Siddhartha

Đã đọc: 8592           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tôi đọc mãi, đọc mãi... rồi từ lúc nào thấy mình đã nhập vào hành trình cùng với chàng tín đồ Bà La Môn trẻ tuổi tên Tất Đạt, bắt đầu rời bỏ gia đình, nhập vào nhóm những nhà sư khổ hạnh..., lăn lóc trong cuộc đời, vướng vào đàn bà đẹp, tham gia chuyện buôn bán - lúc đầu mọi thứ trôi chảy nhưng sau sụp đổ hoàn toàn.

Tôi nhớ, rất nhớ, cuốn sách đầu tiên của Hermann Hesse mà tôi đã đọc. Tất nhiên, đó là cuốn Sói đồng hoang. Kỷ lục về in ấn. Wikipedia cho biết đã có hơn 100 triệu bản Sói đồng hoang bán trên khắp thế giới và có thể tôi đã ngẫu nhiên cầm được một trong 100 triệu bản ấy. Đọc ngốn ngấu và ngơ ngác mấy ngày.

 Rồi với Sói đồng hoang, ám ảnh vết cắn trên ngực, sự hoang mang rỉ máu, tôi đi tìm những cuốn mà tên tác giả là Hermann Hesse. Đầu thập niên 1980, những người trẻ đều đi tìm cái gì đó cho mình, một cách cá nhân, với một ý thức mới. Một cái tên tác giả hay một cuốn sách đều giống như một gợi ý. Mà Hermann Hesse lại là nhà văn viết cho những băn khoăn của tuổi trẻ trong một xã hội ngày càng khô cằn bởi lý tính và nền công nghiệp hóa.

 Một ngày rất xa ở một quán sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, tôi tìm thấy Siddhartha bây giờ (cuốn sách vừa được in qua bản dịch tiếng Đức của Lê Chu Cầu), với tên gọi khác là Câu chuyện dòng sông. Bản dịch ngày xưa rất hay, nữ dịch giả Phùng Khánh chuyển ngữ từ tiếng Anh năm 1965. Cuốn sách bìa một không còn, bìa hai chỉ đơn giản dòng chữ Câu chuyện dòng sông trên nền vàng sạm giấy cũ.

 Tôi đọc mãi, đọc mãi... rồi từ lúc nào thấy mình đã nhập vào hành trình cùng với chàng tín đồ Bà La Môn trẻ tuổi tên Tất Đạt, bắt đầu rời bỏ gia đình, nhập vào nhóm những nhà sư khổ hạnh..., lăn lóc trong cuộc đời, vướng vào đàn bà đẹp, tham gia chuyện buôn bán - lúc đầu mọi thứ trôi chảy nhưng sau sụp đổ hoàn toàn. Đến lúc tuyệt vọng, toan tự tử bên sông chợt nghe được lời sông mách bảo trong lòng mình mà giác ngộ chân lý, trở thành một lão chèo đò ngày ngày đưa khách sang sông!

 Dạo ấy tôi cũng chưa hiểu khi mình thầm khấn “Om mani padme hum”, hoa sen sẽ nở trong lòng. Nhưng đọc xong Câu chuyện dòng sông thì biết mình đã trưởng thành hơn một chút, lờ mờ hiểu nên học yêu thương thế giới như nó là chính nó, để thôi không so sánh nó với thế giới nào khác trong tưởng tượng.

 Có lẽ không có nhiều tác phẩm mà sau rất nhiều năm đọc lại thấy như mình vẫn còn cảm xúc ban đầu. Siddhartha được Lê Chu Cầu dịch từ nguyên bản tiếng Đức, đó đã là một ưu thế so với bản dịch từ tiếng Anh. Và ngay câu mở đầu: Như chim ưng non, Siddhartha, con trai khôi ngô của một người Bà La Môn, lớn lên dưới mái gia đình êm ấm, trong ánh nắng chói chang ở bến đò, trong bóng rừng cây Sal, dưới bóng cây vả, cùng với Govinda, bạn anh... tôi đã cảm thấy độ tinh tế hơn: Cạnh những con thuyền, dưới ánh nắng ven sông, trong bóng cây cổ thụ và trong khu rừng vàng nhạt, Tất Đạt, người con trai Bà La Môn đĩnh ngộ ấy đang lớn lên cùng bạn chàng là Thiện Hữu...

Có thể do năm tháng nên tôi không còn hồi hộp khi cầm lên tay cuốn Siddhartha, nhưng với một bản dịch cao nhã như vậy tôi đã đọc lại đến tận trang cuối. Và lại nhận ra một điều đã cũ là tôi học được trong cuốn sách này cách nhận biết kỹ xảo tự lừa mình, một kỹ xảo đơn giản đi cùng giọt nước mắt trong veo. Tôi cũng không rõ có phải mình đi tìm một giáo lý để được chứng nghiệm sự giác ngộ và giải thoát hay không, nhưng quả thật Siddhartha cho tôi nhiều hơn những lời thuyết giảng đã từng nghe đâu đó.

Và tôi lại muốn cầm Siddhartha trên tay như trong một buổi chiều rất xưa ở hiệu sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, khi đang trẻ và lạ lẫm, bây giờ.

 


 

Trong các tác phẩm của Hermann Hesse, có lẽ Siddhartha là tác phẩm nổi tiếng nhất. Câu chuyện lấy thời điểm Đức Phật còn tại thế, nói về một chàng thanh niên rời gia đình đi tìm giác ngộ. Dù được gặp Phật, dù bạn đồng hành đã gia nhập tăng đoàn, nhưng chàng thanh niên Siddhartha nhất quyết đi theo con đường của mình.

Cuối cùng, sau khi trải nghiệm hết tất cả niềm vui và nỗi khổ của cuộc sống thế gian, chàng thanh niên Siddhartha đã giác ngộ được chân lý bên cạnh một dòng sông. Chàng đã lắng nghe dòng sông và tìm thấy ở nơi đó mọi dạng hình của đời sống. Chàng đã thấy “pháp giới” trong dòng sông và ngộ được tính nhất thể của vạn sự.

Hermann Hesse cho ta thấy muốn thấu hiểu bản chất của đời sống, con người cần phải trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách của nó. Sự sống đang diễn ra trong mọi hình thái trong vũ trụ cũng chỉ vì nó cần trải nghiệm hết chính bản thân mình. “Sự sống” đó là “dòng sông” của Siddhartha mà chàng đã biết lắng nghe.

Cuối cùng Siddhartha đã ngộ ra rằng “sự thật nào cũng có đối nghịch của nó và điều đối nghịch này cũng thật không kém”. Khi đã trải nghiệm và biết lắng nghe mọi hình thái của sự sống, chàng đã tự siêu việt chính mình, vượt lên thiện - ác, tốt - xấu. Đó là tư tưởng Bát nhã, nói theo cách của Hermann Hesse.

 

Nguyễn Tường Bách

Tên sách: Siddhartha
Tác giả: Hermann Hesse
Dịch giả: Lê Chu Cầu
NXB Văn học và Công ty Nhã Nam ấn hành tháng 8/2009

Trung thành với mối ưu tâm đầy màu sắc triết học từ thuở ấu thơ về cuộc kiếm tìm ý nghĩa tồn tại của con người, qua “Siddhartha”, một lần nữa Hermann Hesse (1877 - 1962, Nobel Văn chương năm 1946) trở lại với hình tượng chàng trẻ tuổi hăm hở lên đường tìm chân lý.
Đây cũng chính là hình tượng quen thuộc của văn chương thế giới từ cổ chí kim - từ Odysse cho tới Don Rodrigue, từ Don Quijote cho tới Đường Tam Tạng…

Điều khác biệt của con người đi tìm chân lý trong Siddhartha chính là anh ta xuất phát từ chỗ “có đạo” chứ không phải từ “vô minh” mà kiếm tìm một con đường dung thứ bản ngã. Tại sao đã có đạo lại còn phải tầm đạo? Phải chăng, điều nhà văn muốn bày tỏ và khuyến dụ bạn đọc chính là một quan niệm kép, “đạo” từ đạo, giác ngộ của giác ngộ?

Chàng trẻ tuổi Siddhartha xuất thân từ một gia đình Bà la môn quyền quý, vầng trán của chàng khi đảnh lễ khiến rung động xiết bao trái tim thanh nữ, đạo hạnh của chàng nức tiếng gần xa. Nhưng Siddhartha vẫn quyết chí dứt tình cha để lên đường tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình. Như vậy, hành trình của chàng trai xuất phát từ một sự đoạn tuyệt, hay là mối nghi ngờ đối với chính cái khuôn thước tư tưởng mà chàng đã mang kể từ khi sinh ra. Nhìn rộng ra, đó là một tinh thần hồ nghi đối với lý thuyết nói chung, cho dù lý thuyết ấy có đẹp đẽ đến đâu - điều này là tất yếu đối với một tuổi trẻ khát khao tri thức và điều cao cả.

Tìm theo những tu sĩ khổ hạnh trong rừng sâu, gặp gỡ cả Đức Thích Ca Mâu Ni muôn phần an lạc, nhưng Siddhartha vẫn kiên quyết rằng con đường của mình là ở phía trước - chàng muốn được tự chứng nghiệm giây phút giác ngộ, điều mà chàng tin rằng không thể đến chỉ qua việc nghe thuyết pháp. Rúng động cả thể xác và tâm can trước vẻ đẹp huy hoàng trong một khoảnh khắc của không gian tinh khiết, chàng quyết phải trở lại đắm mình vào bể dục lạc và hiện hữu của đời sống thế tục.

Dẫu chàng chẳng có một manh áo lành.

Chẳng có một kỹ năng tồn tại giữa xã hội.

Điều duy nhất chàng có là tâm trí sáng suốt của một kẻ tu tập, mà chàng đem đánh đổi với Kamala, nàng kỹ nữ danh giá, giàu có nhất kinh thành, để học lấy mọi nghệ thuật tinh vi của lạc thú thể xác. Học buôn bán với thương gia lọc lõi Kamaswami, chàng chẳng quan tâm đến mánh lới lãi lời, chỉ lấy niềm vui chan hoà mà đối đãi.

Chàng không cầu tiền bạc mà tiền bạc tự đến.

Chàng không cầu tình yêu mà Kamala lại đem lòng yêu chàng tới chết.

Không nhắm vào bất cứ một mục đích hiện hữu nào: tiền bạc, danh lợi, ràng buộc đời sống…, Siddhartha chỉ muốn trải nghiệm tột cùng mãnh liệt và vân vi nhất những cảm giác ngũ quan cũng như tổng hoà của nó, sự toàn mãn và sâu lắng của nội giới.

Còn quan trọng hơn cả tinh thần hồ nghi lý thuyết, nhân vật của Hesse tự bản chất là kẻ “có đạo”, dù anh ta có tuân thủ giáo lý hay không: đó là lòng thiện lương thiên bẩm, ý nguyện tới điều lành, không tham lam, lòng trung thực sòng phẳng tận cùng và không bao giờ xâm phạm kẻ khác.

Như dòng sông đã chảy qua những quanh co ghềnh thác, Siddhartha đã sống trọn nghĩa lý sự tồn tại của con người nơi cõi thế.

Hành động một lần nữa rũ bỏ, dứt áo ra đi khỏi cuộc sống bộn bề và chán ngấy dục lạc, thực ra chỉ mang tính chất tượng trưng. Quay trở lại dòng sông cũ, dòng sông mà thời trai trẻ chàng đã một lần vượt qua để đi tầm đạo, tựa như một hành trình liên hoàn từ Con người tới Con người. Con người lúc trước chưa cảm giác và suy nghiệm, con người lúc sau đã căng đầy những dữ kiện tâm cảm, trí lự cho minh triết và giác ngộ.

Học ở dòng sông chỉ là một cách nói tượng trưng. Lúc này Siddhartha đã có thể học ở chính mình, ở năng lượng suy tưởng dồi dào, không phút nào trì trệ, vừa thấu hiểu vừa bao dung đồng thời biết trân trọng mỗi giây khắc cuộc đời trôi qua như một biểu hiện của chân tính mãnh liệt, dẫu mong manh vô thường nhưng là bất tử của vạn pháp trong một vũ trụ nhất nguyên vô cùng.


Khánh Phương

Nguồn: eVan

 

Nguồn: Tuổi trẻ

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập