Bảo vật quốc gia: Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay

Đã đọc: 6189           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bức tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay chùa Hội Hạ, hiện lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tiêu biểu cho di sản mỹ thuật Phật giáo thời Lê Trung hưng.

Gian nan dời tượng quý


Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay chùa Hội Hạ, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật - Ảnh: Ngọc Thắng 

Nhà nghiên cứu Trần Thức không bao giờ quên nhiệm vụ trọng đại mà Viện trưởng Viện Mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung giao cho mình hồi năm 1964. Ông Cung mời ông Thức lên và nói: “Nhờ đồng chí lên chùa Hội Hạ, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Yên, nơi có pho tượng Phật bà Quan âm khá đẹp. Tôi đã có dịp xem và tìm hiểu, mời đồng chí đến xem, nghiên cứu; nếu thấy được thì ta đề nghị nhà chùa và địa phương nhường cho Bảo tàng Mỹ thuật đưa về Hà Nội giới thiệu với nhân dân và quốc tế thì thật tốt”.

Sau đó, ông Thức bắt đầu một cuộc “dân vận” vài tuần. Nhà chùa, người dân và địa phương cuối cùng cũng đồng ý. Công việc tiếp theo khó khăn không kém là dỡ tòa tượng để chuyển về. “Tôi trình bày với ông viện trưởng cần phải có một thợ mộc giỏi lên điều khiển tháo dỡ tác phẩm mới an toàn. Thật may mắn, bảo tàng đang có một thợ mộc lão luyện là bác Cai Tường, vốn là thợ bậc cao, kỹ thuật 7/7 của hãng đồ gỗ nổi tiếng Mémo trước cách mạng. Bác Tường đã hoàn thành xuất sắc việc tháo dỡ tòa tượng cổ”, ông Thức nhớ lại.

Nhưng ngay cả khi tượng về đến bảo tàng, những công tác kỹ thuật cũng chưa kết thúc. Những bộ phận như thân tượng, tòa sen đều nặng tới hàng tấn, lại cồng kềnh. Trong khi cầu thang chỉ rộng có 1,2 m, lại dích dắc. Một kiến trúc sư đã phải tính toán sức chịu lực phòng trưng bày để tượng có thể an tọa. Cũng theo ông Trần Thức, sau khi cắt băng khai mạc năm 1966, tượng cũng đã vài lần phải đi sơ tán. Lần thứ nhất, tượng được dời đến một đình làng ở Phúc Yên. Sau đó, trong chiến tranh, tượng lại được mang về Sơn Tây. Lần đi xa nhất, năm 1979, tượng được chuyển lên tận Đà Lạt. Sau đó, tượng quay về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và ở đó cho đến nay.

Niên đại thời Lê hay Mạc ?

Theo các nhà nghiên cứu, đây là một trong những pho tượng Quan âm lớn nhất trong số các tượng Quan âm thế kỷ 16. Hiện tại, chùa Hội Hạ cũng có một phiên bản tượng Quan âm khác. “Người dân cho biết phiên bản tượng này đặt trước toàn bộ tam bảo, hai bên có tứ Bồ tát chắp tay hướng vào. Vị thế này cho thấy rất có thể chùa Hội Hạ xưa là chùa thờ riêng Quan âm. Pho tượng chiếm vị trí trung tâm nên được làm rất trau chuốt, quan tâm đến cả 4 chiều không gian”, một nghiên cứu của Trang Thanh Hiền cho biết.

Cũng theo nghiên cứu này, pho tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay cao hơn 3 m cả bệ được tạc trong dáng vẻ một người phụ nữ nông thôn đôn hậu. Khuôn mặt đầy đặn, mắt khép hờ, mũi nở, cằm thon. Cổ tượng không cao lắm có ba ngấn. Mũ thiên quan được chia làm hai phần vành và đai mũ. Vành mũ khắc chìm hình vân mây, vảy cá lớn, so le nhau từng lớp một, biểu tượng cho nguồn năng lượng ánh sáng. Đai mũ ôm sát trán, trên gắn nổi những bông hoa sen có dạng hình lá đề nhọn đầu, trong lòng chạm chìm 3 vòng tròn dựng lên dạng hình tháp.

Nghiên cứu còn cho biết tượng có những cánh tay lớn khá mập mạp nhưng mềm mại, uyển chuyển và cân xứng với thân hình to bè của Quan âm. Hai tay chắp trước ngực kết ấn liên hoa hợp chưởng. Hai ống tay áo của đôi tay giữa được tạc rủ xuống hình cánh cung trước ngực. Đây cũng là chi tiết đặc trưng cho phong cách tượng Quan âm thế kỷ 16, khiến khuôn bụng của pho tượng có cảm giác thon nhỏ lại với một nút thắt áo tinh tế.

Nút thắt này cũng góp phần tạo nên dạng thức vai nở bụng thon cho các tượng thế kỷ 16, mà sang thế kỷ 17 đã bị thay thế bằng kiểu thức bụng nở. Một đặc trưng phong cách tượng Quan âm thế kỷ 16 khác là phần bệ dưới cùng có dạng hình lục giác dẹt, với các cạnh không đều nhau.

“Đặc sắc nhất là 6 con Garuda đầu chim mình lực sĩ được chạm ở phần thắt dang tay đỡ bệ. Đây là loại linh vật xuất hiện khá nhiều trong nghệ thuật Champa. Trong mỹ thuật Đại Việt, hình tượng này thường chỉ tìm thấy ở bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần, mà các giai đoạn sau gần như không có. Cũng do biểu tượng này, nhiều nhà nghiên cứu băn khoăn về niên đại của tượng”, Trang Thanh Hiền viết. Trên thực tế, ông Nguyễn Đỗ Cung đã cho rằng đây là một tác phẩm thời Mạc. Cùng quan điểm, TS Đoàn Thị Mỹ Hương, Viện Văn hóa nghệ thuật, cũng xếp đây là tác phẩm thời Mạc. Mặc dù vậy, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng tác phẩm này thời Lê Trung hưng. Điều này thể hiện trên chú thích tác phẩm tại bảo tàng.

Về việc niên đại bức tượng, GS Trần Lâm Biền, ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nói: “Bức tượng có phong cách thời Mạc, nhưng niên đại là đầu thế kỷ 17. Vì phong cách nằm giữa đấy. Thế kỷ 16 là thời Mạc, đầu thế kỷ 17 đã Lê Trung hưng rồi. So sánh về niên đại trên hoa văn thì thấy nó ở thế kỷ 17 nhưng nhiều chi tiết vẫn mang phong cách thời Mạc. Nên đề chữ phong cách thời Mạc đầu thế kỷ 17”.

 

Thế kỷ 16 được biết đến với sự phục hưng của Phật giáo trên mọi phương diện, từ xây dựng đến trùng tu chùa chiền, đúc tạc tượng Phật. Khi đó, tín ngưỡng thờ Quan âm phát triển mạnh mẽ, có nhiều ngôi đền, chùa chỉ thờ riêng Quan âm dọc sông Hồng, sông Đáy.

Nguồn: Thanh Niên Online

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập