Ngày xuân trẩy hội chùa Hương

Đã đọc: 2974           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

“Bầu trời cảnh Bụt/Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay”. Từ lâu, với mỗi phật tử nói riêng và với mọi người Việt Nam nói chung, trẩy hội lễ Phật và vãn cảnh chùa Hương mỗi độ xuân là một nhu cầu tâm linh thiết yếu và một sự du ngoạn tao nhã.

Chùa Hương hay Hương Sơn là một quần thể văn hoá - tôn giáo đặc sắc của Việt Nam gồm suối, rừng, hang động và hàng chục ngôi chùa, ngôi đền, ngôi đình... nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức - cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 70km. Trung tâm của cụm  chùa chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích (ảnh). Đây là nơi theo tương truyền Đức Nam Hải Quán thế âm Bồ tát tu hành đắc đạo và hiển linh.

Hương Sơn với vẻ đẹp hương trời sắc núi, “cảnh Bụt, bầu tiên” của chốn “linh sơn phúc địa” đã đi vào thơ, ca, nhạc hoạ của nhiều tác giả như: Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Tản Đà, Hồ Xuân Hương...

Được tổ chức từ mùng 6 tháng giêng đến cuối tháng 3 âm lịch, đây là lễ hội lớn nhất, dài nhất và có đông người hành hương, trẩy hội nhất tại Việt Nam. Bởi không như các lễ hội khác, người trẩy hội gần như chỉ có đến một lần, còn với lễ hội đặc biệt này, người chưa đi thì mong mỏi sẽ đi, người đi rồi vẫn muốn tiếp tục đi nữa.

Tuỳ theo sở thích, du khách có thể đi theo từng tuyến mà mình mong muốn như: Hương Tích, Tuyết Sơn, Long Vân và Thanh Sơn. Nhưng phổ biến nhất là tuyến Hương Tích. Từ

bến Đục, con đò nhỏ sẽ đưa du khách quanh co theo dòng suối Yến thơ mộng với hai bên núi non rải rác chạy dài, sắc nước trong xanh và du khách có chặng dừng chân đầu tiên tại đền Trình hay đền Ngũ Nhạc để trình lễ với sơn thần.

Cứ miên man trong những cảm giác nhẹ nhàng của nơi rừng núi còn in dấu Phật, chẳng mấy là du khách đã đến bến Trò dẫn lên chùa Thiên Trù (bếp trời) hay chùa Ngoài qua cổng Nam Thiên Môn. Sau khi dâng lễ tại chùa Ngoài, du khách leo dốc để vào chùa trong. Trên đường đi, du khách còn được ghé thăm chùa Tiên Sơn – nơi có bốn pho tượng quý bằng hồng thạch và chùa Giải Oan – nơi có giếng nước trong vắt và mát lạnh. Tiếp theo, là động Tuyết Kinh và am Phật Tích. Ngôi đền cuối cùng trước khi vào Hương Tích là đền Cửa Võng. Động Hương Tích – được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” và được Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm cho khắc vào vách đá năm 1770.

Vào trong động, du khách được chiêm ngưỡng tượng bà Chúa Ba (Bồ tát Quán thế âm) cùng nhiều tượng Phật khác... cũng như những thạch nhũ muôn hình, muôn vẻ lộng lẫy đầy uy linh: Vòng cửu long, đụn gạo, đụn tiền, cây vàng, cây bạc, buồng tằm, nong kén, hòn Cậu, hòn Cô...  Đặc biệt, nơi đây còn có nhũ đá bầu sữa mẹ linh thiêng luôn chảy ra những giọt nước trong lành, ai cũng muốn hứng được một giọt.

Đối với mỗi người Việt Nam, Hương Sơn là xứ Phật thiêng liêng, ai cũng muốn một lần trong đời được đi trẩy hội, đến đây không chỉ để thỉnh cầu những gì tốt đẹp, an lành mà còn là để du ngoạn chốn non nước mây trời thanh tịnh, yên bình đến đắm say. Đến với Hương Sơn, không một du khách nào lại muốn bỏ qua những đặc sản: Rau sắng, mơ quả, chè củ mài – những sản vật ngon nổi tiếng không ở đâu có được.

(HDV Hanoitourist)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập