Tháp Đại Nhạn, ngàn năm mây trắng

Đã đọc: 3520           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Tác giả bên tượng Đường Tăng

Quảng trường mênh mông, tượng Đường Tam Tạng chắc bằng đồng đen nổi bật từ xa. Mọi người chỉ đứng tới mí dưới áo của Ngài. Nhà sư dáng người tầm thước, mặc áo cà sa, bàn tay trái xòe ra chắp trước ngực, cổ tay đeo chuỗi bồ đề, cánh tay áo quảy một túi vải rất lớn thòng đến đầu gối.

Tay phải cầm một thiền trượng. Đầu cạo trọc, hai vành tai to đẹp như tai phật, nét mặt hiền hòa nhưng ẩn chứa sự cương nghị quyết tâm. Tuổi khoảng năm sáu mươi. Chắc đây là tượng của nhà sư lúc thỉnh kinh trở về. Không thấy nét khắc khổ phong trần của con người vượt bao nhiêu hiểm nguy trắc trở đi cầu đạo, không thấy nét rắn rỏi hiển hiện của con người trải qua bao cuộc gian lao, đấu tranh trí tuệ. Chỉ thuần một nét điềm đạm, bình an.

Trí nhớ của tôi thuở ấu thơ in đậm hình ảnh Tam Tạng, người trắng trẻo đội mũ, nét mặt thật thà, da thịt thơm tho mà yêu quái nào cũng muốn ăn một miếng để được trường sinh. Thầy Đường Tăng cỡi con ngựa bạch, cùng ba đệ tử Tôn Ngộ Không vốn là con khỉ sinh ra từ đá, Trư Bát Giới Ngộ Năng mỏ heo là Thiên Bồng Nguyên soái bị đày xuống phàm trần và Sa Tăng Ngộ Tịnh. Sau này lớn lên tôi biết Ngô Thừa Ân viết truyện Tây Du Ký dựa vào câu chuyện có thật về nhà sư Trần Huyền Trang đời Đường sang Ấn Độ nghiên cứu học hỏi và đem nhiều kinh Phật về Trung Quốc.

 
Tượng Đường Tam Tạng, phía sau là Tháp Đại Nhạn

Nhưng Đường Tăng thật chỉ một mình, không có ba học trò, không thấy con ngựa bạch. Và bức tượng Ngài trước mặt tôi, như hiển hiện. Xúc động, tôi chấp tay chiêm bái hình ảnh huyền thoại của tuổi thơ, nhà sư tài ba vĩ đại của Phật giáo Trung Quốc và toàn cõi Á Đông. Sử Trung Hoa ghi lại, cậu bé Trần Vỹ sinh ra tại đất Lạc Dương, đời Tùy Văn Đế Dương Kiên, 13 tuổi đã xuất gia. Quy y năm 20 tuổi tại Trường An, nơi đây đã thành đế đô của nhà Đường. Nhiều năm đi đây đi đó, viếng nhiều cảnh chùa, tu học kinh sách Phật pháp với nhiều bậc thầy.

Càng học càng rối vì thấy có nhiều điều không nhất quán nên nung nấu trong lòng tâm nguyện cầu đạo gốc ngay đất Phật. Sư đã phải trốn đi, vì thời đó lệnh vua cấm dân chúng ra khỏi biên giới phía Tây, vì Đường Thái Tôn mới nắm quyền trị nước, mối quan hệ với Tây Vực đang căng thẳng.

Tôi đứng rất lâu ngắm nhìn Đường Tam Tạng, vô cùng cảm khái. Đúng đây là Trường An - đế đô nhà Hán, nhà Tùy, nhà Đường. Trong đầu tôi rõ mồn một các nhân vật trong truyện Thuyết Đường. Lý Thế Dân - sau này là Đường Thái Tôn - đánh Nam dẹp Bắc cùng các tướng tài Tần Thúc Bảo mặt vàng như nghệ gọi là Tần Huỳnh, Trình Gião Kim tài nghệ chỉ được ba búa mà có số hên, quân sư Từ Mậu Công lỗ mũi trâu.

 

 
Tháp Đại Nhạn và ngôi chùa trung tâm của đền Từ Ân

Em Lý Thế Dân là Lý Ngươn Bá người gầy nhom mà sức mạnh vô cùng được xếp là anh hùng số một. Nhân vật giang hồ hảo hớn nhất là Đơn Hùng Tín. Nhà Tùy sụp đổ, nhà Đường tiếp nối. Trong thời buổi tao loạn ấy, sư trẻ Huyền Trang mải mê học đạo, bỏ công tu học Kinh sách Tiểu Thừa (Theravàda) lẫn Đại thừa (Mahàyàna).

Hai mươi tám tuổi, sư Huyền Trang trốn ra khỏi nước. Hành trình gian khổ, trèo non lội suối vượt sa mạc mênh mông, nhiều lúc tưởng đã chết dọc đường. Sư chỉ đi một mình với con ngựa già đỡ chân. Trong Hồi ký Đại Đường Tây Vực ký do sư Huyền Trang soạn thì hành trình đến đất Phật còn nguy hiểm hơn các chuyện giả tưởng trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Có lúc lạc trong sa mạc, đói khát, kiệt lực, sư vẫn tiến tới phía trước và tự nhủ: “Trước kia đã thề nếu không đến được Tây phương cõi Phật quyết không trở về phía Đông độâ. Thà đến Tây phương mà chết hơn quay về sống hèn”.

Rồi như có phép màu. Một vùng xanh tươi hiện ra giữa sa mạc hoang vắng, sư uống nước suối và thoát chết. Sư kể trong hồi ký: “Không thấy con chim nào trên trời, không thấy con thú nào dưới đất. Không có cây cỏ nào mọc, không có dấu vết của con người. Không có nước và thức ăn. Tôi thấy hàng đống xương và vũ khí. Chập chờn bóng ma quái”. Có lúc bị bọn mọi bắt và sẵn sàng ăn thịt nhà sư. Rốt cuộc sư đã cảm hóa được chúng. Hai năm qua 110 nước để đến Ấn Độ, Sư theo Con đường Tơ lụa phía Bắc. Đến đất Phật, sư lưu học năm năm tại Na-Lan Đà-tu viện Phật giáo lớn nhất thời đó, dưới sự dìu dắt của pháp sư Giới Hiền, người có trên mười ngàn tín đồ học đạo.

 
Cổng Nam thành cổ Tây An

Về sau, vượt trội trong cuộc tranh luận Phật học lớn nhất thời bấy giờ, sư Huyền Trang trở nên lừng lẫy, được lòng tin yêu của các sư Ấn Độ và các tín đồ. Đặc biệt Sư được sự khâm phục và quý mến của vua Harsha, tín đồ Phật giáo cuối cùng uy quyền nhất. Vua nài nỉ Sư lưu lại nhưng Huyền Trang cương quyết trở về. Năm 643, Sư lên đường về quê nhà.

Năm 644 khi qua sông Indus thì năm mươi bản kinh bị rơi và trôi mất tăm. Sư cùng đoàn phải dừng lại cho người đi thỉnh lại các kinh đã mất. Chuyến thỉnh kinh cả lượt đi lượt về của Huyền Trang mất 17 năm. Năm 645 về đến Trường An, đoạn đường ông qua tính ra khoảng 25.000 cây số. Ông mang về nhiều tượng Phật, 150 xá lợi và 657 bộ kinh bằng tiếng Phạn. Ngày về Trường An thật vinh quang.

Từ đó vua Đường Thái Tôn rất kính trọng sư Huyền Trang, thường cầm tay hỏi han mọi sự, giao ông tường trình chuyến đi kỳ thú và vĩ đại. Đại Đường Tây Vực ký có được là do sư soạn theo lệnh vua. Vua ban cho ông danh hiệu Tam Tạng (tiếng Phạn là Tripitaka) vì là người tinh thông kinh sách cả Ba Tạng, gồm Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng.

Suy nghĩ miên man về con người thám hiểm vĩ đại, người cầu đạo kiên trì, nhà hành hương đĩnh ngộ học hỏi không mệt mỏi, tôi chợt nghĩ nếu tới Tây phương mà không đem kinh về được Đông độâ thì sao? Và nếu kinh còn nguyên gốc tiếng Phạn thì sao? Đường Tam Tạng đã miệt mài dịch Kinh.

Nhà sư đứng trước mặt tôi đã làm nên sự nghiệp vô tiền khoáng hậu tại ngôi tháp Đại Nhạn sừng sững uy nghi vút lên trên trời xanh, mây trắng bay bay đàng xa kia, trong vòng thành của đền Từ Ân. Vòng thành của đền nhìn đến mút mắt. Đền được Thái tử Lý Trị (sau lên ngôi là Đường Cao Tôn) xây để tưởng niệm mẫu hậu. Khuôn viên của đền rộng khoảng 30.000m2.

Có một ngôi chùa lớn ở trung tâm đền, khói nhang nghi ngút, đông nghẹt người kính tín. Tôi nhắm hướng ngôi tháp cao đàng xa mà đi tới. Tháp cao quá, đứng gần ngước nhìn mỏi cổ. Tháp bảy tầng, bằng gạch. Được biết hiện nay tháp cao sáu mươi bốn thước. Tôi lại lặng người chiêm bái. Sư Huyền Trang thỉnh kinh về, tấu xin vua cho xây tháp theo kiểu Ấn để cất giữ kinh Phật. Vua Đường Thái Tôn rất vui chuẩn tấu.

 
Tháp Đại Nhàn bảy tầng cao 64 mét, nơi Đường Tam Tạng dịch kinh

Tháp được xây có năm tầng trong khuôn viên đền Từ Ân. Năm mươi năm sau tháp bị sụp. Nữ hoàng Võ Tắc Thiên cho tu sửa lên thành mười tầng. Trận động đất năm 1557 làm tháp bị lún ba tầng, còn lại bảy tầng và có chiều cao như hiện nay, rồi được trùng tu vào đời nhà Minh và mới đây vào năm 1964. Tôi hơi ngạc nhiên về thiêän ý tu sửa tháp Đại Nhạn của Võ Hậu, người vốn sùng bái Đạo Lão có tài trị nước nhưng cũng đầy nhẫn tâm. Qua bao nhiêu năm tháng mà tháp Đại Nhạn vẫn còn đó, uy nghi thanh thoát. Các tiền bối kiến trúc cổ xưa thật đáng khâm phục.

Tại sao lại có tên là Tháp Đại Nhạn? Tên thật đẹp thật hay. Sư Huyền Trang giống như con chim nhạn lớn bay đi thật xa, rồi lại quay về (có người gọi là tháp Đại Ưng, còn tên tiếng Anh là Wild Big Goose Pagoda). Gần một ngàn năm trăm năm trước, bậc Đại Tăng của Đại Đường đã dịch kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán tại tháp Đại Nhạn này. Nhìn tháp in trên nền trời xanh, mây trắng bay bay, nhớ câu thơ trong bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu: Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay (Tản Đà dịch). Các bản dịch của Đường Tam Tạng đã đem lời dạy của đức Phật đến khắp cõi Á Đông.

Còn thú vị nữa là, sau khi sư Huyền Trang rời đất Phật thì chẳng lâu, Ấn giáo mạnh lên, làm lu mờ đạo Phật, rồi các vua Hồi giáo đến hủy hoại cả Ấn giáo và Phật giáo. Nhờ kinh gốc và bản dịch của Đường Tam Tạng mà lời dạy của Phật còn nguyên. Sư Huyền Trang là người dịch kinh Phật từ tiếng Phạn ra Hán tự số một trong bốn vị uy tín nhất thuở ấy. Các bản dịch của ông đồ sộ nhất, chuẩn nhất và có ảnh hưởng lớn nhất.

Sức làm việc của sư thật kinh khủng, miệt mài dịch bảy mươi lăm bộ kinh, một ngàn ba trăm ba mươi lăm quyển. Sư là một học giả vĩ đại, từ nhỏ thông Nho học, trước khi sang Tây phương, sư đã bỏ công học nhiều ngoại ngữ và nắm vững tiếng Phạn. Ở đất Phật, sư lại tinh luyện tiếng Phạn đến mức thắng lợi trong các cuộc tranh luận và được các học giả và tín đồ ở đó tâm phục khẩu phục.

Thăm bảo tàng Rừng Bia vốn xưa kia là miếu thờ Khổng Tử ở ngay cửa Nam thành cổ Tây An, tôi quá bất ngờ và thú vị. Bên các tấm bia đá cổ xưa khắc các kinh sách Nho giáo cổ điển như Hiếu Kinh, Tứ Thư, Ngũ Kinh từ đời Đường, tôi cảm khái tấm bia khắc bài Giới thiệu các lời dạy thiêng liêng của sư Tam Tạng, nước Đại Đường do vua Đường Minh Hoàng đích thân soạn. Người hướng dẫn chỉ bức tượng đá hoa cương trắng tạc Lão Tử và hỏi tôi có biết là Đường Tam Tạng cũng là người dịch bản Đạo Đức Kinh sang tiếng Ấn Độ để giới thiệu văn hóa Trung Hoa. Thật sòng phẳng, có đi có lại.

 
Bia đá khắc bài giới thiệu những lời dạy thiêng liêng của Tam Tạng, nước Đại Đường do vua Đường Minh Hoàng soạn

Taxi đưa tôi từ Tháp Đại Nhạn trở về đến cửa Nam thành cổ Tây An. Tôi chợt nghĩ đến điều thú vị, tháp nằm bên ngoài thành cổ Tây an, mà xưa kia tháp Đại Nhạn và đền Từ Ân nằm bên trong thành Trường An, thì ra đế đô của nhà Đường được xây trên vị trí hiện nay của Tây An, nhưng rất rộng lớn, ước tính chu vi là 35km, rồi khi nữ hoàng Võ Tắc Thiên cho dời đô về Lạc Dương thì cho phá hủy Trường An. Tại sao bà chừa lại và trùng tu Tháp Đại Nhạn? Vua Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương cho xây thành Tây An vững chắc, còn y nguyên cho đến ngày nay, nhưng nhỏ hơn nhiều, chu vi chỉ có 12km.

Tôi được thăm đất Trường An, Tây An xưa và nay. Quá khứ Trung Quốc chồng chất tại đây: đế đô Phong, Hạo của nhà Chu, Kinh đô Hàm Dương của vua Tần, đế đô Trường An của Hán Cao Tổ nằm hai bên bờ sông Vị Thủy. Tôi được thăm bảo tàng Bình Mã Dũng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, được cùng nhà thơ Bạch Cư Dị ngậm ngùi cho mối tình của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi tại Thanh Hoa Trì nơi mỹ nhân thường tắm gội.

Và tháp Đại Nhạn với tượng Đường Tam Tạng lại đậm nét nhất trong tôi.

 

Theo: doanhnhansaigon.vn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập