Phát hiện sách Chuyết công ngữ lục tại chùa Phật Tích huyện Tiên Du

Đã đọc: 3615           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tại chùa Phật Tích (tên chữ là Ninh Phúc tự) thuộc xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, các thế hệ cao tăng trụ trì ở đây còn lưu giữ được nhiều tư liệu quí, trong đó có cuốn sách Chuyết Công ngữ lục.

Sách do thiền sư Minh Hành Tại Tại – một vị đại đệ tử của Chuyết Công - biên soạn vào thế kỷ XVII. Văn bản được thể hiện ở dạng bản in ván với nét chữ còn sắc nét, rõ, dễ đọc. Cuốn sách có kích thướcc 29x 16cm, với chất liệu giấy dó, gồm ba quyển. Phần mở đầu gồm 10 tờ, mỗi tờ có 14 hàng, mỗi hàng có 13 chữ, có tiêu đề Tổ sư xuất thế thực lục. Quyển một và quyển hai có 26 tờ (trong đó quyển một có 6 tờ), mỗi tờ có 22 hàng, mỗi hàng có 20 chữ, có tiêu đề Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục. Quyển ba có 22 tờ, trừ tờ 2a có 5 hàng, tờ 8a và 11a có 4 hàng và tờ 22a có 8 hàng, các tờ còn lại đều có 22 hàng, mỗi hàng có 20 chữ, có tiêu đề Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục hoặc vấn (tất cả các tờ, khi đóng thành sách được gấp đôi). Ba quyển trên được đóng thành một tập, với tổng số chữ khoảng gần 21.600 chữ.

Tìm hiểu nội dung văn bản Chuyết Công ng lục, chúng tôi thấy đây là một tư liệu quý, giúp chúng ta không những hiểu một cách tường tận về thân thế và sự nghiệp của thiền sư Chuyết Công mà còn hiểu biết thêm về đặc điểm tình hình Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII. Sau đây xin tóm tắt nội dung văn bản Chuyết Công ngữ lục.

Phần mở đầu có tiêu đề Tổ sư xuất thế thực lục cho chúng ta biết tường tận về lai lịch của Chuyết Công. Xin tóm tắt như sau: Chuyết Công thủa nhỏ có tên là Tân Liên (do bà mẹ mộng thấy một bông sen vàng nảy ra từ rốn, rồi có thai, ba năm sau sinh ra ngài) và ngài còn có tên khác là Viên Văn, hiệu là Chuyết Chuyết, người Tiệm Sơn, Hải Trừng, Thanh Chương, Mân Điền (Trung Quốc), họ Lý, tổ phụ tên là Kiều, cha là Nhược Lâm, mẹ họ Thái, sinh vào giờ Sửu ngày Giáp Tuất mùng 2 tháng 2 năm Canh Dần, niên hiệu Vạn Lịch thứ 17 triều Minh (1590). Năm lên 5 tuổi, mẹ mất, năm lên 7 tuổi cha mất. Tổ phụ phải dắt sư nhờ người thím dâu nuôi dưỡng. Thuở nhỏ Chuyết Chuyết rất thông minh, dĩnh ngộ, hiểu rộng kinh sử, chăm học đêm ngày, thường đến học tập ở chùa Tiệm Sơn. Có vị hành giả thấy sư khạc ra máu, bèn tiến đến bạch với Trưởng lão. Trưởng lão nghe nói liền đến xem và hỏi rằng: “Thư sinh làm sao mà có bệnh này?” Sư đáp: “Đọc sách”. Tăng hỏi: “Đọc sách thì có sự nghiệp gì vậy?” Sư đáp: “Trí quân trạch dân !”. Rồi sau đó, Chuyết Chuyết đã bỏ Nho, theo học Phật. 16 năm sau, sư đến vùng Quảng Nam, Thuận Hóa thuyết pháp 7, 8 năm. Rồi sau ra Bắc, đến chùa Ninh Phúc thuộc xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.

Sư tịch vào nửa đêm ngày 15 tháng 3 năm 1645, thọ 55 tuổi.

Quyển một và quyển hai có tiêu đề Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục.

Với độ dài khoảng 11.440 chữ, quyển một và quyển hai được tác giả ghi chép lại các bài thuyết pháp của Chuyết Công mà trong đó, ngài đã thể hiện tư tưởng Phật học của mình trên nhiều phương diện: Bồ đề, pháp giới, về các nguyên tố cấu tạo nên cơ thể con người, về các hình thức sản sinh ra muôn loài, về phương pháp học đạo và lợi ích của việc học đạo, về bản tâm, về tam không, về mối quan hệ giữa giác và tình, về tứ niệm xứ, về tam không, về mối quan hệ và lợi ích của niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, về hữu vô tam muội, về mối quan hệ giữa Phật pháp, về hiệu khác nhau đối với mỗi đối tượng khác nhau khi nghe thuyết pháp, về quán tự lại... Những vấn đề trên, mặc dù đều nằm trong nội dung giáo lý của Phật giáo, nhưng với trình độ quảng bác cả về Nho, Phật, Lão và đặc biệt cách nhìn biện chứng, Chuyết Công đã khiến người đọc nhận thấy ở đây có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Nho và Phật của một nhà tu hành. Khi nói về qui y, Chuyết Công nói: “Cửa Khổng lấy tam cương, ngũ thường; họ Thích lấy tam qui ngũ giới, tên tuy có khác mà lý thì là một. Qui y Phật là sợ thiên mệnh, quy y pháp là sợ lời nói của thánh nhân, quy y tăng là sợ đại nhân (tờ 2b-q.1). Một đoạn khác, khi đề cập đến ngũ giới, Chuyết Công đối chiếu với ngũ thường của đạo Nho. Ngài nói: “Cũng như ngũ thường của thế gian, không sát sinh là nhân, không trộm cắp, không tà dâm là lễ, không vọng ngôn ký ngữ là tín, không uống rượu là trí” (tờ 1-q.2). Khi bàn về giặc bên trong (nội tặc), Chuyết Công nói: “Nội tặc này là rất khó phòng bị. Duy có bậc trí giả có thể xét tìm giặc trong thân tâm mình, để chế khắc, dốc lòng tu thân. Vì vậy nói: Tự nhiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. Nhưng trong đó lại chưa có ai tu thân lại không xuất phát từ minh tâm, chưa có ai trong minh tâm lại không xuất phát từ hiểu biết thế giới. Vì vậy nói: Chí tri tại cách vật”. Khi thuyết giảng về vấn đề học đạo, minh tâm, kiến tính, thành Phật, Chuyết Công dẫn câu trong Kinh Thư: “Bản lập nhi đạo sinh” nhằm giải thích cho rõ thêm ý nghĩa của việc học đạo, v.v...

Trong 14 vấn đề mà Chuyết Công trình bày trong bải giảng của mình, vấn đề nào cũng được Chuyết Công so sánh học thuyết của Phật với học thuyết của Nho gia để củng cố quan điểm của mình. Ngài cũng nhiều lần dẫn Luận ngữ và các kinh điển khác của Nho gia.

Trong quyển thứ ba (có tiêu đề Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục hoặc vấn), người biên soạn ghi lại 64 vấn đề mà Chuyết Công đối thoại với ba vị quan chức cao cấp của triều đình: Dũng Lễ công, Chưởng giám Tư lễ Thái bảo Tuấn Quận công và Cổn Quận công.

Trước hết là 16 vấn đề do Dũng Lễ công nêu ra và sự trả lời của Chuyết Công.

Câu đầu tiên, Dũng Lễ công hỏi: “Trong tam giáo Nho, Đạo, Thích, giáo nào là tôn quí?”. Sư đáp: Nho giáo có tam cương ngũ thường, úy thiên, trung thứ,... Đạo giáo có tam nguyên ngũ khí, tu tâm luyện tính, vận khí thông thần. Thích giáo có tam qui ngũ giới, minh tâm kiến tính. Với Nho gia, quả dục là chính nhân quân tử. Đạo gia, vận khí là trường sinh bất lão. Thích gia vô tâm là bất sinh bất diệt (...) Nho như tinh tú, Đạo như mặt trăng, Thích như mặt trời (...) Nho giáo lấy kinh bang tế thế để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đạo giáo lấy luyện thân để chính khảm ly, trường sinh bất lão. Thích giáo lấy minh tâm để viên quang phổ chiếu, tịch diệt làm vui. Tam giáo đều được sinh ra từ một tâm mà có sai biệt chút ít. Người trí tự nghĩ đều là tốt cả.

Những vấn đề khác, Dũng Lễ công đều hỏi xoay quanh vấn đề Phật pháp.

Ngài Chưởng giám Tư lễ Thái bảo Tuấn Quận công hỏi Chuyết Chuyết 7 vấn đề. Các vấn đề đều xoay quanh về nhân cách con người của nhà sư. Chẳng hạn những câu: “Thiên triều nước lớn không ở, vì cớ gì lại đến nước nhỏ?”, “Cầm thú còn biết ơn bố mẹ, vì cớ gì lại xả bỏ thân ân xuất gia, như vậy chẳng phải là bất hiếu lắm sao?”, “Tu hành sao không ở núi sâu mà lại vào thành thị mà giáo hóa đàn bà, là như thế nào?”. Ngài Quận công này còn hỏi: “Thích Ca là như thế nào?”, ... toàn những câu hỏi dễ gây tự ái, hoặc như một sự xúc phạm đối với một nhà tu hành Phật giáo. Nhưng Chuyết Chuyết đã bình tĩnh giải đáp một cách rõ ràng và có sức thuyết phục.

Vị quan chức thứ ba tham vấn Chuyết Chuyết là ngài Chưởng giám Cổn Quận công. Cổn Quận công hỏi 41 câu, hầu hết có nội dung hỏi về lai lịch đức Phật và các vị Bồ tát, hỏi về các vị cao tăng của Việt Nam, như: Tuệ Trung, Điều Ngự, Huyền Quang, Không Lộ, Giác Hải, Đạo Hạnh. Các vấn đề do Cổn Quận công nêu ra đều được Chuyết Chuyết phân tích, giải thích tường tận,...

Đọc Chuyết công ngữ lục chúng tôi có mấy nhận biết bước đầu như sau:

1- Chuyết Chuyết là người Trung Quốc, tuổi trẻ có chí lớn, từng học Nho và có vốn kiến thức rộng, sang Việt, đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc và là vị cao tăng có uy tín thời bấy giờ. Ông có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống đạo của giới tăng sĩ đương thời. Về phía xã hội, thế kỷ XVI-XVII, Nho giáo được Nhà nước tạo điều kiện nên phát triển rất mạnh, đồng thời đặc điểm Phật giáo Việt Nam thời kỳ này là dấu ấn Nho trong mỗi tăng sĩ Phật giáo là rất rõ. Chuyết Chuyết cũng không nằm ngoài tình hình chung đó.

2- Khi trình bày vấn đề, nhằm thuyết phục người nghe, Chuyết Chuyết thường dùng phương pháp so sánh. Chẳng hạn như về phát đại thệ nguyện: “có giới mà không nguyện cũng như có xe mà không có người cầm cương”; về thụ trì ngũ giới: “có quy y mà không thụ giới giống như có nhà mà không có người ở, có nước mà không có vua”, hoặc so sánh nội dung của một số khái niệm của Khổng Tử với nội dung của một số khái niệm của Thích ca Mâu ni Phật. Trong lập luận, Chuyết Chuyết còn thường sử dụng thế mạnh của tư duy truyền thống khi thiết lập mối quan hệ kéo theo trong tư duy về các của vấn đề, các sự kiện. Chẳng hạn, ông nói: “Không vọng động. Động khiến cho thế giới khởi. Không rơi vào hư không. Rơi vào hư không thì khó cứu được người.

Cả hai phương pháp trên, chúng ta đều thấy Thích ca Mâu ni Phật đã sử dụng rất đắc địa trong kinh Tứ thập nhị chương, kinh Pháp cú, kinh Diệu pháp liên hoa,... Đương nhiên, để thực hiện có hiệu các phương pháp này, người trình bày phải vừa có thao tác tư duy tốt, vừa phải có kiến thức rộng.

3- Đọc Chuyết công ngữ lục chúng ta cũng thấy thời kỳ này (giữa thế kỷ XVII), các quan chức cao cấp của nhà Lê cũng có nhiều người tỏ ra rất quan tâm đến Phật giáo, cụ thể là đến lịch sử đức Phật và các vị Bồ tát, cao tăng; đến giáo lý Phật giáo; đến mối quan hệ giữa Phật giáo với các tôn giáo khác; đến việc thờ cúng Phật, Thánh,... Điều đó nói lên rằng, vào thời kỳ này, tín ngưỡng Phật giáo không phải chỉ phát triển ở nông thôn với chủ thể của nó là nông dân mà trong giới quan chức Nhà nước cũng bị ảnh hưởng không ít của văn hóa Phật giáo, và giáo lý Phật giáo cũng có sự tác động đến họ với mức độ đáng kể.

4- Đọc Chuyết công ngữ lục và đọc Lý hoặc luận của Mâu Tử (văn bản có từ cuối thế kỷ thứ II), đọc sáu bức thư trao đổi của Lý Miễu với Đạo Cao và Pháp Minh (in lại trong Hoằng minh tập), chúng ta thấy nội dung được đề cập, cách thể hiện, đối tượng trao đổi,... của các sách này là tương đối giống nhau - mặc dù thời điểm xuất hiện của chúng cách xa nhau hơn 10 thế kỷ. Phải chăng, từ khi đức Phật Thích ca xuất thế cho đến gần đây, cách tư duy, truyền đạo và hành đạo của Phật giáo là theo một chuẩn mực nhất định.

NGUYỄN QUANG KHẢI

Ban Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh

Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.394-399)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập