Phong trào đấu tranh Phật giáo miền Nam 1963 - Từ góc nhìn của người Mỹ

Đã đọc: 2854           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH &
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM

NHÌN LẠI PHONG TRÀO 
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963 
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2013

 

 

PHẦN II

 

BỐI CẢNH LỊCH SỬ, SỰ KIỆN, NHÂN VẬT, VĂN HỌC TRONG PHONG TRÀO

 

PHẬT GIÁO Ở MIỀN NAM NĂM 1963


 

PHONG TRÀO ĐẤU TRANH PHẬT GIÁO MIỀN NAM 1963 – TỪ GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI MỸ

PGS.TS. Đào Ngọc Chương

Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM

Đã năm mươi năm trôi qua, phong trào Phật giáo miền Nam 1963 vẫn còn đó như một thách thức. Trong bối cảnh miền Nam Việt Nam 4 năm trước năm 1963 (Luật số 10/59 gieo rắc sự sợ hãi và gây nên làn sóng phản đối, sự thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam năm 1960, sự thất bại của quân lực VNCH trong trận Ấp Bắc tháng 1/1963…), nguyên nhân của cuộc chính biến ngày 01/11/1963 lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm được nhìn nhận chưa thực sự thống nhất. Phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam năm 1963, trong tình hình đánh giá như thế, cần thiết được nhìn nhận lại từ nhiều phía, tức từ những vị trí khác nhau, có khi hoàn toàn đối lập. Trong bài viết ngắn này, trên cơ sở một số tư liệu chính thức (của quan chức, chính khách, sử gia, nhà báo Mỹ) tôi trình bày, khảo sát cách nhìn của một số nhân vật người Mỹ trong mối liên quan thời cuộc đối với phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam năm 1963. Từ những khảo sát này, có thể sơ bộ xác định vai trò, vị trí của phong trào đấu tranh đó với những quyết định có tính chất bước chuyển quan trọng trong chính trường miền Nam bấy giờ.

 Robert S. McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 1961 đến 1967 dưới thời hai Tổng thống Mỹ là Kennedy và Johnson, là tác giả cuốn Trong dòng hồi ức – Bi kịch và những bài học Việt Nam (In Retrospect – The Tragedy and Lessons of Vietnam), xuất bản năm 1995. Trước đó, tức trước năm 1995, ông không nói gì về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, càng không nói gì về phong trào Phật giáo Việt Nam thời gian đó. Nhưng trong Trong dòng hồi ức – Bi kịch và những bài học Việt Nam, Robert S. McNamara đã ít nhất đề cập đến phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam 1963 trong hai chương: Chương hai, “The Early Years: January 19, 1961 – August 23, 1963” và Chương ba, “The Fateful Fall of 1963: August 24 – November 22, 1963”.

Cuối chương hai (“Những năm tháng đầu tiên: 19-1-1961 – 23-8-1963”), McNamara đã viết rất chung trong một đoạn ngắn: “Khoảng thời gian đó, một cuộc khủng hoảng chính trị và tôn giáo đã nổ ra khắp miền Nam Việt Nam. Những người Phật giáo tức giận chế độ Diệm hạn chế tự do tôn giáo, đã tiến hành những cuộc phản đối dẫn đến việc lực lượng an ninh của Diệm trả đũa mạnh mẽ. Phản ứng tàn bạo này đã kích động những cuộc phản đối ngày càng nhiều kể cả việc những tu sĩ Phật giáo hy sinh thân mình gây chấn động. Những sự cố này khiến tôi và những người khác ở Washington (tức các giới chức cao cấp của Mỹ tại Washington – người viết) phải kinh hoàng, khiếp đảm, và khiến cho sự thống trị của Diệm trở nên rối loạn hơn bao giờ hết.

Cuối tháng Tám (người viết nhấn mạnh), khi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân trình bày kế hoạch rút lui theo yêu cầu của tôi, tình hình vẫn còn hỗn loạn. Tuy nhiên, họ cho rằng theo sự tin tưởng của riêng họ thì không nên rút lực lượng Mỹ nào đi cho đến khi cuộc khủng hoảng lắng xuống (người viết nhấn mạnh). Họ đã gợi ý rằng không một quyết định nào được phê chuẩn nhằm tiến hành kế hoạch rút lui cho đến cuối tháng Mười” (tr. 49).

Chúng ta cần biết rằng chính Robert S. McNamara là người đề xuất kế hoạch rút các lực lượng Mỹ bấy giờ.[1] Và về sau này, dù là một người thuộc phe “diều hâu” nhưng McNamara đã tìm cách đưa Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Nỗ lực này của ông tập trung thể hiện trong bức thư ngày 19-5-1967 gửi cho Tổng thống Lyndon B. Johnson nhưng Johnson không trả lời. Cụm từ “cuối tháng Tám” ở đây cần được hiểu là khoảng thời gian trước ngày 24-8-1963, tức là trước khi Mỹ có đủ các thông tin về cuộc đàn áp Phật giáo đẫm máu vào ngày 21-8-1963, trước khi Mỹ có một quyết định quan trọng đối với tình hình chính trị của miền Nam Việt Nam bấy giờ; và bấy giờ quyết định “rút lui” như được nêu cũng phụ thuộc vào sự lắng dịu của phong trào đấu tranh. Như thế, trong một cách nhìn nhất định, “cuộc khủng hoảng chính trị tôn giáo” năm 1963 tại miền Nam rõ ràng có một tầm ảnh hưởng lớn đối với những quyết định của Mỹ lúc ấy.

Vì thế, ngay từ đầu chương ba (“Sự sụp đổ định mệnh năm 1963: Ngày 24-8 – 22-11-1963”), McNamara tiếp tục đề cập đến phong trào Phật giáo. “Mâu thuẫn vẫn âm ỉ suốt mùa hè giữa những người Phật giáo và  chính quyền miền Nam Việt Nam. Bất ngờ (người viết nhấn mạnh), ngày 21 tháng 8, chính quyền đàn áp thẳng tay. Sau khi Diệm phê chuẩn, Nhu ra lệnh cho một đơn vị quân đội tinh nhuệ bố ráp chùa chiền vào sáng sớm ngày 21-8-1963 (in the early hours). Họ đập phá cửa vào đã được dùng làm các chướng ngại vật phòng thủ và ngược đãi những vị tu sĩ phản đối. Nhiều vị tu sĩ bị lôi vào tù.

Diệm vẫn hành động mặc dù cá nhân đã đoan chắc với Frederick E. Nolting, Jr., Đại sứ sắp mãn nhiệm, rằng sẽ không tiến hành những bước đàn áp Phật giáo mạnh hơn”.

Chúng ta vẫn không thể hiểu hết tại sao McNamara cho rằng “Diệm không thể sắp xếp thời gian bố ráp, tấn công chùa chiền một cách tệ hại hơn.” (Diem could not have timed the pagoda raid more poorly[2]). Đó là ngày 21-8-1963. Có thể thời gian này liên quan đến kỳ nghỉ cuối tuần của các quan chức Washington, và “bất ngờ” đối với họ, nghĩa là nằm ngoài những dự kiến của họ về tình hình, nghĩa là chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam bấy giờ tự ý tiến hành cuộc đàn áp đó.

Khi những báo cáo về sự bạo ngược của Diệm ùa vào Washington trong ngày 24-8-1963. Và, trước khi ngày 24-8-1963 khép lại, Mỹ đã quyết định phát động một chiến dịch quân sự (a military coup) mà theo McNamara là một trong những quyết định then chốt liên quan đến Việt Nam trong thời kỳ của chính quyền Kennedy và Johnson. Người chủ trương trong sự kiện này là Roger Hilsman, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Viễn Đông (assistant secretary of state for Far Eastern affairs), đã gửi một bức điện cho Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge ở Sài Gòn lên án các hành động của Ngô Đình Nhu trong đó có việc lợi dụng quân đội để trấn áp, đập phá chùa chiền, yêu cầu loại Ngô Đình Nhu ra khỏi chính trường, và “Nếu tất cả những nỗ lực của anh mà Diệm vẫn ngoan cố và từ chối thì chúng ta sẽ đối diện với khả năng là Diệm không thể tự bảo vệ mình được.

…Đồng thời chúng ta cũng phải nói với những tướng lãnh quan trọng rằng Mỹ thấy không thể hỗ trợ GVN [chính phủ Việt Nam] về quân sự và kinh tế nữa trừ phi… các biện pháp [thả các vị tu sĩ bị bắt] được thực hiện ngay lập tức…[3].

Kế hoạch đó, tức kế hoạch đảo chính Ngô Đình Diệm, sau này đã được thực hiện vào ngày 1-11-1963 sau nhiều lần tranh luận, thương thảo, thêm bớt, hòa giải nhưng rõ ràng đã định hình từ thời điểm bước ngoặt then chốt của phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam năm 1963.

Theo hồi ức của McNamara, vào tuần đó (that week) hầu như các yếu nhân của Washington (Kennedy, Dean Rusk, McGeorge Bundy, John McCome, Robert S. McNamara) đều rời khỏi Washington và khi những báo cáo về cuộc đàn áp Phật giáo vào ngày 21-8-1963 rộng khắp miền Nam Việt Nam được gửi về thì người xử lý trực tiếp có lẽ là Roger Hilsman và những đồng sự của ông (He and his associates).

Sau này, trong cuốn sách To Move a Nation: The Politics of Foreign Policy in the Administration of John F. Kennedy (New York: Doubleday. 1967), Roger Hilsman có đề cập đến cái bức điện quan trọng trong ngày trọng đại này. Và theo Roger Hilsman thì người phê chuẩn là Tướng Carter (tức Marshall Sylvester Carter) đại diện cho CIA.

 Về cuốn sách nêu trên của Roger Hilsman và về việc phê chuẩn nội dung bức điện ngày 24-8-1963, chúng ta có thể nghe ý kiến của Abbot E. Smith trong bài điểm sách “Trong giới hạn tôi có thể phát hiện thì cuốn sách (tức cuốn To Move a Nation của Roger Hilsman) mô tả chính xác quan điểm và hoạt động của CIA. Tuy nhiên, có một vấn đề tác giả nhầm lẫn và đó là một vấn đề quan trọng. Một ngày tháng 8, 1963 – đó là ngày thứ Bảy[4] – Bộ Ngoại giao gửi một bức điện đến Sài Gòn, có hiệu lực, ra lệnh rút sự ủng hộ của Mỹ đối với Ngô Đình Diệm. Đó là một bức điện đáng nhớ được George Ball, Averell Harriman, N-Michael Forrestal, và Hilsman phác thảo. Việc thông qua (clearance) bức điện này là một vấn đề bởi vì rất nhiều con người quan trọng đã rời khỏi Washington hôm đó. Theo Hilsman thì bức điện được Tướng Carter đại diện cho CIA phê chuẩn; và chắc chắn Hilsman phải biết. Nhưng sự thật là nó không được phê chuẩn, hoặc không được xem trước, bởi bất cứ nhân vật nào của CIA, và nó đã tạo ra một cơn náo động (a sensation) khi nó được đọc sau khi đã được gửi đi. Dĩ nhiên đây là một hành động cao tay, và đối với CIA nó không phải nói ừ hoặc chả.”[5] Có lẽ vì tình trạng này mà McNamara coi Roger Hilsman là người chủ động (the initiative) và chỉ nhắc đến Roger Hilsman và các đồng sự của ông (He and his associates) chứ không nêu tên cụ thể[6].

Bức điện quan trọng đó thường được gọi là “Cable 243” được gửi đi từ Bộ Ngoại giao Mỹ và người nhận là Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn bấy gờ là Henry Cabot Lodge. Bức điện nêu lên ba điểm yêu cầu như nội dung trích dịch sau đây.[7]

… Bây giờ đã rõ quân đội đưa ra lệnh thiết quân luật hay Nhu lừa họ làm điều đó, Nhu đã lợi dụng sự áp đặt của nó để đập phá chùa chiền bằng cảnh sát và lực lượng đặc biệt của Tung trung thành với ông ta, như thế là đang đặt trách nhiệm trên vai quân đội theo cách nhìn của thế giới và nhân dân Việt Nam. Cũng rõ ràng là Nhu khôn khéo đưa mình vào vị trí lãnh đạo…

…….

Bây giờ chúng ta tin rằng một hành động tức thì phải được tiến hành nhằm ngăn Nhu củng cố vị trí của mình hơn nữa. Vì thế, trừ phi anh tham khảo ý kiến với Harkins nắm bắt được những lý do phản đối thuyết phục hơn thì anh được ủy quyền tiến hành theo những dòng sau đây:

(1) Chúng ta phải áp lực lên những cấp thích hợp của Chính phủ miền Nam Việt Nam theo đường hướng sau:

(a) Chính phủ Hoa Kỳ không thể chấp nhận những hành động chống Phật giáo do Nhu và các cộng sự của ông ta tiến hành dưới chiêu bài thiết quân luật.

(b) Thúc đẩy những hành động cao độ khôi phục tình hình phải được tiến hành, kể cả việc hủy bỏ Dụ số 10 (người viết nhấn mạnh), thả các Tăng, Ni Phật giáo, v.v…

(2) Đồng thời chúng ta cũng nói với các tướng lãnh[8] rằng Hoa Kỳ thấy rằng không thể tiếp tục ủng hộ Chính phủ miền Nam Việt Nam về mặt quân sự và kinh tế trừ phi biện pháp tiên quyết được thực hiện ngay mà chúng ta nhận thức là cần thiết phải loại gia đình Nhu ra khỏi chính trường (above steps are taken immediately which we recognize requires removal of the Nhus from the scene). Chúng ta muốn cung cấp cho Diệm cơ hội hợp lý để loại bỏ gia đình Nhu, nhưng nếu ông ta vẫn ngoan cố, thế là chúng ta sẵn sàng chấp nhận sự ngụ ý hiển nhiên rằng chúng ta không thể ủng hộ Diệm nữa. Anh cũng sẽ nói với các sĩ quan cao cấp trong quân đội[9] rằng chúng ta sẽ ủng hộ họ trực tiếp trong thời gian bộ máy chính quyền trung ương sụp đổ.

(3) Chúng ta nhận thấy rằng cần thiết xóa bỏ vết nhơ gán cho quân đội về chuyện lùng sục, bố ráp chùa chiền và thẳng thắn quy trách nhiệm cho Nhu…”.

Và đoạn cuối của bức điện:

Không cần phải nói rằng chúng tôi cho phổ biến bức điện này trong giới hạn ít nhất những nhân vật chủ chốt và cho rằng anh cũng sẽ cẩn thận như thế để tránh rò rỉ sớm”.

Nội dung bức điện rõ ràng có ít nhất ba yêu cầu: 1/ Chấm dứt việc đàn áp Phật giáo, và cùng với việc đó, hủy bỏ Dụ số 10 liên quan đến chính sách đối với tôn giáo, nhằm khôi phục tình hình; 2/ Loại (gia đình) Ngô Đình Nhu ra khỏi chính trường vì Ngô Đình Nhu đã lợi dụng quân đội để đàn áp Phật giáo, đập phá chùa chiền, bắt bớ Tăng Ni; 3/ Nếu Ngô Đình Diệm không chấp nhận loại (gia đình) Ngô Đình Nhu thì sẽ dựa vào lực lượng các tướng lĩnh, tổ chức lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Và như vậy, trong mục tiêu của bài viết, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng chính phong trào đấu tranh của Phật giáo và những biến động do phong trào tạo nên đã dẫn đến sự thay đổi lập trường của chính quyền Mỹ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. Việc yêu cầu hủy Dụ số 10 giúp chúng ta khẳng định điều đó.

Trước hết, chúng ta có thể so sánh một đoạn trong Bức điện 243 với nội dung được McNamara đọc lại đoạn ấy của bức điện trong cuốn Trong dòng hồi ức – Bi kịch và những bài học Việt Nam:

- “Đồng thời chúng ta cũng nói với các tướng lãnh rằng Hoa Kỳ thấy rằng không thể tiếp tục ủng hộ Chính phủ miền Nam Việt Nam về mặt quân sự và kinh tế trừ phi biện pháp tiên quyết được thực hiện ngay mà chúng ta nhận thức là cần thiết phải loại gia đình Nhu ra khỏi chính trường” (Bức điện 243).

- “Đồng thời chúng ta cũng phải nói với những tướng lãnh quan trọng rằng Mỹ thấy không thể ủng hộ GVN [chính phủ Việt Nam] về quân sự và kinh tế nữa trừ phi… các biện pháp [thả các vị tu sĩ bị bắt] được thực hiện ngay lập tức” (McNamara, sđd, tr,53).

Như vậy, chính phong trào đấu tranh Phật giáo bấy giờ đã tác động mạnh mẽ đến McNamara với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Vì thế thay vì viết lại như nội dung Bức điện 243 là “loại gia đình Nhu ra khỏi chính trường”, McNamara đã viết dưới hình thức ghi chú nhấn mạnh trong ngoặc là “[thả các vị tu sĩ bị bắt]”, và coi đó là yêu cầu tiên quyết (above).

Thứ hai, bức điện đã nêu yêu cầu thứ hai đối với chế độ Ngô Đình Diệm là loại gia đình Ngô Đình Nhu (“the Nhus”) ra khỏi chính trường. Việc Mỹ muốn loại (gia đình) Ngô Đình Nhu có lẽ xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có thể có cả thái độ chính trị của Ngô Đình Nhu, nhưng ngay tại đây, tức trong nội dung bức điện, chúng ta có thể đọc thấy hai lý do chính: 1/Lợi dụng quân đội và 2/Đàn áp Phật giáo. Chúng ta cần biết rằng bấy giờ Mỹ đã đưa các cố vấn quân sự sang miền Nam Việt Nam và Mỹ chủ yếu dựa vào lực lượng quân đội để chiến thắng Cộng sản. Dù vậy việc Mỹ quy kết Ngô Đình Nhu vì sợ việc làm của Ngô Đình Nhu khiến quân đội mang tiếng (taint) hơn là sợ Ngô Đình Nhu nắm lấy quân đội, bởi vì nội dung bức điện đã hé lộ sự việc Mỹ (thông qua Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn) đã liên lạc được với một số tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa bấy giờ. Vì thế lý do thứ hai, “đàn áp Phật giáo”, mới thực sự chủ yếu.

Thứ ba, chúng ta cần thiết điểm lại tiến trình của phong trào đấu tranh Phật giáo Việt Nam trước ngày 24-8-1963 để thấy được những tác động của nó, đặc biệt đối với dư luận thế giới, buộc Mỹ phải thay đổi lập trường, dẫu rằng bản thân một số nhân vật cấp cao trong chính phủ Mỹ chưa thực sự đồng ý.

Theo George Donelson Moss trong Việt Nam – Một thử thách của Mỹ (Vietnam An American Ordeal), có 3 thời điểm quan trọng: 1/ “Ngày 8 tháng 5 năm 1963: Tại Huế, 20.000 Phật tử làm lễ Phật đản đã bị các lực lượng chính phủ tấn công. Hành động này mở đầu cho một loạt các sự cố dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm.”, 2/ “Ngày 11 tháng 6 năm 1963: Thích Quảng Đức, một vị cao tăng Phật giáo, tự thiêu tại một giao lộ đông người của Sài Gòn để phản đối việc Diệm đàn áp Phật tử.”, 3/ “Ngày 21 tháng 8 năm 1963: Các lực lượng quân đội trung thành với Diệm và Nhu, em trai của ông ta, tấn công chùa chiền. Tổng thống Kennedy lên án những hành động này. Đồng thời, việc lật đổ Diệm được các tướng lãnh quân đội Việt Nam Cộng hòa lên kế hoạch” (p.388).

George Donelson Moss đã trình bày rõ hơn trong mục “Sự suy tàn và sụp đổ của Ngô Đình Diệm” (The Decline and Fall of Ngo Dinh Diem) từ trang 121 đến 123, tại đây, ông nhấn mạnh đến dư luận thế giới đối với sự kiện ngày 11-6-1963, tức sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, “các phóng viên ảnh và các nhà báo Mỹ, được các tu sĩ lãnh đạo của Phật giáo báo trước, đã có mặt tại hiện trường, ngay lập tức những bức ảnh đáng sợ và các bài báo về vị tu sĩ tự thiêu đã chiếm các trang đầu của các báo, các mục nóng của truyền hình tại Mỹ và trên thế giới. Dư luận thế giới bị sốc trước bức ảnh đầy kịch tính, đã phê phán những người Mỹ đã ủng hộ, viện trợ cho một chính phủ khủng bố tín đồ tôn giáo” (p.122).

Mặc dù George Donelson Moss trình bày khá đầy đủ nguyên nhân dẫn đến phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam 1963 là từ chính sách bất bình đẳng tôn giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm đã được thực thi trong nhiều năm mà thể hiện đỉnh cao là ngày Phật đản 2507 tại Huế (tức năm 1963), thế nhưng ông vẫn cho rằng cuộc khủng hoảng Phật giáo bộc phát tại Huế một cách bất ngờ (suddenly). Từ “bất ngờ” của George Donelson Moss là gắn với phong trào Phật giáo vì thế khác với từ “bất ngờ” của McNamara mà chúng tôi đã đề cập trên đây. Rất có thể G.D. Moss chưa thực sự thông cảm với truyền thống Phật giáo Việt Nam, chưa thực sự thông cảm với sự gắn bó của Phật giáo với dân tộc Việt Nam, chưa thực sự thông cảm với sức mạnh tiềm tàng của Phật giáo Việt Nam hoặc G.D. Moss cho rằng sức mạnh và chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm bấy giờ là bất khả phản kháng? Dù vậy, G.D. Moss đã khẳng định ngay từ đầu mục “Sự suy tàn và sụp đổ của Ngô Đình Diệm” rằng “Bất ngờ, cuộc khủng hoảng Phật giáo nổ ra tại Huế, nó xác chứng là sự khởi đầu của sự kết thúc quyền lực gia đình họ Ngô” (Suddenly, the Buddhist crisis exploded in Hue, which proved to be the beginning of the end of Ngo family rule.)

Robert Mann trong A Grand Delusion cũng chú ý đến 3 thời điểm quan trọng nêu trên của phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam năm 1963 với một vài điểm nhấn chúng ta cần thiết chú ý.

Để trình bày những biến cố trong tháng 5-1963, trong đó ngày 8-5-1963 được nhấn mạnh, Robert Mann đã bắt đầu bằng ý kiến của (Ngô Đình) Nhu đăng trên tờ Washington Post ngày 12-5-1963: “Miền Nam Việt Nam muốn nhìn thấy một nửa trong số 12.000 đến 13.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại đây rời khỏi đất nước”. Và Robert Mann cho rằng những sự kiện đặc biệt kinh khiếp của tháng 5/1963 đã thuyết phục các quan chức Mỹ rằng “chính Diệm, chứ không phải quân đội Mỹ, phải ra đi” (tr.284). Ngay sau đó, ông cho rằng cuộc đàn áp Phật giáo do Ngô Đình Diệm tiến hành vào ngày Phật đản 2507 (tức ngày 8/5/1963) củng cố thêm tình cảm đó (that sentiment). Tại đây, chúng ta có thể nhận ra hai điểm suy nghĩ: 1/ Việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (“chính Diệm phải ra đi”) bắt nguồn từ thái độ của chính quyền Ngô Đình Diệm (trong trường hợp này, thông qua Ngô Đình Nhu) đối với sự hiện diện của lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam, và như thế, việc Diệm đàn áp Phật giáo chỉ là làm tăng thêm ý nghĩ/tình cảm đó của người Mỹ về chế độ của Ngô Đình Diệm; 2/ Phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam 1963 chống lại chính sách bất bình đẳng tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm được người Mỹ coi như là viên đá thử vàng mà một loạt những sự kiện xảy ra tháng 5-1963 (vào các ngày 7-5, 8-5, 9-5, 10-5, 15-5, 16-5, 17-5, 20-5, 21-5, 23-5, 25-5, 26-5, 30-5, 31-5.[10]) đã cho thấy sự bất tín nhiệm đối với chế độ Ngô Đình Diệm và sự mất khả năng  điều chỉnh kịp thời của một chính sách đã bị xơ cứng, gia đình trị và độc tài hóa. Vì thế, theo chúng tôi, khi gắn với một loạt những sự kiện xảy ra tại miền Nam Việt Nam lúc đó, Robert Mann đã nhìn thấy phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

Đối với sự kiện ngày 11-6-1963, Robert Mann đề cập đến bức ảnh do một phóng viên ảnh của Thông tấn xã AP là Malcolm Browne chụp Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và những tác động của bức ảnh đối với dư luận trên thế giới, đặc biệt ông nhắc đến ý kiến của một phóng viên khác là John Mecklin cho rằng bức ảnh đã có được những tác động khôn lường về phương diện giá trị của phong trào Phật giáo. Đặc biệt, Robert Mann nhắc đến hai ý kiến, một của Rusk vào ngày 11-6-1963 trong một bức điện gửi Trueheart, người tạm thời xử lý công việc của Đại sứ Mỹ tại miền Nam lúc đó, và một của chính phủ Kennedy đăng trên tờ New York Time ngày 14/6/1963: “Nếu Diệm không thực hiện những biện pháp nhanh chóng và hiệu quả nhằm tái lập niềm tin của Phật giáo đối với ông ta, chúng ta sẽ phải xem xét lại toàn bộ mối quan hệ của chúng ta với chế độ của ông ta” (Rusk)[11], và “chính phủ Kennedy hẳn là “công khai kết án sự hành xử của Diệm đối với các tín đồ Phật giáo trừ phi ông ta có hành động nhanh chóng tiếp nhận, đáp ứng những bất bình của họ””(New York Times)[12].

Chúng ta cũng cần biết thêm rằng khi viết về sự kiện ngày 11/6/1963 và những tác động của nó, Robert Mann đã viết về hiện tượng mở rộng thành phần tham gia phong trào bấy giờ: Phật tử, sinh viên, học sinh kể cả một số người Công giáo, và theo ông, “Khắp nước, các công dân (citizens) sắp nổi dậy” (tr. 285). Khái niệm công dân, trong cách nhìn nào đó, khác với khái niệm nhân dân. Và như thế, theo chúng tôi, việc mở rộng thành phần vẫn trong giới hạn của phong trào.

Robert Mann, trước khi trình bày các sự kiện liên quan đến Bức điện 243, đã nêu lên ý kiến  của Mansfield với Kennedy về vấn đề Việt Nam vào ngày 19/8/1963 và thái độ của Kennedy đối với khả năng của Ngô Đình Diệm sau sự kiện 21/8/1963. Theo Mansfield, để thoát khỏi “mớ bòng bong” (the bind) “chắc chắn không phải bằng con đường can thiệp ngày càng sâu. Thật ra điều đáng mong ước là chúng ta không tốn sinh mạng của vô số người Mỹ và nhiều tỷ đô la để duy trì cái ảo tưởng tự do tại miền Nam Việt Nam bị tàn phá[13]. Đồng thời, Robert Mann cũng cho rằng “những nghi ngờ mới nảy sinh của Kennedy về khả năng tồn tại của Diệm cuối cùng đã được khẳng định vào ngày 21-8-1963 khi, vì sợ cuộc chính biến, Diệm tuyên bố thiết quân luật và đưa quân đội thuộc lực lượng đặc biệt của người em trai đi bố ráp, tấn công chùa chiền trên khắp nước… Phản ứng công khai khắp miền Nam Việt Nam lan nhanh khi những cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra” (tr.286).

Ngay hôm sau, tức 22-8-1963 Henry Cabot Lodge được điều về làm Đại sứ tại miền Nam Việt Nam; ngày 24-8-1963 ông nhận được Bức điện 243, ngày 26-8-1963 Henry Cabot Lodge gặp Ngô Đình Diệm lần đầu tiên và nói rằng: “Khi xem xét những tuyên bố đầy xúc phạm và mang tính kích động của bà Nhu, nhiều người Mỹ lầm tưởng rằng bà ta, chứ không phải Diệm, mới là lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Hơn nữa, ông ta nói, việc chính phủ khủng bố tín đồ Phật giáo đã “khiến quan điểm không kỳ thị tôn giáo của người Mỹ bị sốc.” Tất cả những yếu tố này, Lodge nói,“đe dọa sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Nam”” (tr.286).

Ngoài ra, Robert Mann đã dành một đoạn rất dài để trình bày về việc phê chuẩn Bức điện 243. Chúng ta có thể hình dung con đường soạn thảo và phê chuẩn như sau: Trong bối cảnh những ngày cuối tuần như đã được chúng tôi trình bày trên đây, “ba người phản đối Diệm mạnh mẽ nhất” là Harriman, Forrestal và Hilsman soạn thảo văn bản. Harriman và Hilsman đến sân gôn thúc giục Ball phê chuẩn. Ball đọc lại bức điện tại nhà rồi gọi điện xin ý kiến Kennedy. Kennedy đồng ý một cách thận trọng, và theo trí nhớ của Ball, Kennedy nói “Tôi nghĩ gửi bức điện này cho Lodge có lẽ là được.” Rồi yêu cầu Ball hỏi ý kiến Gilpatric, và kết luận: “George à, nếu Rusk và Gilpatric đồng ý thì cứ tiến hành.” Ball điện thoại cho Rusk, vì sự cố điện thoại (không có đường dây bảo mật) Ball chỉ trình bày bằng thứ ngôn ngữ mơ hồ, và “Chắc chắn rằng Kennedy đã hiểu tường tận nội dung bức điện, thế là cuối cùng Rusk nói: ‘Tốt, cứ tiến hành’” (tr.286-287). Và theo Robert Mann, Ball là người ký bức điện, tức Bức điện 243, khi Rusk vắng mặt.[14] Phần sau đó, Robert Mann trình bày sự giằng co, ngập ngừng của một số cá nhân, kể cả Kennedy, về những quyết định trong nội dung bức điện đã được gửi đi.

Một điều chúng ta nhận thấy là sự lúng túng của chính quyền Mỹ trong quyết định này. Nó như là bước đi không thể khác được, mặc dù người quyết định ngập ngừng, khi phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam 1963 càng lúc càng dâng cao.

Đến đây, chúng ta có thể nhìn thấy nguyên nhân chính thức và trực tiếp dẫn đến cuộc đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963. Trong thứ không khí đầy căng thẳng và hiềm khích của miền Nam Việt Nam năm 1963, trước chính sách bất bình đẳng tôn giáo lên đến đỉnh cao trở thành sự xúc phạm của chính quyền Ngô Đình Diệm, Phật giáo Việt Nam bằng niềm từ bi, sự nhận thức sâu thẳm và lòng quả cảm đã bước qua sự sợ hãi, tiến hành phong trào đấu tranh chống lại sự thiếu văn minh của một chế độ đối với tôn giáo, và đã dẫn đến những biến động lịch sử của dân tộc.

Cho đến nay, phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam năm 1963 vẫn tồn tại như thứ tiếng nói của trí tuệ, lòng quả cảm và lương tâm.

 

 

***


 

[1]. Vào thời gian này, Mỹ đã triển khai Lực lượng đặc biệt, 1961 (Special forces); tháng 12-1961 có khoảng 3.200 cố vấn quân sự người Mỹ; tháng 12-1962 là 9.000. (theo Vietnam, An American Ordeal, tr. 387-388). 

[2]. Câu này có thể được hiểu là “Quả thật Diệm đã chọn đúng thời điểm để bố ráp, tấn công chùa chiền”.              

[3]. Nếu so sánh với nội dung bức điện thì đoạn này không hoàn toàn trùng khớp, hay đúng hơn, hai cụm từ trong ngoặc […] là do tác giả thêm vào để giải thích. Xin đọc đoạn trích bức điện dưới đây.          

[4]. Tức ngày 24/8/1963 (người viết).          

[5]. To Move a Nation by Roger Hilsman. Book review by Abbot E. Smith, https://www.cia.gov/library/center-for-the-study-of-intelligence/kent-csi/vol11no4/html/v11i4a10p_0001.htm.     

[6]. Thực ra trong bức điện có ghi rõ những giới chức liên quan.            

[7]. Xin đọc toàn văn bức điện trên Google, theo lệnh Cable 143 hoặc địa chỉ EE2438DA4C064164ACABA420F64630D9…bản pdf.               

[8]. Nguyên văn: “key military leaders”.    

[9]. Nguyên văn: “appropriate military commamders”.          

[10]. Về các sự kiện này, xin đọc trong phần lớn các tài liệu bằng tiếng Việt viết về tiến trình cuộc đấu tranh Phật giáo.         

[11]. FRUS,1961-63, 3:381-83. Trích lại của Robert Mann, sđd, tr.284.              

[12]. NYT, 6-14-1963. Trích lại của Robert Mann, sđd, tr. 285.              

[13]. Mansfield to JFK, 8-19-1963…Trích lại của Robert Mann, sđd, tr.285.      

[14]. Về nội dung bức điện này, xin đọc lại phần trên đây và đọc trực tiếp bức điện theo đường link đã giới thiệu. Về tên và chức vụ của các nhân vật trong chính quyền Mỹ, xin xem phần sau của sách Trong dòng hồi ức – Bi kịch và những bài học Việt Nam của McNamara.               

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập