Ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống tinh thần người Hà Nội

Đã đọc: 1201           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sau hơn 30 năm đổi mới, Phật giáo Hà Nội đã có những bước phát triển đồng bộ, tích cực. Đời sống tôn giáo mở rộng và phát triển từ cảnh quan chùa đến nội dung phương thức hoạt động. Hoạt động của Phật giáo Hà Nội có nhiều đóng góp tích cực cho đời sống nhân sinh.

Phật giáo là tôn giáo lớn, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Phật giáo tác động đến nhiều mặt trong đời sống tinh thần của người dân từ đạo đức, phong tục, tập quán, văn hóa, nghệ thuật, tạo nên sự gắn kết giữa đạo với đời, góp phần làm phong phú văn hóa tinh thần dân tộc. Để phát huy những giá trị của Phật giáo đối với đời sống tinh thần người Hà Nội, cần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của văn hóa Phật giáo.

Tình hình Phật giáo Hà Nội hiện nay

Đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ đầu Công nguyên bằng hai con đường: đường thủy thông qua con đường buôn bán với thương gia Ấn Độ và đường bộ từ Trung Quốc truyền sang (Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông), do đó Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc. Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã có mối quan hệ mật thiết với tư tưởng, tinh thần dân tộc và đã có sự biến đổi cho phù hợp với đặc điểm cư dân người Việt, làm cho Phật giáo Việt Nam có những đặc trưng riêng. Với người Việt, Đạo Phật không chỉ là một triết thuyết mà quan trọng hơn đó là một cuộc sống thiện, sống có đạo đức, trung thực, nhân ái, bao dung. Đạo Phật ở Việt Nam được đông đảo người dân tiếp nhận. Đức Phật không những khuyên các đệ tử của mình dứt bỏ tham, sân, si, phát triển bốn đức tính vô lượng từ, bi, hỉ, xả mà còn khuyên nhủ Phật tử tránh những sai lầm có tính giáo điều như quá nệ vào thần khải, quá nệ vào truyền thống, lập luận đơn thuần, xem xét dữ kiện một cách hời hợt, chỉ chấp nhận một quan điểm, chỉ chấp nhận một lý thuyết... Phật giáo hôm nay đã có những biến đổi quan trọng theo hướng thích ứng với nhu cầu của nhân sinh, của xã hội hiện đại.

Phật giáo đã xây dựng được một hệ thống phép dưỡng sinh như thiền định xem đó là một phương pháp của sự tu luyện có tác dụng làm cho con người vượt qua những nỗi tức giận, những trạng thái tinh thần bất an để đạt đến sự thanh thản trong cuộc sống.

Với tư cách là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, Hà Nội đã có hơn một nghìn năm lịch sử văn hiến. Ngay từ khi Phật giáo du nhập, Thăng Long - Hà Nội đã nhanh chóng trở thành một trung tâm Phật giáo lớn. Nhìn lại lịch sử, những tông phái thâm nhập và ra đời sớm nhất, những cao tăng nổi tiếng đầu tiên của Phật giáo Việt Nam đều bắt đầu từ Thăng Long - Hà Nội. Trước hết là Thiền sư Tì ni Đa lưu chi (chùa Pháp Vân, làng Cổ Châu - Long Biên); Thiền phái Vô Ngôn Thông (chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng - Bắc Ninh, nay là Gia Lâm - Hà Nội); Thiền phái Thảo Đường (chùa Khai Quốc). Phật giáo được xem là quốc giáo trong thời đại Lý - Trần, lúc bấy giờ Phật giáo ở kinh đô Thăng Long được phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng đến cả nước. Từ thế kỷ XV đến Cách mạng Tháng Tám (1945), với những biến động của lịch sử dân tộc, Phật giáo Thăng Long - Hà Nội cũng có những bước thăng trầm, có lúc được chấn hưng, có lúc bị suy thoái. Tuy bị thăng trầm cùng với vận mệnh dân tộc, Phật giáo Thăng Long - Hà Nội vẫn là một trung tâm tôn giáo lớn, có ảnh hưởng rộng khắp ở nước ta trong lịch sử.

Theo thống kê, hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội (Thành hội Phật giáo Hà Nội) có 30 Ban Trị sự Phật giáo cấp quận, huyện trực thuộc với 2.125 tăng ni, 600 nghìn tín đồ, 2059 cơ sở thờ tự, 1 trường sơ cấp Phật học (chùa Mỗ Lao, quận Hà Đông), 1 trường trung cấp Phật học (chùa Đại Từ Ân, huyện Đan Phượng)(1), với 1.696 tự viện. Nơi đây là sự kế thừa, hội tụ tinh hoa của hai truyền thống Phật giáo được hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm trước là Phật giáo Thăng Long và Phật giáo xứ Đoài. Đạo Phật đã gắn bó, tiếp nhận, hòa đồng với tín ngưỡng bản địa, vì thế kiến trúc phổ biến trong các ngôi chùa Hà Nội là “tiền Phật, hậu Thánh”, trong chùa thờ cả Phật, thánh, mẫu cùng các vị anh hùng dân tộc... Chính sự kết hợp này đã làm cho Đạo Phật gần gũi hơn với người dân.

Trong những năm gần đây, công tác hoằng pháp ở các chùa tiếp tục được phát triển. Vào các sáng thứ bảy hoặc chủ nhật, nhiều chùa duy trì thuyết giảng Phật pháp, tích cực tổ chức truyền Tam quy ngũ giới cho phật tử để phát triển tín đồ. Các chùa lớn như chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, Phúc Khánh mỗi buổi giảng kinh số lượng tín đồ lên đến hàng trăm người; thông qua việc giảng kinh góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về đạo cho tín đồ. Giáo hội đã mở các lớp đào tạo bồi dưỡng thuyết giảng Phật pháp trong các mùa An cư Kiết hạ hằng năm và các buổi thuyết giảng định kỳ cho các phật tử. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các vấn đề giáo lý Phật giáo, biên soạn các giáo trình Phật học từng bước được chú trọng. Công tác in ấn, tuyên truyền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian qua cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Nhiều cuộc hội thảo về Phật giáo có nội dung gắn liền giữa Phật giáo và những vấn đề cấp thiết của xã hội hiện nay như văn hóa dân tộc, giáo dục, đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại,... đã được tổ chức ở Hà Nội. Số lượng các tăng ni trong Giáo hội Phật giáo Hà Nội có xu hướng tăng lên, đồng thời chú trọng công tác đào tạo nhất là đào tạo lớp tăng ni trẻ có trình độ Phật giáo cao. Trình độ học vấn của tăng ni không ngừng được nâng cao với hệ thống đào tạo từ sơ cấp đến cao cấp Phật học, một số tăng ni được cử đi du học tại nước ngoài. Nhiều tăng ni có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, khoảng gần 1.000 tăng ni có trình độ cử nhân, trên 2.000 tăng ni đang theo học chương trình cơ bản Phật học.

Ngày nay, một bộ phận người Hà Nội mặc dù không phải là tín đồ Phật giáo, nhưng vào những ngày rằm, mồng một hàng tháng và những ngày lễ của Phật giáo thường đến các chùa, các nơi thờ tự với lòng thành kính để cầu khấn cho gia chung được an lành, mạnh khỏe, bình an trong cuộc sống.

Ngoài những công việc mang tính tôn giáo, các tín đồ Phật giáo còn tham gia hoạt động mang tính thế tục, xã hội như quyên góp từ thiện, lập quỹ khuyến học, triển khai các khóa tu mùa hè cho học sinh, sinh viên... Thời gian qua, Phật giáo Hà Nội tích cực thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Chùa tinh tiến” có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo. Bên cạnh đó, Phật giáo Hà Nội còn tích cực vận động tài vật cứu trợ đồng bào bị thiên tai, xây dựng nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng đường xá, hỗ trợ học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học, các thương bệnh binh, bệnh nhân nghèo... Ngoài ra, tại các chùa đã kết hợp hoạt động của tôn giáo với hoạt động sản xuất để tạo ra của cải vật chất phục vụ nhu cầu cuộc sống tu hành và cho xã hội. Ở vùng ngoại thành, các tăng ni trồng lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp, lập tổ hợp kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất các mặt hàng thủ công nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Một số chùa còn phát triển du lịch và dịch vụ. Đây là nét mới của hoạt động Phật giáo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Phật giáo Hà Nội đã có những bước phát triển đồng bộ, tích cực. Đời sống tôn giáo mở rộng và phát triển từ cảnh quan chùa đến nội dung phương thức hoạt động. Hoạt động của Phật giáo Hà Nội có nhiều đóng góp tích cực cho đời sống nhân sinh. Một bộ phận không nhỏ người dân thủ đô đã gửi gắm niềm tin vào Phật giáo, lấy chuẩn mực của đạo đức Phật giáo để điều chỉnh hành vi, xử lý các mối quan hệ trong xã hội.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Phật giáo Hà Nội vẫn tiếp tục xu hướng nhập thế, ngày càng quan tâm và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Ngược lại, việc xây dựng, trùng tu chùa chiền được UBND Thành phố Hà Nội quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, thí dụ đình Chùa Lệ Mật, Long Biên với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 38 tỷ đồng, dự án chống xuống cấp di tích chùa Hòe Nhai được đầu tư hơn 14,7 tỷ đồng(2).

Ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân Thủ đô

a. Ảnh hưởng đến đời sống đạo đức

Ở đất Thăng Long xưa, đạo đức Phật giáo trong thời Lý - Trần tác động đến việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức từ vua quan cho tới nhân dân. Các vua quan trong triều đình luôn có ý thức phải trau dồi đạo đức, họ đã sống một cuộc đời đạo hạnh, yêu nước, thương dân sâu sắc, thể hiện đạo hiếu sinh và triết lý từ bi của nhà Phật. Nhờ đó mà “với những nhà chính trị có từ tâm và những người xuất gia biết lo giáo dục, sự thực hành đạo từ bi trong dân chúng, đời sống xã hội thời Lý trở thành thuần từ và đẹp đẽ”(3).

Những chuẩn mực trong hệ thống đạo đức Phật giáo rất gần gũi với giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam, nên chúng đã nhanh chóng được người dân Việt Nam đón nhận, cho đến nay vẫn phát huy vai trò tích cực bởi các giá trị đạo đức từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha... “Đạo đức Phật giáo là đạo đức của tấm lòng đại từ, đại bi, lấy tình thương bao la đối với con người và đối với muôn loài làm trọng, lấy việc cứu khổ và diệt khổ cho con người làm mục đích tối cao”(4).

Phật giáo đã xây dựng được một hệ thống phép dưỡng sinh như thiền định xem đó là một phương pháp của sự tu luyện có tác dụng làm cho con người vượt qua những nỗi tức giận, những trạng thái tinh thần bất an để đạt đến sự thanh thản trong cuộc sống. Phật giáo khuyên con người làm điều lành, tu nhân tích đức hướng tới chuẩn mực đạo đức xã hội như hiếu thảo cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác... Với những tư tưởng về “vô thường, vô ngã”, “từ, bi, hỷ, xả”, “luân hồi, quả báo”, “nhân quả”... Phật giáo đã phần nào đáp ứng nhu cầu về tâm linh của người dân Hà Nội. Đạo đức Phật giáo đã góp phần bổ sung những giá trị đạo đức mới, phù hợp với tâm lý, đạo đức của người Việt, làm phong phú và sâu sắc thêm hệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Một bộ phận người dân Hà Nội không am hiểu tường tận triết lý trừu tượng, cao siêu của Phật giáo như vô thường, vô ngã, thập nhị nhân duyên, tứ diệu đế, nghiệp báo, luân hồi... nhưng họ vẫn tự coi mình là tín đồ Phật giáo “tuần rằm, mồng một lại ăn chay, niệm Phật xám hối để đến cửa Chùa cầu bình an, sức khỏe cho gia chung”. Họ tin rằng, sống có đạo đức thì sẽ gặt hái được những điều thiện, điều tốt; sống vô đạo đức, trái luân thường đạo lý, ắt sẽ bị quả báo. Người Hà Nội tìm đến với Đạo Phật không chỉ vì nhu cầu tâm linh, cảm thấy thư thái an lạc nơi cửa Phật mà còn vì những nội dung đạo đức xã hội được ẩn chứa trong đạo lý Phật giáo. Đạo Phật không khuyên con người hướng tới một thế giới an lạc hư ảo mà cần hướng tới chính là cuộc sống hiện thực này. Giáo lý từ bi của nhà Phật gặp gỡ, giao thoa với tinh thần yêu nước, lòng thương người đã góp phần tạo dựng nên một nếp nghĩ, một cách sống, một giá trị đạo đức trong đời sống của người Việt Nam, vì thế đạo đức Phật giáo đã hòa quyện với chủ nghĩa yêu nước. Người Hà Nội tìm thấy trong Phật giáo những giá trị đạo đức mang tính mẫu mực, phù hợp tâm lý, cốt cách người Việt đó là tư tưởng nhân đạo, tinh thần bác ái, cứu khổ, cứu nạn, vì cuộc sống bình yên của con người.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Phật giáo Hà Nội vẫn tiếp tục xu hướng nhập thế, ngày càng quan tâm và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Phật giáo khuyên con người sống hướng thiện, tin vào nghiệp báo luân hồi... từ đó tự giác hành động hướng thiện. Những tư tưởng Phật giáo đều có giá trị giáo dục đạo đức rất lớn. Đây là điều mà đạo đức xã hội của chúng ta đang hướng tới. Tình thương và lòng nhân ái sẽ giúp con người từ bỏ dần tính ích kỷ, từ bỏ lòng tham lam, sự sân hận và từ đó cũng diệt trừ được tam độc (tham, sân, si) đó chính là cội rễ nảy sinh sự xung đột, chiến tranh, bạo hành trong xã hội. Trong xu thế toàn cầu hóa đã tác động rất nhiều tới đời sống đạo đức xã hội, giải pháp tam độc “tham, sân, si” và ngũ giới của Đạo Phật còn có ý nghĩa thiết thực đối với đạo đức của con người; tư tưởng từ bi, cứu khổ và diệt khổ của Đạo Phật trong thời hiện đại vẫn còn nguyên giá trị. Phật giáo dạy con người biết yêu thương sự sống, tình yêu đó bao trùm đến muôn loài, vạn vật.

 Ngày nay, với chủ trương “tìm Niết Bàn trong hiện thực”, Phật giáo đã và đang hướng con người vào cuộc sống này, chứ không phải vào một thế giới ảo tưởng, nếu chúng ta biết sống tốt đẹp, làm chủ cuộc sống của mình, như vậy tất sẽ đạt được Niết bàn - đó cũng là khuyên con người có ý thức tự lập, biết làm chủ bản thân là điều vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại. Đạo Phật đề cao trí tuệ và khuyến khích khả năng nỗ lực của mỗi con người. Tuy nhiên, Phật giáo cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, chẳng hạn Phật giáo khuyên con người sống tốt đẹp trong hiện thực, nhưng lại khuyên con người “không tìm kiếm tương lai”. Như thế, tạo ra con người ý thức bằng lòng với thực tại, không có ý chí vươn lên. Điều này xuất phát từ tư tưởng hướng nội, tự trau dồi tâm tính, hoàn thiện đạo đức cá nhân; ít quan tâm đến phát triển đời sống vật chất và cải tạo tình trạng hiện thực. Tuy nhiên, những giá trị đạo đức phát khởi từ tinh thần đại bi, trong những điều kiện lịch sử cụ thể, luôn có tác dụng tích cực trong đời sống đạo đức, đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam.

b. Ảnh hưởng đến phong tục, tập quán

Phật giáo đã để lại dấu ấn sâu đậm tới tâm lý, đạo đức của người dân Việt, cũng như trong cách thức giao tiếp, ứng xử, trong phong tục, tập quán, góp phần hình thành những giá trị, chuẩn mực trong lối sống của người Hà Nội. Đạo Phật thấm vào nền văn hóa dân tộc, lan tỏa và có một chỗ đứng nhất định từ cung đình cho đến làng xã, trở thành những giá trị tinh thần vô giá cho người Việt. Phật giáo đã góp phần hình thành những giá trị, chuẩn mực trong lối sống của người Hà Nội, chẳng hạn đề cao sự hiếu thuận của con cái với ông bà, cha mẹ thông qua việc thực hiện Tứ ân. Trong giao tiếp, ứng xử, Phật giáo chủ trương thiết lập quan hệ bình đẳng giữa các tha nhân, vì trong mỗi tha nhân đều có tính Phật, nếu biết cách tu tập, con người sẽ đoạn trừ được vô minh, tham ái đạt giải thoát.

Trong những năm qua, Phật giáo Hà Nội tích cực thực hiện phong trào thi đua xây dựng “chùa tinh tiến”, triển khai các khóa tu mùa hè cho học sinh, sinh viên, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo như: trung tâm cai nghiện chùa Pháp Vân, câu lạc bộ Hương Sen, câu lạc bộ Bình Minh, câu lạc bộ Hướng Dương... Bên cạnh đó, Phật giáo Hà Nội còn tham gia tích cực vào đời sống an sinh xã hội như vận động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, trợ cấp học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, tham gia xây dựng đường sá, cầu cống, trường học; ủng hộ các chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo, hỗ trợ các thương binh, bệnh nhân nghèo, nhà dưỡng lão, mở lớp tình thương dạy chữ cho các cháu không có điều kiện đến trường, lập phòng khám từ thiện, tổ chức cai nghiện, giúp đỡ những mảnh đời éo le tái hòa nhập cuộc sống...

Ngoài ra, Đức Phật đã khuyên con người nên chung sống hài hòa với thiên nhiên, sống hòa mình với muôn loài cây cỏ, hoa lá, chim muông, yêu thương tất cả sinh vật... “Phật giáo còn in đậm dấu ấn của mình trong phong tục, tập quán của người dân như tập tục ăn chay, thờ Phật, phóng sinh và bố thí”(5). Xuất phát từ tinh thần từ bi của đạo Phật, việc an chay, tục lệ bố thí và phóng sinh cũng đã và đang ăn sâu vào trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân thủ đô và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Phật giáo khuyên con người sống hướng thiện, tin vào nghiệp báo luân hồi... từ đó tự giác hành động hướng thiện.

Ngày nay, một bộ phận người Hà Nội mặc dù không phải là tín đồ Phật giáo, nhưng vào những ngày rằm, mồng một hàng tháng và những ngày lễ của Phật giáo thường đến các chùa, các nơi thờ tự với lòng thành kính để cầu khấn cho gia chung được an lành, mạnh khỏe, bình an trong cuộc sống. Họ không hiểu thấu đáo những giáo lý của nhà Phật, như “tứ diệu đế”, hay “Bát chính đạo”; không biết cặn kẽ thuyết “nhân quả”, “luân hồi” nhưng họ có thể tin những điều đó dưới góc độ luân lý, đạo đức. Khi đến chùa người ta cư xử với nhau có nghĩa, có tình, không ồn ào, xô bồ như các nơi khác. Ý nghĩa đạo đức và nét đẹp chính là ở chỗ đó, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ phóng sinh diễn ra ở các chùa, nhất là Chùa Hà, chùa Phúc Khánh, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ với quy mô trang trọng, không chỉ là nghi lễ của nhà Phật, mà được nhiều người dân thủ đô hưởng ứng nhiệt tình.

Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, Phật giáo đã ảnh hưởng khá sâu đậm đến đời sống phong tục tập quán, lối sống và văn hóa nghệ thuật của người dân thủ đô với đạo lý sống nhân ái, vị tha, hướng thiện, có tình, có nghĩa, sống giản dị, chân tình. Nhiều người, ngoài công việc đời sống dân sinh, xây dựng và phát triển xã hội, họ tìm đến chùa để cầu một sự yên tĩnh trong tâm hồn và cũng là để sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Những tổ chức gia đình hướng thiện như gia đình Liên Hoa ở Hà Nội đang là nơi giáo dục đào tạo thanh thiếu niên trở thành những người công dân tốt, góp phần xây dựng xã hội mới.

Ngoài những ảnh hưởng trên, những di sản văn hóa, nghệ thuật của Phật giáo đang tiếp tục phát huy tác dụng, tạo nên bản sắc thủ đô. Những giá trị văn hóa, nghệ thuật Phật giáo không chỉ tồn tại trong tư tưởng, mà còn đang hiện diện trong đời sống hiện thực. Những hình ảnh về ngôi chùa, về Phật, trải qua hàng nghìn năm gắn bó mật thiết với người dân thủ đô:

“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ

Xem cầu Thê Húc, xem Chùa Ngọc Sơn”

Nhiều lễ hội chùa đã đi vào tiềm thức của người dân, như:

“Nhớ ngày mùng bảy tháng ba

Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy

Sau ngày mùng sáu tháng ba

Ăn cơm với cà đi hội của Chùa Tây” (Chùa Tây Phương)

Nhiều quần thể kiến trúc độc đáo và danh lam thắng cảnh, nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội như chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Láng, chùa Hà... Các ngôi chùa ở Hà Nội hàm chứa cả nội dung triết lý Phật giáo và nội dung thẩm mỹ thanh khiết, là một tác phẩm nghệ thuật, một công trình kiến trúc phản ánh triết lý tổng hợp của Phật giáo Việt Nam.

3. Một số giải pháp cơ bản nhằm phát huy vai trò của Phật giáo đối với đời sống tinh thần người Hà Nội

Một là, tăng cường quản lý Nhà nước đối với Phật giáo ở Hà Nội

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình tôn giáo đang diễn biến rất phức tạp đòi hỏi phải nhận thức nó một cách đầy đủ và quản lý hiệu quả công tác tôn giáo. Điều quan trọng của chính sách tôn giáo hiện nay là cần được đặt trong tổng thể chính sách xã hội. Trong việc quản lý hoạt động và tổ chức của tôn giáo và Phật giáo đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có những biện pháp ứng xử linh hoạt, tạo điều kiện cho các tín đồ tôn giáo làm tốt nghĩa vụ của người công dân. Điểm mới của chính sách tôn giáo hiện nay phải giải quyết đúng đắn hai mặt tín ngưỡng và chính trị - xã hội của các tín đồ tôn giáo. Việc xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách tôn giáo Phật giáo chính là nhằm từng bước khắc phục dần những mặt tiêu cực trong đạo đức Phật giáo, phát huy mặt tiến bộ, tích cực trong việc xây dựng một nền đạo đức xã hội lành mạnh, tiến bộ. Do đó, cần phải tiếp tục đổi mới, cụ thể hóa và thể chế hóa hơn nữa chính sách tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ quản lý tôn giáo trong tình hình mới.

Cần tập trung hoàn thiện đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý cho họ. Nhà nước cần có chính sách quan tâm, cụ thể hóa và thể chế hóa hơn nữa đối với chính sách tôn giáo, tạo điều kiện để các vị chức sắc và tín đồ Phật giáo có thể tham gia tốt hơn nữa vào sự nghiệp quốc kế dân sinh. Phát huy mặt tích cực lành mạnh vốn có trong Phật giáo, những giá trị đạo đức nhân văn góp phần làm trong sạch, lành mạnh đạo đức xã hội.

Đức Phật đã khuyên con người nên chung sống hài hòa với thiên nhiên, sống hòa mình với muôn loài cây cỏ, hoa lá, chim muông, yêu thương tất cả sinh vật... “Phật giáo còn in đậm dấu ấn của mình trong phong tục, tập quán của người dân như tập tục ăn chay, thờ Phật, phóng sinh và bố thí".

Hai là, nâng cao nhận thức về vai trò của Phật giáo với đời sống tinh thần của người dân thủ đô

Phật giáo đã trở thành một yếu tố cấu thành văn hóa tinh thần, gắn bó với lịch sử dân tộc. Tín ngưỡng Phật giáo đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Hà Nội. Cần tăng cường tuyên truyền giáo dục để người dân Hà Nội hiểu rõ và nhận thức đúng về vai trò của Phật giáo. Mặt khác, cần tuyên truyền cho đồng bào nâng cao tinh thần cảnh giác chống lại các thế lực phản động lợi dụng Phật giáo để truyền bá các hành vi mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc; giúp người dân nhận thức đúng các giá trị chân thiện trong đạo đức Phật giáo, tạo động lực cho họ có ý thức phát huy những mặt tích cực của đạo đức Phật giáo. Nâng cao dân trí, nhận thức khoa học và chủ nghĩa vô thần khoa học sẽ góp phần đẩy lùi những niềm tin ảo tưởng, giúp cho đồng bào có đạo làm chủ được bản thân mình, không sa vào mê tín dị đoan, phát huy được khả năng sáng tạo của mình trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Ba là, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực trong sinh hoạt Phật giáo hiện nay

Trong thực tế hiện nay, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo còn tồn tại không ít các hiện tượng mê tín, dị đoan như: xem tướng số, cúng sao giải hạn, đốt vàng mã... tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo còn diễn ra khá phổ biến, gây tốn kém về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến niềm tin người Hà Nội. Chùa chiền vốn là nơi thanh tịnh, giúp con người thư thái, tĩnh tâm. Nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy của những dòng người đi lễ hội, đi chùa vào dịp đầu năm mới hoặc tuần, rằm cho thấy sự nhận thức của một bộ phận phật tử, nhân dân Thủ đô đối với Phật giáo còn nhiều mặt hạn chế mà chúng ta cần đấu tranh để xóa bỏ.

Bốn là, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phật tử Hà Nội

Nâng cao trình độ về mọi mặt cho đồng bào Phật giáo chính là điều kiện tiên quyết để cho Phật giáo Hà Nội phát triển đúng hướng, lấy đạo pháp phục vụ dân tộc, hướng dẫn sinh hoạt Phật giáo diễn ra lành mạnh, phát huy những giá trị tốt đẹp của đạo đức Phật giáo trong đời sống cộng đồng. Tăng cường thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho tín đồ Phật giáo. Mặt khác cần tạo điều kiện cho giới tăng ni - phật tử tham gia vào hoạt động sản xuất, chính trị, xã hội và văn hóa, để họ tham gia vào thực tiễn đời sống xã hội, không quá xa lạ với cuộc sống thực tại, khơi dậy ở họ tinh thần làm chủ đất nước, đóng góp sức lực của mình cho công cuộc đổi mới.

Chú thích:

(1) Sổ tay Công tác tôn giáo, Nxb Tôn giáo, 2018, tr.49.

(2) Lê Thị Vân Anh: Tín ngưỡi, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, đề tài cấp thành phố, 2017, tr.72.

(3) Huyền Trân: Vấn đề thời điểm các con đường đạo Phật du nhập vào Việt Nam. Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội, 1986, tr.145.

(4) Hoàng Thị Lan: Góp phần tìm hiểu một số vấn đề về đạo đức Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2-1997.

(5) Đỗ Thu Hường: Vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, luận văn thạc sỹ, 2010, tr.96.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập