Tinh thần chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Bích Liên - Thích Trí Hải

Đã đọc: 1195           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hòa thượng Bích Liên cho rằng người xuất gia thời bấy giờ hiếm người tỏ ngộ Phật tánh, không tu chơn chánh, đến nỗi giáo lý không biết. Chính vì, giáo lý không biết nên không đi đúng chánh đạo. Một người xuất gia mà giáo lý không hiểu, thiền định không tu, giới luật không giữ thì hỏi sao Phật pháp hưng thịnh?

Cuối thế kỷ XIX, tình hình chính trị rối ren cùng thêm nhiều nguyên nhân khác đã khiến cho Phật giáo Việt Nam ngày càng thêm suy vi. Đứng trước tình hình này, các bậc cao tăng thạc đức vô cùng trăn trở cho vận mệnh Phật giáo nước nhà. Họ cùng nhau vạch định kế hoạch chuẩn bị cho công cuộc chấn hưng Phật giáo, cũng chính là chấn hưng các giá trị truyền thống dân tộc.

Chư vị tôn túc Phật giáo bấy giờ ra sức kêu gọi các nhà nghiên cứu Phật học phiên dịch kinh điển từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, biên soạn sách Phật học bằng chữ Quốc ngữ để Tăng Ni, Phật tử học tập, nghiên cứu Phật học dễ dàng hơn. Hưởng ứng lời kiêu gọi này, Hòa thượng Bích Liên - Thích Trí Hải (1876-1950) đã phiên dịch và sáng tác rất nhiều tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ. Tác phẩm Tiên Phật vấn đáp là một số đó, được ngài sáng tác với mục đích khuyến khích Tăng Ni, Phật tử cùng thực hiện phong trào Chấn hưng Phật giáo bằng phương châm được tác giả nhắm đến là loại trừ những gì không thuộc Phật giáo, chỉ giữ lại những gì của Phật giáo, tức là tách Phật giáo ra khỏi những tín ngưỡng khác.

Tác phẩm Tiên Phật vấn đáp của Hòa thượng Bích Liên được đăng liên tục và trọn vẹn trên Tạp chí Từ Bi Âm từ kỳ 11 đến kỳ 17. Kỳ 11 được phát hành vào ngày 1 tháng 6 năm 1932 và kỳ 17 là kỳ đăng phần cuối cùng của tác phẩm này được phát hành vào ngày 1 tháng 9 năm 1932.

Tác phẩm này được kết cấu theo kiểu hỏi đáp gồm 14 câu hỏi và trả lời về các khía cạnh của đạo Phật và đạo Tiên, được chia ra bốn vấn đề chính:

Phần đầu: Tổng quan về đạo Tiên, đạo Phật.

Phần hai: Trả lời cho câu hỏi tại sao trong thế gian có nhiều người muốn tu Tiên hơn tu Phật.

Phần ba: Cho biết đạo Phật và đạo Tiên rộng hẹp thế nào, giáo lý ra sao và quả vị tu chứng như thế nào.

Phần cuối: Trả lời cho thắc mắc tại sao đạo Phật cao thượng mà người đời nay ít ai thực hành theo.

Vì tác phẩm chứa nội dung khá lớn nên trong phạm vi bài này, người viết chỉ điểm sơ một vài nét chính của đạo Tiên, đạo Phật rồi từ đó làm rõ vì sao đạo Phật cao thượng mà người đời nay lại ít người thực hành theo và làm rõ dụng ý của tác giả đề cập đến trong tác phẩm.

Mở đầu tác phẩm Tiên Phật vấn đáp, Hòa thượng Bích Liên nói: “Trí có cạn có sâu, còn đạo có tà có chánh; sâu cạn tại người, tà chánh khác mối. Như muốn thoát nẻo luân hồi thì phải lựa đường xu hướng” (1). Ở đây tác giả muốn nói sự hiểu biết của một con người sâu hay cạn là do ta quyết định. Tức là, người muốn có một sự hiểu biết sâu xa thì phải do nơi sự tìm tòi học hỏi mà có được, càng chăm chỉ học tập bao nhiêu thì sự hiểu biết của chúng ta càng sâu bấy nhiêu; ngược lại, nếu chúng ta không tìm tòi học hỏi thì sự hiểu biết sẽ nông cạn. Còn đạo thì có tà có chánh, nhưng chánh tà ở đây không phải do con người quyết định mà do nơi cội nguồn phát xuất của đạo. Thế nên, chúng ta muốn đi theo đạo chánh hay về đường tà thì tự chính nơi ta tự chọn lấy một hướng mà đi chứ không ai chọn giúp ta cả. Vậy đâu là đạo chánh? Đâu là tà? Hòa thượng Bích Liên đã khẳng định một câu chắc chắn rằng: “Đạo chánh là đạo Phật” (2).

Vậy muốn biết vì sao tác giả lại khẳng định một cách chắc chắn như thế thì không còn cách nào khác chúng ta phải quay trở về nguồn gốc của đạo Phật để tìm hiểu.

Đạo Phật được khai sáng từ một người bình thường như những người khác đó là Thái tử Tất-đạt-đa, nhưng ngài xuất gia và thành Phật hiệu là Sakyamuni. Đức Phật ở đây chỉ cho con người không có si ám: “Là vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người” (3). 

Không còn si ám là sự thấy biết tường tận bằng trí tuệ có được nhờ tu tập thiền định và tư duy quán chiếu. Đức Phật thấy biết nguyên lý duyên sinh, vô thường, vô ngã của vũ trụ vạn hữu. Ngài thấy được sự thật về cuộc đời thông qua giáo lý Tứ đế, bao gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Sự thấy biết của Đức Phật không phải là nhận thức có được từ học tập, kinh nghiệm mà đây là kết quả của quá trình tu tập thiền định. Ngài hướng tâm tư duy, quán chiếu và trực nhận chân lý. Chính sự giác ngộ này đã dẫn đến đoạn diệt hoàn toàn vô minh, phiền não lậu hoặc, khiến Ngài từ phàm phu chuyển thành Bậc Thánh giải thoát, chấm dứt con đường luân hồi sinh tử.

Con đường mà Thế Tôn đi là con đường chánh đạo, giáo pháp được Đức Phật chứng ngộ là chân lý của thế gian. Ngài như người dựng đứng lại những gì bị xô ngã, chỉ rõ những gì bị che mờ, hướng dẫn chúng sanh đi trên con đường chánh. Ngài dùng nhiều phương tiện để giáo hóa chúng sinh quay trở về với bản tính sáng suốt trong mỗi chúng ta. Điều này được Đức Phật dạy rõ trong kinh Tương ưng như sau:

“Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích” (4).

Sau khi Đức Phật chứng ngộ, với giáo lý về duyên sinh, Tứ đế, vô thường, nhân duyên quả…, Ngài vì thương tưởng chúng sanh đang ngụp lặn trong luân hồi đau khổ nên quyết định lên đường giáo hóa chúng sanh. Vì an lạc của chúng sanh, vì thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người mà ngài không quản ngại khó khăn, cần mẫn hoằng hóa cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời.  Nói chung hệ thống Kinh - Luật - Luận đã chỉ rõ cho con người thấy được phương pháp tu tập thoát khổ, hướng đến giác ngộ giải thoát và khẳng định được đạo Phật là đạo chánh. 

Còn về đạo Tiên, xét về mặt đạo đức thì đạo Tiên vẫn hướng con người đến đời sống tốt đẹp. Bởi những người theo đạo Tiên cũng là những vị tu tập lìa xa đời sống trần tục tìm đến con đường thoát tục.

Dẫu vậy, đạo Tiên không thể giải quyết được vấn đề sanh tử của một kiếp người. Họ chú trọng đến vấn đề tu hành để có thể đi mây về gió. Những người tu Tiên tìm mọi cách để được trường sinh bất tử: “Đạo giáo tin rằng, thần tiên là có thực. Thông qua quá trình tu luyện có thể trở thành tiên. Thần tiên có cuộc sống tiêu dao tự tại, trường sinh bất tử. Tiên nhân chính là những bậc chân nhân tu luyện mà thành. Nội dung quan trọng nhất của người đắc đạo thành tiên thông qua sự tu hành của bản thân mà được trường sinh bất tử” (5).

Thế nhưng, sự thật của cuộc đời thì mấy ai được sống mãi mà không già, không chết. Ví như, Đức Phật là một Bậc Giác ngộ chân lý, là Đấng Đạo sư của muôn loài mà còn bị luật vô thường chi phối: “Nhanh chóng làm sao, Thế Tôn diệt độ! Đau đớn làm sao, con mắt của thế gian sắp tắt! Chúng ta từ nay mãi mãi mất mát!” Hoặc có Tỳ-kheo vật vã buồn khóc, lăn lộn kêu ca, không tự kềm chế được, khác nào như rắn bị đứt làm hai khúc, lăn lộn ngắc ngoải, không biết đi về đâu. 

Phật bảo: “Này các Tỳ-kheo, các ngươi chớ ôm lòng ưu bi như vậy. Từ trời đất đến người vật, không có cái gì sinh ra mà không kết thúc. Muốn các pháp hữu vi không bị biến dịch, thì không thể nào được. Trước đây Ta đã từng dạy ân ái là vô thường, có hội hiệp tất có chia ly. Thân này không phải của mình, mạng này không ở lâu được” (6). 

Giáo lý đạo Phật dạy mọi người tu tập để giải quyết khổ đau ngay hiện tại chứ không phải đi tìm một thế giới thần tiên đâu xa.

Đức Phật đã chỉ ra sự thật của vạn hữu nhân sinh là vô thường, khổ, vô ngã. Mọi sự trên đời đều bị chi phối bởi quy luật này thì hà cớ gì phải bỏ cả cuộc đời để tìm thuốc, luyện đơn... Chính vì sự tìm cầu này, đạo Tiên đã không đi đến được con đường giải quyết khổ đau mà còn làm cho con người dấn thân từ khổ đau này đến khổ đau khác trong cuộc đời này: “Người xưa cho rằng, trong vũ trụ tồn tại những loại dược liệu kỳ diệu, khi nạp vào cơ thể có thể khiến con người trường sinh bất tử, gọi là tiên dược. Tương truyền trên biển có núi Bồng Lai Tam Thần, trên núi đó có các vị thần tiên và có tiên dược. Nếu như có thể xin được loại thuốc này mà uống thì sẽ được trường tồn cùng trời đất. Do vậy, các vị hoàng đế như Tề Uy Vương, Tề Tuyên Vương, Yên Chiêu Vương, Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế kế tiếp nhau sai người ra biển để tìm tiên dược. Nhưng kết quả đều thất bại” (7). Họ đã mải miết đi tìm những thứ không tồn tại trên cõi đời này để rồi chuốc bao thất bại, khổ đau, thậm chí mất mạng…

Giáo lý đạo Phật dạy mọi người tu tập để giải quyết khổ đau ngay hiện tại chứ không phải đi tìm một thế giới thần tiên đâu xa. Đức Phật chỉ cho chúng sinh biết mọi sự trên đời đều bị chi phối bởi luật vô thường, không có thứ gì sinh ra mà không mất đi; thế thì làm gì có phương thuốc nào cho con người uống để được trường sinh bất tử? Hòa thượng Bích Liên thấy được sự hạn chế trong cách tu cũng như kết quả đạt được của đạo Tiên hướng đến nên ngài mới khẳng định một cách chắc chắn rằng: “Tiên không bì đặng Phật” (8). 

Đạo Phật cao thượng như vậy mà người đệ tử của Phật lại không thực hành theo những lời dạy của Đấng Từ phụ. Họ cứ rong ruổi mãi với những danh lợi của thế gian, ít người hiểu được giáo lý Đức Phật để thực hành khiến cho đạo pháp ngày một suy vi. Những người được xem là trưởng tử Như Lai, là những người đại diện cho Đức Phật để truyền bá Chánh pháp nhưng thương thay họ lại như những người mù rờ voi, chính họ không hiểu được Chánh pháp thì lấy gì để truyền dạy người khác. Hòa thượng Bích Liên nhắc đến vấn đề này qua câu hỏi và trả lời thứ 13 trong tác phẩm Tiên Phật vấn đáp như sau:

“Hỏi: Đạo Phật cao thượng như vậy, mà lâu nay hạnh giới của những người tu hành có thể hiệp vào giáo lý hay không?

- Đáp: Than ôi! Phải được như vậy thì Phật giáo đâu có đến nỗi suy đồi như thế này. Phật dạy người xuất gia, trước phải ngộ tánh Tì-lư, (9) rồi sau mới tu hạnh Phổ Hiền. Như chưa ngộ mà tu thì đâu có đặng lẽ ấy”(10).

Hòa thượng Bích Liên than thở rằng đạo Phật cao thượng mà người đời nay ít người thông hiểu giáo lý của Phật. Âu cũng do cái sự thất học mà ra. Nếu người tu Phật chịu tu học theo lời dạy của Phật thì không đến nỗi. Đức Phật đã dạy: người xuất gia trước hết phải tỏ ngộ Phật tính sáng suốt hằng hữu từ bao đời trong con người chúng ta. Sau đó, chúng ta mới thâm nhập được hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát. Nếu không ngộ được tánh Tỳ-lô thì không thể nhập hạnh Phổ Hiền. Tức là, nếu bản thân ta chưa tu, chưa học tới nơi, tới chốn, chưa biết đâu là thể tánh sáng suốt trong con người mình thì lấy gì mà giáo hóa chúng sinh?

Đứng trước tình hình này, Hòa thượng Bích Liên lại nói lên nỗi lòng của mình: “Thương thay! Ngày nay ai là ngộ tánh, ai là chơn tu, rất đỗi Tam thừa (11) chẳng biết, Tam học (12) cũng không, Thiền định chẳng hiểu, Tịnh độ không tin, quán tưởng không làm, giới luật không giữ, nhứt khối hồn nhiên thiệt là tội nghiệp!” (13).

Hòa thượng Bích Liên cho rằng nếu do sự thất học dẫn đến sự suy tàn của Phật giáo thì việc ấy cũng đáng trách nhưng sự việc có thể cứu vãn. Đằng này, những người mượn áo cửa Phật thấy vậy hùa theo sự dốt nát của Tăng sĩ thời bấy giờ để làm ra những việc xằng bậy: không biết giáo lý cũng diễn thuyết om sòm, không có một chút oai nghi tế hạnh của một người xuất gia khiến cho quần chúng nhìn vào thấy bất mãn, mất niềm tin vào đạo pháp.

Hòa thượng Bích Liên cho rằng người xuất gia thời bấy giờ hiếm người tỏ ngộ Phật tánh, lại không tu hành chơn chánh, đến nỗi giáo lý không biết. Chính vì, giáo lý không biết nên không đi đúng chánh đạo. Một người xuất gia mà giáo lý không hiểu, thiền định không tu, giới luật không giữ thì hỏi sao Phật pháp hưng thịnh? 

Những sự ấy cũng bởi do thất học mà ra. Vì rằng, thời bấy giờ, thực dân Pháp cai trị nước ta, họ thực hiện chính sách ngu dân, bắt người dân không được học chữ Hán, họ chỉ dạy cho người dân biết những chữ cơ bản bằng chữ Quốc ngữ để người dân không còn tiếp thu được đạo lý của Thánh hiền. Họ chỉ dạy cho dân ta biết đọc, biết viết bằng chữ Quốc ngữ để truyền dạy giáo lý Thiên Chúa. Sống trong bối cảnh này, người xuất gia cũng bị cuốn theo thế cuộc nhân sinh. Trong lúc chính quyền không cho học chữ Hán mà kinh điển của Phật giáo thời bấy giờ toàn bằng chữ Hán, thì chính những tu sĩ cũng không hiểu nghĩa lý của kinh điển để hành trì huống hồ đem giáo lý chỉ dạy cho người khác? Vấn đề này được tác giả Vân Thanh đề cập như sau: “Tuy Hán học đã suy tàn mà trong các chùa thì cứ học theo kinh văn Hán tự, bởi thế nên giáo lý của Phật chẳng làm sao phổ biến ra nhân gian” (14).

Chính sự thất học này, người xuất gia không biết đâu là đúng, đâu là sai. Những người đại diện cho Đức Phật để truyền trao mạng mạch Phật pháp lại không hiểu gì về Phật pháp thì lấy gì để truyền trao? Họ lại mượn những thứ không phải của Phật giáo để giảng dạy cho Phật tử nhằm kiếm kế sinh nhai: “Buổi này đạo Phật chỉ còn là cầu an, cầu siêu cúng đám vậy thôi (trừ khi ai muốn tu tại gia được am hiểu họ phải cố gắng học tập đó là con số rất ít)” (15). 

Một đạo Phật cao thượng như vậy mà chính những người được mệnh danh là trưởng tử Như Lai lại làm cho nó bị hạ thấp, không còn là một đạo Phật cao thượng như chính nó mà bị phủ lên một lớp tín ngưỡng không mấy tốt đẹp. Từ một đạo Phật xuất thế lại chuyển thành một đạo Phật mê tín, dị đoan, không có một chút gì là đạo Phật nguyên chất? Những sự tồi bại ấy do đâu mà ra? Nếu là do sự thất học thì còn có thể cứu vãn nỗi, đằng này: “Song mấy sự tồi bại ấy bởi tại thất học, thì chẳng nên thâm trách làm chi; ngặt vì một nỗi tà sư ngoại đạo thấy vậy rồi thừa cơ mượn Phật mà làm danh, vốn không nhằm về đạo nào mà diễn thuyết om sòm, và không hiểu về lý gì mà hành vi lộng lạc, xúi những kẻ căn hèn trí thấp, chín lỗi mười lầm, vì chán ngán thầy tu nên tìm theo đạo khác. Không ngờ muốn lánh vực sâu mà lại nhảy vào hầm lửa. Thảm thay!” (16).

Hòa thượng Bích Liên cho rằng nếu do sự thất học dẫn đến sự suy tàn của Phật giáo thì việc ấy cũng đáng trách nhưng sự việc có thể cứu vãn. Đằng này, những người mượn áo cửa Phật thấy vậy hùa theo sự dốt nát của Tăng sĩ thời bấy giờ để làm ra những việc xằng bậy: không biết giáo lý cũng diễn thuyết om sòm, không có một chút oai nghi tế hạnh của một người xuất gia khiến cho quần chúng nhìn vào thấy bất mãn, mất niềm tin vào đạo pháp. Từ đó, quần chúng lại chạy đi tìm một niềm tin khác để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn họ. Nhưng than ôi! Họ tưởng đâu bỏ cái xấu để tìm cái tốt nhưng rốt cuộc không lợi ích chi cả. Tất cả những sự trên cũng do sự thất học dẫn đến tà ma ngoại đạo mượn Phật làm danh hùa theo quấy nhiễu mà ra.

Cũng vì sợ đạo pháp bị diệt vong mà Hòa thượng Bích Liên đã sáng tác ra tác phẩm Tiên Phật vấn đáp nhằm cảnh tỉnh những người con Phật đang lầm mê lạc lối hiểu rõ đâu là nẻo chánh, đâu là đường tà để quay về với bảo sở của chính mình. Ngài phân tích rõ ràng đâu là chánh đạo, đâu là tà sư ngoại đạo mượn Phật làm danh để mọi người cùng suy xét:

“Chúng ta phải biết rằng đạo Phật thật là khó học, khó làm, nên chi các tà sư xét không ra, dòm không thấu, như ếch giếng dòm trời, người mù mất gậy, mơ mơ màng màng như người mớ ngủ, chỉ mượn cái ảnh hưởng, và đem cái tư tưởng riêng mà bào chế lộn nhau, rồi đặt chuyện đặt điều, đặt danh đặt hiệu, cổ động mười phương, hô hào tám hướng, một là hảo danh muốn làm thầy người, hai là tham lợi muốn cướp của chúng, ai vô duyên bạc phước mà gặp mấy thầy ấy, thì sống đã hết nhà, còn chết thì thầy trò đều bị đọa vào địa ngục.

Đạo hữu ôi! Chánh đạo khó hiểu, tà đạo dễ lầm; như muốn thoát sông mê thì phải dò cho kỹ”(17). 

Hòa thượng Bích Liên cho rằng do đạo Phật cao siêu nên ngoại đạo nhìn không ra, soi không thấu, như ếch ngồi đáy giếng, như người mù mất gậy…, chỉ bày những trò yêu ma quỷ quái để mua chuộc lòng người. Những ai lỡ tin theo thì hiện đời mất nhà, mất cửa mà chết cũng đọa địa ngục. Vậy muốn đưa mình và chúng sanh qua bờ giác thì hàng xuất gia phải học và hành theo lời dạy của Đức Phật chớ có đi lầm. Nhiệm vụ của một người học Phật là: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Cho nên, muốn đưa được chúng sanh qua bờ giác thì trước tiên bản thân ta đã qua được bờ bên kia. Theo Hòa thượng Bích Liên, việc làm thiết thực và hiện tại trong bối cảnh đất nước chúng ta thời bấy giờ là người xuất gia trước tiên phải học thông suốt giáo lý của Đức Phật, rồi mới biết đâu là tà để loại bỏ, đâu là chánh để nương theo. Cuối cùng, chúng ta đem giáo lý đó giáo hóa quần sanh. Có như thế mới mong đạo pháp ngày một trường tồn, chúng sanh ngày một an lạc, và hạnh phúc có mặt ngay nơi cuộc sống hiện tại.

Đức Phật chỉ cho chúng sinh biết mọi sự trên đời đều bị chi phối bởi luật vô thường, không có thứ gì sinh ra mà không mất đi; thế thì làm gì có phương thuốc nào cho con người uống để được trường sinh bất tử

Chú thích:

(1) Hòa thượng Bích Liên, Tiên Phật vấn đáp, Từ Bi Âm, Kỳ thứ 11, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Jun 1932, tr.13.

(2) Sđd, tr.13.

(3) Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, kinh Trung bộ 1, kinh Sợ hãi và khiếp đảm, Hà Nội, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.43.

(4) Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, kinh Tương ưng bộ 1, Tương ưng Bà-la-môn, Hà Nội, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.351.

(5) Trương Đạo Quả (tg), Trương Hoàng dịch, Đạo giáo nhập môn, Hà Nội, NXB.Hồng Đức, 2012, tr.44.

(6) Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ dịch, kinh Trường A-hàm tập 1, kinh Du hành số 2, tr.138.

(7) Trương Đạo Quả (tg), Trương Hoàng dịch, Đạo giáo nhập môn, Hà Nội, NXB.Hồng Đức, 2012, tr.208.

(8) Hòa thượng Bích Liên, Tiên Phật vấn đáp, Từ Bi Âm, Kỳ thứ 11, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Jun 1932, tr.13.

(9) Tì-lư hay còn gọi là Tỳ-lô, nói đủ là Tỳ-lô-giá-na, chỉ cho Pháp tánh. 

(10) Hòa thượng Bích Liên, Tiên Phật vấn đáp, Từ Bi Âm, Kỳ thứ 16, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, AOUT, 1932, tr16.

(11) Tam thừa: Thanh văn thừa; Độc giác thừa và Bồ-tát thừa.

(12) Tam học: Giới học, Định học và Tuệ học.

(13) Hòa thượng Bích Liên, Tiên Phật vấn đáp, Từ Bi Âm, Kỳ thứ 16, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, AOUT, 1932, tr.16.

(14) Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, do các Phật Học viện và các chùa xuất bản, tr.192.

(15) Sđd.

(16) Hòa thượng Bích Liên, Tiên Phật vấn đáp, Từ Bi Âm, Kỳ thứ 16, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, AOUT, 1932, tr.16.

(17) Hòa thượng Bích Liên, Tiên Phật vấn đáp, Từ Bi Âm, Kỳ thứ 17, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, SEPT, 1932, tr.24.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập