, bồ-tát Nhật Quang, bồ-tát Nguyệt Quang, (vi) Tòa cửu long tưới nước Phật sơ sinh, bên trái là Đế thiên và bên phải là Đế-thích. Ở một số chùa, trong thượng điện còn có tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Thập điện Diêm vương, tượng Tổ kế đăng (dọc theo thượng điện), tượng Giám tri sứ giả, tượng các Tổ chùa.

Thượng ni (上尼): Ni trưởng, tức Tỳ-kheo-ni có nhiều tuổi hạ, vững vàng trong học Phật, tu Phật và làm Phật sự.

Thượng nhân (上人): Tư tôn xưng Hòa thượng trưởng lão (長老和尚), cao tăng (高僧), tôn giả (尊者), chân nhân (真人), thượng sư (上師), đại sư (大師) hoặc Lạt-ma lớn (大喇嘛) trong Phật giáo Hán truyền.

thường phục của Tăng Ni: Hình thức pháp phục mặc hàng ngày của người xuất gia trong các sinh hoạt, lao động, chấp tác, thể hiện sự gọn gàng, giản dị, giữ được sắc thái riêng biệt của Phật giáo Việt Nam, hệ phái Phật giáo và phải khác với thường phục tại gia.

Thượng tọa (上座): (1) Dịch thoát nghĩa của chữ “Thera” trong Pali hoặc “Sthavira” trong Sanskrit, là từ chỉ cho người xuất gia (出家人) đáng tôn kính, đã tiếp nhận giới Cụ túc (具足戒), có tuổi hạ ít nhất 20 năm trở lên, (2) Theo Hiến chương GHPGVN, Thượng tọa là Tỳ-kheo (比丘) có tuổi hạ từ 25-39 năm trở lên, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị Trung ương thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành. Vị Tỳ-kheo-ni có giới phẩm ngang với Thượng tọa được gọi là Ni sư (尼師).

Thượng tọa bộ (上座部): Dịch từ chữ “sthaviravāda” trong Sanskrit, chữ “theravāda” trong Pali, đối lập với Đại chúng bộ (大眾部), học thuyết của các bậc Trưởng lão, là một trong 18 hoặc 20 bộ phái Phật giáo thuộc Phật giáo thời kỳ đầu. Khởi nguyên của Thượng tọa bộ là do các vị trưởng lão trong Tăng đoàn trong thời kỳ biên tập kinh điển lần thứ 2, bảo vệ quan điểm tuân thủ tất cả giới luật do đức Phật chế định, không thêm bớt. Hình thái Phật giáo Thượng tọa bộ Nam truyền (南傳上座部) hiện tại là kế thừa truyền thống của Phân biệt thuyết bộ (分別說部) thuộc Thượng tọa bộ. Nguyên nhân phân phái thành Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ là do các bất đồng về giới luật, khi Thượng tọa bộ gồm các thành viên đều là các trưởng lão trong Tăng đoàn (僧團長老) muốn giữ nguyên giới luật Phật chế định; đối lập với Đại chúng bộ tập hợp các Tỳ-kheo trẻ theo phái cách tân (革新派比丘) muốn bỏ đi những giới tiểu tiết. Cụ thể nhất là do bất đồng về năm điều của Đại Thiên (大天五事) mà tách thành hai bộ phái chính. Thượng tọa bộ gốc (根本上座部) gồm có: (1) Thượng tọa bộ trước (先上座部) gồm có (i) Tuyết sơn bộ (雪山部), (ii) Thuyết nhất thiết hữu bộ (說一切有部) tách thành Kinh lượng bộ (經量部) và Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (根本說一切有部) và (iii) Độc tử bộ (犢子部) tách thành Pháp thượng bộ (法上部), Hiền trụ bộ (賢胄部), Chánh lượng bộ (正量部) và Mật lâm sơn bộ (密林山部); (2) Phân biệt thuyết bộ (分別說部) gồm có (i) Xích đồng diệp bộ (赤銅鍱部) tách thành Đại tự phái (大寺派) và Vô úy sơn phái (無畏山派), (ii) Hóa địa bộ (化地部), (iii) Pháp tạng bộ (法藏部), (iv) Ẩm quang bộ (飲光部) còn gọi là Ca-diếp bộ (迦葉部). Văn hệ chính của Thượng tọa bộ là Pali. Học thuyết quan trọng của Thượng tọa bộ là bốn chân lý thánh, chánh đạo tám ngành, mười hai mắc xích sự sống, vô ngã, vô thường, nghiệp báo, niết-bàn. Quả giác ngộ cao nhất là quả Phật cũng là quả A-la-hán. Ngày nay, Thượng tọa bộ phát triển chính yếu ở các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, campuchia. Xem “Đại chúng bộ”.

trách nhiệm Huynh trưởng: (i) Tinh tấn học tập, công phu hàm dưỡng tu trì, (ii) Trau dồi trí tuệ, cập nhật kiến thức, (iii) Quán triệt, tôn chỉ, mục đích, yêu cầu và đường hướng giáo dục của tổ chức GĐPT, (iv) Chỉ đạo có đường lối, có chủ trương, thực hiện có kế hoạch có chương trình chi tiết, tỉ mỉ, (v) Làm việc có châm ngôn: Bi - Trí - Dũng.

Trại A-dục: Một trong bốn trại đào tạo của Huynh trưởng nhằm đào tạo Đoàn trưởng và dành cho Huynh trưởng thực thụ, cấp I (cấp Tập).

Trại Đàn: Hình thức trại của Gia đình Phật tử, chỉ dựng lều của Đàn trong cơ cấu trại của Đoàn hay Liên đoàn, không được tổ chức trại tự trị. Việc dựng lều trong trại Đoàn, Liên đoàn do các em thực hiện, có sự theo dõi trực tiếp của Huynh trưởng đoàn để hướng dẫn giúp đỡ. Trại riêng của Đàn chỉ có thể thực hiện: (a) Trại thực tập về cách dựng lều xây tổ Đàn, ôn tập về gút, truyền tin ... trong vòng 4-8 giờ tại khuôn viên chùa hay Đoàn quán, Đầu Thứ Đàn đã có chứng chỉ trại Tuyết Sơn và có sự giám sát của Huynh trưởng Đoàn, (b) Trại của Đàn kiểu mẫu từ 8-10 giờ do Đoàn trưởng hay Đoàn phó trực tiếp điều khiển, địa điểm cách chùa từ 5-8km. Trong cuộc trại, LĐT nên khuyến khích, hướng dẫn, chỉ bày cho các Đoàn các Đàn cho xây dựng các tổ đàn mà trong chương trình huấn luyện trại Tuyết Sơn các em Đầu đàn, Thứ đàn đã được học tập. 

Trại Đội Chúng tự trị: Hình thức trại của Gia đình Phật tử khi từng Đội Chúng tổ chức trại riêng rẽ, sinh hoạt theo nguyên tắc hàng Đội tự trị. Đàn (ngành Oanh) không sinh hoạt theo nguyên tắc hàng Đội tự trị, nên không được tổ chức trại Đàn tự trị. Với ngành Thiếu chỉ Đội Chúng trưởng nào đã có chứng chỉ Trung thiện trở lên và có chứng chỉ trại Anoma Ni Liên thì Đội Chúng ấy mới được tổ chức trại Đội Chúng tự trị. Đội Chúng có thể tổ chức trại tự trị trong phạm vi không quá 10km và thời gian: (a) Trại 12 giờ (sáng đi chiều về), (b) Trại 24 giờ (ở lại 1 đêm), (c) Trại bay (nhiều địa điểm nhưng trong ngày).

Trại Đội chúng trong Đoàn: Hình thức trại của Đội - Chúng - Đàn của Gia đình Phật tử khi Đoàn tổ chức trại, hoặc được cơ cấu trong thành phần của Trại Liên đoàn (ngành) hay toàn đơn vị Gia đình Phật tử. Trại này do Huynh trưởng đoàn tuỳ theo phiên chế mà bố trí sắp xếp, hướng dẫn kiểm tra và do các Đội Chúng trưởng Đội Chúng phó điều khiển thực hiện dựng lều. 

Trại Đội Chúng: Hình thức sinh hoạt của Gia đình Phật tử đối với Đội, Chúng của ngành Thiếu gồm các Đoàn Thiếu Nam, Thiếu Nữ và cả ngành Thanh gồm các đoàn Nam Phật tử, nữ Phật tử. Trại Đội, Chúng thể hiện sự sinh động, hấp dẫn và là hình thức giáo dục theo phương pháp hoạt động rất tốt đối với đoàn sinh. 

trại Huấn luyện kết khóa: Các trại huyến luận cho Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam lần lượt gồm Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang, Vạn Hạnh.

Trại Huyền Trang: Một trong bốn trại đào tạo của Huynh trưởng nhằm đào tạo Liên Đoàn trưởng, , cấp II (cấp Tín).

Trại Lộc Uyển: Một trong bốn trại đào tạo của Huynh trưởng nhằm đào tạo Đoàn phó và dành cho Huynh trưởng tập sự (sơ cấp).

trái tim bàn tay: Cử chỉ bàn tay tạo hình trái tim, thể hiện sự trân quý, quý mến, thương yêu, có thiện cảm với người thân quen, fan hâm mộ, hoặc bất kỳ ai đó, cảnh vật nào đó.

trái tim bất diệt: tức Trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức sau khi tự thiêu khoảng 15 phút tại ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (ngày nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng 8, Quận 3, TP.HCM) và thiêu lại lần thứ hai tại Đài hỏa táng An dưỡng địa ở Phú Lâm (Sài Gòn) với độ nóng hơn 4.000 đô C mà vẫn còn nguyên vẹn hình trái tim. Từ ngày 26/4/1991, trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức được lưu giữ trong Kho Lưu trữ đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM.

trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức: Trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức vẫn còn nguyên vẹn sau khi tự thiêu khoảng 15 phút bằng lửa xăng vào ngày 11/6/1963 tại ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (ngày nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng 8, Quận 3, TP.HCM). Bồ-tát Thích Quảng Đức. Sau lễ tự thiêu, phần còn lại của nhục thân Bồ-tát Thích Quảng Đức được thỉnh về Chùa Xá Lợi làm tang lễ. Trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức được hỏa thiêu lần thứ 2 với độ nóng 4.000 độ C tại Đài hỏa táng An dưỡng địa ở Phú Lâm (Sài Gòn) nhưng vẫn còn nguyên hình trái tim một cách huyền diệu, lạ kỳ. Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức được giữ gìn tại Chùa Xá Lợi rồi sau đó tại Việt Nam Quốc Tự và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau năm 1975, Ngân hàng Nhà nước tiếp quản các ngân hàng ở Sài Gòn, trong đó có việc tiếp nhận và gìn giữ trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức. Đến năm 1991, vào lúc 11:00 ngày 26/4/1991, trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức được HT. Thích Từ Nhơn (lúc đó là Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương), HT. Thiện Hào (lúc đó là Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM), TT. Thích Giác Toàn (lúc đó là Ủy viên Kiểm soát Trung ương GHPGVN) gửi bảo quản trong Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM. Từ đó đến nay, trái tim bất diệt vẫn được lưu giữ trong Kho Lưu trữ đặc biệt của Ngân hàng này.

trái tim ngón tay: Cử chỉ ngón tay cái và ngón tay trỏ của một bàn tay được đưa lên, bắt chéo vào nhau để tạo thành hình trái tim rất phổ biến tại Hàn Quốc và Việt Nam, tượng trưng sự thân thiện, sự trân quý, sự quý mến của bạn đối với bạn bè, fan hâm mộ.

Trại Vạn Hạnh: Một trong bốn trại đào tạo của Huynh trưởng nhằm đào tạo Ban viên Ban Hướng dẫn và dành cho Huynh trưởng, cấp III (cấp Tấn).

trái với chánh đạo (與正道相反): chủ trương (主張), hành động (行為) và tuyên bố (宣說) của người xuất gia, trái với chánh đạo của đức Phật, tạo nên sự ly gián tăng đoàn. Nếu vẫn bảo thủ, cố chấp sau khi được sau 3 lần khuyên can bởi các bậc trưởng lão thì phạm Tăng tàn. Xem “ly gián tăng đoàn,” “đi theo nhóm riêng” và “kết phe phái.”

tranh chấp (P. dādhikaraṇa, 諍事): tranh cãi giữa các thành viên Tăng đoàn, có thể dẫn đến phá hoại hòa hợp của Tăng đoàn, cần được giải quyết sớm để đảm bảo sự bình an cho các thành viên Tăng đoàn, bao gồm: (i) Tranh chấp về lời nói (諍論諍事, vivādādhikaraṇa) thì dùng nguyên tắc đối mặt (當面法則), thiểu số phục tùng số đông (服從多數), (ii) Tranh chấp về giáo giới (教诫諍事, anuvādādhikaraṇa) liên quan đến trách móc và phê bình thì dùng nguyên tắc đối mặt, nguyên tắc ký ức (記憶), nguyên tắc không có tội (無過), nguyên tắc điều tra (調查) để giải quyết.

Trần Thị Phước Trị (1946-1963): Có nơi ghi là Trần Thị Phước Trị, 17 tuổi, pháp danh Tâm Thuận, một thánh tử đạo Phật giáo trong số 9 thanh thiếu niên bị chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm thảm sát tại Đài phát thanh Huế vào vào lúc 22:00 ngày 08/5/1963 (nhằm mùng 8/4 Quý Mão, PL. 2507), dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Ty trưởng Nội an Thừa Thiên.

treo tích trượng: Tương đương chữ “quải tích” (掛錫), “quải đáp” (掛褡) hay “lưu tích” (留錫), chỉ cho bước đầu nhập môn của một thiền sinh sau khi du phương tìm được thiền sư khai ngộ cho mình. Ở cổng thiền viện, thường có hai tấm gỗ nằm bên cổng. Một bản ghi tên thiền viện. Bản còn lại ghi tông chỉ vắn tắt được thiền sư khởi xướng tu tập. Nếu nhận thấy rằng thiền sinh không thích hợp với pháp tu của mình thì thiền sư sẽ gửi thiền sinh đến thiền viện thích hợp hơn nhằm giúp thiền sinh có nhiều tiến bộ và hữu ích trong tu tập.

trống:

trụ (住):1. Tồn tại, một trong bốn giai đoạn của vật: sanh (生), trụ (住), dị (異), diệt (滅); 2. Trạng thái đứng (站立) như trong thuật ngữ “hành, trụ, tọa, ngọa” (行住坐臥) tức đi, đứng, nằm, ngồi; 3. Dừng chân (停留) tức đang lưu trú, như trong câu “Phật trụ Xá-vệ quốc” (佛住舍衛國) tức Phật đang lưu trú tại nước Xá-vệ; 4. Xác lập, như trong thuật ngữ “trụ vô ngã tưởng” (住無我想) tức an trú trong quán tưởng về vô ngã; niệm trụ (念住) tức an trú trong chánh niệm; “cụ túc trì” (具足住) tức an trụ trong giới cụ túc gồm giới tỳ-khưu và tỳ-khưu-ni; “pháp trụ” (如「法住) tức an trụ trong chánh pháp; 5. Trụ chấp (住著) như câu “bất thủ, bất trụ, bất kế ngã” (不取、不住、不計我) tức không chấp, không dính, không bám ngã.

trú sở kiền-độ (P. Senāsanakkhandhaka, 住所犍度): như “Chủ đề về trú xứ.”

trú sở kiền-độ (P. Senāsanakkhandhaka, 住所犍度): như “chủ đề về trú xứ.”

Trụ trì: Các vị Trụ trì, Viện chủ hay Ban quản trị các tự viện Phật giáo phải có trách nhiệm: (i) Tổ chức thuyết giảng Phật pháp vào ngày chủ nhật và các ngày sám hối định kỳ, góp phần xóa bỏ mê tín, dị đoan, mở mắt trí tuệ và tỉnh thức, (ii) Tổ chức các khóa tu học phù hợp với các nhóm lứa tuổi, lúc đầu 1 tháng 1 lần, sau đó, nửa tháng 1 lần và hướng đến việc tổ chức hằng tuần nhằm giúp cộng đồng Phật tử thấm nhuần Phật pháp, ứng dụng có hiệu quả trong cuộc sống, (iii) Lồng ghép Phật pháp vào các hoạt động an sinh xã hội do tự viện mình tổ chức nhằm giúp cư dân Việt Nam có cơ hội tiếp xúc, có thiện cảm, trở thành Phật tử.

Trụ trì: Theo quy định của Nội quy Ban Tăng sự trung ương, Trụ trì là tăng sĩ thay mặt GHPGVN và chịu trách nhiệm trước GHPGVN trong việc quản lý, điều hành các hoạt động Phật sự tại Tự viện theo nguyên tắc dân chủ tập thể quyết định theo đa số, cá nhân phụ trách; tuân thủ theo Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và các quy định khác của Giáo hội. Trụ trì phải tuân thủ sự quản lý, hướng dẫn của Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự huyện nơi quản lý cơ sở Tự viện. Trụ trì phải tuân thủ pháp luật Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại cơ sở tự viện. Trụ trì Tự viện phải có trách nhiệm tham dự đầy đủ các kỳ Bố tát, An cư, Tự tứ, các phiên họp, lễ hội, sự kiện do Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự huyện triệu tập. Trụ trì có trách nhiệm tiếp nhận đệ tử xuất gia và hướng dẫn Chúng điệu tu học trong thời gian tập sự 02 năm tính từ ngày Ban Trị sự tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia. Hướng dẫn, dạy bảo Chúng điệu về Giới luật Phật căn bản, uy nghi, thời khóa tụng niệm và Phật pháp căn bản. Chỉ có trụ trì mới là người giới thiệu cho Chúng điệu thụ các giới theo luật Phật và theo học tại các trường đào tạo Phật học. Trụ trì có trách nhiệm tổ chức tu tập, sinh hoạt thời khóa tụng niệm, đảm bảo sự hòa hợp, đoàn kết trong nội bộ. Đảm bảo đời sống sinh hoạt, an ninh, an toàn cho Tăng Ni sinh hoạt tại tự viện. Khi các đệ tử xuất gia vi phạm các giới luật, có các hành vi không chấp hành các quy định của Giáo hội, gây mất đoàn kết nội bộ Tự viện

Trụ vương (紂王): Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thương, thích uống rượu, xây ao rượu rừng thịt (酒池肉林, tửu trì nhục lâm). Ông cùng vương phi là Đắc Kỷ (妲己) tàn bạo vô đạo, mổ bụng bà bầu, chặt chân cẳng người, hình phạt pháo lạc (炮烙之刑, pháo lạc chi hình), mổ tim của Tỷ Can.

trung chỉ giới kiền-độ (P. Pātimokkhaṭṭhapanakkhandhaka, 中止戒犍度): như “Chủ đề về trung chỉ giới.”

trung chỉ giới kiền-độ (P. Pātimokkhaṭṭhapanakkhandhaka, 中止戒犍度): như “Chủ đề về tụng giới ngắt khoảng.”

Trung tâm Văn hóa Phật giáo (Buddhist Cultural Centre): Viết tắt là BCC, được Thượng tọa Kirama Wimalajothi thành lập năm 1992, dưới sự bảo trợ của các Phật tử Malaysia nhằm xuất bản và phổ biến các ấn phẩm Phật giáo bằng Anh văn ở Sri Lanka và nước ngoài. Với mục đích phi lợi nhuận và giới thiệu Phật giáo Nguyên thủy cho cộng đồng nói tiếng Anh và Sinhala, BCC đã xuất bản hơn 1.000 quyển sách Phật học từ triết lý đến ứng dụng, thúc đẩy các nghiên cứu và ứng dụng Phật pháp trong cuộc sống.

Truyền bá vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Hoằng pháp GHPGVNTN.

truyện cổ tích: Còn gọi là cổ tích, đồng thoại, truyện thần tiên, là thể loại văn học được tự sự dân gian mang tính hư cấu, chủ yếu kể về các nhan vật tiên, thần tiên, yêu tinh, quỷ, người lùn, người khổng lồ, người cá. Các loại cổ tích tiêu biểu gồm cổ tích thần kỳ, cổ tích thế sự, cổ tích phiêu lưu, cổ tích loài vật.

truyện cười: Truyện có cốt truyện làm bật lên tiếng cười nhằm giải trí, phê phán thói hư tật xấu và những mâu thuẫn trong cuộc sống.

truyền giới (授戒): Truyền trao giới pháp tại gia hoặc truyền trao giới pháp xuất gia cho người tiếp nhận giới tại các giới đàn. Người truyền giới được gọi là Hòa thượng giới (戒和尚) hay Hòa thượng truyền giới (授和尚). Người tiếp nhận giới được gọi là thọ giới nhân (受戒人).

truyện ngắn: Một thể loại văn học bằng văn xuôi, ngắn gọn, súc tích và ngắn hơn tiểu thuyết, có độ dài từ vài dòng đến vài chục trang, tập trung vào một tình huống hay chủ đề nhất định.

truyện ngụ ngôn: Thể loại văn học giáo huấn, mang nội dung đạo đức, có tính giáo dục, được thể hiện bằng thơ hoặc văn xuôi tương đối ngắn. Ngụ ngôn được chia làm hai phần. Phần thứ nhất truyền đạt về hiện tượng, nhân vật, sự kiện buồn cười. Phần hai là bài học giáo huấn về đạo đức.

truyện thần tiên: như truyện cổ tích.

truyền thống truyền miệng: Những truyền thống và tư liệu văn hóa, tôn giáo được truyền miệng từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều trải qua giai đoạn truyền thống truyền miệng trước khi được ghi lại bằng chữ viết trong các bản văn tôn giáo.

truyện tranh: Loại sách hình ảnh kết hợp với cá văn bản hoặc thông tin hình ảnh khác, có sức ảnh hưởng đến lối sống, suy nghĩ của trẻ em.

Trước tác, Phiên dịch vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Hoằng pháp GHPGVNTN.

Trưởng Ban Trị sự GHPGVN quận huyện: Chức danh hành chánh cao nhất của GHPGVN cấp quận huyện, là người thay mặt Ban Trị sự cấp quận huyện về mặt pháp lý trong các mối quan hệ của Ban Trị sự ở trong và ngoài huyện.Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện hoặc người được Trưởng ban Ban Trị sự ủy quyền, giữ quyền phát ngôn của Giáo hội tại địa phương. Khi Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện có duyên sự đặc biệt phải vắng mặt, sẽ ủy quyền bằng văn bản cho Phó Trưởng ban Ban Thường trực để điều hành Hội nghị, Đại hội và các công việc của Ban Trị sự cấp huyện và hết hiệu lực khi Trưởng ban Ban Trị sự trở lại nhiệm sở. Những trường hợp không có quy định tại chương VII của Hiến chương thì được giải quyết bằng một Quyết định khác của Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.

Trường hạ an cư tập trung: Trường hạ có ít nhất từ 30 Tăng hoặc Ni trở lên tại một trú xứ. Đối với các tỉnh, thành miền núi, khu vực giáp tiếp biên giới, hải đảo, số lượng Tăng Ni tập chúng An cư do Ban Trị sự tỉnh quyết định. Trước khi tổ chức trường hạ An cư tập trung, Ban Trị sự tỉnh hoặc Ban Trị sự huyện phải thông báo với Cơ quan Nhà nước cùng cấp để được chấp thuận bằng văn bản.

Trưởng lão (長老): (1) Sử dụng tương đương với “Thượng tọa” (上座), vốn được dịch từ chữ Pali là “Thera” và Sanskrit là “Sthavira”, có ít nhất 10 hạ lạp trở lên, (2) Từ tôn xưng đối với cao tăng hay cao ni trong Tăng đoàn, có giới hạnh thanh tịnh, nhiều tuổi hạ, có nhiều đóng góp phát triển Phật giáo, (3) Tại Việt Nam, các Hòa thượng 55 tuổi hạ trở lên, tuổi đời 75 trở lên thường được tôn xưng là Trưởng lão Hòa thượng, hoặc Đại trưởng lão.

Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam: Từ năm thành lập 1957 đến 2022, Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam có 5 vị Ni trưởng lãnh đạo gồm: (i) Ni trưởng Huỳnh Liên (19/3/1923–16/4/1987) làm Trưởng Ni các năm 1954–1987, (ii) Ni trưởng Bạch Liên (17/11/1924– 26/12/1996) làm Trưởng Ni các năm 1987–1996, (iii) Ni trưởng Tạng Liên (1916–2002) làm Trưởng Ni các năm 1996–2002, (iv) Ni trưởng Tràng Liên (1929–28/12/2020) làm Trưởng các năm 2002–2020, (v) Ni trưởng Tân Liên (1932 – ) làm Trưởng Ni Hệ phái Khất sĩ từ ngày 30/4/2021 (nhằm 19/3 Tân Sửu) đến nay.

Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành: Chức danh cao nhất của GHPGVN cấp tỉnh, là một vị Tăng thay mặt Ban Trị sự cấp tỉnh về mặt pháp lý trong các mối quan hệ của GHPGVN ở trong tỉnh. Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh hoặc người được Trưởng ban Ban Trị sự ủy quyền, giữ quyền phát ngôn của GHPGVN tại địa phương. Khi Trưởng ban Ban Trị sự có duyên sự đặc biệt phải vắng mặt, sẽ ủy quyền bằng văn bản cho Phó Trưởng Ban Thường trực để thay mặt điều hành Hội nghị, Đại hội và các Phật sự khác của Ban Trị sự cấp tỉnh và hết hiệu lực khi Trưởng Ban Trị sự trở lại nhiệm sở. Những trường hợp khuyết vị khác không có quy định tại chương VI của Hiến chương, thì được giải quyết bằng một quyết định của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.

uất-đa-la-tăng (P. uttarāsaṇgha, S. uttarasaṃgha, 鬱多羅僧) thường được dịch thành thượng y (上衣), thượng trước y (上著衣), áo choàng.

UNESCO: Viết tắt của “United Nations Educational Scientific and Cultural Organization” tức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc.

Universal Gate Buddhist Journal (普門學報): như Tạp chí Phổ Môn.

uốn nắn sửa chữa (P. vuṭṭhāpanena, 彎曲修復): chấp nhận lời can gián, khuyên răn đúng để thay đổi, phục thiện từ hành vi không tốt sửa đổi thành hành vi tốt, sẽ có tiến bộ trong tu học và được tha thứ, bỏ qua. Sau ba lần khuyên bởi Tăng đoàn, nếu chịu uốn nắn sửa chữa thì tốt, nếu vẫn tiếp tục bảo thủ các hành vi, tuyên bố chia rẽ Tăng đoàn thì phạm Tăng tàn. Xem “ác niệm chi phối,” “ba lần khuyên răn.”

Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo: Do HT. Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, triệu tập và thành lập vào ngày 25/05/1963 theo cách triệu tập phiên họp khẩn cấp giữa các thành viên Tổng hội Phật giáo Việt Nam và đại diện 11 tổ chức, hệ phái Phật giáo khác để thảo luận về kế hoạch bảo vệ Phật giáo trước sự đàn áp của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Chủ tịch của Ủy ban là TT. Thích Tâm Châu. Các thành viên gồm có: TT. Thích Thiện Hoa, Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt; TT. Bửu Chơn, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam; TT. Lâm Em, Tăng thống Giáo hội Theravada; Cư sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Hội trưởng hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam; Cư sĩ Vũ Bảo Vinh, Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo (Bắc Việt, tại miền Nam); Cư sĩ Sơn Thái Nguyên, đại diện Phật tử Theraveda (người Việt gốc Miên); Cư sĩ Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt. Sau đó, Ủy ban đã ra tuyên ngôn “Ủng hộ toàn diện năm nguyện vọng tối thiểu và thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam” ghi trong “Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam” ngày 10/05/1963 và cùng tuyên nguyện đoàn kết đến cùng trong cuộc tranh đấu bất bạo động và hợp pháp để thực hiện những nguyện vọng ấy”. Năm nguyện vọng bao gồm: (1) Yêu cầu chỉnh phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo, (2) Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Đạo dụ số 10, (3) Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo, (4) Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo, (5) Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.” Vai trò lớn nhất của Ủy ban này là bảo vệ Phật giáo đứng vững trước chính sách bất công tôn giáo, đàn áp Phật giáo của chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau pháp nạn Phật giáo 1963, Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát triển hài hòa và tốt đẹp với chính quyền Đệ nhị Cộng hòa.

uy nghi (威儀): (1) dáng vẻ uy nghiêm, trang trọng; dung nhan chỉnh tề (儀表威武嚴肅;軍容整齊); (2) thái độ uy nghiêm (威嚴態度), động tác có uy đức (威德) và phép tắc (儀則); (3) phong thái của người xuất gia, cử chỉ của người tu đạo được thể hiện qua sự đi (行), đứng (住), ngồi (坐), nằm (臥) trong chính niệm và tỉnh thức. Xem bốn oai nghi.

uy nghi lớn ( 大威儀): Cử chỉ và phong thái thanh thoát của người xuất gia thể hiện qua sự đi (S=P, gamana, 行) nhẹ nhàng, đứng (S. sthāna, P. thāna, 住) vững vàng, ngồi (S. nisadyā, P. nisajjā,坐) trang nghiêm, nằm (S=P. sayana, 臥) không lăn, trên nền tảng chánh niệm và tỉnh thức,, nhờ đó, có thân tướng nhẹ nhàng, đỉnh đạt và thảnh thơi.

uy nghi nhỏ (小威儀): Cử chỉ và phong thái thanh thoát của người xuất gia thể hiện qua sự ăn uống, co duỗi tay chân, mặc áo quần, nói năng hay im lặng, thức và ngủ, trên nền tảng của chính niệm và tỉnh thức.

c niệm tỳ-ni (P. sativinaya, S. smrti-vinaya, 憶念毘尼), giải quyết tranh chấp bằng sự nhớ lại. Nếu người đó quên thì được xóa bỏ với điều kiện người này có lối sống.

ưu-bà-di (P=S. upāsikā, 優婆夷): Phiên âm chữ “upāsikā” trong Pali và Sanskrit, tương đương với các phiên âm ít phổ biến hơn “ưu-bà-tư-kha” (優婆私柯), “ưu-bà-tư” (優婆斯), “ổ-bà-tư-ca” (鄔婆斯迦), “ở-ba-tư-ca” (鄔波斯迦), “ưu-ba-tứ-ca” (優波賜迦) có nghĩa là Phật tử nữ (女性佛教信徒), cư sĩ nữ (女居士), tín nữ (信女), dịch ý là “người nam có niềm tin trong sạch” (清信女, thanh tín nữ), nữ thanh tịnh (清淨女), nữ cư sĩ (女居士), cư sĩ nữ (居士女), cận thiện nữ (近善女), cận sự nữ (近事女), cận túc nữ (近宿女). Theo quy định của đức Phật, tất cả thiện nữ phải giữ gìn năm điều đạo đức, tu tập mười điều thiện, giới Bồ-tát tại gia (theo đạo Phật Đại thừa), góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững.

ưu-bà-tắc (S. upāsaka, 優婆塞): Phiên âm chữ “upāsaka” trong Pali và Sanskrit, tương đương với các phiên âm ít phổ biến hơn: “ô-bà-tắc” (烏婆塞), “ưu-bà-bà-kha” (優婆婆柯), “ổ-ba-sách-ca” (鄔波索迦), “y-bạc-tắc” (伊蒲塞), dịch ý là “người nam có niềm tin trong sạch” (清信士, thanh tín sĩ), là thuật ngữ chỉ cho Phật tử nam (男性佛教信徒), cư sĩ (居士), cư sĩ nam (男居士), thiện nam (善男), tín nam (信男), tín sĩ (信士), cận sự nam (近事男), cận thiện nam (近善男), thiện tú nam (善宿男). Theo quy định của đức Phật, tất cả thiện nam phải giữ gìn năm điều đạo đức, tu tập mười điều thiện, giới Bồ-tát tại gia (theo đạo Phật Đại thừa), góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững.

Ưu-bà-tắc giới kinh(優婆塞戒經): Kinh đạo đức cho cư sĩ nam. Thông qua bài kinh này thì bên cạnh việc giữ gìn năm điều đạo đức, các Phật tử tại gia trong truyền thống Đại thừa có cơ hội giữ giới Bồ-tát tại gia (在家菩薩) gồm 6 giới quan trọng (六重法) và 28 giới nhẹ (輕戒) hay giới không cố ý (二十八失意).

văn hào: Người chuyên sáng tác các tác phẩm văn học, có tác phẩm được công bố và được độc giả thừa nhận giá trị của một số tác phẩm.

văn hóa phương Đông: Thuật ngữ chỉ cho truyền thống, phong tục, hệ thống niềm tin, chế độ chính trị, các di sản xã hội, chuẩn mực đạo đức và công nghệ có nguồn gốc châu Á hoặc liên kết với châu Á. Văn hóa phương Đông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc, Bà-la-môn giáo, Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo, tác động trực tiếp đến truyền thống nghệ thuật, triết học, văn học, pháp lý và di sản của nhiều dân tộc châu Á, trong đó có Việt Nam.

văn hóa phương Tây: Thuật ngữ chỉ cho truyền thống, phong tục, hệ thống niềm tin, chế độ chính trị, các di sản xã hội, chuẩn mực đạo đức và công nghệ có nguồn gốc châu Âu hoặc liên kết với châu Âu gồm các quốc gia ở châu Mỹ và châu Úc. Văn hóa phương Tây chịu ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa Hy-La, Do Thái giáo và Kitô giáo, tác động trực tiếp đến truyền thống nghệ thuật, triết học, văn học, pháp lý và di sản của nhiều dân tộc châu Âu.

văn học dân gian: Còn gọi là văn học truyền miệng, là văn học được đọc và viết bao gồm truyện kể, truyền thuyết, sử thi được lưu truyền qua nhiều thế hệ dưới dạng văn nói.

văn học truyền miệng: xem văn học dân gian.

văn minh Đông Sơn

Văn mỹ nghệ vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Văn hóa GHPGVNTN.

Văn nghệ Gia đình Phật tử: Là một trong bốn bộ môn tu học (ba môn còn lại là Phật pháp, hoạt động thanh niên, hoạt động xã hội) của Gia đình Phật tử bao gồm hoạt động văn chương và nghệ thuật như phương tiện giáo dục, chuyển hoá nhân cách, dựa trên tinh thần Phật giáo. Văn nghệ GĐPT phải trung thành với châm ngôn Bi Trí Dũng; tuyên dương đạo pháp ca ngợi tình yêu dân tộc quê hương đất nước, lý tưởng GĐPT. Văn nghệ GĐPT phải vượt lên trên các hình thức văn nghệ diễm tình, uỷ mị, dâm tục, khơi gợi dục vọng, kích động căm thù và bạo lực nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Văn phòng 1: Trụ sở chính của GHPGVN đặt tại Chùa Quán Sứ (số 73 Phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội) có chức năng điều hành các hoạt động Phật sự của GHPGVN ở 30 tỉnh miền Bắc từ Quảng Bình trở ra.

Văn phòng 2 Viện Hóa đạo: Do HT. Thích Huyền Quang, Tăng thống GHPGVNTN thành lập ngày 10/12/1992 qua Quyết Định số 27–VPLV/VHĐ. Sau đó, HT. Thích Quảng Độ cho ban hành Giáo chỉ số 09/VTT/GC/TT do HT. Thích Huyền Quang ký ngày 08/9/2007 (nhằm 27/7 Đinh Hợi) thành lập Văn phòng 2 tại Hoa kỳ nhằm hủy bỏ quyết định trước đó. Giáo chỉ 09 nêu rõ: HT. Thích Hộ Giác làm Chủ tịch, TT. Thích Viên Lý làm Tổng Thư ký, HT. Thích Như Huệ làm Tổng ủy viên Đặc trách liên lạc Úc châu & Tân Tây Lan, HT. Thích Trí Minh làm Tổng ủy viên Đặc trách liên lạc Âu Châu, TT. Thích Thiện Tâm làm Tổng ủy viên Đặc trách liên lạc Canada. Mục đích thành lập Văn phòng 2 Viện Hóa đạo nhằm phát huy Phật giáo Việt Nam trên thế giới, nối kết liên hữu với các tổ chức Phật giáo năm châu, các tôn giáo bạn, các tổ chức hòa bình, nhân đạo, văn hóa, xã hội trên thế giới; đồng thời, điều hướng các cơ sở Giáo hội, các tổ chức Phật giáo Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể người Việt tại các châu lục trong công tác Phật sự, hoằng dương chánh pháp và văn hóa. Giáo chỉ số 09 gây phân hóa và làm tan rã GHPGVNTN ở hải ngoại.

Văn phòng 2: Văn phòng Thường trực của GHPGVN tại TP.HCM đặt tại Thiền viện Quảng Đức (số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh) có chức năng điều hành các hoạt động Phật sự của GHPGVN ở 33 tỉnh miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Văn phòng Thường trực của GHPGVN tại TP.HCM: xem Văn phòng 2.

Văn phòng Viện Hóa đạo: Văn phòng hành chánh, điều hành toàn bộ hoạt động quản trị hành chánh của Viện Hóa đạo GHPGVNTN. Văn phòng Viện Hóa đạo do Viện trưởng chịu trách nhiệm và Tổng Thư ký Văn phòng Viện Hóa đạo điều hành. Văn Phòng nầy thiết lập các Ban hay Phòng do một Trưởng ban hay Trưởng phòng phụ trách; được Viện trưởng đề cử và do Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo chấp thuận.

Văn phòng Viện Tăng thống: Văn phòng hành chánh, điều hành toàn bộ hoạt động quản trị hành chánh của Viện Tăng thống GHPGVNTN. Nhiệm vụ bao gồm: (i) Trình đức Tăng thống phê chuẩn và ban hành Hiến chương GHPGVNTN, (ii) Trình đức Tăng thống tấn phong Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo, (iii) Ðiều hành Văn phòng Viện Tăng thống, (iv) Phối hợp các Hội đồng Giám luật, Nghi lễ và Phiên dịch Tam tạng, (v) Lập danh sách Giáo phẩm Tăng Ni.

văn xuôi:

vắng bóng: Từ tôn kính được Tăng Ni và Phật tử Hệ phái Khất sĩ Việt Nam sử dụng nhằm mô tả sự qua đời của Tổ sư Minh Đăng Quang, người sáng lập Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, vào ngày 05/3/1954 (mùng 01/02 Giáp Ngọ), tính từ thời điểm sau khi Tổ sư gặp tướng Nam lửa Trần Văn Soái ở bến phà Cái Vồn.

vần bình: Những chữ không dấu hoặc dấu huyền. Ví dụ, ta, tà, ba, bà, ma, mà.

vần chéo: Là vần trong thi đoạn bốn cấu, chữ cuối câu thứ nhất ăn vần với câu thứ ba và chữ cuối câu thứ hai ăn vần với câu thứ tư.

vần chính: Còn gọi là vần giàu, là những chữ có cùng câm và thanh. Ví dụ đối với thanh bằng: cường, hương, sương, phương, thương, trường. Ví dụ đối với thanh trắc: bính, chỉnh, tĩnh, tính.

vần giàu: như vần chính.

Vân Môn bát yếu (雲門八要): = tám trọng yếu của Vân Môn. Xem “tám trọng yếu”.

vần nghèo: như vần thông.

vần ôm: Là vần trong thi đoạn bốn câu, chữ cuối câu thứ nhất ăn vần với câu thứ tư và chữ cuối câu thứ hai ăn vần với câu thứ ba, theo cách vần trắc ôm vần bằng và ngược lại.

vần tiếp: Là vần mà các cặp trắc bằng xen kẽ tiếp nhau theo cặp hai câu thay đổi ở cuối câu.

Vân Thê Châu Hoằng (雲棲袾宏, Unsei Shukō, 1535-1615), tự là Phật Tuệ (佛慧), hiệu Liên Trì (蓮池) là cao tăng để lại cho đời hơn 30 tác phẩm với hơn 300 quyển. Ông có công lấy sự giáo dục phong phú của Nho giáo để cử xướng Thiền và làm cho mọi người tin tưởng sâu xa vào pháp môn niệm Phật.

vần thông: Còn gọi là vần nghèo, là những chữ đồng thanh nhưng với âm tương tự. Ví dụ với thanh bằng: tinh, thanh, hoành, hoàng, huỳnh. Ví dụ với thanh trắc: đến, lẽn, quyện, hển,

vần trắc: Những chữ có dấu hỏi, ngã, sắc, nặng. Ví dụ, tả, tã, tá, tạ; bả, bã, bá, bạ; mả, mã, má, mạ.

vần: Những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, tạo nên âm điệu trong thơ ca, được dầu để nối câu gieo vào chữ cuối cùng của câu thơ. Có hai loại vần chình gồm vần bình (những chữ không dấu hoặc dấu huyền) và vần trắc (những chữ có dấu hỏi, ngã, sắc, nặng). Xem cưỡng vận, lạc vận.

vật phẩm: Còn gọi là phẩm vật, đồ vật là những vật chất làm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của con người.

: Tác phẩm tự sự dân gian bằng thơ mộc mạc, kể về những sự kiện diễn ra trong xã hội nhằm cung cấp thông tin hoặc bình luận.

vị mặn của muối: Ẩn dụ được đức Phật giảng trong Kinh Udāna, 5, chương Soṇa, nhằm khẳng định rằng “chân lý và giới luật của đức Phật cũng chỉ có một hương vị duy nhất, vị giải thoát” (evameva kho, bhikkhave, ayaṃ dhammavinayo ekaraso vimuttiraso). Hương vị giải thoát được xem là đặc điểm của Phật giáo, có khả năng trị liệu, giải phóng các nỗi khổ, niềm đau cho người ứng dụng trong cuộc sống.

vi phạm pháp luật: Hành vi trái pháp luật, có lỗi do người có đủ năng lực pháp lý thực hiện, làm xâm hại hoặc đe dọa đến các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ.

vị Pháp thiêu thân: Thiêu đốt thân thể mình để bảo vệ Phật pháp trước chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Công giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong mùa Phật đản 1963. Vào ngày 11/6/1963 tại ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (ngày nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng 8, Quận 3, TP.HCM), Bồ-tát Thích Quảng Đức đã ngồi kiết già vị pháp thiêu thân” để lại “quả tim bất diệt,” nhằm cứu Phật giáo khỏi nạn đàn áp bất công, vi phạm luật pháp của chính quyền Ngô Đình Diệm.

vi tế giới (微細戒): như “giới nhỏ nhặt.”

vi trần (S=P. aṇu-raja, aṇu-rajas, 微塵): hạt bụi nhỏ.    

Vietnam Buddhist Academy in Ha Noi: như “Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.”

Vietnam Buddhist Academy in Hue: như “Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.”

Vietnam Buddhist University: như “Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.”

Viện Chỉ đạo: Một trong hai Viện (Viện còn lại là Viện Hành đạo) của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam (nay là Hệ phái Khất sĩ) được thành lập năm 1972. Viện còn lại là Viện Hành đạo. Đứng đầu Viện Chỉ đạo là Tăng chủ. HT. Giác Như là Tăng chủ và HT. Giác An là Phó Tăng chủ đầu tiên của Viện Chỉ đạo, kể từ ngày thành lập. Viện Chỉ đạo gồm có 1 đức Tăng chủ, 2 Phó Tăng chủ, 1 Chánh Thư ký.

Viện đại học Phương Nam: như Đại học Phương Nam.

Viện đại học Vạn Hạnh: như Đại học Vạn Hạnh.

Viện Hành đạo: Một trong hai Viện (Viện còn lại là Viện Chỉ đạo) của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam (nay là Hệ phái Khất sĩ) được thành lập năm 1972, có chức năng điều hành các hoạt động hành chánh và đường lối hành đạo của Hệ phái Khất sĩ. Đứng đầu Viện Hành đạo là Viện trưởng. HT. Thích Giác Nhiên là Viện trưởng và HT. Thích Giác Lý là Phó Viện trưởng Viện Hành đạo đầu tiên kể từ ngày thành lập. Viện hành đạo có cấu trúc gần giống với Viện Hóa đạo của GHPGVNTN gồm 1 Viện trưởng, 2 Phó Viện trưởng, 1 Tổng Thư ký, 1 Phó Tổng Thư ký và một số Tổng vụ như gồm Tổng vụ Tăng sự, Tổng vụ Hoằng pháp, Tổng vụ Cư sĩ, Tổng vụ Xã hội….

Viện Hóa đạo: Một trong hai Viện của GHPGVNTN được thành lập vào ngày 04/1/1964, đặt trụ sở tại Việt Nam Quốc tự (đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn) do TT. Thích Tâm Châu làm Viện trưởng đầu tiên. Viện Hóa đạo điều hàn toàn bộ các ngành hoạt động của GHPGVNTN gồm có 1 Viện trưởng (Tăng sĩ) và 3 Phó Viện trưởng (bất luận Tăng sĩ, cư sĩ, tông phái). Viên Hóa đạo chuyên trách về ngoại vụ, điều hành tất cả hoạt động quản trị hành chánh và đối ngoại của GHPGVNTN. Lúc mới thành lập, Viện Hóa đạo có 12 thành viên là Tăng sĩ và cư sĩ. Viện Hóa đạo điều hành 7 Tổng vụ (tương đương Ban trung ương của GHPGVN) gồm: (i) Tổng vụ Tăng sự, (ii) Tổng vụ Hoằng pháp, (iii) Tổng vụ Văn hóa Giáo dục (giám sát hệ thống trường Bồ-đề), (iv) Tổng vụ Xã hội, (v) Tổng vụ Cư sĩ, (vi) Tổng vụ Thanh niên (đảm trách Gia đình Phật tử và Lực lượng Phật giáo), (vii) Tổng vụ Tài chánh, (viii) Tổng vụ Kiến thiết. Về phương diện quản trị hành chánh, GHPGVNTN phân toàn miền Nam thành làm 8 miền, đặt theo tên của các Cao tăng Việt Nam, nhằm điều hành các hoạt động Phật sự trên 44 tỉnh thành miền Nam lúc bấy giờ: (i) Miền Vạn Hạnh: Bắc duyên hải Trung phần từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, đặt trụ sở ở Huế, (ii) Miền Liễu Quán: Nam duyên hải Trung Phần từ Bình Định đến Bình Thuận, đặt trụ sở ở Quy Nhơn, (iii) Miền Khuông Việt: Cao nguyên Trung phần từ Kontum đến Quảng Đức, đặt trụ sở ở Ban Mê Thuột, (iv) Miền Khánh Hòa: Miền Đông Nam Phần từ Bình Tuy lên Phước Long, Tây Ninh xuống đến Gia Định, (v) Miền Huệ Quang: Miền Tây Nam phần Tiền Giang, (vi) Miền Khánh Anh: Miền Tây Nam phần Hậu Giang, (vii) Miền Quảng Đức: Sài Gòn, trực thuộc Viện Hóa Đạo, (viii) Miền Vĩnh Nghiêm: Phật tử Miền Bắc di cư và đại diện Phật tử Miền Bắc. Ngoài cấp tỉnh Giáo hội, GHPGVNTN còn lập Ban Đại diện Phật giáo quận huyện. Nhiệm kỳ của Viện Hóa đạo là 2 năm và tối đa là 2 nhiệm kỳ. Một trong các chức vị thuộc Viện Hóa đạo có thể bị giải nhiệm: (i) Nếu là chức vị trong Ban Chỉ đạo (từ chức Tổng Vụ Trưởng trở lên) thì do Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo trình Hội đồng Giám luật xét và trình Hội đồng Giáo phẩm trung ương biểu quyết. Ðức Tăng thống duyệt y, (ii) Nếu là chức vị từ cấp Miền trở lên do Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo đề nghị và do đức Tăng thống chuẩn y, (iii) Nếu là các chức vị khác từ cấp Tỉnh thì do Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo quyết định, (vi) Nếu là chức vị từ cấp Quận trở xuống thì do Ban Ðại diện Tỉnh quyết định.

Viện Nghiên cứu Phật giáo Trung Hoa (Chung-Hwa Institute of Buddhist Studies): Viết tắt là CHIBS, do HT. Thánh Nghiêm thành lập vào năm 1985. Năm 2001, CHIBS chuyển đến Trung tâm Giáo dục Phật giáo Thế giới Pháp Cổ sơn (tọa lạc Thị trấn Kim Sơn, Đài Loan). Năm 2006, CHIBS thành lập Trường đại học Phật giáo tư nhân đầu tiên với tên gọi là Trường đại học Phật giáo Pháp Cổ sơn (Dharma Drum Buddhist College) tại Đài Loan. Từ 2009, CHIBS khuyến khích nghiên cứu và truyền bá Phật giáo Trung Quốc trong và ngoài nước, đồng thời, hợp tác xuất bản với Đại học Columbia ở New York. CHIBS xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo Trung Hoa bằng tiếng Anh.

Viện Tăng thống: Viện quan trọng nhất trong hai viện của GHPGVNTN được thành lập vào ngày 04/1/1964, đặt trụ sở tại Chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Đứng đầu viện Tăng thống là Đức Tăng thống và kế đến là Phó Tăng thống. Ðức Tăng Thống và Ðức Phó Tăng Thống do Viện Tăng Thống suy tôn trong hàng trưởng lão của Viện. Ðức Phó Tăng Thống không cùng một tông phái với Ðức Tăng Thống. Viện Tăng thống chuyên trách về chuyên về nội vụ Phật giáo và giáo luật, có chức năng thỉnh cử, bổ nhiệm, trông coi hàng giáo phẩm GHPGVNTN. Lúc mới thành lập, Viện Tăng thống có 8 thành viên là Tăng sĩ, HT. Thích Tịnh Khiết làm Tăng thống và TT. Thích Trí Quang làm Thư ký. Viện Tăng thống có tối thiểu là 4 vị Trưởng lão từ 60 tuổi sắp lên và 4 Thượng tọa từ 40 sắp lên. Chức năng của Viện Tăng thống gồm: (i) Chuyên trách về sinh hoạt giới luật cho Tăng, Ni: giám sát việc thụ giới, cáp phát giới điệp Tăng Ni và xử lý tăng sự, (ii) Trình Ðức Tăng Thống phê chuẩn và ban hành Hiến chương GHPGVNTN, (iii) Phê chuẩn và ban hành những quy chế liên hệ Tăng, Ni, (iv) Trình Ðức Tăng thống tấn phong Viện Hóa đạo, (v) Cố vấn về đạo pháp cho Viện Hóa đạo.

Viện trưởng (1): Chức danh cao nhất của Viện Hành đạo, một trong hai Viện của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam (nay là Hệ phái Khất sĩ). Đứng đầu Viện Chỉ đạo là Tăng chủ. Viện trưởng Viện hành đạo đầu tiên là HT. Thích Giác Nhiên.

Viện trưởng (2): Chức danh cao nhất của Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Huế và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer ở Cần Thơ có chức năng điều hành toàn bộ hoạt động hành chánh và đào tạo của các Học viện Phật giáo.

Viện trưởng Viện Hóa đạo: Vị Trưởng lão đứng đầu Viện Hóa đạo của GHPGVNTN, điều hành quản trị hành chánh và tất cả hoạt động Phật sự của Viện Hóa đạo. Ðể đôn đốc và thanh tra Phật sự tại 44 tỉnh ở miền Nam, Viện trưởng Viện Hóa đạo bổ nhiệm Ðại diện tại tám miền sau khi Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo chấp thuận. Tám miền bao gồm: (i) Miền Vạn Hạnh (Bắc Trung nguyên Trung phần), (ii) Miền Liễu Quán Nam Trung nguyên Trung phần), (iii) Miền Khuông Việt (Cao nguyên Trung phần), (iv) Miền Khánh Hòa (Đông Nam phần), (v) Miền Huệ Quang (Hậu Giang Nam phần), (vi) Miền Khánh Anh: Miền Tây Nam phần Hậu Giang, (vii) Miền Quảng Đức (Đô thành Sài gòn, Gia Định), (viii) Miền Vĩnh Nghiêm (Phật tử Miền Bắc). Từ lúc thành lập vào năm 1964, GHPGVNTN có các Viện trưởng Viện Hóa đạo: (i) HT. Thích Tâm Châu (1921–2015) làm các năm 1964–1966, (ii) HT. Thích Thiện Hoa (1918–1973) làm các năm 1966–1968, (iii) HT. Thích Trí Thủ (1909–1984) làm các năm 1969–1975, (iv) HT. Thích Quảng Độ (1928–2020) làm các năm 1999–2008, (iv) HT. Thích Viên Định làm các năm 2008–2013.

Việt Nam quốc tự (越南國寺): Tọa lạc tại số 244 đường Ba tháng Hai, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh Do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) thành lập năm 1964 trên 4 hectar đất do Chính phủ của quốc trưởng Nguyễn Khánh, chính phủ lâm thời Việt Nam Cộng hòa bấy giờ cấp đất với danh nghĩa “mướn thời hạn 99 năm chỉ với một đồng bạc tượng trưng và được tiếp tục khi hết hạn. Lễ đặt đá xây dựng Việt Nam Quốc tự được cử hành vào lúc 8 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1964 dưới sự chứng minh của quý tôn đức Giáo phẩm GHPGVNTN và Quốc trưởng - Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa tướng Nguyễn Khánh. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người vẽ đồ án xây dựng, gồm Chánh điện, tháp 7 tầng, tăng xá, Đại học Phương Nam và Cô nhi viện Quách Thị Trang với các cảnh quan mang đậm bản sắc phong cách kiến trúc Việt Nam. Từ năm 1964-1975, Việt Nam quốc tự là trụ sở của Viện Hóa Đạo thuộc GHPGVNTN. Trụ trì đầu tiên là HT. Thích Thiện Hoa. Từ năm 1965-2013, HT. Thích Từ Nhơn làm Trụ trì. Từ năm 1975-2014, toàn bộ khu đất Việt Nam Quốc tự bị chính quyền trưng dụng làm trung tâm vui chơi giải trí của TP.HCM, Khu du lịch Kỳ Hoà và Nhà hát Hòa Bình, chỉ còn lại 3.712 m²  của tháp 7 tầng. Năm 1993, HT. Thích Từ Nhơn trùng tu và tôn tạo, biến ngôi tháp 7 tầng thành chánh điện của Việt Nam Quốc tự. Năm 2015, HT. Thích Trí Quảng với tư cách Trưởng Ban trị sự GHPGVN TP.HCM đã yêu cầu UBND TP.HCM giao trả 7.200 m² cho Việt Nam Quốc Tự xây chánh điện và các hạng mục khác. Ngày 31 tháng 10 năm 2015, GHPGVN TP.HCM tổ chức lễ cầu nguyện rót đồng đúc tượng Đức Phật Bổn sư Thích-ca-mâu-ni (cao 7,5m, nặng 35 tấn) do chủ tịch nước Trần Đại Quang cúng. Ngày ngày 12 tháng 10 năm 2014 khởi công trùng tu mới và ngày 7 tháng 11 năm 2017, Việt Nam Quốc tự được khánh thành. Các hạng mục xây dựng mới gồm thánh tượng Bồ-tát Quan Âm, tòa chánh điện ở tầng 1, tầng trệt làm hội trường khoảng 800m2, tầng 2 là khu văn phòng hành chánh của GHPGVN TP.HCM, tầng hầm rộng gần 8.000 m² dùng làm bãi đỗ xe. Tháp Đa Bảo 13 tầng, cao 63m biểu tượng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, tông phái tham gia cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật giáo vì hòa bình và bình đẳng tôn giáo tại miền Nam năm 196, là nơi thờ xá lợi trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức. Từ năm 2017, Việt Nam Quốc tự là trụ sở của GHPGVN TP.HCM, cũng là trung tâm văn hóa, tu học, đón nhiều du khách trong nước và nước ngoài tham quan.

Vinaya Text: Luật tạng, do Đại học Luân Đôn xuất bản với tự đề “Đông phương thánh thư”(Sacred Books of the East, 东方圣书), trong đó tập thứ 13, 17 và 20 được dịch từ Luật tạng (Vinaya Piṭaka) bởi dịch giả T. W. Rhys Davids và Hermann Oldenberg. Tập XIII: Giới điều Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni (比丘, 比丘尼戒条) Tập XVII: Đại phẩm (大品). Tập XX: Tiểu phẩm (小品). Nếu đối chiếu Luật tạng (Vinaya Piṭaka), văn bản Luật tạng (Vinaya Text) dịch ra từ Đại phẩm (大品), Tiểu phẩm (小品); phần Phân tích Giới bổn (經分别), chỉ dịch ra giới Tỳ-kheo và Tỳ- kheo-ni, không có nhân duyên chế giới v.v... các phần khác; còn Phụ lục (附随) hoàn toàn không có.

vỏ ốc xà cừ (S. sankha , conch shell): Biểu tượng của sự chiến thắng, truyền bá chân lý của đức Phật ngày càng lan xa. Vỏ ốc xà cừ thường được thổi vào các sự kiện tốt lành, các lễ hội Phật giáo.

vọc âm xuất tinh: như “thủ dâm xuất tinh.”

voi trắng sáu ngà: Tượng trưng đức Phật vào trong thai của hoàng hậu Maya, đầy đủ sáu toàn hảo (bố thí, giữ giới, tinh tấn, kiên trì, thiền định, trí tuệ) như được kể trong câu chuyện đản sanh của đức Phật.

voi trắng: Một trong các biểu tượng phổ biến nhất trong Phật giáo Nguyên thủy, tượng trưng cho đức Phật như trong điển tích hoàng hậu Maya mơ thấy con voi trắng đi vào bào thai, sau đó, bà mang thánh thai thái tử Tất-đạt-đa.

voi: (1) Biểu tượng Ấn Độ cho quyền lực hoàng gia (royal power), sức mạnh thể chất (physical strengh) hay sự vững chải (steadfastness); (2) Biểu tượng hộ pháp trong chùa Phật giáo.

vô nguyện môn: như “cửa vô nguyện.”

vô tướng môn: như “cửa vô tướng.”

vũ an cư kiền-độ (P. Vassūpanāyika-kkhandhaka, 雨安居犍度): như “Chủ đề về an cư mùa mưa.”

Vũ Vương (禹王): Viết đủ là Hạ Vũ Vương (夏禹王), là vị vua anh minh trong triều đại nhà Hạ, có công trong việc chống lũ. Sau khi thưởng thức rượu ngon do Nghi Địch dâng lên, Vũ Vương biết rõ việc uống rượu khiến nước mất nhà tan. Từ đó ông trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ sau.

vuốt ve (撫摸): hành động xoa, vỗ về, mơn trớn, chạm lên cơ thể người khác với dục niệm và cảm giác vui thích là phạm tội Tăng tàn đối với người xuất gia nam. Xem “Tăng tàn.”

Vức hội Phật giáo: như “Khuôn hội Phật giáo.”

Vức hội: Từ được GHPGVNTN sử dụng tại các tỉnh Tuy Hòa, Phú Yên đồng nghĩa với từ “Khuôn hội” tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

vườn tháp tổ: Khu vườn có tổ hợp các tháp thờ nhục thân hoặc di cốt của các tổ sư, cao tăng trong những ngôi chùa tổ đình hoặc chùa cổ.

xả giới (捨戒): Bỏ các giới đã tiếp nhận (捨棄所受的戒), còn gọi là “xả giới hoàn tục” (捨戒還俗), có nghĩa là “bỏ giới Tăng sĩ làm người tại gia”. Có hai trường hợp xả giới. Trường hợp thứ nhất là người xả giới do không muốn tu nữa nên tình nguyện xả giới, trở về đời sống tại gia; đến thời điểm đó hoàn toàn không hề phạm giới trục xuất hay Tăng tàn. Trường hợp thứ hai là người phạm tội trục xuất nên bị Tăng đoàn buộc phải xả giới, vĩnh viễn mất tư cách làm Tăng sĩ.

xạ tinh (射精): phóng tinh, như “xuất tinh.”

xá trạch (舍宅): nhà hoặc chỗ ở được dâng cúng để xây chùa.

xa-ma-tha (奢摩他): Giống như “xả-ma-tha” (舍摩他), đây là từ phiên âm của chữ “samatha” trong tiếng Pali và “śamatha” trong tiếng Sanskrit, có nghĩa là “chỉ” (止) tức sự “chuyên chú tâm” (專注心) vào đề mục thiền. Xem “chỉ”.

xét xếp Cấp Huynh trưởng:  Căn cứ vào trình độ tu học, phẩm chất đạo đức, năng lực sinh hoạt, tinh thần phục vụ và hội đủ thâm niên, Huynh trưởng Gia đình Phật tử được sắp xếp vào các cấp bậc: cấp Tập, cấp Tín, cấp Tấn, cấp Dũng, theo quy định cụ thể được ghi trong Nội quy Huynh trưởng.

xin thọ giới: Tương đương Hán văn “khất thọ giới” (乞受戒) tức khẩn cầu xin tiếp nhận giới pháp tại gia hoặc giới pháp xuất gia.

xô đẩy người nữ (推拉女人): người xuất gia khởi lên tâm dục, xô đẩy người nữ phạm giới Tăng tàn. Xem “Tăng tàn.”

xuất bất tịnh (出不净): như “xuất tinh.” Xem “Tăng tàn.”

xuất gia (出家): Lối sống xuất ly gia đình (出離家庭), sống đời độc thân (獨身主義), gia nhập Tăng đoàn (僧團), trở thành Tăng, Ni vì giác ngộ chân lý và lý tưởng phụng sự nhân sinh. Người đi tu tại Chùa được gọi là người xuất gia (出家人). Phật giáo Hán truyền gọi “xuất gia” là “tùng Thích” (從釋) tức đi tu theo Phật Thích-ca. Người xuất gia nam (男性出家人) gồm Sa-di (沙彌) và Tỳ-kheo (比丘). Người xuất gia nữ (女性出家人) gồm Sa-di-ni (沙彌尼), Thức-xoa-ma-na (式叉摩那) và Tỳ-kheo-ni (比丘尼). Có hai loại xuất gia gồm thân xuất gia (身出家) tức xuất gia hình tướng và tâm xuất gia (心出家) tức xuất gia có lý tưởng phụng sự, hành trì miên mật.

xuất gia cho Phật tử: Trụ trì được phép xuất gia cho nam, nữ Phật tử. Tăng xuất gia cho nữ Phật tử, sau khi làm lễ xuất gia xong, phải gửi sang Tự viện Ni để được giáo dục, hướng dẫn tu học và thọ giới Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na, Tỳ-kheo-ni theo Luật Phật. Ni không được phép xuất gia cho Phật tử nam.

xuất gia chúng (出家眾): Cộng đồng người xuất gia, dịch từ tiếng Pali “anagārika,” còn gọi là “năm chúng” (五眾) hay “năm chúng xuất gia” (出家五眾), Tăng đoàn (僧團), Tăng đoàn xuất gia (出家僧伽), người xuất gia (出家人), người tu hành không gia (無家修行者, vô gia tu hành gia), người tu hành lìa gia đình (離家修行者, ly gia tu hành giả). Đây là thuật ngữ chỉ cho năm cộng đồng người xuất gia, tu học Phật pháp, cứu độ nhân sinh gồm: (1) Tỳ-kheo (比丘), (2) Tỳ-kheo-ni (比丘尼), (3) Sa-di (沙彌), (4) Sa-di-ni (沙彌尼), (5) Thức-xoa-ma-na (式叉摩那). Chỉ có cộng đồng Tỳ-kheo (比丘眾, Tỳ-kheo chúng) và cộng đồng Tỳ-kheo-ni (比丘尼眾, Tỳ-kheo-ni chúng) được gọi là Tăng đoàn (僧團), Tăng lữ (僧侶), Tăng chúng (僧眾), Giáo đoàn (教團), Giáo đoàn Phật giáo (佛教教團).

xuất gia gieo duyên: Thuật ngữ Phật học Việt Nam chỉ cho sự xuất gia ngắn hạn (短期出家, đoản  kỳ xuất gia) trong 7 ngày, hoặc 10 ngày, 14 ngày tại các nước Phật giáo Bắc truyền, hoặc 1 tháng hay 3 tháng đối với các nước Phật giáo Nam truyền, nhằm trải nghiệm cuộc sống thanh thoát của người xuất gia có lý tưởng cao quý. Người xuất gia gieo duyên ở Việt Nam và các nước Bắc truyền chỉ tiếp nhận giới Sa-di (đối với nam) hoặc Sa-di-ni (đối với nữ), đang khi ở các nước Nam  truyền, có thể tiếp nhận giới Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni. Chương trình mỗi ngày gồm có tụng kinh mở trí tuệ, ngồi thiền, thiền đi, lạy sám hốinghe pháp thoại, tham dự pháp đàm, ăn cơm chính niệm, làm vườn và những giờ phút tự do cá nhân trong tỉnh thức và thảnh thơi. Xuất gia gieo duyên là cơ hội giúp cho các Phật tử xác định và chăm sóc hạt giống xuất gia của bản thân để mạnh dạn trở thành người xuất gia chân chánh ở kiếp này, hoặc gieo duyên đi tu ở kiếp sau. Lứa tuổi xuất gia gieo duyên tốt nhất là 14-40 tuổi. Sau khi thích ứng với lối sống của người xuất gia trong thời gian ngắn, người xuất gia gieo duyên có thể xin phép đi tu luôn. Người lớn tuổi và có bệnh tật khó có thể thích ứng với lối sống giản dị, ngủ sớm, dậy sớm và vượt qua thói quen đời. Do đó, các thanh thiếu niên nên quản trị thời gian để trải nghiệm việc đi tu trong chùa để mở ra bước ngoặc có ý nghĩa trong đời.

xuất gia ngũ chúng (出家五眾): xem “năm cộng đồng xuất gia” và “xuất gia chúng.”

xuất gia: Từ bỏ đời sống thế tục, trở thành người tu tại chùa. Nam, Nữ Phật tử có nguyện vọng phát tâm xuất gia, tu học tại các Tự viện phải theo đúng Luật Phật và đủ các điều kiện sau đây: (1) Được sự chấp thuận của cha, mẹ hoặc người giám hộ, (2) Không vi phạm pháp luật, (3) Phải đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh, không bị bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần và có phiếu khám sức khỏe tốt, (4) Giấy xác nhận tình trạng độc thân, (5) Được vị trụ trì Tự viện bảo lãnh, Ban Trị sự nơi xuất gia chấp thuận, (6) Ban Trị sự huyện xác nhận và báo trình Ban Tăng sự tỉnh tri tường, (7) Việc nhận người vào tu tại Tự viện phải thực hiện theo quy định của Luật Phật, Hiến chương Giáo hội, pháp luật Nhà nước, (8) Nam, Nữ Phật tử dưới tuổi vị thành niên, do cha mẹ hoặc người giám hộ làm đơn ký thác cho vị trụ trì cơ sở Tự viện, (9) Nam nữ Phật tử đã có gia thất, muốn xuất gia phải có sự đồng ý của vợ hoặc chồng và theo các quy định tại khoản 2, 3, 5, 6 điều 36 Nội quy Ban Tăng sự trung ương, (10) Sau khi các thủ tục xuất gia hoàn tất, Ban Tăng sự tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia.

xuất giới ngoại (出界外): “ra ngoài phạm vi giới trường” đã được Tăng đoàn, Ni đoàn ấn định trong ngày kết giới an cư.

xuất sanh (出生): Còn gọi là sanh phạn (生飯), thường quen gọi tại Việt Nam là “cúng xuất sanh” (出眾生食, xuất chúng sinh thực) tức lấy 7 hạt cơm trắng bỏ vào chung nhỏ có nước, rồi đọc thần chú để cúng quỷ thần (鬼神).

xuất tinh (遺精, di tinh): còn gọi là “sạ tinh” (射精), sự phóng tinh từ cơ quan sinh dục nam do quan hệ tình dục hoặc thủ dâm, tạo nên sự hưng phấn tình dục. Cố ý xuất tinh là hành vi trái với giới luật của người xuất gia mà người vi phạm sẽ bị phạm giới Tăng tàn. Mộng tinh thì không vi phạm. Xem “Tăng tàn,” “mộng tin.”

xuất tội (P. abbhāna, S. abhyāyana, 出罪): (1) chạy tội, thoát tội, (2) hết tội, giải tội, xóa tội, không bị xem là phạm tội nữa bằng cách phát lồ sám hối trước một vị đại đức. Hết tội còn gọi là pháp nhổ sạch tội (拔除罪法, bạt trừ tội pháp), giải tội, xuất tội, là sự công bố Tỳ-kheo phạm giới Tăng tàn đã hết tội, sau khi Tỳ-kheo này đã tuân thủ hình phạt “không sống chung với Tăng đoàn” (biệt trú) bằng với thời gian phạm giới, chịu phép “ý hỷ” (意喜) trong sáu ngày và có tiến bộ thật sự. Phép làm giải tội để phục hồi (abbhāna) tư cách Tỳ-kheo buộc phải hội đủ 20 Tỳ-kheo, đang khi đối với Tỳ-kheo-ni phạm giới phải hội đủ 20 Tỳ-kheo và 20 Tỳ-kheo-ni làm yết-ma hết tội (出罪羯磨, xuất tội yết-ma).

xúc chạm cơ thể (身體相觸): bị xem là hành động bất tịnh hạnh (P. ajjhācāra, 不净行), mà người xuất gia nam khi vi phạm sẽ phạm tội Tăng tàn, đang khi nếu là người xuất gia nữ sẽ phạm tội ba-la-di.

xúi giục tự tử (煽動自殺, phiến động tự sát): Hành vi bằng lời xúi giục người khác tự kết liễu mạng sống vì lý do chán đời hay bất kỳ lý do nào khác, đều bị đức Phật nghiêm cấm. Người xuất gia xúi dục người khác tự tử sẽ phạm tội tẫn xuất, không được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời.  Xem “sát sanh” và “khen ngợi cái chết.”

Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống: Chức danh Tăng thống lâm thời của GHPGVNTN, có vai trò điều hành toàn bộ hoạt động của GHPGVNTN, được áp dụng trong giai đoạn Tăng thống trước đã viên tịch và chưa tổ chức Đại hội GHPGVNTN để thỉnh cử Tăng thống mới. Từ lúc thành lập vào năm 1964 đến nay, GHPGVNTN có 4 vị Hòa thượng làm Xử lý Thường viện Viện Tăng thống gồm: (i) HT. Thích Đôn Hậu (1905–1991) làm các năm 1977–1991, (ii) HT. Thích Huyền Quang (1920–2008) làm các năm 1991–2003, (iii) HT. Thích Quảng Độ (1928–2020) làm các năm 2008–2011, (iv) HT. Thích Tuệ Sỹ (1943 – ) làm từ ngày 24/5/2019 đến nay. Trước khi qua đời, HT. Thích Quảng Độ, Tăng thống GHPGVNTN, ban hành ngày 24/05/2019 qua Quyết định số 14– VTT/TT/QĐ thỉnh cử HT. Thích Tuệ Sỹ thay thế Tăng thống Thích Quảng Độ vì trọng bệnh, lãnh đạo và điều hành GHPGVNTN trong nước và hải ngoại. Vào ngày 20/04/2020, HT. Thích Tuệ Sỹ chính thức phụng thừa Quyết định Ủy thác Quyền Điều hành Viện Tăng thống trở thành Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống GHPGVNTN, nhân lễ chung thất của HT. Thích Quảng Độ. Một nhóm phân hóa, tách ra từ GHPGVNTN của HT. Thích Quảng Độ, không chấp nhận HT. Thích Tuệ Sỹ, vào ngày 14/04/2020, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương của nhóm phân hóa trong nước từ GHPGVNTN gồm có các HT. Thích Nhật Ban, HT. Thích Tâm Mãn, HT. Thích Quảng Tôn, HT. Thích Minh Nguyệt và HT. Thích Giải Pháp đã suy tôn HT. Thích Chơn Tâm, Chánh Thư ký Viện Tăng thống làm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống GHPGVNTN.

y chỉ (依止): (1) Nương vào ai đó, nương vào điều gì đó; (2) Phụng sự thầy với tư cách là một vị đệ tử để tu tập và học hỏi giáo pháp; (3) Y theo; (4) Làm việc gì đó theo chủ đề.

y chỉ yết-ma (P. nissayakamma, 依止羯磨): như “biểu quyết về y chỉ.”

y dĩ cảnh (衣已竟), đầy đủ ba y bao gồm: (i) Tăng-già-lê (P=S. savghātī, 僧伽梨), đại y, (ii) Uất-đa-la-tăng (P=S. uttarāsavga, 鬱多羅僧), thượng y, (iii) An-đà-hội (S. antarvāsa, P. antaravāsa, 安陀會), nội y.

y đã may xong (P. niṭṭhitacīvarasmiṃ, 衣服已經做好): vì y và pháp phục của người xuất gia phải được may đúng thời điểm, người xuất gia cần nắm vững quy định: (i) Thời gian không mặc y công đức là tháng cuối cùng của mùa  mưa, (ii) Thời gian mặc y công đức là 5 tháng gồm tháng 8, tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12. Theo quy định, pháp phục của Tỳ-kheo đã may xong, thất lạc hư hỏng, thiêu hủy, không lấy được đúng ngày,” điều này cho thấy niṭṭhitacīvarasmiṃ không chỉ may xong quần áo mà còn may xong trong thời hạn quy định, nếu qua thời gian làm y (衣时, cīvarakālasamayaṃ) cho dù là thất lạc, hư hỏng, cũng cần đợi thời gian may quần áo tiếp mới có thể may. Xem “thời gian may y và pháp phục.”

ý hỷ (P. mānatta, S. mānatva, 意喜): Thường được phiên âm là “ma-na-đỏa” (摩那埵), là hình thức phạt Tỳ-kheo phạm giới Tăng tàn, sau hình phạt “không được sống chung với Tăng đoàn” (別住, biệt trú) phải nỗ lực tự hối lỗi, ít nhất trong 6 ngày để chứng minh sự tiến bộ, theo đó, 20 thành viên Tỳ-kheo (đối với Tăng) và bao gồm 20 Tỳ-kheo cộng với 20 Tỳ-kheo-ni (đối với Ni) hoan hỷ, làm lễ xóa tội.

y kiền-độ (P. Cīvarakkhandhaka, 衣犍度): như “Chủ đề về pháp phục.”

y phi thời (P. akāla-cīvara, 非時衣): y không thuộc thời gian của y đúng thời.

Y tế vụ: Một trong các Vụ trực thuộc Tổng vụ Xã hội GHPGVNTN.

y thời (衣時): như “thời gian nhận y công đức.”

yến tọa (宴坐): Cách dùng từ của Trung Quốc, đồng nghĩa với ngồi thiền.

yết-ma (P. kamma, S. karma, 羯磨): Phiên âm của chữ “karma” trong Sanskrit hay chữ “kamma” trong Pali, có nghĩa là biểu quyết tăng đoàn (表決), theo cách, một bên trình bạch và một bên là Tăng đoàn cùng biểu quyết để thông qua và thực thi quyết định này. Còn được dịch là “biện sự” (辦事) hay “tác pháp biện sự” (作法辦事). Trên thực tế, yết-ma là hoạt động dân chủ trong Tăng đoàn được thực hiện trong lễ bố-tát đọc giới (布薩誦戒) và các tăng vụ quan trọng khác.

yết-ma hòa thượng (羯摩和尚): như hòa thượng yết-ma.

yết-ma hòa thượng ni (羯摩和尚尼): Ni trưởng hay Ni sư được Ni đoàn thỉnh phụ trách vai trò cử hành nghi thức biểu quyết tăng đoàn (舉行羯摩儀) bao gồm truyền trao giới (授戒), nói giới (説戒), sám-hối (懺悔) và các tăng sự khác.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập