Một buổi lễ Quy y Tam bảo tại trường Sĩ quan lục quân Hàn Quốc

Đã đọc: 2576           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Các em đọc theo những lời phát nguyện cung kính 3 ngôi báu và giữ 5 điều đạo đức với nét mặt nửa thành kính nửa trẻ thơ. Tôi nhìn các em và thấy đầy tin yêu.

Sáng sớm sư cô bảo cùng đi với sư cô đến dự một buổi lễ trong trường Sĩ Quan Lục Quân. Tôi đồng ý mà không nghĩ nhiều, bởi sư cô đã bảo với vẻ chắc nịch như vậy thì khó mà từ chối, lại cũng chẳng có lý do gì từ chối.

Hôm nay là chủ nhật.

Sáng nay nắng đẹp và ấm. Chúng tôi đi khoảng một tiếng từ chùa đến ngôi trường đào tạo các chiến sĩ trẻ bảo vệ tổ quốc. Khắp nơi là những toán quân trong trang phục áo lính rằn ri hoặc đồ thể thao dài đang chạy thể dục hoặc đi đến các ngôi chùa, hội thánh, nhà thờ trong khuôn viên doanh trại quân đội để làm lễ. Không khí “quốc phòng” nơi đây vì thế trông có vẻ không mấy căng thẳng.

Đón chúng tôi trước cổng chùa là vị sư khá lớn tuổi, thân hình tròn đậm, đặc biệt có cái bụng như ngài Di Lặc, gương mặt phúc hậu. Bên cạnh sư là chú lính trẻ tuổi, cao gần 2m, gương mặt ngời sáng và thân thiện. Chánh điện có sức chứa không quá 100 người, được bày trí khá đơn sơ và trang nghiêm. Lúc chúng tôi đến chỉ có chừng 10 em, nhưng không đầy 10 phút sau, thì lượng quân binh đổ về chật kín cả giảng đường. Nhìn những gương mặt non trẻ, chưa “nhuốm bụi trần” và những đôi mắt rạng rỡ, khóe miệng như cười của các em mà lòng tôi hoan hỷ lạ. Các em đều dưới tuổi 23, cao to vạm vỡ nhưng nét trẻ thơ vẫn còn lẩn quất khắp trên từng đường nét gương mặt. Tự nhiên và trật tự, các em xếp gọn giày vào kệ rồi ngồi theo hàng lối ngay ngắn, vẫn rôm rả cười nói mà không ồn ào. Tôi cứ nhìn các em và từ trường của tình thương, niềm vui cứ thế tự nhiên tràn về.

Thực tế hôm nay không phải là buổi pháp thoại như tôi đã nghĩ, mà là buổi lễ quy y và thọ ngũ giới của các em trong trường Sĩ Quan Lục Quân. Buổi lễ được bắt đầu như thường khi với nghi thức Tam quy, tụng kinh Bát Nhã trên nền nhạc piano. Hòa thượng đăng đàn giảng giải về ý nghĩa Tam Quy Ngũ giới rồi chính thức truyền giới cho các em. Các em đọc theo những lời phát nguyện cung kính 3 ngôi báu và giữ 5 điều đạo đức với nét mặt nửa thành kính nửa trẻ thơ. Tôi nhìn các em và thấy đầy tin yêu.

Buổi lễ Quy Y ở xứ sở Kim chi còn có thêm phần chích một chút đầu nhang vào bắp tay phải của các tân giới tử. Tôi cũng không hỏi về nghi thức này, trong lòng liên tưởng đến việc tấn hương khi thọ Cụ Túc giới của các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni tại Việt Nam. Có những tiếng la oai oái, những cái giật bắn người, và thậm chí có em len lén trốn qua hàng bên cạnh để “thoát” phần này. Hòa thượng vẫn giữ nụ từ bi trên gương mặt, lần lượt chích nhang vào tay cho các em. Không khí nhộn nhạo hẳn. Sư cô bảo tôi cùng làm, mà nói thật, không đành lòng làm cho mấy em trai vừa đẹp vừa ngoan này đau tí nào, nên tôi chỉ thị giả sau hòa thượng và… cười.

Lễ tất, các em nhanh chóng tự dọn tấm trải ngồi, xếp hàng chụp hình lưu niệm rồi khiêng bàn ăn xuống để chuẩn bị bữa trưa. Thật rõ là các em trai Hàn rất giỏi, nhất là trong quân đội, tác phong nhanh gọn và làm việc rất hiệu quả, có trật tự. Trưa nay các em được quý Phật tử đãi món Chachangmyeon (Mì tương đen truyền thống) cùng bánh gạo, trái cây… Khi chúng tôi chưa kịp dọn đến phần trái cây tráng miệng thì các em đã “làm sạch” tô mì to như cái nồi cơm của mình. Tôi bật cười thật sự. Và cũng chỉ “vài nốt nhạc” sau thì chánh điện đã gọn gàng trở lại, bát đĩa bẩn, rác thực phẩm, bàn ăn… đã được thu dọn đâu ra đó, nền nhà được lau sạch, cửa kiếng được mở rộng để làm sạch mùi thức ăn. Có em đi về ký túc xá nghỉ ngơi, cũng có em tập piano ngay trên chánh điện, nhiều em quây quần nói chuyện… Khung cảnh bình thường mà nhiệm mầu hết sức. Thật sự nếu mỗi người Phật tử khi đến chùa đều được huấn luyện tác phong như thế thì các khóa tu ở các ngôi chùa Việt chắc không cần lượng phụng sự viên nhiều như vậy, ai cũng có thể dành thời gian lên tham dự khóa tu.

Chúng tôi được sư giới thiệu cho vị Đại tướng đã nghỉ hưu, hiện làm giáo sư tại trường ĐH Sejong. Vị này đồng thời cũng là vị đại thí chủ đã phát tâm xây ngôi chùa bên trong trường Sĩ Quan Lục Quân này. Ông có dáng người cao, khỏe, vững chãi, những đường nét rắn rỏi nghiêm nghị mà cũng hết sức bình hòa, nhân ái trên gương mặt. Hết sức khiêm cung, ông ngồi nói chuyện với chúng tôi và hoan hỷ kể cho tôi nghe chuyến du lịch Việt nam của ông vào tuần trước. Rõ là nhà binh, nhà giáo, những nhận định của ông hết sức sâu sắc và chính xác. Chúng tôi còn được gặp một sĩ quan trẻ, đang chịu trách nhiệm Tổng vụ (quản tự) cho ngôi chùa quân đội này. Nhanh nhẹn mà điềm đạm, cung kính và chân thành, đặc biệt nụ cười luôn nở trên môi và hết sức nghe lời sư phụ là những đặc điểm nổi bật của vị quản tự. Thậm chí khi “bị” sư giao cho nhiệm vụ… đi xay sinh tố cũng ngoan ngoãn vâng theo dù nguyên liệu thì thiếu, kinh nghiệm thì không có. Nhìn cái cách anh lo cho sư và lo cho các binh sĩ trẻ thật đáng khâm phục. Thật sự, Phật giáo Hàn Quốc đang trên đà xuống dốc trầm trọng với sự sụt giảm tín đồ nghiêm trọng. Tuy vậy, vì có những vị đại Hộ Pháp như vị Đại tướng và những lớp trẻ đang được nuôi dưỡng Bồ đề tâm như ngày hôm nay, tôi vẫn tin những điều lạc quan nhất vẫn còn ở phía trước.

Sư chia sẻ thêm những khó khăn của chùa, về tài chính, về nhân lực và cả sức khỏe đang ngày càng yếu dần qua bao lần phẫu thuật của sư… Sư bày tỏ mong muốn sư cô chịu khó thường lui tới để thuyết pháp và hỗ trợ tinh thần các em. Sư cũng nhờ các Phật tử hoan hỷ phát tâm đến chuẩn bị bữa trưa nhẹ cho các em, dù chỉ là bát mì gói… Sư đã già, thân thọ bệnh nặng, kinh tế thì eo hẹp… thế mà… tấm lòng với lớp trẻ, với sự nghiệp hoằng pháp vẫn vĩ đại biết mấy. Thương sư, thương các em, thương cả Phật giáo… tôi đã có kế hoạch cụ thể để góp một tay cùng sư ngay trong khóa tu học tiếp theo.

Rời trường Sĩ quan lục quân vào đầu giờ chiều, nắng vẫn vàng và gió vẫn mát trong… Yên tĩnh và lặng lẽ… Nhìn lại một lượt khung cảnh xung quanh, núi đồi hùng vĩ và những hàng rào kẽm gai chồng chất, tôi thầm cầu nguyện cho đất nước này bình an, cho những binh sĩ trẻ tuổi dễ thương kia được bình yên tu và học, làm tròn nhiệm vụ của mình cho đất nước mà không phải đánh đổi máu xương như bao thế hệ đã qua…

Vài điều góp ý, bổ sung, nhận định sau buổi lễ mang tính cá nhân:

@ trăn trở về tiền đồ Phật giáo và Phật giáo dành cho tuổi trẻ Hàn, tôi nghĩ nếu khóa tu có phần giao lưu vấn đáp, phát biểu ý kiến từ các em thì sẽ sôi nổi và cuốn hút hơn. Các em sẽ thấy sự gắn bó và niềm vui hơn mỗi chủ nhật đến chùa, chứ không chỉ là đi vì nhiệm vụ phải đi.

@ ngoài vị Hòa thượng truyền giới, còn nên có thêm một sư trẻ liên hệ 5 điều đạo đức với đời sống hiện đại hóa ngày nay, tính thiết thực và hữu ích của nó một cách sinh động, vui vẻ thì các em sẽ cảm nghiệm được sâu sắc hơn ý nghĩa giới pháp mình đã thọ.

@ Phật tử Hàn Quốc cần dõng mãnh phát tâm phụng sự trong những chương trình như vậy. Và giáo hội HQ, đặc biệt Tông phái Tào Khê cần có kế hoạch hỗ trợ nhân lực, tài lực một cách có hệ thống và toàn quốc cho tất cả các ngôi chùa, khóa tu diễn ra trong doanh trại quân đội nói riêng và cho sinh viên nói chung.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập