Tác gia hoàng đế - thi nhân Lý Nhân Tông trong tiến trình văn học sử thời Lý

Đã đọc: 5393           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Lý Nhân Tông – vị vua tài đức

Nối tiếp Lý Thái Tông, hoàng đế Lý Nhân Tông thực sự là vị vua hiền tài, giỏi việc trị nước và coi trọng cả ba tôn giáo Nho, Phật, Đạo vốn là những hệ tư tưởng chủ đạo thời bấy giờ. Đặc biệt với Phật giáo, Lý Nhân Tông dành nhiều thiện cảm và sự quan tâm sâu sắc cả trong việc hoằng dương đạo pháp cũng như thể hiện trong sáng tác thi ca.

1. Tiếp nối các triều đại thuộc giai đoạn đầu thời tự chủ, vương triều nhà Lý đạt đến sự ổn định và phát triển vượt bậc, nối dài suốt 216 năm (1010-1225). Sau cả ngàn năm Bắc thuộc, đây là giai đoạn lịch sử phát triển trong xu thế độc lập dân tộc, vừa xác lập nền móng vừa tạo lập những sắc thái riêng - những giá trị đặc trưng được định danh bằng nền văn hoá lấy Phật giáo làm quốc giáo trên nền tảng nhận thức “Tam giáo đồng nguyên”, “Tam giáo tịnh hành”... Đó cũng chính là giai đoạn đất nước Đại Việt xác lập thiết chế xã hội theo mô hình quân chủ Nho giáo nhưng vẫn coi Phật giáo là quốc giáo, vẫn tổ chức các kỳ thi tam giáo và xác lập khả năng dung nạp tư tưởng “đồng nguyên” với mô hình văn hoá “Phật - Đạo - Nho”(1), trong đó việc tổ chức các kỳ thi và chế độ khoa cử giữ một vai trò đặc biệt quan trọng với việc hình thành các thế hệ anh tài. Trong suốt triều Lý, có thể nói vua Lý Nhân Tông, thọ 63 tuổi (1066-1127), ở ngôi 56 năm (1072-1127), giữ một vị trí thật đặc biệt, được Nho sử ghi nhận trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua trán dô, mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý. Tiếc rằng mộ đạo Phật, đó là điều lụy cho đức tốt”(2)… Ông thực sự có nhiều đóng góp trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và bảo vệ đất nước, văn hóa và giáo dục, xứng danh là vị hoàng đế tài giỏi và con người có tâm hồn thi ca.

2. Với truyền thống coi trọng Phật giáo, ngay khi mới lên ngôi và xây dựng kinh đô Thăng Long (1010), Lý Thái Tổ liền xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức, tất cả 8 sở và cho dựng chùa Thắng Nghiêm ở phía nam thành. Đến năm Mậu Ngọ (1018), vua lại cho người sang nước Tống xin kinh Tam tạng (vẫn là kinh Phật, sách Phật). Sang đời Lý Thái Tông, vào năm Kỷ Tị (1029) mới dựng lầu Chính Dương làm nơi tính toán giờ khắc. Năm Nhâm Ngọ (1042) mới ban sách Hình thư “sai Trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản… Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện” (Tập I, tr.263)… Có thể nói những việc xây chùa, xin kinh sách, soạn lịch, soạn hình luật đều xa gần gắn với yêu cầu mở khoa thi và thực hiện chế độ khoa cử, khả dĩ có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo người hiền tài và hình thành đội ngũ trí thức làm rường cột cho nhà nước.

Việc mở trường dạy con em tôn thất và đào tạo nhân tài cấp quốc gia chính thức khởi đầu từ triều vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 (1070)… Mùa thu, tháng 8, dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối [Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử], đắp tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây” (Tập I, tr.275).

Sang đời vua Lý Nhân Tông, mặc dù lên ngôi năm Nhâm Tý (1072) khi mới 7 tuổi, nhưng được triều thần nối chí tiên đế và một lòng tôn phù nên ngay ba năm sau đã tổ chức được kỳ thi đầu tiên: "Ất Mão, Thái Ninh năm thứ 4 (1075)... Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học" (Tập I, tr.277)...

Trên thực tế, đúng là trong suốt triều vua Lý Nhân Tông, khoa cử không có điều kiện phát triển và việc tổ chức còn khá thưa thoáng(3). Chỉ có điều, do yêu cầu cần củng cố sức mạnh vương quyền trên cơ sở mối quan hệ hữu cơ với lực lượng thần quyền, ngay dưới thời Lý vẫn có tổ chức một số cuộc thi/ tuyển/ khảo xét/ chọn lựa nhân tài, góp phần bổ sung nguồn nhân sự cho triều đình. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép:

- "Bính Thìn, Thái Ninh năm thứ 5 (1076)... Xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ cho quản quân dân. Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám" (Tập I, tr.290)...

- "Đinh Tỵ, Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 2 (1077)... Tháng 2, thi lại viên bằng bằng phép viết chữ, phép tính và hình luật" (Tập I, tr.290)...

- "Bính Dần, Quảng Hựu năm thứ 2 (1086)... Mùa thu, tháng 8, thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện. Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ" (Tập I, tr.281)...

3. Trong số các anh tài đỗ đạt qua các kỳ thi tuyển thời Lý Nhân Tông thấy nổi bật tên tuổi hai nhân vật Lê Văn Thịnh và Mạc Hiển Tích. Lê Văn Thịnh chính là Trạng nguyên khai khoa (1075) và được Lý Nhân Tông trọng dùng. Ông người làng Đông Cứu, huyện Yên Định, lộ Bắc Giang (nay thuộc xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Năm Giáp Tý (1084), ông đang giữ chức Thị lang Bộ Binh được cử làm Chánh sứ cùng Nguyễn Bồi đến trại Vĩnh Bình thương thảo với người Tống về việc cương giới. Tại đây ông có câu biện luận nổi tiếng: "Đất thì có chủ. Kẻ giữ đất đem nộp và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm. Kẻ ăn trộm không thể tha thứ mà kẻ tàng trữ của ăn trộm, pháp luật cũng không dung". Người Tống phong ông giữ chức Long đồ các đãi chế và chấp nhận trả lại 6 huyện 3 động, lại có thơ nói về chuyện này: Nhân tham Giao Chỉ tượng - Khước thất Quảng Nguyên kim (Vì tham voi Giao Chỉ - Bỏ mất vàng Quảng Nguyên). Ngay năm sau ông được phong vinh hàm Thái sư, bậc đại thần có công, coi như tấm gương sáng và luôn được hầu cận bên vua. Qua suốt 12 năm giữ vinh hàm Thái sư, rồi các sách Việt sử lược, Việt điện u linh, Đại Việt sử ký toàn thư đều chép sự kiện năm Bính Tý (1096), ông theo vua đi chơi Hồ Tây, do can tội dùng phép thuật hoá hổ để ám hại vua nhưng bị người đánh cá là Mục Thân quăng lưới bắt được, khi về bị cách chức và đưa đi đày. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bính Tý, Hội Phong năm thứ 5 (1096)… Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào. Vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ. Mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Trước đấy Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch” (Tập I, tr.283)… Câu chuyện hư ảo này thật khó lý giải nhưng chắc chắn không thể có việc Lê Văn Thịnh "mưu làm phản" bởi nếu thật can tội này thì đương nhiên ông và gia tộc không dễ toàn tính mệnh, đâu đợi đến sử thần Ngô Sĩ Liên phải phân vân: "Kẻ làm tôi mưu tội giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật". Nhiều nhà nghiên cứu đã bàn về điều này và thiên hướng chung cho rằng sự thật đằng sau câu chuyện bí ẩn được thêu dệt, huyền thoại hoá là cuộc đấu tranh tư tưởng và quyền lực giữa phái thần quyền (Phật giáo) với một bộ phận vương quyền khuynh Nho đang mạnh dần lên... Tiếp theo, một người nổi tiếng khác nữa là Mạc Hiển Tích, thi đỗ năm Bính Dần (1086) và được bổ làm Hàn lâm học sĩ - người đứng đầu cơ quan triều đình có nhiệm vụ soạn thảo những chế cáo, chiếu biểu của vua. Đến năm Giáp Tuất (1094), ông được giao nhiệm vụ sang sứ Chiêm Thành đòi lễ tuế cống.

Về sau này, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép các việc nhà vua và hoàng tộc xây chùa, soạn kinh sách, dựng tháp, sử dụng giới tăng lữ vào công việc chính sự. Xin dẫn sự kiện dưới triều vua Lý Nhân Tông: “Mậu Thìn, Quảng Hựu năm thứ tư (1088)… Mùa xuân, tháng Giêng, phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư (có thuyết nói cho giữ cờ tiết việt, cùng với Tể tướng đứng trên điện xét đoán công việc và đơn từ kiện tụng của thiên hạ. Chưa chắc là có thế. Có lẽ bấy giờ Nhân Tông sùng đạo Phật, phong làm Quốc sư để hỏi việc nước, cũng như Lê Đại Hành đối với Khuông Việt mà thôi)… Định các chùa trong nước làm ba hạng đại, trung và tiểu danh lam. Cho quan văn chức cao làm Đề cử quản lý tài sản và ruộng đất của nhà chùa. Bấy giờ nhà chùa có điền nô và kho chứa đồ vật, cho nên đặt chức ấy” (Tập I, tr.282)… Đương nhiên những việc làm trên sẽ khiến cho các Nho sử sau này đánh giá về ông có phần cực đoan, một chiều: “Tiếc rằng mộ đạo Phật, đó là điều lụy cho đức tốt”…

4. Liên quan đến sự kiện Chánh sứ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh biện luận đòi lại đất vùng Quảng Nguyên vào năm Giáp Tý (1084) đã nêu trên, vào ngay năm sau, nhân việc Tống Triết Tông lên ngôi (1085), vua Lý Nhân Tông tiếp tục viết thư đòi hai động Vật Dương, Vật Ác (nay thuộc phía tây bắc tỉnh Cao Bằng). Tống Triết Tông ngang nhiên từ chối, lấy cớ mới lên ngôi phải theo mệnh vua trước. Vua Lý Nhân Tông phải sai Đàm An đem quân vào đánh Tống rồi gửi biểu đến vua Tống. Bài biểu viết:

“Nước tôi có đất Vật Dương, Vật Ác, gồm hai động và tám huyện, vẫn tiếp liền với phần đất tỉnh Quảng Tây. Những đất ấy trước sau đều bị bọn đầu mục thổ dân làm phản, bỏ đi, đem theo về với Trung Quốc. Đất Vật Dương thì năm Bính Thìn (1076) bị sáp nhập vào đất quý tỉnh; đất Vật Ác thì năm Nhâm Tuất (1082) cũng bị sáp nhập và đặt thành ải Thông Khang.

Mặc dầu đấy chỉ là mảnh đất nhỏ nhưng vẫn khiến lòng tôi đau xót, luôn luôn nghĩ đến cả trong giấc mộng. Quả thực tổ tiên tôi xưa kia đã phải đánh dẹp phường tiếm nghịch, xông pha gian nguy, không tiếc tính mạng mới có được đất ấy. Nay tôi phận con cháu, đã không kế tục được sự nghiệp ông cha thì dám đâu dự vào hàng một nước phên dậu, cầu lấy cái sống tạm bợ trong chốc lát.

Năm Giáp Tý (1084), Ti Kinh lược Quảng Tây đã vì nước tôi mà tâu bày về triều. Tiên triều đã đem đất Túc, Tang gồm hai động và sáu huyện trả lại cho tôi chủ lĩnh. Các đất Túc, Tang ấy hiện thuộc nước tôi rồi, chẳng phải là đất mà tôi bày tỏ ở đây. Bởi vậy tôi không dám vâng mệnh.

May gặp khi bệ hạ lên ngôi, khắp bờ cõi thảy đều đổi mới. Vậy kính cẩn nêu đầy đủ trong tờ biểu này để quý quốc nghe biết”…

Bài biểu thuộc dòng văn hành chính, chức năng, mang ý nghĩa ngoại giao giữa một nước nhỏ với nước lớn. Vận dụng lối văn nghị luận ngắn gọn, sắc bén, Lý Nhân Tông nhấn mạnh chủ quyền với vùng đất phên dậu và khẳng định tính chính nghĩa của quyền được sở hữu các vùng đất ấy. Đặt trong dòng chảy văn học bang giao, bài biểu của Lý Nhân Tông thể hiện rõ ý chí về quyền tự chủ, độc lập dân tộc cũng như mở đường cho sự phát triển của bộ phận thơ văn binh vận, ngoại giao ở các thế kỷ sau.

Quan tâm đến các vấn đề nội bộ trong nước, khi quân biên động Ma Sa (nay thuộc địa phận huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) nổi lên, Lý Nhân Tông đã hội quân ở điện Long Trì và xuống chiếu: “Trẫm nối nghiệp một Tổ hai Tông mà trị muôn dân; coi trăm họ trong bốn biển đều như con đỏ. Nhờ đó cõi lạ mến nhân mà qui phục, phương xa mộ nghĩa mà tới chầu. Vả chăng, dân động Ma Sa sinh sống trong bờ cõi nước ta; động trưởng Ma Sa đời đời làm phiên thần của trẫm. Nay tên tù trưởng ngu hèn, phụ lời ước của tiên thần khi trước; dám quên việc triều cống, thiếu sót lệ thường hàng năm. Trẫm mỗi lần nghĩ đến, thật không thể đừng. Vậy chọn hôm nay, trẫm tự cầm quân tiến đánh. Hỡi các tướng soái và sáu quân, ai nấy hãy dốc một lòng, cùng lắng nghe lệnh trẫm”… Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, vua tự làm tướng đánh động Ma Sa, bắt được bọn động trưởng Ngụy Bàng vài trăm người, lấy được vàng lục, trâu dê không kể xiết. Không chỉ thực hiện đánh dẹp, Lý Nhân Tông còn sai tỳ tướng vào các động dọc biên giới chiêu dụ những người trốn tránh bảo về yên nghiệp. Điều này cho thấy xu thế tập quyền dưới triều Lý là một tất yếu song qui luật tập quyền trước sau cũng vẫn cần gắn với yêu cầu đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo cuộc sống yên lành cho dân chúng… Xét trên phương diện nghệ thuật, bài hịch ngắn gọn đã nhấn mạnh được tính chính nghĩa của cuộc hành binh, cực tả sai phạm kẻ tù trưởng mưu đồ cát cứ, từ đó kích thích tinh thần quân lính cùng xông pha chiến trận.

5. Trên phương diện sáng tác thơ ca, Lý Nhân Tông còn để lại ba bài thơ bàn rộng về tam giáo (Nho, Phật, Đạo) và ba bài văn xuôi in đậm phong cách nghị luận, hành chính, chức năng (bao gồm các thể biểu, hịch, chiếu). Tuy số lượng không nhiều song các tác phẩm của Lý Nhân Tông cũng phản ánh khá rõ nét đặc điểm tư tưởng một thời đại và dấu ấn vai trò Thăng Long trong bối cảnh lịch sử - văn hóa Đại Việt đương thời.

Lý Nhân Tông thuộc thế hệ sau thiền sư Vạn Hạnh (?-1018) xấp xỉ một thế kỷ. Không phải là người đồng thời, nhà vua chỉ có thể hiểu về Nguyễn Vạn Hạnh qua hệ thống tư liệu sách vở và lời truyền từ thế hệ trước. Trong bài truy tán thiền sư Vạn Hạnh, Lý Nhân Tông biểu dương vai trò nhà sư trong việc khởi dựng vương triều Lý:

                   Vạn Hạnh dung tam tế,

                   Chân phù cổ sấm thi.

                   Hương quan danh cổ pháp,

                   Trụ tích trấn vương kỳ.

(Vạn Hạnh thông suốt được ba cõi,

          Sự việc quả phù hợp với những câu thơ sấm.

          Quê hương là làng Cổ Pháp,

          Chống gậy tầm xích trấn vững kinh kỳ)(4)

Trước hết, Lý Nhân Tông ngợi ca Vạn Hạnh là tài cao học rộng, thấu suốt tam tế … …. Có sách giải thích “tam tế” là ba cõi trời, đất, người. Sách Từ điển Phật học Hán Việt xác định nội hàm thuật ngữ: “Tam tế. Cũng như nói Tam thế, có nghĩa là Ba đời. Tụng sớ, quyển 9: “1. Tiền tế: tức là quá khứ; 2. Hậu tế: tức là vị lai; Trung tế: tức là đời hiện tại”… Thanh long Nhân vương sớ, quyển 3: “Nói là Tế có nghĩa là Tế hạn (ranh giới, giới hạn). Chỉ pháp Hữu vi đọa vào Tam thế, còn thực tướng Vô vi thì không có Tiền, Hậu, Trung, nên gọi là Vô tế(5).

Vua Lý Nhân Tông cũng hiểu rất rõ vai trò của Vạn Hạnh trong việc khuông phò đức Lý Thái Tổ lên ngôi, kể từ việc làm các bài thơ sấm ký tuyên truyền, tạo đà dư luận cho đến việc kết hợp với quan Chi hậu Đào Cam Mộc cùng mưu cuộc đổi thay. Khi ca ngợi công đức và tài năng nhà sư Vạn Hạnh, Lý Nhân Tông chủ ý nhấn mạnh Quê hương là làng Cổ Pháp là có gửi vào đấy chút tình riêng cho người cùng gốc gác quê hương với dòng dõi tổ tiên mình. Chả thế mà cho đến khi chết, các nhà vua đều được đưa về phủ Thiên Đức, trấn Kinh Bắc an táng, trừ một trường hợp đặc biệt là vua Huệ Tông. Cái điều tưởng chừng chỉ là hiện tượng tâm lý ấy đã nói lên một điều rất có ý nghĩa về sự gắn kết giữa các vua nhà Lý với vùng đất Kinh Bắc – cái dấu nối và cửa ngõ của kinh thành Thăng Long.

Câu chuyện sau đây được chép trong sách Thiền uyển tập anh càng cho thấy rõ hơn cách nhìn cũng như mối quan hệ của Lý Nhân Tông với  tăng sĩ và đạo nhân, rộng hơn là với Phật giáo và Đạo giáo.

“Thời Lý Nhân Tông, Giác Hải và Thông Huyền chân nhân có lần được vời vào hoàng cung ngồi hầu vua trên bệ đá mát ở hiên điện chính. Chợt có đôi tắc kè bám gần đó kêu váng lên rất chói tai. Vua bảo Thông Huyền xua đi. Thông Huyền lặng lẽ niệm chú. Một con liền rơi xuống. Thông Huyền cười bảo sư:

- Còn một con nữa xin nhường hòa thượng!

Giác Hải bèn chú mục nhìn, chỉ nháy mắt con tắc kè kia cũng rơi nốt. Vua lấy làm lạ, làm thơ khen ngợi như sau:

                             Giác Hải tâm như hải,

                             Thông Huyền đạo hựu huyền.

                             Thần thông kiêm biến hóa,

                             Nhất Phật nhất Thần tiên.

Phạm Trọng Điềm dịch thơ:

                             Giác Hải lòng như biển,

                             Thông Huyền đạo rất huyền.

                             Thần thông kiêm biến hóa,

                             Một Phật, một Thần tiên.

          Do chuyện đó tên tuổi Giác Hải đồn vang khắp thiên hạ, cả tăng, tục đều kính mộ. Vua Lý Nhân Tông lấy lễ tiếp đãi như thầy. Mỗi khi xa giá về hành cung ở Hải Thanh, vua thường đến chùa Diên Phúc trước. Vua hỏi Giác Hải:

- Sư có thể cho nghe về phép thần túc không?

Sư bèn làm tám phép thần biến, rồi tung người nhảy lên không trung, cao đến mấy trượng, trong chốc lát lại nhảy xuống chỗ cũ. Vua và các quan đều vỗ tay khen ngợi. Vua ban cho một chỗ kiệu, mỗi khi về kinh được phép vào hoàng thành. Vào đời Lý Nhân Tông, vua nhiều lần triệu mời nhưng sư đều lấy cớ già yếu từ chối không về kinh.

… Khi sư lâm bệnh, gọi đệ tử đến đọc bài kệ (…). Đêm ấy có ngôi sao lớn rơi xuống phía đông nam nhà phương trượng. Sư ngồi nói chuyện đến sáng rồi trang nghiêm qua đời. Vua xuống chiếu miễn thuế cho ba mươi hộ để đèn hương thờ phụng, cho hai người con trai ra làm quan để tỏ ý biểu dương khen thưởng”(6)

Rõ ràng qua bài thơ và cả đoạn trích có thể thấy Lý Nhân Tông coi trọng cả Giác Hải và Thông Huyền, cả thiền sư và đạo sĩ, cả Phật và Đạo. Bản thân Giác Hải và Thông Huyền cũng có quan hệ hữu hảo, cùng biết tôn trọng nhau. Riêng với sư Giác Hải còn có phép “thần túc không” (đi trên không) tựa như phép thuật của Đạo giáo hay phép tu luyện của phái Mật tông trong Phật giáo. Trong tư cách một vị hoàng đế, Lý Nhân Tông ngợi ca cả hai, nhấn mạnh mỗi bên đều có phép nhiệm màu, có hình thức tu luyện và thế mạnh riêng. Điều đó cho thấy tư tưởng dung hòa tam giáo là một thực tế ở đời Lý và bộc lộ rõ nét qua bài thơ của Lý Nhân Tông.

Theo sách Thiền uyển tập anh, Lý Nhân Tông còn có bài kệ truy tán thiền sư Sùng Phạm (1004-1087):

                             Sùng Phạm cư Nam quốc,

                             Tâm không cập đệ qui.

                             Nhĩ trường hồi thụy chất,

                             Pháp pháp tận ly vi.

                   (Sùng Phạm ở nước Nam,

                   Tâm hư không đắc đạo trở về.

                   Tai dài đưa về chất báu lạ,

                   Muôn thế giới hiện tượng đều là “ly vi”)

Thiền sư Sùng Phạm trụ trì ở chùa Pháp Vân, hương Cổ Châu, huyện Long Biên, còn gọi chùa Diên Ứng, chùa Dâu (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Thiền sư là người thế hệ trước, từng vân du qua Thiên Trúc cầu đạo, tinh thông cả giới, định. Khi ngài qua đời thì Lý Nhân Tông mới ngoài hai mươi tuổi. Trong bài kệ truy tán, nhà vua phác vẽ lai lịch, dung mạo và đề cao việc thiền sư am hiểu pháp “ly vi”, tức sự thông hiểu thế giới hiện tượng vi diệu của pháp tính, bát nhã. Nói khác đi, đây là sự hiểu ngộ tất cả thế giới hiện tượng đều là những biểu hiện của bản thể vũ trụ. Theo sách Bảo tạng luận: “Sở dĩ nói ly vi, vì bản thể mầu nhiệm, không hình, không sắc, không tướng, ứng dụng muôn ngõ mà không thể thấy, lắng không thể nghe nhưng có hằng sa muôn đức, không thường, không đoạn, không rời, không tan, cho nên gọi là ly vi. Vì thế, hai chữ ly vi bao trùm hết yếu lý của đạo”(7)… Qua việc hiểu biết, đề cao khả năng am hiểu giới, định và bản thể mầu nhiệm của Sùng Phạm cũng chứng tỏ Lý Nhân Tông thực sự có cơ duyên, cảm mến và coi trọng phật giáo.

6. Về cuối đời, trước khi mất, Lý Nhân Tông còn để lại bài di chiếu vừa in đậm phong thái vị hoàng đế vừa mang sắc thái hư vô nhà Phật, vừa nhắn gửi lại cõi đời vừa khắc khoải trước phút giây giã từ thế giới. Hoàng đế cũng như mọi con người, đối diện với cái chết, với quy luật của tự nhiên, không thể có giải pháp nào khác, tất cả chỉ có thể chấp nhận với thái độ này hay thái độ khác. Các nhà sư thời ấy quan niệm “quy tịch” là trở về cõi hư vô: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô (Thân như bóng chớp có rồi không – Nguyễn Vạn Hạnh). Mặc dù sống giữa thời tư tưởng Phật giáo đang thịnh đạt nhưng các vị vua triều Lý nhìn nhận về cái chết ít nhiều vẫn có những điểm khác biệt với quan niệm của các nhà sư đương thời.

Bài chiếu để lại lúc sắp mất của Lý Nhân Tông cho ta hiểu hơn về cách hình dung và thế ứng xử của con người trước cái chết. Xuất phát từ tư tưởng thân dân mà trước khi chết Lý Nhân Tông đã một lần nữa tự xem xét, thẩm định lại cuộc đời mình đã làm gì có ích cho muôn dân. Ông tự suy xét và cho rằng: “Trẫm đã ít đức, không làm gì cho thiên hạ được yên, đến khi chết đi lại bắt chúng dân mặc xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm nặng thêm lỗi lầm của trẫm, thì thiên hạ sẽ bảo trẫm là người như thế nào?”… Trước khi từ biệt cõi đời nhà vua không tự kể lại công đức của mình mà lại lo công việc cho hậu thế, lo vận mệnh xã tắc sơn hà. Tiếp đó ông khuyên việc tang nên sau ba ngày thì bỏ áo trở, thôi khóc than, chôn cất theo cách kiệm ước của Hán Văn Đế, không cần xây lăng tẩm riêng. Thái độ như thế của Lý Nhân Tông khác rất nhiều với các vua thời sau, đặc biệt triều nhà Nguyễn. Các vua nhà Nguyễn lo về cái chết của mình ngay trong lúc còn sống, có khi bỏ nửa phần đời để bắt dân phục vụ xây dựng tượng đài, lăng tẩm.

Điều tiếp tục cần tìm hiểu ở đây là cá nhân nhà vua sẽ suy nghĩ như thế nào trước khi bước sang thế giới bên kia. Nhưng lạ thay, dường như nhờ nhuần thấm tư tưởng Phật giáo mà hành động của các vua Lý trở nên dung dị, thuần phác. Đồng thời sự tham gia tích cực vào cuộc sống lại làm cho họ có cái nhìn tình người hơn, đời hơn, thực tiễn hơn. Đối lập với việc mở đầu bài di chiếu bằng lời khẳng định tình yêu đời tha thiết: “Trẫm nghe: Các giống sinh vật không giống nào không chết. Chết là số lớn của trời đất, là lẽ đương nhiên của muôn loài. Thế mà người đời không ai không ham sống, ghét chết”... Đây chính là tiếng nói thành thực của lòng người, là khát vọng ham sống, yêu cuộc sống. Nếu Phật giáo coi chết là trả hình hài về cõi hư vô thì Lý Nhân Tông vừa có cái nhìn tiến bộ “Không cần xây lăng tẩm riêng”, lại vừa mong muốn “hãy để tâm hồn được hầu bên cạnh tiên đế”, mong được về với tổ tiên đúng theo tinh thần Nho giáo...

Có thể nói vua Lý Nhân Tông đã mang theo cả một quan niệm tình người tình đời xuống dưới mồ. Ông những tưởng sang thế giới bên kia, người ta lại có thể gặp lại tổ tiên cha anh mình. Sau khi đã nhắn nhủ và truyền lại phần việc cho đời, Lý Nhân Tông thốt lên đau đớn: “Than ôi! mặt trời đã xế, tấc bóng khôn dừng, trăng trối mấy lời, ngàn năm vĩnh quyết”… Đặt lời than trên trong nội dung toàn bài chiếu mới thấy đó là tiếng nói luyến tiếc cuộc sống, là cái vẫy tay chào đời lần cuối, tạo nên sự cân bằng, cân phân giữa triết lý hư vô về bản thể Phật giáo với tiếng nói của vị hoàng đế đứng trên lập trường tư tưởng Nho giáo(8)

 

7. Kết luận

Nối tiếp Lý Thái Tông, hoàng đế Lý Nhân Tông thực sự là vị vua hiền tài, giỏi việc trị nước và coi trọng cả ba tôn giáo Nho, Phật, Đạo vốn là những hệ tư tưởng chủ đạo thời bấy giờ. Đặc biệt với Phật giáo, Lý Nhân Tông dành nhiều thiện cảm và sự quan tâm sâu sắc cả trong việc hoằng dương đạo pháp cũng như thể hiện trong sáng tác thi ca. Nói riêng trên phương diện văn học, có thể coi ông là tác gia hoàng đế, thiền sư, thi sĩ. Qua các tác phẩm có thể thấy rõ chân dung vị hoàng đế cũng như tư cách một vị thiền sư. Như vậy, cùng với Lý Thái Tông, ông thực sự góp công kiến tạo nền văn học đời Lý, được xếp vào hàng những người mở đầu cho loại hình tác gia hoàng đế, thiền sư, thi sĩ. Cả ba phương ấy hợp nhất trong một tác gia để sau này bước sang đời Trần, loại hình tác gia hoàng đế, thiền sư, thi sĩ hội đủ điều kiện để phát triển lên một tầm cao mới.

Hà Nội, tháng 6-2010.

 

 PGS. TS. NGUYỄN HỮU SƠN

(Viện Văn học – Hà Nội)

_____________

(1) Nguyễn Hụê Chi: Các yếu tố Phật, Nho, Đạo được tiếp thu và chuyển hoá như thế nào trong đời sống tư tưởng và văn học thời đại Lý - Trần. Tạp chí Văn học, số 6-1978, tr.76-94. In lại trong Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần. NXB KHXH, H., 1981, tr.604-638.

- Xin xem Trần Quốc Vượng: Sơ đồ diễn trình lịch sử và văn hoá Việt Nam, trong sách Văn hoá học đại cương và cơ sở văn hoá Việt Nam. NXB KHXH, H., 1996, tr.309.

- Nguyễn Hữu Sơn: Căn rễ văn hoá của nền văn học thời Lý - Trần, trong sách Văn học trung đại Việt Nam - Quan niệm con người và tiến trình phát triển. NXB KHXH, H., 2005, tr.112-142.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I (Ngô Đức Thọ dịch, chú). NXB KHXH, H., 1998, tr.276. Từ đây các chú dẫn theo sách này chỉ ghi số trang.

 (3) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Các khoa thi và chế độ giáo dục thời Lý. Tham luận tại Hội thảo khoa học “Bắc Ninh với vương triều Lý” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Bắc Ninh ngày 8-4-2010, 9 trang.

(4) Dẫn theo Thơ văn Lý – Trần, Tập I (Nguyễn Huệ Chi chủ biên). NXB KHXH, H., 1977, tr.431. Các trích dẫn thơ văn Lý Nhân Tông đều theo sách này.

- Tham khảo mục bài Thiền sư Vạn Hạnh, trong sách Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch, giới thiệu). Phân viện Nghiên cứu Phật học và NXB Văn học, H., 1990, tr.188-195.

(5) Từ điển Phật học Hán Việt, Tập II (Kim Cương Tử chủ biên). Phân viện Nghiên cứu Phật học Xb, H., 1994, tr.1328.

(6) Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch, giới thiệu). Sđd, tr.138-140.

(7) Dẫn theo Lê Mạnh Thát: Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Tập III. NXB Tp Hồ Chí Minh, 2002, tr.572.

(8) Nguyễn Hữu Sơn: Văn chiếu đời Lý, trong sách Thơ văn đời Lý. NXB Văn hoá - Thông tin, H., 1998, tr.671-684.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập