Bài viết của vua Tự Đức ở văn bia chùa Trung Tiết

Đặng Tảo đỗ Thái học sinh đời Trần, thông tin này được ghi ở quyển 6, tờ 39b, sách Đại Việt sử ký toàn thư. Sách Đăng khoa lục và cả sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, một công trình đồ sộ về “lý lịch” các nhà khoa bảng thi đỗ học vị đại khoa thời kiến ở Việt Nam, từ khoa thi đầu tiên đến khoa thi cuối cùng không thấy có mục về Đặng Tảo.
Ngôi chùa từng được Vua, Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông ban tên gọi, cấp kinh phí để trùng tu, cấp ruộng cho việc thờ cúng hàng năm, chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1962, thật xứng danh “Quốc tự”. Viết về hai nhân vật này để ôn cố tri tân, để hiểu văn hóa ứng xử “đáng suy ngẫm” giữa vua tôi nhà Trần hầu như sách báo đương đại chưa quan tâm đúng mức. Sưu tầm di sản Hán Nôm ở chùa Trung Tiết, chúng tôi tìm được bài viết của Vua Tự Đức về Thái học sinh Đặng Tảo, Gia nhi chủ đô Lê Chung trên văn bia “Trung Tiết tự bi ký”.
Vài nét về chùa Trung Tiết.
Vị trí của chùa ở khu đất Xóm Chùa, thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đại đức Thích Quảng Hiển trụ trì chùa giải thích về sự tích tên thôn Nghĩa Hưng. Vào năm 1974 một số gia đình ở thôn Chiềng thuộc huyện Ninh Giang lên định cư rồi ước định tên làng là Nghĩa Hưng. Theo nghĩa từ Hán Việt thì Nghĩa Hưng có nghĩa là vì đạo nghĩa mà hưng vượng. Chữ hưng còn có hàm ý nhắc đến 1 chữ của tên tỉnh Hải Hưng, tỉnh “cũ” của người làng Chiềng những năm từ 1968 - 1996. Như vậy, trước năm 1974, khu đất thôn Nghĩa Hưng vốn là đất chùa.
Theo lời truyền ngôn của dân quanh vùng thì trước đây ngôi chùa này có 100 gian, tọa trên mặt bằng quả đồi, có 1 vị vua đã khen “đẹp như viên ngọc”. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 1962. Di vật như đá tảng đời Trần, gạch đỏ khắc chữ Hán “Vĩnh Ninh tràng 永寧場(gạch đời Đinh (968 - 980) (?), gạch kích thước lớn 42x42cm nằm rải rác trong khuôn viên di tích. Tượng phật cổ, tượng Đặng Tảo, Lê Chung, vua Trần Anh Tông (?) được lưu giữ ở nhà tổ và nhà thờ Đặng Tảo, Lê Chung. Ở đây còn 2 văn bia, 1 văn bia không còn chữ, 1 văn bia Trung Tiết tự bi ký. Cây cổ thụ có cây sung, chu vi 3,32m; cây nhãn, chu vi 2,58m; cây duối, chu vi 1,27m.
Đường đến chùa Trung Tiết khá thuận lợi.
Ta chọn điểm ngã tư đường quốc lộ 18 tại thị trấn Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Tại đó có biển hướng dẫn giao thông “đi Đền Sinh, đi Phà Triều”. Du khách rẽ lối đi Đền Sinh, đi chừng hơn 4km đến cổng Đền Sinh thì rẽ phải, bám theo đường trải bê tông chừng 1km và khoảng 300m đường đá cấp phối là đến chùa Trung Tiết. Người dân sở tại thường gọi “Chùa Tuyết, Chùa Tiết”.
Trước cửa chùa là hồ Đập Rau rộng tới 2000 mẫu (?), trong hồ có 3 đồi nhỏ (được gọi tên, tiểu tam sơn). Trước đây đường vào chùa theo lối bờ hồ, nay đi vòng lối đường của xóm rồi quành lên. Cách chừng 2km sau chùa là khu lăng mộ Trần Anh Tông, xa hơn là núi Am Ngọa Vân, dáng như tháp bút. Từ đây nhìn về Chùa Đồng ở Yên Tử, về chùa Thanh Mai ở Chí Linh Hải Dương thấy mây vờn núi, những hôm trời trong còn rõ bóng chùa. Chùa Quỳnh, nơi đệ nhị nhị “Trúc Lâm tam tổ” tu hành cũng ở gần chùa Trung Tiết.
Bài viết của vua Tự Đức ở chùa Trung Tiết.
Tên chùa ở Việt Nam thường gọi theo địa danh, 1 số ít gọi theo sự tích, theo kiểu dáng, chất liệu kiến trúc. Chùa Trung Tiết được Nghệ hoàng (Vua, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông) ban tên. Chuyện này được ghi ở sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 6 tờ 39b và văn bia Trung Tiết tự bi ký, hiện đặt ở sân trước nhà tổ. Bia được tạo dáng khối đá dẹt, chiều cao 142 cm (gồm vòm bia 42 cm), chiều cao thân bia, 100 cm, chiều rộng 79 cm, dầy 20 cm. Trên vòm khắc hoa văn lưỡng long chầu nhật, khắc tên văn bia Trung Tiết tự bi ký cả 2 mặt. Dèm trước phần thân bia khắc hoa lá cách điệu, dèm sau khắc mỗi bên 7 ô tròn, mỗi ô khắc 1 chữ Hán thành đôi câu đối, “Xu bái thiền môn chiêm Phật hóa / Dục mịch thần tích tại bi văn. Dịch nghĩa: Nhanh đến chiêm bái cửa thiền xem Phật hóa / Muốn tìm thần tích, (thần tích vị thần được thờ) ở tại văn bia”. Lòng bia khắc chữ Hán (chữ thảo chân phương). Mặt trước ghi nội dung vào năm Khải Định thứ 7 (1922) làm 2 gian thượng điện, 3 gian tiền đường, ghi tên những người công đức. Mặt sau, phần sát chân bia ghi tên những người công đức, phần diện tích (khoảng 8/10) ghi bài viết của vua Tự Đức với tiêu đề: Hoàng triều Tự Đức ngự chế tổng vịnh. Văn bản được khắc in năm Bảo Đại thứ 16 (1940). Chưa tìm được tác giả soạn văn bia, người viết chữa, người in khắc văn bản.
Phần chữ Hán: (chép theo thứ tự dòng trong văn bia).
奉籙
皇朝嗣德御製總詠
鄧藻陳朝為太學生英宗在位之二十一年禪位于皇太子大明
居重
光宮及弗豫藻常於御床奉侍寫遺照英宗崩明宗親治大斂惟
國玉真與藻及家兒主都黎鍾預焉逮葬安生泰陵藻鍾皆奉侍陵寢
帝進謁辰藻每避之其志惟在奉陵而已更無所求帝怜其貧賜田二十畝命陳世興賚帖以其田先已賜帝次妃千春千春猶據故帖耕藻
未常與之爭帝知即罷千春帖以其田歸藻藻亦不以為喜黎鍾則
栘先塋賣田宅契家於安生居焉藻與鍾皆居安生於終老後藝黃
追念二臣即命重修藻鍾舊寺給田供祀賜寺名忠節寺鄧藻不祥居里詠云秦穆公喪生人黃為哀何不仁
何如鄧與黎戀慕終其身生為态陵臣死為安生神
名而不欲君王知何況賜田爭千春
保大十六年七月十二日奉籙
Phiên âm:
Phụng lục
Hoàng triều Tự Đức ngự chế tổng vịnh
Đặng Tảo Trần triều vi Thái học sinh Anh Tông tại vị chi nhị thập nhất niên thiền vị vu Thái tử Hoảng xuất cư Trùng.
Quang cung cập phất dự Tảo thường ư ngự sàng phụng tả di chiếu Anh Tông băng Minh Tông thân trị đại liệm duy.
Quốc Chẩn dữ Tảo cập Gia nhi chủ đô Lê Chung dự yên đãi táng An Sinh Thái Lăng Tảo Chung giai phụng thị lăng tẩm.
Đế tiến yết thì Tảo mỗi tị chi kỳ chí duy tại phụng lăng nhi dĩ cánh vô sở cầu Đế linh kỳ bần tứ điền nhị.
Thập mẫu mệnh Trần Thế Hưng lãi thiếp dữ chi kỳ điền tiên dỹ tứ Đế Thứ Phi Thiên Xuân Thiên Xuân do cứ cố thiếp canh Tảo.
Vị thường dữ chi tranh Đế tri tức bãi Thiên Xuân thiếp dĩ kỳ điền quy Tảo Tảo diệc bất dỹ vi hỷ Lê Chung tắc.
Di tiên oanh mại điền trạch khiết gia ư An Sinh cư yên Tảo dữ Chung giai cư An Sinh chung lão hậu Nghệ Hoàng.
Truy niệm nhị thần tức mệnh trùng tu Tảo Chung cựu tự cấp điền cung tự tứ tự danh Trung Tiết tự.
Đặng Tảo bất tường cư lý vịnh vân Tần Mục Công táng sinh nhân Hoàng điểu ai hà bất nhân.
Hà như Đặng dữ Lê luyến mộ chung kỳ thân sinh vi Thái Lăng thần tử vi An Sinh thần.
Danh nhi bất dục Quân Vương tri hà hướng tứ điền tranh Thiên Xuân Bảo Đại thập lục nên thất nguyệt nhị thập nhật phụng lục.
Dịch nghĩa:
Bài ngự chế của vua Tự Đức, lời tổng vịnh
Đặng Tảo là Thái học sinh triều Trần. (Trần) Anh Tông ở ngôi 21 năm, Thiền vị, Hoàng thái tử Hoảng, mất ở cung Trùng Quang. Lúc bệnh chuyển nặng (Đặng) Tảo thường (đứng hầu) ở bên giường ngự để viết di chiếu. Anh Tông băng, Vua Minh Tông đích thân khâm liệm. (Lúc đó) chỉ có (Trần) Quốc Chẩn, (Đặng) Tảo và Gia nhi chủ đô Lê Chung tham gia (việc này). Khi an táng (Anh Tông) ở Thái lăng (tại) Yên Sinh, (Đặng) Tảo, (Lê) Chung đều tới hầu lăng tẩm. Khi vua đến bái yết lăng, (Đặng) Tảo thường lánh đi chỗ khác, chỉ có ý nguyện phụng thờ lăng tẩm mà thôi, chứ không đòi hỏi gì khác. Vua thương Tảo nghèo, ban cho 20 mẫu ruộng, sai Trần Thế Hưng mang giấy (sổ đỏ) cho. Ruộng này khi trước đã ban cho thứ phi của vua (là) Thiên Xuân, Thiên Xuân cứ giữ giấy (cũ) cày cấy. Vua biết chuyện này, lập tức thu lại giấy của Thiên Xuân (yêu cầu Thiên Xuân) trả ruộng cho (Đặng) Tảo, (Đặng) Tảo chẳng lấy làm mừng. Lê Chung thì dời mồ mả tổ tiên, bán ruộng đất nhà cửa, mang gia quyến vợ con đến Yên Sinh chôn cất và làm nhà ở đấy. Cả hai người đều ở Yên Sinh đến lúc mất. Sau này Nghệ Hoàng (Trần Nghệ Tông đến Yên Sinh) tưởng nhớ 2 người bề tôi (đó), liền sai (Trần An) trùng tu chùa cũ của Tảo Chung, cấp ruộng để thờ cúng, ban tên chùa là Trung Tiết. Đặng Tảo không rõ quê quán ở đâu. (Có) lời vịnh rằng: Tần Mục Công mất chôn theo người sống, nước Tần có bài phú Hoàng điểu (âm điệu) bi ai. Tại sao (Tần Mục Công) làm điều bất nhân? Tại sao Đặng (Tảo) và Lê (Chung) (lại) quyến luyến (phụng thờ lăng tẩm Trần Anh Tông) đến lúc mất. Lúc sống là “bề tôi” Thái lăng. Khi qua đời là vị thần Yên Sinh. (Làm việc) danh tiếng mà không để bậc quân vương biết. Tại sao lại không tranh giành ruộng được vua ban với Thiên Xuân?
Phụng mệnh sao lục ngày 12 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 16 (1940).
So sánh văn bản ở quyển 6, tờ 39b trong Đại Việt sử ký toàn thư với bài viết của vua Tự Đức khắc in trong văn bia Trung Tiết tự bi ký, chúng tôi thấy nội dung cơ bản giống nhau. Bài viết của vua Tự Đức có bổ sung câu: “Đặng Tảo không rõ quê quán ở đâu” đến “Phụng mệnh sao lục ngày 12, tháng 7, năm Bảo Đại thứ 16”.
Qua văn bản này ta được biết Đặng Tảo đạt trình độ học vấn Thái học sinh (Tiến sĩ), thuộc bậc đại khoa. Trong chế độ phong kiến, được trực bên giường bệnh vua viết di chiếu phải là người có lòng trung thành, đức độ, tài năng ở mức “ưu”. Không tranh giành 20 mẫu ruộng được vua ban với Thiên Xuân khi đang “tại chức”, việc làm đó thể hiện “đạo đức liêm khiết” thật đáng kính trọng. Kẻ sỹ có 3 điều đáng lưu danh hậu thế là “lập công, lập đức, lập ngôn”. Với trường hợp Đặng Tảo, ông có học vị Tiến sỹ, được vua và triều đình tin tưởng giao việc cơ mật (viết di chiếu truyền ngôi là việc cơ mật). Đặng Tảo, Lê Chung được chính sử giành 240 chữ ghi chép, được hai vị vua (Nghệ Tông, đời Trần, Tự Đức, đời Nguyễn) tôn vinh công trạng. Tên được lưu trong sử, tên được khắc vào bia đá, được suy tôn là thần (thánh) được dân tôn thờ ở Yên Sinh như Đặng Tảo, Lê Chung, thiết nghĩ cần có đường phố mang tên hai ông. Bài viết của vua Tự Đức nêu việc làm của Tần Mục Công và đặt câu hỏi, tại sao Tần Mục Công làm điều bất nhân, cho ta một thông điệp về quan hệ ứng xử lấy nhân nghĩa làm gốc của vua tôi nhà Trần. Ngôi chùa từng có vẻ đẹp hoành tráng với kiến trúc 100 gian gần như phải tôn tạo, trùng tu toàn bộ. Tượng người được thờ ở di tích hiện bị gẫy chân, nước sơn bong tróc như bị “ghẻ”, đã xuống cấp ở mức cần phải “cấp cứu”. Hy vọng với sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, của cơ quan chức năng, của khách thập phương với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” chùa Trung Tiết sẽ trở lại vẻ đẹp như vốn có trong lịch sử.
Ghi chú: Chữ Hoảng 大明(dòng 4, chữ thứ 7 ở phần chữ Hán) có bộ 大Đại, mang nghĩa “lớn” ở nửa trên và chữ 明minh, mang nghĩa “sáng, sáng suốt” ở nửa dưới. Chữ Chẩn 玉真(dòng 7, chữ thứ 2 ở phần chữ Hán) gồm bộ 玉(ngọc) bên trái, bên phải là chữ 真(chân) không viết vào văn bản được vì phần mềm VHn.112 không có chữ này.
Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.654-660
ĐẶNG VĂN LỘC
Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hải Dương
- Từ Việt Hán đến Ngữ Văn – Nghĩ về một danh xưng hợp lý cho môn học tiếng Việt Trần Kiêm Đoàn
- “Tiếng Việt từ TK 17: tay mặt/hữu - tay tả/trái – tay đăm/chiêu” (phần 31) Nguyễn Cung Thông
- Nguồn gốc cụm từ "khoa học" trong tiếng Việt (p. 27) Nguyễn Cung Thông
- Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Văn Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh HT. Thích Thắng Hoan
- “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - quan tiền xưa với nhận xét mới” (phần 21B) Nguyễn Cung Thông
- Tìm hiểu Thiền sư Từ Đạo Hạnh qua văn khắc chuông chùa Thầy (Thiên Phúc tự) Ngô Thế Lân - Nguyễn Quốc Khánh
- Cây hương đá thời Lê tại chùa Chể Phượng Sơn – Lục Ngạn Lương Vũ Hàn Mai
- Văn Học Phật Giáo TS Huệ Dân
- Cung Oán Ngâm Khúc Thích Pháp Như
- Về những minh họa từ Thiền Uyển Tập Anh Thích Tuệ Sỹ
- Bụt hay Phật ? (phần 1) Nguyễn Cung Thông
- Bụt hay Phật ? (phần 2A) Nguyễn Cung Thông
- Bụt hay Phật ? (phần 2) - Ảnh hưởng phương Nam trong ngôn ngữ văn hoá Hán Nguyễn Cung Thông
- Bụt hay Phật ? (phần 3) - Tản mạn về vết tích ngôn ngữ phương Nam trong tiếng Hán Nguyễn Cung Thông
- Đôi thi sĩ đất Hà Tiên và Thăng Long – Hà Nội Võ Văn Nhơn
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất

![]() |
Cung Oán Ngâm Khúc 08/12/2010 20:19:00 |
![]() |
Bụt hay Phật ? (phần 1) 22/09/2010 12:09:00 |
![]() |
Bụt hay Phật ? (phần 2) - Ảnh hưởng phương Nam trong ngôn ngữ văn hoá Hán 22/09/2010 11:42:00 |

Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)