Lê Thiết Cương: Khổ vẽ thiền tranh- trả cho hết nghiệp

Đã đọc: 2921           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đã lâu rồi, tôi không hề biết rằng, hơn một năm qua, gallery 39A Lý Quốc Sư không mở cửa. Chủ nhân náo động của phòng tranh khá nổi tiếng bởi những cuộc chơi bất tận về nghệ thuật bỗng nhiên có một thời gian dài không liên lạc được.

Chỉ thông báo với bạn bè là không tiếp xúc, không giao du, ở nhà đóng cửa để vẽ tranh. Một ngày cuối năm âm lịch, tôi bất chợt ghé qua đây và tự dưng, một chút đắng lòng bởi sự trống trải, lạnh vắng ở nơi này cho dù không gian không có gì thay đổi, mọi thứ vẫn như cũ, vẫn đẹp, thậm chí còn đẹp hơn xưa.

1. Tôi nhìn thấy một nỗi ngẩn ngơ như người vừa đánh rơi mình ở đâu đó trên gương mặt có phần như hoang lạnh hơn ở Lê Thiết Cương. Một cảm giác rỗng rễnh, trống không. Chút trầm buồn vô thường trên gương mặt, và cả sự yếu đuối của một gã đàn ông không buồn giấu đi nỗi buồn.  Nỗi buồn giúp cho mặt Cương mềm lại, dịu đi, bớt sắc lẻm và náo động hơn.

Dường như, với Cương lúc này, cảm giác mọi hình thức trong anh đã được giũ bỏ. Mọi phức tạp, rắc rối, tham vọng đã được giũ bỏ. Cương trụi trần trong câu chuyện cuối năm, đầu năm, giản đơn, bình thản như những hình hài thiền trong các bức tranh anh vẫn vẽ.

Có phải khi người ta đối diện với chính mình trong một thời gian dài để biết mình đang ở đâu, mình là ai, mình từ một cõi thâm sâu nào dạt đến, mình đã đi, đã ở lại, đã sống và trở về ra trong cõi đời này thì bản thân tự khắc trên gương mặt họ thay đổi. Tôi thấy Lê Thiết Cương khác đi rất nhiều, gương mặt anh, câu chuyện của anh, ý nghĩ và nỗi buồn của anh mang một tinh thần khác, dưới một ánh sáng khác...

Ngày trước gặp Cương, tôi thấy anh kiêu hãnh, kiêu ngạo. Giữa chốn đông người, anh nói nhiều, cao giọng, bất cần và riết róng với mọi thứ. Ngày trước gặp anh, thấy anh náo động, phức tạp, lắm ham thích, nhiều say mê, quay quắt với nhiều thứ... Giờ đây, có thể trong sâu thẳm Lê Thiết Cương vẫn vậy.

Thế nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy Lê Thiết Cương khác nhiều... khác như thể một sự đổ vỡ rất sâu từ đâu đó trong tiềm thức của Cương hiển hiện ra một cách không thể khác. Tôi thấy Lê Thiết Cương thay đổi, ngay cả trong tinh thần mà lúc này anh đang ngồi đối diện với tôi trong một chiều cuối năm, một sáng đầu năm lặng lẽ. (Để viết bài này, tôi đã chọn 2 thời điểm gặp Lê Thiết Cương vào một chiều cận tết, và một ngày đầu năm mới- tác giả).

Tôi nhìn thấy bức tranh trên tường vừa được thay mới trong ngày đầu năm Tân Mão này. Bức "Trở về", Cương vẽ hình hài một người ngồi trong chiếc chum. Trong chiếc chum ấy có một con mắt mở ra dè dặt. Ánh nhìn của con mắt độc ấy chiếu thẳng vào người đối diện, vừa bình thản, vừa đau khổ, vừa tuyệt vọng, vừa kiêu hãnh.

Một ánh mắt lẻ loi, đơn độc nhìn thế giới đang chuyển động ở bên ngoài, hoặc cũng có thể một con mắt đang bình thản nhìn hình hài người cúi mặt trong chiếc chum. Lê Thiết Cương vẫn như vậy, trung thành tuyệt đối với phong cách tối giản, nhưng nếu như những bức tranh Cương thích nhất treo trong ngôi nhà 39A Lý Quốc Sư mà tôi đã từng được nhìn thấy, sự tối giản trong các bức tranh của Cương luôn đem đến cho người xem một sự bình yên đến dịu lòng.

Một sự thanh thản quên bao phiền muộn. Một sự mê dụ đầy dịu dàng dắt con người đi qua bến mê, đi qua bến lú, đi qua cái ác để tìm về nẻo thiện, đi qua những bão giông để đến với miền bình yên. Thế nhưng ở bức tranh mới nhất của Cương, tôi nhìn thấy một nỗi buồn bao phủ trên những nét vẽ mảnh như tơ khói ấy.  Nhìn bức tranh này, tôi thấy thương những nét vẽ mảnh trên toan của Cương.

Thương hình hài người trốn trong chiếc chum úp mặt vào đầu gối. Thương con mắt lẻ loi đơn độc nhìn ra bên ngoài, hay nhìn chính cái hình hài đang cố giấu mình thật sâu kia. Tôi nói với Cương, nhìn bức tranh thấy đẹp mà buồn quá, mà yếu đuối quá. Tại sao vậy? Cương nói, anh đã nghĩ đến bức tranh ấy trong cơn trầm cảm của mình.

Đời người ai chẳng có lúc bị rơi vào trạng thái chán bản thân, sợ thế giới bên ngoài, nhất là nhạy cảm và mong manh như tâm hồn của những người nghệ sỹ. Hoá ra, người đàn ông luôn kiêu hãnh trong Lê Thiết Cương cũng có lúc không cần phải dối lòng mình, để nhẹ lòng hơn. Cương nói: Chỉ có người đã từng giày vò trong cơn trầm cảm kéo dài mới có ước muốn kỳ quái là ước gì chui được vào chiếc chum, thu mình trong chiếc chum để được giấu mình đi, để không ai nhìn thấy, để không tồn tại.

2. Tôi hỏi Lê Thiết Cương năm nay có phải là cái tết buồn nhất từ trước đến nay của anh không. Cương nghĩ một lúc rồi gật đầu xác nhận. Có thể vậy. Trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, nhưng dường như lại thiếu mọi thứ. Tôi không và chưa bao giờ biết những cái tết đông vui trước đó của Cương. Nhưng đến đây, quan sát anh và ngôi nhà này, tôi có thể hình dung tất cả.

Không biết tết của Lê Thiết Cương sẽ như thế nào trong căn nhà quá rộng, quá đủ đầy mọi thứ mà lại thiếu đi hơi ấm của những tiếng cười đàn bà và con trẻ. Chỉ có Cương và mẹ, người phụ nữ nhẫn nại sau những vinh quang và nỗi buồn của con trai. Người phụ nữ có sự tĩnh tại đầy trải nghiệm, đi qua hết những giông gió cuộc đời rồi để đủ là chốn bình yên cho con trai tựa qua những thăng trầm. Nhưng chỉ có mỗi mình mẹ thôi thì tết không thể đủ đầy được.

Vắng tiếng trẻ thơ (một con trai anh đã lớn, sống cùng với mẹ, một con trai khác bé hơn sống ở Mỹ cùng với mẹ). Thỉnh thoảng cậu con trai bé lại gọi điện thoại về cho bố nức nở: "Bố ơi, con nhớ bố lắm", thì hỏi sao ngôi nhà này không thiếu vắng, không buồn. Và người đàn bà đẹp hiện ra như một thứ quả chín nồng hương trong khu vườn của Cương năm nay không ở lại cùng Cương ăn tết ở nhà.

Tại sao, một người đàn ông thuần Việt, yêu văn hoá Việt, tôn trọng các giá trị tinh thần cổ truyền, người tự cho là giỏi tổ chức cuộc sống, cầu toàn, cẩn thận, kỹ lưỡng tới từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống của mình, bỗng nhiên một ngày lẻ loi và đơn độc trong tất cả những thứ mà mình đã dày công sắp đặt.

Có lẽ chỉ tại số phận đã chọn giúp Cương một cuộc sống như vậy. Không ai đủ lý trí và sự tỉnh táo để chọn cho mình một tương lai, hay một cuộc sống tốt đẹp. Người nghệ sỹ đầy bản năng lại càng không thể lập trình trước được hạnh phúc lâu dài cho mình.

Tôi tin rằng, năm nay Cương vẫn chưa thể quên đi nỗi sợ tết. Bởi tết của người Việt là khoảng thời gian mọi người cất hết lo toan bộn bề, gác lại mọi công việc để quây quần bên nhau, để thăm hỏi nhau, để chào mừng nhau, đón nhau ăn cỗ, du xuân thì Cương một mình với mẹ trong căn nhà quá rộng.

Tôi nghĩ Cương thật may mắn vì còn có mẹ. Bóng người phụ nữ duy nhất còn lại của Cương giữa những bức tường, trong căn nhà, hay thấp thoáng sau bếp đủ cho Cương bình yên hơn, và đủ để đốt ấm lên cái không khí của tết mà gia đình nào cũng có. Có mẹ, có con trai lớn trở về, có cỗ cúng giao thừa, có bữa cơm ấm nóng, Cương còn có chỗ để neo mình.

Cương dành trọn vẹn cả ba ngày tết thật yên tĩnh, trong không khí linh thiêng của phút giao thừa và ngày đầu năm mới để làm một công việc quan trọng là biên tập ảnh chuẩn bị cho cuộc triễn lãm "Được mất" với những bức ảnh đen trắng của Eva- nhiếp ảnh gia người Thụy Điển, và ảnh của Cương chụp từ năm 2000 cho đến nay vào ngày 15/3/2011.

Nhưng tưởng như 3 ngày tết yên tĩnh dành trọn cho niềm đam mê nhiếp ảnh sẽ làm cho Cương thanh thản, dịu lòng. Hoá ra, ký ức từ những bức ảnh xưa cũ. Từng câu chuyện trong mỗi bức ảnh xưa cũ ấy làm cho trái tim Cương mệt nhọc nhiều hơn khi nuối tiếc quá khứ, khi nuối tiếc những gì đã mất trong quá khứ.

Quá khứ đẹp luôn ám ảnh mỗi chúng ta, luôn làm cho trái tim ta quặn thắt đau nhói khi một ngày bỗng nhiên trở lại và bắt ta phải đối diện với nỗi tiếc nuối tận cùng. Tôi hiểu tâm trạng của Cương, tâm trạng của người đi tìm lại những gì đã mất trong một nỗi tuyệt vọng... Không phải, hay khi ta là cái kho lưu giữ ký ức.

Nhưng làm sao có thể xoá sạch mọi ký ức để sống tiếp ngày mai. Ký ức dù đẹp đến mấy, làm ta đau đớn đến mấy hay muộn phiền đến mấy thì cũng là thứ cần thiết cho cuộc đời con người trên con đường dài. Tôi khiếp hãi biết bao nếu một ngày nào đó tôi không còn ký ức nữa. Vì thế tôi cũng hiểu trái tim Cương mệt nhọc biết bao đập chậm chạp trong không gian ký ức, trong phút yên tĩnh nhất của phút giao thừa. 

Lúc trái tim mệt nhất là lúc Cương buộc phải cất mình bước ra khỏi không gian 39A Lý Quốc Sư để tìm lại sự bình yên. Trước mặt ngôi nhà anh là ngôi đền Lý Quốc Sư, ra ngõ một chút thôi ở phía bên trái là ngôi chùa rất đỗi bình yên thờ Lý Quốc Sư, bên tay phải là ngôi đền Ủng thờ vị tướng Phạm Ngũ Lão.

Chính vì mê cái không gian chùa chiền, không gian thiền Phật ở nơi đây mà Lê Thiết Cương đã cùng mẹ mua ngôi nhà này. Mỗi một giao thừa, khi còn lại một mình Lê Thiết Cương thường thả bộ ra đền, chùa, không phải để thắp hương chắp tay cúng bái cầu xin mà để bách bộ, để lặng lẽ được ngắm nhìn phút giao thoa của trời đất, được chiêm nghiệm vẻ đẹp linh thiêng của con người thành kính đầu năm chắp tay trước cửa Phật để xin từ bi.

3. Sáng mồng 4 tết, tôi ghé thăm Lê Thiết Cương. Ngôi nhà có một chút thay đổi so với ngày cuối cùng cận tết tôi có mặt. Bởi bức tranh mới khổ  lớn "Trở về" chủ nhân mới vẽ vừa khô mực treo trên tường làm cho tôi thấy thương Cương. Tết hiển hiện trong ngôi nhà có lẽ là mấy hộp mứt để trên bàn tiếp khách, và ở những bông hoa đào khoe sắc dưới nhà.

Tôi ngồi nói chuyện với anh, bóng người phụ nữ duy nhất, người mẹ vẫn thấp thoáng sau những bức tường, sau căn phòng bếp đủ nhen lên sự ấm áp còn lại. Người thư ký gallery nghỉ việc một năm nay giờ cũng đã đi làm trở lại. Ngôi nhà sống động hơn, vui hơn, như thể từng ấy chi tiết nhỏ nhoi thôi cũng đủ thắp lên một ánh sáng khác thay đổi màu sắc trầm buồn của năm cũ.

Đã một thời gian dài, cái không gian nơi này, chủ nhân Lê Thiết Cương, và những gì diễn ra ở gallery 39A Lý Quốc Sư đều đem đến cho những người bạn yêu văn hoá Việt một cảm giác thoả mãn và ấm áp, khi họ được mời đến đây và thưởng thức những bữa tiệc cầu kỳ của chủ nhân trong những cuộc chơi về nghệ thuật. Nhưng Lê Thiết Cương nói, gìờ đây anh sẽ phải thay đổi một số thứ, gallery phi lợi nhuận 39A Lý Quốc Sư có thể chỉ là một ký ức trong vô vàn những ký ức đẹp mà Lê Thiết Cương cất giữ.

Tôi không biết và cũng không quan tâm lắm Lê Thiết Cương sẽ tiếp tục say mê với những dự án gì. Tôi yêu sự tối giản trong những bức tranh của Cương. Yêu cái khoảnh khắc yên tĩnh, vô thường mà Cương tạo ra trong mỗi tác phẩm nghệ thuật hội họa của anh.

Tôi đồ rằng, ngay cả Cương, chủ nhân của những bức họa ấy dường như cũng bất lực trước những khao khát, ước vọng mà anh gửi gắm trong những bức tranh kia. Tôi nhớ câu nói của Cương: "Phải rất phức tạp thì mới lựa chọn ra được cái gì đó. Tôi quá phức tạp nên đã lựa chọn sự tối giản". Nhưng tôi cũng nhìn thấy sự bất lực của chủ nhân khi không thể chiếm đoạt nổi tinh thần mà anh tạo ra từ những bức tranh.

Theo: antgct.cand.com.vn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập