Học Giả Phan Lạc Tuyên - Vị Thầy Nghiêm Túc và Cởi Mở

Đã đọc: 3317           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thầy như người lái đò, như vị lương y sống với lương tâm lương tri của mình, vắt hết kiến thức và sức lực của mình đến hơi thở cuối cùng.

Nhận được hung tin Thầy đã từ trần, con vô cùng bàng hoàng xúc động. Chỉ biết chấp tay, một lòng ngưỡng vọng hướng về, với tất cả tâm thành tiếc thương vô hạn.

Ôi những kỷ niệm một thời của 15 năm trước vẫn còn đâu đây. Nơi phương xa, con chỉ xin mượn trang giấy này, ghi lại đôi dòng xúc cảm, như thay lời chia buồn thống thiết, thành kính tiễn biệt Thầy!

 

Kính thưa Thầy,

Mặc dù nhân duyên hội ngộ, đến với Cao Cấp Phật Học trong năm cuối của chương trình, nhưng Thầy đã để lại trong lòng Tăng-Ni sinh biết bao kỷ niệm, và vô lượng ân tình. Trái tim trinh thành thiết tha vì sự nghiệp giáo dục của Thầy đã khắc sâu trong lòng con, đã để lại một hình ảnh, một nhân dáng của ông lái đò, một đời hiến dâng, một đời ban trao kiến thức và lẽ sống cho thế hệ mai sau.

Sự hiện diện của Thầy nơi lớp học, đã tạo nhiều hưng phấn, cũng như chỉ rõ con đường trở về cội nguồn dân tộc, trở về tắm mát bên dòng sông Văn Minh Việt Nam ngàn đời.

 

Nhớ ngày đầu tiên, bài học về môn Văn Minh Việt Nam, vẫn còn nằm mãi trong khối óc và trái tim con. Nó đã trở thành máu thịt, dưỡng chất nuôi lớn tâm hồn con và đã nâng hai bàn chân con đi trong gian khổ, khó khăn suốt những năm qua: “….Việt nam là nền văn minh nông nghiệp lúa nước, nằm trong khu vực Đông Nam Á. Văn hoá Việt nam là văn hoá trọng Mẹ kính Cha, tôn Sư trọng Đạo…Theo lịch sử Việt nam, đạo Phật đến đất nước ta từ thời các vua Hùng….”

Thầy dẫn giải hết sức chi tiết và rõ ràng. Chính vậy mà những tiết học với Thầy đã kích khởi sự nghiên cứu của con sau này.

Thầy có một nghệ thuật diễn đạt, hay nói đúng hơn là một chân tình. Thầy nói như tâm sự, như truyền trao, như nhắn gởi đàn con cháu mình. Có lúc làm cho cả lớp xúc động đến rơi nước mắt, có khi làm cho mọi người vui cười thoải mái như trẻ thơ vô tư.

 

Trước những lớp văn hoá phi vật thể, tưởng như đã chết, Thầy lại cố công tìm tòi, trân quý để chứng minh cho mọi người, cho bao thế hệ học sinh, sinh viên biết rằng, những vật thế đó vẫn trường tồn, vẫn còn tiếng nói thì thầm, vẫn có tâm hồn rung động.

Những hình ảnh văn hoá Đông Sơn, rìu đá có vai, tiết tấu trong trống đồng Ngọc Lũ, hình dáng đa dạng, vật tổ Rồng bay, chim Hồng, chim Lạc, đối với Thầy vẫn là những sinh thể bất diệt.

Văn hoá âm nhạc nghệ thuật, kiến trúc chùa tháp của xứ sở Champa đã như buộc chặt bước chân lãng du của Thầy. Những hòn đá, những cục đất nung trong những ngôi Tháp Chàm, hay những phế tích hoang tàn ngoài Phan Rang, Phan Rí, đối với Thầy là cả một thiêng liêng mầu nhiệm. Phải chăng, Thầy tìm về nơi đây để thay lời sám hối, để xẻ chia những đớn đau cùng cực với người xưa?

Do vậy, Thầy hết sức nhiệt tâm, nắm tay dắt dẫn, trọn gởi thâm tình cho đàn hậu học. Thầy nói: “Nghiên cứu Văn Minh Việt Nam mà bỏ mảng văn hoá này, là một thiếu sót. Phải thường xuyên tới lui, thăm hỏi những người tưởng chừng đã chết, hầu chứng minh rằng, họ vẫn đang sinh tồn…”.

 

Kính thưa Thầy,

Hình ảnh thân thương, gây ấn tượng đến giờ, vẫn là sự im lặng trầm hùng, sự thong dong tĩnh tại khi uống một tách trà, khi ngồi nghe tiếng chim hót giữa những buổi sáng tinh sương, hay ngằm nhìn những chú cá Lý Ngư tung tăng bơi lội dưới đáy hồ, ngoài Thập lý đình, trong khuôn viên tư gia của Thầy.

Đôi mắt sâu thẳm sáng ngời, nụ cười nhân ái đôn hậu, giọng nói miền Bắc thật nhẹ nhàng dịu ngọt đã là một sức mạnh thu hút tâm hồn con.

Lúc đó, Thầy còn để bộ râu không dài lắm, nhưng cũng đã có dáng dấp của một tiên nhân. Trán cao đỉnh đạt, giọng nói ngọt ngào, con tim nhân ái, thông minh tuyệt vời, kiến thức huyên bác, và cách nhìn từng vấn đề thật sâu sắc, chi ly.

Những giờ lên lớp, những buổi trao đổi, những chuyến đi điền dã năm nào là dịp may để chúng con gần gũi Thầy hơn. Chính vì vậy, mối giao tình đầy thiện cảm, tinh thần tôn sư trọng đạo, tinh thần trân quý các bậc ân sư giáo thọ nơi mỗi Tăng-Ni sinh như được thấm sâu và trải rộng.

 

Một nét nổi bật khác nơi Thầy là, dù có đa đoan trăm công nghìn việc, dù có bận bịu trong việc giảng dạy, hay công tác ở một số nơi, nhưng lúc nào Thầy cũng sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng truyền đạt kiến thức, tư tưởng của bao năm tích tụ. Hơn nữa, không phải chỉ truyền đạt, hay bắt buộc sinh viên lắng nghe một chiều, mà ngược lại, Thầy còn chú ý lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tiếp nhận ý kiến đóng góp sâu sắc của Tăng-Ni trẻ thời đó một cách chân tình.

Thầy đã lắng nghe từng chữ, từng lời, từng câu, với một khát vọng bổ sung kiến thức cá nhân, bằng một con tim nồng nhiệt, đối với những gì còn xa lạ với mình.  

 

Năm tháng trôi qua, tuổi đời chồng chất, trách nhiệm nặng nề, nhưng lúc nào Thầy cũng thừa khả năng thấu thị mọi sự vận hành của đất trời. Thầy đã không ngại mọi khó khăn trở ngại vì thời gian, không màng sức yếu, tuổi hạc cao niên, để ban trao những kiến thức về nguồn gốc văn minh, văn hoá Việt nam mình.

 

Thầy thường nói: “càng lớn tuổi, càng dễcảm nhận sâu sắc về giáo lý đạo Phật vô hạn, về những thiêng liêng tột cùng của kiếp người”. Quả thật, cuộc đời Thầy là những chuỗi dài của lạc quan yêu đời, thay vì bi quan chán nản như những người khác. Tâm thái thong dong tự tại, ánh mắt nhìn xa sâu lắng, là những biểu hiện khi ngồi uống trà bên Thầy.

 

Thật sự, Thầy đã ít nhiều cho con niềm tin và sức mạnh trong cuộc sống vốn phủ đầy gian nan khó nhọc. Thầy đã bồi bổ cho con dưỡng chất nam nhi đại trượng phu, coi gian nan sóng gió cuộc đời như trò đùa, nhìn quyền thế lợi danh như hạt sương rơi trước ánh ban mai!

 

Kính thưa Thầy,

Con còn nhớ, sau khi được Thầy chấp nhận làm giáo sư hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, Thầy đã nghiêm túc lên lịch làm việc một cách rõ ràng.

Mới đầu, mỗi tuần gặp một lần. Mỗi lần ít nhất là hai giờ. Tinh thần giảng dạy thật nghiêm túc, kể cả nghiêm túc trắc nghiệm. Thầy chỉ dạy rất tận tình. Từ phương pháp nghiên cứu, cách thức đọc sách, cách thức tìm tư liệu, Thầy đều chỉ dạy cặn kẽ rõ ràng.

 

Khi đọc xong, con phải nói lên những nhận định của mình. Sau đó, Thầy mới tiếp tục hướng dẫn những quyển sách khác, liên quan trực tiếp hay gián tiếp với đề tài. Những quyển sách này vô cùng quan trọng, luôn tương quan bổ sung nhau.

 

Thời gian đó, mỗi sáng Chủ Nhật, từ Chùa Giác Ngộ, con phải sắp xếp công việc, để gặp Thầy rất sớm nơi tư gia của Thầy. Mới đầu còn e ngại rụt rè, nhưng sau này thân quen, Thầy đã xem con như con cháu. Thay vì phải làm việc, phải vô đề tài nghiên cứu liền, Thầy hay kêu vô uống trà, nghe chim hót, nhìn cá bơi, im lặng vài phút, rồi mới bắt đầu. Thỉnh thoảng, Thầy còn vui vẻ rũ con đến nhà, cùng Thầy ngắm trăng, ngâm thơ trong những đêm trăng tròn. Có khi đến gần nữa khuya con mới về tới chùa.

Tư gia của Thầy cách Đầm Sen không xa lắm. Sau khu chợ nhỏ, gần Tu Viện Huệ Quang, quận Tân Bình. Mảnh đất thoáng mát, rộng rãi, ngôi nhà khiêm tốn đơn sơ. Kiểu dáng như những ngôi nhà ở làng quê hẻo lánh. Có Thập lý đình, ao cá, suối giả nước chảy róc rách, chim hót líu lo; Có bụi tre vàng, có nhành trúc đen huyền. Thật nên thơ và dễ làm lòng người tịnh lắng.

 

Suốt thời gian được Thầy hướng dẫn, đa phần là ngồi ngoài Thập Lý Đình. Ít khi vô nhà trong, ngoại trừ những hôm nắng gắt hay những lúc mưa trái mùa.

Có hôm tới giữa trưa, mà câu chuyện chưa dứt, Thầy lại nhờ cô phụ việc nấu cơm chay khoản đãi. Lúc đó Thầy chưa ăn chay trường được, vì còn cô con gái nhỏ.

 

Con chưa từng nghe Thầy than vản hay tâm sự về tình cảnh ‘gà trống nuôi con’ của Thầy. Chỉ biết lúc đó, một mình Thầy, vừa bù đầu giảng dạy đó đây, vừa phải chăm nuôi cô con gái chưa đầy 15 tuổi.

Hình như bao nhiêu tình cảm Thầy đều dành trọn vẹn cho con mình. Thầy rất cưng chìu cô con gái này. Nên thỉnh thoảng, đang thao thao bất tuyệt ngoài sân, hể cô con gái trong nhà lên tiếng kêu đòi: “Bố ơi, bố ơi, vào đây giúp con việc này, dạy con việc kia, sửa dùm con bài toán, chỉnh cho con đoạn văn” là Thầy xin lỗi ngắt ngang câu chuyện, bước nhanh vào nhà ngay. Dưới ánh mắt của con, Thầy là người cha thật tuyệt vời!

 

Kính thưa Thầy,

Thầy thật sự vừa là nhà giáo dục đích thực, vừa là người cha tuyệt vời. Suốt đời chỉ biết dưỡng nuôi con cái, chỉ biết ban trao cho Tăng-Ni sinh tấm lòng vị tha bao dung và kiên nhẫn chấp nhận.

Thầy như người lái đò, như vị lương y sống với lương tâm lương tri của mình, vắt hết kiến thức và sức lực của mình đến hơi thở cuối cùng.

 

Trước ngày lễ ra trường, Thầy đã gợi ý giúp chúng con có buổi hợp mặt đầy thân tình tại Tịnh Xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh. Thầy đã làm cầu nối để chúng con biết những ai đã được sự hướng dẫn của Thầy. Nhờ nhân duyên thù thắng này, mà con biết được quý Thầy quý Sư Cô như: Thầy Tâm Khanh, chùa Long Bửu, quận 4, Sư Giác Nghị, Tịnh Xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh, sư cô Huyền Tâm và một số pháp hữu khác nữa.

Nhờ vào bàn tay khéo léo trang trí và cách chế biến thức ăn của sư Giác Nghị, nhờ vào lời nói chân tình dễ thương của pháp hữu Tâm Khanh và giáo từ của Thầy, tất cả mọi người đều vô cùng hoan hỷ đón nhận. Ôi, một ấn tượng khó nhạt phai, một hình ảnh thật tuyệt vời từ thời sinh viên đại học!

 

Trước buổi hợp mặt đó, Thầy có gợi ý cho con làm một câu đối để tôn trí nơi bàn thờ Tổ tiên tại tư gia của Thầy.  Vâng lời chỉ giáo của Thầy, trong buổi hợp mặt đầy ắp thâm tình Sư-đệ, con có Tặng Thầy một câu đối, viết về gia phả và cuộc đời của Thầy. Lâu quá con quên rồi, nhưng có những chữ tên tộc, bút hiệu của Thầy và chữ cuối cùng của câu đối, một bên là Tiến Sĩ. một bên Bác Học.

Vì muốn một phần đền ơn giảng dạy, vì muốn tỏ một chút lòng kính trọng đối với ân sư, câu đối này, con  nhờ nhà viết chữ nổi tiếng Kim Thanh, ở đường Nguyễn Trãi, quận 5, Chợ Lớn phóng tác, rồi đóng khuôn rất trang trọng. Thầy đã hoan hỷ đón nhận món quà tinh thần của những người học trò đầu tròn áo vuông một cách trân quý.

 

Ngoài những sách vỡ liên quan đến đề tài, sau này Thầy còn khuyến bảo con nên đọc sách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Thầy tâm đắc nhất là quyển Binh Thư Yếu Lược. Đó là một trong những quyển sách gối đầu giường của Thầy. Thầy tin tưởng cho con mượn thời gian khá lâu, và dạy con nên học thuộc lòng.

Con đã trao đổi với Thầy nhiều về tác phẩm giá trị ngàn đời này, về một di sản văn hoá của Tổ tiên để lại. Không giá trị sao được, khi một sản phẩm trí tuệ đã được rút ra từ những cuộc chiến chống ngoại xâm. Không giá trị sao được, khi nó đã trở thành di sản văn hoá không chỉ riêng Việt nam mà còn cho nhân loại. Nó là sản phẩm trí tuệ, là mồ hôi của biết bao con người, của dân tộc và nhân dân Việt nam. Thầy thường nói: “quyển sách này còn hay hơn cả những binh thư của Tôn Tử hoặc của Gia Cát Lượng bên Trung Quốc”.
Không hay sao được, khi nhờ vào những sách lược này, mà Việt nam thời đó đánh đuổi đoàn quân hùng mạnh nhất khu vực ra khỏi bờ cõi non sông. Không hay sao được, khi nhờ vào quyển sách này, mà từng tất đất, luống rau vườn cà, từng mái nhà ngôi chùa, từng con người già trẻ gái trai vẫn được chăm sóc đúng mức, vẫn được bảo tồn, giữ gìn nguyên vẹn! Thật là một tuyệt tác có một không hai!

 

Thoạt đầu, Thầy chỉ cho mượn và khuyến khích con nên tìm mua làm tư liệu nghiên cứu. Con có bỏ thời gian đến những tiệm sách cũ khắp Sài gòn, tìm mua mà không tìm ra được. Sau này, ngày con đi Ấn Độ, Thầy đã hoan hỷ ký tặng quyển sách quý đó cho con.

 

Nhớ lúc con lên đường du học, đêm tiễn đưa tại Chùa Giác Ngộ, mặt dù hơi xa xôi và già yếu, nhưng Thầy vẫn cố gắng hiện diện, để khích lệ và ủng hộ tinh thần. Trước khi ra về, Thầy còn hứa, sau này, nếu đủ đầy nhân duyên, nếu con đồng ý, Thầy sẽ giới thiệu cho con vào chỗ công tác của Thầy. Nơi đó có rất nhiều nhân sĩ tri thức cùng làm việc với nhau.

 

Trong gói hành lý, con nhớ có mang theo quyển Binh Thư Yếu Lược đó. Khi còn ở Ký Túc Xá Quốc Tế, thỉnh thoảng con có lấy ra xem. Nhưng sau này qua Úc, con đã để lại Ấn Độ, rồi thất lạc nơi nào con cũng chẳng biết. Tâm sự đến đây, con tự thấy cõi lòng vô cùng hổ thẹn, một kỷ vật quý giá như vậy mà còn không giữ được, huống chi những việc lớn lao khác làm sao gánh vác nỗi! Con dập đầu thành tâm sám hối với anh linh Thầy! Xin Thầy hoan hỷ thứ tha cho đứa học trò ngu muội, vô ý tứ này!

 

Kính thưa Thầy,

Suốt cuộc hành trình hơn tám mươi năm, suốt một đời người tận tâm vì giáo dục, vì văn hoá văn minh dân tộc, chắc chắn Thầy có nhiều môn đệ, có nhiều hạnh phúc.

Nhớ còn sinh tiền, Thầy rất tâm đắc và ngưỡng phục quý Thiền Sư Việt nam thời Lý-Trần. Đặc biệt là ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ và Tam Tổ Huyền Quang. Nhân dáng của một đạo nhân, một Thiền sư sống giữa đời thường, đi giữa nhân gian, tốt đạo đẹp đời, sáng ngời thiên cổ vẫn còn trong trái tim trinh khiết của Thầy, vẫn còn trong tâm thành ngưỡng mộ của con.

 

Thầy thường tâm sự với con, trong quảng đời còn lại, trước những khó khăn gian khổ, Thầy đều thành tâm cầu nguyện sự gia trì của chư Phật-Tổ, và quyết tâm lựa chọn con đường của quý Ngài đã đi qua. Với niềm ước vọng cuối cùng, sau này, khi lo cho cô con gái yên bề gia thất, Thầy sẽ dành nhiều thời giờ để chiêm nghiệm, trải nghiệm, sống với những gì chư tiền nhân để lại!

 

Hôm nay, khi được tin Thầy trả thân xác trở về cát bụi, nhìn hình ảnh đầu tròn áo vuông, hai tay thành kính chấp lại, hai tay lần chuỗi Bồ đề, lòng con vô cùng mừng rỡ, vì thấy Thầy đã thực hiện được ước mơ cuối đời của mình.

 

Khi viết những giòng chữ tưởng nhớ về Thầy, dường như tiếng nói khoan hoà, lời chỉ dạy sâu sắc của Thầy vẫn còn văng vẳng bên con. Phải chăng, bằng trái tim trinh thành, bằng thần giao kết nối, con vẫn thấy Thầy quanh quẩn đâu đây. Do vậy, sự ra đi của Thầy chỉ thêm lớn nhân cách và vinh quang tươi đẹp hơn!  

 

Một chút tâm thành kính dâng, một lòng ngưỡng vọng hướng về!!!

 

Úc Châu, ngày 15-11-2011; nhằm ngày 22-10-Tân Mão

 

Hậu học: Tâm Pháp-Thiện Hữu

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập