Ngũ Đài Sơn - Đệ nhất Thánh tích

Đã đọc: 6607           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ngũ Đài Sơn là một trong tứ đại danh sơn lớn và nổi tiếng của Phật giáo Trung Hoa. Nơi đây là đạo tràng của Bồ Tát Văn Thù Manjusri – biểu tượng cho trí tuệ giác ngộ của Phật giáo Đại thừa. Những ai đã từng được đặt chân tới nơi thánh địa này mới cảm nhận được đầy đủ và trọn vẹn ba chữ: “Thanh Lương địa” (vùng đất trong lành, mát mẻ).

Gác lại bao công việc còn ngổn ngang, bao tâm tư phải lo lắng, đoàn chúng tôi gồm 21 người do Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Ban văn hóa TWGHPG Việt Nam, Trụ trì Chùa Hương làm trưởng đoàn khởi hành từ Thủ đô Hà Nội vào một ngày cuối thu đến Ngũ Đài Sơn - nơi được UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa Thế giới.

Ảnh: Sơn Nam

Với nhiều thành viên trong đoàn thì đây là lần thứ 2 chúng tôi trở lại đất nước Trung Hoa rộng lớn. Không phải chỉ để thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ kính, mà tất cả chúng tôi đến đây đều với một khát khao được thỉnh cầu Phật Pháp, chuyển hóa trong tâm hồn mình năng lượng thương yêu của Đức Phật, của Chư vị Bồ Tát mong gieo trồng công đức, viên thành Phật đạo.

Do có sự chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi từ rất sớm lại được sự quan tâm của Thượng tọa và hai vị Đại Đức nên đoàn chúng tôi khởi hành vô cùng hoan hỉ. Đáp máy bay từ thành phố Nam Ninh, sau gần 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại Thái Nguyên - Thủ phủ tỉnh Sơn Tây, từ đó đi ô tô lên Ngũ Đài Sơn.

Phải ghi nhận giao thông ở Trung Quốc rất thuận tiện, đường cao tốc đẹp và rộng rãi, thỉnh thoảng lại có các trạm cho du khách nghỉ chân. Có lẽ ấn tượng nhất của chặng đường từ Thái Nguyên lên Ngũ Đài Sơn là đường hầm dài 6.000 m xuyên qua núi Phong Hoàng, gọi là hầm Diêm Sơn.

Ở vùng đất này, khí hậu khắc nghiệt nên hai bên đường chủ yếu là đồi trọc không có dân cư sinh sống. Chỉ đến khi thị trấn Đài Hoài hiện ra mới cảm nhận được màu xanh của núi đồi với bạt ngàn thông xanh và những cây phong lá đỏ. Một phong cảnh tuyệt đẹp, núi liền núi gối đầu lên mây và tuyết trắng. Chúng tôi đến Đài Hoài khi trời đã về chiều, cảm nhận rõ cái lạnh của phương Bắc. Nhiệt độ lúc này đã xuống khoảng dưới 10 độ, nhưng tất cả các thành viên trong đoàn đều hoan hỉ.

Hoan hỉ bởi đã vượt qua chặng đường dài bình an. Hoan hỉ bởi đã được đặt chân đến Thánh địa của Bồ Tát Văn Thù. Với Phật tử Diệu Hỷ - người già nhất trong đoàn chúng tôi (năm nay cụ đã gần 80 tuổi) thì sự hoan hỉ ấy còn được dồn nén từ những khát khao mà cả đời cụ đã tu tập. Vừa được mọi người dìu xuống xe, cụ đã chắp tay hướng về thánh địa liên tục niệm Nam mô A di đà Phật.

Gió hun hút thổi, giữa bốn bề là núi, nhìn cụ già gần 80 tuổi hào hứng bước đi, vững chãi leo từng bậc, tôi thấy được sức mạnh phi thường của niềm tin nơi Phật Pháp. Chỉ có niềm tin, lòng thành kính hướng về Tam Bảo mới có thể xua đi mọi rào cản về tuổi tác, sự cách biệt về địa lý và vượt qua được bao vất vả khó khăn. Tôi bỗng nhớ hai câu thơ Thượng tọa Minh Hiền đã đọc trên đường đi:

“Núi không cao thì cảnh chẳng kỳ

Đường không dài thì lòng người khôn tỏ”

Đứng dưới chân núi ngước nhìn toàn bộ phong cảnh Ngũ Đài Sơn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp hùng vỹ và linh thiêng huyền bí. Khác với Phổ Đà Sơn diễm lệ như ngọc bích, quanh năm sóng vỗ rì rào, Ngũ Đài Sơn như những tòa cổ sái. Một bên xanh biếc quanh năm, một bên tuyết trắng bốn mùa. Tọa lạc ở huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Ngũ Đài Sơn gồm năm ngọn núi có đỉnh cao từ 2.500 đến hơn 3.000 m so với mặt nước biển

Khí hậu trung bình năm khoảng 2 đến 3 độ C. Bốn đài Đông, Tây, Trung, Bắc xếp thành một đường vòng cung lần lượt có tên là Vọng Hải phong, Quản Nguyệt phong, Cẩm Tú phong và Hiệp Đầu phong.

Chính giữa là ngọn Thúy Nham phong còn được gọi là Thanh Lương sơn (nghĩa là núi trong lành và mát lạnh). Các ngôi chùa Phật giáo bắt đầu được xây dựng trên dãy núi này từ khoảng thế kỷ thứ nhất theo Công lịch.

Tổng cộng hơn 60 ngôi chùa, 150 tháp, 146.000 tượng cùng nhiều bức bích họa và bản khắc. Thánh địa Ngũ Đài Sơn là nơi chứng kiến sự phát triển của đạo Phật ở Trung Quốc suốt gần hai nghìn năm. Trải qua các cuộc thăng trầm của Phật giáo và lịch sử Trung Hoa nên nhiều chùa, viện cũng không còn được nguyên vẹn. Tuy vậy, các giá trị lịch sử, văn hóa ở khu vực này vẫn vô cùng to lớn.

Theo đánh giá của UNESCO, các công trình này “còn tạo ảnh hưởng tới việc xây dựng những cung điện ở Trung Quốc trong hơn một thiên niên kỷ”. Ngũ Đài Sơn là nơi duy nhất có sự kết hợp các dòng Phật giáo của người Hán bản địa với các dòng Phật giáo từ Tây Tạng và Nội Mông Cổ.

Hệ thống chùa chiền nhiều nhưng tựu chung lại ở đây có hai dòng Phật giáo lớn là Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Mật tông. Tương truyền nơi đây Bồ Tát Văn Thù thường hay thị hiện để độ thoát chúng sinh nên trong chùa Phật của Ngũ Đài Sơn phổ biến là thờ tượng ngài Văn Thù Bồ Tát - Đức Phật của đại trí, của tuệ giác vô biên.

Ảnh: Sơn Nam

Lâu đời nhất trong số chùa Phật ở Ngũ Đài Sơn là chùa Đại Hiển Thông, xây dựng đời Minh Đế nhà Đông Hán (năm 58 - 73 Tây lịch). Trong chùa Hiển Thông có ngôi điện Vô Lương cao đến bốn trượng, dài hơn mười trượng, toàn bộ dùng gạch đá xây dựng nên, không một trụ chống mái nên lại có tên là Vô Lương điện (ngôi điện không rường)

Ngôi điện này thờ Bồ Tát Văn Thù hay còn gọi là Thiên bát, Thiên tý, Thiên Thích Ca bởi Ngài có 1.000 tay, trên mỗi bàn tay co lại như hàng nghìn cái bát, trên đó an vị 1.000 vị Thích Ca. Đây là kiệt tác trong lịch sử kiến trúc của Trung Quốc, đã có hơn bốn trăm năm lịch sử. Phía bắc điện là “Đồng điện” được xây dựng năm 1606 sau Công nguyên do một vị Hoàng đế hiệu Vạn Lịch đời nhà Minh khởi công xây dựng. Hòa thượng Diệu Phong – Một cao tăng ở Giới Châu đã thiết kế công trình này, sau 4 năm thì hoàn thành.

Toàn bộ dùng bằng đồng mà đúc nên, phỏng theo kiến trúc bằng gỗ, bên trong điện một vạn tượng Phật đồng, điêu khắc sinh động, là tác phẩm tinh vi của nghệ thuật Phật giáo thời cổ đại. Xung quanh điện Đồng là 5 bảo tháp đồng biểu trưng của Ngũ Đài Sơn (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung Đài).

Từ chùa Hiển Thông lên núi, qua một trăm lẻ tám bậc thềm đá là lên đến đỉnh Bồ Tát. Kiến trúc của Bồ Tát đỉnh đều phỏng theo kiểu cung điện, nóc điện lợp ngói lưu ly, vàng ngọc chói lọi, giống như hoàng cung, tương truyền là chỗ xuất gia của Hoàng đế Thuận Trị.

Bên dưới chùa Hiển Thông là ngôi Bạch Tháp thờ Xá lợi Phật cao 51 m, đỉnh tháp có “đồng bàn” (một hình thức kiến trúc hình mâm tròn bằng đồng), xung quanh có trang trí những chuông lắc nhỏ bằng đồng. Bạch Tháp là một trong những tác phẩm mang đậm phong cách kiến trúc Tạng truyền.

Sau khi chiêm bái Trấn Hải Tự, Nam Sơn Tự, Thọ Ninh Tự …, cả đoàn chúng tôi lên chiêm bái Hiển Thông tự khi mặt trời đã lên cao. Ánh nắng vàng óng vẫn không xua tan được cái buốt giá của vùng phương Bắc. Mặt trời đã lên bằng con sào vậy mà mặt trăng vẫn chưa lặn.

Thượng tọa Thích Minh Hiền thốt lên “tuyệt quá”. Thầy bảo đây là nơi “Nhật nguyệt giao hòa”, “Nơi từ bi và trí tuệ hợp nhất”. Câu nói sâu xa hàm ý muốn dạy chúng tôi về mối quan hệ giữa lòng từ bi và trí tuệ. Phải rồi, từ bi mà không có trí tuệ thì dễ vướng vào hệ lụy ràng buộc, có khi lại thiêu cả rừng công đức. Trí tuệ mà không có từ bi thì “tình dữ vô tình”, tự cao tự đại.

Trong vòng 6 năm, chúng tôi đã được chiêm bái đủ 4 thánh tích của Phật giáo Trung Quốc, đó là Phổ Đà Sơn, Nga My Sơn, Cửu Hoa Sơn và Ngũ Đài Sơn. Qua mỗi chuyến đi, chúng tôi đều đã cảm nhận được năng lượng thương yêu của Đức Phật; từ lòng từ bi của Bồ Tát Quan Âm đến Kham nhẫn của Bồ Tát Địa Tạng, Hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền và hôm nay là Trí tuệ của Bồ Tát Văn Thù.

Có lẽ Thầy muốn chúng tôi hiểu rằng sự giác ngộ chính là sự phát triển tột đỉnh của trí tuệ, là sự hiểu biết toàn diện và khi đã giác ngộ thì sẽ được giải thoát.

Miên man trong dòng suy nghĩ về từ bi và trí tuệ, chúng tôi đã chiêm bái được nhiều danh thắng trong quần thể Ngũ Đài Sơn. Đứng trên cao phóng tầm mắt xuống núi mới cảm nhận rõ phong cảnh tuyệt vời. Trời cao trong xanh, ánh nắng vàng lấp lánh. Từng tia nắng xuyên qua những màn sương mờ mờ ảo ảo, xa xa thấp thoáng những mái chùa cổ kính tạc vào vách núi.

Chúng tôi xuống núi mang theo niềm tin và sự hoan hỉ vì đã mang ước nguyện đến được thánh địa của Bồ Tát Văn Thù. Nhiều người trong đoàn còn luyến tiếc vì thời gian chiêm bái nơi này ít quá. Phật tử Diệu Hỷ - người già gần 80 tuổi trong đoàn chúng tôi như khỏe thêm ra. Cụ bảo Bồ Tát độ cho cụ đấy. Và chúng tôi tin là như thế!

Chiêm ân công đức của Đức Phật, của Thượng tọa và hai vị Đại Đức, chúng tôi đã có một chuyến hành hương an lạc. Không chỉ là chiêm bái cầu nguyện mà thực sự đây là một hành trình tìm lại những gì thanh khiết nhất. Tôi hiểu tại sao trước khi vào lễ Phật, Thượng tọa Thích Minh Hiền lại cho chúng tôi xông hương. Thầy luôn dạy chúng tôi rằng không phải chỉ thơm tho sạch sẽ bên ngoài mà cái quan trọng là tâm phải trong sáng.

Con người khi sinh ra đã có Tâm và Thân, Thiện và Ác. Vì vậy, khi nào tâm trí của con người bị vô minh phiền não che lấp thì đó chính là nguyên nhân đưa đến sự đau khổ. Sự khổ đau đó chỉ chấm dứt khi nào tâm con người được trong sáng, không còn ngộ nhận, không còn vấp ngã.

Quá trình tu tập để phát triển trí tuệ, làm sáng cái đức sáng, thân với nhân tâm thì đạt được hạnh phúc; tham vọng ích kỷ được chuyển hóa thành vị tha, hận thù được chuyển hóa thành từ bi, mê muội được chuyển hóa thành trí tuệ.

Trong quá trình chuyển hóa đó, nội tâm được gạn lọc. Những cặn bã vô minh được tẩy trừ, để tâm trí hoàn toàn trong sáng. Đó chính là cao điểm của trí tuệ và sự giác ngộ.

Theo: Tin tức

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập