Lược sử Phật giáo Tuyên Quang

Đã đọc: 3193           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Chùa An Vinh có tên chữ là "An Vinh Thiền Tự" thuộc tổ 7, xã Hưng Thành, thị xã Tuyên Quang

Là một tỉnh miền núi đa sắc tộc, là vùng phên dậu của đất nước, Tuyên Quang từ xa xưa đã có tín ngưỡng dân gian sớm hoà với đạo Phật, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của nhân dân. Theo Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, Tuyên Quang đã có chùa thờ Phật từ đầu thế kỷ XII (1107). Nhiều đình, chùa, miếu thờ cả Thần và Phật.

Theo tài liệu khảo cổ, Tuyên Quang xưa có gần chục ngôi chùa cổ như Bảo Ninh Sùng Phúc, Hương Nghiêm, An Vinh, Phật Lâm, Xuân Lôi, Linh Thông, Thái Hoà, Thiện Kế… Chùa chiền thường được dựng ở những vị thế hài hoà với thiên nhiên, tạo ấn tượng linh thiêng cao cả. Trong bài Tuyên Quang tỉnh phú (1861), Đặng Xuân Bảng viết: “Chùa Xuân Lôi, tiếng chuông làm người đời tỉnh mộng”. Chứng tỏ từ xa xưa, hoạt động phật giáo đã mang tính quy mô trên mảnh đất này. Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Chiêm Hóa) lập năm Đinh Hợi (1107) triều Lý Nhân Tông. Chùa Nhữ Hán (Yên Sơn) xây dựng thời Trần thế kỷ XIII - XIV, còn lại dấu tích trong lòng đất trên 2.000 m2, kiến trúc nguy nga, có nhiều tháp lớn và hiện vật quý, mỹ thuật ở trình độ cao, cho thấy đây từng là một trung tâm lớn sinh hoạt phật giáo.

Chùa Hương Nghiêm xây dựng thời Mạc Đăng Doanh (1537) trong hang đá, xã An Khang, huyện Yên Sơn. Văn bia ghi lại cảnh trí tự nhiên và những sinh hoạt tâm linh gần 500 năm trước: “Dòng Long Vị như dải lụa trắng lượn vòng trước động. Phía sau động là đường cái quan, ngựa xe như nước… Cứ đến ngày rằm và mùng một, tín đồ thập phương nối gót cầu khấn, tăng ni cúi đầu về phương nam ba lần vái lạy. Những khi trời đất không hoà thuận, cầu nắng thì được trời quang tạnh, khấn mưa thì mưa trải khắp nơi. Chùa rất linh ứng, không thể ngờ được!”.

Hội chùa thường niên vào ngày 5 tháng Giêng. Chùa An Vinh dựng ở triều vua Bảo Thái (1727), có vị thế “long xà địa” (thế đất hình rồng rắn). Bia đá ghi địa chí danh lam và bài Sấm ký ca ngợi vẻ đẹp linh thiêng và an lạc của cõi Thiền. Hội chùa hàng năm mùng 1 đến mùng 4 tháng Giêng; 15 tháng Giêng lễ Thiên quan tích phúc, ngày 15 tháng 7 lễ Địa quan. Ngoài ra, chùa còn tổ chức giỗ 2 vị sư trụ trì chùa vào ngày 5 và 14 tháng giêng. Sau lễ Phật, người hành lễ bái lạy các vị thần thánh được phối thờ. Như vậy từ hơn 900 năm về trước, tư tưởng phật giáo ở Tuyên Quang đã phát triển ở trình độ cao.

Ở Tuyên Quang một số ngôi đền cũng có nơi bái Phật như Điện Sâm Sơn (đền Thượng, thành phố Tuyên Quang) được ghi ở văn bia Sâm Sơn Phật tự bi ký, đền Bắc Mục (Hàm Yên) cũng có gian thờ Phật được ghi trong Thần phả.    

Phật giáo Tuyên Quang xưa có quan hệ với nho giáo. Các vương triều sử dụng phật giáo cùng nho giáo để gắn kết cộng đồng, giữ vững nền độc lập với mục tiêu an dân trị quốc. Trong lời thỉnh dân gian có câu: Lạy trời lạy Phật! Lạy Mẫu! Thần, Phật, đạo Mẫu là tín ngưỡng chủ yếu ở Tuyên Quang. Song các dân tộc thiểu số chủ yếu ảnh hưởng phật giáo và tín ngưỡng bản địa, còn nho giáo phát huy trên phương diện chính trị nhiều hơn.

Ở Tuyên Quang Lễ Phật thường niên vào 15 tháng 4 âm lịch (ngày Phật Đản). Hội chùa vào tháng Giêng, tháng 4 và tháng 7 (âm lịch). Lễ Phật hàng tháng vào ngày rằm và mùng một âm lịch, nhân dân đến chùa làm lễ. Lễ vật tuỳ tâm: Xôi, oản đồ chay, hoa quả, vàng mã và góp tiền công đức. Lời thỉnh: Mong sức khoẻ, may mắn, biết ơn Đức Phật. Người hành lễ cầu cúng cả Thần Phật và Thánh Mẫu v.v...

Thời chiến tranh, sinh hoạt phật giáo bị gián đoạn. Bước sang hoà bình và đổi mới, sinh hoạt phật giáo được phục hưng. Tỉnh có Ban đại diện Phật giáo. Nhiều nơi Hội Phật giáo kết hợp với phong tục địa phương thực hiện an sinh xã hội, lễ hội, làm từ thiện, viếng mồ liệt sĩ, cầu siêu cho linh hồn những người hy sinh vì nước... Trong gia đình, nhiều người lấy điều răn trong kinh Phật để truyền dạy thế hệ trẻ về lối sống. Thờ cúng tổ tiên cùng thờ Phật thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn. Cũng cần nói thêm rằng, việc tôn trọng tín ngưỡng hiện nay, cần đồng hành trừ bỏ mê tín dị đoan, những hành vi xấu làm mất đi vẻ đẹp nhân văn của đạo Phật, như người xưa đã dạy: Đạo Phật vô biên trợ đức người.

Nguồn: Tuyên Quang Online

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập