Quan chức không thể thay thần linh trong lễ hội

Đã đọc: 2206           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Vấn đề là nhiều khi vì lợi ích của chính nhà chùa nhà đền, hoặc vì sự "phân chia" lợi ích giữa nhà chùa, nhà đền với chính quyền địa phương, nên cả 2 đã không quyết liệt trong việc điều chỉnh, thậm chí còn muốn khai thác nhiều hơn- Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Sao phải giảm bớt lễ hội?

- Trước sự nhộn nhạo của nhiều lễ hội những năm gần đây, nhiều ý kiến đề xuất nhà nước phải vào cuộc, phải giảm bớt số lượng lễ hội. Ông có nghĩ vậy không?

- Lễ hội là tập quán tốt đẹp của dân tộc. Chúng ta phải biết trân trọng. Bảo tồn được lê hội là đáng mừng, sao lại lên án chuyện có mấy ngàn lễ hội và tư duy theo kiểu phải giảm bớt số lượng lễ hội? Thế thì phải giữ bao nhiêu, giảm mấy trăm lễ hội là vừa?

Bạn cứ bảo lễ hội nhộn nhạo, nhưng thử xem lại có bao nhiêu lễ hội thật sự nhộn nhạo? Và bao nhiêu, trong những lễ hội nhộn nhạo đó là hội truyền thống? Hay quay đi quay lại chỉ có một vài lễ hội bị phê phán từ năm này sang năm khác mà chủ yếu là do công tác tổ chức và sự biến dạng do những tác động của xã hội.

Bản chất lễ hội truyền thống ở VN gắn với 2 yếu tố: Thứ nhất là làng xã, thứ 2 là tín ngưỡng. Phần lớn trong mấy nghìn lễ hội vốn là hội làng, dường như xưa kia cứ có làng là có hội, đó là dịp để người dân theo chu kỳ thời gian nghỉ dưỡng, thỏa mãn nhu cầu tinh thần, nhu cầu tín ngưỡng mà quanh năm vất vả lao động không được hưởng.

Khi cơ cấu làng xã bị biến đổi, bị phá vỡ, rồi đô thị hóa, thị trường hóa thì lễ hội buộc phải thay đổi. Vấn đề là ứng xử thế nào với sự thay đổi đó, chứ khó đòi hỏi nó phải giữ nguyên. Câu chuyện thành công của hội Gióng là vì ta biết cách ứng xử với nó, chứ không phải nó không thay đổi. Từ bài học thành công đó, cố gắng tìm ra nguyên nhân, mà nguyên nhân quan trọng nhất là lễ hội phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, mà trước hết là người dân bản địa, chủ nhân của những lễ hội.

Nhà nước chỉ là người bảo trợ và tạo ra những điều kiện và môi trường văn hoá và an toàn trong đó có các hoạt động dịch vụ. Câu chuyện hội Gióng mới rồi mà trong nội dung lễ hội đề cập tới cả "thành tích sinh đẻ có kế hoạch của địa phương là "bóng dáng" sự can thiệp của Nhà nước làm sai lệch những giá trị của lễ hội dân gian.

Với người dân, hoạt động lễ hội gắn với 2 động lực, động lực tinh thần là nối tiếp được truyền thống của tổ tiên, tiền nhân. Ký ức về lễ hội từ khi mình là đứa trẻ được thúc đẩy họ phải tiếp tục giữ gìn cho con cháu. Giá trị tinh thần của lễ hội là gắn kết những người dân địa phương với nhau, gắn kết gia đình, gắn kết cộng đồng với quê hương... Giá trị tinh thần cũng chứa đựng cả những giá trị tâm linh của tín ngưỡng và tôn giáo. Bà con công giáo cũng có những lễ hội gắn với vùng miền của mình...

Nhưng ngoài lợi ích tinh thần thì người dân cũng cần cả lợi ích vật chất. Nhiều địa phương nhờ những hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội mà có đời sống tốt hơn. Nếu ý thức một cách cũng rất thực dụng, rằng lễ hội là cơ hội quảng bá hình ảnh của địa phương mình, quê hương mình, thì người ta phải ứng xử theo lối "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại".

Đây chính là lĩnh vực mà chính quyền và các tổ chức đoàn thể đóng vai trò quan trọng. Với những lễ hội đang bị kêu ca, lợi ích vật chất đang lấn át, thì phải có sự điều tiết bằng luật pháp, bằng dư luận xã hội, và bằng tất cả yếu tố cộng đồng, kể cả sự gương mẫu của những người có trách nhiệm.

 

Hội Gióng. Ảnh: PLVN

Quan chức không thể thay thế thần thánh

- Sự làm gương? Vậy ông thấy việc quan chức, công chức đi lễ hội có làm gương được không?

- Quan chức, công chức có nhu cầu đi lễ hội và quyền được đi dự lễ hội, không nên phê phán chuyện đó. Họ đi lễ hội cũng là cơ hội để gần với dân, thoát ra khỏi hệ thống quan liêu do môi trường làm việc. Đó cũng là cơ hội tiếp cận với văn hóa dân gian, với thực tiễn đời sống, trực tiếp nhìn thấy những mặt tiêu cực của xã hội. Không nên quan niệm công chức không đi lễ hội mới là tiên tiến.

Nhưng tính gương mẫu khi đi lễ hội là cần nhất. Tất cả công chức, lãnh đạo gương mẫu thì sẽ tác động tích cực cho đời sống lễ hội. Các vị đi lễ cũng phải "nhập hội tuỳ tục" chứ không phải đóng vai bề trên xuống cho địa phương cung phụng.

- Ý ông là dù quan chức hay công chức thì cũng nên đi lễ hội như một... người dân?

- Đương nhiên rồi. Đạo lý ngày xưa khi một ông quan về làng cũng phải hạ mã (xuống ngựa - PV), phải thưa gửi bề trên theo thứ bậc của tập quán "trọng sỉ hơn trọng tước". Mỗi công chức, mỗi quan chức, mỗi lãnh đạo hành xử tốt trước mặt dân là lúc quảng bá tốt nhất thương hiệu của chế độ. Đương nhiên với những người có chức trách quản lý xã hội thì họ có mặt để thực thi trách nhiệm của mình.

Bản thân họ cũng phải hiểu biết, ý thức được ý nghĩa của lễ hội. Không thể để quan chức đóng triện, khai ấn. Đây không phải vấn đề của chức vụ, của danh dự. Lãnh đạo không thể đóng vai trò thay cho thần linh hay những tập quán dân gian được. Các quan chức nên nghe tư vấn của các nhà văn hóa để có cách ứng xử đúng thì sự có mặt của quan chức sẽ là đáng quý, là dịp để họ hiểu thực tế đời sống.

Tuy nhiên, cũng phải xác định, đã là lễ hội thì phải nô nức, phải có chút chen vai thích cánh, chứ đi lễ hội mà nghiêm trang như đi dự hội nghị, hay dự... đại hội Đảng thì người ta cũng chẳng thích.

 

Nếu đền, chùa yêu cầu người dân chỉ bỏ tiền công đức vào 1 hòm, không rải tiền lẻ khắp nơi... thì người đi lễ cũng sẽ làm theo. Ảnh minh họa

Nhà chùa cũng nên đóng vai trò định hướng

- Có một thực tế là sự nhộn nhạo, chen lấn xô đẩy ở lễ hội ngoài Bắc "tệ" hơn hẳn trong Nam? Vì sao vậy thưa ông?

- Cộng đồng của mình ngày xưa là cư dân làng xã, nên những cách hành xử kiểu chen vai thích cánh, chọc ghẹo... trong lễ hội là để phá bỏ trật tự hàng ngày. Hội đền, chợ tình và nhiều tập tục tôn vinh sự phồn thực, phá khuôn khổ của lễ giáo phong kiến là một phần tạo nên sự hấp dẫn của lễ hội xưa.

Giờ đây, từ làng xã ra đô thị, song hành với đô thị hóa nhưng con người không được "đô thị hóa" về mặt văn hóa, thiếu ý thức tôn trọng trật tự xã hội, ý thức tuân thủ luật pháp. Làng xã chi phối nhau về tập tục, còn đô thị tập trung người tứ chiếng nên phải có cam kết, quy ước, khế ước xã hội.

Trong Nam do hoàn cảnh lịch sử đã được trải qua giai đoạn dài của văn minh đô thị nên đến giờ vẫn giữ lại được ít nhiều.

Ký ức của tôi không giàu lắm, nhưng tôi nhớ Hà Nội dưới thời Pháp thuộc trật tự, nề nếp, là do văn minh đô thị của người Pháp, có sự áp đặt, nhưng người Hà Nội khi đó cảm thấy đó chính là văn hóa của mình. Còn sau giai đoạn đó thì văn minh đô thị chưa xây được bao nhiêu thì xu hướng nông thôn hoá ngày càng trầm trọng. Ta xây dựng nhiều đô thị nhưng nhân tố thúc đẩy văn hóa đô thị rất hạn chế. Cho đến bây giờ chưa có chính quyền đô thị, thì biết bao giờ xây dựng được văn hoá đô thị ...

- Trong sự "thái quá" của không khí lễ hội mấy năm nay, dư luận thường đổ lỗi cho ứng xử của người dân, và vai trò của Nhà nước. Theo ông, như thế đã đủ chưa?Các nhà chùa có nên đóng vai trò điều chỉnh, hướng dẫn người dân dự lễ như thế nào cho văn minh, văn hóa?

- Nguời dân và Nhà nước đúng là 2 nhân tố quan trọng nhưng tôi còn muốn nói đến nhân tố thường tạo ra những hoạt động tín ngưỡng, cái linh hồn của lễ hội, đó là vai trò của nhà chùa, nhà đền... rất quan trọng. Nếu những người trụ trì đền, chùa, miếu... thật sự muốn tạo không gian văn hoá cho lễ hội, thì họ hoàn toàn có thể điều chỉnh.

Vấn đề là nhiều khi vì lợi ích của chính nhà chùa, nhà đền, hoặc vì sự "phân chia" lợi ích giữa nhà chùa, nhà đền với chính quyền địa phương, nên cả 2 đã không quyết liệt trong việc điều chỉnh, thậm chí còn muốn khai thác nhiều hơn.

Chẳng hạn, rất nhiều đền chùa đã yêu cầu người dân chỉ được đốt 1 nén hương trong gian thờ chính, hoặc chỉ đốt hương ở ngoài sân, và người đi hành lễ rất vui vẻ tuân thủ. Nếu bây giờ đền, chùa cũng yêu cầu người dân chỉ bỏ tiền công đức vào 1 hòm, không rải tiền lẻ khắp các ban thờ, cả trên tượng, trên gốc cây... coi đó là đi ngược lại với tinh thần của tôn giáo, tín ngưỡng thì người đi lễ cũng sẽ làm theo thôi.

Thậm chí, nếu người trụ trì nhà chùa lên tiếng yêu cầu những người đi hành lễ không chen lấn, xô đẩy, để giữ không gian, tự nhiên người đi hành lễ cũng sẽ phải để ý hơn. Còn bây giờ thì thấy khắp nơi là "hòm công đức", không phải để cho dân tiện đóng góp mà lại dường như khích lệ, nhắc nhở người đi chùa đóng góp như một nghĩa vụ.

Đành rằng tập tính, thói quen của người dân, hay những điều chỉnh ở tầm vĩ mô của Nhà nước, nhưng quan trọng vẫn là nhà chùa và chính quyền địa phương. Bản thân người đi lễ hội, họ tiếp nhận được gì từ không gian lễ hội thì họ sẽ ứng xử trở lại theo cách đó.

Theo: Tuần Việt Nam

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập