Huyền tích gò phượng thủy ở cổ tự nghìn tuổi

Đã đọc: 2558           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Được xây dựng ngay sau khi Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, cổ tự Nga My hiện là một trong số ít những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với niên đại 1.000 năm.

Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được gần 50 pho tượng cổ quý hiếm, trong đó có pho tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt và phần bệ đài sen từ thế kỷ 17 được đánh giá là tác phẩm kiến trúc tuyệt tác.
 

Những tấm bia đá cổ quý hiếm.

 
Huyền tích đụn thiên nga, gò phượng thủy
 

Cổ tự Nga My là một công trình Phật giáo có bề dày lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Cổ tự của vùng Nam kinh thành Thăng Long xưa, nơi lưu giữ nhiều di vật quý hiếm như bia đá thời Lê Thánh Tông tạc năm 1497, các công trình kiến trúc tượng cổ, khánh đá cổ, chuông cổ - đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nằm trong quần thể di tích trên làng Hoàng Mai cổ xưa còn có đình Hoàng Mai thờ Thượng tướng Trần Khát Chân và người em trai Trần Hãng. Cách chùa khoảng 400m là đình thôn Đông làng Hoàng Mai, thờ vị quan triều Lý là Lý Đạo Thành - người có công tìm ra địa thế đụn Thiên Nga, gò Phượng Thủy.

Nằm sâu hun hút trong con đường nhỏ trên rẻo đất làng Hoàng Mai, huyện Thanh Đàm phía Nam kinh thành Thăng Long xưa (nay là đường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cổ tự Nga My vẫn ngày đêm vang lên tiếng tụng kinh gõ mõ đều đặn từ hàng trăm năm nay.

Ngôi cổ tự tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn, xung quanh cây trái trĩu quả, tỏa bóng mát phủ khắp lớp sân gạch đỏ quạch. Theo phong thủy xưa, cổ tự Nga My nằm trên vị trí đắc địa là đụn Thiên Nga, tam quan ở gò Phượng Thủy. Theo văn bia soạn năm Hồng Đức thứ 28 (năm 1497) còn lưu giữ đến ngày nay thì chùa Nga My được xây dựng trên làng Hoàng Mai ngay sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long. Như vậy, chùa Nga My đã ngót nghét 1.000 năm tuổi, là một trong số ít cổ tự có niên đại lâu nhất Hà Nội.

Thuở trước, Hoàng Mai là một ngôi làng cổ nổi tiếng ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Vào đời Trần, Hoàng Mai nằm trong thái ấp của danh tướng Trần Khát Chân. Khi chùa được xây dựng từ đời Lý Thái Tổ, thì chỉ làm bằng gỗ mái lợp tranh. Sau đó, chùa bị hỏa hoạn. Đến năm 1463, cư sĩ Thuần Trung xây lại chùa. Năm 1497, Thiền sư Pháp Nguyên tổ chức trùng tu chùa. Năm 1624, vương phi Nguyễn Thị Ngọc Điểm và một số quận chúa, công thần phát tâm kiến thiết ngôi chùa trang nghiêm, một danh lam thời bấy giờ. Năm 1711, Thiền sư Từ Minh tổ chức trùng tu, xây gác chuông, tạc tượng Tam Thế Phật. Chùa tiếp tục được tu sửa vào năm 1815. 

Gắn với huyền tích công chúa triều Lý nên chùa liên tục được trùng tu với quy mô kiến trúc lớn. Khu chùa chính có quy mô kiến trúc lớn gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tiền đường được thiết kế theo kiểu nhà khung gỗ gồm năm gian, hai chái, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc, bờ dải đắp gạch gốm hình hoa chanh. Bộ khung đỡ mái gồm sáu vì, kết cấu bốn hàng chân được làm giống nhau kiểu chồng rường. Nền nhà được tôn cao 120cm so với mặt sân, có hàng hiên rộng, phía trước làm cửa bức bàn, phía sau gian giữa thông với thượng điện, các gian ngoài xây tường bao. Dọc hai hồi nhà và tường hậu xây những dãy bệ gạch cao 60cm để đặt tượng thờ. Thượng điện là một lớp nhà dọc bốn gian nối với gian giữa của tiền đường. Nhà được xây tường bao khép kín, các bộ vì đỡ mái có kết cấu giống nhau và giống như kết cấu nhà tiền đường. Các vì nách có kết cấu chồng rường và được đặt trên thanh xà có một đầu ăn sâu chân mộng vào thân cột cái, đầu kia gác trực tiếp trên tường bao. Dưới câu đầu của các vì được treo những bức cửa võng, hoành phi sơn son thếp vàng làm tăng sự lộng lẫy, uy nghi cho Phật điện.
 

Pho tượng Phật Nghìn tay nghìn mắt mang kiến trúc thế kỷ 16.

 Bệ sen mang đậm phong cách nghệ thuật xưa.


Lạ mắt gác chuông, khánh đá cổ

Nằm ngay phía sau thượng điện, tọa lạc giữa khoảng sân gạch rộng, gác chuông chùa Nga My như một điểm nhấn trong không gian rộng lớn sau chùa chính. Gác chuông được Thiền sư Từ Minh xây dựng năm 1711, đó cũng là năm vị thiền sư tạc tượng Tam Thế Phật - hiện vẫn được lưu giữ ở chùa.
 
Gác chuông chùa Nga My có mặt bằng hình vuông, hai tầng, tám mái, các góc đao được uốn cong ngược lên. Đầu của bốn đao trên đắp nổi cao bốn đầu rồng, còn bốn đao dưới trang trí hoa văn thực vật, uốn lượn uyển chuyển. Phần cổ diêm giữa hai mái làm chấn song con tiện lấy ánh sáng cho bên trong. Tỷ lệ giữa phần mái trên, mái dưới và phần thân nhà được thiết kế cân đối. Gác chuông được dựng trên bộ khung gỗ gồm 16 chân cột, chia đều cho bốn góc nhà. Bốn cột cái có kích thước lớn và vươn tới nóc mái. Quanh mỗi cột cái có ba cột góc để đỡ hệ thống xà, kẻ của tầng mái dưới.

Thiết kế gác chuông độc đáo này hiện mới chỉ thấy ở chùa Keo, Thái Bình và chùa Điềm Giang, tỉnh Ninh Bình. Sau nhiều lần trùng tu, gác chuông hiện vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc thuở xưa. Trong gác chuông treo đại hồng chung có niên đại năm 1815, phía dưới gác chuông là khánh đá màu trắng cổ kính. Ngay phía trái chùa, gần lối vào cổng chính là nơi lưu giữ nhiều bia đá cổ, như bia đời Lê Thánh Tông năm 1497, bia đời Lê Thần Tông năm 1624, bia đời Lê Dụ Tông năm 1709.
 
Theo sử sách còn chép lại đến ngày nay thì chùa Nga My đã được trùng tu vào các năm 1624, 1705-1719, 1829, 1900, 1907. Tháng 12/1972, tiền đường của chùa bị bom B52 của Mỹ phá hủy, ngay sau đó đã được phục dựng. Năm 1994 trùng tu dãy giải vũ bên trái, năm 1996 dựng lại dãy giải vũ bên phải, năm 1998 lại trùng tu chùa chính. Ni trưởng Thích Đàm Hảo (trụ trì chùa Nga My) cho hay, từ năm 1998 đến năm 2002 nhà chùa đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa trang nghiêm, thanh tịnh. Việc đặt các bia đá cổ ở ngay cạnh chùa chính, gần cửa vào chùa là để khách hành hương, phật tử tiện bề chiêm bái khi đến vãn cảnh chùa.

Pho tượng 5 thế kỷ
 
Cổ tự Nga My có niên đại gần 1.000 năm tuổi là một trong số ít những ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị nghệ thuât thế kỷ 17. Ni trưởng Thích Đàm Hảo cho hay, các pho tượng ở chùa đều là tượng cổ, sau mỗi lần trùng tu, nhà chùa chỉ tu sửa phía ngoài tượng. Các pho tượng cổ được đặt thờ ở cả chính điện và gian phía sau. Hiện ở Nga My cổ tự có tới 44 pho tượng phật cổ được xếp vào hàng quý hiếm.
 
Hệ thống tượng Phật được tạo tác từ đầu thế kỷ 19 (thời hậu Lê và đầu triều Nguyễn), có pho tượng A Di Đà với phong cách nghệ thuật thế kỷ 17-18, pho tượng Tam Thế Phật từ đầu thế kỷ 18. Các tượng và đồ thờ đều có giá trị, đặc biệt trên tòa chính điện có pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt được các nhà Mỹ thuật đánh giá cao về giá trị nghệ thuật tạc tượng thế kỷ 16,17. Đó cũng chính là pho tượng quý nổi bật nhất trong số các tượng phật cổ ở Nga My hiện nay. Đây là pho tượng được cho là có niên đại thế kỷ 17. Pho tượng được tạo tác khuôn mặt hiền hậu, nét chạm khắc biểu hiện sự quyền quý mà vẫn có nét gần gũi nhân gian. Những nét tạo tác trên khuôn mặt tượng Phật Quan Âm na ná với nét trên khuôn mặt tượng Quan Âm nổi tiếng ở chùa Bút Tháp, tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt, đài sen và bệ phía dưới tượng phật được trang trí mỗi cánh sen múp phồng, nổi rõ mũi từng cánh, trong lòng cánh sen có hoa cúc, đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ 16.

Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu trong các thế kỷ qua, nhưng chùa Nga My ngày nay vẫn giữ được nét cổ kính, trầm mặc một thời của ngôi cổ tự nằm trên đụn Thiên Nga, có tam quan ở gò Phượng Thủy. Lần trùng tu vào năm 1916 của thế kỷ trước, ni trưởng Thích Đàm Quang đã mở rộng chùa làm trường đào tạo Ni, mở khóa An cư kiết hạ cho chư Ni hàng năm. Cho đến đợt trùng tu năm 1998 - 2002 vừa qua, ngôi chùa chính tiếp tục được trùng tu khang trang, bề thế, trở thành nơi vãn cảnh, hành hương của nhân dân khắp vùng.
Nguồn: GiaDinh.net.vn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập