Nhu cầu và giải pháp cho việc truyền bá Phật Pháp đến vùng sâu vùng xa

Đã đọc: 2151           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đạo Phật truyền vào Việt Nam đến nay đã hơn 20 thế kỉ, vốn có tư tưởng truyền thống gắn liền với sinh hoạt văn hóa ''nông nghiệp lúa nước''- một nền văn hóa nhân bản, bao dung, trí tuệ, khai phóng, đượm sắc thái hiếu sinh, hiếu hòa và giải thoát. Chính vì thế, đạo Phật đã được nhân dân Việt Nam đón nhận một cách trân trọng có chọn lọc và đã trở thành tôn giáo của dân tộc trên cơ sở đạo đời không thể phân li, có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngay từ những buổi ban đầu. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức kế thừa sinh mệnh hoằng pháp độ sinh của Lịch đại Tổ sư, các bậc Tiền bối, các tổ chức tiền thân…

 

Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em chung sống. Dù chúng ta rất cố gắng thực hiện lời nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”, nhưng 30 năm qua, GHPGVN vẫn chưa đem giáo pháp vô thượng thậm thâm của Đức Phật đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa hết được, thế nên những hiểu biết về giáo lý Đức Phật, những tư tưởng văn hóa đạo đức của họ rất là đơn giản và lạc lạc hậu. Từ khi thống nhất PG thành lập GHPGVN đã trôi qua nay tròn 30 năm tuổi, đây là một bước ngoặc dài GHPGVN phát triển vững bước đồng hành cùng dân tộc đưa đạo vào đời hành đạo, giương cao ngọn đuốc trí tuệ, soi sáng cho những ai còn mê vọng, đóng góp sức mình vào dòng chảy văn hóa đạo đức từ bi trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Nhưng hiện nay Phật pháp chỉ mới truyền bá đến được những đồng bào dân tộc Kinh, người Hoa và đồng bào Khmer, còn nhiều dân tộc khác, những vùng Hải đảo, những tỉnh không có Phật giáo hoặc Phật giáo chưa lan tỏa đến hoặc rất ít không đáng kể.

Vì thế cho nên sau bài pháp đầu tiên tại Vườn Nai, Đức Thế Tôn đã khuyến hóa năm anh em ông Kiều Trần Như: “ Này các thầy tỳ kheo các vị hãy đi hoằng hóa giáo pháp đến khắp nơi, không đi chung hai người trên một đường. Chỉ với năm vị Thanh văn, không lời phát nguyện vì chúng sinh nào, chỉ vì thấy lợi ích thiết thực nơi giáo lý vi diệu của ta, các Tỳ kheo hãy mạnh dạn dấn thân vào công cuộc hoằng hóa độ sinh…” Sau này, có thêm nhiều Tỳ kheo khác nữa, nhưng phải kể đến là tinh thần hoằng pháp dù phải thiệt thòi đến tính mệnh của ngài Phú Lâu Na. Nhờ vậy, ngọn đèn chính pháp của Đức Thế Tôn lan tỏa, hết thế hệ này truyền nối đến thế hệ khác, tinh thần hoằng pháp cứu mê tình, bất luận dòng tộc nào, đất nước nào, bởi các Ngài biết rằng: “Người có Nam - Bắc nhưng Phật tính không Bắc - Nam”. ( Lục tổ Huệ Năng); Nhờ vậy, ngày nay chúng ta dù ít hay nhiều cũng thấm được phần nào giáo lý thâm sâu của Đức Phật, thấy được con đường nên đi, việc cần phải làm, định hướng cho tâm tư tìm về an lạc vĩnh cữu. Công ơn hóa độ của Đức Phật, công đức truyền trao ngọn đèn chính pháp của Lịch đại Tổ sư, các bậc Tiền bối chúng ta không thể không ghi nhớ được, không thể không học tập. Bởi vậy, hiện nay còn rất nhiều dân tộc, đồng bào vùng sâu, vùng xa chưa biết đến giáo lý thậm sâu vi diệu của Đức Phật, chúng ta không thể làm ngơ được, không thể dửng dưng sống “độc thiện kỳ thân” được. Chúng ta phải tự đặt trách nhiệm lên vai, dù phải hóa thân, hóa kiếp để ngọn đèn của Đức Thế Tôn soi tận đến chân trời góc biển. Đó mới là hạnh nguyện Bồ tát hạnh, đại từ đại bi. Như người đời thường nói: “Cho cái cần để tự câu cá”, “cho chiếc cầu để tự qua sông”.

Vâng! Cho cá hay cõng qua sông thì người ta ỷ lại! Được như vậy là một phần của báo ân Phật! Là thể hiện tinh thần từ bi đệ tử của Phật vậy.

Hơn 2000 năm qua đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, dòng máu của dân tộc là dòng máu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đất nước Việt Nam có hưng thịnh thì Phật giáo Việt Nam mới được hưng thịnh. Là thành viên của Phật giáo Việt Nam là thành phần của đất nước, chúng ta không thể không quan tâm đến nền văn hóa Việt Nam được. 30 năm qua, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp rất nhiều vào nền văn hóa dân tộc bằng vật thể hay phi vật thể. Điều này khó ai phủ nhận được. Đó là những cơ ngơi, những di tích lịch sử, những ngôi Chùa, Thiền viện…là những nơi trung tâm hoằng pháp rất lớn mạnh, đặc biệt là Phật giáo miền đồng bằng Bắc bộ trong những năm gần đây được GHPGVN, cũng như Ban Hoằng pháp TW quan tâm và phát triển mạnh đến các vùng sâu vùng xa nhiều hơn trước một ít như các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn… tạo thành những án thơ văn, những bài pháp những hoặc động từ thiện xã hội vừa thuyết pháp giáo hóa vừa giúp đỡ bà con nghèo khổ cực ở những tỉnh giáp ranh Trung Quốc, Lào, Campuchia đây là những thành tựu không thể định hình được hết đó là tinh thần “Từ bi và trí tuệ” của các bậc chư tôn đức lãnh đạo giáo hội, của Ban hoằng pháp TW, Ban hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hóa, Ban giáo dục cùng sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo có tấm lòng vị tha với Phật giáo mà Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… các ngài đã thấm nhuần và truyền trao lại cho chúng ta ngày hôm nay bằng văn thơ bút tích, để đúc kết nên khí thiêng dân tộc, tạo nên những anh hùng những người hết lòng vì đạo pháp, vì dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, giờ đây chúng ta  nhìn lại một cách sâu sắc hơn ở các Tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, các tỉnh miền Trung, vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên… chúng ta sẽ không tìm thấy cái gì là biểu tượng, hình bóng của Phật giáo, nói gì đến sự tu tập để được an lạc trong ánh hào quang của Đức Phật? Chúng ta phải cùng chung tay góp sức với, Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp làm thế nào để đẩy mạnh phong trào Làng văn hóa, Bản văn hóa, cải hóa phong tục tập quán lạc hậu vùng sâu, vùng xa đem giáo pháp của Đức Phật đến cho họ bằng nhiều cách như trùng tu tôn tạo các công trình văn hóa Đình Chùa, xây dựng những trung tâm Hoằng pháp lớn, nhỏ nhiều nơi trong nước, đào tạo tăng tài, tạo điều kiện giúp đỡ cũng như khuyến hóa những vị Tăng ni trẻ có đạo hạnh, trình độ Phật học và thế học và các vị cư sỹ có đạo tâm, có trình độ Phật học phát tâm đến những vùng sâu vùng xa để hoằng dương Phật pháp nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân trong thời hội nhập.
Với tâm nguyện như thế, nhưng giải pháp nào để thực hiện tâm nguyện này, Chúng con xin mạo muội trình bày một vài giải pháp sau đây: 

- Ban Hoằng Pháp TW cũng như Ban Hoằng pháp ở các tỉnh, thành phố  kết hợp cùng với  các ban Từ thiện Xã hội, Tăng sự, Văn hóa, Hướng dẫn Phật tử, Kinh tế Tài chính.. chuyên sâu về công tác hoạt động này.
- Tuyển chọn Tăng Ni, Phật tử (các Hoằng pháp viên, tình nguyện viên) có tinh thần hoằng pháp độ sinh, không ngại gian lao chẳng từ khó nhọc, biết hy sinh cá nhân vào thành viên của Ban Hoằng Pháp. 

- Tìm và mời người biết các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, cách sống, phong tục tập quán, theo từng vùng, miền… để dạy cho Tăng Ni, Phật tử tình nguyện. Chú ý đến nếp sống tập quán của bản xứ họ. 

- Chọn người tình nguyện có tinh thần hoằng pháp, biết cầu thị, biết thích nghi với phong thổ, xã hội.

- Bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển Tăng, Ni các tỉnh có đông đến những tỉnh có cơ sở nhưng chưa có Tăng Ni, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, núi cao, hải đảo. Hiện nay có Tỉnh, Thành Tăng Ni tập trung quá đông nhưng không hoạt động vào Phật sự gì chính đáng, thậm chí còn gây quá tải cho địa phương, còn những tỉnh thì thiếu hụt quá nhiều.

- Giáo hội PGVN nên rà soát lại một số vùng có tín đồ Phật tử là người kinh nhưng chưa có cở sở hoạt động thì xin phép nhà nước để xây dựng cơ sở, dù nơi đó không nhiều lắm nhưng được xem là trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, từ cơ sở này Phật pháp sẽ được lan tỏa đến đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng hơn.
- Kinh phí hoạt động để làm từ thiện xã hội chú ý quan tâm nhiều hơn nữa về vùng sâu, vùng xa nên tập trung đầu tư vào công tác hoằng pháp như: Xây dựng cơ sở Tự viện, xây dựng trường Mẫu giáo, Bệnh viện y học dân tộc, nhà dưỡng lão tại các vùng sâu, vùng xa, ưu tiên miễn phí cho đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số.
- Giáo hội PGVN cần phải tranh thủ sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận đối với công tác này.

- Thường xuyên kiểm tra, đúc kết rút kinh nghiệm về những công việc đã làm xong.
- Giáo hội PGVN cần nghiên cứu đầy đủ, và đặc biệt liên hệ chặt chẽ với Ban Tôn giáo Chính phủ xin hỗ trợ, để chương trình này có hiệu quả tốt.

Ban Hoằng pháp thực hiện chức năng hướng dẫn Tăng ni, Phật tử phát huy tư tưởng trong sáng của giáo lí đạo Phật, làm cho ý nghĩa đích thực của đạo Phật được thể hiện trong công cuộc xây dựng đất nước, mang lại hạnh phúc an vui cho mọi người; tổ chức biên soạn những bài giảng cho các ngày lễ lớn, biên soạn chương trình học giáo lí của phật tử; đào tạo các giảng sư của Ban Hoằng pháp, mở khóa tập huấn cho giảng sư, điều phối, phân bổ giảng sư thuyết giảng Phật Pháp trong phạm vi cả nước và có thể ở các nước trên thế giới, đặc biệt nhất là vùng sâu vùng xa, vùng biên cương, hải đảo.

Điểm nổi bật trong công tác hoằng pháp ngày nay là không những thực hiện đúng theo tông chỉ và mục đích của chính pháp, mà còn được vận dụng một cách "khế lí, khế cơ" vào hiện thực cuộc sống trên hai phương diện lí thuyết và thực hành. Kết quả đạt được chứng tỏ rằng, chính yếu tố đoàn kết thống nhất của các tổ chức hệ phái Phật giáo trên quy mô cả nước đã đưa đến sự thống nhất về quan điểm tư tưởng và giáo lí trong chương trình thuyết giảng Phật Pháp tại các đạo tràng,Tự viện và trong tăng ni, phật tử ngày nay.

Tóm lại, vì báo ân chư Phật, thể hiện tinh thần từ bi vàg trí tuệ, vì sự phát triển của cộng đồng dân tộc Việt Nam, vì sự bền vững của đạo pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta phải cấp thiết xây dựng một chương trình kế hoạch hóa cụ thể, phối hợp chặt chẽ với Đảng, nhà nước để đẩy mạnh truyền bá giáo lý Phật Đà đến vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Muốn phát triển bền vững trong công việc hoằng truyền Phật Pháp đến vùng sâu vùng xa thì chúng ta phải gấp rút hành động thêm những điểm sau đây:

1. Mở trường lớp đào tạo Tăng tài Nội trú (Phật học viện) trên khắp đất nước.

2. Giúp đỡ, khuyến khích giới Tăng, ni sinh trẻ phải luôn luôn mến đạo, yêu quê hương và đất nước để xứng đáng là lớp kế thừa tốt đẹp nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đủ sức hướng dẫn những người tin Phật gia nhập vào Giáo hội.

3. Giáo dục hàng tăng ni trẻ luôn giữ thân tâm trong sạch, đạo đức trong tinh thần bất vụ lợi, không đắm say thế lợi. Tích cực hành động cho hòa bình thế giới. Từ chối việc tham gia vào bất cứ một liên minh lực lượng nào và nhất là không tham gia hay ủng hộ và tham dự các cuộc biểu tình “mítting” hay bất cứ tổ chức chính trị nào gây mất đoàn kết hòa hợp trong nhân dân hay tín đồ Phật tử.

4. Đào tạo các Tu sỹ trẻ có khả năng, kiến thức trở thành những kiến trúc sư, những nhà hoằng pháp giỏi có tài có đức cho Phật giáo, cho Giáo hội, có đủ tài trí phát triển văn hóa Phật giáo và mỹ thuật theo đúng tiêu đề Phật giáo VN.

5. Trùng tu, xây dựng những danh lam Phật tích.

6. Thống nhất nghi thức hành lễ trên toàn quốc.

7. GHPGVN gởi Thông tư đến thôn, xã, các tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ thị bảo tồn di sản văn hóa của Phật giáo nơi địa phương mình đang quản lý.

8. Đặt kế hoạch cho mỗi tỉnh hội phải được một viện mồ côi, nơi tá túc cho người già neo đơn. Một phòng chuyên phát hành kinh sách Phật giáo tự do cho dân chúng.

9. GHPGVN và Ban Hoằng Pháp TW có chương trình thuyết pháp hằng tháng tại các vùng sâu, vùng xa, đô thị và các tỉnh thành.

10. GHPGVN chọn lựa đề cử những Tăng ni đã tốt nghiệp các Khóa Phật học viện, cao học, tiến sỹ về trụ trì các chùa làng xưa chưa có người trụ trì và GHPG các tỉnh phải thường xuyên thăm hỏi, an ủi, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các vị Tăng ni đó trụ trì an tâm hành đạo.

11. Coi trọng việc giáo dục đạo đức cho hàng Cư sĩ, nhất là các đoàn thanh niên, các câu lạc bộ, các gia đình Phật tử.

Thời gian tới đây của thế kỷ 21, Phật giáo chắc chắn sẽ có nhiều sự thay đổi mà giáo lý Đại thừa của Đức Phật vẫn là nền tảng căn bản để phát triển Phật giáo trên toàn thế giới, không riêng gì cho Việt Nam. Khoa học phát triển mạnh chừng nào thì giá trị tinh thần Phật giáo càng tăng cao, vượt trội. Xã hội con người hôm nay đang chuyển từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin. Nhờ sự phát triển khoa học cao, làm phương tiện cho dân trí các tầng lớp người trong xã hội có nhiều thay đổi từ văn minh vật chất sang văn minh tri thức. Sự thay đổi này buộc các vị Tu sĩ, Tăng già phải luôn luôn sống đúng phạm hạnh của một vị xuất gia hành đạo, làm đúng theo lời Phật dạy, nghiêm giữ giới luật để áp dụng khả thi bảo tồn giáo pháp và phát triển niềm tin cho tín đồ Phật tử.

Tăng ni trẻ ngày nay phải biết rằng: Chính mình là người duy trì mệnh mạch giáo pháp của đức Như Lai, là thế hệ kế thừa, thừa hành Phật sự của Đức Phật, của chư tôn đức tăng già của các bậc tiền nhân của chư lịch đại tổ sư. Tại thời điểm này, một trong ba ngôi báu Tam bảo đó là Tăng bảo vẫn tồn tại đã hơn 2550 năm qua. Nhờ các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, các vị thiện tri thức đã ý thức được sự tối thượng siêu việt về chân lý của Phật.

Chư Tăng ni trẻ phải luôn tư duy và chấp nhận xả thân cho Đạo, cho đời. Biết ban vui, cứu khổ, giảm đau thương cho con người trong xã hội. Biết lấy tình thương làm lẽ sống chân chính cho mình. Biết đem sức mạnh giáo dục trong thời kỷ nguyên thông tin này gieo hạt giống đạo đức trên quê hương đất nước và toàn thế giới, qua Internet. Muốn làm được như thế, tự mình phải nâng cao trình độ tri thức mà nhất là phần kinh điển phải làu thông, sẵn sàng trả lời khi một Phật tử có yêu cầu tìm hiểu các sự việc có liên quan trực tiếp đến phần Giáo điển Phật Đà. Sẵn sàng giải thích rõ ràng về Phật pháp cho các Cư sĩ tại gia và cho tất cả mọi người khi họ muốn tìm hiểu về Phật pháp.

Các vị Tu sĩ trẻ phải luôn nhớ câu trả lời của Đức Phật khi có người được hỏi rằng: “Làm thế nào để một giọt nước có thể chẳng bao giờ khô đi”? Đức Phật trả lời:“Hãy cho nó vào biển cả”. Khi các vị Tu sĩ trả lời xong bất cứ một câu hỏi nào dù dễ hay khó mấy đi nữa vẫn giữ thái độ bình thản khiêm hạ với mọi người. Tất nhiên sự kính trọng được tài bồi thêm gấp bội.

Sự tồn tại của Giáo hội luôn gắn liền với mối quan hệ cộng đồng của hàng Phật tử tại gia ở Thành Phố và ở vùng sâu vùng xa.

Trong tương lai GHPGVN có phát triển tốt đẹp hay không là phần lớn ở lớp Tăng ni trẻ có tâm huyết với đạo pháp với dân tộc biết kế thừa và có được Giáo hội Phật giáo đào tạo đúng chất lượng hay không?

Tôn giáo là người đồng hành cùng loài người trong xã hội kể từ khi xã hội mới phát triển. Đây là một nhu cầu tâm linh của con người đồng thời cũng là một bộ phận không thể tách rời ra khỏi lịch sử văn minh nhân loại.

Đạo Phật là một tôn giáo luôn gắn bó với dân tộc như nước thấm sâu vào lòng đất. Điều đó đã được thể hiện suốt chiều dài lịch sử Phật giáo thế giới nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Hơn hai nghìn năm Phật giáo hiện diện ở Việt Nam đã trở thành một tôn giáo dân tộc, chưa bao giờ thoát khỏi đời sống xã hội. Đất nước hưng long, Phật pháp được xiển dương, xương minh; đất nước khó khăn, Phật giáo cũng chung số phận, đó là mối quan hệ biện chứng giữa Đạo và Đời, cái này là tiền đề cho cái kia. Do vậy, ngay sau khi giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã coi tôn trọng và đảm bảo tín ngưỡng tôn giáo là chính sách chiến lược, nhằm đem lại cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho đồng bào tôn giáo trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có Tăng Ni, Phật tử VN chúng ta.

Những thành tựu Phật sự trên là sự nỗ lực trách nhiệm chung của các cấp Giáo hội và Tăng ni, Phật tử trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tổ chức và hoạt động chung của Giáo hội, đồng thời xuất phát từ chính sách, pháp luật tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Thực tiễn cho thấy, những nơi nào mà mỗi cấp Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử quan tâm giải quyết tốt giữa lợi ích của đạo và đời trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tôn chỉ mục đích hoạt động của tổ chức thì ở đó phát triển, ổn định. Ngược lại ở những nơi nào có những biểu hiện thái quá, đều dẫn đến sự trì trệ, mất đoàn kết trong tổ chức và mỗi trụ xứ, giảm sút uy tín, làm sai lệch nguyên tắc hoạt động và chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

         Trước xu thế hội nhập phát triển chung của đất nước và cộng đồng quốc tế, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải không ngừng phát huy truyền thống gắn bó với dân tộc đã được hun đúc, tạo dựng suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam, đồng thời phải đổi mới trong công tác tổ chức và hoạt động Phật sự, nhằm thích ứng với điều kiện hiện tại và tương lai. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần phải đổi mới tư duy và nhận thức, phải triệt để tuân thủ nguyên tắc hoạt động chung đã được thể hiện trong giới luật Phật chế và quy định của Giáo hội, cũng như pháp luật của Nhà nước, đó là sự sống còn của tổ chức và là nhân tố bảo đảm cho mọi thành tựu chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

GHPGVN cần có sự quan tâm đến vị trí góp sức của chư Tăng Ni và hàng cư sĩ nam nữ trẻ năng động, nhiệt tình, có kiến thức để đứng vào hàng ngũ chuyên môn của Giáo hội. Lực lượng kế thừa này sẽ hỗ trợ đắc lực cho đường hướng lãnh đạo của các bậc tôn túc, phù hợp với tình hình phát triển chung của đất nước và Giáo hội hiện nay. Chúng ta tin tưởng tứ chúng Tăng Ni và nam nữ Phật tử thực tài thực học ngày càng có nhiều tấm gương dấn thân hoằng pháp đến những nơi hẻo lánh, vùng sâu vùng xa, gánh vác một phần trách nhiệm giúp nâng cao đời sống văn hóa tâm linh chân chính cho đồng bào, cho dân tộc. Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam luôn gắn liền và hòa quyện nhau như hình với bóng. Cũng như lòng mong muốn thống nhất đất nước của toàn dân tộc, tín đồ Phật giáo luôn có ý thức thống nhất Phật giáo từ những thập niên 50.

“Đạo Pháp – Dân tộc - Chủ nghĩa- Xã hội”, là phương châm hoạt động thể hiện tôn chỉ, mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phương châm đó bắt nguồn từ tư tưởng trong sáng của giáo lý đức Phật và lịch sử truyền thống hộ quốc an dân hơn 2000 năm Phật giáo Việt Nam, với truyền thống yêu nước suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Điều đó thể hiện truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam. Nhiều tấm gương "người tốt, việc tốt" của tăng ni, phật tử trong cả nước xuất hiện và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương cao quý các loại. Hàng trăm Tăng ni, Phật tử hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự góp phần bảo vệ Tổ quốc khi có chiến tranh rồi trở lại đời sống tu hành, nêu cao tinh thần phụng đạo yêu nước. Thế nên, Nhu cầu và giải pháp cho việc truyền bá Phật Pháp đến vùng sâu vùng xa là một nhu cầu thiết yếu cho nhân dân Phật tử ở vùng sâu vùng xa góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập