CỐ NHẠC SĨ NGUYÊN THÔNG-VĂN GIẢNG-ĐẠO ĐỜI LƯỠNG HỢP

Đã đọc: 2605           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Có một con người, cuộc đời đạo đức tâm linh như ánh pha lê long lanh chiếu sáng. Có một con người, khi hiện hữu tại cõi dương gian chỉ biết phụng hiến âm nhạc nghệ thuật, chỉ để dâng trọn chân tình cho mọi người an lạc và đạo pháp huy hoàng. Đó là Cố nhạc sĩ Nguyên Thông- Văn Giảng. Sự ra đi của ông không những là một mất mát nghìn sau không tìm lại được của hiếu quyến tang gia, mà còn là sự mất mát của nền âm nhạc Việt nam và đạo Phật Việt nam. Nhưng, với cách nhìn của người nghệ sĩ, đó lại là ấn tín sắt son, âm thanh vi diệu mãi mãi vọng vang trong trái tim mọi người!

 

Ôi, làm sao quê hương quên được, khi những khúc Hùng Ca còn đó; làm sao lòng người phôi phai, khi những bản Tình Ca bất hủ vọng vang; và, làm sao toàn khối Phật giáo không tri ân, khi những bản Đạo Ca, Thiền Ca vẫn còn lưu bố rộng khắp ở những đại già lam từ Nam chí Bắc, hay trong những ngôi Tịnh thất hẻo lánh xa xôi tận hang cùng ngõ cụt!

 

 

 

Bên cạnh cuộc đời sáng tác không mệt mỏi, cố nhạc sĩ lão thành Văn Giảng luôn cố gắng liên tục, không cho những cát bụi trần gian hay những vọng trần thế tục làm ô nhiễm tâm hồn, ngay lúc có được thế đứng vững vàng như: Giáo sư âm nhạc tại các trường Trung Học Hàm Nghi, Quốc học, Quốc gia Âm nhạc Sài gòn. Bên cạnh những sinh hoạt thường nhật, cố nhạc sĩ Phật tử  Nguyên Thông hằng ý thức, không cho những quyền thế lợi danh làm rách nát lương tâm, không cho những ngã-nhân làm lu mờ chân tánh những lúc ở ngôi cao cả như: Giám đốc Quốc gia Âm nhạc Huế.

 

 

 

Đối với đời, bằng những cảm xúc dạt dào của con tim trinh thành, người nhạc sĩ tài danh có quyền hảnh diện về những bản Hùng Ca trác tuyệt như: Lục Quân Việt Nam, Đêm Mê Linh, Quân Hành Ca…; những bản  Tình Ca ngọt ngào như: Ai Về Sông Tương, Hoa Cài Mái Tóc, Đôi Mắt Huyền, Tình Em Biển Rộng Sông Dài…; hay những bản Thiếu Nhi Ca hồn nhiên trong trắng như: Đến Trường, Mèo Chuột, Gương Sáng Lê Lai, Trăng Trung Thu…

 

 

 

Đối với đạo, Cố nhạc sĩ còn có những bản Đạo Ca vi vu bất tận như: Từ Đàm Quê Hương Tôi, Mừng Ngày Đản Sanh; Vô Thường, Bờ Mê Bến Giác, Tim Đâu Xa... Sau này, khi định cư tại Úc châu, cố nhạc sĩ dành hết thời gian chuyên tâm niệm Phật, sống trọn vẹn với bản giác hằng nhiên. Những tháng năm gần cuối cuộc đời, cố nhạc sĩ đã hoá nhập vào vũ trụ và tắm mình trọn vẹn trong giáo pháp nhiệm mầu của đức Phật để dâng hiến cuộc đời những CD Thiền Ca trác tuyệt!

 

 

 

Nghĩ cũng cần nhắc lại và phổ biến khắp nơi về 10 bài Bát Nhã Ca của cố Phật tử Nguyên Thông. Ông đã đầu tư chất xám và tình cảm trọn vẹn bằng cách tự hoà âm, tự trình bày dòng nhạc của mình trong giai đoạn tuổi đã bóng xế chiều tà. Có thể, đó là thế giới tâm chứng của bậc xuất trần đại sĩ. Ngoài kiến giải về thế giới quan Phật giáo, thông qua những ngôn từ thuần chất đạo đức tâm linh, người nghe có cảm giác như chính Nhạc sĩ là Tu sĩ. Những thuật ngữ Phật giáo như Nhất chân, Tam độc, Ngũ uẩn, Lục trần, Phiền não, Vọng niệm, Kiêu căn, Ngã mạn, hay Vô thường,Luân hồi, Bát Nhã, Chân tâm, Giải thoát, Thanh Tịnh, Niết bàn…đều được dàn trải một cách tự nhiên, tài tình và khéo léo. Nó được lưu xuất bằng con tim thuần khiết, bằng tâm hồn an tịnh của những tháng năm hạ thủ công phu. Thú thật, dù đã nhiều lần lắng tâm thưởng thức, nhưng những lời ca, ý nhạc vẫn còn ẩn chứa muôn ngàn diệu nghĩa chân tình. Cũng những ngữ ngôn trần thế nhưng lại được kết tinh qua từng cung bậc âm thanh để trở thành những khối linh ngôn siêu thế. Có lẽ cần phải nội quán để hiểu thêm, cần phải tĩnh toạ trầm tư mới có thể thấy được những gì người nhạc sĩ tài ba muốn gởi gấm, muốn xẻ chia và nhắn nhủ!

 

Thế giới tâm linh rỗng lặng sáng ngời và những sáng tác Thiền ca tuyệt vời của người nhạc sĩ vừa hiện thực, vừa siêu thực. Những nguyện vọng, những tâm tình phảng phất qua phiếm nhạc, lời ca trở thành những bản hoà tấu, hoà điệu giữa đại ngã và tiểu ngã, để sau cùng trở về ‘vô ngã’. Những nhạc phẩm của Cố nhạc sĩ, sẽ tồn tại với năm tháng thời gian trong tận trái tim của những người có duyên may thưởng thức.

 

Ngoài những trách nhiệm tận tuỵ cho đại gia đình, bằng đức độ và kinh nghiệm tự thân, Cố nhạc sĩ Nguyên Thông-Văn Giảng đã khéo léo, hướng dẫn con cháu, dâu rễ biết quy hướng tâm linh, cung kính Tam bảo, ăn chay niệm Phật. Vì đối với ông, một người thành danh trong xã hội không chỉ dừng lại nơi bằng cấp học vị và càng không nên dính mắc nơi những tên gọi Nhạc sĩ, Bác sĩ, Dược sĩ, thậm chí Tu sĩ, mặc dù, con cháu của ông đa phần đều thành đạt trong cuộc sống và có được những danh dự này. Theo ông, mọi thành viên trong gia đình cần nhất là phải biết sống thương yêu, đùm bọc trân quý nhau thật sự. Ông thường khuyyên nhắc con cháu phát tâm hướng thiện, bố thí cúng dường, xây chùa đúc tượng, giúp đỡ người khốn khó, đem ánh sáng cho người mù…

 

Như một nhân duyên nhiều đời, qua tiếp xúc với ông, tôi nhận ra cá tính của người nhạc sĩ Phật tử đức độ này là những suy nghĩ việc làm có thể mang lại lợi ích cho tha nhân, dù khó khăn gian khổ đến mấy, phải quyết tâm thực hiện cho được. Ông thường nói: “bằng con đường đạo đức, những gì mang lại an vui hạnh phúc cho người khác dù nhỏ nhặt đến đâu, mình phải cố gắng tận tâm giúp đỡ”. Phải chăng, đó là con đường hành động của vị Bồ tát hiện hữu giữa chốn nhân gian? Cách đây 6 năm, trong những lần viếng thăm, tôi có duyên may được ông chia xẻ tâm nguyện cuối đời của mình trong việc trọn dành chút quà mọn cho Úc Châu thanh bình. Có lẽ, đây là một nghĩa cữ thầm lặng như thay lời tri ân cảm tạ đất nước đã bao dung đón nhận những mảnh đời tha hương qua những nhạc phẩm viết bằng Anh Ngữ: 20 Rock Songs For The Poor Countries. Ôi, công đức đóng góp và hình ảnh thân thương của người nhạc sĩ Phật tử lão thành sẽ trở thành Tiếng Vọng Ngàn Sau!

 

 

 

Đất đá trầm tư, cỏ cây nở nụ, mây trôi bãng lãng, chân tình sâu thẳm mênh mông, như xẻ chia giữa cõi đời tỉnh mộng. Những thời kinh bi thiết nhiệm mầu của chư tôn đức Tăng-Ni gần xa, những nén hương thơm dâng cúng, tưởng niệm của quý Phật tử đồng hương, những ai điếu, phân ưu trên mọi phương tiện thông tin của quý Hội đoàn, quý Văn nghệ sĩ khắp nơi, là minh chứng hùng hồn tấm lòng trân trọng kính quý của mọi người đối với một con người suốt đời hy sinh phục vụ cho đạo và đời!

 

Những trái tim trinh thành của hiếu quyến tang gia, như hoà quyện với tâm thức mọi người, tạo ra thế giới nhiệm mầu nguyên sinh. Giữa ánh minh quang linh diệu chiếu soi, nơi mái chùa Quang Minh chan chứa ân tình, Chân linh của người Phật tử thuần thành sẽ trở về Phương Trời Thong Dong, hay một mình tự tại phiêu bồng Lên Đồi Nghe Gió Hát, rồi mỉm cười ngắm nhìn Đạo Đời Mênh Mông!

 

Âm nhạc và xã hội đã nợ ông. Phật giáo và Thiền ca đã mang ơn ông. Thiết nghĩ, những người còn lại nên chăng, cố gắng thực hiện một điều gì có ý nghĩa nhất, dù rất nhỏ nhoi, nhưng vẫn là cách tỏ bày nghĩa tình tuyệt vời nhất!

 

Xin thành tâm nguyện cầu cho người nhạc sĩ đạo đức và tài danh sớm về thế giới an lành! Xin kính tặng Phật tử lão thành Nguyên Thông-Giác Tuệ mấy vần thơ tiễn biệt muộn màng:

 

Người khuất bóng để rồi có mặt

 

Trong nguyên sơ vũ trụ chân thường

 

Đâu phải chết là về cát bụi

 

Giữa vô thường vẫn đoá Tâm vương!

 

Nguyên Thông, tràn ngập yêu thương tròn bản giác

 

Văn Giảng, ân nghĩa quê hương sáng đạo vàng

 

Thông Đạt, tỏ chút tâm thành trang nhạc sử

 

Giác Tuệ, nguyện cầu đạo pháp mãi vừng vang!!!

 

Bribane, 17-05-2013

T.K.Thiện Hữu

 

    

 

*Những chữ in đậm nghiêng là những CD Thiền Ca của Cố Nhạc Sĩ Nguyên Thông-Văn Giảng, lời thơ của T.K.Thiện Hữu và Lý Thừa Nghiệp.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập