Vai trò của đội ngũ tăng quan([1]) đối với sự phát triển của Đại Việt dưới triều Lý (1010 - 1225)

Đã đọc: 5737           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Đền Đô - nơi thờ 8 vị vua triều Lý

Bước đầu xây dựng, nhà Lý không tránh khỏi những khó khăn trong việc lựa chọn nhân tài tham gia vào xây dựng, phát triển đất nước. Chính trong bối cảnh đó, sự góp mặt của đội ngũ tăng quan như Vạn Hạnh, Viên Thông, Nguyễn Thường, Trí Thiền, Viên Chiếu đã góp phần không nhỏ trong việc đưa ra ý tưởng xây dựng bộ máy chính quyền, phát triển đất nước.

          Phát triển đất nước, ổn định xã hội, giáo hóa dân chúng là yêu cầu hàng đầu của Đại Việt dưới vương triều Lý. Giải quyết vấn đề đó đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân lực có trình độ học vấn cao. Triều Lý ra đời là kết quả từ sự vận động, giúp đỡ của các nhà sư mà tiêu biểu là vai trò của Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc. Dưới thời Lý, giáo dục khoa cử vẫn chưa phải là con đường chủ đạo để chọn nhân tài ra phò vua giúp nước cho nên đội ngũ tăng quan với trình độ học vấn và uy tín chính trị của mình vẫn là lực lượng tham mưu các công việc trọng yếu của triều đình. Trong suốt hơn 100 năm tồn tại của vương triều Lý đã ghi đậm dấu ấn của đội ngũ tăng quan trên nhiều phương diện chính trị, văn hóa, giáo dục mà những đóng góp đó là điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển xã hội Đại Việt trong một thời gian dài.

 

1. Khởi lập triều Lý

Sự thành lập triều Lý là bước chuyển giao quyền lực từ dòng họ Lê sang dòng họ Lý, từ một ông vua bạo ngược sang một vị vua được nhận định là anh minh hơn. Tuy nhiên, đó không giản đơn chỉ là việc chuyển giao quyền lực, chuyển giao ngôi vị thông thường mà có sự góp công trực tiếp và to lớn của các vị tăng quan, tiêu biểu như Đào Cam Mộc, Vạn Hạnh. Chính họ là một trong những vị tăng quan đầu tiên góp phần khởi dựng và thúc đẩy sự tồn tại, phát triển của Đại Việt dưới triều Lý.

Với Vạn Hạnh, quan điểm chính trị được xác định rõ ràng là “phải đấu tranh để lúc nào đất nước có người làm chủ” [5, tr.418]. Nhưng người làm chủ đất nước phải biết chăm lo cho dân chúng, có ý thức về sự phát triển của quốc gia dân tộc, phải làm cho đất nước hưng thịnh bởi đất nước thịnh trị thì Phật giáo mới có điều kiện phát triển. Lợi ích của Phật giáo gắn chặt với lợi ích của dân tộc. Cho nên, việc thay thế triều Tiền Lê bằng triều Lý vừa đáp ứng đòi hỏi của dân tộc, nguyện vọng của nhân dân, vừa tạo điều kiện để Phật giáo phát triển sâu rộng. Vì thế, cuộc vận động chính trị thay thế triều Tiền Lê đã rỗng nát bằng việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi được Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc chuẩn bị trong một thời gian dài. Quá trình chuẩn bị đó khởi đầu từ khi Vạn Hạnh nuôi dưỡng, giáo dục Lý Công Uẩn cho đến khi Lý Công Uẩn chuẩn bị lên ngôi. Ông đã vận động bằng việc sáng tác bài thơ Cây gạo và những bài thơ quanh mộ Hiển Khánh Vương hay bài thơ nhắc đến tích chữ Quốc để tuyên truyền rộng rãi trong nhân gian:

                             Chỉ trong ba tháng thôi

                             Thân Vệ lên đỡ xã tắc

                             Lạc trà ấn có chữ Quốc

                             Mười khẩu xuống nước đất

                             Gặp thánh gọi thiên đức

                                                          [5, tr.417].

Những bài thơ, bài sấm của Vạn Hạnh đã tạo tâm lý sâu rộng trong nhân dân, khiến cho việc chuyển giao quyền lực không tạo ra sự phản kháng, bất bình lớn từ phía dân chúng. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư thì ở chùa Lục Tổ, Vạn Hạnh đã viết bài thơ yết bảng như là một cách để để công bố trước dân chúng sự ra đời chính thống của triều Lý:

                             Tật Lê chìm biển Bắc

                             Hạt Lý mọc trời Nam

                             Bốn phương gươm giáo lặn

                             Tám cõi mừng bình an

                                                          [5, tr.422].

Song hành với cuộc vận động trong dân chúng của Vạn Hạnh, tại kinh đô Hoa Lư, Đào Cam Mộc cũng khéo léo vận động để đưa Lý Công Uẩn lên cầm quyền. Căn nguyên của việc thay thế triều đại mà Đào Cam Mộc dùng để thuyết phục Lý Công Uẩn lên ngôi là xuất phát từ sự khủng hoảng đất nước dưới thời Lê Long Đỉnh và sự bất ổn của ngôi vua:

Bấy giờ ở trong nội có quan Chi Hậu là Đào Cam Mộc thăm dò biết vua có ý lên ngôi, bèn đem lời lẽ xa xôi nói khích rằng: Chúa Thượng (Ngọa Triều) tâm trí u tối, ương ngạnh, làm nhiều điều bất nghĩa (…) Con nối ngôi còn nhỏ, chưa đảm đương được việc khó khăn, nhiều sự phiền nhiễu, trăm vị thần không có chỗ nương tựa, hạ dân xôn xao mong muốn có vị chúa” [2, tr.113].

Đó còn là trên hợp với lẽ trời, dưới thuận với lòng dân, là noi gương sáng của người xưa:

Thân Vệ sao không nhân lúc này mà theo dấu thủa xa xưa là vua Thang, vua Võ, noi gương gần đây là họ Dương, họ Lê để làm, trên thuận lòng trời dưới theo nguyện vọng của dân, mà còn bo bo giữ cái tiểu tiết ấy hay sao?” [2, tr.115].

Đồng thời, Đào Cam Mộc cũng chỉ rõ con đường thực hiện lẽ trời, lòng dân, thu phục nhân tâm, vững chắc ngôi vị, chính thống việc cầm quyền và tạo sự tin tưởng của quần chúng vào một triều đại mới: “Nay trăm họ mỏi mệt, dân chúng không chịu nổi mệnh lệnh. Nếu Thân Vệ lấy ân đức vỗ về, trăm họ tất cùng nhau mà theo về, cũng như nước chảy xuống chỗ thấp, ai ngăn cản lại được” [2, tr.115].

Bên cạnh việc khuyên Lý Công Uẩn, Đào Cam Mộc còn ra sức vận động quần thần bàn định việc suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi. Kết quả là sự đồng thuận nhất trí cao của bá quan văn võ khi chấp thuận theo về với triều đại mới:

Cam Mộc biết được sự việc gấp gáp sợ sinh biến liền bàn tán với các khanh sĩ ở trong triều (…) mà lập mưu thưa rằng: Nay ấy là lúc ức triệu người đã có lòng khác, trên dưới đều xa lìa nhân đức, người ta oán giận các chính sách hà khắc của Tiên Vương (Ngọa Triều) nên không muốn theo về với tự quân nữa. Hết thảy mọi người đều có ý muốn tôn kính mà cử Thân Vệ lên thay. Bọn chúng ta không nhân lúc này mà lập Thân Vệ làm Thiên Tử rồi bất chợt có biến thì còn giữ được người thủ lĩnh không?” [2, tr.115]. Nhờ sự đồng thuận ấy, vương triều Lý ra đời: “Tất cả cùng theo giúp vua lên khánh điện lập làm Thiên Tử trăm quan đều hô vạn tuế” [2, tr.115].

Cuộc vận động song hành của Đào Cam Mộc trong kinh thành Hoa Lư và cuộc vận động của Vạn Hạnh trong dư luận dân chúng đã giúp sự chuyển giao quyền lực giữa hai dòng họ diễn ra nhanh chóng, đặt nền tảng cho sự ra đời, phát triển của triều đại mới - triều đại nhà Lý mà trong đó công đầu thuộc về đội ngũ tăng quan.

2. Định hình tư tưởng trị nước của các vị vua triều Lý

Lý Thái Tổ vốn xuất thân từ cửa Phật nên sớm thấm nhuần tư tưởng của Phật giáo: “Thái Tổ vốn ở trong phái Phật học mà ra nên khi ở ngôi vua, ngài hết sức sùng trọng Phật giáo” [7]. Vì thế, Phật giáo sớm có ảnh hưởng đến đường lối, tinh thần nhân trị của không chỉ Lý Công Uẩn mà còn các vị vua triều Lý khác thông qua đội ngũ tăng quan trực tiếp tham gia đào tạo, tham mưu các công việc triều chính.

Tư tưởng Phật giáo của các tăng quan trực tiếp tác động đến phương thức hành xử trong đạo trị nước của các vị vua triều Lý biểu hiện, cụ thể vào năm 1044, vua Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành bắt được rất nhiều tù binh, vua động lòng thương xót mới xuống chiếu: “Kẻ nào giết người Chiêm Thành sẽ bị giết không tha” [2, tr.136]. Hay vào mùa đông năm 1055, trời giá lạnh, Lý Thái Tông bảo với các quan rằng:

Trẫm ở trong cung nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu mà còn rét như thế này, nghĩ đến người tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay hay gian mà ăn không được no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chẩn và mỗi ngày cho hai bữa cơm ăn” [4, tr.256].

Đường lối đó thực là trị nước bằng đạo đức, nhân từ theo tinh thần “thương người như thể thương thân” chẳng khác nào lòng từ bi của Đức Phật. Chính tinh thần của Phật tử đã khiến cho “một ông vua ngôi cao chót vót trên đầu nhân dân mới có thể cảm thông thấu đáo nguyện vọng thầm kính của người dân” [8, tr.144 - 145]. Tư tưởng từ bi bác ái trong phương cách trị nước của các vị vua triều Lý khiến cho nhà Nho Ngô Sĩ Liên dù không ưa Phật giáo cũng phải tán dương cái tinh thần của Lý Thái Tông: “thương xót đến kẻ phạm tội, có lòng nhân ái với dân là bước đầu của nền vương chính” [8, tr.113].

Tư tưởng đó không phải được hình thành ngay trong một triều vua mà trải qua một quá trình lâu dài bằng nhiều phương thức khác nhau, từ việc các vị vua triều Lý trực tiếp được thụ học ở đội ngũ tăng quan hay tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các tăng quan trong việc trị nước, thậm chí, một số vị vua nhà Lý đã học Phật và tu Phật theo sự hướng dẫn, giúp đỡ của một số vị tăng quan. Dù bằng phương thức nào chăng đi nữa thì trong khi ảnh hưởng về đường lối nhân chính của Nho giáo còn chưa sâu đậm thì vấn đề đức trị, nhân trị mà triều Lý thi hành là kết quả của sự ảnh hưởng tinh thần Phật giáo.

3. Đưa ra những kiến nghị, đề xuất

          3.1. Tu chỉnh đạo làm vua

          Với tư cách là những cố vấn chính trị tối cao của triều Lý, đội ngũ tăng quan bằng vốn tri thức bác học của mình đã góp ý, kiến nghị, can gián, khuyên can nhà vua tu chỉnh đạo đức của bậc cai trị.

          Đối với nhà vua, đội ngũ tăng quan luôn có những kiến giải thẳng thắn khi được dự bàn và hỏi về việc chính sự. Ví như Viên Thông Quốc sư khi được vua Lý Thần Tông hỏi về đạo “lý trị loạn thịnh suy” đã mạnh dạn khuyên can nhà vua phải nắm và thực thi quyền lực đúng lúc sao cho phù hợp: “Thiên hạ ví như một thứ đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì yên, đặt vào chỗ nguy thì nghiêng, chỉ vì nhà vua nhân chủ hoạt động như thế nào đó thôi” [8, tr.88]. Mỗi khi chính sự bất ổn, nhà vua không chăm lo triều chính, ăn chơi sa đọa, coi thường việc quốc gia đại sự đến nỗi lòng dân oán hận, nguy cơ của sự vong loạn tiềm ẩn thì đội ngũ tăng quan là lực lượng đứng ra can gián, khuyên can nhà vua chớ nên hưởng lạc, chơi bời quá độ, bỏ bê việc triều chính mà hãy tu tỉnh nhân tâm giữ vững đạo làm vua, trường hợp Tăng phó Nguyễn Thường khuyên can Lý Cao Tông (1175 - 1210) là một minh chứng tiêu biểu:

          “Tôi thấy lời tựa trong kinh Thi rằng, âm thanh lúc nước loạn thì ai oán, để tỏ ý căm giận cái chính trị bạo ngược; âm thanh hồi nước mất thì đau thương, để tỏ ý lo cho dân trong cảnh khốn cùng cơ cực. Nay Chúa Thượng đi tuần du không có chừng mực, chế độ chính trị và việc giáo hóa thì trái ngược, dân chúng ở dưới thì khổ sầu. Sự nguy khốn đến thế thì thật là tột mức, mà ngày nay nghe cái âm thanh ai oán thì không phải đó là cái điềm loạn vong quốc hay sao? Tôi muốn xa giá từ đây trở về mà đừng đi chơi nơi cung ấy nữa vậy” [2, tr.236 - 237].

          Để xây dựng nền chính trị vững chắc, Viên Thông Quốc sư cho rằng đạo của bậc quân vương là phải không ngừng trau dồi đạo đức, tu sửa nhân tâm, gắng sức lo lắng cho con đường chính trị bởi nhà vua là tấm gương phản chiếu của nhân dân: “Các thánh vương đời xưa biết như thế nên bắt chước trời thì chăm lo tu sửa đạo đức của mình không ngừng, phải theo định luật của đất không ngừng tu cái đức để yên dân” [8, tr.89]. Mặt khác, phải đem lại lợi ích thiết thực cho dân, phải coi dân là gốc rễ trong việc thực thi các chính sách: “Đức hiếu sinh hợp với lòng dân, cho nên dân yêu vua như là cha mẹ vậy. Ngẩng trông lên nhà vua như trông lên mặt trăng mặt trời, như thế là đặt thiên hạ vào chỗ yên” [8, tr.89]. Yêu dân, lo cho dân trong quan điểm của Viên Thông là ông vua đó phải thi hành việc chính sự thận trọng, phải luôn ngày đêm lo lắng cho giang sơn xã tắc để cho sự hưng thịnh hiện hình mà nguy cơ vong loạn bị loại bỏ: “Yêu nhân dân là kính cẩn đối với người dưới, công chúng, nơm nớp như cầm cương cưỡi ngựa, được như thế không nước nào không suy vong. Cái mầm hưng thịnh hay suy vong dần dần ở tại đấy” [8, tr.89].

          Bằng những lời can gián, khuyên can, các tăng quan đã đề xuất về một mẫu hình đạo đức của người làm vua, đó phải là một ông vua biết chế tác và thực thi quyền lực hợp lý, phải khoan thư sức dân, coi dân làm gốc rễ, chăm lo chính trị, giáo hóa dân chúng. Những kiến nghị, đề xuất ấy ít nhiều đã tác động đến đường lối cầm quyền của các vị vua triều Lý.

3.2. Xây dựng bộ máy chính quyền, phát triển đất nước

          Xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh là mong muốn lớn xuyên suốt thời kỳ tồn tại của triều Lý. Bước đầu xây dựng, nhà Lý không tránh khỏi những khó khăn trong việc lựa chọn nhân tài tham gia vào xây dựng, phát triển đất nước. Chính trong bối cảnh đó, sự góp mặt của đội ngũ tăng quan như Vạn Hạnh, Viên Thông, Nguyễn Thường, Trí Thiền, Viên Chiếu đã góp phần không nhỏ trong việc đưa ra ý tưởng xây dựng bộ máy chính quyền, phát triển đất nước.

          Ngay khi lên ngôi, Lý Công Uẩn đã có những hành động đầu tiên trong việc phát triển đất nước là cho dời đô từ Hoa Lư về Đại La sau đó đổi tên thành Thăng Long: “Năm Canh Tuất (1010) () Lúc ban đầu vua thấy thành Hoa Lư chật hẹp, ẩm thấp, bèn dời đô đến thành Đại La” [8, tr.117]. Mong muốn khi dời đô là tạo sự phát triển phồn thịnh cho quốc gia dân tộc đến muôn đời. Viên Thông kiến nghị rằng để phát triển đất nước hưng thịnh như mong muốn khi ban chiếu dời đô phải là một quá trình chuyển biến lâu dài, không phải ngay trong một lúc mà thực hiện được: “Trời đất không phải từ lạnh đổi sang nóng ngay tức khắc, mà phải đi dần từ xuân sang thu, bậc vua chúa không thể hưng vong đột ngột mà phải từ từ theo tính cách thiện ác của họ” [5, tr.188]. Ý thức về phát triển đất nước là một quá trình lâu dài, khó khăn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, Viên Thông đã chủ trương xây dựng đất nước là phải bắt đầu từ việc xây dựng một bộ máy chính quyền vững mạnh.

Chính quyền vững mạnh, bên cạnh việc trên dưới nhân tâm là một khối thống nhất, kinh tế phát triển, quân đội hùng mạnh thì cần phải có một đội ngũ nhân tài đông đảo, được sử dụng đúng năng lực, phù hợp với yêu cầu của công việc và phải có chế độ đãi ngộ hợp lý. Bởi thực tế cho thấy rằng, hiệu quả của việc chính sự thành bại có căn nguyên gốc rễ là từ đây: “Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan, được người giỏi thì nước trị, dùng người xấu thì nước loạn. Các bậc đế vương đời trước sở dĩ hưng được nghiệp lớn là nhờ dùng người quân tử, bị mất nước là vì dùng kẻ tiểu nhân” [1, tr.111]. Ý thức sử dụng hiền tài qua kiến nghị của Viên Thông phần nào tác động đến đường lối xây dựng bộ máy chính quyền của triều Lý. Cho nên, bên cạnh sử dụng đại bộ phận trí thức Phật giáo, triều Lý còn thiết đặt và không ngừng đẩy mạnh con đường khoa cử đánh dấu bằng việc dựng Văn Miếu, Quốc Tử Giám và tổ chức khoa thi Minh kinh bác học năm 1075 nhằm tạo ra một đội ngũ trí thức Nho giáo bổ sung cho bộ máy chính quyền bên cạnh những trí thức Phật giáo.

Từ tư tưởng xây dựng đất nước cường thịnh đến việc nhận thức sự phát triển đất nước phải trải qua một quá trình lâu dài và việc đưa ra con đường để phát triển đất nước thông qua việc xây dựng và phát triển bộ máy chính quyền, đặc biệt là sử dụng hiền tài là những đóng góp của đội ngũ tăng quan với vấn đề xây dựng nhà nước, phát triển xã hội dưới thời Lý.

4. Đào tạo một đội ngũ trí thức cho bộ máy nhà nước

          Triều Lý được xác lập từ 1010 nhưng phải đến 1075 mới cho mở khoa thi đầu tiên. Trước yêu cầu của đất nước về đội ngũ nhân lực, trong khi các cơ sở đào tạo của nhà nước trước đó chưa ra đời nên ở giai đoạn đầu triều Lý, phần đa trí thức đều xuất thân từ cửa Phật, được đào tạo bởi đội ngũ tăng quan có trình độ học vấn uyên thâm: “Bấy giờ Hán học tuy đã phổ thông khắp dân chúng, nhưng Nho giáo hình như chỉ là phần phụ ít ai để ý đến, vì chưa có khoa cử, nên Phật giáo vẫn đứng địa vị độc tôn. Bởi thế, văn hóa và học thuật trong nước vẫn là ở trong phái Phật học cả” [7].

Hầu hết các tăng sư tham dự vào bàn chính sự thời Lý đều là những người có tài, vốn học quảng đại tiêu biểu như trường hợp của Vạn Hạnh: “Vạn Hạnh có học vấn uyên thâm, thần toán biết trước mọi việc, cũng là xuất sắc trong giới thiền sư” [8, tr.12]. Có những bậc thiền sư không chỉ am tường phật pháp mà còn am tường cả Tam giáo như Trí Thiền, Viên Thông, Mãn Giác, Bảo Giám. Vì vậy, họ đã mở trường dạy học bên cạnh nhiệm vụ đào tạo các tăng ni còn mở rộng đối tượng ra cả tầng lớp cư sĩ điển hình như Định Hương trưởng lão dạy học tại kinh thành Thăng Long: “Thời ấy ở Kinh đô có quan Thành Hoàng sứ là Nguyễn Tuân, rất kính mến đạo đức của ngài mời ngài về trú ở chùa Cảm Ứng, học trò đến học rất đông, ngài giáo hóa được nhiều người đắc đạo” [7]. Tại các nơi khác, nhiều vị tăng quan cũng mở trường dạy học thu hút được đông đảo học trò đến thụ giáo như trường hợp của Thuyền Lão Thiền sư: “Khi học đã đắc đạo rồi mới về ở ngôi chùa vùng Từ Sơn, danh tiếng lẫy lừng, học trò kể hơn nghìn người. Chỗ ở của Thiền sư thành ra một nơi tùng lâm đô hội” [7]. Từ những nguồn sử liệu còn lưu lại, chúng tôi thống kê được một số vị tăng quan tham gia vào quá trình dạy học, đào tạo nhân tài dưới thời Lý.

Bảng 4:

Một số vị tăng quan mở trường dạy học dưới thời Lý

[Nguồn: Thiền uyển tập anh, Việt Nam Phật giáo sử lược]

TT

Tên vị tăng quan

Hiệu quả của việc dạy học ([2])

1

Định Hương

Học trò đến học rất đông, giáo hóa được nhiều người đắc đạo

2

Thuyền Lão

Danh tiếng lừng lẫy, kẻ học đông đến hàng nghìn

3

Viên Chiếu

Người đến học quy tụ đông đảo

4

Ngộ Ấn

Học trò theo rất đông

5

Minh Không

Ngài mở trường dạy rất đông đệ tử

6

Uông Biện

Rất nhiều đệ tử

7

Đạo Huệ

Môn đệ hơn ngàn người, học trò đến đông không kể xiết

8

Thường Chiếu

Môn đồ rất đông

9

Đại Xả

Học trò học rất đông

Thông qua hoạt động dạy học của các vị tăng quan, nhiều nhân tài đã ra đời tham gia vào bộ máy chính quyền như việc Vạn Hạnh dạy dỗ, đào tạo Lý Công Uẩn tại chùa Lục Tổ; Trí Thiền đào tạo Tô Hiến Thành và Ngô Hoàng Nghĩa. Được đào tạo bằng nội dung, tinh thần của Phật giáo và kiến thức của Tam giáo, do đó, khi ra làm quan, bộ phận này trong cai trị, thực thi việc nước vừa hành xử theo tinh thần của Phật giáo nhưng lại có cách trị loạn theo tư tưởng của Bách gia chư tử. Ví như, Lý Công Uẩn khi dời đô đã cho là chiếu theo mệnh trời và việc thực hiện đường lối nhân trị xuyên suốt thời kỳ tồn tại của triều Lý đều chính là tư tưởng của Nho giáo song nó được thực hiện theo tinh thần của Phật giáo.

          Buổi đầu khi mà triều đại nhà Lý đang còn lúng túng trong đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực cho đất nướ, trong phạm vi và một mức độ nhất định, nhà chùa trở thành trường học, trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước, giúp họ hình thành những tri thức đầu tiên mà nội dung đào tạo là những kiến thức Phật giáo, Nho giáo, tri thức để trị nước. Các tăng quan trở thành lực lượng chủ đạo trong quá trình giáo dục, đào tạo mà dấu ấn của những đóng góp ấy là sự đông đảo, trưởng thành của một bộ phận lớn các quan giữ chức vụ trọng trách dưới triều Lý. Hình thức đào tạo chùa - trường là một mô hình giáo dục đặc biệt dưới thời Lý.

5. Để lại nhiều tác phẩm và trước tác có giá trị

          Không chỉ góp công tham mưu về chính sự, các tăng quan ở một giới hạn nào đó còn là lực lượng sáng tác chủ yếu dưới thời Lý. Chủ đề mà họ hướng đến là cảm hứng về Phật giáo, là những tác phẩm kinh sách của đạo Phật nhằm hoằng pháp tư tưởng của Đức Phật, làm nguồn tư liệu cho việc truyền bá, phát triển tư tưởng Phật học dưới thời Lý. Do đó, nhiều tác phẩm, trước tác về văn học, phật học ra đời có giá trị gắn với tên tuổi của nhiều vị tăng quan, tăng sư.

Các tác phẩm, trước tác của các thiền sư dưới thời Lý đều lấy Phật giáo làm đề tài sáng tác. Nó là cảm hứng gợi về sự vi diệu của phật pháp, tinh thần của phật học sự tu thành chân tâm, tiêu biểu là bài thơ của thiền sư Ngô Ấn:

                                      Chân tính hư vô khó đến nơi

                                      Chỉ hư tâm đạt đến mà thôi

                                      Trên núi ngọc thiêu màu vẫn thắm

                                      Trong lò sen nở sắc thường tươi

                                                                             [3, tr.192].

Bài thơ của thiền sư Ngô Ấn là cảm hứng tiêu biểu cho dòng thi ca Phật giáo. Bên cạnh đó, các tăng sư thời Lý còn để lại nhiều tác phẩm thi ca, trước tác có giá trị về mặt văn học, Phật học, ví như các tác phẩm Tán viên giác kinh, Dược sư thập nhị nguyện văn của Viên Chiếu được đánh giá: “Đó là những sách giá trị đầu tiên trong những sách luận giải về kinh điển nhà Phật của nước ta” [7]. Từ những ghi chép trong các sử sách, chúng tôi thống kê được một số tác phẩm tiêu biểu.

Bảng 5:

Một số tác phẩm và trước tác của đội ngũ tăng quan thời Lý

[Nguồn: Việt Nam Phật giáo sử lược; Lịch sử tư tưởng, Tập 3]

 

TT

Tác giả

Tác phẩm

1

Khánh Hỷ

Ngô đạo ca thi tập

2

Viên Thông

Viên Thông tập

3

Viên Thông

Chư Phật tích duyên sự ([3])

4

Viên Thông

Tăng già tạp lục ([4])

5

Viên Thông

Hồng chung văn bi ký

6

Viên Chiếu

Tham đồ hiển quyết ([5])

7

Viên Chiếu

Dược sư thập nhị nguyện văn ([6])

8

Viên Chiếu

Tán Viên Giác kinh ([7])

9

Viên Chiếu

Thập Nhị Bồ  tát hạnh tu chứng đạo tràng ([8])

10

Huệ Sinh

Đạo tràng khánh tản văn

11

Huệ Sinh

Pháp sự trai nghi

12

Thường Chiếu

Nam Tông tự pháp đồ

 

Văn học, thi ca là một phương thức biểu hiện tư tưởng của các vị thiền sư và tăng quan triều Lý. Cho nên theo đó nhiều tác phẩm đã ra đời. Qua từng tác phẩm, tư tưởng vể Phật pháp, chân tu, nhân sinh cuộc sống được biểu hiện chân thực, phản ánh bước phát triển của Phật giáo, cuộc sống xã hội dưới thời Lý, là một phần trong phương thức đóng góp của đội ngũ tăng quan đối với sự phát triển của văn hóa dân tộc. Dòng văn học Phật giáo với những sáng tác đó đã đặt nền móng cho sự phát triển của văn học trung đại Việt Nam.

 

 

 

 

KẾT LUẬN

Lịch sử Việt Nam thế kỷ XI gắn với những chuyển biến lớn của quốc gia dân tộc. Đất nước bước vào thời kỳ xây dựng chế độ nhà nước, xây dựng nền hòa bình thịnh trị. Với tinh thần nhập thế, trước yêu cầu của đất nước, triều đại, các vị tăng quan đã tích cực tham gia bàn định việc chính sự và trở thành cố vấn tối cao về chính trị của triều Lý. Nhìn về lịch sử tồn tại và phát triển của triều Lý và lịch sử Phật giáo Việt Nam, đội ngũ tăng quan như là bộ phận kiến thiết và định hình tư tưởng trị nước, dạy học, sáng tác văn học hay gián tiếp hơn thông qua những kiến nghị đề xuất đã đóng góp vào sự phát triển của triều Lý. Sự hình thành đội ngũ tăng quan và những đóng góp của họ đối với triều Lý là một hiện tượng đặc biệt trong sự phát triển của lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng.                                                                                                                        

N.V.S - L.T.T.H.

                                                                                       Đà Nẵng, 6/2010

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]     Huỳnh Công Bá (2006), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế.

[2]     Khuyết danh (1993), Đại Việt sử lược, Bản dịch của Nguyễn Gia Tường, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

[3]     Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, 2, 3, Nxb Văn học, Hà Nội.

[4]     Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2009), Đại Việt sử ký toàn thư, Toàn tập, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[5]     Lê Mạnh Thát (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 3, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

[6]     Lê Mạnh Thát (Dịch, 1976), Thiền uyển tập anh, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.

[7]     Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Bản điện tử lưu trữ tại website: http://www.quangduc.com.

[8]     Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 3, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

[9]     Nguyễn Tài Thư (Chủ biên, 1993), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

 

Tác giả: Nguyễn Văn Sang, Lê Thị Thu Hiền

Địa chỉ: Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng

 


[1] Tăng quan là những nhà sư có đạo cao, học vấn uyên thâm được vua mời ra làm quan giúp việc nước nhưng vẫn không hoàn tục.

[2] Những đánh giá được ghi lại trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Thích Mật Thể và Thiền uyển tập anh của dịch giả Lê Mạnh Thát.

[3], 4 Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang những tác phẩm trên  là của Bảo Giác.

5, 6, 7, 8 Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang những tác phẩm trên là của Viên Thông.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập