Đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông - nhà văn hóa lớn của đất nước Đại Việt

Đã đọc: 7846           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Vua Lê Thánh Tông. (Ảnh Thư viện Danh nhân)

Phan Bội Châu từng chia các bậc anh hùng dân tộc làm ba loại: Dựng nước, cứu nước và mở nước. Dựng nước là các Vua Hùng. Cứu nước là như: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung … Mở nước là Lê Thánh Tông. Mở nước có nghĩa là trong hoàn cảnh độc lập, đã phát triển, đưa đất nước đến độ cường thịnh. Lịch sử dân tộc cho thấy: Anh hùng cứu nước thì nhiều.

Nhưng mở nước thì ít. Ở thời trung đại, thiết tưởng không ai xứng đáng với danh hiệu anh hùng mở nước bằng Lê Thánh Tông, mà lại là một ông Vua. Do đó, đáng coi là Đệ nhất minh quân. Và đệ nhất minh quân khác các vị minh quân khác ở chỗ phải là một nhà văn hoá lớn. Điều đó là tất yếu. Không là nhà văn hoá lớn khó mà trở thành đệ nhất minh quân. Chẳng phải vì thế mà học giả khả kính thời sau này - Cao Xuân Huy đã khẳng định, vua Lê Thánh Tông là một trong hai nhân vật có bản lĩnh văn hóa lớn nhất của dân tộc ở thời trung đại[1].

Nhưng ở đây, khi nói đến nhà văn hóa lớn, thiết tưởng lại phải hiểu thế nào là văn hóa. Thông thường, nó có nghĩa hẹp do đó có nội dung khác chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, pháp luật, kể cả văn học nghệ thuật vốn gần gũi với nó. Cứ nhìn vào các hình thái thiết chế xã hội trên đất nước hôm nay, có Bộ Văn hóa (hoặc Văn hóa - Thể thao và Du lịch), bên cạnh bộ này, bộ khác … hẳn sẽ hiểu thế nào là nghĩa hẹp của khái niệm văn hóa. Nhưng văn hóa lại có nghĩa rộng. Với nghĩa rộng, văn hóa sẽ bao trùm tất cả. Cuộc sống có bao nhiêu lãnh vực, bao nhiêu phương diện mà ở đó, năng lực hành xử của con người, nếu đạt đến phẩm chất cao đẹp thì tất cả đều được thừa nhận là văn hóa. Trong cuộc sống hôm nay trên đất nước, chẳng phải đã nảy sinh các khái niệm như: Văn hóa Đảng, văn hóa học đường, văn hóa giao thông, văn hóa giao tiếp, văn hóa đối thoại, văn hóa công cộng … chính là dựa trên khái niệm văn hóa nghĩa rộng đó.

Lại còn phải hiểu thế nào là nhà văn hóa ? Thì cũng lại có nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Hẹp là cách hiểu thông thường về một ai đó có trình độ học vấn uyên bác, có nhiều công trình học thuật giá trị ở phạm vi quốc gia hay hơn nữa là ở thế giới. Nhưng rộng thì không chỉ là thế, mà còn là sự hiểu biết thực tiễn cuộc sống của đất nước, của nhân loại một cách sâu rộng; còn là có điệu sống thanh cao đáng làm gương cho người đời. Hơn nữa, với nghĩa rộng, nhà văn hóa lớn không chỉ là có những thành quả văn hóa của mình, cho mình, mà quan trọng hơn, phải là vị tha, phải có tác động lớn vào cuộc sống của xã hội, của đất nước, của nhân quần, thậm chí là của nhân loại, dù nhiều, dù ít.

Những gì vừa nói trên đây, có vẻ như rông rài, thừa thãi, nhưng thực ra lại rất cần thiết nếu muốn hiểu rõ tư cách nhà văn hoá lớn Lê Thánh Tông. Cũng như “Danh nhân văn hóa thế giới” Hồ Chí Minh sau này. Riêng với Lê Thánh Tông lại là một nhà vua. Do đó cũng liên quan đến cách hiểu thế nào là một ông vua theo đúng nghĩa lý tưởng nhất trong truyền thống văn hóa - xã hội của phương Đông (chủ yếu là của Trung Hoa và một số nước chịu ảnh hưởng văn hóa Hán) ở thời cổ trung  đại. Thực tế đã bị hậu thế hiểu sai đi về cơ bản, do có sự áp đảo của phương Tây đối với văn hóa phương Đông trên phương diện văn hóa cổ truyền, do có sự gián cách lịch sử khá tai hại, mà tiếc rằng đến nay, đất nước, nói chung vẫn chưa có sự thức tỉnh cần thiết, trong khi muốn “Hoà nhập mà không hoà tan”, muốn “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Chẳng phải cho tới nay, với tuyệt đại đa số, vua là sản phẩm biểu trưng của chế độ phong kiến vốn là lạc hậu so với chế độ tư bản, nhất là với chế độ xã hội chu nghia.Vua là người có quyền uy tuyệt đối, ngồi trên đầu trăm họ, muốn làm gì thì làm. Làm tốt thì dân được nhờ. Làm xấu thì dân phải chịu. Như thế là lạc hậu so với chế độ đại nghị tư sản không còn vua, chỉ có Tổng thống cộng với hiến pháp, với nghị trưởng. Đã đến lúc phải nói rằng cách nghĩ như thế về ông vua, cách so sánh như thế giữa chế độ phong kiến phương Đông với chế độ đại nghị tư sản là chưa chính xác. Bởi ở đây đã quên đi, hoặc hiểu sai về khái niệm “Thiên tử” (Vua là con trời) “Thế thiên hành đạo” (Thay trời thực hành đạo lý trong dân). Cách hiểu thông thường mà ta vẫn gặp trên sách báo sau này, kể cả hiện nay: Khái niệm ông Trời (Thiên) là một khái niệm siêu hình, hoàn toàn vô nghĩa. Hoặc giả, nó chỉ là chuyện tạo thần quyền nhằm tăng thêm uy thế cho quân quyền phản tiến hóa. Trong khi, với truyền thống văn hóa phương Đông cổ trung đại trong đó có truyền thống đức trị và truyền thống tâm linh vốn đã có giá trị thực tiễn vô cùng lớn lao thì ông Trời trong thuyết “Thiên mệnh” quả là một biểu tượng siêu hình nhưng có quyền uy tối thượng và có tác dụng thực tiễn vô cùng lớn lao, thêm chí còn lớn hơn cả vai trò của hiến pháp trong chế độ tư sản đại nghị. Ông Trời là một biểu tượng siêu hình mà chính năng lực người mới tạo ra được đó, đã tồn tại thường trực trong tâm trí, tâm tưởng ông vua để khích lệ, động viên, kiêm tra, theo dõi, không chỉ hành vi, mà trước hết là ý nghĩ riêng tư, thầm lặng của ông vua theo sứ mạng “Thế thiên hành đạo”. Nó lại còn được xây đắp, bồi bổ thểm bằng “thuyết tai dị” chủ trương rằng mọi hành vi của con người đều có liên quan tới vũ trụ, với mệnh trời, nghe có vẻ thần bí nhưng ngày nay lại đang được khoa học vật lý hiện tại đồng tình và chứng minh phụ hoạ. Quan trọng nữa là nó còn được thiết chế hoá bằng các hình thức như lễ tế Nam Giao ở Vịêt Nam, lễ tế Thiên Đàn ở Trung Quốc trong thời cổ trung đại. Lễ tế Nam Giao chính là dịp nhà vua nghiêm túc, thiêng liêng, kính cẩn kiểm điểm trách nhiệm làm vua của mình với trăm họ, trước trời đất. Ai dám coi đó là vô nghĩa. Trừ những ai đã bị gián cách lịch sử, bị các lý thuyết trời ơi đất hỡi từ phương Tây ập đến làm mờ trí, mờ mắt mà thôi. Tất nhiên, trong sự sống ở đâu, bao giờ, giữa lý thuyết và thực tế vẫn luôn luôn còn khoảng cách. Với lịch sử phương Đông trong đó có Việt  Nam ta, lý thuyết là như thế nhưng thực tế, vua xấu hẳn là không ít. Nhưng vua tốt vẫn nhiều đấy chứ. Mà tốt được là nhờ có lý thuyết cao diệu và có tính đặc thù phương Đông là vậy đó. Lại phải thanh minh rằng: những gì vừa nói trên có vẻ như rông rài lạc đề. Nhưng hoàn toàn không. Bởi chính đó là thêm một cơ sở tối cần để nhận thưc về “Đệ nhất mimh quân Lê Thánh Tông - Nhà văn hóa lớn”. Không có thêm cơ sở lý thuyết nhận thức này, những gì nói vè Lê Thánh Tông cũng chỉ là chuyện nói lại những điều thông thường đã nói. Và không chừng, cái cảm hứng phủ nhận chế độ phong kiến kèm theo tâm lý coi thường ông vua một thời đã có đã không cho nhận thức thấu đáo về giá trị của đệ nhất minh quân, của tầm vóc văn hóa ở Lê Thánh Tông.

I. Nhà văn hóa Lê Thánh Tông trên phương diện tự thân.

          Lê Tư Thành ngay lúc mới lọt lòng mẹ đã mang sẵn những tố chất để trở thành một nhà văn hóa lớn về sau: “Thiên tử tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước” (Đại Việt sử ký toàn thư). “Ham học không biết mỏi, tay không rời sách, kinh sử, chư tư, lịch số, toán, chương đều tinh thông” (Lịch triều hiến chương loại chí). Và quả thật, theo những tiêu chí thông thường, Lê Tư Thành tức Lê Thánh Tông đã trở thành một nhà văn hóa để lại cho lịch sử dân tộc những thành tựu trước hết là thành tựu trước tác khá lớn. Đó là các bài chiếu, chế, dụ, sở, cáo, sắc, hiện còn một ít chép lại trong “Thiên nam dư hạ tập”. Đó là các huấn điều để khuyến dụ, khuyến học với người dân. Riêng về văn thơ thì có nhiều bài trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”, trong một số sách khác và “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn” viết theo thể biền ngẫu. Về thơ Nôm, sáng tác của Lê Thánh Tông là một bước tiếp theo ít nhiều có sự đóng góp vào quá trình phát triển thơ ca tiếng Việt sau bước đột khởi và kết tinh của Nguyễn Trãi ở “Quôc âm thi tập”. Về văn chữ Hán, Lê Thánh Tông có “Liệt truyện tạp chí” (ghi chép tản mạn các truyện), “Lam Sơn Lương thuỷ phú” (bài phú núi Lam sông Lương),. Riêng “Thánh Tông di thảo” dù về mặt văn bản học, còn phải xem xét có đúng là hoàn toàn của riêng Lê Thánh Tông hay chỉ một phần, thì cũng đã được coi là một cái mốc đáng ghi nhận trên quá trình hình thành thể loại truyện ký chữ Hán Việt Nam trước khi có “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ ở thế kỷ 16. Về thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông thì có 9 tập, trong đó xen lẫn thơ hoạ, thơ bình của các vị quần thần đối với thơ Lê Thánh Tông. Đó là các tập: “Anh hoa hiếu trị” (Sửa trị tinh hoa đạo hiếu) viết nhân dịp nhà vua cùng một vài quần thần về quê bái yết ở Lam Kinh. “Chinh Tây ký hành” (ghi chép trên đường chinh phục phía Tây) khi tiến quân đánh Chiêm Thành quây phá. “Minh lương cấm tú” (gấm thêu của vua sáng tôi hiền) ca tụng 13 cửa biển và một cửa ải trong niềm tự hào về cảnh trí đất nước. “Văn minh cố xuý” (cố xuý cho sự văn minh) viết nhân dịp nhà vua và hoàng gia cùng triều thần đi bái yết sơn lăng, với lòng biết ơn các bậc tiên vương  và khát vọng thịnh trị của đất nước. “Quỳnh uyển cửu ca”  (chín khúc ca nơi vườn quỳnh) viết nhân dịp đất nước liên tục được mùa mà vua cho là điềm tốt trời cho. Ở đây vừa có thơ sáng tác của vua, vừa có thơ hoạ của các quần thần với tâm lý ngợi ca thời đại. “Cổ tâm bách vịnh” (trăm bài vịnh tấm lòng người xưa), vịnh các nhân vật lịch sử của Trung Hoa, có khen chê theo tiêu chuẩn đạo đức Nho giáo. “Xuân vân thi tập” (tập thơ về mây xuân), vinh phong cảnh núi sông, cửa biển, cửa động… của đất nước mà tác giả có dịp đi qua. “Cổ kim cung từ thi” (thơ và từ trong cung xưa và nay). “Châu cơ thắng thưởng thi” (những vần thơ châu báu thưởng ngoạn các danh thắng), ca tụng những danh lam thắng cảnh và sự thịnh vượng của đất nước.

Bấy nhiêu văn phẩm, cả Nôm và Hán, cả văn và thơ của Lể Thánh Tông đó đã cho thấy tư tưởng, tình cảm của một ông vua xứng đáng là đệ nhất minh quân: Yêu nước, thương dân, yêu cảnh trí, thiên nhiên, yêu những nhân cách lớn. Đặc biệt nổi lên là một khát vọng đưa đất nước vào thời thịnh trị, no ấm và kỷ cương. Chừng ấy thôi, đã  đủ để lịch sử ghi danh Lê Thánh Tông: Một nhà văn lớn, một nhà văn hóa lớn.

II. Nhà văn hóa lớn Lê Thánh Tông trên cương vị một đệ nhất minh quân trị bình thiên hạ.

Như trên đã nói, nhà văn hóa lớn không chỉ là cho mình mà quan trọng hơn là phải cho đất nước, cho đời. Trường hợp là một ông vua văn hóa thì tính chất văn hóa phải được thể hiện càng rõ chừng nào càng quý chừng nấy, trong các chính sách, các hành động “Trị quốc bình thiên hạ”. Ở Lê Thánh Tông rõ ràng là như vậy. Có thể nói về cơ bản, trong mọi chính sách, mọi hành vi, mọi lĩnh vực của Ngài để đưa đất nước lên độ cường thịnh sánh ngang các nước cường thịnh trong khu vực đương thời và để lại một dấu ấn, một mốc son chói lọi trong lịch sử xây dung phát triển đất nước, đều thấm đậm chất văn hóa cao đẹp. Mà nổi bật nhất là ở những điều sau đây:

1. Lựa chọn, xây đắp cho đất nước một học thuyết làm nền của sự phát triển.

Đây là yêu cầu chung cho mọi quốc gia, mọi chính thể nếu muốn có sự phát triển đi lên trong lịch sử nhân loại. Mặc dù trong thực tế lịch sử các quốc gia, để có được điều này là chuyện không đơn giản. Với Lê Thánh Tông, đó là Nho giáo, mà Lê Thánh Tông chưa phải là người đi dâu trong việc lựa chọn. Đi đầu là các bậc tiên vương của triều đại Lê Sơ với Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Nhưng Lê Thánh Tông là người biết tiếp nối và nâng cao theo yêu cầu phát triển của đất nước, thậm chí phải qua công sức cải tạo. Bởi tình hình lúc đó, ảnh hưởng của Nho giáo đối với vương triều Lê Sơ chưa lấy gì làm sâu sắc. Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên chẳng đã cho biết: “Bấy giờ quan Tể tướng đều là đại thần khai quốc không thích Nho thuật …”. Bài “Trung hưng ký” trong “Toàn thư” cũng cho biết: “… Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn, người hiền từ phải bỏ cánh, bọn túc Nho như Lý Tử Tấn, Trịnh Thuần Du thì đẩy vào chỗ nhờn, phường dốt đặc, ồn ào như ong đàn nổi dậy, như chó chuột nhe răng …”. Trong tình hình đó, việc Lê Thánh Tông củng cố, đưa Nho giáo lên địa vị quốc giáo thực sự và theo hướng thiết thực hơn so với trước đó mà qua nội dung đối sách và đình đối của các cuộc đình thi dưới thời vua Lê Thánh Tông chúng ta đã thấy, quả là một bản lĩnh văn hóa cao cường không dễ có với người khác. Vận dụng Nho giáo để xây dung nhà nước phong kiến tập quyền nhằm đưa đất nước đến cường thịnh là một lựa chọn tối ưu trong điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước bấy giờ. Sử gia Phan Đại Doãn thời nay, chẳng đã có nhận xét: “Chính hệ tư tưởng Nho giáo lại góp phần tích cực củng cố nhà nước tập quyền quan liêu, củng cố nền thống nhất của xã hội nông nghiệp tạo ra một kỷ cương theo lễ và pháp trên cơ sở gia đình - gia tộc” [2]. Tất nhiên, cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng triều đại Lê Sơ trong đó có Lê Thánh Tông đưa Nho giáo lên dịa vị quốc giáo ở Việt Nam là một sự thất bại trên phương diện văn hóa. Đúng là đụng đến vấn đề Nho giáo là đụng đến vấn đề vô cùng, vô cùng phức tạp, không dễ gì có sự đồng thuận xuôi chiều. Ở đây, không phải là chỗ để tranh luận. Chỉ mong được quý vị có quan điểm ngược chiều đó hãy nhìn rộng ra về vận mệnh của Nho giáo trong lịch sử, không chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc mà còn là ở các nước từng chịu ảnh hưởng Nho giáo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, kể cả Singapo, xem trong lịch sử và cả hôm nay đã đối xử với Nho giáo là thế nào? Mong quý vị hãy suy nghĩ thêm trước ý kiến khá phổ biến sau này là trong sự phát triển của mấy con rồng Châu Á có vai trò không nhỏ của Nho giáo. Cũng mong quý vị tìm hiểu thêm và có lý giải tại sao ở quê hương của Nho giáo, gần đây, người ta đang có kế hoạch qui mô trong việc khôi phục Nho giáo không chỉ trên đất nước mình mà còn mở rộng ảnh hưởng Nho giáo trên toàn cầu. Thậm chí, ở đây, đã có ý kiến lấy lại Nho giáo làm quốc giáo và chính người đứng đầu đất nước Trung Hoa đã có dịp nói trước hội nghị cán bộ cao cấp hãy bỏ chữ “Đấu” để lấy lại chữ “Hoà” vốn của Nho giáo. Phải nói rộng ra như thế một chút để có thể khẳng định rằng: Hành động của đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông trong việc lấy Nho giáo, lợi dụng Nho giáo để phát triểnt đất nước như những gì đã có quả là một hành động có tầm vóc văn hóa tối ưu trong lịch sử.

2. Sử dụng hiền tài trong công cuộc “Trị bình thiên hạ”.

Đây đúng là vấn đề mấu chốt nhất, cốt lõi nhất, quyết định vận nước thịnh hay suy, không riêng gì với lịch sử Việt Nam ta, mà với bất cứ quốc gia nào, tự cổ chí kim. Riêng đối với người cầm đầu đất nước, xưa là ông vua, sau này là ông Tổng thống, ông Tổng Bí thư … đây là đá thử vàng, là chỗ để trăm họ trông chờ và cũng là chỗ để trăm họ phán xét, ngợi ca hay chê bai, nguyền rủa. Lịch sử Việt Nam ta đã ghi rõ một trường hợp vua biết tôn trọng, biết xây đắp, sử dụng hiền tài vào công cuộc trị nước và đưa lại hiệu quả thực tế cao đẹp, không ai khác, chính là đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông của thời trung đại. Chính từ chủ trương mang tầm cao văn hóa đó của vị đệ nhất minh quân mà trong đó khi thừa lệnh nhà vua, Thân Nhân Trung đã có được một giới thuyết vang dội đến cả hôm nay và mai sau: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”.

Với người xưa,có hiền nhân, hiền giả, hiền sĩ đã là những người có phẩm giá khả ái khả kính. Nhưng với danh hiệu hiền tài, đã hiền lại tài thì phẩm giá hẳn là cao hơn một bậc. Trong quan nịêm của Thân Nhân Trung, đã là thánh đế minh quân thì không ai không lấy việc kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Nhưng thực tế trong lịch sử Việt Nam, dưới chế độ phong kiến các vị vua khác đã thực hiện điều này đến đâu, còn phải xem xét kỹ. Riêng trường hợp vua Lê Thánh Tông thì đã quá rõ. Rõ nhất là trong việc nhà vua ra sức phát triển giáo dục, mở rộng và kiện toàn chế độ thi cử. Đặc biệt là thay đổi chính sách khai thác nguồn lực cho công cuộc chấp chính đối với quốc gia. Nếu trước đó nguồn lực này chủ yếu vẫn dựa vào thế lực quí tộc thì với Lê Thánh Tông, chủ yếu lại dựa vào thế lực hiền tài vốn được hun đúc nên từ nhiều nguồn thuộc đủ thành phần xã hội.  Đây không phải là phương thức tối ưu cho mọi quốc gia, mọi thời đại ư ? Không đáng để hôm nay thèm khát ư? Với vua Lê Thánh Tông, trường Quốc Tử Giám, nhà Thái học được mở rộng thêm đâu chỉ để đón nhận các vương tôn công tử mà còn là con em bình dân trên đường phát triển học vấn, tài năng nếu có. Đời Trần, chính sách này ít nhiều đã có. Nhưng phải đến Lê Thánh Tông mới nổi rõ. Và đó không đáng xem là mọt biểu hiện văn hóa cao siêu sao !

3. Chăm lo phát triển giáo dục và mở rộng kiện toàn chế độ thi cử.

Minh quân Lê Thánh Tông hẳn đã thấm nhuần sâu sắc chân lý của Nho giáo: “Nhân bất học bất tri lý”, người ta mà không học thì không biết lẽ phải. Đành rằng trong thực tế, có người có học mà không “tri lý”. Ngược lại, không học mà vẫn “tri lý”. Nhưng nói chung có học vẫn “tri lý” hơn là không học. Từ đó mà nhà vua ra sức khuyến học. Và theo nhà Hán học Mai Xuân Hải thì Lê Thánh Tông là vị vua duy nhất dưới thời phong kiến đã trực tiếp viết “Chiếu khuyến học” [3]. Với nhiệt tâm khuyến học, nhà vua đã cho mở rộng nhà Thái học trong Quốc Tử Giám trên đất Thăng Long, tạo nơi ăn ở và học tập cho đông đảo sinh viên từ nhiều địa phương tới, cấp học bổng cho học trò nghèo mà chăm học và học giỏi tại Quốc Tử Giám; phân phát sách giáo khoa về cho các trường học địa phương. Đặt chức Ngũ kinh bác sĩ để chuyên môn hoá người dạy ở từng loại kinh nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy… Song song với việc khuyến học là việc củng cố, nâng cao và ổn định chế độ thi cử bằng nhiều biện pháp: Vừa mở rộng cho đối tượng được thi, vừa hạn chế chính sách ưu tiên trong thi cử mà các vương triều trước đã thực hiện. Chống tiêu cực trong thi cử bằng cách lựa chọn các khảo quan có nhân cách và trình độ học vấn cao. Đặc biệt trong thi cử, ngoài yêu cầu thí sinh về khả năng thông hiểu kinh sử còn là khả năng hiểu biết và biện giải các vấn đề của cuộc sống. Ai đã có dịp tham khảo các đề đối sách trong các kỳ thi Đình do chính vua Lê Thánh Tông ra cho các sĩ tử làm sẽ phải ngạc nhiên về cách ra đề thi; Toàn hỏi những chuyện quốc gia đại sự và yêu cầu thí sinh phải hiểu biết cuộc sống và trung thực trong việc trình bày quan điểm riêng. Thậm chí, có trường hợp nhà vua còn yêu cầu thí sinh nhận xét đúng sai của chính mình trong việc trị nước. Cứ nhìn vào tình hình ra đề thi, tình hình đề tài luận văn, luận án của thời nay, mang danh là thời đại dân chủ, nhưng quả thật so với những gì của thời đại Lê Thánh Tông đó, không thể không ngạc nhiên, không thể không suy nghĩ. Nhất là đọc thêm nhiều bài văn sách thi Đình của một số sĩ tử thời đó như Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Trạng nguyên Võ Kiệt, Trạng nguyên Vũ Duệ… thì càng thấy người xưa hơn người nay trong chuyện này phải nói là quá lớn. Với người nay, chẳng biết đến bao giờ mới có được như người xưa đó. Với chính sách khuyến học một cách chính đáng, với công cuộc kiện toàn tổ chức thi cử như thế, có thể nói trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, chưa thời nào nền học vấn và chuyện thi cử lại thịnh như thời Lê Thánh Tông. Riêng về thi Hội và thi Đình dưới triều Lê Thánh Tông đã có 12 khoa (chưa kể một số khoa Hoành Từ, khoa Đông Các) lấy đậu 502 Tiến sĩ trong đó có 9 Trạng nguyên. Tính tỷ lệ về Tiến sĩ và Trạng nguyên trên tổng số Tiến sĩ, Trạng nguyên trong lịch sử thi cử thời Hán học, sẽ là: 502/2894 Tiến sĩ, 9/45 Trạng nguyên. Lê Thánh Tông đã có nhiều hình thức tôn vinh đối với nhân tài sau những kỳ thi cử: Tổ chức trọng thể lễ xướng danh, nhà vua thân ngự ra chính điện, các quan triều phục chúc mừng, vua ban mũ đai, y phục, yến tiệc, giao bộ Lễ làm bảng vàng ghi tên rồi nổi nhạc rước ra treo ở cửa Đông Hoa, cho ngựa tốt rước các vị tân khoa vinh quy bái tổ, lệnh cho các địa phương đón rước linh đình. Đặc biệt, vào năm 1484, đã cho dựng bia Tiến sĩ của 10 khoa liền từ khoa Nhâm Tuất Đại Bảo (3/1442) đến khoa Giáp Thìn (1484), mở đầu cho việc dựng bia Tiến sĩ tiếp theo của các vương triều sau tại Văn miếu Quốc Tử Giám mà nay ta có được 82 bia, một di tích văn hoá đặc sắc, đang đề nghị UNESCO công nhận di tích văn hoá thế giới. Thật đúng như Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã ghi nhận: “Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức, đời sau không thể theo kịp”. Nhân đây, cũng cần thanh toán một sự ngộ nhận, dù ít, dù nhiều trong thái độ của người đời nay đối với chế độ thi cử dưới thời phong kiến - Đúng là với cảm hứng phủ nhận chế độ phong kiến mà lây sang cả xã hội phong kiến, trong sách báo thời nay, không ít chỗ đã chê bai chế độ thi cử này là lạc hậu, là giáo điều, sách vở, xa thực tế và chỉ để đào tạo những ông quan ăn trên ngồi đốc nhân dân, không như ngày nay là đào tạo ra những cán bộ, đầy tớ nhân dân. Về cơ bản là ngộ nhận. Bởi đã không hiểu rằng: Chế độ thi cử xưa, tuy không ít mặt tiêu cực mà không chỉ người đời nay phê phán, chính người đời xưa cũng đã phê phán. Nhưng, chính chế độ thi cử đó lại đã thể hiện một phương thức tối ưu trong lịch sử loài người là: Muốn có những người chấp chính giỏi, không gì hơn phải trải qua con đường học vấn, mà học vấn thì lại phải qua thi cử. Không thể khác, với tiêu chí này, chúng ta thử khảo sát lại lịch sử chấp chính chắc sẽ hiểu sự đời không đơn giản, không phải cái gì đời sau cũng hơn đời trước. Chuyện Lê Thánh Tông coi trọng hiền tài, tìm mọi cách tạo nguồn hiền tài cho đội ngũ chấp chính do mình đứng đầu với sứ mệnh “thế thiên hành đạo” hẳn không đủ để chúng ta suy nghĩ lại sao.

4. Chăm lo xây dựng luật pháp cho công cuộc trị bình thiên hạ.

          Hình như có một thời trong chúng ta, đó đây đã có định kiến quá đáng về cái gọi là quyền uy tuyệt đối của nhà vua dưới chế độ phong kiến mà ít nhiều cũng quên rằng ở thời đó, cũng đã có pháp luật. Không nói đâu xa, trên đất nước ta, đã là vậy. Bộ Hình thư ra đời năm 1042 dưới triều nhà Lý. Các bộ sách điển chế như: Quốc triều thông chế (20 quyển), Kiến trung thượng lễ (10 quyển), Hoàng triều đại điển (10 quyển), Hình luật thư (1341) dưới triều nhà Trần, chẳng phải là luật pháp ư. Đến triều Lê Sơ, ngay ở năm đầu thiết lập vương triều, vua Lê Thái Tổ chẳng đã nói: “Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn” (Đại Việt sử ký toàn thư).

          Đến lượt đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông, với sự có mặt của Bộ Quốc triều hình luật mà ta quen gọi là “Bộ luật Hồng Đức”, quả là một bước tiến vượt bậc về công cuộc xây dựng luật pháp để trị bình thiên hạ, đáng được coi là một sản phẩm văn hóa sáng giá của dân tộc. Cùng với bộ luật Hồng Đức còn là hàng trăm sắc chỉ về các công việc hành chính và thế chế quan chức. Đây là những việc làm có tính tự giác sâu sắc và dựa trên một trình độ văn hoá cần thiết. Trong Hoàng triều quan chế, nhà vua dụ rằng: “Quan to quan nhỏ đều ràng buộc với nhau, chức trọng chức khinh cùng kiềm chế lẫn nhau. Uy quyền không bị lợi dụng. Thế nước vậy là khó lay. Hình thành thói quen giữ đạo lý, theo pháp luật mà diệt bỏ lối khinh nhân nghĩa, phạm ngục hình” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đặc biệt là chính nhà vua đã nêu cao sự bình đẳng trước pháp luật, bất cứ đó là vua hay là quan. Lời dụ nhân dịp biếm chức Binh bộ tả thị lang Nguyễn Đình Mỹ mắc tội đã viết: “Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta cùng các người phải tuân theo”. Nhà vua không chỉ chăm lo đến loại pháp luật quốc gia mà còn là vị vua đầu tiên trong lịch sử thể chế hoá việc soạn thảo hương ước trong các làng xã. Rõ ràng là Lê Thánh Tông dù tự giác hay chưa, thực tế đã làm việc xây dựng Nhà nước pháp quyền  phong kiến. Để đảm bảo cho pháp luật được công bằng, nghiêm minh, nhà vua rất coi trọng việc lựa chọn bộ phận quan lại trông coi việc tư pháp, xây dựng quy chế làm việc trong tư pháp. Theo dõi, kiểm tra chặt chẽ đặc biệt là nghiêm khắc với ai làm sai pháp luật. Đới với các tội phạm, vừa rất nghiêm khắc, vừa có độ khoan dung. Có chế độ giảm án với những kể biết hối cải. Riêng về tội tham nhũng, quấy nhiễu cuộc sống người dân thì dứt khoát không khoan nhượng. Nhà vua rất nhạy cảm về sự oan ức, bất công trong hành xử pháp luật vốn không đơn giản. Cho nên để hạn chế bớt khả năng oan ức đối với người dân, nhà vua đã lập các đoàn kiểm tra công tác xét xử. Mặt khác, còn tạo điều kiện cho người dân được kêu oan. Đặt trống to ở chùa Huy Văn. Dân ai có oan ức cứ đến đó đánh trống kêu oan và nhà vua sẽ có cách tiếp nhận và xem xét. Chưa kể là nhà vua còn có những cuộc “Vi hành”, xem dân tình, dân nguyện thế nào để có cách hành xử hợp lòng dân, ý dân. Đúng là vị đệ nhất minh quân hiếm có trong lịch sử. Có được cách trị quốc như thế là do nhà vua đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng thân dân của Nho giáo, biết kết hợp tư tưởng Nho gia với Pháp gia, kết hợp đức trị với lễ trị. Đâu đó, đã có ý kiến cho rằng Lê Thánh Tông tuy có nhiều phẩm chất cao đẹp nhưng có nhược điểm là độc đoán. Vậy sự thật là thế nào? Ở đây là độc đoán hay quyết đoán. Cuộc sống một đất nước vốn là thiên hình vạn trong, luôn luôn có thiện ác tương tranh. Không quyết đoán để mang tiếng độc đoán với hậu thế thì sao được.

5. Bênh vực nữ quyền:

          Cuộc sống xã hội và đất nước có không biết bao nhiêu phương diện mà ở mỗi phương diện, có thái độ của người đời hay hoặc dở, cao hoặc thấp, có văn hoá hay không có văn hoá. Mà tựu trung, vấn đề đối với phụ nữ, đặc biệt là trong hoàn cảnh xã hội phong kiến vốn có tệ hại là trọng nam khinh nữ, là đá thử vàng hơn đâu biết. Nếu tôi không lầm thì không ai khác, chính vua Lê Thánh Tông là người đầu tiên đã có chính sách bênh vực quyền sống của phụ nữ trong giới hạn ngặt nghèo của chế độ phong kiến. Nói đến Nhà văn hoá lớn Lê Thánh Tông không thể không nói đến điểm sáng có ý nghĩa tiên phong này của Ngài. Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) và Hồng Đức thiện chính thư, đặc biệt là Quốc triều hình luật, của vương triều Lê Thánh Tông đã được giới khoa học ngày nay ghi nhận và biểu dương màu sắc dân tộc và giá trị nhân văn. Trong đó, có thể nói phần tiến bộ nhất, có ý nghĩa nhân văn rõ nét nhất chính là ở những điều luật liên quan đến quyền lợi phụ nữ. Thể hiện, trước hết là luật về độ tuổi kết hôn, con trai 18, con gái 16, mà thực tế đã hạn chế được nạn tảo hôn không lợi cho con gái. Kế đến là việc từ hôn, ly hôn mà luật quy định: “Con gái hứa gả chồng mà chưa cưới, dù đã nhận sính lễ của nhà trai, nếu người chồng bị ác tật hay phạm tội, cửa nhà tan tác thì cho phép người con gái được kêu quan mà trả đồ lễ”. Về phía nhà trai đã đưa sính lễ nhưng rồi vì một lý do không chính đáng mà huỷ hôn thì sẽ bị phạt 80 trượng và chịu mất sính lễ. Kế đến là luật về quan hệ vợ chồng quy định: “Phàm chồng đã bỏ long vợ 5 tháng không đi lại” thì người vợ có quyền ly dị. Nếu vợ đã có con thì cho hạn 01 năm. Kế nữa là chế độ tài sản giữa vợ và chồng, luật thừa nhận ba loại:

          1. Tài sản của chồng được thừa hưởng từ gia đình chồng là tài sản thuộc sở hữu riêng của chồng.

          2. Tài sản của vợ được thừa hưởng từ gia đình vợ là tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ.

          3. Tài sản do hai vợ chồng làm nên là tài sản chung của vợ và chồng.

          Luật quy định khi bán tài sản gia đình, trong văn tự phải có chữ ký của cả chồng và vợ. Vợ có quyền hưởng một phần tài sản riêng của chồng. Trường hợp vợ chồng chưa có con, nếu ly hôn không do lỗi của người vợ hoặc một khi người chồng chết, người vợ ngoài quyền sở hữu tài sản riêng của mình còn được chia một nửa số tài sản riêng của chồng. Nếu chết hoặc tái giá thì phần tài sản này sẽ giao lại cho nhà chồng. Việc phân chia tài sản của cha mẹ cho con cũng rất hay. Trừ phần hương hoả giao cho con trai trưởng, còn lại, con trai, con gái được chia như nhau. Ngay phần hương hoả, nếu con trai trưởng không còn thì con trai thứ hoặc con gái trưởng sẽ được quyền thừa kế. Dĩ nhiên, con gái trưởng chỉ được thừa kế trong đời mình. Còn qua đời thì phải giao lại cho phía con trai. Ở đây, chưa thể trình bày lịch sử tư tưởng Việt Nam về vấn đề phụ nữ một cách hệ thống. Nhưng vẫn xin được nhắc lại điều mà trên đã nói; Không ai khác, Lê Thánh Tông, qua luật lệ của vương triều mình là người đầu tiên đã cất lên tiếng nói nữ quyền thật là đáng giá. Văn hoá cao đẹp chính là ở đó.

6. Thành lập Hội Tao Đàn, tạo không khí văn chương cho đất nước.

          Trong văn hoá, có nghệ thuật. Trong nghệ thuật, có văn chương. Ở nước ta, thời trung đại, văn chương là hình thức nghệ thuật phát triển hơn mọi ngành nghệ thuật. Văn chương có một vị trí đặc biệt trong việc khẳng định sự tồn tại của đất nước. Sau này, Thượng chi Phạm Quỳnh chẳng đã nói: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Chế Lan Viên cũng viết: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành thơ”. Sự kiện Lê Thánh Tông lập ra hội Tao Đàn chính là một hành động văn hoá có ý nghĩa lớn lao không chỉ với văn chương mà còn là với điệu sống, với văn hoá sống của đất nước. Hội Tao Đàn được thành lập trong hoàn cảnh: Nhân đất nước liên tiếp được mùa hai năm liền, vua Lê Thánh Tông phấn khởi quá, lại sẵn có thi tài thi hứng viết “Quỳnh uyển cửu ca” (Chín bài ca về vườn quỳnh) và yêu cầu các quần thần mà cũng là bạn văn chương hoạ thơ. Và từ hình thức xướng hoạ này, nhà vua tuyên bố thành lập hội Tao Đàn, do chính mình làm nguyên soái. Hội có 28 hội viên, được gọi là “Nhị thập bát tú” (28 ngôi sao). Hai vị Tao Đàn phó soái là: Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận. Với hội Tao Đàn, từ “Quỳnh uyển cửu ca” gồm chín bài ca của nhà vua, sau thêm phần hoạ thơ của nhiều hội viên khác mà thành một tập thơ cũng mang tên “Quỳnh uyển cửu ca” gồm khoảng vài trăm bài thơ. Hội Tao Đàn dù có mô phỏng cách làm của đời Hán Quang Võ (25 - 57) của Trung Hoa xưa, dù có mang không khí cung đình, nhưng trước hết vẫn là tiếng reo vui của một thời có “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” vốn rất hiếm trong lịch sử quốc gia Đại Việt, trong lịch sử văn hoá Việt Nam nói chung. Lịch sử văn chương Việt Nam cho đến trước Cách mạng tháng tám năm 1945, chủ yếu là kết duyên với nỗi đau của con người đất Việt - mà ít khi được kết duyên với niềm vui. Thì đây là một trường hợp, văn chương đưa người đời đến với niềm vui để từ đó càng gắn bó, càng thiết tha với văn chương hơn, với điệu sống văn hoá thanh cao hơn.

          Bạn đọc kính mến !

          Từ lâu, do công việc của nghề nghiệp, tôi đã đến với đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông với một niềm ngưỡng mộ lớn. Tuy vậy, cũng phải đến dịp này, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi mới thực sự được tìm hiểu và cảm nhận rõ nét hơn về tư cách văn hoá của Ngài. Dẫu kết quả còn là bất cập, nhưng với tôi cũng đã có sự nâng cấp trong nhận thức và từ đó nâng cấp cảm hứng ngợi ca, sùng kính vị đệ nhất minh quân. Trong niềm cảm hứng ngợi ca, sùng kính này với tôi, không dấu gì bạn đọc, vẫn kèm theo niềm tự hào về vị Thuỷ tổ của mình là Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí - người mà khoa học lịch sử từ xưa đến nay vẫn khẳng định là người có công đầu trong việc dẹp loạn Lê Nghi Dân, đưa Lê Tư Thành lên ngôi thành đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông - Nhà văn hoá lớn của đất nước Đại Việt.

          Cũng xin được nói thêm, những gì tôi viết trên đây, một phần là nhờ thừa hưởng kết quả Hội thảo khoa học kỷ niệm 500 năm mất của vua Lê Thánh Tông do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào năm 1997. Tôi xin cảm tạ Hội thảo, đặc biệt là cảm tạ các tác giả đã có mặt trong kỷ yếu của Hội thảo mà tôi được thừa hưởng.

 

                                                                             Yên Hoà thư trai

                                                                           Canh Dần, trọng hạ

                                                            (Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội)

 

 

 

 

 

 


[1] Theo học giả Cao Xuân Huy, vua thứ hai là Tự Đức.

Xem thêm: Cao Xuân Huy - Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu.

NXB Văn học 1994.tr 198

[2] Phan Đại Doãn: Lê Thánh Tông và Nho học - Nho giáo.

Sách Lê Thánh Tông (1442 - 1497) - Con người và sự nghiệp.

NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 1997.tr 304.

[3] Mai Xuân Hải: Khoa cử thời Lê Thánh Tông. Sách Lê Thánh Tông (1442 - 1497) - Con người và sự nghiệp.

NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 1997.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
Chân Khánh/ Thiềng Đức 27/04/2011 14:46:46
-Xin phép được đồng cảm với tác giả NĐC bằng bài thơ ngưỡng mộ viết từ 2008...

PHONG KIẾN HUY HÒANG

Vua giỏi Tư Thành Lê Thánh Tông*
Minh quân Hồng Đức thật nhiều công
Tao Đàn nguyên súy hồn dân tộc
Đại Việt tòan thư sử quốc phòng
Cải cách khoa thi tôn Thái học
Sửa sang võ bị xứng Tiên Rồng
Giải oan Nguyễn Trãi lưu ân đức
Phong kiến huy hoàng sáng cõi Đông …

TĐ- 15/4/2008 (Mùng 10 tháng 3-
Giổ Tổ Hùng Vương)
* Vua Hậu Lê.
(Theo "Từ điển nhân vật lịch sử VN")
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập