Chùa Từ Đàm, Huế: Ngôi Cổ Tự Danh Lam Trên Đất Cố Đô

Đã đọc: 1904           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chùa tọa lạc ở số 01 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặt chùa quay hướng Nam. Bên trái chùa, có chùa Linh Quang và đền thờ cụ Phan Bội Châu.

Chùa được Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung dựng vào cuối thế kỷ 17 tại ngọn đồi thấp Hoàng Long Sơn, có tên thiền thất Ấn Tôn. Năm Nhâm Thìn (1712), ngài Thiệt Diệu Liễu Quán, quê ở Phú Yên là đệ tử đắc pháp của Sơ tổ Minh Hoằng Tử Dung, được ngài truyền tâm ấn, trở thành đệ nhị Tổ. Ngài Thiệt Diệu Liễu Quán đã phát triển dòng thiền Lâm Tế cho đến ngày nay.

Bài văn bia “Sơ lược vài nét về chùa Từ Đàm Huế” (HT. Thích Thiện Siêu, 2000) dựng tại sân chùa cho biết chùa Từ Đàm được khai sáng vào khoảng năm 1690. Đầu tiên, ngài đặt tên là Ấn Tông Tự. Ấn Tông nghĩa là “Dĩ tâm ấn vi tông”, tức lấy sự truyền tâm làm tông chỉ. Năm 1703, chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong “Sắc tứ Ấn Tông Tự”. Đến đời Thiệu Trị, vua đặt thêm một tên khác là “Từ Đàm Tự”. Từ Đàm là đám mây lành, có ý tượng trưng cho đức Phật, cho hình ảnh ngôi chùa Việt Nam như đám mây lành che mát cho chúng sanh.

Từ một ngôi chùa cổ kính của Thiền phái Lâm Tế, chùa Từ Đàm được xây dựng làm chùa Hội quán Tỉnh hội Phật giáo. Từ những năm 1920, phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam được phát triển ở cả ba miền. Tại Huế, An Nam Phật học hội thành lập vào năm 1932 tại chùa do các vị cao tăng thạc đức lãnh đạo, như các ngài: Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết … Năm 1936, chư sơn môn đồng thuận giao chùa cho Hội để làm nơi thờ phụng và làm trụ sở của Hội. Năm 1938, Hội lập Phật học Tùng thư để soạn thảo, in ấn và phổ biến kinh sách, báo chí Phật giáo.

Năm 1938, Tỉnh hội Phật học Thừa Thiên đã xây chùa Hội quán trên nền cũ chùa Từ Đàm theo đồ án của họa sư Tôn Thất Sa. Sau đó, chùa tiếp tục xây thêm giảng đường, nhà tăng, nhà thiền, nhà khách và một số căn nhà làm việc của Tỉnh hội.

Năm 1951, chùa là nơi tổ chức hội nghị nhằm thống nhất Phật giáo trên toàn quốc, quy tụ đại biểu của 6 tổ chức Phật giáo cả nước là: Tăng già Bắc Việt, Tăng già Trung Việt, Tăng già Nam Việt, Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt, Hội Việt Nam Phật giáo Trung Việt và Hội Việt Nam Phật giáo Nam Việt thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam và phê chuẩn việc Hòa thượng Tố Liên thay mặt Tổng hội Phật giáo Việt Nam ký tên gia nhập Hội Phật giáo Thế giới.

Ngôi chùa có nhà tiền đường, mái ngói, ba gian, rộng 7,4m, dài 18m. Nóc chùa kiến trúc theo truyền thống, hai bên có hai con rồng lượn quay đầu lại để chầu một mặt rồng chính giữa đội pháp luân. Mái chùa lợp ngói âm dương và mái nhà kiến trúc theo lối trùng thiềm. Gian trong cùng thờ tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni hai tay quyết ấn Tam muội, ngự trên tòa sen. Tượng bằng đồng, cao khoảng 1,30m, do hai nhà điêu khắc Nguyễn Khoa Toàn và Nguyễn Hữu Tuân thực hiện năm 1940. Hai bên tượng treo hai tràng phan, một bên đề danh hiệu 7 đức Phật ở Ta Bà, một bên đề danh hiệu 7 đức Phật ở Tịnh Độ. Trên vòng cung trước bàn thờ treo tấm hoành sơn son thếp vàng giữa có ba chữ Hán “Ấn Tôn Tự”, phía trái có mấy chữ “Thiên vận Quý Mùi (1703) sơ xuân cát đán. Đối diện bức hoành trên là một bức hoành giữa đề bốn chữ “Huệ nhật trung thiên”.

Cổng tam quan chùa được xây dựng năm 1965, phía trong là cây Bồ Đề.

Cây Bồ Đề có nguồn gốc từ Ấn Độ, nơi đức Phật thành đạo. Vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, thái tử Mahinda, con vua Asoka (A Dục) khi được cử thỉnh Tam tạng giáo điển truyền ra nước ngoài, đã đem giống cây này trồng tại Sri Lanka. Năm 1939, Tỳ kheo Narada, người Sri Lanka đem giống cây này sang tặng Hội Phật học Trung phần và trồng tại đây. Dưới cây Bồ Đề có dựng tấm bia ghi sự kiện này.

Đến năm 2000, ngôi chánh điện và một số công trình của chùa đã hư hỏng nhiều,  Hòa thượng trụ trì Thích Thiện Siêu có tâm nguyện đại trùng tu chùa Từ Đàm thành tòa phạm vũ uy nghiêm, rộng lớn. Lễ đặt đá khởi công xây dựng được chùa tổ chức trọng thể vào ngày 04/7/2006 (ngày 10 tháng 6 năm Bính Tuất). Sau gần 4 năm thi công, Đại lễ khánh thành được chùa tổ chức trang nghiêm vào ngày 30/3/2010 (ngày 15 tháng 02 năm Canh Dần).

Ngôi chánh điện mới có chiều dài 42m, chiều ngang 35,9m gồm hai phần: dưới là tầng hầm dùng làm hội trường, trên là Phật điện, có lầu chuông và lầu trống hai bên. Chùa kiến trúc theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” như các ngôi tổ đình xưa ở Huế với kiểu nhà rường năm gian hai chái. Có ba dãy nhà theo thứ lớp: tiền đường, chánh điện, nhà Tổ; mỗi dãy nhà có nóc mái riêng, mái lợp ngói âm dương; trên nóc nhà có hai con rồng chầu, đắp bằng sành sứ; riêng nóc tiền đường đắp hai con rồng hồi, quay đầu nhìn vào một mặt rồng ở giữa nóc đội pháp luân có chữ “vạn” bên trong. Dưới mái tiền đường có năm khung chữ nhật bằng đá, khung giữa là bức hoành khắc biển tên “Ấn Tôn Tự”; bốn khung còn lại là các phù điêu sự tích đức Phật Thích Ca Mâu Ni: đản sanh, xuất gia, thành đạo và chuyển pháp luân.

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên tòa sen. Tượng cao 1,30m. Tượng và tòa sen được đúc bằng đồng. Chùa tôn trí pho tượng đức Phật của chùa xưa đúc năm 1940. Phía trên tượng là bảo cái được chạm trỗ công phu. Hai bên tượng đức Phật là hai bức phù điêu tôn tượng Bồ tát Văn Thù Sư Lợi và Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền. Ở lầu chuông có quả đại hồng chung đúc vào ngày 07/9/2007 (ngày 26 tháng 7 năm Đinh Hợi) nặng 1.500kg, khắc 4 chữ: “Từ Đàm Tự Chung”.

Trong điện Phật có 12 bức hoành chữ Hán: “Vô Thượng Y Vương”, “Hội Chơn Như Xứ”, “Vạn Đức Trang Nghiêm”, “Ấn Tôn Tự”, “Phật Quang Phổ Chiếu”, “Hạnh Nguyện Vô Tận”, “Pháp Tùng Tư Ngưỡng”, “Tri Khổ Đoạn Tập”, “Tu Đạo Chứng Diệt”, “Tuệ Nhật Trung Thiên”, “Từ Phong Phổ Phiến”, “Như Thị Trang Nghiêm”. Tiền đường có 3 bức hoành chữ Hán: “Thừa Thiên Tỉnh Hội”, “Phật Nhật Tăng Huy”, “Pháp Luân Thường Chuyển”.

Trong điện Phật có nhiều cặp câu đối chữ Hán. Xin dẫn hai câu đối của Thái tử Thiếu Bảo, Tôn Thất Hân đề:

Dương bình cam lộ, nhất sái biến trần gian, tam thiên giới ngoại phổ từ bi, tẩy tận phiền căn, mạn đà tác vũ;

Liên tòa hương hoa, thập phương y Tịnh độ, bách bát thanh trung hô túy mộng, thính lai thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu.

Nghĩa:

Bình cam lồ nhánh dương, mỗi lần rưới trần gian, từ bi rải khắp cả ba nghìn thế giới, tẩy sạch não phiền, hoa mạn đà la rơi xuống làm mưa;

Hương hoa trên tòa sen, mười phương nương Tịnh độ, trăm lẻ tám âm thanh tỉnh người mê, được nghe giảng pháp, đá cứng gật đầu.

                                        (Hòa thượng Thích Hải Ấn dịch âm và dịch nghĩa)

Nhà Tổ sau điện Phật thờ tượng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, di ảnh Tổ khai sơn Minh Hoằng Tử Dung, long vị Tổ khai sơn và 4 long vị Thiền sư kế thừa. Gian hai bên thờ chư tăng quá cố và hương linh chư Thánh tử đạo, chư Phật tử …

Đối diện nhà Tổ là nhà thiền. Bên trong có thờ long vị và di ảnh cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921-2001).

Gần nhà thiền có tượng bán thân Bác sĩ Lê Đình Thám (1897-1969) được tạc bằng đá cẩm thạch. Tấm bia gắn tại đây ghi: “Tưởng niệm Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, vị cư sĩ có công lớn trong cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung từ 1932-1945”. Bác sĩ là một học giả Phật học uyên bác, là người sáng lập tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.

Tháp Ấn Tôn được xây dựng bên góc trái cổng tam quan. Tháp xây hình bát giác, đáy tháp rộng 100m2, cao 27,5m, tôn thờ 6 vị Phật quá khứ và đức Phật Thích Ca Mâu Ni  đúc bằng đồng: 01. Đức Phật Tì Bà Thi, 02. Đức Phật Thi Khí, 03. Đức Phật Tì Xá Phù, 04. Đức Phật Câu Lưu Tôn, 05. Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, 06. Đức Phật Ca Diếp, 07. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chùa đặt Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên  Huế. Bên phải cổng tam quan, đối diện tháp Ấn Tôn là một tòa nhà cao 3 tầng đặt văn phòng tỉnh hội và giảng đường. Một tòa nhà 2 tầng tiếp giáp với giảng đường là nhà tăng.

Nằm kế giảng đường, phía đường Phan Bội Châu, có tòa nhà lầu 2 tầng là thư quán và văn phòng Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế, nơi sinh hoạt của Gia đình Phật tử chùa Từ Đàm.

“Từ Đàm quê hương tôi” là một ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Văn Giảng (1924-2013) bút danh Nguyên Thông:

Quê hương tôi miền Trung,
sớm hôm chuông chùa nhẹ rung, tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng.
Ôi uу nghi bóng chùa Từ Đàm, nơi уêu thương phát nguуện đạo vàng,
qua bao giông tố, chùa Từ Đàm tôi vẫn còn.
Quê hương tôi là đâу, sớm hôm hương trầm nhẹ baу,
vấn vương lời kinh chiều naу với đời.
Ôi thân уêu bóng chùa Từ Đàm, nơi Bắc Nam nối liền một nhà,
taу trong taу quуết vì loài người, đời lầm than.
Bóng ai từng đêm đêm về, còn nhớ thuở nào đâу
câu thề, cùng ước nguуện cứu đời,

Tiếng ai chiều naу u hoài, trầm lắng vọng về
theo câu thề, nguуện hiến mình cho đời.
Ai đi qua miền Trung, khoan khoan ơi người dừng chân
lắng nghe về đâу hồn ai u hoài,
Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm.
Ôi nơi đâу nắng chiều dịu dàng, ai hу sinh cứu đời phũ phàng, Từ Đàm ơi!

Chùa Từ Đàm ngày nay là ngôi phạm vũ khang trang, đẹp đẽ. Vẫn mang nét kiến trúc chùa cổ xứ Huế, nhưng chùa có cơ sở phòng ốc rộng rãi, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho việc hoằng pháp của Giáo hội và việc tu học, lễ bái, tham quan, sinh hoạt của đông đảo Phật tử, du khách gần xa, nhất là ngày Đại lễ Phật Đản hằng năm.

Võ Văn Tường

Tài liệu tham khảo:

01. Thích Hải Ấn, Võ Văn Tường, 2010, Chùa Từ Đàm, Huế, ngôn ngữ: Việt - Anh, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.

02. Võ Văn Tường, 1992, Việt Nam Danh lam Cổ tự, ngôn ngữ: Việt - Anh - Pháp - Hoa, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

03. Võ Văn Tường, 2007, 108 Danh lam Cổ tự Việt Nam, ngôn ngữ: Việt - Anh - Pháp - Hoa, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.

04. Võ Văn Tường, 2017, Tượng Phật Việt Nam, ngôn ngữ: Việt - Anh, nhà xuất bản Thanh Hóa.

**** Một vài hình ảnh của chùa:







































Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập