Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - D. Dấu chân hoằng hóa của các thiền sư thuộc phái thiền Trúc Lâm ở Bắc Hà (1593-1630) - Phần 2
XII. THIỀN SƯ ĐẠO CHÂN VÀ ĐẠO TÂM VỚI CHÙA ĐẬU:
1. CHÙA ĐẬU (CHÙA THÀNH ĐẠO)
Chùa Đậu hay chùa Pháp Vũ hay chùa Thành Đạo ở làng Đậu, nay thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 23 km về phía Nam.
Từ Hà Nội theo Quốc lộ 1, xuôi về Nam, qua khỏi ga xe lửa Thường Tín (cách Hà Nội 19km), quẹo phải, theo đường đá xanh đi khoảng 2km đến Ủy ban Nhân dân xã Văn Phú, quẹo trái vài trăm thước là đến chùa Đậu.
Chùa Đậu nổi danh trên thế giới về kim thân hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh (Đạo Chân ) và Vũ Khắc Trường( Đạo Tâm ), hai vị viên tịch vào hậu bán thế kỷ 17, nhưng cho đến nay xác thân vẫn còn nguyên vẹn trong tư thế ngồi thiền.
Chùa Đậu nằm giữa cánh đồng rộng, phía trước chùa là một hồ nước rộng (mới đào sau này).
Chùa Đậu hiện nay chỉ còn gác chuông ở trước sân chùa với một bức tường thấp và ngôi chùa cất theo kiểu “nội công ngoại quốc”, không còn cổng tam quan.
Gác chuông hình vuông cạnh 4m, cao hai tầng. Tầng lầu trên gác được nâng cao bằng 12 cột gỗ khá lớn, kiểu hai tầng mái. Gác chuông hiện nay ở bốn góc của tầng dưới xây thêm các bức tường gạch làm giảm bớt vẻ cổ kính của gác chuông xưa.
Trên gác chuông hiện còn một đại hồng chung khá lớn, chuông cao từ miệng tới đỉnh không kể quai là 1m20, chu vi miệng chuôngkhoảng 2m. Trên đại hồng chung có khắc bốn chữ “Pháp Vũ Điện Chung”. Chuông được đúc năm Cảnh Thịnh thứ chín (năm 1801).
Hai bên gác chuông còn một bức tường gạch thấp với hai cổng nhỏ, ở ngoài cuối tường là hai trụ biểu hình vuông cao khoảng 4-5m, bằng với gác chuông.
Hai cổng nhỏ hình vòng cung, ngang khoảng 1m20, cao khoảng 2m, phía trên có mái che với hai tầng mái nhỏ, bức tường gạch nối liền cổng nhỏ với trụ biểu cao khoảng hơn 1m.
Tiền đường là một tòa nhà ngang rộng 7 gian, mỗi gian rộng 4m vuông. Tiền đường có thờ các tượng hộ pháp rất lớn.
Chánh điện là một tòa nhà cất theo kiểu chữ “công”, thờ nhiều tượng Phật, chạm trổ rất mỹ thuật. Đặc biệt nhất là tượng Phật Pháp Vũ.
Tòa nhà hậu Tổ cũng gồm 7 gian rộng. Nhà hậu Tổ có hai khám thờ :
- Khám thờ kim thân thiền sư Vũ Khắc Minh, pháp danh Đạo Chân.
- Khám thờ kim thân thiền sư Vũ Khắc Trường, pháp danh Đạo Tâm hay Minh Tâm.
Chùa Đậu được xây dựng lớn vào triều đại nhà Lý (1010-1224) được trùng tu nhiều lần vào triều đại nhà Hậu Lê, chùa xây theo kiểu “nội công ngoại quốc “, thờ phượng theo phương thức “Tiền Phật hậu Thánh” thuộc hệ thống “Tứ pháp” cổ xưa. Kiến trúc của còn mang nhiều đặc điểm của nghệ thuật kiến trúc và mỹ thuật thế kỷ 17 (do việc trùng tu chùa vào năm 1636-1638).
Ngôi chánh điện lợp ngói mũi hài, các cột đều chạm rồng, bát tiên, tứ linh (long, lân, qui, phụng), các bệ đá chân cột đều chạm hoa sen. Bộ cửa tám cánh chạm tứ linh, tứ qúi (bốn mùa: mai, lan, cúc, trúc), tất cả đều sơn son thếp vàng. Chùa bị đốt cháy trong thời kháng chiến chống Pháp (năm 1947).
Hiện nay, chùa còn một số điêu khắc cổ ở cổng tam quan, gác chuông. Nhà Hộ pháp (chùa Hộ) với sà, chõng, giường, đều chạm trổ tứ linh, chàng trai đánh rồng cưỡi cọp, tiên nữ cỡi rồng bay trên mây… Nét chạm khắc rất sống động và mỹ thuật.
Trước khi chùa bị đốt cháy, chùa còn những cổ vật quý hiếm thời hậu Lê, thế kỷ 16-17, như quạt tê giác, quạt ngà, chén dĩa cổ, áo gấm thất thể… do vua Lê và chúa Trịnh ban cho chùa.
Hai khám thờ của Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường bên cạnh chùa được xây bằng gạch cổ thời nhà Mạc, có hình các con thú, lá cây và hoa cúc. Hiện nay, kim thân hai thiền sư này đã được đặt trong lồng kiếng thờ ở nhà hậu Tổ.
Chùa hiện còn giữ cuốn sách đồng khắc chữ Nho nói về lịch sử bà Man Nương, một khánh đồng đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 35 (năm 1774), đại hồng chung đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801), một số bia đá xưa khắc vào niên hiệu Sùng Khang (1566 - 1577) đời Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Dương Hòa thứ ba (1636) và niên hiệu Thịnh Đức thứ ba (năm 1655) đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 1786) đời vua Lê Hiến Tông.
Năm Ất Mùi, niên hiệu Thịnh Đức thứ ba (năm 1655), vua Lê Thần Tông ban sắc phong là “An Nam đệ nhất danh lam” (chùa nổi danh bậc nhất của nước Nam).
Năm Mậu Dần, niên hiệu Chánh Hòa thứ 19 (1698), Định vương Trịnh Căn đến viếng chùa Pháp Vũ có để lại bài thơ chữ Nôm vịnh cảnh chùa như sau:
Thanh quang mè mẻ chốn đạo quang,
Gấp mấy trần gian mấy thế thường.
Cửa mở tượng đồ, đồ tuệ chiếu,
Vẹn gồm khoa lục, lục kim cương.
Duềnh thu bích hải, duềnh quanh quất,
Sắc ảnh từ vân, sắc rõ ràng.
Thịnh đức càng ngàycàng hiển ứng.
Rành thay rành rạch dấu dâng hương.
(Ngự đề Thiên Hòa bách vịnh)
Năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718), chúa Trịnh Cương đến thăm chùa cũng có đề thơ vịnh.
Năm Cảnh Hưng thứ ba (1742) chúa Trịnh Doanh cùng Thái phi Trương Thị Ngọc Chữ đến viếng chùa, nhân đó cho trùng tu chùa.
2. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THIỀN SƯ ĐẠO CHÂN (VŨ KHẮC MINH) VÀ THIỀN SƯ ĐẠO TÂM (VŨ KHẮC TRƯỜNG) Ở CHÙA ĐẬU
Hai Thiền sư Đạo Chân (Vũ Khắc Minh) và Đạo Tâm (Vũ Khắc Trường) hoằng hóa ở chùa Đậu vào giữa thế kỷ 17, sau khi viên tịch kim thân vẫn còn nguyên vẹn từ đó cho đến nay, kim thân (di hài) vẫn còn trong tư thế ngồi thiền (tọa thiền).
Hai Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tu thiền đạt đến kim thân bất hoại như thế, nhưng từ trước đến nay chúng ta không biết được hành trạng của hai Ngài quả là một thiếu sót lớn cho lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Qua các bia đá xưa và các truyền thuyết ở chùa Đậu, chúng ta có thể tìm lại được chút ít về tiểu sử của hai thiền sư này.
A. THIỀN SƯ ĐẠO CHÂN
(VŨ KHẮC MINH) HAY “TỔ RAU”
Thiền sư Đạo Chân tên tục là Vũ Khắc Minh, được tôn gọi là “Tổ Rau”, sinh ngày 15 tháng 11 âm lịch, khoảng năm Kỷ Mão (1579), quê ở xã Gia Phúc, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hà Tây), là chú của Thiền sư Vũ Khắc Trường (pháp danh là Đạo Tâm hay Minh Tâm).
Vũ Khắc Minh quy y thọ giáo với Hòa thượng Đạo Long vào khoảng năm 1630-1638, vì trong khi trùng tu chùa Đậu vào năm 16361637 cho đến năm Dương Hòa thứ 5 (1639), khi bia trùng tu chùa Pháp Vũ được tiến sĩ Nguyễn Thọ Xuân biên soạn và Thiền sư Vũ Khắc Trường viết bia, Thiền sư Vũ Khắc Minh hiệu Đạo Chân còn là “Sa di”.
Hòa thượng Đạo Long tên tục là Lê Thái Hòa, quê ở xã Thạch Lỗi, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), được vua phong chức Tăng lục, tước Phúc Khê hầu. Hòa thượng Đạo Long ban pháp danh cho Vũ Khắc Minh là Đạo Chân. Thiền sư Đạo Chân trụ trì chùa Pháp Vũ hay chùa Đậu ở quê nhà.
Năm Bính Tý (1636), cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên của chúa Trịnh Tráng cúng dường tiền để trùng tu chùa Pháp Vũ, dựng lại tiền đường và tòa thiêu hương, tu bổ những chỗ hư hỏng, khiếm khuyết. Tháng Hai năm sau (Đinh Sửu 1637), công trình hoàn thành, lễ khánh thành được Hòa thượng Đạo Long chủ tọa.
Kim thân Thiền Sư Đạo Chân (Vũ Khắc Minh) ở Chùa Đậu.
Trong bia đá kể về việc trùng tu chùa Pháp Vũ đó, tiến sĩ Nguyễn Thọ Xuân biên soạn vào năm Dương Hòa thứ năm (1639) như sau:
“Chùa Pháp Vũ khá cổ xưa, được xây dựng từ thời Lý, đã bao đời nay chùa vẫn thường trụ tại Hương Phúc, thuộc hương Thượng Phúc, xã Gia Phúc, huyện Hoàng Phúc, cùng với các chùa Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện đều là những danh lam thắng cảnh. Người người niệm cầu, ngẫm thấy linh thiêng, ứng nghiệm, nhưng vì trải qua mưa sa gió bụi của thời gian nên tiêu điều hoang vắng.
Nay có cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên, vốn thuộc dòng hoàng tộc ở đất Châu Hoan, là giống con giồng miền Thạch Ấp kế nối giống dòng mỹ nữ cung tần ở chốn cung cấm, mến chuộng tấm lòng thiện bảo của Nguyên phi Ỷ lan, theo dấu nghiệp của bậc đại thánh rộng lòng từ thiện ra tay bố thí.
Tháng 10 năm Bính Tý (1636), xuất kho nội phủ và tiền riêng tư cho thợ mộc khởi công xây dựng hai tòa thiêu hương và tiền đường, cùng tu bổ cho hoàn hảo những chỗ hư hỏng khiếm khuyết. Tháng Hai năm sau, mọi việc chu toàn, lúc này chùa có quy mô rộng lớn, xà ngang chạm trổ, trên nóc tô vẽ, mặt trời sáng tỏ, mây tía rõ ràng, thật là một ngôi chùa lớn với bề thế vượt xa thời trước. Chọn ngày lành, mời Quốc sư Hòa thượng tự là Đạo Long mở lễ khánh thành, mừng việc lớn hoàn thành, công đức mãn toại, nêu cao Đức Phật giác ngộ nhân tâm. Du khách đến chùa đều hết lòng tôn kính, ngưỡng mộ. Những bậc trí giả qúi kính trên cõi đời này đến viếng cảnh chùa đều đốt hương chúc thọ thánh quốc, tán tụng công đức của Hội chủ mênh mông như sông hồ mây nước, ân trạch bao la như mưa móc nhuận tước, sẽ được chư Phật mười phương độ trì, chứng minh, ban phước lành cho tông tộc cành vàng lá ngọc lưu truyền muôn đời, cả những chúng sinhở đất Hương Phúc được tốt tươi muôn đời, thọ hưởng mùa xuân lâu dài, đẹp thay! Xin được khắc đá dựng bia lưu truyền mãi mãi...”.
Ghi những người cung tiến thập phương tùy duyên hội chủ.
- Đôn hậu dực vận tán tự công thần, Đặc tiến Kim Tử Vinh lộc Đại phu Tăng Lục Ty kiêm Tri Nội Ngoại danh lam các tự Quốc sư Chánh Đại Hòa thượng Phúc Khê hầu, Trụ Quốc Lê Thái Hòa tự là Đạo Long Tổ sư, người xã Thạch Lỗi, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa).
Trụ trì bản chùa Sa di Vũ Khắc Minh tự Đạo Chân, người xã Gia Phúc, huyện Thượng Phúc.
Tín vải Tạ Thị Huệ hiệu Diệu Trí.
Thượng lâm viện Tiến công lang Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại phu Thọ Nghĩa Tử, Tăng Lục Ty Tăng Thống Nguyễn Văn Hùng, nay đổi là Lê Phú Đa, tự Huệ Trung, hiệu Viên Hạo, người xã Gia Phúc, huyện Thượng Phúc...
Cuối bia ghi:
-Tiến sĩ Cập đệ khao Tân Mùi (năm 1631), Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại phu Lễ khoa Đô Cấp sự trung Phúc Xuyên tử Nguyễn Thọ Xuân soạn văn bia:
-Trụ trì bản chùa tăng Vũ Khắc Trường tự Đạo Tâm người xã Gia Phúc viết chữ.
THIỀN SƯ ĐẠO CHÂN HAY TỔ RAU VIÊN TỊCH
Theo truyền thuyết ở chùa Pháp Vũ kể lại:
Hai Thiền sư Đạo Chân và Đạo Tâm, dân địa phương không biết pháp danh mà chỉ biết là sư Vũ Khắc Minh và sư Vũ Khắc Trường, ngày xưa tịch cốc (không ăn cơm), chỉ ăn rau và trái cây, nên dân thời đó tôn gọi là “Tổ Rau”.
Khi Thiền sư Đạo Chân sắp viên tịch, bảo người trong chùa rằng: “Tôi sắp về quê xưa, chưa biết chắc là tôi tu đã chứng đắc hay chưa, vì vậy, khi vào thất, tôi sẽ tụng kinh liên tục cho đến khi tịch. Khi nào nghe tiếng gõ mõ của tôi rời rạc và bảy tám tiếng đồng hồ không còn tiếng mõ của tôi nữa là tôi đã đi. Nếu trong vòng ngày đó cho đến hôm sau mà có mùi hương thơm thoảng là tôi đã chứng đắc, dân làng cứ để yên, khỏi phải chôn cất gì cả. Còn như nếu lúc đó mà có mùi hôi là tôi chưa chứng, bà con chôn cất hộ giùm tôi”.
Thiền sư Đạo Chân vào thất, tụng kinh gõ chuông mõ đều đều suốt mấy ngày, sau đó tiếng mõ rời rạc dần, đến khi bốn năm giờ mà không nghe tiếng mõ, dân làng biết là sư đã tịch. Dân làng để yên theo lời dặn, đến hôm sau, có mùi hương thoang thoảng lan ra từ thất, bá tánh biết là sư đã chứng đắc nên cứ để yên di hài mà thờ. Điều này chứng minh cho thấy điều dạy trong kinh: Nếu tu chứng đắc thì thân xác không hư hoại, thân xác vững bền như kim cương nên gọi là “kim thân”.
Kim thân của Tổ Rau được đồ chúng ở chùa Đậu thờ trong 1 cái khánh ở phía trước chùa. Kim thân này còn lại cho đến hiện nay.
Năm 1930, nhà khảo cổ Pháp ở Việt Nam có đến nghiên cứu và chụp hình kim thân của Thiền sư Vũ Khắc Minh (pháp danh Đạo Chân) và Thiền sư Vũ Khắc Trường (pháp danh Đạo Tâm hay Minh Tâm) in trong sách “Các đền chùa, nhà văn hóa ở tỉnh Bắc Ninh” (Pagode, Temples, Maisons de Culte de Hà Đông).
Tháng 5 năm 1983, Viện Khảo cổ Việt Nam phối hợp với Sở Thông tin-Văn hóa Hà Sơn Bình, với sự giúp đỡ của khoa Quang tuyến X Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nghiên cứu về hai di hài của hai Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường công bố trong sách “Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1983”, trang 235, có viết về “kim thân của hai Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường”như sau:
“Về thi hài hai nhà sư được bảo quản dưới hình thức tượng ở Chùa Đậu (Hà Sơn Bình).
(…)
- Pho tượng thứ nhất, theo lời truyền là thi hài của nhà sư Vũ Khắc Minh. Pho tượng này ngồi theo tư thế mình gập hẳn, đầu hơi cuối về phía trước. Chiều cao ngồi 57cm và nặng toàn bộ 7 kg. Nét mặt sinh động, hai tay đặt trước bụng, tay trái phía ngoài, tay phải phía trong. Lòng bàn tay trái ngửa lên phía trên, lòng bàn tay phải hướng về phía bụng. Chân xếp bằng tròn theo tư thế ngồi thiền (…).
(…)
Với sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ Đặng Văn Ấn, Chủ nhiệm khoa X quang Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Nguyễn Trọng Đức,Đào Đình Luận…, chúng tôi (Nguyễn Lân Cường và Trịnh Cao Tưởng) có được 7 phim X quang về nhà sư Vũ Khắc Minh. Tất cả xương, đặc biệt tám xương cổ tay và bảy xương cổ chân khớp với nhau rất đúng vị trí giải phẫu. Các đốt bàn tay và bàn chân bình thường, nguyên vẹn (…). Như vậy, khung xương khi được đắp thành tượng là nguyên vẹn chứ không phải được sắp xếp lại sau khi nhà sư đã chết …”.
Kim thân Thiền Sư Đạo Tâm (Vũ Khắc Trường) ở Chùa Đậu.
Tổ Rau hay Thiền sư Đạo Chân Vũ Khắc Minh ngồi thiền khi viên tịch, có thể là đã đắc pháp nên xác thân không bị hư hoại, “kim thân” của Tổ vẫn còn nguyên vẹn hơn 300 năm sau khi chết, quả thực là “kim thân bất hoại “!
- Pho tượng thứ hai (theo lời truyền là thi hài của nhà sư Vũ Khắc Trường). Tượng được quét sơn trắng, môi tô son, lông mày và mắt được kẻ vẽ. Chân xếp bằng tròn, nhưng ngồi thẳng và theo lời đồn đại thì trước kia, trong một trận lụt lớn tượng bị hỏng nên đã được đắp lại. Qua vết vỡ ở đầu gối bên trái, chúng tôi thấy lộ rõ đầu xương ở đùi vàđầu xương chằng. Độ cản quang của chất đắp ở pho tượng này khá lớn, nên chưa cho phép chúng tôi nghiên cứu thi hài này bằng phương pháp X quang (…)
B. THIỀN SƯ ĐẠO TÂM - MINH TÂM (TỔ RAU - VŨ KHẮC TRƯỜNG)
Thiền sư Đạo Tâm hiệu Minh Tâm cũng được tôn gọi là Tổ Rau, tên tục là Vũ Khắc Trường, là cháu của Thiền sư Đạo Chân (Vũ Khắc Minh), sinhngày 15 tháng 8 âm lịch, chưa rõ năm (sinhkhoảng năm 1580-1590), quê ở xã Gia Phúc, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hà Tây).
Vũ Khắc Trường và chú là Vũ Khắc Minh cùng quy y với Hòa thượng Đạo Long. Hòa thượng Đạo Long quê ở xã Thạch Lỗi, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), tên tục là Lê Thái Hòa, thuộc họ hàng của vua Lê, được phong chức Tăng lục, tước Phúc Khê hầu. Hòa thượng Đạo Long ban pháp danh cho Vũ Khắc Trường là Đạo Tâm.
Thiền sư Đạo Tâm cùng chú là Thiền sư Đạo Chân cùng trụ trì chùa Pháp Vũ (chùa Đậu) ở quê nhà.
Năm Bính Tý (1636), cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên của chúa Trịnh Tráng cúng dường tiền của để trùng tu chùa Pháp Vũ, cho dựng lại nhà thiêu hương và tiền đường, cùng tu bổ những chỗ hư hỏng, khiếm khuyết. Công trình trùng tu thực hiện từ tháng 10 năm Bính Tý đến tháng 2 năm Đinh Sửu (1637) hoàn thành. Lễ khánh thành được Hòa thượng Đạo Long, Tăng lục Ty Tăng thống khai lễ.
Năm Dương Hòa thứ 5 (1639), tiến sĩ Nguyễn Thọ Xuân biên soạn bia trùng tu chùa Pháp Vũ kể lại công trình tu sửa chùa trên, thiền sư Đạo Tâm viết chữ để khắc vào bia, như vậy tấm bia này là bút tích của chính Thiền sư Đạo Tâm.
Sau đó, Thiền sư Đạo Tâm được vua cử làm Tăng lục Ty Tăng thống, lúc đó Thiền sư Đạo Tâm còn có hiệu là Minh Tâm.
Thiền sư Đạo Tâm cùng tu pháp môn với Thiền sư Đạo Chân, cũng tịch cốc (không ăn cơm), chỉ ăn rau quả và trái cây nên đượïc dân thời đó tôn gọi là Tổ Rau.
Lúc sắp viên tịch, Thiền sư Đạo Tâm cũng vào thất tụng kinh, dặn là khi không còn nghe tiếng mõ nữa là sư đã tịch, người trong chùa chờ ngày hôm sau sẽ vào thất, nếu có mùi hương thì là sư đã chứng đắc, cứ để nguyên, nếu có mùi hôi thì đem chôn.
Thiền sư Đạo Tâm vào thất tụng kinh, khi viên tịch còn nguyên trong tư thế thiền, mùi hương thoảng ra trong thất, đồ chúng cũng làm khánh thờ kim thân của sư ở phía trước chùa.
Xác thân của một người tu thiền đạt đạo sẽ không bị hủy hoại hư thối, mà cứng chắc bền vững như kim cương, nên trong kinh gọi là “kim thân”, kim thân thì không bị hư hoại nữa.
Kim thân của Thiền sư Đạo Tâm và Đạo Chân vẫn còn tồn tại trong nhiều thế kỷ, chứng tỏ hai vị đã đắc thành đạo quả.
Trong thời gian hai kim thân này khô cứng, người dân địa phương về sau này không còn biết đó là hai xác của hai vị Tổ mà tưởng là hai tượng gỗ.
Mãi đến năm Ất Mão (có thể là năm 1915), một cơn lụt lớn xảy ra ở lưu vực sông Hồng, chùa Pháp Vũ cũng bị ngập lụt, nước ngập cả khánh thờ hai vị Thiền sư Đạo Chân và Đạo Tâm ở trước chùa, lớp da ở đầu gối của Tổ Đạo Tâm bị vỡ ra (có thuyết nói rằng chuột khoét vỡ lớp da thịt ở đầu gối), lòi xương ở trong ra, lúc đó người dân địa phương mới biết là xác thân thiệt của vị Tổ chứ không phải là tượng gỗ.
Sau đó dân địa phương tô một lớp men lên cả kim thân của Tổ Đạo Tâm màu trắng để bảo vệ di hài, vì vậy nhìn càng giống một pho tượng gỗ. Lớp men này chụp hình X quang không xuyên qua được.
Thiền sư Đạo Tâm và Đạo Chân viên tịch trong lúc ngồi thiền, xác thân vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 300 năm, chứng minh thực tế cho lời dạy trong kinh Phật: Người tu hành chứng đạt “kim thân bất hoại”. Đó là tấm gương cho người tu hiện nay.
XIII . THIỀN SƯ VIÊN QUANG VỚI CHÙA HƯƠNG
1. THIỀN SƯ VIÊN QUANG:
Thiền sư Viên Quang trụ trì chùa Hương vào thời vua Lê Hy Tông (1676- 1705).
Chùa Hương hay chùa Hương Tích ở núi Hương Tích, xã Hương Sơn, huyện Hoài An, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hà Tây) được lập từ thời nhà Trần (1225-1400).
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đến viếng chùa, thấy chùa có phong cảnh đẹp, động Hương Tích nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh là đẹp nhất nước Đại Việt, nên tặng cho chùa danh hiệu “Nam Thiên đệ nhất động” (Động đẹp nhất của trời Nam).
Đến thời Lê Trung Hưng, chùa lại được trùng tu. Chùa Hương gồm có chùa Thiên Trù (hay chùa Ngoài), chùa Giải Oan và chùa Hương Tích (hay chùa Trong) ở ngay động Hương Tích.
Thời vua Lê Hy Tông, Thiền sư Viên Quang hoằng hóa ở chùa Hương, được vua phong chức Tăng lục, trong coi viện Thượng lâm. Thiền sư Viên Quang hưng công trùng tu chùa, khiến cho cảnh chùa càng thêm trang nghiêm mỹ lệ, xây tháp đá. Công trình hoàn thành vào năm Chính Hòa 7 (1686), được sự hộ giúp của vương phi Trịnh Thị Ngọc Long, Hán Quận công Thân Công Đẩu…
Năm Canh Dần (1780), chúa Trịnh Sâm viếng chùa Hương có thơ vịnh cảnh được dịch tạm như sau:
Trời Nam núi biếc dựng bình phong, Động tạc sườn non thật lạ thường. Dấu tích mống vàng thầm in vết, Cành cây lát ngọc tuyết ngưng thành. Gió đưa tiếng sáo ngàn thông reo, Tuyết phủ bên sông điểm ánh trăng. Một điểm ẩn tàng muôn thế giới, Lên đỉnh núi cao, thơ được họa.
( Phỏng theo Nguyễn Văn Nguyên )
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804) viếng chùa có bài thơ “Du Hương Tích tự” (Viếng chùa Hương Tích).
Hương Tích Trần triều tự (Chùa Hương lập thời Trần
Hồng Sơn đệ nhất phong Đỉnh cao nhất Hồng Lĩnh
Di am không bạch thạch Am xưa không đá trắng
Cố chỉ đản thanh tùng Nền củ phủ thông xanh ).
2 . CHÙA HƯƠNG
Chùa Hương trên núi Hương Sơn, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, ở phía Tây nam tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội gần 60km.
a) Đường về Chùa Hương:
Từ Hà Nội theo Quốc lộ 6 (Hà Nội-Hòa Bình), qua khỏi thị xã Hà Đông, đến cây số 14, quẹo trái để qua đường tỉnh 426, đi 26km đến thị trấn Vân Đình. Qua khỏi Vân Đình, xe chạy theo bờ đê sông Đáy để qua Tế Tiêu (9km), đến Tế Tiêu quẹo trái, theo đường đất đỏ, chạy khoảng 13km nữa là đến bến đò suối Yến.
Nếu đi xe đò thì đi xe Hà Nội-Bến Đục: Xe cũng chạy qua Hà Đông, Vân Đình, Bến Đục, đi bộ khoảng nửa cây số đến bến đò suối Yến.
Từ bến đò suối Yến mướn đò máy hay thuyền chèo để vào chùa Hương.
Thuyền chèo dọc theo suối Yến, dòng suối xanh, nước chảy hiền hòa, trong veo. Dưới đáy sông là lớp cỏ dài xanh tươi, hai bên bờ suối Yến là các hòn núi nhỏ với nhiều hình dáng đẹp.
Thuyền lần lượt qua các nơi sau:
- Đền Trình ở chân núi Ngũ Nhạc. Ngày xưa đền trình lớn, trước sân có các tượng voi đá, tượng người và cột đèn lồng bằng đá. Đền bị chiến tranh tàn phá (1947-1950), hiện chỉ còn là một căn nhà ba gian.
- Núi Sư Vãi, có hình dáng hơi giống một vị sư và một ni cô.
- Chùa Long Vân ở phía xa, trên dãy núi ở bên trái thuyền.
- Cầu Hội là cầu bắc ngang suối Yến, cầu cao hơn mặt nước khoảng 3m, sơn màu đỏ, nổi bật trên mặt nước xanh.
-Mâm xôi gà là núi có hình dáng một con gà đặt trên một mâm xôi.
-Voi phục là núi có hình dáng con voi quỳ phục về hướng chùa Hương. Dọc hai bên bờ suối Yến là 99 ngọn núi xanh tươi với nhiều hình dáng đẹp, cảnh thật thanh tịnh, nên thơ.
Thuyền đi trên suối Yến gần một giờ rưỡi thì đến bến Trò. Khách hành hương lên bộ đi hơn nửa cây số dưới các hàng cây xanh tươi mát là đến chùa Thiên Trù.
b) Chùa Thiên Trù (bếp trời) hay Chùa Ngoài:
Ngày xưa, chùa Thiên Trù rộng lớn, phải qua ba lớp cổng và ba sân rộng mới đến chùa. Phía ngoài cùng là cổng tam quan hai tầng, hai tầng mái cong, hai bên là hai vách tường dài, xây chắc chắn và mỹ thuật.
Trước chánh điện chùa là lầu chuông và lầu trống. Chánh điện thờ rất nhiều tượng Phật: Tượng Phật Di Đà bằng mây, ngoài phủ lớp vải bồi, sơn thếp rất đẹp, tượng và tòa sen cao hơn 4m. Hai bên là tượng Bồ tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí cao hơn 3m.
Phía sau chánh điện là điện Thánh mẫu, gác tàng thơ, nhà Tổ, nhà chư Tăng, nhà khách…
Tất cả các công trình này đều bị tàn phá trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chỉ còn lại khu tháp cổ của chư Tổ ở chùa gồm nhiều tháp xưa, xây đơn giản nhưng mang nét cổ kính và mỹ thuật.
Khu tháp cổ của chư Tổ chùa Thiên Trù hiện nay còn 7 tháp lớn, trong đó tháp ở giữa lớn nhất là “Viên Công bảo tháp”, tức là bảo tháp của Thiền sư Viên Quang.
Thiền sư Viên Quang được vua sắc phong Hòa thượng Ty Tăng lục và được tôn xưng là Viên Giác Tôn giả.
Theo một tấm bia đá được khắc năm Chánh Hòa thứ bảy (1686) đời vua Lê Hy Tông có cho biết: Thiền sư Viên Quang có trong công trình trùng tu chùa Thiên Trù và sửa sang động Hương Tích trở thànhdanh lam thắng cảnh của Đại Việt.
Bia cũng cho biết hai vương phi của chúa Trịnh Căn (1682-1709) là hai chị em Mai Thị Cự và Mai Thị Nhiên (sau được chúa cho đổi lạihọ Đào) đã cúng dường tiền của để trùng tu chùa Hương.
Sau đó, chúa Trịnh Sâm (1767-1782) và các vương phi đến viếng chùa Hương, chúa cho khắc chữ: “Nam thiên đệ nhất động” ở động Hương Tích và khắc chữ: “Sơn thủy hữu tình” ở hang Bà. Chúa và các vương phi cúng dường trùng tu chùa Hương, tô đúc tượng Phật, pháp khí trong chùa vào năm Cảnh Hưng thứ hai mươi tám (1767). Công trình trùng tu này thực hiện đến ba năm mới xong.
Các tượng Phật, Bồ tát, La hán… ở động Hương Tích vào thời xưa đều được đúc bằng đồng. Nhưng các tượng và pháp khí bằng đồng của chùa Hương bị Nguyễn Hữu Chỉnh và quân Tây Sơn tịch thu để đúc tiền vào khoảng năm 1786-1789 khi Tây Sơn đánh chiếm Bắc Hà.
Sau khi vua Cảnh Thịnh lên ngôi (1793-1801), lệnh trên được bãi bỏ, các chùa đình, đền miếu dần dần cho đúc tượng Phật và pháp khí trở lại. Trong năm Cảnh Thịnh đầu tiên (1793), Nhựt Quang hầu đã cúng dường chùa Hương đại hồng chung, Phật tử đóng góp tiền của vàcông đức để trùng tu chùa và cho tạc lại tượng Bồ tát Quan Thế Âm, các tượng Phật và hộ pháp bằng đá hoặc làm bằng vải bồi lên khung mây, sơn phết tô điểm mỹ thuật.
Bài minh khắc trên đại hồng chung này cho biết: Ngày xưa ở chùa Hương có trống đồng. Thiền sư Hải Viên ở chùa Tào Khê thuộc làng Yến Vĩ, tên tục là Phạm Trần Doãn, có công trong việc trùng tu chùa và đúc đại hồng chung này.
c) Động Hương Tích (Chùa Trong):
Sau khi lễ bái ở chùa Thiên Trù xong, khách hành hương nghỉ ngơi dưỡng sức và ăn uống cho no để chuẩn bị leo núi Hương Sơn đến động Hương Tích hay chùa Trong.
Núi Hương Sơn phong cảnh rất đẹp, đường lên động Hương Tích ít có dốc cao, các bậc đá lót theo đường lên núi được lót thấp và cẩn thận nên dễ đi, mọi người đều có thể lên đến Hương Tích không khó khăn gì. Từ chùa Ngoài lên đến chùa Trong chỉ mất khoảng hơn một tiếng đồng hồ leo núi.
Từ chùa Ngoài leo núi khoảng 15 phút, có một ngã rẽ để vào động Tiên và chùa Tiên. Ngay cửa động Tiên, trên vách đá có bài thơ chữ Nôm được khắc từ thời Lê Trung Hưng. Trong động, các thạch nhũ buông rũ xuống thành nhiều tảng đá có hình dáng kỳ lạ và thú vị. Trong số các thạch nhũ đó, gõ vào, một số đá có tiếng kêu như chuông khánh.
Chùa Tiên mới được Hội “Tiên Sơn Tập Phúc Hội” xây dựng lại vào đầu thế kỷ 20 (năm 1903).
Từ chùa Tiên trở ra đường chánh để tiếp tục lên động Hương Tích, đi lên một quãng, có dốc khá cao là đến chùa Giải Oan, trên cửa có đề chữ Nho “Giải Oan khê tự” (chùa Suối Giải Oan). Ở chùa này có một ao nước trong vắt, được gọi là “Thiên nhiên thanh Trì” (Ao trong thiên nhiên).
Trước chùa Giải Oan có suối Long Tuyền, dòng suối do chín nguồn đổ về, như chín con rồng đổ nước về con suối này. Tương truyền rằng: Ngày xưa, Công chúa Ba (Công chúa Diệu Thiện) tắm ở suối này để tẩy sạch bụi trần, sau này tu hành đắc quả thành Bồ tát Quán Thế Âm ở động Hương Tích, được gọi là “Phật Bà chùa Hương”. Vì vậy, suối Long Tuyền hay suối Chín nguồn còn được gọi là suối Giải Oan.
Từ sự tích này, khách hành hương tin rằng: Nước mắt của dòng suối Giải Oan có thể rửa sạch được tất cả những nghiệp chướng oan nghiệp tiền khiên để lo sám hối tu hành chân chánh chí thành hầu được giải thoát khỏi kiếp người khốn khổ, đầy phiền não và vô thường này.
Gần chùa Giải Oan có động Tuyết Quynh (Tuyết Xinh) và am Phật Tích. Gọi là am Phật Tích vì ở đây có một tảng đá, trên đó có dấu chân nhỏ, tương truyền đó là dấu chân của Bồ tát Quán Thế Âm (Công chúa Ba) ngày xưa.
Từ chùa Giải Oan đi lên một quãng nữa là đến cửa Võng và đền Trấn Song. Gọi là cửa Võng vì ngày xưa ở đây có nhiều dây rừng đan chằng chịt như chiếc võng.
Đền Trấn Song thờ Bà chúa Thượng Ngàn (Bà chúa Rừng). Cảnh cửa Võng nên thơ được thi sĩ Chu Mạnh Trinh tả qua hai câu thơ:
Bầu trời bát ngát xa trông,
Võng trời rũ xuống mấy vòng thướt tha.
Từ cửa Võng tiếp tục leo núi khoảng hơn mươi, mười lăm phút nữa là đến động Hương Tích. Từ chùa Thiên Trù lên đến động Hương Tích, khách hành hương đi giữa những cây cối xanh tươi, những cây bông sứ già, những rừng mơ xinh đẹp. Những hoa sứ, hoa mơ trắng, đỏ trên cành hay rơi rụng trên mặt đất như trải hoa gấm trên lối đi.
Cửa vào động Hương Tích là một cổng đá cổ kính được xây dựng lại vào năm Giáp Dần (1914), hai bên cổng có cặp câu đối:
-Nhất lộ Hương Sơn thùy vạn thế
-Tam quan cổ động vĩnh thiên xuân.
Tạm dịch:
- Một lộ Hương Sơn dài muôn thế,
-Tam quan động cổ lưu ngàn năm.
Qua khỏi cổng là một hang núi rất đẹp, một cảnh đẹp không thể tả lại được bằng văn tự, ngôn ngữ. Chỉ những khách hành hương đến tận nơi mới cảm nhận được cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ của động Hương Tích.
Từ cổng đi xuống một trăm hai mươi bậc đá được xây vững chắc thành các bậc thềm là vào động Hương Tích. Đứng ở giữa các bậc thềm này là giữa hang núi: phía trên cao là vòm trời xanh xung quanh là vách núi hùng vĩ với những cây cổ thụ cành lá xanh tươi, nhìn xuống phía dưới thấp là cửa động nhỏ mờ ảo, khung cảnh thật thanh tịnh. Những phiền não, những vọng tưởng ở trần thế như lắng đọng khi đứng giữa động Hương Tích xinh đẹp, nên thơ huyền ảo này. Vào những đêm trăng sáng, cảnh động Hương Tích còn đẹp biết bao.
Cửa động Hương Tích gồm các nhũ đá xinh đẹp với nhiều hình dáng lạ.
Động Hương Tích nằm trên đỉnh núi cao thứ nhì của dãy núi Hương Sơn. Đỉnh núi cao nhất là núi Bà Lồ, trên đó xưa cũng có ngôi chùa cổ nhưng đã bị đổ nát từ lâu.
Ngay cửa động Hương Tích, phía trên vách núi có hàng chữ Nho “Nam thiên đệ nhất động” (Động thứ nhất của trời Nam), hàng chữ đó là do chúa Trịnh Sâm viết để khắc vào đá tháng ba năm Canh Dần (1770), vì ở cạnh đó có khắc “Đại Nguyên soái, Tổng Quốc chính, Thượng sư Tịnh Vương đặt bút”.
Chúa Trịnh Sâm có bài thơ “Viếng Động Hương Tích” như sau:
Trời vừa hé sáng, bước lên thuyền,
Khoan mái chèo lan, ghé bến tiên.
Phong nguyệt thờ ơ bầu ngọc đúc,
Giang sơn bỡ ngỡ bức tranh in.
Kìa kìa qui phượng ngóng kinh bối,
Họ nọ lân long lắng giáo thiền.
Cảnh lạ thú màu không kể xiết,
Thanh kỳ đệ nhất chốn Nam Thiên.
Theo lời truyền: Động Hương Tích là miệng con rồng, đuôi rồngở tận Ái nàng, hang Nước.
Ở giữa cổng và cửa vào động có hòn thạch nhũ gọi là “Đụn Gạo”. Ngày xưa, trước Đụn Gạo có hai cây cầu gỗ có mái lợp theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) gọi là cầu Sen, để tiện cho việc lễ bái của các nhà sư ở chùa và khách hành hương, cũng như làm nơi nghỉ ngơi của khách.
Lâu năm cầu hư, năm 1872, Thiền sư Thông Lâm phổ khuyến tiền của và công sức của thiện nam tín nữ bổn đạo, tu sửa lại những chỗ hư mục. Hai chiếc cầu lại xinh đẹp và tiện lợi cho khách hành hương.
Đến khoảng năm 1938-1939, cầu Sen lại hư mục vì mưa gió và thời gian, nhờ có phương tiện và vật chất tiên tiến, nhà chùa đã cho lấp lỗ hõm bằng gạch đá và xi măng, bỏ hẳn cầu gỗ, đồng thời xây lại các bậc thềm từ cổng vào cửa động xuống đến cửa hang với 120 bậc thềm. Các bậc thềm mới này được xây bằng đá xanh và xi măng nên chắc chắn và bền bỉ, tiện lợi cho đi lại, nhưng lại mất bớt một phần vẻ đẹp của thiên nhiên nơi động Hương Tích.
Bên trong động Hương Tích là một hang khá rộng và sâu nhưng thiếu ánh sáng nên tối om.
Ngay gần cửa hang là điện thờ Phật. Điện thờ và tượng Phật cùng các pháp khí bằng đồng ngày xưa ở chùa đã bị quân Tây Sơn tịch thu để đúc tiền. Trong đó có tượng Bồ tát Quán Thế Âm (Phật Bà chùa Hương) bằng đồng, được đúc vào năm Cảnh Hưng 28 (1767) thời chúa Trịnh Sâm.
Ngày nay, điện thờ Phật ở động Hương Tích rất đơn sơ, lung linh dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu, chỉ thấy các tượng thờ như sau:
Phía trên cùng là các tượng Phật, tầng thứ nhì là tượng Phật Chuẩn Đề bằng gỗ sơn màu cánh kiến (vàng ửng hồng). Tầng thứ ba phía ngoài cùng là tượng Bồ tát Quán Thế Âm, tượng Công chúa Ba và tượng Ngọc nữ.
-Tượng Công chúa Ba hay Công chúa Diệu Thiện rất đẹp và mỹ thuật. Tượng Công chúa đứng, đầu đội mão vàng, mặt trái soan, mang vẻ đẹp đoan trang, thùy mỵ. Áo dài tay rộng kiểu xưa thướt tha quí phái màu trắng hồng, phủ áo dài màu hồng phía trong.
-Tượng Phật Bà chùa Hương hay tượng Bồ tát Quán Thế Âm ngự trên ngai, gương mặt đẹp phúc hậu, áo dài xưa tay rộng, màu cánh kiến.
-Tượng Ngọc nữ đứng dâng đào tiên bằng cây sơn màu cánh kiến, nhỏ và thấp hơn tượng Công chúa Ba.
Bên trong động có nhiều nhũ đá, có nhũ đá từ trên rũ xuống, có nhũ đá từ dưới nhô lên với nhiều hình dáng khác nhau: núi Cô, núi Cậu, Vú Mẹ, Cây Vàng, Cây Bạc …
Ngày xưa khách hành hương tin tưởng rằng: vào chùa Hương Tích, đến các núi này cầu nguyện là được.
-Muốn có con trai thì đến “núi Cậu” (nhũ đá hình giống bé trai) đi nhiễu quanh núi Cậu xong, đến dùng tay vuốt vào “Cậu”và nguyện rằng “Mời Cậu”.
-Muốn cầu có con gái thì đến “núi Cô” (nhũ đá hình giống bé gái) bên cạnh núi Cậu, cũng đi nhiễu quanh, rồi dùng tay vuốt vào Cô và nguyện “Mời Cô”.
- Muốn có tài lộc thì đến “Cây Vàng”và “Cây Bạc”. Cây Vàng có hình dáng một cây đứng, trên đó có những mãnh đá tròn tròn như đồng xu, óng ánh màu vàng. Cây Bạc cũng có hình dáng giống như thế nhưng mãnh đá tròn nhỏ óng ánh màu bạc. Cũng đi nhiễu quanh ở “Cây Vàng” hoặc “Cây Bạc” rồi lấy tay cầm vào các đồng tiền vàng hay bạc đó là nguyện Phật Bà cho tài lộc.
-Muốn được ấm no, đi nhiễu quanh “Đụn Gạo”, đến vuốt nhẹ vào đụn gạo và cầu nguyện Phật Bà cho được ấm no hạnh phúc…
Tất cả cảnh đẹp của chùa Hương được thi sĩ Chu Mạnh Trinh thu gọn trong bài thơ: “Hương Sơn Phong Cảnh “ (Phong cảnh Chùa Hương) như sau:
Bầu trời cảnh Bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
“Đệ nhất động” hỏi rằng đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình tỉnh mộng,
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh,
Nhác trông lên ai khéo vẽ hình,
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây,
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt.
Lần tràng hạt niệm “Nam mô Phật”,
Cửa từ bi công đức biết bao.
Càng trông phong cảnh càng yêu…”
Thi sĩ Xuân Diệu, một nhà thơ nổi danh hiện đại ca ngợi cảnh đẹp chùa Hương qua bài thơ “Thăm cảnh Hương Sơn” như sau:
Muôn lần cảm tạ mẹ giang sơn,
Đặt núi Lam trên đất nước Ròn.
Tạc đá muôn hình trong cửa động,
Cho ta kiều diễm đến Hương Sơn.
Trong làn nước nhẹ mọc rong xanh,
Như gấm mơ hồ dưới thủy tinh.
Chèo khỏe, chèo lên, chèo lại khỏe,
Thuyền đi trên vạn sắc màu xanh.
Núi con Voi phục, núi Mâm Xôi,
Núi ở xa xa, núi cạnh người.
Tầng dặm du dương non dối nước,
Cãm như dàn nhạc hát không thôi.
Nước dẫn ta đi với sắc trời,
Đến bờ vừa đỗ chiếc thuyền thoi.
Cỏ cây yên tĩnh và trong sạch,
Đã đợi ngàn năm bạn với người.
Đường đi uốn éo nhịp quanh co,
Hoa nắng qua cành điểm nhặt thưa,
Bậc đá rêu in chen cỏ biếc,
Hàng cây đại cổ tỏa hương chùa.
Núi bắt đầu rau mấy vạn niên,
Mà màu biếc thẳm đẹp thiên nhiên,
Thiên Trù một khoảng êm phơi phới,
Núi ngắm nhau xanh một sắc liền.
Rẽ núi ta đi vào cửa động,
Ngoảnh sau nhìn lại dáng chùa Tiên,
Qua suối Giải Oan, am Phật Tích,
Chân ta quen thuộc với đường lâu.
Duy mãi chưa quen với tuyết mai,
Hoa mai như tuyết nhẹ như hơi,
Rừng mơ Hương Tích ba lần gặp,
Từ tuổi thanh niên đến giữa đời.
d) Trẩy hội Chùa Hương
Vào mùa Xuân, từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, dân chúng miền Bắc, cùng một số Phật tử miền Trung và miền Nam rủ nhau đi “trẩy hội chùa Hương” rất đông.
Ngày hội chùa Hương chánh thức là ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm, tức ngày 19 tháng Hai âm lịch hằng năm. Nhưng khách hành hương “trẩy hội chùa Hương” đi từ ngày 18 tháng Hai vì chiều 18 tháng Hai bắt đầu “cúng Tiên”, trưa hôm sau mới là ngày lễ chánh thức.
Ngày hội của các chùa khác như “Hội chùa Dâu”, “Hội chùa Thầy”, “Hội chùa Láng”, “Hội chùa Lim”…, nhưng riêng ở chùa Hương lại được gọi là “trẩy hội chùa Hương”.
Hai chữ “Trẩy Hội” được diễn tả cảnh đông đảo của khách hành hương dự hội. Ngoài ra người “trẩy hội” còn có niềm tin là khi “trẩy hội chùa Hương” sẽ nhờ ân đức và sự hộ trì của Bồ tát Quán Thế Âm ở chùa Hương hay Phật Bà chùa Hương mà tẩy sạch được những oan khiên nghiệp chướng từ xưa, tẩy sạch được tội lỗi nơi trần thế, để lo thành tâm sám hối, sửa chửa tu hành hầu thoát khỏi cảnh khổ não của cuộc đời.
Từ Hà Nội, xe chạy qua thị xã Hà Đông náo nhiệt, thị trấn Vân Đình trù phú, vượt qua cầu bắc ngang sông Đáy, đến Tế Tiêu, quẹo trái, theo đường đất đỏ chạy giữa cánh đồng ruộng lúa hoặc vườn vải xanh tươi, đến Bến Đục, bến đò suối Yến (cách Hà Nội khoảng 60km), đây là cửa ngõ để vào chùa Hương.
Tại bến đò suối Yến, khách hành hương mướn đò chèo hay đò máy để vào chùa Hương. Từ bến đò suối Yến, đò chèo hơn một tiếng đồng hồ là đến chùa Hương, nhưng khách hành hương sẽ không thấy lâu vì những cảnh núi non, nước biếc xanh tươi làm khách quên cả thời gian và không gian.
Suối Yến hay suối Yến Vĩ nước xanh trong, du khách nhìn thấy rong rêu xanh tươi tận dưới sâu. Hai bên bờ là một chuỗi những hòn núi xanh xinh đẹp nối liền với những cánh đồng lúa phì nhiêu màu mỡ. Những hòn núi đá vôi với cây cỏ xanh tươi nối tiếp nhau kết thành một xâu chuỗi ngọc bích vĩ đại đẹp đẽ của thiên nhiên.
Chiếc thuyền nhỏ bé nhẹ nhàng lướt trên làn suối nên thơ, đưa khách hành hương viếng qua những cảnh đẹp thơ mộng.
Đầu tiên, thuyền ghé vào đền Trình ở bên mặt dòng suối. Gọi là đền Trình vì theo tục lệ xưa, muốn vào chùa Hương khách phải ghé vào đền này để xin phép Sơn thần ở vùng này. Đền Trình được dựng dưới chân núi Ngũ Nhạc, với hai tầng mái cao, chạm rồng mỹ thuật, trước sân điện có tượng voi, quân lính đứng hầu, các cột lồng đèn bằng đá.
Tiếp đến, khách đi ngang hang Bà hay hang Luồn còn được gọi là hang “Sơn thủy hữu tình”. Gọi là hang Luồn là vì một hòn núi chắn ngang mặt nước, có một lỗ hổng rộng nhưng không cao lắm, có thể cho thuyền “luồn” qua cửa hang để theo dòng suối khác dẫn đến làng Hội Xá. Gọi là hang “Sơn thủy hữu tình” là vì ngày xưa chúa Trịnh Sâm (1767-1787) viếng chùa Hương, đi ngang qua đây có khắc hàng chữ Nho “Sơn thủy hữu tình” trên cửa hang. Thuyền tiếp tục qua núi “Sư Vãi”, rồi đi ngang chùa Long Vân, mái chùa ẩn hiện mờ mờ giữa rừng lá xanh trên núi phía trái xa xa.
Thuyền lại gặp một chiếc cầu bắc ngang dòng suối, với bốn cột gỗ tròn thẳng và cao giống như một chiếc cổng xinh xắn, đó là cầu Hội. Thuyền lướt nhẹ phía dưới cầu, nữ sĩ Hằng Phương tả cảnh đẹp cầu Hội như sau:
Mây luồn đáy nước qua cầu,
Thuyền đi tưởng núi quay đầu trông theo.
Thuyền tiếp tục lướt qua núi Mâm Xôi Gà, núi Voi Phục… Nhà thơ nổi danh thời tiền chiến Nguyễn Nhược Pháp tả cảnh đẹp trên đường vào chùa Hương như sau:
Réo rắc suối đua quanh,
Ven bờ ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ,
Cảnh đẹp gần như tranh.
Sau núi Oản, Gà Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi,
Tới núi con Voi Phục,
Có đủ cả đầu đuôi.
……
Cuối cùng, thuyền ghé “Bến Trò”, bến để lên chùa Thiên Trù, địa đầu của chùa Hương. Khách hành hương đi bộ hơn nửa cây số dưới các hàng cây xanh tươi gió mát. Vào mùa Xuân, những cây gạo nở đầy hoa đỏ, những cây mơ với hoa trắng đẹp thơm ngát, dẫn khách đến chùa Thiên Trù.
Chùa Thiên Trù (có nghĩa là Bếp của trời) còn được gọi là chùa Ngoài. Ngày xưa, chùa rộng lớn, xây dựng theo kiểu cung điện, khách hành hương phải qua ba lớp cổng và ba sân rộng với nhiều bậc thềm mới đến chùa. Cổng tam quan trước chùa cao hai tầng với những mái cong, hai bên là vách tường dài có các cột vuông cao, xây vững chắc và mỹ thuật. Trước chánh điện là lầu chuông và lầu trống, phía sau chánh điện là nhà Tổ, điện Thánh mẫu, gác tàng thơ, nhà khách, phòng chư Tăng… chiến tranh đã tàn phá, hiện nay nhân dân, Phật tử và chánh quyền đang hợp nhau xây dựng lại chùa Thiên Trù.
Bên hông chùa là khu tháp cổ của chư Tổ đã Hoằng hóa ở chùa Hương, hiện nay còn bảy ngôi tháp, tháp lớn nhất là tháp của Thiền sư Viên Quang, vị trụ trì có công trùng tu và kiến thiết chùa Hương thành danh lam thắng cảnh bậc nhất của nước Đại Việt. Công trình trùng tu này được kể lại trong bia đá khắc vào năm Chánh Hòa thứ bảy (năm1686), đời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn. Hai vương phi của Chúa là Mai Thị Cự và Mai Thị Nhiên (sau được chúa cho đổi lại họ Đào) đã cúng dường tiền của để trùng tu chùa.
Sau khi lễ bái ở chùa Thiên Trù xong, khách hành hương ăn uống và nghỉ ngơi dưỡng sức để chuẩn bị vào chùa Trong, tức động Hương Tích, gần đỉnh núi Hương Sơn.
Đường lên động Hương Tích ít có dốc cao, lối đi được lót đá xanh bằng phẳng dễ đi, phong cảnh lại xinh đẹp nên mọi người đều có thể lên viếng động với hơn một giờ leo núi.
Từ chùa Ngoài leo núi độ 15 phút, có ngã rẽ vào động Tiên và chùa Tiên. Từ chùa Tiên trở ra, tiếp tục đường lên núi, đi qua một quãng đường với vài dốc khá cao là đến chùa Giải Oan, trên cửa có đề hàng chữ Nho “Giải Oan khê tự”(chùa suối Giải Oan ). Chùa có ao “Thiên nhiên thanh trì” (Ao trong thiên nhiên ). Trước chùa Giải Oan có suối Long Tuyền do chín nguồn suối đổ về, như chín con rồng đổ nuớc vào suối này. Theo truyền thuyết: Ngày xưa Công chúa Ba (hay Công chúa Diệu Thiện) con của Sở Trang vương đến núi Hương Sơn, đầu tiên ghé tắm ở suối này để “rửa sạch bụi trần tục”, khi vào động Hương Tích tu hành đắc đạo thành Bồ tát Quán Thế Âm, thường được gọi là “Phật Bà chùa Hương”. Vì vậy suối Long Tuyền còn được gọi là suối Giải Oan. Do sự tích này, khách hành hương tin rằng dùng nước suối Giải Oan sẽ rửa sạch được những nghiệp chướng tiền khiên để lo tu hành thoát khỏi cảnh phiền não, đau khổ của cuộc đời vô thường này.
Gần chùa Giải Oan có động Tuyết Quynh (Tuyết Xinh) và am Phật Tích. Am này có tảng đá trên có dấu chân nhỏ, tương truyền là dấu chân của Phật Bà chùa Hương.
Từ chùa Giải Oan đi lên một quảng nữa là đến cửa Võng và đền Trấn Song, cảnh đẹp nơi đây được thi sĩ Chu Mạnh Trinh tả như sau:
Bầu trời bát ngát xa trông,
Võng trời rũ xuống mấy vòng thướt tha,
Qua cửa Võng đi lên núi độ mười lăm phút nữa là đến động Hương Tích, tức chùa Trong. Ở cửa động có cổng gạch xây vào năm Giáp Dần (1914), hai bên cổng có cặp câu đối với chữ “Hương Sơn động cổ”:
Một lộ “Hương Sơn” dài muôn thế,
Tam quan “Động Cổ” lưu ngàn năm.
Vào khỏi cổng, một khung cảnh thiên nhiên của động núi hết sức xinh đẹp, cảnh đẹp không thể tả bằng văn tự, máy quay phim cũng không thể cho thấy hết cảnh đẹp của động Hương Tích, chỉ những khách hành hương đến tận nơi, thấy tận mắt, hít thở không khí thanh tịnh, hương thơm khí mát của thiên nhiên tại đây mới thấy và cảm nhận được cảnh đẹp xinh tươi, lung linh, mờ ảo, thơ mộng nhưng hùng vĩ của động Hương Tích, quả đúng như lời của chúa Trịnh Sâm đã ghi trên vách núi “Nam thiên đệ nhất động” (Động hạng nhất của cõi trời Việt Nam).
Từ cổng đi xuống 120 bậc thềm xây bằng gạch là đến cửa động. Đứng giữa cầu thang xuống động, nhìn xung quanh, bốn bên là vách núi dựng đứng với nhiều cây cổ thụ cao lớn, thẳng đứng, tàng lá xanh tươi, phía trên là trời cao xanh thẳm với những vầng mây trắng lướt chầm chậm trong khoảng không gian cao rộng. Động Hương Tích hùng vĩ nhưng xinh đẹp. Thơ mộng và thanh tịnh. Cảnh đẹp rừng núi Hương Tích với làn không khí trong mát, sương mờ mát lạnh, làm tan hết những mệt mỏi, những phiền não của kiếp người. Những vọng tưởng, tham vọng, hận thù, óan ghét của thế gian như tan biến nơi đây, chỉ còn sự thanh thản nhẹ nhàng trước cảnh xinh đẹp, huyền ảo của động Hương Tích. Vào đêm trăng sáng, động Hương Tích còn đẹp biết bao!
Bên trong động, ngòai điện thờ với tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, tượng Công chúa Diệu Thiện mỹ thuật và sinh động, còn có nhiều nhũ đá với nhiều hình dáng khác nhau: Đụn Gạo, Núi Cô, Núi Cậu, Cây Vàng, Cây Bạc….
Ngày xưa, khách hành hương đến động Hương Tích lễ Phật, ngoài ra còn cầu tài cầu lộc….
Khách hành hương muốn có cơm gạo ấm no đầy đủ thì đến “Đụn Gạo” cầu nguyện. Khách muốn cầu tiền tài, vàng bạc, thì đến “Cây vàng”, “Cây Bạc”, tay mặt vuốt lấy tảng đá tròn tròn có sắc vàng hay sắc trắng óng ánh như đồng tiền cầu nguyện. Khách muốn có con trai thì đến “Núi Cậu”, tay vuốt nhẹ vào tảng đá gióng như đứa bé trai, và nguyện “Rước Cậu”. Muốn có con gái thì tay vuốt nhẹ vào “Núi Cô” và khấn “Rước Cô”. Nếu sau này, được đúng như lời nguyện thì khách hành hương lại đến chùa Hương vào ngày “trẩy hội” để tạ lễ.
Hiện nay những tập tục đó đã giảm bớt, những người “trẩy hội chùa Hương” hầu hết là những khách hành hương lễ Phật và viếng cảnh đẹp chùa Hương.
“Trẩy hội chùa Hương” cũng không thể nào không nhớ đến “Mơ và rau sắn” chùa Hương.
RỪNG MƠ VÀ RAU SẮNG CHÙA HƯƠNG:
Trên đường đến chùa Hương (động Hương Tích ), hai bên đường,ven theo sườn núi là một rừng hoa thơm cỏ lạ, vào mùa Xuân, một rừng hoa mơ trắng nõn nà, những gốc mơ già sai trái với các trái mơ xinh xinh nặng trĩu cành, ở Hương Sơn có rất nhiều loại mơ, mơ đào, mơ chấm son, mơ song thọ… loại nào cũng quí mà ngon. Rừng mơ xinh đẹp của chùa Hương là đề tài thi hứng cho bao thi nhân.
Viếng cảnh chùa Hương vào mùa Xuân, rừng mơ nở hoa trắng xóa, những cơn gió thoảng qua làm rụng những nụ hoa mơ rơi lả tả như tuyết rơi, khách hành hương đi trong rừng núi Hương Sơn như đi trong mưa tuyết. Đi trong rừng mơ chùa Hương, không thể không nhớ đến bài thơ “Cô hái mơ” của Nguyễn Bính (1919-1966):
Thơ thẩn rừng chiều một khách thơ,
Xa nhìn ra rặng núi xanh mờ,
Khí trời êm ả và trong sáng,
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.
………
Nhà ta ở dưới gốc cây dương,
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường,
Có suối nước trong tuôn róc rách,
Có hoa bên suối ngát đưa hương.
Hởi cô con gái hái mơ ơi,
Chẳng trả lời tôi lấy một lời,
Cứ lặng mà đi rồi khuất bóng,
Rừng mơ hiu hắt lá mơ ơi ……
Cao Bá Quát sống rất hiện thực, vẫn phải nhìn cảnh rừng mơ xinh đẹp đầy thú vị:
Tám khúc bên non lắm vẻ xinh, Rừng mơ hoa kết quả đầy cành, Giấc tiên mơ tưởng mình tiên thật, Gặp gỡ nhìn ra kẻ mắt xanh.
Nói đến rừng mơ chùa Hương cũng phải nhắc đến rau sắn, ca dao có câu:
Muốn ăn rau sắn chùa Hương.
Tiền đừng ngại tốn, đường đừng ngại xa.
hoặc tình tứ hơn:
Ai đi trẩy hội chùa Hương,
Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm,
Mớ rau sắn, quả mơ non,
Mơ chua, sắn ngọt, biết còn thương chăng ?
Rau sắn chùa Hương có hương vị thơm và ngon đặc biệt. Nấu canh với rau sắn chùa Hương không cần nấu thêm tôm, thịt, hay bột ngọt mà nồi canh vẫn ngon.
Cây rau sắn gọi là rau, nhưng nó không phải là những cành nhỏ với lá như rau muống, rau răm, rau diếp… mà cây nó to, chỉ hái lá nấu canh. Cây rau sắn lâu năm có thể dùng tiện những đồ gỗ nhỏ nhẹ như cái khay, cái mâm. Gỗ cây rau sắn màu vàng như ngà, nhẹ, thường dùng làm đũa bếp (đũa cả), thước kẻ, khay, mâm…
Cây rau sắn sinh ra và lớn lên ở vùng núi đá vôi mà thôi. Cây rau sắn to và cao, chỉ hái lá non để ăn, nhiều cây lâu năm phải trèo lên mà hái. Lá non của rau sắn óng ả, nõn nà. Hoa của rau sắn gọi là “rồng rồng” lấm tấm như hoa ngâu, nấu canh ăn còn ngọt hơn lá non. Trái rau sắn tròn dài, hình bầu dục, màu vàng, ăn ngọt nhưng hơi rátlưỡi. Hái lá mơ non, cây sẽ mọc ra lớp lá khác Mùa Đông, cây rau sắn rụng hết lá, mùa Xuân lại nẩy lộc, nẩy lộc ra “rồng, rồng”. Lá rau sắn non bán kèm với trái rau sắn càng có giá trị. Người ta hái lá rau sắn một tháng một lần.
Canh rau sắn đã ngon, lại có thêm củ mài càng ngon. Chè củ mài chùa Hương cũng là món ăn khách hành hương ưa thích.
Củ mài thuộc loại cây dây leo, lá hình trái tim, giống lá cây củ từ. Củ mài có hình dẹt, có hình tròn, củ dài hơn một mét, mỗi dây cómột củ. Mùa Đông lá rụng dây héo, củ giống rụng xuống đất, phát triển thành củ to và nảy ra dây mới. Khi dây to bằng chiếc đũa là củ đã to. Dây củ mài mọc ở chỗ đất, lẫn trong đá trên núi. Đào củ mài phải tốn công, phải đào đất hoặc bẩy các tảng đá mới lấy được củ.
- Dấu Ấn Chùa Thiền Lâm- Di Tích Văn Hoá Tâm Linh Đặc Biệt Nguyễn Đắc Xuân.
- Đại Thừa Đăng với những Cao Tăng Việt-Hoa Tâm Phương
- Vài nét về Phật giáo Lý – Trần Thuần Hiếu
- Nghiên cứu tình trạng Phật Giáo Việt Nam trong giai đoạn chống xâm lăng Lê Mạnh Thát
- Lược sử Trúc Lâm Tam tổ Thích Nguyên Như
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - D. Dấu chân hoằng hóa của các thiền sư thuộc phái thiền Trúc Lâm ở Bắc Hà (1593-1630) - Phần 1 Nguyễn Hiền Đức
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - C. Hành trạng tam tổ Trúc Lâm - 3. Hành trạng Tôn giả Huyền Quang (1254 - 1334) Nguyễn Hiền Đức
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - C. Hành trạng tam tổ Trúc Lâm - 1. Hành trạng Tôn giả Pháp Loa (1284 - 1330) Nguyễn Hiền Đức
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - C. Hành trạng tam tổ Trúc Lâm - 1. Hành trạng sơ tổ Trúc Lâm Nguyễn Hiền Đức
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - B. Các Thiền Sư thuộc truyền thống núi Yên Tử - Phần 2 Nguyễn Hiền Đức
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - B. Các Thiền Sư thuộc truyền thống núi Yên Tử Nguyễn Hiền Đức
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - A. Núi Yên Tử: Quê hương của phái thiền Trúc Lâm Nguyễn Hiền Đức
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Tổng quan Phật giáo Đàng Ngoài (1593-1802) Nguyễn Hiền Đức
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài Nguyễn Hiền Đức
- Sơ lược lịch sử Phật giáo Việt Nam - Chương 8: Tổng lược lịch sử Phật giáo vào thời nhà Trần (1225 - 1400) - III. Sự mất dấu của Phái thiền Trúc Lâm Nguyễn Hiền Đức
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 2: Hòa thượng Chuyết Công với phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài - 3. Chùa Phật Tích
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 2: Hòa thượng Chuyết Công với phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài - 2. Thiền sư Minh Hành - Tại Tại (1596 - 1659)
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 2: Hòa thượng Chuyết Công với phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài - 1. Thiền sư Viên Văn - Chuyết Chuyết (1590 1644)
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - D. Dấu chân hoằng hóa của các thiền sư thuộc phái thiền Trúc Lâm ở Bắc Hà (1593-1630) - Phần 1
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - C. Hành trạng tam tổ Trúc Lâm - 3. Hành trạng Tôn giả Huyền Quang (1254 - 1334)
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - C. Hành trạng tam tổ Trúc Lâm - 1. Hành trạng Tôn giả Pháp Loa (1284 - 1330)
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - C. Hành trạng tam tổ Trúc Lâm - 1. Hành trạng sơ tổ Trúc Lâm
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - B. Các Thiền Sư thuộc truyền thống núi Yên Tử - Phần 2
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - B. Các Thiền Sư thuộc truyền thống núi Yên Tử
- Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - A. Núi Yên Tử: Quê hương của phái thiền Trúc Lâm
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)