Một vài đóng góp của Phật giáo đối với văn hóa Việt Nam

Đã đọc: 3894           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật giáo truyền vào Việt Nam khoảng thế kỉ II sau Công nguyên. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài. Trong quá trình phát triển, Phật giáo, với tư cách là một tôn giáo, đã có nhiều đóng góp cho văn hoá Việt Nam.

 Cũng giống như các tôn giáo ngoại sinh khác như Nho giáo, Đạo giáo, Islam giáo, Công giáo hay Tin Lành giáo, Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã có những va chạm nào đó với văn hoá bản địa, hình thành cục diện hội nhập khác với sự tiến hoá tự nhiên của một hệ tư tưởng bản địa. Quá trình hội nhập đó dẫn tới sự hình thành những yếu tố văn hoá mới.

Mỗi tôn giáo khi du nhập vào Việt Nam đã có những đóng góp nhất định về văn hoá. Phật giáo cũng không nằm ngoài quy luật này. Trong khuôn khổ của chuyên đề này, chúng tôi muốn đề cập tới một số đóng góp của Phật giáo đối với văn hoá Việt Nam, tuy nhiên cũng chỉ là điểm qua những đóng góp cơ bản ở một vài lĩnh vực mà thôi.

1. Phật giáo đã góp phần đào tạo một tầng lớp trí thức

Tầng lớp trí thức đầu tiên mà Phật giáo đã đào tạo mang tính chất nhà sư am hiểu Nho giáo. Tăng thống Ngô Chân Lưu hiệu là Khuông Việt đại sư là một nhân vật tiêu biểu.

Khi người Hán đến cai trị nước ta thì họ mang chữ Hán đến. Nhưng khi đến vùng đất này, người Hán chủ trương không mở trường đào tạo trí thức người Việt mà chủ yếu đưa người Hán sang làm quan cai trị. Do vậy, suốt từ năm 111 trước Công nguyên cho đến thời kì đầu Công nguyên chỉ có một Trương Trọng rồi mãi mới có vài người như Lý Cầm, Lý Tiến được học hành và đấu tranh để làm quan. Một số khác như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp tuy có dạy học nhưng đều không có dấu hiệu phổ cập chữ Hán, biểu thị cụ thể nhất là không thấy xuất hiện một giai tầng trí thức Việt trước thế kỉ VII.

Tầng lớp trí thức Việt đầu tiên là trí thức Phật giáo. Người đầu tiên để lại tên tuổi là Pháp Hiền (? - 626). Phật giáo truyền vào Dâu cuối thế kỉ II, hình thành trung tâm Dâu mà Pháp Hiền là nhà sư Việt đầu tiên lưu tên trong sơn môn. Vấn đề đặt ra là, người ta truyền bá và phát triển đạo Phật bằng ngôn ngữ và văn tự gì trong thời kì đầu? Nhà sư ấn Độ Tì Ni Đa Lưu Chi từ Trung Quốc đến Dâu năm 580 trụ trì ở đó, dịch một quyển kinh Tổng Trì. Ông ta đến Trung Quốc năm 562 (hay 574), gặp lúc Phật giáo đang bị đàn áp, Tăng Xán đang trốn tránh nên khuyên ông xuống phương Nam. Ông đến chùa Chế Chí ở lại 6 năm dịch hai bộ kinh. Như vậy, ông đã học được văn tự Hán. Cho nên, khi đến Dâu, ông đã dùng ngôn ngữ và văn tự đó để truyền bá Phật giáo.

 Thế kỉ VII – VIII, tăng sĩ Việt Nam có nhiều người có tri thức uyên thâm về Phật giáo. Nhiều người giỏi cả Phạn ngữ và Hán ngữ, đã tham gia chú giải kinh Phật. Như trước đó, thế kỉ III, tư liệu để lại cho biết về Đạo Thanh (?) một người Việt giúp nhà sư ấn Độ dịch Pháp Hoa Tam Muội Kinh ở nước ta khoảng năm 255 – 256(1).

 Tuy nhiên, do chính sách nô dịch hà khắc và việc hạn chế đào tạo người Việt trở thành trí thức, chính quyền đô hộ Hán - Đường đã gián tiếp hun đúc các thiền sư Việt Nam ý thức về một nền độc lập dân tộc. Những nhà sư Phật giáo đã là tầng lớp trí thức trụ cột cho những chính quyền độc lập đầu tiên như các nhà Tiền Lê - Lý - Trần.

 Lê Đại Hành khi lên ngôi vua đã mời Thiền sư Pháp Thuận và Thiền sư Vạn Hạnh của Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi vào triều đình làm cố vấn chính trị. Thiền sư Vạn Hạnh là người đã huyền thoại hoá Lý Công Uẩn và đưa ông lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên của thời Lý. Lý Công Uẩn là con nhà sư Lý Khánh Văn, ra đời trong một chuyến lên chùa của mẹ ông. Lý Công Uẩn học ở chùa Lục Tổ, nhà sư Vạn Hạnh đã tuyên truyền cho ông, đã khen ông sẽ làm bậc minh chủ. Các tư liệu dù đã huyền thoại hoá nhưng vẫn thấy Lý Công Uẩn xuất thân, đào tạo trong Phật giáo và được giới Phật giáo đưa lên ngôi báu.

Đạo Phật là tôn giáo thịnh đạt nhất trong xã hội thời Lý - Trần, được coi như một quốc giáo. Thời Lý - Trần có rất nhiều nhà sư nổi tiếng trong cả nước, có uy tín và địa vị chính trị - xã hội. Có thể kể đến các nhà sư Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên Thông, Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải, Pháp Loa, Huyền Quang.

Nhà nước Lý - Trần tôn chuộng đạo Phật, trong bối cảnh của sự khoan dung, hòa hợp tôn giáo "Tam giáo đồng nguyên", chủ yếu là sự kết hợp giữa Phật giáo và Nho giáo, giữa giáo lí và thực tiễn đời sống. Đạo Phật thời Lý - Trần đã ảnh hưởng đến đường lối cai trị của nhà nước (chính sách thân dân, khoan dung), là đối trọng tư tưởng của Nho giáo.

Cùng tồn tại với Phật giáo, nhưng Nho giáo thời Lý - Trần có xu hướng phát triển ngược lại với Phật giáo. Khác với Phật giáo, Nho giáo đã đào tạo một tầng lớp trí thức để làm quan. Nho giáo từ chỗ lúc đầu mới chỉ được nhà nước phong kiến chấp nhận trên nguyên tắc như một học thuyết để trị nước tới chỗ sau đó (cuối thời Trần) đã trở thành một ý thức hệ trên đà thống trị xã hội.

Nho giáo truyền vào Việt Nam từ đầu thời Bắc thuộc dưới một phương thức giao lưu văn hoá cưỡng chế. Vì vậy, sau hơn 1.000 năm đô hộ của chính quyền phương Bắc, Nho giáo cũng chỉ là một lớp váng mỏng đọng lại trong tầng lớp ưu tú, ảnh hưởng rất nhỏ bé. Đến thời Lý - Trần, Nho giáo trở thành một nhu cầu tư tưởng thiết yếu cho việc xây dựng một thiết chế quân chủ tập quyền, cũng như những nguyên lí cơ bản của phép trị nước, trong đó một biện pháp chiến lược là chế độ khoa cử. Do vậy, các nhà vua sùng Phật vẫn cần đến một sự bổ trợ của Nho giáo. Thời Lý - Trần, Nho giáo được nhà nước chấp nhận, nhưng vẫn giữ một vị trí khá khiêm tốn. Năm 1070, Văn Miếu được xây dựng, thờ Chu Công, Khổng Tử và các vị tiên hiền, làm nơi dạy học Hoàng Thái tử. Năm 1075, nhà Lý tổ chức khoa thi Thái học sinh đầu tiên, người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh; năm 1076, mở trường Quốc Tử giám. Đến năm 1086, triều đình lập Hàn Lâm viện, nho sĩ Mạc Hiển Tích được tuyển bổ làm Hàn Lâm học sĩ. Qua thời Trần, Nho giáo và Nho học khởi sắc hơn. Tầng lớp nho sĩ ngày một phát triển, trong đó có những gương mặt nổi bật như Lê Văn Hưu, Đoàn Nhữ Hài, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An... Họ đã dần dần tham chính, nắm giữ các chức vụ trọng trách trước đây chỉ dành cho cho tầng lớp qúy tộc tông thất. Đoàn Nhữ Hài từ một nho sinh được thăng đến chức Hành khiển là một ví dụ tiêu biểu(2).

Như vậy, rõ ràng rằng, Phật giáo đã đào tạo ra một tầng lớp trí thức mang tư tưởng yêu nước, ủng hộ cho nền độc lập của dân tộc và ủng hộ cho nhà nước phong kiến. Trong khi đó, cùng với sự du nhập của chữ Hán, Nho giáo đã đào tạo ra một tầng lớp trí thức để làm quan cho chính quyền đô hộ.

2.  Đóng góp của Phật giáo về mặt văn tự

 Như trên đã đề cập, các nhà sư ấn Độ và Trung Quốc đến Việt Nam và dịch kinh sách bằng văn tự Hán và ngôn ngữ, văn tự đó được dùng để truyền bá Phật giáo.

 Một vấn đề được đặt ra là trước thế kỉ VI, Phật giáo hoạt động ở trung tâm Dâu bằng ngôn ngữ và văn tự nào?

 Chúng ta xem xét miền Trung và miền Nam nước Việt, vào thời điểm đó nơi này là các vương quốc Chămpa và Phù Nam.

Các thương nhân và nhà truyền giáo Ấn Độ đều đã đến đây, có thể cùng một lúc hay sớm hơn thời gian họ đến Dâu. Những nhà truyền giáo đó đã dùng ngôn ngữ và văn tự nào để truyền giáo? Câu trả lời rõ ràng và cụ thể là: văn tự Sanskrit. Bi kí và minh văn thuộc niên đại khoảng đầu Công nguyên đã được phát hiện trước năm 1945 và hiện nay vẫn còn đang được phát hiện chứng minh

điều đó một cách hùng hồn. Như vậy là do người truyền giáo ấn Độ không gặp ở nam Đại Việt lúc bấy giờ một văn tự nào sẵn có để họ sử dụng, vì vậy họ sử dụng văn tự Sanskrit để truyền giáo. Còn ngôn ngữ thì đã có sẵn cho nên chẳng bao lâu sau thì đã xuất hiện chữ Chăm, chữ Khmer trên cơ sở chữ Sanskrit.

Còn ở phía bắc thì cho đến nay không tìm thấy dấu vết chữ Sanskrit thời đó. Để giải thích hiện tượng này chúng ta nhìn lại lên phía bắc. Khi những nhà truyền giáo Tây Vực hay ấn Độ đến kinh đô Trung Quốc thời Hán thì họ đều dịch kinh bằng cách này hay cách khác. Hoặc họ đọc các kinh bản qua người Trung Quốc biết ngoại ngữ phiên dịch, hoặc tự tay họ dịch sau khi học tiếng và chữ Trung Quốc. Cho nên, ở Trung Quốc không hình thành một văn tự dạng sanscrit, mà trái lại, hình thành một dạng văn tự Sanskrit chữ Hán, tức là chữ Sanskrit vốn là linéaire, tức viết hàng ngang thì chuyển thành chữ ô vuông nghĩa là bị cắt ra thành đoạn hình thành chữ Phạn - Hán mà ngày nay chúng ta vẫn thấy đề trên cổng chùa hay khắc trên chuông... và ghi trong kinh chữ Hán thường là ở phần chú (thần chú).

Như vậy, nếu Phật giáo ấn Độ truyền đến một khu vực chưa có văn tự thì văn tự ấn Độ sẽ địa phương hoá sản sinh ra một văn tự địa phương thuộc hệ văn tự ấn Độ. Nếu đến nơi đã có văn tự thì nó biến dạng thành một chủng lai mà tính trội thuộc về văn tự bản địa.

 Nói một cách cụ thể hơn, nam Đại Việt đã thừa hưởng của Bàlamôn giáo loại văn tự mà họ chưa có, nghĩa là Bàla môn giáo, Phật giáo đem đến cho cư dân ở đó một văn tự. Đó là một cống hiến của Bàlamôn giáo và Phật giáo đối với miền nam nước ta. Còn bắc Đại Việt thì người truyền giáo ấn Độ đã gặp ở đây một văn tự ngoại quốc nhưng quan phương, cho nên họ dùng văn tự đó - văn tự Hán. Nhưng cũng không phải họ không có cống hiến gì. Có hai cống hiến, sự truyền bá Phật giáo trong cư dân vốn không phổ biến chữ Hán đã đưa đến sự hình thành chữ Nôm. Chúng tôi cho rằng, chữ Nôm đã hình thành trước thế kỉ V - VI. Bằng chứng là sự tồn tại hai nhóm thuật ngữ Phật giáo đồng nghĩa: Bụt - Chùa - Thầy và Phật - Tự - Sư. Nhóm thứ nhất là chữ Nôm. Nhóm thứ hai là chữ Hán đọc theo âm Việt, hiện nay quen gọi là âm Hán - Việt chứ không phải là âm Hán của chữ Việt. Chữ Nôm xuất hiện trong bộ thuật ngữ Phật giáo này sẽ không bao giờ sản sinh và tồn tại được nếu như bộ thuật ngữ Việt - Hán đã được dùng từ đầu, nghĩa là từ khi bắt đầu truyền bá Phật giáo. Nhưng bởi vì, trước thế kỉ V – VI, Phật giáo Trung Quốc chưa hình thành. Công việc Phật giáo ở Trung Quốc chủ yếu vẫn do các nhà sư Tây Vực đảm nhiệm. Trong khi đó, ở Dâu đã hình thành một trung tâm Phật giáo độc lập đối với Phật giáo Trung Quốc lúc bấy giờ còn loanh quanh ở phương bắc xung quanh triều đình chưa lan xuống vùng Giang Đông, tức miền nam. Sau này, Phật giáo Trung Quốc vẫn hình thành Bắc tông và Nam tông là có lí do lịch sử của nó. Chỉ đến khoảng thế kỉ V – VI, một mặt Phật giáo Trung Quốc đã hình thành những tông phái Trung Quốc như Thiên Thai, Pháp Tướng, v.v... Một mặt, con đường thỉnh kinh cũng chuyển sang phương nam. Các nhà sư Trung Quốc xuống Giao Châu đi đường thuỷ qua ấn Độ. Nhà sư hành hương nổi tiếng - Nghĩa Tịnh đã đi theo con đường này. Cũng có một số nhà sư người Việt như Khuy Sung, Đại Thặng Đăng đã học giỏi tiếng Phạn và/hoặc đi một mình hoặc đi cùng các nhà sư Trung Quốc sang ấn Độ. Những nhà sư này đều không có tên trong Thiền Uyển Tập Anh ngữ lục. Tất cả những điều đó chứng tỏ có một cơ tầng Phật giáo Việt - ấn tồn tại trước. Sau đó mới đến thượng tầng Việt – Trung, bắt đầu từ khoảng thế kỉ V - VI về sau và rõ nét với Vô Ngôn Thông (đến Kiến Sơ làng Phù Đổng năm 820) thì Phật giáo Trung Quốc mới chiếm thượng phong. Cho nên, trong thời kì trước mới hình thành và tồn tại các thuật ngữ Phật giáo ấn Độ. Bụt - Chùa - Thầy được hình thành như vậy. Thời kì sau, bộ thuật ngữ Phật giáo Trung Quốc đọc theo âm Việt - Hán là Phật - Sư - Tự mới phổ biến. Nhưng đến nay, dân gian vẫn quen gọi thầy chùa hơn là sư ông. Chính Phật giáo đã mở đầu cho sự hình thành chữ Nôm ở bắc Đại Việt, chữ Chăm, chữ Khmer ở nam Đại Việt. Ba loại văn tự này giúp bảo tồn ngôn ngữ Việt, Chăm, Khmer.

 

3. Phật giáo đưa đến một nền kiến trúc chùa, tháp phong phú

 Một đóng góp khác của Phật giáo là về kiến trúc. Kiến trúc là sản phẩm nhân tạo cho nên cũng chính là văn hoá và sự phát triển của nó đánh dấu bước tiến của văn minh.

 Khởi thuỷ nơi trú ẩn đầu tiên của con người là ngôi nhà tự nhiên. Đó chính là những hang động, những vòm đá. Tuy nhiên, "ngôi nhà tự nhiên" này không thể che chở an toàn cho con người với bao nhiêu thứ hiểm hoạ chết người. Nào mưa gió, sấm sét, nào hổ báo, rắn rết... tất cả đều là những mối nguy hiểm đối với cuộc sống của con người. Bản thân con người là một miếng mồi ngon đối với tất cả những ác thú trong tự nhiên. Con người là một con mồi yếu đuối nhất, được trang bị vật chất kém nhất nhưng lại là con mồi có trí khôn. Một sự miêu tả cực kì sinh động về trí khôn của con người trong chuyện cổ tích Việt Nam - chuyện Trí khôn của ta đây - giữa con hổ và con người. Đây thực sự là một minh hoạ xuất sắc nhất cho sự khác biệt cơ bản giữa con người và động vật.

Để chống chọi với những hiểm nguy trong cuộc sống, con người phải làm nhà để ở, chống lại tất cả những sức mạnh tự nhiên đó. Ban đầu, người Việt làm nhà sàn bằng gỗ rồi làm nhà đất bằng tre. Tuy nhiên, dù là nhà sàn hay nhà đất thì cho đến trước năm 1945, những ngôi nhà tranh tre của người Việt vẫn còn tồn tại như nguyên mẫu xa xưa. Đó là một ngôi nhà hình chữ nhật thông thường chia ba gian với chiều dài từ 6 - 10 mét, đôi khi có nối các chái. Đó là những ngôi nhà tranh lè tè mái rạ vàng rộm. Những ngôi nhà nông thôn có một màu như vậy. Đền thờ thần là gốc đa, và về sau, đã có nghè thì cũng chỉ là ngôi nhà hai ba gian đơn sơ như nhà ở. Thế nhưng, một khi Phật giáo du nhập vào thì hai loại hình kiến trúc mới đã xuất hiện: chùa và tháp.

Cho đến khi ngôi chùa xuất hiện, dù thuộc niên đại muộn hơn buổi đầu Phật giáo ít nhiều, thì xóm làng vẫn còn là một quần thể nhà tranh. Ngôi chùa chiếm ngay lấy địa vị trung tâm của làng và trở thành nơi quần tụ văn hoá. Người dân đi học, đi chợ, đi chơi hội, hay đi xem múa rối nước cũng đều ở tại chùa. Ngày nay, chợ Dâu vẫn còn họp trước chùa Dâu (Bắc Ninh). Sân khấu rối nước vẫn còn trước chùa Thầy (Hà Tây) với chú Tễu và con rồng, là những hình tượng Phật giáo. Dân làng dù nghèo đói đến đâu vẫn chung nhau dựng cho được một ngôi chùa khang trang. Nền chùa cao thành ba bậc tượng trưng Tam giới. Phật điện nhiều bậc bệ cao dần lên tượng trưng núi Tu Di mà người nông dân Việt Nam không biết.

Những chư vị Phật ngồi trên những tầng bậc từ thấp đến cao là một cách bài trí hoàn toàn khác bàn thờ trong nghè, trong nhà của họ.

Cảnh quan xóm làng nông thôn đổi sắc với sự xuất hiện của ngôi chùa. Chùa cao ráo hoặc mái rạ hoặc mái ngói với cây tháp gạch (một cây, hai cây hay cả một vườn tháp) nổi bật lên giữa quần thể nhà tranh vách đất.

Chùa Việt không hoàn toàn giống như chùa Trung Quốc. Chùa Trung Quốc là kiến trúc viện lạc gồm nhiều kiến trúc song song với những chiếc sân ngăn cách. Ngôi chùa Việt điển hình do hai nhà sư Trung Quốc là Chuyết Chuyết và Minh Hành xây dựng là chùa Bút Tháp, ở đó mang dấu ấn viện lạc trong bình đồ khá đậm.

Buổi đầu, chùa Việt mô phỏng chùa hang ấn Độ cho nên hình thành cấu trúc chuôi vồ rất phổ biến trong các chùa làng. Chùa ấn Độ là mô hình một hang đá gồm có tiền đường và một hậu cung đặt biểu tượng Phật và một số tăng phòng xung quanh. Chuyển sang kiến trúc gỗ thì gian nhà ba gian được nối thêm một chuôi vồ, còn các thiền phòng thành những hành lang và nhà Tổ. Một số ngôi chùa tiêu biểu ở Hà Nội hiện nay thuộc mô hình này như chùa Hồng Phúc (chùa Hoè Nhai), chùa Liên Phái, chùa Linh Quang (chùa Bà Đá), v.v...

Phật điện phát triển để chùa có một kiến trúc mới: chùa chữ “Công”. Có thể thấy chùa Diên ứng (Bắc Ninh) là một tiêu biểu. Dạng kiến trúc này thường thấy có tường bao quanh và trở thành kiểu Nội công ngoại quốc như chùa Chiêu Thiền (chùa Láng) ở Hà Nội. Thông thường, loại hình kiến trúc này của chùa thuộc loại hình chùa quy mô lớn.

Chùa chữ "Tam" là một loại kiến trúc khác của chùa Việt có ảnh hưởng của chế độ viện lạc Trung Quốc, như chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), chùa Sùng Phúc (chùa Tây Phương) ở Hà Tây, chùa Một Cột ở Hà Nội.

Trong những ngôi chùa trên, thì chùa Một Cột (chùa Diên Hựu- kéo dài tuổi thọ) được xây dựng năm 1049, là một sản phẩm tiêu biểu không thể không đề cập. Buổi khởi dựng của chùa có kiến trúc hình ảnh một bông sen khổng lồ nở trên mặt nước. Đó là sáng tạo của các nhà kiến trúc giữa thế kỉ XI, theo ý tưởng giấc mơ của vua Lý Thái Tông về một bông sen. Năm 1080, vua Lý cho đúc một quả chuông lớn, đánh không kêu, cho là đã thành khí nên không thiêu huỷ, mới đem để ở ruộng chùa. Ruộng ẩm có nhiều rùa chui vào làm tổ nên gọi là chuông Quy Điền. Chuông Quy Điền cùng với vạc chùa Phổ Minh, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm và tháp chùa Báo Thiên hợp thành "Tứ đại khí" nổi tiếng, là thành tựu về nghệ thuật và kỹ thuật các thời Lý - Trần. Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho đào hồ ở quanh cột đá có toà sen, gọi là hồ Linh Chiểu. Bên ngoài có hồ Bích Trì. Ngôi chùa thời Lý được xây dựng lại ở thời Trần vào năm 1249 và các đời sau thường tu sửa. Năm 1954, chùa được xây dựng lại với quy mô kiểu dáng như ngày nay.

Chùa Một Cột được coi là biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến, là một danh thắng nổi tiếng mà ai đã từng đến Hà Nội không thể không ghé qua. Từ góc độ khoa học, đã có ý kiến cho rằng, chùa Một Cột chính là một loại hình điện thờ tư nhân sớm nhất được xây dựng phục vụ cho một cá nhân cụ thể - vua Lý Thái Tông.

Ngày nay, do mô hình kiến trúc đã hiện đại hoá xuất hiện chùa dạng nhà lầu với phác đồ theo chiều thẳng đứng: tầng dưới là nơi thuyết pháp cho tín đồ mang tính chất Tiền Đường, tầng trên là Phật Điện mang tính chất Thiêu Hương, Thượng Điện. Chùa thuộc loại này có thể kể tới những ngôi chùa nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh như chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm.

Chùa Khmer lại thuộc một mô hình khác. Mô hình chùa loại này thông thường là một tứ giác có nhiều tầng bậc chỉ thờ một tượng Thích Ca. Trên các thềm bậc có những tháp vây quanh và một cửa cổng rất đặc sắc với hai apxara hai bên góc như chùa Svay Ton (chùa Xà Tón) ở An Giang, gợi cho người ta liên tưởng tới cổng tháp Sanchi nổi tiếng của ấn Độ.

Chùa ở Nam Bộ lại có kiến trúc kiểu nhà tứ trụ. Đó là kiểu kiến trúc nhà rường. Bốn cột cách đều nhau ở bốn góc một diện tích hình vuông, từ bốn cột cái các kèo đấm và kèo quyết đưa đều ra bốn hướng. Hình vuông được giải thích đó là một kiểu thức của một ngôi tháp hoặc bắt chước dịch lí gọi là kiểu nhà tứ tượng: Thái Âm - Thiếu Dương - Thái Dương - Thiếu Âm, pha màu sắc phong thuỷ, ảnh hưởng của Đạo giáo và Nho giáo(3). Chùa ở Nam Bộ, từ đầu thế kỉ XX đến nay, đã có nhiều canh tân, do vậy chưa định hình được một mẫu mực nhất định.

Chùa ở vùng Huế bắt đầu được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Hoàng và phát triển mạnh ở thời các vua Nguyễn. Chùa ở đây chủ yếu được xây dựng, tu bổ, tôn tạo dưới sự bảo trợ của triều đình và

hoàng gia. Về cơ bản, những ngôi chùa ở đây có pha nét kiến trúc cung đình. Có thể kể tới những ngôi chùa nổi tiếng của vùng đất này như chùa Thiên Mụ, chùa Quốc Ân, chùa Báo Quốc, chùa Từ Hiếu, chùa Từ Đàm, v.v...

Đó là kiến trúc chùa. Còn kiến trúc tháp thì sao?

Có thể khẳng định ngay rằng, loại hình kiến trúc tháp cũng cực kì phong phú. Phật tử cũng như ngoại đạo đều biết đến tên tuổi của tháp Báo Thiên vòi vọi, tháp Sùng Thiện Diên Linh gắn với tấm bia về múa rối, chùa tháp Chương Sơn với nét kiến trúc đặc trưng của hai tay vịn vũ nữ tạc theo tư thế tribhanga mang dấu ấn Chăm rõ rệt.

Không thể nói đến kiến trúc chùa, tháp với những tên tuổi nổi tiếng mà không đề cập tới một hệ thống tượng Phật vô cùng phong phú trong đóng góp về vật chất của Phật giáo ở Việt Nam. Nói đến chùa, tháp là nói đến những Tam Thế, Tam Thân, những pho tượng Thích Ca, Phổ Hiền, Văn Thù; những pho Di Lặc, Đại Diệu Tường, Pháp Hoa Lâm; A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí; Tuyết Sơn, Ca Diếp, A Nan; những bộ tượng Cửu Long, tượng Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn; tượng thập bát La Hán; tượng thập điện Diêm Vương; tượng Hộ Pháp. Ngoài những tượng Phật còn có các tượng Tổ hay tượng Hậu. Phật điện trong mỗi vùng, mỗi ngôi chùa cụ thể khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, Phật giáo đã để lại những pho tượng đẹp nổi tiếng như tượng Quán Thế

Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (ở Phú Thị, Khoái Châu, Hưng Yên; Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh) đã được đánh giá là "pho tượng đẹp nhất trên Phật điện"(4), tượng A Di Đà chùa Phật Tích, tượng Tuyết Sơn chùa Tây Phương, tượng La Hán chùa Tây Phương (Hà Tây) đã đi vào thơ ca, văn học, v.v... và v.v... Bên cạnh đó, chùa Việt còn để lại những pho tượng đồng vang tiếng như hai pho tượng đồng ở Đồng Dương (Quảng Nam), đã trở thành kiệt tác trong làng tượng Phật Việt Nam. Một vài thập niên trở lại đây, du khách cũng như Phật tử khi đến miền Nam còn nhìn thấy những pho tượng Phật và tượng Quán Thế Âm kích thước đồ sộ bằng thạch cao hay xi măng cốt thép được đặt trên những cao điểm, từ xa đã có thể trông thấy.

 Nói đến chùa còn phải nói đến Phật điện với những trang trí nghệ thuật trên các chất liệu gỗ, đá, tạo nên những y môn, đồ khí tự, kiệu vàng, cuốn thư, đại tự... Bia đá, câu đối và thậm chí tháp mộ trong nhiều chùa đã để lại những dấu ấn mĩ thuật đặc thù.

Kiến trúc chùa Phật ở Việt Nam còn là kiến trúc sinh thái, hoà hợp cùng thiên nhiên. Những ngôi chùa trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng được xây dựng trên những núi non, sông nước kì vĩ. Hệ thống quần thể chùa Hương Tích (Hà Tây), quần thể Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Tây Phương, chùa Thầy (Hà Tây), chùa Trấn Quốc (Hà Nội), chùa Non Nước (Ninh Bình), chùa Tây An cổ tự (An Giang), chùa Thiên Mụ (Huế), v.v... là những ngôi chùa được ẩn hiện trong môi trường thiên nhiên với những cây đại thụ, những hương hoa cùng chim chóc càng làm tăng thêm sự linh thiêng của không gian nơi đất Phật.

Đó là một vài đóng góp về văn hoá vật thể của Phật giáo.

Còn về mặt văn hoá phi vật thể, cụ thể về mặt tư tưởng, Phật giáo đã có những đóng góp gì cho văn hoá Việt Nam?

 

4. Phật giáo Việt Nam mang đậm tính dân gian với tư tưởng từ bi cứu khổ cứu nạn

Có thể nhận thấy, người Việt nảy sinh tư duy trừu tượng về phồn thực với hình thức ma thuật mô phỏng là một dạng tôn giáo tín ngưỡng nguyên thuỷ. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các hình vẽ được khắc trên thân trống đồng như cảnh chim bay, cảnh miêu tả các động vật như trâu, bò để chứng minh cho luận thuyết: Người Việt khi đó đã có quan niệm về vũ trụ quan với 3 thế giới: Trời - Đất - Nước.

Điều đó cho thấy, tư duy của người Việt đã nhận thức được sự vận động vòng tròn để từ đó làm cơ sở cho việc tiếp nhận dễ dàng thuyết luân hồi của Phật giáo.

Phật giáo, với lí luận nhân quả, rõ ràng là cao siêu hơn ma thuật nhưng cũng không phải hoàn toàn xa lạ với người Việt. Ma thuật đã chứng minh nhân nào quả ấy nhưng Từ Bi mới là tư tưởng chính của Phật giáo được đưa vào hệ tư tưởng Việt.

Tư tưởng Từ Bi của Phật giáo thấm đẫm trong tâm hồn Việt từ người bình dân đến kẻ trí thức, thể hiện trong truyện kể dân gian cũng như trong thơ văn bác học.

Trong truyện kể dân gian, bao giờ Phật cũng hiện lên để cứu khổ, cứu nạn cho con người. Lấy chuyện Tấm Cám làm ví dụ. Phật đã hiện lên giúp cho Tấm con cá bống, sai chim tới nhặt thóc, cho áo quần, giày đẹp để đi chơi hội, lấy hoàng tử. Mỗi lần Tấm bị hại, Phật lại hiện ra giúp Tấm, lúc là bụi trúc đào, khi là quả thị. Chuyện kể thấm đẫm tinh thần cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo với hình ảnh của ông Bụt (Phật) đại từ, đại bi, phổ độ chúng sinh.

Một câu chuyện khác là vở chèo Quan Âm Thị Kính nổi tiếng vì lời hay múa đẹp, vì nỗi oan tình được cửa Từ Bi cứu vớt mà không minh được oan. Câu chuyện Phật giáo Triều Tiên đó phù hợp với người Việt Nam và đã trở thành một tuyệt tác văn hoá trong tư tưởng dân gian của người Việt đến nỗi không mấy ai nhớ

đó là câu chuyện Triều Tiên. Bởi lẽ, tư tưởng Từ Bi Bác ái của nhà Phật đã được diễn đạt hết sức dân gian, hết sức Việt Nam, và có lẽ Việt Nam hơn Truyện Kiều. Một điều đáng nói ở đây là câu chuyện Quan Âm Thị Kính được thể hiện bằng chèo, một hình thức nghệ thuật dân gian hơn cả văn thơ lục bát vốn cũng mang đậm tính dân gian.

Phật giáo đã thổi vào tâm hồn người Việt một làn gió mát Từ Bi. Chất Từ Bi của nhà Phật thấm sâu không những trong những nghệ sĩ dân gian vô danh mà còn đi sâu vào lòng những người dân bình dị. Đó là độ thấm sâu của tư tưởng Phật giáo vào văn hoá Việt Nam, nhưng nó không còn là Phật giáo với tư cách một tôn giáo ban đầu nữa. Chỉ là một tư tưởng Phật giáo: Từ Bi Cứu Khổ Cứu Nạn hướng thiện mới đi sâu vào văn hoá Việt Nam chứ không phải tất cả tư tưởng Tứ Diệu Đế của Phật giáo.

Phật giáo vào Việt Nam mang đậm tính dân gian đến nỗi những người dân mặc dù theo Phật giáo nhưng ít có hiểu biết về Phật. Những điều tra xã hội học gần đây của Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho thấy, khi được hỏi, rất nhiều người không hiểu Đức Phật là gì. Bảng kết quả dưới đây phần nào phản ánh điều đó.

 

Bảng kết quả về Hiểu các khái niệm về "Phật"(5)

Các khái niệm về Phật

Không

Tổng cộng

Bậc tự giác giác tha

13 = 3.6%

340 = 96.4%

353 = 100%

Phật tại tâm

149 = 42.2%

204 = 57.8%

353 = 100%

Bậc giác hạnh viên mãn

7 = 1.9%

346 = 98.1%

353 = 100%

Quan Âm Bồ Tát

83 = 23.5%

270 = 76.5%

353 = 100%

Đức Phật Tổ

45 = 12.7%

308 = 87.3%

353 = 100%

Danh từ để chỉ người nhất định

10 = 2.8%

343 = 97.2%

353 = 100%

Đức Di Lặc

12 = 3.4%

341 = 96.4%

353 = 100%

Bậc cứu khổ cứu nạn

51 = 14.5%

302 = 85.5%

353 = 100%

Thần Thánh

4 = 1.1%

394 = 98.9%

353 = 100%

Đức Thích Ca

98 = 27.8%

255 = 72.2%

353 = 100%

 

Người Việt Nam theo đạo Phật không phải vì những mục đích cao siêu mà họ theo Phật với những mục đích rất đời thường. Những số liệu dưới đây minh chứng cho điều này.

Bảng kết quả về Mục đích theo đạo Phật của nhóm bình dân(6).

Các khái niệm về Phật

Không

Tổng cộng

Thành Phật, Bồ Tát, La Hán

2 = 0.6%

350 = 99.4%

352 =100%

Được về Tây Phương cực lạc

26 = 7.4%

326 = 92.6%

352 =100%

Tai qua nạn khỏi, phát tài

191 = 54.3%

161 = 45.7%

352 =100%

Để phúc cho con cháu

247 = 70.2%

105 = 29.8%

352 =100%

Vợi đau khổ trần gian

47 = 13.4%

305 = 86.6%

352 =100%

Thoát nghiệp báo

16 = 4.5%

336 = 95.5%

352 =100%

Nhập Niết Bàn

19 = 5.4%

333 = 94.6%

352 =100%

Khỏi xuống Địa Ngục

25 = 7.1%

327 = 92.9%

352 =100%

Như vậy, nhìn khái quát cũng đã thấy ảnh hưởng Phật giáo đối với văn hoá Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Hiện nay, Phật giáo vẫn còn là một tác nhân tác động mạnh trong xã hội. Chúng ta dễ nhận thấy Phật giáo đã mang đến cho người Việt những ngôi chùa cổ kính, những pho tượng bề thế rải khắp xóm làng làm tăng lòng Từ Bi và Hướng Thiện của người bình dân. Phật giáo đã đưa đến một trung tâm văn hoá làng một thời sôi động. Phật giáo cũng đã mang đến trong tâm hồn người Việt một đời sống tâm linh sâu đậm từ khi du nhập cho đến nay. Trong lịch sử, Phật giáo cũng luôn luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Đến thế kỉ XX, Phật giáo với những nhà sư Tây học đã đóng góp một phần nhỏ trong sự thành công của cách mạng, mở ra một nước Việt Nam độc lập. Chỉ những nhà sư và tín đồ đi theo cách mạng mới có tác động tích cực hơn.

Tóm lại, Phật giáo hoà nhập thành một yếu tố dân tộc nên đã thúc đẩy bánh xe lịch sử tiến lên theo khả năng và vị trí của Phật giáo trong mối quan hệ với các dòng tư tưởng khác ở từng thời điểm lịch sử cụ thể. Phật giáo đã hướng tới cái đẹp, cái thiện, và mang tinh thần yêu nước. Tính chân, thiện, mĩ được thể hiện rõ trong tư tưởng Phật giáo Việt Nam./.


1. Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb KHXH. Hà Nội 1998, tr. 71 - 92.

2. Xem: Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên). Tiến trình lịch sử Việt Nam. Nxb Khoa học Giáo dục. Hà Nội 2000, tr. 97 - 98.

3. Theo: Nguyễn Hồng Dương. Tôn giáo trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở Việt Nam. Đề tài cấp Bộ năm 2003. Tư liệu lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

4. Nguyễn Hồng Dương. Đề tài đã dẫn, tr. 77.

5 . Kết qủa điều tra tại Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam từ năm 1995 – 1997. Tư liệu Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

6. Kết qủa điều tra tại Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam từ năm 1995 – 1997. Tư liệu Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập