Đọc sách “Thiền Định Phật Giáo, Khởi nguyên và Ảnh hưởng” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

Đã đọc: 747           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Cuốn “Thiền Định Phật Giáo” không phải chỉ là cuốn sách nói về vấn đề thiền định trong Phật Giáo không thôi, mà còn là cuốn sách đề cập một cách bác lãm nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử và vai trò quan trọng của thiền định hay tư duy góp phần vào việc phát triển nền văn minh nhân loại. Đây là cuốn sách cần có để đọc đối với những ai muốn có sự hiểu biết và thực hành chân xác thiền định Phật Giáo. Trong ý nghĩa này, xin trân trọng kính giới thiệu đến quý độc giả cuốn “Thiền Định Phật Giáo” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.

Trong một cơ duyên rất bất ngờ nhưng đầy thú vị vào những ngày năm hết Tết đến, tôi đọc được cuốn “Thiền Định Phật Giáo, Khởi nguyên và Ảnh hưởng” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Sách được Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN ấn hành như một món quà đầu năm Nhâm Dần 2022 cho tất cả những ai có duyên với Phật Pháp và đặc biệt với những người muốn tìm hiểu cặn kẽ về thiền định Phật Giáo, một trong ba con đường (Tam Vô Lậu Học: Giới, Định và Tuệ) đưa tới sự giác ngộ và giải thoát khổ đau.

Ngày nay Thiền đã được phổ cập khắp nơi trên thế giới như một phương pháp trị liệu hữu ích để giúp con người giảm bớt những căng thẳng, phiền não và khổ đau trong cuộc sống hằng ngày của cá nhân, gia đình và xã hội. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều có sự hiểu biết thấu đáo về thiền định Phật Giáo. Trong ý nghĩa này, cuốn “Thiền Định Phật Giáo” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là cuốn cẩm nang không chỉ đáp ứng được nhu cầu hiểu biết trong lãnh vực pháp học (kiến thức) mà còn trong bình diện pháp hành (hành trì).

Sách dày 326 trang, gồm hai phần chính: Phần I gồm 6 chương nói về nguồn gốc và những tương quan của Thiền Định Phật Giáo với Yoga và các tôn giáo khác như Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo; Phần II gồm những trích dịch các phần tu tập thiền định trong Kinh Sa Môn Quả và các bộ luận như Pháp Uẩn Túc Luận và Tập Dị Môn Túc Luận.

Ngày xưa ở Việt Nam tôi đã từng say mê đọc bộ “Thiền Luận” ba cuốn của Thiền Sư Nhật Bản Daisetsu Teitaro Suzuki do Giáo Sư Trúc Thiên và Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ dịch. Ngày nay, tôi cũng lại say mê đọc cuốn “Thiền Định Phật Giáo, Khởi nguyên và Ảnh hưởng” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, nhưng trong một tâm cảnh khác. “Thiền Luận” bàn về thiền đốn ngộ của Thiền Tông Trung Hoa và Nhật Bản, trong khi “Thiền Định Phật Giáo” bàn về thiền chỉ quán theo truyền thống Phật Giáo truyền từ thời Đức Phật còn tại thế đến ngày nay, mà pháp môn Thiền Chánh Niệm hay Thiền Tuệ Quán (Vipassana) hiện đang thịnh hành khắp nơi trên thế giới là một trong những phương pháp tu tập của Thiền Tứ Niệm Xứ được nói đến trong cuốn “Thiền Định Phật Giáo.”

Cái tâm cảnh khác mà tôi muốn nói khi đọc cuốn “Thiền Định Phật Giáo” là như bước vào một bầu trời mênh mông bát ngát mà ở đó người đọc có thể nhìn thấy thiền định đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển của “tư duy nhận thức, tư duy tiến hóa và tư duy xã hội” của loài người trong suốt mấy ngàn năm qua. Đối với tôi, đây quả thật là một phát kiến đặc biệt rất hấp dẫn mà tác giả của cuốn “Thiền Định Phật Giáo” đã khai mở. Thật vậy, người ta khó có thể suy nghĩ hay hình dung ra được làm thế nào một phương pháp tu tập có vẻ chỉ hạn cục trong tôn giáo lại đóng vai trò trọng yếu và phổ quát như thế đối với nền văn minh của toàn nhân loại. Nhưng trong cuốn “Thiền Định Phật Giáo,” Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã viết về mối tương quan giữa thiền định và các tư duy thuộc lãnh vực nhận thức, tiến hóa và xã hội của nhân loại như sau:

“Nói một cách phổ thông, định là một chức năng hoạt động của tâm lý nhận thức. Để nhận thức một đối tượng, giác quan (indriya: căn) cần phải tập trung trên đối tượng ấy. Năng lực và thời gian tập trung càng cao, đối tượng càng xuất hiện rõ ràng hơn. Không có định, tức không có sự đứng im không dao động của đối tượng và không có sự tập trung của thức trên đối tượng tương ứng ấy, thì nhận thức không phát sinh.” (tr. 19)

“Trên cơ sở tâm lý học nhận thức như vậy, mọi hoạt động tư duy của tâm hay thức đều được gọi là định, không có định, sẽ không có nhận thức phán đoán. Tuy vậy, chỉ trong trường hợp sự chú tâm của thức trên một đối tượng được duy trì trong nhiều sát-na cùng với tín hiệu của đối tượng ấy tồn tại hiện tiền, bấy giờ nó mới được nói là định theo nghĩa định tức thiền (samādhi = dhyāna).” (tr. 20)

“Đoạn Kinh mô tả ngắn gọn này hàm ngụ ý nghĩa tiến hóa theo đó chỉ khi con người sống tập quần bấy giờ ý niệm tích lũy mới phát sinh. Để có thể tích lũy, nó cần có kỹ thuật để thu hoạch. Để có thể phát minh kỹ thuật, nó cần có khả năng tư duy. Tư duy để phát minh, nó cần có khả năng phán đoán tùy mức tích lũy kinh nghiệm trong quá khứ và dự phóng tương lai. Khả năng này cần có sự chú tâm vào mục đích hướng đến trong tương lai. Khả năng tư duy với sự chú tâm, tập trung ý thức vào một đối tượng cần đạt đến là hạt giống tư duy của người, mà trong lịch sử tiến hóa nó trở thành tư duy thiền định theo nghĩa phổ thông thuần phác nhất.” (tr. 22)

“Cho đến lúc, một số người nhàm chán tình trạng tranh chấp rối ren cùng với sự tăng gia tội ác mang tính xã hội, đã đi vào rừng để sống cuộc đời tu dưỡng. Chính họ, trong đời sống trầm lặng, chiêm nghiệm thiên nhiên cùng với định mệnh con người, đã đạt được khả năng hồi tưởng ký ức nhiều đời. Đó là khả năng nhập định, tùy theo trình độ thấp hay cao của trạng thái định tâm. Căn cứ thời gian của các đời sống quá khứ được nhớ lại, họ lập thuyết về khởi nguyên thế giới và nhân sinh.” (tr. 24, 25)

Tất nhiên, trong cuốn “Thiền Định Phật Giáo” còn chuyên chở nội dung đa dạng và mới mẻ đầy lôi cuốn đối với tôi. Nói cách khác, mỗi trang sách, mỗi đề mục, mỗi vấn đề được Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ bàn đến một cách sâu sắc đều là những điều đáng để tôi học hỏi và thực hành.

Trong Chương II nói về “Khởi Nguyên Thiền Phật Giáo,” Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ nhắc đến câu chuyện Đức Phật tự kể lại việc Ngài đã tu tập thiền định như thế nào để chứng đắc đạo quả.

“Trong Kinh Tát-giá Ni-kiền Tử, đức Phật tự thuật, sau khi từ giã Āḷāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta, Bồ-tát một mình tu khổ hành, luyện tập nín thở, tuyệt thực, cho đến khi kiệt sức. Sau đó chợt nhớ một thời lúc còn niên thiếu theo phụ vương dự lễ tịch điền, Ngài ngồi dưới bóng cây diêm-phù trầm tư và chứng đắc sơ thiền, và liên tục lần lượt cho đến chứng đắc thiền thứ tư. Y chỉ thiền thứ tư, với tâm định tĩnh, không cấu nhiễm, Bồ-tát lần lượt chứng đắc Ba Minh và cuối cùng chứng đắc Đại Bồ-đề. Các tự thuật này cho thấy trước đó chưa có đạo sĩ nào biết đến bốn cấp thiền như vậy. Trong các tự thuật này không thấy nói đến bốn vô sắc định.” (tr. 37, 38)

Cũng trong chương này, có một chi tiết làm cho tôi rất thích thú. Đó là đoạn Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ kể chuyện nhà hiền triết Trung Hoa Trang Tử “dựa ghế mà ngồi, ngửa mặt lên trời mà thở” như là một hình thái của thiền định. Dù điều này đã được ghi trong Nam Hoa Kinh, nhưng xưa nay không thấy ai nói đến mối quan hệ của nó đối với thiền định.

“Như trong Nam hoa kinh, thiên Tề Vật luận chép: “Nam Quách Tử Kỳ dựa ghế mà ngồi, ngửa mặt lên trời mà thở, y như chôn mất bạn lứa. Nam Thành Tử Du đứng hầu phía trước, nói: “Như vậy mà còn ở đó được sao? Hình hài há có thể khiến cho như cây khô, mà tâm thì có thể khiến cho như tro tàn nguội lạnh sao? “. Tử Kỳ nói: “Này Yển, câu hỏi há không phải khéo lắm sao! Ta nay quên mất cái Ta, anh biết không? Anh nghe tiếng sáo người mà chưa nghe tiếng sáo đất. Anh nghe tiếng sáo đất mà chưa nghe tiếng sáo trời chăng!

“Trang Tử “dựa ghế mà ngồi, ngửa mặt lên trời mà thở”, ngồi yên trong tư thế thích hợp, và thở theo phương pháp nào đó, đây là những điều cần thực hiện để có thể đạt đến mức tư duy lắng đọng, sâu thẳm, ta thấy Ấn-độ hay Trung quốc đều có điểm chung, và điều đó là điểm chung của loài người, có thể nói như vậy.”(tr. 35, 36)

Trong chương này, Hòa Thượng cũng đã nhấn mạnh đến một sự kiện khá quan trọng là Tứ Thiền và Tứ Vô Sắc Định là các loại thiền định chỉ có trong Phật Giáo chứ không có trong các phương pháp thực hành thiền định của các truyền thống tôn giáo khác.

“Nói một cách tổng quát, bốn thiền và bốn vô sắc định là hệ thống thiền-định đặc hữu trong Kinh Phật.” (tr. 39)

Nhưng ý nghĩa của thiền định là gì?

Tác giả cuốn “Thiền Định Phật Giáo” đã giải thích một cách rõ ràng ý nghĩa của thiền định trong phần “Từ Nghĩa Luận” thuộc Chương III ‘Thiền & Yoga’. Trong phần này, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã giải thích ý nghĩa của hai từ thiền và định riêng biệt giúp người đọc hiểu rõ hơn về thiền định.

Trong giải thích ý nghĩa về định, Hòa Thượng đã viết như sau:

“Như đã nói trong đoạn đầu, thiền (dhyāna) là một hình thái tập trung để tư duy, tức các trình độ của định (samādhi), yếu tố tâm lý có mặt trong mọi hoạt động nhận thức.

Từ Sanskrit samādhi, phổ thông Hán dịch là định, với định nghĩa mô tả là trạng thái tập trung chú tâm trên một điểm, cittasya ekāgratā, tâm nhất cảnh tính: trạng thái tâm và cảnh hợp nhất. Để phân biệt tâm nhất cảnh trong bốn thiền và trạng thái tâm định lắng sâu trong bốn vô sắc hoặc thâm sâu hơn, cao hơn, trong các định như vô tướng (animittā-samādhi), vô nguyện (apraṇihita-samādhi), và không (śūnyatā-samādhi); trong các ngữ cảnh này, Hán thường không dịch nghĩa, mà phiên âm hoặc tam-ma-địa, tam-ma-đề, hoặc tam-muội.

Ngữ nguyên của samādhi trong đây là do động từ căn √dhā (dadhāti, dhatte): đặt để, duy trì, chi trì; với tiếp đầu ngữ ā~, tăng cường ngữ khí ādhā: ādadhati, đặt vào, để vào, duy trì, chỉ trì vững vàng. Chồng thêm tiếp đầu ngữ sam, hàm ý “cùng chung với, sam-ā-dhā (samādadhati) bấy giờ hàm nghĩa dồn chung tất cả đặt vào”, đây là ý nghĩa “tập trung chú tâm vào một điểm.” Với nghĩa này, Hán dịch là đẳng trì: duy trì hay chỉ trì một cách bình đẳng, hoặc duy trì liên tục nhất loạt. Câu-xá luận ký giải thích: “Tam-ma-địa mà nói là tâm nhất cảnh tính, vì do lực của đẳng trì mà tâm hoạt động trên một đối tượng duy nhất. Nếu không có đẳng trì, bản tính của tâm vốn trạo động không thể trụ trên một đối tượng duy nhất.” (tr. 43, 44)

Còn thiền thì Hòa Thượng cho biết ý nghĩa như sau:

“Dhyāna hay thiền-na, hình thái đặc biệt của định với hai đặc điểm chỉ và quán. Từ nguyên Sanskrit của nó được nói là do động từ căn √dhyai (dhyāyati): trầm tư, mặc tưởng, suy khảo (Wogihara); tư duy, chiêm quan, chiêm nghiệm, nhiếp tâm, phản tỉnh (Monier-Williams). Thêm tiếp vĩ ngữ ~ana, lập thành danh từ phái sinh dhyāna chỉ công cụ hành động và cũng hàm nghĩa chủ thể hay tác nhân hành động.

Từ dhyāna được Câu-xá viii định nghĩa theo từ nguyên như sau: dhyānam iti ko’rthaḥ | dhyāyanty aneneti | prajānantītyarthaḥ | Do bởi nó mà chúng nó tư duy, nên nó có nghĩa là (công cụ) tư duy (dhyāna = dhyai + ana). Chúng nó tư duy có nghĩa là chúng nó nhận thức.49 Lối trực dịch này tương đối khó lãnh hội với người đọc chưa quen với các quy tắc cấu trúc từ ngữ và cú pháp trong Phạn văn. Do vậy, trong khi dịch đoạn này, Huyền Trang diễn thêm một ít.” (45)

Một điểm đặc biệt khác mà Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã nói đến một cách cặn kẽ trong cuốn “Thiền Định Phật Giáo” là sự so sánh mối tương quan giữa thiền định Phật Giáo và Yoga, Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo. Đây là một nghiên cứu công phu hiếm thấy trong giới Phật Học Việt Nam xưa nay.

Trước hết là phần tương quan giữa thiền định Phật Giáo và Yoga. Trong phần này, tác giả cuốn “Thiền Định Phật Giáo” đã nói đến một phương pháp tu tập có mối tương quan rất gần gũi với thiền định Phật Giáo là Yoga. Nhưng Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ không phải chỉ nói tổng quát mà còn đi vào nghiên cứu tường tận từ tác phẩm Yogasūtra đến các phương thức thiền định của Yoga được ảnh hưởng bởi Phật Giáo.

“Quả thật, như Werner nhận xét, khá nhiều dụng ngữ Phật giáo được thấy trong YS [Yogasūtra]. Những dụng ngữ này được giải thích khá chi tiết và tường tận trong các Abhidhamma Pāḷi, cũng như trong các Abhidharma của Hữu bộ và Kinh bộ. Trong khi những dụng ngữ này được nêu trong YS không được giải thích rõ ràng. Cụ thể như từ yoga xuất hiện trong tụng 1 chương i, không có giải thích rõ ràng ý nghĩa của nó bởi chính tác giả; nhưng sớ giải của Vyāsa xác định ngay yoga chính là samādhi; và samādhi này là quá trình của tâm xuyên suốt tất cả các địa của nó. Giải thích này cho thấy rõ ý nghĩa của từ yoga này, cũng chính là ý nghĩa được thiết lập trong phái Yogācāra (Du-già hành). Bởi quá trình xuyên suốt của tâm của các trạng thái tán tâm, si tâm, loạn tâm, nhất cảnh tính tâm và định tâm; đây là quá trình phát triển của tâm được rút gọn thành 5 địa từ 17 địa được diễn giải chi tiết trong Yogācārabhūmiśāstra (Du-già sư địa luận).” (tr. 61)

Tiếp theo, tác giả cuốn “Thiền Định Phật Giáo” giải thích chi tiết 8 phần yoga: 1. yama, tiết chế; 2. niyama, tự chế; 3. āsana, tư thế (ngồi); 4. prāṇāyāma, điều hòa hơi thở; 5. pratyāhāra, thúc liễm; 6. dhāraṇā, duy trì; 7. dhyāna, thiền-na; 8. samādhi, định. (tr. 62)

Từ việc nêu ra mối tương quan giữa thiền định Phật Giáo và Yogasutra, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ nói đến pháp môn Du Già Hành hay Du Già Đạo của Bồ Tát Di Lặc mà người kế thừa là Bồ Tát Vô Trước và Thế Thân để xiển dương giáo nghĩa Duy Thức.

“Du-già hành (yogācāra) hay du-già đạo (yogamārga) đều chỉ hệ thống pháp môn tu hành hiểu theo ý nghĩa tổng quát. Trong cả hai đoạn thỉnh vấn bởi một Đại Thanh văn: Tu-bồ-đề và một vị Bồ-tát: Di-lặc, cả hai đều y chỉ tu tập du-già (yogācāra). Với Thanh văn, Tì-kheo bằng tu du-già hành mà thông suốt chân lý tối thắng (paramārtha: thắng nghĩa, đệ nhất nghĩa) trong khi quán sát các pháp uẩn, xứ, giới, duyên khởi, cho đến giác chi, đạo chi. Bồ-tát cũng y chỉ du-già đạo mà tu tập chỉ quán trong Đại thừa. Nhưng du-già hành hay du-già đạo được Phật nói cho Bồ-tát, đó là giáo pháp du-già có ý nghĩa rốt ráo (nītārtha-yoga), du-già dẫn đến quán sát thắng nghĩa đế, chân lý tối thắng, tuyệt đối. Du-già trong ý nghĩa này vẫn hàm nghĩa nội dung tu tập chuyên cần như thường được thấy trong Kinh điển nguyên thủy, đồng thời cũng hàm nghĩa hệ thống pháp môn và cũng là pháp môn tu tập. Như vậy, bằng tu tập du-già đạo hay du-già hành mà trải qua các giai đoạn từ phàm phu cho đến Phật địa. Các giai đoạn này sẽ được triển khai và hệ thống hóa thành 17 địa, và được biên tập thành luận Du-già-sư địa (Yogācārabhūmi-śāstra), luận thư căn bản của phái Du-già hành (yogācāra) phát huy giáo nghĩa duy thức (vijñānamātra).” (tr. 78, 79)

Trong phần nói về Yoga, tác giả cuốn “Thiền Định Phật Giáo” đã nêu ra một số tài liệu rất đáng chú ý cho thấy Phật Giáo đã du nhập vào Ai Cập ở thế kỷ thứ 5 hay 4 trước tây lịch, tức là sau Phật nhập Niết Bàn khoảng 100 năm. Còn một chi tiết rất thú vị khác được kể trong phần nói về các Yoga là sự xuất hiện của “84 thành tựu tiên” trong Phật Giáo Ấn Độ lúc suy tàn. Từ sự xuất hiện của các “thành tựu tiên,” Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã đưa ra nhận định cho thấy mối tương quan nào đó giữa Phật Giáo và Shaiva giáo.

“Ý nghĩa những truyền kỳ nhân gian và kinh điển này có thể cho thấy một khía cạnh lịch sử trong mối quan hệ giữa Phật giáo và Shaiva giáo, vừa là hỗ tương ảnh hưởng, và đồng thời hỗ tương bài trừ. Cụ thể, những vị Thành tựu tiên Phật giáo như Matsyendra và Gorakṣa tuy được kể là đã có thành tựu nhất định trong tu tập Phật giáo, nhưng sau đó đã quay sang Shaiva giáo, truyền bá giáo nghĩa được cho là chính Shiva thuyết. Duy chỉ có điều là các truyện ký về những vị này có nhiều điểm bất nhất, do đó giá trị lịch sử cũng rất mơ hồ.” (tr. 96)

Phần đầu của Chương IV nói về Thiền & Islam, tác giả cuốn “Thiền Định Phật Giáo” đã sơ lược nguồn gốc của giống dân Uyghur Cao Xương mà ngày nay là nhóm dân thiểu số Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) cư trú tại Tân Cương của Trung Quốc. Ngoài ra, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ còn đề cập đến thân thế của một dịch giả Kinh Phật nổi tiếng tại Trung Hoa vào giữa thế kỷ thứ 2 tây lịch đó là ngài An Thế Cao đến từ nước An Tức là một đế chế quyền lực cai trị cả Iran và Iraq cổ đại.

“Nước An-tức nói đây chính là Đế chế An-tức, vốn là phiên âm Hán của từ Ba-tư cổ Emperâturi Ashkâniân, sách phương Tây phổ thông gọi là Đế chế Arsacid, hoặc cũng gọi là Đế chế Parthan, đã giữ vai trò trọng yếu của quyền lực chính trị và văn hóa của Iran và Irad cổ đại, kéo dài từ năm 247 trước tây lịch cho đến năm 224 sau tây lịch.” (tr. 116)

Đó là một chi tiết trong bối cảnh lịch sử tương quan trong lãnh vực chính trị giữa Hồi Giáo và các nước theo Phật. Tác giả cuốn “Thiền Định Phật Giáo” đã điểm qua tiểu sử của Tiên Tri Muhammad, giáo chủ Hồi Giáo và sự hình thành thế giới Hồi Giáo và cuộc xâm lăng của đạo quân Hồi vào Ấn Độ để tàn phá Phật Giáo tại đây. Trong phần này có một chi tiết rất hấp dẫn mà Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã nêu ra về một tác phẩm bằng tiếng Ả Rập “Kitāb Bilawhar wa Bûd̲âsf,” kể chuyện về đức Phật.

“Dưới thời Đế chế Sassanid, tôn giáo Zoroaster phục hưng, và trở thành tôn giáo chính. Phật giáo và các tôn giáo khác không được biết đến nhiều. Thế nhưng, sự xuất hiện của tác phẩm bằng tiếng Ả-rập, Kitāb Bilawhar wa Bûd̲âsf, chuyện kể bởi Aban al-Lahiki (750-815 Tl), lưu hành ở Bagdad trong thế kỷ 8, về sau được lưu hành trong Giáo hội Thiên Chúa với nhan đề La-tinh Barlamus et Iosaphatus, các nhà nghiên cứu lịch sử văn học Hồi giáo xác định nội dung là truyện về đức Phật, và suy ra rằng bản tiếng Ả-rập chỉ là bản dịch của tác phẩm bằng tiếng Pahlavi, ngôn ngữ Iran trung đại, lưu hành dưới thời Đế chế Sassanid. Sự kiện chứng tỏ Phật giáo vẫn hiện diện trong thời này trong mức độ ảnh hưởng nhất định.” (tr. 117, 118)

Phần quan trọng trong tương quan thiền định Phật Giáo và Hồi Giáo là phương thức tu luyện Sufi huyền bí, mà đại biểu là nhà thần bí Simnānī  (1261-1336).

“Hai phương pháp tu luyện của Sufi có thể so sánh với các hành trì phổ biến ở Ấn-độ, tìm thấy trong hầu hết mọi tôn giáo: Phật, Ấn, Kỳ-na, v.v. Đó là dhikr, mà so sánh ở đây sẽ gọi là trì niệm. Thứ hai, muraqabah, so sánh ở đây sẽ gọi là thiền quán, hay quán tưởng.” (tr. 142)

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã giải thích thêm như sau:

“Dù tu luyện dhikr theo phương pháp nào, cứu cánh vẫn là đạt đến trạng thái vong ngã, hòa tan người niệm vào trong đối tượng niệm, cứu cánh fanā như đoạn cuối trong bảy giai đoạn hành trình mà Attar diễn tả bằng ngụ ngôn kể trên. Điều này cũng khiến liên tưởng đến pháp môn niệm Phật tam-muội của người tu Tịnh độ; niệm cho đến khi nào không có ta đang niệm, có Phật được niệm; ta và Phật hòa đồng nhất thể. Nhưng khác nhau, trong fanā, hòa tan tự ngã vào bản thể Thượng đế. Trong Tịnh độ, tự tánh Di-đà, duy tâm Tịnh độ. Không có Phật ngoài ta.” (tr. 143, 144)

Đối với mối tương quan giữa thiền định Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, tác giả cuốn “Thiền Định Phật Giáo” đã đề cập đến vấn đề cầu nguyện, niệm Chúa và chủ nghĩa thần bí của Thiên Chúa Giáo. Tôi thích thú với chuyện kể về các Giáo phụ sa mạc mà đặc biệt nhất là Thánh Anthony.

“Năm 270, Cha Anthony đi vào ẩn tu trong sa mạc đông Sahara, Ai-cập. Cuộc đời khổ tu của Cha trong các sa mạc đã thành những đề tài hấp dẫn cho nghệ thuật, hội họa và văn học. Theo gương cha, nhiều tu sĩ và nữ tu khác cũng vào ẩn tu trong các sa mạc, và thành lập các tu viện. Cha Anthony được xem là vị đầu tiên sáng lập chế độ tu đạo viện (monasticism) trong Thiên chúa giáo.” (tr. 160)

Trong cuốn “Thiền Định Phật Giáo,” Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cũng đã nói đến người nổi tiếng trong chủ nghĩa thần bí Thiên Chúa Giáo là Meister Eckhart, mà Thiền Sư Suzuki đã phải viết cả một cuốn sách, “Huyền Học Thiên Chúa và Phật Giáo” [Mysticism, Christian and Buddhist], để so sánh giữa chủ nghĩa thần bí của Eckhart và Phật Giáo. Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã viết về chủ nghĩa thần bí Thiên Chúa Giáo như sau:

“Chủ nghĩa thần bí, đó là kinh nghiệm hiệp thông hay hiệp nhất với Thượng đế. Trên cơ sở tâm lý học Phật giáo, kinh nghiệm đó không ngoài quá trình nhận thức: xúc – thọ -tưởng. Tùy theo cường độ hoạt động của tưởng, với trình độ của sự chú tâm trên đối tượng mà hành giả đạt đến trạng thái nhập định trong giới hạn nào đó. Xuất thần như hành giả Sufi Hallaj là trạng thái xuất thần cực điểm, trong đó tự cảm nghiệm ta và Thượng đế là một.” (tr. 178)

Tác giả cuốn “Thiền Định Phật Giáo” đã viết về sự cầu nguyện của Giáo Hội Công Giáo La Mã như sau:

“Trong các thể thức cầu nguyện, điều cốt yếu là nhận thức rằng không thể vươn đến tình yêu tròn đầy của Thiên Chúa nếu không biết rằng Chúa đã ban tặng. Ngài ban tặng cho chúng ta qua Chúa Con nhập thể, và chỉ có thể thấy linh ảnh Chúa hiện bằng ân sủng của đức tin. Và chỉ là một tạo vật, ta phải biết rằng chỉ có sự cứu rỗi bằng ân huệ của Chúa.

Về các thể thức liên hệ thân tâm, trong các tư thế ngồi, thực tập hơi thở, tập trung vào một điểm trên thân, v.v…, những điểm có thể có vẻ tương tự trong các thực tập phương Đông, Thư chỉ rõ những điều áp dụng có thể nguy hại trong khi pha trộn những thứ này với các tư thế chuẩn bị thân tâm để cầu nguyện.” (tr. 184)

Trong phần này, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cũng đã nêu ra một sự kiện rất lạ lùng về sự xuất hiện của đức Phật dưới tên thánh Josaphat trong Thiên Chúa Giáo.

“Một hiện tượng lịch sử cũng khá hy hữu. Ít nhất từ thế kỷ 11, đức Phật dưới danh hiệu Josaphat trong danh sách các Thánh truyền đạo và tử đạo, với ngày lễ hẳn hoi trong cả hai Giáo hội phương Đông và phương Tây, chỉ từ khi phát hiện nguồn gốc, người ta mới nhận ra tiểu sử của Thánh chính là cuộc đời của Phật.” (tr. 180)

Phần II trong cuốn “Thiền Định Phật Giáo” là các trích dịch từ Kinh Sa Môn Quả, Pháp Uẩn Túc Luận và Tập Dị Môn Túc Luận về những phương pháp tu tập thiền định mà Đức Phật đã dạy cũng như chư vị luận sư Phật Giáo giải thích.

Phần này thật sự quan trọng và cần thiết vì nó làm quân bình giữa lý thuyết và thực hành hay giữa pháp học và pháp hành trong Phật Giáo. Hơn nữa, phần này chắc chắn đáp ứng nhu cầu của người đọc sau khi có sự hiểu biết về lý thuyết thì cần có sự hướng dẫn để tu tập thiền định.

Phần trích dịch Kinh Sa Môn Quả đề cập đến việc đức Phật dạy về việc đoạn trừ 5 triền cái như là yếu tố quan trọng đối với việc tu tập thiền định, bởi vì còn tham ái, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi là những chướng ngại lớn lao cho việc tu thiền định. Kinh này cũng dạy về cách tu tập Tứ Thiền, quán trí, ý sanh thân, thần biến trí, thiên nhĩ thông, tha tâm trí, túc mạng trí, sinh tử trí, lậu tận trí.

Phần trích dịch Pháp Uẩn Túc Luận – do Tôn Giả Mục Kiền Liên viết, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và Thích Nguyên An dịch – giải thích chi tiết về cách tu tập Tứ Niệm Xứ, Tứ Thiền, Tứ Vô Lượng Tâm, và Tứ Vô Sắc Định.

Phần trích dịch Tập Dị Môn Túc Luận – do Tôn Giả Xá Lợi Phất viết, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và Nguyên An dịch – giải thích về cách tu tập Tám Giải Thoát, Tám Thắng Xứ, Chín Đẳng Chí, và Mười Biến Xứ.

Nói tóm lại, đọc xong cuốn “Thiền Định Phật Giáo” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lòng tôi tràn đầy niềm hoan hỷ, giống như một người vừa đọc xong cuốn cẩm nang hướng dẫn phương hướng lộ trình và cách thức để đi đến mục tiêu nơi chốn mà lâu nay người đó muốn đi nhưng chưa đủ tự tin về đường đi nước bước để đến đó.

Cuốn “Thiền Định Phật Giáo” không phải chỉ là cuốn sách nói về vấn đề thiền định trong Phật Giáo không thôi, mà còn là cuốn sách đề cập một cách bác lãm nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử và vai trò quan trọng của thiền định hay tư duy góp phần vào việc phát triển nền văn minh nhân loại.

Đây là cuốn sách cần có để đọc đối với những ai muốn có sự hiểu biết và thực hành chân xác thiền định Phật Giáo. Trong ý nghĩa này, xin trân trọng kính giới thiệu đến quý độc giả cuốn “Thiền Định Phật Giáo” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.

Sách đã được Amazon phát hành trên mạng. Độc giả muốn mua sách xin vào địa chỉ này: www.amazon.com

Thành kính tri ân tác giả Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.

Tu Viện Pháp Vân, Nanticoke, Canada
Trọng đông Tân Sửu
Huỳnh Kim Quang

 

 


([*]) Tuệ Sỹ: Thiền Định Phật Giáo, Khởi nguyên và Ảnh hưởng. Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản I/2022 trên mạng toàn cầu Amazon. Hương Tích Phật Việt sẽ xuất bản ở Việt Nam. Trong bài này có khi chỉ gọi tắt tên sách là Thiền Định Phật Giáo.

Nguồn: https://thuvienphatviet.com

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập