Những tấm lòng vàng

Đã đọc: 3068           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chúng ta rất cần ca ngợi và tôn vinh những con người có tâm tốt đẹp và cao đẹp đồng thời cũng rất cần kêu gọi cái tâm của người Phật tử, mong Phật tử mở rộng những tấm lòng từ bi và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn.

Mỗi lần được cơ duyên đi chùa hay đi làm từ thiện cùng với các anh chị về, tôi đều có ý nghĩ chuyến này đi về xong thế nào cũng phải viết một bài ngợi ca  tấm lòng Bồ Tát của các anh chị mới được, nhưng khi ngồi trước bàn phím: viết, rồi xóa, rồi viết, xóa… cứ thế hàng giờ vài giờ cũng không viết được gì, bởi vì không biết dùng từ ngữ nào mới có thể diễn tả hết được những tấm lòng tròn đầy, tận tâm của những người có tâm hạnh nguyện tốt đẹp và tâm cao quý này.

 Mãi đến hôm nay, nhân buổi lễ ra mắt Quỹ từ thiện Đạo Phật Ngày Nay chúng tôi mới viết vắt tắt được vài dòng về vài con người trong số trên 150 người có mặt trong buổi lễ này.

Ngay ở thời hiện tại này, có những người đi làm từ thiện mà không phải  với mục đính để đánh bóng tên tuổi, thương hiệu hay là với cái tâm làm từ thiện để đánh đổi, tính toán, mặc cả. Những người như họ quả thật  là đáng để chúng ta tôn vinh và ghi nhận. Họ đúng là tâm bố thí theo đúng pháp tu Ba-la-mật. Nhất là kinh tế Việt Nam giờ mới ngấm suy thoái một cách trầm trọng. Các doanh nghiệp làm để tồn tại thôi cũng đã khó.  Vì thế thu nhập và đời sống của mỗi thành viên trong xã hội lúc này đây lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Việc những người có tâm làm bố thí với  tâm bố thí Tế độ và tâm bố thí cúng dường bằng đồng tiền được làm ra từ nghề nghiệp chân chính là một điều vô cùng quý báu có thể sánh ví họ với  tấm lòng Bồ Tát hay gọi họ là những “ Cấp Cô Độc ”. Họ không để lại tên tuổi, không bao giờ thấy họ có mặt hay được xướng danh trên truyền hình hay các buổi làm từ thiện được các đài báo trung ương hay các đài truyền hình địa phương rầm rộ quảng cáo. Có khi họ âm thầm đi theo các vị trụ Trì, hay các đoàn từ thiện nhưng họ lại có những đóng góp rất lớn cho bố thí tế độ và bố thí cúng dường. Từ vài triệu đến vài chục triệu, vài trăm triệu, hoặc tiền tỷ, hay hiến cúng cả vài mẫu đất cho việc xây học viện, xây chùa, tạc tượng, đúc chuông cho đến ấn tống kinh sách hay việc lo phương tiện đi lại cho các Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức… đi hoằng hóa Phật pháp khắp từ Nam đến Bắc hoặc cúng tiền hay lương thực, thực phẩm cho các trường hạ mỗi mùa vào Hạ của các Tăng Ni. Họ sẵn sàng cho mượn cả ngôi nhà cho nhà chùa ở trong thời gian rất dài để xây chùa…

 Họ làm bố thí tế độ (từ thiện) cho các bệnh viện, trẻ em nghèo hiếu học, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trái tim cho em, những trại nuôi người già cô đơn, những trại nuôi dưỡng người tâm thần, những hội người mù và trại nuôi những người cùi hủi… bằng vài ngàn ổ bánh mì, chai nước ngọt, hộp cơm, bộ quần áo ấm, hộp sữa, gói mì, tô cháo, sách vở cho đến đồ chơi trẻ em mỗi chuyến đi như vậy  họ đã bỏ ra vài chục đến vài trăm triệu đồng … hay vài trục triệu đến cả trăm triệu cho những ca mổ  tim hay mổ mắt…

  Điều đặc biệt là họ không chỉ đi làm bố thí chỉ cho ngôi chùa mà họ là đệ tử qui y. Họ không phân biệt chùa này là chùa mà tôi đã qui y, Thầy này là Thầy  tôi đã qui y. Tâm họ lúc nào cũng nghĩ là Thầy là Thầy của tất cả các Phật tử, Chùa là Chùa của tất cả các chúng sinh. Vì vậy mà chùa nào họ cũng đi, Thầy nào đi từ thiện ở đâu  nếu họ biết là họ đóng góp. Ngay trong buổi lễ này có người lần đầu tiên Thầy và họ mới biết mặt nhau.

   Khi may mắn được biết chút ít về những việc họ đã làm chúng tôi thật khâm phục cái tâm cao quý của họ, mặc dù tuổi họ còn trẻ, nhưng sao họ làm được? còn ta và bao nhiêu ngàn người khác không thể làm được. Trên đời này còn nhiều người giầu có hơn họ nhiều lắm nhưng một đồng làm từ thiện của những người này đều có mặc cả là khi người bỏ tiền của ra thì hình ảnh và tên tuổi họ cũng phải được đánh bóng… Còn họ đến thật đột xuất và họ ra về cũng thật yên lặng, nhiều khi  tên thật của họ cũng chỉ vài người biết.

 Tôi cứ tự hỏi như thế và quyết tâm đi tìm câu trả lời cho sự tò mò của mình:

 Trước mặt tôi là cả một gia đình của hai chị em cô gái giống nhau như hai giọt nước rất xinh đẹp, tên khai sinh họ tôi cũng không biết chỉ biết qua pháp danh với hai cái tên đẹp cao quý đúng như tâm của họ. Tôi rất muốn biết họ làm thế nào mà cả nhà họ ai cũng có một cái tâm cao quý đến thế. Có nhiều người đi làm từ thiện, đi làm công quả còn phải dấu chồng con, cha mẹ hay người thân. Ấy thế mà riêng họ lại được cả một đại gia đình, năm chị em ruột, chồng, con gái, và cả nhân viên của họ đều có tấm lòng cao quý này, họ chỉ mỉm cười và bảo tôi “ không có gì đâu chị! chúng em khi còn nằm trong bụng mẹ, ba mẹ em đã dậy chúng em như thế rồi” nghe câu trả lời mà tôi cứ ngỡ như các cô đang nói dỡn cho vui nhưng không phải vậy mà thực sự họ đã được thừa hưởng cách nuôi dậy con cái của một gia đình có tấm lòng và hạnh nguyện Bồ tát từ nhỏ. Ba mẹ họ là những gia đình rất giầu có ở  một  vùng miền quê, nhưng họ nổi tiếng khắp vùng miền ở chỗ là họ đã nuôi và giúp đỡ gần như khắp người dân vùng miền đó trong thời chiến và cả thời bình. Của cải họ làm ra, hay tích lũy được họ đều mang cho hết, không để lại một thứ tài sản nào cho các con mà họ chỉ để lại một gia tài phước báu cho các con mà thôi.

Giờ đây, đến đời họ cũng vậy họ cũng dậy bảo con cái họ cũng thế. Tiền bạc họ làm ra ngoài việc chi tiêu những khoản cho gia đình nuôi dậy con cái là cho con vốn kiến thức và trí tuệ cùng với tâm cao quý, họ cũng sẽ không cho con bằng tiền bạc, của cải vật chất vì vậy mà nhìn con em họ ai cũng phải ngưỡng mộ về tài năng, kiến thức và cả về hạnh nguyện tròn đầy với một tấm lòng từ bi và tận tâm với các chùa đến thế. Những người con của họ  về hình thức thì không phải là vào hàng người đẹp chân dài nhưng nếu để họ đứng bên cạnh những người đẹp chân dài hay hoa khôi, hoa hậu thì con em họ đẹp, đẹp rạng ngời như những viên kim cương, Châu báu  tỏa sáng  và tinh khiết thơm ngát như bông Huệ( tên pháp danh của cô gái) lấn át những các đẹp nhan sắc hình thể kia.

 Hàng ngày tâm cao  quý và lòng trắc ẩn của họ ngày ngày còn được  nuôi dưỡng bằng các bản kinh, những bài giảng Phật pháp, về Kinh Trung Bộ về Bát Chánh Đạo, Kinh Tăng Chi Bộ  về Bát nhã Ba-La Mật…, cả gia đình họ dù có bận rộn đến đâu, nhưng họ vẫn thu xếp đi học giáo lý, đến chùa nghe Pháp, tụng kinh, thọ Bát quan trai…đặc biệt là mỗi ngày phải nghe được từ 1- 2 bài giảng của các Thầy.

  Gia đình họ đã được thừa hưởng cả một gia tài phước báu đạo đức cao quý của ba mẹ họ để lại cộng với tâm tinh tấn tu học chăm chỉ mà họ có được một tấm lòng tận tâm với các chùa đến thế. Họ đã mang hết những gì có thể làm được cho nhà chùa, cho cộng đồng là họ làm ngay không bao giờ để “ tùy duyên" mới làm. Nhìn họ mới thấy sao gia đình họ đẹp đến thế, đúng là họ đẹp cả người và cả tâm. Ai mà biết về đại gia đình họ đều phải ngưỡng mộ và kính nể về tâm phước của họ và hôm nay đại gia đình họ Thanh đều là những sáng lập viên của quỹ.

 Thật cảm động khi cả hai vợ chồng một Phật tử với cái tên khai sinh thật giản dị do cha mẹ đặt theo thứ tự nhưng Pháp danh của chị lại mang họ một vị Bồ tát Quan Âm với viên Ngọc quý như tấm lòng của hai vợ chồng gia đình này khi cùng là thành viên sáng lập cho quĩ từ thiện. Lời phát biểu của chị cũng mộc mạc chân thành như con người chị vậy “ …chia bớt cho những người khổ hơn mình, đói hơn mình, bất hạnh hơn mình”. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng không phải ai cũng làm được như gia đình chị.

 Khi cha mẹ chị đặt cái tên đệm Mỹ chắn là mong muốn những gì đẹp nhất tinh tế nhất, mỹ miều nhất cho con gái, nhưng cái tên Đức thì lại có ý nghĩa rất đẹp cho phẩm hạnh của con người, nhất là người phụ nữ Việt Nam. Nhưng tấm lòng của chị thì lại còn đẹp hơn thế, chị sẵn sàng nhường cả ngôi biệt thư lớn như thế cho nhà chùa ở tạm trong lúc xây chùa. Nếu chị cho người  thuê thì một tháng chị cũng thu về vài chục triệu, nhưng gia đình chị đã không làm như thế, trong khi không phải nhà chùa chỉ ở tạm vài ba tháng mà có thể là một hai năm. Ngoài ra chị còn tham gia cúng dường cho các hoạt động lớn của Phật giáo thành phố các quĩ từ thiện khác và hôm nay chị lại là một thành viên sáng lập của quĩ từ thiện này. Một cái tên đã đẹp, một tấm lòng bồ tát, một vị Cấp - Cô -Độc.

 Có chị với pháp danh mang tên một loài hoa mùa hè rực rỡ, giọng nói nhỏ nhẹ dáng người rất đẹp chị cũng âm thầm, lặng lẽ miệt mài phát tâm bố thì cúng dường, tất cả những việc lớn của chùa, ngoài việc cúng tiền của, vật chất ,chị cũng sẵn sàng  thu xếp gác lại bao công việc gia đình, công ty, làm ăn để giúp các Thầy, tầm lòng của chị mới thật đáng quý biết bao.

 

Cũng có những chị có pháp danh  mang họ của ngài Bồ tát Diệu Thiện, các chị cũng còn rất trẻ, nhưng tâm của các chị thì thật bao dung đúng như hạnh nguyện của vị Bồ Tát này, các chị có cái tâm của một vị Cấp-Cô -Độc các chị còn có một cái tôi đúng là của con nhà Tu, không cần phải Thầy nói, Thầy nhờ giúp khi gặp khó khăn chỉ cần mỗi câu nói của bạn thôi, các chị cũng sẵn sàng nhường cả vài trăm mét vuông nhà, kho để cho nhà chùa mượn để đồ, để kinh sách trong lúc xây lại chùa với thời gian cả vài năm. Nếu các chị không phải là người đã tu mà là những người vô minh như chúng tôi thì ít ra cũng phải Thầy nói, Thầy đích thân gặp nhờ giúp đỡ... Nhìn các chị bề ngoài có cách sống rất giản dị, ít ai biết các chị là chủ các doanh nghiệp, hay chủ một cửa hàng… tấm lòng của các chị làm chúng tôi cảm phục khi hôm nay các chị cũng là những sáng lập viên của quĩ từ thiện này.

 

Một nhà thơ, nhà văn, một MC chị bay từ Vinh vào cho kịp buổi ra mắt quỹ từ thiện tối nay, với bài thơ chị viết vội trên máy bay chưa kịp viết câu kết  và cách dẫn chuyện của một MC chị đã làm cho trên 150 có mặt tối nay thật cảm động. Mọi người tán thưởng bài thơ đầy xúc động và cả tấm lòng của chị đã từ rất xa vội vã về đây để  kịp cho buổi lễ ra mắt. Chị cũng là một thành viên sáng lập của quỹ. Chị đẹp cả người cả tấm lòng nhiệt tình, tất cả chị muốn dâng cho cúng dường như những bông Cúc vàng rực rỡ.

 Nếu chỉ nói đến các Chị mà không nói đến các Mạnh Thường Quân là đấng mày râu là quá thiếu xót. Nhưng thông tin về họ thì quả thật quá hiếm hoi, những việc họ làm cũng thầm lặng ít ai biết đến, nhưng tấm lòng và mục đích của họ đến đây cũng là tất cả chung tay góp phần cho  hoằng pháp, cho đạo Pháp, cho những người kém may mắn hơn mình. Chúng tôi cũng không biết họ đã là Phật tử hay chưa? Nhưng thật cảm phục họ vì thời nay những đấng mày râu  có tài, có đức lại có tấm lòng Bồ tát và Cấp-Cô-Độc  quả thật là đáng kính nể.

Có lần do cách nói chuyện vô minh của chúng tôi khi thấy các anh chị đi làm một công việc gì đó cho một ngôi chùa nào đó“ các chị đi giúp Thầy về à?” thì câu trả lời chúng tôi nhận được là “ đâu có! mình đi làm công việc cho chính mình đấy chứ”. Ôi! nếu mà ai chưa biết chút xíu gì về đạo Phật thì sẽ rất ngạc nhiên về câu trả lời của họ có thể ai đó sẽ cho họ là dở hơi, còn ai đã biết chút ít rồi thì chỉ còn biết khâm phục họ mà thôi. Đúng là họ đang làm cho chính họ, một câu nói của con nhà tu có khác.

Còn trên trăm người nữa đang có mặt ở đây mà chúng tôi không thể biết hết, không thể nói hết, không thể kể được hết những việc họ đã làm, chỉ biết rằng tất cả các anh, các chị đã, đang và sẽ tiếp tục tu theo lời dậy của Đức Phật với hai hạnh bố thí đó là:

Bố thí tế độ ( ngày nay gọi là từ thiện): là sự bố thí với lòng trắc ẩn thương xót chúng sinh tàn tật, khó khăn, bất hạnh như tặng, tiền bạc, thực phẩm, quần áo, thuốc men, đồ dùng … đến những người tật bệnh, hoạn nan, côi cút, hoặc cứu trợ thiên tai… nói tóm lại là đến những người kém may mắn hơn.

Bố thí cúng dường :là sự bố thí với thái độ tín tâm mong được người thọ thí chúc phúc như là cúng dường đến các bậc tu sĩ giới hạnh và thầy tổ,...

Họ! những con người có tâm tròn đầy với một tấm lòng cao quý các anh, các chị đang làm những công việc cho một ngôi chùa nào đó, để ngôi chùa đó giúp cho ngàn người khác được an vui, an lạc  tinh tấn trong tu tập đó là một phước báu. 

 Muốn có được quả phúc thì ta phải tạo nhân duyên lành thì quả tốt sẽ trổ mà theo lời Phật dậy ai có tâm bố thí tốt đẹp và cao quý thì quả báu sẽ đến tức thì  trong hiện tại và tương lai.

Chúng ta rất cần ca ngợi  và tôn vinh những con người có tâm tốt đẹp và cao đẹp đồng thời cũng rất cần kêu gọi cái tâm của người Phật tử, mong Phật tử mở rộng những tấm lòng từ bi và  nuôi dưỡng lòng trắc ẩn.

Ai đi làm bố thí là đang làm cho chính mình!

Sài Gòn  tháng 5 năm 2013

Giác Hạnh Hoa

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập