Chùa Tượng Sơn, Hà Tĩnh: Nơi Đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông 40 Năm Dạy Học, Viết Sách, Chữa Bệnh Cho Dân

Đã đọc: 1038           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chùa Tượng Sơn tọa lạc tại xóm 1, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa có diện tích 1,5 hecta, phong cảnh an tịnh, thoáng đãng, nằm xa khu dân cư. Trước chùa là sông Ngàn Phố, sau chùa là dãy núi Voi nên chùa có tên Tượng Sơn tự. Phía Tây chùa có dòng suối bắt nguồn từ dãy Đại Huệ, ngày đêm nước chảy ầm ầm nên chùa còn có tên là chùa Ầm Ầm.

Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê, đời vua Lê Dụ Tông (1705-1729). Suối Nghệ trong bài: “Di tích chùa Tượng Sơn: Nơi lưu dấu ấn của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông” (Website Đạo Phật ngày nay, 19/4/2013) cho biết bà Đặng Phùng Hầu, vợ của Tạ hiểu điểm Tham đốc quận công Bùi Tướng Công, là bà ngoại của danh y Lê Hữu Trác nêu ý tưởng xây dựng. Sau đó, con gái của bà là Bùi Thị Thưởng, vợ của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu tiếp tục hoàn thành ý nguyện của mẹ và sáng lập chùa. Chùa được kiến tạo dưới sự chỉ đạo của hai người con của bà Bùi Thị Thưởng là Lê Hữu Tán và Lê Hữu Trác với mục đích dưỡng tâm, thờ Phật và phụng thờ liệt tổ họ Bùi và họ Lê Hữu.

Văn bia “Chùa Tượng Sơn” được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh dựng tại chùa năm 2012 cho biết trong những năm 1760-1786, Hải Thượng Lãn Ông đã dành phần lớn thời gian ở lưu lại chùa mở phòng mạch chữa bệnh cho dân và hoàn thành các tác phẩm:  Y tông tâm lĩnh (gồm 28 tập, 66 quyển), Y trung quan kiện (1780), Y hải cầu nguyên (1782), Thượng kinh ký sự (1783), Vận khí bí điển (1786) và các tác phẩm khác.

Văn bia “Chùa Tượng Sơn” cho biết kiến trúc ban đầu của chùa theo hình chữ “Nhất” nay đã qua trùng tu nhiều lần. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà sư Lê Hữu Ân pháp danh Thích Phổ Quang đã làm lại chùa Thượng, sửa chữa chùa Hạ, dựng gác chuông tám mái, đúc đại hồng chung có khắc chữ Tượng Sơn tự chung. Năm Tự Đức thứ 23 (1880), Thiền sư Thích Quảng Vận đã sửa chữa bổ sung thượng điện, kiến thiết nhà Tổ, làm nhà khách, lát sân, xây bể, lập vườn cây ăn quả. Đầu thế kỷ 20, Thiền sư Thích Nhuận Du quy tập, xây cất vườn tháp mộ. Năm 1997, Thiền sư Thích Tâm Châu cùng dòng họ Bùi và họ Lê Hữu đã di dời phần mộ bà Tham đốc quận công vào vườn tháp mộ.

Ngày 21/7/1994, chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận Di tích Lịch sử - văn hóa Quốc gia.

Văn bia “Chùa Tượng Sơn” cho biết theo ước nguyện của những người thầy thuốc Việt Nam muốn xây dựng khu di tích quốc gia Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thành một địa chỉ giáo dục truyền thống văn hóa, y đức cho mọi thế hệ, ngày 31/10/2003, Bộ trưởng Bộ Y Tế đã ký quyết định phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo quần thể Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và giao Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư. Quần thể gồm ba khu chính:

Khu di tích số 1 khởi công xây dựng vào ngày 21/11/2004 tại xã Sơn Trung với 45 hạng mục, diện tích xây dựng 45.000 m2. Trong đó có mộ đá Hải Thượng, tượng đài Lê Hữu Trác cao 16,91m, nặng 350 tấn. Cụm di tích hoàn thành vào ngày 30/5/2008.

Khu di tích số 2 khởi công xây dựng vào ngày 20/6/2008 tại xã Sơn Quang với 18 hạng mục, diện tích xây dựng 12.970 m2. Trong đó có nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông, nhà bia, nhà tiền tế, vườn đào … Cụm di tích hoàn thành vào ngày 01/11/2009. Tấm bia “Đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791)” dựng tại đây cho biết thuở nhỏ ông theo cha ăn học ở kinh thành Thăng Long, sớm nổi tiếng với tư chất thông minh, am tường cả Nho, Y, Lý, Số … Năm 26 tuổi, ông quyết từ bỏ chốn quan trường về quê ngoại phụng dưỡng mẹ già. Hơn 40 năm náu thân ở chốn thâm sơn cùng cốc, ông miệt mài tìm kiếm, khảo cứu, ươm trồng các loài cây thuốc bản địa, làm thơ dạy học, viết sách chữa bệnh cứu người. Thiên nhiên, con người, trí tuệ và đức tính cần cù, dân dã … đã hun đúc ông thành một đại danh y, danh nhân văn hóa của đất nước. Ông đã để lại cho đời một tấm gương sáng về Y đức, Y lý, Y thuật và những trước tác vô song: Y tông tâm lĩnh, Thượng kinh ký sự

Khu di tích số 3 do Bộ trưởng Bộ Y Tế ký quyết định phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo chùa Tượng Sơn ngày 30/10/2009, với 22 hạng mục, diện tích xây dựng 13.575 m2. Trong đó có tòa thượng điện, nhà Tổ, tả vu, hữu vu, tam quan, tượng Phật Bà Quan Âm, bia dẫn tích … Công trình được bàn giao vào ngày 27/02/2013.

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh và tín ngưỡng của người dân địa phương, GS.TS. Thiếu tướng Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, chủ đầu tư công trình tôn tạo khu di tích Hải Thượng Lãn Ông và chùa Tượng Sơn đã cung thỉnh Thượng tọa Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ, TP. HCM) về trụ trì chùa. Buổi lễ bổ nhiệm trụ trì chùa Tượng Sơn đã được tổ chức trang nghiêm, long trọng vào ngày 27/3/2013 với sự tham dự đông đảo chư Tôn đức Giáo phẩm Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN TP. HCM, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh, đại diện chính quyền địa phương và hơn 3.000 Phật tử đến từ nhiều tỉnh, thành phố.

Điện Phật chùa được bài trí trang nghiêm, thờ tượng: đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà, đức Phật Dược Sư, Bồ tát Chuẩn Đề, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng và bộ tượng Thất Phật Dược Sư. Trước Phật điện, có ban thờ đức Phật A Di Đà, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp và Tiêu Diện.

Ở điện Phật có nhiều câu đối chữ Hán.

Câu: (ảnh 06)            Phật tức tâm, tâm tức Phật, cổ kim bất nhị;

                                    Nhân y pháp, pháp y nhân, động tịnh tùy duyên.

Dịch nghĩa:

                                    Phật là tâm, tâm là Phật, xưa nay chẳng khác,

                                    Người tựa pháp, pháp tựa người, động tịnh tùy duyên.

                                                             (Ông Trần Trọng Khoái phiên âm và dịch nghĩa)

Bên phải chùa có đài Quan Âm. Ở đây có câu đối bằng chữ quốc ngữ: (ảnh 18)

                                    Tử hiếu song thân lạc,

                                    Gia hòa vạn sự thành.

Ở cổng chùa cũng có câu đối bằng chữ quốc ngữ:

                                    Thành kính tổ tiên ơn gia độ,

                                    Báo ân phụ mẫu nghĩa sinh thành.

Ngày nay, các sinh hoạt tu học ở chùa đã đi vào nền nếp và phát triển; chùa có trang facebook: Chùa Tượng Sơn thường xuyên đưa tin tức hoạt động, các bài thuyết giảng Phật pháp của Thượng tọa trụ trì và chư Tôn đức khắp nơi.

Chùa Tượng Sơn ngày nay là điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn ở miền Trung nước ta.



































Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập