Tượng cổ chùa Long Quang ở Cần Thơ

Đã đọc: 1229           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đến với vùng đất Bình Thủy tại Thành phố Cần Thơ, không ai không nhắc đến chùa Long Quang, ngôi chùa có lịch sử lâu đời, qua các giai đoạn lịch sử, với khoảng thời gian tồn tại gần 200 năm qua.

Ngôi chùa do thiền sư Liễu Huệ khai sơn vào năm 1824, lịch sử ghi lại: Thiền sư Thiện Quyền “Ngài họ võ, huý văn Quyền. Ngài quy y với hoà thượng Thiên Ấn ở chùa Linh Quang (Gia Định). Ban đầu chùa là ngôi thảo am tranh, do số tín đồ quy theo Phật ngày thêm đông, thảo am trở nên chật chội. Năm 1835, hòa thượng cho xây chùa và đặt tên là Long Trường Tự, với ý nghĩa nguyện cầu chùa bền như trời đất như núi sông theo ý muốn của câu Hán tự “Dữ thiên địa long hưng – Hoà sơn hà trùng cửu”. Cũng vào năm Minh Mạng 16 (1835) chùa được liệt kê vào danh sách các tự viện và được miễn sưu thuế. Thiền sư Liễu Huệ đã sống hết lòng với sự tu hành tại chùa cho đến khi mãn phần”(1).

Long Quang cổ tự trải qua 7 đời trụ trì, đương nhiệm trụ trì hiện tại là Thượng tọa Thích Bình Tâm.

Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, chùa Long Quang là nơi nuôi dưỡng và bảo hộ, che chở cho chiến sĩ cách mạng. Những hiện vật, đồ thờ tự, công trình kiến trúc… được lưu giữ cho đến ngày nay đã minh chứng cho giá trị lịch sử – văn hóa của ngôi tự viện này.

Bộ tượng Di Đà Tam Tôn

Bộ tượng Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí: Tại bàn thờ chính được chia làm hai cấp và được trang trí có hoa văn, bậc cao nhất kê ba ghế, ngự ở ghế cao nhất trên bệ thờ tượng Phật A Di Đà.

Bậc thấp hơn, bên trái Bồ tát Đại Thế Chí, bên phải Bồ tát Quán Thế Âm. Hai pho tượng được tôn trí ngồi ở hai bên, đều làm bằng gỗ quý nguyên khối, không cắt ghép, trong tư thế toạ thiền.

Tượng Di lặc Bồ tát

Tượng được đặt ở tầng dưới với dáng mập mạp. Tượng ngồi chân co chân xếp. Miệng cười hoan hỷ.

Tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện, Ông Thiện và Ông Ác

Tượng Hộ pháp với nét mặt nghiêm nghị chính trực. Tượng Tiêu Diện với nét mặt trong dữ tợn, lưỡi thè dài, trên đầu có sừng. Một tay cầm chiếc cờ và tay cầm chuông Kim Cang. Tại chính điện còn có tượng Ông Thiện và Ông Ác.

Bộ tượng Thập Bát La Hán

Bộ tượng gồm 18 vị La Hán, mỗi tượng cao 80cm, được sơn son thếp vàng, có tư thế ngồi khác nhau.

Tượng Bồ tát Địa Tạng

Tượng được bài trí tại bàn thờ nằm dọc theo dãy 18 vị La Hán. Tượng Địa Tạng Bồ tát ngồi trên mình Đề thính, đầu đội mũ thất Phật, với trang phục đắp y ca sa màu đỏ, một tay bắt ấn, một tay cầm hạt minh châu biểu thị cho trí tuệ, vì hạt minh châu có thể phát ra ánh sáng để soi đường cho vị Bồ tát vào cõi u minh. Ngài phát thệ nguyện khi nào những chúng sinh còn khổ nơi địa ngục chưa được thoát khổ thì Ngài còn là Bồ tát, chưa thể đắc thành Phật quả: “Địa ngục vị không, Thệ thành Phật, Chúng sinh tận độ, phương chứng bồ đề”.

Tượng Chuẩn Đề

Tượng Chuẩn Đề được tôn trí ở phía sau chính điện, đặt ở bàn Tổ.

Ngoài các tượng kể trên, dọc theo hai bên hông chính điện còn thờ các vị thần thánh khác, đặc biệt là các vị thần linh trong hệ thống tín ngưỡng của người Hoa, như:

Bên hông phải chính điện (hướng từ cửa chính nhìn vào, cạnh tượng 9 vị La Hán và Địa Tạng) có thờ Giám Trai, Bồ Đề Đạt Ma, Quan Công; kế đến là Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Bộ tượng Ngọc Hoàng và hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu được chạm khắc bằng chất liệu gỗ. Theo văn hoá tín ngưỡng của người Việt Nam thì Ngọc Hoàng còn gọi là ông trời. Đứng ở hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu cao khoảng 70cm, việc thờ Ngọc Hoàng thượng đế theo sự tín ngưỡng của người Việt, chỉ cho vị trời tối cao ngự trị, có thể ban phước hay giáng hoạ và có quyền chi phối đến cuộc sống con người.

Bên hông trái chính điện (hướng từ cửa chính nhìn vào, cạnh tượng 9 vị La Hán, bộ tượng Quan Âm, Thiện Tài, Đồng Tử) là bộ tượng Diêm Vương, Long Vương và Phán Quan; tiếp đến bà bộ tượng Ngũ Hành. Bộ tượng năm Bà ngũ hành “là tên gọi năm vị thần nữ tượng trưng cho năm yếu tố trong vũ trụ: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ”(2). Theo tín ngưỡng phồn thực, việc người Việt Nam thờ Bà Ngũ hành để cầu mong bà phù hộ, độ trì, cầu sức khoẻ, cầu may mắn, tránh rủi ro, hoạn nạn, còn cầu trong việc làm ăn được thuận lợi.

Trong chính điện chùa Long Quang thờ nhiều vị thần thánh trong hệ thống tín ngưỡng dân gian là thể hiện mối giao thoa văn hóa giữa Phật giáo và tín ngưỡng, hoặc có thể xuất phát từ một nguyên nhân cốt lõi, đó là trước khi Phật giáo du nhập vào Nam Bộ thì trong các cơ sở tín ngưỡng, chùa, đình, miếu cổ xưa đã tôn thờ các vị thần thánh đó?

Qua phong cách mỹ thuật, về các pho tượng cổ ở chùa Long Quang với nhiều tượng thờ như thế do bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian. Đồng thời tính dung hòa qua sự giao lưu tiếp biến giữa Phật giáo với cộng đồng người Việt. Từ các pho tượng đa dạng, nó không chỉ là biểu tượng của Phật giáo. Bên cạnh đó, còn được thể hiện tính hỗn dung của Phật giáo giữa các nền văn hóa khác. Tạo nên nét văn hoá đặc trưng riêng biệt của văn hóa tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.

Chú thích:

(1) Bộ Văn hóa Thông Tin (nay là bộ Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch), năm 1993, tr. 1.

(2) Trần Hồng Liên (2004), Góp phần hìm hiểu Phật giáo Nam Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 254

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Văn hóa Thông Tin (nay là bộ Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch), năm 1993, tr. 1.

2. Trần Hồng Liên (2004), Góp Phần Tìm Hiểu Phật Giáo Nam Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 254.

3. Trần Hồng Liên (1997), Chùa Giác Lâm – Di tích lịch sử văn hóa, Nxb. Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thích Nữ Phước Đăng – Học viên Cao học khóa II HVPGVN tại Tp.HCM

Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2021

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập