Vì sao phim “Hãy cùng em điệu Sarikakeo” dừng phát sóng?

Đã đọc: 10043           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Cảnh trong phim "Hãy cùng em điệu Sarikakeo"

Là bộ phim truyền hình đầu tiên nói về cuộc sống của người Khmer Nam bộ, tuy nhiên ngay sau khi phát sóng 1 tập trên VTV1 bộ phim “Hãy cùng em điệu Sarikakeo” do hãng phim Vàng miền Nam sản xuất đã tạm dừng phát sóng do yêu cầu của Ủy ban Dân tộc. Để làm sáng tỏ vấn đề này, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, người phát ngôn của Ủy ban Dân tộc.

Ông Chu Tuấn Thanh cho biết: “Hãy cùng em điệu Sarikakeo” là bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên nói về cuộc sống của người Khmer Nam bộ. Câu chuyện xảy ra tại một phum nghèo trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, phản ánh một khía cạnh về cuộc sống sinh hoạt, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer ở Nam bộ. Biên kịch, đạo diễn đã có cố gắng sưu tầm kiến thức về lối sống, phong tục tập quán, ca dao tục ngữ của người Khmer đưa vào phim. Và đó là một trong những mặt tích cực.

* PV:
Là một bộ phim theo ông là có mặt tích cực, tại sao lại phải tạm dừng phát sóng?

* Ông CHU TUẤN THANH: Ngay sau khi tập 1 của “Hãy cùng em điệu Sarikakeo” lên sóng vào 21-2-2011, từ địa phương, đặc biệt là nơi có những người dân Khmer sinh sống đã có những ý kiến phản ứng gay gắt vì có nhiều nội dung, cảnh phim không đúng với thực tế về tăng ni, Phật giáo Nam tông, văn hóa và cuộc sống của đồng bào.

Một số cảnh phim có nội dung phản cảm, gây khó chịu đối với người am hiểu Phật giáo Nam tông, dễ dẫn đến những ngộ nhận, hiểu không đúng đối với tăng ni, văn hóa và cuộc sống của người Khmer Nam bộ. Vì thế, việc nghiêm túc kiểm tra và khắc phục những điểm chưa sát thực với đời sống trong phim là cần thiết.

* Cụ thể những điểm chưa sát với đời sống là về phục trang hay lời thoại, lối sống…?

* Mặc dầu mới chỉ phát sóng 1 tập, nhưng rất nhiều lỗi đã được người dân phản ánh tới chúng tôi. Có thể kể ra như hình ảnh nhà sư được xây dựng trong phim chưa đúng: Tăng ni Nam tông Khmer phải cạo hết chân mày (nhưng trong phim người đóng vai vẫn giữ chân mày); khi sư khất thực hai tay cầm bát chứ không chắp lại như trong phim…

Ngay cả lời thoại của các nhân vật trong phim cũng không thể hiện đúng lối sống, suy nghĩ và tín ngưỡng của người Khmer. Như việc sư Thạch Vông - một nhân vật trong phim, người đã đi tu mà cha mẹ vẫn gọi bằng “nó” là hoàn toàn sai, vì khi đã đi tu, là đệ tử của Phật nên đồng bào thường gọi là “lôk, lôk bon, lôk châu…”. Việc gọi thẳng tên riêng như các diễn viên trong phim thể hiện là cũng không đúng.

Nhiều “hạt sạn” cũng được bà con đưa ra như thực tế, khái niệm chuông chùa không có trong Phật giáo Khmer song lại được sử dụng, lắp ghép khiên cưỡng trong phim khiến người xem am hiểu không khỏi cảm thấy phản cảm. Bên cạnh đó, một số tình huống, bối cảnh được xây dựng xoay quanh mối quan hệ chuẩn mực, tôn kính giữa sư và tín đồ chưa chính xác cũng dẫn tới những ngộ nhận sai lầm.

* Tới nay, nhà sản xuất bộ phim đã có trao đổi gì với Ủy ban Dân tộc về những vấn đề liên quan?

* Như đã khẳng định, chúng tôi rất trân trọng việc quan tâm, đầu tư công, sức và kinh phí để có được một bộ phim phản ánh về cuộc sống, sinh hoạt, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer. Hai bên cũng đã có những cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn về bộ phim này.

Về phía Ủy ban Dân tộc giữ nguyên quan điểm là yêu cầu tạm dừng phát sóng để tiến hành thẩm định toàn bộ nội dung và hình ảnh. Ủy ban cũng kiến nghị xem xét lại quy trình và trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng, dàn dựng kịch bản, quay hình ảnh và quy trình xét duyệt, thẩm định trước khi trình chiếu bộ phim này.

Nguồn: SGGP Online

 

Thông tin thêm về bộ phim:

Phim hiếm về đề tài dân tộc
Vào đầu tháng 8/2010, Hãng phim Vàng miền Nam giới thiệu đoàn ra mắt đoàn phim Hãy cùng em điệu Sarikakeo khá long trọng. Trong buổi giới thiệu có sự tham gia của ca sĩ Siu Black, Ngọc Thuận, Lê Hà, Quang Sự, Quốc Lâm, Hồng Kim Hạnh, Khả Sinh… Giới thạo phim khá thắc mắc không hiểu vì sao một hãng phim tư nhân lại "đâm đầu" vào một đề tài khó nuốt về người Khmer Nam Bộ. Và cũng nhiều ý kiến tiếc cho Hãng phim chưa mời được Hoa hậu Trương Thị May vào vai chính.

Bộ phim xoay quanh mối tình đẹp giữa các chàng trai cô gái người Kinh và người Khmer. Câu chuyện xảy ra tại một phum nghèo của đồng bào Khmer ở miền Tây Nam bộ vào đầu thập niên 80 của thế kỷ 20. Sư Vông - từ bước chập chững từ ban đầu, đã trải qua những tháng ngày khốn khó để mong có tri thức và đạo hạnh, tham gia việc chùa cũng như chăm lo cho cộng đồng, nhất là phần hồn. Cô gái xinh đẹp hát hay múa giỏi tên Sophia yêu Vông. Điệu múa Sarikakeo quyến rũ là khát vọng được yêu, được sống hạnh phúc của người phụ nữ Khmer này. Sự từ chối của Vông làm Sophia rất đau khổ. Sau đó, cô quyết định đứng lên bằng cách rời phum, đi học nghề dệt thổ cẩm.

Con đường đi tìm tình yêu cuộc sống của chàng trai người Kinh, Trần Nam - nhân vật thứ 3- thì nương tựa theo con đò bán dạo trên sông. Trần Nam yêu tiếng hát, điệu múa của Sophia ngay trong lần gặp đầu tiên. Sự vắng bóng của sư Vông là dịp để Trần Nam tiếp cận Sophia. Khi trái tim Sophia sau thời gian dài khép kín vừa hé mở thì nhân vật thứ 4 là Vani - một cô gái thơ ngây, xinh xắn (em gái Sophia) xuất hiện làm “kỳ đà cản mũi”… Sự trở lại bất ngờ của Vông - “ra sãi” - đã làm cho cuộc sống tình yêu thêm phong phú, kịch tính và lãng mạn.

Nội dung phim chỉ đơn giản là những mối tình nhưng là một phim rất hiếm về đề tài dân tộc nên được VTV ưu ái khá nhiều. Ròng rã từ trước Tết nguyên đán đến khi lên sóng, VTV liên tục quảng cáo trailer chiếu phim Hãy cùng em điệu Sarikakeo. Sau khi chiếu tập phim đầu tiên, ngày 21/2/2011, VTV không kèn không trống ngưng phát sóng luôn cho đến nay.

...

VTV đã yêu cầu Hãng phim Vàng miền Nam tạm ngưng chiếu bộ phim để làm rõ các vấn đề trên. Ông Lê Hồng Sơn bức xúc khẳng định sẽ đưa sự việc ra toà. Ông Sơn nói: "Bộ phim Hãy cùng em điệu Sarikakeo được chúng tôi đầu tư nghiêm túc đến 6 tỷ đồng chứ không phải làm qua loa. Nội dung bộ phim phản ánh cuộc sống, văn hoá của người Khmer. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của truyền hình Việt Nam thể hiện bản sắc văn hoá và nghị lực vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Bên cạnh đó, phim còn góp phần quảng bá du lịch cho tỉnh Sóc Trăng. Vì cớ gì một bộ phim như thế lại bị ngưng chiếu?".

Nguồn: vietnamnet

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (7 đã gửi)

avatar
sophini 22/04/2011 07:31:45
Tôi nghĩ phim này ý muốn bôi bác nền văn hóa dân tộc khmer được xây đắp từ xưa ( Phù Nam ) tới bây giờ , không có chuyện yêu đương trong nhà sư cũng không có chuyện nhà sư để chân mày , ở Phật giáo khmer khi nhà sư đi tu đều từ bỏ các trần tục trong trần gian , việc đi đứng cũng như nói năng và hành động khác không đàn hoàng đều vi phạm đạo phật đừng nói đến việc để chân mày hoặc yêu đương
Tôi tha thiết đề nghị không nên trình chiếu bộ phim có nội dung như thế này để ảnh hưởng đến tư tưởng con em học sinh cũng như các thế mầm móng sau này của dân tộc khmer . Đồng thời kêu gọi các vị sư sãi chư tăng tín đồ phần giáo anh em bà con cùng dòng máu dân tộc khmer tẩy chay bổ phim này
avatar
tra vinh 06/05/2011 22:23:45
Xin lỗi theo tôi nghĩ các bạn cần tìm hiẻu sâu hơn về 1 dân tộc nào đó khi muốn làm phim về vấn đề có liên quan đến dân tộc.1 dân tộc nào cũng có 1 bản sắc riêng, bạn cần tôn trọng và xem nó như là dân tộc mình...
Tôi rất là vui khi được các bạn quan tâm đến dân tộc khomer và làm phim để qua đó giới thiệu bản sắc dân tộc đến các bạn bè ở đất nước Việt Nam và lớn hơn nữa là thế giới...tôi nghĩ các bạn cũng có ý tốt chứ không có ý gì để bôi nhọa 1 dân tộc.có lẽ do sự nhầm lẫn nào đó từ các bạn, mong các bạn xem lại kịch bản và nhân vật trong phim để bố trí phù hợp hơn
Tôi rất mong bộ phim sẽ được phát sóng lại và những khuyết điểm đó sẽ được khắc phục...xin cảm ơn các bạn lắng nghe ý kiến của tôi.
Tôi yêu Việt Nam!
avatar
07/06/2011 18:46:52
tui la nguoi khrome tui cung rat vui vi dao dien biet qan tam den dan toc chung tui , ma chuyen su yeu duong cung khong phai la hok hop le , ong cua tui noi ong cung da tu may nam nen ong tui cung hieu duoc , su yeu duong chinh trang la hok co gi la hok dc , nen tui nghi bo phim nay cung hok co y gi xau co the la co su nham lan o day thoi ...
avatar
sang sết 30/07/2011 01:07:42
VÀI Ý KIẾN NHẬN XÉT VỀ BỘ PHIM
“HÃY CÙNG EM ĐIỆU SARIKAKEO”
Sang Sết
Bộ phim“HÃY CÙNG EM ĐIỆU SARIKAKEO”.
Kịch bản: Hồng Xuân . Đạo diễn: Trương Sơn Hải.
Dài 31 tập, do Đài Truyền Hình Việt Nam VTV đặt hàng và Công ty cổ phần hãng phim Vàng Miền Nam thực hiện .
Nội dung trong bộ phim (theo tác giả) xoay quanh mối tình đẹp giữa các chàng trai cô gái người Kinh và người Khmer. Câu chuyện xảy ra tại một phum nghèo Khmer ở miền Tây Nam bộ vào đầu thập niên 80 của thế kỷ 20. Sư Vông – từ bước chập chững từ ban đầu, đã trải qua những khốn khó để mong có tri thức và đạo hạnh, tham gia việc chùa cũng như chăm lo cho cộng đồng, nhất là phần hồn. Cô gái xinh đẹp hát hay múa giỏi tên Sôphia yêu Vông. Điệu múa Sarikakeo quyến rũ là khát vọng được yêu, được sống hạnh phúc của người phụ nữ Khmer này. Sự từ chối của Vông làm Sôphia rất đau khổ. Sau đó, cô quyết định đứng lên bằng cách rời phum, đi học nghề dệt thổ cẩm.
Con đường đi tìm tình yêu cuộc sống của chàng trai người Kinh, Trần Nam – nhân vật thứ 3 – thì nương tựa vào con đò bán dạo trên sông. Trần Nam yêu tiếng hát, điệu múa của Sôphia ngay trong lần gặp đầu tiên. Khi trái tim Sôphia sau thời gian dài khép kín vừa hé mở thì nhân vật thứ 4 là Vani – một cô gái thơ ngây, xinh xắn (em gái Sôphia) xuất hiện làm “kỳ đà cản mũi”… Sự trở lại bất ngờ của Vông – “ra sãi”- đã làm cho cuộc sống tình yêu thêm phong phú, kịch tính và lãng mạn.
Nội dung phim chỉ đơn giản là những mối tình, nhưng là một bộ phim rất hiếm về đề tài Khmer Nam bộ nên được VTV ưu ái khá nhiều.
+ Căn cứ vào biên bản của Hội đồng thẩm định kịch bản phim “HÃY CÙNG EM ĐIỆU SARIKAKEO” ngày 04/03/2010. Có ý kiến nhận xét:
-Một câu chuyện ngọt ngào chất phát đậm nét Khmer. Các tình tiết trong phim có chủ đích phô diễn cái đặc sắc của văn hóa dân tộc với các lễ hội, chùa chiền, thổ cẩm và sự giao lưu tự nhiên giữa người Khmer với người Kinh.
-Đây là một đề cương có nội dung tốt, câu chuyện và nhân vật giản dị và thật. Thêm vào đó là những phong tục tập quán lâu đời của đồng bào Khmer Nam bộ.
-Lưu ý:
* Kịch bản quá nhiều tình tiết nhấn mạnh và sự “lười biếng”, “ở bẩn” như là một thuộc tính của người Khmer có thể gây phản cảm nếu phim được phát sóng.
* Kịch bản cần khai thác chất liệu văn hóa độc đáo của dân tộc Khmer để câu chuyện sinh động, lãng mạn. Tránh những gì có thể động chạm đến mối quan hệ không tốt giữa người Khmer và người Kinh.
+ Căn cứ vào biên bản của Hội đồng thẩm định kịch bản phim “HÃY CÙNG EM ĐIỆU SARIKAKEO” ngày 29/07/2010. Có ý kiến nhận xét:
-Bộ phim về đề tài Khmer Nam bộ, thể hiện sự gắn kết giữa các dân tộc Việt Nam.
-Lưu ý:
* Thể hiện được văn hóa, phong tục tập quán sinh hoạt của người Khmer, tránh khai thác những tập tục lạc hậu, cổ hủ của họ.
* Không nên dùng nhiều cách thể hiện độc thoại nội tâm trong phim.
* Cách thể hiện của các nhân vật nhà sư.
* Thể hiện được bộ phim về thể loại ca nhạc: điệu múa, câu hát đậm chất văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ. (Dự kiến 30 tập).
+ Căn cứ vào kết quả thẩm định kịch bản phim “HÃY CÙNG EM ĐIỆU SARIKAKEO” ngày 26/06/2010. Hội đồng thẩm định đề nghị rút ngắn bộ phim xuống khoảng 20 đến 25 tập.
Với nội dung kịch bản trên, ý kiến nhận xét và chỉ đạo của Hội đồng thẩm định là đúng, rõ ràng và rất khách quan.

Sau 5 ngày(18/07/2011- 22/07/2011) xem bộ phim“HÃY CÙNG EM ĐIỆU SARIKAKEO” dài 31 tập do Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Trà Vinh tổ chức. Chúng tôi có vài ý kiến nhận xét như sau:
• Về tên của bộ phim: “HÃY CÙNG EM ĐIỆU SARIKAKEO” tác giả muốn nói điều gì chưa rõ lắm! Hay là bắt buộc khán giả cần phải thắc mắc“Hãy cùng em nhịp theo điệu Sarikakeo”hoặc “Hãy cùng em nhảy theo điệu Sarikakeo” hay là “Hãy cùng em làm theo điều gì khác với điệu Sarikakeo” chăng?
• Về nội dung: Tác giả chỉ phản ánh được một khía cạnh về cuộc sống, sinh hoạt tôn giáo tại một vùng nghèo (Ấp Hạ) trong những thập niên 80, trong thế kỷ 20 của người Khmer ở Nam bộ. Tác giả chưa tắm mình trong thực tế, chưa sâu sát, thân thiện với sư sãi và Phật tử Khmer; có nhiều nơi bịa đặt quá mức theo cảm nghĩ của người Việt – gây phản cảm đối với sư sãi và Phật tử Khmer Nam bộ. Cụ thể như sau:
1) Về phong tục lễ nghi:
Có 2 nguồn tìm hiểu khác nhau đó là: “Người tu được học” và “người học chưa được tu”.
+ Người tu được học: Là người am hiểu rất chi tiết về phong tục lễ nghi, cách tổ chức BUN (đám phước) và PITHY (lễ) của dân tộc Khmer.
+ Người học chưa được tu: Là người chỉ am hiểu một cách sơ sài; chỉ thấy người ta làm trước, mình bắt chước làm sau, không phân biệt được đúng hay sai như thế nào. Thậm chí còn bịa đặt lấy phong tục của dân tộc này áp dụng cho dân tộc khác theo chủ quan duy ý chí của mình, chẳng cần tham khảo với đại diện một dân tộc mà mình muốn đề cập đến. Cụ thể như sau:
- Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam cũng như ở Cămpuchia đều thống nhất với nhau: “Sư sãi Khmer phải cạo sạch chân mài”. Nhưng trong bộ phim: “sư sãi khmer vẫn giữ nguyên chân mài”.
-Sư sãi Khmer đi bình bát( khất thực): Ra khỏi chùa không bao giờ Krôông (vắt chéo) y cà sa, mà phải khlum (quấn) y cà sa kín cả người; vắt bình bát thẳng về phía trước và phủ kín bằng y cà sa, đi chân đất, nhìn thẳng về phía trước, không nói chuyện đạo hay đời, chủ yếu là Chom Rơn (tụng niệm). Khi có thí chủ đến đặt bát, nhà sư mới vạch y cà sa ra, mở nấp bình bát cho thí chủ đạt bát, xong mới bước đi tiếp... .
Phần sư sãi Khmer ở trong bộ phim thì ngược lại hoàn toàn:
Ra khỏi chùa vẫn vắt chéo y cà sa, cầm bình bát ở phía ngoài, nói chuyện tầm phào, không tụng niệm, liếc ngược, ngó xuôi... . Không nghiêm túc gây trò cười (phản cảm).
-Cách cư xử: Sư sãi Khmer lúc nào cũng ở địa vị chân tu, tín đồ bao giờ cũng ở địa vị Phật tử. Từ đó, cách cư xử của nhà sư luôn luôn trong tư thế nghiêm trang, không chấp tay lạy Phật tử; Phật tử luôn ở trong tư thế kính phục.Cụ thể như: Khi có việc đến thỉnh hoặc cần gặp nhà sư, Phật tử phải chấp tay ngồi lạy hoặc đứng chấp tay; lúc đó nhà sư ngồi nghiêm hoặc đứng yên, xong Phật tử mới thưa chuyện. Vị trí ngồi của nhà sư bao giờ cũng cao hơn Phật tử, Phật tử vào chùa phải lột nón, lột khăn.
Về sư sãi và Phật tử Khmer trong bộ phim: Nhà sư chấp tay lạy Phật tử, Phật tử vào chùa đội khăn, thậm chí cả lúc bước vào trong sala (Hội trường), tay cầm búa, nói chuyện to với nhà sư. Vị trí ngồi của nhà sư ngang hàng với Phật tử -thiếu sự tôn trọng giới nhà Phật.
- Đám tang: Người lớn tuổi không để tang người nhỏ tuổi, lúc đưa tang rãi leach (cốm nổ), thiêu xác, nhặt cốt đem về thờ ở trong nhà hoặc đưa vào tháp ở trong chùa.
- Đám tang khmer ở trong bộ phim, người lớn tuổi chịu tang người nhỏ tuổi, rãi tiền giấy Vàng Bạc lúc đưa tang – sai với phong tục của người Khmer.
2)Về phục trang:
+ Phục trang nam:
Người lớn tuổi: Mặc áo cổ đứng, tay dài hay ngắn, chốc kbinh vải Hôl hoặc Pha Muông (vận sà rông thành đuôi nhét vào thắt lưng phía sau) hoặc áo Bompông (bà ba Khmer) và quần lá nem; dùng khăn vắt chéo hay đội.
-Nam thanh niên: mặc áo Bompông nam khmer, quần cheo, dùng khăn đội hoặc thắt lưng.
+ Trang phục nữ:
- Người lớn tuổi: Mặc áo dài Khmer (Tầm vông), chốc Kbinh, dùng khăn vắt chéo ngực.
-Nữ thanh niên: Mặc áo Noi (cánh tiên) hoặc áo Bompông nữ khmer, vận som pốt ( Xà rông màu hoặc thêu hoa),dùng khăn vắt chéo ngang ngực .
* Về màu sắc dùng cho phục trang:
Người Khmer thích màu nóng (đậm), các màu mà người Khmer thường dùng là: Đỏ, đậm vàng, tím, đọt chuối, xanh lục, xanh dương, xanh đen... .
Dân tộc Khmer có 07 màu dùng cho 07 ngày khác nhau trong tuần được thể hiện bằng vần thơ lưu truyền như sau:
....Chủ nhật màu đỏ, thứ Hai đậm vàng ,
Màu tím chuyển sang cho ngày thứ Ba .
Đọt chuối thứ Tư màu của đôi ta ,
Thứ Năm chuyển qua xanh lục anh yêu .
Xanh dương dành cho màu ngày thứ Sáu ,
Xanh đen quí báu thứ Bảy yêu kiều .
Ăn mặc đúng theo luật tục bảy màu ,
Hạnh phúc đẹp giàu đến cùng đôi ta....
(Trích theo bài dân ca Khmer)
Về trang phục trong bộ phim: Không phân biệt được rõ ràng về vai vế, hoàn cảnh lịch sử; màu sắc như thế nào? Thậm chí các cô gái Khmer đa số mặc váy!!!

3)Về lời thoại:
+ Nhà sư: Tự xưng là “A Tma”( bần tăng), gọi Phật tử bằng “ Nhôm” (cha, mẹ) và trả lời bằng từ “Pôr” (mô Phật).
+ Phật tử: Tự xưng là“ Knar” (nam) và “ Khnhôm Knar”( nữ) tức là chúng con. Nếu là con trai của mình đi tu cũng phải xưng hô như thế và không bao giờ gọi nhà sư là “nó” hoặc “ mày” mà phải gọi là “lôc côn”( sa di) hay “ lôc Mchas” (tỳ kheo) hoặc là “Đê chah Kun” (vị cao tăng).
Phần trong bộ phim lúc nào cũng xử dụng từ “Sa thu” ở bất cứ trong trường hợp nào, không phân biệt được giữa nhà sư và Phật tử, cấp bậc, ngôi thứ... .
+ Ngôn từ “ Sa thuh” của người Khmer xử dụng trong các trường hợp sau:
-Người được chúc mừng hoặc chúc phúc.
Phật tử hưởng ứng lời kêu gọi của nhà sư hoặc A char trong việc quyên góp xây dựng chùa, trường học, thư viện, công trình công cộng trong phum sóc...
-Phật tử hưởng ứng sự quyên góp làm đám phước, dâng bông, dâng Y cà sa... chớ không dùng trong việc giao tiếp.

4)Về giới luật (Phật luật):
- Sa di có giới luật riêng.
- Tỳ kheo có giới luật riêng.
- Thiện nam có giới luật riêng.
- Tín nữ có giới luật riêng.
Tất cả các giới luật này đều có quyền hạn và giới cấm riêng. Cụ thể như các chư tăng không được phép múa, hát, dùng nước hoa; không ăn thức ăn bị giới luật cấm; không được phép trêu chọc gái, gái góa, va chạm vào thân thể nữ giới ở bất cứ trong trường hợp nào. Nếu cần gặp thiện nữ ít nhất cũng phải có người thứ ba để chứng giám... .
+ Luật thiện nam: Lớn lên tu học, báo hiếu cha mẹ, để trở thành người tài đức phục vụ trong phum sóc và ngoài xã hội...
+ Luật tín nữ: Không mang lửa từ trong ra ngoài; ngược lại, chớ nên mang lửa từ ngoài vào trong; học dệt vải, đan, thêu; đến tuổi dậy thì “cấm cung”. Nói năng nhỏ nhẹ, chớ nên cười lớn tiếng và để tiếng cười của mình vang vọng lọt sang nhà người khác... .
Nhưng ở trong phim thì ngược lại: Sư sãi lén mặc thường phục, trốn chùa đi chọc gái, tự mình đi nhà đàn bà góa, đánh lộn, nói chuyện đời hơn chuyện đạo...

5) Về giáo dục: Nhà sư Khmer thuyết pháp giáo dục Phật tử bằng bộ kinh giáo huấn Sát Tra (sách lá buông); giảng dạy kinh kệ, Phật luật bằng chữ Khmer đến Phật tử trong bổn đạo một cách nghiêm túc theo Phật Luật và giới luật.
Ở trong bộ phim: trong việc giảng dạy không đề cập đến bộ sách Sát Tra, không viết được một chữ Khmer nào cả, chưa cụ thể hóa được giữa đạo và đời; thậm chí sư cả cầm cây gậy bắt nạt môn đệ nữa là khác...

6)Văn hóa-Âm nhạc:
Người Khmer Nam bộ có một nền văn hóa-Âm nhạc phong phú và đa dạng. Cụ thể như;
-Về giàn nhạc bao gồm: giàn nhạc ngũ âm, giàn nhạc dây, đội trống Chhay Dăm, đội nhạc A Rắc, đội nhạc Aday....
- Về âm nhạc truyền thống bao gồm: Nhạc Mahôry, nhạc cưới, nhạc đám rước, nhạc đám tang, rom vông, saravan, lăm leo...
- Về sân khấu bao gồm: Rô băm, Dù kê, Di kê, Aday, Chòm riêng chà pây... . Các loại hình nghệ thuật này đều áp dụng và xử dụng đúng với các bài bản đã quy định một cách chuẩn mực và rất rõ ràng.
Ở trong bộ phim:
- Nhân vật cha của Thạch Vông đánh đàn Chà Pây và kéo đàn cò không phải là bài bản trong giòng âm nhạc truyền thống Khmer.
- Nhạc nền trong bộ phim hầu hết là nhạc Hoa hoặc nhạc Việt. Có chỗ đám cưới của người Khmer dùng nhạc Hoa và đến khi cúng miễu người Hoa lại dùng nhạc Khmer.
- Một điều đáng phê phán nữa là múa Lăm thôn và đám cưới đều dùng nhạc ngũ âm. Theo phong tục người Khmer nhạc ngũ âm dùng cho đại lễ, đám phước, đám tang... . Tuyệt đối không dùng cho đám cưới.

7) Bộ kinh tiếng Paly (Phạn): Tiếng Paly trong bộ kinh Tam tạng Phật giáo Nam tông Khmer rất rõ ràng, âm thường và âm nhấn rất chính xác. Bộ kinh Tam tạng từ tiếng Paly dịch ra tiếng Khmer đã hoàn chỉnh và đã in thành sách phổ biến trong Phật giáo Nam tông Khmer từ lâu. Các chư tăng Khmer tụng kinh Tam tạng bằng cách đọc thuộc lòng.
Trong bộ phim: Việc đọc kinh Paly của thầy Chau A Thi ka (trụ trì) chưa xong, làm sao dạy cho môn đệ được? Làm thế nào để dịch kinh Tam tạng từ tiếng Paly ra tiếng Khmer được. Đúng là “ một trò hề! ” thật sự.



Về văn hóa, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ:
“ Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm chất con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao”. Bên cạnh đó còn chỉ đạo một cách cụ thể “Lấy hoa thơm lấn cỏ dại”.

Bộ phim “HÃY CÙNG EM ĐIỆU SARIKAKEO” có nội dung rất đơn giản, Hội đồng thẩm định kịch bản phim đã cân nhắc kỹ những điểm cần lưu ý trước khi thực hiện; nhưng ở đây, tác giả quá lạm dụng nhiều phong tục lễ nghi, nhất là trong Phật giáo Nam tông Khmer để sản xuất ra nhiều tập mà quên đi những điểm lưu ý của Hội đồng thẩm định. Tác giả đứng ở gốc độ “Người học mà chưa được tu”,do đó chưa cân đối được giữa đạo và đời, nên chưa thực hiện được theo phương châm “Tốt đời đẹp đạo!” mà vẫn lấy “Cỏ dại lấn hoa thơm!”
Sang Sết
(Chi hội Trưởng Chi hội Văn Nghệ Khmer Trà Vinh;
CV.cao cấp; P.GĐ.Đài PHTH Trà Vinh)








Địa chỉ liên lạc: Thạch Sết (Sang Sết) Đài Phát Thanh và Truyền Hình Trà Vinh.
18A Lê Lợi, P1, TP.Trà Vinh, Tỉnh Trà Vinh. ĐT: (074) 3853848, DĐ:0918265540.
Email: sangsetthtv@gmail.com
avatar
Trung 16/01/2012 01:42:33
Cảm ơn anh Thạch Sết, những lời của anh cho tôi thêm nhiều kiến thức trong việc tìm hiểu văn hóa người Khmer. Rất tiếc là tôi đang còn phải lo công việc kiếm tiền, lại sống xa Trà Vinh (tôi ở Hà Nội) nên chưa có điều kiện trực tiếp vào sống trong đó để hiểu
avatar
Văn Thòn Tăng 10/08/2011 20:39:07
Cám ơn Hãng phim Vàng Miền Nam đã để ý đến đề tài về bản sức Văn hóa của người Khmer nhưng xin thưa

Với lời của Cô Tâm, đại diện Công ty cổ phần hãng phim Vàng miền Nam TP. HCM, cô nói:
"Cái phái Nam tông nói tu là không để chân mày, nhưng chùa mà bên em xuống quay thì tu có để chân mày, dẫn đến giữa hai cái nó khác biệt nhau"

Cô nói "cái Phái Nam Tông" ý như thế nào đây? có phải đang phỉ bán chăng mà sao Cô lại gọi là "Cái" giống như đang gọi cái này cái kia. Và chùa đó là chùa gì ở đâu?, có phải chăng đó chỉ là chùa trong Phim mà do hãng Phim đã dựng lên

Tuy chỉ mới được xem tập 1 của bộ phim thôi, nhưng tôi giám khẳng định một điều rằng: "những người làm phim này chỉ biết 1 mà không biết 10 về người Khmer và Đạo Phật hệ phái Nam Tông", cũng như ông Sang Sết đã nói đó là nhưng người “Người học mà chẳng được tu”nên đã lấy “Cỏ dại lấn hoa thơm!”
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Anh Minh 11/09/2011 00:29:22
Sáu tỉ đồng và một nền văn hóa?
Thật đáng tiếc nhưng hãy xem 6 tỉ VND như là số tiền để mua một bài học. Hoan nghênh các bạn đã có thành ý tìm hiểu văn hóa Khmer. Mời các bạn đến với Trường Đại học Trà Vinh, Khoa Ngôn ngữ- Văn hóa nghệ thuật Khmer Nam Bộ của trường sẽ giúp các bạn hiểu thật rõ nền văn hóa Khmer. Xin được hợp tác, liên hệ Email: sadriver_tv@yahoo.com.
tổng số: 6 | đang hiển thị: 1 - 6

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập