Tính ưu việt của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam

Đã đọc: 1169           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sự tập hợp thành một khối thống nhất cả nước, thông qua việc thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 và Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam năm 1952 là sự đồng thuận đầu tiên cho quá trình chấn hưng Phật giáo Việt Nam, đặt nền tảng cho sự phát triển Phật giáo sau này.

Thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam đã qua hai lần thống nhất trên phạm vi cả nước:

Thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất

Đến năm 1950, trên ba miền Bắc, Trung, Nam đã xuất hiện nhiều Hội Phật giáo, Hội Phật học của tăng sĩ và cư sĩ. Lúc này, thống nhất các hiệp hội Phật giáo thành một Giáo hội duy nhất làm tốt đạo đẹp đời trong cả nước là vấn đề mà tất cả những người nhiệt tình vì đạo Phật khắp nơi đều mong muốn.

Sự thống nhất này đã trở nên một điều cần thiết kể từ ngày 8/6/1950 là ngày Việt Nam chính thức làm hội viên Hội Phật giáo Thế giới, nhờ công sức vận động của Thượng toạ Tố Liên, Phó hội trưởng hội Việt Nam Phật giáo và Trưởng phái đoàn Việt Nam ở hội nghị Phật giáo quốc tế tại Colombo, Sri Lanka từ ngày 25/5 đến ngày 7/6/1950.

Sau một thời gian công tác trù bị hoàn tất, ngày 10/4/1951, Pháp chủ Thích Mật Ứng, đại diện Phật giáo Bắc Kỳ, Pháp chủ Thích Tịnh Khiết, đại diện Phật giáo Trung Việt, và Hoà thượng Thích Đạt Thanh, trụ trì chùa Giác Ngộ, đại diện cho Phật giáo Nam Việt kí vào lời hiệu triệu thống nhất Phật giáo gửi tới các tổ chức, giáo hội, sơn môn, hệ phái Phật giáo ở ba miền Bắc, Trung, Nam.

Ngày 6/5/1951, Hội nghị Phật giáo thống nhất toàn quốc Việt Nam cử hành lễ khai mạc tại chùa Từ Đàm, Huế với 51 đại biểu Phật giáo ba miền. Họp luôn trong 4 ngày (từ ngày 6/5 đến ngày 9/5). Kết quả Hội nghị đã nhất trí thông qua bản Điều lệ và Nội quy của Hội và bầu được Ban Tổng Trị sự nhiệm kì 3 năm. Hoà thượng Thích Tịnh Khiết được suy bầu là Hội trưởng, Thượng toạ Thích Trí Hải làm Phó Hội chủ.

Toàn cảnh Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt tại Hội trường chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Hội lấy tên là Tổng hội Phật giáo Việt Nam (PGVN), trụ sở đặt tại Thuận Hóa (Huế) và lấy ngày Phật Đản làm ngày kỉ niệm thành lập Tổng hội PGVN. Mục đích của Hội là:

  1. Thống nhất lực lượng, ý chí và hành động của Phật tử Việt Nam.
  2. Hướng dẫn Phật tử Việt Nam theo đúng tinh thần Phật pháp.
  3. Đào tạo tăng tài có đủ khả năng để hoằng dương Phật pháp.
  4. Sách lệ và hộ trì tăng ni nghiêm trì Giới luật.
  5. Tu tạo và bảo tồn các tu viện, các cơ quan văn hóa xã hội giáo dục của Phật giáo.
  6. Giao thiệp hay liên lạc với tất cả các tổ chức Phật giáo trên thế giới nếu tổ chức ấy theo đúng chính pháp.

Tổng hội PGVN là tổ chức Phật giáo có tính thống nhất, quy mô, tập hợp tăng, ni và Phật tử của 6 tập đoàn Phật giáo lớn trên cả 3 miền đất nước và có khả năng thu hút các tập đoàn Phật giáo còn lại. Tuy nhiên, nghịch duyên vẫn còn, thực dân Pháp tìm cách phá hoại (thành lập từ 1951 nhưng mãi đến 1953 chính quyền mới chính thức công nhận và cho phép Tổng hội hoạt động bằng Nghị định số 45MI/DĐP ngày 8/7/1953), chia rẽ các lực lượng yêu nước trong đó có Phật giáo. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta còn gặp những khó khăn, đất nước chưa có chủ quyền nên mọi hoạt động của Tổng hội có những hạn chế nhất định. Nhất là sự thống nhất mới chỉ đóng khung trong người Việt, chưa thống nhất trọn vẹn trong phạm vi quốc gia, vì thiếu vắng các thành phần sau:

1) Phật giáo Khmer;

2) Phật giáo Nam Tông người Việt;

3) Phật giáo người Hoa;

4) Phật giáo Khất sĩ;

5) Phật giáo Cứu Quốc ở vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm trên cả ba miền.

Sau một thời gian chuẩn bị, từ ngày 8 đến ngày 14/9/1952, các đại biểu của Tăng già Bắc, Trung, Nam đã tề tựu tại chùa Quán Sứ để họp Đại hội đồng thành lập Giáo hội Tăng già toàn quốc. Đại hội đồng đã thông qua bản Quy chế của Giáo hội; bầu ra Hội đồng Pháp chủ gồm ba vị Pháp chủ ở ba miền, có nhiệm vụ chứng minh và ủng hộ về mọi công việc do vị Thượng thủ cùng Tổng Trị sự đảm nhiệm; suy tôn vị Thượng thủ đứng đầu Giáo hội và bầu ra Tổng Trị sự (nhiệm kì 2 năm) cùng các chuyên ban để thực hành các công việc của Giáo hội. Hoà thượng Tuệ Tang – Thích Tâm Thi được suy tôn là Thượng thủ. Thượng toạ Trí Hải là Tổng Trị sự.

Giáo hội lấy tên là Giáo hội Tăng già (GHTG) Việt Nam, trụ sở đặt khắp Bắc, Trung, Nam tuỳ theo nơi vị Thượng thủ ở.

GHTG toàn quốc Việt Nam ra đời nhằm mục đích thiết lập một cơ chế lãnh đạo nhất quán để hoạt động Phật sự hữu hiệu hơn; trên cơ sở đó tạo mối quan hệ rộng rãi với các tổ chức Phật giáo trên thế giới, nhất là đối với Hội Liên hữu Phật giáo thế giới mà Phật giáo Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập tổ chức này.

Sự tập hợp thành một khối thống nhất cả nước, thông qua việc thành lập Tổng hội PGVN năm 1951 và GHTG toàn quốc Việt Nam năm 1952 là sự đồng thuận đầu tiên cho quá trình chấn hưng Phật giáo Việt Nam, đặt nền tảng cho sự phát triển Phật giáo sau này.

Chư tôn giáo phẩm các thành viên Ban Vận động tại chùa Quán Sứ, tham dự Hội nghị kỳ 2, ngày 18-1-1981.

Thống nhất Phật giáo Việt Nam tháng 11 năm 1981

Từ tháng 7 năm 1954, chiến tranh Pháp – Việt chấm dứt, theo quy đỊnh của Hiệp định Gieneve nước ta tạm chia thành hai miền bởi vĩ tuyến 17.

Thời kỳ từ 1954 – 1975

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Đến tháng 3 năm 1958, các tổ chức Phật giáo miền Bắc tiến hành Đại hội thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (PGTNVN), trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Đây là tổ chức Phật giáo lâu bền nhất trong cả ba miền đất nước tới trước năm 1975. Tuy nhiên, đây chỉ là thống nhất Phật giáo trên nửa nước.

Ở miền Nam, Tổng hội PGVN mất dần sức mạnh, nhiều tập đoàn Phật giáo được thành lập và hoạt động theo quy mô nhỏ hơn. Ngày 31/12/1963, 6 tập đoàn của Tổng hội PGVN và 5 giáo phái Phật giáo khác đã họp và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tuy nhiên do chưa tập hợp được tăng, ni, Phật tử vùng giải phóng, chưa lôi cuốn được một số hội đoàn, giáo phái Phật giáo tại miền Nam và chỉ hoạt động ở miền Nam nên ý nghĩa thống nhất cũng không được trọn vẹn.

Tóm lại, từ 1954-1975 ở từng miền đã có thống nhất các tổ chức Phật giáo Nhưng cũng chỉ mang tính chất cục bộ. Trong hoàn cảnh đất nước chia đôi, với hai thể chế chính trị khác nhau, Phật giáo cùng chung vận mệnh dân tộc, nên cho dù có muốn thống nhất cũng không được.

Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Sau ngày 30/4/1975, non sông thu về một dải,  đất nước thống nhất dưới tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bắc Nam xum họp một nhà.

Lúc bấy giờ, nhà nước CHXHCN Việt Nam thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo. Nhà nước nhận thức được nhu cầu thống nhất tổ chức của Phật giáo, nên đã chủ động, hướng dẫn, tạo duyên cho công cuộc thống nhất Phật giáo theo mục tiêu quản lý của Nhà nước. Một thuận lợi nữa cho công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam là trong số các hệ phái, tổ chức Phật giáo đang hiện diện có Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại miền Bắc có hệ thống tổ chức từ Trung ương xuống đến cơ sở, có trụ sở và phương tiện vật chất làm việc.

Tất cả điều đó tạo ra điều kiện vô cùng thuận lợi cho một Giáo hội thống nhất trong tương lai.

Từ  tháng 8 năm 1975 trở đi, tại chùa Xá Lợi, Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Tp. Hồ Chí Minh ra đời gồm 10 thành viên.

Trong những năm tiếp theo, tăng, ni, Phật tử hai miền Bắc, Nam đã có nhiều chuyến viếng thăm lẫn nhau.

Hoàn cảnh, điều kiện để thống nhất các tổ chức Phật giáo đã có thời cơ thuận lợi. Từ ngày 12 – 13/2/1980, tại Tp. Hồ Chí Minh, 9 tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước đã nhất trí thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam..

Sau gần hai năm chuẩn bị, ngày 4/11/1981, Đại hội đại biểu thống nhất PGVN với 165 đại biểu đại diện cho 9 tổ chức giáo hội, hệ phái cả nước: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Cổ truyền Việt Nam; GHPG Nguyên thuỷ Việt Nam; GHTG Khất sĩ Việt Nam; GHPG Thiên thai Giáo Quán tông; Hội Phật học Nam Việt; GHPG Việt Nam Thống nhất; Hội Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh.khai mạc tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Sau 4 ngày làm việc, Đại hội đã nhất trí thông qua bản Hiến chương Phật giáo, bản Đại cương chương trình hoạt động và suy tôn Hội đồng Chứng minh, suy cử Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời và được nhà nước công nhận là tổ chức Phật giáo duy nhất tại Việt Nam.

Đại biểu tham gia biểu quyết.

Từ tháng 11 năm 1981 đến nay, GHPGVN đã gặt hái nhiều kết quả và hiện có một vị trí khá vững vàng trong cộng đồng dân tộc. Điều này cho thấy công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam 1981 (CCTNPGVN) đã đi đúng hướng và trúng ý nguyện của Phật giáo ba miền. Nó đã thể hiện tính ưu việt trên những mặt sau:

  1. So với các lần thống nhất trước đây thì CCTNPGVN 1981 là thành công nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử PGVN đã quy tụ được các tổ chức, giáo hội với màu sắc tu tập khác nhau vào một tổ chức, điều mà Phật giáo các nước khác khó có thể có được.
  2. Lần đầu tiên, từ các hệ phái, sơn môn riêng rẽ, đến nay PGVN xây dựng được bộ máy Giáo hội thống nhất cả về ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, có Hiến chương. Suy tôn ngôi Pháp chủ, tấn phong hàng giáo phẩm.
  3. Trong quá trình hoạt động, về Phật sự, GHPG đã điều hòa, đoàn kết được các tổ chức hệ phái, nghiên cứu giáo lý, xuất bản kinh sách, dẫn dắt tăng ni Phật tử tu tập đúng chính pháp. Về thế sự, GHPG đã vận dụng tinh thần khế lý, khế cơ Phật đà, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nhà nước Việt Nam, Giáo hội để ra phương châm hành đạo: “Đạo pháp – Dân tộc – CNXH” nhằm ủng hộ đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và tôn trọng pháp luật. Dựa vào phương châm hành đạo, cùng với sự ủng hộ của chính quyền, Giáo hội đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là các hoạt động từ thiện, văn hóa, đạo đức, bài trừ mê tín dị đoan, bảo đảm an ninh trật tự, đoàn kết toàn dân, xây dựng chính quyền.

Các đại biểu dự Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam chụp hình trước chính điện chùa Quán Sứ – Trụ sở Trung ương Giáo hội

Kể từ ngày thánh lập, GHPGVN đã có quá trình lịch sử đáng để suy ngẫm, có bước phát triển khá quy mô về cơ cấu tổ chức và hoạt động, có bộ máy hành chính đạo ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, có đội ngũ tăng ni đông đảo để truyền đăng tục diệm, có cơ sở đào tạo đủ các cấp: trường Phật học cơ bản, Trung cấp, Cao đẳng và Học viện Phật giáo, có trên 14.000 cơ sở thờ tự. Điều này đặt cơ sở cho bước tiến tiếp theo của Giáo hội. Nhưng vấn đề đặt ra là GHPGVN cần phải làm gì để phát huy cao nhất tính ưu việt của mình và cần phải làm gì hơn nữa để lí tưởng trong sáng được mãi mãi toàn bích và thành trì tín đồ mãi mãi hùng mạnh nhất là trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập với thế giới và Phật giáo trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã hình thành và đang phát triển. Nhà nước ta đã tuyên bố mở rộng cửa đón Việt kiều về góp phần xây dựng Tổ quốc ngày một hưng thịnh, thiết nghĩ GHPGVN cũng cần có những bước đi tương ứng đối với Phật giáo trong cộng đồng người Việt ở ngoài nước.

GHPGVN cũng nên lắng nghe mọi ý kiến từ các nơi trên tinh thần Lục Hòa, để từ đó có những bước điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Về phía các tu sĩ, trên cơ sở thực hành Lục Hòa và truyền bá chính pháp Vô thượng của đức Thế Tôn, hãy luôn hướng dẫn mình, người và muôn loài về Đại từ bi, Đại Trí tuệ, Đại Vô uý của chư Phật.

Đức Phật từng dạy: “Chế tâm nhất xứ, vạn sự bất biện”, nghĩa là đã thống nhất ý chí thì bất cứ việc gì cũng được trọn vẹn cả. Thực hiện được lời dạy này của đức Thế Tôn chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được ngôi nhà chung GHPGVN trang nghiêm.

Chỉ có thống nhất ý chí và tổ chức thì PGVN mới tạo được sức mạnh trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc 1920-1953, Nxb Tôn Giáo, 2007.
  2. Báo Giác Ngộ năm 1980 – 19813: Thích Trí Chơn. Lược khảo quá trình hình thành và phát triển GHPGVN, Giác ngộ, số 199/2003.
  3. Nguyễn Tất Đạt, Nhà nước và GHPGVN giai đoạn từ 1981 đến nay, Luận án Tiến sĩ Triết học, 2010.
  4. Đề cương: GHPGVN 30 năm thành lập, phát triển và đồng hành cùng dân tộc, 9/2011

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập