Hạnh Ngộ Chơn Tâm

(Tâm hương đưa tiễn Giác Linh Cố HT Thích thượng Ngộ hạ Khải)
Hoàng hôn nhìn cánh hoa rơi
Lòng nao nao nhớ phương trời yêu thương.
Từ ngày hành Đạo ly hương
Dần dà tin tức người thương thưa dần.
Đêm nay con chợt thất thần
Khi hay Hòa Thượng mãn phần ra đi!
Thế là tử biệt sanh ly
Một ngày tái ngộ còn gì mà mong?
Đành rằng ngũ uẩn giai không
Giờ sao vẫn thấy trong lòng xốn xang?
Bao nhiêu kỷ niệm rõ ràng
Từ thời tri ngộ bỗng tràn hiện ra…
Một hôm trên đường thăm nhà
Giữa đường cái chiếc hon đa hư bình
Loay hoay vất vả một mình
Làm sao khắc phục tình hình khó khăn?
Chợt nhìn thấy cổng Thiên An
Bây giờ cứ đứng thở than ích gì?
Thôi thì cứ việc vào đi
Gặp ai xem có cách chi giúp nhờ?
“Tái Ông thất mã” bất ngờ
Bao điều tốt đẹp như mơ ban ngày !
Hạnh duyên gặp lại người Thầy
Gọi là Sư Thúc lòng đầy thương yêu.
Đãi con thịnh soạn bữa chiều
Thầy rằng : “xe sửa tốn nhiều thời gian
Xe tôi, Thầy cứ lên đường
Nhiều người đang ở quê hương đợi Thầy
Xong việc vào lại trong nầy
Tiệm nào uy tín chỉ bày sửa sau”
Quả là diệu dụng phép mầu
Lên đường nhớ mãi ơn Thầy chở che.
Mỗi khi Tết đến Xuân về
Viếng Thiên An để lắng nghe lời Thầy…
Bao nhiêu kỷ niệm đong đầy
Nay còn đâu nữa người Thầy mến thương?!
Đời Thầy nêu sáng tấm gương
Xuất gia cần phải tìm đường độ sinh.
Thực hành hạnh Công Xảo Minh
“Sen Hồng” in ấn sách Kinh lưu truyền.
Khóa Tu xếp đặt tạo duyên
Định kỳ nửa tháng tinh chuyên tu hành.
Không vì lợi, không vì danh
Dấn thân phụng sự đạo tràng gần xa.
Người đi một chiếc hon đa
Mười chùa Phật tử thiết tha đợi Ngài.
Mười lăm năm chặng đường dài
An Nhơn Phật Giáo do Ngài trông nôm.
Đâu phải Ngài muốn ôm đồm
Vì chung lợi ích, phải ôm vào lòng.
Dáng Người trông vẫn thong dong
Mà bao trách nhiệm chất chồng đôi vai.
Người lo đào tạo Tăng Tài
Sáu trò Tiến Sỹ mấy ai sánh bằng?
Trải bao giai đoạn khó khăn
An Nhơn Chi Hội Chư Tăng tựu về.
Quên đi toan tính bộn bề
Tu tập chuyển hóa não nề nghiệp nhân.
Về đây chung sống Tăng thân
Rèn giới định tuệ tâm thần sáng trong.
Lục Hòa thắt giải tâm đồng
Sự đời Sắc Sắc Không Không bận gì?
An cư tổ chức định kỳ
Tuân theo Pháp Phật luật nghi định bày.
Tiến tu tứ chúng sum vầy
Vai trò Hóa Chủ có Thầy chăm lo.
Sửa sang tự viện rộng to
Bao duyên quy tụ nương nhờ chánh nhân.
Thương Thầy Phật sự phân thân
Hơn sáu thập kỷ dấn thân tô bồi.
Việc cần Ngài đã làm rồi.
Hóa duyên đã mãn, phải thời nghỉ ngơi.
Vô thường quy luật cuộc đời
Kiếp người chỉ một tấc hơi ra vào.
Người đi thương tiếc nghẹn ngào
Chân dung, pháp nhũ,… xiết bao ân tình.
Dù không gặp lại bóng hình
Gương Ngài vẫn sáng lung linh lâu dài.
Tây Phương chín phẩm Liên Đài
Chim reo, gió gọi chờ Ngài ngự qua.
Ngài không trụ mãi Ta Bà
Người đi dấu vết chưa nhòa, chưa phai
Nguyện Người vẫn một bản hoài
Sớm ngày trở lại trần ai chèo thuyền
Dang tay vớt khách có duyên
Vượt qua biển khổ về miền thảnh thơi.
Ân Thầy khó nói trọn lời
Giác Linh giao cảm chiếu soi tấc lòng….
Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế, Thiên Bình Pháp Phái, Thiên An Đường Thượng, Huý thượng Thị hạ Trình, tự Hạnh Chơn, hiệu Ngộ Khải Hòa Thượng Ân Sư Giác Linh thùy từ chứng giám.
Ngày chung thất, 19/04/2022
Kính tưởng Ân Sư
Hậu Học : Thích Đồng Trí
THIÊN HẠNH CHƠN AN
(Tưởng niệm Giác Linh Hòa Thượng Thích thượng Ngộ hạ Khải)
Than ôi!
Trụ An Nhơn vừa ngã
Cờ Thiên An vừa nghiêng
Hóa duyên nay đã mãn
Người trở về Tây Thiên….
Tin Người ra đi, con vẫn bàng hoàng
Nhiều vị Tôn Đức xả bỏ trần gian
Mấy năm gần đây, Long Tượng thưa thớt
Tưởng nhớ Giác Linh, kính tiễn đôi hàng…
Thân phụ Người là Cụ ông Trần Nhơn
Cha mẹ vốn là Phật Tử thuần thành
Quê nhà Tuy Phước, thuộc tỉnh Bình Định.
Tựa nương tu học Tổ Đình Thiên Bình.
Dòng tộc họ Trần, húy là Văn Chương
Vừa mười ba tuổi (1959), phát chí xuất trần
Hòa Thượng Bổn Sư tiếp thâu, ban đặt
Pháp danh Thị Trình, Pháp tự Hạnh Chơn.
Vào thời nhà Ngô kinh tế khó khăn
Một ngày không làm, một ngày không ăn
Hương Đăng Kinh Kệ, chấp tác, canh tác
Người hòa đại chúng, tu học siêng năng.
Bổn Sư nhận thấy hạnh nguyện thâm sâu
Kinh Luật thuộc lòng, dốc chí cần cầu
Hai ba tuổi (1968) thọ Sa Di Giới Pháp
Do Ngài Phúc Hộ - Hòa Thượng đàn đầu.
Muốn đạt lý tưởng giải thoát cao siêu
Đời Ngài công phu, tu học thật nhiều
Phấn đấu tốt nghiệp tú tài thế học
Hoàn thành Phật học Long Khánh, Nguyên Thiều…
Mài giũa tinh chuyên chắt lọc chất vàng
Năm hai tám tuổi (1973), được phép tấn đàn
Trưởng Lão Phúc Hộ - Đường Đầu Hòa Thượng
Thọ Cụ Túc Giới – Hải Đức, Nha Trang.
Dấn thân hành Đạo chẳng quản ngại gì
Chi Hội An Nhơn bổ nhiệm Trụ Trì
Cố vấn giáo hạnh Gia đình Phật tử
Anh Văn, Phật Pháp… dạy thanh thiếu nhi.
Phương tiện khéo bày, hành công xảo minh
Nhà in Sen Hồng, in sách với Kinh
Ấn phẩm Phật Giáo, kết nên sách vở
Tự túc kinh tế cho tự viện mình.
Từ năm tám chín (1989) đến năm chín hai (1992)
Tổ chức An Cư – nào có đơn sai
Tạo duyên Tăng chúng về nương tu học
Thúc liễm thân tâm, bồi dưỡng Tăng tài.
Cũng kể từ năm một chín chín hai (1992)
Mỗi tháng hai kỳ, khóa Bát Quan Trai
Tổ chức tu tập cho hàng Phật Tử
Thấm nhuần lợi lạc Chánh Pháp Như Lai.
Làm Chánh Đại Diện Phật Giáo An Nhơn
Suốt mười lăm năm, gian khó không sờn (1997-2012)
Tạo duyên tứ chúng trang nghiêm hòa hợp
Phật Giáo huyện nhà ngày khởi sắc hơn.
Giúp hàng hậu học tấn Đạo nghiêm thân
Trợ duyên đàn tràng viên mãn thập phần
Ngài được thỉnh vào Thập Sư Tôn Chứng
Vào năm hai ngàn (2000), Giới Đàn Chánh Nhơn.
Trùng hưng tự viện, ổn định đạo tràng
Phú Thọ, Bửu Tháp, Dương Sơn, Kim An,
Thiên Long, Kim Hòa,…mười chùa như thế
Công Ngài bồi đắp, nay thật huy hoàng.
Quan trọng nhất là kế vãng khai lai
Tiếp độ Tăng Ni, đào tạo Tăng Tài
Mười lăm đệ tử thọ ơn giáo dưỡng
Có sáu tiến sỹ tốt nghiệp nước ngoài…
Quả nhiên Hòa Thượng một bậc kỳ tài
Làm ngần ấy việc, biết có mấy ai?
Sáu mươi ba năm từ ngày thế phát
Tinh tấn công phu, Phật sự miệt mài.
Thế nhưng sự thế vốn dĩ vô thường
Hóa duyên đã mãn, Sen nở Tây Phương
Ngày Một tháng Hai, Nhâm Dần lưu dấu
Tứ chúng tiễn đưa, lòng dạ tiếc thương…
Con ở phương xa, riêng một góc trời
Canh khuya kính tưởng, giọt lệ đầy vơi
Người ở, nhân gian thắm tình Đạo Pháp
Người đi, còn đó gương sáng chói ngời.
Thành tâm niệm Phật, trùng tụng Tâm Kinh
Cầu nguyện Giác Linh Hòa Thượng chứng minh
Chín phẩm Hoa Sen, nguyện Ngài an ngự
Sớm trở lại đây, tiếp tục hành trình.
Thiên An sỏi đá nhớ dấu chân Ai?
Phú Thọ hàng cây khẽ nhắc tên Ngài
Sông Côn rào rạt ân tình muôn thuở
Hương khói lung linh tỏa ngát liên đài.
Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế, Thiên Bình Pháp Phái, Thiên An Đường Thượng, Huý thượng Thị hạ Trình, tự Hạnh Chơn, hiệu Ngộ Khải Hòa Thượng Ân Sư Giác Linh thùy từ chứng giám.
Ngày chung thất, tâm hương tiễn biệt 19/04/2022
Thích Đồng Trí
TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH NGỘ KHẢI
Chứng minh BTS GHPGVN Thị Xã An Nhơn – Bình Định
Viện Chủ Chùa Thiên An
A. THÂN THẾ.
Hoà thượng họ Trần, huý Văn Chương, Pháp danh Thị Trình, tự Hạnh Chơn, hiệu Ngộ Khải. Hoà thượng sinh năm Bính Tuất (1946) trong một gia đình thâm tín Phật giáo tại thôn An Lợi, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Thân phụ là Cụ ông Trần Nhơn pháp danh Thị Thiện, thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Đẩu, pháp danh Thị Đâu. Hoà thượng là con thứ bảy trong một gia đình có 8 anh chị em. Gia đình Hòa thượng đều là Phật tử thuần thành tại Tổ đình Thiên Bình, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, tinh Bình Định.
B. THỜI KỲ XUẤT GIA HỌC ĐẠO.
Vốn có túc duyên với Phật pháp, từ nhỏ Hòa thượng thường theo cha mẹ về lễ bái, tụng kinh, tu học tại Tổ đình Thiên Bình. Sau một thời gian cảm mến Phật pháp, với tâm nguyện thoát tục mạnh mẽ, vào năm 13 tuổi (1959) Hòa thượng đã được song thân cho phép được xuất gia tu học với cố Hòa thượng Thích Tâm Đạt, bậc Cao Tăng đức độ, trú trì Tổ đình Thiên Bình.
Kể từ khi được Bổn Sư thế độ, Hòa thượng ngày đêm kinh kệ miệt mài, công phu chấp tác chuyên cần, sớm hôm canh tác ruộng đồng cùng đại chúng.
Năm 1968, Hòa thượng được Bổn Sư cho phép thọ giới Sa di tại Đại giới đàn Phước Huệ được tổ chức tại Tổ đình Long Khánh do Cố Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm đàn đầu.
Sau một thời gian xuất gia tu học, Hoà thượng được Bổn Sư cho phép theo học Phật pháp tại Phật học Viện Nguyên Thiều và Tổ đình Long Khánh, tốt nghiệp Phật học viện và Tú Tài 2 vào năm 1971.
Năm 1973, Hòa thượng được thọ giới cụ túc tại Đại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang cũng do Cố Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm đàn đầu.
C. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:
I. HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ:
Sau khi thọ giới, theo sự chỉ dạy của Hoà thượng Bổn Sư và sự tin tưởng của sư huynh là cố Hoà thượng Thích Liễu Không, Hoà thượng được bổ nhiệm làm trú trì chùa Chi Hội An Nhơn vào năm 1973.
Kể từ khi trụ trì chùa Chi Hội An Nhơn, trong vai trò cố vấn giáo hạnh Gia đình Phật tử Nhơn Hưng (nay là Gia đình Phật tử A-dục) Hoà thượng thường mở các lớp giáo lý dạy cho các đoàn sinh Gia đình Phật tử, làm giáo viên dạy Phật pháp và Anh Văn tại các trường Bồ-đề trong tỉnh.
Thực hiện mô hình kinh tế tự túc cho Phật giáo địa phương Hoà thượng thành lập nhà in Sen Hồng, chuyên về in ấn văn hoá phẩm, đặc biệt văn hoá phẩm Phật giáo.
Sau năm 1975, trước những khó khăn chung của đất nước, Hoà thượng vừa hướng dẫn tín đồ tu học tại chùa Chi Hội An Nhơn, tổ chức các đại lễ Phật Đản của Phật giáo An Nhơn, tự túc kinh tế nhà chùa qua việc cắt giấy, đóng vở, in và phát hành sớ điệp và phái Quy y.
Từ năm 1989 đến năm 1992, Hoà thượng đã liên tục mỗi năm tổ chức các khoá an cư kiết hạ tại chùa Chi Hội An Nhơn, cung thỉnh cố Hoà thượng Thích Liễu Không làm Thiền chủ, là đạo tràng tu học trang nghiêm, miên mật của Chư Tôn thiền đức Tăng tại An Nhơn và các vùng phụ cận. Nhiều Tăng Ni sinh gần xa về tham dự các lớp Phật học trong các đạo tràng này.
Từ năm 1992 trở đi, Hoà thượng tổ chức khoá tu Bát Quan Trai, mỗi tháng hai kỳ, giảng dạy giáo lý, thuyết giảng Phật pháp cho tín đồ Phật tử tại trú xứ chùa Chi Hội An Nhơn. Các hoạt động Phật sự duy trì và phát triển khởi sắc cho đến hôm nay.
Trong cương vị trú trì chùa Chi Hội An Nhơn, văn phòng Ban Đại Diện Phật giáo An Nhơn, Hoà thượng tham gia vào Ban Đại Diện trong nhiều cương vị khác nhau.
Từ 1997 đến 2012, ngoài vai trò UV. BTS GHPGVN Tỉnh Bình Định; suốt ba nhiệm kỳ, Hoà thượng là Chánh Đại Diện Phật giáo huyện An Nhơn. Với phạm hạnh nghiêm cẩn và tâm lượng bao dung, trong suốt hai nhiệm kỳ lãnh đạo Phật giáo huyện nhà, Hoà thượg đã nhiếp chúng chu toàn mọi Phật sự, tạo nên năng lượng hoà hợp và trang nghiêm của Phật giáo An Nhơn.
Năm 2000, Hòa thượng được cung thỉnh vào hàng tôn chứng tại Đại giới đàn Chánh Nhơn.
Năm 2009, hội đủ duyên lành, Hoà thượng sang Ấn Độ chiêm bái các thánh tích Phật giáo tại hai miền Nam và bắc Ấn Độ.
Năm 2011, Ngài được tấn phong giáo phẩm Hoà thượng.
Ngoài việc tham gia các hoạt động Phật sự, Hoà thượng còn là đại biểu Hội đồng nhân dân, UBMTTQVN và Hội Chữ Thập đỏ thị xã An Nhơn nhiều nhiệm kỳ.
II. PHẬT SỰ TẠI CÁC CHÙA
Với tinh thần phụng sự chánh pháp vì lợi ích chung, Hoà thượng luôn nhiệt huyết trong việc hỗ trợ các trú xứ đơn chiếc và chưa có trụ trì. Hoà thượng được các bậc Tôn túc và Ban Hộ Tự các chùa trong tỉnh thỉnh mời đảm đương các Phật sự thiết yếu.
Năm 1992 Ban Hộ Tự chùa Phú Thọ tại thành phố Quy Nhơn thỉnh Hoà thượng về chăm lo Phật sự. Đến năm 1995 Ban Hộ Tự đã cung thỉnh Hoà thượng kiêm nhiệm trụ trì và được các cấp Giáo hội chuẩn y. Trong thời gian hơn mười năm (1992-2003) chăm lo tại chùa Phú Thọ, Hoà thượng đã khai hoang phục hoá, trùng tung nhà Tổ, kiến thiết khuôn viên, sắm sửa pháp khí, tổ chức khoá tu Bát Quan Trai mỗi tháng hai kỳ, thành lập gia đình Phật tử, chu toàn mọi sinh hoạt tín ngưỡng của bổn tự và bổn đạo và đồng bào Phật tử.
Năm 2000 Ban Hộ Tự chùa Dương Sơn tại Huyện Tuy Phước cung thỉnh Hoà thượng về chăm lo Phật sự, hướng dẫn việc tu học của tín đồ. Đáp lời thỉnh cầu, Hoà thượng đã không ngại khó khăn mỗi tháng đều có mặt hướng dẫn việc tu học, ngay cả những khi mùa lũ tràn về. Hoà thượng đã đứng ra vận động và xây dựng ngôi Đại hùng Bảo điện của chùa thật trang nghiêm.
Năm 2003, Hoà thượng Thích Như Bửu, vì tuổi cao sức yếu và bệnh duyên, đã cung thỉnh Hoà thượng đảm nhận vai trò kiêm nhiệm trú trì chùa Bửu Tháp tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn. Hoà thượng đã xây dựng bảo tháp và lo tang lễ của Hoà thượng Như Bửu thật trang nghiêm, kiến thiết khuôn viên, xây dựng tường rào, dắt dẫn tín đồ quy hướng tu học.
Năm 2004 Cố Hoà thượng Thích Đồng Chơn, trú trì chùa Bình An đã cung thỉnh Hoà thượng kiêm nhiệm Phật sự chùa Kim An tại xã Nhơn Khánh, Huyện An Nhơn. Hoà thượng đã tận tâm chăm lo, kiến thiết lại khuôn viên chùa, sửa sang khu hậu tổ và khách phòng, sắm sửa pháp khí và hướng dẫn tín đồ sinh hoạt.
Ngoài ra, Hoà thượng còn kiêm nhiệm chăm lo Phật sự tại các ngôi chùa khác trong một thời gian dài, như chùa Thiên Long, chùa Kim Hoà, v.v…
Với chiếc xe honda cũ kỹ, vừa chu toàn Phật sự tại chùa Chi Hội, vừa chăm lo Phật sự, hướng dẫn đạo tràng Phật tử cho hơn 10 ngôi chùa gần xa, quả là một hạnh nguyện, một sự cống hiến cho Phật pháp thật cao cả.
III. HOÁ ĐỘ TỨ CHÚNG
Hoà thượng là bậc nghiêm cẩn cương trực, nhưng cũng rất tâm lý và bao dung. Ngài rất ít nói, chuyên lấy thân giáo để nhiếp hóa và uốn nắn đạo hạnh của đại chúng. Vì lý do đó, rất nhiều Tăng Ni và Phật tử tìm về chùa Chi Hội An Nhơn để xin xuất gia làm đệ tử, hoặc y chỉ, hoặc quy y. Ngài đã độ hơn 15 vị đệ tử Tăng, Ni xuất gia và hướng dẫn tu học cho rất nhiều Tăng chúng tại bổn tự.
Hoà thượng rất tâm huyết về sự nghiệp giáo dục Phật giáo. Ngài đã tạo mọi nhân duyên tốt nhất cho các đệ tử của mình đi tầm học nhiều nơi và đã có 6 vị tốt nghiệp học vị Tiến Sĩ từ các nước Ấn Độ và Trung Quốc. Hầu hết đệ tử của Ngài đều đang trụ trì tại nhiều trú xứ trong nước và tham gia nhiều Phật sự các cấp Giáo hội, đặc biệt là lĩnh vực Giáo dục Phật giáo.
Đối với quần chúng Phật tử, Hòa thượng đã trao truyền Tam quy Ngũ giới, và là tôn chứng Thập thiện giới và Bồ-tát giới tại gia cho rất nhiều Phật tử khắp nơi.
IV. KIẾN THIẾT TRÙNG TU:
Kể từ khi đảm nhận trú trì chùa Chi Hội An Nhơn, Hoà thượng luôn tâm huyết việc kiến thiết và trang nghiêm trú xứ. Ngài cùng gia đình mua hai căn nhà phía sau chùa, mở rộng khuôn viên, xây dựng khu nhà khách và Tăng phòng phục vụ cho việc an cư.
Năm 2004 đến 2006, Hoà thượng xây dựng khu Tổ đường và Tăng phòng khang trang.
Năm 2005, Hoà thượng vận động đúc Đại hồng chung chùa Chi Hội nặng 700 kg.
Năm 2006 Hoà thượng làm lễ đặt đá xây dựng công trình giảng đường và Chánh điện đến năm 2010 thì hoàn thành.
Năm 2011, Hoà thượng kiến nghị đổi tên chùa Chi Hội An Nhơn thành chùa Thiên An và đã được Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Bình Định và chính quyền tỉnh chuẩn thuận thông qua.
Từ năm 2017 đến năm 2021, suốt năm năm mùa An Cư, trong vai trò là thiền chủ đạo tràng an cư chùa Thiên An, tuy thân bệnh, Hoà thượng vẫn dự quá đường đều đặn, không vắng mặt một ngày nào.
V. VIÊN TỊCH:
Do niên cao lạp trưởng, Hoà thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần thị tịch vào lúc 07 giờ 30 phút ngày 03 tháng 3 năm 2022 (nhằm mùng 01 tháng 02 năm Nhâm Dần) tại chùa Thiên An, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, trụ thế: 77 năm, hạ lạp: 49 năm.
Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế, Thiên Bình Pháp Phái, Thiên An Đường Thượng, Huý thượng Thị hạ Trình, tự Hạnh Chơn, hiệu Ngộ Khải Hòa Thượng Giác Linh Liên Đài tọa hạ.
- Lễ Khánh Thành Bảo Tháp Thờ Ni Trưởng Thượng DIỆU Hạ TỪ Tại Chùa DIỆU QUANG Sacramento, California Thích Nữ Giới Hương
- Theo bước chân Thầy Tâm Hương
- Quảng Nghiêm thiền sư và bài kệ thị tịch Khải Tuệ
- Thi ca Huyền Không với tuổi thơ học đạo Thích Phước An
- Thi sĩ Quách Tấn với đạo Phật HT. Thích Phước Sơn
- Hòa thượng Thích Trí Thủ, dáng Từ trên đồi Trại Thủy HT. Thích Nguyên Siêu
- “Ngoại” Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
- Thiền Tịnh Đạo Tràng trang nghiêm tổ chức Lễ tạ Ân Sư Garden Grove (Thanh Huy)
- Nụ Cười Của Thầy Thích Nữ Giới Hương
- Đại Lễ Tưởng Niệm Thánh Tổ Kiều Đàm Di Tại Miền Nam California, Hoa Kỳ Thích Nữ Giới Hương
- Vị Phật Sống, Bậc Bồ-Tát Nhà Sư Vĩ-Đại (1926-2022) (*) Hồng Danh
- Kính Tưởng Niệm Sư Ông Làng Mai Tâm Chơn
- TÁN DƯƠNG CÔNG ĐỨC THIỀN SƯ NHẤT HẠNH Thích Đồng Trí
- ĐIỆN THƯ PHÂN ƯU GIÁC LINH THIỀN SƯ thượng NHẤT hạ HẠNH Thích Nữ Giới Hương
- Thiền Sư Nhất Hạnh: Bậc Thầy Tâm Linh Vĩ Đại Minh Hải
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)