Âm vang lắng đọng sau khóa tu dưỡng lần III tại Niệm Phật Đường Fremont, Hoa Kỳ

Đã đọc: 3364           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Tôi nghĩ, mỗi vị Giảng Sư nên ý thức được : “Hoằng Pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” và tất cả sinh hoạt biểu hiện hàng ngày đều là ‘giảng Pháp” cũng giống như Tây Phương Cực Lạc gió thổi, nước chảy, chim ca đều là những âm thanh giác ngộ, đều là nói Pháp.

Phật Giáo đến với Hoa Kỳ trễ hơn nhiều so với các châu lục khác. Phật Giáo Việt Nam hiện diện và sinh hoạt ở Hoa Kỳ chính thức và chủ yếu là sau năm 1975, sau biến cố lịch sử và chính trị tại Việt Nam và làn sóng di dân đến Hoa Kỳ ngày càng nhiều. Phần lớn người dân bản xứ theo Đạo Tin Lành và Thiên Chúa, tuy rằng có nhiều cảm tình với Phật Giáo và có ưa chuộng nghiên cứu Kinh Điển và tu tập Thiền Định. Việc đào tạo Tăng tài và giáo dục Phật Giáo theo hệ thống trường lớp, Sư Phạm, chủng viện, Phật Học Viện chưa hình thành được tại đây. Giáo dục Phật Giáo trong tự viện chủ yếu là Thầy dạy trò, có một số lớp mang tính chất “Gia Giáo” và may mắn lắm mới mời được một vị Giáo Thọ Sư đến chùa để dạy cho vài Tăng Ni trẻ cùng nhóm học. Một khoá an cư thông thường chỉ tổ chức được trong vòng 2 tuần. Số lượng người xuất gia và thành tựu giới hạnh Tỳ Kheo tại Hoa Kỳ còn ít ỏi. Tu Sĩ Việt Nam đang lo công việc Phật sự các tự viện Hoa Kỳ chủ yếu là nhờ vào nguồn lực vượt biên, tỵ nạn và di cư hay bão lãnh sang. Như vậy, Tu Sĩ ngoài việc tự học, tự nghiên cứu, hoặc đã được tôi luyện trước khi sang Hoa Kỳ, rất ít được cơ hội để được huấn luyện và truyền thừa năng lực từ các môi trường thích hợp như các nước Phật Giáo Châu Á khác. Số lượng các Đạo tràng, giảng đường tổ chức cho Phật tử học Phật Pháp có hệ thống từ thấp lên cao còn quá hiếm hoi…Chính những dấu hiệu ấy tạo nên sự xuất hiện những bài viết đặt vấn đề : “Tương lai Phật Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại đi về đâu?” ngoài những việc như : xây cất chùa chiền, đi cúng đám và an ủi hướng dẫn những người già. Tất nhiên, tôi không hoàn toàn tán thành những quan điểm nêu ra trong đó từ người học giả Phật tử “chân ướt chân ráo” tham quan Hoa Kỳ, nhưng dù sao chúng ta cũng nên tìm hiểu nguyên nhân xuất phát, những điểm yếu hiện tại và những biện pháp khắc phục, hoặc phương cách đưa Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại phát triển đều đặn và vững vàng hơn.

Xuất phát từ thực tiễn đó và phấn nào lấp vào khoảng trống, tạo điều kiện cho việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các Tu Sĩ các thế hệ, HT Thích Thái Siêu, kế thừa truyền thống “đào tạo Tăng tài” của Chùa Quảng Hương Già  Lam”, đã tổ chức Khóa Tu Dưỡng Kỳ 3, NPĐ Fremont, vùng Bắc California, Hoa Kỳ kéo dài 5 ngày (Tue. 19/07 – Sat. 23/07/2011). Tôi không tham dự 2 Khóa Tu Dưỡng trước  cũng như không tham dự hoàn toàn đầy đủ Khóa Tu Dưỡng kỳ 3, tôi chỉ nêu ra những ghi nhận trong 2  ngày đầu trong Khóa Tu Dưỡng này.

Mở đầu khóa học là bài Pháp Thoại của HT. Thích Phước Thuận với chủ đề : “Nghi Lễ Phật Giáo”, có rất nhiều câu hỏi và ý kiến trong phần Pháp Đàm với Hòa Thượng giảng sư, Qua đó, tôi có vài suy nghĩ về vấn đề Nghi Lễ như sau :

- Quả nhiên, nghi lễ có vai trò quan trọng trong mọi tôn giáo và sinh hoạt cuộc sống. Chính vì thế mà Ngài Khổng Tử soạn ra Kinh Lễ ở trong Ngũ Kinh. Nghi Lễ thiết đặt uy nghi, phép tắc, trật tự, thứ tự, ….cho các hội họp, sinh hoạt, Lễ Hội Tôn Giáo.Tuy nhiên, dù gì đi nữa, Nghi Lễ cũng chỉ là phương tiện. Không nên quá đề cao hoặc tuyệt đối hóa vai  trò, tác dụng của Nghi Lễ. Nghi Lễ chỉ bày ra phương tiện và hỗ trợ duyên thôi chứ không phải là quyết định tất cả. Có ai bảo đảm hễ cúng cầu an là được an, cúng cầu siêu là được siêu? Nếu vậy thì mọi người chỉ lo việc sắm sửa cúng kiến chứ ai lo việc tu học làm gì và luật nhân quả nghiệp báo để đâu? Chính bản thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn mang báo thân ngũ uẩn vẫn còn thọ trả nghiệp báo xảy ra nơi thân Ngài, Ngài Mục Kiền Liên, thần thông đệ nhất, còn bị đánh chết, tan xác,…Vậy chúng ta cầu nguyện ai giải quyết mọi vấn đề cho chúng ta đây ? Tất nhiên tu tập, sám hối, cúng bái có thể làm giảm trừ đi một số nghiệp nhất định, không ai phủ nhận điều đó, nhưng không phải làm tiêu sạch tất cả các nghiệp. Vì có ba điều chính Đức Phật không thể thực hiện mà theo ngôn ngữ Phật học gọi là “Tam bất năng”:

1.Không thể cải biến định nghiệp (bất năng miễn định nghiệp),
2. Không thể độ kẻ vô duyên (bất năng độ vô duyên),
3. Không thể hóa độ hết thảy chúng sinh (bất năng tận sinh giới).

 

HT. Thích Thái Siêu, Trưởng Ban Tổ Chức Khóa Tu Dưỡng lần 3 NPĐ Fremont

 -  Người hành Nghi Lễ đúng nghĩa phải là người tu hành đàng hoàng, trang nghiêm thanh tịnh, thực thi phương tiện với lòng Từ Bi, Vô Ngã, Lợi Sanh chứ không phải giống như một nghệ sỹ trên sân khấu, diễn cho hay ho, hết tuồng hết kép, càng không phải vì danh vọng, lợi dưỡng như một “nghề” : “thầy cúng”, “thầy Pháp”, làm Lễ cho ăn khách, đắt hàng và khi họ đã thỏa mãn với bài bản khoa trương rồi thì họ sẽ thỏa mãn những nhu cầu của “ Lễ Sư”

   - Nghi thức tụng niệm và các khóa Lễ nên thực hành theo Tiếng Việt cho quần chúng Phật tử (người sống lẫn hương linh) nghe và hiểu được. Sách có câu :

Lễ Phật giả, kỉnh Phật chi đức
Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân
Khán kinh giả, minh Phật chi lý
Toạ Thiền giả, đăng Phật chi cảnh…

 

Thời nguyên thuỷ, Đức Phật giảng giải Kinh Pháp, mọi người lắng nghe, tin tưởng và hành trì theo. Chư Tăng ở những nơi thanh vắng, ngồi Thiền rồi suy gẫm quán tưởng về những lời Phật dạy, cũng có lúc lặp lại cho dễ nhớ. Việc tụng kinh thời ấy thật đơn giản và mang ý nghĩa tích cực như vậy. Bỗng nhiên sau này  Nghi Lễ trở thành ngâm vịnh ê a phối hợp với biết bao nhiêu nhạc khí. Phật tử quỳ, hễ nghe chuông thì lạy, đến hơn tiếng rưỡi mà không hiểu gì hết bởi vì đó là Nghi Lễ sử dụng tiếng Hán Việt. Mình là người Việt , tụng kinh theo Tiếng Việt, dễ hiểu, dễ nhớ có phải là hay hơn không, tại sao lại phải lệ thuộc nghi Tiếng Hán, có phải là buộc theo nề nếp quy định sẵn, khô cứng, “xưa bày nay làm” hay bởi vì Tiếng Hán thuộc sẵn rồi bây giờ nếu chuyển qua tiếng Việt phải học nữa thêm mệt, hay là tiếng Hán có vần có điệu sẵn dễ tán tụng hòa âm nhạc khí còn tiếng Việt dịch thì mới mẻ trúc trắc hơn khó tán tụng cho rập ràng? Chính Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Cố DLHT Thích  Huyền Quang đã đọc Đại Tạng Kinh và soạn dịch bộ Nghi Lễ Tiếng Việt cuốn : “Pháp Sự Khoa Nghi Việt Ngữ” , hẳn là Ngài muốn chúng ta bỏ bớt lệ thuộc, nặng nề, cồng kềnh, khó hiểu của chữ Tàu trong Nghi Lễ. Ngài có ân cần trao và ký tặng cho tôi một quyển. Những dịp làm chủ Lễ trong những Hội Lễ liên quan, tôi sử dụng cuốn Nghi Lễ Tiếng Việt ấy cảm thấy thuận tiện và ý nghĩa hơn tiếng Hán Việt nhiều. Có 2 kiến nghị tôi muốn đưa đến HT. Giảng Sư về vấn đề Nghi Lễ :

-   Thứ nhất là mọi người có mặt trong Khóa Tu nên cùng nhau thể hiện quyết tâm góp  phần cho việc phổ biến thực hành các Khóa Nghi Lễ với Tiếng Việt( chỉ trừ các phần thần chú không dịch mà thôi). Mỗi người cùng  góp nhau chung tiếng nói, hòa âm thì sẽ tạo nên một làn sóng biến chuyển ngân rộng, nếu không ý thức, không làm thì biết đến khi nào mới thay đổi được?. Chúng ta cũng thấy, người Âu Mỹ và các em tuổi trẻ đến các chùa Phật Giáo, nếu các vị Tăng kéo dài khóa cúng Phật và cúng tiến linh đến gần 2 giờ mà họ không hiểu gì hết thì lần sau liệu họ có chịu đến chùa nữa không? Đạo Phật cho dù đặt mối quan tâm vào việc độ tử thì cũng đồng thời hướng đến việc độ sanh. Chúng ta cũng nên lưu ý quy cách sinh hoạt trong các trường Thiền, phần nghi lễ tôn giáo được tiến hành khá gọn nhẹ, phần lớn thời gian còn lại dành cho việc tu thiền định và chia sẻ các đề tài : Phật Pháp với cuộc sống.

-   Thứ Hai là những người phụ trách trong Ban Nghi Lễ trong các Tăng Đoàn Phật Giáo nên cùng nhau soạn ra nghi thức tụng hàng ngày và các Nghi Phổ Thông ( cho các Lễ cúng vía. đám tang, cầu siêu, chẩn tế,…) bằng Tiếng Việt và hướng dẫn thực hành thế nào cho đúng cách và lợi lạc. Nếu có sự đồng nhất và phổ biến như vậy thì sự thực hành sẽ được dứt khoát hơn, đồng bộ hơn, không chệch choạng,…và cũng thuận tiện cho việc giao lưu qua lại giữa các chùa chiền và Đạo Tràng.

 

 Tăng Ni trong Khóa Tu Dưỡng đang ghi nhận và tiếp thu trong lớp học

 Có thật nhiều vấn nạn xung quanh vấn đề Phật Giáo truyền thống, Giáo Đoàn chính thống kế thừa và thống nhất Phật Giáo…Tuy nhiên có một vài điểm quan trọng mà người Tu Sĩ nên lưu ý để có được quan điểm lành mạnh, tích cực trong sinh hoạt Giáo Đoàn :

a/ Người Thầy thực sự của chúng ta là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khuôn vàng thước ngọc cho tu tập sinh hoạt chúng ta là Pháp và Luật do Đức Phật và Thánh Tăng để lại. Dù sao thì hình thức tổ chức mang tính chất hình thức, Pháp Hữu Vi và tương đối, giai đoạn. tất nhiên người Tu Sĩ trong quá trình xuất gia, tu học, thọ giới, Sám Hối, Bố Tát, an cư, …nên sinh hoạt trong một Tăng Đoàn nào đó.

b/ Tăng là những Trưởng Tử, Sứ giả Như Lai, tu theo Chánh Đạo, “trên cầu Phật Đạo, dưới cứu độ chúng sanh”, làm tốt Đạo đẹp Đời, chứ không phải là sự tập trung của những người cùng địa phương, cùng sở thích,… lấy các việc thế gian làm việc chính.

c/ Những người lãnh đạo Giáo Hội và các thành viên phải là những tấm gương sáng mới có thể chiêu phục người khác. Có câu nói : “Anh có thể lừa dối một nhóm người nào đó trong một thời gian nào đó chứ không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi được”. Mỗi người đều có giác quan, nhận thức và cảm nhận của họ. Hãy nên cẩn thận, bình đẳng, tôn trọng, với tình thương thực sự, quan tâm, khuyến khích, giúp đỡ, tạo điêù kiện cho người khác. Nếu vì cái Danh, cái Lợi, bản ngã mà hoạt động, biểu hiện thô tháo, độc quyền, phe phái, thao túng, chèn ép, …cho dù núp dưới chiêu bài, “khẩu hiệu chào hàng” nào, rồi cuối cùng, về lâu về dài, cũng không thành tựu được đâu mà chỉ là dối trá, xáo trộn, chia rẽ, tô bồi bản ngã, gây nghiệp và trả nghiệp mà thôi.

 

 Tăng Ni trong Khóa Tu Dưỡng lần 3 NPĐ Fremont lắng nghe thuyết trình

 

Bây giờ đến phần quan trọng nhất trong Khóa Tu Dưỡng này, đó là phần thực tập thuyết trình, thuyết pháp. Tôi không biết 2 Khóa trước tổ chức như thế nào, nhưng trong Khóa này thiếu sót 2 phần cần thiết như sau : 

1/ Nên có những bài giảng của những vị giảng sư giàu kinh nghiệm nói về “Nghệ Thuật Diễn Giảng” như thế nào, người giảng sư cần chuẩn bị những gì trong cuộc sống hàng ngày, trước khi giảng, việc chọn đề tài, trình bày và các vấn đề kỷ thuật,…Như vậy Học Viên có thể nắm bắt được những đièu quan trọng về lý thuyết và phần chia sẻ kinh nghiệm

2/ Sau khi mỗi nhóm trình bày xong từng đề tài, nếu chỉ có 3 vị Giám Khảo sẽ không tốn thời gian nhiều, thì các Vị Giám Khảo này nên trình bày rõ nhận xét, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm trong sự trình bày của từng nhóm, cũng như kết quả điểm đạt được. Qua đó, nhóm đó và cả hội chúng được học hỏi kinh nghiệm. Nếu im lặng chấm điểm rồi cuối cùng nêu ra kết quả thì họ sẽ không biết ưu khuyết chỗ nào, nên tập trung huấn luyện vào đâu và thay đổi những gì ?....

Tôi nghĩ, mỗi vị Giảng Sư nên ý thức được : “Hoằng Pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” và tất cả sinh hoạt biểu hiện hàng ngày đều là ‘giảng Pháp” cũng giống như Tây Phương Cực Lạc gió thổi, nước chảy, chim ca đều là những âm thanh giác ngộ, đều là nói Pháp. Như vậy, anh đang tiếp khách, quét nhà, lạy Phật, hay nói chuyện điện thoại cũng đều là thuyết Pháp và ngay cả bản thân anh vốn là bài thuyết Pháp không lời mà bài thuyết pháp không lời này còn quan trọng hơn bài thuyết pháp có lời, bởi vì đó là các phương tiện giao tiếp mà người khác có thể hiểu về Chánh Pháp hơn thông qua sinh hoạt và biểu hiện của anh. Một vị Giảng Sư thực thụ sẽ chia sẻ truyền trao Giáo Pháp qua thân-khẩu- ý giáo và kết tinh từ năng lực tu tập hàng ngày. Đây không phải là diễn thuyết của một nhà chính trị hoặc biểu diễn của một nghệ sỹ mà khi kéo màn rồi anh trở về vui thú, tận hưởng với cuộc sống của riêng anh mà đòi hỏi chính nơi anh có Thiền vị, chất liệu tu tập, chính anh là một tấm gương minh hoạ sống động và càng tiếp xúc với anh người ta càng lãnh hội Phật Giáo.

Cho nên, tôi giới thiệu sơ qua vài điểm cần thiết cho một Giảng Sư Phật Giáo như là : Công phu tu tập hàng ngày, tham cứu sâu tam tạng, nội điển, có Bồ Đề Tâm dõng mãnh và Từ Bi Tâm rộng lớn, mang hạnh nguyện lọi tha, nhẫn nhục, vượt khó, có ngôn ngữ văn chương, tu từ,  biết chọn đề tài nào thích hợp với khung cảnh và hội chúng, chịu khó sưu khảo tài liệu liên quan và tìm dẫn chứng thiết thực sinh động, lập dàn bài và có thể thoáng nhìn tham khảo, có trình độ phân phối tổ chức thời gian, có nghệ thuật nói chuyện trình bày trước công chúng, hiểu tâm lý quần chúng và biết  thay đổi thích hợp, uyển chuyển, ứng phó khi các sự việc bất ngờ xảy ra…Có như vậy mới xứng đáng là người : “Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai”.

Có người nói : “Sao khó quá vậy, tôi không thuyết giảng được không?”. Công việc cho dù khó thế nào, có chí thì nên. Trường học và lên lớp thì có giới hạn nhưng trường đời dài lâu sẽ dạy chúng ta rất nhiều. Tất cả chúng ta đang đi trên con đường : tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn,…

Khóa Tu Dưỡng đã kết thúc. Tôi cũng đã chứng kiến quang cảnh say sưa nghiên cứu trao đổi, chia sẻ của các nhóm, sinh hoạt ngoài giờ, tại thư viện, ngoài sân, trên các bàn học, ắt hẳn Quý vị có những kỷ niệm khó quên và hành trang quý giá trên bước đường hoằng pháp lợi sanh. Rồi đây trên bước đường Phật sự xuôi ngược đó đây, Quý vị sẽ nhớ lại khoá tu học hôm nay và nhận ra được những chủng tử huân tập từ dạo đó tự nhiên hôm nay áp dụng nhuần nhuyễn được. “Phật Pháp xương minh do Tăng già hòa hợp, Thiền môn hưng thịnh do Đàn việt hộ trì”. Chúng ta tri ân HT Thích Thái Siêu, Ban Tổ Chức và những người Hộ Pháp tạo duyên và trợ duyên cho sự trưởng thành của các nhà truyền giáo trẻ. Mong rằng Hòa Thượng và Tăng Đoàn sẽ tổ chức thường xuyên các Khoá tu học lợi lạc nhiều hơn nữa. Ngày mai cánh chim vững vàng tung bay đến khắp bốn phương trời cũng nhờ công lao dìu dắt từng bước và thực tập hôm nay. Tuổi trẻ năng động sáng tạo, niềm tin, tình yêu thương, cảm thông sẽ tạo nên nền móng vững chắc cho bước tiến lâu dài. Hỡi các nhà hoằng pháp trẻ, hãy tinh cần tu tập và hãy đi đến tận mọi hang cùng ngõ hẻm trong cuộc sống, hãy giống lên tiếng Trống Pháp cho chúng sanh hữu duyên muốn nghe, khiến cho Pháp luân thường chuyển ngộ tâm khai như lời đức Phật huấn thị "Này các con, hãy vì lòng từ bi rộng lớn, đi gieo rắc hạnh phúc cho đời. Ðừng đi trùng nhau trên cùng một ngả đường. Các con hãy truyền đạo mầu nhiệm cho đời hiểu thế nào là cuộc sống cao cả, trong sạch, hoàn toàn và gương mẫu."

                         Mùa Vu Lan, PL 2555

San Jose, Cali, Chùa Hồng Danh

                                             TK. Thích Minh Tuệ

             (Thích Đồng Trí)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập