Cây hương đá thời Lê tại chùa Chể Phượng Sơn – Lục Ngạn
Chùa Chể còn có tên gọi là chùa Long Vũ, Hưng Vũ tự hay Hưng Khánh tự, đây là một ngôi chùa cổ có lịch sử từ rất sớm. Theo truyền thuyết ở địa phương, chùa được khởi dựng từ thời Lý để thờ Phật và thờ phối hưởng các vị công chúa nhà Lý đã có công tu dựng chùa. Ban đầu, chùa có tên là Bạch Am tự rồi Hưng Vũ tự.
Chùa Hưng Vũ tọa lạc trên một ngọn đồi thấp ở trung tâm làng Chể, mặt ngoảnh nhìn ra sông Lục Nam. Theo các cụ cao niên truyền lại, chùa nằm giữa một đóa sen lớn, khi xây dựng xong bỗng có con rồng xanh hiện lên trên nóc chùa một lát rồi biến mất. Từ đó, chùa có tên là Long Vũ tự (Ngôi chùa có rồng hiện trên nóc). Trải qua thời gian mưa nắng, ngôi chùa đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo lớn cho thêm phần khang trang, tố hảo. Vì thế, ngôi chùa hiện nay chủ yếu mang phong cách đặc trưng của thời Nguyễn thế kỷ XIX và một chút dấu ấn đặc trưng của thời Lê Trung hưng thế kỷ XVIII.
Ngày nay, chùa Chể nằm trên một khu đất cao rộng, thoáng đãng ở giữa làng Chể thuộc xã Phượng Sơn huyện Lục Ngạn. Phía trước chùa là con đường liên thôn và khu sân bóng rộng đẹp. Xa xa phía trước là núi Con Phượng và dòng sông Lục hiền hòa thơ mộng tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình hấp dẫn du khách. Bao quanh trong khuôn viên chùa cây cối cổ thụ và vườn vải xanh tốt um tùm quanh năm tỏa bóng mát khiến cảnh chùa càng thêm phần thâm nghiêm u tịch. Bố cục mặt bằng chùa được làm theo lối chữ đinh (丁) gồm tòa tiền đường gắn kết với thượng điện. Tòa tiền đường 5 gian 2 dĩ kiến trúc theo kiểu bình đầu bít đốc, bờ nóc đắp thẳng ở giữa trang trí hình lưỡng long chầu nhật và hình bức cuốn thư trong đề 3 chữ Hán "Hưng Khánh tự" (chùa Hưng Khánh). Kết cấu chịu lực bên trong chùa được tạo bởi 6 vì, mỗi vì 4 hàng chân cột bằng gỗ lim chắc khỏe. Tất cả các cấu kiện gỗ đều gắn kết với nhau theo kiểu thức thượng con chồng trụ chốn câu đầu, hạ kẻ đón. Tòa thượng điện 3 gian có cùng kiểu thức kiến trúc với tòa tiền đường. Tất cả các mảng chạm khắc ở đây đều đơn giản không trang trí cầu kỳ tinh tế mà chủ yếu là bào trơn đóng bén.
Điều quý giá nhất của ngôi chùa này thể hiện ở phần giá trị lịch sử. Hiện trong ngôi chùa còn bảo lưu được hệ thống tượng phật tương đối đầy đủ và quy chuẩn gồm nhiều pho tượng cổ, hơn 10 tấm bia đá niên hiệu thời Nguyễn, câu đối, hoành phi, bát hương gốm, cùng nhiều đồ thờ tự có giá trị khác. Đặc biệt, ngoài sân chùa hiện còn bảo lưu được một cây hương đá quý được tạo tác năm Chính Hòa thứ 23 (1702). Cây hương đá này là một trong những di vật cổ có niên đại tuyệt đối sớm nhất còn lưu giữ được tại ngôi chùa Chể. Nó là một nguồn tài liệu chân thực, vô giá cho biết thêm về lịch sử của ngôi chùa Chể.
Về hình thức, đây là một cây hương đá tứ diện có kích cỡ lớn. Do thời gian lâu ngày không được bảo quản cẩn thận nên phần chóp cây hương đã bị mất không còn nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu. Toàn thân cây hương cao 136cm, rộng 23cm, diềm thân 7cm. Tất cả cây hương đều để trơn không trang trí hoa văn. Toàn văn cây hương được khắc ghi bằng chữ Hán có xen lẫn chữ Nôm. Nét chữ viết chân phương, sắc nét và đôi chỗ bị mờ mòn do thời gian mưa nắng bào mòn. Về cơ bản, nội dung cây hương ghi lại việc mọi người ở thôn Định Chế, xã Lại Thâm cùng nhau tạo dựng cây hương chùa Hưng Vũ để làm nơi đốt hương thờ Phật, mong cầu điều lành sẽ đến với bà con nhân dân...
Thiết nghĩ, cây hương đá này chính là một di sản văn hóa vật thể quý giá, hiếm hoi còn bảo lưu được nguyên vẹn ở một xã miền núi như Phượng Sơn của huyện Lục Ngạn. Vì thế tôi xin được giới thiệu toàn văn nội dung cây hương đá giúp bạn đọc có thêm nguồn tư liệu để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử ngôi chùa Chể cũng như vùng đất, con người nơi đây, cụ thể như sau:
Phiên âm: TẠO LẬP THIÊN ĐÀI CÚNG HƯNG VŨ TỰ
Cái văn: Hương lô mạc mạc, thượng xung bích hán tam thiên, khí viễn tiêu tiêu, hạ thấu điện cung thập địa. Nhân sinh tại thế tác phúc vi tiên. Quyến tư Lạng Giang phủ, Bảo Lộc huyện, Lại Thâm xã, Định Chế thôn. Lý trưởng Tăng Vi Đoàn, Trịnh Thế Tồn tự Pháp Linh hiệu Huyền Long thê Giáp Thị Diện hiệu Diệu Nhật đẳng tâm mộ âm công, ý kính dương đức. Thiết kiến bản tự vị hữu thiên đài nãi phát gia tài mãi mộc thạch nhất điều mệnh công tân lặc thiên đài phần hương tấu. Thượng đế tương vi bất hủ giả da? Thả phù hương đài nãi thiên tâm chi giáng phúc, nãi thế chi vinh xương, xứ xứ mộc tường phong giáo vũ, trương phật hải chi ba, lan nhân nhân kính vi thụy. Môn Thiền chúc:
Hoàng đồ củng cố, y nhân năng tài phúc, đắc bất vi chi phúc hồ? Minh viết:
Phật nhật quang huy
Nhân thương pháp thủ
Xã hiệu Lại Thâm
Tự danh Hưng Vũ
Cảnh thắng y tiền
Khí chung thiên thụ
Tả hữu hồi đầu
Tiền hậu củng thủ
Nhân kiệt địa linh
Đĩnh sinh tuấn tú
Thiện tín hưng sùng
Nam nữ ái mộ
Bất tích đa tiền
Nặc danh thiên cổ
Quốc mạch vạn dư
Gia kiêm phúc ngũ.
Hội chủ đại thánh Thích Ca Mâu Ni Phật, thứ thần hội chủ hưng công Trịnh Thế Tồn tự Pháp Linh hiệu Huyền Long thê Thân Thị Diện hiệu Diệu Nhật; Vi Thị Chuyên đẳng Thân Đắc Phú, Thân Thị Lai hiệu Diệu Thành, ký dữ hiển khảo tự Pháp Nghiêm hiệu Huyền Thái tỉ hiệu Từ Thiện. Tổ khảo tự Phúc Thọ, tỉ hiệu Từ Tại. Tăng tổ tự Phúc Khê tỉ hiệu Từ Khánh. Cao tổ tự Phúc Chí, tỉ hiệu Từ Độ. Lệnh huynh tự Pháp Tông, Trịnh Công tự Phúc Đồng.
Tín phi Trần Thị... hiệu Diệu Ân.
Chính Hòa nhị thập tam niên, tuế tại Nhâm Ngọ, nhị nguyệt, cốc nhật.
Dịch nghĩa: TẠO DỰNG CÂY HƯƠNG ĐÁ CÚNG THỜ Ở CHÙA HƯNG VŨ
Thường nghe nói rằng: Lò hương hồng rực, khói hương nghi ngút lan tỏa dâng lên khắp trời xanh. Mùi hương ngào ngạt lan xa khắp mặt đất. Con người sinh ra ở trên đời nên lấy việc tác phúc làm đầu. Nay thôn Định Chế, xã Lại Thâm, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang có các vị: Lý trưởng Tăng Vi Đoàn, Trịnh Thế Tồn tự Pháp Linh hiệu Huyền Long vợ là Giáp Thị Diện hiệu Diệu Nhật là những người biết quý trọng công lao của các bậc tiền nhân, kính trọng những người có đạo đức trên đời. Nay mọi người trộm thấy ở chùa chưa có cây hương đá bèn ban phát tiền của gia đình mua một cây cột đá, mời thợ đến chạm khắc cây hương để làm nơi đốt hương thờ phụng. Tấu trình lên bậc Thượng đế có thể tồn tại mãi mãi. Vả lại cây hương đá chính là biểu hiện tấm lòng mong muốn được trời cảm động ban xuống cho điều phúc lành, đời đời được vinh xương tốt đẹp, nơi nơi được mạnh giàu, phong tục thuần hậu, mưa nắng phải thời, giáo lý của nhà Phật lan tỏa khắp nơi, yêu kính người thì người tôn kính lại, làm điều tốt lành là muốn gây dựng chốn cửa Thiền được phát triển, nên kính chúc cho sự nghiệp của đất nước được vững bền lâu dài. Chao ôi! lòng người luôn muốn làm điều phúc. Như vậy, đấy chẳng phải là điều phúc đó sao?
Nên có bài minh nói rằng:
Ánh sáng đạo Phật rực rỡ
Con người luôn giữ điều pháp quý
Xã có tên gọi Lại Thâm
Chùa có tên gọi Hưng Vũ
Thắng cảnh đẹp như xưa
Hun đúc được khí thiêng của trời
Hai bên chùa đều có núi phục về
Phía trước sau đều được chấn thủ
Đây vùng đất địa linh nhân kiệt
Núi sinh ra bậc tài hoa tuấn tú
Các thiện tín lòng thật tôn sùng
Các nam thanh nữ tú đều yêu chuộng
Không tiếc của tiếc tiền
Ghi chép lại cho đời sau hiểu rõ
Vận nước được lâu dài mãi mãi
Các gia đình đều được đón ngũ phúc.
Đệ tử của đức Đại thánh Thích Ca Mâu Ni Phật là hội chủ hưng công Trịnh Thế Tồn tự Pháp Linh hiệu Huyền Long; vợ Thân Thị Diện hiệu Diệu Nhật, các con Vi Thị Chuyên, Thân Đắc Phú, Thân Thị Lai hiệu Diệu Thành.
Gửi gỗ:
Cha tự Pháp Nghiêm hiệu Huyền Thái, mẹ hiệu Từ Thiện, ông tự Phúc Thọ, bà hiệu Từ Tại, Tăng tổ (cụ) tự Phúc Khê, cụ bà hiệu Từ Khánh. Cao tổ (kỵ) tự Phúc Chí, kỵ bà hiệu Từ Độ, lệnh huynh (anh trai) tự Pháp Tông, Trịnh Công tự Phúc Đồng.
Tín phi Trần Thị... hiệu Diệu Ân
Ngày tốt tháng 2 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702).
Thông qua nội dung cây hương cung cấp thêm những thông tin quý báu về lịch sử, tên gọi của ngôi chùa và việc tạo dựng cây hương thờ ở chùa Chể, Phượng Sơn. Đây là một việc làm cao đẹp mang đầy giá trị nhân văn của người dân làng Chể (Định Chế xưa) đối với các công trình văn hóa vật thể của quê hương mình trong các giai đoạn lịch sử. Đồng thời, nó còn gợi nên những hình ảnh về con người làng Chể nhân từ đôn hậu, luôn hết lòng gieo trồng cây đức, làm những việc chí thiện, coi trọng đạo, mở mang chốn cửa Thiền để mong cầu được hưởng phúc lâu dài, con cháu đời đời vinh xương.
Vả lại, việc chùa Chể còn bảo lưu được một hệ thống di sản Hán Nôm đồ sộ phong phú (bia đá, câu đối, hoành phi, cây hương...) một lần nữa khẳng định, đây là một trong những vùng đất cổ có lịch sử hình thành từ rất sớm. Những phong tục tập quán, những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân thôn làng cũng chứng tỏ, Chể là vùng đất văn hiến đặc sắc, tiêu biểu còn lại trên miền đất núi rừng Lục Ngạn thân yêu của tỉnh Bắc Giang./.
Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.665-671
LƯƠNG VŨ HÀN MAI
Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang
- Từ Việt Hán đến Ngữ Văn – Nghĩ về một danh xưng hợp lý cho môn học tiếng Việt Trần Kiêm Đoàn
- “Tiếng Việt từ TK 17: tay mặt/hữu - tay tả/trái – tay đăm/chiêu” (phần 31) Nguyễn Cung Thông
- Nguồn gốc cụm từ "khoa học" trong tiếng Việt (p. 27) Nguyễn Cung Thông
- Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Văn Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh HT. Thích Thắng Hoan
- “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - quan tiền xưa với nhận xét mới” (phần 21B) Nguyễn Cung Thông
- Văn Học Phật Giáo TS Huệ Dân
- Cung Oán Ngâm Khúc Thích Pháp Như
- Về những minh họa từ Thiền Uyển Tập Anh Thích Tuệ Sỹ
- Bụt hay Phật ? (phần 1) Nguyễn Cung Thông
- Bụt hay Phật ? (phần 2A) Nguyễn Cung Thông
- Bụt hay Phật ? (phần 2) - Ảnh hưởng phương Nam trong ngôn ngữ văn hoá Hán Nguyễn Cung Thông
- Bụt hay Phật ? (phần 3) - Tản mạn về vết tích ngôn ngữ phương Nam trong tiếng Hán Nguyễn Cung Thông
- Đôi thi sĩ đất Hà Tiên và Thăng Long – Hà Nội Võ Văn Nhơn
- Chính sách nội trị và ngoại giao của nhà Tiền Lê qua thi pháp của thiền sư Đỗ Pháp Thuận Lê Cung
- Cảm hứng thiền trong thơ thiên nhiên đời Trần Trầm Thanh Tuấn
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất

![]() |
Cung Oán Ngâm Khúc 08/12/2010 20:19:00 |
![]() |
Cảm hứng thiền trong thơ thiên nhiên đời Trần 17/08/2010 11:42:00 |
![]() |
Bụt hay Phật ? (phần 1) 22/09/2010 12:09:00 |
![]() |
Bụt hay Phật ? (phần 2) - Ảnh hưởng phương Nam trong ngôn ngữ văn hoá Hán 22/09/2010 11:42:00 |

Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)