Vai trò của Ni Trưởng Huỳnh Liên đối với sự hình thành và phát triển Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ

Đã đọc: 663           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Phật học - Journal of Buddhist Studies, Mỹ. Giám đốc Nhà xuất bản: Dharma Mountain Publishing, San Diego, California, Mỹ. Trụ trì Thiền Viện Pháp Thuận San Diego, California, Mỹ.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

 

Đạo Phật bắt đầu truyền vào Việt Nam trong khoảng thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 2 TCN[1] để từ đó hình thành nên Phật giáo Việt Nam. Cùng với tính chất phương tiện thiện xảo vốn có của Phật giáo kết hợp hài hòa với tính bản địa hóa dân tộc đã khiến cho Phật giáo được bản địa hóa khi du nhập vào Việt Nam[2]. Kể từ đó Phật giáo đã ăn sâu bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm, đã đồng hành cùng quần chúng nhân dân từ buổi bình minh của Dân tộc đến thời hiện đại ngày nay.

Đến giai đoạn của thế kỷ 19 và thế kỷ 20, phong trào chấn hưng Phật giáo của các nước có sự lan tỏa rộng ở khắp nơi, Phật giáo Việt Nam cũng vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam phát triển mạnh trên cả ba miền, đã tạo lập nên tổng thể Phật giáo Việt Nam hiện đại. Trong bối cảnh đó, Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập từ 1944, lấy chí nguyện “Nối truyền Thích ca chính Pháp” làm Tông chỉ đã được hình thành, Tổ sư đã dung hợp hai truyền thống Đại thừa phát triển và Nam truyền gần gũi với lời dạy gốc của Đức Phật để hình thành nên Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam - Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ ngày nay.

Giai đoạn đầu của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, Tổ sư Minh Đăng Quang trực tiếp hành đạo để vận hành Tông chỉ, trực tiếp thu nhận Tăng Ni xuất gia và hướng dẫn hành đạo. Trong hàng ngũ Tăng Ni trực tiếp xuất gia, tu học, hành đạo với Tổ sư Minh Đăng Quang có các bậc tôn túc như: Trưởng Lão Giác Chánh, Trưởng Lão Giác Tánh, Trưởng Lão Giác An, Trưởng Lão Giác Lý, Pháp sư Giác Nhiên, v.v.. thì bên Ni giới có Ni Trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên, người mà sau này đứng ra thành lập Ni giới Khất sĩ. Ni Giới Khất sĩ Việt Nam đặt trụ sở tại tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp.

Trong bối cảnh của khảo cứu tham luận nhằm để xem xét và đánh giá “Vai rò của Ni Trưởng Huỳnh Liên đối với sự hình thành, phát triển Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ” như thế nào trong tương quan tổng thể của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ thì đó là một chủ đề quan trọng có tính thiết thực. Điều đó hình thành nên cái nhìn tổng quát về vài trò của Ni trưởng Huỳnh Liên trong “vai trò hình thành và phát triển Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ” là điều cần thiết.

Trong chủ nề này, nội dung của thảo luận nhằm đánh giá tính chất phẩm tính Ni – Tu sĩ Ni giới, không bàn thảo đến phẩm tính chính trị trong con người Ni sư Huỳnh Liên, mặc dù phẩm tính này có mặt trong con người Ni sư Huỳnh Liên từ rất sớm cùng với sự ảnh hưởng của gia đình ngay từ thủa chưa xuất gia đến khi viên tịch.

 

  1. NỘI DUNG

Hệ Phái Phật giáo Khất sĩ – Đạo Phật Khất Sĩ, một Hệ phái Phật giáo nội sinh, đúng như tên nội sinh tức là được sáng lập hình thành từ trong quốc nội Việt Nam mà không phải được truyền vào, yếu tố lịch sử này khá tương đồng với Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm do Tổ sư Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và Thiền phái Liễu Quán do Thiền sư Liễu Quán sáng lập. Hai Thiền phái – Hệ phái Phật giáo cũng mang đậm tố chất nội sinh. Hai đặc đểm nội sinh và cùng với phẩm tính Phật giáo tính đã định hình nên phong thái Tông phong của sơn môn pháp phái Phật giáo Khất Sĩ – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam[3], được sáng lập năm 1944 với chí nguyện: "Nối truyền Thích Ca chánh Pháp" bởi Tổ sư Minh Đăng Quang, một Tổ sư người Việt.

Ngay từ giai đoạn đầu thập niên 1944 - 1954 Ni Trưởng Huỳnh Liên[4] là một trong ba vị Ni được Tổ sư Minh Đăng Quang thu nhận xuất gia vào năm 1947. Với cương vị Trưởng Ni, Ni sư Huỳnh Liên như có được sự ủy thác để tiếp Ni độ chúng để từ đó trong cái thủa ban đầu dần hình thành nên Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam. Đó là vai trò nòng cốt, là vai trò nền tảng cho Ni giới Khất Sĩ Việt Nam đối với sự hình thành và phát triển của Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ. Đó là chủ điểm cốt yếu trong phẩm tính Phật giáo tính của Ni Trưởng Huỳnh Liên mà tham luận này đề cập đến.

  • Bối cảnh lịch sử cuối thời Nhà Nguyễn đến giai đoạn trước và sau năm 1975

Đề cập đến một nhân vật lịch sử nhất định không thể không đề cập sơ lược đến bối cảnh lịch sử để có cái nhìn tổng thể và cụ thể về một nhân vật lịch sử. Điều đó cho phép chúng ta có cái nhìn khách quan về nhân vật có tên Ni sư Huỳnh Liên, trên bình diện học thuật nó là điều kiện cần thiết cho tham chiếu học thuật. Vì vậy, người khảo cứu tóm tắt sơ lược bối cảnh lịch sử có tính tương tác để xem xét đến vai trò của Ni trưởng Huỳnh Liên đối với sự hình thành phát triển Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ. Chúng ta có thể nhận thức bối cảnh lịch sử sơ lược như các bước tiếp theo ở dưới đây.

Trong thời nhà Nguyễn giai đoạn của Vua Gia Long đã lấy Nho giáo làm trọng, nên Phật giáo bấy giờ bắt đầu suy vi, có phần sa sút mãi đến khi phong trào chấn hưng Phật giáo được phát động thì Phật giáo dần khởi sắc.

Chúa Nguyễn ở Đàng Trong muốn lấy đạo Phật làm chỗ dựa tinh thần cho công trình lập quốc của dòng họ Nguyễn cho nên sau này các chúa Nguyễn và dân chúng đều tỏ vẻ sùng đạo Phật. Trong giai đoạn này, Tổ sư Nguyên Thiều đã thành lập nên các dòng truyền thừa theo phả hệ Thập Tháp và Quốc Ân, Thiền sư Pháp Bảo thành lập nên dòng truyền thừa phả hệ Chúc Thánh. Ngoài các dòng trên, tại Đàng Trong như đang trong thời kỳ trăm hoa đua nở, có một hệ truyền thừa ảnh hưởng rất sâu rộng cho đến ngày nay, đó là dòng Liễu Quán, do Tổ sư Liễu Quán thành lập. Phật giáo Đàng Trong khá hưng phong thịnh vượng.

Tại Đàng Ngoài đạo Phật không phổ biến như ở Đàng Trong. Vào thế kỉ 17, dòng Thiền Tào Động do các ngài Tào Sơn Bản Tịch (840-901) và Ðộng Sơn Lương Giới (807-869) sáng lập từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam và có nhiều ảnh hưởng tại Đàng Ngoài.

Trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam tất nhiên Phật giáo Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng với tình hình đất nước ở mỗi giai đoạn. Năm 1858, quân Pháp tấn công Đà Nẵng mở đầu cho một giai đoạn gần 100 năm Việt Nam bị thực dân đô hộ. Chính quyền thực dân đã dùng nhiều phương kế nhằm tiêu diệt truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đạo Phật ở Việt Nam lúc này đứng trước nguy cơ diệt vong do chính sách hủy diệt có hệ thống của người Pháp.

Giai đoạn thực dân Pháp ở Việt Nam nói chung và Nam Kỳ (Nam Việt Nam) nói riêng những năm 1940 – 1954, thiền phái Phật giáo Khất sĩ có tên Đạo Phật Khất Sĩ ra đời, do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập. Năm 1947 Tổ sư thâu nhận Ni sư Huỳnh Liên xuất gia tu học và thọ giới pháp Khất sĩ.

Vào cuối thời thực dân Pháp dưới chính thể Quốc gia Việt Nam, năm 1951 Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời. Đây là tổ chức đầu tiên với ý định thống nhất các tổ chức Phật giáo rời rạc ở Việt Nam làm thành một thể.

Khoảng thập niên 1960 Phật giáo đấu tranh chống lại chính quyền Việt Nam Cộng hòa dẫn đến Sự kiện Phật Đản năm 1963[5]. Trong bối cảnh đó, Hiến chương 1964[6] đặt nền móng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức quy tụ nhiều giáo phái ở phía nam đã tạo thành một lực lượng tôn giáo đáng kể. Trong khi đó năm 1958 tại miền Bắc, Đảng Lao động Việt Nam cho phép thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam[7].

Sau năm 1975, đến năm 1981 chính quyền Việt Nam cho phép thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam[8], là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam[9]. Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập vào ngày 7 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, trên cơ sở hợp nhất tất cả tổ chức Phật giáo trong nước.

Những khía cạnh lịch sử trong mối tương quan của Phật giáo Việt Nam đối với bối cảnh lịch sử Việt Nam như trên để định hình “Vai trò của Ni Trưởng Huỳnh Liên đối với sự hình thành, phát triển Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ” ở Việt Nam.

 

Vai trò của Ni Trưởng Huỳnh Liên đối với sự hình thành, phát triển Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ

  • Vai trò là vị Ni xuất gia đầu tiên của Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ

 

Phật giáo có bốn chúng hoặc bảy chúng được ví như những trụ cột vững chắc để tạo dựng nên một tổ chức Tăng đoàn có tính toàn vẹn. Trong việc mở đạo khởi xuất từ Tổ sư Minh Đăng Quang Hệ Phái Phật giáo Khất Sĩ cũng đủ đầy bốn chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Cư sĩ Nam, Cư sĩ Nữ trong tổ chức của mình.

Giai đoạn đầu, Tổ sư đi hành đạo và truyền bá quanh vùng Nam bộ, trong năm 1947 (tức năm Đinh Hợi) Tổ sư đã chứng minh và làm Bổn sư truyền giới trong Lễ truyền giới xuất gia tại chùa Linh Bửu, làng Phú Mỹ, Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (Tiền Giang). Những tín nữ phát tâm xuất gia và thọ giới từ Tổ sư có Nguyễn Thị Trừ, Võ Thị Hiến, Huỳnh Thị Mạnh, v.v… được Tổ sư truyền giới và ban pháp danh là: Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên. Huỳnh Liên đảm nhiệm vai trò là Trưởng Ni.

Việc Truyền giới xuất gia của các vị Ni đầu tiên trong Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ có tính chất lịch sử quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu gieo mầm cho việc tạo dựng Ni giới trong Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ. Trong thực tế, công việc hoằng hóa của Tổ sư đi đứng di chuyển qua lại nhiều vùng, trong lúc này Ni sư Huỳnh Liên được Tổ sư Minh Đăng Quang chứng minh cho phép thành lập tịnh xá Ngọc Liên cùng năm 1947, nay tạo lạc tại số 59/12, đường Đề Thám, phường An Cư, Tp. Cần Thơ.  

Như vậy, từ trong thực tế của công việc Phật sự, tuy ở vào những năm đầu của Hệ Phái Phật giáo Khất Sĩ mới hình thành, Ni sư Huỳnh Liên đã là một nhân tố quan trọng có mặt cùng với quá trình hoằng pháp thời kỳ đầu của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Ni sư Huỳnh Liên đã vừa là vị Ni có vai trò là vị Ni xuất gia đầu tiên của Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ cũng vừa là vị Ni có vai trò như là vị Trụ Trị Ni đầu tiên của Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ thông qua việc Tổ sư chứng minh cho phép thành lập tịnh xá Ngọc Liên, đây là nền móng quan trọng để từ đó vai trò của Ni trưởng Huỳnh Liên dần có vai trò trọng yếu trong sự tương quan của Hệ Phái Phật giáo Khất Sĩ nói chung và vai trò tích cực của Ni trưởng Huỳnh Liên đối với sự hình thành, phát triển Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam cho đến tận ngày nay. Đó là tố chất kết tinh ban đầu có tính chất trọng yếu đã thể hiện được vai trò lịch sử của Ni sư Huỳnh Liên trong việc tạo dựng và phát triển Ni Giới Khất Sĩ Việt Nam.

  • Vai trò lịch sử trong việc hình thành và phát triển Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam

 

Sau năm 1954, Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, chư Trưởng Lão tôn túc Tăng đã kế thừa hành đào và truyền bá Phật pháp sâu rộng ở nhiều nơi khắp các vùng Nam, Trung phần và Cao Nguyên. Từ đó hình thành nên các Giáo đoàn Khất Sĩ như là một trong những chiếc Y nối dài khắp nơi của Hệ Phái Phật Giáo Khất Sĩ.

Đồng thời trong lúc đó Ni sư Huỳnh Liên cũng kế thừa tinh thần vốn được thọ lãnh trực tiếp từ Tổ sư, vào năm 1956 (Bính Thân) Ni sư đã trực tiếp lãnh đạo và thành lập Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam. Đến năm 1957 – 1958 được Bộ Nội Vụ cho phép thành lập Giáo Hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam[10] (nay là Hệ phái Ni giới Khất sĩ), Trụ sở đặt tại Tịnh xá Ngọc Phương, ở quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là Tp. HCM). Kể từ đó đã hình thành nên Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam.

Như vậy, trong giai đoạn kể từ ngày mùng 1- 2- Giáp Ngọ (1954), Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Ni trưởng kế tục sự nghiệp Tổ Thầy, trực tiếp lãnh đạo Ni Giới Khất Sĩ trong phận sự trưởng tử Ni đã đưa Ni giới Khất Sĩ có bước đi vững vàng trong quá trình hội nhập và phát triển trong vườn hoa Phật giáo Việt Nam cho đến ngày nay.

Cùng với việc thành lập Ni giới Khất Sĩ trong thực tết của hoằng pháp trong xã hội, Ni giới Khất Sĩ đã dần hình thành một sắc thái khá độc đáo, có sức hấp dẫn trong Ni bộ Miền Nam nói riêng cũng như trong Ni bộ Phật giáo Việt Nam nói chung.

Hiện nay, theo số liệu thống kê của Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương, trong Ni giới Khất Sĩ có khoảng 150 ngôi tịnh xá và hơn 1.500 Ni chúng.

Ni trưởng Huỳnh Liên rõ ràng đã làm được một việc quan trọng là đã xây dựng nên một Phân ban Ni giới trong mái nhà Phật giáo Việt Nam có sức sống, với vai trò là Ni trưởng lãnh đạo cho đến tận năm 1987 và đã tạo dựng được vị thế của mình trong giai đoạn hiện tại để phát triển Ni giới Khất Sĩ ngày một lớn mạnh thêm hơn.

 

  1. NHẬN XÉT THAY CHO LỜI KẾT

 

Trong nhận thức chung trên bình diện lịch sử và bình diện hoằng pháp truyền bá giáo Pháp, nếu so với nhiều tông phái, hệ phái khác của Phật giáo thì Hệ phái Phật giáo Khất sĩ tính đến nay chỉ mới là một khoảng thời gian ngắn (1944 - 2022) so với chiều dài của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Quãng thời gian này ngắn, Đạo Phật Khất sĩ trong đó có Ni giới Khất Sĩ lại có một sức sống, sức lan toả ảnh hưởng, có sức hấp dẫn và sự phát triển có thể nói là nhanh chóng ở khắp Việt Nam, chưa nói đến Phật giáo Khất sĩ Hải ngoại đang có mặt trên thế giới, đông đảo nhất là ở Mỹ Quốc.

Trong tổng quan trong mối quan hệ tương quan của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, thì Ni giới Khất Sĩ đã đồng hành cùng Hệ phái Phật giáo Khất sĩ từ buổi ban đầu cho đến ngày nay, dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của Ni trưởng (NT.) Huỳnh Liên (1923-1987) Trưởng Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam (NGHPKSVN.). Sau khi NT. Huỳnh Liên viên tịch 1987, chư Ni trưởng lần lượt lãnh đạo NGHPKSVN đến nay như vào năm 1987, NT. Bạch Liên được suy tôn làm Đệ nhị Ni trưởng - Trưởng NGHPKSVN. Năm 1996, NT. Tạng Liên - Đệ tam Ni trưởng, Trưởng NGHPKSVN. Năm 2002, NT. Tràng Liên - Đệ tứ Ni trưởng, Trưởng NGHPKSVN.

Quý Ni trưởng lần lượt lãnh đạo NGHPKSVN tiếp tục thực hiện hoài bão của Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên, chủ trương cho Ni chúng  học thêm văn hóa và nâng cao trình độ Phật pháp, nhằm đào tạo Ni tài để "kế vãng khai lai" nhằm tiếp tục duy trùy và phát triển Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam.

Một yếu nhân lịch sử, một vai trò khởi phát, một Ni trưởng lãnh đạo đã có vai trò trọng yếu trong nền móng Hệ phái Phật giáo Khất sĩ nói chung, trong Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam nói riêng là điều không thể nào phủ nhận. Thời đại chúng ta cần nhận thức rằng đó là vai trò tích cực mà chúng ta đã thấy được của Ni trưởng Huỳnh Liên, đệ tử Ni đầu tiên của Tổ sư Minh Đăng Quang, người có vai trò là người đã phát tích hình thành, phát triển Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam. Qua chủ đề này, chúng ta đã có thể thấy rằng Ni trưởng Huỳnh Liên, thông qua vai trò là người lãnh đạo đi đầu của Ni giới đã để lại bài học lịch sử sâu sắc về “viên đá nền của Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam”, nó không chỉ có giá trị trong quá khứ mà cả trong hiện tại lẫn ở tương lai cho thế hệ kế thừa Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 

  1. Lĩnh Nam trích quái (嶺南摭怪) - Lĩnh Nam trích quái liệt truyện 嶺南摭怪列傳, Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội), xuất bản năm 1960.
  2. Thiền Uyển tập anh - (禪苑集英) - Thiền uyển tập anh ngữ lục (禪苑集英語錄): Nhiều người soạn, Thiền uyển tập anh (Lê Mạnh Thát dịch). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
  3. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý: Đạo Phật Khất Sĩ, Dharma Mountain Publishing, San Diego, CA -U.S.A. Năm 2020.
  4. Mã nguồn từ cổng thông tin ĐBQH: (NI SƯ) HUỲNH LIÊN (NGUYỄN THỊ TRỪ), Bản gốc Thư Viện Quốc Hội: http://www.na.gov.vn/NhomNNSVN/60namQHVN/L.htm, lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2012.
  5. Thích Giác Chinh, Sự kiện Phật Đản năm 1963: Bài học lịch sử in trong Nhìn Lại Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963, NXB. Phương Đông 2013.
  6. HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT, Bản tu chỉnh bởi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, năm 1973.
  7. Nghị định cho phép Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập và hoạt động - 147-NV, Thư viện Phát Luật, bản gốc ngày 28 tháng 04 năm 1958.
  8. Toàn văn Hiến chương mới nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hiến chương mới nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sửa đổi lần thứ VI được thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, 2017 - 2022.
  9. Hiến pháp 2013, quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
  10. Ni trưởng Huỳnh Liên, Bước trưởng thành của Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ - Hội thảo Phật giáo và hòa bình, Ngày 02.12.1986 tại Trường Cao Cấp II TP.HCM . Ngày 11-1-1958.


[1] Lĩnh Nam trích quái ( 嶺南摭怪; có nghĩa là "Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam" - Lĩnh Nam trích quái liệt truyện 嶺南摭怪列傳, Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội), xuất bản năm 1960.

[2] Tính bản địa hóa và dấu mốc của Phật giáo Việt Nam được Quốc sư Thông Biện dẫn lời sư Đàm Thiên (542-607) (trình vua Trung Hoa Tùy Cao Tổ) để trả lời hoàng thái hậu Ỷ Lan, theo sách Thiền Uyển tập anh - (禪苑集英) - Thiền uyển tập anh ngữ lục (禪苑集英語錄): "Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu ni danh, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó. Nay lại có Pháp Hiển thượng sĩ, đắc pháp với Tì-ni-đa-lưu-chi, truyền tông phái của tam tố, là người trong làng Bồ-Tát, đang ở chùa Chúng Thiện dạy dỗ học trò. Trong lớp học đó không dưới 300 người, cùng với Trung Quốc không khác. Bệ hạ là cha lành của thiên hạ, muốn bố thí một cách bình đẳng, thì chỉ riêng khiến sứ đưa Xá lợi đến, vì nơi ấy đã có người, không cần đến dạy dỗ." Nhiều người soạn, Thiền uyển tập anh (Lê Mạnh Thát dịch). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.

[3] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý: Đạo Phật Khất Sĩ, Dharma Mountain Publishing, Năm 2020, San Diego, CA -U.S.A, Tr. 721.

[4] Trên bình diện khảo cứu học thuật thì tính khách quan rất quan trọng, người viết sử dụng nguồn này cho có tính công chúng, người viết không khảo sát và không bàn luận đến tính chất con người chính trị của Ni sư Huỳnh Liên trong tham luận. Đây là mã nguồn từ cổng thông tin ĐBQH: (NI SƯ) HUỲNH LIÊN (NGUYỄN THỊ TRỪ), Năm sinh: 1923, Quê quán: Tỉnh Mỹ Tho, Tôn giáo: Phật giáo. ĐBQH khóa VI, Nơi ứng cử: Thành phố HCM. Ni trưởng giáo hội Khất sĩ ni giới Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bản gốc Thư Viện Quốc Hội: http://www.na.gov.vn/NhomNNSVN/60namQHVN/L.htm, lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2012.

[5] Thích Giác Chinh, Sự kiện Phật Đản năm 1963: Bài học lịch sử in trong Nhìn Lại Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963, NXB. Phương Đông 2013.

[6] HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT, Bản tu chỉnh bởi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, năm 1973.

[7] Nghị định cho phép Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập và hoạt động - 147-NV, Thư viện Phát Luật, bản gốc ngày 28 tháng 04 năm 1958.

[8] Toàn văn Hiến chương mới nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hiến chương mới nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sửa đổi lần thứ VI được thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, 2017 - 2022.

[9] Hiến pháp 2013, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một trong các cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

[10] Ni trưởng Huỳnh Liên, Bước trưởng thành của Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ - Hội thảo Phật giáo và hòa bình, Ngày 02.12.1986 tại Trường Cao Cấp II TP.HCM . Ngày 11-1-1958, Giáo hội Ni giới Khất Sĩ Việt Nam được thành lập và hoạt động. 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập