Văn bia chùa Huế (thành phố Huế) thể hiện tiến trình phát triển Phật giáo ở Đàng Trong

Đã đọc: 7605           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Toàn cảnh chùa Quốc Ân - Huế.

Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, văn bia chùa trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 70 bia, trong đó, chỉ riêng Thành phố Huế và vùng phụ cận có đến 55 bia. Nếu tính theo diện tích tự nhiên thì Thành phố Huế là nơi tập trung nhiều nhất những ngôi chùa, đồng thời cũng là nơi tạo và giữ văn bia nhiều nhất.

Phật giáo xứ Huế kể từ khi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng bắt đầu tiến hành công cuộc “mộ dân lập ấp” vào năm 1558 trở đi, đã có tầm quan trọng không nhỏ đối với lịch sử xã hội ở Đàng Trong.

Bằng khả năng dung hòa tuyệt vời các tư tưởng khác nhau trong xã hội, Phật giáo Huế có công lao rất lớn trong quá trình hợp nhất các dòng phái, hòa quyện cùng nguồn văn hóa dân gian đa dạng, phong phú đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo ở đây.

Trước hết, đó là sự dung hòa, thống nhất trong quan niệm, tư tưởng, tình cảm của Vương triều (quan niệm Nho giáo là chính thống) với Phật giáo.

Thực tế lịch sử cho thấy, các đời vua chúa, quan lại, Hoàng thân quốc thích nhà Nguyễn thường rất sùng mộ và không ngừng hộ trì Phật pháp, nhất là từ đời chúa Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái (1687 - 1691), rồi Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) trở đi, Phật giáo Đàng Trong dần dần hưng thịnh. Mặc dù đạo Phật có từng bước thăng trầm theo quy luật phát triển, tuy nhiên, lòng người Việt Nam đã thấm nhuần giáo lý từ bi hỉ xả, sống tốt đời đẹp đạo… từ ngàn xưa, cội rễ đạo Phật đã nảy mầm trong lòng dân tộc. Mặt khác, vua quan nhà Nguyễn nhiều đời ủng hộ, chuộng mến và tạo tiền đề không nhỏ để Phật giáo Huế lớn mạnh như hôm nay. Các ý nêu trên đều được bộc lộ qua những văn bia do vua chúa, quan lại, Nho sĩ… triều Nguyễn soạn.

Chẳng hạn, văn bia Ngự kiến Thiên Mụ tự [1715] bộc lộ rõ nét sự hài hòa Nho - Thích trong đời sống của vương triều Nguyễn và cả dân tộc Việt Nam thời bấy giờ: “Làm việc theo đạo Nho mà sùng mộ Phật pháp, việc trị nước không thể không thi hành điều Nhân. Tin đạo, chuộng tăng, kết nhân - quả mà gieo trồng giống “phúc”. Đất nước yên bình, lòng người an lạc”. (Nguyên văn: 居 儒 慕 釋 , 以 政 治 無 不 行 仁 。 信 道 崇 僧 , 就 因 果 而 思 種 福 。 承 平 國 界 , 安 樂 身 心 . Phiên âm: Cư Nho mộ Thích, dĩ chính trị vô bất hành nhân. Tín đạo sùng tăng, tựu nhân quả nhi tư chủng phúc. Thừa bình Quốc giới, an lạc thân tâm).

Bia Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích Thiền sư tháp ký minh [1729] ở chùa Quốc Ân, Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú (Thụ) viết: “Suốt từ lúc mở nước đến nay, việc lập chùa, dựng am, thỉnh tăng cúng Phật, mở rộng phương tiện hành hóa, khiến cho dân chúng xứ kinh đô trở nên phồn thịnh, ai nấy đều dốc lòng dung dưỡng đạo lý bằng chánh niệm. Tiếp đó là việc “sinh thuận tử an”, gần gũi với cảnh giới Hóa thành (1)”. (Nguyên văn: 越 觀 自 開 國 以 來 ,立 寺 建 庵 ,延 僧 供 佛 , 廣 行 方 便 ,圖 使 幾 內 ,天 下 盛 起 ,全 自 頓 拋 憑 念 。 庶 幾 生 順 死 安 , 漸 近 化 城 境 界 . Phiên âm: Việt quán tự khai quốc dĩ lai, lập tự kiến am, diên tăng cung Phật, quảng hành phương tiện, đồ sử kỷ nội, thiên hạ thịnh khởi, toàn tự đốn phao bằng niệm. Thứ cơ, sinh thuận tử an, tiệm cận Hoá thành cảnh giới).

Bia Ngự chế thi đề Diệu Đế tự [1846] của vua Thiệu Trị cũng viết: “Tuy giáo lý nhà Phật rỗng lặng, mà cũng khuyên dân làm điều thiện, thì có gì gây hại cho Vương đạo đâu”. (Nguyên văn: 雖 象 教 虛 無 ,亦 勸 人 為 善 ,則 何 妨 于 王 道 者 哉. Phiên âm: Tuy Tượng giáo (2) hư vô, diệc khuyến nhân vi thiện, tắc hà phương vu Vương đạo giả tai).

Linh Quang tự bi ký [1902] do Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuật viết: “Hoàng Triều ta vẫn nêu cao chính học (tức Nho học) nhưng Tượng giáo cũng không phế bỏ” (Nguyên văn:  皇 朝 正 學 昌 明 , 而 象 教 亦 不 廢 . Phiêm âm: Hoàng triều Chính học xương minh, nhi Tượng giáo diệc bất phế).

Sắc tứ Kim Quang tự bi minh [1908] có câu: “Quốc triều ta phát huy nền văn trị, Nho giáo được mở mang, nhưng nói chung là việc phụng cúng chùa Phật, Đạo quán… đều ân chuẩn cho sùng tu. Ôi! nếu không có giáo lý từ bi quảng đại đối với chúng sanh, thì sao có phương tiện để cứu vớt con người vậy!” (Nguyên văn:  國 朝 大 興 文 治 ,儒 教 闡 揚 而 凡 奉 佛 寺 觀 均 準 崇 修 。夫 非 以 慈 悲 廣 大 之 教 ,有 何 為 度 人 方 便 者 乎 . Phiên âm: Quốc triều đại hưng văn trị, Nho giáo xiển dương, nhi phàm phụng Phật, tự, quán quân chuẩn sùng tu. Phù! phi dĩ từ bi quảng đại chi giáo, hữu hà vi độ nhân phương tiện giả hồ) v.v…

Các tác giả của Văn bia chùa Huế, ngoài các Thiền sư, còn có vua chúa, nhà Nho, cư sĩ thông hiểu và mến mộ Phật giáo như chúa Nguyễn Phúc Chu (Ngự kiến Thiên Mụ tự), chúa Nguyễn Phúc Thụ (Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp ký minh), vua Thiệu Trị (Ngự chế thi đề Diệu Đế tự, Ngự chế Thiên Mụ tự Phước Duyên bảo tháp bi Ngự chế Thiên Mụ chung thanh thần kinh đệ thập tứ cảnh), vua Khải Định (Ngự chế Thiên Mụ Phước Duyên tháp lâm hạnh ngẫu thành nhất luật tính tự), Tuy Lý vương Miên Trinh (Tường Vân tự bi ký), Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền - nhà chí sĩ yêu nước, nhà lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội (Thiên Hưng tự tịnh đường ký)… Hoặc các cư sĩ như Viên Thành thượng nhân, Bác sĩ Tây học Tâm Minh Lê Đình Thám, Họa sĩ Mai Am Nguyễn Khoa Toàn… đều có công rất lớn trong công cuộc khôi phục “tiền hiến” của dân tộc vào những năm đầu thế kỷ XX (tức là những người tham gia thành lập “An Nam Phật học hội” [1932] và đào tạo, dẫn dắt tăng ni, Phật tử miền Trung tiến lên trên con đường nâng cao trình độ học vấn, tầm hiểu biết…  để đấu tranh bảo vệ và xây dựng nước nhà).Tất cả đều được đề cập trong văn bia chùa Huế. Thật đúng như nhận định của Lê Nguyễn Lưu trong Tuyển dịch văn bia chùa Huế: “Qua văn bia chùa Huế, chúng ta cũng có thể thấy thấp thoáng bóng lịch sử đương thời, không chỉ vì tác giả là những người liên quan đến lịch sử như chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị hay Nguyễn Phúc Miên Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, mà chính nội dung văn bản cũng đề cập đến những nhân vật gắn bó với lịch sử (kể cả lịch sử Phật giáo lẫn dân tộc)” .[Tr.06]

Ngoài ra, trong văn bia chùa Huế, chúng ta còn thấy, trước kia, có một số chùa chiền, sau một thời gian bị hoang phế, đã được khôi phục lại như Sắc tứ Kim Quang tự bi ký có đoạn: “Chùa vốn do bà dì vua, họ Nguyễn, pháp danh Diệu Tư dựng vào năm Tân Mùi niên hiệu Tự Đức [1871] để thờ Phật và Quan Thánh Đế Quân (…)  con gái trưởng của bà là Cung nga họ Lê, pháp danh Thanh Chiêm nối tiếp kiến tạo hậu đường, biển ngạch là: Tiên Nữ cung, thờ chân dung Thánh mẫu và các vị đời trước trong gia tộc”. (Nguyên văn: 寺 始 於 嗣 德 辛 未 年 ,皇  姨 阮 氏 法 名 妙 私 建 也 。 居 奉 佛 與 關 聖 帝 君 像 (…) 其 長 女 前 朝 宮 娥 黎 氏 法 名 清 瞻 繼 建 後 堂 , 扁 曰 : 僊 女 宮 。 奉 聖 母 真 容 , 以 其 家 列 先 附 父 祀 焉 . Phiên âm: Tự thuỷ ư Tự Đức Tân Mùi niên, Hoàng di Nguyễn thị, pháp danh Diệu Tư kiến dã. Cư phụng Phật dữ Quan Thánh Đế Quân tượng (…) Kỳ trưởng nữ tiền triều Cung nga Lê thị, pháp danh Thanh Chiêm kế kiến hậu đường, biển viết: Tiên Nữ cung; phụng Thánh mẫu chân dung, dĩ kỳ gia liệt tiên phụ tự yên).

Chùa Linh Quang cũng đề cập chuyện trùng tù: “Vâng mệnh lấy chùa trước làm quán Linh Giác, chùa sau làm nhà Viên Quang. Toàn bộ thì sắc ban là Linh Quang tự, để không quên dấu cũ”. (Nguyên văn:  奉 以 前 寺 為 靈 覺 觀 ,後 為 圓 光 堂 而 總 賜 敕 為 靈 光 寺 , 不 忘 舊 也 .  Phiên âm: phụng dĩ tiền tự vi Linh Giác quán, hậu vi Viên Quang đường, nhi tổng tứ sắc vi Linh Quang tự, bất vong cựu dã.)

Trong khoảng thời gian hơn 450 năm tồn tại (từ 1558 đến nay), xứ Đàng Trong (trong đó có xứ Huế) đã phải đối diện với nhiều cuộc chiến tranh tàn phá (như Trịnh - Nguyễn phân tranh 1627 - 1673, cuộc chiến tranh Tây Sơn 1778 - 1802, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1858 - 1954, đuổi đế quốc Mỹ 1954 - 1975). Trước ảnh hưởng của những “nhân tai” khốc liệt đó, toàn bộ đời sống xã hội của dân tộc bị đảo lộn; người dân nhiều phen rơi vào tình trạng điêu linh, khốn đốn; nhà cửa, chùa chiền, tài nguyên, sản vật… tất cả đều bị rơi vào mất mát, thiệt hại nặng nề.

Những thực tế trên đều được đề cập trong văn bia chùa Huế như Thiên Thai Thuyền Tôn tự sự lục bi ở chùa Thuyền Tôn có đoạn:  “Gặp lúc Tây Sơn phiến loạn, tịch thu hết tự điền, cấm tăng, hủy chùa, khí cụ thờ cúng ở chốn Phạm vũ bị lấy sạch hết, nhưng Hòa thượng vẫn âm thầm tu trì, giấu kĩ Pháp khí đồ thờ, may mắn vẫn còn. Năm Ất Dậu (1789) bỏ cấm, Hòa thượng trở lại tập họp tăng chúng, giáo pháp dần hưng khởi…” (Nguyên văn: 及 西 山 煽 亂 ,籍 沒 祀 田 ,禁 僧 毀 寺 ,梵 宇 祀 器 為 之 一 空 而 和 尚 密 自 心 修 。 深 藏 法 器 , 祀 典 幸 存 。乙 酉 年 ,弛 禁 復 ,和 尚 統 集 僧 眾 教 法 漸 興 .  Phiên âm: Cập Tây Sơn phiến loạn, tịch một tự điền, cấm tăng huỷ tự, Phạm Vũ tự khí vi chi nhất không, nhi hoà thượng mật tự tâm tu, thâm tàng pháp khí, tự điển hạnh tồn. Ất Dậu niên, trì cấm phục, hoà thượng thống tập tăng chúng, giáo pháp tiệm hưng).

Văn bia chùa Huế cũng cho chúng ta biết được đôi nét khái quát về  nguyên nhân của Pháp nạn thời Tây Sơn, đó là: “Xưa, ngụy triều lấy ruộng này cấp cho các nha ở huyện Phú Lộc”. (Nguyên văn: 初 偽 朝 收 這 田 給 為 富 祿 各 衛 賴 . Phiên âm: Sơ nguỵ triều Tây Sơn thu giá điền cấp vi Phú lộc các vệ lại) hoặc: “Xưa, ngụy triều, lấy hồng chung này đem làm đồ thờ ở Văn Thánh”. (Nguyên văn:  初 西 山 偽 朝 收 這 鐘 為 文 聖 祀 器 . Phiên âm: Sơ Tây Sơn nguỵ triều thu giá chung vi Văn Thánh tự khí) (trong Thiên Thai Thuyền Tôn tự sự lục bi).

Văn bia ở đây cũng ghi lại những tâm huyết, công sức gìn giữ, bảo lưu và phát triển đời sống văn hóa và tinh thần dân tộc, cũng như những Phật sự to lớn của các Thiền tăng và cư sĩ ở Huế, in dấu ấn đậm nét trong lịch sử vùng đất Cố Đô và nước nhà.

Sự kiện rất quan trọng trong xã hội Trung Kỳ những năm đầu thế kỷ XX là sự thành lập An Nam Phật học hội [1932]. Đây là tổ chức do Cố lão hòa thượng Thích Giác Tiên khởi xướng và đứng đầu, với mục đích hoằng dương Phật pháp, đào tạo nhân tài, khôi phục và phát triển truyền thống văn hóa xã hội của quốc gia dân tộc đang có nguy cơ bị xuống cấp, mai một thời bấy giờ và chế ngự được “dã tâm của bọn thực dân Pháp đang áp dụng trong dân ta một đường lối để cho đạo pháp đồi phế và tinh thần dân tộc bị phân rã” [Lịch sử Phật giáo xứ Huế, tr 385].

Tổ chức hội bao gồm những thành viên ưu tú của cả tân học lẫn cựu học, cùng với sự tập trung các vị Hòa thượng đạo cao đức trọng như: Hòa thượng Thích Giác Tiên (người chủ trương sáng lập hội), Thích Mật Khế (giảng sư của hội), Thiền sư Phước Hậu (Trụ trì chùa Báo Quốc và Linh Quang, được mời làm Chứng Minh đạo sư của hội), Thiền sư Tịnh Hạnh (Trụ trì chùa Tường Vân, Chứng minh đạo sư của hội), Bác sĩ - cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, cư sĩ Bình Nam Nguyễn Khoa Tân, Cư sĩ - họa sĩ trứ danh Mai Trang Nguyễn Khoa Toàn, Bác sĩ Trương Xướng…

Từ đây, đạo - pháp - dân tộc ở vùng đất “thần kinh” nói trên luôn luôn hòa quyện vào nhau. Tất cả các trường trong An Nam Phật học hội bao gồm các cấp như Tiểu học, Trung học, Cao đẳng, Ni trường… đã được hình thành ở Huế từ năm 1932 trở đi, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc đào tạo nhân tài, góp phần không nhỏ cho quá trình “tiệm hưng giáo pháp” và đạo đức dân tộc.

Điều đó được đề cập một cách khái quát trong các văn bia do Hòa thượng Giác Tiên soạn như: Khai sơn Trúc Lâm Đại Thánh tự, sáng lập An Nam Phật học hội, Chứng Minh đạo sư, Trừng Thành chí Giác Tiên hoà thượng chí minh và bia Hòa thượng - giảng sư Thích Mật Khế soạn: Sắc tứ Trúc Lâm Đại Thánh tự, Đương thượng tỳ - kheo Tâm Địa Mật Khế sung Phật học hội giảng sư chí minh.

Chẳng hạn, trong bia ngài Giác Tiên có câu: “Trong thời gian ngắn, thiện nam tín nữ khởi phát bồ đề tâm nhóm họp và đóng góp công sức sâu dày. Cho nên, hội Phật học sớm khởi xướng mà chiều đã hoàn thành; tiếp đó, các Phật học đường lớn nhỏ cũng ra đời. Sự phát triển của Hội An Nam Phật học chính là niềm ao ước của thầy ta”. (Nguyên văn:  剎 那 間 , 善 南 信 女 發 菩 提 心 者 雲 集 , 以 願 力 弘 深 。 故 佛 學 會 朝 唱 而 暮 成 。 繼 則 大 小 諸 佛 學 堂 亦 於 焉 創 始 。 我 安 南 佛 學 會 之 擴 張 , 惟 吾 師 是 願 . Phiên âm: Sát na gian, thiện nam tín nữ phát Bồ Đề tâm giả vân tập dĩ nguyện lực hoằng thâm, cố Phật học hội triêu xướng nhi mộ thành. Kế tắc đại tiểu chư Phật học đường diệc ư yên sáng thuỷ. Ngã An Nam Phật học hội chi khuếch trương, duy ngô sư thị nguyện); bia giảng sư Mật Khế viết: “Hội Phật học nhiều phen thuyết pháp, chúng sinh ngưỡng mộ, chùa Vạn Phước một năm giảng kinh, Sơn môn khởi sắc”. (Nguyên văn:  佛 學 會 多 番 說 法 ,聖 眾 仰 心 ,萬 福 寺 一 年 講 經 ,山 門 生 色 . Phiên âm: Phật học hội đa phiên thuyết pháp, thánh chúng ngưỡng tâm, Vạn Phước tự nhất niên giảng kinh, Sơn môn sinh sắc)

 Một trong những dấu ấn quan trọng, dựng “cột mốc”  đậm nét trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, là phong trào vận động hòa bình, đấu tranh chống lại sự tàn ác của chế độ Ngô Đình Diệm (1963).

Phật giáo Huế nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung luôn đồng hành cùng đời sống xã hội.

Minh chứng rõ nhất cho điều trên chính là phong trào đòi hòa bình, đòi tự do và chống kỳ thị tôn giáo, chống đàn áp Phật giáo của chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô. Phong trào này với sự tham gia của đông đảo các cao tăng đức độ, tầng lớp chức sắc, và hàng triệu Phật tử trên cả nước, với nhiều hành động vừa mềm mỏng, nhẹ nhàng nhưng cũng vừa quyết liệt, mạnh mẽ…

Đó chính là nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất làm cho chính quyền Tổng thống Diệm nhanh chóng sụp đổ. Văn bia “Mật Nguyện pháp sư hành trạng lược tự”  ở chùa Trúc Lâm viết: “Năm 1963, (hòa thượng Mật Nguyện) cùng chư vị lãnh đạo tín đồ Phật giáo đấu tranh chống lại chế độ Ngô Đình Diệm”. (Nguyên văn:  一 九 六 三 ,同 領 導 佛 教 徒 抗 倒 吳 廷 制 度 . Phiên âm: Nhất cửu lục tam, đồng lãnh đạo Phật giáo đồ kháng đảo Ngô Đình Diệm chế độ).

Văn bia tháp mộ ngài Giác Nhiên chùa Thuyền Tôn cũng nói về vấn đề này như sau: “Vào năm Dương lịch 1963, Quí Mão, những ngày Phật đản, nền cai trị họ Ngô hà khắc bạo ngược, triệt hạ cờ Phật, giết hại tăng ni. Phật tử đồng loạt quật khởi đấu tranh. Hòa thượng cùng các trưởng lão chẳng từ tuổi cao sức yếu, chống gậy lãnh đạo tăng chúng đấu tranh”. (Nguyên văn: 于 陽 曆 一 九 六 三 , 癸 卯, 佛 誕 紀 日 ,值 吳 朝 擅 權 荷 政 ,徹 下 佛 棋 ,僧 尼 受 害 。佛 子 一 齊 掘 起 。和 尚 與 諸 長 老 不 辭 耆 倦 ,柱 杖 率 眾 鬥 爭 . Phiên âm: Vu dương lịch nhất cửu lục tam Quý Mão Phật Đản kỷ nhật, trị Ngô triều thiện quyền hà chính, triệt hạ phật kỳ, Tăng Ni thụ hại. Phật tử nhất tề quật khởi. Hoà thượng dữ chư trưởng lão bất từ kỳ quyện, trụ trượng suất chúng đấu tranh).

Bên cạnh đó, văn bia chùa Huế còn đem lại cho người đọc những hiểu biết về sự hình thành của các biểu tượng trường cửu ở đất Cố đô. Đó là chùa Thiên Mụ, ngôi danh lam nổi tiếng Việt Nam được chúa Nguyễn Phúc Chu trùng kiến từ năm 1715, và tồn tại đến bây giờ. Đó là Tháp Phước Duyên, ngọn tháp lớn nhất xứ Huế đương thời do vua Thiệu Trị xây dựng và hoàn thành vào năm 1845. Đó là chùa Thuyền Tôn, nơi hội tụ pháp hạnh của Tổ sư Liễu Quán, là cội rễ phát sinh và phát triển dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam. Đó là chùa Từ Hiếu, biểu tượng cho đức “Từ”, đức “Hiếu” - là hạnh lớn của Phật, cũng là đạo làm người… Tất cả được được văn bia chùa Huế thể hiện rất cụ thể, xinh đông.

Tóm lại, mỗi văn bia chùa Huế thể hiện một nội dung hoàn chỉnh nhưng ở vài thời điểm nhất định, chúng đã phần nào phản ánh không khí thời cuộc. Thực tế đó giúp cho hậu học hôm nay có thêm căn cứ vững chắc để tìm hiểu và tự hào về lịch sử đất nước chúng ta.

ThS. Tạ Đức Tú

Khoa KHXH& NV - Đại học Cần Thơ

ThS. Võ Vinh Quang

Khoa Ngữ văn truyền thông - Đại học Phan Chu Trinh (Quảng Nam)

Chú thích:

(1) Hóa thành: Thành trì do sự biến hoá ra, để tạm nghỉ chân, chẳng phải là vĩnh hằng. Trong Kinh Pháp hoa, có Phẩm Hoá thành dụ, ý là trước khi đi đến Bảo Sở phải dừng lại ở Hóa Thành; Đức Phật Thích ca ví các đạo - quả của Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát đều là Hoá thành, chỉ có Phật thừa (chiếc xe Pháp chở hành giả đến quả vị Phật) mới là rốt ráo.

(2) Tượng giáo: cũng gọi là Tượng pháp - giáo pháp của đức Phật được truyền bá, Thời kỳ đầu là Chánh pháp - lúc bấy giờ Phật vừa tịch, nên người ta tu tập không sai lạc, dễ thành đạo. Thời kỳ thứ hai là Tượng pháp - cái pháp giống như cái Chánh pháp, song kém đi dần. Con người tu tập đông mà ít người thành đạo. Thời kỳ thứ ba là Mạt pháp - cái pháp vào lúc cuối cùng, kẻ sa ngã, sai lạc thì nhiều, rất ít người chân tu đắc đạo. Ở đây, Tượng giáo có nghĩa chung là đạo Phật sau thời kỳ Chánh pháp

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Hiền Đức - Lịch sử Phật giáo Đàng trong - NXB TP.HCM, 1995.

2. Hoà thượng Thích Giới Hương - Văn bia chùa Huế - Lưu hành nội bộ, Huế - 2004.

3. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm - Lịch sử Phật giáo xứ Huế - NXB VHSG - 2006.

4. Lê Nguyễn Lưu - Tuyển dịch văn bia chùa Huế - Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 49 - 50, Huế - 2005.

5. Trịnh Khắc Mạnh - Một số vấn đề về văn bia Việt Nam - NXB KHXH, H - 2007.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ
20/12/2015 15:55:00
Next

Đăng nhập