Những ghi chép chữ nghĩa khi đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi

Đã đọc: 9215           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Nguyễn Trãi

Bài Những ghi chép chữ nghĩa khi đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (phần 1) của Nguyễn Hùng Vĩ đã phát hiện và sửa chữa 27 trường hợp, xuất hiện 41 lần chữ phiên sai của các thế hệ học giả từ 1956 đến nay.

Bài này chúng tôi tiếp tục phát hiện và sửa chữa thêm 14 trường hợp, xuất hiện 20 lần nữa như đã hứa với các độc giả trong bài trước. Các bản phiên âm nền mà chúng tôi thực hiện khảo sát nghiên cứu là các bản phiên âm từ trước đến nay, trong đó bản của nhóm Mai Quốc Liên năm 2001 (MQL2001) được chú ý nhiều hơn. Đây là bản phổ biến và có ảnh hưởng đến giới học thuật trong 10 năm trở lại đây. Các văn bản chữ Nôm mà chúng tôi tiến hành phiên âm, khảo sát gồm bản A tại Viện NC Hán Nôm còn bản B chúng tôi phải dựa trên sự mách bảo của bản phiên TVG-PTĐ 1956[1]. Các phương pháp mà chúng tôi sử dụng là văn tự học, ngữ văn học, ngữ âm lịch sử, văn hóa học… Các vị trí được khảo sát sẽ được đánh dấu lần lượt theo số thứ tự bài và thứ tự câu trong từng bài đó, ví dụ: 9.6, nghĩa là bài thứ 9 tại vị trí câu thứ 6 của bài này. Các chữ Nôm tự tạo phần lớn sẽ không dùng font cho chữ Nôm mà sẽ ghép các yếu tố Hán lại với nhau (A: nghĩa phù, B:  âm phù) và đặt trong ngoặc vuông [ A + B], để dễ phân tích cấu trúc cũng như thuận tiện hơn cho việc công bố và xuất bản.

 

 1. Hàu chất so le CỤM cuối làng (9.6)

Về chữ cụm [木+禁] này, các bản phiên của TVG-PTĐ1956, ĐDA1976, BVN1994, nhóm MQL2001, Nhóm NTN2008 đều phiên là khóm. P.S1991 phiên là cụmTừ điển chữ Nôm do GS Nguyễn Quang Hồng chủ biên (2006) cũng phiên cụm trong phần ngữ liệu. Chúng tôi cho rằng phiên khóm là chưa đúng vì những lẽ sau đây:

- Chữ khóm trong toàn văn bản Quốc âm thi tập xuất hiện 4 lần và được ghi bằng chữ và rất hợp nghĩa văn cảnh:

19.1       Thương Lang mấy khóm một thuyền câu.

56.1       Ruộng đôi ba khóm đất con ong.

150.7     Khóm ruộng ăn ngày tháng đủ.

254.5     Khỏe cày ruộng thánh đà nhiều khóm.

Các ngữ cảnh cho ta thấy 3 câu gắn với ruộng và 1 câu gắn với sông. Ở đây chữ thổ để biểu nghĩa và chữ khám để biểu âm nên phiên khóm là ứng hợp. Đồng thời cũng cho ta thấy trong trường hợp này, các nhà cổ học làm sách rất nhất quán, có chủ ý. Từ điển P. de Béhaine (1772-1773) cũng ghi Nôm chữ này và ghi quốc ngữ là khóm với các ngữ liệu ruộng khóm (phần chia ruộng đất, phần đất thuộc về ai) và hoa khóm (một thứ rau thơm) [5, tr.285, 4,tr.227]. P. Của cũng vậy với các từ một khóm, chòm khóm [, tr.499]. Các từ điển này cũng ghi cụm bằng mã chữ [木+禁] [5, tr.146; 4, tr.102], [7, tr.203]

Chữ cụm chúng ta đang nói xuất hiện 4 lần và được ghi bằng mã chữ [bộ mộc + cấm ]. Những văn cảnh xuất hiện như sau:

9.6         Hàu chất so le cụm cuối làng.

18.6       Ngày vắng chim kêu cuối cụm hoa.

126.1     Giậu sưa sưa hai cụm trúc.

234.1     Đất dư dưỡng được cụm hoàng tinh.

Ta thấy trong các ví dụ trên có 3 câu chữ cụm gắn loài cây và 1 câu chữ cụm là một danh từ được đặt trong thế đối với danh từ thuyền. Bình thường có thể giải thích cụm là một nhóm nhỏ các mái nhà lúp xúp ở cuối làng. Nhưng không hẳn đã ấn định được như vậy. Có thể là các đụn rơm rạ, các đống củi, các bụi cây xum xúp, thậm chí có thể các cụm rạ trên mảnh ruộng cuối làng. Đọc cả hai câu này ta thấy không thể ấn định một nghĩa cứng nhắc nào cả:

Tằm ôm lúc nhúc thuyền đầu bãi

Hàu chất so le cụm cuối làng.

Về ngữ âm, chữ cấm theo cách đọc Hán Việt rõ ràng là gần với cụm hơn khóm, ít ra là về thủy âm và chung âm. Trong từ điển của P. de Béhaine nói trên mục chữ cụm cũng viết [ mộc + cấm] với chú thích cụmbụi, với ngữ liệu bụi cây. Lại ở đây nữa, ta thấy các cụ làm bản Nôm rất chọn lọc chữ. Phần biểu ý dùng bộ mộc là hợp lí. Từ điển chữ Nôm của Nguyễn Quang Hồng chủ biên còn ghi cụm với các tự dạng [口+禁], [扌+禁] với các văn cảnh khác như: Một am ở cụm Tây Lâm (Dương từ Hà Mậu, 12), Khu đào cụm liễu trải qua (Dương từ hà mậu, 11), Xảy nghe bên cụm dâu xanh (nt, 20), Khuất cụm câu buông cần nhẹ (Hồng Đức QATT, 29a), Ít nhiều hương cụm nhặt thưa bóng cành (Hoa Tiên, b), Rễ cụm tóc trên (Đại Nam quốc ngữ, 68a) [15, tr.214-215]. Từ điển chữ Nôm trích dẫn của Viện Việt học thì lại đánh đồng giữa cụm khóm, coi khóm là hình thức chính thức hơn. Tuy nhiên, ngay trong một mục từ thì các soạn giả lại có các phương án phiên khác nhau (thành khóm, cụm, cắm) [17, tr.615]. Thiết nghĩ, nên chuyển tất cả các ngữ liệu trên về dạng cụm cho chuẩn. Từ điển này cung cấp thêm một số ngữ liệu như sau: Kỳ viên mấy cụm đào hồng, nùm hoa sim dại con ong ước thầm (Thiên Nam ngữ lục, c.5717-5718), Ngọn nguồn kia lai láng mái ghềnh kia, Đèn chiếu thủy vốn chia dòng Kinh Vị; chòm cỏ mọc tần vần bên miếu nọ, trống thôi hoa từng ghẽ cụm lan du (Tây Hồ, 51a), sực nhìn dưới cụm phù dung, phấn môi nắng ánh áo hồng gió bay (Song tinh bất dạ, c.893-894),ngoài ra, chữ này, chúng tôi còn phát hiện dùng để ghi âm động từ cặm hoặc cắm vì gần âm hơn: nhác trông sao đẩu về đông, chị em ra sức cho xong mẫu này, lom lem tay cặm(cắm) chân dày, năng trồng cây ngọc cũng ngày hữu thu (Thanh Hóa quan phong, 19a) [17, tr.615]. Ngữ liệu đến đây đã tạm đủ. Chúng ta có thể tiến hành phân suất nghĩa để phân biệt từ cụm khóm như sau. Với tiếng Việt cổ từ thế kỷ XVIII trở về trước, cụm có nghĩa là tập hợp các tán lá của các loài cây (đây là nghĩa phổ dụng nhất), nhưng cũng đã bắt đầu mở rộng trường nghĩa để chỉ một tập hợp khác lớn hơn (như trong câu cụm cuối làng), ngoài ra cụm còn là một động từ (cụ thể xin xem trường hợp dưới); từ khóm là từ trỏ các không gian lớn hơn nhưng có sự phân cắt, ví dụ: khóm đất, khóm ruộng, khóm nước, khóm Thương Lang. Một số ngữ liệu bổ sung như sau: trời trời xanh, nước nước biếc, làu làu muôn khóm pha lê (Thúy sơn, 1a), thức xuân rước gió như cười, chòm thanh khóm dật khác vời chân du (Mai đình mộng ký, c.153-154). Thế nhưng, đến cuối thế kỷ XIX, cụm khóm đã nhập vào dùng chung: có khách đưa cho một khóm trà, say nhè nào có bén mùi hoa (Yên Đổ, Sơn Trà, 4a). Việc khảo sát và phân suất nghĩa cho hai từ này từ cuối thế kỷ XIX đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Tóm lại, không thể vì có một nhóm từ gần âm gần nghĩa nhau như cụm, khụm, khúm, khóm, xóm, xúm, xụm, rúm mà khi phiên dễ dàng tùy ý lựa chọn. Giải pháp phiên cả 8 trường hợp trên, vốn được ghi có chủ ý bằng 2 mã chữ khác nhau, thành khóm cả là vô tình đã làm nghèo chữ nghĩa của Nguyễn Trãi.

 

2. Cây CỤM chồi cành chim kết tổ. (11.4).

Về câu thơ này cũng không có sự thống nhất khi phiên. TVG-PTĐ1956 đã phiên chữ Nôm [艸+禁]cớm và chú thích Cây cớm: Cây lá um tùm. ĐDA1976 vì cho rằng chữ cấm là do chữ diệp lộn thành nên phiên là rợp. BVN1991 phiên là rậm. Nhóm MQL2001 cũng theo phiên là rậm còn NTN2008 trở lại phiên cớm. Tự điển Chữ Nôm của Viện NC Hán Nôm, và Tự điển chữ Nộm trích dẫn của  VVH cũng phiên là cớm.

Chúng tôi không đặt vấn đề chữ viết lộn vì mã chữ này vẫn có thể cho chúng ta một số phương án đọc khác. Chữ rậm mới nghe thì có vẻ thuyết phục cả về âm, về nghĩa và về đối thơ nhưng nghĩ kĩ sẽ không ổn vì hầu như chưa gặp tiền lệ ghi Nôm như thế.Tuy nhiên, phương án nào hợp lý hơn cả thì lại cần phải biện luận một cách khá chi tiết. Với chữ cớm mà giải nghĩa là um tùm thì rõ là ép nghĩa vì chữ cớm trong tiếng Việt dùng để chỉ trạng thái cây bị che mất ánh sáng nên không thể quang hợp và phát triển tự nhiên, khiến cho lá mầm có màu vàng nhạt. Mặt khác, chữ cớm là một từ khá mới, không thấy ghi nhận trong bất cứ từ điển nào, và cũng không thấy xuất hiện ở bất cứ ngữ liệu văn học cổ nào (ngoài trường hợp đang bàn). Từ điển đầu tiên ghi nhận từ này là cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức năm 1931 [tr.95].

Chúng ta gặp chữ rậm được ghi bằng các mã chữ như sau 林, 甚, 椹,葚, và [艸 +椹] [15, tr.943]. Nhóm MQL lấy ngữ liệu Truyền kì mạn lục giải âm dùng chữ này (mà các ông phiên là khóm - NHV nhấn mạnh) để dịch chữ Hán tùng rồi lấy nghĩa rậm rạp, bụi rậm làm nghĩa chính để chứng minh cách phiên rậm là quá ép nghĩa. Tùng trước hết vẫn có nghĩa là bụi. Còn rậm là nghĩa suy ra, nghĩa phái sinh do các soạn giả tự suy đoán. Về từ nguyên, thì rậm có thể có nguyên từ là sâm , từ sâm còn cho một biến thể khác là sum trong tiếng Việt. Còn từ cụm trong chữ Nôm vẫn được ghi nhất quán chỉ bằng 1 thanh phù duy nhất là cấm như đã nêu trên.

Cũng như ở mục 1, ta thấy cấm đã biểu âm cho cụm, thì ở đây cấm vẫn biểu âm đó, nhất quán. Về đối thơ cụm hoàn toàn có thể đối được với quang ở câu sau khi hai thực từ này đều chỉ trạng thái cảnh vật:

Cây cụm chồi cành, chim kết tổ

Ao quang mấu ấu, cá nên bầy.

Cụm chồi cành là trạng thái sinh trưởng của cây cũng như quang mấu ấu là trạng thái hiện thực của ao. Đôi phát ngôn trên được dựng theo kết cấu đề - thuyết. Nhưng đằng sau nó là có bàn tay của thi sĩ ẩn cư. Chăm cây để dọn tổ cho chim về, làm cỏ ao để cho cá lội. Đó là cảnh giới cao nhất về đời sống của người ẩn sĩ. Đời sống vật chất và tinh thần nhất thể hóa làm một.

 

3. Khách đến vườn còn hoa LIẾC (35.5)

Chúng tôi chọn phương án phiên là LIẾC trong câu thơ này là sau một quá trình suy nghĩ nghiêm túc để đạt đến sự hợp lí giữa chữ, nghĩa và âm đọc. Phiên lác như các tác giả khác cũng được, nhưng rất tiếc là họ đã hiểu sai nghĩa nên dùng liếc là để phân biệt cho rõ. Về chữ này, ta thấy:

TVG-PTDD1956 phiên là lác và chú thích: “Hoa lác: Vườn còn lác đác mấy đóa hoa”.

ĐDA 1976 không đồng thuận với cách phiên hoa lạc , ông ủng hộ cách phiên lác với nghĩa lác đác.

BVN1994 phiên là lạc và chú thích: “Hoa lạc: bản Nôm ghi chữ lạc là rụng, để mượn âm, đồng thời ẩn nghĩa, hoa lạc tức là hoa lạc mùa, trái mùa, tất nhiên, loại hoa như vậy chỉ lác đác, chứ ít khi nở rộ, nhưng cũng quý, như khách tri âm”.

Nhóm MQL2001 cũng phiên lác và chú thích: “Chữ Hán đọc là lạc, chữ Nôm . Có thể phiên là lác hoặc rác. Lác có nghĩa là lác đác. Từ điển Génibrel có ghi  lác: và đã dịch lác đác là rare (hiếm, còn ít); 落 rác và đã dịch lác rác cũng là rare. Hoa lác đác. TVG,   ĐDA, PS đều phiên và giải thích như thế. PS cũng ghi thêm một cách đọc khác là hoa lạc và giải thích là hoa rụng (les fleurs tombées)...”.

Nhóm NTN2008 cũng đồng ý cách phiên và hiểu như trên.

Chúng tôi thấy rằng chữ trong tập thơ này với âm Hán Việt là lạc có thể ghi âm Nôm nhiều tiếng khác nhau như lạc, rặc, lác. Với âm lác, các tác giả phiên âm trước đây phiên cho 2 trường hợp:

Khách đến vườn còn hoa lác 

Thơ nên cửa thấy nguyệt vào

và:

Giậu cúc thu, vàng nẩy lác 

Sân mai tuyết, bạc che đều.

Đã đành trường hợp sau, hiểu lác là lác đác là hữu lí vì nó đối rất chỉnh với chữ đều ở câu sau : hai trạng thái đối với nhau. Còn trường hợp trước (là trường hợp chúng ta đang nói tới thì lác phải là một động từ mới đối chỉnh với vào ở câu dưới đó. Vậy đây phải hiểu lác là trông qua, ngó trông. Khách đến thì vườn còn hoa để ngắm tạm / Thơ nên thì cửa đã có trăng dọi vào. Xem trong từ điển P. de Béhaine làm vào năm 1772-1773 trước cả khi các bậc cổ học hoàn thành việc sưu tập và khắc in thơ Nguyễn Trãi ta gặp chữ trong các ngữ liệu lác xem, lác nhìn, lác thấy. Và cũng trong từ điển này ta gặp chữ liếc quốc ngữ và viết Nôm với tự dạng mục + lạc . Có thể cho rằng, khi không viết với bộ mục, thì chữ này vẫn hoàn toàn có thể đọc âm liếc. Chúng tôi chọn âm liếc là chọn hình thức trung gian để phân biệt với c dù có thể cổ hơn nhưng có thể gây nhầm nghĩa[2]. Việc nhóm MQL dẫn từ điển Génibrel là thiếu khách quan vì trong từ điển này, tác giải thích từ kép lác đáclác rác chứ không giải thích riêng từ lác. Không phải từ kép nào thì mỗi âm tiết của nó cũng mang nghĩa chung cho cả từ.

 

4. Kẻo còn LOẠT LOẠT chữ Tương Như. (36.2).

Đây là câu thơ thực sự thú vị vì có nhiều phương án phiên và hiểu rất khác nhau.

Các cụ Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm cẩn trọng hơn cả khi phiên là lọt đọt. Các cụ viết trong mục Tồn nghi: “Câu 2 có chữ lọt đọt, nguyên bản A viết chữ 律律 , bản B viết chữ [糸+卞] [糸+卞], chúng tôi tạm phiên là lọt đọtbền bện, không biết có đúng không, xin ghi để chất chính”.

Cụ Đào Duy Anh, 1976, phiên là lọt lọt và giải thích “còn thấy rõ ràng mồn một chữ của Tương Như” [10, tr.726]

Cụ Bùi Văn Nguyên, 1994, phiên là biện biệt và viết: “Biện biệt...Tương Như: Biện biệt là phân tích cho rõ, đây theo bản B, còn bản A lại ghi là lọt lọt, lọt thọt. Tư mã Tương Như là nhà làm phú nổi tiếng thời Hán, chữ dùng cầu kì, nên phải biện biệt”.

Nhóm Mai Quốc Liên chủ trương phiên lọt lọt và dẫn thêm Vũ Văn Kính và Paul Sneidere phiên rọt rọt. Các cụ viết trong sách: “Lọt lọt: Luật đọc chệch thành lọt lọt, nghĩa là rõ ràng mồn một. ĐDA cũng phiên lọt lọt và giải thích: Còn thấy rõ ràng mồn một chữ của Tương Như. PS phiên rọt rọt, ở bảng từ vựng giải thích là Suivre, poursuivre (theo, theo đuổi, đeo đẳng), rebattre les oreilles (đập vào tai, nói mãi nghe đến chán tai) và dịch câu thơ này là “Il me semble entendre sans cesse le nom de Tuong Nhu (Hình như ta không ngừng nghe tên của Tương Như). Bản B chép[糸+卞] [糸+卞] TVG: bền bện. BVN: biện biệt”.

Nhóm Nguyễn Tá Nhí, 2008, đồng thuận phiên rọt rọt và giải nghĩa là rõ ràng, rành rọt.

Các ý kiến chưa thống nhất cho dù chữ nghĩa thì rất rõ ràng và câu thơ không đến nỗi khó hiểu như họ tưởng. Luật là nguyên từ của loạt, tiếng Việt hiện tồn cả hai từ nhất luật nhất loạt. Cho nên, ở câu thơ này, chữ luật luậtloạt loạt. Thế thôi! Chúng ta có một loạt, nhất loạt, hàng loạt, cả loạt hà cớ gì không có loạt loạt. Dễ như vậy thì mà các cụ cựu học xưa nay không biết sao? Thực ra, trong câu thơ trên, hình như chữ KẺO làm cho người phiên bối rối vì nhiều người hiểu kẻo còn là một kết cấu chặt. Nếu theo dõi 12 lần xuất hiện chữ kẻo trong toàn văn bản thì ta thấy tình hình khác như vậy và hai chữ loạt loạt sẽ sáng ra:

38.4.   - Lọn thuở đông hằng bếp

Suốt mùa hè, kẻo đắp chăn

56.2    -Ruộng đôi ba khóm đất con ong

Đầy tớ hay cày kẻo mượn mòng

59.2   -Am quê về ở dưỡng nhàn chơi

Yên phận yên lòng kẻo tiếng hơi.

67.4    -Gió tận rèm thay chổi quét

Trăng kề cửa kẻo đèn khêu

105.6 -Lặt hoa tàn xem nguyệt rụng

Soi nguyệt xấu kẻo đèn khêu.

109.6 -Mừng cùng viên hạc quen lòng thắm

Đã kẻo thuần lô bảo hẹn về.

141.8 -Người cười dại khó, ta cam chịu

Đỡ kẻo lầm cầm lẫn mất lề.

146.6 -Nhiều của ấy chăng qua chữ nghĩa

Dưỡng người cho kẻo nhọc chân tay.

153.2 -Trong tạo hóa có cơ mầu

Hay đỗ hay dừng mới kẻo âu.

156.4 -Rồi việc mới hay khuôn được thú

Khỏi quyền đã kẻo lụy chưng danh.

171.6 -Có của cho người nên rộng miệng

Chẳng tham ở thế kẻo chau mày.

Trừ đi trường hợp đang bàn thì trong 11 trường hợp vừa dẫn, có đến 10 trường hợp chữ kẻo chắc chắn có quan hệ với động từ và duy 1 trường hợp phải biện luận: Yên phận yên lòng kẻo tiếng hơi. Khi chúng ta hiểu tiếng hơithị phi thì 100% trương hợp đều là đi với động từ. Như vậy nghĩa của chữ kẻo là để chỉ việc chủ thể phát ngôn chủ động thoát ra khỏi một hành động đáng lẽ phải diễn ra. Và tất cả những chữ kẻo trên chúng ta đều có thể thay thế bằng chữ khỏi hiện nay mà vẫn trọn nghĩa. Tất nhiên là chữ khỏi hiện nay để chúng ta hiểu chứ không phải là chữ khỏi thời Nguyễn Trãi. (Chúng tôi cũng đã so sánh 9 chữ khỏi và 12 chữ kẻo trong Quốc âm thi tập thì thấy hai chữ này có sự phân nghĩa tinh tế nhưng khá rõ ràng là chữ khỏi thời đó chủ yếu mang nghĩa chỉ việc chủ thể phát ngôn chủ động ra khỏi một hiện thực không gian nào đó và vì vậy nó thường có quan hệ với một hình thức danh từ nào đó).

Như vậy để hiểu trường hợp đang bàn, ta thay chữ kẻo bằng chữ khỏi hiện nay, kết quả sẽ là:

Án tuyết mười thu uổng độc thư

Khỏi còn loạt loạt chữ Tương Như.

Theo sự mách bảo của cả 11 trường hợp trên thì lúc này, chữ kẻo sẽ quan hệ với một động từ và động từ đó sẽ là độc thư. Tác giả vừa thoát khỏi cảnh mười năm phí uổng độc thư.  Cái còn lại sau đó sẽ là loạt loạt chữ Tương Như nữa mà thôi. Chúng tôi như đang có vẻ cố tình tách chữ kẻo khỏi chữ còn. Nhưng không phải. Chúng ta lại dùng phép thay thế. Ví dụ, ngay bây giờ chúng ta có phát ngôn: Bia rượu cả tuần quá say sưa. Khỏicòn váng vất đến bây giờ hoặc Bệnh viện năm tuần nằm chữa bệnh; khỏi, còn chất đống bao nhiêu bài vở.Hay chúng ta có biến thể khác: Trên biển cả tháng lênh đênh, xong lên bờ vẫn còn loạng choạng hay Hội hè từ nam chí bắc, xong hết sạch cả tiền tiết kiệm... Chúng ta không thể nói rằng, những câu trên là không hiểu nổi hoặc không thuần Việt. Đọc những câu thơ của Nguyễn Trãi ta thấu hiểu tâm sự của Cụ hơn:

Án tuyết mười thu uổng độc thư

Kẻo còn loạt loạt chữ Tương Như

Nước non kể khắp quê Hà hữu

Sự nghiệp nhàn khoe phú Tử Hư.

Có thể diễn đạt ý nhà thơ như sau: Qua khỏi 10 năm uổng phí đọc sách thánh hiền trong nghèo khó, cái còn lại chỉ là miên man những chữ của Tư mã Tương Như thôi, khắp cả nước non kể ra cũng là ảo tưởng, khoe sự nghiệp rút cuộc là chữ nhàn trong bài phú Tử hư. Chữ loạt loạt chính là như vậy. Điều thú vị là, bản B cũng giống ý như vậy. Bện bện là chữ của thao tác đánh dây, xe sợi, hết tao này nuộc nọ miên man, lớp lớp không dừng. Vậy bản B, câu này phiên đúng là Kẻo còn bện bện chữ Tương Như. Không còn gì để bàn nữa. Các tác giả phiên thơ đã làm rắc rối những chữ đáng ra rất giản dị, rõ rành, đúng đắn.

 

5. GIẠI LÒNG ĐƠN, nhật nguyệt thâu. (40.4).

Câu thơ này cũng có nhiều cách hiểu và cách phiên khác nhau và cần phân tích để hiểu rõ.

TVG-PTĐ1956 phiên là Dãi lòng đan và giải thích lòng đanlòng son.

ĐDA 1976 phiên Giãi lòng đơn và không chú thích.

Nhóm MQL2001 phiên là Dãi lòng son, Nhóm NTN2008 quay lại phiên và hiểu như TVG-PTĐ1956.

BVN1994 phiên Dại lòng đan và chú thích dạicái dại bằng phên, lòng đanlòng son.

Đọc Quốc âm thi tập theo bản A chúng tôi thấy chữ dãi với nghĩa là phơi ra, phôi phai xuất hiện 3 lần và đều được ghi bằng chữ trãi . Đó là các câu:

14.4:  Quĩ đông dãi, nguyệt in câu.

21.3:  Cửa song dãi, thâm hơi nắng.

213.4: Nhà giao dãi bóng thiềm cung.

Trong câu thơ đang bàn, chữ giại được ghi đãi . Đãi âm Hán Việt đọc giại âm Nôm là đúng. Và sự phân biệt với dãi là có ý, ít ra là của các bậc cổ học khi làm sách này.

Giại lòng đơn là cái giại đan róng mốt sơ sài để che chắn nên ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu (nhật nguyệt thâu). Trong nghề đan lát, có những từ nghề nghiệp chỉ cách đan hoặc tả mặt đan. Róng (hoặc lóng, dóng, nong) mốt, róng hai, róng ba, róng bốn, róng năm... là chỉ cách gài nan. Còn để tả mặt đan khi sản phẩm đã hoàn thành người ta nói: lòng đơn, lòng kép, lòng thia, lòng gấm. Lòng đơn để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng mốt tạo nên. Lòng kép để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng hai róng ba tạo nên. Lòng thia để chỉ hoa văn mẹt sảy, nia sảy mà trên đó, nan dọc lao đi cách quãng như ném thia lia trên mặt nước. Dụng cụ này khi sảy, người ta sảy dọc để dễ thoát những phần tử nhẹ, khi gằn để gạn, người ta người ta gằn ngang để dễ giữ lại cát sạn hoặc phần tử được chọn dễ mắc vào nan dọc. Lòng gấm để chỉ hoa văn do cách đan phức tạp tạo ra những hình như dệt gấm.

Đến đây, đọc cả hai câu thơ của Nguyễn Trãi, trước hết ta thấy sự chỉn chu, cặn kẽ của nó:

Song cửa ngọc, vân yên cách

Giại lòng đơn, nhật nguyệt thâu.

Có thể diễn ý rõ ra cái nghĩa này như sau: Cửa ngọc là ngọc môn, chỉ nơi ở của vua, mà nơi đó đã chìm khuất sau sương khói xa xôi; còn ở nơi này chỉ là ngôi nhà phên vách đơn sơ, suốt ngày, ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu qua.

Nhưng đó là nghĩa thực, lớp nghĩa thứ nhất của câu thơ. Bởi vì lòng đơn còn có nghĩa là lòng son, là đan tâm (tấm lòng trung thành bền chặt), nhật nguyệt còn chỉ minh quân, chỉ vũ trụ, đất trời cho nên câu thơ còn hàm ý biểu hiện: Tấm lòng trung thành bền chặt của ta đã có mặt trời mặt trăng soi thấu. Ở đây rõ ràng câu thơ Nguyễn Trãi sử dụng yếu tố chơi chữ sâu kín và thầm lắng. Chúng tôi cũng đã nói về yếu tố chơi chữ đã xuất hiện trong Quốc âm thi tập khi phân tích những chữ cân cấnthia thia trong bài trước ( Ngòi khan ước ở làm cân cấn/ Cửa quyền biếng mặc áo thia thia). Yếu tố chơi chữ này về sau, trong thơ Nôm đã thực sự bùng nổ với phong phú những cách thức, những quan niệm. Cũng chính yếu tố này làm cho việc hiểu và phiên thơ Nôm nhiều khi lưỡng lự, băn khoăn dẫn đến những giải pháp rất khác nhau, đôi tranh với nhau. Ở trường hợp này đọc giại lòng đơn vẫn có thể hiểu lớp nghĩa dãi lòng son như thường khi mà giại, giãi, dãi trong tiếng khu bốn đến nay vẫn phát âm không phân biệt và cũng còn nhiều chứng cứ ngữ âm về sự không phân biệt này cách đây 3,4 thế kỉ, dù ở Bắc hay ở Trung. Khu bốn chỉ là hình thức bảo lưu khi kinh kì phát triển nhanh và không ngừng mà thôi.

 

6. Mây QUÊN KHÁCH, nguyệt vô tình. (65.2 bản B).

Chúng tôi phiên câu này theo bản B. Bản A ghi câu này có đảo thứ tự giữa chữ khách và chữ nguyệt và nên phiên là Mây quen/ nguyệt khách/ vô tình.

Các bậc cựu học theo bản A mà phiên như sau:

TVG- PTĐ 1956 phiên là Mây quen nguyệt, khách vô tình.

ĐDA1976 phiên là Mây quyến nguyệt, khách vô tình.

Những người phiên sau như BVN1994, Nhóm MQL2001, Nhóm NTN2008 chắc vì thấy mây quyến nguyệt rất lọn ý nên phiên theo mà không băn khoăn gì cả.

Chúng tôi thấy chữ quyến vốn là chữ Hán đã có cách đọc Hán Việt rất quen thuộc và  tiện lợi với các nét nghĩa quyến nhớ hay gia quyến, thân quyến. Trong QÂTT, chữ này vẫn là một từ Hán Việt thông dụng thời Nguyễn Trãi với nghĩa là quyến rủ, lôi cuốn, quấn quýt, quyến luyến xuất hiện 5 lần trong những bài sau:

1.3:      Con đòi trốn dường ai quyến.

62.3:    Dịp huyện hoa còn quyến khách.

70.4:    Đìa thanh, đêm quyến nguyệt vô tâm.

119.4:  Quyến trúc mai kết bạn tri âm.

215.5:  Đêm có mây nào quyến nguyệt.

Nghĩa là rất trọn và chữ là rất rõ. Vậy, trong câu thơ đang bàn, với chữ này, chúng ta không thể phiên là quyến được. Chỉ có thể phiên quen hoặc quên mà thôi.

Có thể những người chủ trương phiên quyến là do ảnh hưởng cách ngắt nhịp câu thơ làm đôi của những người phiên đầu tiên (Mây quen nguyệt// khách vô tình) và thấy cụm mây quen nguyệt nghe cầu kì, nghĩa nông cạn mà đổi thành mây quyến nguyệt, bất chấp chữ trên văn bản. Nhưng nếu ta ngắt nhịp khác đi thì chữ quen vẫn trọn ý:

Non Phú Xuân cao/ nước Vị thanh

Mây quen/ nguyệt khách/ vô tình.

Cảnh ẩn dật như Nghiêm Quang câu ở Phú Xuân, Lã Vọng câu ở sông Vị, mây là người quen, nguyệt là khách khứa, tất cả mọi chuyện đều vô sự, không phải nghĩ ngợi. Có thể những bậc cổ học biên soạn QÂTT đã hiểu theo hướng này nên giữ chữ quen . Nhưng cũng có điều cần nói là so với câu thơ ở bài 64 câu 6 thì ta thấy ý có ngược lại: Mây khách khứa, nguyệt anh tam. Nguyễn Trãi không coi nguyệt là khách!

Bản B cho ta một dị bản thú vị và chúng tôi thấy bản này về ý nghĩa rất trọn vẹn và khả dụng hơn: [雨+迷]涓客月無情. Chúng ta có thể phiên là Mây quên khách/ nguyệt vô tình. Mây quên khách là cụm từ lấy ý từ câu thơ của Đào Tiềm, một mẫu hình ẩn dật: Vân vô tâm dĩ xuất tụ (Mây vô tâm, cứ tụ lại rồi cứ tan đi). Vô tâm như vậy thì quên khách thơ là chuyện đương nhiên. Còn nguyệt vô tình hay nguyệt vô tâm là điều mà Nguyễn Trãi đã từng nói đến. Ông làm thơ trong tâm thế một người ẩn dật, lánh đời. Trong quá trình tìm hiểu thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, chúng tôi thấy bản B còn lưu nhiều yếu tố cổ đáng được chú ý kĩ.

 

7.  Nắng quáng, SƯA SƯA bóng trúc che (79.1)

Chúng tôi lựa chọn sưa sưa thay cho thưa thưa như các bản phiên từ trước tới nay dù nghĩa không khác nhau. Chữ Nôm viết 疎疎 và cách đọc Hán Việt là sơ sơ. Chữ này cũng thường dùng ghi thưa với nghĩa chỉ một hành động nói năng  trong văn Nôm. Tuy nhiên, Nguyễn Trãi cách chúng ta đã hơn 500 năm và thời của ông, chữ Nôm đang hoàn thiện với tư cách là một hệ thống văn tự, nó vẫn giữ cách phát âm cổ. Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi không xuất hiện chữ thưa với nghĩa là động từ chỉ một loại hành động nói năng nên chúng ta không có để so sánh. Chữ sưa này với nghĩa chỉ một thực trạng vật chất không dày, ngược với mau, xuất hiện 6 lần và đều có thể phiên sưa cả:

79.1:             Nắng quáng sưa sưa bóng trúc che

126.1:           Giậu sưa sưa hai khóm trúc

225.4:           Bóng sưa ánh nước động người vay

226.1:           Bóng sưa ánh nước động người vay (lặp câu trên trong kiểu thơ thủ vĩ tương liên).

Hiện tường dùng / th / để ghi / s / là việc hay thấy trong các văn bản cổ. Trong văn bản Thiền tông khóa hư ngữ lục cho Tuệ Tĩnh giải nghĩa có dùng chữ thượng thượng 尚尚để ghi từ sảng sảng: Sảng sảng thửa  những tiếng đàn địch hứng thổi lại gọi rằng ấy thực tiếng rồng ngâm; Rân rân  thửa  những tiếng chuông trống rôm rả gọi là ếch kêu tr.41b  [18, tr.153]

Hiện nay đi thực tế các vùng Bắc Ninh, Hà Tây cũ hay Nam Định chúng tôi vẫn gặp phát âm sưa này trong sự phân biệt với thưa động từ chứ không chỉ vùng khu bốn mới dùng phổ biến. Phiên thưa dễ hiểu với mọi người ngày nay hơn nhưng phiên sưa cũng không phải là không hiểu, hơn nữa giữ được âm hưởng cổ của văn bản. Chúng tôi lựa chọn là vì thế.   

 

8.  Cây im, thư thất LẶNG bằng the. (79.2).

TVG-PTĐ1956 phiên câu này là Cây im, thưa thớt sáng bằng the và chú thích Cây im: Cây không có gió động, bóng nắng thưa thớt chiếu xuống như một bức rèm the căng lên trên.

ĐDA1976 cho chữ chép lộn thành , nên phiên lặng bằng the, và chú thích là “sáng như là có căng the, ánh sáng lọt qua mà sáng hơi hơi (vì có bóng trúc che thưa thưa cho nên ánh sáng lọt qua mà phòng đọc sách được sáng) [10, tr.754]

BVN1994, Nhóm MQL2001 phiên theo GS Đào Duy Anh.

Nhóm NTN2008 phiên Cây im thư thất rắng bằng the và chú thích Rắng bằng: Tựa như.

Hồng Đức QATT cũng có câu tương tự và trước nay đều nhất loạt được phiên là: thừa lương đình vắng sáng bằng the (3a).

Chúng tôi thấy chữ trong câu trên phải phiên lặng mới đúng cả về ngữ âm cả về ngữ nghĩa. Bài thơ được làm trong một buổi trưa hè nắng nóng, ít gió:

Nắng quáng, sưa sưa bóng trúc che

Cây im, thư thất lặng bằng the.

Nắng quáng là nắng nhìn lóa cả mắt. Ấy vậy mà mấy ngọn trúc chỉ che được phần thưa thớt mà thôi. Gió chưa có nên cây đứng im còn phòng đọc sách thì lặng như the vậy (đây là một lối nói cổ hơn của cụm lặng như tờ). Tả như vậy là đủ thấy cái bức nực của nắng hè. Chúng ta bây giờ đọc sách viết bài có phòng máy lạnh hoặc có quạt cây. Khi mất điện, ta sẽ hiểu ngay ra Nguyễn Trãi. Chốn ẩn dật của Nguyễn Trãi thủa xưa, chân núi Côn Sơn, đâu chỉ xuân hoa nở, thu trăng trong mà còn sẽ gặp những ngày hè nóng nực. Cụ viết về cái cảnh đó để lại cho chúng ta hôm nay. Nói lặng như tờ được thì ắt hẳn nói lặng bằng the cũng chắc chắn là được. Chữ “lặng” ở đây vừa là tĩnh lặng vừa là không có một mảy gió nào, không chút rung rinh. Thế mới bức.

 

9. SAN SÁT KỀ song, giấc hòe. (79.8)

Đây là câu kết của bài 79 là bài chúng tôi vừa sửa chữ cho câu 1 và câu 2. Ba chữ San sát kề các tác giả trước đây phiên có khác nhau.

TVG-PTĐ 1956 phiên là Sàn sạt cài song giấc hòe và giải thích cài song là cài cửa sổ để ngủ.

ĐDA1976 phiên là thơn thớt và chú là “chúng tôi thấy trong Bạch Vân thi tập chữ 撻 đều dùng để nói cái thớt, cho nên chúng tôi cho rằng hai chữ trên có thể phiên là thơn thớt” [10, tr.755]

BVN1994 cũng phiên Thơn thớt cài song giấc hòe.

Nhóm MQL2001 phiên là Thớt thớt cài song giấc hòe và giải thích thơn thớt hay thớt thớt có nghĩa là qua loa, sơ sài. Nhưng cách phân suất nghĩa như vậy là rất có vấn đề về mặt âm và ngữ nghĩa. Vì động từ là cài song, cho nên âm đọc phỏng đoán và kéo theo là tạo nghĩa phỏng đoán là “qua loa sơ sài”. Cách tự gán âm và gán nghĩa cho âm đọc mà không kiểm chứng qua từ điển cổ và ngữ cảnh như vậy sẽ gây nên nhiều điều bất cập.

Nhóm NTN2008 phiên là Thít thít kề song giấc hòe và giải thích thít thít là thin thít, ngủ say. Nhưng xét văn cảnh, trời giữa trưa nắng nôi như thế, đến nỗi không đọc nổi sách, không nói năng bàn bạc được gì, làm sao có thể ngủ “thin thít” cho được; mặt khác, đã giấc hòe thì khó mà thin thít được vì trong đó chứa đầy những mộng mơ, ảo tưởng và bừng tỉnh, thất vọng. Tuy nhiên, chúng tôi coi đây là cách phiên khả dĩ nhất từ trước cho đến nay.

Vậy chữ 掑窻  phải phiên là kề song như bản của NTN2008. Chữ  trong văn cảnh tương tự tại vị trí 97.4 cũng phiên Kề song gió trúc nàm nàm [14, tr.859, 860], và vị trí 158.4 cũng phiên thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh [14, tr.1001]. Hai chữ mang âm đọc Hán Việt thát thát 撻撻 có thể đọc là sát sát hoặc san sát vì đây có dấu hiệu viết kiểu từ láy âm. Hai chữ san sát trong ngữ cảnh này phải hiểu là liền kề theo nghĩa ban sơ của từ này, là sít vào chứ không hiểu bày đặt lớp lớp, ken dày như nét nghĩa của tiếng Việt hiện đại. Ngày nay ta vẫn nói: “Dịch cái bàn san sát vào”; “Kê cái sập san sát vào tường” và vẫn hiểu. Nhưng san sát kề đứng liền nhau thì có lặp lời không? Theo chúng tôi thì không phải là lặp. Bởi kề ở đây là động từ, và nó có một biến âm khác là và có thể còn có thêm ghé nữa trong câu thuyền kề bãi. Phân suất nghĩa của từ này ta thấy, kề là động từ cập vật với nghĩa là dịch chuyển vị trí để sát gần với một không gian hay sự vật cụ thể nào đó. Trong câu thơ này chữ san sát là trạạng từừ cho động từ kề.  Nếu có người cho rằng đây là một phát ngôn lặp lời thì cách nói dân giã cũng có những cách nói như sát kề, kề sát, kề cạnh, kề sít. Phân tích tiếp chủ thể của hành động kề: câu kề song gió trúc nàm nàm thì chủ thể của hành động kề là một hợp thể của gió và trúc, gió đưa cành trúc quệt nhẹ vào song cửa khiến cho cái tĩnh càng lặng hơn; còn ở câu thơ này, chủ thể kề song không ai khác chính là nhà thơ, trưa hè nóng ai chả kê gối sát ra gần cửa sổ nơi có gió Nam nhẹ hẩy hẩy thi thoảng đưa vào.

Giờ đây, đọc cả bài thơ chúng ta sẽ hiểu Nguyễn Trãi hơn:

Nắng quáng, sưa sưa bóng trúc che

Cây im, thư thất lặng bằng the

Tỏ tường phiến sách: con Chu Dịch

Bàn bạc lòng nhân: cái quýt chè

Đòi thuở khó khăn chăng xuýt ải

Thấy nơi xao xác đã mày nề

Ngày nhàn gió khoan khoan đến

San sát kề song giấc hòe.

Bài thơ về HÈ mà dùng che làm khởi vận là có lựa chọn. Độ tập trung của ngôn ngữ, của hình ảnh hướng mạnh mẽ đến sự im ắng và bức sốt: Nắng thì quáng, bóng trúc thì sưa, cây im, phòng sách lặng, cái thẻ nhớ trang (con Chu Dịch) nằm im trong quyển sách (nhường việc đọc sách cho nó), việc đàm luận nhân tình thế thái thì đã có cây quýt cây chè đứng im kia, đến tiếng xuýt xoa trong lúc khó khăn cũng chả thèm bật lên nữa, chỉ cụp mắt xuống (mày nề) khi thấy khắp nơi xao xác; ngày nhàn trôi, thỉnh thoảng mới có tí gió (gió khoan khoan đến: lâu lâu mới có chút gió đến), nằm kề sát bên cửa sổ đánh một giấc chiêm bao. Cũng phải nói thêm là chúng tôi không đồng thuận với cách phiên quýt chè (câu 5) ra quých chòe (chích chòe) của Paul Shneider mà Nhóm MQL2001 phiên theo vì nó xa xôi và rách việc cả về chữ, về nghĩa, về sự trọn vẹn cả bài thơ. Dưới phiên là quých chòe được hà cớ gì hai chữ chu dịch ở trên không phiên luôn là chù dích cho nó đối hẳn đi. Chù dích là loài chuột chù hay kêu dích dích ở trong các thư thất ấy!

 

10.  Chông gai NÉ đường danh lợi. (80.3)

Cái tiếng này trên bản chữ Nôm in rất rõ bằng chữ nễ . Tuy nhiên, các bản phiên đưa ra cách đọc khác nhau.

TVG-PTDD1956 phiên là Chông gai nhẹ đường danh lợi và từ đó, BVN1994 cũng đồng ý như vậy.

P.S phiên: Chông gai nể đường danh lợi.

Nhóm MQL2001 phiên Chông gai nhẻ đường danh lợi và giải thích như sau: “Nhẻ. Chữ Nôm viết , TVG,PTĐ phiên nhẹ, ĐDA: nhỉ, BVN: nhẹ, PS nể; chúng tôi phiên nhẻ và hiểu nhẻ là đầy, như Từ điển Génibrel giải thích ở mục nhe nhẻ: Plein, rempli de. Từ nhẻ với nghĩa là đầy ở câu 3 đối với từ no là đủ ở câu 4, rất rõ ràng về ý nghĩa lại rất chỉnh về luật đối trong thơ”.

Nhóm NTN2008 phiên Chông gai né đường danh lợi nhưng không có chú thích. Chúng tôi cho rằng cách phiên này là đúng và phân tích các cách phiên như sau:

- Cách phiên NHẸ rất trọn nghĩa, chỉnh đối, hợp ý thơ nhưng bị vướng về mặt chữ. Có năm chữ nhẹ trong cả văn bản này đều được viết bằng chữ nhĩ 珥, đó là:

9.4:           Bè Trương Khiên nhẹ, khách sang.

30.5:         Thân đà hết lụy thân nên nhẹ.

78.1:         Tiêu sái tự nhiên nhẹ hết mình.

248.1:       Ngẫm hay sự thế nhẹ bằng lông.

250.2:       Xòe hai cánh nhẹ mười phân.

Có thể các tác giả này đã đọc chữ nễ thành nhân 亻+ 尓 nhĩ nên phiên là nhẹ. Chúng tôi vẫn cho rằng, ở đây là chữ nễ nguyên khối.

- Cách phiên NHỈ (hư tự) vừa không hợp chữ như trên vừa không hợp đối với chữ no là thực tự ở câu 4.

- Cách phiên NỂ không hợp ý thơ lắm vì người ẩn dật e không cần nể hoặc kiêng nể con đường danh lợi lắm chông gai. Còn nếu coi nể như một hình thức uyển ngữ mang tính châm biếm cũng không tương thông với ý toàn bài lắm: Một tâm sự buồn nghiêm nghị, chiêm nghiệm.

Cách phiên NHẺ và hiểu nhẻ là đầy thì phải bàn lại. Cách phiên này dẫn từ điển Génibrel (năm 1898) nhưng không đáng tin cậy vì mấy lí do như sau. Thứ nhất, trong từ điển này không có chữ nễ đọc là nhẻ. Cái chữ đọc là nhẻ là chữ [口+ 尓] [8, tr.556]. Thứ hai, không có chữ nhẻ nào được chú thích là đầy cả mà chỉ có từ nhe nhẻ ở mục nhe (ghi Nôm là [ 兒+小]) được chú trong khi đưa ngữ liệu như sau: “Đầu nhe nhẻ những chấy (T), Têt e couvert de poux” [8, tr.556]; và ở mục nhẻ (ghi Nôm là [口+ 尓]) chú như sau: “Nhe nhẻ (T), Plein, rempli de. (V. Nhe, 3)” [8, tr.556]. Như vậy ở đây, tác giả từ điển chú nghĩa cho cả từ kép chứ không cho riêng chữ NHẺ đang bàn. Không phải từ kép nào, từ lấp láy nào thì mỗi lời của nó đều mang nghĩa, bởi vậy không thể rút ra một thành tố và thành tố đó đủ đại diện cho nghĩa cả từ. Ví dụ: nhan nhản, lai rai, sa sả, lải nhải, nhồm nhoàm, xăm xắp, lểu thểu, lang thang, lỗ mỗ, lênh đênh, tung tăng, hớn hở, nhởn nhơ, xun xoe… Ở đây, từ điển chú nghĩa không sai vì họ đã chú cả từ kép, chỉ người sử dụng từ điển đã tùy tiện rút ra một chữ rồi cấp nghĩa cả từ cho nó để phục vụ cho ý mình là sai thôi. Thứ ba, vì thế, các từ điển trước và sau Génibrel của người bản ngữ đã không hề có từ đơn NHẺ với nghĩa là đầy. Đến nay, nhiều từ điển chữ Nôm đã ra đời vẫn không có mục từ đơn NHẺ với nghĩa đầy vì không có ngữ liệu thứ hai nào. Có thể khẳng định, cách phiên này đã tưởng tượng ra thêm một chữ cho kho tàng tiếng Việt mà thôi!

Chữ nễ này phiên được là vì:

- Đã có trong các từ điển như vậy. Ví dụ Từ điển P. de Béhaine (1772-1773) chữ Nôm [5, tr.396] và chữ quốc ngữ (nghĩa là tránh) với các ngữ liệu né mình, tránh mình. Từ điển Aj. L. Taberd (1838) cũng tương tự [6, tr.329]. Đại Nam quấc âm tự vị của Huinh Tinh Paulus Cua (1896) có chữ Nôm và quốc ngữ là và chú nghĩa : Né.n. Tránh mình cho khỏi [7, tr.687]. Chính từ điển của Génibrel (1898) cũng có chữ Nôm và đưa các ngữ liệu né mình, né xuống, né lại, ké né. [8, tr.483]

- Phiên chữ né vẫn đảm bảo luật đối của câu thơ :

Chông gai né đường danh lợi

Mặn lạt no mùi thế tình.

Theo Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu (1942), luật đối trong thơ luật đường bắt buộc thực tự đối thực tự, hư tự đối với hư tự. Trong 2 câu thơ trên, tất cả đều là thực tự. Hơn nữa no không chỉ cùng là thực tự mà còn cùng là động từ. Nếu có phân biệt thì một bên là đông từ chỉ hành động, một bên là động từ chỉ trạng thái. Nhưng các cụ ngày xưa không quan niệm như vậy. Đó là sản phẩm câu nệ của một số người ngày nay.

Xem chữ có hợp nghĩa câu thơ không, chưa cần phân tích, chúng ta làm các phép đảo và sẽ thấy các phương án đều trọn nghĩa :

-Né chông gai đường danh lợi

No mặn lạt mùi thế tình.

-Né đường danh lợi chông gai

No mùi thế tình mặn lạt.

-Đường danh lợi chông gai : né

Mùi thế tình mặn lạt : no.

-Đường danh lợi né chông gai

Mùi thế tình no mặn lạt...

Nguyễn Trãi làm bài thơ khi đã thấy mình là già hòa lú, vậy mà chưa báo đáp được công sở sinh của cha mẹ. Về ẩn dật, đối với đường danh lợi vốn lắm chông gai thì đã tránh được. Cuộc sống dân dã thì mặn lạt chỉ cần theo ẩm thực của thế tình. Bầu bạn là một hai phiến sách. Công danh giờ đáng đổi dăm ba chén rượu. Chỉ thế thôi cần chi hơn nữa. Chỉ cầu cho được ngồi coi thiên hạ thái bình. Đọc cả bài thơ, ta hiểu tâm sự của vĩ nhân:

Tơ tóc chưa hề báo sở sinh

Già hòa lú, tủi nhiều hành

Chông gai né đường danh lợi

Mặn lạt no mùi thế tình

Sách một hai phiên làm bậu bạn

Rượu năm ba chén đổi công danh

Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa

Cầu một ngồi coi đời thái bình.

 

11. Tài LỌN công danh hợp mọi bề (141.1)

Bản ĐDA phiên là LUẬN và giải thích là : luận về công danh thì thấy tài của mình là hợp mọi bề. Nhóm MQL2001 đã kế thừa cả cách phiên lẫn cách chú này. Tự dạng của chữ này được ghi bằng , đọc theo âm Hán Việt là luận, nghĩa là bàn luận. Trong văn bản phiên âm QATT của nhóm MQL, chữ luận còn được phiên thành trọn ở các vị trí sau 38.3: trọn thuở đông hằng nhờ bếp, 53.6: già được trọn ấy là tiên, 58.1: buồng văn đắp cửa trọn ngày thu, 187.8: trung hiếu cương thường lòng đỏ, tự nhiên trọn nghiệp ba thân, 194.1: mười hai tháng trọn mười hai, và được phiên thành lọn ở ba vị trí là 216.7: dầu thấy xuân lan cùng lọn được, 94.1: ngồi coi tháng lọn lẫn ngày qua, 109.1: lấy đâu xuất xử lọn hai bề. Sở dĩ có sự phiên bất nhất như vậy vì mỗi đồng tác giả có phương pháp phiên âm khác nhau.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vị trí này nên đọc là lọn chứ không phải là luận vì những lý do như sau.

Tài lọn là một từ được dịch từ chữ toàn tài trong Hán văn. Đây là một phong cách thường thấy trong ngữ văn cổ điển. Ngay trong QATT có những ví dụ khác như rừng Nho được dịch từ Nho lâm, cửa thông dịch từ chữ tùng quan (cửa chùa), nhà cả dịch chữ đại hạ, một dường dịch chữ nhất dạng (thảy đều như nhau), khách đăm chiêu dịch từ chữ tả hữu (bề tôi thân cận),… Với nét nghĩa là toàn tài, chúng ta thử đọc lại đôi câu thơ đầu:

Tài lọn công danh hợp mọi bề

Dại ngay nên thiếu kẻ khen chê

Liên thơ tạo nên sự đối lập thường thấy trong tâm thế của người ở ẩn. Kẻ toàn tài thì cả công lẫn danh đều hợp đủ mọi bề. Còn ta vừa thẳng tính vừa dại dột (đến ẩn cư giữa chốn núi rừng này) nên chẳng có kẻ nào biết đến mà buông lời khen chê cả.

Về cách phiên âm, chữ luận là một kiểu ghi âm không toàn diện cho tổ hợp phụ âm đầu / tl / mà chúng ta thường thấy ở các văn bản từ thế kỷ XVII trở về trước. Ở thế kỷ XV, thời của Nguyễn Trãi thì tổ hợp phụ âm này còn khá phổ biến. Trong quá trình đơn tiết hóa mạnh của tiếng Việt, tổ hợp phụ âm / tl / sẽ có hai xu hướng phân hóa, thứ nhất là chuyển đổi thành phụ âm / tr /, thứ hai là rụng tiền tố / t / và lưu lại âm lỏng / l /. Sự phân hóa này khiến trong tiếng Việt hiện nay có hai âm là lọn trọn. Về nghĩa thì hai âm này giống nhau. Tuy rằng có sự phân chia chức năng hơi tế nhị. Chữ lọn thường dùng trong một số ít các cụm như lọn nghĩa. Âm lọn ngày càng ít phổ dụng hơn rất nhiều so với trọn. Cũng có thể hình dung rằng lọn là sự phân hóa cổ hơn so với trọn. Chính vì thế các nhà phiên chú văn bản cổ thường dùng âm lọn này để phiên âm cho các từ dùng chữ luận. Sở dĩ, các nhà nghiên cứu phải chọn một âm đọc không thực sự cổ như thế bởi việc tái lập ngữ âm là / tlọn / như ở trường hợp này sẽ gây trở ngại rất nhiều cho người đọc hiện nay.

 

Trên đây là một số trường hợp chúng tôi đưa ra góp ý. Những ý kiến chúng tôi nêu ra trên đây có thể có đôi chỗ chưa thực sự tuyệt đối đúng, rất mong sẽ có những trao đổi thẳng thắn, mang tính học thuật và tôn trọng lẫn nhau. Mục đích của chúng tôi là, với tấm lòng trân trọng di sản thơ Nguyễn Trãi, để hiểu sâu tâm hồn danh nhân, trước hết phải khảo cứu chữ nghĩa cẩn thận. Chỉ qua những trao đổi học thuật mới càng ngày càng đúng đắn hơn. Từ đó chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm trong việc phiên và hiểu sâu kho tàng văn học Nôm của dân tộc.

 Hà Nội 14 - 6 - 2010.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Trãi 阮廌 (1868). Quốc Âm Thi Tập 國音詩集. Việt Nam: Phúc Khê tàng bản. (bản A)
  2. Trương Vĩnh Ký (1884). Dictionnaire Annamite – Francais. (Bị rách bìa 1 và 4, chưa xác định nhà xuất bản).
  3. A. de. Rhodes, (1994), Dictionarium Annamiticium Lussitanum Vietnamiens (Từ điển Việt- Bồ- La), Rome 1651, Thanh Lãng dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  4. Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), (1999), Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1772 (Tự vị An nam La tinh), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb.Trẻ.
  5. Pierre Pegneaux de Béhaine, (1772-1772), Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1773 (Tự vị An nam La tinh), chụp bản chép tay.
  6. L.J. Taberd, (1838), Dictionarium Anamitico- Latinum (南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị), Frederrichnagori Vulgo Serampore.
  7. Huình Tịnh Paulus Của, (1895-1896), Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4.; Nxb.Trẻ.1998 (theo ấn bản 1895-1896)
  8. J.F.M. Génibrel, (1898), Dictionnaire Annamite- Français (大越國音漢字法 釋集成 ), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định.
  9. Trần Văn Giáp & Phạm Trọng Điềm. (1956). Nguyễn Trãi Quốc Âm Thi Tập, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội,
  10. Viện sử học. (1976). Nguyễn Trãi toàn tập (Phần Quốc âm thi tập, Đào Duy Anh phiên chú), Nxb KHXH. H.
  11. Paul Schneider, (1993), Dictionnaire historique des ideogrammes Vietnamiens, Domaine Carlone- 98, boulevard Edouard Heriot- BP 209- 06204 NICE Cedex 3 (France), Nice.
  12. Bùi Văn Nguyên - biên khảo - chú thích - giới thiệu (1994). Thơ quốc âm Nguyễn Trãi. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội.
  13. Vũ Văn Kính - phiên khảo (1995). Quốc Âm Thi Tập 國音詩集. TP HCM: Nhà xuất bản Trẻ.
  14. Mai Quốc Liên (chủ biên) (2001). Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (T3 : Quốc âm thi tập). Nxb Văn học. H.
  15. Nguyễn Quang Hồng chủ biên. (2006). Tự điển chữ Nôm. Nxb Giáo dục. H.
  16. Nguyễn Tá Nhí chủ biên. (2008). Tổng tập văn học Nôm (T1). Nxb KHXH.H
  17. Nhiều tác giả. (2009). Tự điển chữ Nôm trích dẫn. Viện Việt học xuất bản. USA.
  18. Trần Thái Tông. (2009). Thiền tông khóa hư ngữ lục. Tuệ Tĩnh giải nghĩa, Trần Trọng Dương khảo cứu, dịch và phiên chú. Nxb Văn học & TT Nghiên cứu Quốc Học.

 


[1] Tiếc là đến nay chưa có một công trình nghiên cứu văn bản học nghiêm túc về tác phẩm Nôm quan trọng hàng đầu này.

[2] Trần Trọng Dương đề xuất cách phiên khác là nhác trong nhác trông. Cách phiên này vừa đảm bảo về nghĩa và mối tương quan giữa văn tự và âm thanh. Hơn nữa, phiên nhác cũng sẽ tạo âm hưởng cổ kính, hơn là liếc.

 

                                                                 Nguyễn Hùng Vĩ  (ĐH KHXH&NV HN)

                                                            Trần Trọng Dương (Viện NC Hán Nôm)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Cành Mai Trước Sân Cành Mai Trước Sân
17/11/2009 04:19:00
Next

Đăng nhập