Bước đầu nhìn lại sinh hoạt dịch thuật, biên khảo về Phật học của giới trí thức miền nam thời kỳ 1955-1975

Đã đọc: 6506           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

“Bước đầu nhìn lại sinh hoạt dịch thuật, biên khảo về Phật học của giới trí thức miền Nam thời kỳ 1955 1975” là một trong những nỗ lực bước đầu để nhìn lại quá khứ, ở một thời kỳ đất nước tạm thời bị chia cắt, tại miền Nam và chỉ trong một bộ phận là giới cư sĩ, với hy vọng sẽ góp một tham khảo có ích cho một nhận định về văn hóa Phật giáo ở thời kỳ này nói riêng và sự gắn bó khắng khít giữa Phật giáo với dân tộc nói chung một cách sinh động hơn.

Phật giáo luôn là một trong những mối quan tâm lớn của giới trí thức Việt Nam. Ðiều này được minh chứng qua việc nhìn lại các sinh hoạt học thuật của họ ở các giai đoạn, các thời đại lịch sử. “Bước đầu nhìn lại sinh hoạt dịch thuật, biên khảo về Phật học của giới trí thức miền Nam thời kỳ 1955 1975” là một trong những nỗ lực bước đầu để nhìn lại quá khứ, ở một thời kỳ đất nước tạm thời bị chia cắt, tại miền Nam và chỉ trong một bộ phận là giới cư sĩ, với hy vọng sẽ góp một tham khảo có ích cho một nhận định về văn hóa Phật giáo ở thời kỳ này nói riêng và sự gắn bó khắng khít giữa Phật giáo với dân tộc nói chung một cách sinh động hơn.
  Thời kỳ 1955-1975, do hoàn cảnh lịch sử, đất nước ta tạm thời bị chia hai; và các cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “xã hội miền Bắc”, “xã hội miền Nam”, phát xuất từ thực tế lịch sử đó đã được sử dụng một cách phổ biến. Nơi phần mở đầu bài “Ảnh hưởng của Phật giáo đối với giới trí thức Việt Nam” (nguyệt san Giác Ngộ số 58, Xuân Tân Tỵ 1-2001, tr.9-10/95-97), chúng tôi đã viết: “Phật giáo đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với giới trí thức Việt Nam, trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Về quá khứ, chỉ cần xem qua ảnh hưởng của Phật giáo trong văn học cổ điển là phần nào đã thấy ảnh hưởng hết sức lớn lao của đạo Phật đối với giới trí thức Việt Nam”. Và nơi bài viết ấy chúng tôi đã thử nhìn lại về một thời kỳ của quá khứ-thế kỷ XVIII. Bài viết này “Bước đầu nhìn lại sinh hoạt dịch thuật, biên khảo về Phật học của giới trí thức miền Nam thời kỳ 1955-1975”, nhằm góp phần minh chứng cho nhận định: “Phật giáo đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với giới trí thức Việt Nam trong hiện tại”. 

Nói chung, sinh hoạt nêu trên là khá phong phú và khởi sắc, nhất là giai đoạn 1965–1975. Ði tìm nguyên nhân, hẳn sẽ có những cách nhìn nhận không giống nhau, và kiến giải của chúng tôi ở đây cũng chỉ được xem là một trong những cách nhìn. Theo chúng tôi, cần phải lùi về quá khứ để gặp lại “Phong trào Chấn hưng Phật giáo” từng dấy rộ khắp ba miền Nam, Trung, Bắc (1932-1945), với các Hội Phật học, các tạp chí như: Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1931) với Tạp chí Từ Bi Âm (1932), Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1934) với Tạp chí Duy Tân (1935), Hội An Nam Phật học ở miền Trung (1932) với Tạp chí Viên Âm ( 1933) , Hội Bắc Kỳ Phật giáo (1934) với Tạp chí Ðuốc Tuệ (1935) v.v... Một trong những nỗ lực của Phong trào Chấn hưng ấy là đào tạo Tăng tài, ở đây có thể được hiểu theo nghĩa rộng là “đào tạo nhân tài cho Phật giáo VN”, tức bao gồm cả những cư sĩ trí thức học Phật. Sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3 của Nguyễn Lang, trong phần ghi nhận những thành quả đạt được của Phong trào Chấn hưng kể trên, đã viết: “Ðứng về phương diện đào tạo Tăng tài, thành quả chỉ có thể được gọi là khiêm nhường... So với sổ lượng Tăng sĩ thất học lớn lao trong xứ, số Tăng sĩ được đào tạo tại ba miền không thấm vào đâu...” (Sđd, Nxb Lá Bối, Paris, 1985, tr.39-41).

Như vậy, sự nghiệp đào tạo nhân tài cho Phật giáo VN cần được tiếp tục, bao gồm cả công việc dịch thuật, biên khảo, nghiên cứu, biên soạn tài liệu giáo khoa v.v... Do đó, từ 1955 trở đi, ở miền Nam, dù hoàn cảnh chưa hoàn toàn thuận tiện, Phật giáo cũng đã vận dụng mọi khả năng, mọi nỗ lực để phát triển sự nghiệp đào tạo nhân tài ấy, lực lượng đảm trách chính là hàng ngũ Tăng sĩ, hầu hết đều trưởng thành từ thời “Chấn hưng”, bên cạnh là sự hỗ trợ của giới cư sĩ tri thức, cũng được trưởng thành từ hệ quả của Phong trào Chấn hưng kia. Ngoài ra, sinh hoạt nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật của giới trí thức miền Nam bấy giờ, nhất là ở lĩnh vực xã hội, nhân văn có xu hướng tìm về bản sắc dân tộc, tìm về văn hóa, triết học phương Ðông. Thêm vào đấy, số lượng trí thức trẻ được đào tạo từ nước ngoài trở về – trong ấy có các Tăng sĩ và cư sĩ Phật giáo – cũng khá đông đảo, nhiều vị cũng dốc sức đi vào con đường dịch thuật, nghiên cứu. Tất cả, trong tính chất dung hợp, tổng hợp, là nguyên nhân tạo nên sự phong phú, khởi sắc nơi sinh hoạt dịch thuật, biên khảo về Phật học thời bấy giờ.

Ðể có một cái nhìn tổng quát và toàn diện, chúng tôi xin tạm phân loại và lần lượt nêu ra như sau:

I. Mảng dịch thuật:
1. Dịch thuật kinh, luận, các sách khảo cứu về Phật học từ nguồn tài liệu nước ngoài (Hán, Anh, Pháp):
- Trước hết phải kể đến những đóng góp của cư sĩ Ðoàn Trung Còn với cơ sở xuất bản Phật học Tùng thư ra đời từ năm 1932, vào lúc này vẫn hoạt động tích cực, cả về lãnh vực dịch thuật và nghiên cứu. Mảng kinh luận do Ðoàn Trung Còn dịch như: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Kinh Kim Cang, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô lượng Thọ, Kinh Ðia Tạng, Kinh Di Lặc, Kinh Na Tiên Tỳ kheo (Ðại tạng kinh Ðại Chính tân tu [ÐTK/ÐCTT] đã sắp kinh này vào phần Luận tập bộ, No 1370, tập 32), Kinh Pháp Bảo Đàn (ÐTK/ÐCTT sắp kinh này vào phần Chư tông bộ, No 2008, tập 48). . . Thêm nữa, Ðoàn Trung Còn còn vận dụng “khả năng thi ca” của mình để dịch tác phẩm The Light of Asia của nhà thơ S. Edwin Arnold (1832-1904) ra thơ lục bát (Yếng sáng Á châu).

- Các vị cư sĩ trí thức từng là những nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng đương thời cũng tham gia vào công việc dịch thuật như:
+ Trúc Thiên (dịch Thiền luận, tác phẩm nổi tiếng của nhà Phật học Nhật Bản D.T. Suzuki (1870- 1966). Dịch “Sáu cửa vào động Thiếu Thất”, tác phẩm tương truyền là của Bồ Ðề Ðạt Ma; “Chứng đạo ca” của Ðại sư Huyền Giác (665-713) - hai tác phẩm này, ÐTK/ĐCTT sắp vào phần Chư tông bộ, với No 2001 và No 2014, tập 48.

+ Mai Thọ Truyền (1905-1973) đã dịch và giảng luận kinh pháp Hoa (Pháp Hoa huyền nghĩa) và kinh Ðịa Tạng (Ðịa Tạng mật nghĩa).

+ Cao Hữu Ðính (1917-1991): đã dịch các kinh, luận: Na Tiên Tỳ kheo kinh, Luận Ðại thùa khởi tín.

+ Tuệ Quang: đã dịch kinh Lăng Nghiêm, dịch ra Pháp văn kinh Viên Giác (dựa theo bản Việt dịch của sư cụ Huyền Cơ).

+ Nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983) cũng đã đóng góp công sức vào phần này với bản dịch Kinh Pháp Cú.

- Lớp trí thức trẻ của Phật giáo cũng có những đóng góp đáng kể: Trần Quang Thuận (dịch sách Phật giáo với Mácxít), Nguyên Hồng (dịch Lược khảo Phật giáo Ấn Ðộ, nghiên cứu của Lương Khải Siêu), Thi Vũ (dịch Chú giải Tâm kinh Bát Nhã), Trần Tuấn Mẫn (dịch Vô môn quan), Ðỗ Ðình Ðồng (dịch Góp nhặt cát đá), Nguyễn Hữu Hiệu (dịch Tinh hoa và sự phát tnển của đạo Phật, của E.Conze).

2. Dịch các tác phẩm về Phật học và văn học Phật giáo Việt Nam:
- Nguyễn Ðăng Thục (1908-1999) dịch sách Khóa hư lục của Trần Thái Tông (1218-1277) xem như là bổ túc cho bản dịch còn thiếu của Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954) dịch từ 1935, đã được Nxb Hưng Long in lại (1961).

- Trúc Thiên dịch tác phẩm Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục của Tuệ Trung Trần Quốc Tung (1230-1291).

- Nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải đã dịch sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm (1746-1803) với nhan đề là Tam tổ hành trạng.

- Thêm vào đấy, phải kể đến bản dịch Hải ngoại kỷ sự do Viện Ðại học Huế thực hiện và xuất bản (1963). Tác giả sách Hải ngoại kỷ sự là Ðại sư Thạch Liêm (1633-1704), còn gọi là Ðại Sán Hán ông, một danh tăng của Phật giáo Trung Hoa hậu bán thế kỷ XVII, đã được chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) mời sang Nam Hà, tổ chức đại giới đàn, giảng kinh vào năm 1695, và tác phẩm “kỷ sự” kể trên là kết quả sau chuyến Nam du ấy(1).

- Dịch kinh, luật, luận từ tạng pàli và tạng Hán sang tiếng Việt (Quốc ngữ) để hình thành và hoàn thành Ðại tạng kinh Việt Nam là một Phật sự lớn lao bậc nhất của phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX, nhất là sau khi chữ Hán đã được thay thế bằng chữ Quốc ngữ (2). Sự nghiệp này được khởi xướng đồng thời với Phong trào Chấn hưng Phật giáo kể trên, tất nhiên nhân sự thực hiện chính là chư vị Tăng sĩ trí thức uyên thâm Phật học, cùng sự góp công của giới cư sĩ học Phật, tạm ngưng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, bấy giờ ở miền Nam, đã được tiếp tục đẩy mạnh. Bên cạnh các cây bút dịch thuật kinh điển (Hán tạng) nổi tiếng thuộc giới Tăng sĩ như chư vị Hòa thượng Thiện Hòa, Hành Trụ, Trí Tịnh, Tâm Châu, Trí Quang, Thiện Siêu, Trí Nghiêm, v.v.. là những góp sức của hàng cư sĩ trí thức như đã nêu ở trước.

+ Các kinh, luận do cư sĩ Ðoàn Trung Còn dịch hầu hết đều mang tính chất “mở đường”, tuy còn nhiều hạn chế trong phần ngôn từ, cách diễn đạt nhưng đều là những tham khảo rất tốt cho người đi sau.

+ Sự nghiệp dịch thuật kinh điển của cư sĩ Mai Thọ Truyền không nhiều, nhưng với hai tác phẩm Pháp Hoa huyền nghĩa, Ðịa Tạng mật nghĩa đã là những đóng góp rất có giá trị cho nền Phật học Việt Nam hiện đại, nhất là ở lãnh vực sớ giải, giảng luận, hầu như còn rất mới mẻ đối với giới Phật học nước ta. Trong Phật học Trung Quốc, lĩnh vực sớ giải, luận giảng vốn hình thành rất sớm và phải nói là vô cùng phong phú. Kinh Pháp Hoa chẳng hạn đã có tới hàng mấy chục bản sớ giải, luận giảng, tác giả của chúng đều là chư vị danh tăng thuộc hàng đầu của Phật học Trung Quốc: Pháp Vân (467-529) Pháp Hoa kinh nghĩa ký, 8 quyển), Trí Khải (538- 597) Diệu Pháp Liên Hoa kinh huyền nghĩa, 20 quyển, Diệu Pháp kinh văn cú, 20 quyển; Cát Tạng (549-623), Pháp Hoa huyền luận, 10 quyển, Pháp Hoa nghĩa sớ, 12 quyển; Trạm Nhiên (711- 782): Pháp Hoa huyền nghĩa thích thiêm, 20 quyển, Pháp Hoa văn cú ký, 30 quyển); Khuy Cơ (632- 682): Diệu Pháp Liên Hoa kinh huyền tán, 20 quyển) v.v. . . (ÐTK/ ÐCTT, các No từ 1715-1722, tập 33, 34). Do vậy, có thể xem hai tác phẩm kể trên của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là loại mở đầu cho ngành sớ giải, luận giảng trong giới Phật học VN hiện đại.

+ Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một trong sổ các bộ kinh đáng chú ý của Phật giáo Bắc truyền (ÐTK/ ÐCTT đã sắp kinh này vào Mật giáo bộ, No 945, tập 19). Trước 1945, ở Nam Kỳ, kinh Thủ Lăng Nghiêm đã được Hòa thượng Bích Liên dịch ra Việt văn với sự hơp tác của một số vị trong Ban Biên tập Tạp chí Từ Bi âm. Ở Trung Kỳ có bản dịch của cư sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám đăng tải trên Tạp chí Viên âm (Bản dịch này, vào năm 1961 đã được xuất bản ở Hà Nội và năm 1973, gia đình của cư sĩ Tâm Minh ở Sài Gòn đã tái bản 3.000 cuốn - 500 cuốn ấn tống). Sau 1954, ở miền Nam lại có thêm bản dịch của HT.Thiện Hoa. Bản dịch kinh Thủ Lăng Nghiêm do cư sĩ Tuệ Quang thực hiện, theo như “lời thưa” của người dịch, vốn được HT.Trí Ðộ giảng dạy, nên ở phần tên dịch giả đã ghi là: “Trí Ðộ - Tuệ Quang”, cũng là một bản dịch công phu, góp phần soi sáng diệu nghĩa nơi bộ kinh kia.

+ Tâm Kinh Bát Nhã là phần tinh túy của kinh Ðại Bát Nhã Ba La Mật Đa với bản Hán dịch của Pháp sư Huyền Tráng (602-664) vốn đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ Phật tử VN và đã được nhiều bậc tôn túc dịch ra Việt văn. Bản dịch của Thi Vũ có mấy điểm đáng chú ý:
o Tên kinh được dịch là: Kinh Ruột (Tuệ giác siêu việt)
o Có in kèm nguyên bản tiếng Phạn và bản Hán dịch (phiên âm) của Pháp sư Huyền Tráng. Phần chú giải, biện giải tuy ngắn gọn nhưng công phu và sâu sắc

+ Kinh Pháp Cú có mặt nơi kinh Tiểu Bộ (Khuddaka-Nikàya) trong 5 bộ Nikàya của Phật giáo Nam truyền. Nơi Hán tạng, Kinh Pháp Cú đã được dịch từ đời Ðông Ngô (222-280) do Ðại Sư Duy Kỳ Nan thực hiện (ÐTK/ ÐCTT, No 210, tập 4). Bản dịch Kinh Pháp Cú của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải (1962) đã dựa theo phần Hán văn trong kinh Pháp Cú (Anh Hán đối chiếu hòa dịch) do một học giả Nhật Bản là ông Thường Bàn Ðại Ðịnh thực hiện, cũng là một tài liệu tham khảo có giá trị cho các nhà nghiên cứu Phật học VN.
+ Trúc Thiên là một cây bút dịch thuật nổi tiếng thời bấy giờ, cũng đồng thời là một nhà nghiên cứu Phật học có uy tín. Các bản dịch Sáu cửa vào động Thiếu Thất, Chứng đạo ca, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, nhất là bộ Thiền luận, là những đóng góp lớn cho sự phong phú trong sinh hoạt dịch thuật nghiên cứu của Phật học VN.

+ Như trên đã nói, “Aếnh sáng Á Châu” (Phật học Tòng thơ xuất bản, S, 1965) là một nỗ lực về thi ca của cư sĩ Ðoàn Trung Còn, dùng thể thơ lục bát để chuyển dịch tác phẩm “Light of Asia” của nhà thơ S.E .Arnold. Bản dịch của ông đã dựa theo bản Pháp dịch “La Lumière de L’Asie” của L.Sorg, gồm 8 phần 4908 câu thơ lục bát, là một cổ gắng rất đáng ca ngợi , mặc dù câu thơ lục bát của người dịch nhiều chỗ quá nôm na, ép vần v.v...

II. Mảng nghiên cứu, biên khảo:
Mảng này càng dồi dào, phong phú, với những khai phá, những quảng diễn rất đáng trân trọng.

1.Nghiên cứu về văn hóa, triết học phương Ðông
Về phần này, đáng chú ý hơn cả là công trình nghiên cứu, biên soạn mang tính chất khai phá về triết học phương Ðông của học giả Nguyễn Ðăng Thục (1908- 19 99) : Bộ Lịch sử Triết học Ðông phương gồm 5 tập, trong đó tập 3 viết về “Lịch sử Triết học Ấn Ðộ” (từ Vệ Ðà tới Phật Nguyên thủy), tác giả đã dành gần nửa số trang của sách để giới thiệu về lịch sử Ðức Phật và Phật học Nguyên thủy (Tứ Thánh đế, Thập Nhị nhân duyên), Tâm lý học về Ngã (Ngã, Vô ngă), Luân lý học Phật giáo (Nghiệp báo, Luân hồi). Sang tập 4, bàn về Triết học Ðông phương thời trung cổ, tác giả đã dành khá nhiều trang để nói về Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, những dịch giả Phật học nổi tiếng, một số nhà Phật học tiêu biểu vào hậu bán thế kỷ thứ IV - đầu thế kỷ V TL như Tăng Triệu (384-414), Ðạo Sinh (360-434), các tông phái Phật giáo ở Trung Hoa như Tam Luận tông với sự xiển dương của Cát Tạng (549-623), Duy Thức tông với Huyền Tráng (602- 664), nhất là những tông phái mang đậm màu sắc bản địa, như Hoa Nghiêm tông với Pháp Tạng (643-712), Pháp Hoa tông với Trí Khải (538-597), Thiền tông, từ Bồ Ðề Ðạt Ma đến Huệ Năng (638- 713), Thần Tú (605-706)...

Ở trên, chúng tôi đã dùng chữ “khai phá”, hàm ý nhấn mạnh về giá trị mở đường, khai phá của tác phẩm Lịch sử Triết học Đông phương về một vùng tri thức rộng lớn, phong phú, rất cần thiết đối với giới trí thức VN. Vượt qua tính chất mở đường , tác phẩm này đã được biên soạn công phu, có giá trị lớn đã có ảnh hưởng rất lớn đối với nhiều thế hệ sinh viên, trí thức ở miền Nam. Tham khảo rộng, trích dẫn nhiều, thận trọng, chừng mực trong sự diễn đạt, nhận định v.v... là những đặc điểm dễ nhận thấy. Tuy nhiên, do hạn chế về tư liệu tham khảo, nhất là mảng tư liệu Phật học thuộc Hán tạng (hồi đó không được dồi dào như bây giờ), nên phần viết về Phật học ở Trung Hoa (tập 4) có mấy nhầm lẫn, cách trình bày có chỗ thiếu hợp lý, sự diễn đạt chưa sáng tỏ. Chẳng hạn:
- Tác giả viết: “Cái lối luận thuyết hỗn hợp. . . đă có kể từ đời Hán rồi. Mâu Dung trong “Lý cảm luận” ca tụng, sùng bái Phật gia. . .” (LSTHÐP, tập 4, Sđd, bản in 1997, tr.228). Viết như vậy là nhầm lẫn: sách kia là Lý hoặc luận chứ không phải là Lý cảm luận và tác giả của nó là Mâu Tử, một nhà Phật học thời danh của Phật giáo Việt Nam thế kỷ II, III TL (xem: Nghiên cứu về Mâu Tử, 2 tập, Lê Mạnh Thát, Tu thư Vạn Hạnh, 1982).

- Cát Tạng (549-623) trong Trung quan luận có nhắc lại ách yếu: (Sđd, tr.230): cũng lạl là nhầm lẫn. Trung quán luận (nên đọc là Quán thay vì đọc Quan) là tác phẩm của Bồ tát Long Thọ. Trung quán luận được truyền vào Trung Hoa, Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch ra Hán văn, Ðại sư Cát Tạng viết sớ giải và tác phẩm của ngài là “Trung quán luận sớ” (ÐTK/ÐCTT, tập 42, No 1824). Ðại sư Cát Tạng còn viết sớ giải 2 bộ luận nổi tiếng thuộc hệ thống Trung quán là Thập nhị môn luận của Long Thọ và Bách luận của Ðề Bà (cả hai đều do Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch) với nhan đề là Thập nhị môn luận sớ , Bách luận sớ (ÐTK/ÐCTT, T.42, No 1825, No 1827). Ðại sư Cát Tạng được xem là lý thuyết gia của “Tân Tam luận tông” và là nhà “sớ giải học” nổi tiếng của Phật học Trung Quốc.

- Phần viết về Trung quán luận (Sđd, tr.232-236) mặc dù có những diễn đạt, so sánh công phu, nhưng sự trình bày không hợp lý vì thiếu tính lịch sử. Lẽ ra tác giả cần tóm tắt, nhấn mạnh về những đặc điểm của luận Trung quán, dẫn đến việc thành lập Tam luận tông ở Trung Hoa, vai trò của Cát Tạng đối với Tân Tam luận tông, các tác phẩm chính của Cát Tạng như “Tam luận huyền nghĩa”, “Ðại thùa huyền luận”, “Nhị đế nghĩa” (ÐTK/ ÐCTT tập 45, No 1852, 1853, 1854), những lý giải và quảng diễn của Tân Tam luận tông trên nền tảng là 3 bộ luận kia (Trung quán, Thập nhị môn và Bách luận) trước khi nói đến “Quan điểm Trung Quan trong hệ thổng tư tưởng Phật học ở Trung Hoa”.

- Ðoạn viết về Tăng Triệu với tác phẩm Triệu luận: Triệu luận (ÐTK/ÐCTT, tập 45, No 1858) gồm nhũng bài viết của Tăng Triệu, được tập hợp lại để xuất bản sau khi tác giả đã qua đời, văn quá cô đọng, hàm súc, lại bàn về những vấn đề cao siêu nên rất khó dịch. Có lẽ cần phải tham khảo các bản chú giải thì công việc dịch mới thuận hợp. Hiện trong ÐTK/ĐCTT có 2 bản sớ giải Triệu luận, một của Nguyên Khang đòi Ðường và một của Văn Tài đời Nguyên. (ĐTK/ÐCTT, tập 45, No 1859, 1860). Bản thân của Triệu luận chỉ có một quyển với hơn 10 trang sách (Hán), nhưng hai bộ sớ giải kia mỗi bộ đều gồm 3 quyển trên dưới 40 trang sách, đủ thấy sự quan tâm hết mực của những người chú giải.

Vì không có những tham khảo kể trên, những đoạn dịch dẫn về Triệu luận nơi sách LSTHÐP, tập 4 (các trang 238-245) rất khó đọc và lĩnh hội. Rồi ở trang 245, dịch dẫn về Bảo tạng luận khiến người đọc dễ lầm “Bảo tạng luận” là một thành phần của Triệu luận. Thật ra, “Bảo tạng luận” là một tác phẩm khác của Ðại sư Tăng Triệu (ÐTK/ÐCTT, No 1857, tập 45).

Trường hợp của học giả Nghiêm Xuân Hồng, chúng ta có thể nói tới “con đường đi đến với Phật giáo” của ông. Ở những tác phẩm đầu như “Ði tìm một căn bản tư tưởng” (Nxb Quan Ðiểm, S, 1957) , “Xây dựng nhân sinh quan” (Nxb Quan Ðiểm, S, 1960), Nghiêm Xuân Hồng đã hăng hái tiếp cận với Phật giáo trong ý hướng phê phán để góp phần tìm ra chỗ dựa cho tư tưởng, cho việc xây dựng nhân sinh quan mà tác giả xem là hợp lý tiến bộ. Ðến các sách viết sau như “Biện chứng qiải thoát trong tư tưởng Ấn Ðộ”, “Biện chứng giải thoát trong tư tưởng Trung Hoa” (Nxb Giao Ðiểm, S, 1966, 1968), kiến giải của tác giả về Phật học đã có ít nhiều thu nhận, tâm đắc thay vì phê phán như trước. Và sau cùng, ông đã trở thành một nhà nghiên cứu Phật học, không chỉ học mà còn hành, say mê đọc tụng và giảng giải kinh Hoa Nghiêm: “Tôi có cái hạnh ngộ (không biết do túc duyên nào) tụng kinh Hoa Nghiêm và diễn giảng trong mẩy năm tại một ngôi chùa nhỏ ở Santa Ana. Và phẩm “Nhập pháp giới” đã khiến tôi say mê thích thú, tưởng chừng như đọc một bộ tiểu thuyết nhà trời kỳ diệu, (Nghiêm Xuân Hồng, Nhập pháp giới, quyển 1, Thành hội phật giáo TP.HCM ấn hành, 1995, Lời dẫn, tr.10-11) (3).

Ngoài ra, cũng có thể kể tới hai bản dịch công phu của học giả Nguyễn Hiến Lê ( 1912-1984) : Lịch sử văn minh Ấn Độ, Lịch sử văn minh Trung Quốc (dịch của Will Durant) góp phần đáng kể cho việc tìm hiểu hai nền văn minh lớn của phương Ðông, trong đó có Phật giáo, một cách tích cực.

2. Nghiên cứu, biên khảo tổng quát về Phật giáo .

Ở mảng này chúng ta kể đến : Ðoàn Trung Còn (Triết lý nhà Phật, Mười tông phái đạo Phật, Phật học từ điển 1, 2, 3. . . ) , Nguyễn Duy Cần (Phật học tinh hoa), Trần Ngọc Ninh (Ðức Phật giữa chúng ta), Cao Hữu Ðính (Văn học sử Phật giáo, Phật pháp tinh yếu), Ngô Trọng Anh (Nghiên cứu về Mật tông), Vương Quốc Ðạt ( Tìm hiểu về vũ trụ và nhân sinh), Vương Kim (Tận thế và Hội Long Hoa), Thái Ðạo Thành (Xây dựng nhân sinh quan Phật giáo).

Một vài tác phẩm nghiên cứu về Phật học có giá trị của Phan Văn Hùm (1902-1946), Trần Trọng Kim (1882-1953) như Phật giáo triết học (Phan Văn Hùm), Phật giáo qua ba bài diễn thuyết (Trần Trọng Kim) đã được Nxb Tân Việt tái bản, làm tăng thêm sự phong phú cho lĩnh vực này (bộ sách Thượng Chi văn tập gồm 5 tập của Phạm Quỳnh [1892-1945] cũng được in lại, trong đó T4 có bài khảo cứu dài Phật giáo lược khảo).

Một hiện tượng cũng đáng chú ý là có một vài nhà trí thức Thiên Chúa giáo cũng nghiên cứu về Phật học, như Linh mục Trần Thái Ðỉnh (loạt bài nghiên cứu về phật giáo đăng trên Tạp chí Ðại học), giáo sư Nguyễn Văn Trung (La conception Bouddhique du Devenir, Biện chứng giải thoát trong Phật giáo).

Sách Phật học tinh hoa của Nguyễn Duy Cần sau 1975 đã được tái bản nhiều lần, và cho đến nay (2-2001) vẫn là tác phẩm duy nhất giới thiệu khái quát về Phật học do một trí thức viết, tương đối đầy đủ và có giá trị nhất(4).

Sách Ðức Phật giữa chúng ta của Trần Ngọc Ninh (Nxb Lá Bối, S, 1972) tuy độ dày không tới 200 trang nhưng là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, tham bác, mang đậm tâm tư của người viết trong nỗ lực soi rọi, phát hiện, khẳng định về hình ảnh và ánh sáng của Ðức Phật nơi mỗi người chúng ta, giữa cộng đồng của chúng ta, chúng ta hiểu theo nghĩa con người nói chung và con người của xã hội Việt Nam mà lịch sử đã có những gắn bó máu thịt với Phật giáo.

Tác phẩm Tìm hiểu về vũ trụ và nhân sinh của Vương Quốc Ðạt (tái bản đổi tên sách là “Khám phá về vũ trụ và đờingười”) cũng là một công trình nghiên cứu, đối chiếu có giá trị, giới thiệu tóm tắt về các tôn giáo, học thuyết lớn trên thế giới và những nét chính về vũ trụ quan, nhân sinh quan của Phật giáo.

“Phật học từ điển 1, 2, 3” gồm hơn 2.000 trang của Ðoàn Trung Còn là bộ từ điển Phật học đầu tiên bằng tiếng Việt mang tính đồ sộ, được biên soạn khá công phu, đóng góp rẩt đáng kể cho sinh hoạt Phật học thời bấy giờ.

Riêng về Nguyễn Văn Trung, một trí thức Thiên Chúa giáo có những tác phẩm nghiên cứu về Phật giáo, chúng tôi xin nói rõ hơn. Ðược đào tạo tại trường Ðại học Louvam (Bỉ) theo truyền thống Thiên Chúa giáo, nhưng luận án tiến sĩ của Nguyễn Văn Trung lại viết về đạo Phật: La conception Bouddhique du Devenir, Essai sur la notion du devenir selon le Sthaviravâda. Về nước giảng dạy ở Ðại học Văn khoa Huế rồi Ðại học Văn khoa Sài Gòn , luận án tiến sĩ của ông đã được in thành sách (Nxb Nam Sơn, S, 1962). Nhưng trước đó 4 năm. ông Nguyễn văn Trung đã cho xuất bản Nhận định I (Nxb Nguyễn Du, S, 1958), và Biện chứng giải thoát trong Phật giáo (Nxb Ðại học, 1958), trong Nhận định I có bài “Từ bi của Phật giáo và Bác ái của Công giáo” . Bài viết này đã khiến cho giới trí thức Phật giáo ở miền Nam thời ấy phản ứng mạnh, nhiều bài viết lên tiếng phản bác, đáng chú ý là bài của Dương Minh đăng trên bán nguyệt san Nhân loại (số 6, 7, 8, tháng 11, 12-1958) . Riêng về luận án tiến sĩ của ông đã được Phạm Công Thiện phê bình thẳng thắn, vạch ra những nhầm lẫn hạn chế trong kiến thức, những lệch lạc sai lạc trong quan điểm nghiên cứu, đánh giá đối tượng (xem Hố thẳm tư tưởng của Phạm Công Thiện, Nxb An Tiêm, S, 1967, trang 123- 159). Còn tác phẩm Biện chứng giải thoát trong Phật giáo sau khi ra đời cũng tạo được sự chú ý của giới học Phật bấy giờ. Trên tập san Bách Khoa có bài “Ðiểm sách” tuy ngắn nhưng rất sâu sắc của Thanh Thuyền. Hơn 40 năm đã trôi qua, bây giờ đọc lại, theo chúng tôi, đây là một công trình nghiên cứu Phật học rất thiếu nghiêm túc, thể hiện rõ ở cả 3 phần: Tư liệu tham khảo, quan điểm nghiên cứu và kiến thức Phật học (chúng tôi sẽ xin đề cập kỹ vào một dịp khác).

3. Nghiên cứu về những nhân vật của Phật giáo

Phần này, sự nghiên cứu còn khiêm tốn. Chúng ta có thể kể đến: Võ Ðình Cường (Ðường Tam Tạng thỉnh Kinh), Phạm Công Thiện (Tiểu luận về Bồ Dề Ðạt Ma), Cao Hữu Ðính (Phật và Thánh chúng), phần “Thay lời tựa”, “Bạt” của Trúc Thiên trong sách Sáu cửa vào động Thiếu Thất (dịch, Nxb An Tiêm, S, 1971) cũng là những soi rọi có giá trị góp phần nhận diện dung mạo, hành trạng cùng diệu lý thiền nơi Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma.

4. Nghiên cúu, biên khảo về Phật học Việt Nam

Nhìn chung là khá phong phú với các tác giả: Nguyễn Ðăng Thục (Phật giáo Việt Nam, Thiền học Việt Nam, Thiền học Trần Thái Tông), Lê Văn Siêu (Văn học thời Lý, Quốc sư Vạn Hạnh [kịch lịch sử]), Nguyễn Văn Hầu (Việt Nam Tam giáo sử đại cương, Thất sơn mầu nhiệm. . . ), Vũ Khắc Khoan (Nghiên cứu về vở chèo Quan âm Thị Kính) v.v. . .

Một số tác phẩm được viết từ trước cũng được tái bản như: Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Mật Thể (Phật học viện Trung phần tái bản), Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn (Viện ÐH Vạn Hạnh tái bản), Văn học đời Lý, Văn học đời Trần của Ngô Tất Tố (nhà sách Khai Trí, tái bản), Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Ðổng Chi (Phủ QVK đặc trách VH, tái bản), Le Bouddhisme en Anname của Trần Văn Giáp cũng được dịch ra Việt văn và xuất bản (Tuệ Sĩ dịch, Tu thư ÐH Vạn Hạnh xb, S, 1968)..., tầt cả đã đem lại sự khởi sắc trong sinh hoạt nghiên cứu, biên khảo về Phật giáo VN ở miền Nam thời bấy giờ.

Không chỉ nghiên cứu về triết học Ðông phương, học giả Nguyễn Ðăng Thục còn có những đóng góp lớn trong việc tìm hiểu những nét đặc thù của thiền học VN, nhất là vào thời Lý - Trần, qua các tác phẩm như Phật giáo Việt Nam, Thiền học Việt Nam, Thiền học Trần Thái Tông. . . Sau bài nghiên cứu của Nguyễn Trọng Thuật về sách Khóa hư lục viết trên báo Nam Phong (1933) - sau cho đăng lại trên Ðuốc Tuệ (1935), một số tác phẩm viết về lịch sử văn học, lịch sử Phật gỉáo VN v.v... đã có những ghi nhận về nội dung Khóa hư lục. Sách Thiền học Trần Thái Tông của Nguyễn Ðăng Thục (Ban Tu thư ÐH Vạn Hạnh xb, S, 1971) là tác phẩm nghiên cứu về Khóa hư lục bề thế nhất, bao quát nhất. Có thể người đọc không hoàn toàn tán đồng hay chia sẻ với tác giả về những kiến giải, những biện luận trong sách, nhưng sự tham bác, mở rộng để soi sáng Khóa hư lục qua nhiều lãnh vực là đặc điểm mà ai cũng công nhận.

Sách Văn học thời Lý của Lê Văn Siêu (Nxb Hướng Dương, S, 1956) tuy độ dày chưa tới 150 trang, nhưng đã được viết với tất cả mọi nỗ lực của tác giả nhằm phát hiện, soi sáng phần “phẩm” của nền văn học đó. Nhìn chung, tác giả đã có những thành tựu đáng kể, chẳng hạn, ông đã soi rọi, đánh giá rất xác đáng về chiều sâu nơi các bài thi kệ của Thiền sư Huệ Sinh (Văn học thời Lý, Sđd, tr.80- 82), Thiền sư Quảng Nghiêm (Sđd,  tr.87-88) hoặc căn cứ vào tư liệu văn học, hết mực đề cao “vai trò lịch sử” của Thiền sư Vạn Hạnh, người cha tinh thần đã góp phần chính khai sinh ra nhà Lý, dẫn tới việc viết tác phẩm kịch lịch sử “Quốc sư Vạn Hạnh”   (Nxb Lá Bối, S, 1967) rất giá trị. Tuy nhiên, do hạn chế về tư liệu tham khảo, sách có một vài nhầm lẫn, thiếu sót. Thí dụ nơi trang 19, tác giả chú thích: “Chính Long Thọ Bồ tát là ngườì sáng lập ra Tam luận tông (kinh Tam luận tông do ngài viết là một thứ siêu hình học) và Kim Cương tông (kinh Kim Cương do ngài viết là một thứ thần bí học)”. Thật sự thì Tam luận tông là một trong số 10 tông phái Phật giáo được thành lập ở Trung Họa, căn cứ trên giáo nghĩa của ba bộ luận là Trung luận, Thập nhị môn luận và Bách luận (hai luận trước do Bồ tát Long Thọ viết luận sau do Bồ tát Ðề Bà viết, cả ba đều do Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch ra Hán ngữ), do đó, Tam luận tông đã xem ngài Long Thọ như là sơ Tổ, chứ không phải ngài là ngưòi sáng lập. Lại cũng không có “kinh Tam luận tông” , mà “kinh Kim Cương” cũng không phải do Bồ tát Long Thọ viết. Về phần thi ca của các vị thiền sư thời Lý và một số nhân vật liên hệ , qua sự ghi chép của sách Thiền uyển tập anh còn phong phú hơn nhiều (Hồi đó, tác giả chỉ dựa theo tài liệu trong Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Mật Thể và Văn học đời Lý của Ngô Tất Tố). Thêm nữa, văn học thời Lý còn có mảng “Văn chương về văn bia” cũng khá phong phú.

Vũ Khắc Khoan là một nhà văn, nhà viết kịch, và dù có một thời gian giảng dạy ở Ðại học Vạn Hạnh, sự nghiệp nghiên cứu Phật học của họ Vũ hầu như không có gì. Năm 1966, Vũ Khắc Khoan cùng với một số thân hữu thành lập Nxb Ðào Tấn, xuất bản các tác phẩm chèo cổ như Quan âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ. . . Nơi “Lời giới thiệu” về vở chèo Quan âm Thị Kính, Vũ Khắc Khoan đã đánh giá rất xác đáng về nội dung tư tưởng của tác phẩm. Ông viết: “Tư tưởng Phật giáo lại càng tỏ rõ khi Thị Kính cam chịu tiếng oan, vì lòng từ bi, vì đức hiếu sinh, hy sinh cuộc sống của mình để nuôi đứa bé sơ sinh của Thị Mầu. Nỗi oan mưu sát chồng đã đưa Thị Kính đến con đường giải thoát, nỗi oan quyển rũ Thị Mầu không làm cho nàng nản chí trên con đường giải thoát, nhưng chính lòng từ bi, đức hiếu sinh, chính hành động tích cực nuôi con Thị Mầu mới thực sự đưa nàng lên cõi giải thoát. Trên hành trình vượt sông mê để cập bến giác, tinh thần Phật giáo đã là một ngọn hải đăng soi sáng bước chân Thị Kính. Ðể Thị Kính trở thành Tiểu Kính Tâm, để Tiểu Kính Tâm trở thành Ðức Phật Quan âm" (Sđd, Nxb Ðào Tấn, S, 1966, tr.14).

Sau này ông có tác phẩm “Ðọc kinh”, viết xong từ năm 1986, được xuất bản sau khi tác giả đã qua đời (Nxb An Tiêm, Paris, 1990). “Ðọc kinh” thuộc loại đoản văn - khiến người đọc nhớ tới Mơ Hưong Cảng mà tác giả đã gọi là “tùy bút”? Nhưng trước hết và trên hểt, Ðọc kinh là sự khẳng định cho thấy về cuối đời, Vũ Khắc Khoan đã tiếp cận với Phật giáo, đã đọc kinh Phật, không chỉ đọc bằng trí mà còn đọc bằng tâm, đã rung động, trăn trở...

Cuộc sống luôn là một tổng hòa giữa hiện tại với quá khứ, nên mọi nhìn lại một cách đúng đắn về quá khứ luôn là những tham khảo có ích cho hiện tại. Một số sách dịch thuật và biên khảo kể trên đã và đang được tái bản. Mong rằng Phật giáo VN hiện đại vẫn tạo được nhiều thuận lợi để giới trí thức Việt Nam luôn có những gắn bó tốt đẹp.

Chú thích:
(1) xem thêm: “VN Phật giáo sử luận”. T2, 1992, tr.244-245, lời Chú 91 .
(2) xem thêm bài viết của chúng tôi: “Về Ðại tạng kinh VN in trong “Phật giáo trong thế kỷ mới”, T2, Nhà xb Giao Ðiểm, Hoa Kỳ, 1997, tr.301-322.
(3) Xem thêm: “Nghiêm Xuân Hồng, Nhập pháp giới, 4 tập. Thành hội Phật giáo TP.HCM xb. 1995”.
(4)Về phía Tăng sĩ có cuốn “Phật học tinh hoa” của Sa môn Ðức Nhuận.

(Phật tử Mỹ Hồ đánh máy lại từ Nguyệt san Giác Ngộ số 67, tháng 10 năm 2001)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập