Về với quê hương nhà Lý

Đã đọc: 2640           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Dẫu trải nghìn năm lịch sử, Bắc Ninh là quê hương phát tích nhà Lý vẫn còn bảo lưu được hệ thống những di tích phản ánh về thời Lý là những “kho báu” di sản văn hóa vật thể như (quy mô nền móng, kiến trúc, điêu khắc, gạch ngói, con giống, tượng thờ, bia đá…) và những di sản văn hóa phi vật thể như (truyền thuyết, thơ ca, hò vè, sấm ký, tín ngưỡng, lễ hội)

Bắc Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sinh thành nên Lý Thái Tổ là bậc minh vương có công định đô Thăng Long, khởi lập nên vương triều Lý và nền văn minh Đại Việt. Dẫu trải ngàn năm qua, trên quê hương Bắc Ninh còn đó đậm đặc những di tích phản ánh về vương triều Lý. Trong dịp Đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, Bắc Ninh đã trở thành “đất thiêng” trong những cuộc hành hương của quý khách mọi miền đất nước và quốc tế tìm về quê hương phát tích nhà Lý.

Về với quê hương nhà Lý, theo sử sách trước tiên quý khách tìm về châu Cổ Pháp là nơi “chôn rau cắt rốn” của Lý Công Uẩn. Châu Cổ Pháp, xưa là một vùng đất rộng lớn gồm nhiều hương, nay thuộc thị xã Từ Sơn gồm các xã (phường): Đình Bảng, Tân Hồng, Tương Giang, được xác định là quê hương phát tích nhà Lý. Vùng đất này đậm đặc những di tích và đầy ắp truyền thuyết kể về những trang tuổi ấu thơ của Lý Công Uẩn: Câu chuyện được bắt đầu từ Chùa Tiêu, bởi theo sử sách và truyền thuyết dân gian là nơi Lý Công Uẩn được đầu thai và được Thiền sư Lý Vạn Hạnh nuôi dạy trưởng thành. Chùa Tiêu nằm trên đỉnh núi Tiêu thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi lại câu chuyện Lý Công Uẩn được đầu thai ở chùa Tiêu như sau: “Thái tổ hoàng đế họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, mẹ họ Phạm đi chơi chùa Tiêu cùng với người thần giao cảm rồi có chửa, sinh ra vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974)”. Hiện chùa Tiêu còn bảo lưu được tấm bia đá, có niên đại Cảnh Thịnh nguyên niên (1793), ghi chép khá rõ về gốc tích lai lịch của Lý Công Uẩn; tại nhà Tổ của chùa là nơi thờ phụng tôn nghiêm Thiền sư Lý Vạn Hạnh với tượng, ngai bài vị cổ ghi rõ: “Lý triều nhập nội tể tướng Lý Vạn Hạnh thiền sư thần vị”. Và trong tâm thức dân gian, chùa Tiêu được coi là “chốn tổ” của vương triều Lý.

Cũng theo sử sách và truyền thuyết dân gian, quý khách tìm về đền thờ bà Phạm Thị Ngà là Thân mẫu của Lý Công Uẩn. Ngôi đền thuộc làng Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn. Truyền rằng, khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua đã về quê mẹ chọn đất tốt để xây lăng và đền thờ mẹ, dân gian gọi là đền “Miễu”. Hiện ở đền có đôi câu đối cổ ca ngợi quê hương nơi đây và Thân mẫu Lý Công Uẩn.

“Cổ Pháp triệu cơ nữ sinh tuấn kiệt danh phương tích

Dương Lôi thắng địa tú dựng Lý kinh tịnh huy âm”

Nghĩa là: “Đất Cổ Pháp có người mẹ sinh anh hùng tuấn kiệt tiếng thơm để mãi

Dương Lôi đất tốt sinh ra vua Lý xây dựng kinh đô danh vọng lâu dài”.

Đặc biệt đền Miễu còn gìn giữ được một cây hương đá có tên “Nhất Thiên thạch trụ”, niên đại “Vĩnh Thịnh 1” (1705), có đoạn ghi rằng: “Miếu đường xã Dương Lôi là nơi danh lam cổ tích phụng thờ Lý Triều Thánh Mẫu rất linh thiêng, cho nên mọi nhà trong xã đã công đức dựng nên Thiên hương thạch trụ dâng hiến trước miếu điện”.

Nằm trong châu Cổ Pháp, Đình Bảng xưa là hương Cổ Pháp, nay là một phường thuộc thị xã Từ Sơn, có thế đất “rồng chầu, huyệt đế vương” nổi tiếng có đền thờ và lăng mộ của các vua nhà Lý. Đền thờ tám vị vua nhà Lý có tên là đền Lý Bát Đế hay đền Đô, được xây dựng ở nơi có thế đất tốt. Tấm bia đá của đền Đô có tên “Cổ Pháp điện tạo bi”, được dựng năm Hoằng Định 5 (1604), do Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn, có đoạn như sau: “Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa nhất Kinh Bắc, thủ sơn phát tích gối đầu của tám con rồng, hình tượng đẹp muôn vẻ, vượng khí tốt, toát lên nơi này rất linh thiêng, cho nên sinh ra tám vua triều Lý được lâu dài và độc đáo…

Công đức Lý triều bát đế được người nước Nam đời đời ghi nhớ, dân nước Nam ghi công đức to lớn ấy phải dựng lại miếu đền thờ cúng, xuân thu tứ thời bát tiết lộc hưởng muôn đời, toàn dân trong thiên hạ tôn kính báo đền công đức triều Lý”. Đền Đô vốn xưa có quy mô kiến trúc to lớn theo kiểu “thành cổ” gồm khu nội thành, ngoại thành, cửa rồng và tường bao quanh. Qua bao phen binh lửa thiên tai, hiện đền Đô đã được Nhà nước và nhân dân địa phương quan tâm khôi phục trùng tu với quy mô rất lớn và mang bóng dáng cả nghìn năm tuổi. Cũng tại đất Đình Bảng còn có khu lăng mộ nơi yên nghỉ của các vua nhà Lý được gọi là khu “Thọ Lăng” hay “Sơn lăng cấm địa”. Khu Thọ Lăng này có 8 đường cao và 8 dọc nước tựa như “Bát long, bát thủ” cùng chầu về.

Về với quê hương nhà Lý, quý khách còn được đến với các địa danh diễn ra cuộc kháng chiến hùng thiêng của quân dân Đại Việt chống giặc Tống: Năm 1077, đứng trước âm mưu xâm lược của nhà Tống, Thái úy Lý Thường Kiệt đã thống lĩnh 10 vạn quân sang đất Tống đánh phá các căn cứ quân sự của chúng ở Châu Ung, Châu Khâm và châu Liêm, rồi chủ động rút quân về nước lập phòng tuyến quân sự bên bờ Nam sông Như Nguyệt để kháng chiến chống Tống. Dấu ấn về phòng tuyến quân sự còn để lại đậm đặc ở các địa danh, di tích, truyền thuyết… của các làng xã đôi bờ sông Như Nguyệt (tức sông Cầu) như: Xã Yên Phụ là nơi đóng đại bản doanh của quân đội nhà Lý còn các địa danh như núi Đồn, núi Tuần Phiên, Cánh Dinh, Cổng Trại, Cầu Gạo, Điếm Trung Quân, đường Bổ Quân, bãi Tập Trận… Thuộc xã Tam Giang (Yên Phong) có bến đò ngang Như Nguyệt là nơi xung yếu, còn đó những địa danh, truyền thuyết về chiến trận chống Tống như: Vườn Dinh, Bờ Xác, Ruộng Án Mả Tàu… Bên bờ Bắc sông thuộc xã Mai Đình (Hiệp Hòa-Bắc Giang) quân Tống bị đánh bất ngờ chết la liệt trên bãi sông rất lớn, nơi đấy dân gọi là “Bãi xác”, “chùa Xác”. Và tại ngôi đền Xà trên bãi bồi ngã ba sông (Tam Giang-Yên Phong), còn mãi âm vang hùng thiêng của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc Đại Việt trước quân xâm lược:

“Nam quốc sơn hà, Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Nghĩa là:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Về với quê hương nhà Lý, quý khách còn được tham quan các đại danh lam thời Lý như chùa Phật Tích và chùa Dạm. Chùa Phật Tích có tên chữ là “Vạn Phúc Tự” thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Ngôi chùa nằm lưng chừng núi Phật Tích (còn có tên là Lạn Kha, Tiên Du), cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và đầy ắp các truyền thuyết về lịch sử, văn hóa của dân tộc. Theo thư tịch cổ thì chùa Phật Tích là “cái nôi” Phật giáo đầu tiên của nước ta, nhà sư Khâu-Đà-La từ Ấn Độ đến lập am truyền đạo; vào thời Lý được xây dựng thành Đại danh lam. Năm 1057, Lý Thánh Tông cho xây dựng một cây tháp cao hơn 10 trượng, trong chứa pho tượng Phật mình vàng cao 6 trượng. Dẫu trải nghìn năm, Chùa Phật Tích còn đó quy mô nền móng to lớn với 4 lớp nền và nhiều cổ vật, di vật của thời Lý như: gạch ngói, chân cột, bệ tảng, tượng Phật, tượng đầu người mình chim, hàng linh thú… Đặc biệt pho tượng Phật A Di Đà có vẻ đẹp đã vượt thời gian và không gian ở nhiều phương diện như: triết lý của Phật pháp, tạo hình, chất liệu, đường nét, hoa văn… Pho tượng được làm từ đá xanh nguyên khối, cao gần 2m trong tư thế ngồi thiền tĩnh tọa trên tòa sen, thân hình thon thả óng nuột mềm mại bởi những đường cong và những nếp chảy của tấm áo cà sa khoác ngoài, khuôn mặt trái xoan với đôi mắt hiền từ, lông mày cong vút, miệng cười mỉm từ bi như đang thấu nghe mọi tiếng kêu cứu khổ cứu nạn của chúng sinh để cứu khổ độ nạn. Đó còn là tượng 10 linh thú bằng đá sư tử, voi, trâu, tê giác, ngựa từng cặp đăng đối đứng chầu trước cửa Tam bảo với ý nghĩa quy phục Phật pháp vừa bảo vệ cửa Phật. Để hướng tới Đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhà sư trụ trì, cùng sự hảo tâm của quý khách thập phương, vừa qua chùa Phật Tích được hưng công trùng tu với quy mô rất lớn với nhiều tòa ngang dãy dọc, khang trang tố hảo, xứng đáng từng là đại danh lam nổi tiếng.

Chùa Dạm có tên chữ là “Đại Lãm tự”, nằm trên lưng chừng núi Dạm, thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Theo sử sách, Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông cho xây dựng chùa Dạm là đại danh lam vào năm Quảng Hựu thứ 2 (1086). Quy mô chùa Dạm còn được dân gian truyền nhau qua bài vè như sau: “Mười rằm trăng láu/ Mười sáu trăng treo/ Mười bẩy phẩy giường chiếu/ Mười tám đóng xong cửa chùa Dạm” Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông có công xây dựng chùa Dạm, nên các thôn nằm quanh chân chùa Dạm ăn lộc điền của chùa đều thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan làm Thành Hoàng làng.

Chùa Dạm thời Lý còn lại là vết tích 4 lớp nền rất lớn và nhiều di vật, cổ vật (gạch gói, chân tảng, chân cột, con giống…) và đặc biệt là cột đá chạm rồng. Trên tầng nền thứ có hai gò đất lớn hình tròn nằm đăng đối nhau qua trục chính cửa chùa, xung quanh được chạm nổi hình sóng nước. Ở giữa tầng nền này là cây cột đá lớn cao gần 5m, chia làm 3 phần: phần đế gần vuông, mỗi cạnh rộng 1,4m, cao 1,6m, không có hoa văn; phần trên hình trụ cao khoảng 3m, đường kính 1,3m được chạm nổi đôi Rồng lớn quấn quanh cột, có bờm tóc bay ngược lên phía trước bốc như ngọn lửa, miệng ngậm ngọc, mang phong cách nghệ thuật thời Lý. Cột đá chạm Rồng chùa Dạm nghìn năm qua đứng hiên ngang lồng lộng giữa đất trời như khẳng định “vương quyền” và “thần quyền” triều Lý.

Dẫu trải nghìn năm lịch sử, Bắc Ninh là quê hương phát tích nhà Lý vẫn còn bảo lưu được hệ thống những di tích phản ánh về thời Lý là những “kho báu” di sản văn hóa vật thể như (quy mô nền móng, kiến trúc, điêu khắc, gạch ngói, con giống, tượng thờ, bia đá…) và những di sản văn hóa phi vật thể như (truyền thuyết, thơ ca, hò vè, sấm ký, tín ngưỡng, lễ hội), khẳng định vị thế Bắc Ninh với vương triều Lý, trở thành điểm nhấn trong dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, đã thu hút hàng ngàn hàng vạn lượt khách tham quan từ mọi miền trong nước, kiều bào và khách quốc tế về với quê hương Bắc Ninh hàng ngàn năm văn hiến.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập