Nghệ sĩ Bạch Tuyết: Phật Giáo, chất men thúc đẩy lòng hướng thiện của con người

Đã đọc: 6887           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hơn bốn mươi năm hoạt động không mệt mỏi trên sàn diễn ca kịch cải lương, từ hai lần đạt giải Thanh Tâm (1963-1965) đến ngôi vị ‘Cải lương chi bảo’, hiện nay, Bạch Tuyết là một trong những nghệ sĩ ưu tú của nền nghệ thuật sân khấu dân tộc. Vẫn là những thanh âm truyền cảm, lôi cuốn, Bạch Tuyết đã xuất hiện qua ba tác phẩm trường ca cải lương mang đề tài Phật giáo…

Nhiều vấn đề nội dung tư tưởng trong nghệ thuật cải lương mà chị trao đổi có mang hơi thở của Phật giáo. Theo chị, đạo Phật có ảnh hưởng tới  nghệ thuật truyền thống  như thế nào? 

Phần lớn những yếu tố hình thành tư tưởng triết lý trong hầu hết các vở diễn xuất phát từ tinh thần Bi, Trí, Dũng của đạo Phật. Theo nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật sân khấu truyền thống trong cũng như ngoài nước, ở Việt Nam thời Lý-Trần, ngôi chùa là trung tâm văn hóa của cả cộng đồng, nơi biểu diễn các loại hình sân khấu cổ truyền đậm tính chất dân gian, thấm đượm hương vị Phật giáo. Sử chép rằng các vua Lý-Trần đã nhiều lần xuống chiếu đại xá cho các tội phạm biết ăn năn hối cải, miễn giảm thuế cho dân bị thiên tai địch họa. Tinh thần Phật giáo luôn biểu hiện lòng nhân ái, lượng bao dung, đức hiếu sinh (từ bi, hỉ xả), lấy hạnh phúc con người và sự giải thoát làm mục đích, không phân biệt già trẻ trai gái, cao thấp sang hèn. Tư tưởng Phật giáo thông qua các tác phẩm sân khấu đã khuyến khích con người sống hướng thiện, tự ý thức, hành động, tự hoàn thiện và nhất là tự định đoạt lấy số phận mình. Như vậy, nghệ thuật sân khấu truyền thống thời Lý-Trần chan hòa tinh thần Phật giáo, nhân vật trung tâm xuất hiện trước khán giả là để chuyển tải ý niệm nhân ái, bao dung và tư tưởng cốt tủy của một tôn giáo được Việt hóa qua cuộc đời vĩ đại của đức vua Trần Nhân Tông, người mở lối cho Thiền tông Việt Nam hiện diện một cách tự hào trong ngôi nhà Phật giáo thế giới. Sân khấu lúc bấy giờ hướng về tinh thần bất khuất của các vị cao tăng đạo cao đức trọng, có tư tưởng Phật học uyên thâm, yêu nghệ thuật, yêu dân tộc…, mà từ nguồn cội này sân khấu truyền thống dân tộc đã đi sâu thấm dần vào tâm thức của dân chúng, hình thành sự rung cảm đồng điệu giữa người thưởng ngoạn và người làm nghệ thuật chân chính của mọi thời đại.

Sự rung cảm đồng điệu ấy  được minh họa ra sao trong nghệ thuật cải lương? 

Sân khấu ca kịch cải lương Việt Nam hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX, trong đó, chủ đề Phật giáo được khai thác thiên về tính giáo dục. Những vở diễn đã được công chúng cũng như Phật tử đón nhận nồng nhiệt và phần nào thỏa mãn được cách lý giải và trình bày giáo lý của Đức Phật về thuyết “Nhân quả nghiệp báo”. Nhiều vở diễn mang đề tài Phật giáo vẫn được dựng đi dựng lại trong một, hai hoặc ba thập niên trở lại đây, tuy có sửa đổi tùy theo thời đại nhưng vẫn chuyển tải được cái căn bản của đạo Phật như Thiện sẽ có thiện báo, Ác sẽ có ác báo, điều này không bao giờ sai, nếu như chưa thấy qủa báo là vì nhân chưa đủ, duyên chưa chín, thời gian chưa đến. Tôi muốn đề cập đến những vở như: “Tam Tạng thỉnh kinh”, “Mục Liên Thanh đề”, “Quan Âm diệu thiện”, “Quan Âm thị kính”… Tuy nhiên, có điều đáng tiếc là từ thập niên 1960 trở lại đây, trong một số vở cải lương có đề tài Phật giáo, người xem chưa đồng tình với cách luận giải thiếu nghiêm túc, chưa chính xác của một số tác giả không có điều kiện nghiên cứu giáo lý Phật giáo một cách xuyên suốt, khiến cho cái nhìn về Phật giáo đôi khi tiêu cực, nhân vật trung tâm thường rơi vào nghịch cảnh, rời bỏ cuộc đời nương về cửa Phật. Do vậy, tính chất, nhập thế, giải thoát vốn thuộc về cốt tủy của đạo Phật đã ít nhiều bị hiểu sai lạc… Nhưng tựu trung, trong tiến trình giao kết, vai trò của Phật giáo đã làm chất men thúc đẩy lòng hướng thiện của con người thông qua các tác phẩm trên sân khấu truyền thống và người nghệ sĩ thể hiện trước công chúng. Tư tưởng Phật giáo rõ ràng đã trở thành cái nền vững chắc hỗ trợ sân khấu truyền thống, cũng như trong nghệ thuật cải lương, khẳng định tính nhân bản trong dòng văn hóa dân tộc. 

Nghe nói chị đã chuyển thể bộ kinh Pháp Cú của Phật giáo thành Trường ca Pháp Cú cải lương. Việc làm này xuất phát từ động cơ nào?

Sau mấy chục năm theo đạo Phật, ăn chay, ngồi thiền, tôi nghĩ giáo lý Phật giáo rất bổ ích và thiết thực với cuộc sống. Đạo Phật giúp tôi củng cố, nuôi dưỡng tấm lòng đối với dân tộc và trách nhiệm của một người nghệ sĩ trong đời sống cộng đồng. Đồng thời đạo Phật giúp tôi khẳng định ý chí, nghị lực, tiếp sức cho tôi sống để làm tốt cho cuộc sống, làm đẹp cho nghệ thuật cải lương.

Sau một  thời gian dài sắp xếp và chuẩn bị kỹ lưỡng, cách đây mấy năm tôi có lên xin Hòa thượng Thích Thanh Từ (Thầy bổn sư của tôi) để tôi thế phát xuất gia với một tinh thần hết sức minh mẫn, an định, vui vẻ, coi như công việc đời đã xong, và đứa con trai cũng đã trưởng thành. Thấy tôi quyết tâm như vậy, Hòa thượng mới nói: “Con là người nghệ sĩ được khán giả yêu thương. Cách tu tốt nhất không phải là con trở thành một ni cô. Thầy tin con có thể làm tốt với vai trò của một ni cô, nhưng con sẽ làm được tốt hơn nếu như con vẫn là một nghệ sĩ, vẫn cống hiến cả cuộc đời con cho sân khấu dân tộc và vẫn làm Phật sự như con đã làm bao nhiêu năm nay. Như vậy, người ta càng thương người nghệ sĩ, những Phật tử càng phấn khởi tu tập, những người bình thường càng phấn khởi để làm nhiều việc thiện hơn. Với đời, con sẽ làm được nhiều việc có ích. Với đạo, con cố gắng bằng sự hiểu biết của con, dần dần đưa giáo lý của Đức Phật vào trong những nhân vật cải lương mà con đóng, làm thế nào để cho người ta thấy con người càng ngày càng phải học hỏi, để sống và nâng những hiểu biết, trí tuệ của mình lên. Mà khi con người có hiểu biết và trí tuệ thì họ sẽ dần dần biết làm những việc thiện, biết khuyến khích, tạo điều kiện cho những người chung quanh mình làm việc thiện. Như thế chính con mới thấm nhuần giáo lý của Đức Phật, và qua đó thầy tin rằng con sẽ làm tốt”.

Tôi nghĩ Hòa thượng đã nhận định rất đúng, bởi khi tôi quyết tâm vào chùa là tôi mới chỉ nghĩ riêng đến mình thôi. Sau đó, tôi cảm thấy kinh Pháp Cú rất gần với tinh thần giáo dục của Phương Đông như trước khi thờ lạy Đức Phật thì phải thờ lạy cha mẹ, trước khi thương Phật thì phải thương những người nghèo khổ xung quanh mình, càng nghĩ tới Đức phật chừng nào thì càng nên làm những việc thiện nhiều hơn nữa. Đó là nguyên do mà tôi muốn chuyển thể kinh Pháp Cú thành một trường ca cải lương; một là muốn giới thiệu những đề tài truyền thống vốn rất đa dạng, phong phú của nghệ thuật cải lương; hai là qua đó mà chuyển tải những lời dạy của Đức Phật đến với đời sống. Cũng có một số người ở nước ngoài khuyến khích tôi chuyển thể kinh Pháp Cú ra cải lương để họ nghe trên đường đi làm vì không có thời gian để đọc kinh.

Trong tương lai, chị sẽ làm gì để  Phật giáo thấm sâu vào nghệ thuật cải lương?

Được sự cho phép của Hòa thượng Thích Thanh Từ, tôi nỗ lực chuyễn thể và đã hoàn tất hai tác phẩm lớn: Phật giáo với dân tộc và Hai quãng đời của sơ tổ Trúc Lâm-Điều Ngự Giác Hoàng thành trường ca cải lương. Sau khi Trường ca Pháp Cú-Lời Phật dạy ra mắt người yêu cải lương trong và ngoài nước, tôi đã nhận được sự động viên rất lớn, nên mới có thể làm tiếp công việc ngoài sức của mình như thế. Trước là để đền đáp công ơn Tổ quốc, cha mẹ, thầy tổ, kế đến là dâng hiến tâm sức cả cuộc đời nghệ thuật của tôi cho sân khấu cải lương Việt Nam. Tôi cũng có tâm nguyện là sẽ dạy những bạn trẻ Phật tử hay không phải Phật tử yêu thích và muốn học cải lương.

Chị đã theo đạo Phật hơn bốn mươi năm, tập ngồi thiền hơn hai mươi năm, và  mười mấy  năm trường chay…

Tất cả điều đó đối với tôi vừa là một nghệ thuật sống, một phương pháp để giữ thân thể khỏe khoắn, vừa là một nhân sinh quan, thế giới quan triết học, tâm linh, một điểm tựa để tâm hồn thanh khiết.

Mong chị sẽ thực hiện tốt những điều tâm nguyện của mình…     

Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập