Lại bàn về tên gọi Phù Nam

Đã đọc: 4045           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chung quanh cái gọi là vương quốc Phù Nam, vẫn còn bao nhiêu đều bí ẩn. Chỉ cái tên Kaundinya (Hỗn Điền và Kiều Trần Như) trong truyền thuyết dựng nước Phù Nam cũng đã tốn hao bao nhiêu giấy mực thảo luận.

Thuật ngữ chỉ cho văn hóa Phù Nam chính thức được khai sinh trong một bối cảnh có nhiều quan điểm còn trái ngược nhau về việc xác định quốc gia cổ đại  này. Và rồi từ đó, dựa trên cổ sử Trung Hoa, quá trình tìm về một vương quốc ngày càng thu hút khá nhiều các nhà khoa học như G. Loedès, Yamamoto Taturo, Sungimoto, Naojiro, Inuishi Hidetoshi…, với những tranh luận nảy lửa về tên gọi và vị trí kinh đô của vương quốc Phù Nam. Dẫn đến, Claude Jacques một học giả Pháp, lại buộc phải lên tiếng về những nghi ngờ của ông về vương quốc này…

Nền văn hoá Óc Eo vẫn còn những vấn đề chưa có lời giải đáp một cách thỏa đáng. Mặc dù chúng ta đã trải qua một hoa giáp sau sự kiện nhà khảo cổ học người Pháp Lousi Malleret (thời điểm đó là giám đốc bảo tàng Blanchard de la Brosse, nay là bảo tàng lịch sử TP. HCM) tiến hành đào thám sát vào năm 1944, nhưng vấn đề về văn hóa Óc Eo của một quốc gia mang nền văn minh đô thị Phù Nam vẫn được xem là chứa nhiều bí ẩn cần được khám phá. Từ khi tiến hành đào thám sát vào mùa khô năm 1944 và mãi đến 6 năm sau trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Viễn Đông Bác cổ (École Francaise d’ Extrême Orient EFEO), ông mới cho công bố một cách chính thức về một nền văn hóa mang đậm yếu tố miền sông nước như Óc Eo và những vấn đề của cái gọi là quốc gia Phù Nam. Theo L. Malleret thì di chỉ Óc Eo có một mối quan hệ văn hoá khá rõ nét với các vùng khác trong khu vực. Đồng với quan điểm này, nhà nghiên cứu J. Boisselier khi tiến hành chủ sự đào thám sát ở U Thong Thái Lan) đã công bố thêm bằng hiện vật để khẳng định về quan điểm trên. Cả hai ông đã cùng đồng thuận để xếp di chỉ Óc Eo và di chỉ U Thong vào nền văn hoá Phù Nam. Từ những ý định ban đầu này một thuật ngữ chỉ về văn hóa Phù Nam chính thức được khai sinh trong một bối cảnh có nhiều quan điểm còn trái ngược nhau về việc xác định quốc gia cổ đại này. Và rồi từ đó, dựa trên cổ sử Trung Hoa, quá trình tìm về một vương quốc ngày càng thu hút khá nhiều các nhà khoa học như G. Loedès, Yamamoto Taturo, Sungimoto, Naojiro, Inuishi Hidetoshi…, với những tranh luận nảy lửa về tên gọi và vị trí kinh đô của vương quốc Phù Nam. Dẫn đến Claude Jacques, một học giả Pháp, lại buộc phải lên tiếng về những nghi ngờ của ông về hai quốc gia Phù Nam và Chân Lạp này. Nhìn chung tất cả những vấn đề của Phù Nam vẫn luôn là đề tài cần được xác định, đặc biệt là từ sau 1975, khi mà hàng loạt các di chỉ được khai quật từ vùng Ba Thê (An Giang) kéo dài đến tận Nam Cát Tiên (Lâm Đồng). Từ đó, qua những điểm khai quật và những hiện vật tìm được, chúng ta có thể hình dung ra được một không gian văn hóa Phù Nam: trải rộng hầu khắp các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ, mang đậm yếu tố nội sinh với nguồn lực hấp thu từ rừng sâu, núi cao và đồng bằng trũng bởi hệ thống kinh rạch chằng chịt. Hệ thống cảng thị tiếp nối với kênh rạch là nét đặc trưng của quốc gia cổ đại Phù Nam, đã tạo nên một nguồn lực văn hóa mà phức hệ của nó vô cùng phong phú và đa dạng. Chính từ những yếu tố này mà sự phát triển của tôn giáo đã giữ vai trò chủ đạo. Nhìn chung, khi nói đến Phù Nam, người ta buộc phải nói đến những tôn giáo được truyền bá và tồn tại, trong đó nổi bật nhất vẫn là Hindu giáo và Phật giáo. Hai tôn giáo chủ đạo này đã phát triển một cách mạnh mẽ và chi phối hầu hết đời sống, văn hoá của cư dân Phù Nam. Rất tiếc rằng, gần 60 năm sau sự kiện phát hiện văn hoá Óc Eo và quốc gia cổ đại Phù Nam, vẫn chưa có một công trình nào viết về tôn giáo cả. Riêng đối với Phật giáo Phù Nam thì dường như lại càng ít được đề cập, trong khi đó hiện vật liên quan đến tôn giáo này đã tìm được khá nhiều và phổ biến hầu khắp trên những di tích đã được phát hiện. Bài viết này được rút ra từ một công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa Phù Nam sẽ được xuất bản trong thời gian sắp đến. Chúng tôi trình bày lại về vấn đề  Phật giáo như là những công bố ban đầu về đề tài này hầu cung cấp thêm thông tin cho những nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam về một nền Phật giáo ở phương Nam trong bối cảnh còn khan hiếm tư liệu như  hiện nay.

1. Tên gọi Phù Nam

Chung quanh cái gọi là vương quốc Phù Nam, vẫn còn bao nhiêu đều bí ẩn. Chỉ cái tên  Kaundinya (Hỗn Điền và Kiều Trần Như) trong truyền thuyết dựng nước Phù Nam cũng đã tốn hao bao nhiêu giấy mực thảo luận. Trong hội nghị khoa học về Đông Nam Á thời cổ ở Luân Đôn năm 1973 - mà tài liệu công bố năm1979 - Claude Jacques, học giả Pháp đã nêu ra một loạt nghi vấn quanh vấn đề Phù Nam và Chân Lạp. Ý kiến được nhiều người thừa nhận, do L. Finot đưa ra và được G. Coedès, P. Dupont phát triển, cho rằng Phù Nam là phiên âm từ bnam (hay vnam), có nghĩa là Núi, ứng với danh hiệu Vua Núi, tức kurun bnam trong tiếng Khmer cổ, và parvatabùpàla, từ sanskrit đã gặp trên bi ký. Nhưng Claude Jacques đã cho biết rằng cái tên kurun bnam chưa bao giờ tìm thấy trên bi ký Khmer, còn cái tên parvatabùpàla chỉ gặp ở bi ký Han Cei mà thôi. Trên bi ký Han Cei, từ parvatabùpàla xuất hiện hai lần, nhưng cả hai lần đều viết với số nhiều nghĩa là “các vua núi”. “Các vua núi” này bị một vua Bhavarman nào đó đánh bại. Không có lý do nào để coi các vua núi ở đây là vua Phù Nam, chúng ta chỉ có thể nghĩ như Claude Jacques, rằng đó chỉ đơn giản là những vua vùng núi cùng thời.

Về Bhavarman, thì Coadès cho là đã trở thành vua Chân Lạp sau khi kết hôn với bà chúa Kambujaràalaksmì thuộc dòng dõi vua Sresthavarman. Kết luận này Coedès rút ra từ bia Ta Prohm mà ông đã công bố, từ khi còn là một học giả thanh niên. Nhưng Claude Jacques đã chỉ ra một cách rõ ràng chỗ nhầm lẫn của Coedès khi đọc bia Ta Prohm. Theo bia này, Kambujaràalaksmì không phải là vợ của Bhavarman như Coedès nói, mà là vợ của một ông vua khác có tên là Harsavarman. Như vậy không có chứng cứ để coi Bhavarman là vua Chân Lạp, và kẻ bị ông chinh phạt là vua Phù Nam. Do một chỗ nhầm lẫn đó, toàn bộ giả thuyết của Coedès rõ ràng đã không đứng vững. Những điều mà ta tưởng là  đã sáng tỏ thì vẫn mờ mịt.

Theo Jacques, trên đất Khmer cổ có nhiều vương quốc, mà trong đó biết rõ nhất là Bhavapura, Aninditapura, Vỳadhapyra, Srésthapura. Cũng có thể kể thêm các thành trấn thời kỳ tiền Angkor, có thể đã là những lãnh thổ độc lập như Amoghapura, Cakrankapura, Bhimapura, Tàmrapura, Dhavipura, Purandarapura, Lingapura, Ugrapura, Dhruvapura. Theo Jacques, những cái tên này cho chúng ta một ý niệm chính xác về địa lý của đất khơme cổ hơn là những cái tên Phù Nam hay Chân Lạp - những từ, dưới dạng đó không có trong ngôn ngữ Khmer.

Năm 1981, Lương Ninh cũng đã trình bày một suy nghĩ tương tự, cho rằng “không thể hình dung Phù Nam là một đế quốc đã được tổ chức thống nhất thành một bộ máy cai trị và bóc lột” mà “ chỉ là sự tâph hợp của những tiểu quốc, trong đó mỗi tiểu quốc vẫn giữ nguyên tổ chức, tên gọi riêng và cả truyền thống của mình”. Điều thú vị là Lương Ninh đã định vị một tiểu quốc trong số đó là Naravaranagara ở miền Tây sông Hậu, mà Óc Eo là nằm trong đất của quốc gia này. Hiển nhiên đấy cũng chỉ là một giả thuyết, Óc Eo có thể nằm trong đất Naravaranagara, thậm chí là thủ đô của quốc gia này, nhưng cũng có thể quốc gia này không kéo dài đến đây.

Dầu sao thì việc coi các vết tích đã khai quật được ở Óc Eo thuộc văn minh Phù Nam cũng là vội vã, khi chúng ta chưa biết Phù Nam là gì?

Với những hoài nghi của Claude Jacques đã có những yếu tố để chúng ta cùng đồng cảm. Thật ra, với danh xưng Phù Nam mà các nhà chép sử Trung Hoa ghi chép, luôn đặt lại vấn đề cho chúng ta ngày nay. Điều cần bàn thêm rằng, các nhà chép sử Trung Quốc đã gọi Phù Nam theo phiên âm từ ngôn ngữ nào. Chúng ta cần lưu ý, tài liệu ghi chép được thông qua chính bởi cách gọi đương thời của quốc gia ấy. Các nhà chép sử Trung Hoa thông qua văn thư ngoại giao và phái đoàn ngoại giao khi tìm đến cống nạp đầu tiên để gọi vùng hay lãnh thổ quốc gia này. Và một điều nữa, Phù Nam chỉ tồn tại trong khoảng 7 thế kỷ với một cương thổ bao chiếm phần lớn khu vực Đông Nam Bộ vùng hạ lưu sông Mêkông và trải dài đến Mianma, rồi sau đó bị Chân Lạp thôn tính, biến thành những tiểu quốc mang tính độc lập khác nhau. Chính vì yếu tố này, chúng ta cần phải xác định lại tính nguyên khởi của tên gọi Phù Nam trong bối cảnh trước khi trở thành một đế chế rộng lớn như các cổ sử Trung Hoa đã từng gọi cho quốc gia Chămpa. Trong Cựu đường thư hay Hậu Hán thư, giới sử học Trung Hoa đã ghi chép đến hai quốc gia mang tính liên hoàn đó là nước Hồ Tôn và nước Chí Tôn. Hai quốc gia láng giềng này đã thực thụ có một mối quan hệ như thế nào trong quá trình hình thành và phát triển, là hướng gợi mở cho chúng ta có phương pháp tiếp cận. Thật ra câu chuyện được ghi chép một truyền thuyết về hai thị tộc trong cộng đồng người Chăm đã phần nào hé mở cho chúng ta về truyền thuyết các dòng họ vương Tôn xuất thân từ hai dòng họ lớn. Mỗi dòng họ lấy một vật tổ (Totem) làm biểu tượng. Dòng vương Tôn ở phía Nam lấy cây Cau (Kramuka vansa) làm biểu tượng, gọi là bộ tộc hay thị tộc Cau. Dòng vương tôn phía Bắc lấy cây Dừa (Narukela yamisa) làm biểu tượng, gọi là bộ tộc hay thị tộc Dừa. Truyền thuyết ghi rằng hai dòng họ đánh nhau liên tục để giành lãnh thổ, nhưng cuối cùng phải tạm thời chia nhau để trị; bộ tộc Cau cai quản phương Nam và bộ tộc Dừa ngự trị phương Bắc. Sự phân định ranh giới ấy như là cách ấn định vùng ngự trị của cả hai Bộ Tộc, tiến đến sự tách bạch thành hai quốc gia độc lập. Nếu theo cách gọi của ngữ hệ Malayo- Polynésien thì rõ ràng dòng họ Dừa được gọi là Li-U và sử gia Trung Hoa phiên âm thành Li-Y (Lâm Ấp), và dòng họ Cau được gọi là Fou-Nưn tiếng Trung Hoa phiên âm  là Fou-Nan (Phù Nam). Điều này càng minh định rõ hơn khi mà cả hai dòng họ xác định dòng dõi của mình cụ thể rằng; bộ tộc Dừa tổ tiên thuộc dòng Biển ( A-Tau tathik) và bộ tộc Cau thuộc dòng Núi (A-Tauchơk). Cách gọi nước Hồ Tôn Tinh và Chí Tôn mà sử gia Trung Hoa đề cập là cách gọi trại từ Atau-Tathik thành Hồ Tôn và Atau-Chơk thành Chí Tôn. Từ đó chúng ta thấy, quá khứ họ từng là hai bộ tộc sống hòa thuận, nhưng vì tranh giành lãnh thổ nên hai bộ tộc đã tiến hành những cuộc chiến tranh, để cuối cùng chia ra thành hai quốc gia đối lập đó là Lâm ấp và Phù Nam.
 
2. Vấn đề biên giới Phù Nam và dấu ấn Phật giáo

Theo P. Pelliot thì vào thế kỷ thứ III, khi đã khuất phục những vương quốc lân cận, Srimara xưng tước Đại Vương Phù Nam, để đi khắp nơi trên biển lớn đánh vào hơn 10 quốc gia khác. Trùng lấp với sự kiện này, sách Lĩnh Nam Chích Quái viết: “Xưa kia bên ngoài lãnh thổ Âu Lạc có một vương quốc mang tên Diệu Nghiêm (có thể là Phù Nam). Vị vua của vương quốc này có tên là Tràng Minh, hiệu quỷ vương (Dasanana) có mười đầu. Phía bắc vương quốc có một vương quốc khác tên Hồ Tôn Tinh (quốc gia của người khỉ) do vua Dasaratha cai trị. Hoàng tử Chung Tư (Rama), người kế vị vua Dasaratha, có một người vợ là công chúa Bạch Tinh (Sati). Công chúa Bạch Tinh có một sắc đẹp tuyệt trần không giống như người phàm. Quỷ Vương mê hồn trước sắc đẹp của Bạch Tinh, mang binh sang đánh nước Hồ Tôn Tinh cướp công chúa về nước. Hoàng Tử Chung Tư quá căm giận, dẫn đầu một đoàn hầu binh xé núi, băng biển tiến vào vương quốc Diệu Nghiêm, giết Quỷ vương, đưa công chúa Bạch Tinh về”.

Theo nhận xét của học giả Huber (La Légende du Ramayana en Annam, Etudes indochinoises), Hồ Tôn Tinh có thể là vương quốc Chămpa cổ. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ thời đó điều có sự tích giống nhau, tại Indonésia trong các đền thờ Bà La Môn lớn đều khắc chuyện thần thoại này trên đá. Chuyện Quỷ vương có mười đầu chỉ là một cách mô tả “thô thiển” ngai vàng của các vị vua trong thần thoại Ấn Độ, và Phù Nam thường có hình con rắn hổ mang (naja) mười đầu.

Dựa vào một văn bia viết bằng chữ Sanskrit được phát hiện tại làng Võ Cạnh thuộc Thành Phố Nha Trang ngày nay, chúng ta biết vào thế kỉ II-III, một triều đại có tên gọi Srìmàla được hình thành, triều đại này được xem là triều đại được biết sớm nhất thông qua bi ký tìm thấy ở Việt Nam. Và bi ký Võ Cạnh là bi ký có mặt sớm nhất ở Đông Nam Á. Về mặt niên đại, từ những sự kiện về triều đại Srimara, một lần nữa cho chúng ta biết được địa bàn tồn tại của quốc gia cổ Phù Nam thật rộng lớn. Địa bàn xuất phát và nơi khai sinh ra thị tộc Cau, được đánh dấu bằng tấm minh văn mà nội dung của nó nói theo  G.Coedès “thấm đậm tinh thần Phật giáo”. Căn cứ vào truyền thuyết dòng họ Cau - Dừa chúng ta có thể xác định nới phát tích của thị tộc Cau thuộc dòng Khauthara (Nha Trang). Chính vì vậy mà vị hoàng đế mang miếu hiệu Srimara trong thời gian trị vì của mình đã cho đặc một tấm minh văn nhằm ghi dấu nơi khởi phát của tổ tiên trong tiến trình nam tiến về vùng đầm lầy lưu vực sông Mêkông trải dài đến Mianma. Tiến trình nam tiến ấy là quá trình chinh phục thị tộc thuộc lưu vực sông Mêkông. Bên cạnh đó, với sự thiên di của các dân tộc hải đảo từ thế kỷ thứ II TTL cho đến thế kỷ thứ I STL giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã là bối cảnh chung cho những tiếp xúc văn hoá giữa các cộng đồng tiền sử và cổ Đại ở trong vùng. Vào cuối thời đại đá mới, đã có những giao lưu hai chiều giữa các tộc người ở Ấn Độ và Đông Nam Á bằng đường biển vượt Ấn Độ dương vào vịnh Thái Lan bên cạnh một đợt thiên di và hoằng pháp của các vị tu sĩ, các thương gia buôn bán hương liệu vượt cao nguyên Tây Tạng men theo dòng sông Mêkông đến Mianma, rồi xuôi về vùng hạ lưu thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau nhiều thế kỷ tiếp xúc đã dần dần du nhập vào các dân tộc thuộc châu thổ sông Cửu Long nền văn hoá Ấn Độ mang hơi thở tôn giáo. Óc Eo từ đó trở thành một trung tâm văn hóa Phù Nam phát triển từ đầu công nguyên cho đến thế kỷ thứ 7 trên đồng bằng Nam Bộ. Bắt đầu từ ranh giới Võ Cạnh (Nha Trang ngày nay) kéo dài đến vùng Mé Nam và bán đảo Mã Lai và cả vùng Hải đảo phía Nam, mà một hình ảnh cụ thể có thể hiểu là: một tập hợp các tiểu vương quốc và những bộ lạc lớn được phân bố theo tộc người. Trong vùng hội tụ của những dòng giao lưu giữa các tộc người khác nhau của cổ vương quốc Phù Nam rộng lớn thông qua con đường truyền giáo và buôn bán đã có những quan hệ văn hoá mở rộng đến Trung Hoa, Java, Thái Lan, Mã Lai, Ấn Độ, Địa Trung Hải, Trung Á…, với một nền văn minh cảng thị tiên tiến. Chính từ nền văn minh cảng thị ấy, một nguồn lực tôn giáo được khởi mở đã hóa độ được một ông vua từng có thành tích chuyên đi chinh phục các nước láng giềng trở thành một Phật tử thuần thành để rồi khắc lên ý nguyện mang đậm yếu tố giáo lý Phật giáo trong bài minh văn của bi ký Võ Cạnh gắn chặt triều đại Srimara và dấu ấn Phật giáo khó phai mờ.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập