Ngộ và hành trình trải nghiệm đời sống của thiền nhân đời Trần

Đã đọc: 6470           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Thiền chưa bao giờ rời xa cuộc sống, nên Ngộ, trạng thái “kiến tính thành Phật”, cũng cần có quá trình thực chứng từ đời sống.

1. Trong Thiền Tông chỉ nam tự,[1] Trần Thái Tông có nhắc lại câu chuyện ông từng đang đêm trốn khỏi hoàng cung, vượt suối trèo đèo lên Yên Tử. Vị vua nổi tiếng này, lòng nặng trĩu ưu tư vì ở ngôi cao khi còn rất trẻ, lại mất đi những người thân yêu nhất và bị chi phối ghê gớm bởi Trần Thủ Độ, một chính khách đầy quyền uy, đã đến gặp nhà sư trụ trì thỉnh cầu thành phật. Sư trả lời: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu đó chính là chân phật, không cần khổ công tìm kiếm bên ngoài”. Nội dung bài tựa nổi tiếng này còn cho biết rằng sau đó Thái Tông trở về triều tiếp tục làm vua và cần mẫn tham cứu đạo thiền hơn 10 năm cho đến khi bất ngờ đọc đến câu “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cương thì “khoát nhiên tự ngộ”. Cách nói này rất phổ biến trong các thiền thoại, cho biết rằng khoảnh khắc ngộ thường chợt đến do một cú sốc tâm lý đột ngột, một lực tác động ngẫu nhiên hay một biến cố bất ngờ. Thật thú vị khi đọc thấy trong Cảnh Đức truyền đăng lục vài chi tiết về cuộc đời Lục tổ Huệ Năng có phần trùng hợp với lời tự thuật của Trần Thái Tông. Sách ghi nhận rằng thời trẻ, Huệ Năng phải làm việc cực nhọc, “đốn củi  đem bán nuôi mẹ, ngày nọ nhân gánh củi qua chợ, chợt nghe có người khách đọc kinh Kim Cương đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm đâm ra cảm ngộ”[2]. E rằng câu chuyện nêu trên có phần huyễn hoặc, một cách thần thiêng hóa khoảnh khắc tự ngộ như là kết quả của sự mặc khải huyền diệu thường thấy trong điển thoại của các học thuyết tôn giáo tin tưởng vào một quyền năng siêu nhiên có thể bất ngờ dùng phép lạ khai sáng tâm trí, cứu vớt linh hồn con người. Hoặc giả đó là biến thể cực đoan hóa do người sáng tạo câu chuyện trên chịu ảnh hưởng khá thụ động từ thiền thoại “Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu”?

Thực ra, về bản chất, ngộ không phải là trạng thái siêu thoát tâm linh, thần bí. Cốt lõi của Đốn ngộ là ở cái “khoảnh khắc” nhưng cần nhìn khoảnh khắc đó trong mối quan hệ với quá trình. Không có sự tu tập, tham cứu cả đời sao có phút giây bừng tỉnh, vỡ lẽ, thức nhận chân lý. Không kinh qua tận cùng cái sắc, sao có thể ngộ được bản chất không không. Cho nên dẫu tìm cầu và bắt gặp cơ duyên thì người muốn đạt ngộ vẫn phải có sẵn nền tảng tu tập, phải tích sẵn chất nổ để khi đốt ngòi nổ là sẽ bùng cháy. Bản chất của Ngộ là sự tự chứng sau khi đúc kết, tích lũy trong cả quá trình nên không thể thiếu một yếu tố quan trọng: sự trải nghiệm đời sống.

2. Thiền chưa bao giờ rời xa cuộc sống, nên Ngộ, trạng thái “kiến tính thành phật”, cũng cần có quá trình thực chứng từ đời sống. “Thượng sĩ ngữ lục” (Trần Tung) ghi lại nhiều trường hợp “Tùy cơ duyên mà ứng đối” trong đó có một câu hỏi khá thú vị: “Thế nào là phật chính mình?”. Tuệ Trung thượng sĩ trả lời khá mơ hồ: “Không nhắp rượu bồ đào- Khó tìm người đập hũ”[3]. Phải chăng, cần hiểu câu nói trên qua ý nghĩa của quá trình chứng nghiệm tự thân? Đốn ngộ thực chất là bừng con mắt huệ để nhìn thấy một con đường, một thế giới mà trước đó nhiều người đã từng nhìn thấy. Không có sự hướng dẫn, chỉ dạy tỉ mỉ, không một sơ đồ tìm kiếm được xây dựng cụ thể bằng kinh nghiệm của người đi trước, anh phải nếm cái ngon của rượu mới hiểu được vì sao người ta lại đập hũ. Vân Phong hỏi Thiện Hội: “Làm sao tránh khỏi sinh tử?”. Thiện Hội trả lời: “Đi vào chỗ sinh tử” Vân Phong lại hỏi: “Chỗ sinh tử là chỗ nào?”. Thiện Hội trả lời: Nó nằm ngay trong chỗ sinh tử”[4]. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn nói rõ hơn: “Hiểu rõ sanh tức là pháp vô sanh, chẳng phải ly sanh mới có pháp vô sanh”[5]. Muốn hiểu rõ lẽ vô sanh vô tử, chỉ có một cách duy nhất là trải nghiệm đến tận cùng sự sinh tử, để bước qua nó, vượt lên trên nó và nhìn thấy bản chất đích thực của nó. Quảng Nghiêm thiền sư thời Lý cũng chọn điểm xuất phát cho mọi nhận thức về bản chất của sự tồn tại chính là ở chỗ tự chứng những gì mình đã nếm trải từ thực tế. Những lời nói mơ hồ, những suy nghĩ viển vông về thế giới ta chưa từng nhìn thấy e rằng khó thuyết phục được ai:

Rời được cõi tịch diệt mới nói chuyện tịch diệt

Sống ở cõi vô sinh mới nói chuyện vô sinh” (Hưu hướng Như Lai)

Xem ra, nhà sư trên Yên Tử không cho Trần Thái Tông ở lại tìm Phật là có lý do. Nhà vua trẻ tuổi buồn bã trốn đời tưởng tìm được chỗ bình yên nhưng hóa ra tâm nào có yên. Ông tìm đến Phật như một chiếc phao cứu vớt tâm linh, một biểu hiện của ý thức thừa nhận “cái có”, của cảm giác chán nản, bế tắc, của dục vọng tìm cầu và nỗi đau khổ khi không thỏa mãn được dục vọng đó nên nhà vua sẽ không bao giờ tìm thấy Phật. Muốn được bình yên, chỉ có cách duy nhất là phải đi qua sóng gió cuộc đời, phải trở về với cuộc đời. Mãi sau này, khi đã kinh qua những biến động lịch sử lớn lao với vai trò người lèo lái con thuyền dân tộc, từng  xông pha nơi nguy hiểm, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, lại còn tham cứu đạo thiền nhiều năm, bấy giờ nhà vua mới “khoát nhiên tự ngộ”. Tác giả Nguyễn Lang hoàn toàn có lý khi cho rằng: “Những đau khổ nội tâm mà vua phải chịu đựng trong thời trai trẻ hẳn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy vua quyết tâm học Phật và tu tập Thiền đạo”[6]. Phải trải qua những kinh nghiệm đau đớn, phải dồn tích, nén chặt năng lượng mới có thể bùng nổ khi có một lực tác động bất ngờ. Phải sống với cái Sắc đến tận cùng thể xác và tâm hồn mới chứng ngộ được cái Không, mới vượt qua được giới hạn của sự phân biệt Sắc Không để có thể bình thản trước chuyện sống chết. Nếu chỉ đọc sách võ vẽ dăm câu rồi bảo là ngộ thì thực chất chỉ là lừa người, dối mình. Hoặc giả, trước đó chưa từng biết Thiền, chỉ nghe một câu kinh mà tự ngộ thì sự bừng sáng tâm linh trong khoảnh khắc e rằng khá mơ hồ và khó thuyết phục.

Những thiền nhân nổi tiếng khác đời Trần chẳng đã từng trải nghiệm cuộc sống đến tận cùng hạnh phúc và đau đớn đó sao? Thánh Tông, Nhân Tông, Tuệ Trung thượng sĩ (con trai Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo Vương), … đều từng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, lập nhiều chiến công lừng lẫy. Họ là con người của cuộc đời, đi tìm sự chứng ngộ và giải thoát từ chính cuộc đời. Tuệ Trung thượng sĩ, người tiếp tục tinh thần của các thiền sư trước đó như Tiêu Diêu, Ứng Thuận, Nhất Tông, Giác Minh, Giác Viên, Thường Chiếu,… luôn tuân theo nguyên tắc “Tùy tục”, “Trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng, không trái hẳn với người đời”[7], chủ trương không cần trì giới và nhẫn nhục, cứ sống giữa đời mà vẫn đạt đạo. Nhân tông 40 tuổi mới khoác áo nhà sư đi chu du thuyết pháp. Vị tổ đời thứ nhất thiền phái Trúc Lâm luôn muốn tìm thấy sự chứng ngộ từ chính quá trình trải nghiệm và tham quán những điều tưởng như nhỏ nhặt, tầm thường của cuộc sống khi nói: “Này quý vị! Thời gian trôi qua nhanh chóng, mạng sống con người trôi chảy không ngừng, tại sao hằng ngày biết ăn cháo ăn cơm mà lại không biết tham khảo ngay về vấn đề cái chén cái thìa”[8] . Quả đúng vậy, trả lời về gia phong của Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai, Nhân Tông dùng vô số hình ảnh đời thường để điểm ngộ cho người học đạo, từ lý trắng, đào hồng, đến nhạn sớm, gió xuân, từ “Thôn chài nghe sáo khách trông nhà” đến “Áo rách đùm mây đun cháo sớm- Bình xưa đựng nguyệt nấu trà khuya”[9]. Có lẽ thú vị và huyễn hoặc nhất là câu chuyện Anh Tông chọn vẻ đẹp trần tục, đầy sức hấp dẫn của cung nhân Điểm Bích làm phép thử mạnh đối với đạo hạnh của Huyền Quang[10]. Nhà sư này đã chứng minh rằng mình đã đến cảnh giới đạt ngộ khi vượt qua được cửa ải khó khăn và đầy cám dỗ nhất của cuộc đời là sắc đẹp của người phụ nữ.

Những ông vua, những thiền nhân- thi sĩ thời Trần chứng ngộ phật pháp ngay từ thực tiễn. Họ từng đi qua chiến tranh mất mát, những thăng trầm lịch sử, những thời điểm thăng hoa của kì tích lẫy lừng, những giây phút tỏa sáng hạnh phúc hay dằn vặt đau khổ. Họ sống trong một giai đoạn thật kỳ lạ, hoành tráng, hào hùng, khắc nghiệt, dữ dội. Họ đã làm được nhiều điều lớn lao trước khi “biết đủ” và quay về với đời thường để một khoảnh khắc nhận ra chẳng có gì là bất tử cả. Thiền giúp họ tìm được niềm vui an nhàn tự tại, tạo lập được thế cân bằng của tâm hồn. Nhưng nếu không có thực tiễn, không có lịch sử dữ dội và những thử thách ghê gớm từ đời sống, liệu họ có nhận ra giá trị của sự giải thoát, của cái tâm trong sáng, tĩnh lặng, an nhàn hay không?

3. Đặc điểm của Ngộ là tính khẳng nhận, không có đúng sai, phải trái, chỉ có biết và chưa biết, thấy và chưa thấy. Trong cái “chưa thấy”, “chưa biết” đã bao hàm ý nghĩa nhấn mạnh sự non nớt, thiếu trải nghiệm mọi cái “sắc” của cuộc đời nên chưa nhận ra bản chất không không của thực tướng. Ngộ có tính bội lý, tự tri, vượt ra ngoài mọi kiến giải, lập luận logic nên “bất lập văn tự”. “Đạo không ở trong câu hỏi- Câu hỏi không ở trong đạo” (Đạo bất tại vấn. Vấn bất tại đạo- Đối cơ- Tuệ Trung) cho nên người đã ngộ không thể giải thích, miêu tả được bước ngoặt lớn lao đang diễn ra trong tâm linh, cũng không thể hướng dẫn cho người khác. Bản thân anh phải tự chứng ngộ trong đời sống như tự mình biết nóng lạnh, đau khổ, hạnh phúc, nhục nhằn. Đúng là: “Gãi ngứa đâu phải ngứa của người- Đói ăn chính thật bụng nhà ngươi” (Đối cơ). Ngộ còn có tính tuệ giác[11]. Khác hẳn với cái thấy do kiến thức, nhận thức, tư duy mà có được, Ngộ là sự nhìn thấy do con mắt “thứ ba” được khai mở khiến trí huệ sáng suốt và tâm lắng đọng hư không, tịch mịch như “bóng trăng trên đỉnh Lăng Già”. Nhưng muốn vượt qua mọi định kiến nhị phân để con mắt tuệ giác có thể nhìn thấy bản chất siêu logic của sự tồn tại, trước hết anh phải nhìn thấu suốt đời sống để thấy cái lõi của đời sống, của sinh tử vô thường. Người đã ngộ có thể dùng con mắt huệ xuyên chiếu qua sắc thân để nhìn thấy “Gáo đầu lâu hoa cài ngọc giắt, túi da thối xạ ngát hương xông. Cắt lụa là che bọc máu nồng; giồi son phấn át thùng phân thải. Trang sức bề ngoài như vậy vẫn là cái gốc nhớp nhơ” (Phổ thuyết sắc thân – Trần Thái Tông). Với các thiền nhân đời Trần, suy cho cùng, Ngộ nhất thiết phải là điểm đến của cuộc hành trình trải nghiệm đời sống.

4. Vấn đề cần được tiếp tục đặt ra là làm sao có thể chứng được rằng thiền nhân đã ngộ? Hãy xem anh ta trở về với cuộc đời như thế nào, bởi vì đặc điểm của Ngộ còn là siêu việt và vô ngã[12]. Cảm giác an lành của người đã ngộ không gắn với tính dục, với sự thỏa mãn của tính dục vốn là bản chất của nhân ngã, nó cũng không có hương vị ngọt ngào và thiêng liêng như khi cảm nhận tình yêu với thánh nhân, chúa trời. Cảm giác an lành ấy rất khô khan, lạnh lẽo, vô vị, thiếu hẳn những xúc cảm siêu nhiên như khi tắm mình trong vầng hào quang rạng rỡ, mùi hương thơm ngát, đê mê, khiến ta có thể chuyển hóa niềm say đắm trần tục thành niềm say đắm thanh khiết ở cõi trời. Quan trọng nhất là sau khi Ngộ, thiền nhân vẫn là một người bình thường, hoà lẫn vào thế tục, không ai biết họ là những người đã chứng đắc phật pháp, họ lao động và vinh dự với kết quả lao động của mình. Thiền sư Huệ Khả chỉ có hai cây kim, mùa đông vá quần áo, mùa hè cất đi, thường đi khất thực, không ngủ nơi nào hai đêm, đốn củi làm guốc. Bách Trượng Hoài Hải chuyên làm công việc nặng nhọc, ngày nào không làm, ngày đó không ăn[13]…

Thiền nhân đời Trần thường đề cập đến vấn đề xuất trần, thoát trần, vạn sự quy như, Thoái cư (Tuệ Trung) nhưng thoát trần, thoát tục để rồi Nhập trần (Tuệ Trung), Nhập tục dù rất luyến thanh sơn (Đồng Kiên Cương). Họ nói nhiều đến sự trở về, nhưng đó không phải là trở về nước Phật, cảnh Niết Bàn vô tử vô sanh mà thực chất là trở về, hòa hợp với đời thường. Lẽ sống của Trần Thái Tông là: “Ở ngay nơi ảo sắc mà cũng như nơi chân sắc, an trú trong phàm thân mà cũng như an trú trong pháp thân” (Cư huyễn sắc diệc danh chân sắc. Xử phàm thân dã thị pháp thân- Phổ thuyết sắc thân); cứ “Lẳng lặng nhởn nhơ giữa cõi trần, tùy cảnh ngộ- Cơm thường sau bữa chén trà vui” (Niệm tụng kệ); Tuệ Trung thượng sĩ tâm đắc với cuộc sống của một vị Phật ở trong đám người bình thường như đóa sen nở trong lò lửa (Tu tri thế hữu nhân trung Phật- Hưu quái lô khai hỏa lý liên- Thướng Phúc Đường tiêu dao thiền sư); thanh thản, tiêu dao, “hát xong khúc hát vô sinh thì cầm ngang ống sáo trở về làng cũ (Nhất khúc vô sinh xướng liễu thì- Đảm hoành tất lật cố hương quy- Diệu tiên sư ). Có người hỏi: “Thế nào là thanh tịnh pháp thân”. Tuệ Trung trả lời: “Ra vào trong nước đái trâu- Chui rúc giữa đống phân ngựa” (Đối cơ- Thượng sĩ Ngữ lục). Cách nói có phần cường điệu chủ yếu là nhằm nhấn mạnh sự giải thoát của cái tâm an nhiên, trong sáng, tĩnh lặng đến mức những phiền muộn tục lụy nơi trần thế không thể xâm nhập được hệt như hoa sen không bao giờ bị bẩn lấm dù sống giữa bùn lầy: “Màu thu đậm nhạt tùy duyên sắc- Bùn sao vương được đóa sen hè” (Thu quang hắc bạch tùy duyên sắc- Liên nhị hồng hương bất trước nê- Thị chúng). Trần Thánh Tông thích cuộc sống “Ăn cơm đi ngủ đều tùy ý- Ngoài ra không có việc gì đáng làm” (Tự thuật). Trần Nhân Tông thì trở về với chiếc giường thiền ở am mây cũ sau khi vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã già (Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão- Y cựu vân trang nhất tháp thiền- Sơn phòng mạn hứng), sống giữa đời mà vui đạo, đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì ngủ” (Cư trần lạc đạo thả tùy duyên- Cơ tắc xan hề khốn tắc miên- Cư trần lạc đạo phú);…

Sau khi Ngộ, ta vẫn phải là ta giữa cuộc đời để chứng minh rằng ta đã phá chấp, vượt qua mọi ràng buộc vọng kiến, lục dục, thất tình. Bởi lẽ, người ngộ không thể chứng minh rằng mình đã ngộ và người chứng thực cũng không có những căn cứ rõ ràng để xác tín. Đốn ngộ chỉ diễn ra trong tâm nên dễ bị xem là tự đắc, tự dối mình. Vì vậy, cuộc sống chính là phép thử khắc nghiệt nhất, chính xác nhất rằng anh có phải là người đã chứng đắc, giác ngộ thật sự hay không. Một thiền thoại khá thú vị kể rằng nhà sư già kiên nhẫn lắng nghe nhà sư trẻ thuyết pháp về chữ “không” vô hồi kỳ trận cho đến khi kết thúc mới bất ngờ quật thẳng chiếc dép vào mặt nhà sư trẻ khiến anh ta nổi giận, đỏ mặt tía tai. Chỉ một phép thử đơn giản cũng đủ hiểu anh ta vẫn coi chiếc dép là “Có”, vẫn cảm thấy ghê sợ vì dơ dáy, nhục nhã, đau rát, uất ức, những trạng thái cảm xúc đầy trần tục và mê lầm. Cho nên, vùi mình trong đám phân trâu phân ngựa mà vẫn thản nhiên, tự tại mới là Ngộ. Coi ngai vàng như chiếc giày rách, bỏ hoàng cung lên Yên Tử khoác áo nâu sồng hoặc về Thiên Trường ẩn cư ngay lúc hưng thịnh nhất của quyền uy mới là Ngộ. Ăn thịt, cá, chẳng cần “Trì giới và nhẫn nhục”, “hòa ánh sáng của mình vào bụi bặm thế tục” mà tâm vẫn thanh tịnh, chẳng cần phân biệt “nước Phật” với “cung ma” mới là Ngộ. Còn tranh cạnh danh lợi mãi không thôi, còn thèm muốn, thù ghét, giận hờn là chưa Ngộ. Điều này xem ra hoàn toàn ứng hợp với Thiền. Tận cùng của cái có là cái không. Tận cùng của mọi vẻ đẹp hào nhoáng, rực rỡ là sự thô mộc, lão thực, chất phác. Tận cùng của vinh quang là lui về quê nhà, với chiếc giường thiền ở am mây cũ, sống lặng lẽ, “đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì ngủ” (Trần Nhân Tông), để thức dậy mở mắt nhìn cuộc đời mà vẫn thấy say mênh mang (Khai nhãn túy mang mang- Ngọ thụy- Huyền Quang).

5. Có thể khái quát hành trình của các thiền nhân đời Trần như sau:

Từ cuộc sống             trải nghiệm                  Đạt Ngộ                      Trở về cuộc sống.

Đó là một con đường phù hợp để tạo sự hài hòa giữa chính trị, xã hội với tâm linh,  để có thể vừa gắn bó với đời sống vừa không bị đời sống chi phối, an nhiên tự tại giữa đời thường, vẫn thực hiện trách nhiệm, đạo lý nhưng vẫn có một khoảng trống của riêng mình. Điều này góp phần lý giải nguyên nhân vì sao các học giả Việt Nam thời kỳ đầu ưu tiên cho học phái Thiền tông hơn các học phái khác. Nó phù hợp với đặc điểm lịch sử của người Việt trong buổi đầu dựng nước, giữ nước đầy gian khó, đòi hỏi sự đóng góp của những người tài năng, những bậc đại trí, đại giác. Ngô Chân Lưu thay mặt vua tiễn sứ giả phương Bắc, Pháp Thuận bàn việc nước, Vạn Hạnh “Chống gậy trấn kinh kỳ”, Quảng Nghiêm kêu gọi “Nam nhi tự hữu xung thiên chí”, Thái Tông cần mẫn vừa học Nho vừa học Thiền “lo cho dân, gian nan, lăn lóc công việc”, Nhân Tông trở thành một vị du tăng vào tận Chiêm Thành để giải quyết quan hệ bang giao và ra sức xiển dương giáo lý Thiền với mong muốn xây dựng một hệ tư tưởng thống nhất, có thể liên kết toàn dân… Từ Đinh, Lê đến Lý, Trần, biết bao thiền nhân đã vượt qua mọi định kiến về lý thuyết xuất thế, siêu thoát để thực hiện sự hòa hợp tuyệt diệu giữa đạo và đời. Khi đất nước cần, họ sẵn sàng làm người công dân với đầy đủ ý thức trách nhiệm, khi đất nước thái bình, thịnh trị, họ trở về với đời thường, chiếc áo cà sa lấm bụi trần thế che giấu cái tâm tỏa rạng hào quang. Họ giải quyết ổn thỏa xung đột giữa nhu cầu giải thóat cá nhân và giải thoát cộng đồng bởi vì họ vừa là những nhà chính trị, nhà tư tưởng ưu tú vừa là những thiền nhân đạt ngộ nhờ kinh qua bao trải nghiệm khắc nghiệt từ thực tiễn dựng nước, giữ nước hào hùng trong buổi bình minh của lịch sử phong kiến Việt Nam./.

TS. Nguyễn Kim Châu

Khoa Khoa học xã hội và nhân văn

Đại học Cần Thơ

 


[1] Thơ văn Lý Trần- NXB Khoa học xã hội- Hà Nội- 1989- trang 27

[2] Cảnh Đức truyền đăng lục- Sa môn Đạo Nguyên, Lý Việt Dũng dịch- NXB Tôn giáo 2006- trang 334.

[3] Thơ văn Lý Trần (sđd)- Trang 321

[4] Theo “Việt Nam phật giáo sử luận”- Nguyễn Lang – NXB Văn học- HN – 2000- trang 163

[5] “Cảnh Đức truyền đăng lục” (sđd)-  trang 252

[6] “Việt Nam phật giáo sử luận” (Sd9d)- trang 219.

[7] “Thượng sĩ hành trạng”- Trần Nhân Tông- Thơ Văn Lý Trần (sđd) - trang 545.

[8] Trần Nhân Tông- Thiền đạo yếu học – Chuyển dẫn “Việt Nam Phật giáo sử lược- Sđd- trang 294

[9] Trần Nhân Tông- Sư đệ vấn đáp- Thơ văn Lý Trần (sd9d)- Trang 494.

[10] Thơ văn Lý Trần (sđd)- Trang 717

[11] D.T. Suzuki- Thiền luận- Quyển trung –  (Trúc Thiên dịch)- NXB Tổng hợp TPHCM- 2005- trang 26-28

[12] D.T. Suzuki- Thiền luận- quyển trung- Sđd- trang 29-30

[13] Cảnh Đức truyền đăng lục sdd- trang 222 và 472.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập