Vấn Đề " Khu Thích Dĩ Nhập Nho " Và " Dĩ Nho Giải Phật " Trong Tác Phẩm Cung Oán Ngâm Khúc Của Nguyễn Gia Thiều
1. Khu Thích dĩ nhập Nho
Ở thời Lý – Trần, tư tưởng Tam giáo đồng nguyên được phổ biến rộng rãi, tuy nhiên Phật giáo luôn giữ vị trí trọng tâm. Đến cuối thế kỉ XVI, Nho giáo ngày càng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, việc Trịnh – Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia cắt đã đánh dấu thời kì suy thoái kéo dài của Nho giáo. Tư tưởng gò bó, khuôn phép của Nho gia đã bộc lộ hạn chế trong việc giải phóng tình cảm cá nhân, chia sẻ, an ủi con người. Bên cạnh đó, Phật giáo đã có dấu hiệu phục hưng. Sự thanh tịnh của Phật giáo bổ sung cho nhu cầu thoát khỏi ràng buộc, chuẩn mực, khuôn mẫu và bi kịch của nhà Nho trong trường mâu thuẫn tư tưởng không thể giải quyết của kẻ sĩ đương thời. Trong thời loạn lạc, con người thường thấy mình nhỏ bé mà Nho giáo không thể là điểm tựa vững chắc, thế nên họ cố kéo Phật giáo lại gần Nho giáo hơn, quan tâm đến những vấn đề nhân sinh, những nhu cầu bình ổn nhân tâm và giúp con người hướng thiện. Từ đây hình thành chủ trương “khu Thích dĩ nhập Nho”.
Khi Nguyễn Gia Thiều cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, vây lấy ông chỉ là sự bi quan, chán chường thì nhà thơ đã tìm đến Phật giáo như một điểm tựa tâm hồn. Những cung bậc tình cảm của cuộc sống, những khao khát tự do của con người luôn bị Nho giáo kiềm tỏa lại được soi sáng trong đạo Phật. Trong khi Nho giáo xiết chặt con người bởi vòng tròn tam cương, ngũ thường thì Phật giáo hướng con người đến một thế giới tinh thần hoàn toàn tự do. Ở cõi Chân Như đó, con người ngộ đạo sẽ hoàn toàn được thoát tục, rũ bỏ hết những buồn phiền, đau thương. Phật giáo vốn đề cao tinh thần từ bi, bác ái, đề cao quyền hạnh phúc của con người, thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Các tư tưởng, triết lý của Phật giáo bao giờ cũng dẫn ra cho con người cách giải thoát khỏi những khổ lụy trần gian.
Cất lên tiếng nói, giãi bày tâm sự thay cho người cung nữ, Nguyễn Gia Thiều đã vượt qua những định kiến khắt khe của Nho giáo vốn “trọng nam khinh nữ”. Người cung nữ ý thức được giá trị cá nhân, nàng không hề che giấu, nép mình trong vào “công, dung, ngôn, hạnh”. Nàng đã mạnh dạn cất lên tiếng nói cá nhân riêng biệt, vừa tự hào về vẻ đẹp: Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa/ Vẻ phù dung một đóa khoe tươi hay Hương trời đắm nguyệt say hoa/ Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình, vừa tự hào về tài năng của mình: Câu cẩm tú đàn anh họ Lý / Nét đan thanh bậc chị chàng Vương / Cờ tiên rượu thánh ai đang / Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm. Nếu không có sự phóng khoáng trong tư tưởng, sự minh suốt trong trí tuệ, sự phá chấp giúp xóa bỏ tự ti, mặc cảm của nhà Phật thì người cung nữ sẽ chẳng dám tự khẳng định bản thân mình như vậy.
Bên cạnh đó, hạn chế lớn nhất của Nho giáo thể hiện ở chỗ chỉ đặt cá nhân trong tinh thần trách nhiệm đối với xã hội mà bỏ qua đời sống nội tâm đầy phức tạp của con người. Đưa Phật giáo vào Nho giáo, Nguyễn Gia Thiều đã thể hiện ngòi bút nhân văn cao đẹp khi coi trọng khát vọng yêu đương, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ: Đêm hồng thúy thơm tho mùi xạ / Bóng bội hoàn lấp ló trăng thanh/ Mây mưa mấy giọt chung tình / Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn. Có lúc, họ muốn cởi bỏ mọi sợi dây ràng buộc của Nho giáo, giải phóng bản thân mình để đạt được cái tự do, phóng khoáng của nhà Phật: Ý cũng rắp ra ngoài đào chú/ Quyết lộn vòng phu phụ cho cam. Từ việc tiếp thu giáo lý Thập nhị nhân duyên của Phật giáo, mà “ái” là một thứ tình khó đoạn tuyệt, khó rũ bỏ nhất, Ôn Như Hầu đã lý giải rõ hơn về nguyên nhân trực tiếp sinh ra mọi khổ đau của người cung nữ. Chính vì lòng nàng vẫn còn lưu luyến tình duyên Buồn này mới gọi buồn sao?/ Một đêm nhớ cảnh biết bao nhiêu tình?, cũng như Nguyễn Gia Thiều vẫn còn mang nặng lòng trung với vua nên không thể sống vui vẻ, thanh thản, an nhiên được.
Có thể nói, thế giới quan, nhân sinh quan của Nguyễn Gia Thiều là cái nhìn chung của những con người không còn đặt niềm tin tuyệt đối vào Nho học giữa những rối ren, nhiễu nhương đương thời. Chính vì vậy, Phật giáo trở thành cứu cánh, thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho họ, để rồi rất nhiều người chọn cho mình con đường “cư Nho mộ Phật”. Cung oán ngâm khúc được viết bởi niềm cảm thương sâu sắc, bởi sự rung động chân thành của chính con người phải trải qua những bước “cùng thông”, “đắc thất”. Sự cảm thương, rung động đó làm sao được thể hiện trọn vẹn nếu chỉ dùng triết lý của Nho gia – một nền tảng triết lý chủ yếu dùng để trị nước, an dân. Chính vì vậy, đưa Phật giáo, thậm chí cả Lão giáo vào tác phẩm với tinh thần Tam giáo đồng nguyên không chỉ thể hiện tư tưởng lớn của người học rộng biết nhiều mà còn tạo được sự đồng cảm, sẻ chia với người đọc qua nhiều thế hệ.
2. Dĩ Nho giải Phật
Nếu như chủ trương “khu Thích dĩ nhập Nho” tiếp cận Cung oánngâmkhúc dưới góc độ một nhà Nho chính thống đang bế tắc về tư tưởng, phải nhờ đến Phật giáo làm nơi nâng đỡ tâm hồn thì “dĩ Nho giải Phật” lại tiếp cận tác phẩm ở khía cạnh tác giả muốn mượn Nho giáo để lý giải Phật giáo. Nguyên nhân nhìn nhận tác phẩm theo hướng “dĩ Nho giải Phật” đầu tiên là ở bối cảnh Phật giáo lúc bấy giờ. Phật giáo thời đại Nguyễn Gia Thiều đang phục hồi và thu hút sự quan tâm, niềm tin của nhiều người. Bên cạnh đó, như đã trình bày ở trên, chính quê hương mang đậm dấu ấn Phật giáo là chiếc nôi góp phần hình thành tư tưởng của Nguyễn Gia Thiều. Ngay cả chính bản thân nhà thơ cũng có tình yêu, sự đồng điệu với triết học Phật giáo. Không những thế, Cung oán ngâm khúc thể hiện rất nhiều giáo lý, tư tưởng nhà Phật. Có thể nói, cho dù Nguyễn Gia Thiều cũng bị tư tưởng Lão – Nho chi phối nhưng cảm quan Phật giáo vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm, thể hiện rõ nhất ở tinh thần nhân đạo. Theo hướng này, thì mạch đập chính của tác phẩm là tư tưởng Phật giáo, việc nhà thơ đưa những yếu tố của Nho giáo vào chính là để thực hiện mục đích dùng Nho giáo giải thích thêm cho Phật giáo, làm sáng rõ các giáo lý nhà Phật.
Trong Cungoánngâmkhúc, ta dễ dàng bắt gặp hình tượng Trời – vốn là cội rễ của định mệnh trong quan niệm Nho giáo. Trời ở đây còn được gọi là “tạo hóa”, “hóa công”, hay “con tạo”. Nếu như Phật giáo thuần túy không thừa nhận thế giới thần linh, siêu nhiên huyền bí, tất cả đều do con người tạo ra và con người định đoạt thì trong Cung oán ngâm khúc công nhận sự xuất hiện của Trời như là một lực lượng siêu nhiên tạo ra tất cả mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này: Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa. Con người không thể tránh được số trời, không tránh được những phúc họa mà trời đã định sẵn:
Quyền phúc họa trời tranh mất cả
Đường tác hợp trời kia giong ruổi
Ví sớm biết lòng trời đeo đẳng
Ai ngờ trời chẳng cho làm
Trời đối với con người nhiều khi độc ác, tàn nhẫn:
Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán
Tay tạo hóa cớ sao mà độc
Nào hay con tạot rêu người
Phải chăng những triết lý của Phật giáo về nghiệp, tiền định, nhân quả... chưa giải đáp thỏa đáng về nỗi khổ đau của kiếp người, để rồi Nguyễn Gia Thiều lại loay hoay tìm đến Trời. Tác giả muốn mượn Nho giáo để lý giải Phật giáo, làm rõ và tô đậm hơn nữa những khổ đau mà con người phải gánh chịu. Đó cũng là để giải thích cho việc con người trở nên mù lòa trước số phận, không tìm được lối thoát: Cái quay búng sẵn trên trời / Mờ mờ nhân ảnh nhưn gười đi đêm
Một cách lý giải khác, trong khi Phật giáo cho rằng con người phải gánh chịu Nghiệp do kiếp trước để lại, phù hợp với luật nhân quả thì Nho giáo lại không đề cập đến tiền kiếp. Trong Tứ Thư, Khổng Tử rất ít bàn về cái chết, càng không nói đến thế giới mai sau. Vấn đề trung tâm của Nho giáo là con người ở thời điểm hiện tại, coi trọng sự sống ở hiện tại. Chuyện con người lúc sống còn chưa lo hết thì không thể lo đến việc sau khi chết. Phật giáo nói đến kiếp trước nhưng kiếp trước đó đối với con người chỉ là dự cảm, mơ hồ. Người ta không thể hình dung và không thể xác thực về Nghiệp kiếp trước mình đã gây ra. Thời kì này, con người vẫn còn nặng niềm tin đối với thần thánh, chính vì vậy họ không dễ dàng tin kiếp trước là nguyên nhân. Việc dùng thần linh hay một đấng siêu hình nào đó sẽ mang tính thuyết phục cao hơn. Hơn nữa trước đó, Nho giáo rất thịnh hành. Người Việt tin rằng “Tạo hóa” là đấng quyền phép vô cùng, là người định đoạt tất cả. Muốn có hạnh phúc, con người phải thờ kính, làm theo ý Trời và sống theo thiên mệnh “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Lúc này, Nho giáo với mệnh Trời sẽ dễ hiểu và dễ thuyết phục hơn rất nhiều. Chính vì vậy, khi đan lồng Nho giáo vào Phật giáo, dùng mệnh trời để giải thích thêm cho tư tưởng nhà Phật, Nguyễn Gia Thiều đã thành công trong việc giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận hơn. Không những thế, con người sống trong cuộc đời luôn hướng đến lẽ công bằng. Chính quan niệm “bỉ sắc tư phong” của Nho giáo là biểu trưng cho sự công bằng đó. Dùng Nho giáo để giải quyết lẽ công bằng trong cuộc sống, giúp con người thấy được lẽ công bằng một cách rõ ràng cũng là ý nghĩa của chủ trương “dĩ Nho giải Phật”. Trong Cung oán ngâm khúc, bên cạnh những hệ lụy do nghiệp tiền thân của mình gây ra, người cung nữ còn phải gánh chịu sự ghen ghét của tạo hóa theo quy luật “tạo vật đố hồng nhan” của Nho giáo. Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng đã từng thốt lên cay đắng: Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài liền với chữ tai một vần. Chính vì ghen tị với tài năng và nhan sắc của nàng mà tạo hóa đã thực hiện nguyên lý “bỉ sắc tư phong”, vùi dập, đày đọa người cung nữ đến nghẹt thở. Nhưng suy cho cùng, đó cũng là lẽ công bằng có thể dễ chấp nhận trong xã hội.
Tạm kết
Như vậy, nếu không đặt nặng vấn đề tư tưởng, cảm quan chủ đạo trong Cung oán ngâm khúc, ta có thể dễ dàng nhận ra rằng đây là thời đại của Tam giáo đồng nguyên, hay gần hơn nữa là “Nho Thích song hành”. Ngay từ thế kỉ thứ II, Mâu Tử đã thể hiện quan niệm về Phật và Nho: “Châu dư dị lộ, câu tứ hành dã” (thuyền, xe không đi chung đường nhưng đều đưa người đến chốn) [Dẫn theo Nguyễn Đăng Thục (1974), Phật giáo Việt Nam, NXB Mặt đất, Sài Gòn, tr. 287]. Nho và Phật tuy không đi cùng đường nhưng đều đưa con người hướng đến cái thiện, cái tốt. Nho giáo giúp con người xa rời cái ác, cái xấu còn Phật giáo giúp con người từ bỏ nghiệp chướng, dẫn đến sự giác ngộ. Nho giáo chi phối con người về mặt lý tính và nghĩa vụ xã hội còn Phật giáo chi phối con người về đời sống tình cảm, ước mơ và tấm lòng nhân đạo, ưu ái vạn vật xung quanh. Chính vì vậy, hai nền tư tưởng lớn có thể dung hợp và bổ sung cho nhau. Dù tư tưởng nào chiếm ưu thế đi nữa thì vẫn hướng người đọc đến với con người, với nhân tâm.Và sự thanh tâm, dưỡng tánh, tu thân, tích đức, làm lành, lánh dữ... luôn là chuẩn mực mà tư tưởng nào cũng hướng tới.
Việc kết hợp Nho và Phật làm cho thế giới quan, nhân sinh quan của Nguyễn Gia Thiều được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Dù không tìm được lối thoát về tư tưởng trong cả Nho lẫn Phật, nhưng bằng cái nhìn thông suốt và uyên bác, Ông Như Hầu đã giúp người đọc mở lòng tiếp nhận tác phẩm theo quan niệm từ bi, nhân ái của đạo Phật và sự trung hiếu trong giáo lý của nhà Nho. Để rồi trong lòng mỗi người, Nguyễn Gia Thiều không chỉ là một trung thần mũ cao áo dài mà còn là một tha nhân đang gói ghém những niềm riêng để nhẹ bước vào cõi vô thường thênh thang này.
Phạm Kim Ngân
ThS. Văn học Việt Nam trường ĐHKH XH&NV TPHCM
- Từ Việt Hán đến Ngữ Văn – Nghĩ về một danh xưng hợp lý cho môn học tiếng Việt Trần Kiêm Đoàn
- “Tiếng Việt từ TK 17: tay mặt/hữu - tay tả/trái – tay đăm/chiêu” (phần 31) Nguyễn Cung Thông
- Nguồn gốc cụm từ "khoa học" trong tiếng Việt (p. 27) Nguyễn Cung Thông
- Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Văn Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh HT. Thích Thắng Hoan
- “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - quan tiền xưa với nhận xét mới” (phần 21B) Nguyễn Cung Thông
- Vì Những Trái Việt Quất Lạnh Lẽo Tuệ Uyển
- Tìm đọc “Chú tiểu Pháp Đăng” của Nhà Sư Trẻ Giác Minh Luật Tuệ Nghiêm
- 9 Cuốn Sách Phật Gíáo Bạn Nên Có Admin
- Vai trò của Viện đại học Vạn Hạnh trong hệ thống giáo dục bậc đại học ở Việt Nam Thích Giác Chinh
- Xuân cảnh (Phật hoàng Trần Nhân Tông) Trí Bửu
- Khai thác giá trị di sản Hán-Nôm Phật giáo Chu Minh Khôi thực hiện (Giác Ngộ Online)
- Những nét đặc trưng trong thơ Thiền Trần Nhân Tông Thích Bổn Huân
- Đôi điều về chữ Nôm và giọng Quảng Nam (phần 1) Nguyễn Cung Thông
- Thầy Nhật Từ với thi phẩm Hành Trang Cho Đời Đăng Lan
- Bài kệ của trưởng lão Mãn Giác về triết học duy vật Thích-Ca-Mâu-Ni PGS. TS. Nguyễn Đăng Na
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)