Suy nghĩ về Quyết định xử lý kỷ luật đối với ĐĐ. Thích Giác Nhàn

Đã đọc: 4682           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đức Phật có dạy : “Nếu một tấm vải bị dính đất hoặc dơ dáy được một người thợ nhuộm nhúng vào thùng nhuộm màu xanh, vàng, đỏ hay hồng …thì nó vẫn sẽ là tấm vải có màu nhuộm xấu và dơ dáy. Tại sao? Bởi tấm vải đó không sạch. Tương tự như vậy, này các Tỳ Kheo, khi tâm người không trong sạch, ắt hẳn một cuộc sống tương lai xấu đang chờ đợi. Và tương tự như vậy với một tấm vải sạch, một người tâm trong sạch, ắt hẳn một cuộc sống tương lai tốt đẹp đang chờ đợi”

Có xem lại toàn bộ nội dung đĩa VCD đã đăng tải trên mạng mới thấy giữa chính tín và mê tín chỉ cách nhau một lằn ranh giới mong manh. Điều đáng tiếc là sau khi nghe cô Dung trình bày những điều như thế, như thế…với tư cách là một hoằng pháp viên; người có sứ mạng giúp cho các tín đồ của mình có cái nhìn chính kiến, lẽ ra Đại đức Giác Nhàn phải dùng lý trí phán đoán để nhận thức được ngay đó là những thông tin mơ hồ chưa được kiểm chứng, hoặc có đầu óc tư duy phản biện lại cô Dung, khi bản thân cô không có cơ sở để lý luận, giải thích việc đó là đúng, và tại sao nó đúng. Đằng này, người viết thật không thể tưởng tượng nổi, không chỉ riêng Đại đức Thích Giác Nhàn mà còn có rất nhiều Tăng, Ni trong đạo tràng y áo chỉnh tề ngồi bất động nghe “tâm sự” của cô Dung mà không hề có ý phản biện lại những điều cô Dung kia đã nói.

Chắc hẳn khi mời cô Dung lên chia sẻ pháp đàm, Đại đức Thích Giác Nhàn chỉ suy nghĩ ở mức thô sơ nhất là từ đây đối với tín đồ Đại đức sẽ có năng lực siêu nhiên “hô phong hoán vũ”. Bằng chứng sống động, rành rành mà ai cũng “mắt thấy tai nghe” là cố Thượng tọa Thiện Quang còn phải “nương nhờ” đạo tràng Quán Thế Âm của Đại đức để giải khổ, huống hồ các tín đồ đang râm ran niệm Phật kia người chưa chết hoặc sắp chết ắt hẳn sẽ được vãng sinh về miền cực lạc: một khi Đại đức dang tay tế độ. Và như vậy, thanh thế của đạo tràng sẽ lừng lẫy khắp trong, ngoài nước, sẽ thu hút được một lượng tín đồ khổng lồ…

Thật đau xót biết dường nào khi đạo Phật, một tôn giáo được rất nhiều các khoa học gia, các nhà trí thức cho đến cả Albert Einstein nhà bác học của mọi nhà bác học đều công nhận là đạo của khoa học lại đi tin và cho lưu truyền những chuyện viển vông, hoang đường sặc mùi mê tín.

Mê tín là bước đầu của cuồng tín. Chính vì hấp lực này mà các thế lực đen tối trên thế giới luôn muốn các tín đồ của mình rơi vào trạng thái mê tín để dễ bề sai khiến làm những việc xấu xa gây phương hại cho xã hội.

Lịch sử đã chứng minh, những kẻ đứng đầu các tổ chức khủng bố khét tiếng trên thế giới thường tự cho mình là đấng cứu thế. Và luôn chiêu dụ những thành viên mê tín, cuồng tín để biến họ thành những thùng thuốc nổ di động tấn công các mục tiêu cho tham vọng điên cuồng của chúng, còn các nhân đó thì tin rằng họ sẽ được cứu rỗi, sẽ được lên thiên đường  khi hy sinh mạng sống của mình cho đấng toàn năng.

Việc tịnh thất Quán Thế Âm thành lập đạo tràng để sinh hoạt Phật pháp, trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, để cầu nguyện vãng sinh về thế giới cực lạc, thoát khỏi mọi khổ đau ở cõi này là việc đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của quần chúng nhân dân.

Nhưng, nếu thân xác đau bệnh không lo chữa trị, chỉ cần niệm Phật A Di Đà để bệnh tự khỏi hoặc sẽ được sinh sang một thế giới hoàn toàn tốt đẹp khác nhờ các nghi lễ do một vị Tăng hay Ni chủ trì là điều mà chúng ta cần phải xem xét lại tính mục đích, động cơ của tổ chức tôn giáo đó. Bởi một tôn giáo chân chính không bao giờ sử dụng sức mạnh thần quyền hay nhân danh Phật Thánh để ru ngủ, dẫn dắt những tín đồ với một mặc cảm là họ có tội hoặc trừng phạt những ai không tuân theo. Làm như vậy khác nào triệt tiêu chủ nghĩa phấn đấu, tinh thần tự lực tự cường, tính phục thiện nơi mỗi cá nhân?.

Trong Kinh Ví dụ tấm vải (Vatthùpama – Sutta) Đức Phật có dạy : “Nếu một tấm vải bị dính đất hoặc dơ dáy được một người thợ nhuộm nhúng vào thùng nhuộm màu xanh, vàng, đỏ hay hồng …thì nó vẫn sẽ là tấm vải có màu nhuộm xấu và dơ dáy. Tại sao? Bởi tấm vải đó không sạch. Tương tự như vậy, này các Tỳ Kheo, khi tâm người không trong sạch, ắt hẳn một cuộc sống tương lai xấu đang chờ đợi. Và tương tự như vậy với một tấm vải sạch, một người tâm trong sạch, ắt hẳn một cuộc sống tương lai tốt đẹp đang chờ đợi”[1]Như vậy, điều kiện để được vãng sinh đến từ nguyên nhân nội tại chứ không do ngoại tại.

Như chúng ta cũng đã biết, một trong những nguyên nhân khiến Phật giáo Ấn Độ bị lụi tàn ngay trên chính nơi đã khai sinh ra nó là sự suy vi và thoái hóa của nội bộ Tăng đoàn và sự tu tập hành trì sặc mùi mê tín của hàng ngũ tín đồ Phật tử tại gia.

Như thế, không cần nói đến nguyên nhân khách quan, một khi chúng ta tự biến mình thành những tín đồ mê tín, cuồng tín, những con vật hiến tế cho thần linh…đạo Phật sẽ tự khắc bị tiêu diệt.

Thế nên, nếu tình trạng mê tín dị đoan nếu không được chấn chỉnh và uốn nắn kịp thời sẽ trở thành ung nhọt và để lại những vết thương mưng mủ, lở loét trên chính cơ thể tôn giáo. Những bài học về tệ nạn mê tín dị đoan gây ra từ xưa đến nay chưa mờ phai trong sử sách. Và xương máu, mạng sống của biết bao Tăng – Ni Phật tử đã hy sinh trong cuộc pháp nạn 1963 để chống lại hệ thống tôn giáo thần quyền lúc đó là Thiên chúa giáo vẫn còn in đậm trong tâm khảm của biết bao người. Các bậc tiền bối hữu công đã sống tu tập, tỏa sáng và cống hiến tận sức mình cho đạo pháp dân tộc; để đổi lấy hệ thống các trường sơ, trung, cao đẳng, Phật học viện được thiết lập trên khắp ba miền đất nước. Để đạo Phật không còn phải sợ hãi, cúi mình trước bất cứ một thế lực thù địch nào khác. Và để chúng ta ngày nay có cơ hội thỏa mãn nhu cầu tri thức và tâm linh tín ngưỡng của chính mình. Như thế, lẽ nào chúng ta lại dễ dàng đánh đổi nó để lấy về những lợi ích trước mắt, những gì không thuộc về một tôn giáo của trí tuệ từ bi?.

Nay, nói về quyết định xử lý kỷ luật đối với Đại đức Thích Giác Nhàn, chắc chắn trước khi ra quyết định này, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội đã phải đắn đo cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Nhân vô thập toàn – đã là người thì khó tránh sai lầm. Có người sai lầm từ trong ý niệm ban đầu, có người sai lầm trong hành động. Người có trí thì điều khiển được ý niệm để không phát lộ, người mê thì nghĩ gì nói đấy không qua giai đoạn sử lý của não bộ nên biểu lộ nơi thân, khẩu nghiệp. Nếu đã sai lầm cố ý thì thôi không bàn đến, nhưng do vô tâm đem đến sai lầm thì rất cần nhận được sự thương tưởng nơi chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo. Bởi điều khó nhất là thừa nhận sai lầm thì Đại đức Giác Nhàn đã thừa nhận sai lầm, đã thành tâm sám hối và nhận trách nhiệm về hành vi của mình.

Với quãng thời gian ba năm chịu kỷ luật, nó không chỉ là nỗi dày vò, day dứt, hối hận khôn nguôi đối với Đại đức Thích Giác Nhàn mà nó còn là thách thức, cơ duyên tốt để thẩm định ý chí và đạo lực bản thân. Tin rằng, với kiến thức nền tảng Phật học nội điển đã được học tại trường trung cấp trước đó, cộng với việc bổ sung nguồn lực ngoại điển và đặc biệt là hệ tư tưởng Kinh tạng Nikaya- hệ thống giáo lý trung thành nhất với lời giáo lý của Đức Phật. Đại đức Thích Giác Nhàn sẽ nhận thức rõ những bước phát triển của văn minh khoa học hiện đại, để từ đó điều tiết hoạt động Phật sự tiếp theo đạt kết quả tốt đẹp.

Còn nhớ, trong khuôn khổ Hội thảo hoằng pháp toàn quốc năm 2011 tại Bình Dương, chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo giáo hội trăn trở ưu tư nhất về công tác xây dựng được đội ngũ kế thừa, hoằng pháp thời hiện đại và công tác hoằng pháp với thanh niếu niên…

Việc làm chủ trì đạo tràng Quán Thế Âm có số thính chúng lên tới hàng ngàn Phật tử, hàng trăm Tăng – Ni, chứng tỏ Đại đức Giác Nhàn là người có tài, có khả năng thu hút quần chúng và có đầu óc tổ chức cao. Với một người như thế rất cần nhận được sự cảm thông, sự định hướng đúng đắn từ phía lãnh đạo Giáo hội, để Đại đức Giác Nhàn không còn mặc cảm với sai lầm đã gây, mà đem hết tài năng, đạo đức của mình để tiếp sức, cống hiến cho Giáo hội, tín đồ Phật tử và đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên - thế hệ chủ nhân tương lai của Đất nước.

Đức Phật đã dạy: có hai hạng người cao quý, đó là hạng người không mắc lỗi và hạng hạng mắc lỗi rồi biết sửa chữa, nay Đại đức Thích Giác Nhàn đã khẩn thiết nhận lỗi lầm. Do đó rất cần nhận được sự cứu xét giảm mức kỷ luật, sự thương tưởng nơi chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, bởi:

“Kim vàng ai nỡ uốn câu,

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.”

 



[1] Trích: Trung Bộ Kinh – Majihima – Nikaya, Kinh số 7. 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập