Thăng Long - Hà Nội với sự tiếp nhận và truyền bá tư tưởng thi học mới từ Trung Hoa: trường hợp thuyết tính linh (cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XX)

Đã đọc: 4323           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Có thể nói, từ nửa đầu thế kỉ XVIII trở về trước, tư tưởng thi học Việt Nam còn tương đối sơ giản với một vài quan niệm đơn lẻ, chưa thành hệ thống, như: một vài quan niệm thi học truyền thống mang màu sắc “công lợi chủ nghĩa” của Nho gia (“ôn, nhu, đôn hậu”; “hưng, quan, quần, oán”; “lục nghĩa”, “quan phong”, “mĩ thích”,…), các quan niệm thi học “tự giác” (“thi ngôn chí”, “thi tình”, “thi hứng”, “sắc ngoại chi sắc, vị ngoại chi vị”, “thi cảnh”, cách điệu, “thần hứng”, “thi cùng nhi hậu công”,…).

1. Mở đầu

          Trước đây, khi nghiên cứu về ảnh hưởng của thuyết tính linh trong tư tưởng thi học Việt Nam thời trung đại(1), chúng tôi đã bước đầu nhận thấy một hiện tượng đáng chú ý là dấu ấn của lí thuyết này dường như đậm nét hơn ở các tác giả có gốc gác Bắc Hà, trong đó tiêu biểu là ở Thăng Long - Hà Nội. Bây giờ, cùng với bước tiến của việc nghiên cứu tư tưởng thi học trung đại Việt Nam, khi tìm hiểu rộng ra về ảnh hưởng của các lí thuyết thi học thời Minh Thanh tới tư tưởng thi học Việt Nam trung - cận đại(2), giả hiện tượng đó càng nổi rõ. Trong ba lí thuyết thi học quan trọng thời Minh Thanh có ảnh hưởng đậm nét trong tư tưởng thi học Việt Nam thời trung - cận đại, ta thấy có một sự phân bố khá hài hòa, thú vị: thuyết thần vận, thuyết cách điệu được tiếp nhận qua “cửa ngõ” Đàng Trong với hai trung tâm nổi bật (Sài Gòn - Gia Định và Thừa Thiên Huế)(3); thuyết tính linh dường như được tiếp nhận qua “cửa ngõ” Đàng Ngoài với trung tâm chính là Thăng Long - Hà Nội. Bài viết này sẽ bước đầu cố gắng tái hiện quá trình tiếp nhận lí thuyết thi học quan trọng này và lí giải nguyên nhân cũng như vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong tổng thể tiến trình phát triển tư tưởng thi học Việt Nam thời trung - cận đại.

Ở đây, khi nói đến “cửa ngõ” Đàng Trong, Đàng Ngoài, chúng tôi không chỉ chú ý đến không gian địa lí mà quan trọng hơn là không gian văn hóa (được tạo dựng bởi truyền thống, phong khí văn hóa, tập trung ở những “người con” hoặc những “tín đồ”, “cư dân” của chúng). Từ gốc gác mà nói, không gian văn hóa sẽ trùng với không gian địa lí, chịu sự quy định của không gian địa lí. Nhưng với xu thế giao lưu, hội nhập thường xuyên giữa các vùng, miền, các không gian, tính song trùng đó có biến động. Với xu thế này, nhiều khi, không gian văn hóa sẽ không hoàn toàn trùng khít với không gian địa lí và ngược lại. Có lúc, lí thuyết được tiếp thu trên không gian địa lí này nhưng lại thuộc không gian văn hóa kia, bởi những nhân vật văn hóa thuộc về nó và ngược lại. Những nhân vật văn hóa cũng luôn luôn có xu hướng giao lưu rộng rãi ra bên ngoài, mà càng tiến về thời hiện đại, xu hướng ấy càng nổi rõ. Đây là những điều cần đặc biệt lưu ý.

2. Nội dung

1.1. Có thể nói, từ nửa đầu thế kỉ XVIII trở về trước, tư tưởng thi học Việt Nam còn tương đối sơ giản với một vài quan niệm đơn lẻ, chưa thành hệ thống, như: một vài quan niệm thi học truyền thống mang màu sắc “công lợi chủ nghĩa” của Nho gia (“ôn, nhu, đôn hậu”; “hưng, quan, quần, oán”; “lục nghĩa”, “quan phong”, “mĩ thích”,…), các quan niệm thi học “tự giác” (“thi ngôn chí”, “thi tình”, “thi hứng”, “sắc ngoại chi sắc, vị ngoại chi vị”, “thi cảnh”, cách điệu, “thần hứng”, “thi cùng nhi hậu công”,…). Đứng về mặt tiếp nhận ảnh hưởng của tư tưởng thi học Trung Hoa, tư tưởng thi học Việt Nam mới chịu ảnh hưởng tư tưởng thi học Đường Tống (và Nguyên) là chính. Điều đó có thể thấy qua các thư tịch Trung Hoa có liên quan đến tư tưởng thi học. Chẳng hạn, trong các phát biểu của Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), một thi học gia khá tiêu biểu của thế kỉ XVI - XVII có đi sứ Trung Hoa, ta thấy ông có nhắc đến Mộc thiên cấm ngữ của Phạm Đức Ky (1272 - 1330), Sa trung kim tập của Dương Tải (1271 - 1322),v.v…[Huấn đồng thi tập tự](4). Các tác giả tiếp sau ông không thấy nhắc đến các tư liệu mới hơn, gần hơn. Chẳng hạn, Lê Hữu Kiều (1690 - 1760) cũng chỉ một mực ca tụng thơ Đường và thi học thời Đường [Tàng Chuyết thi tập tự](5). Các quan niệm thi học nêu trên cũng xuất hiện phổ biến ở Trung Hoa từ thời cổ đại cho đến thời Đường - Tống (Nguyên), chứ chưa thấy có dấu vết tư tưởng thi học thời Minh. Lê Thánh Tông (1442 - 1497) [Ngự chế Văn nhân thi], Nguyễn Tôn Mậu (thế kỉ XV) [Phụng họa Văn nhân thi](6), Vũ Công Đạo (1629 - 1714, có đi sứ Trung Hoa) [Tư hương vận lục dẫn](7) có nhắc đến từ cách điệu, nhưng đó chưa phải là thuyết cách điệu thời Minh - Thanh. Nói tóm lại, trước nửa cuối thế kỉ XVIII, dấu ấn tư tưởng thi học Minh Thanh hầu như chưa hiện diện. Vì sao như vậy? Cuối thời Trần - Hồ (tương ứng với thời Minh sơ, các lí thuyết thi học thời Minh cũng đang manh nha) tư tưởng thi học Việt Nam chưa chính thức hình thành (một phần do tư liệu mất mát). Thời Lê sơ (thế kỉ XV) và Lê Trung hưng (thế kỉ XVI - nửa đầu XVIII), tư tưởng thi học Việt Nam chính thức hình thành nhưng ở mức sơ giản, tìm tòi, học tập Đường Tống là chính. Mảnh đất phương Nam đang trên hành trình “khai phá” bởi các chúa Nguyễn. Hơn nữa, thời Lê, Tống học (Đạo học) ngự trị thi đàn Đại Việt tạo nên một “không khí ảm đạm”, “chủ nghĩa công lợi” - một thứ rào cản tự nhiên ngăn trở cái mới, cái “tự giác”, nên những luồng tư tưởng mới sau Tống - Nguyên (tức Minh, Thanh) chưa có điều kiện du nhập. Cũng có thể, sự nghèo nàn, mất mát về tư liệu (đặc biệt là về thế kỉ XVI - XVII) một phần tạo nên sự vắng bóng đó.

          Từ nửa cuối thế kỉ XVIII (“Lê mạt”, “Lê quý” - theo quan niệm của chúng tôi) trở đi, tư tưởng thi học Việt Nam mới thực sự phát triển mạnh mẽ, phản ánh sự phát triển rầm rộ của “tục văn học”, “văn học nghệ thuật” (“văn học tự giác”). Cũng theo đó, các “khuynh hướng”, “thuyết” (hiểu theo nghĩa một hệ thống sơ giản chứ chưa hẳn là “trường phái” - doctrine, “lí thuyết” - theory - như lí luận văn học phương Tây) đã lần lượt xuất hiện, với các “khuynh hướng”, “thuyết” tự thân như: khuynh hướng “chủ tình”(8), thuyết “quý chân”, thuyết “tam yếu”(9), khuynh hướng trọng thị thơ quốc ngữ (Cao Bá Quát, Phạm Đình Toái,…),... cũng như các lí thuyết thi học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Trung Hoa: Sớm nhất có lẽ là thuyết cách điệu, sau đó là thuyết thần vận rồi thuyết tính linh. Từ các kết quả nghiên cứu này, chúng tôi bước đầu nhận thấy, thuyết cách điệuthần vận được tiếp thu theo cửa ngõ phía Nam, bắt đầu từ Sài Gòn - Gia Định (với nhóm Gia Định tam gia, đặc biệt là Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825); với những tác giả người Hoa trong đó không loại trừ các thành viên nhóm Chiêu Anh Các ở Hà Tiên,v.v…) rồi lan ra Thừa Thiên Huế và phát triển mạnh mẽ ở nơi đây, trở thành tư tưởng thi học “chính thống” của triều Nguyễn với các tên tuổi lớn, như: Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819 - 1870), Nguyễn Phúc Miên Trinh (1820 - 1897), Phan Thanh Giản (17196 - 1867), Nguyễn Phúc Hồng Nhậm [Tự Đức] (1829 - 1883), Nguyễn Phúc Miên Triện (1833 - 1905), Nguyễn Phúc Hồng Y (? - ?), Nguyễn Phúc Miên Tuấn (1827 - 1907), Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961),v.v…. Thuyết tính linh có du nhập theo con đường này hay không? Có nhiều minh chứng cho thấy, thuyết tính linh được người Trung Hoa phổ biến vào Việt Nam theo con đường ngoại giao chính thức (tức theo con đường phương Nam, phổ biến với các tác giả Đàng Trong). Chẳng hạn, trong bài tựa viết cho Đặng Hoàng Trung thi sao của Đặng Huy Trứ (1825 - 1874, người Thừa Thiên Huế), Tô Lãng (người Trung Hoa) đã dùng từ tính linh để bình luận như sau: “giãi bày niềm trung hiếu thì không kém Đỗ Công bộ, miêu tả tính linh thì sánh được với Bạch Hương Sơn”(10), nhưng không thấy Đặng Huy Trứ hưởng ứng. Lao Sùng Quang (sứ thần Trung Hoa sang Việt Nam năm 1849) bình luận thơ trong Hoàng Việt Phong Nhã thống biên (bao gồm thơ của Nguyễn Cư Trinh, Miên Thẩm, Miên Trinh) [theo bản A.1798/1-2] cũng viết: “nhận đọc thì thấy trong trẻo kì lạ, nồng hậu nhã đạm, không câu nệ vào một cách, hoặc giãi bày tính linh hoặc xâu chuỗi cảnh vật, hoặc mạc tô sơn thủy, hoặc bàn chuyện cổ nhớ người xưa, những bài hay, câu đẹp không kể xiết” [...] [Hoàng Việt Phong Nhã thống biên tự](11). Trong cuốn Thư tự trích lục (VHv.350), một cuốn sách sưu tuyển các bài tựa bạt của các tác giả Việt Nam và Trung Hoa thời trung đại có “trích lục” bài Tùy Viên thi thoại bổ di tự của Thương Sơn cư sĩ (biệt hiệu của Viên Mai),v.v… Nhưng dường như nó không được các tác giả có liên quan (Miên Thẩm, Miên Trinh,…) tiếp nhận (thậm chí, như sẽ thấy, họ còn phản đối kịch liệt). Điều đó cho thấy, nỗ lực ảnh hưởng của thuyết tính linh vào mảnh đất phương Nam đã gặp cản trở to lớn là sự hiện diện của những “đối thủ” truyền thống của nó (thuyết cách điệu, thuyết thần vận). Ủng hộ thuyết cách điệuthần vận, các tác giả này ra sức bài bác thuyết tính linh cũng giống như tình hình ở Trung Hoa. Chẳng hạn, trong Thương Sơn thi thoại, Miên Thẩm từng phát biểu: “Cái mới của thơ, có khi là do dùng lại lời của cổ nhân có sửa đổi đi một hai chữ mà càng mới. Bọn Viên Mai, Triệu Dực không biết như thế, chuyên tìm tòi những chuyện tục, những việc mà người ta không thèm để ý tới, xong rồi tự khoe khoang với nhau. Lỗi này không phải người xưa không nói nhưng bọn họ coi đó là thiển cận mà không chịu sửa”(12),v.v… Bởi vậy, dù cũng là một lí thuyết trọng yếu thời Minh Thanh, được giới thiệu, nhưng thuyết tính linh không được chào đón nồng nhiệt ở dải đất phương Nam, bởi người phương Nam (ngoại trừ một vài tác giả có bản lĩnh, có chủ kiến, mà đặc biệt thú vị là hầu hết lại là người Quảng Nam như: Trương Đăng Quế, Phạm Phú Thứ và sau này là Phan Khôi,… mà những người này lại có xu hướng “Bắc hóa” khá rõ). Trái lại, Bắc Hà với trung tâm là Thăng Long - Hà Nội lại là nơi mở rộng cánh cửa đón nhận lí thuyết này với một quá trình khá dài lâu, liên tục, mà gốc gác phải truy từ cuối thế kỉ XVIII và kết thúc phải đến tận giữa thế kỉ XX. Dĩ nhiên, không phải sự tiếp thu này lúc nào cũng diễn ra trên “không gian địa lí” Thăng Long - Hà Nội. Có thể, sự tiếp thu này diễn ra trên chính kinh đô Huế - với tư cách trung tâm chính trị - văn hóa đương thời, nhưng bởi những con người Thăng Long - Hà Nội đặc trưng (Cao Bá Quát, Bùi Văn Dị có thể là một ví dụ tiêu biểu), tạo nên không gian văn hóa Thăng Long - Hà Nội ở nơi đây, trong lĩnh vực tư tưởng thi học.

1.2. Về những đặc trưng của thuyết tính linh ở Trung Hoa, trước đây chúng tôi đã trình bày khá chi tiết. Cũng có nhiều bài viết của các tác giả khác đã viết về nó. Ở đây, chúng tôi xin đi vào tiến trình cụ thể ở Việt Nam thời trung cận đại trong sự liên hệ với Thăng Long - Hà Nội.

Xét về mặt khái niệm, theo khảo sát của chúng tôi, tính linh xuất hiện ở cuối thế kỉ XVIII trong một số ý kiến bàn luận về văn chương của Lê Quý Đôn, Phan Lê Phiên, Ninh Tốn.

Lê Quý Đôn (1726 - 1784) quê xã Diên Hà, huyện Diên Hà (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), đỗ Bảng nhãn (26 tuổi), làm quan đến Tham tụng, sống phần lớn cuộc đời ở Thăng Long. Năm 1761, ông tham gia sứ bộ sang nhà Thanh, có trao đổi học thuật với khá nhiều danh sĩ Trung Hoa đương thời, khi trở về mang theo khá nhiều sách vở. Lê từ nhỏ nổi tiếng thần đồng, trưởng thành nổi tiếng vì sự uyên bác, đọc rộng hiểu nhiều, được coi là nhà bác học Việt Nam thế kỉ XVIII. Lê Quý Đôn trong Điều 13 thiên Văn nghệ sách Vân Đài loại ngữ (1773) dẫn lại lời Nhan Chi Thôi (thời Lương) nói: “Từ xưa đến nay, các văn nhân phần nhiều mắc phải cái bệnh khinh bạc; nguyên là cái thể chất văn chương làm cho ý hứng của họ thì bay lên cao vút; tính linh của họ thì phát lộ một cách bồng bột mà trở thành kiêu căng, quên cả việc giữ gìn, và hăng hái tiến thủ” và bình luận: “Ta cho rằng đó là vì ít học vấn, thiếu hàm dưỡng, thành ra bị cái khí nó sai sử. Nếu ý hứng, tính linh vẫn giữ được bình đạm, một khi nêu lên và phát ra, lại càng thấy ung dung..”(13). Đương nhiên, tính linh ở đây chưa phải là “thuyết”, cũng không chỉ nói về thơ, nhưng đã mở đầu cho việc đưa khái niệm này vào lí luận văn học nước nhà. Ông đã dùng nó gần như với nghĩa nguyên gốc (tính tình) thông qua việc trích dẫn và bình luận ý kiến của Nhan Chi Thôi. Tuy nhiên, nếu kết hợp với xu hướng “quý chân” và thuyết “tam yếu” trong tư tưởng thi học của Lê Quý Đôn thì có thể nói ông đã tiến rất gần đến những luận điểm cơ bản của thuyết tính linh. Bởi vậy, không phải không có đôi phần có lí khi Vương Tiểu Thuẫn và Hà Thiên Niên đã khẳng định: “Thuyết ‘tam yếu’ và thuyết ‘quý chân’ của nhà sử học thời Lê mạt Lê Quý Đôn phản ánh sự ảnh hưởng của ‘phái tính linh’ thời Minh Thanh đối với Việt Nam”(14).

Phan Lê Phiên (1736 - 1798), quê làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 1757, làm quan đến Tham tụng. Phan Lê Phiên trong bài khải về Ngự chế Càn nguyên thi tập (1770) của Trịnh Doanh (1720 - 1767) viết: “các thánh vương trước nối ngôi, nhờ được di mưu của các thánh tổ, chuộng việc văn, kính theo mưu trước, trọng việc học xét lời dạy xưa. Để sửa sang đạo hoá thì tìm rõ đầu mối ở chín kinh, để nung đúc tính linh thì thường thấm nhuần lục nghĩa”.

Ninh Tốn (1744 - 1790), tự Hi Chí, hiệu Chuyết Sơn, quê xã Côi Trì, huyện Yên Mô, trấn Sơn Nam Hạ (nay là xã Yên Mĩ, Tam Điệp, Ninh Bình), đỗ Tiến sĩ năm 1778, làm quan đến Thượng thư bộ Binh (triều Tây Sơn), cũng có thời gian dài sống ở Thăng Long. Trong bài Hoa trình học bộ tập tự (1790) của Vũ Huy Đĩnh (1730 - 1789), ông viết: “Thi học của thầy, vốn được dấu kín trong lòng mà nay phát tiết ra nơi cảnh đẹp của Trung Châu, có thể nói đó là có điều gặp gỡ vậy; dạy ở nhà mà biểu lộ ra ở cái hội gió mây nơi triều đình, có thể nói đó là sự nối truyền vậy. Đâu phải chỉ là luôn luôn vấn vương với quang cảnh, khuôn nặn tính linh, chỉ một mực cùng các ông thời Tấn, thời Đường bàn về thanh vận hay sao?”(16).

Tóm lại, tính linh trong quan niệm của Lê Quý Đôn, Phan Lê Phiên, Ninh Tốn, ngoài nghĩa “tính tình” dường như đã hàm chứa trong đó quan niệm về sự “chân thành”, “chân tình” của cảm xúc thơ. Hơn nữa, tính linh theo hai ông không chỉ là cái tự nhiên vốn có mà còn phải “hàm dưỡng”, “nung đúc”, “khuôn nặn” mới nên. Như thế thì tính linh còn bao hàm cả trí tuệ, cả phẩm cách nữa! Đây là cơ sở để thuyết tính linh ra đời ở thế kỉ sau mặc dù chưa có những cứ liệu cho thấy có sự ảnh hưởng trực tiếp từ Trung Hoa. Chẳng hạn, trong các công trình biên khảo của Lê Quý Đôn chưa có nhiều các sách thi học Minh Thanh, mà chủ yếu vẫn là Đường, Tống, Nguyên (Thi thức, Thi cách, Thương Lang thi thoại, Hứa Ngạn Chu thi thoại, San Hô câu thi thoại,...). Dấu ấn tư tưởng thi học Minh Thanh cũng chưa thực sự rõ nét. Như vậy, mặc dù ở thế kỉ XVIII, thuyết tính linh chưa chính thức ra đời, nhưng nó đã được đặt nền móng về mặt khái niệm, quan niệm tại Thăng Long, để tiếp đó các trí thức Thăng Long - Hà Nội thế kỉ XIX kế thừa, tiếp thu thêm từ bên ngoài, tạo thành lí thuyết tướng đối hoàn chỉnh.

Vai trò tiên phong của sự phát triển đó, dành cho Cao Bá Quát, một trí thức có gốc gác lâu đời ở Thăng Long - Hà Nội. Cao Bá Quát (1809 - 1855), tự Cúc Đường, hiệu Cúc Đường và Mẫn Hiên, quê xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội), đỗ Cử nhân, nổi tiếng hay chữ, làm quan đến chức Giáo thụ (Mĩ Đức, Hà Nội), sau nổi dậy chống lại triều Nguyễn, bị tử trận, tru di tam tộc. Cao là danh sĩ Bắc Hà tiêu biểu nửa đầu thế kỉ XIX, được tôn xưng là “Thánh Quát” (bên cạnh “Thần Siêu” - Nguyễn Văn Siêu, Tùng Thiện Vương - Miên Thẩm, Tuy Lí Vương - Miên Trinh). Đến thời Cao, Thăng Long không còn là kinh đô của cả nước, do vậy, để tiến thân Cao phải vào kinh đô mới - Thừa Thiên Huế - nhưng không ít lần thất vọng, vấp ngã lại trở về quê hương. Đặc biệt, Cao lọt vào mắt xanh và trở thành bạn văn gần gũi của lãnh tụ thi đàn chính thống đương thời là Miên Thẩm - đồng thời là chủ soái của phái thần vận, phụ trách cả việc “hầu thơ” cho ông vua sính thơ văn là Tự Đức - có thể xem là chủ soái của phái cách điệu. Mặc dù vậy, cốt cách, văn hóa Thăng Long - Hà Nội vẫn làm nên bản sắc riêng ở con người Cao, trong đó có tư tưởng thi học độc đáo của ông. Dù gần gũi với “đại gia” Miên Thẩm, dưới uy quyền Tự Đức, nhưng Cao Bá Quát vẫn không chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng thi học của hai vị lãnh tụ này, ông vẫn có chủ thuyết riêng. Chủ thuyết đó mang màu sắc thuyết tính linh rất rõ. Chủ thuyết này có lẽ được hun đúc từ hai nguồn: từ các bậc tiền bối thời Lê (Lê Quý Đôn, Phan Lê Phiên, Ninh Tốn,...) với chủ trương “quý chân”, “chủ tình”, đề cao tính linh; từ lãnh tụ phái tính linh thời Thanh là Viên Mai (1716 - 1797) mà Cao Bá Quát có nhiều sự đồng cảnh, đồng cảm.

Trong bài hậu tự (1849)(17) viết cho Thương Sơn thi tập của Miên Thẩm, Cao Bá Quát đã trình bày một cách tương đối cặn kẽ quan niệm thi học của mình. Phần đầu dành lời phê phán lối thơ “ủy mị, yếu ớt”, “mô phỏng quá nhiều mà phong cốt chưa cao, tô điểm có khéo nhưng tinh thần còn thấp”,v.v... Ở đây, Cao Bá Quát còn dẫn lời của Khương Tây Minh “rập theo âm kêu, câu rậm để làm khí tượng, rồi thác là Thịnh Đường, đó chính là việc làm của những kẻ chìm ngập trong thi thoại của các nhà, ăn món ăn của cổ nhân mà không hóa được vậy”. Khương Tây Minh tên thật là Thần Anh (1628 - 1699), hiệu Trạm Viên và Vi Gian, một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, nhà thư pháp nổi tiếng cuối Minh đầu Thanh, đỗ Thám hoa năm 1697, giữ chức Hàn lâm viện biên tu, hai năm sau được bổ làm Phó chủ khảo kì thi Hương phủ Thuận Thiên (Bắc Kinh), bị nghi gian lận trong thi cử, hạ ngục, uống thuộc độc tự tận, sau được Khang Hi hoàng đế minh oan. Tác phẩm của ông có: Trạm Viên tập, Vi Gian tập, Hải phòng tổng luận, Vi Gian thi tập, Tây Minh văn sao,v.v... Về sự nghiệp thư pháp, Khương Thần Anh được xem là “Khang Hi tứ đại gia”, sở trường về chữ “tiểu khải”. Ở Việt Nam, tên tuổi của Khương Tây Minh cũng có tiếng vang nhất định. Chẳng hạn, trong Luận thi trát tử, Miên Trinh có viết: “Các nhà thơ thời Thanh như: Vưu Đồng, Chu Di Tôn, Khương Thần Anh, Tống Lao, Tống Uyển, Uông Uyển, Thi Nhuận Chương đều có thể phất cờ, tự thành một đội, thi giáo ôn nhu đôn hậu không mất, đủ có chỗ cậy vậy”(18). Tư tưởng của Khương Thần Anh là không câu nệ vào cách sáo, không câu nệ cổ nhân, chủ trương tự do, phóng khoáng. Có thể nói, Khương Thần Anh là bậc tiền bối có ảnh hưởng nhất định đến sự ra đời thuyết tính linh của Viên Mai sau này. Bởi vậy, việc Cao Bá Quát dẫn lời Khương Thần Anh là điều dễ hiểu. Ông dẫn là để phê phán lối thơ bắt chước, mô phỏng, không chân thực về tình cảm; cũng là sự phê phán khuynh hướng tư tưởng “phục cổ”, cách điệu thịnh hành đương thời. Phần sau bài tựa dường như tranh luận trực tiếp với Miên Thẩm - người “nối gót phái học phục cổ của hai đời Hán, ba đời Đường” [Mai Am thi tập tự - Trương Đăng Quế)(19), “Khởi nguồn từ Thất tử/ Bàn thơ chuyên dùng cách điệu” [Vi Dã hợp tập đề từ - Dương Ân Thọ](20), “tổng hòa của thần vậncách điệu” [Nguyễn Đình Phức](21) - chủ trương “thi tất Thịnh Đường”, học tập cổ nhân, kịch liệt phê phán thuyết tính linh. Trong nhiều trước tác của mình, Miên Thẩm cực lực phê phán Viên Mai, Triệu Dực, những “lãnh tụ” của thuyết tính linh (Thương Sơn thi thoại, Thương Sơn thi tập,...). Chủ trương “thi tất Thịnh Đường” cũng là xu hướng thịnh hành đương thời. Câu thơ “Văn như Siêu, Quát, vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy, thất Thịnh Đường” (tương truyền của Tự Đức) cho thấy điều đó. Cao Bá Quát đứng về Viên Mai và những người chủ trương tính linh, dù ông không trực tiếp nhắc đến. Ông yêu cầu thơ “gốc ở tính tình”, ông phê phán những bài thơ bắt chước cổ nhân “không quan hệ gì đến tính linh cả”. Tính linh trong quan niệm của Cao Bá Quát một mặt là “tính tình” (“gốc ở tính tình”, như ông đã nhấn mạnh) nhưng mặt khác, có thể nói là “thần tình”, “linh cơ” hay sự “biến hóa”. Họ Cao có cách/ dẫn lại cách ví von khá sâu sắc: “Ví như học viết, nếu cứ theo lề lối không biết biến hóa, thì tuy có hệt được cái mặt ngoài của lối chữ Lan Đình cũng chẳng ai thèm kể vào đâu”. Cách ví von này sau đó không lâu cũng được Bùi Văn Dị trích lại và diễn giải như sau: “ý nghĩ đến đâu, bút theo đến đấy, là như thế. Có người cứ dựa dẫm vào các nhà, bắt chước những việc cũ, câu chữ tuy khéo léo, nhưng ý vị thần tình thì kém hẳn. Ví như việc học viết, nếu cứ câu chấp theo phép tắc mà không biến hóa, thì tuy được cái mặt chữ Lan Đình, người ta vẫn thấy chán” [Tốn Am thi sao tự tự](22). Rõ ràng, qua nghệ thuật thư pháp, Cao Bá Quát nói đến việc tiếp thu hồn cốt, thần tình một cách linh hoạt nghệ thuật của cổ nhân. Nói khác đi, “học mà như không học”, tức biến cái học tập thành cái của mình, học tập nhưng phải “hóa”. Để diễn giải ý này, Cao Bá Quát mượn lời Tô Đông Pha “không học cũng xong”. Câu nói của Tô Đông Pha mà Cao trích dẫn là từ bài thơ Họa Tử Do luận thư (Họa bài thơ Tô Tuân, tự Tử Do bàn về thư pháp) trong đó có những câu: “Ta tuy không giỏi viết chữ/ Nhưng không ai hiểu việc viết chữ như ta/ Nếu có thể thông cái ý của nó/ thì thường nói rằng ‘không học cũng xong’/ Mặt đẹp thì dung nhan có nếp ‘nhăn mày’/ Viên ngọc xinh làm sao lại làm phương hại đến dáng tròn của nó/ Đoan trang nhuốm vẻ tươi tắn/ Khỏe cứng bao hàm vẻ mềm mại/...”.  Bài thơ này thể hiện quan điểm về thư pháp của Tô Đông Pha, tức học cổ nhân là học cái ý, cái thần của họ chứ không câu thúc vào vẻ bên ngoài, nghĩa là học “truyền thần”, lĩnh hội được cái thần của nó, chứ không cần học một cách máy móc. Câu thơ của Tô Đông Pha nhằm nhấn mạnh sự tự nhiên và biến hóa của ngòi bút (ông gọi là “thần vị”, “chí vị”). Lời bàn về thơ của họ Tô thích hợp cho việc giải thích hai chữ tính linh mà Cao Bá Quát sử dụng. Ở đây, không nên hiểu ý Tô Đông Pha và Cao Bá Quát là họ phủ nhận học vấn, tri thức hay sự kế thừa. Họ chỉ phản đối cách học máy móc, khuôn sáo mà thôi! Có thể hiểu, “không học” ở đây là việc giữ cho tính linh luôn nhạy cảm, tự nhiên (kiểu giữ cái “đồng tâm” hay cái “sơ tâm” vậy!). Họ Cao khá tự tin vào quan niệm của mình, cho nên ông chốt lại đoạn tranh luận về thơ bằng câu: “Ai hiểu được ý ấy thì có thể cùng bàn chuyện làm thơ được”. “Ý ấy” có lẽ là cái ý về sự huyền diệu của tính linh, “tính tình”, không dựa dẫm kẻ khác. Rải rác ở những trước tác khác, Cao Bá Quát cũng thể hiện rõ quan niệm đó. Chẳng hạn, trong bài thơ Văn tất kỉ xuất, ông tuyên bố: “Há có đôi bàn tay khéo chạm trổ/ Mà lại đi làm bài văn bằng cách chắp vá văn của người khác?/ Chọn lời phải thật lòng từ chính mình/ Văn từ viết ra ắt hơn hẳn người khác/ Đánh cắp câu văn đồng nghĩa với cặn bã/ Câu thơ hay mới mẻ vốn từ kinh sách điển tịch mà ra/ Khí văn thông thoáng ào ạt tựa giấy cỏ rậm/ Lời văn viết ra tinh diệu như muốn vút tầng không/ Lam bản hoàn toàn không để ý đến/ Kẻ có tài văn xuất chúng ai thèm theo lối của anh/ Buông lời chân thật có thể trở thành một nhà trong thiên hạ/ Vì thế ngọn bút cũng có sức mạnh quét được nghìn quân/ Cái tự mình tìm được không giống cái mà mọi người cùng được/ Điều người khác đã nói mình cũng dễ dãi nhại theo/ Thì chỉ đáng dùng làm đồ tế khí nơi tông miếu mà thôi/ Trên đây là những lời kí vọng hết sức ân cần của tôi”(23). Theo Nguyễn Đình Phức: “Bài thơ trên có thể coi là tuyên ngôn nghệ thuật của Cao Bá Quát, quan niệm văn tự kỷ xuất, văn là sự tuôn chảy từ suối nguồn tính linh nơi mỗi con người”(24). Trong Hoa Tiên truyện tự, ông đề cao chữ “tình” trong cuộc đời và trong văn chương: “Xưa nay nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ...”(25). Ông phê phán những người “khinh bạc”, “không xét kĩ”, cho Hoa Tiên, Truyện Kiều “là loại văn dâm đãng, khúc hát lẳng lơ” mà không hiểu cái “tình”, “tiếng nói răn đời”, “tiếng nói hiểu đời” của chúng. Trong Thiên cư thuyết ông lại lặp lại quan điểm đó: “Đã đành rằng ồn hay tĩnh là tùy từng nơi, khổ hay vui là tùy từng cảnh, song trông thấy vật mà cảm xúc đến việc rồi lặng lẽ mà ngậm ngùi cho cái đã qua, âu cũng bởi chữ tình xui nên thế”(26). Một lần uống trà với bạn là Phan sinh, Cao Bá Quát liên hệ giữa nghệ thuật uống trà và làm thơ: “Uống trà không nên ướp hoa/ Ướp hoa sẽ mất chân vị của trà”, bởi “một nắm của hiếm mà bắt mũi mình phải xem mãi những thứ không thực/.../ Áo lòe loẹt không làm cho dáng người mạnh mẽ/ Âm điệu rườm rà làm biến đổi thể thơ Đại Nhã” [Vị minh tiểu kệ đồng Phan sinh dạ tọa](27). Trong bài Đề sát viện Bùi công Yên Đài anh ngữ khúc hậu, Cao Bá Quát tuyên bố dõng dạc: “Đóng cửa mà gọt giũa câu văn, lải nhải nhai lại từng câu từng chữ. Điều đó khác chi con sâu đo muốn đo cả đất trời”(28). Cũng ở đây, Cao nhấn mạnh đến trạng thái “ngưng thần”, “thần tứ”, “thần vị”,v.v... những khái niệm không xa lạ gì với thuyết tính linh. Cũng xuất phát từ tư tưởng cởi mở của thuyết tính linh, Cao Bá Quát đã có cái nhìn khá trân trọng với thơ ca quốc ngữ. Trong Hoa Tiên truyện tự, ông khẳng định: “Sống ở đất này, có thể bỏ được tiếng quốc âm không? Không bỏ được! Ôi! Người xưa đã đem tâm chí đúc chuốt thành lời hay ý đẹp, cốt để chắp lông nối cánh cho văn chương của ta, mà ta lại coi thường được sao?”. Các tác phẩm thơ quốc âm nổi tiếng của dân tộc được đưa ra đánh giá, thẩm bình với một thái độ trọng thị: “lời nói thì bi tráng, văn viết thì trầm hùng, những cái đó khác nào như bụi bặm, cám bã mà đã đem hun đúc thành gạch gói, giúp đỡ cho tác giả, khiến cho sau đây Truyện Kim Vân Kiều đã có thể xuất hiện” [Hoa Tiên truyện tự]. Mặc dù còn ngần ngại trong việc bắt tay sáng tác thơ quốc ngữ, nhưng “thiện cảm” với loại thơ này rất rõ: “Than ôi! Lấy quốc âm làm văn chương thì ta chưa dám, nhưng lấy văn chương mà coi quốc âm thì ta có phần tán thành. Nước ta từ sau Hàn Thuyên, các tác giả xuất hiện như rừng: Ôn Như Hầu làm thơ cổ cận, khuôn mẫu ngang với Thiếu Lăng; Bằng Quận công đặt điệu cung từ, ruổi rong không nhường Hán Ngụy; đến như văn hay của truyện khúc đến nay ta được thấy Hoa Tiên Kim Vân Kiều. Như vậy, nếu chỉ coi quốc âm thì hai cuốn truyện này không có cũng được, nhưng nếu còn cần phải tiến lên, tìm cách làm thế nào cho rõ văn chương của ta, thì các bạn cùng yêu văn với ta nghĩ sao đây?” [Hoa Tiên truyện tự](29). Và quả thật, sự trọng thị quốc ngữ của ông sẽ được các thế hệ sau tiếp nối, và nó sẽ bắt nhịp được với xu hướng hiện đại hóa của văn học dân tộc ở cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

Đương thời, còn một vài nhân vật khác cũng cho thấy dấu ấn của thuyết tính linh là Bùi Văn Hi và Trương Đăng Quế. Bùi Văn Hi (? - ?), người làng Châu Cầu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nội (nay thuộc tỉnh Hà Nam), đỗ Cử nhân thời Minh Mệnh (1820 - 1840). Tiểu sử của ông còn chưa rõ ràng, chỉ biết ông là thân phụ của danh sĩ Bùi Văn Dị (1833 - 1895), bác ruột của danh sĩ Bùi Văn Quế (1837 - 1813). Tư tưởng thi học của ông không được phát biểu trực tiếp mà thông qua lời “kể” của người con trai là Bùi Văn Dị. Trong Tốn Am thi sao tự tự (Kì Sơn tàng bản - Hải Dương?), Bùi Văn Dị dẫn lời Bùi Văn Hi bàn về thơ như sau: “Thơ nói chí, đấy là cái tính linh minh lưu hành từ khí tự nhiên, rồi phát ra thành lời ca vịnh, mới không rơi vào khuôn sáo tầm thường. Từ xưa đến nay những nhà làm thơ, đều chuyên về sở trường riêng, nhưng chỉ [người] có khí tính linh được thể hiện ra là đứng trên tất cả. Ông Tô Đông Pha có nói: “ý nghĩ đến đâu, bút theo đến đấy, là như vậy (...) tuy được cái mặt chữ Lan Đình, người ta vẫn thấy chán”(30). Người viết đề cập đến “khí tính linh” với sự đề cao rất mực: “người có khí tính linh được thể hiện ra là đứng trên tất cả”. Để giải thích xem “khí tính linh” là thế nào, Bùi Văn Hi trình bày hai điểm. Thứ nhất, ông dẫn lại mệnh đề “thi ngôn chí” quen thuộc, nhưng lí giải thêm: “đấy là cái tính linh minh lưu hành từ khí tự nhiên, rồi phát ra thành lời ca vịnh”. Ở đây, ta bắt gặp khái niệm “tính linh minh” (linh minh tính) của Vương Dương Minh (1472 - 1528). Khái niệm “linh minh” có ảnh hưởng không nhỏ đến thuyết tính linh của anh em họ Viên và phái Công An đời Minh, cho thấy ảnh hưởng của ‘tâm học’ (và xa hơn là ‘lí học’) đối với thuyết tính linh. Ông cũng nhấn mạnh, cái “linh minh” là từ “khí tự nhiên” mà lưu hành, khẳng định nguồn gốc tự nhiên, thiên bẩm của “chí”, hay của tính tình, và như vậy đề cao tính chân thực của cảm xúc thơ. Chỉ có tính chân thực của cảm xúc thơ mới khiến thơ “không rơi vào khuôn sáo tầm thường”. Đồng thời, khi đã nói đến “khí tính linh” hay “linh minh” tự nhiên thì cũng đã nói đến sự linh hoạt, biến hóa thần diệu. Thứ hai, Bùi Văn Hi dẫn lời của Tô Đông Pha bàn về thư pháp. Điều thú vị là câu nói của Tô Đông Pha đã từng được Cao Bá Quát dẫn dụng khi trình bày quan niệm thơ mang màu sắc thuyết tính linh của ông. Phải chăng ở đây có sự ảnh hưởng, kế thừa lẫn nhau? Hay đó là sự gặp gỡ ngẫu nhiên mà tất yếu của những tư tưởng lớn? Rõ ràng, cả Cao Bá Quát, Bùi Văn Hi (và Bùi Văn Dị sau này) đều ý thức được rất rõ nội hàm và chiều sâu quan niệm của hai chữ tính linh! Tuy họ không luận thuyết nhiều, nhưng tư tưởng của họ là rất sáng rõ! Không chỉ tiếp thu, các tác giả này còn có ý thức phổ biến, truyền bá thuyết tính linh rộng ra. Điều đó thể hiện qua sự tranh luận của Cao Bá Quát với Miên Thẩm khi viết tựa cho tập thơ của ông này trên kinh đô Huế (1849); qua lời dạy bảo của Bùi Văn Hi với con trai (Bùi Văn Dị, để rồi Bùi Văn Dị sẽ lại chia sẻ nó với các thân hữu của ông ở kinh đô Huế sau đó).

Tuy nhiên, ở khoảng giữa thế kỉ XIX, thuyết tính linh có phần chìm lắng, “lép vế” dường như do “sức ép” của tư tưởng thi học trên thi đàn chính thống với những lời công kích khá nặng (từ những tác giả chủ trương thuyết cách điệu, thần vận), mà trực tiếp hơn, cũng có thể do cái chết thảm khốc của một trong những khởi xướng thuyết tính linh - Cao Bá Quát (1855). Ít thấy ai khác còn đề cập đến thuyết tính linh, trừ một ông đại thần đầy bản lĩnh, và thừa uy thế, quê Quảng Nam nhưng có gốc gác Hà Tĩnh, là Trương Đăng Quế (1793 - 1865). Trong bài Học văn dư tập tự tự (1857), ông viết: “Tôi lúc nhỏ không có người dạy cho việc làm thơ, nhưng cũng cứ theo ý thích của mình mà làm, chẳng có khởi đề, thừa đề, chẳng có quy củ gì, gặp việc, xúc cảnh nên hứng thì thành ca ngâm, chỉ biết nung nấu, giãi tỏ tính tình mà thôi, (…) bèn xem khắp thơ những tác gia danh tiếng các đời, truy từ thời Tấn Nguỵ, Lưỡng Hán trở về trước, không thiếu đời nào, mới biết phép độ, chuẩn mực của người làm thơ. Tuy bàn luận rối bời nhưng rốt cuộc không ra khỏi hai chữ tính linh. Vì thế mà việc làm thơ là tận lực bày lời, không dựa dẫm vào môn hộ người khác. Ý đến thì bút chép theo(31). Cũng như Cao Bá Quát, Trương Đăng Quế cho tính linh là cốt lõi của việc làm thơ. Ông rất thâm thúy khi kể lại việc học thơ của mình thuở trẻ. Tưởng như đó là lời “tự trào” mà hóa ra không phải; đó là sự đề cao một lối thơ tự nhiên, chân thực. Ông từ chối sự mô phỏng “dựa dẫm theo môn hộ kẻ khác”. Sự chân thực, độc lập ở đây dẫn đến hệ quả tất yếu là sự biến hóa, lưu loát của hình thức. Quan niệm của Trương Đăng Quế “nhất trí” với quan niệm của Cao Bá Quát. Tuy nhiên, Trương Đăng Quế đơn độc. Uy tín, danh vọng rất lớn của ông cũng chưa đủ để tạo nên sự ảnh hưởng. Hơn nữa, Trương Đăng Quế là nhà chính trị khôn ngoan hơn là nhà thơ tâm huyết. Bởi vậy, ông không có ý định khuếch trương tư tưởng thi học của mình. Những học trò của ông (Miên Thẩm, Miên Trinh,...) lại đi theo khuynh hướng khác ông thầy của mình. Vì vậy, ảnh hưởng của thuyết tính linh chưa lan rộng trong cung đình Huế.

Dường như phải đến cuối thế kỉ XIX, khi Miên Thẩm (1870), Miên Trinh trở nên “kém minh mẫn” (như lời ông tự nhận trong Kiến Thụy công thi tập tự)(32), rồi Tự Đức (1883) ra đi, đất nước lâm nguy, vương triều Nguyễn suy yếu, tư tưởng thi học chính thống này giảm ảnh hưởng, thời cận đại đang đến gần, thuyết tính linh có xu hướng phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn.

Người mở đầu cho sự phục hồi này chính là Bùi Văn Dị, con trai của Bùi Văn Hi. Bùi Văn Dị, tự Ân Niên, hiệu Tốn Am, quê làng Châu Cầu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nội (nay thuộc tỉnh Hà Nam), đỗ Tiến sĩ năm 1890, làm quan đến chức Thượng thư, Phụ chính đại thần, có đi sứ Trung Hoa, thù phụng với nhiều danh sĩ nước bạn đương thời. Trong bài Tốn Am thi sao tự tự (“Mùa xuân năm Giáp Ngọ đời Thành Thái, 1894, Hải Nông ở Châu Giang viết ở Lục Vân sào tại thành Đông Quan”), Bùi Văn Dị đã nhắc lại quan niệm thi học của thân phụ Bùi Văn Hi, mà như ta biết, hạt nhân của quan niệm đó là thuyết tính linh. Ông cũng tỏ ra rất tâm đắc với quan niệm của cha khi viết: “Tôi lui ra mà ngẫm nghĩ thì mới ngộ ra ý chỉ của việc làm thơ!...Ôi! thơ thật là việc rất thừa, thế mà những duyên cớ vui buồn, hờn giận, âu lo ở đời đều có thể thấy được ở đó!”(33). Như vậy là, Bùi Văn Dị đã thấm nhuần quan niệm thi học của cha từ lâu, nhưng phải đến khi thành danh, ông mới đem quan niệm đó ra phát biểu. Hơn thế, Bùi Văn Dị còn có ý thức truyền bá thuyết tính linh ra bên ngoài. Cũng theo Bùi Văn Dị kể, quan niệm của ông được một số bạn bè chia sẻ, tán đồng. Ông viết: “Sau khi cởi bỏ áo vải, vào kinh đô, được qua lại với hai tiên sinh là Vân Lộc và Trúc Đường, lại được theo bàn luận về thơ, cũng được hai ông cho là phải”. Vân Lộc là Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890), Trúc Đường là Phạm Phú Thứ (1821 - 1882), hai danh sĩ triều Nguyễn. Phạm Phú Thứ quê làng Đông Bàn huyện Diên Phước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, làm quan nhiều năm ở Bắc Kì, là người có tư tưởng canh tân đất nước. Nguyễn Tư Giản, quê huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Du Lâm, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội), cháu nội danh sĩ Nguyễn Án (1770 - 1815), đỗ Hoàng giáp (1844), làm quan hơn 40 năm với nhiều chức vụ trọng yếu. Ở đây, ta lại thấy dấu ấn Thăng Long - Hà Nội ở những tên tuổi ủng hộ thuyết tính linh. Như vậy, có thể nói, thuyết tính linh đã được đưa vào “giảng dạy”, được đưa ra thảo luận và hẳn có ảnh hưởng nhất định trong đời sống thi học đương thời báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ của thuyết tính linh ở thời cận đại mà trung tâm lúc này chính là Hà Nội.

Mở đầu cho sự phục hồi này là việc xiển dương lại tư tưởng thi học của tiền nhân. Đầu thế kỉ XX, khi cho in lại Học văn dư tập của Trương Đăng Quế trong quyển Thi tấu hợp biên (1904) tại Liễu Văn đường (Hàng Gai - Hà Nội), các tác giả Vương Duy Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Hoàng [Trọng] Mậu đã viết Tựa, Bạt cho cuốn sách này. Trong các lời tựa bạt đó, các tác giả không quên nhắc lại quan niệm thơ của Trương Đăng Quế, họ đặc biệt tâm đắc với thuyết tính linh của ông. Chẳng hạn, bài Thi tấu hợp biên bạt của Hoàng [Trọng] Mậu cho biết: “Thi học của Quận vương và tướng công Quảng Khê rất rộng. Như hợp lại mà xem thì trong lời tựa tập sách của tướng công có câu ‘không ra khỏi hai chữ tính linh’. Quận vương viết tựa cho tập sách cũng có câu: ‘tập hợp các nhà tuy nhiều nhưng thơ vẫn giữ được chuẩn tắc, đó là nhờ vào có cái tinh túy ở trong đó’”(34). Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1929), tự Đỉnh Thần, hiệu Mai Sơn, quê làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), đỗ Hoàng giáp năm 1889, làm qua đến Đốc học, tham gia phong trào Đông Du và Việt Nam Quang Phục hội. Vương Duy Trinh (? - ?), hiệu Đạm Trai, quê làng Phú Diễn, huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), đỗ Cử nhân, làm qua đến Tổng đốc. Hoàng Trọng Mậu (1874 - 1916), tuy quê gốc Nghệ An, nhưng tham gia phong trào Đông Du sôi nổi ở Hà Nội, cuối đời bị giam ở Hỏa Lò, bị bắn tại trường bắn Bạch Mai, Hà Nội. Bởi thế, có thể nói, các ông đều “ngấm” trong mình cốt cách Thăng Long - Hà Nội, và phải chăng vì vậy mà họ tiếp nhận thuyết tính linh một cách khá cởi mở và nồng nhiệt? Bên cạnh đó, sự tiếp nhận này còn là kết quả của sự thấm nhuần tư tưởng “tân học”, “cải cách” theo tinh thần Đông Kinh nghĩa thục.

Bình luận về thuyết tính linh, Phạm Ngọc Hiền có một nhận xét khá xác đáng rằng: “Sang giữa thế kỉ XIX, Cao Bá Quát đề cao thuyết tính linh trong sáng tác văn học và được nhiều nhà Nho có tư tưởng cởi mở thời đó ủng hộ. Điều này cho thấy văn chương lúc bấy giờ đang có sự bứt phá khỏi thi pháp cổ điển để chuẩn bị chuyển sang thi pháp hiện đại”(35). Quả vậy, sau này bước sang thời hiện đại, thuyết tính linh vẫn được tiếp tục đón nhận, ủng hộ, tiêu biểu là quan điểm của Phan Khôi. Quan điểm của Phan Khôi lại là đại diện cho một lớp các nhà “Thơ Mới” trên con đường bứt phá khỏi thi pháp truyền thống và chính thống (mà có thể nói tiêu biểu nhất cho thi pháp truyền thống đó chính là chủ trương của các phái thần vậncách điệu). Đây chính là con đường Phan Khôi tìm đến thuyết tính linh mà Cao Bá Quát gần một thế kỉ trước đây đã khởi xướng với sự nhiệt thành hiếm thấy. Cũng chính vào lúc này, tên tuổi, sự nghiệp của Cao Bá Quát mới được người ta quan tâm tìm hiểu và khôi phục lại mạnh mẽ.

Phan Khôi (1887 - 1959), quê làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cháu ngoại Tổng đốc Hoàng Diệu (1829 - 1882), trước theo Nho học, đỗ Tú tài, sau bỏ theo tân học, tham gia Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội (1907), sau đó làm báo nhiều năm ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế. Sau năm 1954 cho đến khi mất, Phan Khôi chủ yếu sống ở Hà Nội. Tuy là “người Quảng Nam hay cãi” nhưng tính cách đó có vẻ như lại thích hợp với môi trường Hà Nội lúc bấy giờ. Phan Khôi là ví dụ tiêu biểu cho việc, một người không có gốc gác Thăng Long - Hà Nội nhưng hấp thụ văn hóa, tri thức Thăng Long - Hà Nội vào mình một cách đậm đà, toàn diện. Phan Khôi là học giả có uy tín trên nhiều lĩnh vực, trong đó, về tư tưởng thi học, ông được đánh giá cao với công trình tiêu biểu: Chương Dân thi thoại. Chương Dân thi thoại, nguyên tên là Nam âm thi thoại, vốn là một mục trên các báo Nam phong tạp chí (Hà Nội), Đông Pháp thời báo (Sài Gòn), Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), Thần chung (Sài Gòn), Trung Lập báo (Sài Gòn), do Phan Khôi phụ trách chuyên bàn về thơ. Mục này khởi đầu năm 1918 và xuất hiện rải rác cho đến năm 1931. Đến năm 1936, Phan Khôi tập hợp các bài viết về mục này trên các báo xuất bản thành sách, đặt tên là Chương Dân thi thoại (Đắc Lập, Huế),... Có thể nói, Chương Dân thi thoại là một trong những chiếc “cầu nối giữa thi học Việt Nam trung đại và hiện đại”(36). Trong Chương Dân thi thoại, Phan Khôi tỏ ra tâm đắc với thuyết tính linh bởi thuyết tính linh của Viên Mai có xu hướng tiếp cận tư tưởng thi học hiện đại và trên thực tế có ảnh hưởng mạnh trên thi đàn Trung Quốc đầu thế kỉ XX. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần truy cầu đặc trưng và đổi mới thơ của Phan Khôi. Nhận xét về Tùy Viên thi thoại, công trình thi học quan trọng nhất của Viên Mai, Phan Khôi viết: “bộ thi thoại nầy của Viên Mai, hiệu Tùy Viên là bộ thi thoại có tiếng nhất đời Thanh, nhiều người đọc và ưa nó lắm. Tôi làm việc nầy là việc điên điên ngộ ngộ, xin chớ ai cười!”. Cái việc “điên điên ngộ ngộ” ấy chỉ là cách nói khiêm tốn mà đằng sau là tâm huyết, nỗ lực thầm kín của ông. Với việc dịch thơ, ông cũng có một chủ trương rất rõ ràng, theo thuyết tính linh của Viên Mai: “Tôi muốn dịch, là muốn dịch những thơ chuyên tả tánh linh ấy kia”(37). Tư tưởng của Phan Khôi cũng chịu ảnh hưởng của thuyết tính linh khá rõ, như ông phê phán sự mô phỏng, rập khuôn, sáo rỗng người xưa (thuyết cách điệu), phê phán những loại thơ cử tử, thơ “công thiếp”, thơ “khẩu khí”, “thơ nhà nghề”; đề cao những tác phẩm thể hiện tình cảm chân thật, sự sáng tạo độc đáo. Không phải ngẫu nhiên, trong Chương Dân thi thoại, Phan Khôi phê phán cả Miên Thẩm: “Thơ của ngài vẫn hay thật, nhưng cũng có người không phục, cho là “thơ nhà nghề” (thi nhân chi thi); vả lại ở trong có nhiều cái khí vị vương tôn công tử, rõ là giọng thơ quý phái, không có ảnh hưởng gì đến xã hội. Tôi đã đọc qua mấy lần cũng thấy như vậy”(38). Quan điểm đó nhất quán trong toàn bộ công trình của Phan Khôi và cũng chính là động lực để sau đó, ông có chủ trương đổi mới thơ ca đương thời. Ông làm bài thơ Tình già (Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, 1932)- bài thơ mở đầu cho phong trào Thơ Mới - cũng trên tinh thần của thuyết tính linh: “Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thực nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được, song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết. Ấy là như: Tình già”(39). Hưởng ứng cái mới, hưởng hứng sự dân chủ, Phan Khôi tìm đến thuyết tính linh như một tất yếu. Theo chúng tôi, nhờ tính cởi mở, dân chủ, thuyết tính linh phù hợp với tinh thần đổi mới, hiện đại hóa thi học. Cũng chính nhờ tính cởi mở, dân chủ đó, phi thần bí, nó cho phép các tác giả sáng tác cả thơ quốc âm (vốn khác thơ chữ Hán về nhiều mặt: ngôn ngữ, tư duy nghệ thuật), mà một trong những xu thế của thơ cận hiện đại là quay về với quốc âm. Đây là một điểm khác biệt đáng lưu ý của thuyết tính linh so với thuyết cách điệu và nhất là thuyết thần vận. Tuy nhiên, đến Phan Khôi ta cũng thấy, sự phân biệt các vùng địa lí, các không gian văn hóa cũng đã ngắn lại, nhòe mờ. Phan Khôi làm báo khắp Bắc - Trung - Nam; Chương Dân thi thoại được công bố khắp nơi (Sài Gòn - Hà Nội - Huế). Đây là hệ quả của quá trình hiện đại hóa, là sức mạnh của báo chí và xuất bản thời cận - hiện đại.

1.3. Vì sao thuyết tính linh lại nảy nở, phát triển mạnh ở Bắc Hà mà trung tâm là Thăng Long - Hà Nội? Theo thiển nghĩ của chúng tôi, có hai nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, Bắc Hà là mảnh đất lâu đời của lí học, tâm học. Dấu ấn lí học, tâm học trong lịch sử tư tưởng Việt Nam bắt đầu đậm nét từ cuối thế kỉ XV - thế kỉ XVI và càng trở nên sâu đậm ở thế kỉ XVIII - XIX với trung tâm là Thăng Long - Hà Nội. Lí học, tâm học thế kỉ XVIII - XIX lại mang đậm dấu ấn trào lưu “thực học”(40) - chủ trương sự hòa đồng mang tính phổ quát để xóa nhòa khoảng cách trung tâm - ngoại vi, cắt nghĩa sự mở rộng đất nước, đem lại tính dân chủ nhất định trong quan niệm. Một vài nét quan niệm của lí học, tâm học (và thực học) đã được chuyển hóa vào tư tưởng thi học, trong đó có thuyết tính linh, điển hình là nét dân chủ, bình đẳng của nó. Chẳng hạn, thực chất, tính linh trong quan niệm của các nhà Nho thế kỉ XVIII, được nhìn dưới quan niệm của “lí học” Tống Nho (với quan niệm về “thiên lí”, “thiên tính”, “tính lí”,...) và “tâm học” (với quan niệm về “tính linh minh”, “tinh linh”, “lương năng”,...). Theo Tiêu Hoa Vinh, sự thịnh hành của thuyết tính linh thời Minh Thanh có liên quan đến phái “tâm học” đời Minh mà đại diện là Vương Dương Minh (và sâu xa hơn lại là “lí học” thời Tống). Họ Vương đề cao chữ “tâm”, gọi nó là “linh minh” và khẳng định: “linh minh của ta là chủ tể của trời đất, quỷ thần” [Truyền tập lục, quyển hạ] nhằm làm mờ đi những ranh giới thực tế (về địa vị, chủng tộc,…) trong xã hội. Từ đó, trong phái tâm học, một loạt khái niệm tương tự cũng được sử dụng phổ biến như “tinh linh”, “linh cơ”, “linh căn”,… Khái niệm tính linh là sự vận dụng lí thuyết “tâm học” vào thi học(41). Tính linh, ở đây, là tình cảm, đồng thời là khả năng nắm bắt và thể hiện tình cảm đó một cách biến hóa, linh hoạt. Đến thế kỉ XIX, qua lời giải thích của Bùi Văn Hi, qua quan niệm của Cao Bá Quát, ta càng thấy rõ hơn, vai trò của lí học, tâm học trong sự hình thành của thuyết tính linh ở các tác giả đương thời. Chỉ cần họ rũ bỏ đi gánh nặng đạo lí siêu hình, bảo thủ của lí học và tâm học, họ sẽ có được một cái nhìn sâu sắc, tích cực về gốc gác tình cảm, về sự biến hóa linh hoạt của sáng tạo thơ ca. Đây chính là hạt nhân của thuyết tính linh. Bên cạnh đó, Bắc Hà (Thăng Long - Hà Nội) là nơi cắm rễ sâu xu hướng “chủ tình”, “quý chân”, tinh thần tự chủ trong sáng tạo văn học, là nơi lắng lại những gì sâu sắc nhất của cả nghìn năm văn học, mà tinh thần này hợp với thuyết tính linh. Truyền thống thi học Bắc Hà (Thăng Long - Hà Nội) chừng mực, không quá đề cao hình thức (như thuyết cách điệu), không đề cao sự đài các, cao siêu, thần bí (như thuyết thần vận) mà đề cao sự chân chất, “vụ thực” là điều kiện thuận lợi để tiếp nhận thuyết tính linh.

Thứ hai, không kém phần quan trọng là, Bắc Hà (Thăng Long - Hà Nội) từ đầu thế kỉ XIX trở đi không còn là đất “thần kinh” của triều đại chính thống. Nó tỏ ra thất thế trước Nam Hà (Thừa Thiên - Huế; Sài Gòn - Gia Định) trong con mắt triều đình quân chủ chuyên chế. Nó không còn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước nữa. Nhưng trí thức Thăng Long - Hà Nội vẫn nỗ lực khẳng định thiên hướng, bản sắc của họ qua những gì mà triều đình nhà Nguyễn cố tìm cách “chối bỏ” hoặc kiềm chế. Với thân phận bị “phân biệt đối xử” nhất định, họ phải khẳng định tư tưởng riêng của mình một cách kín đáo, khéo léo với tư cách những kẻ “dưới” bản lĩnh, cứng cỏi. Họ cũng chống lại khuynh hướng “cung đình hóa”, “đài các hóa” các hiện tượng văn hóa - văn nghệ. Hơn nữa, việc không còn là “trung tâm quyền lực” lại là một lợi thế để Thăng Long - Hà Nội tiếp thu những luồng tri thức văn hóa, văn học không được xem là “chính tông”, “chính thống”, “trung tâm”. Thuyết tính linh nằm trong số đó. Nó tìm đến với những vùng ngoại biên, xa trung tâm, với những nhân vật đặc biệt, có thiên hướng “phản kháng” lại cái trung tâm, cái chính thống. Nếu như hoàng phái triều Nguyễn và giới trí thức Nam Hà đa phần đi theo tư tưởng thi học chính thống “thời thịnh” nhà Thanh (với thuyết thần vậncách điệu), thì trí thức Bắc Hà - Thăng Long, Hà Nội tìm đến với một lí thuyết không quá “nổi” đương thời, nhưng tiến bộ, bênh vực giới trí thức xuất thân cấp thấp hoặc thất thế, bênh vực “ngoại biên” khiến họ có thể tự tin đứng trên văn đàn để khẳng định tài năng của mình, dẫu bị dèm pha, phân biệt. Trường hợp Cao Bá Quát chính là điển hình cho hiện tượng này. Ông đã rất cá tính và bản lĩnh khi trình bày quan niệm độc đáo, tích cực của mình ngay trong tập thơ của vị lãnh tụ thi đàn chính thống triều Nguyễn. Ông cũng khảng khái tranh luận với Miên Thẩm, Miên Trinh,... về sự khác nhau trong tư tưởng thi học của họ. Cao đã không đơn độc, nhiều trí thức Bắc Hà qua các thế hệ đã ủng hộ ông: Bùi Văn Hi, Bùi Văn Dị, Nguyễn Thượng Hiền, Hoàng Trọng Mậu, Vương Duy Trinh, Phan Khôi,v.v... Đây phải chăng là bản lĩnh học thuật Thăng Long - Hà Nội, bản lĩnh Bắc Hà trong những bước thăng trầm của lịch sử? Ngược lại, những lí thuyết thi học không phải “thời thượng”, không phải “nhất đại chính tông” ở Trung Hoa như thuyết tính linh muốn du nhập vào Đại Việt cũng không có nhiều cơ hội chen chân vào thi đàn chính thống ở kinh đô Huế và Sài Gòn - Gia Định, chỉ có cửa ngõ Thăng Long - Hà Nội (với tình huống bị thất thế) là tỏ ra thích hợp.

3. Lời tạm kết

          Có thể nói, tái hiện lịch sử (dù là lịch sử chính trị xã hội hay văn hóa, văn học) là những giả thiết, và giả thiết chỉ có thể thuyết phục khi dựa trên nhiều chứng cớ xác đáng, tin cậy. Hiện thời, giả thiết của chúng tôi đưa ra đã được kiểm nghiệm bằng một số minh chứng nhất định. Tuy nhiên, có lẽ cần nhiều hơn nữa những dẫn chứng, đặc biệt là những thiết chứng, những tư liệu cho thấy con đường tiếp thu trực tiếp thuyết tính linh qua cửa ngõ Thăng Long - Hà Nội: học hành - thi cử, du nhập thư tịch, trao đổi học thuật, bang giao, in ấn, phát hành,v.v… Cần sự so sánh các đặc điểm của sự tiếp biến văn hóa ngoại lai của các trung tâm: Thăng Long - Hà Nội; Thừa Thiên Huế; Sài Gòn - Gia Định trong xu thế thống nhất đất nước thời trung - cận đại. Cũng cần có sự minh định hơn nữa đặc tính văn hóa Thăng Long trong sự tiếp thu một lĩnh vực trừu tượng như tư tưởng thi học, tư tưởng văn học. Điều này cần có sự gia công khảo sát lâu dài trong tương lai của nhiều người, trên nhiều bình diện. Vì vậy, ở đây, chúng tôi coi vấn đề trọng tâm của bài viết này là một đề xuất, mô tả để chúng ta cùng suy ngẫm, đào sâu thêm, trên con đường đi tìm “sự thật” xung quanh những sự “diễn giải”.

                                                                   Hà Nội, tháng 06 năm 2010.

 

Chú thích

(1) Nguyễn Thanh Tùng (2008). “Vài nét về thuyết tính linh trong tư tưởng thi học Việt Nam thời trung đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1; Nguyễn Thanh Tùng (2010), “Vài nét về bản chất, quan niệm thi học của Cao Bá Quát”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Cán bộ trẻ ĐHSP Hà Nội, Nxb ĐHSP Hà Nội.

(2) Khái niệm “cận đại” ở đây chỉ quãng thời gian đầu thế kỉ XX (1900 - 1932).

(3) (21) Xin xem: Vương Tiểu Thuẫn, Hà Thiên Niên, Việt Nam cổ đại thi học thuật lược, Tạp chí Văn học bình luận, số 5 năm 2002; Vương Tiểu Thuẫn, Hà Thiên Niên, Việt Nam cổ đại đích thạc quả: Thương Sơn thi thoại, trong sách Trung Quốc thi học (tập 9, Tưởng Dần chủ biên, Nhân Dân văn học xuất bản, 2004; Nguyễn Đình Phức. (2006). "Nguyễn Miên Thẩm dữ thần vận thi học”, trong Ngoại vực Hán tịch nghiên cứu tập san, đệ nhất tập, Trương Bá Vĩ chủ biên, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh; Nguyễn Đình Phức (2006). “Về bài Tự tự Tĩnh Phố thi tập của Miên Trinh”, Tạp chí Hán Nôm, số 3, tr.45-46; Nguyễn Thanh Tùng (2007), “Vài nét về văn bản và giá trị của Thương Sơn thi thoại”, Tạp chí Hán Nôm, số 3; Nguyễn Thanh Tùng (2008), “Lược khảo về thi thoại Việt Nam thời trung đại”, Đặc san khoa học Cán bộ trẻ ĐHSP Hà Nội; Nguyễn Đình Phức (2010), “Ảnh hưởng của thuyết thần vận đời Thanh vào lý luận thơ chữ Hán Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX”, Hội thảo Nghiên cứu Hán Nôm và nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học KHXH&NV Tp Hồ Chí Minh;v.v…

(4) (5) Lê Quý Đôn (1977). Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2 (Kiến văn tiểu lục), Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.210-214; tr.215-216.

(6) Bùi Duy Tân (cb) (2000). Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 5, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.912; tr.933.

 (7) Lê Quang Bí, Vũ Công Đạo, Tư hương vận lục, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.699; 1a-b.

(8) Trần Nho Thìn (2008). Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, H, tr.548.

(9) (14) Vương Tiểu Thuẫn, Hà Thiên Niên, Việt Nam cổ đại thi học thuật lược, Tạp chí Văn học bình luận, số 5 năm 2002, tr.24; tr.25.

(10) Đặng Huy Trứ (1868), Đông Nam tận mĩ lục, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.416, tờ 4a.

(11) Đại Nam bi kí thi trướng bảo tập, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.222, tờ 82b?.

(12) Nguyễn Phúc Miên Thẩm, Thương Sơn thi thoại, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: VHv.105, tờ 54a.

(13) Lê Quý Đôn (1962). Vân Đài loại ngữ, tập 1, Trần Văn Giáp dịch, Nxb Văn hoá, H, tr.239.

 (15) (16) (19) (25) (28) (29) Đặng Đức Siêu (cb), Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 18, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr.116; tr.132; tr.193; tr.189; tr.183.

(17) Cao Bá Quát, Cúc Đường thi loại, quyển 2, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv. 1433.

(18) (20) (32) Nguyễn Phúc Miên Trinh (1875). Vi Dã hợp tập, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu: A.782/1-3.

(22) (30) (33) Bùi Văn Dị, Tốn Am thi sao, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: VHv.702, tờ 1a; tờ 1b, tờ 1b.

(23) (24) Nguyễn Đình Phức, (2009). “Luận thi thi một hình thức phê bình trong văn học Việt Nam cần được chú ý khai thác”, Tạp chí Hán Nôm, số 5, tr.35; tr.36.

(26) (27 ) Vũ Khiêu (cb) (1984). Thơ văn Cao Bá Quát, Nxb Văn học, tr.346; tr.167-168.

(31) Trương Đăng Quế, Trương Quảng Khê tiên sinh thi tập, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHv. 30, tờ 1a -b.

(34) Vương Duy Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Hoàng Trọng Mậu, Thi tấu hợp biên, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: R.450, tờ 87a-b.

(35) Phạm Ngọc Hiền (2008). “Lược sử thi pháp Việt Nam”, Tạp chí Văn nghệ sông Cửu Long. URL: http://vannghesongcuulong.org

(36) Nguyễn Thanh Tùng (2009), Chương Dân thi thoại - cầu nối giữa thi học Việt Nam trung đại và hiện đại, Tạp chí Khoa học, số dành cho Hội thảo Khoa học cán bộ trẻ trường ĐHSP Hà Nội, trang 112 - 123.

(37) (38) Phan Khôi (1996). Chương Dân thi thoại, Nxb Đà Nẵng, tái bản, tr.144, tr.90.

(39) Phan Khôi (1932), Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ, trong Nguyễn Ngọc Thiện, Cao Kim Lan (2002), Tranh luận văn nghệ thế kỉ XX, tập 2, Nxb Lao Động, H, tr.53.

(40) Xem: Nguyễn Kim Sơn (2009), “Cuộc vận động cải cách văn thể, tâm thái sĩ phu và động hình của văn chương Việt Nam cuối thế kỉ XVII, thế kỉ XVIII”, trong Nghiên cứu văn học Việt Nam, những khả năng và thách thức, Viện Harvard - Yenching, Nxb Thế giới, H, tr. 203; Alexander Woodside (?), “Trật tự lãnh thổ và các căng thẳng trong căn cước tập thể tại vùng Á Châu theo Khổng học” (“Territorial Order and Collective-Identity Tensions In Confucian Asia: China, Vietnam, Korea”), URL: http://www.gio-o.com/NgoBacWoodsideKhongTu1.htm

(41) Tiêu Hoa Vinh (1996). Trung Quốc thi học tư tưởng sử, Hoa Đông sư phạm đại học xuất bản xã, Thượng Hải, tr.281 - 282.

 

ThS. Nguyễn Thanh Tùng

                                                                (Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Cành Mai Trước Sân Cành Mai Trước Sân
17/11/2009 04:19:00
Next

Đăng nhập