Sự Thăng Trầm Của Phật Giáo Việt Nam

Đã đọc: 3163           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật giáo phát triển rực rỡ, đạt đến đỉnh cao vào triều Lý, bắt đầu từ vua Lý Thái Tổ (Công Uẩn). Vua xuất thân tại cửa thiền, được sư Khánh Văn và sư Vạn Hạnh nuôi dạy từ tấm bé đến trưởng thành. Sau khi lên ngôi, Thái Tổ xuất ngân khố xây dựng và sửa chữa chùa tháp khắp nước, tạc tượng đúc chuông, dựng “Tàng Kinh Các” (nơi chứa kinh) và nhiều lần sai người sang nhà Tống thỉnh Tam tạng kinh (Kinh Luật Luận, trong đó có hai bộ Hoa Nghiêm và Pháp Hoa) về cho tăng ni hoằng dương đạo pháp. Dựng “Giới Trường” làm nơi thọ giới qui y cho thiện nam tín nữ, vua đã hai lần làm chủ lễ và cấp độ điệp (giấy chứng nhận) cho hàng ngàn người xuất gia tu hành. Lấy tinh thần từ bi, trí huệ của nhà Phật làm phương châm tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Sau khi lên ngôi, vua thả hết tù binh người Man do Long Đỉnh bắt trước kia, cấp lương thực, tiền bạc cho họ về quê, miễn giảm hình phạt cho tội nhân và bốn lần đặc xá tô thuế ba năm cho nhân dân trong suốt 18 năm trị vì.

Mặc dù chưa biết thời điểm chính xác vào lúc nào nhưng theo các học giả và nhà nghiên cứu thì Phật giáo truyền đến nước ta từ rất sớm, khoảng hơn hai ngàn năm trước, trực tiếp từ Ấn Độ chứ không phải từ Trung Quốc. Trong thời Bắc thuộc ngót ngàn năm, dù có đạo Nho đạo Lão và tín ngưỡng dân gian song hành nhưng Phật giáo vẫn phát triển đều đặn và ngày càng lớn mạnh về cơ sở vật chất, kinh sách và tăng sĩ. Thành Luy Lâu là trung tâm Phật giáo thời bấy giờ, kinh sách phong phú, người xuất gia tu hành theo các pháp môn Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông…khá đông, trong đó có nhiều cao tăng nổi tiếng. Rất tiếc là những việc nầy không được ghi chép trong các bộ chính sử mà chỉ được biết đến qua các tác phẩm “Thiền Quyển Tập Anh”, “Lĩnh Nam Chích Quái” của nước ta và “Lý Hoặc Luận”, “Đại Đường Cầu Pháp Cao Tăng Truyện” của Trung Quốc. Trong “Kiến Văn Tiểu Lục” cụ Lê Quí Đôn cho đó là một thiếu sót, cụ viết “các bậc cao tăng nước ta không phải ít trong khoảng thuộc Tấn thuộc Đường, tất nhiên có nhiều điều đáng ghi chép nhưng ghi chép thiếu sót”.

Sau khi Ngô Vương Quyền giành lại độc lập tự chủ cho đất nước, dân tộc thì vị trí vai trò của Phật giáo trở nên quan trọng trong triều đình và ngoài xã hội. Năm Tân Mùi (971), song song với việc ấn định thứ bậc phẩm trật cho các quan văn võ, vua Đinh Tiên Hoàng còn ấn định thứ bậc phẩm trật trong tăng đạo, sắc phong Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt đại quốc sư chức Tăng Thống, Trương Ma Ni chức Tăng Đạo, Đặng Huyền Quang chức Sùng Chân Uy Nghi, được tham gia chính sự trong triều đình.

Năm Đinh Hợi (987) vua Tống sai Lý Giác đi sứ sang nước ta, vua Lê Đại Hành bèn sai sư Đỗ Pháp Thuận giả làm người chèo đò ra đón, ứng  khẩu ngâm thơ đối đáp với Giác (bài thơ Thiên Nha), được ông ta ngợi khen và làm thơ tặng lại có ý tôn trọng vua ta như vua của ông ấy. Khi Giác trở về nước, vua sai sư Khuông Việt làm bài ca khúc tiễn biệt. Đây là lần đầu tiên hai nhà sư được dùng làm nhà ngoại giao, văn thơ của họ thay thế văn bản ngoại giao, sử thần Ngô Thì Sĩ viết “Trong một đời Lê Đại Hành, việc tuân hành đánh dẹp đã chiếm hết một nửa, không thấy nói gì đến chính sách trường học thi cử. Thế mà trong văn kiện bang giao lúc bấy giờ, như bức thư xin nối ngôi của Vệ vương Toàn thấy được bút pháp uyển chuyển khúc chiết, đúng thể cách cho đến câu thơ nối vần thơ thiên nha (của sư Pháp Thuận), khúc ca tiễn sứ giả (của sư Khuông Việt), tình tứ sắc bén đầy đủ, dù văn nhân từ khách ngày nay cũng không hơn được”.

Phật giáo phát triển rực rỡ, đạt đến đỉnh cao vào triều Lý, bắt đầu từ vua Lý Thái Tổ (Công Uẩn). Vua xuất thân tại cửa thiền, được sư Khánh Văn và sư Vạn Hạnh nuôi dạy từ tấm bé đến trưởng thành. Sau khi lên ngôi, Thái Tổ xuất ngân khố xây dựng và sửa chữa chùa tháp khắp nước, tạc tượng đúc chuông, dựng “Tàng Kinh Các” (nơi chứa kinh) và nhiều lần sai người sang nhà Tống thỉnh Tam tạng kinh (Kinh Luật Luận, trong đó có hai bộ Hoa Nghiêm và Pháp Hoa) về cho tăng ni hoằng dương đạo pháp. Dựng “Giới Trường” làm nơi thọ giới qui y cho thiện nam tín nữ, vua đã hai lần làm chủ lễ và cấp độ điệp (giấy chứng nhận) cho hàng ngàn người xuất gia tu hành. Lấy tinh thần từ bi, trí huệ của nhà Phật làm phương châm tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Sau khi lên ngôi, vua thả hết tù binh người Man do Long Đỉnh bắt trước kia, cấp lương thực, tiền bạc cho họ về quê, miễn giảm hình phạt cho tội nhân và bốn lần đặc xá tô thuế ba năm cho nhân dân trong suốt 18 năm trị vì.

Các vua đời sau đều noi gương Thái Tổ, lấy việc thờ Phật và giáo lý của Ngài làm phép thường của người trị nước an dân. Sử dụng người hiền tài, vỗ về bá tánh bằng sự nhân từ khoan thứ để bền sâu gốc rễ, tạo nên một thời thịnh trị và thời gian trị vì lâu dài nhất trong lịch sử nước ta (216 năm). Tạo nên những thành tựu văn hóa Phật giáo nổi tiếng như chùa Một Cột, chùa Bái Đính và ba “đại khí” là tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên, chuông Qui Điền cùng những tác phẩm văn học bất hủ của các thiền sư lỗi lạc như Vạn Hạnh, Mãn Giác, Minh Không…Đạo Phật cũng trở thành quốc giáo từ triều đại nầy.

Nhà Trần là triều đại thừa hưởng và phát huy truyền thống vẻ vang đó lên tầm cao mới. Nổi bật là hai vua Thái Tông, Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, cuộc sống vương giả để trở thành thiền sư. Hình ảnh của vua Nhân Tông là phiên bản của thái tử Tất Đạt Đa khai sinh đạo Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Sau khi giác ngộ Chân như, Ngài sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và là vị sơ tổ của thiền phái nầy. Đây là thiền phái đầu tiên của nước ta, tập hợp ba dòng thiền trước đó và hệ thống giáo hội Phật giáo thành một tổ chức thống nhất trong cả nước. Tư tưởng chính của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là “phản quan tự kỷ” được thể hiện trong bài phú “Cư Trần Lạc Đạo” của Ngài. Thiền phái nầy tồn tại và phát triển đến ngày nay, Ngài được hậu thế tôn vinh là Phật Hoàng, Điều Ngự Giác Hoàng. Ngoài ra, vạc Phổ Minh được đúc đời Thánh Tông là “đại khí” thứ tư của nước ta cùng nhiều bài thơ thiền thâm sâu uyên áo của vua Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Huyền Quang…làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, văn học Phật giáo.

Đạo Phật bắt đầu suy thoái khi Hồ Quí Ly chuyên quyền, lấn át vua Trần Thuận Tông. Năm Bính Tý (1396) vua ban chiếu sa thải tăng đạo, những tăng nhân chưa đến 50 tuổi đều bị bắt về thế tục không cho tu nữa. Tình hình ngày càng xấu đi vào thời Lê sơ, thời Mạc, thời Lê trung hưng và Trịnh Nguyễn phân tranh. Nguyên nhân chính là do vua quan, sĩ phu các thời đó tôn sùng đạo Nho, đưa Khổng giáo lên thành nền quốc học, đạo Phật bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Do chiến tranh liên miên giữa Nam-Bắc triều và Đàng ngoài-Đàng trong, phần còn lại là do tự thân Phật giáo phân hóa, biến tướng, gây bạo loạn (Phạm Sư Ôn). Ở Đàng trong có khá hơn nhưng không có gì nổi bật, ngoại trừ việc chúa Nguyễn Phúc Chu thọ đến giới Bố tát, qui y Tam bảo, ăn chay niệm Phật hàng ngày.

Khi người phương Tây sang nước ta ở Đàng trong và đầu đời nhà Nguyễn,  nhất là sau khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, Phật giáo lại bị lấn lướt bởi đạo Thiên Chúa. Các giáo sĩ dùng mọi thủ đoạn truyền bá, dụ dỗ, mua chuộc nhân dân theo đạo mới với sự hỗ trợ tích cực của bộ máy cai trị thực dân. Ai không theo đạo mới chúng hăm dọa, trù dập thậm chí ép buộc, đàn áp bằng bạo lực, phá hoại các cơ sở vật chất, sản phẩm văn hóa Phật giáo. Triều đình Huế và nhân dân chống đối, bài xích nhưng thất bại nên đạo Thiên Chúa phát triển ngày càng mạnh trên khắp đất nước, số người theo đạo mới hoặc cải đạo ngày càng nhiều khiến chùa chiền “hoang sơ như buổi chợ chiều”. Phật giáo lúc đó cũng bị phân hóa đến hàng chục tông phái, hệ phái khác nhau, hoạt động theo tôn chỉ, phương hướng riêng, không có sự thống nhất thì làm sao có sức mạnh chống lại sự bành trướng của Thiên Chúa giáo và sự kỳ thị của thực dân!

Trước tình hình nguy cấp đó, vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20, nhiều vị cao tăng và nhân sĩ trí thức có tâm huyết với tiền đồ Phật giáo, coi đó là pháp nạn, tự đặt gánh nặng lên vai, đồng tâm hiệp lực làm cuộc “chấn hưng” trên qui mô cả nước. Nghĩa cử nầy được đông đảo tăng ni và quần chúng ủng hộ, phát triển thành nhiều phong trào trong mọi lãnh vực, gặt hái nhiều thành tựu đáng kể. Được tưới tẩm bằng nguồn năng lượng dồi dào mạnh mẽ của tăng thân, Phật giáo đã từ từ hồi sinh như ruộng lúa bị khô hạn gặp cơn mưa rào.

X

Thời gian qua, song song với sự phát triển của đất nước, Phật giáo cũng không ngừng vươn lên từ Bắc chí Nam, từ cao nguyên ra hải đảo, từ thành thị đến nông thôn. Nơi nơi đều có chùa, tu viện, thiền viện…cũ mới, lớn nhỏ gần 15 ngàn ngôi trên cả nước. Người xuất gia tu hành cũng ngày càng nhiều, không phân biệt già trẻ gái trai, sang hèn giàu nghèo, ước khoảng trên bốn vạn bốn ngàn người. Trong số đó, tăng ni trẻ thường có học vấn, được đào tạo chính qui, bài bản trong các cơ sở giáo dục Phật giáo, sẽ là đội ngũ cán bộ giỏi, năng động, sáng tạo trong tương lai.

Tăng ni là lực lượng nòng cốt hoằng dương đạo pháp, họ đã góp nhiều công sức trong việc phiên dịch kinh điển từ Hán văn sang tiếng Việt, viết sách giảng giải luận bàn giáo lý, trực tiếp thuyết pháp hoặc gián tiếp bằng băng đĩa, phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Về công tác phật sự và từ thiện xã hội, họ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc cầu nguyện tập thể, lễ hội tôn giáo, trang nghiêm thành kính tại nơi thờ tự và ngoài dân gian theo từng thời điểm thích hợp (trong đó có hai lần tổ chức đai lễ Phật đản mang tầm vóc quốc tế). Thường xuyên ủy lạo, giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, đồng bào nghèo, bị thiên tai tàn phá, đúng lúc kịp thời. Do đáp ứng được những nhu cầu vật chất và tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, tính đến năm 2010, Phật giáo có trên 45 triệu tín đồ qui y tam bảo, ăn chay niệm Phật (theo số liệu thống kê của GHPGVN, còn theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009 của Nhà nước thì chỉ có 6.802.318 người).

Có thể nói đây là thời kỳ rực rỡ nhất của Phật giáo từ trước đến nay, không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới. Tuy nhiên, đối với đạo Phật thì tất cả đều “bất khả tư nghì” cho nên số lượng chỉ là tượng trưng, chất lượng mới quan trong. Có người tinh tấn tu hành vài chục năm, thậm chí suốt đời vẫn không giác ngộ, có người chỉ nghe một câu kinh thôi cũng chứng quả Bồ đề. Do đó, thành thật mà nói thì sự phát triển của Phật giáo thời gian qua không có sự song hành giữa số lượng và chất lượng, vẫn còn đó sự chênh lệch khá cao của cặp phạm trù nầy.

Đại khái, với gần 15 ngàn ngôi chùa, tu viện, thiền viện…cùng nhiều tông phái, hệ phái và hơn 44 ngàn tăng ni trên khắp nước, chắc chắn Giáo hội sẽ không quản lý hết, quản lý nổi. Ai dám bảo đảm trong số đó có bao nhiêu nơi, bao nhiêu người tu hành chân chánh theo đúng giáo lý của đức Phật, hoạt động theo đúng chủ trương đường lối của Giáo hội và Nhà nước? Ai dám bảo đảm trong hàng ngũ tăng ni đông đúc không có kẻ gian manh bất hảo trà trộn vào mượn đạo tạo đời, kinh doanh trục lợi, làm chuyện dâm ô, làm điều phi pháp (buôn bán ma túy) làm mất thanh danh đạo Phật? Thực tế cho thấy có nhiều nơi nhiều người tu hành chệch hướng, pha trộn tạp nhạp lai căng, tôn thờ những thực thể siêu nhiên, đề cao thần quyền nặng mùi dị đoan mê tín. Báo chí đã nhiều lần phản ánh “đạo nạn” nầy, tôi cũng xin kể thêm một chuyện nhỏ mắt thấy tai nghe ở quê mình.

Cách nhà tôi khoảng một cây số có ngôi chùa do một Ni sư già làm trụ trì. Tháng trước, người chị bà con tôi mất, gia đình làm đám tang nhưng không nhận tiền phúng điếu do sợ mắc nợ thế gian không trả nổi tạo thêm nghiệp chướng. Vị Ni sư bèn đến bảo tang gia cứ nhận tiền phúng điếu rồi đem cúng hết vào chùa của bà, chẳng những không có tội mà còn được phước nữa !?!. Bà ấy còn có cách gây quĩ cho chùa khá độc đáo. Cứ cách mươi bữa nửa tháng, bà ấy dẫn một đoàn nữ Phật tử đến thăm viếng, giao lưu và cúng dường Tam bảo với những ngôi chùa khác trong vùng. Dĩ nhiên các chùa đó cũng phải “bánh sáp đi bánh qui lại”, thế là nguồn quĩ của chùa ngày càng dồi dào nhờ cách móc túi Phật tử siêu đẳng của bà, hơn cả “Diệu thủ thư sinh”!.

Đạo Phật được nhân dân mến mộ, tăng ni được kính trọng là đáng mừng, nhưng, cái gì cũng có chừng có mực, thái quá sẽ dẫn đến nhiều điều không hay.  Thời gian qua, nhiều Việt kiều, giới kinh doanh, người giàu có, khá giả, thậm chí cán bộ nhà nước cúng dường Tam bảo rất mạnh tay. Sự hào phóng đó không loại trừ khả năng đánh bóng tên tuổi và sự nghiệp của họ thêm nổi tiếng mà còn tạo tâm lý kiêu hãnh, ỷ lại cho tăng ni, ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động đạo pháp của họ. Đó còn là sự nuông chìu, tạo điều kiện cho tăng ni hưởng thụ, chạy theo thị dục thị hiếu, thích ăn ngon mặc đẹp, khoái ở chùa to lớn lộng lẫy, đi xe xịn, sài hàng sang hàng độc, không diệt trừ được tâm ngã mạn, không dứt được dục lạc thế gian, xao nhãng việc tu hành, hoằng dương đạo pháp.

Đây là những biểu hiện suy thoái mới của Phật giáo gần giống như thời Lê sơ và thời Pháp thuộc. Bên cạnh những mặt tiêu cực trên còn có tình trạng cải đạo của tín đồ Phật giáo. Hiện nay, có nhiều tôn giáo lớn nhỏ khác đang âm thầm vận động, thuyết phục, lôi  kéo, mua chuộc tín đồ Phật giáo cải sang đạo của họ ở một số địa phương, người cải đạo ngày càng đông, trong đó có quê tôi. Chính tôi cũng được/bị một chức sắc cao cấp của một tôn giáo lớn có uy tín chiếu cố nhưng tôi đã từ chối. Xin đừng xem chuyện nầy nhỏ. Một vết dầu tuy nhỏ nhưng sự lan tỏa của nó gấp đôi ba trăm lần, nhiều vết dầu sẽ tạo nên một vết loang bao lớn? Nhiều lỗ mội nhỏ đã làm vỡ toang con đê cao to chắc chắn không phải không có xảy ra! Mức chênh lệch khá ấn tượng của con số thống kê về số lượng tín đồ giữa GHPGVN và cuộc Tổng điều tra dân số của Nhà nước năm 2009 cho thấy tình hình đã đến hồi báo động.

Đất nước và xã hội phát triển không chỉ mang đến của cải vật chất, hạnh phúc an vui cho nhân dân mà còn mang đến cả bất hạnh khổ đau. Đọc báo hàng ngày sẽ thấy luân lý suy đồi, đạo đức xuống cấp, lừa đảo lường gạt lên ngôi, trộm cướp lộng hành, bạo lực gia tăng từ trong gia đình đến học đường và ngoài xã hội khiến nhân dân hoang mang lo sợ không biết mình sẽ bị bức hại bất cứ lúc nào! Khi tâm trạng bất an người ta thường quay về dựa dẫm vào đời sống tâm linh nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ và phương cách tốt nhất có thể đương đầu với những khó khăn trở ngại trong cuộc sống mà các phương tiện duy lý bất lực, không thể giải quyết, xử lý được. Trước tình hình đó Phật giáo sẽ làm gì để đem lại bình an cho xã hội, đem lại hạnh phúc và niềm tin cho nhân dân? Câu trả lời xin dành cho GHPGVN cùng những vị cao tăng và nhân sĩ trí thức quan tâm đến tiền đồ Phật giáo như các vị tiền bối trong phong trào “Chấn hưng” hồi thế kỷ 20./

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập