Theo bước chân Thầy

Đã đọc: 711           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

-Tưởng niệm lần thứ 34 (1972-2006)- ngày Tôn sư thượng Tâm hạ Như, hiệu Mật Nguyện viên tịch

Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy. (Ảnh minh họa)

Ngày 10 tháng 07 năm Nhâm Tý (18.08.1972), Hoà thượng thượng Tâm hạ Như hiệu Mật Nguyện viên tịch.

Ba mươi bốn năm đã trôi qua, ngày nay, dù sắc thân tứ đại của Tôn sư đã hoá hiện miên viễn vào dòng bất diệt, nhưng sự nghiệp tu hành và đại nguyện hoằng dương Chánh Pháp của Tôn sư vẫn còn sáng mãi trong niềm ngưỡng vọng sâu xa của muôn vạn Tăng Ni và Phật tử chúng con.

Trong sứ mệnh hoằng dương Chánh Pháp, Tôn sư là vị Tăng già uy nghi và lỗi lạc nhất, đã dấn bước tiên phong trên con đường phục hưng và phát triển của Phật giáo miền Trung, sau khi An Nam Phật Học Hội ra đời năm Nhâm Thân, 1932. Trong sự nghiệp nhiếp hoá đồ chúng, Tôn sư là vị Bổn sư đã để lại cho hàng Phật tử chúng con biết bao lời dạy ân cần, thiết thực. Ngôn giáo và thân giáo của Tôn sư là ánh đèn hướng đạo rực sáng cho mỗi Phật tử chúng con trên bước đường tìm về bến bờ giác ngộ và giải thoát.

Đê đầu bái bạch Tôn sư,

Hôm nay, nhân Đại lễ huý nhật lần thứ 34 của Tôn sư, hàng Phật tử chúng con, thêm một lần nữa, xin được cung kính chiêm ngưỡng di ảnh tôn nghiêm, và ngưỡng vọng phần nào thân thế cùng đại nguyện kiên cường mà Tôn sư đã không ngừng cống hiến cho Dân tộc và Đạo pháp trong suốt 37 năm, kể từ khi Tôn sư đăng đàn cầu thọ Tỷ kheo Bồ tát giới, tại giới đàn chùa Tịnh Lâm, tỉnh Bình Định, vào năm Ất Hợi, 1935.

Ngưỡng vọng thân thế và đại nguyện của Tôn sư là ngưỡng vọng bậc Bồ tát đã thương tưởng vô vàn nỗi thống khổ của nhân sinh mà hoá thân cứu độ. Sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy để an ủi, giúp đỡ cho đồng bào, Phật tử trong cảnh loạn lạc của một quê hương triền miên chinh chiến.

Ngưỡng vọng thân thế và đại nguyện của Tôn sư là ngưỡng vọng bậc Thánh Tăng đã kiên trì, dõng mãnh, hy sinh trọn đời cho sự thăng hoa của Phật giáo, đã để lại cho hàng Phật tử hậu thế chúng con một niềm tin vững chắc vào tiền đồ hưng long của Đạo pháp.

Thân thế và đại nguyện của Tôn sư đã hiển hiện rạng ngời trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, là tấm gương sáng chói, tiêu biểu cho sự nghiệp kỳ vĩ của các bậc Cao Tăng Việt Nam hiện đại.

Tôn sư họ Trần, thế danh Quốc Lộc, sinh giờ Thìn, ngày 25 tháng 06 Nhuận năm Tân Hợi (19.08.1911) tại làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Suốt cả quãng đời niên thiếu, Tôn sư thường suy tư và quán sát đến cuộc thế là phù hoa, giả tạm, nên chí nguyện xuất gia cầu đạo luôn nung nấu và thúc giục tâm trí Tôn sư.

Năm 15 tuổi, Bính Dần, 1926 Tôn sư lên chùa Trúc Lâm- Huế, bái yết Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên (1880-1936) cầu xin thọ giáo.

Ba năm sau khi thọ giáo, đầu năm Kỷ Tỵ, 1929, Bổn sư chính thức làm lễ thế độ cho Tôn sư thọ Sa Di giới và đặt pháp danh là thượng Tâm hạ Như, hiệu Mật Nguyện. Thể nhập vào dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông, đời thứ 43 và dòng Thiệt Diệu Liễu Quán, đời thứ 9.

Từ đó, Tôn sư càng miệt mài, chăm chỉ nhiều hơn trong việc học tập. Chỉ một thời gian ba năm, Tôn sư đã tốt nghiệp cấp Trung đẳng tại sơn môn Phật Học đường Tây Thiên, Huế.

Tương lai càng thêm nhiều triển vọng, khi Tôn sư được tiếp tục theo học lớp Cao đẳng tại Việt Nam Phật Giáo Nghĩa Học, do Quốc sư Phước Huệ giảng dạy tại Tổ đình Thập Tháp, tỉnh Bình Định.

Năm năm chuyên cần tham học, Tôn sư đã thành tựu xuất sắc chí nguyện của một vị Tăng sinh.

Từ giã Tổ đình Thập Tháp, Tôn sư về lại Huế, liền được An Nam Phật học hội mời vào Ban giảng sư của Hội.

Khởi sự trên đường thuyết pháp độ sanh, mười năm liên tiếp – từ năm Giáp Tuất, 1934, đến năm Giáp Thân, 1944, suốt cả dải đất miền Trung nước Việt, từ Thanh Hoá, Nghệ An vào đến các tỉnh cực Nam Trung Việt: Ninh Thuận, Bình thuận… Bước chân của Tôn sư đã không ngừng nghỉ, hay mỏi mệt trên hành trình thuyết pháp độ sanh. Nơi nào Tôn sư đến đăng đàn thuyết pháp, đều đem lại cho mọi người niềm an lạc trong giáo pháp vi diệu của đức Như Lai.

Năm Ất Hợi, 1935, do đạo nghiệp tăng trưởng, chí nguyện kiên cường, Tôn sư được đăng đàn thọ Tỷ kheo Bồ tát giới, tại giới đàn chùa Tịnh Lâm, tỉnh Bình Định và được Bổn sư phó pháp bài kệ:

心如法界如
無生行等慈
若能如是解
念念證無餘

Tâm như pháp giới như
Vô sanh hạnh đẳng từ
Nhược năng như thị giải
Niệm niệm chứng Vô dư

Thọ đại giới xong, Tôn sư lại tiếp tục theo học chương trình Đại học tại Phật học viện Tây- Thiên, Huế. Tôn sư vừa học, vừa được Hội mời làm Giáo thọ cho cấp Trung đẳng của Viện.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Phật giáo, Tôn sư vừa làm Giảng sư vừa làm Giáo thọ, lại có chí nguyện phát triển cơ sở để xiển dương Chánh Pháp. Năm Giáp Thân, 1944, Tôn sư vào Hoà Tân, Nha Trang, kiến tạo chùa Bảo Tràng Huệ Giác, nhưng rất tiếc ngôi chùa nầy, một thời gian sau đó đã bị tiêu huỷ hoàn toàn trong cơn binh lửa, đến nay chẳng còn dấu tích.

Năm Bính Tuất, 1946, Sơn môn Tăng già Thừa Thiên công cử Tôn sư về trú trì chùa Linh- Quang – Huế.

Hai mươi sáu năm-từ năm Bính Tuất, 1946, đến năm Nhâm Tý, 1972-trú trì chùa Linh- Quang, Tôn sư đã không ngừng nỗ lực tái kiến, trùng tu cho ngôi chùa từ chỗ nhỏ hẹp, sơ sài nằm thu mình trong cảnh thâm u, vắng vẻ trên ngọn đồi Bến Ngự, xưa gọi là Ngũ Bình Sơn, trở thành một danh lam rạng rỡ, nổi bật giữa lòng cố đô Huế.

Chùa Linh Quang, tuy không phải là ngôi Tổ đình, nhưng vị trí chùa đã đóng giữ một vai trò trọng yếu trong sự phát triển của Phật giáo miền Trung từ thời kỳ chấn hưng cho đến ngày nay. Vai trò ấy cũng đã gắn liền với vận mệnh an nguy của Dân tộc và Đạo pháp trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Từ trú sở hoạt động của Sơn môn Tăng già Thừa Thiên, rồi Giáo hội Tăng già Thừa Thiên, đến Giáo hội Tăng già Trung Việt. Từ năm 1957 đến năm 1964, đổi là Giáo hội Tăng già Trung Phần.

Từ giới đàn thuyết giới của chư Tăng và Phật tử Thừa Thiên Huế đến Phật học đường Linh- Quang, rồi trung tâm đạo tào Tăng tài cấp đại học, dưới tên gọi Lớp chuyên khoa nội điển Liễu- Quán của miền Vạn Hạnh.

Ngày nay, chùa Linh Quang vẫn là một giới trường Bố tát truyền thống thiêng liêng của chư Tăng và Phật tử Thừa Thiên Huế.

Vai trò và sự thành tựu lớn lao nầy của chùa Linh Quang, một phần rất lớn là do công lao bồi đắp và xây dựng của Tôn sư trong suốt hai mươi sáu năm làm trú trì.

Mười ba năm liên tiếp-từ năm Tân Mão, 1951, đến năm Giáp Thìn, 1964-Tôn sư đảm nhận nhiều trọng trách: Trị sự trưởng Sơn môn Tăng già Thừa Thiên, Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Thừa Thiên, Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Trung Việt, Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già toàn quốc.

Đầu năm Kỷ Hợi, 1959, Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc lần thứ 2, họp tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn, đã cung thỉnh Tôn sư đảm nhận chức vụ Phó Trị sự kiêm Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng già Việt Nam.

Nhận lãnh trách nhiệm nặng nề trong giai đoạn đầy cam go, thách thức, nhưng trên quan điểm và lập trường chân chính của Giáo hội Tăng già Việt Nam, Tôn sư đã long trọng khẳng định: “Từ khi Phật giáo có mặt trên lãnh thổ Việt Nam đến nay, đã hơn 18 thế kỷ, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý Trần… khi thịnh cũng như lúc suy, Giáo hội vẫn luôn luôn được công nhận là một tổ chức lãnh đạo của một tôn giáo thuần tuý. Trên trách nhiệm truyền thống của Đạo pháp, không một tổ chức nào có thể chịu trách nhiệm về Phật giáo trước quần chúng, trước lịch sử, nếu không phải là Giáo hội Tăng già”[1]

Mười ba năm đảm nhận các chức vụ quan trọng nầy, Tôn sư đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, không chỉ để xây đắp cho ngôi nhà Giáo hội Tăng già được bền vững, mà Tôn sư cũng đã quyết tâm hun đúc cho nhiều thế hệ Tăng sinh thấm nhuần phong thái uy nghi, dõng mãnh của người xuất gia trên bước đường hoằng pháp độ sanh, đúng như lời của Tổ Quy Sơn căn dặn: “Phát túc siêu phương” (người xuất gia, khi cất bước ra đi là phải hướng đến phương trời cao rộng). Tôn sư cũng không quên dành thời giờ để hướng dẫn, dìu dắt cho hàng Phật tử chúng con ý thức được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp phụng sự chúng sanh, Đạo pháp và Dân tộc một cách tích cực.

Mười ba năm ở giai đoạn nầy, cũng là mười ba năm đất nước đang trải qua thời kỳ khói lửa chiến tranh. Tôn sư lại dốc hết tâm lực ra chăm lo xây dựng thêm nhiều cơ sở từ thiện xã hội như: Cô nhi viện, Dưỡng lão đường, bệnh xá… trên nhiều tỉnh ở miền Trung, để làm nơi lưu trú, chăm sóc cho đông đảo đồng bào Phật tử không may lâm vào cảnh lầm than, khốn khó do hậu quả chiến tranh để lại.

Tôn sư cũng đã thiết lập thêm nhiều cơ sở văn hoá, trường học, củng cố và tổ chức thêm nhiều đoàn thể Phật giáo, mở rộng các khuôn hội địa phương, hầu đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết cho việc tu tập, hành trì của đồng bào Phật tử.

Song song với những Phật sự thiết thực ấy, năm Đinh Dậu, 1957, Tôn sư còn dốc hết sức kiến tạo Từ Hàn Quan Âm Tự tại quận Nam Hoà, một vùng cận sơn của tỉnh Thừa Thiên (ngày nay thuộc địa phận xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) để cho tín đồ ở các địa phương hẻo lánh có nơi dâng hương, lễ bái.

Từ Hàn Quan Âm tự, hiện do các đệ tử của Tôn sư kế tục duy trì.

Trong sự nghiệp nhiếp hoá đồ chúng, Tôn sư là vị Bổn sư vô cùng tận tuỵ, hết lòng chăm lo, nuôi dưỡng các thế hệ đệ tử nhất là Tăng Ni sinh đang theo học tại các Phật học đường. Ngoài nguồn vật chất ra, Tôn sư thường xuyên ân cần khuyên nhủ: “Tăng Ni phải là người của muôn phương muôn hướng, có trách nhiệm khai sáng và hướng dẫn tín đồ, phải luôn luôn đi đúng đường lối, hiến thân cho Đạo pháp và Dân tộc dù phải chịu khó khăn gian khổ”[2]

Lời di huấn thiết tha ấy, chắc chắn chư vị đệ tử Tăng Ni, ở bất cứ thế hệ nào cũng đều ghi nhớ.

Qua năm Quý Mão, 1963 trên cương vị Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Trung Phần, Tôn sư là vị Hòa thượng thứ hai, sau Ngài Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam-Đại lão Hòa thượng Trừng Thông Tịnh Khiết-ký vào bản Tuyên ngôn lịch sử ngày 10.05.1963 (17.04 năm Quý Mão) tại chùa Từ Đàm, Huế.

Bản Tuyên ngôn nầy đã chính thức mở màn cho đại cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Dù phải hứng chịu đủ mọi thủ đoạn đàn áp, dù phải hy sinh nhiều xương máu, nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất, quyết tâm bảo vệ Đạo pháp của toàn thể Tăng Ni, đồng bào Phật tử Việt Nam, nên cuộc đấu tranh cũng kết thúc thắng lợi.

Có thể nói, nhờ tài lãnh đạo kiệt xuất và chỉ đạo đúng đắn của chư Tôn Giáo phẩm, trong đó có công sức của Tôn sư, Phật giáo Việt Nam mới đương đầu nổi, mới thoát ra khỏi sự tàn phá khủng khiếp của một hệ thống đàn áp quy mô, có chiến lược, chiến thuật tinh vi và khổng lồ như của chế độ Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ.

Bốn năm-từ năm Giáp Thìn, 1964 đến năm Mậu Thân, 1968- Tôn sư đảm nhận chức vụ Phó Đại diện miền Vạn Hạnh kiêm Phó Đại diện tỉnh Giáo hội Thừa Thiên và thị xã Huế – Chánh Đại diện là Hòa thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu.

Đây là giai đoạn sau khi Bản Hiến chương ngày 04.01.1964 ra đời, nhưng Phật giáo vẫn còn bị nhiều thế lực ngăn cản, phá hoại.

Chư  Tôn  Giáo phẩm lãnh đạo, cũng như Tôn sư lại phải vận dụng nhiều phương pháp uyển chuyển, khôn khéo để giữ vững lập trường và đường lối phát triển của Giáo hội. Nhờ vậy mà chính quyền lúc bấy giờ đã phải ban hành sắc luật số 158/SL/CP ngày 15.04.1964, huỷ bỏ Đạo dụ số 10, đối với Phật giáo. Cụ thể ở điều 5, Sắc luật nầy ghi rõ: “Dụ số 10 ngày 06.08.1950, cùng các luật lệ trái với Sắc luật nầy, không áp dụng đối với GHPGVNTN”.

(Xin ghi thêm: Đạo dụ số 10, do vua Bảo Đại (1926-1945 + 5 năm sau khi quân Pháp tái chiếm nước Việt Nam) ký và ban hành ngày 06.08.1950, là một Đạo dụ phi lý, đã khống chế và ràng buộc khắt khe sự sinh hoạt và phát triển của Phật giáo Việt Nam suốt 14 năm (1950-1964).

Tuy Phật giáo đã đạt được một phần nguyện vọng sau khi Đạo dụ số 10 “không còn áp dụng đối với GHPGVNTN”, nhưng Phật giáo lúc bấy giờ vẫn tiếp tục bị khống chế và ràng buộc bởi các thể chế khắt khe và phi lý khác. Do đó mà cuộc đấu tranh của Phật giáo lại bùng phát mãnh liệt vào mùa Hè năm Bính Ngọ, 1966.

Gánh chịu thiệt hại nhân mạng và tài sản nặng nề nhất là miền Vạn Hạnh. Xương máu của Tăng Ni, đồng bào Phật tử lại đổ ra không ít cho cuộc đấu tranh nầy. Thế nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhị vị Tôn sư Chánh, Phó Đại diện, nên Phật giáo miền Vạn Hạnh đã vượt qua tất cả mọi chướng ngại để hoàn thành trách nhiệm trước Giáo hội, trước lịch sử.

Bốn năm tiếp theo-từ năm Mậu Thân, 1968 đến năm Nhâm Tý, 1972-Từ cuộc binh biến đầu mùa Xuân năm Mậu Thân,1968, Hòa thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu phải rời chức vụ Chánh Đại diện, nên Viện Hóa Đạo đã bổ nhiệm Tôn sư đảm nhận chức vụ quan trọng nầy để tiếp tục lãnh đạo và điều hành Phật sự.

Bốn năm ở giai đoạn nầy là bốn năm mà cuộc nội chiến ở Việt Nam đã đến hồi quyết liệt. Bom đạn và khói lửa chiến tranh đã và đang tàn phá nặng nề cả hai miền Nam Bắc. Vì thế nên phong trào cầu nguyện và vận động hoà bình cho quê hương đã phát khởi khắp nơi.

Phật giáo cũng tích cực góp phần vào phong trào nầy.

Tại miền Vạn Hạnh, Tôn sư đã tổ chức lễ cầu nguyện và vận động hoà bình tại các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam… riêng tại Cố đô Huế, cũng đã có nhiều buổi lễ cầu nguyện cho hoà bình được tổ chức trọng thể. Thành công nhất là buổi lễ cầu nguyện và vận động hoà bình do Tôn sư trực tiếp tổ chức vào ngày lễ Phật thành đạo, Phật lịch 2514, năm Canh Tuất, 1970 tại chùa Từ Đàm, Huế.

Buổi lễ đã thu hút hàng vạn đồng bào Phật tử các giới về tham dự. Trong bài diễn văn khai mạc, Tôn sư đã tha thiết kêu gọi: “Hơn bao giờ hết, Phật tử chúng ta phải tỏ ý nguyện tha thiết hòa bình của mình bằng cách thực hiện một đoàn kết to rộng, lấy sự sống làm căn bản, lấy tri thức làm phương châm và lấy giác ngộ làm cứu cánh. Cùng với những tâm hồn nhân loại khác, chúng ta cố tâm xây dựng không phải là những cường quốc hùng mạnh về binh bị, mà là những quốc gia ham chuộng hoà bình, biết sống trong tinh thần tri túc và thân yêu, biết sống hướng thượng. Chúng ta tin rằng: Từ bi sẽ thắng cường bạo và Hoà bình sẽ ở lại với loài người, nếu chúng ta thật tình mong muốn…”

Suốt ba mươi bảy năm, từ sau khi Tôn sư thọ Đại giới. Tôn sư thường lao tâm, khổ tứ vì sự tồn vong của Đạo pháp, vì nỗi thống khổ của nhân sinh đang sống lầm than, cơ cực trong cơn tao loạn. Có lẽ từ đó mà Tôn sư đã mang trọng bệnh. Chư đệ tử của Tôn sư vô cùng lo lắng, luôn cầu xin Tôn sư nghỉ ngơi, an dưỡng để chữa trị.

Thế nhưng đầu năm Tân Hợi, 1971 khi biết sức khoẻ của mình có phần giảm sút, nhưng chẳng thấy Tôn sư ưu tư, lo lắng mà hằng ngày Tôn sư chỉ lo nghĩ đến những Phật sự trọng đại, cần thiết.

Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội đồng thường niên của tỉnh Giáo hội Thừa Thiên và thị xã Huế, ngày 10.02 năm Tân Hợi (06.03.1971) tại chùa Từ Đàm, Huế. Hàng Phật tử chúng con mới cảm thấy hết nỗi lo lắng của Tôn sư cho Đạo pháp, cho Dân tộc và cho trách nhiệm của mỗi Phật tử chúng con đến dường nào. Khi Tôn sư chân thành khen ngợi và nhắc nhủ: “Dù mai đây, hoàn cảnh có thay đổi ra sao, biến chuyển cách nào đi nữa, thì tinh thần cố hữu của người tín đồ Thừa Thiên và Cố đô Huế, nơi xuất phát nhiều dũng sĩ, từng hy sinh cho Đạo pháp, cho Dân tộc, từng chịu nhiều thử thách qua các biến cố chưa phai mờ trong tâm trí.

Không ai có thể phủ nhận được rằng: người tín đồ ở cái tỉnh miền Trung nầy, nơi mà họ được un đúc trong lòng Bi-Trí- Dũng của đức Phật, lại có thể bỏ mất chánh niệm, chánh tín và chánh tâm của mình để chạy theo tiếng gọi của danh lợi ảo tưởng, những tuyên truyền phỉnh phờ, di hại cho Đạo pháp và Dân tộc”.

Ngoài những Phật sự cần yếu mà Tôn sư thường lưu tâm thực hiện, Tôn sư còn đề xuất rất nhiều công việc từ thiện xã hội thiết thực khác như: thành lập thêm các trung tâm huấn nghệ, mở thêm các xưởng tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích thành lập thêm nhiều Ký nhi viện, Bảo anh viện, Dưỡng lão đường, bệnh xá, trường học,… nhằm giúp đỡ cho hàng ngàn cô nhi, đồng bào, Phật tử nghèo khó, lầm than cơ cực, có nơi nương tựa, có công việc làm nuôi sống bản thân.

Tôn sư còn có dự án quy tập mộ phần chư Tăng Ni, Phật tử đã hy sinh cho Đạo pháp và Dân tộc trong thời gian qua, vào một khu vực để dựng bia, xây tháp và đài tưởng niệm…

Thế nhưng bao nhiêu dự án lớn lao nầy đều đành phải bỏ dở, khi cơn cố bệnh của Tôn sư bắt đầu tái phát trầm trọng!

Đến 9 giờ 30’ sáng ngày 10 tháng 07 năm Nhâm Tý (18.08.1972), Tôn sư an nhiên đi vào cõi Niết bàn tịch tịnh.

Sáu Mươi Mốt Năm–hoá thân giữa cuộc thế phù hoa, giả tạm, nhưng Tôn sư đã không ngừng nỗ lực hoàn thành chí nguyện lớn lao để tô bồi cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam luôn bền vững, tích cực góp phần đem lại sự bình yên cho quê hương đất nước, sẵn sàng xả bỏ thân mạng để cứu giúp cho hàng vạn đồng bào, Phật tử không may lâm vào cảnh bom đạn, chiến tranh.

Sáu Mươi Mốt Năm–thời gian tuy chưa đủ để Tôn sư thực hiện thoả mãn Đại bi tâm và đạt thành chí nguyện hoằng pháp độ sanh, nhưng đối với Đạo pháp, với Dân tộc, Tôn sư đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng thiêng liêng của một bậc Cao Tăng Việt Nam trước lịch sử. Tôn sư mãi mãi là tấm gương chiếu sáng cho các thế hệ Tăng Ni và Phật tử chúng con tinh tấn trên bước đường học đạo và hành đạo, cũng như trong ý thức bảo toàn trách nhiệm hoằng dương và hộ trì Chánh Pháp.

Đê đầu bái bạch giác linh Tôn sư.

Tôn sư ra đi… không chỉ là sự tổn thất lớn lao cho Đạo pháp, cho Dân tộc, cho nhân quần xã hội, cho biết bao thế hệ Tăng Ni và Phật tử chúng con, mà Tôn sư còn để lại một nỗi ngậm ngùi, tiếc thương vô hạn cho chư Tôn Hoà thượng, chư Thượng toạ trong Hội Đồng Lưỡng Viện. Tôn sư ra đi… quý Ngài đã tỏ lời bi ai, thống thiết:

“Đồng bào còn đau khổ, nhân loại còn nhiễu nhương, lá vàng rơi xơ xác cõi Bồ đề, Hoà thượng ra về chi quá vội!
Đạo pháp cần phát huy, đàn em cần hướng dẫn, mây trắng phủ lờ mờ trăng Bát nhã, chúng tôi ở lại tính sao đây?”

Đồng sự pháp lữ: Hòa thượng Thiện Hoà, Trí Thủ, Thiện Hoa, Trí Tịnh, Thiện Minh, Pháp Tri, Huyền Quang, Minh Châu, Quảng Độ, Từ Nhơn, Quảng Long, Hộ Giác, Mãn Giác, Giác Đức.

Cùng với chư Tôn giáo phẩm trong Hội Đồng Lưỡng Viện, Hòa thượng Chánh Thư ký Viện Tăng Thống Nhật Quang Trí Quang, cũng tỏ lời xưng tán chân thành sâu sắc mà nét bút tài hoa vẫn còn in dấu rạng ngời nơi bảo tháp Tôn sư:

密願法師謂

立菩提志, 不負眾生,
師身雖幻, 生若蓮荷.
禪門少躡, 竹林體入,
宗說兩通, 所得不淺.
介于法難, 為眾作依,
正法所都, 侹身作議.
病不捨眾, 與人安危,
病可苦刑, 志不疾傷.
幻身一發, 法体惡燃,
生堪作暮, 滅更影仰.
佛德上報, 人間俯周,
其志彌大, 其行可惻.
娑婆行止, 極樂宿摟,
長為有情, 作不請友.
我固不省, 恩濟是望,
得此徵誄, 伏諓西竹.
二 五 一 六 盂 蘭 節
智光比丘

MẬT NGUYỆN PHÁP SƯ VỊ

LẬP BỒ ĐỀ CHÍ, BẤT PHỤ CHÚNG SANH, SƯ THÂN TUY HUYỄN, SANH NHƯỢC LIÊN HÀ.
THIỀN MÔN THIỂU NIẾP, TRÚC LÂM THỂ NHẬP, TÔNG THUYẾT LƯỠNG THÔNG, SỞ ĐẮC BẤT THIỂN.
GIỚI VU PHÁP NẠN, VỊ CHÚNG TÁC Y, CHÁNH PHÁP SỞ ĐÔ, ĐĨNH THÂN TÁC NGHI.
BỆNH BẤT XẢ CHÚNG, DỮ NHƠN AN NGUY, BỆNH KHẢ KHỔ HÌNH, CHÍ BẤT TẬT THƯƠNG.
HUYỄN THÂN NHẤT PHÁT, PHÁP THỂ ÁC NHIÊN, SANH KHAM TÁC MỘ, DIỆC CÁNH ẢNH NGƯỠNG.
PHẬT ĐỨC THƯỢNG BÁO, NHƠN GIAN PHỦ CHU, KỲ CHÍ DI ĐẠI, KỲ HÀNH KHẢ TRẮC.
TA BÀ HÀNH CHỈ, CỰC LẠC TÚC LÂU, TRƯỜNG VI HỮU TÌNH, TÁC BẤT THỈNH HỮU.
NGÃ CỐ BẤT TỈNH, ÂN TẾ THỊ VỌNG, ĐẮC THỬ TRƯNG LỤY, PHỤC TIỄN TÂY TRÚC.
NHỊ NGŨ NHẤT LỤC VU LAN TIẾT
TRÍ QUANG TỶ KHEO

Tôn sư ra đi… tiễn bước Tôn sư không chỉ là nước mắt của bao thế hệ Tăng Ni và hàng hàng, lớp lớp Phật tử chúng con lúc bấy giờ, mà nỗi ngậm ngùi, tưởng nhớ còn đọng mãi đến hôm nay!

Cao quý thay! Thân thế và đại nguyện kỳ vĩ của bậc Cao Tăng Việt Nam hiện đại.

Thành kính đảnh lễ Tôn sư.

Đệ tử: TÂM HƯƠNG

Nguồn: https://thuvienphatviet.com/


[1] Trích theo “ Kỷ yếu đại hội kỳ II, Giáo hội Tăng già toàn quốc” họp tại chùa Ấn Quang, Sài gòn, năm Kỷ Hợi, 1959.

[2] Theo “tiểu sử cố Hoà thượng Thích Mật Nguyện” do môn đồ chùa Linh Quang, Huế ấn hành năm Quý Sửu, 1973.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập