Khánh Hòa: Chùa cổ Phổ Hóa (Bình Thành) quê tôi

Đã đọc: 2619           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chùa Phổ Hóa là một trong những ngôi chùa cổ tại Ninh Hòa được kiến tạo trong thời kì sơ khai di dân khẩn đất, lập làng, giữa thế kỷ XVIII.

“Quê tôi có gió bốn mùa,
Có  trăng giữa tháng, có chùa quanh năm
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm,
Chỉ  thanh đạm thế… âm thầm thế thôi! ”
(Mây Tần, Nguyễn Bính)

Chùa Phổ Hóa tọa lạc tại thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa được xây dựng khoảng giữa thập niên 50 của thế kỉ XVIII ( đời Chúa Vương Nguyễn Phúc Khoát trị vì vùng đất phía nam Việt Nam lúc bấy giờ). Tổ khai sơn là ngài Tế Dưỡng – hiệu Châu Cấp dòng Thiền Lâm Tế  Liễu Quán, đời thứ 36.

Thiền sư Tế Dưỡng là đệ tử của Thiền Sư Thiệt Địa (đời 35 dòng Thiền Lâm Tế). Trên long vị hiện thờ tại chùa có ghi: “TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TAM THẬP LỤC THẾ KHAI SƠN PHỔ HÓA TỰ HÚY THƯỢNG TẾ HẠ DƯỠNG, HÒA THƯỢNG TỔ SƯ GIÁC LINH”. Cách chùa 200m về hướng tây hiện có một ngôi tháp cổ hình lục giác cao năm tầng đã bị hủy hoại nhiều do thiên nhiên, chiến tranh và con người qua hàng chục thập kỉ. Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại: Trước đây, trên đỉnh tháp có một búp sen, mặt bia của tháp quay về hướng Tây Bắc, trước tháp có một án phong. Nay búp sen không còn, mặt bia bị bào mòn không còn nhìn thấy chữ và án phong bị đỗ ngã. Dấu tích còn lại là hai câu chữ Hán viết trên hai trụ của án phong: “PHƯỚC VÔ TẬN, ĐỨC VÔ CÙNG”, tầng hai của tháp có sáu chữ: “ÁN MA NI BÁT DI HỒNG”, mặt trước tầng một còn rõ ba chữ: “ÁN DI HỒNG” viết theo chữ Phạn. Với những gì còn thể hiện trên tháp thì đây là ngôi cổ tháp của một vị danh tăng Phật giáo. Ngôi cổ tháp này có phải là tháp của Tổ khai sơn Tế Dưỡng?

Bên cạnh long vị của Tổ Tế Dưỡng còn có một long vị và hai bài vị khác. Trên long vị ghi: “TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TAM THẬP LỤC THẾ TRÙNG HƯNG PHỔ HÓA TỰ HÚY THƯỢNG TẾ HẠ HIỀN, HÒA THƯỢNG TỔ SƯ GIÁC LINH”. Bài vị thứ nhất ghi: “TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP THẾ HÚY CHƠN TÙY, TỰ HOAN HỈ GIÁC LINH CHI VỊ”, Bài vị thứ hai ghi: “TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP NHẤT THẾ TRÙNG HƯNG PHỔ HÓA TỰ, HÚY NHƯ MINH, TỰ GIẢI LÝ HIỆU VIÊN TỊNH ĐẠI SƯ CHI PHƯỚC VỊ, như vậy, sau khi tổ Tế Dưỡng viên tịch, Thiền sư Tế Hiển-Bửu Dương Tổ khai sơn chùa Thiên Bửu kiêm nhiệm trụ trì chùa Phổ Hóa, kế thế Thiền sư Tế Hiển là Thiền Sư Chơn Tùy.

Ngoài ra, qua khảo cứu trên long vị ở chùa Phụng Sơn (làng Phụng Cang – xã Ninh Hưng – thị xã Ninh Hòa), có một chi tiết liên quan đến chùa Phổ Hóa, long vị ghi: :TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP NHỊ THẾ HÚY TRỪNG HOẰNG – NHƠN HIỂN, TRỪNG THỌ - NHƠN HIỀN KIM LONG TỰ, TRỪNG VĂN – NHƠN PHỔ, TRỪNG QUẢ - NHƠN TƯƠNG PHỔ HÓA TỰ - PHƯỚC LONG TỰ …”, như vậy Hòa thượng Trừng Văn – Nhơn Phổ có thời gian trụ trì chùa Phổ Hóa.

Năm 1935, Hòa Thượng Như Minh được làng thỉnh về trú trì chùa Phổ Hóa. Hòa Thượng Như Minh sinh ngày 29 tháng 07 năm Đinh Hợi (1887) là đệ tử Hòa Thượng Chơn Hương ở Linh Sơn tự, đời 41 phái Thiền Chúc Thánh. Năm 1942,  Hòa Thượng rời chùa Phổ Hóa về trú trì chùa Bửu Phong (thôn Phong Ấp).

Năm 1943, Hòa thượng Thích Từ Minh húy thượng Tâm hạ Sơn, đời thứ 43 dòng Lâm Tế Liễu Quán được làng thỉnh về trú trì chùa Phổ Hóa. Hòa thượng Thích Từ Minh sinh năm Đinh Dậu (1897) là đệ tử của HT Thích Nhơn Thị húy thượng Trừng hạ Thọ, trụ trì chùa Phước Long (thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, Ninh Hòa). Năm 1952 (Nhâm Thìn). Hòa thượng đã tổ chức Đại lễ trai đàn làm chay trong 3 ngày cầu quốc thái dân an, cầu siêu cửu huyền thất tổ, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, cầu âm siêu dương thái. 

Năm 1955, Hòa thượng rời chùa Phổ Hóa, Ngài khai sơn và trụ trì chùa Phổ Quang, (Hóc Gũ) thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, cho đến khi viên tịch (1982), trụ thế 85 năm.

Vào những năm 1953,1954,1955 khi còn là học sinh Tiểu học đi học tại trường Tiểu học Bình Thành (sau này là trường Tiểu học Ninh Phụng) một số học sinh ở các xã xa như Ninh Thân, Ninh Thượng, buổi trưa ở lại trường, vào chùa viếng cảnh, học bài. Cảnh thiền môn Phổ Hóa nơi làng quê Bình Thành yên bình, thật thâm nghiêm, thanh tịnh…Âu đó cũng là nhân duyên, mới đó mà hôm nay đã 60 năm…!

Năm 1956, Hòa thượng Như Minh được thỉnh về trú trì chùa Phổ Hóa lần hai. Trong hai năm 1957-1958, Hòa thượng Như Minh đã có công cùng dân làng Bình Thành trùng tu chùa Phổ Hóa bao gồm chánh điện, nhà Đông và nhà Tây. Ngày 26 tháng 06 năm Giáp Thìn (1964), Ngài an nhiên thị tịch và được phật tử làng Bình Thành nhập tháp tại chùa.

Năm 1970, ban hộ tự chùa Phổ Hóa thỉnh Đại Đức Thích Thiện Hạnh về trú trì cho đến nay. Năm 2006, tại Đại hội đại biểu GHPGVN lần thứ V, Đại Đức Thích Thiện Hạnh được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Thượng Tọa, hiện nay là ủy viên Ban Nghi lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thị xã Ninh Hòa.

Chùa Phổ Hóa là một trong những ngôi chùa cổ tại Ninh Hòa được kiến tạo trong thời kì sơ khai di dân khẩn đất, lập làng. Từ khi Thượng tọa Thích Thiện Hạnh trú trì đến nay, Thượng tọa đã trùng tu, xây dựng ngôi chùa Phổ Hóa phạm vũ huy hoàng, trang nghiêm tú lê, xứng tầm với ngôi chùa cổ có khoảng trên 300 năm tuổi. Chùa là nơi Phật tử sớm tối đi về tụng kinh, niệm Phật, là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tâm linh của bà con phật tử làng Bình Thành, xã Ninh Bình và cũng là chứng tích lịch sử quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Ninh Hòa

Thật đúng là:

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sông muôn đời của Tổ tông.

Truyền thừa:

1.     Thiền sư Tế Dưỡng – hiệu Châu Cấp

2.     Thiền sư Tế Hiển – hiệu Bửu Dương

3.     Thiền sư Chơn Tùy

4.     Hòa thượng Trừng Văn – hiệu Nhơn Phổ.

5.     Hòa thượng Như Minh (1935 – 1942).

6.     Hòa thượng Tâm Sơn – Từ Minh. (1943 - 1955)

7.     Hòa thượng Như Minh  (1956 – 1964 tái nhiệm).

8.     Thượng tọa Thích Thiện Hạnh (1970 – đến nay)

NNC Trí Bửu lược soạn theo thư tịch chùa Phố Hóa- Tháng 3/2014

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.18

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập