Người Nguyễn Đức viết về Hà Nội (Ngàn năm bái tạ đất Thăng Long)

Đã đọc: 6343           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội là trái tim thiêng liêng ngàn năm của cả nước. Là người Việt Nam, không ai không kính, không yêu, không tự hào về Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội . Với người cầm bút, chuyên hay không chuyên, Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội đã trở thành đề tài, trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, bất tận.

Trong đó, có người Nguyễn Đức là con cháu họ Nguyễn Đức ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, một dòng họ không chỉ yêu nước mà còn được trời phú cho một khả năng hội tụ mật độ văn chương vào loại ít thấy, trong đó có không ít người may mắn lần lượt trước sau được gắn bó với Hà Nội, sống và viết trên đất Hà Nội, viết về Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, người Nguyễn Đức muốn được bày tỏ lòng tri ân Hà Nội bằng một tuyển tập văn thơ dự định lấy nhan đề: “Ngàn năm bái tạ đất Thăng Long (người Nguyễn Đức viết về Hà Nội)”.  Nhan đề này là dựa theo câu thơ nổi tiếng của Huỳnh Văn Nghệ: “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Với Huỳnh Văn Nghệ là “thương nhớ đất Thăng Long”, bởi ông là người sống ở phương Nam – còn với người Nguyễn Đức phải “bái tạ đất Thăng Long” vì Thăng Long đã là sinh địa, thánh địa, cho người Nguyễn Đức có sự sống ra sống. Sau đây, xin giới thiệu sơ lược sáng tác của người Nguyễn Đức đã viết trên đất Hà Nội, viết về Hà Nội.

*

*     *

Thật là đặc biệt, thật là đáng tự hào với họ Nguyễn Đức, người khơi dòng văn chương đầu tiên của họ tộc mình trên đất Hà Nội lại là một nhà ái quốc sáng danh trong lịch sử dân tộc ở thời cận đại: Nguyễn Đức Công tức Hoàng Trọng Mậu. Cụ là người tham gia Đông du. Rồi tham gia sáng lập Việt Nam quang phục hội, giữ cương vị bộ trưởng quân sự, cùng lãnh tụ Phan Bội Châu viết Quang phục quân phương lược, được vua Duy Tân trong khi chuẩn bị khởi nghĩa mật phong là Tổng tư lệnh nghĩa quân. Năm 1915, Cụ đưa một lực lượng từ Trung Hoa về biên giới Việt Trung đánh vào đồn Tà Lùng (Cao Bằng) để lập căn cứ địa nhưng thất bại, bị mật thám Anh bắt nộp cho thực dân Pháp, giải về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Tại đây, Cụ là biểu tượng của sự kiên cường bất khuất trước sự mua chuộc, sự tra tấn cực hình của kẻ thù. Và cũng tại đây, Cụ đã để lại cho đất nước những lời văn, những câu thơ sừng sững khí phách anh hùng. Đó là Thư gửi Toàn quyền Đông Dương trong đó có những lời này: “Tôi vẫn lấy bụng yêu nước yêu dân mà ăn ở. Nhà nước nếu cho tôi là kẻ có tội thì xin giết ngay tôi đi. Nếu cho tôi là không có tội thì xin thả ngay cho… Từ khi có dân cách mạng Annam đến giờ, nhà nước chém giết và đem đi đày cũng nhiều mà đến bây giờ dân cách mạng cũng không thấy bớt ít đi… Nhà nước cứ bắt tội nặng những dân cách mạng thì những dân cách mạng cũng liều chết để báo thù cho nước…”.

Đó là bài thơ “Cảm tác” làm trước ngày ra pháp trường. Bài thơ đáng được xem là một trong những bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật chữ Hán hay nhất thuộc thể loại này trong lịch sử văn học Việt Nam, đã có lời dịch như sau:

                   Từ biệt quê nhà chẳng nhớ năm

                   Ngổn ngang tâm sự rối tơ tằm

                   Đoái trông Kiếm Nhị buồn tanh sắc

                   Mơ tưởng Hồng Lam lặng ngắt tăm

                   Chết quách đã đành không đất sạch

                   Sống về cũng chỉ một trời căm

                   Năm canh hồn mộng thành thân cuốc

                   Ngậm máu đi về khóc cõi Nam

Ngày ra pháp trường tại trường bắn Bạch Mai, thực dân Pháp đưa cố đạo đến rửa tội. Cụ đã dõng dạc nói: “Chúng tôi là người cứu nước, có tội gì mà phải rửa. Mời ông đi chỗ khác”. Tiếp đó, Cụ đọc câu đối tuyệt mệnh mà sau này, có lúc đã được treo ở nhà Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tại Hà Nội.

“ái Quốc hà cô, duy hữu tinh thần lưu bất tử;

Xuất sư vị tiệp, thả tương tâm sự thác lai sinh.

(Yêu nước tội gì, duy có tinh thần là chẳng chết.

Ra quân chưa thẳng, xin đem tâm sự gửi mai sau)

Lời văn, câu thơ mở đầu cho dòng văn thơ người Nguyễn Đức trên đất Thăng Long bi tráng, hào hùng là thế. Còn đây là sự tiếp nối.

Con trai thứ hai của cụ Công là Nguyễn Đức Văn, trước cách mạng tháng Tám năm 1945, vào khoảng 1935-1936, đã có thời gian sống ở Hà Nội, viết báo tiếng Pháp. Sau cách mạng tháng Tám là chủ tịch xã Phúc Lộc, rồi ủy viên ủy ban kháng chiến hành chính huyện Nghi Lộc, cho đến cuối năm 1959 thì chuyển ra Hà Nội, công tác tại Ban văn học cổ cận Việt Nam của Viện Văn học. Tại đây, Cụ trở thành một nhà Hán học có uy tín, một dịch giả Hán văn có thành tựu hàng đầu. Truyền hình Việt Nam, năm 2003 đã dựng phim chân dung “Dịch giả Nguyễn Đức Vân” . Bản dịch “Chiếu dời đô”  của vua Lý Thái Tổ của Cụ Vân đã được sử dụng để trình bày ở Văn miếu Quốc tử giám tại Hà Nội và được dùng trong các công trình thư tịch chính của Hà Nội. Bản dịch Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Văn Gia phái của cụ Vân (cùng Kiều Thu Hoạch) là bản dịch được in đi in lại nhiều lần và được sử dụng trong sách giáo khoa Ngữ văn THCS và THPT. Cụ Vân là nhân vật chính đã cùng cụ Đào Phương Bình “hoàn thành bước đầu” công trình Văn thơ Lý Trần đồ sộ. Cụ cũng là “người đi đầu” trong việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu các quan điểm văn chương thời trung đại của Việt Nam trong đó có một số tác giả của Hà Nội như: Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Vịnh… Cụ còn là người dịch khá nhiều “đình đối sách”, tức những bài văn sách thi đình trong đó có một số thuộc thời Lê Trịnh ở Thăng Long. Đài Truyền hình Hà Nội ở chương trình “Ngày này năm xưa”  có lần đã nhắc đến ngày qua đời của Cụ. Đặc biệt, trong năm 2009 vừa qua, Thành ủy Hà Nội xét công lao đóng góp của cụ Vân cho đất nước nói chung, Hà Nội nói riêng, đã cho dời mộ Cụ từ nghĩa trang Yên Kỳ về Khu A nghĩa trang Thanh Tước.

Em trai cụ Vân là Nguyễn Đức Bính vốn nổi tiếng là một nhà báo, một nhà giáo trên đất Nghệ An. Có sách văn học sử đã coi cụ Bính là một trong số mấy người viết văn tiếng Pháp hay nhất Đông Dương ngày trước. Cụ Bính thời trẻ, cũng đã sống mấy năm ở Hà Nội, vào đảng Tân Việt, cùng Ngô Tất Tố viết “Thời vụ báo”. Hồi 1936, viết báo La Lutte. Sau Cách mạng tháng Tám, Cụ chuyên về giáo dục, từng là hiệu trưởng trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Từ 1960, ra Hà Nội, làm hiệu trưởng trường cấp 3 Đống Đa. Cụ không gia nhập văn đàn. Chỉ thỉnh thoảng tung ra đôi bài thi đều gây chú ý nhiều với bạn đọc. Trong đó, phần viết về Hà Nội, liên quan đến Hà Nội là “Người Cổ Nguyệt chuyện Xuân Hương” và trường ca “Hà Nội” . “Người Cổ Nguyệt chuyện Xuân Hương” viết về Hồ Xuân Hương là người Nghệ An nhưng cũng là người Thăng Long. Cụ viết tác phẩm này là để cùng bạn bè đọc chơi cho vui. Thế thôi. Nhưng nhân hai nhà thơ Xuân Diệu và Chế Lan Viên đến chơi nhà, xem tác phẩm thấy hay quá nên nhà thơ họ Chế đã đem đăng lên Tạp chí Văn nghệ số 65 tháng 10 – 1962. Kết quả, Cụ bị mấy vị “lập trường” nhưng nghèo thức nhận văn chương phê phán khá gay gắt. Trong khi số đông độc giả, đặc biệt là sinh viên văn thì tranh nhau đọc. Và đến hôm nay thì nó được dư luận coi đó là tác phẩm hay nhất trong thể loại chân dung văn học, là tác phẩm viết về Hồ Xuân Hương tài hoa nhất, hấp dẫn nhất từ trước tới nay. Còn về trường ca “Hà Nội”, nếu ai đã có dịp đọc các tuyển tập thơ về Hà Nội  thời nay, dễ thường sẽ thấy tầm vóc trường ca “Hà Nội”  của “Tiền Độ Tiêu Lang” (bút danh của Nguyễn Đức Bính) là thế nào. Quả là nó khác, cũng có thể nói là hơn nhiều bài thơ về Hà Nội, không chỉ ở độ hoành tráng, bề thế, mà trước hết là ở thế bút. Thế bút không phải là bút lực. Cũng như thế đời không phải là thế lực ở đời. Cũng như thế cờ không phải là tài cờ. Cũng như thế võ không phải là võ lực. ở trường ca “Hà Nội”, thế bút của cụ Bính là thế bút của một người có cha là một nhà ái quốc lớn đã hy sinh oanh liệt cho Tổ quốc trên đất Hà Nội và đã để lại những lời văn, lời thơ bi tráng tuyệt vời mà trên đây đã nói. Còn bản thân, như lời trường ca đã viết: “Hà Nội ơi! hãy lắng nghe tôi nói/ Tôi biết người từ thuở mới lên ba/ Khi trước cửa đứng trông tàu nhả khói/ Trong nắng chiều bảng lảng chốn làng xa” , và trước, sau, đã gắn bó với Hà Nội trong cuộc sống tinh thần thanh cao, lành mạnh. Đã thế, lại có một năng lực cảm xúc dồi dào, một bút lực khá là biến hóa, hào hoa để có một bản trường ca về Hà Nội trông tựa như một ngọn cây nhô cao lên giữa rừng thơ về Hà Nội. Qua bản trường ca, Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội  đã hiện hình lên theo suốt chiều dài lịch sử thật là hào hùng nhưng cũng không ít đau thương. Mà trong đó có bóng dáng người cha anh dũng, thân yêu của tác giả: “Tôi biết Người từ ngày còn bé bỏng/ Khi được tin cha thất bại anh hùng/ Bên thành cũ đọc câu thơ tuyệt mệnh/ Hà Nội ơi! Ta ôm Người vào sâu thẳm trong lòng”.

Cháu gọi cụ Công bằng bác ruột là Nguyễn Đức Nguyên, chính là Hoài Thanh mà tên tuổi đã quá quen thuộc với người Việt Nam. Hoài Thanh, thời học sinh, sau khi đậu đầu bằng thành chung tại trường Quốc học Vinh, đã ra Hà Nội học trường Bưởi. Tại Hà Nội, Cụ đã tham gia đảng Tân Việt, bị Pháp bắt giam, rồi trục xuất khỏi Hà Nội, phải về lại Vinh. Sau đó, vào Huế lập nghiệp và tại đây cụ trở thành một nhà báo, một nhà phê bình văn học mà công trình tiêu biểu nhất là Thi nhân Việt Nam, viết chung với người em là Nguyễn Đức Phiên bút danh Hoài Chân. Số phận của Thi nhân Việt Nam đã có phần lận đận do thời tiết tâm lý tiếp nhận gây nên. Nhưng thời gian đã ủng hộ Thi nhân Việt Nam. Đã có hội thảo khoa học kỉ niệm 50 ra đời của Thi nhân Việt Nam. Nhà thơ từng là thần đồng thơ Trần Đăng Khoa thì đã đưa Hoài Thanh lên ngôi thiên tài, coi việc viết Thi nhân Việt Nam không phải là người trần viết mà là “người trời” viết. Trong Thi nhân Việt Nam, ngoài Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thì có 46 nhà thơ được Hoài Thanh viết lời bình và tuyển thơ; Số nhà thơ thuộc Hà Nội ngày nay là chín gồm: Tản Đà, Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Giang, Trần Huyền Trân. Đi theo truyền thống phê bình văn học của phương Đông cổ truyền lấy chân cảm nghệ thuật làm đầu và như Hoài Thanh tự nói là “lấy hồn ta để hiểu hồn người”, chứ không đưa dao kéo vào thế giới thơ, Hoài Thanh đã viết về thơ mới nói chung, thơ mới của Hà Nội nói riêng, diệu kỳ tới mức để tới hôm nay đã không ít người cho chính lời bình của Hoài Thanh cũng là thơ nốt. Theo dõi những gì người sau viết về các nhà thơ mới thời đó, dĩ nhiên là nói được nhiều điều hơn, nhưng xem ra cũng không đi ra ngoài quỹ đạo ý tưởng của Hoài Thanh đã viết tự sự chân cảm kỳ diệu đó. Với Tản Đà chẳng hạn. Đúng là thế hệ hậu sinh đã phanh phui thêm nhiều mặt, nhiều điều, nhưng tất cả vẫn nằm trong mấy chữ của Hoài Thanh trong lời “Cung chiêu anh hồn Tản Đà”  là “Người của hai thế kỷ”. Hoặc như việc định vị cho Thế Lữ trong phong trào thơ mới mà Hoài Thanh đã viết thì sau này cũng chẳng ai nói khác nữa: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế Lẽ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Dầu sau này danh vọng của Thế Lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này”. Hoặc như với bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên thì lời bình của Hoài Thanh sau đây cũng đã trở thành chỗ dựa cơ bản cho các sách giáo khoa Văn trong nhà trường hiện nay để giảng văn bài thơ: “Người thương những kẻ thân tàn mà dại, người nhớ những cảnh cũ người xưa. Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông đồ. Ông đồ năm năm đến mùa hoa đào lại ngồi viết bên đường phố. Ông chính là cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn. Chỉ nói riêng về chín nhà thơ của Hà Nội có mặt trong Thi nhân Việt Nam, qua ngòi bút tài hoa của Hoài Thanh, người đọc hẳn sẽ có thêm một căn cứ để nghĩ về Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội  ngàn năm văn hiến, ngàn năm vạn vật. Nói riêng về phong trào thơ mới thì té ra nơi phát tích, khơi mào vẫn là Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội. Hoài Thanh, sau này, còn có bài “Tấm lòng miền Nam hướng về thủ đô chung của cả nước”, giới thiệu những lời thơ tâm huyết của nhà thơ miền Nam viết về Hà Nội, về miền Bắc: Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Văn Nghệ, Hưởng Triều, Bảo Định Giang, Thanh Hải, Lê Anh Xuân. Những câu thơ được Hoài Thanh trích lại trong bài viết, đọc lên nghe mà xúc động, mà hiểu thêm thế nào Hà Nội là trái tim của cả nước:  

 

“Từ thuở mang gươm đi mở nước

Ngàn năm[1] thương nhớ đất Thăng Long

(Huỳnh Văn Nghệ)

“Ôi ta về Sài Gòn mà lòng ta thêm gần Hà Nội

 Bởi tim ta chỉ có một Thủ đô”

                                      (Lê Anh Xuân)

Đến đời cháu nội của cụ Công, viết về Hà Nội, đáng chú ý có Nguyễn Đức Ngọc và Nguyễn Đức Nhật.

Nguyễn Đức Ngọc, bút danh Anh Ngọc, là người từng theo cha là Cụ Vân ra học tiếp cấp 3 tại Hà Nội từ năm 1960 và từ đó gắn bó cuộc đời với Hà Nội. Anh là đại tá, nhà thơ của quân đội, từng có mặt ở chiến trường Quảng Trị, ở khu 6, ở Sài Gòn ngày 30.4.1975. Anh thuộc thế hệ nhà thơ của thời chống Mỹ. Anh Ngọc không chỉ làm thơ mà còn viết tuỳ bút, bình luận văn chương và cũng là dịch giả thơ, tiểu thuyết Nga. Anh Ngọc từng được nhiều giải thưởng về thơ trong đó có giải 2, giải A của báo Văn nghệ. Năm 2009 vừa qua, được giải Mê Kông của ba nước Đông Dương. Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Anh Ngọc để lại “ấn tượng”: Anh là một thi sĩ” . Anh Ngọc đã dành một phần hồn thơ, hồn văn cho Hà Nội. Về thơ, có các bài như: Xuân này thăm vườn Bác, Hương bất tử (tưởng nhớ bạn tôi Nguyễn Trọng Định), Chèm, Hà Nội trong không gian và thời gian (gửi về Hà Nội yêu thương), Thời sự ở làng hoa… Bài thơ “Hà Nội trong không gian và thời gian” viết ngày 21-1-1967 ở chiến trường, đáng xem là một bài thơ hay trong số những bài thơ hay không có nhiều về Hà Nội. Với bài thơ, sự cảm nhận về Hà Nội như phảng phất là sự cảm nhận về một người yêu trong tình đầu thường là rất say đắm, mà qua đó, một Hà Nội hiện lên trong không gian và thời gian thật hoành tráng: “Từ máu lệ ngàn năm mất nước/ Đã bay lên con rồng vàng vạn thước/ Uốn thân son làm chót vót nóc nhà/ Xòe mái mềm ôm Tổ quốc bao la”…  Kể cũng vui. Anh Ngọc là cháu ruột cụ Bính. Cả hai chú cháu đều có thơ về Hà Nội bằng hai giọng điệu, hai phẩm chất nghệ thuật nhưng vẫn chung một cảm hứng say sưa ngợi ca Hà Nội hết mình. Riêng bài thơ “Thời sự ở làng hoa” được viết vào năm 1976, vào thời điểm gia đình Anh Ngọc đang sống ở làng hoa, chính là làng Ngọc Hà thuộc quận Ba Đình, vốn nổi tiếng bao đời về trồng hoa, tựa như làng Nhật Tân nổi tiếng trồng đào. Đáng tiếc cho Hà Nội, hôm nay đã không còn Ngọc Hà làng hoa, cũng như Nhật Tân trồng đào nữa, bởi tất cả đã nhường lại cho các nhà cao ốc, cao tầng. Cho nên, bài thơ “Thời sự ở làng hoa” của Anh Ngọc với khổ thơ kết: “Những người trồng hoa mùa đông/ Gọi thầm bông thương bông nhớ/ Đòn gánh nhấp nhô phiên chợ/ Sum vầy bao chuyện gần xa/ Chuyện thường: hoa ở làng hoa”, đáng được xem là ngôi nhà nhỏ bảo tàng di tích làng hoa Ngọc Hà cho hôm nay và cho mai sau với người Hà Nội, với người Việt Nam. Về thể loại tùy bút, Anh Ngọc có những bài viết rất đáng đọc như: “Người đi bộ trên vỉa hè phố nhà binh”, Tiếng gõ cửa của mùa xuân, Tản mạn ngày đầu xuân, Hồn thu thảo, Đối thoại với hàng cây… Anh Ngọc có một lợi thế là viết tùy bút từ hồn thơ giàu chất thơ và chất triết lý vốn đã trở thành như là phong cách riêng của mình. Đọc một số tùy bút của Anh Ngọc, dễ có cảm giác đấy là các bài thơ văn xuôi. “Hồn thu thảo” của Anh Ngọc là vậy. Là niềm cảm phục lớn lao của Anh Ngọc trước những vần thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” với hồn thu thảo: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương mà từ đó, Anh Ngọc trong bao nhiêu năm sống ở Hà Nội “đã đi qua biết bao nhiêu buổi chiều Hà Nội… để mong tìm lại một chút hồn thu thảo vẫn còn lần quất đâu đây trên bờ cây mái phố”  mà không sao tìm lại được. Nhưng rồi “vận may đã tới, khi chính tại nơi bàn chân tôi đã quen thuộc đến không ngờ, lại đột ngột mở ra cả một bức tranh hoành tráng và sống động của Hoàng Thành xưa. Tất cả… đã hiện lên bất ngờ và chóng vánh như có ai vừa lật mở một trang sách lớn giữa trời xanh. Quá khứ huy hoàng của kinh thành Thăng Long một sớm một chiều được con người đánh thức dậy sau giấc ngủ vùi ngàn năm – những “lối xưa xe ngựa, những “nền cũ lâu đài” chợt rũ sạch tấm áo đầy bí mật làm bằng đất đá của thời gian để sống lại cuộc đời náo nức và tươi rói của mình trong hình dung của những kẻ hậu sinh như tôi. Tất ở ở nơi đây, mỗi viên gạch, mỗi hòn ngói, mỗi tấm bia, mỗi đầu đao, mỗi nét chạm và hoa văn, mỗi họa tiết và con chữ… đều như còn nóng hổi hơi của cha ông, đều gợi đến những gương mặt quá đỗi thân gần, những cuộc đời và những số phận dẫu sống cách nay đã năm, sáu, bảy trăm năm hay cả ngàn năm, thì chắc gì đã không mang đủ những sướng khổ, buồn vui, yêu ghét của hôm nay, bởi cao hơn mọi khoảng cách của không gian và thời gian là sự cảm thông đồng điệu giữa con người…” và “Hồn thu thảo là đây ư, khi chính Tương lai đang nhìn vào Quá khứ bằng đôi mắt dịu dàng và âu yếm của trẻ thơ”. “Đối thoại với hàng cây” cũng là vậy. Nhà Anh Ngọc ở 4B Lý Nam Đế, gần đường Phan Đình Phùng, quận Ba Đình. Hàng ngày, sau những giờ lao động trí óc, Anh Ngọc thường đi bộ hết đường Phan Đình Phùng đến đường Hoàng Diệu mà tự cho là “một việc làm rất thích thú: ấy là khi ta… được từ tốn nhấm nha, nhấm nháp thiên nhiên, cảnh vật… tâm hồn ta tựa như con ngựa không cương, mặc sức rong ruổi đến cùng trời đất… và câu chuyện đầu tiên của những người đi bộ là đối thoại với những hàng cây. Chao ôi là những hàng cây Hà Nội. Chúng nào phải là những cái cây, chúng là một mảnh đời ta đó. Có con người Hà Nội nào không lớn lên bên một thân cây? Và tuổi thơ ta chính là gửi vào trong những lớp vỏ cây già, để mặc cho ta lớn lên, già đi rồi chết, nhưng hàng cây vẫn mãi cứ trẻ trung, mãi cứ ngây thơ chơi trò trốn bắt với lũ chim trời. Tôi đã hiểu ra rồi, vì sao mà Hà Nội có nhiều bài hát hay đến thế… Chính là nhớ những hàng cây… Đố bạn tìm thấy một bài hát thật hay nào về Hà Nội mà thiếu nói đến một loài cây”. Và từ cây Hà Nội mà cảnh, mà người Hà Nội hiện lên trong tâm tưởng Anh ngọc mới nên thơ, mới thân thiết làm sao. 

Còn đây là Nguyễn Đức Nhật, bút danh Nguyễn Chí Tình, con trai thứ hai của cụ Bính. Nguyễn Đức Nhật sau khi tốt nghiệp cấp 3 tại trường Huỳnh Thúc Kháng, tham gia đoàn Thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1956, vè Hà Nội, viết báo Tiền phong và gắn bó với Hà Nội từ đó đến nay. Nguyễn Đức Nhật vừa viết báo, vừa viết truyện, tiểu thuyết, vừa làm thơ, vừa là soạn giả các công trình học thuật về văn hóa. Trong đó có cuốn “Số phận các nền văn minh” dày khoảng 1200 trang. Trong giới trí thức văn nghệ sĩ tại Hà Nội, Nguyễn Đức Nhật là một hiện tượng đặc biệt: không học đại học nhưng giỏi cả ba thứ ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga và có thành tựu học thuật để người đời phải kính nể. Riêng phần viết về Hà Nội của Nguyễn Đức Nhật, phần bút lực của Đức Nhật là đây, xin để tác giả tự thuật trong bài viết “Tôi viết về Hà Nội”: 

“Như tôi nhớ thì lần đầu tiên tôi viết về Hà Nội là năm tôi 15 tuổi, học lớp 7 tại trường cấp II Nghi Lộc, Nghệ An. Hồi ấy, khoảng 6,7 học sinh thích văn chương trong lớp bảo nhau lập ra một nhóm sáng tác văn nghệ lấy tên là nhóm “Lúa khoai”. Cứ 1, 2 tháng nhóm lại ra một tập san văn nghệ gồm thơ, truyện ngắn, bút ký và cả nhạc, Anh Lê Huy Hoành, người viết chữ đẹp nhất và giỏi trình bầy, chép lại tất cả các sáng tác thành tập. Tôi nhớ là trong số bài tôi viết “đăng” tập san dạo ấy có một bài thơ “Mơ về Hà Nội” nói lên tấm lòng của một người dân kháng chiến mơ có ngày cùng toàn quân chiến thắng về thủ đô giải phóng; một truyện ngắn “Đêm về”, viết câu chuyện một người nữ tình báo Hà Nội hoạt động nội thành, bị địch bắt, chịu mọi đòn tra, nhưng kiên quyết không đầu hàng, và trước khi chết, mơ về những giờ phút tưng bừng thủ đô đón quân ta trở về. Tiếc rằng nay tôi không còn lưu giữ được hai sáng tác này. 

Từ năm 1956, tôi rời Đoàn Thanh niên xung phong ở Tây Bắc, về Hà Nội làm phóng viên báo Tiền Phong, và có điều kiện viết nhiều hơn về những con người Hà Nội. Số bài viết của tôi hồi này lấy người Hà Nội làm đối tượng miêu tả, khá nhiều, hầu hết là những người ở các môi trường lao động gian khổ: người Hà Nội trên các công trường xây dựng, ở các đoàn địa chất, làm đường, khai mỏ, và các công nhân vệ sinh (đổ thùng) v.v… Cũng từ cuối những năm 50 sang những năm 60, 70 thế kỷ trước, tôi có những tập bút ký dành riêng cho người Hà Nội như tập Lên miền Tây (1965) viết về những người học sinh Hà Nội độ tuổi thiếu niên đi xây dựng vùng kinh tế mới ở miền Tây; tập Chị em phố chợ (1964) viết về phụ nữ tiểu thương chợ Đồng Xuân trong phong trào hợp tác và tham gia lao động theo chính sách thời bao cấp; cuốn Trí óc nở hoa viết về anh hùng lao động công nhân cơ khí Nguyễn Thế Nghĩa ở nhà máy có khí Gia Lâm. Một số tập bút ký khác có phần dành cho những nhân vật người Hà Nội như Vượt lên trước (1964) viết về những thanh niên lao động xuất sắc trong nông nghiệp. Qua việc đi lấy tài liệu rồi viết những tập bút ký trên đây, tôi nhớ nhất là những ngày sống thực tế bên những người Hà Nội lao động và chiến đấu ở Hà Nội và ở những nơi xa Hà Nội, tôi hiểu thêm con người và mảnh đất Hà Nội. Cũng trong thời kỳ này, tôi có viết một số tập truyện ngắn, trong đó có những truyện mà nhân vật chính là người Hà Nội, như truyện ngắn Sau những dòng nhật ký (viết về một chị cán bộ kỹ thuật và tình yêu đầy ân hận của chị), Tiết học đầu tiên (viết về một cô giáo lần đầu tiên bước lên bục giảng). Tiểu thuyết Những ngày không quên (1958) cũng có một số nhân vật thanh niên Hà Nội lao động trên công trường xây dựng.

Sau một thời gian khá dài làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi trở lại với sáng tác từ năm 2000. Trong tập truyện ngắn Người làm mối của tôi, có 3 truyện ngắn dành cho các nhân vật Hà Nội: Những tâm hồn bị tổn thương (cuộc gặp gỡ sau chiến tranh của hai người Hà Nội từng đau khổ trong tình yêu), Khoảng cách (một tình yêu tan vỡ cùng với hòa bình lập lại, và cuộc sống mới trên đất Hà Nội), Tình yêu cao cả (tình yêu bất hạnh của một cô sinh viên Hà Nội và một thương binh mù).

Trong tiểu thuyết Cung đường Bình Minh viết về một tiểu đội thanh niên xung phong đóng ở một cung đường khốc liệt thuộc đường Trường Sơn vào những năm tháng chống Mỹ cứu nước, tôi đã xây dựng một số nhân vật vốn là thanh niên công nhân, thanh niên học sinh người Hà Nội, đó là những con người đầy sức trẻ, có lý tưởng, dũng cảm, yêu đời và lãng mạn, sẵn sàng chấp nhận thử thách và cũng luôn luôn mơ ước.

Trong hai tập thơ tôi đã xuất bản Con tim đói khát, 1995 và Thuở ấy và bây giờ 2009, có một số bài thơ tình yêu lấy cảm hứng từ những con người và chuyện tình ở Hà Nội: Một chuyện tình cơ quan, Trời xanh và tấm áo, Mối tình đường dây, và một số bài có tính chất thế sự xuất phát từ chính hiện thực cuộc sống của Hà Nội (Ngẫu nhiên buổi sáng, Con đường mang tên nhà văn, Người nghèo, Người hát rong mù và cô gái). Có thể nói không khí Hà Nội là một không khí giàu chất thơ, có những tình huống và cảnh tượng dễ gợi hứng cho người làm thơ. Một người vốn quê xứ Nghệ là “xứ sở của thơ”, sống ở Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội để có thể làm thơ và phải làm thơ”.

Tháng 4/2010

Nguyễn Chí Tình

 

Với người Nguyễn Đức, như đã nói là có mật độ cao về văn chương hiếm thấy, nên không ai bảo ai, nhưng thực tế tựa như có một phong trào viết về Hà Nội, dù kẻ ít người nhiều. Ngoài những cây bút trên, còn có: Cụ bà Nguyễn Thị Du vợ cụ Bính cũng có nhiều thơ trong đó có thơ về Hà Nội: “Câu lạc bộ thơ sông Tô thưởng thức trung thu”, “Ngắm trăng, Mừng chị em ta họp”…  Cụ Nguyễn Đức Dương, một nhà cách mạng lão thành, từng là thứ trưởng bộ Ngoại giao… thỉnh thoảng cũng làm thơ và có thơ “Thi thơ tại câu lạc bộ Thăng Long”. Bà Nguyễn Thị Hoài Phương từng là Chủ tịch ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành ủy viên Hà Nội, làm khá nhiều thơ trong đó có thơ về Hà Nội: “Hồn Thăng Long”, “Cảm đề CLB Sức khỏe ngoài trời Giảng Võ”. Nhà thơ Thúy Bắc (Nguyễn Thị Thúy Bắc) nổi tiếng nhất với bài thơ “Sợi nhớ sợi thương”, cũng không ít thơ về Hà Nội như: “Gửi bạn thơ đã hy sinh” (Gửi Vũ Đình Văn), Gửi Hồng Na, con gái mẹ, Chiều đông (tưởng nhớ nhà thơ Xuân Diệu)… Nguyễn Đức Thanh (bút danh Đỗ Anh Thơ) vốn là một kỹ sư, từng là ủy viên thường trực nhóm dự báo chiến lược khoa học kỹ thuật của Nhà nước về công nghệ, sau ngày nghỉ hưu, lại trở thành nhà Hán học, có trên 10 công trình biên khảo về Cổ văn Trung Quốc, nhưng thỉnh thoảng hứng lên về Hà Nội cũng viết tùy bút dưới dạng tiểu phẩm như: Hà Nội một sớm lá vàng rơi, Trò chuyện với cây bàng, Chùm nhãn lồng, Đỉnh tháp trăng treo… Nguyễn Đức Giáp, phó Tổng giám đốc Việt Nam thông tấn xã, thời trẻ cũng có thơ “Hà Nội mới” , Cô giáo vùng cao (tặng một cô gái Hà Nội lên vùng cao dạy học”. Nguyễn Đức Tâm kỹ sư địa chất, cũng có những trang viết về “Cả một đời ở Viện” tại Hà Nội. Nguyễn Đức Hân (bút danh Phan Hồng Giang) con trai thứ của cụ Hoài Thanh, tiến sĩ khoa học văn chương là một cây bút “con cha” rất mực tài hoa dù viết ít, ngày sống ở Liên Xô cũ, có bút ký “Giữa mùa đông Nga nhớ xuân Hà Nội”. Nguyễn Thị Hồng Ngát, vợ của Phan Hồng Giang, chuyên về điện ảnh, từng là Giám đốc xưởng phim truyện trung ương, cục phó cục điện ảnh, nhưng cũng là nhà thơ trong đó thơ viết về Hà Nội khá nhiều: Hà Nội vào thu, Mùa hè Hà Nội, Hơi ấm chiều cuối năm, Ngôi nhà Tân Mai, Một ngày Hà Nội, Về với Hồ Tây, Giao thừa hái lộc, Tạm biệt ngôi nhà xưa, Đêm nghe tiếng cuốc kêu, Một rừng đào thắm, Ngày xuân đi chợ Bưởi, Bưởi và roi, Thu vẫn là thu thôi Nguyễn Thị Hoài Nam, từng là trưởng phòng giáo dục quận Hai Bà Trưng, làm nhiều thơ, nhiều lần được giải thưởng trong cuộc thi thơ của các câu lạc bộ thơ của Hà Nội. Có các bài như: Hà Nội ngày giải phóng Thủ đô; Vốn quý thời gian… Nguyễn Thị Hoài Tao, kỹ sư chăn nuôi, được biểu dương về thành quả cải tạo giống gà rốt ri trên báo Nhân dân, làm nhiều thơ trào phúng khá nghịch ngợm, cũng có thơ “Hy vọng - một bài ca” (Tặng các bạn khóa I Đại học Nông Lâm Văn Điển 1956-1960). Nguyễn Thị Minh Thâm, giáo viên, hiệu phó cấp 3 Yên Hòa, nghỉ hưu, ngồi viết hồi ký về gia đình mình trên đất Hà Nội, kể cả làm thơ về Hà Nội trong đó có: Văn tế sống nàng Tô Lịch, Thu Hà Nội, Nhắn bạn, Tổ ấm bên dòng sông Tô

Người cuối cùng cũng xin được nói ở đây là tôi: Nguyễn Đình Chú, con rể cụ Vân, chồng bà Thâm mà sau chuyến cùng nhau đi Tây Ninh, lên chơi núi Bà Đen trở về kể chuyện thì một đồng nghiệp trẻ, nhà văn Chu Văn Sơn đã có tặng hai câu: “Đã đi cùng bà Thâm, lại còn trèo Bà Đen/ Đã lấy làm ông chồng, còn kêu bằng ông Chú”. Tôi đã viết khá nhiều về Hà Nội,liên quan đến Hà Nội như: Đông Kinh nghĩa thục, Thấy gì từ trường Đông Kinh nghĩa thục, Thực chất cuộc đấu tranh xung quanh vấn đề Truyện Kiều giữa Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh, Chánh học cùng tà thuyết, Sức sống của một thời đại... Đặc biệt là về các nhân vật, có tên tuổi lớn trong đời sống văn hóa, học thuật của cả nước nhưng trực tiếp vẫn thuộc Hà Nội: Nguyễn Thượng Hiền, Lê Đại, Vũ Phạm Hàm, Đào Nguyên Phổ, Tản Đà (5 bài và tiểu luận) Nguyễn Tử Siêu (2 bài), Phạm Quỳnh, Hoàng Ngọc Phách, Đặng Thai Mai (5 bài), Nguyễn Văn Huyên, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo (2 bài), Cao Xuân Huy (2 bài), Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu (2 bài), Nguyễn Lương Ngọc (2 bài), Nguyễn Lân (2 bài)…Riêng trên bàn thờ gia tiên, tôi đã có câu đối vừa cho mình, vừa cho con cháu hôm nay và mai sau trong việc tri ân cội nguồn, tri ân Hà Nội để sống cuộc sống có ý nghĩa.

“Thượng xá cố hương, tiên tổ tài bồi phúc lộc thụ

 Thăng Long thánh địa, tử tôn chức kết nghĩa tình hoa”

Dịch:         

  “Thượng xá quê nhà, tiên tổ vun trồng cây phúc lộc.

Thăng Long đất thánh, cháu con thêu dệt đóa ân tình”

Thiết nghĩ ý tưởng của tôi trong đôi câu đối này cũng là ý tưởng chung của những người Nguyễn Đức sống trên đất Hà Nội. Tất cả chúng tôi đều thành kính “Ngàn năm bái tạ đất Thăng Long”, nhưng cũng rất tự hào và muôn vàn bái tạ xứ Nghệ văn vật và anh hùng, là quê cha đất tổ, là nơi mà không ít trong chúng tôi, cái rốn vẫn nằm ở đó, mồ mả tổ tiên vẫn còn ở đó, họ hàng thân tộc vẫn sinh sống ở đó. Mấy tiếng “quê choa”, “dân bầy tui”, “dân cá gỗ” đối với chúng tôi vẫn đời đời là sự khoái tai, sự thiêng liêng,  niềm tự hào.

 

  Yên Hòa, thư trai

                                                (Canh Dần, Quí Xuân)

                                                          (4/2010)

 

 


[1] Có bản chép: “Trời nam …..”, có lẽ đúng hơn.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập